Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Chúa Nhật IV MC A_3

Đức Giêsu, Ánh Sáng Cho Niềm Tin
Ga 9, 1-41

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Đức Giêsu chữa một người bị mù từ thuở mới sinh. Mới nghe qua, chúng ta thấy có vẻ không có gì khác với các phép lạ khác mà Đức Giêsu đã làm. Tuy nhiên, đối với thánh sử Gioan, việc Đức Giêsu làm phép lạ không chỉ đơn thuần là một phép lạ, nhưng đó là một dấu chỉ, để từ đó khơi dậy niềm tin và củng cố niềm tin cho các tông đồ và cả chúng ta ngày hôm nay. Điều này đã được chính vị thánh sử quả quyết trong lời kết sách Tin mừng của mình: "Các điều đã viết đây, là để anh em tin rằng: Đức Giêsu chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa; và bởi tin thì anh em được có sự sống nhờ Danh Ngài" (Ga 20, 31; x. Ga 2, 11).

1. Bóng tối và ánh sáng:Trở lại với câu chuyện trong bài Tin mừng: Khi ấy, trên đường đi, Đức Giêsu thấy một người mù từ khi mới sinh đang ngồi xin ăn bên vệ đường. Ngay lập tức, các môn đệ lên tiếng hỏi Ngài: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội, y hay cha mẹ y, khiến y bị mù từ thuở mới sinh?".

Một câu hỏi hết sức tự nhiên, và có lẽ cũng là vấn nạn cho mỗi người chúng ta hôm nay trước các mầu nhiệm của sự dữ. Chúng ta vẫn không thể nào hiểu nổi tại sao nhiều người lành vẫn luôn gặp nhiều thử thách, trong khi có những kẻ đang sống cuộc sống vô luân, vẫn nhởn nhơ "ngoài vòng pháp luật". Tuy nhiên, khi hỏi Đức Giêsu: "Ai đã phạm tội", chúng ta thấy: các môn đệ đã không qui trách mọi sự cho Thiên Chúa, nhưng cũng đã nhận ra rằng: tội chính là nguyên nhân của mọi đau khổ. Vấn đề ở đây là tội của ai: Tội của người mù hay tội của cha mẹ anh. Nhưng ngay khi đặt vấn đề như vậy, các môn đệ cho thấy rằng dù con mắt thể lý của họ sáng, nhưng con mắt đức tin của họ vẫn chưa thật sáng. Đức Giêsu đã trả lời cho họ: "Không phải y, cũng chẳng phải cha mẹ y đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa được tỏ ra nơi y". Khi nói như thế, Đức Giêsu không phủ nhận hậu quả của tội, nhưng Ngài muốn nhắm tới một việc xa hơn. Cho dù đó là tội của ai đi chăng nữa, nhưng nếu có lòng tin vào Ngài, và hoán cải, thì tất cả sẽ được chữa lành và cứu sống, bởi Đức Giêsu đến trong thế gian không phải để kết án, "nhưng để nhờ Ngài mà thế gian đựơc cứu" (Ga 3, 17). Chính lúc Thiên Chúa chữa lành những điều đã hư mất như thế, là một cách thế làm cho Danh Ngài càng được tỏ rạng, vì việc sửa chữa luôn luôn khó hơn là làm cái mới.

Tiếp tục theo lời kể của thánh Gioan, chúng ta thấy ngay sau khi người mù này được chữa lành, thì lập tức xảy ra nhiều cuộc tranh luận khác nhau. Trước hết là của những người láng giềng của người mù: Người thì nói đúng là anh ta; có kẻ lại bảo là một người khác giống anh ta. Còn anh ta thì bảo: "Chính tôi đây". Nghe những tranh luận này, chúng ta cũng không biết ai là người mù thật.

Kế đó là những người Biệt phái, những người tự hào là thông thái, sáng suốt nhờ hiểu biết lề luật. Đối với họ Đức Giêsu "không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat". Còn người mù thì quả quyết: "Đó là một tiên tri". Như thế, anh mù đã dần dần nhận ra chân tính của Đức Giêsu nhờ việc anh ta được chữa lành và còn nhờ việc anh lắng nghe ý kiến của những người xung quanh: "Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?". Còn những người Biệt phái vì mãi lệ thuộc vào những luật lệ cứng ngắc, nên đã không nhận ra căn tính của Đức Giêsu. Họ vẫn đang ở trong tối tăm, còn anh mù đã từng bước đi vào nơi ánh sáng. Và cuối cùng khi bị những người Biệt phái đuổi ra ngoài, anh lại được Đức Giêsu đón gặp, và trong lần gặp gỡ này, anh đã lớn tiếng tuyên xưng: "Lạy Thầy, tôi tin". Gặp được Đức Giêsu, anh đã được chữa lành cả thể xác lẫn tâm linh. Anh đang thực sự bước đi trong ánh sáng của đức tin, ánh sáng ban sự sống của Đức Giêsu Kitô.

2. Bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa:Một người tự biết mình là "mù từ thuở mới sinh", lúc đầu chỉ biết rằng: người làm cho mình được thấy là một người mang tên Giêsu nào đó, và rồi từng bước một, nhờ chính những tranh luận của những người chung quanh và nhất là nhờ tác động trực tiếp của Thiên Chúa, anh đã nhận ra Đức Giêsu chính là "một tiên tri". Và cuối cùng anh đã tin rằng: Đức Giêsu chính là "Con Thiên Chúa".

Trong khi đó, những người láng giềng, hàng ngày đều thấy anh, giờ đây, vì cứ mãi cố chấp trong những định kiến của mình, nên không nhận ra được anh chính là người mù trước kia. Và ngay cả những người Biệt phái cũng không hơn gì. Họ cứ mãi dựa vào những luật lệ cứng ngắc, vô hồn, tự lấy mình làm khuôn mẫu cho mọi người, nên cũng không nhận ra Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, bởi lẽ: "Không ai có thể mở mắt cho người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa mà đến". Những người này vẫn nhìn, nhưng họ không thấy.

Và không chỉ là đám dân Do thái, và những người Biệt phái khi xưa, mỗi người chúng ta ngày hôm nay cũng có thể đang "bị mù". Chúng ta sẽ trở nên mù khi chỉ dựa vào vẻ bên ngoài để đánh giá anh chị em của mình. Đành rằng, vẻ bên ngoài cũng biểu lộ một phần nào con người bên trong của mỗi người, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Cha ông chúng ta vẫn thường nói: "Hoạ hổ, hoạ bì, nan hoạ cốt; tri nhân, tri diện bất tri tâm", "biết người, biết mặt, không biết được tâm hồn". Ngay cả ngôn sứ Samuel, khi vừa vào đến nhà của Isai, ông cũng đã bị lầm lẫn bởi vẻ bên ngoài của Eliab, ông thưa với Thiên Chúa: "Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?". Nhưng Chúa đã phán với Samuel rằng: "Đừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi; Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn".

Thiên Chúa không xem xét theo kiểu của con người. Ngài không đánh giá và phán xử chúng ta theo những điều chúng ta thực hiện bên ngoài. Dưới ánh sáng của Thiên Chúa chẳng có gì dấu kín mà không bị lộ ra. Ánh sáng của Thiên Chúa soi dọi đến tận cõi thâm sâu trong tâm hồn của mỗi người chúng ta, và Ngài thấu suốt mọi ngõ ngách, biết rõ từng ý nghĩ, từng toan tính trong tâm hồn của mỗi người chúng ta.

Do đó, để có thể nhìn thấy rõ, và không bị lầm lẫn, mỗi người chúng ta cần bước đi dưới ánh sáng của Lời Chúa. Chúng ta cần đến với Đức Giêsu là Nguồn sáng thật. Chính Đức Giêsu đã khẳng định: "Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống" (Ga 1, 12). Nhận được ánh sáng của Đức Giêsu từ ngày lãnh nhận phép Rửa, mỗi người chúng ta đã thoát ra khỏi bóng tối của sự chết. Do đó, theo lời dạy của thánh Phaolô, chúng ta "hãy ăn ở như con của sự sáng". Và thánh nhân còn nói thêm: "Hoa trái của sự sáng ở tại tất cả những gì là tốt lành, là công chính, chân thật. Anh em hãy nhận biết điều gì làm đẹp lòng Chúa, và đừng thông phần vào những việc con cái tối tăm không sinh lợi ích gì... Vì chưng, việc chúng làm cách thầm kín, dầu có nói ra cũng phải hổ thẹn". Chúng ta hãy sống sao để "Ngẩng lên không thẹn với trời, cúi xuống không hổ với đất".

Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa mở con mắt tâm hồn của chúng ta, để chúng ta nhận ra tình yêu của Chúa trong cuộc đời mình, và nhận ra hình ảnh của Chúa nơi anh chị em đang sống chung quanh chúng ta. Nhờ đó, chúng ta có thể tin tưởng đặt trọn cuộc đời của chúng ta trong tay Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người. Trong niềm xác tín đó, giờ đây chúng ta cùng tuyên xưng đức tin.

Lm Trần Thanh Sơn (nguồn vietcatholic.org)

Thiên Chúa Là Ánh Sáng
Ga 9, 1-41

Chủ đề xuyên suốt của Chúa Nhật IV Mùa Chay năm A này là : Chúa Giêsu là ánh sáng. Anh sáng chiếu soi để cho tiên tri Samuel có thể nhận ra người mà Thiên Chúa tuyển chọn làm vua Israel là David, cũng chính ánh sáng ấy đã dẫn đưa dân thành Ephêsô từ nơi thâm u tối tăm của sự chết là tội lỗi trở thành con cái ánh sáng trong giếng Rửa Tội. Và Đức Kitô đã truyền ánh sáng từ nơi mình sang cho anh mù bẩm sinh để anh được nhìn thấy Đấng ban sự sáng cho mình mà đi theo và loan truyền tình thương của Chúa.

Theo quan niệm của người Do Thái xưa vẫn cho rằng : Những gian nan khốn khó người ta gặp phải là do tội lỗi nên bị Thiên Chúa phạt, vì thế anh mù trong Tin Mừng hôm nay thuật lại, cũng không thóat khỏi ánh mắt không thiện cảm của những người chung quanh và cả những người thân. Cha mẹ coi anh như một của nợ nên đẩy anh ra khỏi nhà, không chia sẻ số phận hẩm hiu của anh, nên đã không đi tìm Chúa Giêsu để xin cứu chữa và cũng không cám ơn Chúa khi con được khỏi bệnh, cũng không bênh vực khi anh bị chất vấn. Cho nên khi anh được khỏi mù, anh đã không chạy về với cha mẹ. Còn những người láng giềng không nhận ra anh phải chăng anh đã bị người ta quên lãng ? Và những người thường gặp anh ăn xin thì không vui khi anh được sáng mắt, có nghĩa là họ không cảm thông chia sẻ với anh. Cả các môn đệ khi thấy anh bị mù họ cũng cho anh là người có tội hay cha mẹ anh, họ không thương xót, không cảm thông, cứu chữa. Qủa thật, anh mù rất cô đơn, vô cùng đau khổ trong kiếp sống tàn tật ăn xin, bị mọi người bỏ rơi, nguyền rủa.

Trong khi đó Chúa Giêsu không kết án, không qui tội mà cứu chữa anh, đã đưa anh đến miền ánh sáng của đức tin. Thật vậy :

1/ Anh mù đã tin một người là Giêsu đã mở mắt anh :

Anh nhận ra Chúa Giêsu khác hẳn những người khác : " Người tên là Giêsu đã trộn ít bùn, xức vào mắt...tôi đi rửa và tôi nhìn thấy được"(c.11), một ông Giêsu quyền năng, vì chưa bao giờ người ta nghe nói là có ai mở mắt cho kẻ mù từ lúc mới sinh, thế mà ông Giêsu làm được như thế. Ông Giêsu đã yêu thương, ông không lên án mà cứu chữa (x.c.32). Còn những người khác chẳng những bất lực mà lại không có tình thương. C.32 cho thấy con người khoanh tay trước bệnh mù bẩm sinh. Mọi người chẳng những khoanh tay bất lực mà còn thiếu tình thương, chỉ biết lên án.

2/ Anh mù nhận ra Chúa Giêsu là ngôn sứ :

Người Biệt Phái không nhất trí với nhau về lai lịch của người đã chữa anh mù, vì Chúa Giêsu đã chữa anh vào ngày Sabat nên Chúa Giêsu không phải do Thiên Chúa vì không giữ ngày hưu lễ, nhưng có người lại nhấn mạnh đến việc Chúa đã chữa người mù nên Ngài không thể là có tội được. Còn anh mù thì lý luận : " Nếu không phải người bởi Thiên Chúa mà đến thì ông ta đã chẳng làm gì được"(c.33) nên anh cương quyết xác nhận"Người là một vị ngôn sứ" (c.17b).

3/ Anh mù nhận ra Chúa Giêsu là người do Thiên Chúa :

Cuộc tranh luận và thái độ của những người Biệt Phái làm cho anh mù càng xác tín và thách thức họ " hay các ông cũng muốn là môn đệ ông ấy"(c.27b), lời nói của anh nhìn nhận Chúa Giêsu là một bậc thầy trên cả những người Biệt Phái, đi một bước xa hơn nữa là anh đã cho họ một bài học : " chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nhận lời những kẻ tội lỗi ...xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh, nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến"(c.31-33). Khi anh được Chúa Giêsu làm cho sáng mắt thì anh trở thành ánh sáng của Ngài, trở thành dấu chỉ sáng chói của Ngài. Chính vì điều này mà sau đó người ta xua đuổi anh.

4/Người mù được Đức Giêsu cho biết Ngài là Con Người và anh đã tin :

Người Do Thái xua đuổi anh, còn Đức Giêsu thì tiếp nhận anh, điều đó cho thấy Chúa Giêsu luôn luôn là người đi bước trước, "Đức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh, và đi tìm gặp anh"(c.35). Trên hành trình đức tin phải có bước khởi đầu xuất phát từ Thiên Chúa. Và chính hành động này làm cho người mù có so sánh : Những người mệnh danh là cha mẹ dân thì xua đuổi anh trong khi Chúa Giêsu là người bị họ coi là người tội lỗi lại đón tiếp anh, cho nên niềm tin của anh vào Ngài càng lớn mạnh. Vì thế, khi nghe Chúa Giêsu hỏi : "anh có tin vào Con người không ?...chính Người đang nói với anh"(c.35b-37) thì anh sẵn sàng tuyên xưng đức tin " Thưa Ngài tôi tin". Liền đó anh sấp mình xuống trước mặt Người, lời nói và cử chỉ của anh chứng tỏ anh nhìn ra Đức Giêsu Thiên Chúa.

5/Sứ điệp Tin Mừng :

Chúa để xẩy ra đau khổ, tật nguyền để con người nhận thấy giới hạn của mình, và để liên đới sự đau khổ, khuyết tật của người khác cũng là đau khổ, khuyết tật của mọi người, nhờ đó sẽ kích thích cho con người tìm phương pháp cứu chữa, xoa dịu.Thái độ của chúng ta đối với đau khổ, tật nguyền, tội lỗi, bị xã hội khai trừ là một sự cảm thông đem tình thương Chúa đến cho họ, đây là một lời mời gọi hằng vang lên, thúc bách ta phải thi hành sứ mạng.Việc Chúa Giêsu không giữ ngày hưu lễ mà lại chữa anh mù bẩm sinh khỏi bệnh, cho chúng ta thấy Ngài có quyền trên lề luật(x.Lc.13,10-17) và Ngài đã đặt lề luật bên dưới con người (x.Mc.2,28). Qua đó, ta hiểu được Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa yêu thương con người.Chúng ta thử xét xem, trong cuộc đời trên đường chúng ta đi có khi nào chúng ta xua đuổi ánh sáng được Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta không ?Chúng ta dùng bài này để cầu nguyện như thế nào ? và quyết sống ra sao ?

Lạy Chúa, là ánh sáng trường tồn bất biến, xin cho chúng con không cố chấp ngồi lì trong bóng đêm tội lỗi, nhưng biết nhận ra tình trạng đui mù tâm hồn của mình mà khiêm tốn, can đảm đi đến suối Siloe là Đức Kitô bằng lòng tin, lòng ăn năn sám hối và yêu mến để được dẫn vào nguồn sáng Phục Sinh của Chúa, hầu được hưởng ơn cứu độ.

Sr. Mai an Linh, OP (nguồn vietcatholic.org)

Nhờ Ánh Sáng Của Ngài
Ga 9, 1-41

Chúng ta đang ở trong dịp lễ Lều là một trong những Đại lễ của người Dothái. Đây là lễ không chỉ giúp người Dothái ôn lại biến cố Xuất hành khi cha ông họ sống trong các lều trại ở sa mạc mà còn là dịp để cảm tạ Giavê Thiên Chúa về hoa mầu do ruộng đất mang lại. Dịp Đại lễ này, nước và ánh sáng là hai yếu tố quan trọng nhất làm nên nghi lễ bế mạc. Chúa Giêsu muốn dùng dịp này để minh chứng chính Người là Anh sáng thật, xuất phát từ Thiên Chúa khi làm cho anh mù từ thưở sơ sinh được thấy.

Người xưa quan niệm rằng bệnh tật là hậu quả do tội lỗi mang lại. Chính vì thế, khi gặp người mù từ thưở sơ sinh, các môn đệ không thể lý giải nổi. Bởi nếu anh bị mù từ trong dạ mẹ thì lỗi đó do ai, bố mẹ hay anh? Các thầy Dothái thì cho rằng đó là do tội của bố mẹ. Thế nhưng cũng có người cho rằng chính anh ta khi còn nằm trong bụng mẹ đã phạm tội. Vì thế, các môn đệ muốn Chúa Giêsu có ý kiến về vấn đề này.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu không bình phẩm, cũng không đưa ra một giả thuyết nào. Điều Người quan tâm chính là tình trạng bệnh tật của người mù, Người giúp để anh được nhìn thấy không chỉ ánh sáng mặt trời mà còn nhìn thấy ánh sáng đức tin phát xuất từ Thiên Chúa.

Chúa Giêsu lấy nước miếng luyện bùn để đắp lên mắt người mù. Thánh sử Máccô trong trình thuật của mình nói rằng Chúa Giêsu nhổ nước miếng và đặt tay vào mắt anh chứ không luyện bùn như trình thuật của Gioan. Điều này mang ý nghĩa gì? Chúng ta biết người xưa tin rằng trong nước miếng có dược chất có thể chữa lành bệnh. Chính sử gia Tacitus cũng đã ghi lại những dấu lạ chữa lành bệnh bằng nước miếng. Còn thánh Irênê đệ Lyon thì cho rằng cử chỉ Chúa Giêsu thực hiện nơi người mù chính là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa muốn làm cho thân xác của Ađam (vốn từ bùn đất) được nên hoàn thiện. Dù thế nào đi nữa, chính nước hồ Silôác- tượng trưng cho lề luật và đức khôn ngoan đến từ Thiên Chúa mà truyền thống Dothái giáo từng quan niệm, có khả năng làm cho người mù được sáng.

Anh mù được nhìn thấy. Niềm hạnh phúc tưởng chừng được lan truyền để mọi người cùng chung vui với anh, khốn thay, lại trở thành duyên cớ khiến anh gặp không ít phiền toái từ phía dân chúng cũng như mấy ông lãnh đạo tôn giáo. Nhưng đó cũng chính là hành trình để anh dần nhận ra niềm tin của mình và nghiễm nhiên trở thành người giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người.

Láng giềng thì nghi ngờ không biết anh có phải là anh mù thường hay mày mò đi ăn xin không. Không một chút giấu giếm, anh tường trình cho họ nghe những gì đã xảy ra với anh liên quan đến một người tên là Giêsu. Có lẽ vì không tin hay vì cần phải trình báo trường hợp này cho mấy ông thông luật suy xét mà láng giềng đã đưa anh đến với người Pharisêu.

Điều dễ thấy nơi mấy ông Pharisêu là họ nhìn ra ngay "tội đồ" của người đã cho anh sáng mắt. Thật vậy, cứ chiếu theo luật Môsê, Chúa Giêsu đã vi phạm ít nhất hai tội. Trước hết là tội chữa bệnh ngày Sabát khi không có lý do nguy tử. Rõ ràng là anh mù đâu phải trường hợp nguy tử như luật định. Thứ đến là tội dám luyện bùn đất là một trong những điều cấm trong ngày Đại lễ để chữa bệnh. Người Pharisêu không chỉ lên án hành động này của Chúa Giêsu, họ còn muốn lôi kéo anh mù về phe họ hay ít nữa là cũng nghĩ như họ. Tuy nhiên, anh không bị cuốn hút vào những âm mưu đó. Anh trình bày sự việc như nó vốn có. Anh không thêm bớt, anh chỉ cho họ thấy rằng tình trạng trước đây của anh là mù, nhưng nay, nhờ có Người, anh được sáng. Người Pharisêu và dân chúng suy nghĩ thế nào tuỳ họ, riêng anh, người đã chữa anh khỏi mù chính là "một vị Ngôn sứ".

Không dừng lại ở đó, chúng ta còn thấy anh mù đã mạnh dạn tranh luận với người Pharisêu về Chúa Giêsu. Có lẽ anh không hiểu ý đồ của họ nên cứ tưởng rằng việc họ tìm hiểu xuất phát từ thiện ý muốn làm môn đệ Người. Vì thế anh không ngần ngại giới thiệu về Người. Hậu quả của việc làm đó, anh đã bị nhóm Pharisêu lên án và trục xuất ngay lập tức. Lý do đơn giản vì họ không chấp nhận người như anh làm thầy họ. Cuối cùng, niềm tin của anh trở nên trọn vẹn khi người đã chữa anh mạc khải cho anh biết chính Người là Đấng Thiên sai.

Chúa Giêsu chính là Anh sáng đích thực. Chính Người đã mang đến cho người mù niềm vui được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của vũ trụ- điều mà trước đây anh hoàn toàn không hề biết. Quan trọng hơn, anh còn được Chúa mở đôi mắt tâm hồn để anh nhận biết Đấng là Anh sáng phát xuất từ Thiên Chúa mà hôm nay chính Người đã mạc khải chân tính của Người cho anh là kẻ hèn mọn.

"Lạy Chúa, nhờ ánh sáng của Ngài, chúng còn được nhìn thấy ánh sáng" (Tv 35, 10). Xin cho mỗi người chúng ta cũng được Anh sáng Chúa chiếu soi để mắt tâm hồn chúng ta mở ra, đón nhận và tạ ơn về những ơn lành Thiên Chúa đã, đang và sẽ thực hiện giữa lòng nhân loại.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb (nguồn vietcatholic.org)

Con Mắt là Cửa Sổ Tâm Hồn
Ga 9: 1-41

Con người có ngũ quan. Nếu như hoàn cảnh bắt buộc chúng ta phải hủy bỏ một trong ngũ quan, chúng ta sẽ chọn lựa như thế nào: câm điếc hay là mù lòa, cụt tay, cụt chân!... Tất cả đều đáng sợ, chẳng ai muốn mình phải rơi vào tình trạng này. Nhưng bất đắc dĩ phải đắn đo suy nghĩ để chọn lựa, tôi tin rằng, sống trong cảnh mù lòa là điều đáng sợ nhất. Thật là bất hạnh đối với một trẻ ngay từ khi mở mắt chào đời đã phải sống trong tăm tối, phải chấp nhận một cuộc đời không thấy ánh sáng, không nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, con người cũng như cỏ cây! Lúc lớn lên có thể nghe mọi chuyện, có thể sờ mó tất cả, nhưng không thể nào hình dung ra được!

Bài Phúc âm hôm nay cũng nói về những sự việc xẩy ra bên lề của cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và một người bị mù từ thuở mới sinh. Anh ta không thể nào hiểu nổi, tại sao từ khi chào đời mình đã phải mang số phận hẩm hiu như thế này? Mình sinh ra đời làm người như thế này để làm gì? Đâu là ý nghĩa của cuộc đời tôi? Tôi đã làm gì nên tội để rồi phải sống bên lề xã hội, phải đi ăn xin! Phải chăng đây là hình phạt do tội lỗi của cha mẹ gây nên? Anh ta phải quờ quạng, sờ mó mọi vật chung quanh, mong sẽ khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống, nhưng tất cả đều vô vọng. Chỉ có một làn da mong manh che đậy đôi mắt, nhưng anh có cảm giác, nó giống như một bức tường dầy đặc, không có cách nào đột phá, khai thông!

"Thà thắp nên một ngọn nến, còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối." Đức Giêsu đến và làm cho anh được thấy ánh sáng. Nhưng hành động của Đức Giêsu đã tạo nên xáo trộn. Tất cả đều bị lôi cuốn vào một cuộc tranh tụng sôi nổi. Họ đã chứng kiến phép lạ nhưng sự việc xảy ra không đúng lúc, bởi vì ngày Sabát. Đàng khác một số người lại nghĩ rằng, một kẻ tội lỗi không thể làm dấu lạ! Người mù đã được sáng mắt. Đó là sự thực không thể chối cãi, nhưng không ai dám tin vào mắt của mình. Cha mẹ của anh mù thì tìm cách thoái thác, tránh né. Anh mù thì quả quyết rằng, Đức Giêsu là một tiên tri.

Bài Phúc âm cũng phản ánh hình ảnh thực tế của cuộc sống con người ngày nay! Chúng ta có mắt nhưng nhiều khi giống như kẻ đui mù. Nhiều người đi ngang qua nhìn thấy anh mù, nhưng làm ngơ giống như không hề nhìn thấy.

Tương tự như thế, chúng ta chỉ để mắt nhìn những gì chúng ta muốn, chúng ta chỉ quan tâm đến những người chúng ta có cảm tình. Dĩ nhiên trong ngày có rất nhiều hình ảnh đập vào mắt, đặc biệt qua mạng lưới truyền hình với kỹ thuật tân tiến hiện nay. Chúng ta phải chọn lựa nhưng dựa vào tiêu chuẩn nào đây?

Đam mê dễ biến thành cực đoan, tình yêu cũng có thể thành mù quáng! Nhiều người vẫn tự hào nhìn nhận mình thuộc thành phần trí thức, gia đình gia giáo nhưng không bao giờ để tâm chú ý tới những cảnh bất công, bần cùng bên lề đường, những kẻ sống trong cảnh đầu đường xó chợ, phải đi bới rác để sống qua ngày. Thực tế cho thấy, còn có nhiều cảnh man rợ đáng sợ hơn cảnh mù lòa gấp ngàn lần. Đó chính là thái độ sống của những kẻ nghĩ rằng mình là kẻ sáng mắt, nhưng trong thực tế còn tệ hơn kẻ đui mù.

Người mù đã được Đức Giêsu chữa lành nhưng đồng thời cũng lột trần bộ mặt thật của những người chung quanh. Anh đã làm chứng tá cho Đức Giêsu. Người là ánh sáng đích thực, có sức làm tan biến lớp sương mù dầy đặc che phủ tầm mắt của chúng ta.

Qua bí tích Rửa tội, Đức Giêsu đã ban tặng cho chúng ta một cặp mắt lành mạnh. Nhờ đó chúng ta có thể khám phá những khía cạnh tốt đẹp nơi người anh em sống bên cạnh chúng ta. Chúng ta chỉ nhìn và khám phá ra thế giới muôn vẻ muôn màu ở chung quanh với con mắt đầy tình thương, với con mắt của đức tin, của tâm hồn.

Lm Phêrô Trần Minh Đức (nguồn vietcatholic.org)

"Ngài là Ai Để Tôi Ngài?"
Ga 9, 1 - 41

Như tuần trước đã chia sẻ, trong ba tuần giữa (III, IV, V) của Mùa Chay thuộc Chu Kỳ Phụng Niên Năm A, Phụng Vụ Lời Chúa (ba bài Phúc Âm theo Thánh Gioan, chứ không phải theo Thánh Mathêu) cho thấy tiến trình Mạc Khải tam đoạn về Con Người Giêsu là Đường Lối, là Sự Thật và là Sự Sống. Thật vậy, ở Chúa Nhật thứ III tuần trước, Chúa Giêsu đã Mạc Khải Người là Đường Lối, qua đoạn Phúc Âm trình thuật về việc Người tỏ mình ra cho phụ nữ tội lỗi ở miền đất Samaritanô ngoại lai, và làm cho chị nhận biết Người quả thực là Đức Kitô Thiên Sai, Vị sẽ dẫn con người đến cùng "Thiên Chúa là Thần Linh", Đấng muốn những ai tôn thờ Ngài phải "tôn thờ trong tinh thần và chân lý" (Jn 4:24), là tất cả những gì Người sẽ ban cho những ai tin vào Người, để từ họ sẽ vọt lên mạch nước sự sống đời đời là Thánh Thần (xem Jn 4:14, 7:38-39). Ở Chúa Nhật thứ IV tuần này, Chúa Giêsu đã Mạc Khải Người là Sự Thật, qua đoạn Phúc Âm trình thuật về việc Người tỏ mình ra cho một kẻ mù từ lúc mới sinh người Do Thái ở miền đất chính giáo Giuđêa. Bởi vì, trong đoạn trình thuật đây, Phúc Âm Thánh Gioan cho thấy Chúa Giêsu đã nói đến thực tại "Thày là ánh sáng thế gian" trước khi phục quang cho người mù này, cũng như nói đến tác dụng nơi việc hiện diện và hành động của Người: "Tôi đến để làm cho kẻ mù được thấy và kẻ thấy bị mù", sau khi đã chữa lành cho người mù ấy.

Tiến trình Mạc Khải của Chúa Giêsu trong cả ba trường hợp (Đường Lối, Sự Thật và Sự Sống) đều giống nhau, chẳng những theo chiều hướng của Phúc Âm Thánh Gioan ("Ánh sáng chiếu soi trong tăm tối" - Jn 1:5) mà còn theo đúng đường lối của Phúc Âm Thánh Mathêu thuộc Chu Kỳ Phụng Vụ Năm A nữa ("Cải thiện đời sống! Nước Trời đã đến" - Mt 4:17). Thật thế, theo chiều hướng của Phúc Âm Thánh Gioan, vì là "ánh sáng thật đã đến trong thế gian chiếu soi hết mọi người" mà Chúa Giêsu, như Phúc Âm hôm nay cho thấy, đã tự động, (chứ không cần hay không phải do yêu cầu hay kêu xin của đối tượng, vốn thường xẩy ra nơi bộ ba Phúc Âm Nhất Lãm), đến với người mù từ lúc mới sinh và chữa lành cho anh ta. Để làm gì? Nếu không phải để anh ta có thể nhìn thấy Người mà tin vào Người hay mới có thể tin vào Người. Phải, tuyệt đỉnh của việc Chúa Giêsu tỏ mình cho người mù từ lúc mới sinh này là ở chỗ đó. Ở chỗ, như Phúc Âm hôm nay cho biết: "Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ta ra ngoài, Người tìm gặp anh mà hỏi: "Anh có tin Con Thiên Chúa không?" Anh đáp: "Thưa ông, Ngài là ai để tôi tin Ngài?" Chúa Giêsu phán: "Anh đã nhìn thấy Ngài, Đấng đang nói với anh đây". Anh ta liền nói: "Lạy Chúa, tôi tin" rồi sấp mình xuống thờ lạy Người".

Tuy nhiên, trình thuật Mạc Khải này của Chúa Giêsu cũng hợp với đường lối của Phúc Âm Thánh Mathêu nữa. Nếu yếu tố nhân sinh (cải thiện đời sống) được đặt trước yếu tố Thần Linh (Nước Trời đã đến) thế nào, trong trình thuật Phúc Âm Thánh Gioan hôm nay chúng ta cũng thấy rõ điều đó. Thật vậy, ngay trước khi được Chúa Giêsu hoàn toàn tỏ mình ra cho mình, nghĩa là trước khi người mù từ lúc mới sinh chẳng những tuyên xưng đức tin mà còn tỏ cử chỉ phục xuống tôn thờ Người, anh ta đã phải tỏ lòng khát khao mong muốn biết Người là ai: "Thưa ông Ngài là ai để tôi tin Ngài?". Như thế, nếu anh ta không tỏ ra yếu tố nhân sinh quyết liệt này trước, thì thử hỏi anh ta có được thấy "Nước Trời đã đến" ngay trước đôi mắt vừa được chữa lành của anh ta hay chăng? Hoặc anh ta lại rơi vào trường hợp của chín trong mười người tật phong, sau khi được chữa lành, đã không hề quay trở lại để nhận biết Đấng đã chữa lành cho mình bằng việc tạ ơn Người, như một người ngoại lai trong họ đã làm (xem Lk 17:11-19). Thật ra, qua những đối đáp của anh ta với nhóm Pharisiêu, anh ta chẳng những đã tỏ ra niềm tin của mình vào Đấng đã chữa lành cho anh ta, mà còn hiên ngang làm chứng cho một Đấng anh ta chưa hề được trực diện, chưa hề được diện kiến dung nhan để có dịp dâng lời tạ ơn Người. Vì trước khi thấy đã tin rồi, (tin trước biết sau là như thế), nên khi anh ta vừa được hỏi "Anh có tin Con Thiên Chúa không?", anh liền tỏ ước muốn tin tưởng của mình ngay, nhờ đó, và cũng chỉ nhờ đó, anh mới được và đã được hoàn toàn thấy "Sự Thật", thấy được "Con Thiên Chúa" Làm Người.

Thế nhưng, tại sao Giáo Hội lại đặt trình thuật của Phúc Âm Thánh Gioan về việc Chúa Giêsu chữa người mù từ lúc mới sinh này vào Mùa Chay, trước trình thuật về người phụ nữ Samaritanô và sau trình thuật về Lazarô được hồi sinh? Hay nói cách khác, đâu là ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay trong Mùa Chay?

Như đã đề cập đến ở hai bài chia sẻ, tuần về biến cố biến hình hai tuần trước và tuần về biến cố bên bờ giếng Giacóp vừa rồi, Mùa Chay là thời gian hướng về và sửa soạn cho Biến Cố Vượt Qua, tuyệt đỉnh của Mầu Nhiệm Kitô Giáo. Thế nhưng, con người không thể chấp nhận và nhờ đó mới có thể thông phần vào Biến Cố Vượt Qua này, một biến cố đã làm rung chuyển tận gốc rễ nền tảng đức tin của Nhóm 12 bấy giờ, nếu con người không chịu bỏ mình và nhờ đó mới có thể tin tưởng, nghĩa là mới có thể cùng Người Vượt Qua: "Tôi nói thật cho quí vị biết, ai nghe lời Tôi mà tin vào Đấng đã sai Tôi thì có sự sống trường sinh. Họ không bị luận phạt, song vượt qua sự chết mà vào sự sống" (Jn 5:24). Ngay trong biến cố biến hình, ba môn đệ đã chẳng nghe thấy có tiếng phán ra từ đám mây hay sao: "Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người. Hãy nghe lời Người" (Mt 17:5). Như thế, chính Cha trên trời cũng làm chứng về Con mình, để con người có thể tin tưởng Đấng Ngài sai.

Đó là lý do, hai tuần đầu của Mùa Chay, Giáo Hội đã khôn ngoan đặt bài Phúc Âm về biến cố Chúa Giêsu chịu cám dỗ trước biến cố Chúa Giêsu biến hình, với mục đích để củng cố đức tin Kitô hữu, tức để Kitô hữu thấy được ý nghĩa và mục đích sâu xa của bỏ mình và chịu đựng khổ đau. Ngay trong biến cố biến hình của mình, Chúa Giêsu cũng có ý hướng muốn củng cố đức tin của ba người môn đệ thân tín nhất của Người nữa. Bởi thế, cuối trình thuật về biến cố biến hình này, Người mới hướng các vị về biến cố Phục Sinh của Người: "Đừng nói với bất cứ ai những gì các con thấy cho đến khi Con Người từ trong cõi chết sống lại" (Mt 17:9). Về phía con người, cho dù đức tin của Nhóm 12, nhất là của cả 3 vị thân tín nhất đã được tận mắt chứng kiến vinh hiển của Con Thiên Chúa qua biến cố biến hình, có bị choáng váng tối tăm đến chối bỏ "Sự Thật", nhưng, nhờ những gì Thày đã làm trước hay báo trước về Người (xem Jn 13:19), cuối cùng họ cũng đã tin vào Người: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi" (Jn 20:28).

Như thế, nếu chứng từ là yếu tố thuộc về Mùa Phục Sinh thế nào, thì đức tin là yếu tố làm nên Mùa Chay như vậy. Đó là lý do Phụng Vụ Lời Chúa theo Phúc Âm Thánh Gioan cho ba tuần giữa (III, IV, V) của Chu Kỳ Phụng Niên Năm A nói chung, cũng như của Chúa Nhật Thứ III Mùa Chay hôm nay nói riêng, mới trình thuật về việc Chúa Giêsu tỏ mình ra để làm cho con người tin vào Người mà được sự sống đời đời. Bởi nguyên tội, con người đều là những người mù từ lúc mới sinh, không thể nào nhận biết "Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn 4:24), nếu không được Ngài mở mắt tâm linh ra cho. Thật ra, Thiên Chúa luôn ở bên con người và tỏ mình cho con người, như trường hợp của người phụ nữ Samaritanô trong bài Phúc Âm tuần trước, hay của người mù từ lúc mới sinh trong bài Phúc Âm tuần này: "Ta chính là Đấng đang nói với chị/anh" (Jn 4:26; 9:37), với chúng ta.

Tuy nhiên, muốn nhận ra Người, như hai nhân vật trong hai bài Phúc Âm tuần trước và tuần này, chúng ta phải chân thành và khao khát tìm kiếm chân lý. Có thế, tới giây phút hội ngộ thần linh, giây phút cảm nghiệm thần linh, chúng ta mới nghe được tiếng của Người, nhận ra những gì Người đã nói với chúng ta, như trường hợp của người phụ nữ Samaritanô, hay những gì Người đã làm cho chúng ta, như trường hợp của người mù từ lúc mới sinh. Và từ cuộc hội ngộ thần linh này, chúng ta mới có thể loan báo về Người, như trường hợp của người đàn bà Samaritanô, hay mới có thể phục xuống thờ lạy Người, như trường hợp của người mù từ lúc mới sinh. Riêng trong trường hợp của Người mù từ lúc mới sinh, ngay trước khi gặp được Đấng phục quang cho mình, anh đã làm chứng về Người rồi, chứ không cần đợi đến sau khi nhận ra Người, như trường hợp của chị phụ nữ Samaritanô. Một con người sống theo lương tâm chân chính có thể làm chứng cho chân lý là thế: "Ai tìm kiếm chân lý sẽ nghe thấy tiếng của Tôi" (Jn 18:37) là thế; "chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi. Tôi biết chúng và chúng theo Tôi" (Jn 10:27) là như vậy. Nếu trong Biến Cố Vượt Qua, Chúa Giêsu muốn "làm chứng cho chân lý" (Jn 18:37) Người là Đấng Thiên Sai và Cha là Đấng đã sai Người, thì người mù từ lúc mới sinh hôm nay, qua những minh chứng hùng hồn theo lý lẽ tự nhiên cùng với cảm nghiệm thần linh của anh trước nhóm Pharisiêu thông luật, quả thực đã tin tưởng đúng như những gì Chúa Giêsu muốn đến để làm chứng: "Nếu người này không từ Thiên Chúa mà đến thì không thể nào làm được một việc như vậy" (Jn 9:33).

Vấn đề thực hành sống đạo: Mùa Chay là thời điểm hướng về Biến Cố Vượt Qua và sửa soạn cho Biến Cố Vượt Qua, bằng những việc củng cố Đức Tin, những tác động làm cho Kitô hữu nhờ đó có thể hiệp thông với Chúa Kitô Phục Sinh hơn. Bởi vậy, Mùa Chay sẽ chẳng có nghĩa gì, thậm chí những việc hy sinh hãm mình, chay tịnh phạt xác, ăn năn thống hối cũng chẳng có nghĩa lý gì, nếu con người không nhờ đó mà tin tưởng hơn, gắn bó với Chúa Kitô hơn, theo sát Người hơn, cảm thấy vinh dự vì thập giá của Người hơn. Đúng thế, chỉ có đức tin trưởng thành và mãnh liệt như thế, con người môn đệ Chúa Kitô mới thực sự là những chứng nhân sống động của Người và cho Người đến tận cùng trái đất mà thôi (xem Lk 24:48).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh (nguồn vietcatholic.org)

Ánh Sáng Đức Tin
Ga 9:1-41

Theo quan niệm chung, người mù là người không thể nhận được các hình ảnh qua thần kinh thị giác và do đó không có ý niệm về mầu sắc. Từ quan niệm này, chúng ta liên tưởng đến chứng mù khác, đó là sự mù lòa tinh thần, như chúng ta thường diễn tả: "nạn mù chữ", "tôi hoàn toàn mù tịt về vấn đề đó", "cặp mắt đức tin đã bị che khuất".

Hiểu như vậy, có những cặp mắt hoàn toàn hư hỏng, nhưng tinh thần lại rất lanh lợi, lương tâm rất bén nhậy và đức tin rất sáng suốt. Và ngược lại, có những cặp mắt không bao giờ phải mang kiếng, nhưng lại mù lòa, ít khi hay không bao giờ nhìn ra những chân lý mà mọi người đã chấp nhận. Điều này được minh chứng qua câu chuyện hôm nay: các anh em Biệt phái luôn tự hào là mình sáng suốt, chỉ có mình mới biết về Đấng Cứu Thế - và như thế, mới có thể hướng dẫn người khác đến với Thiên Chúa. Hơn thế, họ còn coi những người mù về thể lý là người đã mất cặp mắt đức tin do tội lỗi.

Trong khi đó, người mù từ khi mới sinh lại có cặp mắt thật sáng suốt, giúp anh nhận ra người thanh niên thành Nagiarét giữa đám đông là Đấng Cứu Thế, là con Vua Đavít... Thật vậy, khi những anh em Biệt phái nói: "người đó chúng ta không biết bởi đâu mà đến", anh mù đã trả lời: "Đó mới là điều lạ. Người đã mở mắt cho tôi mà các ông không biết người đó bởi đâu". Nói thế, anh muốn quả quyết rằng: một người có đầy quyền năng làm phép lạ, có đầy lòng xót thương để cứu vớt kẻ đau khổ, có chan hoà ánh sáng, chính là người đến từ Thiên Chúa. Các ông bảo các ông sáng, vậy mà các ông không nhận ra người đó là ai. Rồi anh tiếp: "Xưa nay chưa từng nghe nói ai đã mở mắt cho người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa, thì đã không làm được gì".

Những lời lẽ của anh chứng minh: anh không mù lòa chút nào - trái lại, rất sáng suốt. Trong khi đó, anh em Biệt phái vẫn cho mình là sáng suốt - ít nhất trong trường hợp này, lại mù lòa tới mức độ khó đối diện với Chúa Giêsu và chứng kiến phép lạ của Ngài, vẫn không nhận ra Ngài là ai. Đã thế, họ vẫn không chịu nhận ra mình mù lòa. Đây chính là một chứng mù bất trị, như Chúa Giêsu đã diễn tả: "Vì các ông không nhận mình là mù, cứ nói là mình vẫn xem thấy, nên tội các ông vẫn còn đó".

Cặp mắt đức tin của chúng ta đã được Chúa Giêsu đích thân mở cho, khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Và rồi từ đó, Chúa luôn tiếp tục ban ân sủng, để cặp mắt đó trong sáng hơn, nhìn rõ hơn. Tuy nhiên, khuynh hướng tội lỗi và các hoàn cảnh xấu, như một sự ô nhiễm môi trường, thường tạo nên những bất lợi cho cặp mắt đó, khiến hình ảnh Chúa bị lu mờ dần hoặc biến mất hoàn toàn trong tâm hồn mình, trong tha nhân - và nhiều khi trong cả những sinh hoạt đạo đức nữa. Đã vậy, nhiều khi chúng ta vẫn cứ "an tâm" với những hình thức đạo đức bên ngoài, coi đó là những dấu chỉ tốt, và luôn hãnh diện về những dấu chỉ đó... Nhưng thực ra, cặp mắt đức tin có thể đã yếu kém trầm trọng hoặc đang mang một thương tích nào đó.

Mùa Chay chính là thời gian thuận tiện để chúng ta đến với Chúa Kitô, vị bác sĩ nhân khoa tuyệt vời. Chính Ngài sẽ chăm sóc, trị liệu và cho các toa thuốc cần thiết. Nhờ thế, cặp mắt đức tin của mỗi người chúng ta mới luôn trong sáng và nhìn ra gì Chúa muốn chúng ta nhìn.

Lm Bùi Mạnh Tín (nguồn vietcatholic.org)

Niềm Tin Dẫn Lối Cuộc Đời
Ga 9:1-41

Khi phải đương đầu với nghịch cảnh, bất hạnh, khổ đau, không ít người đã kêu trách: "Thiên Chúa đâu rồi? Nếu có Thiên Chúa, tại sao Ngài lại để cho sự ác hoành hành trên chúng tôi?"

Trước một thảm kịch trong cuộc sống, có những người tức giận chối từ Thiên Chúa, nhưng cũng không ít tâm hồn vươn lên đứng vững trong niềm tin.

Tôi ngạc nhiên vô cùng về thái độ của dân Hoa Kỳ sau biến cố tang thương tại New Yord do bọn khủng bố cuồng tín gây ra trong năm vừa qua. Trước nhưng đổ nát hoang tàn và không khí tang thương bao trùm khắp nước, ấy thế mà người ta, từ già đến trẻ, từ cao sang quan quyền đến nghèo hèn thấp kém, đều cất vang tiếng hát: "God bless America" (Thượng Đế ban phúc lành cho Hoa Kỳ). Tôi tự hỏi: tại sao trước những đống gạch vụn và những xác người bấy nát mà họ lại cất lên được lời ca đó? Họ thấy được gì trong nỗi bất hạnh tột cùng của đất nước? Phải chăng vinh quang Thượng Đế đang tỏa sáng?

Khi sự bất hạnh xảy đến, nhiều người sẽ mau đi tìm nguyên nhân gây ra nó. Cũng như khi thấy người mù từ thuở 1276    30-03-2011 14:57:31