Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Bảo Vệ Truyền Thống Gia Đình - Tháng 07 năm 2009

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2 VĩnhLong
26.4.2009

Vĩnh Long, ngày 18.06.2009

V/v Bảo vệ Truyền thống Gia đình

Nói về Gia đình là nói về chuyện nhà. Làm sao cho Gia đình luôn luôn là nơi mà mọi thành viên đều yêu chuộng, và nếu phải đi đâu xa, vẫn nhớ và mong có lúc trở về. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm Người, đã chọn Nadarét làm Nhà của mình, nơi đó Người vâng lời và yêu mến Thánh Giuse và Mẹ Maria, Người cũng thương mến họ hàng và quê hương của Người. Như thế Chúa muốn nói với chúng ta: Để thực hiện ơn gọi sống hạnh phúc, phải bắt đầu với đời sống gia đình, phải học cho biết sống đạo làm con hiếu thảo, hòa thuận với anh chị em, rồi cũng tại nơi đó, học biết sống làm con của Chúa.

Gia đình Việt Nam trước đây, nhất là ở thôn quê, sinh sống giữa họ hàng bà con, xóm đạo. Có Nhà Thờ, Nhà cha sở, nhà Dì, có sinh hoạt tôn giáo, có nề nếp. Công việc đồng áng của người lớn, việc học hành của con em không cản trở việc thờ phượng, việc trau dồi giáo lý.

Hoàn cảnh xã hội hôm nay đã thay đổi rất nhiều, ảnh hưởng không nhỏ trên đời sống gia đình, trên đời sống đạo. Thay đổi nơi ăn chốn ở, thay đổi công việc, rồi không biết làm sao ổn định nếp sống, làm sao lo cho con cái đựoc trau dồi kiến thức cũng như đức hạnh. Dầu sao chúng ta phải xác tín điều nầy: Gia đình không ổn định thì khó mà phát triển con người, đời sống đạo của con cái, từ thuở bé, tùy thuộc rất nhiều vào sự giáo dục và gương sáng của cha mẹ. Nhà Thờ không thể giúp được gì nếu thiếu sự hợp tác của gia đình.

Tình gia đình được vun trồng và phát triển trước hết nhờ sự chung sống dưới một mái nhà, những buổi gặp gỡ hàn huyên, những bữa cơm thân mật, những ngày kỷ niệm, những Ngày Lễ Tiết như Tết Nguyên Đán, nhất là những giờ kinh chung.

Gia đình còn là tế bào của Giáo Hội tại mỗi địa phương, của Họ Đạo, nên việc tham dự các sinh hoạt của Cộng Đồng Tín Hữu, tham dự Thánh lễ, học giáo lý, tham gia Thiếu Nhi Thánh Thể, Giới Trẻ, Gia Trưởng, Hiền Mẫu, thăm viếng khích lệ nhau, an ủi những người gặp khó khăn, thật cần thiết để xây dựng Hội Thánh thành Thân Thể sống động của Chúa Kitô và đồng thời làm cho chính mình trở thành những viên đá sống động trong Tòa Nhà Hội Thánh mà Chúa Kitô là Viên Đá góc tường (x.1 Pet.2,5-6; Eph 2,20), nền tảng của sự hợp nhất.

Chúng ta không được xao lãng việc học hành, phát huy các tài năng tự nhiên, để trở thành người hữu ích trong xã hội. Nhưng cũng không thể phủ nhận bổn phận của gia đình là rèn luyện cho con cái thành người có đạo đức. Tài năng và đức độ là đôi cánh giúp con người vươn lên.

Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ban cho các gia đình được an hòa , hạnh phúc để làm chứng tá Phúc Aâm trong thời đại đầy những thách đố hôm nay, đầy những cám dỗ ích kỷ và thụ hưởng, coi danh lợi vật chất trên nhân nghĩa và đạo lý, một xã hội cổ võ mọi thứ gian tham bất chính, thiếu vắng công bằng và tình yêu.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
                
Giám mục Vĩnh Long.


CHỦ ĐỀ: BẢO VỆ TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH

I. THƯ MỤC VỤ số 10

Là người Việt Nam, chúng ta tự hào về một truyền thống gia đình trên thuận dưới hòa, trong đó lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với đời sống gia đình và xã hội. Có thể nói đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài. Nhưng truyền thống tốt đẹp đó đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một. Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương. Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người. Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng và hậu quả là những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều. Những phương tiện thông tin đề cập thường xuyên đến nhiều vụ việc tội phạm mà cả nạn nhân và hung thủ đều là vị thành niên. Phần lớn những em này đều xuất thân từ những gia đình bất hòa, ly tán và đổ vỡ. Cùng với những mâu thuẫn và khủng hoảng gia đình, những con số thống kê cho thấy nạn phá thai càng ngày càng nghiêm trọng, ngay cả nơi những em còn ở độ tuổi học trò. Cùng với những hậu quả tất yếu về thể lý, hành động phá thai đã để lại những vết thương tâm lý thê thảm nơi đương sự và những người có liên quan.

II. DẪN GIẢI

Thơ Mục Vụ bảo chúng ta phải bảo vệ truyền thống gia đình, nghe xa xưa nhưng thực tế đạt nhiều lợi ích. Thuận hoà, hiếu thảo là những yếu tố giúp thành nhânh, thành tài.

Xã hội hôm nay đánh đổ truyền thống nầy làm nảy sinh bạo hành, ly hôn, phá thai.

Trẻ em thất học, bụi đời, tội phạm, trách nhiệm thuộc về gia đình.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA GIA ĐÌNH TÔI

Mấy hôm nay, mỗi lần giơ tay bóc lịch tôi không sao tránh được cảm giác nao nao khi thấy chẳng còn bao lâu nữa là đến 28 Tết, ngày mà nhà tôi coi như ngày truyền thống gói bánh của gia đình.

Gọi là truyền thống bởi ai có đi đâu thì đi, bận gì thì bận, nhưng đến hôm ấy mọi người phải tề tựu cả lại để chờ nghe hiệu lệnh của mẹ tôi. Tuy thường ngày hiền lành và ít nói, nhưng đến hôm đó mẹ tôi khác hẳn. Bà điều người này, ra lệnh cho người khác như một nữ tướng ban phát quân lệnh. Tất cả mọi người, từ nhỏ đến lớn, tất tần tật đều phải răm rắp tuân theo để kịp hoàn tất đến cả trăm cái bánh chưng.

Đầu tiên là bố tôi, bình thường rất gia trưởng nhưng hôm ấy cũng phải chịu lép trước lệnh bà. Do không khéo tay, mẹ tôi giao cho ông chức trưởng ban củi lửa, tức là phải đảm bảo ba nồi bánh phải sôi sùng sục suốt mười mấy giờ. Biết thân biết phận, để khỏi bị chê trách bố tôi phải chuẩn bị nhiều gốc củi to từ mấy tuần trước.

Chị tôi thì lo việc đãi đậu, đãi gạo, còn mấy tên con trai vụng về mẹ tôi phân cho việc rửa lá, chẻ lạt và đứng đó chờ mẹ… sai vặt. Phần nêm nếm thì đích thân mẹ làm để đảm bảo bánh luôn vừa miệng.

Sau khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, mẹ tôi ngồi xuống chiếu và bắt đầu ra tay. Bà hết đặt lạt, xếp lá, đổ gạo, đổ đậu rồi lại nhanh chóng gói chúng lại với nhau. Bàn tay bà cứ thoăn thoắt như cái máy. Chỉ một loáng sau là đã xong những cái bánh vuông vức, xanh mướt. Cứ thế, chỉ vài giờ sau mẹ tôi đã gói xong gần cả trăm cái bánh chưng. Cái nào cái nấy vuông vắn và giống nhau như đúc.

Xong là đến phần việc của bố tôi. Ông xếp chúng gọn vào các thùng thiếc to đặt trên bếp lửa đỏ rực. Sau đó, bố tôi cứ loanh quanh hết bếp này đến bếp nọ để bảo đảm ngọn lửa luôn cháy đều. Trong khi chờ bánh chín, cả nhà tôi thường xúm xít ngồi quây quần bên bếp lửa hồng trò chuyện với nhau. Nhờ vậy tình cảm anh em chúng tôi càng thêm khăng khít. Mọi tị hiềm, đố kỵ trong năm, nếu có, cũng sẽ theo những làn khói từ từ bay mất.

Cứ thế, từ năm này sang năm khác, dù dư dả hay túng thiếu, dù bận rộn hay nhàn tản, cứ đến 28 tết là các lò nấu bánh nhà tôi lại sáng rực cả một góc vườn. Có năm, sợ mẹ vất vả, bố tôi đề nghị không gói nữa mà mua bánh bán sẵn. Quả thật năm đó mọi người nhàn nhã hơn hẳn nhưng ai cũng thấy buồn tênh. Tết đến rồi đi. Lặng lẽ quá

thể. Chẳng có chút gì gọi là hương vị ngày tết. Bởi thế, từ năm sau, không cần bàn cãi, cả nhà tôi nhất trí cùng chung sức gói bánh như cũ. Thế là một bầy con, lúc này còn có thêm cả dâu, rể lại xúm xít vây quanh một bà lão gần 70 để chờ nghe mẹ sai bảo như thuở còn bé.

Nhưng phận người làm sao thoát khỏi mệnh trời. Sau một cái tết đầm ấm được vài tháng, mẹ tôi bất ngờ bỏ chúng tôi ra đi sau một cơn bạo bệnh. Thiếu mẹ, nhà trống vắng hẳn. Rồi nỗi buồn mất mẹ càng thêm rõ nét khi cái tết năm sau lại đến. Ngày xuân thiếu mẹ anh em tôi buồn ngơ ngác. Chúng tôi, dù đã vợ con đùm đề, trông vẫn không khác gì đàn gà con lạc mẹ. Đứa này nhìn đứa kia mà héo hắt cả lòng. Nhìn đâu cũng thấy trống huơ trống hoác. Hình bóng người mẹ hiền từ với đôi bàn tay thoăn thoắt đã tan biến nơi nao, chỉ còn lại mỗi nụ cười nhân hậu của mẹ trên bức ảnh đặt trên bàn thờ.

Sợ bố buồn, chúng tôi bàn nhau cố gắng tổ chức gói bánh như cũ. Chị tôi sẽ thay chỗ của mẹ, còn mọi người vẫn đảm nhận những việc như xưa. Nhưng càng làm càng thấy chẳng ai có thể thay thế được vị trí của mẹ. Chị tôi dù đã rất cố gắng nhưng mọi việc cứ rối tung cả lên. Bánh thì cái to cái nhỏ, ăn vào cứ nhạt thếch chẳng ra làm sao. Nuốt xong miếng bánh, bố tôi không nói gì mà chỉ lẳng lặng ra bàn thờ thắp nén hương cho mẹ với hai hàng nước mắt rưng rưng.

Cái tết ấy tuy nặng nề nhưng rồi cũng qua. Các năm sau, chị tôi đã cố gắng hơn để giữ bằng được ngày truyền thống của gia đình. Chị cũng dần hoàn thành được trách nhiệm, cho dù so với mẹ khi xưa chị vẫn còn kém xa. Nhờ thế nỗi trống vắng trong lòng mọi người cũng nguôi ngoai được phần nào.

Lại sắp tết. Nhưng tôi biết giờ này ở phương trời xa, mẹ tôi ắt hẳn đã yên lòng khi thấy anh em chúng tôi biết bảo ban nhau giữ vững ngày truyền thống của gia đình. Ắt mẹ hiểu qua đó anh em chúng tôi sẽ ngày càng thương yêu nhau hơn, đúng như ước nguyện của mẹ lúc sinh thời.

HOÀNG PHƯƠNG (TP.HCM) (trích tuoitre.com.vn)

Cần biết tạo ra những truyền thống trong gia đình - trong khi vẫn trung thành kế thừa những truyền thống đã có - biến những kỷ niệm đẹp mà chúng ta sống với nhau từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, bằng cách tổ chức những buổi sum họp hạnh phúc với những người thân thương, dịp sinh nhật, Giổ, Tết… Những kỷ niệm ấy sẽ đi vào cuộc đời bạn, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu thương và gắn kết mạnh mẽ các thành viên trong gia đình lại với nhau.

IV. DIỄN GIẢI

Trước làn sóng đô thị hoá và công nghiệp hoá đang diễn ra nhanh chóng, cùng với việc giáo dục ít quan tâm đến việc “tiên học lễ hậu học văn“ đã tác động mạnh mẽ đến nếp sống gia đình Việt Nam – trong đó có các gia đình Công giáo – làm cho những người có trách nhiệm đạo, đời phải đặt lại vấn đề giáo dục và bảo vệ truyền thống gia đình vốn là nền tảng phát triển nhân cách con người Việt Nam chúng ta.

Truyền thống gia đình là “nềân nếp, thói quen tốt đẹp được lưu giữ từ đời nầy qua đời khác của những những người có quan hệ hôn nhân và huyết thống sống trong cùng một nhà“ (X. Truyền thống và Gia đình trong Đại Tự Điển Tiếng Việt, Nhà Xuất Bản Văn Hoá Thông Tin).

Vậy bảo vệ truyền thống gia đình chính là bảo vệ những giá trị tốt đẹp đã ăn sâu vào cuộc sống và sinh hoạt của gia đình qua nhiều thế hệ. Gia đình là tế bào đầu tiên, là mái trường đầu tiên định hình nhân cách con người. Chính nhờ lối sống tốt đẹp và sự chỉ dạy của các thế hệ ông cha, hình thành dần nếp gia giáo - lối sống lễ phép, đạo đức trong gia đình - trong mỗi gia đình, làm nên truyền thống văn hoá và đạo lý cho gia tộc và xã hội.Nếp sống đạo đức trong gia đình (gia giáo) có được là nhờ ông bà, cha mẹ đã cố gắng khép mình sống theo những lý tưởng tốt đẹp, sau đó truyền lại cho con cháu một cách nhất quán và có hệ thống. Việc dạy bảo, rèn giũa và hun đúc các thế hệ được các bậc ông bà, cha mẹ, anh chị, kiên trì dạy bảo mỗi thànnh viên trong gia đình từ lúc còn trẻ cho đến khi trưởng thành. Mục đích của gia giáo là giúp mỗi thành viên trong gia đình hình thành nhân cách, trau dồi phẩm hạnh, rèn luyện tài năng ý chí, giáo dục lý tưởng, hướng tới Chân- Thiện - Mỹ. Trách nhiệâm của mỗi thành viên gia đình là cố gắng sống xứng đáng với kỳ vọng của tiền nhân, thể hiện qua đời sống nhân nghĩa, thủy chung, công bằng, bác ái, với ý thức rằng nếu vi phạm sẽ là điều sỉ nhục cho chính mình, gia đình, dòng họ và quê hương, đồng thời tự đào thải mình khỏi bước tiến của gia đình và xã hội. Qua đó, các thành viên ngày càng ý thức, trân trọng và yêu mến dòng tộc của mình đồng thời nâng cao vị thế gia tộc mình (gia thế).Gia đình Kitô hữu phải là nơi mà tình gia tộc được giữ gìn và hoàn thiện hơn; chính vì thế mỗi gia đình phải cố gắng sống và dạy con cái thế nào để phản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.Ngày nay lối sống thực dụng (cái gí có lợi thì làm), duy vật chất (chỉ có vật chất là thiết yếu, quan trọng) đã ảnh hưởng đến lối giáo dục của nhiều gia đình. Cha mẹ suốt ngày chỉ bận tâm kiếm tiền để thoả mãn nhu cầu vật chất gia đình, trong khi lơi lỏng trong việc quan tâm giáo dục con cái. Nhọc nhẳn để kiếm tiền mưu sinh là điều tốt, chính đáng; nhưng kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp mọi thủ đoạn thì sẽ vô cùng tại hại, nhất là đối với con cái. Để giúp trẻ lớn lên một cách quân bình về nhân cách, cần dạy chúng quan tâm đến những giá trị tinh thần. Cuộc sống không chỉ có tiền mới làm thoả mãn con người, mà còn lòng nhân ái, tình gia tộc, sự thánh thiêng của hôn nhân và sự sống…giúp chúng ta sống hạnh phúc và bình an.Một vài điều giản dị nhưng rất quan trọng chúng ta cần sống và truyền đạt cho con cháu:- Sống tình gia tộc. Người xưa nói: “Dâu dâu, rể rể cũng kể là con”. Gia đình không chỉ có cha mẹ, ông bà mà còn có cô, dì, chú bác, nội ngoại hai bên … Cần trân trọng mối giây huyết thống dòng tộc bằng lòng hiếu thảo, thuận hoà, yêu thương, tôn trọng, qua những lần họp mặt Giổ, Tết với gia đình dòng tộc, để trẻ ý thức trách nhiệm của mình đối với gia tộc, cố gắng nên người.

- Sống có tình làng nghĩa xóm. Láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Cần dạy trẻ biết sống gần gũi, thân tình với chòm xóm. Lối sống thành thị tất bật - cha mẹ suốt ngày đi làm, tối về đóng cửa theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng” chẳng màng quan tâm đến hàng xóm chung quanh – là nguyên nhân trực tiếp làm cho trẻ em thành phố ít quan tâm đến hàng xóm, láng giềng. Điều nầy ảnh hưởng đến lối sống của chúng không hề muốn giúp đỡ ai và cũng chẳng được những người chung quanh giúp đỡ lại khi có hữu sự. Khác với trẻ nông thôn có thể tự mình đến chơi với bạn bè hàng xóm và các cha mẹ trong làng quan tâm đến con cái của nhau. Cần giáo dục lòng nhân ái để trẻ biết quan tâm đến người khác, sống chia sẻ, cởi mở với mọi người; nếu không cuộc sống khép kín sẽ giết chết tâm hồn của chúng bằng nếp sống lạnh lùng, vô cảm, thờ ơ với xóm giềng và mọi người. Có như như vậy, con trẻ mới có thể trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

- Tôn trọng sự thánh thiêng của hôn nhân và gia đình. Dù ly hôn được pháp luật nhìn nhận, nhưng trong suy nghĩ của đại đa số người Việt Nam, ly hôn vẫn la một tai hoạ, một điều đáng tiếc xảy ra chứ không phải là một điều gì tốt đẹp, đáng hãnh diện khoe khoang. Sở dĩ gia đình cha ông chúng ta được bền vững như vậy là nhờ ở quan niệm về hôn nhân, gia đình và con cái là thiêng liêng, là quý giá.

- Thiếu ý thức về giá trị của thánh thiêng của sự sống, khiến giới trẻ ngày nay coi thường mạng sống con người như phá thai, chém giết nhau vì những chuyện chẳng ra làm sao… Sự sống là quà tặng quý giá và bất khả xâm phạm thuộc về Thiên Chúa và gia đình chính là cung thánh của sự sống. Tôn trọng sự sống cũng nằm trong tâm thức và thực hành của người Á Đông chúng ta.

Bảo vệ và phát huy truyền thống gia đình là nên tảng phát triển nhân cách con người và là nền tảng của đời sống gia đình Kitô hữu, như lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI:

“Con Thiên Chúa làm người, Đấng đã được sinh trong gia đình của Mẹ Maria và Thánh Giuse, và đã lớn lên ở Nazarét trong một môi trường tại gia với những công việc hằng ngày, với việc cầu nguyện và với các mối liên hệ hàng xóm láng giềng. Gia đình của Người đã đón nhận Người, và đã ưu ái bảo vệ Người; gia đình của Người đã giúp Người bắt đầu tuân giữ các truyền thống tôn giáo cùng với những lề luật của dân Người, gia đình của Người đã đồng hành với Người cho đến mức độ trưởng thành về nhân loại cũng như cho tới khi Người thực hiện sứ vụ Người được sai đến” (Sứ Điệp Ngày Gia Đình lần thứ IV, Mexicô, 2009).

(Tổng hợp từ internet)

KIỂM ĐIỂM

Có nhận thấy truyền thống gia đình thời xưa, mặc dầu chưa hoàn hảo, nhưng có những căn bản tốt lành, lợi ích ?

Có thấy bỏ gia đình truyền thống, cũng là bỏ hệ thống gia đình, làm cho con người trong xã hội sống như dã thú, chì thoả mãn tính dục, không còn nghĩ đến nuôi dạy?

Có bao giờ nhớ mình có nhiệm vụ sống theo truyền thống gia đình không?

V. LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,Chúa Giêsu, dầu là Con Thiên Chúa, đã luôn bảo vệ truyền thống gia đình của dân Do Thái. Điều đó dạy chúng ta cũng phải biết tôn trọng và bảo vệ những tuyền thống tốt trong gia đình Việt Nam. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

  1. Chúa phán: “Ta không đến để huỷ bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần của Hội Thánh Việt Nam, biết tôn trọng và bảo vệ các truyền thống tốt đẹp trong gia đình Việt Nam.
  2. “Hằng năm cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình Kitô-hữu, luôn giữ truyền thống gia đình cùng cầu nguyện chung với nhau, và cùng với nhau dâng thánh lễ.
  3. “Đức Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nagiarét”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần trong gia đình Kitô-hữu, biết trở về nhà mình trong những dịp truyền thống gia đình, và thường xuyên trở về nhà Chúa.
  4. Chúa phán: “Mẹ và anh em tôi, chính là những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, vừa thuộc về gia đình nhân loại, vừa thuộc về gia đình Thiên Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con hiệp thông trong gia đình của Chúa. Xin cho chúng con biết tôn trọng và bảo vệ các truyền thống tốt lành thuộc văn hoá gia đình; để nhờ ơn Chúa chúng con đáng hưởng phước Nước Trời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH

Sinh ra trong cõi đời, ai ai cũng có tổ tiên ông bà, cha mẹ. Mối quan hệ huyết thống này làm cho con người thấy mình có một sự liên hệ mật thiết với tổ tiên và có trách nhiệm tiếp nối những gì tốt đẹp mà cha ông đã dày công vun đắp qua biết bao thế hệ. Gia đình là nơi con người được đào tạo, được dạy cho biết thành người. Vì thế, truyền thống gia đình là một giá trị tốt đẹp thiêng liêng cao quý mà những thế hệ con cháu trong gia đình phải hết sức bảo vệ và gìn giữ cho ngày càng bền vững. Nhưng truyền thống gia đình là gì và ta phải bảo vệ những gì cho truyền thống tốt đẹp ấy?

Truyền thống là quá trình chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác những yếu tố xã hội và văn hoá, những tư tưởng, chuẩn mực xã hội, phong tục, tập quán, lễ nghi... và được duy trì trong các tầng lớp xã hội và giai cấp trong một thời gian dài. Truyền thống là cốt lõi, là bộ phận bền vững nhất của văn hoá tộc người. (theo Từ Điển Bách Khoa Việt Nam). Như thế, truyền thống gia đình có thể nói là những gì là của riêng gia đình được lặp đi lặp lại thành một thói quen và được truyền từ đời này sang đời khác. Cái đẹp, cái hay của gia đình là những sợi dây liên kết mọi thành phần lại với nhau không những dựa trên huyết tộc mà còn được dựa trên những thói quen, những tập tục riêng của gia đình mà khi nhắc tới ai trong gia đình cũng nhớ và mong mỏi được lặp lại.

Tại sao ta phải bảo vệ truyền thống gia đình? Truyền thống gia đình là niềm tự hào của các thành viên trong dòng tộc, dù đôi khi trong dòng tộc có những việc đáng được quên đi nhưng khi xúc phạm đến dòng tộc là người ta khó có thể tha thứ. Như thế, những truyền thống tốt đẹp của gia đình được bảo vệ bền vững luôn là niềm tự hào, niềm động lực cho con cháu vững bước tiến lên trong đời sống xã hội. Trong thư chung Hội Đồng Giám mục Việt Nam nói như thế này: “Là người Việt Nam, chúng ta tự hào về một truyền thống gia đình trên thuận dưới hòa, trong đó lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với đời sống gia đình và xã hội. Có thể nói đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài. Nhưng truyền thống tốt đẹp đó đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một. Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương”. Còn nhiều, còn nhiều những nguy cơ làm cho gia đình bị mất đi những thói quen tốt do nhiều yếu tố khách quan tác động như các trào lưu tục hóa, các vấn nạn xã hội ….làm cho ngày càng ít đi những cơ hội mà gia đình có thể gặp gỡ chia sẻ.

Mỗi người chúng ta hãy chung tay làm cho gia đình mình có những truyền thống tốt đẹp và gìn giữ bảo vệ những truyền thống ấy cho bền vững như sự thảo hiểu, tinh thần hiếu học, lễ nghĩa gia phong, trên thuận dưới hòa, …là những yếu tố làm nên những gia đình trở thành những mái ấm mà đi đâu người ta cũng muốn quay về. Là gia đình Ki tô hữu chúng ta hãy biết không chỉ tạo nên những gia đình có truyền thống về mặt xã hội mà còn phải làm cho gia đình mình trở thành gia đình Ki tô hữu truyền thống với những việc đạo đức, thờ phượng Thiên Chúa không chỉ trên bình diện cá nhân với Thiên Chúa mà còn trên cộng đoàn gia tộc cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa, tạo cho gia đình có những giờ kinh chung, cầu nguyện chung, cùng nhau đi đến nhà thờ tôn vinh Thiên Chúa…, tạo cho gia đình được một truyền thống đạo đức, một cộng đoàn đức tin, nuôi dưỡng và bảo vệ đức tin của từng thành viên trong gia đình bằng mối dây hiệp thông trong Thiên Chúa.

Chắc chắn với những thói quen tốt đẹp ấy, từng thành viên sẽ trở thành những con người tốt, người đạo đức không chỉ là những người tốt mà còn là những người con Chúa đích thực.

VII. HỌC KINH THÁNH

BÀI 39: NGÔN SỨ GIÊRÊMIA (Gr)

1/ Cuộc đời Giêrêmia.

Ông chào đời tại một thành nhỏ Anatôt, cách Giêrusalem về phía đông chừng vài dặm, thuộc gia đình tư tế. Chúa kêu gọi ông từ bỏ nếp sống gia đình để ra đi rao giảng và báo trước cho vua quan, dân chúng biết những hình phạt khủng khiếp vì tội bất trung của họ. Ông thực hiện sứ mạng mình ở Giuđa, tức miền Nam. Nhưng dân chúng vua quan không nghe theo, cho ông là con người bi quan, ông bị dân chúng gán cho tên “tai họa từ tứ phía” nên họ tìm cách diệt trừ ông. Chúa đã gìn giữ ông thoát khỏi tất cả.

Thế rồi tai ương ập đến. Năm -588 (lưu đày lần hai, lưu đày lần một vào năm -598) vua Nabucôđônôsor vây đánh Giêrusalem, đến năm -587 thành bị phá hủy bình địa và bắt dân lưu đày Babylon. Giêrêmia trốn sang Ai cập. Ở đó ông gửi thư qua Babylon để an ủi dân nhờ thư ký Barút. Ông chết ở Ai cập.

2/ Tính tình và sứ điệp của Giêrêmia.

- Qua sách Giêrêmia ta thấy ông là người rất nhạy cảm: tính tình nhút nhát, dễ buồn, dễ chán, thích sống đơn sơ âm thầm, nhưng lại can đảm và bản lĩnh khi nghĩa vụ thúc đẩy.

- Ông nhấn mạnh đến đời sống nội tâm, đến tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Ông so sánh tình yêu đó như là tình yêu cha con, tình yêu vợ chồng.

Lời Chúa: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”. (Gr 1, 5).

Cầu nguyện: Xin giúp con dám đi ngược chiều với sự dữ, với thế gian, để con luôn đi đồng chiều với Chúa. Xin Chúa giúp con! Amen

VIII. SỐNG ĐẠO

HIỆP THÔNG

Chúng ta biết: Thiên Chúa Nhất Thể Tam Vị. Ba Vị khác nhau nhưng lại là một Thiên Chúa Tình Yêu.

Chúa vì yêu nên mới tạo dựng muôn loài muôn vật. Tuy tạo dựng mọi vật và người khác biệt nhau, nhưng Chúa vẫn muốn luôn hợp nhất và thương yêu….Hiệu quả của yêu thương là hiệp thông.

Để được hiệp thông, trước tiên chúng ta phải tôn trọng nhau, phải muốn sự lành cho nhau, đón nhận những khác biệt của nhau, nhận chịu những phê bình chỉ trích của anh em, chịu những tranh chấp của anh em, cũng như chịu những hờn giận, ganh ghét của anh em, rốt cuộc chính mình không làm cho chia rẻ nhưng làm hết sức để hợp nhau nên một. Hiệp nên một rồi phải tìm cách chia trao những thiện hảo của mình cho anh em.

Chúa là Nhiệm Thể, Chúa lại là cội nho. Tất cả mọi người sống nhờ cội nho; cành tách rời ra sẽ chết. Tất cả các cành đều phải tháp vào cội nho. Do đó, trong cuộc sống chung, mọi tác động đều ảnh hưởng ít nhiều với cả cây nho. Sống xấu thì hại, sống tốt thì lợi ích.

Chia xẻ những hiểu biết, những ý nghĩ, những công việc, những công trình, ngay cả những khiếm khuyết nhờ anh em giúp. Không ai có quyền sống như một hòn đảo.

Có lẽ cuộc sống đạo của chúng ta không mấy khi nghĩ đến hiệp thông. Xin Chúa sửa đổi tâm ý, và xin cho chúng con biết sống hiệp thông

SÁM HỐI

Ăn chay để đền tội, để chế ngự những đòi hỏi: sám hối. Buồn khổ vì đã yếu đuối phạm tội, lại mong muốn và đè nén để khuynh hướng xấu không còn tác hại, ngoi lên nữa.

Chay tịnh là chế ngự. Muốn chế ngự đòi phải sám hối. Chế ngự giả định mình buồn khổ, mình không thích, mình ghét những lầm lỡ lúc trước, đồng thời chẳng những muốn không bao giờ thua điều ác, mà còn phải chiến thắng nó nữa.

Do đó, chẳng những phải chế ngự điều ác, mà còn phải đề phòng và xếp đặt mưu lược:

Trước tiên phải cương quyết chiến thắng với bất cứ giá nào, chết thì chết chứ không chịu thua.

Không tháo bớt rào cản. Khát nước mà cứ lởn vởn quanh ruộng dưa! Trong bụng còn rạo rực, mà lại rờ mò tay chân phụ nữ! ( Nam nữ thọ thọ bất thân)! Cần tránh dịp hiểm nghèo!

Không liều mạng, thử một chút. Sa ngã rồi thì vấn vương, khó rời.

Biết hối, biết dùng phương pháp để sửa đổi.

Sám hối phải đi đôi với chay tịnh; vì chay tịnh là đền tội, là chế ngự, mà đền tội, chế ngự thì đòi phải thống hối, ăn năn và dốc lòng.

Ăn chay để đền tội thì giả định có phạm tội, có thể phạm tội nhiều nữa. Đời chúng ta dầu có ơn Chúa và dù có cố gắng đến đâu đi nữa thì dường như không thể hoàn toàn không phạm tội. Tội trọng thì có thể nhớ và chừa tránh được, còn tội nhẹ thì không thể hoàn toàn tránh khỏi. Gần như mỗi ngày chúng ta vẫn có những hành vi, những tác động ngoài ý Chúa, không đúng với ý Chúa, dầu không có ý chống đối; nhưng qua cử chỉ của chúng ta, thì chúng ta lại không nhớ mình hoàn toàn lệ thuộc, ít nhiều không tôn trọng Chúa cho đủ.

Trong Bí Tích Giải Tội đòi chúng ta phải sám hối nghĩa là phải ăn năn dốc lòng thì bí tích mới đạt hiệu quả. Mùa chay buộc chúng ta chay tịnh, chay tịnh cũng đòi chúng ta ăn năn dốc lòng. Vì chay tịnh là đền tội và chế ngự tính xấu cho nên cũng nói được là chúng ta ăn năn dốc lòng.

Ăn năn là gì? Là đau buồn khổ tâm vì đã phạm tội mất lòng Chúa. Dĩ nhiên, mình nhận thấy mình đã phạm tội, tội chống đối Chúa cho nên nó là hèn xấu vô cùng; mình dại dột ngu muội đã làm việc phản nghịch xấu hại kể được là vô cùng…mình buồn khổ đau phiền vì đã làm mất lòng Chúa.

Nhưng nếu chỉ buồn khổ vì do tội mà làm cho nhân phẩm kém quá, nên hèn hạ (trường hợp của Giuđa) thì chưa đúng là ăn năn.

Lại nếu đi xưng tội mà còn bám vào tội ví dụ người sống chung không bí tích, muốn khỏi tội mà không rời nhau thì chưa có ăn năn.

Do đó việc dốc lòng chừa, phải đi kèm với việc ăn năn, cương quyết không phạm tội nữa!

Chúng ta biết, mặc dù thành thật ăn năn dốc lòng, nhưng con người yếu đuối có thể tái phạm, cũng có thể ăn năn dốc lòng để lại được nhờ bí tích hòa giải.

Về vấn đề dốc dốc lòng chúng ta có thể có vài quan niệm khác. Có thể nói, đối với tội nhẹ, tội quên sót, tội vô ý thức chẳng hạn, như việc mình nổi cáu, phê bình chỉ trích, làm biếng, lo ra, ngủ gục phần nhiều là không ý thức, chúng ta dốc lòng không phạm nữa thì không thể được, do đó, nên dốc lòng nhờ ơn Chúa, cho bớt phạm lỗi, mặc dầu khổ tâm không làm được cho Chúa hài lòng hoàn toàn.

Dốc lòng không chỉ bằng ý thức mà cũng phải bằng việc làm, nghĩa là cầu xin Chúa, và tránh những dịp tội, có thể bàn hỏi cha giải tội, cho linh hướng hoặc những người bạn đã tiến sâu trong sống đạo.

Bao lâu, chúng ta còn sống, thì chúng ta còn phạm tội, ít ra là tội nhẹ; vì thế chúng ta phải tập biết ăn năn dốc lòng trong cuộc sống, để ít ra chúng ta được trong sạch, đến gặp Chúa, yêu Chúa, và kết hợp với Chúa.

TÌNH YÊU

TÌNH YÊU là vấn đề thiên hạ thường bàn đến, chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Con người là nhân loại, là loài có nhân. Là con người thì phải có nhân và tình yêu. Không có tình yêu thì không còn là nhân.

Nói đến tình yêu… tôi nghĩ khi tôi thấy một người nào đó, tự nhiên tôi thích, không biết tại sao, đặc biệt là người khác phái? Có thể đó là bản năng tự nhiên: Âm dương tương thôi, trai gái thu hút lẫn nhau. Thu hút như thế gần với thú tính, chưa đủ là con người có lý trí. Ngoài cái thu hút đó, tôi còn cảm thấy trong con người tôi tiếp xúc có những đức tính, những đặc điểm tốt lành tôi muốn được có trong tôi. Dĩ nhiên, người tôi gặp cũng có những ý nghĩ như thế về tôi. Tôi cho đó là bắt đầu tình yêu của Chúa, ngoài Chúa không có tình yêu chân thật.

Thiên Chúa là Tình Yêu, Thánh Gioan đã định nghĩa về Chúa như thế! Để biểu lộ tình yêu tuyệt đỉnh của mình cho loài người, Thiên Chúa đã cho con một xuống trần, sống kiếp con người, chịu chết thập giá để nói lên tánh cách lớn lao của tình yêu: yêu cho đến chết, yêu vô vị lợi!

Và khi lưỡi đòng của quân lính đâm thâu Trái Tim Chúa khiến những giọt nước và máu cuối cùng chảy ra trên thập giá, là lúc Chúa biểu lộ tình yêu hiến dâng cho đến cùng.

Vì muốn biểu lộ tình thương một cách khả giác nên Chúa đã nhập thể, lại mạc khải Trái Tim là hình ảnh của tình yêu của Chúa, Tình yêu có phần cảm xúc như tình của con người.

Chúng ta nhờ âm dương tương thôi, nam nữ thu hút lẫn nhau, chưa gọi được là tình yêu, nhận thấy những điểm tốt nơi đối nhân, mong được những điều tốt đó ở mình, còn đối phương cũng có cái nhìn, cái ý nghĩ tương đương, cùng nhau muốn trao đổi cho nhau, bổ túc cho nhau, để cả hai chấp nhận nên một. Đó là tình yêu.

Chúa nhập thể để biểu lộ vẻ hoàn thiện nơi nhân tính để ghép nhân tính con người vào thiện hảo của Chúa nhờ đó, nhân tính ít ra cũng hưởng được một phần kết hợp.

Tôn sùng Thánh Tâm là mến mộ tình yêu Chúa tỏ hiện nơi hình thể trái tim và muốn đáp lại bằng chút tình yêu nhỏ hèn của mình. Trao đổi như thế xem ra cũng có phần kết hợp được với Chúa.

Tương tự như hoàng tử đi tìm tình nhân là cô gái lọ lem để nên duyên, hàong tử không những muốn giống mà còn muốn như đồng hóa với người mình yêu.

Chịu tất cả những trạng huống của con người sống ngắn ngủi, nhiều đau phiền, khổù nhọc, hơn thế nữa Chúa còn chết để tỏ tình yêu. Nhập thể và chịu chết để nên của lễ đền tội thích đáng và nên của lễ tận hiến, thượng tiến có giá trị hoàn hảo.

Hiến mình để đạt lại mình. Đó là những điều kể được là cao trí vô cùng, đúng với Chúa vô cùng và vượt trên mọi hiểu biết, tưởng tượng của chúng ta.

Chúng ta chỉ biết sắp mình thờ lạy và dâng hết tâm tình nhỏ hèn của chúng ta để đáp tình yêu vô tận của Chúa.

Vô cùng kết hợp với hữu hạn! Tuyệt thiện liên kết với đê hạ. Đó chính là công trình của Thiên Chúa liên kết hai thái cực.

IX. MỤC VỤ THIẾU NHI

Khủng Hoảng Vô Tiền Lệ

Ngày nay, không ai phủ nhận đời sống con người đã phát triển vượt bực trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển người ta không tránh khỏi những mặt trái kèm theo. Với những giai đoạn khác nhau đã có những hình thức khủng hoảng khác nhau về kinh tế, văn hoá, xã hội. Có cuộc khủng hoảng đến rồi đi, thịnh hành rồi suy thoái. Có cuộc khủng hoảng kéo dài qua nhiều thế hệ. Đó là những hình thức khủng hoảng về quan niệm sống, một thứ khủng hoảng vô tiền lệ.

Người ta cố tìm mọi lý do để biện minh cho sự ác “vô độc bất trượng phu”. Đây là điều chưa từng xảy ra. Bởi lẽ ác là ác, ác không thể nào tạo ra thiện. Chiến tranh không thể nào là phương tiện đưa đến hạnh phúc. Chiến tranh có thể tạo ra những ích lợi thứ yếu như: những chiến máy bay hiện đại hơn, con người khôn ngoan hơn với những vũ khí tân tiến hơn. Nhưng chiến tranh không mang lại hoà bình thật cho con người.

Con người cũng bị giam hãm trong những giá trị của vật chất dẫu biết rằng nó do trí óc và bàn tay con người tạo ra. Khi nghĩ “đồng tiền đi liền với khúc ruột” người ta dễ dàng đánh đỗ tình nghĩa anh em, tình nghĩa bằng hữu, tình thương gia đình. Lễ nghĩa, đạo đức, yêu thương nơi gia đình chẳng ai màn nhắc đến. Vòng xoáy cạnh tranh chức quyền, thích tạo ảnh hưởng khiến con người sống trong tự do mà vẫn cảm thấy bị nghẹt thở. Người ta đến với nhau không cần biết họ là ai nhưng chỉ cần biết họ có gì, họ làm được gì?

Những quan niệm vô tiền lệ đưa đến những hành động cũng vô tiền lệ. Khi không đặt yêu thương làm giá trị hàng đầu và nền tảng cho cuộc sống người ta dễ giận nhau, ghét nhau và hại nhau. Người ta ra sức sống giả dối để tìm hư danh và những tiếng khen rẻ tiền. Thật là khổ sở khi một người trò chuyện với mình mà không biết họ nói dối hay nói thật. Những lời khuyên răn “kính trên nhường dưới”, “tôn sư trọng đạo” giờ như đã bị xem thường để nhường chỗ cho một lối sống tự do vô tội vạ theo kiểu “thế giới này chỉ có riêng tôi”.

Khủng hoảng về lối sống có tính chất khác thường. Muốn thoát khỏi tất phải có sự thay đổi nền tảng trong cách suy nghĩ và lối sống từng cá nhân. Thiết nghĩ để vượt qua cuộc khủng hoảng này không thể nhờ vào một người nào, một quyển sách nào hay một tổ chức nào, nhưng đòi hỏi một sự đổi mới nơi từng cá nhân. Phát huy truyền thống tốt đẹp vừa giữ lấy những nét tích cực, vừa đào thải những điều sai lạc đồng thời ra sức đổi mới bản thân khởi đi từ tình cảm, hành động và quan niệm sống. 

X. MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Một trong những điều cần thiết mà người ta thường quan tâm để xây dựng một căn nhà là nền móng. Ngôi nhà càng lớn, càng cao bao nhiêu thì nền móng càng đòi hỏi phải được vững chắc bấy nhiêu.

Từ hình ảnh này ta có thể ví từng con người như là từng căn nhà. Những căn nhà này có được thành nhân và thành tài hay không là nhờ vào nền móng truyền thống gia đình. Truyền thống tốt đẹp trong gia đình của người Việt nam là một gia đình trên thuận dưới hòa, lấy chữ Hiếu làm đầu. Để rồi truyền thống tôn sư trọng đạo cũng được coi trọng.

Đáng tiếc thay, ngày nay những truyền thống tốt đẹp này đang bị phai nhạt theo thời gian. Người ta chạy theo những tiến bộ vượt bậc bên ngoài mà quên đi cần phải được đặt trên nền móng những truyền thống tốt đẹp này. Do đó, nhiều gia đình phải gánh chịu những hậu quả như: “Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương. Cĩ nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người. Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng và hậu quả là những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều. Những phương tiện thông tin đề cập thường xuyên đến nhiều vụ việc tội phạm mà cả nạn nhân và hung thủ đều là vị thành niên.

Là người trẻ, chúng ta hãy ra sức bảo vệ những truyền thống tốt đẹp trong gia đình của người Việt nam. Chính những truyền thống tốt đẹp này sẽ giúp cho các gia đình bớt phải gánh chịu những hậu quả đáng thương như trên.

XI. MỤC VỤ ƠN GỌI

Khi còn ở đại chủng viện, mỗi kỳ nghỉ hè, nghỉ tết chúng tôi lại nghe quý cha nhắc nhở. Những lời nhắc nhở năm nào cũng giống năm nào, đại khái là: quý thầy nhớ về sống với gia đình, với họ đạo; đừng đi chơi nhiều quá. Tôi lấy làm lạ là sao cứ nhắc mãi thế. Hơn nữa sau mấy tháng tu học, tháng hè là cơ hội để thăm viếng người này, người khác. Vậy mà cứ “bắt” ở với mẹ “biết ngày nào khôn”.

Nhưng bây giờ tôi mới hiểu lý do tại sao! Vì dù ở bất cứ địa vị hay chức vụ nào thì gia đình vẫn là môi trường quan trọng nhất trong việc vun trồng ơn gọi. Quý cha giáo ở chủng viện muốn những linh mục tương lai của giáo hội phải luôn nhớ điều này và hãy sống ngay hôm nay. Thật vậy, môi trường mục vụ của linh mục tu sĩ là họ đạo. Mà họ đạo là gì nếu không phải là những gia đình công giáo tập trung với nhau. Như vậy có khác gì môi trường mục vụ là chính gia đình. Ngày hôm nay không sống với gia đình thì làm sao ngày mai có thể phục vụ các gia đình?!

Ngày 21 tháng 5 năm 2004, trên tờ tuần báo The Tidings, một cơ quan ngôn luận chính thức của TGP Los Angeles, ĐHY Roger Mahony đã có bài suy tư về tình trạng thiếu ơn gọi của giáo phận có tiếng là sầm uất và đông giáo dân bậc nhất hoa kỳ. ĐHY cho rằng tình trạng này một phần trách nhiệm nằm ở gia đình. Thật vậy, tâm hồn của giới trẻ ngày nay bị đầu độc và nhiễm độc nặng nề bởi gương mù gương xấu của gia đình, của một số linh mục và của xã hội. Ngài cho rằng, muốn vun trồng ơn gọi thì các gia đình công giáo phải dám can đảm lội ngược dòng với xã hội hôm nay. Hay nói đúng hơn là phải ra sức bảo vệ truyền thống gia đình. Chúng ta phải làm sao để gia đình trở thành một môi trường màu mỡ cho ơn gọi có dịp nảy nở trong tâm hồn của con cái.

Điều trước tiên là cha mẹ phải là người bạn tốt của con cái.cha mẹ phải lắng nghe và cảm thông cho con cái, đồng thời là một nhịp cầưđa con cái đến với ơn gọi. Điều này ngày nay đang bị đánh mất nhịp sống của xã hội. Cha mẹ không có thời gian để láng nghe con cái. Những bữa cơm gia đình, những giờ kinh tối sớm không còn hiện diện trong gia đình ngày hôm nay.

Thứ đến, gương đời sống cầu nguyện của cha mẹ cũng không có, nhất là việc cầu nguyện cho ơn gọi con cái không thấy đợc. Ngày nay cha mẹ chỉ lo cho con cái học hành, sức khỏe thành tích cùng những dự phóng cho tương lai mà quên mất đời sống đạo đức, mẫu gương thánh thiện và tốt lành. Cũng chính vì quên mất việc giáo dục và mẫu gương đạo đức mà cha mẹ cũng đánh mất điều thứ hai là giáo dục con cái về đức tin. Ngày trước, cha mẹ là người nhắc nhở con cái thường xuyên tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, tham gia các phong trào trong họ đạo… mà chính cha mẹ là người làm gương. Ngày nay, cha mẹ vùi đầu vào công việc, con cái chỉ chú tâm học hành, chạy theo nhưng thú vui hấp dẫn, thánh lễ không còn quan trọng (kể cả ngày chúa nhật), những phương tiện khác để giúp cho đời sống đức tin được lớn lên cũng bị xem thường thì ơn gọi laìm sao nảy sinh được?

Điều thứ ba là gia đình là môi trường dạy về lòng bác ái yêu thương (điều rất cần trong đời sống ơn gọi) ngày nay cũng bị đánh mất. Vì cha mẹ đâu có thời gian để sống và làm gương cho con cái về cách cư xử và chia sẻ cùng người khác, nhất là những người bị thiệt thòi hơn mình.

Và cuối cùng, gia đình là môi trường tốt cho đời sống chung cũng bị đánh cắp bởi lối sống của xã hội. Ngày nay, mỗi người trong gia đình có một thế giới riêng, ai cũng muốn thu mình vào trong thế giới đó. Không ai muốn thế giới mình bị xâm phạm. Dần dần đánh mất tinh thần đoàn kết, sự quan tâm giúp đỡ ngay chính trong gia đình.

Gia đình, nơi hạt giống ơn gọi được gieo vãi. Gia đình là khu đất tốt cho cây ơn gọi nảy mầm và mọc lên. Và cây ơn gọi ấy có được phát sinh hoa trái hay không là do chính nơi gia đình. Đừng đánh mất đi những gì tốt đẹp nhất nơi vườn ươm ơn gọi này. Ai trong chúng ta không ao ước cho gia đình mình có những người con dâng mình phục vụ Chúa và phần rỗi các linh hồn, muốn vậy, cần phải biến gia đình chúng ta trở thành Vườn Ươm Ơn Gọi cho Hội Thánh.

XIII. MỤC VỤ GIA ĐÌNH

TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH

Trong số 10 của Thư Mục Vụ 2008, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã khẳng định “Là người Việt Nam, chúng ta tự hào về một truyền thống gia đình, trên thuận dưới hòa, trong đó lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với đời sống gia đình và xã hội”.

Truyền thống là một nếp sống văn hóa, là một sự thực hành những tập quán, những thói quen tốt không thành văn được truyền từ đời này sang đời khác, thế hệ ông bà cha mẹ truyền lại cho con cháu. Ví dụ nếp sống hiếu thảo là sự trọng kính, yêu mến, vâng lời, phục vụ chăm sóc cả về tinh thần lẫn vật chất của thế hệ con cháu đối với ông bà cha mẹ. Là con cháu chúng tôi nghe, thấy cách hành sử hiếu thảo của cha mẹ tôi đối với ông bà tôi, chúng tôi noi gương bắt chước hành sử hiếu thảo với cha mẹ tôi, rồi tôi lại dạy cho con cháu tôi đi theo cách thế sống hiếu thảo mà cư sử với chúng tôi.

Để truyền thống trở nên sống động, tốt đẹp và gây được hiệu quả tốt, nó phải khởi sự từ tâm ý con người, nghĩa là phải có ước muốn, tấm lòng chân thật, và thành khẩn thể hiện bằng việc làm cụ thể. Từ tâm ý tốt đến những thể hiện thành thật qua thái độ cung kính đầy khiêm tốn, yêu thương chân thành không giả dối, mầu mè, trình diễn, phục vụ, chăm sóc nhiệt tâm, nhiệt tình không ngại khó, không sợ cực, khiến người được phục vụ vừa vui vẻ, vừa hài lòng và thậm chí cảm thấy thật hạnh phúc và hãnh diện vì được con cháu quí chuộng, trân trọng đến nơi đến chốn “Thỏa lòng mẹ sinh con ra”. Vật chất thật đầy đủ, tinh thần thật sảng khoái “không có chỗ nào chê”. Dĩ nhiên, sự phục vụ chăm sóc cần được kéo dài cho đến lúc hoàn thành. Để truyền thống được hoàn hảo, những thế hệ kế thừa phải có lòng đạo đức, tức là mọi việc theo Thánh ý Chúa, theo lòng yêu thương phục vụ vô vị lợi của Chúa , hy sinh tất cả chỉ vì yêu, chỉ vì hạnh phúc của người mình yêu. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng cho bạn hữu mình” (Ga 15,13).

Con cái vâng lời ông bà cha mẹ giống như Chúa Giêsu vâng lời Đức Mẹ và Thánh Giuse nơi nhà Nazareth “Chúa Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các Ngài.” (Lc 2,51). Đây là một sự vâng phục kính trọng làm vui lòng cha mẹ, sự vâng phục mang lại hòa khí ấm êm trong gia đình, không gây mâu thuẫn, xung khắc vì nó phát xuất từ sự đồng cảm, đồng nhất giữa hai bên, cùng một ước muốn, cùng một ý chí và nghị lực thực hiện.

Bên cạnh việc giáo dục truyền thống hiếu thuận trong mái ấm gia đình, gia đình công giáo còn giáo dục truyền thống sống đạo, hiếu học.

Truyền thống sống đạo: Ông bà cha mẹ đã kiên vững niềm tin, bền lòng cậy trông phó thác, yêu mến phụng sự Chúa với tâm tình quảng đại, vâng theo Thánh ý Chúa không từ nan và mau mắn phục vụ mọi người với lòng từ bi nhân hậu. Ngày nay ông bà cha mẹ bằng lời chỉ dạy khôn ngoan. Cụ thể, bằng gương sáng đời sống gây ấn tượng sâu sa khiến con cháu ghi lòng tạc dạ, noi đòi bắt chước thực hiện với tâm tình và hành động cụ thể làm cho đời sống cá nhân thơm mùi nhân đức, làm cho cuộc sống gia đình thêm nhiệt tình sốt sắng, làm cho cuộc sống đức tin cho họ đạo thêm sinh động, phong phú. Truyền thống sống đạo làm cho cả họ đạo bừng lên sức sống mới: giáo hội là một mầu nhiệm ngày càng rõ nét, họ đạo đi vào hiệp thông hiệp nhất vui tươi, đời sống huynh đệ sống động, khiến mọi người lương dân trong khu vực trầm trồ khen ngợi (Cv 5,13). Một câu chuyện có thật: Ông nội gầy dựng thôn làng, muốn cho con cháu sống đạo sốt sắng, ông tự nguyện dâng đất, cất nhà thờ tạm bằng vật liệu nhẹ để mọi người trong làng qui tụ kinh hôm kinh mai, ông xin Đức Giám Mục cho lập họ đạo mà ông dựng đã qui tụ, sắp xếp người điều hành ban quới chức. Khi nhà thờ bị bão sập, ông ra lệnh cho con trai làm nhà thờ mới. Con trai lo mua vật liệu nhưng vì chiến tranh không xây dựng được, nên người con trai lại giao lại cho con trai mình hoàn thành nhà Chúa theo ý ông nội. Người cháu nội ông đã thực hiện ý ông nội mình. Ngày khánh thành xong, các cháu tụ họp quanh mộ ông bà báo cáo công việc: Đã làm xong nhà thờ như ông nội dạy.”

Sống đạo như các chứng nhân để giới thiệu chúa cho mọi người, dẫn đưa mọi người về với Chúa. Ngày xưa Chúa Thánh Thần đã mở rộng Hội Thánh bằng cách thu nhập thêm nhiều người gia nhập đạo Chúa. Cuộc sống gần gũi thân thương phục vụ mọi người nhất là những người nghèo nàn, khốn khổ làm cho đạo tình yêu đi vào lòng người, gương sống đoàn kết, hòa nhã yêu thương, phụng thờ Chúa với lòng hiếu thảo làm cho những người nghi ngờ, ích kỷ, ham mê hưởng thụ suy nghĩ, tìm hiểu, quay về với Chúa. Truyền thống sống đạo tốt là cơ hội thuận lợi để Chúa lôi kéo lương dân vào hội thánh Chúa.

Là gia đình công giáo, chúng ta nên thực hiện truyền thống hiếu học: học làm người, học đạo làm con Chúa, học hỏi trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật để sống với người, để sống với đời và dẫn dắt xã hội đến cuộc sống nhân bản, phồn vinh. Gia đình công giáo hiếu học vừa đồng hành với mọi người, vừa đi trước mọi người vượt nghèo, vượt khó, vượt dốt nát thậm chí vượt lên chính mình để sống một cuộc sống đáng sống, văn minh, lịch sự, ấm no, hạnh phúc. Vật chất từ đủ đến dư, tinh thần vui tươi, thanh thản, thoải mái, lành mạnh.

Bên cạnh sự hiểu biết và quyết tâm của con người, còn có ơn Chúa Thánh Thần soi sáng dẫn dắt và nâng đỡ, gia đình công giáo có giáo dục biết gầy dựng củng cố truyền thống: sống hiếu thảo uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây; sống đạo và truyền đạo ; sống hiếu học…vừa mang lại hạnh phúc cho mình, cho người và làm sáng danh Chúa. Còn gì đẹp hơn đời sống con người biết làm cho mình vui, làm cho Chúa vui. Thế hệ đi trước đặt căn bản sống cho mình và cho thế hệ đi sau sốt sắng, sống đẹp đó là sống truyền thống vậy.

HÃY QUAN TÂM, ÂN CẦN...

Ông lão 80 tuổi ngồi trên chiếc ghế sô-pha cùng người con trai trí thức 45 tuổi. Đột nhiên có tiếng một con quạ gõ gõ cái mỏ vào ô của sổ của căn nhà.
- Người cha già hỏi con trai: “Cái gì vậy?”.
- Người con trai trả lời: “Một con quạ”.
- Vài phút trôi qua, người cha lại hỏi con trai: “Cái gì vậy?”.

- Người con trả lời: “Cha, con đã nói với cha rồi. Đó là một con quạ”.
- Một lúc nữa lại trôi đi, người cha già lại hỏi: “Cái gì thế?”.

- Đến lúc này, có chút bực dọc, khó chịu trong giọng điệu của người con trai khi anh ta trả lời cha: “Đó là một con quạ, một con quạ”.

- Một lúc lâu sau, người cha lại hỏi con trai cũng vẫn câu hỏi “cái gì thế?”.
- Lần này người con trai thực sự tức giận hét vào mặt người cha già mà rằng: “Tại sao cha cứ hỏi đi hỏi lại con cùng một câu hỏi thế hả? Con đã nói bao nhiêu lần rồi, đó chỉ là một con quạ. Cha không hiểu hả?”.

Thoáng chút ngần ngừ, người cha đi vào phòng mình, mang ra một cuốn nhật ký đã cũ nát. Cuốn sổ ông giữ gìn kể từ khi người con trai ra đời. Mở một trang, người cha đưa cho cậu con trai đọc. Khi người con trai đón lấy, anh ta thấy những dòng chữ được viết trong nhật ký như sau:


“Hôm nay, đứa con trai bé bỏng 3 tuổi ngồi cùng tôi trên chiếc ghế sô-pha. Khi một con quạ đậu trên cửa sổ, con trai đã hỏi tôi 23 lần rằng đó là cái gì, và tôi cũng đã trả lời 23 lần rằng đó là một con quạ. Tôi nựng con mỗi lần nó hỏi tôi cùng một câu hỏi, lặp đi lặp lại 23 lần. Tôi không hề cảm thấy khó chịu, mà trái lại, càng yêu thương đứa con ngây thơ bé bỏng này hơn…”


Khi cha mẹ bạn trở nên già cả, đừng chối bỏ và coi họ như một gánh nặng. Hãy nói với họ bằng những từ ngữ lịch sự, tử tế, kính trọng, và khiêm tốn. Hãy quan tâm, ân cần với họ. Bởi chính họ đã nuôi nấng bạn từ tấm bé, luôn thể hiện tình yêu vị tha, lớn lao đối với bạn, không quản ngại nắng mưa, bão tố, cho bạn có được ngày hôm nay.

(Từ internet)

XIV. MỤC VỤ QUỚI CHỨC

TÌM HIỂU SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

Chương V: Hệ Thống Phải Theo

26. Vài hình thức cộng tác

Trong mỗi giáo phận, phải hết sức liệu sao cho có những hội đồng cố vấn gồm các giáo sĩ, tu sĩ cùng cộng tác thích hợp với giáo dân để giúp cho hoạt động tông đồ của Giáo Hội hoặc trong việc rao truyền Phúc Âm và thánh hóa, hoặc trong các công cuộc từ thiện bác ái, xã hội hay các hoạt động khác. Những hội đồng cố vấn này có thể giúp phối hợp hoạt động của các hội đoàn cũng như của các công cuộc tông đồ của giáo dân đang khi vẫn tôn trọng bản chất riêng và quyền tự trị của mỗi hội đoàn 7.

Nếu có thể, cũng nên thiết lập những hội đồng cố vấn như thế ở cấp độ giáo xứ, liên giáo xứ, liên giáo phận và ngay cả trên bình diện quốc gia hay quốc tế 8.

Hơn nữa, phải thiết lập bên cạnh Tòa Thánh một văn phòng đặc trách hỗ trợ và cổ võ hoạt động tông đồ giáo dân 12* . Văn phòng này được coi như Trung Ương có đủ phương tiện thích ứng để thông báo những tin tức về những sáng kiến tông đồ của giáo dân, đồng thời nghiên cứu những vấn đề thời đại trong địa hạt này hầu giúp ý kiến cho Hàng Giáo Phẩm và cho chính các giáo dân đang dấn thân trong hoạt động tông đồ. Các phong trào và các tổ chức tông đồ giáo dân hiện có khắp thế giới phải được coi như những thành phần của văn phòng này, trong đó có cả giáo sĩ, tu sĩ cùng cộng tác với giáo dân.

Gợi ý giải thích:
12* Do tự sắc "Catholicam Christi Ecclesiam" ngày 6 tháng Giêng năm 1967, Đức Phaolô VI chính thức thiết lập Hội Đồng Giáo Dân và Ủy Ban Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình. Đây là một thực hiện cụ thể đối với những điều Công Đồng đã trình bày ở số 26 của Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân và ở số 90 trong Hiến Chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

Tại giáo xứ của ông bà, có Hội đồng cố vấn không? Hoạt động thế nào?

Gợi ý thực hành:

Làm thế nào để ban Quới Chức liên lạc với Hội Đồng Toà Thánh?
Ông bà Quới Chức có quý trọng chức vụ của mình không?

XV. TẢN MẠN

BAY CAO NÀO !

Tôi rất thích ngắm nhìn những cánh Diều bay cao trong những buổi chiều đẹp trời và có nhiều gió. Ai trong chúng ta cũng biết rằng, cánh Diều muốn bay được và bay cao thì cần phải có những yếu tố sau đây:

- Cánh Diều phải được cột vào một sợi dây nhỏ, nhẹ, dài và chắc.
- Phải có gió đủ mạnh để nâng cánh Diều lên
- Cánh Diều phải nhẹ và dẻo dai
- Phải có không gian thông thoáng
- Người biết điều khiển cánh Diều

Như thế, một cánh Diều muốn bay được và bay cao thì phải có nhiều yếu tố như thế cộng lại. Thiếu một trong những điều kiện kể trên thì coi như cánh Diều sẽ phải nằm sát mặt đất thôi.

Tôi muốn mượn hình ảnh cánh Diều để suy nghĩ về đời sống đức tin của người tín hữu. Đặc biệt là đời sống đức tin của những linh mục và tu sĩ. Làm thế nào để tâm hồn họ có thể bay lên được và bay cao, nhất là có thể bay lên tới Chúa được? Tôi khám phá ra rằng, tâm hồn con người muốn bay được và bay cao thì cũng phải có những điều kiện cần thiết. Những điều kiện đó cũng tương tự như những điều kiện để nâng cánh Diều lên cao vậy!

- Điều kiện trước tiên là phải có một sợi dây để “cột” tâm hồn. Sợi dây đó chính là đời sống ân sủng của chúng ta. Chúng ta đã có sợi dây này từ ngày lãnh nhận Bí tích rửa tội. Sợi dây này đã đủ nhỏ, nhẹ rồi, nhưng độ chắc của nó lại tuỳ thuộc vào một yếu tố khác. Bao lâu ta không phạm tội trọng thì sợi dây ấy không bao giờ đứt được, không ai có thể cắt đứt nó được. Như vậy, không sống trong đời sống ân sủng của Chúa thì tâm hồn chúng ta không thể bay lên và bay cao được. Nếu lỡ vì lý do nào đó, sợi dây ân sủng nối kết ta với Chúa bị đứt đi thì Bí tích Hoà Giải là nơi nối kết sợi dây ấy lại cho linh hồn chúng ta. Vì thế , linh mục phải là người sống Bí tích Hoà Giải cách triệt để hơn ai hết (siêng năng xưng tội và siêng năng trao ban Bí tích này cho người giáo dân), để ngài có khả năng bay được và bay cao, rồi từ đó giúp người khác cũng làm được điều ấy nữa.

- Phải có gió đủ mạnh: cánh Diều không thể bay cao được trong một căn phòng đóng kín. Gió làm cho tâm hồn con người bay được và bay cao chính là Chúa Thánh Thần, là Thần Khí của Thiên Chúa. Thần khí luôn hiện diện và có mặt khắp nơi. Thần khí luôn thổi những luồng gió trong lành và mạnh mẽ trên trần gian này, nhưng nhiều khi con người đóng kín cửa tâm hồn mình lại nên ngọn gió Thần khí không thể vào và vì thế, tâm hồn của con người ấy cũng chỉ nằm sát mặt đất. Chính đời sống ích kỷ, ghen tương, ghen tị, nhất đảm, ngại khó, dửng dưng, hưởng thụ là những cánh cửa dày cộm mà Thần Khí không thể nào vào đó được. Hãy phá bỏ những cánh cửa ấy để tâm hồn ta có được ngọn gió của Thần Khí mà bay được và bay cao!

- Như cánh Diều phải nhẹ nhàng và dẻo dai để tung bay trên bầu trời đầy gió thì tâm hồn của con người cũng cần phải nhẹ nhàng, không vướng bận bởi những chuyện của cải vật chất, tiền bạc, những mối quan hệ không cần thiết, mang tính dự lợi và chiếm hữu. . . Hơn ai hết, những người sống đời sống thánh hiến phải là những con người phải biết giữ cho lòng mình được thanh thoát. Đừng bận tâm đến những chuyện phàm tục kẻo làm cho tâm hồn ra nặng nề mà không thể bay được và bay cao. Hơn nữa, tâm hồn con người cũng cần có sức dẻo dai, nghĩa là có khả năng chịu đựng những nghịch cảnh một cách anh hùng, biết vượt thắng những cám dỗ về mọi phương diện. Những cám dỗ ấy đang như “sư tử rảo quanh tìm mối cắn xé’ chúng ta. Vậy chúng ta hãy để cho tâm hồn mình hoàn toàn thanh thoát để có thể bám trụ vào Chúa cách vững chắc hơn.

- Tâm hồn chúng ta cũng cần có không gian để bay lên và bay cao. Vì thế, ta rất cần “đốn, hạ bệ” những ngọn cây cao của lòng tự ái, kiêu căng, tự mãn . . . Cần phát tán những bụi rậm của một lối sống thiếu kỷ luật bản thân, thiên vị, bất công, nóng nảy, quyền hành . . .

- Cuối cùng, để tâm hồn chúng ta có thể bay lên được và bay cao thì cần phải có người điều khiển. Người điều khiển ấy chính là Thiên Chúa . chúng ta hãy biết ngoan hiền đặt cuộc đời của mình vào lòng bàn tay Thiên Chúa để mặc tình người điều khiển. Không ai có thể điều khiển cuộc đời chúng ta cách tài tình bằng Thiên Chúa cả. Ngái biết cách thả dây cho cánh Diều của tâm hồn ta có khả năng thoát khỏi những chướng ngại vật và bay đến tận ngai của Ngài.

Ước mong sao tâm hồn của từng người chúng ta tựa như những cánh Diều tung bay trên bầu trời lộng gió. Hãy để tâm hồn ta có sức bay lên được và bay thật cao. Chúng ta hãy bám vào Chúa để BAY CAO NÀO!

XVI. MỘT LỐI SỐNG

BẠN THÂN VÀ NGƯỜI QUEN

Có sự khác nhau giữa việc là người quen và bạn thân. Người quen là người mà bạn biết tên, người mà bạn gặp mỗi lần bây giờ và về sau, người mà bạn hầu như cư xử bình thường và là người mà bạn cảm thấy dễ chịu.

Đó là người mà bạn có thể mời đến nhà và nói về điều gì đó. Nhưng họ không phải là người để bạn chia sẻ cuộc sống của bạn, những hành động của họ thỉnh thoảng bạn không hiểu nổi bởi vì bạn không biết đủ về họ.

Trái lại, bạn thân là người mà bạn yêu mến. Không phải là bạn “đang yêu” họ nhưng bạn quan tâm đến họ và bạn nghĩ về họ khi họ không còn ở đó. Đó là người làm cho bạn nhớ lại khi bạn thấy một cái gì đó mà họ thích và bạn biết điều đó vì bạn rất hiểu họ. Họ là người mà bạn có ảnh và khuôn mặt của họ nằm trong trí óc của bạn.

Bạn thân là người mà bạn cảm thấy an toàn khi ở bên cạnh vì bạn biết họ luôn quan tâm đến bạn. Họ gọi đến chỉ để biết bạn có khoẻ không mà không cần giải thích vì sao. Họ tâm sự với bạn thật lòng trong lần đầu tiên và bạn cũng thế. Bạn biết khi bạn gặp rắc rối, họ sẽ có mặt để lắng nghe bạn.

Bạn thân là người sẽ không cười nhạo hay làm tổn thương bạn và nếu họ có làm tổn thương bạn thì họ sẽ cố gắng hết sức để an ủi bạn. Họ là người bạn yêu mến.

Bạn thân là người mà bạn đã khóc khi họ bị rớt trong kỳ thi và trong những bài ca chia tay ở một cuộc đi chơi hay một buổi lễ tốt nghiệp. Họ là người khi bạn ôm chặt, bạn không nghĩ sẽ ôm trong bao lâu và ai sẽ là người đầu tiên buông ra.

Có thể họ sẽ là người giữ nhẫn cho bạn trong ngày cưới hay có thể họ là người chia tay với bạn trong ngày cưới cũng có thể đó là người mà bạn kết hôn. Có thể họ sẽ là người sẽ khóc với bạn trong ngày cưới bởi vì họ hạnh phúc và họ tự hào.

Họ là chỗ dựa cho bạn. Họ dắt bạn đi. Họ theo dõi cuộc sống của bạn và bạn theo dõi cuộc sống của họ và bạn học tập từ họ. Cuộc sống của bạn sẽ không như thế nếu vắng họ.

XVII. SỐNG LỜI CHÚA: MÁC-CÔ 5,36

Ông đừng sợ! Chỉ cần tin thôi.

1680    23-04-2012 14:45:12