Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Chúa Nhật II Phục Sinh_4

GẶP GỠ ĐỨC KITÔ PHỤC SINH
Ga 20, 19-31

Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm vọng Phục sinh tới hôm nay, Chúa nhật II Phục sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Kitô phục sinh hiện ra. Từ những lần thấy Đức Kitô phục sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây :

1. Cảm nghiệm đầu tiên là : Đức Kitô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.


Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn trong không gian. Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau. Người xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người. Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới. Người xuất hiện ở làng Emmau, cách Giêrusalem một quãng đường dài. Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp. Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syrira, nơi Phaolô lùng bắt người theo đạo. Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài. Không gian khép kín không ngăn được bước Ngài. Đức Kitô phục sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Đức Kitô phục sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian. Người xuất hiện với Maria khi trời còn đẫm sương khuya. Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng. Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày. Người xuất hiện ở Emmau khi trời sụp tối. Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt.Không có thời gian nào Người không ở bên ta.

Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định. Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.. Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá. Trên đường Emmau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa. Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi. Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tôma.

2. Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô phục sinh khơi dây niềm bình an, tin tưởng.


Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông : "
Bình an cho các con". Người còn thổi hơi vào các ông và nói : "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần". Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo. Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình. Rồi Thần LinhChúa bay là là trên mặt nước. Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định. Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình. Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần. Sau khi gặp Đức Kitô phục sinh, Maria buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tôma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến. Đức Kitô phục sinh chính là niềm bình an cho các ông.

3. Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu phục sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa.


Sau khi Đức Kitô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ. Các môn đệ tuyệt vọng. Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường. Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Họ như đã chết với Thầy. Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi. Đức Kitô là linh hồn của họ. Linh hồn đã ra đi. Xác sống sao được. Khi Đức Kitô phục sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa.


4. Cảm nghiệm cuối cùng là Đức Kitô phục sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục sinh.


Đức Giêsu Phục sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ. Đức Kitô phục sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời. Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó. Maria lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ trống. Hai môn đệ Emmau lập tức trở về Giêrusalem bât chấp trời đã tối đen. Phêrô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh. Và sau này, Phaolô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.


Hôm nay chính Đức Kitô Phục Sinh nói với các ông : "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Đức Kitô phục sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Đức Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói : "
Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng".

Hôm nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta. Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian. Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên. Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta.


Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian : trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm. Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời. Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú mẹ. Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách. Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ. Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường. Người ở bên ngững cuộc đời bế tắc không lối thoát.


Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người. Hãy khao khát đón chờ Người. Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người. Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào. Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người. Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào.


Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn. Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người.

Gm Giuse Ngô Quang Kiệt


ĐỪNG CỨNG LÒNG, NHƯNG HÃY TIN

Jn 20,19-23

Sau khi chỗi dậy từ cõi chết, món quà đầu tiên mà Chúa Giêsu trao tặng cho các môn đệ không phải là những gì kiêu sa, huy hoàng hay lộng lẫy, mà là một câu nói đơn sơ chất chứa tấm lòng chân thành thương yêu và săn sóc: " Chúc anh em được bình an". (Jn 20,19)

Chính vì yêu thương mà Chúa đã đi bước trước và sớm nhận ra nhu cầu thiết yếu của các môn đệ trong hoàn cảnh lúc đó. Chúa Giêsu đã trấn an, củng cố niềm tin và ban Thánh Thần để gìn giữ các ông. Một trong những điểm nổi bật khiến cho mỗi người chúng ta nên dừng lại và cùng suy tư tại sao Chúa Giêsu đã lặp đi lặp rất nhiều lần lời chúc bình an trong đoạn Tin mừng hôm nay.


Phải chăng Ngài muốn nhấn mạnh cho chúng ta biết ý nghĩa thâm sâu của nguồn bình an đích thực? Không có bình an của Đức Kitô, cuộc đời các môn đệ khi xưa cũng như chính mỗi người chúng ta hôm nay sẽ dễ dàng bị lún sâu trong phiền muộn, chán nản thất vọng và dần dần sẽ đánh mất đi niềm tin của mình.


Chính vì thế mà biến cố hiện ra của Chúa Giêsu là một niềm vui bất ngờ đối với các môn đệ. Trong lúc các ngài đang hoang mang lo lắng, sợ hãi vì mất Thầy, Chúa Giêsu đã kịp thời đến với họ, an ủi và đồng thời ban cho một niềm vui mới, một nguồn sinh lực mới.


Tuy nhiên để được đón nhận bình an đích thực của Chúa, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có một đức tin. Đức tin là điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể nhận lãnh ơn lành của Chúa. Đức tin vượt trên sự hiểu biết của con người. Qua đức tin, chúng ta mới nhận ra ánh sáng, chân lý, sức sống và niềm hoan lạc vĩnh cửu.


Chính vì lẽ đó mà Chúa Giêsu đã phán : "
Phúc cho những ai không thấy mà tin" (Jn 20,29). Đức tin là một ân huệ Chúa ban cho chúng ta, nhưng tự nó sẽ không lớn lên được nếu không có sự cộng tác của mỗi người trong việc xây dựng một nền tảng của lòng tin vững chắc. Do đó, đức tin đòi hỏi nơi con người trong việc xây dựng và một sự chấp nhận hoàn toàn khi trí khôn loài người không thể giải thích được. Hình ảnh Tôma trong bài Tin mừng hôm nay đã diễn tả cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Với lối suy nghĩa và lý luận của con người, Tôma đã không thể tin, cũng như không thể chấp nhận những lời nói của đồng bạn: "
Chúng tôi đã thấy được Chúa" (Jn 20,25). Tôma cảm thấy thật phi lý và có vẻ hoang đường! Để củng cố niềm tin, Chúa Giêsu đã trách Tôma: "Con hãy xỏ ngón tay con vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay con ra và đặt vào cạnh sườn Thầy; đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin." (Jn 20,27).

Trong cuộc sống, có khi chúng ta khó chấp nhận những lời nói hoặc hành động của những người là chứng nhân tình yêu của Chúa. Vì lòng cứng cỏi, vì kém lòng tin, vì hoàn cảnh khó khăn, đau khổ vì cuộc đời lắm lúc như trong ngõ cụt không lối thoát..., ta tưởng chừng như Chúa không hiện diện trong đời ta. Nhưng không phải, Chúa vẫn ở bên cạnh từng người chúng ta, chỉ có điều chúng ta không nhận ra Người mà thôi.


Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban thêm niềm tin cho chúng con, xin thánh hóa và hướng dẫn cuộc đời chúng ta luôn biết bước đi trong ánh sáng đức tin, hầu chúng con không dừng lại ở trí hiểu biết và lý luận nông cạn của con người. Xin giúp chúng con biết trao tặng bình an cho những người chúng con gặp gỡ cũng như những người hiện diện trong cuộc đời chúng con
. Amen.

Sr Rosemary Nhàn, MTGQN


LỬA THỬ VÀNG, GIAN NAN THANH LUYỆN NIỀM TIN
Cv 2, 42-47; 1 Pr 1,3-9; Ga 20,19-31

Thời đó, Arthur Jones được gọi nhập ngũ phục vụ trong không lực hoàng gia và sống trong một trại lính cùng với 30 binh sĩ khác. Ngay đêm đầu tiên, anh đã phải cân nhắc về một quyết định quan trọng: trước đây anh vẫn luôn quỳ gối đọc kinh, liệu bây giờ vào quân ngũ rồi còn có tiếp tục quỳ gối không?

Lúc đầu anh cảm thấy ngượng nhưng rồi anh tự nhủ: "Tại sao chỉ vì sợ những kẻ khác dòm ngó mà mình lại thay đổi cách sống? Bộ mình vừa khởi đầu cuộc sống xa nhà là để cho thiên hạ sai bảo phải nên làm và không nên làm điều này điều nọ sao?"


Nghĩ thế anh liền quyết định cứ tiếp tục thói quen quỳ gối xuống đọc kinh. Khi vừa đọc kinh xong, lập tức anh nhận ra mọi người đang để ý anh, và khi làm dấu thánh giá, anh chợt nhận ra lúc ấy họ mới biết anh là một người Công giáo. Và xẩy ra là trong toàn trại lính chỉ có một mình anh là người Công giáo. Tuy nhiên, hằng đêm, anh vẫn quỳ gối cầu nguyện. Anh nói rằng mười phút cầu nguyện ấy thường dẫn đến nhưng cuộc tranh cãi kéo dài hàng giờ với các bạn khác.


Vào ngày cuối cùng của khóa huấn luyện, có người đến nói với anh:


- Anh là người kitô hữu tốt nhất mà tôi gặp.


Anh đáp lại:


- Có thể tôi là người Kitô hữu dám công khai biểu lộ đức tin của mình, nhưng tôi không cho rằng tôi là người Kitô hữu tốt nhất đâu. Dầu vậy tôi cũng cảm ơn bạn về điều bạn vừa nói. (
Tuyển tập chuyện hay- Phương Tây)

Trong cuộc sống đức tin hằng ngày chúng ta phải đương đầu, phải chiến đấu với bao nhiêu thử thách nơi chính bản thân cũng như nhưng ngoại cảnh. Chính vì thế có nhưng lúc chúng ta đi mò mẫm trong đường hầm tăm tối; chúng ta hoài nghi niềm tin của mình.


Sống trong một thế giới hưởng thụ, vật chất dồi dào, tiện nghi đầy đủ, khoa học đang trên đà tiến triển mạnh mẽ, con người đòi hỏi mọi cái phải được chứng minh rõ ràng như 2+2=1 rồi mới tin. Cũng như thánh Tôma trong bài Tin mừng hôm nay đã nói với các môn đệ: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Cũng như người thời đại ngày nay ông muốn những gì các môn đệ nói với ông về sự sống lại của Chúa Kitô thì chính mắt ông phải nhìn thấy, tay ông phải sờ vào vết thương của Ngài thì ông mới tin. Có nghĩa là niềm tin phải được chứng minh. Sau đó Chúa đã hiện ra với ông để củng cố lòng tin của ông, ông đã được toại nguyện, lúc đó ông mới vội vã thưa: "
Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con." Nhưng Chúa đã bảo: "Vì anh đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!" Vậy chúng ta là những người được Chúa chúc phúc vì chúng ta phải làm sao đức tin đó luôn sống động nơi chúng ta sống, môi trường chúng ta hoạt động. Xin Chúa ban sức mạnh cho chúng ta vẫn trung kiên; những khi phải tuyên xưng đức tin của mình chúng ta không e ngại nhưng phải can đảm và cương quyết như Arthur Jones trong truyện và cũng có lúc chúng ta kiên tâm cầu xin Chúa tỏ một tia sáng niềm tin đến trong đời sống để chúng ta nhận ra Ngài như Ngài đã đến với thánh Tôma xưa. ??

Sr. Margareta Maria Hiền

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

1. Tô-ma là một mẫu người có tính thực nghiệm.

Khi chưa đích thực gặp lại thân xác đã sống lại của Đức Giê-su, thì ngoài Tô-ma ra, các tông đồ khác dường như không cảm thấy có vấn đề gì trong việc tin Ngài đã sống lại. Các ông đã tỏ ra tương đối dễ tin. Nhưng riêng Tô-ma, ông không tin dễ dàng như thế, vì từ xưa đến nay, ông chưa hề nghe nói có một ai tự mình sống lại từ cõi chết bao giờ. Cứ bình thường mà xét, phải nói rằng Tô-ma khôn ngoan và thận trọng hơn các tông đồ khác.


Đối với người như Tô-ma, Đức Giê-su đã không phiền trách gì về sự cứng lòng tin của ông. Ngài chỉ nói một câu rất nhẹ nhàng để bổ túc cho sự cứng tin hợp lý ấy: "
Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!" Và Đức Giê-su đã cho phép Tô-ma được xỏ tay vào lỗ đinh ở tay và lỗ đòng đâm ở cạnh sườn Ngài. Nhưng có lẽ chính nhờ như thế mà Tô-ma sẽ tin chắc vào sự sống lại của Ngài hơn ai hết. Người cứng tin mà đã tin thì sẽ tin rất vững. Còn kẻ quá dễ tin thì cũng sẽ dễ dàng mất niềm tin, hoặc cũng sẽ dễ dàng tin những điều khác dù chưa đủ nền tảng để tin.

2. Con người thời nay và nhất là những thế hệ sau sẽ càng ngày càng có tính thực nghiệm giống như Tô-ma.


Ngày nay, con người đã bước vào kỷ nguyên của khoa học kỹ thuật, nên con người chịu ảnh hưởng của tinh thần khoa học thực nghiệm rất nhiều. Tinh thần khoa học thực nghiệm chính là tinh thần của Descartes (1596-1650): "Chỉ tin sau khi đã chứng minh". Và tinh thần ấy được thể hiện thành chủ trương "nghi ngờ có phương pháp và phổ quát" (doute méthodique et universel) của ông. Nghi ngờ để tìm tòi hầu đi đến kết luận chắc chắn. Tinh thần khoa học thực nghiệm ấy đòi hỏi con người trước khi đi đến một kết luận, cần phải trải qua ba giai đoạn: nhận xét, đưa ra giả thuyết, và thí nghiệm kiểm chứng như đòi hỏi của Claude Bernard (1813-1873).


Tinh thần ấy chính là tinh thần của Tô-ma, chính vì thế, các nhà khoa học Công giáo đã nhận thánh Tô-ma làm bổn mạng của các nhà khoa học. Riêng bản thân tôi, người viết bài này, cũng rất thích sự cứng tin của Tô-ma, và coi đó như một đức tính rất cần thiết để sự phán đoán và lời nói của mình có giá trị, đáng tin. Sự đáng tin không chỉ đòi hỏi đức tính chân thật, mà còn đòi hỏi sự phán đoán chính xác và chắc chắn. Một người hết sức thật thà không bao giờ muốn lừa dối ai, nhưng lại dễ tin và hay bị lường gạt, thì phán đoán và lời nói của người ấy không còn đáng tin nữa. Thiết tưởng những người rao giảng chân lý, ngoài đức tính chân thật, cần phải có sự chững chạc trong cách phán đoán để trở nên đáng tin trước mặt mọi người.


3. Đối tượng phúc âm hóa trong tương lai là những thế hệ có đầu óc khoa học thực nghiệm như Tô-ma.


Những nhà truyền giáo hiện nay tại Việt Nam thường thuộc lứa tuổi giao thời giữa hai thời đại: thời khoa học chưa ảnh hưởng mạnh và thời khoa học ảnh hưởng rất mạnh trên lề lối suy nghĩ của con người. Thời trước, người ta dễ tin những ai có uy tín (như các giám mục, linh mục, tu sĩ, hoặc ông bà cha mẹ, cô dì chú bác). Trẻ con dễ tin vào những điều người lớn nói, không đặt vấn đề điều đó đáng tin tới mức nào. Nhưng thời nay và nhất là những thế hệ mai sau, người ta không dễ tin như thế nữa. Họ thường đòi hỏi "nói có sách, mách có chứng". Muốn họ tin thì phải có bằng chứng. Nếu không chứng minh bằng sự kiện thì ít nhất phải chứng minh được sự khả tín của điều mình nói. Ngoài ra, lập luận phải vững chắc, trình bày rõ ràng. Vì thế, việc rao giảng Tin Mừng hay sứ điệp Ki-tô giáo không thể theo phương cách cũ mang nặng tính giáo điều được.


Ngày xưa, tại Việt Nam, trình độ văn hóa giữa linh mục và giáo dân có sự chênh lệch rất cao. Ngày nay, sự chênh lệch ấy giảm đi rất nhiều, thậm chí không còn nữa. Rất nhiều giáo dân có trình độ văn hóa cao hơn những linh mục bình thường. Tuy nhiên các linh mục vẫn thường hơn giáo dân trong những kiến thức về thần học, giáo lý, v.v... vì người giáo dân hiện nay không được quan tâm đào tạo về mặt này, hoặc không có điều kiện để quan tâm. Vì thế, các linh mục thường đảm trách việc loan báo và rao giảng Tin Mừng cho giáo dân và người ngoại. Nhưng vì trình độ văn hóa của người bình thường ngày càng cao hơn, nên việc rao giảng Tin Mừng không còn dễ dàng như ngày xưa. Điều ấy đòi hỏi những người rao giảng Tin Mừng cũng phải có một tinh thần khoa học thực nghiệm trong cách rao giảng, cần chú trọng đến những bằng chứng xác thực, những lý luận chặt chẽ, cho dù đức tin không phải đến từ những thứ ấy. Nhưng nếu không chú trọng đến những thứ ấy, lời rao giảng sẽ bị từ chối ngay từ đầu.


4. Hội nhập văn hóa theo chiều dọc.


Tại châu Á, Giáo Hội đã thành công rất khiêm nhường trong việc truyền giáo, không thành công rực rỡ như ở châu Âu. Một phần khá lớn là do thiếu hội nhập văn hóa, vì trước đây, có sự khác biệt về văn hóa giữa dân tộc truyền giáo với dân tộc được truyền giáo. Ngày nay, với việc toàn cầu hóa, sự khác biệt về văn hóa giữa các dân tộc bị giảm thiểu rất nhiều, nên việc hội nhập văn hóa theo chiều ngang không còn cần thiết và quan trọng như xưa. Trái lại, sự khác biệt về văn hóa giữa thế hệ trước với thế hệ sau ngày càng gia tăng. Lề lối suy nghĩ của các thế hệ sau càng ngày càng thấm nhuần tinh thần khoa học thực nghiệm hơn. Vì thế, nếu không có sự thích ứng khôn ngoan của thế hệ phúc âm hóa (thế hệ trước) với thế hệ được phúc âm hóa (thế hệ sau) trong việc diễn tả sứ điệp, chắc chắn việc phúc âm hóa sẽ thất bại. Do đó, hiện nay việc hội nhập văn hóa theo chiều dọc cần được Giáo Hội quan tâm và thực hiện nhiều hơn là hội nhập văn hóa theo chiều ngang.


5. Rao giảng bằng việc làm đi đôi với rao giảng bằng lời nói .


Tinh thần khoa học thực nghiệm của con người thời đại đòi hỏi những dấu chứng cụ thể mới tin được. Do đó, những xác quyết trong rao giảng cần được chứng tỏ bằng thực tế đời sống. Thật vậy, ai mà tin được cái Tin mà chúng ta rao giảng là Tin Mừng khi chúng ta rao giảng nó với bộ mặt buồn so, ảo não? Ai mà tin được Tin Mừng này là Tin Mừng Giải Phóng khi mà người rao giảng nó vẫn sẵn sàng khom lưng làm nô lệ cho người, cho vật, cho sự này sự khác, hoặc cho chính bản thân? Ai mà tin được Tin Mừng này là Tin Mừng Cứu Độ khi mà nó không làm cho người người rao giảng nó hoặc theo nó sống tốt hơn, có tình có nghĩa hơn, và hạnh phúc hơn những người bình thường khác?


Thiết tưởng đã tới lúc chúng ta - những ai còn tha thiết với tiền đồ của Ki-tô giáo - cần đặt lại vấn đề sống đạo một cách nghiêm túc hơn và hãy thành thật với chính lòng mình. Nếu ta cảm thấy Ki-tô giáo trong thực tế đã không đem lại một thứ hạnh phúc tự tại cho chúng ta, không tạo được một động lực đủ mạnh để thúc đẩy ta sống tốt đẹp hơn người ngoài, mà ta vẫn cứ mạnh miệng rao giảng như là một tôn giáo tốt nhất, hữu hiệu nhất, thì việc rao giảng của chúng ta đúng là một sự lừa dối có hệ thống. Nếu như thế chúng ta phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về sự lừa dối ấy. Chúng ta tưởng mình có đức tin, nhưng trong thực tế, đức tin ấy đã chết hay mất đi từ lâu mà ta tưởng là ta vẫn còn đức tin. Vì đức tin không phải là một chấp nhận xuông, hay chỉ là hành động tuyên xưng ngoài miệng, mà là một cái gì tự nhiên ảnh hưởng rất sâu xa vào đời sống, khiến ta thay đổi cách suy nghĩ và hành động nên tốt đẹp hơn, và đời sống ta hạnh phúc hơn rất nhiều. Nếu không được như thế, "đức tin" mà ta tưởng rằng ta có, không phải là đức tin đích thực.


CẦU NGUYỆN


Lạy Cha, rất nhiều khi con chê trách Tô-ma là quá cứng tin, và tự hào mình dễ tin hơn nhiều. Nhưng trong thực tế, đức tin của con chẳng ảnh hưởng gì trên cuộc sống con bao nhiêu, nó chẳng làm con hạnh phúc hơn người không đức tin, chẳng làm con sống tốt đẹp và yêu thương hơn họ. Xin cho con nhận ra đức tin ấy chưa phải là đức tin đích thật. Xin Cha hãy ban cho con đức tin đích thực có khả năng thay đổi con người của con, làm con nên thật sự tốt đẹp và hạnh phúc hơn
. Amen.

John Nguyễn

 

 

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Phụng vụ trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh nhấn mạnh đến mầu nhiệm Phục Sinh, Chúa Nhật hôm nay lại trình bày cho ta đặc biệt lời đáp trả của con người đối với mầu nhiệm ấy: một niềm tin tràn đầy hân hoan. Ong Tôma đôi lúc là hình ảnh của con người: đi từ hoài nghi đến tin tưởng vào Chúa Phục Sinh, đi từ việc tìm chứng cứ cho đến việc tuyên tín cách thâm sâu (Tin Mừng).

Cộng đoàn Giêrusalem tuyên xưng niềm tin vào sự Phục sinh khi họ họp nhau vào các ngày Chúa Nhật để nghe các Tông đồ giảng và cử hành việc bẻ bánh trong tình hiệp thông huynh đệ, dấu chỉ của mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Giêsu Kitô (Bài đọc 1).


Những lời giảng của Thánh Phêrô như đang vang vọng bên tai chúng ta: "Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người." (Bài đọc 2)


Sứ Điệp Niềm Tin


Tin vào Đức Giêsu Kitô phục sinh là nền tảng của lòng tin kitô giáo. "
Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy thì...cả đức tin của anh em cũng trống rỗng....và chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người," thánh Phaolô đã viết trong thư gởi tín hữu Corintô (1 Cor 15,12-19). Hơn nữa, nếu Đức Kitô đã không sống lại, chúng tôi là những chứng nhân giả của thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Kitô chỗi dậy từ cõi chết. Tuy thế, Thánh Phaolô tiếp tục xác quyết: "Đức kitô đã thực sự trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu." Nhờ sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã xác nhận sự thật về toàn bộ cuộc sống và sứ mạng của Đức Kitô, những lời rao giảng, những việc Ngài làm để mạc khải và cứu độ con người. Phục sinh chính lời xác quyết rằng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ nhân loại.

Khi giải thích đoạn thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Corintô, ta có thể nói rằng, bởi vì Đức Kitô đã sống lại, nên kitô hữu chúng ta là những người có phúc nhất trên đời. Việc cộng đoàn kitô hữu tiên khởi họp nhau quanh các Tông Đồ và Mẹ Maria, mẹ Chúa Giêsu Kitô, để cử hành việc bẻ bánh, chứng tỏ niềm hạnh phúc tràn đầy ấy của các tín hữu. Lý do rất rõ: Đức Kitô sống lại là hoa quả đầu mùa, mở đường cho việc sống lại của các kitô hữu: hơn nữa, người kitô hữu tuy còn lữ hành trần thế, nhưng đã thông phần sự sống mới với Đức Kitô phục sinh rồi. Làm sao lại không vui niềm vui vĩnh cữu đó được?


Đó chính là điều Thánh Phêrô nêu lên trong bài Thánh ca phép rửa: "
Chúa tụng Thiên Chúa là thân phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai.(Bài đọc 2)

Trở lại với Thánh Phaolô, ta có thể nói: Làm chứng về sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô là chúng ta dâng lòng kính phục con thảo lên Chúa Cha, Đấng là Chân Lý và Trung tín. Thiên Chúa tín trung, và vì thế nên Ngài đã không bỏ Con của Ngài dưới quyền sự chết; Ngài cũng sẽ chẳng bỏ một ai trong chúng ta, là những nghĩa tử của Ngài. Thái độ của Đức Giêsu đối với Tôma, Vị Tông Đồ (được gọi là cứng tin) phản ánh sự trung tín của Thiên Chúa dành cho những kẻ hoài nghi để dẫn đưa họ đến niềm tin, một niềm tin vững mạnh loại trừ mọi nghi vấn: "
Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con." (Tin Mừng). Hội Thánh không ngừng tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại của Đức Giêsu Kitô qua suốt hai mươi thế kỷ, và ngày ngày vẫn tiếp tục minh chứng lòng yêu thương và trung tín của Ngài.

Gợi Ý Mục Vụ


Lời đáp trả của con người cho mầu nhiệm phục sinh luôn bất ngờ, dù con người có đón nhận như một dấu chỉ của ân sủng hoặc khước từ do sự giới hạn của tri khôn của mình. Dù được đáp trả bằng bất cứ cách nào, mầu nhiệm phục sinh vẫn luôn "
như thế", không chút phai mờ hoặc bóp nghẹt. Với tư cách là linh mục, mục tử, ta đừng ngạc nhiên rằng, một đàng có nhiều đáp trả khác nhau cho chính mầu nhiệm cao sâu này.

Đàng khác, ta phải không ngừng rao giảng, làm chứng và làm sáng tỏ mầu nhiệm ấy như là điều duy nhất thiết yếu cho nhân loại, cùng cảm nghiệm niềm vui với các anh chị em chúng ta đón nhận và sống mãnh liệt mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh. Ta cần rao giảng rõ ràng niềm tin vào sự sống lại là quà tặng, là "
dấu lạ" của Thiên Chúa thương ban. Ta lãnh nhận món quà này qua bí tích thánh tẩy, nhưng ta cần nuôi dưỡng nó, bảo vệ nó, và đánh giá một cách đúng đắn, để không có gì và không ai có thể nhỗ bật rễ niềm tin ấy ra khỏi lòng các tín hữu được.

Anh chị em giáo dân chúng ta, những người mà ta nhằm đến khi thi hành công tác mục vụ, chăm sóc, bảo vệ, cần phải làm gì để nhận thức đúng món quà đức tin, nhất là niềm tin vào Chúa phục sinh?


Là linh mục tôi phải làm gì, để giúp cho các anh chị em của tôi nuôi dưỡng, bảo vệ và trân trọng niềm tin này?


Ta cần giải thích cho các tín hữu niềm tin vào sự phục sinh không phải là điều phi lý, là điều ngược lại với những nguyên tắc tri thức của con người hoặc là điều xa lạ với cuộc sống đời thường. Có biết bao thực tế trong đời sống nhân loại mà con người đâu có hiểu được, thế mà vẫn tin như sự thật trước mắt?


Chẳng có gì là phi lý khi tin vào một ai đó có "
hiểu biết", từ đó ta cần tin tưởng Thiên Chúa, là Đấng khôn ngoan tuyệt đối. Nếu không thể đặt đời sống con vật ngang bằng với đời sống con người thì sự sống lại phải là điều hết sức quan trọng. Nhưng con người không cảm thấy trong lòng rằng mình không thể bị hủy diệt sao (chết)?

Chẳng phải là một người ngoại đạo như thi hào Horace cũng đã thốt lên (Tôi sẽ không phải hoàn toàn bị hủy hoại (chết) đó sao?) Sự sống lại của Đức Giêsu Kitô chẳng những không xa lạ với cuộc sống con người nhưng còn là nền tảng vững chắc mang lại ý nghĩa đích thực tròn đầy cho nó nữa. Đức Kitô đã chỗi dậy, và tử thần đã bị chôn vùi.

Lm Phêrô Phạm Ngọc Lê (nguồn vietcatholic.org)

2043    28-04-2011 06:27:19