Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Bước theo Chúa trên con đường khổ giá.

Chúa nhật tuần XXII TN  

BƯỚC THEO CHÚA TRÊN CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ

Mt 16, 21-27

 

Sau khi đã nghe thánh Phê-rô tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giêsu nghĩ rằng đây là giây phút thuận tiện đễ dẫn đưa các môn đệ của mình vào trong mặc khải mầu nhiệm của Ngài: đây là lần đầu tiên (sẽ còn hai lần khác nữa) Ngài loan báo cho họ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài: “Người phải chịu nhiều đau khổ, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Mỗi lần loan báo về cái chết của mình, Ngài liên kết những viễn cảnh của cuộc Tử Nạn của Ngài với biến cố Phục Sinh.

Trang Tin Mừng hôm nay chính là phần tiếp theo bài đọc Tin Mừng Chúa nhật tuần trước. Ta thấy Phêrô nhân danh nhóm Mười Hai tông đồ đã thừa nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêsia hay Đấng Kitô. Và lúc đó Phêrô được Chúa Giêsu khen là có phúc vì đã nhận được “mạc khải” ấy từ Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã thấy sự thù nghịch của các quyền bính cũng như sự bỏ rơi của dân chúng ngày càng tăng lên. Người phân tích rất kỹ sự chống đối này, nó đang phát triển và sẽ lôi kéo toàn bộ Giêrusalem “các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư…”, mọi viên chức, mọi nhà lãnh đạo tại thủ đô và Người tình nguyện đi đến nơi đó!

Từ ngày đó, Chúa Giêsu sẽ loan báo ba lần cuộc khổ nạn của Người (Mt 16,21; 17,22-23; 20,18-19). Như vậy, ta thấy Chúa Giêsu đã sống từ tuần này sang tuần khác với tư tưởng về cái chết của Người. Lúc đó, Người khoảng 30 tuổi. Sứ vụ của Người rất quan trọng, không bao lâu nữa sẽ hoàn tất một cách tàn nhẫn. Về phương diện con người mà xét, đó là sự thất bại, là chấm dứt mọi sự. Không cần phải là thần thánh để thấy trước những kỳ hạn nào đó không thể tránh khỏi.

 Chúa Giêsu bình thản loan báo cái chết của Người. Đấng mà nguyên việc xuất hiện đã làm nẩy sinh mùa xuân của thế giới, nay sẽ phải nếm cơn hấp hối của sự từ bỏ hoàn toàn. Người ý thức sáng suốt định mệnh của mình, tuy nhiên vẫn biết rõ rằng, theo cách tính toán nhân loại, điều sắp xảy đến lẽ ra chẳng được xảy đến. Nhưng Người không buồn tủi, mà hoàn toàn tín thác vào Chúa Cha: Người biết hòn đá bị loại bỏ dù thế nào đi nữa cũng sẽ trở thành viên đá đỉnh góc.

Chúa Giêsu đề nghị một lý luận hoàn toàn khác hẳn. Lý luận của thập giá! Lý luận của tình yêu! Hoàn toàn trái ngược với điều mà thế gian đề nghị với chúng ta, Đức Giêsu nói: “phải từ bỏ chính mình”. Không có tình yêu thương chân thật nếu không có sự từ bỏ chính mình.

Và chỉ cần đưa ra một số hoàn cảnh đau thương trong đó tình yêu bị nguy ngập, để hiểu rằng tình yêu phải trả giá đắt: Tha thứ cho một kẻ thù. Có đủ can đảm để nói rằng mình theo Giêsu trong một môi trường vô tín hoặc nhạo báng. Yêu thương người phối ngẫu một cách trung tín. Tiếp tục phục vụ con cái xem ra đang chế giễu bạn. Giữ vững ý thức chia sẻ khi mọi sự đều kích thích ta tích lũy và tiêu xài cho chính bản thân. Luôn giữ sự lương thiện trong các thương vụ khi mà những quy luật về kinh tế hoặc chính trị là những luật rừng, cá lớn nuốt cá bé. Để yêu thương cho đúng nghĩa, phải chịu trả giá.

Cuộc Khổ nạn là một yếu tố trong chương trình cứu rỗi: nó rất “cần thiết”. Đó là phần thâm sâu nhất, mầu nhiệm nhất, “mới mẻ” nhất của tâm hồn và sứ mệnh Chúa Giêsu. Nhưng đó cũng là lý do trường cửu của sự vấp phạm; nó đã là cớ vấp phạm cho dân Do thái, cũng như là đề tài thắc mắc của Giáo Hội sơ khai và Giáo Hội mọi thời. Trước đấy, nó đã là vấn đề của sách Gióp: sau cuộc lưu đầy, Israel tự thắc mắc về ý nghĩa sự “công chính” của Thiên Chúa. Nói cách khác, được làm tuyển dân của Thiên Chúa, được làm đối tượng của tình yêu Ngài có nghĩa là gì? Qua lời mặc khải của Chúa Giêsu, điều mà trong sách Gióp xem như là một luật trừ (sự đau khổ của người công chính) thì nay thành luật chung: tình yêu Thiên Chúa đi ngang qua thập giá. Gương Phêrô từ chối nhìn nhận dung mạo đau khổ của Chúa Kitô là một bài học cho Giáo Hội và cho mọi kẻ tin.

Quy luật sống của người môn đệ được tổng hợp trong ba điểm: từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và bước theo.

“Từ bỏ chính mình” là bỏ đi cả những khát vọng, những đòi hỏi chính đáng của mình mà nhận lấy khát vọng và đòi hỏi của kẻ khác; tức là không phải chỉ chiến thắng các cám dỗ, mà còn bỏ ra sau những quyền lợi chính đáng của riêng mình.

“Vác thập giá mình” là chấp nhận bản án thập giá; tức là từ bỏ những tiện nghi thoải mái và cả mạng sống mình vì muốn trung thành với Đức Giêsu và với sứ mạng của Người.

“Bước theo” không có nghĩa là “đồng hành”, “tháp tùng” để làm vinh dự cho thầy, nhưng là bắt chước các phong thái của thầy, lặp lại những chọn lựa của thầy, tức là nối tiếp công trình mà thầy đã bắt đầu với biết bao hy sinh đau khổ. Đau khổ của Đức Giêsu và đời môn đệ với các đau khổ thuộc về nhau. Ta chỉ có thể thực sự hiểu Đức Giêsu bằng cách bước theo Người trong đau khổ.

Làm tín hữu là “bước theo Đức Giêsu”. Vừa chào đời, mạng sống của Người đã bị đe dọa; sau đó Người đã làm nghề thợ mộc ở Nadarét trong mộtthời gian dài. Khi bắt đầu cuộc đời trần thế, Người đã bắt đầu đi dưới bóng cái chết: cái chết càng lúc càng tỏ hiện rõ ràng hơn. Các môn đệ của Đức Giêsu cần ý thức rằng họ đang đi theo một vị Thầy đã chấp nhận một cuộc sống hiểm nghèo, thì mới đưa lại hạnh phúc cho người khác.

Hóa ra con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đanh. Con đường “đánh mất chính mình“, để tìm lại được chính mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “đánh mất chính mình“, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).

Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính minh, vác thập giá mình và theo Thầy” (Mt 16, 24). Theo Chúa khi chấp nhận thập giá của mình với lòng yêu mến. Dưới con mắt thế gian, “đánh mất đi sự sống” là một thất bại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận … chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo.

Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Ðức Giêsu mang lấy thập giá của tất cả mọi người và trở thành suối nguồn ơn thánh cứu độ cho toàn dân. Thánh Cirillo thành Giêrusalem giải thích rằng: “Thập giá chiến thắng đã soi sáng những ai bị mù lòa vì ngu muội, đã giải thoát người bị tội lỗi giam cầm, đã đem lại ơn cứu độ cho toàn nhận loại 

Và ta thấy Người môn đệ sẽ bị cám dỗ trốn chạy để cứu lấy mạng sống mình khỏi những đau khổ và một cái chết tàn bạo, nhưng đó là một ảo tưởng. Rõ ràng là đau khổ không phải chỉ là chấp nhận thụ động, nhưng là một hình thái sống tích cực: “Nếu ai muốn…”. Qua nghịch lý “cứu – mất”, tác giả giúp hiểu rằng nếu kiên trì trong đời môn đệ, người tín hữu có thể phải chết sớm nhưng sau đó sẽ được sống muôn đời; trái lại, nếu người ấy chối từ Đức Giêsu, cuộc sống trần thế của người ấy có thể được kéo dài thêm một thời gian nữa, nhưng sau đó sẽ kết thúc bằng một cái chết thật sự.

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề nghị một giải pháp tốt nhất. Ngài dạy chúng ta đầu tư đúng hướng để được hưởng lợi nhuận vững bền. Đó là đầu tư cho đời sống mai sau, mà điều kiện tiên quyết là hãy từ bỏ mình và vác thập giá.

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?”

Nói cách cụ thể là “Hãy sống theo Thần Khí” và dứt khoát “không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn” (Gl 5, 16-17). Vâng, “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12, 2). Chỉ có như thế mới có hy vọng “sẽ tìm được mạng sống” mình nơi cõi phúc trường sinh.

 

 

 

 

 

3960    01-09-2017