Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi

  1. Con Đường Yêu Thương
  2. Lễ Chúa Ba Ngôi
  3. Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi A
  4. Ba Ngôi Hiệp Nhất
  5. Thiên Chúa Ba Ngôi
  6. Con Đường Sống
  7. Nguồn Tình Yêu
  8. Tình Yêu Ba Ngôi
  9. Huyền Nhiệm Tình Yêu
  10. Tình Chúa - Tình Người
  11. Mầu Nhiệm Hiệp Thông
  12. Ba Ngôi Giáo Dục Bằng Tình Yêu
  13. Một Thiên Chúa Của Tình Yêu
  14. Ba Ngôi Thiên Chúa - Một Cộng Đoàn Hiệp Nhất Yêu Thương
  15. Dấu Thánh Giá
  16. Lễ Chúa Ba Ngôi - Ngày Lễ Tình Yêu
  17. Tình Yêu Hiệp Nhất
  18. Lễ Chúa Ba Ngôi
  19. Thiên Chúa Ba Ngôi - Mầu Nhiệm Tình Yêu
  20. Vì Yêu - Mầu Nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi Được Bày Tỏ
  21. Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi


CON ĐƯỜNG YÊU THƯƠNG
Ga 3,16-18

Hôm nay chúng ta mừng lễ kính Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hoạt động của Ba Ngôi tuy khác biệt nhưng luôn thể hiện trong một tình yêu thương: tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con, tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Qua bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, tôi xin chia sẻ về chủ đề: Con đường yêu thương:

1. Con đường yêu thương của Chúa Cha

Với đoạn Thánh Kinh ngắn vừa rồi, chỉ có 3 câu, Thánh Gioan đã cho chúng ta biết Thiên Chúa đã yêu thế gian như thề nào. Người đã yêu thế gian bằng một tình yêu cao vời nhất, một tình yêu trọn vẹn nhất, một tình yêu "hy sinh đến cùng tận" khi Người đã ban chính Con Một của mình để cứu thế gian và để thế gian nhờ Con Một đó mà được cứu sống. Quả là một tình yêu cao vời khôn ví mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại!

Mục đích Thiên Chúa đến với nhân loại qua Con Một không phải để lên án, nhưng để cứu vớt; không phải để xét xử, nhưng để mời gọi con người trở về trong tình yêu của Thiên Chúa. Con đường trở về đó chính là Đức Giêsu Kitô, đường dẫn nhân loại đến với Chúa Cha. Sứ mạng đó được Chúa Giêsu thực hiện như thế nào?

2. Con đường yêu thương của Đức Giêsu trong Chúa Thánh Thần

Thánh Phaolô đã cho chúng ta thấy điều đó qua thư gửi Philipphê:

Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự.

Vâng, Chúa Giêsu đã đến với nhân loại bằng con đường tự huỷ. Sự tự huỷ tột cùng nhất. Từ địa vị là Thiên Chúa lại nhập thể làm người, trở nên là một người như mọi người, sống như bao con người khác ngoại trừ tội lỗi. Đó, chúng ta thấy con đường của Chúa Giêsu là một con đường chẳng giống ai, đang ở địa vị cao sang, lại hạ mình xuống thành một người cùng khổ, và chết cách nhục nhã nhất. Con đường này chỉ có một không hai trong lịch sử nhân loại. Vâng, đó là con đường mà Chúa đã đến với nhân loại và đã dành trọn cho nhân loại.

Trong một lần tĩnh tâm, cha giảng phòng đã cho chúng tôi một cách so sánh về sự từ bỏ. Ngài nói:

Người ta thường dùng từ "đồ súc sinh" để lăng mạ nhau, để sỉ nhục nhau. Đó là điều là một sự xỉ nhục rất nặng phải không. Một con người có lý trí, có tự do và trách nhiệm, vậy mà lại bị hạ nhục bằng một con vật. Còn Thiên Chúa, Người là Chúa muôn loài, Người là Đấng tạo thành mọi sự, Người cao vời khôn ví ấy vậy mà lại hạ mình, mặc lấy thân phận con người là thụ tạo của mình, trở nên người như mọi người. Như vậy, việc Chúa xuống thế làm người đó, Người đã hạ mình xuống thấp nhơn một con vật để cứu lấy chúng ta và để nâng chúng ta lên làm con của Người.

3. Con đường yêu thương của người con Chúa

Con đường yêu thương của Chúa Giêsu là để thực hiện ý của Chúa Cha, thi hành một kế hoạch cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho quý ông bà, cho quý anh chị, cho tôi, cho mọi người. Vậy chúng ta phải làm gì để đáp lại tình yêu đó, chúng ta phải làm gì để đáp lại con đường yêu thương mà Thiên Chúa đã, đang và còn tiếp tục thực hiện cho mỗi người, cho mỗi gia đình và cho giáo xứ chúng ta?

Đó là cầu hỏi mà mỗi người chúng ta phải tự trả lời.

Qua việc tự huỷ, Thiên Chúa đã tự thực hiện con đường yêu thương của Người. Vậy đến lượt chúng ta, chúng ta đáp lại tình yêu đó bằng việc hy sinh, bằng việc từ bỏ những gì là ý riêng của ta để tìm và thực hiện ý Chúa. Ý riêng của ta là gì? Thưa, đó là cái tôi của con người tôi. Cái tôi ích kỷ-hẹp hòi, cài tôi tự tôn-tự ti, cái tôi độc đoán-cục bộ... mà mỗi người đã bị chúng đóng băng mình lại và làm cho mình không có thể đến được với nhau và sống hiệp thông với nhau.

Nhìn lên Chúa Cha để học lấy tinh thần yêu thương và cho đi. Yêu thương để xoá bỏ hận thù. Yêu thương để xoá bỏ ngăn cách giữa người với người. Yêu thương để xây dựng và kiến tạo sự hiệp nhất. Yêu thương để cho đi và đón nhận. Nhìn lên Chúa Giêsu để học nơi Người việc trút bỏ tất cả những ý riêng để tìm và thực hiện ý Chúa, trút bỏ những gì đã đóng băng trong con người cũ của tôi để tôi biết mở lòng ra với mọi người và nhất là để tôi có thể đến với Chúa là cội nguồn tình yêu.

Tôi thiết nghĩ có như thế, mỗi người chúng ta mới "thiết kế" được một con đường yêu thương cho riêng mình, cho gia đình mình, cho cộng đoàn mình và cho giáo xứ chúng ta.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa là cội nguồn yêu thương và là nguồn mạch của sự hiệp nhất, xin hoạt động trong cuộc sống của mỗi người chúng con và giúp chúng con sống con đường yêu thương như Thiên Chúa đã sống và còn tiếp tục thực hiện con đường đó trong cuộc sống của chúng con và trong giáo xứ chúng con. Amen

LỄ CHÚA BA NGÔI
Ga 3, 16-18

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần .

Thiên Chúa yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một. Bài Phúc âm chỉ mới cho biết Thiên Chúa và Con.

Còn Chúa Ba Ngôi? Nội dung chính của ngày lễ hôm nay là Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa tự thân (in se) là một. Là tín điều chắc chắn. Nhưng trong hoạt động ad extra thì Thiên Chúa tỏ ra là ba. Nên thần học tín lý có thesis: Thiên Chúa là một và ba (Deus unus et trinus).

Mạc khải duy nhất trong Phúc âm về Chúa Ba Ngôi đầy đủ là Mt 28,19 : Làm phép rửa cho họ "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".

Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần. Không phải Thiên Chúa là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa là ba chứ không là ba Chúa. Thiên Chúa duy nhất (in se) nhưng khi hành động (ad extra: xuất ngoại) thì được nhận biết là ba.

Thiên Chúa duy nhất: chỉ có một Thiên Chúa.

Nhưng Thiên Chúa là actus purus (là thuần-hoạt- động) nên Người phán (nói) lời. Lời được gọi là con: Thiên Chúa sinh con. Là Thiên Chúa nhưng khi sinh con thì là Cha. Con thì là một với cha, đồng hiện hữu, đồng bản tính (natura divina). Cha là người thì con là người. Nên Ga khẳng định "Lời cũng là Thiên Chúa" (không là một Thiên Chúa khác mà là cùng một bản thể với Thiên Chúa duy nhất).

Từ khởi nguyên "Thiên Chúa phán một lời" thì mọi sự liền có. Một lời duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa: Thiên Chúa chỉ phán một Lời-Con một. Lời ở trong Thiên Chúa đồng hiện hữu với Thiên Chúa. Là Lời vỉnh cữu. Phúc âm Ga khởi đầu như vậy đó.

Sách sáng thế còn có câu "Thần Khí Thiên Chúa bay là là trên nước". Công thức tạo dựng là "Thiên Chúa phán một lời và Thần Khí bay là là trên nước". Nước cũng được dùng chỉ Thần Khí của Thiên Chúa, tượng trưng cho sự sống. Nước có trước hết vì là Thần Khí gắn liền với Lời.

Mặc dù không rỏ ràng lắm. Nhưng từ khởi nguyên cũng đã hé mở "Thiên Chúa là ba": Cha- Con - Thánh Thần.

Nhưng tạo dựng quá mênh mông "l"univers est illimité" không đủ là bằng chứng cho sự nhận biết Thiên Chúa nên Thiên Chúa chỉ được nhận biết là Trời, ông trời, Thưọng Đế.... Cần có thêm mạc khải đặc biệt là kế hoạch cứu độ. Lời làm người cùng với Thần Khí (xức dầu) để Lời được sống (đời sống Đức Giêsu) và được dạy ( Đức Giêsu rao giảng), các tông đồ giải thích, áp dụng cụ thể, thực tế rồi được chép trong Phúc âm. Lời được ban rồi. Để kích hoạt Lời Thiên Chúa còn phải ban Thần Khí. Đức Giêsu đã hứa và khi đến với các tông đồ chiều ngày Phục Sinh Người thổi hơi vào các ông và nói "hãy nhận lảnh Thần Khí" và ngày lễ Ngủ Thuần Thánh Thần đã Hiện Xuống với hình lưỡi lửa kết thúc quá trình ban Thần Khí. Thần Khí lộ diện. Đức Giêsu kết thúc lời giảng bằng "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Tiếng Việt thì hơi phiền vì có người muốn "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Các ngôn ngữ khác đều "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".

Nhưng Thánh Thần đã lộ diện rõ ràng  để được nhận biết cách minh nhiên. Thánh Thần hiện xuống bằng gió mạnh, lưỡi lửa đốt đầu thanh tẩy ký ức trong đầu các tông đồ để các ông làm chứng. Chính con người được Thánh Thần biền đổi lạ lùng toàn diện của các ông là bằng chứng đi đầu rồi tới  sự rao giảng khôn ngoan, lợi khẩu và những dấu lạ lớn lao kèm theo "lời các ngài có quyền năng".

Thiên Chúa là Cha, nguồn gốc, căn bản. Lời mạc khải "Thiên Chúa yêu thế gian đến nổi ban Con một". Lời được sai đến thế gian để mạc khải Thiên Chúa. Thần Khí chứng minh Thiên Chúa yêu "ban ơn" biến đổi làm cho con người trở nên con Thiên Chúa.

Thiên Chuá yêu thế gian đến nổi ban con một và ban luôn Thần Khí để trở thành nghèo vì đã cho hết. Chỉ còn lại danh hiệu là Cha và là Tình yêu. Nhưng như vậy mà Thiên Chúa được nhận biết và được đáp trả bằng yêu mến.

Đó là Lời Chúa (mạc khải).

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI A
Ga 3, 16-18

Hôm nay Hội thánh Công Giáo mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm quan trọng của Kitô giáo. Một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi là Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần. Ba ngôi một Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Nhờ đó mà ta hưởng được vô vàn ân sủng từ suối nguồn Tình yêu này.

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm lớn trong đạo Công Giáo chúng ta. Mầu nhiệm này rất thiết thực trong đời sống của người Kitô hữu, thiết thực và gần gũi vì hầu như mỗi ngày chúng ta đều tuyên xưng mầu nhiệm ấy. Mỗi khi chúng ta dùng công thức làm dấu thánh giá, mỗi khi đọc kinh sáng danh, hay mỗi khi chúng ta sống yêu thương như Chúa muốn thì đó chính là lúc chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng có lẽ ít khi chúng ta để ý điều đó.  

Đối với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta không thể tìm được một hình ảnh, một ngôn từ nào để diễn tả cách chính xác, rõ ràng và đầy đủ được. Tuy nhiên chúng ta có thể tạm dùng hình ảnh một dòng sông để diễn tả ảnh hưởng của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Con sông mang dòng nước phù sa đến cho các cánh đồng của mình, cho các vườn cây được tươi tốt và sinh hoa thơm trái ngọt. Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và mọi loài. Nếu không có nước để dùng thì cuộc sống sẽ ra sao? Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người. Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy. Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.

Như con cá sẽ không sống được nếu nó không có nước; cây cối sẽ không thể tươi tốt nếu không có nước. Cũng vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Càng xa rời tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng cằn cỗi bấy nhiêu và rồi sẽ chết khô. Bởi đó, sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là biết mở lòng mình ra để đón lấy nguồn nước tình yêu và ân sủng của Người, để ta có thể sống và được sống dồi dào. Đón nhận dòng nước là đón nhận Chúa Kitô và tin vào Người: "Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình, để những ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời". Mà tin vào Chúa Kitô thì phải suy nghĩ, nói năng, hành động và cư xử giống như Người. Sống giống như Chúa Kitô là sống yêu thương. Yêu Chúa và yêu tha nhân.

Yêu Chúa và yêu tha nhân là ta đang sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vậy. Thế nên, mừng lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta không chỉ mong dùng lý trí  hiểu rõ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng chúng ta hãy đi đến một thái độ cụ thể bằng một con tim yêu thương Thiên Chúa và tha nhân hết mình, sống một thái độ yêu thương chân thành đối với hết mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào để tất cả mọi việc làm của chúng ta đều thể hiện tình yêu Chúa Kitô như Thánh Phaolô đã nói: "Dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa". Chúng ta thể hiện tình yêu bằng những việc đó là mình đã sống cho tình Thiên Chúa Ba Ngôi nơi chính mình.

Mừng Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta được nhắc nhớ rằng, Thiên Chúa Cha, Con, Thánh Thần đã yêu thương chúng ta hết mình và chúng ta được mời gọi để đáp lại tình yêu thương ấy bằng một đời sống trổ sinh nhiều hoa trái tốt, xứng đáng con yêu quí của Thiên Chúa : "Chúng con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành".

Lạy Chúa Ba Ngôi, xin đốt lên trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa, để chúng con dám sống yêu thương, dám thể hiện mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương trong cuộc đời chúng con. Amen.

BA NGÔI HIỆP NHẤT
Ga. 3, 16- 18

Anh chị em thân mến.

Một con tàu rời bến, nó đã được định hướng để đi đến một nơi nào đó. Nó muốn đi đến nơi an toàn, con tàu đó phải còn vững chắc, chiếc máy bên trong con tàu cũng phải được bảo đảm để làm lực đẩy cho con tàu. Nhưng nếu chỉ bao nhiêu đó thôi, thì con tàu vẫn nằm yên bất động và trở nên vô dụng vì nó không được sự hướng dẫn. Người hoa tiêu chính là linh hồn của con tàu, điều khiển cho con tàu đi đúng hướng cần thiết để đem lại lợi ích cho nhiều người. Nếu chỉ có người hoa tiêu mà không có con tàu, thì lấy gì mà điều khiển. Nếu chỉ có con tàu với cổ máy, cho dù có tốt như thế nào đi nữa thì nó cũng không hoạt động được. Nhưng nếu có con tàu, cổ máy và cả người hoa tiêu, mà người hoa tiêu lại không điều khiển nổi khi con tàu vận hành, để nó muốn đến đâu thì đến thì thật là một tai hoạ. Con tàu, cổ máy và người hoa tiêu cùng đồng nhất với nhau thì mới cho kết quả tốt.

"Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin vào Con của Ngài thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời". Thiên Chúa yêu thương con người, ban cho họ làm chủ vũ trụ này, ban cho con người những gì cần thiết cho đời sống của họ. Nhưng con người không chịu vâng phục Thánh ý Chúa, con người muốn tách rời khỏi Thiên Chúa, nên con người đã đi mà không biết mình đi đâu. Thiên chúa không bỏ con người, nên sai con của Ngài đến trần gian, để những ai tin vào Con của Ngài thì đến được sự sống.

Tin là vâng nghe và hành động theo như những gì đã biết và đã được chỉ dạy. Tin là hành động theo sự hướng dẫn, chứ không phải ngồi yên mà chờ đợi.

Mừng lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, chúng ta nhận biết một điều: Ba Ngôi nhưng chỉ có một Chúa duy nhất, chính vì Ba mà là Một, nên Ba Ngôi chính là sự hoàn hảo và tốt đẹp mà con người được tận hưởng biết bao nhiêu điều tốt đẹp từ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Mỗi người trong chúng ta, đã nhận được biết bao nhiêu điều tốt đẹp, từ con người đến cuộc sống. Nhưng người hoa tiêu trên con tàu đời người của chúng ta, có điều khiển được con tàu cho đi đúng hướng, hay người hoa tiêu đanh phải chịu thua.

Mỗi người trong chúng ta nhìn lại chính mình, Thiên Chúa ban cho mỗi người một hoàn cảnh và những điều kiện thích hợp, để chúng ta được sống đến ngày hôm nay. Có những lúc chúng ta rất hài lòng về cuộc sống hiện tại, nhưng cũng có những lúc không hài lòng. Có những lúc chúng ta tự hào vì mình làm được nhiều việc tốt, nhưng nếu giờ này đây bình tâm nhìn lại, chúng ta cũng sẽ xấu hổ về những việc làm của mình. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta thành công, được hạnh phúc, được lợi lộc, được mọi người ca tụng, những lúc đó, chúng ta chỉ biết tự hào về chính mình, nhưng được bao nhiêu lần chúng ta biết cảm tạ hồng ân Chúa, để tìm hiểu Thánh Ý Chúa và làm việc cho tốt hơn. Rất nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta kêu ca, phiền trách người khác sống không công bằng, không tốt, không xứng đáng; chỉ vì lý do họ không chịu đáp ứng nhu cầu mà chúng ta đòi hỏi. Có khi chúng ta phiền trách cả Thiên Chúa mà mình tôn thờ, vì Ngài không chịu nghe lời đòi hỏi của chúng ta.

Nếu trong cuộc sống đời thường, chúng ta biết suy nghĩ và tìm hiểu thánh ý Chúa, sau đó mới nói và hành động, thì thật hạnh phúc cho chúng ta. Khi đó, chúng ta đang sống trong mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng lễ hôm nay, Thiên Chúa đang hành động với chúng ta, Thiên Chúa là người hoa tiêu tài tình đang đưa con tàu chúng ta đến bến bình an.

Có những lúc, chúng ta không cần biết đến ai, chỉ cần thoả mãn chính mình, thoả mãn những ước muốn, cho dù ngay chính hay bất chính, chúng ta không cần biết. Chính vì thế, chúng ta rơi vào tình trạng cô đơn, trống rỗng, chới với giữa dòng đời, như con thuyền không định hướng. Những lúc đó, con tàu cuộc đời của chúng ta đã không theo sự hướng dẫn của người hoa tiêu, nên con tàu không biết đâu là bến bờ. Nếu những lúc đó, chúng ta biết chợt giật mình và để cho Chúa hướng dẫn thì thật là hạnh phúc cho chúng ta.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa Ba Ngôi hướng dẫn cuộc đời chúng ta biết luôn hiệp nhất trong Chúa, để những việc làm của chúng ta đem lại những kết quả tốt đẹp.

1496    16-06-2011 19:58:10