Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Biết thích nghi với hoàn cảnh

BIẾT THÍCH NGHI VỚI HOÀN CẢNH

Nguồn: thangbom.com

Thông thường, khi sung sướng, hạnh phúc người ta thường an nhiên hưởng thụ chỉ những khi đau khổ, buồn phiền, họ mới kêu lên: "Tại sao tôi lại khổ thế này? Tôi đã làm gì nên tội để gánh chịu hậu quả này? Tôi tử tế với mọi người, tôi ăn ở hiền lành, một lòng thờ kính Thượng Đế, sao Thượng Đế không chứng nhận lời cầu nguyện của tôi?"

Những câu hỏi này, nếu được lập đi lập lại thường xuyên sẽ làm chúng ta phiền muộn hơn cả bản thân vấn đề gây ra phiền muộn. Đó là vì chúng ta đã tự đưa vai ra gánh vác tội lỗi và mang mặc cảm mình là nạn nhân. Bên cạnh mặc cảm tội lỗi, chúng ta còn tốn biết bao thời giờ để hy vọng điều tốt đẹp hơn.

Dù hy vọng rất cần thiết để thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước, nhưng nếu hy vọng quá nhiều, chúng ta sẽ đi đến thất vọng. Hy vọng viễn vông là tự tước đoạt quyền được chap nhận và thích nghi với hiện tại. Con người sinh ra đã được lập trình để thích ứng với hoàn cảnh một cách tốt đẹp, nhưng liệu chúng ta có thích ứng được với mọi khó khăn không?

Có thể đưa ra một sự kiện có thật để chứng minh: một cô gái bị ung thư ngực, ngoài giải phẫu phải trải qua thời kỳ xạ trị. Biện pháp chữa trị này làm cánh tay cô sưng vù, đau đớn triền miên. Vì thế, cô phải thường xuyên đến phòng vật lý trị liệu. Nhưng ngay cả trong giấc mơ đẹp nhất đời, cô cũng không dám nghĩ bệnh tật đã mang lại tình yêu cho cô vì qua thời gian chữa trị, người chuyên viên vật lý trị liệu đã yêu cô và chẳng những thế, còn cầu hôn cô nữa. Lễ cưới của họ đã diễn ra trong một không khí đầy cảm động.

Muốn thích ứng với hoàn cảnh, cần phải có một tư tưởng lạc quan. Một cuộc khảo sát do các nhà nghiên cứu Úc thực hiện đầu tháng Hai năm 2004 với đề tài Tinh thần lạc quan và đời sống của những bệnh nhân ung thư phổi", cho thấy sự lạc quan không giúp kéo dài đời sống của một nhóm bệnh nhân bị ung thư phổi. Những người làm khảo sát đi đến kết luận: vai trò của lạc quan đã bị đánh giá quá cao.

Trong lúc nghiên cứu này xem nhẹ vai trò của tư tưởng lạc quan đối với sự lành bệnh, nhiều bác sĩ vẫn ủng hộ quan niệm ý nghĩ lạc quan ảnh hưởng đến chất lượng đời sống. Trong Tạp chí New York Times số ra ngày 22 tháng Hai năm 2004, Dr Abraham Verghese đã viết rằng thật là đơn giản khi nghĩ có những động lực siêu nhiên giúp chúng ta tống khứ bệnh tật; tuy nhiên ý nghĩ lạc quan, hy vọng, sẽ giúp một người sống trong bệnh tật hơn là chết vì bệnh tật. Hy vọng là một điều kỳ diệu mà Emily Dickinson gọi là "Ý nghĩ có cánh". Tuy nhiên, hy vọng cần phải giản dị, thực tế. Thay vì luôn tìm hiểu nguyên nhân vì sao sự bất hạnh đến với mình mà không đến với người khác, thay vì bị ám ảnh bởi bệnh tật và ý nghĩ mình sẽ không bao giờ lành bệnh vì lời cầu xin của mình không tới tai đấng thiêng liêng, hãy lạc quan, hy vọng và tập thích nghi với hoàn cảnh, học hỏi kinh nghiệm sống từ hoàn cảnh. Dưới đây là vài đề nghị giúp bạn giảm được sự căng thẳng tinh thần, sự bi quan khi gặp khó khăn:

- Khi gặp khó khăn, hãy tưởng tượng bạn đang lái xe và gặp một chướng ngại vật trên đường. Chướng ngại vật đó không song hành với bạn suốt con đường, vì thế, hãy gạt nó qua một bên. Ngay cả khi phải đi cùng chướng ngại đó, bạn vẫn có thể đi hết lộ trình của mình mà vẫn vui vẻ như thường. Nếu một vấn đề nào đó đang làm bạn nhức đầu, mỗi khi nghĩ tới nó, bạn có thể hét lên: hãy biến đi!

- Thay vì nghĩ đến hậu quả thất bại của mình hãy nghĩ đến quãng đời mà bạn đã sống đầy đủ nhất, ý nghĩa nhất. Đừng nghĩ về những thất bại đã qua, những khó khăn sắp tới. cuộc sống không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm kết thúc, mỗi người trong chúng ta chỉ hiện diện và tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó của cuộc sống mà thôi. Vì thế, hãy sống trong hiện tại và chỉ nghĩ đến hiện tại mà thôi.

- Đừng quan tâm đến những điều căng thẳng nhỏ nhặt để tâm trí được rảnh rang đối phó với vấn đề lớn hơn.

- Hướng năng lực vào nơi cần sử dụng nhất.

- Tận dụng khả năng sáng tạo khi làm một việc gì dù đó là nghề nghiệp hay công việc nội trợ hàng ngày, quan hệ tình cảm, khả năng tiếp xúc v.v.. Nếu cảm thấy đời sống đang bị bào mòn, hủy diệt, hãy sử dụng óc sáng tạo và chuan bị đối phó vớI hậu quả hơn là buông xuôi theo hoàn cảnh. Nếu cần, đừng sợ phải tìm một việc làm mới, thay đổi nơi cư ngụ. Hãy làm tất cả những gì có thể làm để lấy lại nhiệt tình, năng lực.

- Hãy cầu nguyện, trong riêng tư hoặc cùng với người khác nếu điều đó làm bạn thấy dễ chịu hơn và giúp bạn lấy lại năng lực. Đừng cầu nguyện chỉ để xin một điều gì từ đấng quyền năng. Không ai, kể cả đấng quyền năng, thích nghe lời cầu xin nài nỉ.

- Sử dụng óc hài hước: một vấn đề nghiêm trọng có thể trở thành nhẹ tênh nếu bạn cười. Hãy tự làm vui mình bằng những ý nghĩ riêng của mình. Nghĩ đến hoặc nói về những điều thú vị như thể bạn là một kịch tác gia hài hước. Hơn nữa, ý nghĩ hài hước làm phát sinh những kích thích tố có tác dụng làm bạn khỏe mạnh hơn.

- Đừng quá quan tâm về nguyên nhân phát sinh của sự vật mà nên tập trung vào những điều làm bạn vui trong hiện tại. Thay vì thắc mắc, hãy cám ơn cuộc đờI đã mang lại cho bạn những gì bạn đang có.

- Hãy đối xử tử tế với người khác vì điều đó sẽ làm bạn vui hơn và cảm thấy hãnh diện về khả năng xử sự của mình nhưng đừng chờ đợi lòng tử tế của mình được đáp trả./-

(Theo Bà Debbie Mandel, tác giả cuốn "A Woman's 7 Steps Program to Reclaim Joy and Spontaneity in Life")


4945    11-03-2011 06:16:35