Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Chúa Nhật III MC A_3

Xin Cho Được Uống  Nước Hằng Sống
Ga 4:5-42

Ðể hiểu rõ cuộc đấu lý của người phụ nữ xứ Samaria với Chúa Giêsu, cũng như đường lối Chúa dùng để đưa dẫn chị đến việc trao ban cho chị nước hằng sống, ta cần tìm hiểu sơ qua bối cảnh địa dư, lịch sử, chính trị và tôn giáo của dân Do thái thời bấy giờ. Nước Do thái thời Chúa Giêsu được chia thành ba miền giống như ba miền Trung, Nam, Bắc Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Từ thế kỷ thứ tám trước kỷ nguyên, miền trung của họ là đất Samaria, bị ngoại bang là người Átxiria chiếm đóng và đô hộ. Luật pháp Do thái cấm người Do thái kết hôn với người khác đạo, cũng như người ngoại bang. Tuy nhiên người Do thái ở Samaria cuối cùng đã chấp nhận dân đô hộ, lập gia đình với thực dân, rồi tiêm nhiễm những phong tục tập quán ngoại bang. Ðiều đó khiến người Do thái ở miền nam là Giuđê phẫn nộ, coi rẻ người Samari, cho họ là dân lai căng, không còn thuần tuý Do thái nữa.

Sau này miền Giuđê cũng bị đô hộ. Tuy nhiên người Do thái ở đây nhất định không chịu đồng hoá với dân ngoại bang. Khi người Do thái xây lại đền thờ Giêrusalem, người Samari ngỏ ý muốn giúp đỡ, nhưng người Do thái từ chối. Rồi một việc khác xẩy ra là một vị đại giáo trưởng Do thái còn âm mưu cho đốt đền thờ của người Samari. Những thái độ và hành động đó làm cho người Samari căm phẫn, khiến cho hai dân tộc, trước kia thuộc cùng dòng giống, càng ngày càng xa cách. Do đó mà người Do thái từ miền bắc là Galilê muốn xuống miền nam, và ngược lại người Do thái ở miền nam muốn lên miền bắc, không thèm đi qua đất Samaria, nhưng lại đi vòng xa hơn để đạt tới đích. Ðể giúp cho dễ hình dung, ta có thể tưởng tượng ra người Bắc Việt muốn vào Nam Việt, hay người Nam Việt ra Bắc Việt, không thèm đi qua Trung Việt, nhưng vòng qua đất Lào để tới đích. Vì thế mà hai dân Do thái và Samari thường không giao thiệp với nhau vì mang mối thù truyền kiếp này. Tuy nhiên người Samari vẫn nhận biết Thiên Chúa của người Do thái và họ tin theo bộ sách Ngũ kinh của người Do thái. Họ cũng trông đợi Ðấng Cứu thế đến như người Do thái. 

Phúc Âm hôm nay kể lại chuyến hành trình của Chúa Giêsu đến thành Xikha thuộc xứ Samaria. Chúa đã không đi vòng để tránh đặt chân lên đất Samaria như những người Do thái khác quen làm, nhưng đi thẳng vào đất Samaria. Và khi dừng chân nghỉ mệt bên bờ giếng Giacóp, Chúa đụng độ người phụ nữ xứ Samaria đi kéo nước. Nước mang hai ý nghĩa và công hiệu quan trọng. Người ta cần nước để rửa sạch. Loài người, loài vật và cả thực vật cần nước uống để sống. Người Do thái trong sa mạc khát nước nên kêu trách Môisê đã đem con đi bỏ chợ như bài trích sách Xuất hành hôm nay kể lại. Môisê xin Chúa can thiệp. Chúa bảo Môisê cầm gậy đập trên tảng đá đê nước chảy ra cho dân uống. 

Ðối diện với người phụ nữ có vẻ nghi kị và ác cảm, Chúa đành cố gắng phá tan bức tường vô hình ngăn cách bằng cách đặt mình vào thế yếu để xin chị cho nước uống. Phong tục Do thái thời bấy giờ không cho phép đàn ông nói chuyện với đàn bà nơi công cộng nhất là hàng giáo sĩ và những người có địa vị như Chúa Giêsu. Vì thế mà người phụ nữ bèn mỉa mai nói Chúa là người Do thái mà lại xin chị là người Samari cho nước uống sao? Ðể trả lời Chúa bảo nếu chị nhận ra ơn Chúa và người nói với chị là ai, chị sẽ xin người cho uống nước hằng sống. Chị liền bắt bẻ, nói Chúa không có gầu mà giếng lại sâu, sao lấy đâu ra nước hằng sống.

Chúa phán bảo chị: Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa (Ga 4:14). Chộp lấy cơ hội, người phụ nữ liền xin cho được nước hằng sống - mặc dù chị chưa hiểu là nước gì - để từ nay không phải đi xa múc nước nữa. Lúc này chị đã nhận ra Chúa Giêsu có gì để ban tặng cho chị. Ðến đây Chúa đánh động một niềm thức tỉnh nơi chị bằng cách đưa ra ánh sáng cái thực tại của đời sống cá nhân chị, khi chị nói chị không có chồng. Chúa bảo chị đã có năm đời chồng và người đang sống với chị không phải là chồng chị. Lúc này người phụ nữ nhận ra nơi Chúa có cái tri giác luân lý, nên nói: Tôi thấy ông thật là một ngôn sứ (Ga 4:19). 

Toan đổi đề tài, người phụ nữ hỏi Chúa xem người ta phải phụng thờ Thiên Chúa ở đâu? Chúa bảo chị không nên quan tâm đến việc tranh chấp về nơi thờ phượng vì sẽ đến giờ khi người ta không hẳn chỉ thờ phượng Chúa ở Giêrusalem hay ở Samaria, nhưng là thờ phượng Chúa ở khắp mọi nơi trên khắp mặt địa cầu. Chị cũng hiểu biết khi Ðức Kitô đến, Người sẽ loan báo cho người ta mọi sự. Câu chuyện tiếp diễn đến đây, thì người phụ nữ vội vã trở về kể cho người làng xóm về những gì mà tai và mắt chị đã nghe và thấy và cảm nghiệm được. Người làng tuốn ra gặp Chúa. Cùng với chị, họ đặt tin tưởng vào Chúa Giêsu là Ðấng cứu thế. 

Cuộc đối chất giữa người phụ nữ với Chúa Giêsu cho thấy không những chị ta có vẻ lý sự, mà còn đanh đá là khác - đanh đá dễ sợ. Tuy nhiên xét cho cùng thì chị ta cũng không đến nỗi đáng sợ mấy vì chị biết phục thiện và biết mở lòng. Nếu thực sự đanh đá và cứng lòng, chị ta đã có thể nói với Chúa đừng có tò mò mà xía vô chuyện riêng tư của đời chị. Ðứng trước một người nào đó có cái tri giác luân lý, người ta thường nể nang, không muốn chống đối. Ðối diện với Ðức Giêsu là người mà người phụ nữ nhận ra có tri giác luân lý, chị ta phải nhận cái thực tại về đời sống cá nhân của mình và để cho lòng mềm ra.

Từ câu chuyện xin nước uống, Chúa đưa chị đến việc dần dà mở tâm hồn chị. Chị ta đã nhận ra ơn cứu độ từ việc coi Chúa Giêsu chỉ là một người Do thái thường, qua việc xưng Chúa là ngài, đến việc nhận ra Chúa là một ngôn sứ và cuối cùng tin Chúa là Ðấng Cứu thế: Ông ấy không phải là Ðấng Kitô sao (Ga 4:29)? Như vậy câu chuyện Phúc Âm cho thấy Chúa đến mang ơn cứu độ không những chỉ riêng cho người Do thái, nhưng còn cho dân ngoại qua việc ban tặng nước hằng sống cho người phụ nữ Samari. Nước hằng sống theo thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma chính là tìn yêu của Thiên Chúa đổ vào lòng ta, nhờ Thánh thần của Người (Rm 5:5).

Lạy Chúa, xưa kia một thời tổ tiên chúng con cũng là dân ngoại. Nhờ các nhà truyền giáo, mà tổ tiên con đã được ơn nhận lãnh đức tin. Do đó con cũng được thừa hưởng ơn được uống nước hằng sống. Nếu con đi lầm đường lạc lối về phương diện nào đó trong đời sống, xin cho con được ơn biết thức tỉnh tâm hồn như người phụ nữ Samari, để con được tiếp tục uống nước hằng sống. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

Ai là Người Đàn Bà Samaria, Ai là Chúa Giêsu Đối Với Tôi?

1. Bờ giếng Gacóp là môi-trường sống riêng biệt của mỗi cá nhân. 

Môi trường nầy có thể là gia đình, là một Phong trào tôi đang sinh hoạt, một Hội đoàn Công giáo tiến hành tôi đang tham dự, là môi trường giáo xứ, môi trường công tư sở mà tôi đang là một thành viên trực thuộc. Bờ giếng Giacóp như một quán nước bên đường, một Rest Area bên xa lộ cuộc đời cho người lữ khách đường xa dừng lại, nghỉ ngơi, bồi đưỡng để lên đường đi tiếp đích điểm cuối cùng của cuộc hành trình.

Tôi là một người đàn bà Samaria đang làm chủ hay đang tiếp xúc, tiếp cận với môi trường riêng tư hay công cộng mỗi ngày hay mỗi tuần khi có dịp.

Chúa Giêsu có thể hiện thân là một trong những thành viên của gia đình tôi, một người bạn đồng sở làm với tôi, một hội viên, một đoàn viên, một thành viên cùng giáo xứ với tôi.

2. Người đàn bà Samaria đã cho Chúa Giêsu nước uống khi Ngài xin. 

Muốn tặng nước cho Chúa Giêsu uống, người đàn bà Samaria phải có nước hay phải có gàu để múc nước từ dưới giếng Giacóp lên mà biếu tặng Chúa Giêsu. Muốn cho, muốn tặng thì phải có cái để tặng, để cho. Không ai cho cái mình không có bao giờ cả. Cái nguyên lý căn bản nầy ai cũng biết hết.

Tôi là một người Samaria mới trong vai trò làm vợ tại môi trường gia đình. Chồng tôi là một Giêsu đang tiến lại gần, tiếp cận với tôi và thành khẩn xin tôi thứ nước cảm thông, tha thứ để giúp anh bắt đầu làm tốt lại từ đầu vai trò của một người chồng, người cha mà cả hơn một năm nay đã bỏ bê không ngó ngàng tới. Anh rất ân hận, lúng túng. Anh muốn sửa lại mọi sự trong ngoài. Thứ nước cảm thông, tha thứ từ chị bên bờ giếng Giacóp là môi trường gia đình. Chị có sẵn sàng như người đàn bà Samaria làm cho Chúa Giêsu không?

Tôi là một người chồng trong một hoàn cảnh tương tự như trên đây, tôi có sẳn sàng ban tặng người số một của tôi thứ nước hòa giải để nối lại tình xưa nghĩa cũ đã một thời gián đoạn vì hiểu lầm, để vợ chồng, con cái cùng đoàn tụ trong một môi trường gia đình đấm ấm, hạnh phúc như xưa, được không?

Tôi là một đứa con trong một gia đình. Bố mẹ tôi đã luống tuổi, lại chịu ảnh hưởng của nền văn hoá lâu đời của Việt-Nam. Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, chịu ảnh hưởng một nên văn hóa và giáo dục sâu đậm của Hoa-Kỳ. Giữa tôi và bố có sự xung khắc, vì bố tôi chỉ nói tiếng Việt, còn tôi chỉ biết nói tiếng Anh. Hai bố con không gặp nhau trong quan niệm sống và không hoà hợp nhau trong đời sống gia đình. Tôi nghe cha sở của tôi giải thích rằng giưã bố mẹ và con cái có thể không hiểu và không thông cảm nhau vì khả năng ngôn ngữ. Cho nên bố mẹ cần cập nhật-hoá tiếng Anh và con cái cần trau dối thêm tiếng Việt để dễ dàng thông cảm với nhau, nhưng về tình yêu thương bố mẹ Việt-Nam dành cho con cái thì không cần "ấp đết". Tôi đang ngồi bên giếng Giacóp của gia đình trong Mùa Chay như một cơ-hội. Chiếc gầu cảm thông tôi đang cầm trong tay. Tôi chỉ cần thả xuống... kéo lên nuớc "I'm sorry" và đổ vào thùng yêu thương của bố tôi có sẵn thì tôi sẽ trở thành một người Samaria thứ thiệt, bắt đầu từ Mùa Chay thánh năm nay

Tôi là một thành viên có hạng trong Phong Trào. Tôi đang ở trong Ban điều hành cuả Phong Trào. Nhưng tôi ghét cay ghét đắng những người không ủng hộ tôi trong những kế hoạch tôi đề nghị. Tôi muốn loại bỏ và khai trừ hết những người chống đối. Cha Sở của tôi và cũng là linh hướng của Phong Trào nói với tôi rằng ngày xưa tại Nam Việt-Nam, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương có nói mọt câu chua cay nhưng để đời: "Trong hoàn cảnh của xã hội Miền Nam hôm nay, nếu sa thải hết những người hối lộ thì lấy ai làm việc công". Cha sở khuyên tôi hãy chấp nhận hợp nhất trong khác biệt và ngài thêm: Biết đâu nhờ những chống đối ấy mà người trong cuộc sẽ cẩn trọng hơn trong các phương án. Âu đó cũng là một điều hay. Bây giờ Mùa Chay là một cơ-hội. Hội Họp của Phong Trào như quán nước Giacóp bên đường. Giếng đây, gàu đây tôi có vui lòng cúi xuống... kéo lên để biến tôi thành một người Samaria mới ở dây và bây giờ không?

Tôi là một thành viên năng nổ của cộng đồng xứ đạo của tôi. Tôi đang giữ một vai trò tương đối có ảnh hưởng. Một ngày kia, có thể là Cha Sở, có thể là một thành viên khác vì thiếu tế nhị cũng có hay vô tình cũng có, đã nói một lời hay tỏ một thái độ. .. đụng chạm đến tôi. Thế là tôi buồn, tôi giận, tôi bỏ xứ và bỏ luôn cả việc đi lễ tại nhà thờ giáo xứ trong một thời gian dài. Mùa Chay là một cơ hội. Giếng Giacóp là quán nước bên đường mời tôi là một lữ khách dừng lại. Tự nhiên tôi suy nghĩ. Tôi giận người khác, tôi giận luôn cả Chúa được sao? Thiệt là vô lý. Tôi chỉ cần tra tay vào chiếc gầu cảm thông và thả xuống giếng rồi múc lên nước tha thứ là tôi có thể trở thành một người Samaria mới bên bờ giếng Giacóp của giáo xứ.

Người phụ nữ Samaria đã múc nước cho Chúa Giêsu uống khi Người ngồi bên bờ giếng Giacóp ngày xưa. Chúa Giêsu đang ngồi đấy bên bờ giếng Giacóp của cuộc đời. Ngài đang hiện thân trong những người khác đang có nhiều liên hệ đến cuộc đời bạn và tôi. .. và Ngài đang nói với mỗi chúng ta: "Cho tôi uống nước với". Liệu chúng ta có sẵn sàng không?

Lm. Peter Hoàng Xuân Nghiêm

 

Lớn Lên Trong Dòng  Nước Hằng Sống
Jn 4:5-12

Kính thưa ông bà anh chị em, cộng đoàn chúng ta đang tiến vào trung tâm điểm của Mùa Chay và các anh chị em Dự Tòng trên khắp thế giới đang có những ngày chuẩn bị gấp rút để tiến về Giếng Rửa Tội, tiến vào cuộc Tái Sinh thiêng liêng quan trọng nhất của cuộc đời sẽ được thực hiện trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Trong ý nghĩa ấy, phụng vụ Chúa Nhật III Mùa Chay, với sứ điệp Lời Chúa mang trọng tâm "Nước Hằng Sống" đang gọi mời dân Chúa khắp nơi hãy biến đức tin thành một cuộc "hội ngộ" với chính Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, biến việc sống đạo của mỗi người thành cuộc "gặp gỡ Đức Kitô" là "Đường, Chân lý và Sự sống" đích thật. Thánh lễ hôm nay cũng là một cơ hội để chúng ta một lần nữa đặt niềm tin vào Thiên Chúa, quay trở về với Thiên Chúa và tiến đến gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng đang hiện diện trong Thánh lễ nầy để ban chính sự sống thần linh cho ta.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng dáng cử hành Thánh lễ.

Giảng Lời Chúa :

Sống trên đời ai mà đã không một lần vật lộn với những cơn khát : khát nước, khát tình, khát tiền, khát thành công, khát hạnh phúc, khát bình an, khát yên lặng, khát cảm thông, khát gần gũi, khát sống, khát yêu, khát thù khát hận...Chính vì thế, nhà thơ Đình bảng đã nói lên nổi khát đó qua những câu thơ :

Hồn tôi một cánh đồng không
Lạy trời mưa xuống thành sông, thành ngòi...
Lạy trời mưa suốt đêm nay
Hồn tôi là những luống cày khô khan...
(Lời buồn thánh.Lê Đình bảng, Hành Hương, thơ. 2006)

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cũng muốn nói với chúng ta về những cơn khát. Đặc biệt, qua biến cố "cơn khát nước điên cuồng" của Ít-ra-en trong hoang mạc, và cuộc đàm thoại về Nước Hằng sống giữa Chúa Giêsu và người thiếu phụ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp, Lời Chúa đã đưa chúng ta và các anh chị dự tòng đi vào các chiều kích sâu xa của cuộc hành trình đức tin mà bí tích Rửa tội chính là cửa ngỏ đầu tiên. Chúng ta hãy để Lời Chúa soi lòng mở trí chúng ta.

1. Cuộc đời và những cơn khát :

Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, "nước" được nhiều lần nhắc đến : Ngay từ buổi khai thiên lập địa, nước đã có mặt trong công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa. Nước chảy nơi vườn Eden để biến nơi đây thành địa đàng trần gian. Nước dâng cao thành Hồng thủy để thanh tẩy địa cầu. Nước Biển Đỏ và sông Gio-đan dựng đứng như tường thành để dân Ít-ra-en đi bộ tiến vào Hứa đại. Nước làm cho muôn vật sinh sôi nẩy nở. Và người công chính được ví như cây dừa mọc bên bờ suối nước, trổ sinh hoa trái tốt lành. Trong khi đó, sứ ngôn Ê-dê-ki-en đã loan báo, vào thời Cứu Thế, nước sẽ chảy ra từ bên phải đền thờ để chữa lành và cứu sống muôn người...

Tuy nhiên, dụng ý của trích đoạn sách Xuất Hành được công bố nơi bài đọc 1 hôm nay, khi nhắc đến biến cố "khát nước" của dân Ít-ra-en trong hoang địa là muốn nhắc nhở chúng ta về những "cơn khát của thời đại hôm nay" và thái độ ứng xử của đức tin trước những cơn khát nầy.

Thật vậy, ngày hôm nay nhân loại cũng đang bị dày vò bởi nhiều cơn khát cháy bỏng : khát tiền, khát tình, khát hưởng thụ, khát tự do, khát cơm no áo ấm, khát danh vọng chức quyền, khát thành công, khát quyền lực, cũng không loại trừ những cơn khát hận thù, khát đam mê và dục vọng... Và để thỏa mãn những cơn khát đó, đã có không biết bao nhiêu những "mời chào, những giải pháp, những đề nghị". Biết bao nhiêu người bỏ mạng trên Biển Đông khi khao khát đi tìm một "chân trời đất hứa tự do"; cũng không ít người chôn thây nơi rừng thiêng núi thẳm vì khao khát tìm vàng hay tìm trầm. Các phương tiện truyền thông hôm nay cũng đã báo động khi có không ít cô gái Việt nam vì khát khao một thiên đàng hạnh phúc nên chấp nhận xa quê lấy chồng Đài Loan hay Hàn Quốc, để cuối cùng ôm phận bạc lỡ làng...Ngày xưa, dân Ít-ra-en khi phải đối diện với cơn khát nước điên cuồng nơi hoang mạc, đã liều quay lưng chống đối Mô-sê, nghi ngờ sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa, quên hết bao nhiêu ơn lành và kỳ công Chúa đã thực hiện trong biến cố Vượt Qua khai mạc cuộc Xuất Hành. Họ quên cả "chiếc gậy của Mô-sê" đã từng dương ra trên biển Đỏ để họ tiến bước ráo chân giữa hai bờ tường nước dựng. Quên cả manna, quên luôn chim cút, quên cột mây che mát, cột lửa dẫn đường, quên hết Thập điều trên núi Sinai...Ngày nay, trước những cơn khát của cuộc đời, chúng ta cũng đã bao lần dẹp Thiên Chúa sang một bên, hay chí ít, cũng hồ nghi về sự hiện hữu của Ngài, quên mình là Kitô hữu, quên dòng nước rửa tội, quên Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, quên các giới răn và các thực hành luân lý Kitô giáo, quên hết những lời dạy của tin mừng...

2.Khi "chiếc gậyThánh Thần" can thiệp :

Nhưng Thiên Chúa lại chứng tỏ quyền năng bằng lòng tha thứ; và Ngài lại một lần nữa ra tay. Chiếc gậy của Mô-sê có dịp được dương ra để đập vào tảng đá cho mạch nước tuôn trào. Trên "từng cây số của chiều dài lịch sử nhân loại", Thiên Chúa nào chịu thua sự cứng lòng và yếu đuối của loài người ! Kể từ những giọt máu và nước từ trái tim của Con một tuôn ra trên đồi Sọ, chiếc gậy Thánh thần đã dương ra trên khắp địa cầu để đập vào muôn vạn trái tim chai cứng, khô khan làm vọt lên dòng nước của ơn cứu độ, của tái tạo, của phục sinh. Ngay trong hoang mạc của tối tăm và sự chết trên đỉnh đồi Can-vê chiều thứ Sáu, dòng nước đó đó đã chạm đén trái tim của người trộm bên hữu để trong anh bừng lên niềm hy vọng đi vào hạnh phúc vĩnh hằng. Người phụ nữ Samari trong Tin mừng hôm nay đang khát tình với năm người đàn ông không chính thức, đang khao khát một niềm tin đúng nghĩa để thờ phượng Thiên Chúa, một khi được gặp gỡ Đấng là Đường, là Sự thật và Sự sống đã hân hoan trở nên một con người mới. Rồi tiếp nối những Maria Bêtania ngồi bên chân Chúa, Giakê cố nhìn Chúa trên cành cây sung hay Lê-vi nghe tiếng Chúa ngay nơi bàn thu thuế, người thiếu phụ ngoại tình đứng nhìn Chúa im lặng vẽ hình trên cát...tất cả đã đứng lên và làm lại cuộc đời trong niềm vui của một cuộc phục sinh, của một đời sống mới... Cứ thế, suốt hai ngàn năm nay, hàng hàng lớp lớp con người đã được chiếc gậy Thánh Thần chạm đến để tuôn đổ hồng ân, để nhận được dòng nước hằng sống tái sinh qua bí tích Rửa tội và được nuôi dưỡng lớn lên nhờThánh Thể. Đúng như lời Đức Kitô đã nới với người thiếu phụ Samari trong Tin mừng hôm nay : "và nước tôi cho sẽ sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời". 

3. Tắm gội trong dòng nước hằng sống

Như vậy điều quan trọng còn lại hôm nay chính là hãy mở lòng ra, hãy đến và hãy gặp. Chính người thiếu phụ Samari hôm nay đã chịu mở lòng ra đối thoại với Chúa, đã chấp nhận để Chúa truy vấn và đã để Lời Chúa xuyên thấu cõi lòng. Và từ đó lại một mạch nước hằng sống đã tuôn trào nơi trái tim tưởng đâu đã cằn khô nơi chị, biến chị trở thành chứng nhân, thành tông đồ để rao giảng đơn sơ chỉ một tin Mừng : "Đến mà xem : có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao ?" . Quả thật, đức tin luôn là một cuộc khao khát vươn tới, là một sự khó nghèo để được lấp đầy, một niềm trông cậy để được đáp trả. Bởi vì Đức Kitô không bao giờ khước từ những ai đến cùng Ngài; lại càng không phải là kẻ dồn ta vào bước đường cùng để xô ta xuống vực thẳm. Hãy tự nhiên và bộc trực như người thiếu phụ Samari hôm nay, hay cứ huyên náo lăng xăng tiếp Chúa như cô Matta Bêtania, yên lặng nghe Chúa như cô Maria, tò mò trèo lên cây để được thấy Chúa như Giakê, đứng ngay lên bỏ tất cả theo Chúa như Matthêô, cả khi bất đắc dĩ vác đỡ thập giá như Simêon...Điều quan trọng là hãy đến, hãy tiếp cận, hãy gặp gỡ. Chúa nào có xa đâu. 

Như vậy Mùa Chay phải chăng là Mùa để chúng ta mở rộng cõi lòng tập luyện sống niềm tin tích cực, sống cuộc gặp gỡ Đức Kitô, sống đối diện với cái tôi đích thực của mình để tìm gặp một sức sống mới, một nguồn nước mới. Chúng ta hãy bước ra khỏi cái ảo tưởng cho rằng : mình sống đạo như thế đủ rồi, đức tin như thế là tạm ổn. Hãy tỉnh táo. Coi chừng chúng ta đang trong "cơn thiếu nước trầm trọng", đang trong thế "quay lưng lại với Thiên Chúa". Hãy mạnh dạn quay lại ngõ lời với Đức Kitô như người thiéu phụ Samari : "Xin ban cho con thứ nước ấy", và hãy để chiếc gậy Thánh Thần đập vào cõi lòng, vào tim óc và cuộc sống. Đó là chiếc gậy của tòa Giải tội, của Thánh Lễ, của việc cầu nguyện, của Tin mừng, của ăn chay và làm phúc, của tha thứ hòa giải với anh chị em xung quanh, của việc thực hành liêm khiết, thủy chung trong đời sống gia đình, trong sáng, trách nhiệm nơi công sở...Hãy để dòng nước của nhiệm tích Rửa tội vọt lên trong cuộc đời, hãy để dòng nước của Thánh Linh tuôn trào trong tim óc. Chắc chắn, chúng ta sẽ lớn dần lên trong tin yêu và niềm vui hạnh phúc thánh thiêng như cảm nghiệm của nhà thơ Đình bảng :

Cảm ơn Chúa đã cho tôi tắm gội
Lớn dần lên trong hương sắc của Người
Này lại ngày hoa trái cứ sinh sôi
Mỗi gieo vãi là một lần đẫy hạt..
(Giữa bao la đất trời. Lê Đình bảng, Hành Hương, thơ. 2006)

Dòng nước đó chính là Đức Kitô đang có ở đây. Hãy hướng về Ngài. Hãy gặp gỡ Ngài.

LM Trương Đình Hiền

Ai Uống Nước Ta Sẽ Cho thì Không Còn Khát Nữa
Jn 4:5-12

Vào một buổi trưa hè oi ả, ánh nắng chói chang gay gắt giữa ngày như đang dồn hết sức nóng đổ xuống con đường làng nhỏ ngoằn ngoèo dẫn đến một bờ giếng. Cây cỏ bên đường lặng yên bất động, trời không một chút gió. Không gian thật im vắng như đang lắng nghe và chờ đợi một sự việc quan trọng sắp xảy đến. 

Thấp thoáng trên đường làng bóng một người phụ nữ đang lầm lũi bước đi với dáng điệu mệt mỏi và đăm chiêu, một tay nàng cầm chiếc vò đã cạn nước, tay kia thỉnh thoảng đưa lên lau vội những giọt mồ hôi loang loáng trên khuôn mặt thoáng nét ưu tư. Bỗng nhiên nàng khựng lại khi thấy bên cạnh bờ giếng, một người đàn ông đang ngồi trầm ngâm, yên lặng. Hôm nay khác hẳn với mọi ngày vì sự hiện diện của người khách lạ. Nàng tự hỏi: "Ông ta làm gì ở đây? Tại sao không thấy kín nước mà chỉ ngồi yên như đang chờ đợi điều gì?". Một thoáng lúng túng chợt đến! Người khách lạ dường như đã đọc được những ý tưởng cũng như tâm trạng của người phụ nữ, nên đã lên tiếng mở đầu cuộc đối thoại. 

Ông khách xin nàng một chút nước rồi lại ngỏ ý muốn cho nàng một thứ nước mà uống vào sẽ không còn khát nữa! Người đàn ông này thật lạ lùng. Hình như ông đã biết rõ cuộc đời nàng, và dường như sự gặp gỡ buổi trưa hôm nay bên bờ giếng không phải là một tình cờ!

Ngày nào đó, có thể là hôm nay, Chúa Giêsu đến để gặp gỡ và trao đổi câu chuyện với bạn và tôi như Ngài đã đến với người phụ nữ Samaria thuở nào. 

Ngài đến vào một buổi trưa hè của cuộc đời, khi mọi sự ở chung quanh hầu như không còn ý nghĩa, tất cả như câm nín, ngưng đọng và trở nên nặng nề, khó thở.

Ngài đến khi những gay gắt và xáo trộn của cuộc đời đang đổ xuống trên chúng ta: thất bại trong công ăn việc làm, chia ly, đổ vỡ trong gia đình, một người thân qua đời, bạn bè hoặc người yêu phản bội, thất tín, bị ghen tương, hiểu lầm, vu khống...

Ngài đến giữa lúc chúng ta đang miệt mài kéo nước từ bờ giếng của những tham vọng, những đam mê nhất thời và mau qua hầu thoả mãn cơn KHÁT đang nung nấu tâm hồn. Thế nhưng những ngụm nước ấy không đủ sức giải khát tâm hồn, lòng chúng ta vẫn luôn luôn bất an và khắc khoải.

Hôm nay, bất chợt Chúa Giêsu đến giữa buổi trưa hè nóng bức ấy, bên cạnh bờ giếng của những đam mê quen thuộc, với ánh mắt hiền dịu nhưng trong suốt và với một giọng êm ái trầm ấm, Ngài xin chúng ta cho Ngài nước đó, Ngài thông cảm với cơn khát của chúng ta và còn hơn thế nữa, Ngài muốn ban tặng cho chúng ta một nguồn nước sự sống vĩnh cữu, nước sẽ làm thoả mãn cơn khát của tâm hồn, và chúng ta sẽ được no thoả. Nước ấy là chính Chúa Giêsu Kitô! 

Đối diện và gặp gỡ Ngài trong Bí tích Thánh Thể, trong kinh nguyện và Lời Hằng Sống, chúng ta sẽ được biến đổi. Đối diện và gặp gỡ Chúa Giêsu cũng chính là lúc chúng ta đối diện và gặp chính mình. Người phụ nữ đã nhận ra chính mình, đồng thời bà cũng nhận biết Chúa. Một niềm vui dâng trào trong con tim, và bà đã để vò nước lại nơi bờ giếng, tất tả chạy về nói với mọi người niềm vui của bà. Bà đã được uống nước trường sinh và từ nay đời bà sẽ hết cô đơn héo hắt.

Bạn thân mến, mùa Chay là lúc mà Giáo hội khuyến khích chúng ta cũng có thói quen làm những việc chay tịnh bên ngoài. Ước gì qua việc ăn chay bên ngoài làm cho chúng ta cảm nhận và ý thức được sự đói khát sâu thẳm trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Đó chính là sự đói khát chân, thiện, mỹ, và chỉ duy một mình Thiên Chúa là Đấng có thể thoả mãn khát vọng sâu thẳm nhất đang chất chứa trong con tim của mỗi người.

Sr Angelina Thanh Nga, LHC

Đức Kitô - Mạch Nước Sự Sống
Jn 4:5-12

1. Khát vọng của con người không bao giờ được thỏa mãn

Khát nước, đó là tình trạng thiếu thốn mà ai cũng đều kinh nghiệm hằng ngày. Khát nước đòi người ta phải uống nước để thỏa mãn cơn khát. Nếu không thỏa mãn, con người sẽ bị cơn khát dằn vặt rất đau khổ. Uống rồi thì hết khát, nhưng chỉ một thời gian (một tiếng hay hai tiếng sau) cơn khát lại trở lại, và cứ thế mãi. Đói cũng tương tự như khát. Ngoài nước uống và thức ăn, con người còn đói khát nhiều chuyện khác: tình cảm, tình yêu, tình dục, tiếng khen, tiền bạc, địa vị, quyền lực, hiểu biết, trở nên hoàn hảo... 

Nhưng tất cả những thứ ấy, dù đạt được như lòng mong ước, thì con người cũng chỉ thỏa mãn một thời gian rất ngắn, để rồi lại tiếp tục cảm thấy thiếu thốn. Nếu không tiếp tục thỏa mãn, con người cảm thấy đau khổ. Khi không có chiếc xe đạp, ta cảm thấy thiếu và mong có được chiếc xe đạp. Khi đã có chiếc xe đạp, ta lại thấy thiếu và mong có chiếc gắn máy... Cứ thế, chẳng bao giờ ta hết thiếu thốn, ết đói khát, hay hết khát vọng cả. Hạnh phúc của con người vì thế chỉ luôn luôn tạm thời: được no đủ trong giây lát để rồi lại đói khát triền miên. 

Như vậy, con người cứ phải nô lệ cho những cơn khát đủ loại của mình, cứ phải vất vả để tìm đủ cách thỏa mãn chúng. Trong khi tìm cách thỏa mãn chúng, nhiều khi con người phải hy sinh cả gì mình quí nhất: mạng sống, lương tâm, tình cảm vợ chồng, tình nghĩa anh em... Vì thế, cơn khát này chưa được thỏa mãn thì mình lại gây nên những cơn khát loại khác. Cứ thế mà con người lâm vào vô số những vòng luẩn quẩn trói chặt con người vào đau khổ. 

2. Làm sao để hết khát vọng? để khỏi đau khổ? 

Đức Giê-su nói: "Ai uống nước này, sẽ lại khát". Thật vậy, những cách thỏa mãn khát vọng của con người đều chỉ là tạm thời. Được thỏa mãn rồi lại tiếp tục khát vọng. Khát vọng siêu đẳng nhất của con người là muốn có một giải pháp để thỏa mãn vĩnh viễn mọi khát vọng, và không còn phải khát vọng nữa. 

Làm sao có được giải pháp đó trên đời? Đức Giê-su đã cho ta biết Ngài có giải pháp đó: "Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời". Ngài cho biết giải pháp của Ngài sẽ trở thành "một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời" nơi người dùng giải pháp ấy. Có sẵn trong người một mạch nước thì ta sẽ không bao giờ khát nữa, mà trái lại còn có thể làm thỏa mãn cơn khát của người khác. Mạch nước ấy "đem lại sự sống đời đời". 

Mạch nước ấy là gì? Là chính Thiên Chúa, được hiện thân thành Đức Ki-tô. Chỉ cần thật sự gặp gỡ Thiên Chúa hay Đức Ki-tô, ta sẽ có được mạch nước đem lại sự sống ấy ở trong ta. 

Lịch sử Giáo Hội cho thấy nhờ thật sự gặp được Thiên Chúa, các vị thánh đã được biến đổi hoàn toàn, các ngài cảm thấy hạnh phúc vô biên bất chấp nghịch cảnh, đã yêu thương và có một sức mạnh tinh thần rất lớn để dấn thân và hy sinh cho Thiên Chúa và đồng loại không mệt mỏi. Vậy vấn đề mấu chốt là thật sự gặp gỡ Thiên Chúa hay Đức Ki-tô. 

3. Làm sao để thật sự gặp gỡ Thiên Chúa? 

Nhiều khi ta đến để gặp Chúa - trong nhà thờ, bằng đọc kinh cầu nguyện, bằng việc dâng thánh lễ, v.v... - nhưng ta lại không thật sự gặp được Chúa. Ta cầu nguyện, đi lễ theo thói quen, theo giờ giấc, theo luật buộc, một cách hoàn toàn hình thức. Ta đối diện với Chúa trước nhà tạm, ta rước Chúa vào tận trong lòng mình, nhưng ta vẫn không thật sự gặp Chúa. Cũng như các kinh sĩ Do Thái xưa, họ nói chuyện với Chúa, ở bên cạnh Chúa, đối diện với Chúa, nhưng không gặp Chúa. 

Cổ nhân có câu: "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng" (Có duyên với nhau thì dù xa ngàn dặm cũng vẫn gặp được nhau, không có duyên với nhau thì dù có mặt đối mặt cũng không gặp nhau). Như thế, sự gặp gỡ thật sự đòi hỏi phải có "duyên" với nhau, có sự đồng cảm, sự giống nhau nào đó. Cổ nhân còn nói: "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" (Cùng âm thanh thì phụ họa nhau, cùng tính tình, khuynh hướng, tài năng thì tìm gặp nhau). 

Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, nên chỉ những ai biết yêu thương - nghĩa là giống Thiên Chúa - mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa một cách đích thực: "Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa" (1Ga 4,7a-8). Chữ "biết" ở đây có nghĩa là cảm nghiệm, gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế, kẻ gian ác, kẻ ghen ghét, người không biết yêu thương thì không thể gặp được Thiên Chúa. 

Đức Giê-su nói: "Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem". Như vậy, để gặp gỡ Thiên Chúa, thì không gian - tức chỗ này chỗ kia - không phải là chuyện quan trọng: "Đấng Tối Cao không ở trong những ngôi nhà do tay người phàm làm ra" (Cv 7,48). Đức Giê-su cũng nói: "Giờ đã đến - và chính là lúc này đây - những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật". Như vậy, muốn thật sự gặp gỡ Thiên Chúa, ta cũng phải gặp gỡ Ngài trong thần khí và sự thật. 

4. Gặp gỡ Thiên Chúa trong thần khí và sự thật.

Để giải thích điều này, Đức Giê-su nói: "Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật". Nếu Thiên Chúa là thần khí, thì để gặp Ngài, con người cũng phải dùng thần khí của mình - tức tâm hồn mình - để gặp Ngài. Vì chỉ có thần khí mới gặp được và hòa nhập được với thần khí. Như vậy nghĩa là phải gặp Ngài trong chính tâm hồn mình. 

Thật vậy, nơi dễ gặp gỡ Thiên Chúa nhất, chính là cung lòng của mỗi người chúng ta. Không gì linh thánh bằng con người, hay tâm hồn con người, vì "con người là hình ảnh của Thiên Chúa" (St 1,26-27; 9,6; Kn 2,23). Và cũng không nơi nào linh thiêng bằng cung lòng con người: "Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em" (1Cr 3,17; x. 6,19). 

Có gặp được Thiên Chúa ở ngay cung lòng mình, mình mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa ở nơi khác, trong Thánh Thể, trong nhà thờ, trong tha nhân, trong thiên nhiên. Thiên Chúa ở ngay cung lòng mình mà mình không gặp được, thì mong gì gặp được Thiên Chúa ở bên ngoài. Thánh Âu-Tinh đã từng than thở: "Con đã tìm Chúa ở ngoài con, nên con đã không gặp được Chúa của lòng con" (Confession, cuốn VI, chương 1). 

Muốn thật sự gặp gỡ Thiên Chúa, còn phải gặp Ngài trong sự thật. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự thật, vì thế, người gian dối, không thành thật với lòng mình, với mọi người, và với Thiên Chúa, thì không thể gặp được Ngài. Như vậy để thật sự gặp được Thiên Chúa, cần phải có một tâm hồn ngay thẳng, thành thật, chân chất, "có nói có, không nói không" (Mt 5,36), không quanh quéo, uẩn khúc. Không thể gặp được Thiên Chúa những người nghĩ một đằng, nói một ngả, hay nói một đằng, làm một nẻo. 

CẦU NGUYỆN

Tôi nghe thấy tiếng Chúa: "Đã đến lúc trình độ tâm linh con người phải tiến cao hơn một bậc nữa. Con người không nên thờ phượng Thiên Chúa theo kiểu vụ hình thức, vụ không gian, vụ thời gian, vụ vật chất nữa. Con người cần thờ phượng và gặp gỡ Thiên Chúa bằng thần khí chứ không phải qua vật chất, qua hình thức nữa. Con người cần gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong bản thân mình hơn là ở một nơi nào bên ngoài. Con người cần hiểu biết Thiên Chúa theo sự thật, bằng chính bản chất của Ngài hơn là bằng những hiện tượng, danh từ, ngôn ngữ hay cách diễn tả đặc thù của mỗi tôn giáo, mỗi nền văn hóa. Có gặp gỡ Thiên Chúa đích thực, con người mới được biến đổi để trở nên hoàn hảo và hạnh phúc hơn".

John Nguyễn

(nguồn vietcatholic.org)

1556    25-03-2011 09:01:42