Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

7 điều con trẻ nói với các chuyên gia tâm lý nhưng sợ nói với bố mẹ


Bạn có nhớ khi mình còn là một đứa bé và mong ước được nói điều gì đó với bố mẹ mà bạn sợ và không thể nói được không?

Là một nhà tâm lý trẻ em, tôi đã nói chuyện với các em về nhiều vấn đề mà chúng sợ phải nói với ba mẹ.

Tôi không nói về việc khơi gợi hay cố nắm bắt những gì chúng muốn. Tôi chỉ đề cập đến những vấn đề của con tim, khối óc, tâm hồn và những điều mà cuộc sống chúng ta ảnh hưởng trên các thế hệ. Đó là những việc mà tôi ao ước các em sẽ nói với tôi nếu chúng cảm thấy đó là một nhu cầu. Vì thế, nó không nằm trong một trật tự đặc biệt nào. Đây là những điều tôi nghe các em nói, có thể con bạn cũng sẽ nghĩ như vậy:

1. “Tại sao tôi phải xin lỗi trong khi ba tôi thì không?”

Con trẻ bắt đầu học biết đúng sai ngay trong những năm đầu đời, trước tiên từ những gì cha mẹ và những người có thẩm quyền trên chúng. Sau những chuyện sai trái, người lớn có thể làm lơ hay gạt qua một bên hoặc cho “đóng băng” một thời gian, nhưng con cái thì không, chúng rất để ý cách cha mẹ ứng xử trước những sai sót. Con ở tuổi đến trường thường ghi nhớ những phản ứng mạnh mẽ, những sai lầm vô ý, hay những hành xử sai chức năng của cha mẹ. Hơn thế, những điều này không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức của con trẻ mà còn ảnh hưởng đến khả năng nhận ra sự sai trái của chính mình.

2. Tại sao bạn trai của mẹ sống trong nhà khi mà họ vừa mới ly dị?

Tôi bị dằn vặt nhiều lần trong thời gian cha mẹ tôi quá nhanh chóng quyết định tình trạng chung sống của họ, mà không quan tâm đến sự sắp đặt thay đổi mới của chúng tôi. Họ làm cứ như là thay một tấm bọc nệm mới trên giường ngủ vậy. Có một lần, một phụ huynh nói với tôi, đây là một ‘quyết định của người lớn’ và đó không phải là quyết định của con cái. Vâng, đúng là quyết định của người lớn, nhưng nó có thể ảnh hưởng nặng nề đến con cái trong nhiều lĩnh vực và bạn nên nghĩ đến điều này để mà hành xử với chúng.

Ngoài việc thay đổi tình trạng chung sống, con cái cũng quan tâm đến những mối quan hệ mà cha mẹ chúng có và sự thay đổi người ‘bạn tình’ mà chúng cho là nghịch lại với ba hay mẹ của chúng. Nếu bạn - một người lớn - có người bạn nhậu nhẹt, chửi thề, bản chất thô lỗ và bạn cố thuyết phục con bạn nghĩ “ tốt” về người ấy, thì quả là một điều khó.

3. “Con ghét mẹ hút thuốc vì con không muốn mẹ chết.”

Cho dù là ăn nhậu, say xỉn, hút thuốc hay bất cứ một thói quen xấu nào khác, trẻ con đều không muốn có nơi cha mẹ chúng - vì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bố mẹ. Ngoài những lo lắng và rắc rối do các thói quen xấu gây ra, trẻ con rất “ghét” thấy bố mẹ chúng phải chiến đấu với sự đau đớn. Ngược lại với điều này, con cái thật sự thích nói và ca ngợi cha mẹ về những “sự tốt lành” trong mọi lĩnh vực của các ngài.

4. “Bố mẹ luôn cãi nhau và dễ nổi sùng vì mọi thứ.”

Đây có lẽ là một trong những câu tôi thường nghe nhất. Với mỗi sự kiện mà tôi biết được, vấn đề đặt ra luôn là sự thật nằm ở đâu, và tôi không nghi ngờ trong một số trường hợp, câu nói này không luôn phản ảnh bầu khí thật sự của gia đình. Nhưng với một số gia đình đúng là như vậy, nó cho thấy mức độ căng thẳng ngập tràn nơi những đứa trẻ, thật sự không tốt cho sức khỏe và tâm lý của chúng. Chúng phải cố gắng hài hòa hết mức theo tâm trạng khó chịu và bực bội của cha mẹ, và làm cho chúng càm thấy tình trạng gia đình, giận dữ nhiều hơn hạnh phúc.

5. “Ông ta không bao giờ làm, vậy tại sao tôi phải làm?”

Hơn một lần, tôi nghe một cậu bé than phiền, rằng cha cậu dường như không bao giờ ra tay dạy dỗ hay giúp đỡ cậu chuyện gì, vậy sao cậu phải làm điều đó? Cũng thế, có nhiều lúc những tiêu chuẩn cách xa giữa cha mẹ và con cái là thích đáng (thí dụ, con không thể lái xe nhưng ba có thể) và có khi những trách nhiệm không cần được sắp xếp theo một cách cân đối hoàn hảo. Nhưng tôi phải thường xuyên nhắc nhở chính mình những gì tôi biết. Nếu tôi muốn con tôi phát triển trong một lĩnh vực nào đó và thi hành những nhiệm vụ mới, tôi phải cho thấy khả năng và sự hoạt động đều đặn của mình. Hơn nữa, tôi chắc chắn mình sẽ không bị mắc kẹt giữa những gì mình nói và những gì mình làm.

6. “Con chưa bao giờ nghe ba mẹ nói gì về những việc tốt con đã làm.”

Là cha mẹ, hầu như chúng ta luôn nói ra những ý nghĩ phê phán khi con cái cãi nhau, vứt quần áo bê bối, làm nghẹt bồn cầu với rác rưởi, giấy vụn… Nhưng lại không tỏ ra quan tâm những lần con đã làm tốt, con tuân theo những đòi hỏi của chúng ta… những lời khích lệ đó hầu như không xảy ra trong đầu hay trên môi miệng của cha mẹ. Tuy nhiên, những nghiên cứu hiện nay cho thấy việc thường xuyên nói những lời khích lệ, động viên khi con làm đúng, chẳng những mang lại tương quan tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái, mà còn hạn chế những điều sai trái nơi con trẻ trong hành trình tuổi thơ của chúng.

7. “Con thật sự quan tâm đến việc bố mẹ đánh giá con như thế nào.”

Tôi nghĩ, sự đánh giá tích cực rất quan trọng cho dù con chúng ta (đặc biệt tuổi vị thành niên) tỏ ra không thừa nhận nó. Khi con cái trưởng thành, chúng có thể hành động như không quan tâm đến những gì chúng ta nghĩ về chúng, hay về những gì chúng làm. Tuy nhiên, sự dán nhãn của cha mẹ lên con cái phản ảnh thời gian và sự quan tâm của chúng ta dành cho con trẻ, nó tác động nơi con nhiều hơn chúng ta nghĩ, thậm chí còn nhiều hơn chúng ta đã làm điều đó. Nó gắn sâu vào những ngõ ngách của tâm hồn con trẻ và tạo ra những tính cách riêng, những công bố riêng mà nó sẽ xuất hiện một cách tự nhiên không ngờ. Con cái sẽ không luôn luôn giống như bạn nhưng hy vọng chúng sẽ luôn yêu bạn.

Và có lẽ, ước mong như thế, lần này chúng sẽ thật sự nói ra điều đó.

(7 Things kids tell psychologists – but are too afraid to tell their parents / Jim Schroeder )

Cành DươngSTMTY chuyển ngữ 3598    30-10-2017