Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Chúa Nhật I MC A_2

Tôi Đi Tìm Tôi
Mt 4, 1 - 11

Giữa những thách đố, con người vẫn cố sức vươn lên.   Vươn lên như Đức Giêsu trong hoang địa sau khi chiến thắng những thách đố lớn lao trong thân phận con người.

SÓNG GIÓ.

Trần gian là một hành trình đi tìm cái tôi.   Cái tôi ích kỷ hay đầy bản lãnh.   Bản lãnh đó chỉ được xác định sau những thách đố hay sóng gió cuộc đời.   Chỉ cần so sánh một chút giữa Eva và Đức Giêsu sẽ thấy ngay khác biệt lớn lao giữa hai cái tôi đó. 

Evà được "Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật." (St 2:7).   Bà muốn sống độc lập với Thiên Chúa, muốn dành quyền qui định luật luân lý của Thiên Chúa.   Vì muốn "được tinh khôn" (St 3:6) như Thiên Chúa, bà đã nghe theo lời con rắn, giơ tay "hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn." (St 3:6)   Ông bà tưởng mình trở thành "vị thần biết điều thiện điều ác." (St 3:5)   Nhưng thực tế  "họ thấy mình trần truồng" (St 3:7) như con vật.   Vỡ mộng.  Trắng tay.  Đúng như lời Chúa nói : "Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất." (Mc 8:35; Lc 9:24; Mt 10:39; Ga 12:25)   Ông bà đánh mất chính mình ngay khi muốn xác định chính mình là ai.    Từ sự mất mát đó, "tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết." (Rm 5:12)  

Trái lại, Đức Giêsu đã hoàn toàn tìm thấy cái tôi của mình ngay khi đành mất chính mình.  Người không tìm cách xác định thế đứng độc lập với Thiên Chúa Cha.  Nhưng Người muốn cho mọi người thấy chỉ có thể tìm được chính mình trong Thiên Chúa mà thôi.   Qua ba cơn cám dỗ, Đức Giêsu mạc khải bản lãnh vô cùng vững chắc của mình trong vũ trụ.   Thật vậy, sau khi "ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, Người thấy đói" (Mt 4:2)   Quỉ liền tấn công vào điểm yếu nhất của con người Chúa lúc đó.   Ai chẳng nghĩ, "có thực mới vực được đạo."  Nhưng thật bất ngờ.   Trong cơn đói cồn cào, Người vẫn khẳng khái : "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4:4)  Còn hơn cơm bánh, lời Chúa là nguồn sống của cả vũ trụ, vì "nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành." (Ga 1:3).   Muốn hay không, con người phải hoàn toàn lệ thuộc vào ý Chúa.   

Chính vì thế, có lần Người đã tâm sự  với các môn đệ: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy." (Ga 4:34)  Nhờ xác định được nguồn sống đích thực như thế, Đức Giêsu đã đem lại sự sống phong phú cho toàn thể nhân loại.   Thực vậy, "nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính." (Rm 5:19)   Khác hẳn với nguyên tổ, Đức Giêsu đã vâng lời Thiên Chúa Cha tuyệt đối.   Sự lệ thuộc đó đã không đánh mất tính cách độc lập.   Trái lại, Đức Giêsu đã xác định được vị thế mình một cách vững chắc hơn.   Người không chiều theo những nịnh bợ rẻ tiền để biểu dương quyền năng một cách lố bịch.    Trước những lời nịnh hót : "Nếu ông là con Thiên Chúa ..." , Đức Giêsu đã khẳng khái đáp : "Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi." (Mt 4:7)    Như vậy, mặc dù ý thức mình phải lệ thuộc vào nguồn sống là Thiên Chúa, Người vẫn không quên mình là Con Thiên Chúa ngang hàng với Chúa Cha.

Sau khi đã xác định vị thế siêu việt đó, Đức Giêsu mới thấy rõ hướng đi trước mặt.   Nếu làm theo ý Satan, Đức Giêsu sẽ trở thành một kẻ giàu sang nhất trần gian (x.Mt 4:8-9).  Nhưng Người sẽ đánh mất bản ngã và tương quan với Thiên Chúa.  Người không còn là Con Thiên Chúa và trở thành kẻ phản loạn như Satan.   Rất may, nhờ Thần Khí dẫn đường chỉ lối, Đức Giêsu đã chiến thắng cơn cám dỗ  vô cùng hiểm độc này.   Người đã chọn Thiên Chúa như cứu cánh duy nhất của cuộc đời.   Tiếng Người mạnh mẽ vang lên : "Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi." (Mt 4:10)   Đó là hướng sống rất sáng tỏ đối với Đức Giêsu.   Nhưng không phải một lần xác nhận là đủ.  Thách đố đó không ngừng nổi lên trong cuộc đời.   

Không vượt qua nổi cơn cám dỗ đó, con người sẽ thành mồi ngon cho những ngẫu tượng. Ngẫu tượng đó là chính cái tôi với những chiều kích cồng kềnh dị hợm. Chính khi cố gắng tôn thờ ngẫu tượng kinh tởm này, con người sẽ đánh mất căn tính. Con người sẽ mất phương hướng và hoàn toàn trống rỗng. Tâm hồn trở thành mảnh đất mầu mỡ phát sinh những tư tưởng khủng bố, dâm đãng, cướp bóc, nghiện ngập.  

Cơ Hội Lớn

Thế giới hôm nay con người đang đẩy đồng loại vào những thảm cảnh chưa từng thấy.  Thảm cảnh đó "thường là con đẻ của chủ nghĩa ích kỷ vô trách nhiệm."  (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 13/02/2002)   Nếu không tìm lại được con người đích thực của mình, nhân loại sẽ còn bị những ngẫu tượng hướng dẫn vào những ngõ cụt.   Mất hết tương lai.   Trái đất sẽ thành một nghĩa trang khổng lồ.   Trước tình trạng bi đát đó, "chúng ta cảm thấy cần Thiên Chúa giúp chúng ta phục hồi niềm tin và niềm vui cho cuộc sống." (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 13/02/2002)   Thiên Chúa sẽ giúp nếu chúng ta biết vượt lên như Đức Giêsu giữa bao thách đố trong hoang địa.  

 

Với một hình thức rất hấp dẫn, những thách đố đầy ma lực đó chỉ nhằm kéo Đức Giêsu ra khỏi tình yêu Thiên Chúa.    Nhưng đầu hàng trước những ma lực đó, chắc chắn Đức Giêsu càng lún sâu vào con đường lệ thuộc ma quỉ và đánh mất căn tính của mình.   Những thực tại vật chất là những xiềng xích bên ngoài và tính kiêu ngạo là gông cùm bên trong sẽ cột chặt cái tôi của Người trong hố diệt vong.

Nhân loại hôm nay đang quay cuồng với những cái tôi phì nộn.   Con người có quá nhiều nhu cầu giả tạo đến nỗi "mọi người đều nghĩ rằng mỗi chọn lựa và hành động phải bị luật cung cầu thị trường chi phối.   Họ tưởng chỉ có lợi nhuận tối đa mới là định luật tối cao.   Giữa lúc đó, niềm tin Kitô lại trình bày một lý tưởng bất vụ lợi, xây dựng trên tự do đầy ý thức của cá nhân, bắt nguồn từ tình yêu chân chính," (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 13/02/2002)  tức là Thiên Chúa.   Tình yêu ích kỷ không bao giờ có thể hiểu được lời Chúa : "Chúng con đã nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không."   Những tính toán nhỏ nhen ích kỷ đang làm cho các tương quan hôm nay biến chất và tan rã.   Làm sao tìm được cơ hội nối lại những tương quan đó ?

"Mùa chay là một cơ hội Thiên Chúa quan phòng cho con người hồi tâm, vì giúp chúng ta chiêm niệm về mầu nhiệm tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta để sống hạnh phúc và qui hướng vạn vật về thiện hảo đích thực này." (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 13/02/2002)    Nhận định rõ tình yêu lớn lao đó là bước đường vô cùng cần thiết nối lại tương quan nhân loại hôm nay.   Nếu không có những giây phút lắng đọng tâm hồn, chúng ta không thể thấy được lòng Cha yêu thương như thế nào.  Những phản kháng và phản chứng hôm nay đều phản ánh một sự vô ý thức về tình yêu Thiên Chúa.   Trong thinh lặng, con người sẽ khám phá thấy "chính vì yêu thương vô bờ, Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta và đã tiền định để chúng ta hoàn toàn hiệp thông với Người.   Vì thế, Thiên Chúa cũng muốn chúng ta đáp trả tình yêu Người một cách quảng đại, tự do và ý thức." (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 13/02/2002)     Chỉ khi nào đáp trả tình yêu như thế, tôi mới thành công trên bước đường tôi đi tìm tôi.   Tình yêu đã chính là sức mạnh đẩy tôi lên tới Thiên Chúa và đến với anh em.   Tôi sẽ tìm được tôi trong tương quan sung mãn đó.

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP (nguồn simonhoadalat.com)

Chúa Nhật I Mùa Chay
Mt 4, 1 - 11

Phụng vụ Lời Chúa mùa Chay và Phục Sinh một đàng hướng về công cuộc cứu độ của Chúa Giê-su tronng những năm cuối cùng của Người trên trần gian, nhưng đồng thời cũng nhắm đến nhân loại là đối tượng của việc cứu độ.  Trong lịch sử cứu độ, ta không thể không nói đến cám dỗ và tội lỗi là những gì đã làm cho nhân loại mất đi căn tính con Thiên Chúa của họ.  Sa ngã do cám dỗ và thắng vượt cơn cám dỗ là hai câu truyện tương phản trong các bài đọc hôm nay.  Ngoài ra, thánh Phao-lô cũng giúp ta hiểu ý nghĩa của hai biến cố tương phản ấy.

1.  Sa chước cám dỗ (bài đọc Cựu Ước - St 2:7-9; 3:1-7)

Cám dỗ là sự xúi giục của ma quỷ muốn ta làm điều xấu trái với luân lý và lề luật đạo đức.  Trong câu truyện Cựu Ước hôm nay, ma quỷ được tiêu biểu là con rắn cám dỗ ông bà nguyên tổ.  Câu truyện không nhằm diễn tả tâm lý con người, mặc dù ta có thể dễ dàng nhận thấy điều ấy, nhưng nó muốn nói lên ý nghĩa thần học về cám dỗ và tội lỗi.  Vì "rắn là loài xảo quyệt" nên phương thức cám dỗ của nó cũng hết sức tinh vi.

Thiên Chúa đã tạo dựng A-đam và E-và và Người dạy họ phải tuân phục Người, là không được ăn "trái trên cây ở giữa vườn".  Trái cây ở giữa vườn hay ở góc vườn thì cũng có gì khác nhau đâu.  Cho nên mệnh lệnh "không được ăn trái cây ở giữa vườn" chỉ là một dấu chỉ nói lên ý muốn của Thiên Chúa là con người phải tuân phục Thiên Chúa.  Không ăn trái cây ấy tức là tuân phục Thiên Chúa.  Còn nếu cứ ăn trái cây ấy tức là không tuân phục Người và là điều xấu.  Vậy ma quỷ đã cám dỗ con người không tuân phục Thiên Chúa như thế nào?  Trước hết đặc điểm của cám dỗ là không vội vàng.  Ma quỷ từ từ đưa người ta đi từ thật tới giả.  Nó bắt đầu tấn công người đàn bà trước.  Có lẽ vì tâm lý của người phụ nữ bén nhạy hơn và thích bề nổi hơn.  Nó gợi chuyện và tìm một cánh cửa mở cho cám dỗ, đặt câu hỏi để có một câu trả lời thật.  "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn hay sao?"  Dĩ nhiên câu trả lời dần dần đưa tới vấn đề là tại sao Thiên Chúa chỉ cấm họ ăn trái trên cây ở giữa vườn.  Lý do của Thiên Chúa là nếu ăn vào thì "sẽ phải chết".  Nếu họ tuyệt đối tin vào lời Thiên Chúa bảo "sẽ phải chết" thì đã không có chuyện.  Nhưng ma quỷ đã đánh lừa họ, gieo nghi vấn trong lòng họ về lời Thiên Chúa với cách giải thích xem ra hết sức có lý:  "Chẳng chết chóc gì đâu!  Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác".  Cám dỗ dừng lại ở đây và để cho ý chí tự do của con người cân nhắc lựa chọn.  Câu truyện diễn tả giai đoạn cám dỗ này bằng hình ảnh "người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn".  Lý lẽ của ma quỷ đã mạnh, lại thêm những đặc tính của trái cấm thật hấp dẫn.  Thế là cuộc giằng co của ý chí tự do nơi con người càng thêm sôi động và con người đã sử dụng ý chí tự do để lựa chọn không tuân phục mệnh lệnh Thiên Chúa.  Đó là đường đi nước bước của cám dỗ, lừa dối bằng cách đặt cái giả vào cái thật và đưa ra những lý do có vẻ thật để bênh vực cho việc xấu.  Câu truyện Kinh Thánh còn nói lên sự bành trướng và ảnh hưởng của cám dỗ qua việc không những người đàn bà ăn trái cấm trước, mà còn "đưa cho cả chồng đang ở đó với mình". 

Ông bà nguyên tổ sa ngã chước cám dỗ là vì không tuyệt đối tin vào lời Chúa và chỉ lo cho cái tôi của họ.  Bao giờ cám dỗ cũng đi theo cùng một thể thức ấy.  Con người có ý chí tự do là chuyện tốt.  Nhưng sử dụng nó để chọn lựa đúng thì đòi hỏi ta phải biết phân định đâu là tinh thần của Chúa và đâu là tinh thần ma quỷ thế gian.

2.  Thắng vượt cám dỗ (bài Tin Mừng - Mt 4:1-11)

Nếu A-đam nguyên tổ đã thảm bại trước cám dỗ, thì Chúa Giê-su là A-đam Mới lại đã hoàn toàn chiến thắng cám dỗ.  Tuy câu truyện Tin Mừng chia ra làm ba cám dỗ khác nhau, nhưng ta có cảm tưởng như chúng muốn trình bày một phương thức chiến thắng cám dỗ đi ngược lại cách thức đưa tới thảm bại của ông bà nguyên tổ.

Vậy trong cám dỗ thứ nhất lúc Chúa Giê-su thấy đói, tên cám dỗ thử thách Người về nhu cầu sự sống thể lý.  Nếu quả thực Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, Người có thể sử dụng quyền năng Thiên Chúa để biến hòn đá thành bánh, rồi cũng có thể biến mái lều tranh thành lâu đài sang trọng hoặc bất cứ cái gì làm cho cuộc sống được tiện nghi thoải mái và hơn những người khác.  Biến hòn đá thành bánh để ăn đang khi đói ở giữa sa mạc là điều hợp lý.  Nhưng nếu Người thực hiện phép lạ ấy thì ta tin rằng Người khó có thể dừng lại và sẽ tiếp tục lạm dụng quyền năng để làm những điều không cần thiết!  Đối với Chúa Giê-su, sự sống đích thực không phải do những gì bề ngoài, nhưng là do "mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra".  Trong câu truyện ở vườn địa đàng, lời miệng Thiên Chúa phán ra là:  "Các ngươi không được ăn, không được động tới (trái trên cây giữa vườn), kẻo phải chết".  Nguyên tổ đã không thi hành lời ấy nên đã phải chết.  Về phần Chúa Giê-su, "lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy" (Ga 4:34).

Trong cám dỗ thứ hai, ma quỷ thử thách Chúa Giê-su về lòng tin vào Thiên Chúa.  Tin là phó thác mọi sự trong tay Chúa để Danh Người được rạng ngời, chứ không phải là thử thách quyền năng Người để ta được mọi người khâm phục ngưỡng mộ.  Nếu Chúa Giê-su gieo mình từ trên cao xuống mà bình yên vô sự thì Thiên Chúa đâu có được lợi gì, nhưng Chúa Giê-su sẽ được dân chúng trầm trồ ca tụng là Đấng đầy quyền năng!  A-đam và E-và muốn được khôn ngoan, thông biết mọi sự, nghĩa là họ không còn muốn nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng ra mình nữa.  Nhưng với Chúa Giê-su, Người thực sự nhìn nhận "bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a, và đã làm người" để tuân phục và thi hành thánh ý Thiên Chúa.

Trong cám dỗ cuối cùng, Chúa Giê-su đã hoàn toàn nhìn nhận thân phận con người của Người và bổn phận phải thờ phượng Thiên Chúa.  Ông bà nguyên tổ muốn ăn trái cấm để được mở mắt ra và "sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác".  Còn Chúa Giê-su thì muốn làm một người phàm đúng nghĩa và làm người tôi trung của Đức Chúa.  E-và "thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn" nên đã hái và ăn.  Còn Chúa Giê-su từ trên núi cao "thấy tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy", thì lại xác tín bổn phận phải thờ phượng một mình Đức Chúa mà thôi. 

Tóm lại, để chiến thắng cám dỗ, Chúa Giê-su lúc nào cũng đặt Thiên Chúa trên hết.  Lòng tin của Người nơi Thiên Chúa là tuyệt đối.  Lời Thiên Chúa là đèn soi cho Người bước đi (Tv 118:105).  Tuân phục Thiên Chúa là lý tưởng Người ôm ấp và thực hiện trong suốt cuộc sống từ lúc nhập thể trong lòng Đức Ma-ri-a cho đến khi tắt thở trên thập giá.

3.  Chỉ một người duy nhất và chỉ nhờ một người duy nhất (bài đọc Tân Ước - Rm 5:12-19)       

Suy niệm về hai biến cố đối nghịch này trong lịch sử nhân loại, thánh Phao-lô Tông đồ đã tóm tắt thành một chân lý vô cùng sâu xa về lịch sử cứu độ.  Chủ đề cứu độ được ngài kết luận như sau:  "Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính" (Rm 5:19).  Lịch sử tội lỗi và lịch sử cứu độ là hai thực tại đối nghịch.  Việc làm của hai nhân vật, A-đam và Chúa Giê-su tương phản nhau, đã không tuân phục và đã tuân phục.  Hậu quả của hai việc làm ấy cũng đối nghịch nhau, căn tính biến thành tội nhân và căn tính trở nên người công chính.  Tuy nhiên khi so sánh, thánh Phao-lô cho ta cảm tưởng hiệu quả của ơn cứu độ lớn lao hơn hậu quả của tội lỗi.  "Nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội" (Rm 5:20).  Trong bài Công bố Tin Mừng Phụ Sinh, Giáo Hội đã không ngần ngại lập lại sự so sánh này.  "Ôi! Tội A-đam quả là cần thiết, tội được xóa bỏ nhờ cái chết của Đức Ki-tô.  Ôi! Tội đã hóa thành hồng phúc, nhờ tội, chúng con mới có được Đấng Cứu Tinh cao cả dường này".  Sự trổi vượt của ân sủng trên tội lỗi đem lại cho ta niềm hy vọng vững chắc rằng ta sẽ được cứu độ và phải được cứu độ.  Đây cũng là nền tảng của Phụng vụ Mùa Chay và Phục Sinh, là Phụng vụ trình bày lịch sử cứu độ ở cực điểm của nó và mời gọi ta đáp lại tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

1. Sống Lời Chúa

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giống như một luận đề thần học về lịch sử cứu độ.  Chắc chắn Giáo Hội muốn trình bày như thế để ta hiểu được ý nghĩa đích thực của mùa Chay và Phục Sinh.  Tuy nhiên hiểu là một chuyện, nhưng quan trọng hơn đó là ta có mở lòng đón nhận ơn cứu độ, đồng hành với Chúa Ki-tô, A-đam Mới, để tiến bước trở về với căn tính đích thực của ta và được ở lại với Cha trên trời.

Suy nghĩ:  Ma quỷ nói với Chúa Giê-su:  "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy..."  Mỗi lần như vậy, Chúa Giê-su đã làm ngược lại để chứng tỏ và giữ vững danh phận Con Thiên Chúa của Người.  Vậy mỗi khi bị cám dỗ lớn hay nhỏ, tôi có nhắc nhở mình thực sự là con Thiên Chúa không?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh, để tôi luyện hồn xác chúng con.  Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy, để học biết Đức Ki-tô và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện nhập lễ, Chúa Nhật I mùa Chay) 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi (nguồn Simonhoadalat.com)

Chúa Giêsu Chịu Ma Quỷ Cám Dỗ
 Mt 4, 1-11

Chúa nhật I Mùa chay hướng chúng ta về mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu. Và Chúa nhật này cũng đưa chúng ta đến một khung cảnh, đến một sự việc bất ngờ và kỳ diệu. Chúa Giêsu, Ngôi Hai xuống thế làm người, ngày hôm nay đã bị ma quỷ cám dỗ. Thực tế, đây là một mầu nhiệm bởi vì ma quỷ làm sao dám đối diện với Vua Trời Đất cao cả...

Quả thực, Chúa Giêsu " vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu "

( Pl 2, 6-9 ). Như thế, ngoại trừ tội lỗi, Chúa Giêsu đã nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria và đã làm người. Nên, Ngài là con người giống chúng ta trong mọi sự. Chúa Giêsu đã phải đối đầu với cám dỗ và Ngài đã chống trả dứt khoát. Trái ngược với Ông bà nguyên tổ : Ađam và Evà. Hai Ông bà nguyên tổ trong vườn địa đàng đã bị con rắn là ma quỷ cám dỗ, nhưng nguyên tổ đã sa ngã vì bất trung với Thiên Chúa. Còn Chúa Giêsu khi sửa soạn sứ vụ công khai của Ngài, Ngài đã đi vào nơi hoang địa để đương đầu với ma quỷ trong những cám dỗ chết người, nhưng Ngài đã một mực trung thành với thánh ý của Thiên Chúa Cha và ý chí ấy đã đưa Ngài từ Sa mạc hoang vu, tới dòng sông Giorđăng, từ Giêrusalem đến vườn Cây Dầu, nơi đây, ma quỷ còn thử thách Ngài nặng nề hơn nữa, cám dỗ Ngài bỏ sứ mạng cứu thế của Ngài. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lúc nào cũng đầy Thánh Thần và Ngài đã luôn chiến thắng những cám dỗ do ma quỷ bầy ra để kéo Ngài ra khỏi Thiên ý của Chúa Cha. Ngày Lễ Lá , chúng ta thấy Chúa Giêsu thốt lên trong vườn Cây Dầu khi Ngài đang hấp hối :" Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cất chén đắng này khỏi con ". Nhưng, Chúa Giêsu luôn kiên nhẫn, luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha trong lời cầu nguyện. Chính vì thế, Ngài luôn nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần và Ngài luôn hết mình tuân phục Thánh ý của Thiên Chúa cha :" Nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý của Con ".

Chúa Giêsu đã luôn đi theo con đường của Thiên Chúa Cha. Đó là con đường cứu độ, con đường tình yêu. Chúa Giêsu đã đi từ đau khổ, chết  tới phục sinh. Đó là Mầu nhiệm Vượt Qua. Đó là cuộc đau khổ hồng phúc của Chúa Giêsu. Bởi vì, Ngài đi qua thống khổ, bị kết án tử hình, bị treo trên Thập giá, bị táng trong mồ và sau ba ngày, Ngài đã sống lại khải hoàn. Đây là mầu nhiệm vì nó được giấu kín trong sự khôn ngoan khôn lường của Thiên Chúa Cha.

Ba cám dỗ về của ăn, tiền tài vật chất, danh vọng là ba cám dỗ đã làm cho biết bao người ngã gục trước nanh vuốt đen tối của ma quỷ. Chúa Giêsu đã anh dũng chiến thắng tội lỗi, cám dỗ và sự chết. Ngài đã đi từ cõi chết đến cõi sống, đi từ bóng tối tới ánh sáng trường sinh, vĩnh cửu.

Chúa Giêsu đã chết và đã vinh thắng sự chết, khải hoàn sống lại vinh quang. Ngài đã chết cho chúng ta được sống, Ngài đã gánh tội của chúng ta không như tội nhân mà là Đấng giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi. Mầu nhiệm phục sinh là chân lý hướng dẫn người Kitô hữu trong suốt cả cuộc hành trình đức tin dưới thế. Đặc biệt, Mùa chay ba phương thế : ăn chay, cầu nguyện, bố thí là ba phương cách truyền thống giúp người Kitô hữu kết hiệp với Chúa Giêsu và giúp người Kitô hữu hợp nhất với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, với lễ Vượt Qua của mỗi người chúng ta để rồi chúng ta có thể thốt lên :" Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời ".

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết phó thác vào sự quan phòng của Chúa và ban cho chúng con sức mạnh của Chúa Thánh Thần để chúng con vững mạnh trong đức tin mà chiến thắng mọi cạm bẫy của ma quỷ. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT (nguồn simonhoadalat.com)

Sa Mạc - Nơi Giúp Khám Phá Sự Thật
Mt 4,1-11

Trong cuộc đời làm người ai ai cũng phải trải qua những giây phút khủng hoảng. Trong những lúc đó tất cả mọi chuyện to nhỏ đều trở thành một vấn nạn. Kẻ đó tìm một câu trả lời trước khi lựa chọn, quyết định cho tương lai đời mình. Giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang tuổi thành niên là một giai đoạn quan trọng trong đời người. Tuổi dậy thì chứa đầy hỗn loạn. Thân xác bỗng dưng biến đổi và phát triển khác thường. Con người bị ép buộc tham dự vào một cuộc phiêu lưu để khám phá ra mình là ai. Nhiều chuyện thần thoại đã mô tả về giai đoạn này. Dĩ nhiên, nhân vật chính luôn là một chàng trai. Anh phải từ giã mái ấm gia đình, chấp nhận mạo hiểm một mình tiến vào rừng sâu nước độc, nơi chứa đầy cạm bẫy của yêu tinh quỷ nữ! Anh ta phải vượt qua mọi thử thách từ bên trong lẫn bên ngoài. Anh ta được tôi luyện. Khi trở về, anh giống như được đầu thai làm một con người hoàn toàn mới, đủ tài trí và khả năng gánh vác những trọng trách được giao phó.

Bài Phúc âm hôm nay cũng nói về thời gian thử thách tương tự của Đức Giêsu. Ngài được Thánh Thần dẫn đưa vào hoang địa, giang sơn của quỷ dữ. Ngài ăn chay hãm mình, sống trong cô tịch, hoàn toàn không có gì để đề phòng âm mưu của kẻ xấu luôn bám sát, chờ cơ hội thuận lợi để thu thập. Thử thách làm nảy sinh một hoài nghi cơ bản: Những gì từ trước tới nay tôi cho là tốt đẹp bây giờ có vẻ vô nghĩa. Những gì tôi cho là tội lỗi xấu xa giờ đây hình như chứa đầy hứa hẹn. Khi đối diện đương đầu với dụ dỗ Đức Giêsu dần dần khám phá ra mình là ai, đâu là sứ mạng của mình. Thời gian sống trong sa mạc là giai đoạn quan trọng trong đời của Đức Giêsu. Trong thời gian này Ngài cảm nhận một cách sâu xa sự mỏng dòn trong thân phận con người. Mặc khác, Ngài đã sống mật thiết thân tình với Chúa Cha, giúp Ngài ý thức về trọng trách được Chúa Cha giao phó. Ngài trở nên chín chắn trưởng thành, có thể bước vào cuộc đời công khai, công bố Tin mừng cứu độ. Bởi vậy, sa mạc không phải chỉ là nơi chết chóc, tăm tối mà còn là nơi gặp gỡ chính Thiên Chúa.

Trong sa mạc Đức Giêsu hiểu thấu những yếu đuối cơ bản của con người. Cám dỗ đầu tiên nhắm vào sự đói khát. Có đầy đủ của ăn là một nhu cầu căn bản của cuộc sống con người. Thân xác đòi hỏi quyền lợi của nó và sẽ trở nên kiệt quệ nếu như nhu cầu này bị cự tuyệt, không được đáp ứng. Dĩ nhiên chúng ta ăn để sống, nhưng chúng ta sống không phải chỉ để ăn, để uống. Do đó, con người giống như bị bà nhập khi nghĩ rằng, ý nghĩa của cuộc sống con người chỉ đặt trên cơ bản của vật chất và sự hưởng thụ. Con người chia sẻ những nhu cầu thuộc thân xác với tất cả mọi sinh vật khác, nhưng khát vọng của con người còn trổi vượt hơn, đi ra ngoài giới hạn này. Chính vì thế chúng ta có thể nói rằng, nhu cầu lớn nhất của con người thuộc về đời sống tâm linh: „Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra". Đời sống con người không phải là một cuộc sống no say nhưng là một cuộc đời sung mãn về mọi mặt.

Thử thách thứ hai nhắm vào khát vọng quyền lực. Bởi vì muốn chứng tỏ quyền lực của mình, bảo đảm chỗ đứng của mình, kẻ ấy ra sức tìm cách hạ bệ kẻ khác, ra sức chèn ép, trèo lên đầu lên cổ người khác và nếu cần sẵn sàng bước qua xác chết! Tranh đấu quyền lực là chuyện xảy ra như cơm bữa từ trong gia đình đến ngoài xã hội, đặc biệt trong môi trường chính trị và kinh doanh, ... Đức Giêsu không đầu hàng dụ dỗ. Ngài sẵn sàng từ bỏ quyền thế và bạo lực. Ngài chọn con đường yêu thương vô vị lợi.

Dụ dỗ thứ ba nhằm chối bỏ Thiên Chúa là Đấng sáng tạo càn khôn. Đặc biệt con người ngày nay nghĩ rằng, mình có thể đạt được tất cả mà không cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Tất cả đều dựa vào khả năng của bản thân. Ngày Chúa nhật không đi lễ nhà thờ chẳng thấy mình mất mát gì! Nhìn nhận giới hạn của mình, nhìn nhận thân phận thụ tạo của mình là một điều không dễ dàng. Thiên Chúa đòi hỏi con người tin vào Ngài, mặc dầu không ai có thể chứng minh và nhìn thấy Thiên Chúa.

Mùa chay chính là một lời mời gọi sáng tạo một mảnh sa mạc trong cuộc đời mình, mời gọi xa rời cảnh huyên náo, bon chen, xô bồ để có thể gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe tiếng Ngài trong cô tịch. Bởi vì sa mạc, đối với Đức Giêsu cũng như mỗi người chúng ta, là nơi giúp khám phá sự thật, nơi chúng ta có thể đối diện với chính mình để nhận biết mình là ai và Thiên Chúa muốn gì nơi tôi.

 Lm. Phêrô Trần Minh Đức (nguồn simonhoadalat.com)

1378    10-03-2011 07:04:59