Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Chúa Nhật II MC A_3

Con Đường Thập Giá  
Mt 17, 1-9    

Khởi sự Mùa Chay, chúng ta đã cùng Đức Giêsu tiến vào hoang địa, để nhận diện rõ bộ mặt của tên cám dỗ. Và cũng chính nơi hoang địa, chúng ta cũng đã chứng kiến cuộc chiến thắng vẻ vang của Đức Giêsu trước các mưu mô của ma quỷ. Đức Giêsu đã chiến thắng ma quỷ bằng chính Lời của Thiên Chúa. Hay nói một cách khác, Đức Giêsu đã chiến thắng cơn cám dỗ, bởi Ngài đã chọn Thánh Ý Chúa Cha làm cùng đích cuộc đời của mình.

Tiếp tục ý tưởng đó, Lời Chúa hôm nay cho thấy, con đường của Thiên Chúa là con đường của sự từ bỏ tận căn con người cũ của mình. Do đó, để đi trọn con đường này, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có một đức tin thật mạnh mẽ, một đức tin dám đặt trọn cuộc đời mình trong tay Thiên Chúa, dám "đi mà không biết mình đi đâu" như tổ phụ Abraham.

1. THẬP GIÁ, CON ĐƯỜNG TỪ BỎ :

Đáp lại tiếng Chúa gọi, tổ phụ Abraham đã từ bỏ quê hương, họ hàng, nghĩa là từ bỏ đi những gì là quen thuộc, gần gũi, từ bỏ cả những sự nâng đỡ tự nhiên. Thậm chí, ông còn được kêu gọi từ bỏ cả nhà cửa để đi đến miền đất mà Thiên Chúa sẽ chỉ cho. Đây quả là một sự từ bỏ thật quyết liệt, vì đụng chạm đến chính bản thân của mình. Nó đòi chúng ta ra khỏi "pháo đài" của chính mình, ra khỏi "tổ kén" yên ổn của mình, từ bỏ cách suy nghĩ, cách lý luận của mình, để bắt đầu một cuộc sống mới theo sự dẫn dắt của Lời Chúa. Người được Thiên Chúa gọi từ đây không còn sống theo ý mình, nhưng phải luôn luôn tìm và sống theo Thánh Ý của Thiên Chúa, cụ thể là sống theo giáo huấn của Đức Giêsu Kitô như chúng ta vừa nghe Chúa Cha phán dạy trong bài Tin mừng: "Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người".

Từ đây, người môn đệ vẫn tiếp tục sống và hoạt động, nhưng không còn cậy dựa vào sức mình, nhưng luôn cậy dựa vào ơn Chúa, hay nói theo cách nói của thánh Phaolô trong bài đọc hai, chúng ta hoạt động "nhờ quyền lực của Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát và kêu mời chúng ta bằng ơn thiên triệu thánh của Người".

Để có thể đi đến miền đất mà Thiên Chúa đã hứa, vị tổ phụ của chúng ta đã "từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa". Như thế, từ bỏ cái cũ, những cái tiêu cực, chính là bước khởi đầu, và là điều kiện tiên quyết để có thể đón nhận những cái mới. Tuy nhiên, sự từ bỏ này tự nó, không phải là điều dễ dàng, vì sẽ gây ra cho chúng ta biết bao sự mất mát và đau đớn. Do đó, để hoàn tất cuộc từ bỏ, lột xác này, mỗi người chúng ta còn cần có một đức tin thật vững mạnh.

2. CON ĐƯỜNG CỦA ĐỨC TIN :

Trở lại với trình thuật về ơn gọi của tổ phụ Abraham. Chúa đã gọi tổ phụ Abraham "từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa" để đi đến xứ mà Ngài sẽ chỉ cho. Nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, Abraham đã ra đi, cho dù không biết là mình sẽ đi đâu, tương lai của bản thân mình, gia đình mình sẽ như thế nào. Nhưng cho dù có xảy ra điều gì đi nữa, cho dù trước mắt tương lai có mịt mờ, thì Abraham vẫn "ra đi như lời Thiên Chúa phán dạy". Tổ phụ Abraham đã ra đi không phải vì ông đã nắm chắc tương lai, nhưng ông đã bước đi trong niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Chính vì thế, ông đã được gọi là "Cha của những kẻ tin". Và quả thật, vị tổ phụ của chúng ta đã không phải thất vọng khi đặt niềm tin của mình nơi Thiên Chúa. Sau này, dòng dõi của ông đã nên đông đúc, và Đấng Cứu Thế muôn dân hằng mong đợi cũng đã được sinh ra từ nơi dòng dõi của ông. Tổ phụ Abraham đã đi trọn hành trình đức tin của mình, cho dù đó là một hành trình vô định, đầy những bấp bênh, chính vì thế ông đã xứng đáng nhận được vinh dự là tổ phụ của Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

Việc ra đi trong bấp bênh, bước đi trong đêm tối của tổ phụ Abraham, chính là hình ảnh báo trước con đường thập giá mà Đức Giêsu sẽ đi. Hành trình thập giá cũng chính là một hành trình trong đức tin, bởi lẽ hành trình thập giá đòi những ai bước đi trên đó phải hy sinh, và đi trong đêm tối, ngược với những suy nghĩ tự nhiên của con người. Hay nói theo cách nói của thánh Phaolô, thập giá vẫn luôn là một điều ô nhục, điên rồ, trước mắt mọi người (x. 1 Cr 1, 18. 23).

Trong bài Tin mừng, thánh sử thuật lại việc biến hình của Đức Giêsu trên núi. Lúc đó, "mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết", với việc biến hình này, Đức Giêsu cho các môn đệ thấy trước vinh quang thật sự của Ngài. Một vinh quang vượt ngoài trí tưởng tượng của các ông. Một vinh quang rực rỡ mà chỉ cần nhìn thấy cũng đủ làm cho các ông choáng ngợp trong hạnh phúc, đến nỗi Phêrô đã phải kêu lên: "Lạy Thầy, chúng tôi được ở đây thì tốt lắm, nếu Chúa ưng, chúng tôi xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia". Phêrô và các môn đệ muốn ở lại luôn trên núi để hưởng nguồn hạnh phúc mà các ông chưa từng được hưởng.

Thế nhưng, ngay lúc đó, Đức Giêsu đã ra lệnh cho các ông: "Các con không đựơc nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại". Nghĩa là nếu các môn đệ muốn được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc ở nơi Thiên Chúa, thì giờ đây, các ông phải "xuống núi", nghĩa là các ông phải sẵn sàng theo chân Đức Giêsu để bước đi trong niềm tin cho tới tận đỉnh đồi Canvê, và "cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại".

Tóm lại, con đường thập giá không chỉ là con đường đức tin đi trong đêm tối, nhưng thập giá còn là con đường của sự từ bỏ, một sự từ bỏ trọn vẹn cho đến cùng con người cũ của mình, để mặc lấy con người mới trong Đức Kitô.

3. CHÚNG TA HÔM NAY :

Tổ phụ Abaraham đã sẵn sàng từ bỏ tất cả, can đảm dấn bước trong niềm tin và đã trở nên mẫu gương cho tất cả chúng ta. Tuy nhiên, chỉ nguyên một việc nhìn ngắm mẫu gương của tổ phụ Abraham sẽ không đem lại lợi ích gì cho chúng ta, nếu chúng ta không dám sống như ngài.

Bước vào Mùa Chay năm nay, theo gương của tổ phụ Abraham, mỗi người chúng ta hãy cố gắng từ bỏ đi một thói hư, tật xấu nào đó: đó có thể là sự lười biếng, tính tự ái, thói quen nhậu nhẹt, bài bạc, chửi thề, nói hành, nói xấu, cố chấp, ương bướng... Việc từ bỏ này không phải là dễ dàng thực hiện, vì con người chúng ta rất yếu đuối, nhưng nếu chúng ta biết đặt trọn niềm tin, và hết lòng cậy dựa vào ơn Chúa, tôi tin chắc, tất cả chúng ta sẽ thực hiện được.

Cùng với việc từ bỏ là lên đường. Chớ gì trong Năm Thánh Thể này, mỗi người chúng ta cũng hãy có một quyết tâm tham dự Thánh lễ và hiệp lễ mỗi ngày, khi có thể. Và nhất là quyết tâm hiệp dâng Thánh Lễ ngày Chúa Nhật thật đầy đủ, trọn vẹn. Nhờ đó, vào ngày Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, và là Chúa chúng ta trở lại, tất cả chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Ngài

Sống Đức Tin
Mt 17, 1-9 

Trong khi dân chúng còn thắc mắc về Chúa Giêsu, mỗi người nghĩ về Ngài một cách, thì ông Phêrô đã thay mặt nhóm môn đệ thân tín của Chúa tuyên xưng : "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa". Lời tuyên xưng này là thành quả của giai đoạn huấn luyện của Chúa. Được theo sát bên Chúa, được chứng kiến mọi hoạt động của Chúa, lại được Chúa dạy dỗ riêng nhiều điều, các môn đệ được dẫn dắt từng bước để nhận ra Chúa Giêsu là ai. Nhưng cho đến lúc này các ông mới chỉ thấy quyền năng của Chúa, còn con đường Ngài phải đi thì các ông chưa biết, Chúa Giêsu muốn các ông phải chấp nhận toàn thể sứ mạng và thân phận của Ngài. Vì thế, khi ông Phêrô vừa tuyên xưng Ngài là Đấng Kitô, Ngài liền nói đến việc Ngài sẽ phải chịu đau khổ, bị xỉ nhục và phải chết rồi sống lại. Sau đó Ngài rời miền Galilê tiến lên Giêrusalem. Nhưng trước khi đi lên Giêrusalem, Ngài còn cho các ông được thấy vinh quang của Ngài, nghĩa là Ngài tỏ lộ cho các ông thấy phần nào chân dung thật của Ngài, mà chúng ta thường gọi là Chúa biến hình.

Nói rõ hơn, Chúa Giêsu đã đem theo ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Ta-bo, đang lúc cầu nguyện, Chúa biến hình : sắc diện Ngài biến đổi và có một dung mạo khác thường, nghĩa là Chúa tỏa lộ một ánh sáng đặc biệt cho các môn đệ thấy chính Ngài là ai, là "vinh quang của Thiên Chúa", là "Chúa vinh quang". Trước đây, các môn đệ sống bên Chúa, đã hiểu phần nào về con người của Chúa, nhưng hôm nay nơi núi biến hình, các ông mới đích thực cung chiêm uy linh vinh quang của Chúa.

Trong lúc Chúa biến hình có hai người đàm đạo với Chúa, đó là ông Môsê và Elia. Đàm đạo về cuộc khổ nạn mà Chúa sắp trải qua ở Giêrusalem, còn ông Phêrô và các bạn thì ngây ngất trong ánh sáng siêu linh ấy, nhưng giữa lúc đó có một đám mây bay đến phủ rợp các ngài, rồi mất hút hai vị đại ngôn sứ, và mọi sự trở lại bình thường.

Quang cảnh trên cho chúng ta thấy có ánh sáng rồi có bóng mây. Đời là thế. Có vinh quang có đau khổ, có vinh có nhục, có buồn vui đắp đổi, có khóc có cười, có nước trời có trần gian, có vàng thau lẫn lộn...Vì thế, ngay trong vinh quang của Ta-bo, Chúa đã đàm đạo với các ngôn sứ về cuộc khổ nạn của Ngài để nhắc nhở và củng cố đức tin của thánh Phêrô và các tông đồ, để giúp họ đứng vững giữa những thử thách và trung thành với sứ mệnh nặng nề của ngày mai. Thánh Phêrô, trong một khoảnh khắc thời gian, được sống trong hai thế giới : trần gian và thiên đàng. Và khi được cung chiêm hạnh phúc nước trời, ngài đã sung sướng quá và thốt lên : "Lạy Thầy, được ở lại đây thì tốt quá". Nhưng rồi bóng mây bao phủ trên họ, và họ phải xuống núi, trở về với nhiệm vụ của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay có nhiều điều đáng ghi nhớ, nhưng chúng ta đặc biệt ghi nhớ câu nói của thánh Phêrô trên đây và hình ảnh đám mây bao phủ trên các tông đồ lúc ấy làm bài học cho chúng ta. Chúng ta thấy đó, thánh Phêrô đã thốt lên như thế khi được thấy hạnh phúc nước trời ngay tại thế, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc thôi rồi họ lại trở về với cuộc sống cam go và nhiệm vụ nặng nề của mình. Lời nói của thánh Phêrô được coi là niềm vui, đám mây tượng trưng cho nỗi buồn.

Chúng ta cũng vậy, có lẽ trong cuộc đời theo Chúa, chúng ta cũng sẽ được một số những an ủi, niềm vui, phước lộc. Nhưng chúng ta cần nhớ : bao lâu còn sống ở trần gian, niềm vui nào cũng mau qua, như người ta vẫn nói : Vui qua sầu tới. Cho nên, chúng ta cần phải có một thái độ đúng trước niềm vui, là đừng bao giờ chỉ biết có niềm vui của riêng mình, nhưng phải biết giới hạn và san sẻ niềm vui đó, và đừng bao giờ để cho niềm vui của mình trở nên đau khổ cho người khác, vì khi chúng ta vui thì còn nhiều người khác đang buồn. Cũng đừng bao giờ say sưa trong niềm vui mà quên bổn phận hay nhiệm vụ của mình. Lúc có niềm vui thì hãy nhớ tới lúc hết niềm vui. Nếu chúng ta có thái độ đúng đắn như thế, chúng ta sẽ không còn ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước thuận cảnh hay nghịch cảnh, trước niềm vui hay nỗi buồn. Ngược lại, khi chúng ta không có được niềm vui như người khác, thì chúng ta cũng đừng bao giờ thất vọng, chán nản, buông xuôi.

Vì thế, chúng ta phải làm chủ được cuộc đời mình, là cuộc đời được đan dệt bằng những niềm vui và nỗi buồn. Chúng ta hãy sống với hoàn cảnh thực tại của mình, chúng ta hãy chu toàn nhiệm vụ hằng ngày của mình, chúng ta hãy lấy nhiệm vụ làm nguồn vui, chúng ta chỉ có quyền hưởng niềm vui khi đã làm xong nhiệm vụ. Nhiệm vụ nào cũng là gánh nặng, nhưng gánh nặng được chúng ta hoàn thành lại trở nên niềm vui cho chúng ta. Đó là bài học Chúa dạy các tông đồ xưa kia và dạy chúng ta hôm nay : "Qua đau khổ sẽ tới vinh quang", sau cơn mưa, trời lại sáng.

Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, OP.

Đức Giêsu - Con Đường Cứu Độ Duy Nhất         
Mt 17:1-9       

"Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ai một mình Chúa Giêsu" (Mt 17:8).         

Trong cuốn sách tựa đề "Gương Hiếu Thảo", tác giả Phan Như Huyên có thuật lại gương chí hiếu của Công Chúa An Thường như sau: An Thường là con gái thứ tư của vua Minh Mạng. Nàng rất thông minh và thảo hiếu. Năm lên 9 tuổi, mẹ của công chúa bị bịnh. Lúc đó vào dịp lễ Vạn Thọ, các hoàng tử công chúa đều được triệu vào cung để chúc tuổi vua cha. Nhà vua cho các hoàng tử được ăn thịt dê. An Thường chỉ ngậm thịt trong miệng chứ không nuốt. Vua thấy lạ mới hỏi nguyên do, cô trả lời: "Con nghe nói thịt dê bổ lắm, nên con ngậm về cho mẹ đang bị bịnh ăn cho mau khỏe". Nghe vậy, vua cảm động quá, mới truyền đem khay lấy thêm thịt để An Thường đưa về cho Mẹ. Đến khi Vua Minh Mạng chết, nàng để tang ba năm, sống bên lăng cha cho trọn đạo hiếu.

Khi đề cập đến đạo hiếu trong văn hoá Việt Nam, Đức TGM Stephanô Nguyễn Như Thể của TGP Huế tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, đã phát biểu: Người Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo. Cả ba tôn giáo đó đều cho lòng hiếu thảo là nhân đức căn bản của gia đình và xã hội. Việc sốt sắng tôn kính và phục vụ cha mẹ khi còn sống cũng như lúc qua đời là một bổn phận ưu tiên. Luân lý và văn minh đều tùy thuộc vào bổn phận này.

Có lẽ trong những quốc gia mà đạo hiếu bám rễ sâu vào lòng người như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ..., nơi mà "tứ đại đồng đường", ba bốn đời vẫn ở chung nhau dưới một mái nhà, thì việc rao giảng hay đón nhận Kitô giáo sẽ không phải là một chuyện dễ dàng. Tại sao thế?

Lý do là vì nhiều người cảm thấy băn khoăn muốn phải kháng khi nghe Đức Giêsu nói: "Ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ của Ta" (Lc 14:26).

Vấn đề được đặt ra là: "Trên thế gian này có gì cao đẹp cho bằng tình cảm cha mẹ con cái, vợ chồng, anh em, và có gì quí giá cho bằng sự sống, ấy thế mà Đức Giêsu nào đó lại bảo người ta phải hy sinh từ bỏ để có thế gắn bó với Ngài. Thử hỏi Đức Giêsu là ai mà đòi hỏi người ta một việc làm quá đáng như vậy? Phải chăng Đức Giêsu đang dạy con người sống bất hiếu?"

Điều cần xác minh trước hết, ấy là Chúa Giêsu không hề dạy người ta bất hiếu hay bất nghĩa. Ngài đã từng nhắc đi nhắc lại điều răn thứ 4 là giới răn dạy người ta thảo kính với mẹ cha. Khi một chàng thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu làm thế nào để được hạnh phúc đời đời, câu trả lời của Ngài đã có phần: "ngươi phải thảo kính cha mẹ". Ngay khi trên thập giá, trước lúc tắt hơi, Ngài vẫn quan tâm đến Mẹ Maria và lo liệu để Gioan đón Mẹ về nhà chăm nom. Thế nên không thể nào nói Chúa Giêsu bất hiếu hay dạy người ta sống bất hiếu được.

Vậy thì làm sao để lý giải được câu nói trên đây của Chúa Giêsu?

Thật ra có gì khó hiểu đâu nếu như có những con người đã vì một đất nước trần thế, một đất nước nay còn mai mất, nay vào tay chế độ này mai vào tay chế độ khác, mà họ còn dám dấn thân và hy sinh cha mẹ anh em cùng sự sống, thì với một đất nước vĩnh hằng, một đất nước được thống trị bởi Đức Giêsu, vua tình yêu và chân lý, thì có gì là khó hiểu khi có những con người dám liều bỏ hết tất cả để đi theo vị vua đó và xây dựng đất nước đó.

Mấy ai lại không biết một Thomas More dám bỏ vua Henry VIII, chấp nhận xa vợ con, và cuối cùng là mất mạng sống để bênh vực cho chân lý trung tín yêu thương, một vợ một chồng, mà Vua Giêsu đã truyền dạy.

Mấy ai lại không biết một Giêrađô Majella trốn nhà ra đi sau khi ghi vội cho mẹ mấy lời: "Mẹ ở nhà con đi làm thánh". Hay một Charles Cornay đã can đảm bước qua mình song thân, lên đường đi rao truyền chân lý Nước Trời cho Việt Nam, chấp nhận biết bao khốn khó nghèo khổ, và rồi cuối cùng chấp nhận cái chết lăng trì vì con người có tên Giêsu.

Nhưng không phải là ai cũng hiểu rõ được bản chất thực sự của Đức Giêsu để dám bước theo Ngài cách can đảm và quyết liệt. Lắm khi người ta lại cho Ngài chỉ giống như một hiền triết, hay một vĩ nhân, hoặc một nhà sáng lập tôn giáo nào đó. Nhưng một hiền triết, một vĩ nhân, hay một người sáng lập tôn giáo như Đức Khổng, hay Đức Lão, hoặc Đức Phật, thì cũng chỉ là những con người nói về yêu thương và dạy về chân lý, khuyên bảo chúng sinh làm lành lánh dữ, chứ các ngài không là yêu thương, hay là chân lý. Nhưng Đức Giêsu thì trái lại, Ngài là yêu thương, là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Quan trọng là chỗ đó! (ĐC Fulton J. Sheen).

Thế thì, một khi nhận thức và xác tín Đức Giêsu chính là chân lý soi sáng đường đi cho con người, là tình yêu đưa đến một sự sống phong phú tràn đầy, thì việc bước theo Ngài, làm môn đệ của Ngài sẽ là bước đi tất yếu cho những ai muốn sống sự thật, muốn sống yêu thương, và muốn trở nên con người toàn vẹn. Ngoài Đức Giêsu Kitô, sẽ không còn ai có thể lấp đầy khát vọng đó.

"Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, chỉ trừ một mình Chúa Giêsu". Hai nhà đại tiên tri và lãnh đạo tôn giáo là Êlia và Môisen biến mất. "Chỉ còn một mình Chúa Giêsu". Theo nhận định của một nhà chú giải: rồi đây "mọi chủ thuyết triết học, mọi ý thức hệ vang bóng một thời rồi cũng sẽ bị lãng quên". Các tinh hoa của mọi nẻo đường cũng chỉ qui về một mối trong Đức Giêsu, Đấng là Đường duy nhất dẫn đến Chân Thiện Mỹ của muôn vật muôn loài.

Thật chí lý thay niềm xác tín của Giáo hội: "Không có ơn Cứu Độ ngoài Đức Giêsu"..

Lm Bùi Quang Tuấn, CSsR

Ơn Gọi Làm Đẹp
Mt 17:1-9       

"Ngài đã biến hình trước mặt họ, mặt Ngài sáng láng như mặt trời, áo Ngài nên trắng phau như ánh sáng".
Tự bản chất con người ai cũng muốn trở nên xinh đẹp; thích tìm kiếm và nhìn ngắm những cảnh đẹp; thích những vật hay những người thuộc về mình cũng đẹp; thích được người ta chiêm ngưỡng vì mình đẹp; và vì thế tìm mọi cách để làm đẹp cho mình và những vật hay những người thuộc về mình.

Người ta đã đầu tư biết bao tiền của, công sức, tài năng và thời giờ để phục vụ nhu cầu làm đẹp và khiếu thẩm mỹ của con người. Sự hiện diện của các ngành thẩm mỹ, du lịch, hội họa, điêu khắc, phim ảnh và kiến trúc đã nói lên lòng khát khao vẻ đẹp nơi con người.

Phải chăng lòng khát khao vẻ đẹp ấy nơi con người cùng với những cố gắng làm đẹp của họ chính là một ơn gọi căn bản gắn liền với bản chất con người?

Tin Mừng hôm nay thuật về việc Chúa Giêsu biến hình trên núi trước mặt ba môn đệ thân tín nhất của Người, và vẻ đẹp của Người đã khiến họ đã ngẩn ngơ chiêm ngắm. Qua cuộc biến hình này, Chúa Giêsu không những tỏ cho chúng ta thấy vẻ đẹp tuyệt vời của Người nhưng còn khơi dậy nơi chúng ta hy vọng sẽ được trở nên xinh đẹp như chính Người.

Nói cách khác, qua biến cố biến hình nầy Chúa Giêsu đã khơi dậy "ơn gọi làm đẹp" trong tâm hồn mỗi người chúng ta.

Điều đáng tiếc là chúng ta bị ảnh hưởng của quan niệm thế gian nên thường dừng lại ở việc tìm kiếm và ngưỡng mộ cái đẹp tự nhiên, cái đẹp bị giới hạn trong phương diện vật chất thể lý chóng qua, mà không thiết tha tìm kiếm và chiêm ngưỡng cái đẹp siêu nhiên, cái đẹp của tâm hồn, cái đẹp của nhân đức, cái đẹp thần thiêng của ơn thánh, cái đẹp sẽ tồn tại mãi mãi. Chính cái đẹp thần thiêng sung mãn ấy là cái đẹp mà Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng và kiếm tìm qua cuộc biến hình trên núi của Người.

Vì được dựng nên giống hình ảnh Chúa, con nguời được chia sẻ cái đẹp của chính Chúa, Cái Đẹp Tuyệt Đối. Tội lỗi-tội tổ tông và tội riêng ta-đã làm lệch lạc và lu mờ hình ảnh Thiên Chúa nơi mỗi người chúng ta. Lòng khát khao những nét đẹp trong thế giới tự nhiên nơi chúng ta phải là dấu chỉ của lòng khát khao tìm kiếm và chiêm ngưỡng Thiên Chúa và được chia sẻ Cái Đẹp Tuyệt Đối của chính Người.

Chúa Giêsu xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta, nghĩa là để giúp chúng ta khôi phục lại hình ảnh tuyệt mỹ của Thiên Chúa nơi linh hồn chúng ta. Khi biến hình trên núi, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ nhận biết Người chính là "phản ảnh của vinh quang, là ẩn tượng" của Thiên Chúa (Heb 1:3).

Cũng theo thánh Phaolô, mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa kêu gọi để "nên đồng hình đồng dạng với hình ảnh Con của Người, để Ngài nên trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc" (Rom 8:29); nghĩa là ta được mời gọi để trở nên xinh đẹp tuyệt vời như chính Chúa Giêsu.

Cuộc biến hình của Chúa Giêsu là sự chuẩn bị của Người dành cho các môn đệ. Nhờ đó, họ có thể chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết đau thương của Người trên thập tự mà không vấp phạm. Điều này cũng giống như việc các bác sĩ thẩm mỹ chỉnh hình cho các bệnh nhân xem hình vẽ dung mạo xinh đẹp mà họ sẽ có sau khi chữa trị, để họ dễ chấp nhận những tốn kém hay đớn đau phiền toái của quá trình điều trị.

Trong Chúa Giêsu và nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Người, tất cả nhân loại chúng ta đã tìm được phương thức lột xác và chỉnh hình để xóa bỏ dung mạo xấu xa ghê tởm vì tội loi và khôi phục lại vẻ đẹp siêu việt tuyệt vời của hình ảnh Thiên Chúa nơi linh hồn chúng ta.

Đó là Tin mừng mà Giáo hội muốn công bố cho mọi người qua mọi thời đại.

Bài trích sách Sáng Thế trong phụng vụ hôm nay nói đến việc Abraham được Chúa kêu gọi để từ bỏ quê hương để đi đến miền đất mới Chúa hứa ban với bao phúc lộc, và ông đã ra đi. Qua việc đón nhận niềm tin Công giáo và bí tích Rửa tội, chúng ta đã chấp nhận đi ra khỏi giới hạn của sự khao khát và kiếm tìm những cái đẹp thuần túy vật thể và tự nhiên, để bắt đầu theo chân Chúa Giêsu kiếm tìm, chiêm ngưỡng và thông dự vào vẻ đẹp siêu nhiên thần thiêng của chính Thiên Chúa.

Thánh Phaolô trong thư gửi Timôtê trong bài đọc 2 của Phụng vụ hôm nay cũng đã kêu gọi Timôtê "hãy chung phần cam khổ vì Tin mừng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng cứu thoát ta, và đã ra thánh triệu kêu gọi ta, không chiếu theo các việc ta làm, nhưng là chiếu theo chính dự định và ân sủng Người đã ban cho ta trong Đức Kitô Giêsu, từ trước đời đời hằng có, và nay đã cho hiển hiện nhờ cuộc Hiển linh của Cứu Chúa chúng ta, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã hủy diệt sự chết và chiếu sáng ra sự sống, và sự bất hoại, nhờ Tin Mừng" (1 Tim 1: 8b-10).

Giáo Hội muốn dùng chính những lời này trong Mùa Chay để kêu gọi chúng ta chấp nhận và nỗ lực thực thi những đòi hỏi của Tin mừng để được lột xác biến hình hầu có được vẻ đẹp siêu việt vĩnh hằng của chính Chúa Giêsu.

Trong xã hội hôm nay rất nhiều người chấp nhận tốn kém, kỷ luật và phiền toái như kiêng ăn, uống thuốc, tập thể dục thể thao hay giải phẫu để có được vẻ đẹp mau qua chóng tàn của thân xác. Chẳng lẽ người tín hữu chúng ta lại không dám quyết tâm sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu của mình, "ơn gọi làm đẹp" tâm linh sao?

Lạy Mẹ Maria là Mẹ Tuyệt Mỹ, xin Mẹ giúp chúng con luôn khao khát say mê chiêm ngưỡng vẻ đẹp thần linh của Chúa Giêsu Con Mẹ. Xin Mẹ dạy chúng con biết chấp nhận và thánh hoá mọi đau khổ trong cuộc sống để Chúa biến đổi chúng con nên "đồng hình đồng dạng" như hình ảnh tuyệt vời của chính Người. Amen.

Lm Phạm Quốc Hưng,CSsR

Hãy nghe Lời Người
Mt 17, 1-9

"Đây là Con yêu dấu của Ta, Người đẹp lòng Ta. Hãy nghe Người"        

Biến Cố Biến Hình: Vai trò trong Phụng Vụ Mùa Chay       

Chúa Nhật mở màn cho cho Mùa Chay, chúng ta thấy Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô ở biến cố Người theo Thần Linh thúc đẩy vào hoang địa để chịu ma quỉ cám dỗ sau khi đã ăn chay 40 đêm ngày. Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Chay tuần này chúng ta thấy Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô ở một biến cố hoàn toàn ngược lại với biến cố tuần trước, đó là biến cố Người biến hình trên núi cao trước mắt ba môn đệ của Người.

Việc Giáo Hội sắp xếp cho hai biến cố của Chúa Giêsu hoàn toàn trái ngược này liền với nhau như vậy, bị cám dỗ trước, tỏ vinh quang sau, cho chúng ta thấy gì, nếu không phải, trước hết, Giáo Hội muốn chứng thực niềm xác tín của mình là "Con Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỉ" (1Jn 3:8), và sau nữa, Giáo Hội cũng muốn cho con cái mình thấy được ý nghĩa đích thực và mục tiêu cao cả của chay tịnh, của từ bỏ: ý nghĩa đích thực của chay tịnh, của từ bỏ ở ngay lời Chúa Giêsu dùng đoạn Kinh Thánh Cựu Ước (Nhị Luật 8:3) bịt miệng Satan, đó là "con người không sống nguyên bởi bánh", và mục tiêu cao cả đó là nhờ thế con người chẳng những không sa chước cám dỗ mà còn có thể "sống bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra", một mục tiêu cũng rất hợp với tiếng nói phát ra từ trời trong biến cố biến hình trên núi của Chúa Giêsu hôm nay, đó là lời: "Hãy lắng nghe Người".

Chắc chắn Chúa Giêsu cũng có mục đích như Giáo Hội đối với con cái mình như thế. Bởi vì, Phúc Âm Thánh Mathêu cho biết, Chúa Giêsu đã biến hình "sáu ngày sau" (Mt 17:1) khi Người tiết lộ cho các tông đồ biết một mầu nhiệm vô cùng mầu nhiệm đối với tâm trí loài người của các vị bấy giờ, đó là Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người, qua lời tiên báo tiên khởi của Người về Biến Cố Vượt Qua này (x Mt 16:21), một lời tiên báo Vượt Qua tiên khởi kinh hoàng và khủng khiếp đến độ đã làm cho vị trưởng tông đồ đoàn, vừa được Người tuyên dương và tín nhiệm trao trọng trách vô cùng quan trọng đến phần rỗi đời đời của các linh hồn, đột nhiên trở thành "Satan" trước con mắt của Người!

Bởi thế, qua biến cố biến hình hôm nay, Chúa Giêsu như muốn củng cố đức tin của các vị vốn đặt nơi Người, một đức tin mà có lần chính quí vị đã phải thú nhận là vẫn còn yếu kém nên đã tự động ngỏ ý xin Thày "hãy tăng thêm đức tin cho chúng con" (Lk 17:5). Qua biến cố biến hình này, Người như muốn nói cùng các vị rằng, cho dù Thày có bị khổ nạn và tử giá vô cùng hèn hạ, đớn đau và nhục nhã trước mặt loài người đi nữa, theo thân phận của một Đấng Thiên Sai, thế nhưng, vì Thày cũng chính là Con Thiên Chúa, nên không một sự gì trên đời này có thể làm chủ được Thày. Trái lại, tất cả mọi sự trần gian, tầm thường hay thấp hèn sẽ được biến đổi thành cao sang và vinh hiển nơi Thày: "dung nhan Người chói sáng như mặt trời, áo Người rạng ngời như ánh sáng", kể cả "tội lỗi cùng với sự chết đã đột nhập thế gian" (Rm 5:12) cũng sẽ bị tan biến đi như bóng tối trước ánh sáng, khi Thày phục sinh từ trong cõi chết. Thật vậy, biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi, được Phúc Âm tường thuật hôm nay, sau sáu ngày từ hôm Người bắt đầu tuyên bố về Cuộc Vượt Qua của Người, chính là lời tiên báo duy nhất và hùng hồn nhất về Cuộc Phục Sinh vinh hiển của Người. Đó là lý do bài Phúc Âm hôm nay đã được hết thúc bằng câu Chúa Giêsu căn dặn ba vị tông đồ về biến cố biến hình liên quan đến cuộc phục sinh sau này của Người: "Các con đừng nói với bất cứ ai về thị kiến này cho đến khi Con Người phục sinh từ trong cõi chết".

Biến Cố Biến Hình: Tác dụng thần linh nơi niềm tin Mầu Nhiệm Phục Sinh

Phần các vị tông đồ đã được chứng kiến thấy Thày mình biến hình trên núi như vậy, tức đã được Người củng cố cho đức tin như thế, các vị cảm thấy đức tin của mình hình như mạnh hơn, đến nỗi, hai anh em Giêbêđê là Giacôbê và Gioan, hai nhân vật có mặt nơi biến cố biến hình của Thày, sau này, lúc nghe Thày tiên báo về Cuộc Vượt Qua của Người lần thứ ba (x Mt 20:17-19), đã dám khẳng định với Thày là hai vị "có thể uống được chén Thày uống" (Mt 20:22). Nhất là riêng Phêrô, nhân vật thú nhận mình đã có mặt trong biến cố biến hình này (x 2Pt 1:18) còn gân hơn nữa, khi nghe Thày báo trước sự kiện có một người trong Nhóm 12 của mình sẽ phản nộp Người, liền cương quyết với Thày: "Cho dù tất cả có mọi người có lung lay niềm tin nơi Thày, vĩnh viễn con sẽ không bao giờ" (Mt 26:33), thậm chí còn dứt khoát thề thốt với Người: "Cho dù có chết với Thày, con cũng không chối bỏ Thày" (Mt 26:35). Chính trong khi nói lên những lời hết sức thật tình và chí tình này, những lời nếu so sánh với những gì mâu thuẫn xẩy ra sau đó, Phêrô quả thực "không biết mình nói gì", như được Phúc Âm Thánh Luca mở ngoặc ghi nhận những gì thánh nhân nói trong biến cố biến hình, về cảm nhận vui sướng của thánh nhân bấy giờ, cũng như về việc thánh nhân tự nguyện xây ba lều cho cả Thày lẫn Moisen và Elia (x Lk 9:33).

Thế nhưng, Mầu Nhiệm Vượt Qua siêu việt và khủng khiếp biết bao trước tâm trí của loài người, thậm chí với cả thành phần đã được trực tiếp phần nào nghe, thấy và sờ được sự thật (x 1Jn 1:1-2) trước khi sự thật hoàn toàn tỏ hiện sau Cuộc Vượt Qua. Bởi thế, vừa giáp trận, quí vị đã bật ngửa ra ngay, đã ngã sấp mặt xuống đất liền, chẳng khác gì như đã xẩy ra nơi đám thủ hạ của Hội Đồng Do Thái sai phái đến bắt Chúa Giêsu sau khi vừa nghe thấy sự thật, tức vừa nghe thấy Người tuyên bố "Chính Ta đây" (Jn 18:6). Vị trưởng tông đồ đoàn là Phêrô đã không ngã sấp xuống đất vỡ hết cả mặt mũi hay sao, khi công nhiên trắng trợn và phũ phàng chối bỏ Thày mình ba lần đúng như lời Thày báo trước (x Mt 26:69-75).

Tuy nhiên, không phải vì ba vị tông đồ được chứng kiến biến cố biến hình Thày muốn dùng để kiên vững đức tin cho các vị này, song các vị vẫn thuộc vào thành phần, như Phúc Âm Marcô cho biết, sau khi Chúa Giêsu bị bắt thì "tất cả mọi người liền bỏ Người mà tẩu thoát" (Mk 14:50), là các vị ấy đã làm cho biến cố biến hình hoàn toàn bị mất đi công dụng thần linh của mình. Bởi vì, biến cố biến hình chẳng những có tác dụng củng cố đức tin cho các vị ngay lúc bấy giờ, mà còn có tác dụng hình thành đức tin cho các vị sau này nữa, ở chỗ, các vị dễ tin vào Thày hơn, khi các vị thực sự chứng kiến thấy Thày mình đã hoàn toàn "biến hình" vinh hiển hiện ra với các vị sau khi sống lại từ trong cõi chết. Biến cố biến hình quả thực là một trong những cách sống động nhất và hiển nhiên nhất Chúa Giêsu muốn dùng để thực hiện chủ đích của Người trong việc hình thành đức tin cho các môn đệ, hay trong việc tăng thêm đức tin một cách hiệu nghiệm cho thành phần muốn đi theo Người, thành phần sẽ là những chứng nhân tiên khởi của Người, một chủ đích được Người cho các vị biết trong Bữa Tiệc Ly: "Thày nói với các con điều này bây giờ trước khi nó xẩy ra, để khi nó xẩy ra thì các con mới tin Là Thày" (Jn 13:19; Lk 24:44): "Thày là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16:16).

Biến cố biến hình: với vai trò của Đấng Thiên Sai và phần rỗi loài người

Biến cố biến hình chẳng những là việc Chúa Giêsu muốn dùng để tỏ mình ra cho các môn đệ của Người, mà còn là một chứng từ chính Thiên Chúa muốn thực hiện để làm cho các vị tin vào Đấng Ngài sai nữa. Đó là lý do Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại hiện tượng có tiếng từ trời tuyên nhận Đấng Thiên Sai của Ngài trước mặt các vị và truyền cho các vị huấn dụ của Ngài: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Đấng đẹp lòng Ta. Hãy lắng nghe Người". Trong biến cố biến hình của Đấng Ngài sai, để chứng thực cho ba người môn đệ thân tín nhất của Người biết Người chính là Đấng Thiên Sai, Thiên Chúa cũng đã cho các vị thấy cả hai nhân vật tiêu biểu quan trọng trong Cựu Ước là Moisen (tiêu biểu cho lề luật) và Elia (tiêu biểu cho tiên tri) nữa. Bởi vì, với Cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Giêsu đã chứng thực mình là Đấng Thiên Sai, tức "là Đấng phải đến" (Mt 11:3), Đấng đã sống và làm trọn vẹn tất cả những gì Thiên Chúa là Đấng sai Người đã dự định và đã tỏ ra cho dân Ngài biết trong "lề luật Moisen và các tiên tri (tiêu biểu nhất là Elia) cùng thánh vịnh (Đavít cũng đóng vai trò tiên tri nơi một số câu thánh vịnh)" (Lk 24:44, xem cả câu 27).

Về những lần hay những việc Thiên Chúa muốn thực hiện để chứng tỏ Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai của Ngài, theo các Phúc Âm thuật lại, có ba lần thứ tự như sau: Lần thứ nhất khi Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả ở sông Dược Đăng, lần thứ hai khi Chúa Giêsu biến hình trên núi, và lần thứ ba sau khi Chúa Giêsu đã vinh hiển vào thành Giêrusalem. Cả ba lần Thiên Chúa đều thực hiện cùng một cách việc chứng nhận của Ngài về Đấng Ngài sai, đó là bằng một tiếng phát ra từ trời. Tuy nhiên, tiếng phán ra từ trời của Thiên Chúa để chứng nhận Chúa Giêsu quả thực là Đấng Thiên Sai lần thứ nhất chỉ nói riêng với Chúa Giêsu (x Mk 1:11; Lk 3:22; Mt 3:16-17), lần thứ hai với các môn đệ (x Mt 17:5), và lần thứ ba với chung dân chúng, gồm cả dân Do Thái lẫn dân ngoại Hy Lạp, (xem Jn 12:28).

Riêng về lần thứ ba của tiếng phán từ trời này, căn cứ vào lời Chúa Giêsu nói với dân chúng bấy giờ: "Tiếng này không phán ra vì Tôi mà là vì quí vị đó" (Jn 12:30), chúng ta thấy Thiên Chúa quả thực chứng nhận Đấng Thiên Sai của mình trước mặt con người trần gian vậy. Làm như thế không phải là vì Thiên Chúa cần đến con người mà là để làm lợi ích cho phần rỗi của họ, cho đức tin của họ mà thôi, đúng như lời Đấng Thiên Sai của Ngài đã khẳng định với đám dân tìm kiếm Người sau khi được Người hóa bánh ra nhiều để họ được ăn uống no nê: "Đây là việc làm của Thiên Chúa, đó là làm cho quí vị tin vào Đấng Ngài sai" (Jn 6:29).

Tuy chủ ý của tiếng phán từ trời là chứng nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, Đấng thực sự đã làm đúng như những gì Người đã khẳng định với dân Do Thái: "Tôi từ trời xuống không phải để làm theo ý mình mà là ý Đấng đã sai" (Jn 6:38), nhưng tiếng phát ra từ trời này tự mình cũng đã gây ra một tác dụng khủng khiếp, đó là làm cho người nghe phải hoảng sợ. Điển hình là trong biến cố biến hình được Phúc Âm Thánh Mathêu hôm nay thuật lại và cho biết tình hình sau tiếng phán này là "Khi các vị nghe thấy tiếng nói này liền hoảng sợ ngã xuống đất". Cũng thế trong lần thứ ba, Phúc Âm Thánh Gioan cho biết: "Khi đám đông nghe tiếng này họ nói là tiếng sấm", có nghĩa là họ có thể đã bị giật mình và run sợ. Chỉ có lần thứ nhất khi tiếng từ trời phán ra với Chúa Giêsu thì không có gì xẩy ra, không phải vì Người có nội tâm thâm hậu, mà vì Người chính là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, là chính Lời Thiên Chúa muốn nói với loài người (x Heb 1:2), Lời mà tiếng phán từ trời hôm nay muốn thành phần chứng nhân tiên khởi được chứng kiến biến cố biến hình "Hãy lắng nghe".

Vấn đề thực hành sống đạo: Chúa Giêsu biến hình trên núi trước mặt ba môn đệ là việc cả Người cũng như Cha của Người muốn thực hiện để chứng thực Người là Đấng Thiên Sai, là Chân Lý, nhờ đó, thành phần môn đệ đã được Người tuyển gọi, cũng như đã tự nguyện bỏ mọi sự để dấn thân theo Người, được yên tâm và kiên trì theo Người cho đến cùng (x Jn 21:18-19). Và chính khi Kitô hữu chúng ta theo Người cho tới cùng như thế, ngay trên trần gian này, nếu "Chúa Giêsu được tỏ hiện nơi thân xác của chúng ta" (2Cor 4:10), chúng ta thực sự đã được "biến hình" một cách mầu nhiệm. Ở chỗ, càng ngày chúng ta càng phản ánh Đấng" là ánh sáng thế gian" (Jn 8:12), tức càng trở thành những chứng nhân đích thực và sống động của Người, cho tới khi Người lại đến để hoàn toàn và vĩnh viễn biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta để nó được thực sự trở nên giống như thân xác hiển vinh của Người (x Phil 3:21).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh

(nguồn vietcatholic.org)

1330    17-03-2011 07:57:42