Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Chúa Nhật II MC A

 

    Chúa Nhật II Mùa Chay A
    Mt 17, 1-9

     

Trong cuộc sống, người ta đã kinh nghiệm được rằng: có nhiều điều ta nhìn mà không thấy. Chẳng hạn như tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử. Người ta chỉ thấy những dấu hiệu của tình yêu như: quà tặng, sự âu yếm, sự hy sinh quên mình. Còn chính tình yêu thì ta không thấy. Vì cái chính yếu thì vô hình. Ta chỉ thấy được bằng trái tim. Bên cạnh đó, có nhiều điều ta chỉ thấy bề mặt mà không thấy bề sâu. Ví dụ như con người. Khi nhìn một người, ta chỉ thấy diện mạo, hình dáng bên ngoài. Ít khi ta thấy được tâm tư tình cảm của người khác, kể cả những người thân yêu sống kề cận bên ta. Linh hồn người ta không ai thấy bao giờ. Vì linh hồn thiêng liêng. Ta chỉ thấy được bằng đức tin.

Hẳn thật, Đức Giêsu xuống thế làm người đã trở nên giống như một người phàm, được mấy người nhận ra đó là Con Thiên Chúa đâu. Người che giấu thần tính vinh quang sáng láng trong một thân xác nghèo hèn, bình thường. Không ai nhận ra Thiên tính của Người, ngay cả các môn đệ luôn luôn kề cận bên Người.

Hôm nay thánh sử Matthêô cho chúng ta thấy, khi Chúa tỏ mình ra, ba Tông Đồ thân tín quá ngỡ ngàng. Lòng các ông tràn ngập niềm vui khi nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu. Thần tính vinh quang biểu lộ rọi sáng vào nhân tính được tôn vinh. "Diện mạo Đức Giêsu chói lọi như mặt trời và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng".

Thần tính Đức Giêsu biểu lộ chứng thực Người là Thiên Chúa ẩn mình. Thì ra con của bác thợ mộc che giấu cả một nguồn ánh sáng chói lọi. Người nghèo hèn này lại là Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang. Nhờ ánh sáng vinh quang trên núi Tabore của Đức Giêsu giúp ta nghiệm ra:

Ánh sáng Thần tính chiếu soi nơi nhân tính đem lại cho ta niềm hy vọng. Vì nhân tính của Đức Giêsu gánh lấy cả nhân loại trên mình, nên ánh sáng thần linh cũng chiếu soi cả vào con người chúng ta, ánh sáng ấy chiếu vào cái thế giới tăm tối của tội lỗi, yếu hèn, của chúng ta. Mặt khác, Ánh sáng ấy cho chúng ta hiểu rằng, Người ẩn tàng trong mọi quan hệ, trong mọi niềm vui, trong mọi tình bạn, trong mọi tình yêu. Bởi vì hạnh phúc là gì nếu không phải đi tìm cái cốt lõi, là nguồn mạch của hạnh phúc, là chính Thiên Chúa hằng sống. Hơn nữa, Ánh sáng ấy nói với chúng ta rằng : Vinh quang Thiên Chúa như hạt giống đang vùi chôn trong lòng tất cả mọi anh em sống quanh tôi. Vinh quang ấy đang bị che khuất đàng sau những mái tranh thô sơ, những thân thể gầy guộc, những ánh mắt mệt mỏi lờ đờ.

Nhận thức ấy thôi thúc chúng ta trở về tìm Chúa trong đáy lòng mình. Trong con người của mình, chúng ta càng vứt bỏ tội lỗi, dung nhan Thiên Chúa càng hiện rõ. Càng chìm sâu vào nội tâm thinh lặng, chúng ta càng tới gần Chúa. Bên cạnh đó, nhận thức ấy còn giúp chúng ta sẵn sàng kính trọng tha nhân vì tah nhân là những đền thờ cho Thiên Chúa ngự trị, là những bình sành chứa đựng kho tàng cao quý. Như thế, sống Mùa Chay chính là hành trình nội tâm: trở về đáy lòng mình để gặp được Chúa.

Mùa chay giúp chúng ta trở về nội tâm mình. Mùa chay giúp chúng ta có nhiều cơ hội làm hoà với Thiên Chúa và Tha nhân, nhưng chính trước đó chính mình giải hoà bản thân mình. Mùa Chay có nhiều cơ hội giúp ta thi hành điều Chúa muốn như ăn chay, bố thí và cầu nguyện. Chúng ta hãy xem kỹ lại việc ăn chay của mình, nếu ăn chay chính là đến với anh em bằng thái độ kính trọng và yêu thương thì đó là điều mà Chúa mong muốn. Ngoài ra, ta đến với tha nhân bằng cách hết sức có thể, có thể ta đến với những mảnh đời kém may mắn, vào những mảnh đời tăm tối, những thân phận hẩm hiu. Chúng ta hãy làm sao cho dung nhan nhân loại chói ngời ánh sáng nhân phẩm, ánh sáng văn hoá, ánh sáng lương tâm và ánh sáng thần linh. Như thế ta là chúng ta đang cộng tác vào việc biến hình thế giới. Như thế ta đang bước theo chân Đức Kitô, đưa nhân loại vào hành trình vượt qua sự chết và dần đang đi vào phục sinh.

Lạy Đức Kitô, xin ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ để chúng con có khả năng nhìn thấy Chúa trong tha nhân. Xin ban cho chúng con trái tim bén nhạy để chúng con biết yêu mến những thực tại vô hình. Amen.

     

    Nước Thiên Chúa
    Mt 17,1-9

Trong sách giáo lý Tân Định, tôi vẫn còn nhớ như in câu hỏi: Ta sống ở đời này để làm gì? Thưa ta sống ở đời này để nhận biết, tôn thờ Chúa là Đấng Tạo Hoá đã dựng nên ta, và để sau này ta được hưởng hạnh phúc với Ngài trên thiên đàng đời đời. Đúng thế! Mục đích đời sống của người kitô hữu là để được hưởng hạnh phúc đời đời trên thiên đàng với Thiên Chúa.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thuật lại cuộc biến hình uy nghi của Chúa Giêsu trên núi trước mặt ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu đã tỏ cho ba môn đệ thân tín thấy thiên tính của Ngài: Một Vị Ngôi Hai Thiên Chúa vinh hiển sáng ngời "Dung nhan Người chói lọi như mặt trời và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng" và ba ông đã cảm nếm được hạnh phúc trong chốc lát. Phêrô đã thốt lên: "Chúng con ở đây thật là hay!"  Cảnh Chúa Giêsu biến hình có thể hiểu được đó là hình ảnh của Nước Thiên Chúa được thể hiện ra trong chốc lát cho ba môn đệ thân tín để các ông vững tin hơn; đồng thời cũng để cho nhân loại và cho chúng ta có một vài khái niệm về Nước Thiên Chúa, mà chúng ta thường gọi là Thiên Đàng. Vậy qua đây, chúng ta cùng nhau nhận ra một vài nét đặc trưng của Nước Thiên Chúa:

1. Nét đặc trưng thứ nhất: đó là Nước Thiên Chúa vượt ra ngoài không gian - thời gian mà con người đang sống. Không có sự phân biệt tách rời quá khứ, hiện tại và tương lai. Bởi vì, qua bài tường thuật, chúng ta thấy Êlia và Môsê là những người thuộc thế hệ xa xôi trong quá khứ đã cùng hiện diện với Phêrô, Giacôbê và Gioan là những người sống trong thế hệ hiện tại lúc bấy giờ. Và hình ảnh Chúa Giêsu sáng láng rực rỡ, biểu hiện cho cảnh tượng hiển vinh trong tương lai. Ở trần gian, con người thường đau khổ vì chịu sự chi phối của thời gian và không gian, phải ly cách với quá khứ, ly cách với ông bà tổ tiên, với nơi này chốn nọ. Còn ở trong Nước Thiên Chúa, không có sự ly cách đó nữa; cũng không còn phải sống trong không gian đầy dẫy những tai ương, bệnh tật và âu lo.

2. Nét đặc trưng thứ hai: đó là con người trong Nước Thiên Chúa rất là xinh đẹp. Mátthêu tả rằng: "Mặt Ngài sáng chói như mặt trời, áo Ngài trắng tinh như ánh sáng", thánh Máccô thì nói: "Áo Ngài nên rạng ngời, trắng tinh đến nỗi thợ giặt trần gian không tài nào giặt được trắng như thế". Còn dáng vẻ của Êlia và Môsê thì thánh Luca nói: "Êlia và Môsê hiện ra sáng láng hiển vinh". Rõ ràng con người trần gian không thể nào đẹp sánh bằng con người trong Nước Thiên Chúa.

3. Nét đặc trưng thứ tư: đó là được hạnh phúc tròn đầy. Mặc dù, hiện tượng Chúa biến hình chỉ xãy ra trong chốc lát nhưng đã khiến Phêrô thích thú ngây ngất và đã thốt lên: "Lạy Ngài, chúng con ở đây thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho Môsê và một cho Êlia".

Nước Thiên Chúa được hé mở cách thoáng qua cho ba môn đệ trong cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor, hẳn cũng xứng đáng cho con người mong mỏi, ước ao và kiếm tìm, và thật là xứng đáng để chúng ta hy sinh vứt bỏ những bám víu ở trần gian như tiền tài, danh vọng, địa vị để đổi lấy Nước Thiên Chúa, như lời dạy của Chúa Giêsu "Trước hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho" (Mt 6,33).

Trong bài đọc một, ông Abraham đã vứt bỏ đằng sau lưng những gì là thân thiết như quê hương xứ sở, bà con láng giềng, bỏ lại ruộng đất, nhà cửa để đi theo tiếng mời gọi của Thiên Chúa. Ông đã tin vào lời Thiên Chúa hứa và ông đã lên đường đến xứ sở mà Thiên Chúa sẽ chỉ cho, để rồi ông chỉ còn tôn thờ một mình Thiên Chúa Giavê mà thôi. Và ông đã trở thành tổ phụ của những ai tin vào Thiên Chúa, ông đã chiếm được một phần gia nghiệp trong Nước Thiên Chúa.

Vậy chúng ta cũng hãy mạnh dạn tiến bước như tổ phụ Abraham, và đáp lại lời mời gọi của Chúa trong mùa chay thánh này, là hãy sám hối, thay đổi đời sống quay trở về với Thiên Chúa, hãy chọn Chúa là gia nghiệp, và Chúa là sự chọn lựa số một trong đời sống của chúng. Khi chọn Chúa là số một, đôi lúc sẽ làm chúng ta phải chùn bước, thậm chí ngã lòng nữa,  lúc đó, chúng ta hãy nhớ rằng: 1/ Đức Kitô sáng láng của núi Tabor cũng chính là Đức Kitô thấm đẫm mồ hôi máu trong vườn cây dầu. 2/ Đức Kitô rực rỡ của núi Tabor cũng là Đức Kitô vác thập giá ngã lên ngã xuống nhiều lần trên đường đến núi sọ. 3/ Đức Kitô vinh quang của núi Tabor cũng chính là Đức Kitô treo trên thập giá ở đỉnh núi sọ.

Với vinh quang của Chúa biến hình, ước gì trong mùa chay thánh này, chúng ta có một sự chọn lựa dứt khoát: Chúa là gia nghiệp của chúng ta. Và như thế, chắc chắn phần thưởng Chúa dành cho chúng ta ở trên Thiên Đàng là điều hiển nhiên. Amen.

    Con Đường Thập Giá - Con Đường Vinh Quang

    Mt 17, 1 - 9

Tuần trước chúng ta đã cùng với Chúa Giêsu lên núi để chịu ma quỷ cám dỗ. Ðáng tiếc cho ma quỷ là nó không làm gì được Chúa Giêsu. Chỉ vì Người một mực chọn và làm theo lời dạy của Chúa Cha. Chúa Nhật hôm nay chúng ta tiếp tục cùng ba môn đệ theo Chúa Giêsu lên núi. Nếu như tuần trước chúng ta thấy Chúa Giêsu có vẻ yếu đuối bao nhiêu thì hôm nay Người trở nên mạnh mẽ oai quyền bấy nhiêu. Chúa Giêsu đã trở về tình trạng vinh quang của Người: "Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng" (Mt 17, 2b).

     

Với vinh quang này, ba môn đệ cảm thấy rất thích nên Phêrô đã không ngần ngại thưa: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay!" (Mt 17, 4b). Liền sau đó là tiếng Chúa Cha từ đám mây phán: "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" (Mt 17, 5b). Chúa Cha rất hài lòng về Chúa Giêsu. Vì Người đã vui lòng đón nhận con đường mà Chúa Cha đã vạch sẵn cho. Con đường ấy chính là con đường thập giá. Cũng chính con đường thập giá ấy mới là con đường vinh quang đích thật. Và rồi Chúa Cha cũng muốn mời gọi ba môn đệ và tất cả chúng ta hãy đi theo con đường Thập giá cùng với của Thầy mình.

     

Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa thật nên vinh quang mà chúng ta chiêm ngưỡng là điều bình thường. Ðiều đáng nói là vì thương và vì muốn đem lại ơn cứu độ cho con người chúng ta, nên Chúa Giêsu đã đón nhận con đường thập giá ấy. Chúng ta thấy không bao giờ Chúa Giêsu kêu gọi người ta làm gì mà chính Người đã không làm trước. Chẳng hạn khi Người kêu gọi hãy tha thứ thì chính Người cũng đã tha thứ cho những kẻ đã bắt bớ, đã sỉ nhục mình: "Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm". (Lc 23, 34. Cho nên, nếu Chúa Giêsu đã đi con đường thập giá thì những ai muốn theo Người không thể đi đường khác được. "Ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo Thầy" (Mt 16, 24 ).

     

Vậy đâu là con đường thập giá. Ðó là con đường từ bỏ những ý riêng của mình mà sống theo thánh ý Chúa Cha. Bài đọc 1 cho thấy ông Abram được Thiên Chúa mời gọi: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi" ( St 12, 1b). Thật là một lời mời gọi hết sức vô lý theo cái nhìn của chúng ta. Tuy nhiên, ông đã vâng lời Chúa để ra đi mà không một lời phàn nàn. Nhờ đó mà ông đã trở thành Tổ phụ của nhiều dân tộc.

     

Hằng ngày trong cuộc sống chắc chắn có rất nhiều điều trái ý nhưng nếu biết đó là thánh ý Chúa Cha, chúng ta hãy tin tưởng mà bước đi. Bước đi như thế là chúng ta đang đi theo Chúa Giêsu - vị Thầy Chí Thánh của chúng ta. Bước theo con đường thập giá cũng chính là con đường vinh quang.

     

    Vinh Quang Thiên Chúa
    Mt 17, 1-9

Anh chị em thân mến,

 

Ở ngay giữa mùa buồn (Mùa Chay), Hội thánh lại cho chúng ta nghe một câu chuyện vui mang lại niềm hi vọng cho người Kitô hữu: Câu chuyện Chúa biến hình trên núi Tabor. Vậy đâu là ý nghĩa của nó? Cuộc biến hình này xảy ra khoảng tháng 8 năm 29, trên ngọn núi Tabor (theo truyền thống kể lại; giữa Nadareth và mạn Nam hồ Tibêriađê, miến Bắc Galilêa...). Kính mời anh chị em cùng suy niệm.

     

a/. Một vài điểm chúng ta cần lưu ý.

Đây là một phép lạ hiếm hoi trong nhiều phép lạ Chúa Giêsu làm; mục đích sau khi công bố cuộc khổ nạn Người sắp phải chịu, và thấy phản ứng thảm nảo của các môn đệ, Chúa Giêsu tỏ vinh quang Người qua phép lạ biến hình, để củng cố lòng tin cho các ông, để họ an tâm theo Chúa và vâng nghe lời Chúa dạy.

 

Điểm khác: khi Chúa biến hình, xuất hiện Môisen và Êlia, hai nhận vật trong Cựu Ước. Môisen, sống cách Chúa Giêsu đến 1250 năm. Êlia, lối 900 năm. Một người đại diện cho Luật pháp, một người đại diện cho tiên tri, như là sứ giả của Thiên Chúa. Viêc này xác nhận vai trò của Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế đã được loan báo trong Cựu Ứớc, muôn dân đang trông đợi. Trong khi biến hình, câu chuyện của ba vị nói với nhau, cũng là nói về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu sắp tới...

     

Khi các vị còn đang nói, thì có một đám mây bao phủ, và từ trong đám mây có tiếng phán, đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người. Đám mây nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa, như khi Môisen dẫn dân Do thái qua sa mạc. Tiếng nói của Chúa Cha, là để xác nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế, luôn vâng phục và luôn đi theo chương trình cứu rổi nhân loại của Chúa Cha đề ra...

 

b/. Tại sao Chúa Giêsu để mình biến dạng, tỏ vinh quang Thiên tính mình ra cho môn đệ được thấy, một điều mà bao lâu nay Chúa Giêsu hằng giấu kín? Đây còn là mầu nhiệm; tuy nhiên, có điều chúng ta vẫn có thể hiểu được phần nào. Chúa Giêsu vì sứ mạng được Chúa Cha giao phó, đã che giấu tất cả uy quyền vinh hiển của một Thiên Chúa, trong thân phận của một con người bình thường. Như bao nhiêu người khác, Người vẫn gặp thử thách, cám dỗ, khó khăn. Người cũng vẫn lo buồn, sợ hãi trước ám ảnh của cái chết khủng khiếp mà Người phải chịu. Dù vậy, Chúa vẫn luôn vui lòng đón nhận và làm theo Thánh Ý Chúa Cha. Chúa biết việc mình làm; Chúa quyết tâm hoàn tất chương trình cứu rổi đã được vạch ra...Lúc này đây, để củng cố niềm tin cho các môn đệ, Người tỏ một chút vinh quang Thiên Chúa cho họ thấy, để họ an tâm, xác tín vào chương trình tốt đẹp của Thiên Chúa và sẵn sàng tiến bước theo Người.

     

Thiên Chúa muốn chúng ta biến hình như Chúa Giêsu: rõ ràng chúng ta được sinh ra và được cứu chuộc không phải để hư mất đời đời, mà là để được biến hình vinh quang trong địa vị là con cái Thiên Chúa. Dĩ nhiên ở trần gian, người ta không thấy không hiểu được linh hồn sạch tội, đẹp đẽ thế nào, và chắc chắn nó phải đẹp đẽ, vì nó là hình ảnh của Thiên Chúa, một Thiên Chúa tinh ròng, sáng láng, tuyệt mỹ, vô tỳ tích. Các thánh nói: nếu Chúa cho người ta thấy được một linh hồn tinh sạch hoàn toàn, đẹp đẽ và sáng láng thế nào, người ta sẽ không dám phạm tội, và cũng không còn ao ước ở trần gian nữa...Vì thế, biến cố Chúa biến hình chính là để loan báo cho chúng ta cuộc biến hình mai sau sáng láng trên nước trời.

 

c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Chúa Giêsu vì để cứu chuộc nhân loại, đã đành nhận thân phận một con người y như ta để gánh lấy tội ta, và thay ta đền tội trước mặt Chúa Cha. Dù vậy Người chính là Chúa Con, quyền năng ngang hàng như Chúa Cha. Chúng ta có tin Người là Thiên Chúa không? Câu chuyện biến hình này xác nhận điều đó.

     

    Biến Đổi
    Mt 17, 1-9

     

Cuộc sống của con người và vũ trụ vạn vật là một sự biến đổi liên lỉ. Có những biến đổi tích cực nhưng cũng có những biến đổi tiêu cực. Những biến đổi tích cực là khi con người hay sự vật chuyển từ một tình trạng xấu sang một tình trạng tốt hơn do nỗ lực của chính bản thân con người hay do trợ lực từ bên ngoài (Ơn Chúa, tha nhân, vũ trụ vạn vật, những biến cố . . . ) Ðiển hình cho sự biến đổi này có thể kể đến hình ảnh của một Giakêu, của Phaolô, của các Tông đồ sau ngày lễ Ngũ tuần . . . Nhưng cũng có những biến đổi mang tính tiêu cực khi con người chọn lựa cho mình một thái độ sống ích kỷ, tham lam và kiêu căng. Khi đó, họ đang chuyển từ một tình trạng tốt sang một tình trạng xấu. Ðó là hình ảnh của một vua Saul - vị vua đầu tiên của Israel, của một Giuđa Iscariot . . .Những cuộc biến đổi thật cần thiết biết bao trong cuộc sống dương thế của con người, nhưng phải là những cuộc biến đổi tích cực. Khi con người không còn biến đổi nữa thì có thể nói là họ đã chết rồi, hay có sống cũng chỉ là một sự hiện hữu vô hồn và không có ích gì cho chính mình cũng như cho người khác.

     

Bài đọc một hôm nay tường thuật cho chúng ta về việc Ápraham nghe theo tiếng Chúa gọi để ra đi đến một miền đất mà Ông không hề biết trước đó. Ông đang ở trong một quá trình biến đổi, nói đúng hơn là ông đang được biến đổi. Bởi lẽ tác nhân biến đổi cuộc đời của ông chính là Thiên Chúa , nên cuộc đời của ôn g và tương lai của ông thật huy hoàng và vững chắc.

 

Tin mừng hôm nay cũng tường thuật cho chúng ta nghe về việc Chúa Giêsu biến đổi dung mạo của Ngài trên núi trước mặt ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Cuộc biến đổi mà Ngài đang thực hiện mang một ý nghĩa tích cực, tiên báo vinh quang phục sinh huy hoàng sau khi Ngài chu toàn thánh ý của Chúa Cha trong chương trình cứu chuộc con người sự biến đổi tuyệt vời này làm cho các môn đệ ngây ngất trước vẻ đẹp của một Thiên Chúa vốn là Chân, Thiện, Mỹ.

     

Cuộc biến đổi tích cực nào cũng đòi buộc con người phải hy sinh, phải công tác vào phần của mình một cách chủ động vào trong đó. Như hạt lúa muốn trở thành cây lúa thì phải chấp nhận một sự biến đổi âm thầm trong đau đớn vì sự mục nát và thối đi của mình. Vinh quang phục sinh và phần thưởng trọng đại trên thiên quốc cũng dành cho những ai biết hy sinh quên mình, biến chấp nhận được biến đổi và thanh lọc bởi Lời của Chúa và giáo huấn của Hội thánh.

Biết trước sự yếu đuối và nhát đảm của các môn đệ, Ðức Giêsu đã cho các ông thấy và chiêm ngấm trước vinh quang của Ngài, vinh quang mà Ngài sẽ lấy lại sau khi đi vào cuộc tử nạn nhằm cứu chuộc con người khỏi vòng nô lệ của tội lỗi. Vinh quang đó cũng sẽ dành cho các môn đệ và cho tất cả chúng ta nếu chúng ta tích cực và chủ động góp phần vào chương trình cứu chuộc mà Thiên Chúa đã và đang thực hiện vì con người và cho con người .

     

Chúa Giêsu biến đổi dung nhan của Ngài trước nhằm biểu lộ vinh quang vốn có của Ngài trước mặt các môn đệ và cũng là nhằm biến đổi các môn đệ để các ông trở nên can đảm hơn tin tưởng hơn và biết tín thác hơn vào Thiên Chúa.

     

Chúng ta đang sống trong những ngày Chay thánh. Giáo hội tha thiết mời gọi chúng ta hãy làm một cuộc biến đổi tích cực cho cuộc đời của mình. Nếu chúng ta đang ở trong một tình trạng xấu hay một tình trạng tội lỗi, chúng ta hãy can đảm và mạnh dạn biến đổi và cầu xin ơn được biến đổi để cuộc đời của chúng ta được nhẹ nhàng thư thái và đảm bảo cho tương lai của chúng ta được huy hoàng như tổ phụ Abraham của chúng ta. Hay nếu chúng ta đang ở trong một tình trạng không có gì tệ hại cho lắm, thì chúng ta cũng cần làm một cuộc biến đổi tích cực để có một tình trạng tốt hơn, và tiếp nhận một sức sống tốt hơn. Hãy làm cho cuộc đời của chúng ta trở thành một dòng sông không ngừng chảy về Biển cả và tiếp nhận nguồn nước sạch tinh từ Biển cả là chính Thiên Chúa của chúng ta.   

    Mắt Đức  Tin - Mắt Của Trái Tim 

    Mt 17, 1-9      

Có nhiều điều ta nhìn mà không thấy. Ví dụ : tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử. Ta chỉ thấy những dấu hiệu của tình yêu như : sự âu yếm, quà tặng, sự quên mình. Còn chính tình yêu thì ta không thấy. Điều chính yếu thì vô hình. Ta chỉ thấy được bằng trái tim.   

Có nhiều điều ta chỉ thấy bề mặt mà không thấy bề sâu. Ví dụ như con người. Khi nhìn một người, ta chỉ thấy diện mạo, hình dáng bên ngoài. Ít khi ta thấy được tâm tư tình cảm của người khác, kể cả những người thân yêu sống kề cận bên ta. Linh hồn người ta không ai thấy bao giờ. Vì linh hồn thiêng liêng. Ta chỉ thấy được bằng đức tin.     

Chúa Giêsu xuống thế làm người đã trở nên giống như một người phàm. Người che giấu thần tính vinh quang sáng láng trong một thân xác nghèo hèn, bình thường. Không ai nhận ra thần tính của Người. ngay cả các môn đệ luôn luôn kề cận bên Người.          

Hôm nay, khi Chúa tỏ mình ra, các ông chới với ngỡ ngàng. Lòng các ông tràn ngập niềm vui khi nhìn thấy vinh quang của Chúa Giêsu. Thần tính vinh quang phát lộ rực sáng. Và nhân tính được tôn vinh. "Diện mạo Chúa Giêsu chói lọi như mặt trời và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng".     

Thần tính Chúa Giêsu biểu lộ chứng thực Người là Thiên Chúa ẩn mình. Thì ra manh áo đơn sơ của bác thợ mộc che giấu cả một nguồn ánh sáng chói lọi. Tấm thân dân dã nghèo hèn lại là chiếc bình chứa đựng Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang.        

Ánh sáng thần tính rọi vào nhân tính đem lại cho ta bao niềm hi vọng. Vì nhân tính của Chúa Giêsu gánh lấy cả nhân loại trên mình, nên ánh sáng thần linh cũng soi rọi cả vào chúng ta, vào thế giới tăm tối của tội lỗi, yếu hèn, vào thân xác rã rời mệt mỏi của ta.       

Ánh sáng ấy cho tôi hiểu rằng, Thiên Chúa đang ẩn tàng trong vạn vật. Người ở nơi thâm sâu nhất của hữu thể tôi như thánh Augustinô đã cảm nghiệm : "Người ở bên trong, còn tôi ở bên ngoài".

Người ẩn tàng trong mọi quan hệ, trong mọi niềm vui, trong mọi tình bạn, trong mọi tình yêu. Bởi vì hạnh phúc là gì nếu không phải đi tìm cái cốt lõi, là nguồn mạch của hạnh phúc, là chính Thiên Chúa hằng sống.

Ánh sáng ấy ngầm nói với tôi rằng : Vinh quang Thiên Chúa như hạt giống đang vùi chôn trong lòng tất cả mọi anh em sống quanh tôi. Vinh quang ấy đang bị che khuất đàng sau những mái tranh thô sơ, những thân thể gầy guộc, những ánh mắt mệt mỏi lờ đờ.           

Nhận thức ấy thôi thúc tôi trở về tìm Chúa trong đáy lòng mình. Càng bóc đi lớp vỏ tội lỗi, dung nhan Thiên Chúa càng hiện rõ. Càng chìm sâu vào nội tâm thinh lặng, tôi càng tới gần Chúa.

Nhận thức ấy giúp tôi kính trọng anh em vì anh em là những cung thánh đền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị, là những vườn ươm hạt mầm thần linh, là những bình sành chứa đựng kho tàng cao quý.     

Như thế, sống Mùa Chay là thực hiện một hành trình nội tâm : trở về đáy lòng mình để gặp được Chúa.

Ăn chay là đến với anh em bằng thái độ kính trọng, là bảo vệ hạt mầm thần linh đang đâm chồi nảy lộc trong các tâm hồn.    

Chương trình hành động trong Mùa Chay là tiếp tay đem ánh sáng thần linh của Chúa Kitô soi chiếu vào những mảnh đời tăm tối, những thân phận hẩm hiu. Sao cho dung nhan nhân loại chói ngời ánh sáng nhân phẩm, ánh sáng văn hoá, ánh sáng lương tâm và ánh sáng thần linh. 

Như thế ta đang cộng tác vào việc biến hình thế giới. Như thế ta đang bước theo chân Chúa Kitô, đưa nhân loại vào hành trình phục sinh.  

Lạy Chúa Kitô, xin ban cho con đức tin mạnh mẽ để con nhìn thấy Chúa trong anh em. Xin ban cho con trái tim bén nhạy để con nhìn thấy những thực tại vô hình. Amen.

    Gm Giuse Ngô Quang Kiệt (nguồn vietcatholic.org)

1117    17-03-2011 08:27:11