Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Chúa Nhật III MC A_2

Bước Đường Của Niềm Tin 

Lời Chúa trong Chúa Nhật vừa qua đã cho chúng ta thấy rằng: để có thể hưởng vinh quang phục sinh của Đức Giêsu, mỗi người chúng ta cần bước theo Ngài trên "Con đường thập giá", con đường của sự từ bỏ kèm theo một lòng tin thật sắt đá. Lời Chúa hôm nay lại cho chúng ta thấy rằng, đức tin đó có thể được Thiên Chúa khơi dậy bằng một cuộc gặp gỡ rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta.

1. TỪ MỘT CUỘC GẶP GỠ BÊN ĐƯỜNG ...:

Thánh Gioan kể lại, khi ấy, Đức Giêsu vừa rời khỏi miền Giuđê để trở lại miền Galilê. Trên đường trở về, Ngài phải băng qua miền Samaria, một miền đất của dân ngoại theo cái nhìn của những người Do thái. Bước đi dưới bầu trời nắng cháy của miền đất Palestin, cho đến trưa, thì Đức Giêsu đã mỏi mệt, nên Ngài ngồi nghỉ tại bờ giếng Giacóp, còn các môn đệ thì đi vào thành để mua thức ăn. Vừa lúc đó, có một người phụ nữ Samaria đến giếng để xách nước. Vừa mệt mỏi vì đường xa, vừa khát nước bởi cái nắng như nung, như đốt của miền sa mạc, Đức Giêsu liền ngỏ lời với bà ta: "Xin bà cho Tôi uống nước". Một lữ khách qua đường dừng lại nơi bờ giếng để xin nước uống. Một việc có vẻ rất bình thường, nhưng thực ra lại không bình thường chút nào, nó đã làm cho người đàn bà xứ Samaria phải ngạc nhiên: "Sao thế! Ông là người Do thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?". Bà ta ngạc nhiên, bởi vì nhiều lý do trong lịch sử, người Do thái đã coi những người Samaria như là những người dân ngoại, những người ô uế theo luật pháp, thậm chí, người Do thái có khi còn coi những người Samaria như là kẻ thù không đội trời chung. Vậy mà giờ đây, Đức Giêsu, một người đàn ông Do thái lại bắt chuyện với bà, một người phụ nữ xứ Samaria.

Và rồi Đức Giêsu lại tiếp tục làm cho bà ta ngạc nhiên hơn nữa khi nói: "Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban, và ai là người đang nói với bà: xin cho tôi uống nước, thì chắc bà sẽ xin Người và Người sẽ cho bà nước hằng sống". Quả là bất ngờ, một người lữ khách qua đường không có gì để múc nước mà lại nói rằng có thể ban cho bà ta "nước hằng sống". Và rồi cứ thế, khởi từ nguồn nước giếng trước mắt, Đức Giêsu dần dần dẫn đưa bà ta đến lòng khao khát một nguồn nước Hằng sống phát sinh từ nơi Ngài, mà ai uống nước đó sẽ không còn khát nữa.

2. ... ĐẾN NIỀM TIN VÀO ĐỨC GIÊSU :

Trong bài đọc một kể lại cuộc hành trình của người Do thái trong hoang địa từ Ai cập về Đất Hứa. Dọc đường họ đã kêu trách, phàn nàn với Môisen: "Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai Cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy?". Thậm chí, họ còn muốn ném đá cả Môisen, vì nghĩ rằng: vì Môisen mà họ sắp phải chết khát trong sa mạc. Trước lời kêu xin của họ, Thiên Chúa đã cho nước từ tảng đá vọt ra cho họ uống. Dân Do thái chỉ vì khát nước mà quên mất biết bao ân huệ của Thiên Chúa, và công lao của Môisen đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Họ chỉ nhìn thấy cái trước mắt mà quên mất điều quan trọng hơn là họ đã được tự do, được Thiên Chúa chọn làm dân riêng của Ngài.

Tương tự như vậy, người đàn bà trong bài Tin mừng hôm nay, đã chạy theo dục vọng xác thịt để mong được thoả mãn, nhưng cho dù đã có 5 đời chồng, và hiện đang chung sống với một người đàn ông khác nữa, lòng chị vẫn trống vắng. Một sự trống vắng về mặt tâm linh mà không một người đàn ông nào có thể lấp đầy. Và không chỉ người đàn bà này, nếu nhìn lại, mỗi người chúng ta cũng sẽ nhận thấy rằng: Từ trong sâu thẳm của tâm hồn, mỗi người chúng ta vẫn luôn cảm thấy thiếu một cái gì đó, một nỗi thiếu thốn mà không có cái gì có thể lấp đầy và làm cho no thoả. 

Như thế, lời của Đức Giêsu nói với người đàn bà: "Ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa", đúng là một tin vui không chỉ của chị, nhưng là tin vui cho tất cả chúng ta. Chỉ có Đức Giêsu mới có thể làm thoả mãn cơn khát trong mỗi người chúng ta. Đức Giêsu chính là Nguồn nước hằng sống, nguồn phát sinh tình yêu cứu độ. Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã chết cho chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân, nghĩa là Ngài đã hy sinh cho chúng ta ngay cả khi chúng ta đang phản nghịch, đang quay lưng và chống lại Ngài. Từ nơi Đức Giêsu, mỗi người chúng ta nhận được hồng ân Thánh Thần tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta để mỗi người chúng ta được trở nên công chính, được vinh dự gọi Thiên Chúa là Cha. Từ đây, mối liên hệ giữa mỗi người chúng ta với Thiên Chúa không còn lệ thuộc vào nơi chốn, hay các nghi lễ bên ngoài, nhưng là một mối quan hệ dựa trên tình yêu, "trong tinh thần và chân lý". 

Tuy nhiên, một tình yêu thật không thể dấu kín trong lòng, nhưng chắc chắn sẽ bộc lộ ra bên ngoài nơi ánh mắt, và cả cuộc sống của người đang yêu. Một lòng yêu mến Thiên Chúa chân thành, chắc chắn sẽ thúc đẩy chúng ta đến với Chúa nhiều hơn, sốt sắng hơn. Lòng mến đó sẽ mở lòng chúng ta với anh chị em mình. Nó sẽ giúp chúng ta dễ dàng tha thứ và chia sẻ cho anh chị em mình hơn. Có thể việc chúng ta tham dự thánh lễ, ăn chay, bố thí, đọc kinh không hẳn là dấu chỉ chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chúng ta không thể nói rằng lòng chúng ta yêu mến Thiên Chúa mà bên ngoài chúng ta lại khô khan, nguội lạnh, đến nhà thờ thì ngồi xa xa, vừa dâng lễ vừa hút thuốc rồi biện minh rằng: Thiên Chúa ở khắp nơi; hoặc là tôi yêu mến Chúa trong lòng tôi.

3. VÀ LỜI LOAN BÁO NIỀM TIN :

Người đàn bà Samaria hôm nay, sau khi đã được gặp gỡ, tiếp xúc với Chúa, bà đã không thể giữ lại riêng ở trong lòng niềm vui của cuộc gặp gỡ. Niềm vui đó đã thúc đẩy bước chân bà chạy trở về để loan báo cho mọi người về phát hiện của bà về con người của Đức Kitô, bà đã vội vã báo cho mọi người biết về niềm tin mà bà vừa được lãnh nhận: "Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Đấng Kitô?". Thế rồi "dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài". Họ đến để được trực tiếp nhìn ngắm, lắng nghe Ngài nói và cuối cùng họ đã tin vào Ngài. Họ nói với người đàn bà: "Giờ đây, không phải vì những lời chị kể lại mà chúng tôi đã tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết thật Người là Đấng Cứu Thế". Và họ đã "xin Người ở lại với họ".

Thế đó, niềm tin đích thực và có giá trị là niềm tin có tính cá nhân riêng tư giữa chúng ta với Thiên Chúa. Niềm tin đó có thể khởi đầu nhờ một sự giúp đỡ của tha nhân, nhưng cuối cùng chúng ta phải làm sao để có thể trực tiếp gặp gỡ Thiên Chúa như người đàn bà và cả dân thành Samaria. Hơn nữa, cũng giống như tình yêu, một niềm tin sâu xa chắc chắn sẽ thúc đẩy bước chân tông đồ của mỗi người chúng ta. Hay nói một cách khác, lòng nhiệt tâm trong công tác tông đồ, và thao thức truyền giáo cũng là một dấu chỉ cho thấy mức độ của lòng tin nơi mỗi người chúng ta.

Ngày hôm nay, mỗi khi cử hành Thánh lễ, và nhất là khi hiệp lễ là mỗi lần chúng ta lại được lãnh nhận lấy Nguồn Sự Sống Thần Linh. Theo gương của người phụ nữa Samaria trong bài Tin mừng, chớ gì từng người chúng ta cũng mau mắn dùng chính cuộc sống yêu thương của mình để loan báo Tin mừng cho muôn dân. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn

Gặp Gỡ, Biến Đổi và Ra Đi...
Ga 4, 5-42

Trước khi bị thất thủ vào năm 721 BC, Samari là miền đất thuộc về dân Giavê Thiên Chúa- nơi ở dưới chân núi Gơridim, còn lưu lại dấu tích một cái giếng rất cổ xưa được xem là giếng của tổ phụ Giacóp. Sau khi bị năm dân ngoại xâm lăng, áp đặt niềm tin tôn giáo cũng như việc đối xử khắc khe của những người Dothái hồi hương, dẫn đến việc ly giáo Samari. Từ đó giữa Dothái và Samari trở nên thù địch không đội trời chung. Trình thuật Tin mừng hôm nay là một áng văn tuyệt tác ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ tại chính miền đất đặc biệt này.

Mệt mỏi vì đường xa, Chúa Giêsu đến nghỉ bên bờ giếng tổ phụ Giacóp đúng vào lúc một phụ nữ đến đây múc nước. Cứ theo sự thù nghịch, trong trường hợp này, một trong hai người sẽ tự động rút lui hoặc chọn giải pháp im lặng. Nếu chọn giải pháp đầu thì người rút lui trước chính là Chúa Giêsu bởi Người là dân Dothái không được phép tiếp xúc với phụ nữ nơi công cộng và giếng nước thuộc quyền sở hữu của người Samari. Chúng ta thấy Chúa Giêsu và cả chị Samari đã không rút lui cũng chẳng im lặng. Chính Chúa Giêsu lên tiếng trước khai mở cho một quá trình huyền nhiệm của ơn gọi. 

Chúng ta gặp trong trình thuật này cách sử dụng từ ngữ của thánh sử Gioan mà theo các nhà ngôn ngữ chính là kỹ thuật gây hiểu nhầm (Technique of misunderstanding) khi đối thoại với chị Samari cũng như với các môn đệ (x. 4, 7-9.31-33). Khi Chúa Giêsu đến giếng Giacóp và xin nước uống, chị Samari hiểu nước theo nghĩa đen, còn Chúa Giêsu hiểu theo nghĩa bóng, đó là nước hằng sống. 

Thông qua nguồn nước này, Chúa Giêsu muốn giới thiệu với chị về đức khôn ngoan- điều mà trước đây ngôn sứ Isaia đã loan báo và nay chính Người đang rao giảng (x. Is 55,1). Vâng, chính Chúa Giêsu là Lời Khôn ngoan của Thiên Chúa và hết những ai khao khát Lời chân lý ấy sẽ ở mãi trong tình yêu của Người. Ngày hôm nay, chính Chúa Giêsu vượt qua mọi cấm cách, mọi thù nghịch để đến nói chuyện với chị- vốn thuộc chủng tộc ngoại lai lạc đạo, hầu mang đến cho chị nguồn hạnh phúc đích thực.

Được gặp gỡ Chúa, người phụ nữ Samari bắt đầu một hành trình đến với niềm tin. Chị dần dần nhận ra, dù chưa trọn vẹn, Chúa Giêsu chính là Đấng Kytô. Sở dĩ chị nhận ra điều này bởi người đang nói với chị "đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm". Đề cập đến đời sống hôn nhân của chị, Chúa Giêsu không chỉ nói đến tình trạng sống phi pháp của chị mà còn gián tiếp nói đến tình trạng sống của dân Samari. Thật thế, năm ông chồng tượng trưng cho năm vị thần (thần Xúccốt Bơnốt, thần Nécgan, thần Asima, thần Nípkhát và Táctắc, thần Atrammeléc và Anammeléc) (2V 17, 30.31) của năm sắc dân ngoại xâm du nhập vào Samari khi miền đất này thất thủ. Ở đây chúng ta thấy, nếu Giavê Thiên Chúa được xem là chồng chính thức của dân Israel thì năm vị thần mà người Samari tôn thờ là những ông chồng không chính thức. Vị thần thứ sáu người Samari đang tôn thờ tuy là Giavê Thiên Chúa đấy nhưng không phải là Giavê theo niềm tin truyền thống và thuần tuý. 

Được gặp gỡ và được Chúa biến đổi, chị Samari giờ đây trở thành nhân chứng và là người giới thiệu Chúa cho những người thân quen trong thôn xóm của mình. Chị vội vã ra đi, thuật lại cho mọi người tất cả những gì Chúa Giêsu nói với chị đồng thời mời gọi mọi người đến gặp gỡ Chúa. Gặp gỡ và biến đổi. Giờ đây chị hiểu rằng tin vào Đấng Kytô, chị sẽ không còn phải khát cho đời sống tâm linh; việc thờ phượng Giavê Thiên Chúa không phải tại Gơridim hay tại Giêrusalem mà là thờ phượng theo Thần khí và sự thật, nghĩa là tuân theo Thần khí hướng dẫn để hiểu thế nào là chân lý đích thực trong việc phụng thờ Thiên Chúa. Những người thân quen của chị sau khi đến gặp Chúa chắc chắn cũng sẽ hiểu như thế. Chính họ đã nói lên điều đó. "Không phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian". Chính họ là những cánh tay nối dài đem ánh sáng Tin mừng đến cho miền đất vốn được xem là dân ngoại này.

Hành trình tìm đến đức tin của người Samari nói chung và chị Samari nói riêng giúp mỗi người chúng ta nhìn lại tiến trình sống niềm tin của mình. Chị Samari và những người thân quen của chị đến gặp Chúa, để Chúa hướng dẫn và chính họ ra đi, giới thiệu cho người khác những gì họ cảm nhận khi sống những phút giây thân mật với Người. Còn chúng ta thì sao...?

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

Gặp Gỡ Đức Kitô
Ga 4,5-15.19b-26.40-42

Bài Tin Mừng thuật lại một trong những cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu. Đây là cuộc gặp gỡ một phụ nữ ở Samari, và cuộc gặp gỡ này đã làm chuyển biến cuộc đời của người phụ nữ ấy.

Người phụ nữ nầy đi kín nước thì tình cờ gặp Chúa Giêsu đang ngồi nghỉ chân bên bờ giếng, chứ chị ta không hay biết gì và cũng không có ý định gặp Chúa, Chúa đã gợi truyện với chị bằng việc xin nước uống. Sau một cuộc hành trình xa dưới nắng nóng, mệt mỏi, Chúa Giêsu khát nước, gặp giếng nước và người kín nước, Ngài xin nước uống là một điều tự nhiên bình thường. Nhưng ở đây không phải Chúa khát nên xin nước uống mà chỉ là dịp để Ngài đề cập đến một vấn đề quan trọng hơn. Có thể nói Chúa giả vờ xin nước để gợi truyện, Ngài muốn nói cho chị ta biết : Chính chị là người đang khát, và Chúa cũng muốn nói cho chị ta biết : Ngài là ai, là người sẽ làm cho chị hết khát : "Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa". 

Khựng lại ở mức độ cụ thể của đời thường, người phụ nữ Samari không hiểu gì hết, nên Chúa đi thêm một bước nữa, Ngài nói với chị về đời tư của chị, khi đó chị nhận ra ngay Ngài là một ngôn sứ. Chúng ta thấy Chúa không kết án, cũng không trách chị ta đã có đến năm đời chồng rưỡi. Đó không phải là vấn đề. Điều Chúa muốn là chị ta nhận ra Ngài là ai, và Chúa đã thành công. Từ không biết đến nghi ngờ, từ nghi ngờ đến nhận biết. Chị nghi ngờ người đang nói với chị không phải là bất cứ ai, và chị đã nhận ra một khuôn mặt mới : không phải là một ngôn sứ mà là Đấng Mêsia mọi người đang mong đợi. 

Thế là giếng đó, vò đó, người phụ nữ không còn quan tâm nữa, chị chạy ngay đi thông báo nước hằng sống vừa khám phá. Chính cái quá khứ không ra gì của chị đã làm cho chị trở thành có khả năng nói về Chúa : "Đến mà xem : Có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao ?". Mọi người tin lời chị, họ đến gặp Chúa Giêsu và họ cũng tin Chúa. Như vậy, sau khi gặp Chúa Giêsu, người phụ nữ đã tin và làm chứng cho Chúa giữa những người Samari trong thành, và những người này, sau khi gặp Chúa, đã xin Chúa ở lại với họ, và hân hoan tuyên xưng rằng : "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian". 

Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu của người phụ nữ Samari là cái mẫu gặp gỡ Chúa của chúng ta, và yêu cầu chúng ta hãy cố thực hiện một cuộc gặp gỡ như thế trong Mùa Chay. Sống kinh nghiệm gặp gỡ Chúa không phải chỉ là một may mắn tình cờ mà là điều ai cũng có thể tìm gặp được. Muốn gặp gỡ Chúa là điều rất dễ, bởi vì chính Chúa yêu thương chúng ta, ngày ngày đi tìm và đến gõ cửa tâm hồn mỗi người chúng ta. Chúng ta đang muốn gặp gỡ Chúa ư ? Hãy nhớ lời Chúa nói : "Này Ta đang đứng ngoài cửa và gõ, ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà kẻ ấy". Như vậy có nghĩa là cuộc gặp gỡ hoàn toàn tùy thuộc nơi chúng ta, tùy thuộc vào thái độ sẵn sàng của chúng ta. Có thể Chúa Giêsu đã tìm đến gõ vào cánh cửa của tâm lòng chúng ta nhiều lần rồi, nhưng chúng ta say ngủ hay bận bịu trăm công ngàn việc hoặc trong tâm lòng chúng ta có quá nhiều tiếng ồn ào và quá nhiều khách khứa nên chúng ta đã không nghe thấy tiếng Ngài và không mở cửa cho Ngài. Nếu thế thì cần phải có những quyết định cụ thể và thay đổi ngay thế nào để khi Chúa đến gõ cửa, chúng ta sẵn sàng mở ngay. Có thể Chúa đang gõ cửa tâm lòng chúng ta ngay trong lúc này, chúng ta đừng bõ lỡ cơ hội. Xin Chúa cho tất cả chúng ta đều sẵn sàng mở cửa để Chúa đến gặp gỡ và ban nhiều hồng ân cho chúng ta trong Mùa Chay.

Người phụ nữ Samari gặp Chúa Giêsu, cuộc gặp gỡ này đã làm chuyển biến cuộc đời chị. Nếu chúng ta muốn thay đổi hay đổi mới cuộc đời mình, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu, hãy gặp gỡ Ngài, bởi vì chỉ có Chúa mới giải đáp được những băn khoăn, những ưu tư của chúng ta, chỉ có Ngài mới làm cho cuộc đời chúng ta đáng sống, sống vui, sống mạnh, sống hạnh phúc và có ý nghĩa. 

Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, OP.

Chúa Kitô Biết Rõ Đời Tôi

Theo tinh thần của phụng vụ Mùa Chay, qua việc Giáo Hội sắp xếp biến cố Chúa Giêsu chịu cám dỗ ở Chúa Nhật tuần thứ nhất Mùa Chay ngay trước biến cố Chúa Giêsu biến hình ở Chúa Nhật tuần thứ hai Mùa Chay, chúng ta thấy ý định của Thiên Chúa trong việc Ngài muốn tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu Kitô cho nhân loại là để họ có thể tin vào Ngài mà được sự sống đời đời. Mà tuyệt đỉnh mạc khải của Thiên Chúa là ở Biến Cố Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô, một biến cố vô cùng mầu nhiệm được Giáo Hội long trọng cử hành trong Tuần Thánh và Đại Lễ Phục Sinh, Biến Cố Khổ Nạn, Tử Giá và Phục Sinh của Người. Đúng thế, chỉ qua Biến Cố Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô, tuyệt đỉnh của "tất cả sự thật" (Jn 16:13) Thiên Chúa muốn tỏ ra cho loài người, con người mới có thể được "sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Chúa Giêsu Kitô" (Jn 17:3). 

Thế nhưng, theo Lịch Sử Cứu Độ và Đường Lối Cứu Độ, Thiên Chúa không mạc khải cho con người "tất cả sự thật" ngay từ ban đầu hay cùng một lúc, mà là từ từ cho tới khi "thời gian viên trọn" (Gal 4:4), lúc "Thiên Chúa nói với chúng ta qua Con của Ngài" (Heb 1:2), Đấng "là đường lối, là sự thật và là sự sống" (Jn 14:6). Nếu "không ai đến được với Cha mà không qua Thày" (Jn 14:6), thì quả thực Thiên Chúa đã từ từ tỏ mình ra cho con người nơi Đấng Thiên Sai Con Ngài theo tiến trình tam đoạn: "đường lối", "sự thật" và "sự sống". Nhóm 12 Vị là một trường hợp điển hình: đầu tiên các vị được kêu gọi "hãy theo Thày" (Mt 4:19; 9:9), như đi vào một "đường lối" chật hẹp khó bước lại ít người đi (x Mt 7:14); sau đó các vị mới được từ từ tỏ cho biết "sự thật" về "Thày là ai?" (Mt 16:15); và sau cùng các vị đã được hoàn toàn "thông phần với Thày" (Jn 13:8), khi Người sống lại từ trong cõi chết để làm cho các vị được "sự sống" khi "Người thở hơi trên các vị mà nói: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh"" (Jn 20:22). 

Ba tuần (III, IV và V) giữa của Mùa Chay Năm A, Phúc Âm theo Thánh Gioan được Giáo Hội cố ý chọn đọc, cũng cho chúng ta thấy tiến trình tam đoạn mạc khải này: Trước hết, ở tuần thứ ba, Chúa Giêsu "là đường lối" tỏ mình ra qua việc làm cho người đàn bà ngoại lai Samaritanô thấy rằng Người quả thực "là Đấng Thiên Sai" (Jn 4:26,29); thứ đến, ở tuần thứ bốn, Chúa Giêsu "là sự thật" tỏ mình ra qua việc làm sáng mắt người mù từ lúc mới sinh, để anh ta có thể thấy Người "là ánh sáng thế gian" (Jn 8:12); sau hết, ở tuần thứ năm, Chúa Giêsu "là sự sống" tỏ mình ra qua việc làm cho Lazarô hồi sinh để anh ta có thể tự động bước ra khỏi mồ, đúng như lời quyền năng của Đấng tự xưng mình trước khi ra tay "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Jn 11:25). 

Nơi tiến trình tam đoạn mạc khải này, ngoại trừ ý nghĩa của việc mạc khải liên quan đến tiến trình "đường lối", "sự thật" và "sự sống" như thế, chúng ta còn thấy một điều đáng chú ý nữa, đó là đối tượng được mạc khải, những đối tượng từ xa tới gần và bao giờ cũng là đối tượng kép: đối tượng mạc khải thứ nhất là một con người ngoại lai tội lỗi ở Samaria vùng đất hoang đàng, và qua con người này mạc khải chiếu tới cả dân làng của chị; đối tượng mạc khải thứ hai là một con người Do Thái thuần túy ở Giuđêa vùng đất chính giáo, và qua con người này mạc khải chiếu tới cả dân chúng, nhất là nhóm Pharisiêu; đối tượng mạc khải thứ ba là một con người thân thiết chí tình ở Bêthania gần Giêrusalem thành thánh, và qua con người này mạc khải chiếu tới cả dân chúng lẫn Hội Đồng Do Thái (x Jn 12:9-11). 

Chưa hết, về tính cách của tam đoạn mạc khải theo Phúc Âm Thánh Gioan này, chúng ta thấy việc mạc khải hình như đi ngược với đường lối nơi lời loan báo tiên khởi của Chúa Giêsu theo Phúc Âm Thánh Mathêu, lời loan báo cho thấy yếu tố nhân sinh ("hãy cải thiện đời sống") đi trước yếu tố thần linh ("Nước Thiên Chúa đã đến"). Bởi vì, qua tiến trình mạc khải tam đoạn này, Chúa Giêsu, là tất cả "Mạc Khải Thần Linh" hay "Nước Thiên Chúa", lại tự động tỏ mình ra trước, tự ý đến với con người trước, nhất là ở trường hợp thứ nhất và thứ hai, để nhờ đó, nhờ việc Người tỏ mình ra đó, con người có thể tin Người. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, chúng ta thấy đường lối nơi lời loan báo tiên khởi của Chúa Giêsu theo Phúc Âm Thánh Mathêu vẫn còn hiện tỏ qua cả ba trường hợp. Bởi vì, ở vào chính giây phút quyết liệt nhất và tột đỉnh nhất của mạc khải, nghĩa là giây phút con người sửa soạn để thấy được Nước Thiên Chúa, để đi sâu vào Thực Tại Giêsu, họ cần phải "cải thiện đời sống", như Moisen cần phải bỏ dép ra trước khi tiến gần đến bụi gai cháy mà không bị thiêu rụi vậy (xem Ex 3:5). Giờ đây chúng ta cùng nhau khảo sát từng mạc khải một.

Mạc Khải "Thày Là Đường Lối" cho người đàn bà ngoại lai Samaritanô. 

Ở đoạn mạc khải thứ nhất trong tiến trình mạc khải tam đoạn này:

Chúa Giêsu quả thực đã tự động đến gặp người đàn bà ngoại lai ấy với chủ đích tỏ mình ra cho chị. Người biết được hằng ngày vào giờ nào chị vốn ra kín nước, và giờ kín nước của chí ấy lại là giờ vắng vẻ không có ai, (chắc có thể vì chị mặc cảm bởi đời sống bê tha tội lỗi của mình nên muốn tránh mặt mọi người chăng?). Và chị phụ nữ ngoại lai tội lỗi diễm phúc ấy, dù có ý trốn lánh mọi người ấy, vẫn không thoát được ánh mắt của "Thiên Chúa là thần linh" (Jn 4:24), do đó, chị đã không biết được Vị Thần Linh này vẫn đang theo dõi chị từng giây từng phút, cho đến lúc Ngài thực sự tỏ mình ra cho chị, vào chính ngày giờ (buổi trưa), địa điểm (bờ giếng), hoàn cảnh (kín nước) và cách thức (xin nước), chị không thể nào ngờ được. 

Giây phút quan trọng nhất, quyết liệt nhất, trong đoạn mạc khải thứ nhất trong tiến trình mạc khải tam đoạn này là lúc Chúa Giêsu, sau khi đã khơi động được lòng khao khát chân thiện mỹ vốn nằm ở tận đáy cuộc đời tội lỗi của chị, như chị lên tiếng xin Người ban nước của Người cho chị, Người bảo chị "hãy về gọi chồng chị". Phải, ở đây, ngay tại chỗ này, vẫn chưa phải là tuyệt đỉnh của mạc khải thần linh, một tuyệt đỉnh chỉ xuất hiện khi nào yếu tố nhân sinh "cải thiện đời sống" nơi con người được tỏ ra, như trường hợp chị phụ nữ Samaritanô này đã tỏ ra, ở chỗ, chị đã thú thật là "tôi không có chồng". 

Chính nhờ yếu tố nhân sinh vừa khao khát chân thiện mỹ, dù chưa biết rõ thực tại này ra sao, vừa thành thật không giấu diếm như thế, chị phụ nữ này đã thấy được sự thật về mình, khi nghe Người nói trúng tim đen cuộc đời quá khứ của chị. Nhờ đó, sau cùng chị đã lờ mờ được thấy sự thật về Người "Tôi biết có Đấng Thiên Sai sẽ đến. Khi Người đến Người sẽ nói cho chúng tôi biết hết mọi sự". 

Nhất là sau khi Người tỏ mình ra cho chị: "Chính Tôi là Đấng đang nói với chị đây", nghĩa là sau khi mạc khải đã lên đến tuyệt đỉnh, chị đã chẳng những hoàn toàn nhận biết Người mà còn loan báo về Người nữa: "Hãy ra mà xem có người đã nói cho tôi biết mọi sự tôi đã làm! Người này không phải là Đấng Thiên Sai hay sao?".

Nội dung của đoạn nhất trong tiến trình mạc khải tam đoạn này là vai trò Chúa Kitô "là đường lối" mà con người phải theo để có thể đến cùng Thiên Chúa chân thật duy nhất, bằng không sẽ dễ bị rơi vào tình trạng ngẫu tượng (tin tưởng giả tạo), để rồi hậu quả là sẽ đi đến chỗ ngoại tình (tôn thờ ngẫu tượng, hiến thân phụng sự ngẫu tượng). Như trường hợp của dân Samaria bấy giờ, điển hình là trường hợp của chị phụ nữ tội lỗi ngoại tình này. Do đó, ngay sau giây phút quyết liệt của mạc khải, và trước khi mạc khải tiến đến chỗ tuyệt đỉnh, Chúa Giêsu liền kêu gọi chị "Chị hãy tin Tôi đi", nghĩa là Người kêu gọi chị ta hãy đi theo Người, vì, như Người khẳng định với chị rằng: "Các người tôn thờ những gì các người chẳng hiểu gì cả, còn chúng tôi biết những gì chúng tôi tôn thờ". 

Vấn đề thực hành sống đạo: Bài Phúc Âm Chúa Giêsu tỏ mình cho người ohụ nữ Samaritanô hôm nay cho thấy, tự mình, con người vốn "chuộng tối tăm hơn ánh sáng" (Jn 3:19) không thể nào biết "Thiên Chúa là thần linh" (Jn 4:24), nếu Ngài không tự tỏ mình ra cho họ nơi Đấng Thiên Sai Con Ngài. Vì "Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý"(1Tim 2:4), nên Ngài luôn tỏ mình ra cho mọi người và từng người tùy theo hoàn cảnh của họ. Thậm chí cuộc đời tội lỗi của họ càng là cớ mạnh để Ngài đặc biệt đi tìm họ như mục tử đi tìm con chiên lạc duy nhất vậy. Thế nhưng, con người chỉ nghe thấy tiếng chủ chiên của mình, chỉ nhận ra Người "là Đấng đang nói với" mỗi người chúng ta (Jn 4:26; 9:37), khi nào chúng ta, ít là còn khao khát chân thiện mỹ, còn thành tâm nhìn nhận con người mê lầm tội lỗi của mình mà thôi. Ý nghĩa căn bản nhất của thống hối trong Mùa Chay chính là ở chổ này và bắt đầu từ chỗ này, nhờ đó chúng ta mới có thể tham dự vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh

Tiến Trình Mặc Khải Vào Mầu Nhiệm Niềm Tin

Bài Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay là một đọan văn đa nghĩa, người ta đọc ra ở đấy nhiều ý nghĩa khác nhau : Có người tìm thấy ở đấy một ý nghĩa mục vụ và tâm lý giúp cho chúng ta cách phải nói với tội nhân để đưa họ đến chỗ hóan cải. Có người lại thấy đọan Tin Mừng này có ý nghĩa Bí Tích, đó là nước trường sinh ám chỉ nước trong phép Thánh Tẩy, còn bánh hẳn là liên hệ với phép Thánh Thể. Có người lại giải thích theo một ý nghĩa Kitô học, Gioan giới thiệu một đề tài nền tảng : "Đức Giêsu là ai để tin vào Ngài ?". 

Điều này phù hợp với mục đích của tòan tác phẩm Tin Mừng thư tư, vì Jn.20,31 Gioan trả lời rất rõ : Các điều đã viết đây là để anh em tin rằng : Đức Giêsu chính là Đức Kitô con Thiên Chúa, và bởi tin thì anh em có sự sống nhờ Danh Ngài. Như thế tác giả muốn chúng ta hiểu rằng : Đức Giêsu chính là Đức Kitô Con Thiên Chúa và nhờ tin như vậy thì được sống. Hay nói đúng hơn đọan văn nhằm trình bầy hành trình đức tin của người ly khai Do Thái Giáo.

1/ Hành trình đức tin của người phụ nữ Samaria:

Cuộc đối thọai giữa Chúa Giêsu và thiếu phụ đã dân đưa chị qua ba chặng :Trước hết chị đã được dẫn đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác : Chúa Giêsu không như những người Do Thái khác, khinh thị người Samari nhất là phụ nữ Samari, trái lại Ngài còn kính trọng chị, hạ mình xuống xin nước uống (c.9). Nhưng ngay sau đó Chúa Giêsu đã xoay tình thế " Nếu chị...người ấy ban cho chị nước hằng sống"(c.10) và chị vội vàng xin nước Ngài (x.c.15). 

Nước là nguồn mạch và tiềm năng của sự sống, nước để thanh tẩy, nước ban sự sống đời đời. Chúa Thánh Thần là nguồn nước sự sống. Đức Giêsu đã làm cho chị nhận ra mình không phải là người cho nước mà trái lại là người xin nước.Chặng hai : Chúa Giêsu làm cho chị nhận ra mình được Ngài biết rõ và từ đó nhận ra Đức Giêsu là một ngôn sứ. Người thiếu phụ ngạc nhiên " ông ấy nói với tôi mọi sự tôi đã làm" (c.29-31). Chị ngạc nhiên vì thấy Đức Giêsu đã biết rõ mình (x.c.18). Trong khi mạc khải cho thiếu phụ Samaria biết rõ đời tư của chị, Đức Giêsu đã tự mạc khải chính mình. Cách làm này cũng tương tự cách làm đối với Nathanael (Jn.1,47-49).

Sau cùng Đức Giêsu tăng cường niềm chờ mong Đức Kitô và mạc khải mình chính là Đức Kitô. Thật vậy, người phụ nữ nhận thấy người đối thọai vừa cởi mở vừa sáng suốt, nên người thiếu phụ liền nêu ra vấn đề lâu đời chia rẽ người Do Thái với người Samaria. Phải thờ phượng Thiên Chúa ở núi này hay tại đền thờ Giêrusalem ? Thắc mắc này cho thấy thiếu phụ đang khao khát ngóng đợi Đấng Messia và Ngài tỏ cho chị thấy Ngài chính là điều mà chị đang chờ mong "Ai uống nước Ta ban sẽ không còn khát..."(c.14) và người chị mong đợi"Đấng ấy chính là tôi"(c.26). Sự phân rẽ giữa nơi thờ phượng thì Chúa Giêsu xóa bỏ, điều mà họ mong mỏi là " lúc này không còn là ở Giêrusalem hay Garazim mà là trong tinh thần và chân lý"(c.23-24).

2/Chúa Giêsu làm cách nào để người phụ nữ có những chuyển biến ?

Trước hết Chúa Giêsu đã làm cho bà thay đổi tương quan với Ngài : Trước đây là một sự kỳ thị, người Do Thái liệt kê người Samaria là người ly khai, còn người DoThái là người trung thành với luật, tự đặt mình lên trên họ. Còn Chúa Giêsu lại tự hạ ngỏ lời xin bà nước, việc tự hạ ấy có thể làm tổn thương danh dự của Chúa Giêsu và cả dân tộc mình, nên chính các môn đệ cũng ngạc nhiên (x.c.27). Nhưng sau khi xin nước, người thiếu phụ cảm thấy mình được tôn trọng và thương mến. Cho nên sự hạ mình của Chúa Giêsu chính là cốt lõi để biến đổi tương quan giữa Chúa Giêsu và phụ nữ. Rồi Ngài gây ngạc nhiên cho chị, Ngài chuyển từ nước tự nhiên sang nước tái sinh và đã giúp chị chuyển biến từ người cho sang người xin và tư người xin sang người cho.

Người thiếu phụ đang khát tình thương, nên chi mới sống với nhiều người đàn ông như thế, khát tình thương mà Chúa ban tình thương thì điều đó quan trọng như thế nào đối với chị ! chị đã nhận ra Chúa Giêsu chẳng những là Ngôn Sứ (x.c.19) mà còn yêu thương chị nữa, dù đời tư chị qúa khứ cũng như hiện tại chả ra gì, nhưng Chúa Giêsu vẫn tôn trọng nên chị nhận ra mình được yêu và biến đổi là lẽ đương nhiên.

3/ Loan báo :

Khi nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Messia(x.c.26) thì chị đã vội vàng loan báo cho dân chúng "Mau mau hãy đến mà xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Đấng Kitô"(c.29). Và những người Samaria đã qua trung gian người thiếu phụ mà có được niềm tin (x.c.39), nhưng sau đó họ trực tiếp gặp gỡ Ngài. Các môn đệ đầu tiên cũng vậy, khi được Gioan Tẩy Gỉa giới thiệu và nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai thì đã đi loan báo, giới thiệu cho những người thân quen. Chẳng hạn Andrê nói với Phêrô : chúng tôi đã gặp đấng Messia và giới thiệu em mình cho Chúa Giêsu, rồi Philipphê gặp Nathanael cũng nói : Đấng mà sách luât Moisen và các ngôn sứ nói tới chúng ta đã gặp(x.Jn.1,35-46). Và tiến trình niềm tin của các môn đệ tiên khởi cũng tương tự như thế khi Phêrô được anh loan báo thì ông được dẫn đến để trực tiếp gặp Chúa Giêsu và Nathael được bạn loan báo thì cũng diện kiến Chúa Giêsu và đối thọai với Ngài rồi chính ông thốt lên " chính thầy là Con Thiên Chúa, là vua Israel"(Jn.1,49).

4/ Sứ điệp Tin Mừng :

Có thể sống điều mình tin mà không loan báo không ?Chúng ta có thể thực sự tin vào Chúa Giêsu mà chỉ qua trung gian không ? Phải có sự gặp gỡ Chúa Giêsu thực sự qua việc cầu nguyện.Muốn loan báo, muốn giúp người khác tin vào Đức Giêsu chúng ta phải làm thế nào ?Thiếu phụ Samaria đi kín nước, đâu ngờ mình gặp được Đấng Thiên Sai, còn bạn, khi lao động, đi buôn bán, đi làm, đi học...bạn có thể tìm gặp Chúa được không ? Chúa Kitô đã vượt ra ngòai hàng rào nghi kỵ, thành kiến để gặp gỡ và chinh phục người thiếu phục Samaria bằng tình yêu, để chị trở thành con cái Chúa và làm chứng tá Tin Mừng. Xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, xích lại gần nhau để đối thọai và lắng nghe nhau trong tinh thần cởi mở chân thành. Nhờ đó, Mùa Chay thánh này sẽ sinh hoa trái cho chúng con.

Sr Mai An Linh, OP

1195    25-03-2011 09:08:39