Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Chúa Nhật IV Phục Sinh A_3

MỤC TỬ CHÂN CHÍNH

Mục tử là thuật ngữ Cựu ước dùng để chỉ về Chúa. Trong Sáng thế ký, Gia-cóp tuyên xưng Chúa là Vị mục tử của ông từ lúc ông sinh ra. Trong thánh vịnh 23, David nói: "Chúa là mục tử của tôi, tôi chẳng còn thiếu thốn chi". Tiên tri Isaia nói Chúa sẽ dẫn đưa Do thái khỏi chốn lưu đầy, như mục tử vác chiên trên vai (40:11). Trong Cựu ước, đã có những mục tử chính danh làm đúng ý Chúa như David, Mô-sê. Nhưng cũng có những mục tử xấu không làm tròn bổn phận. Với hạng này, tiên tri E-zê-ki-en đã cảnh cáo: "Khốn cho những mục tử nhà Is-ra-en là những kẻ, thay vì chăm sóc đàn chiên, lại chỉ chăm sóc chính mình" (Ez 34:2)

Có nhiều hình ảnh và tính cách chỉ về mục tử, cần làm rõ nét:

1-Mục tử gọi đích danh chiên của mình: 

Tại Palestine, người ta thường vây hàng rào cao để lùa chiên vào và canh giữ. Cửa được mở ra mỗi buổi sáng. Chiên xem ra sợ sệt lúc ra khỏi chuồng cũng như khi trở về buổi chiều. Chỉ khi chúng nghe tiếng mục tử, chúng bắt đầu tiến lên, và khi chúng nghe mục tử gọi tên, chúng bước ra. Chúa yêu chúng ta, Chúa gọi đích danh từng người, chúng ta theo Chúa và chúng ta sẽ được cứu thoát.

2- Mục tử bước đi trước chiên: 

Nhiều nơi, như ở Australia, mục tử dùng gậy hoặc dùng chó để hướng dẫn chiên. Nhưng ở Palestine, mục tử đi trước, chiên bước theo sau. Hình ảnh này nói lên Chúa dẫn dắt ta, không phải Ngài lùa ta đi. Ngài đi trước ta, ta tin tưởng bước theo Ngài. 

3-Cửa chuồng chiên: 

Khi chiều buông, đàn chiên không kịp về chuồng trước nửa đêm, thì mục tử lùa chiên vào trong hang, rồi anh ta nằm chắn ngay lối vào. Chiên sẽ không lang thang đi ra ngoài. Và thú dữ cũng chẳng có thể vào hang bắt chiên. Mục tử tự làm cho mình thành cửa chuồng chiên. Không một ai ra hay vào mà không bước qua anh ta. Qua hình ảnh tuyệt đẹp này, Chúa Giê-su cho ta biết chẳng có ai đến được với Thiên Chúa mà không qua Ngài.Ta chỉ được cứu thoát vì tin và đi theo tiếng gọi của Chúa Giê-su, Đấng được Thiên Chúa sai đến. 

4-Kẻ trộm và cướp bóc: 

Những ai không qua cửa mà vào thì không phải mục tử mà là kẻ trộm và kẻ sát hại. Ai không qua Chúa Giê-su thì kẻ ấy kéo bày chiên xa rời Thiên Chúa. Thánh Gioan ám chỉ các lãnh đạo Do-thái. Bởi họ đã trục xuất Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài ra khỏi hội đường của họ. Gio-an ví họ những kẻ bỏ mặc đoàn chiên cho trộm cắp và sát thủ.

Quả thực Chúa là Mục tử: "Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi" (TV 23)

LM Trần Xuân Lãm

XIN CHO NHỮNG MỤC TỬ NHƯ Ý CHÚA

Thật khủng khiếp khi nghe một linh mục thuộc miền tây nam VN trả lời phỏng vấn một đài ngọai quốc. Ông giả làm khách "mua hoa" người Campuchia, hòan tòan không nói được tiếng Việt, để thâm nhập các ổ nhện "nhí" ở biên giới Việt - Campuchia. Các em tuổi từ 9 đến 16 bị bán sang nước bạn để làm dịch vụ tình dục cho các khách "mua hoa" người bản địa và quốc tế. Cuộc sống của các em rất bị hạn chế, gần như tù lỏng. Một ngày phải "đi" khách không dưới 15 lần, bằng cả hai phương tiện, miệng và cơ quan giới tính. Ăn uống thiếu thốn và ít khi được phép ra khỏi "động". Một hôm ông hối lộ chủ nhà để đưa các em đi chơi, khi ngang qua nhà thờ, ông đề nghị các em vô trong coi. Bất ngờ một em từ chối. Các em khác hỏi tại sao? Ngần ngừ một chút, em bảo mình là người Công giáo. Linh mục thấy đau nhói trong tim, nhưng không tỏ ra bề ngòai, vẫn giả vờ như không hiểu tiếng Việt. 

Điểm xót xa là các em kể về việc đi khách của mình như một dịch vụ bình thường tuy ngôn ngữ bẩn thỉu nhưng như thể làm các việc hàng ngày cha mẹ sai bảo. Có em chỉ 9 tuổi, cha mẹ quá nghèo nên bán em đi lấy tiền nuôi các đứa nhỏ tuổi hơn. 

Ông không có một giải pháp nào cả, các giúp đỡ từ những hội từ thiện quốc gia, quốc tế chỉ là hình thúc xoa dịu. Vấn đề cần bàn tay cương quyết của chính quyền, nhất là chính quyền địa phương. Nhưng việc này khó thực hiện vì đòi kinh phí. Mà kinh phí quốc gia chẳng có khỏan nào như vậy. Lại còn vấn đề luật pháp?

Khi nghe qua chuyện này, tôi lại nhớ đến cô dâu Việt nam tại Trung quốc, Đài loan, Nam hàn, Nhật bản. Số phận các cô xa xứ thật cô đơn, thảm thương. Một phụ nữ Mỹ mới đây báo động cho thế giới biết nạn nhân buôn bán phụ nữ, trẻ em ở Âu châu quá tệ hại. Bà coi đó là một hình thức nô lệ mới, nô lệ về tình dục và nhân phẩm: Riêng tại nứơc Mỹ, nhân dịp tháng chống lạm dụng tình dục trẻ em (April) người ta đưa ra bản thống kê, cứ 4 trẻ gái, thì một em bị lạm dụng. Tỷ lệ ở trẻ nam là 1/7 trươc khi các em được 18 tuổi. Tính tổng cộng tòan quốc là 60 triệu. (xem www.judeop.org=justice preaching). 

Trước tình hình này, Phúc âm hôm nay quả là một nhức nhối. Chúa Giêsu tự nhận là "Chúa chiên lành", hơn nữa, lại còn là cửa chuồng chiên. Nhưng chiên của Ngài luôn tìm được của ăn áo mặc, đồng cỏ xanh tươi. Ngày nay thì các linh mục, hàng giáo phẩm thay thế Chúa chăn dắt đàn chiên Thiên Chúa. Chúng ta suy nghĩ làm sao đây? Chẳng lẽ giảng suông? hô hào rỗng tuếch? xưa nay đã như vậy rồi, thì có lẽ từ nay cũng "vũ như cẩn" thôi. Dao to búa lớn chỉ đánh bẹp một con tép riu. Người ta để bụng khinh chê cấp lãnh đạo Do thái là giả hình và sai lầm. Nhưng xét cho cùng thì đúng như câu ca dao VN:"Chuột chù chê khỉ rằng hôi, khỉ mới trả lời cả họ mày thơm". Chúng ta nên sống trung thực với Lời Chúa và ơn gọi của mình, không nên nói một đàng, sống nẻo khác. 

Vì bất cứ những ai đọc bài tin Mừng hôm nay đều cảm nghiệm xúc động. Chúa Giêsu không giảng bằng lời nói suông mà chính yếu cuộc sống, cái chết và lên trời của mình vì phần rỗi nhân lọai. Ngài làm điều ấy hòan tòan tự nguyện. Chẳng ai có quyền phép ép buộc Ngài, nhưng chỉ vì tình yêu chúng ta. Ngài là Chúa chiên lành trong cả hai nghĩa đen và bóng và nghĩa nào cũng đến tận cùng thực tại. Các học giả có khuynh hướng cắt nghĩa bóng mà họ gọi là "ẩn dụ" (allegory) nhưng như vậy người ta "hạn hẹp" ý nghĩa bản văn cho một số chức vụ. Thực ra bản văn nói về hết mọi tín hữu, từng người và từng thời đại của Giáo Hội. Một khuynh hướng khác, khá phổ thông hôm nay là không ưa "ẩn dụ" nữa mà cố gắng tìm xem "đàn chiên, kẻ trộm, kẻ làm thuê, cửa chuồng chiên" là gì trong thực tế và văn hóa Hy lạp - Do thái? Họ cố gắng tránh né nhưng hệ luận khó chịu nẩy sinh từ các hình ảnh Chúa Giêsu đã sử dụng. 

Tính xác thịt lòai người, luôn ngại đối mặt với thực tế không am hợp với sở thích chóng qua. Chúng ta nên học hỏi các thánh tiến sĩ, hiểu thật, hiểu rõ và áp dụng lời Chúa nghiêm ngặt, dầu có phải chấp nhân hy sinh và cái chết. Theo thánh Gioan Kim Khẩu, cửa ở đây là Lời Chúa. Cửa ấy cho phép chúng ta vào Nứơc Trời, tức các đường lối Chúa muốn chúng ta đi. Các kẻ trộm, người làm thuê là các thày rao giảng giả hình gian dối, chỉ biết lừa đảo thiên hạ. Cửa sẽ lọai trừ tất cả ra ngòai, không cho xâm nhập đàn chiên. Nếu như chúng ta rời xa Kinh Thánh, mà trèo vào lối khác, lúc ấy đàn chiên sẽ bị cứơp bóc lương thực hằng sống. Thánh Gioan đưa ra ý tưởng này từ thế kỷ thứ 5, khi ngài làm Giám mục hành Antiokia. Nhưng vẫn đúng với tình hình rao giảng hôm nay. Nhất là sau Công đồng Vat.II, người ta tự tiện áp dụng lời Chúa theo ý riêng, rồi đả kích Giáo hội là cổ hủ, lỗi thời, hiểu sai lời Chúa. Các tín hữu thực sự bị tước đọat ý nghĩa linh thiêng để chạy theo thế tục. Phụng vụ và đời sống thiêng liêng bị bóp méo theo sở thích cá nhân của mấy thày gỉa hiệu. Liệu khó nghèo Phúc Âm còn ý nghĩa gì không giữa tráo lưu vật chất hiện thời? Liệu người ta còn đọc và cầu nguyện Lời Chúa, hay lời của tiền tài? Liệu lời rao giảng của chúng ta phản ánh nội dung sách thánh hay phản ánh tư tưởng trần tục? Nếu như thánh Gioan Kim Khẩu sống lại lúc này, ngài sẽ có nhận xét thế nào về việc chúng ta tìm vào Nứơc Trời qua cánh cửa Lời Chúa? Ông cũng sẽ giúp tín hữu phân biệt đâu là Chúa chiên thật, đâu giả hiệu, đâu là lợi dụng chức thánh? 

Có lẽ nên biết chút ít tập quán chăn chiên thời Chúa Giêsu để rõ hơn dụ ngôn. Chuồng chiên có khi được thiết lập giữa cánh đồng với các bụi cây thấp và cành khô, có thể chứa chung vài đòan chiên cừu. Hay có thể là một lán rộng dựa lưng vào tường, mặt khác là rào che tạm thời. Các chủ chăn nhỏ có hể dùng chung một chuồng cho các đòan vật của mình, để bảo đảm an ninh ban đêm. Một ai đó có nhiệm vụ canh gác lối vào. Lối vào lán nhỏ và đơn sơ, người canh gác có thể đơn giản nằm chắn ngang như một "cánh cửa". Phúc âm hôm nay gợi ý các chủ chăn đến sớm và anh gác cửa cho phép vào. Mỗi người gọi riêng đòan chiên của mình và khi nghe tiếng chủ, các con chiên chạy theo anh ta. Anh ta đi trước các con chiên theo sau. Lời Phúc âm phải hiểu theo nghĩa đen như vậy. 

Cho nên thánh Gioan tông đồ dùng hình ảnh để mô tả liên hệ chặt chẽ giữa Chúa Giêsu và các kẻ theo Ngài. Đồng thời gợi ý cánh cửa "Người" ngăn cản các chủ chăn giả đến quấy phá dân Thiên Chúa. Họ là những "kẻ trộm, kẻ cướp" đối lập với chúa Giêsu và các tín hữu Thiên chúa. Họ vô tình dẫn đàn chiên đi lạc, đôi khi nổi lọan vô lý khiến quân đội Rôma giết hàng lọat dân đen vô tội. Ngày nay chúng ta có thể tưởng tượng những tiếng nói giả dối như sau:

Kẻ hô hào cực đoan giải quyết mới cũ bằng chiến tranh, sát hại chứ không bằng thương lượng hòa bình. 

Lao động kiệt sức vì lợi lộc riêng tư, bè phái. 

Dẫn dắt thiên hạ thỏa mãn nhu cầu vật chất làm cạn kiệt thiên nhiên. 

Cô lập chúng ta khỏi những nhu cầu khẩn thiết đòi hỏi dấn thân để xây dựng hai chữ "bình an" giả tạo và ích kỷ.. 

Lợi dụng nhiệt thành, lòng tốt của thanh niên thiếu nữ cho danh thơm tiếng tốt, ngay cả lợi lộc cho bản thân. 

Gây chán nản trong đòan thể, cộng đồng vì tư thù để đục nước béo cò..v.v... 

Hậu quả là chúng ta mất đòan kết, không còn là cộng đòan duy nhất của Hội Thánh mà là đủ mọi thứ phe phái đi theo những chủ chăn khác nhau, những khuynh hướng ích kỷ, hẹp hòi. Tệ hơn nữa, vào những đồng cỏ xa lạ với những con đường nguy hiểm cho phần rỗi. Chẳng mấy tín hữu không gặp những lý thuyết này? Họ nhan nản khắp các báo chí, các ý thức hệ tiên tiến. 

Vậy thì không lạ chi, Chúa nhật Phục sinh này chúng ta được nghe bài đọc Chúa chiên nhân lành và giáo thuyết của Ngài. Trong bài đọc 1 Phêrô đã vạch rõ đâu là Thiên sai thật, đâu là lừa dối đi lạc. Ông thẳng thắng tuyên bố:" Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này". Bài đọc 2 khuyên nhủ:"Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người". Đức Kitô Phục sinh đang hiện giữa các tín hữu, Người cũng làm những chi mô tả trong Phúc âm. Cuộc sống và phương hứơng của chúng ta được Hội Thánh Ngài bảo vệ và chăm sóc chống lại những kẻ chỉ biết trộm cứơp và giết hại. Điều này khiến chúng ta được yên ủi và an tâm. Đức Giêsu biết trứơc thế giới mà các môn đệ Ngài đi rao gỉang nên đã hứa ở với chúng ta luôn mãi như một mục tử nhân lành. 

Mục tử nhân lành không chỉ là ngừơi lãnh đạo đòan chiên trên danh nghĩa, nhưng biết rõ từng con chiên một:" Ngài gọi tên từng con và dẫn chúng ra". Phúc âm không nói chung chung, mà chi tiết nhu cầu từng con. Có những thời gian, mục tử phải biết tên từng con chiên một, vì đó là bổn phận cốt yếu của ông. Ngôn ngữ Kinh thánh, biết tên là biết ngôi vị ngừơi đó. Chẳng phải vô tình mà Chúa nhật 4 Phục sinh được dành riêng cầu nguyện cho ơn gọi linh mục. Không những để Giáo Hội thêm nhiều ơn gọi mới mà chủ yếu nhắc nhở bổn phận của các cha xứ, linh mục, chủng sinh. Ngày nay Giáo Hội cần nhiều mục tử thánh thiện biết bao. 

Chúng ta phải biết lắng nghe bài Phúc âm và nhớ đến Đấng Phục sinh giữa Giáo Hội. Xin Ngài hướng dẫn và kiên cường đức tin cho mình. Vì Ngài chính là "cửa" mà thánh Gioan Kim Khẩu giải thích. Có những lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi, chán nản vì công việc, vì tuổi già sức yếu, vì chống đối hiểu lầm. Chúng ta cần nhìn lên Chúa, để nhận ra Ngài đã thi hành nhiệm vụ mục tử ra sao, ngõ hầu được khả năng bỏ đi những cám dỗ hưởng thụ, an nhàn. Chúng ta biết mình đang ở trong đường lối và phương hứơng tốt, tại sao không cố gắng. Câu truyện đầu bài suy gẫm hôm nay không cho phép chúng ta lơ là chức vụ. 

Cho nên phải biết tên từng con chiên và nhu cầu của nó. Nghĩa là từng ngôi vị một. Không phải chỉ những quen biết qua đường hoặc vì lợi lộc. Chúng ta nên dành thời gian, sức lực, tiền bạc để đến với đàn chiên. Không có nghĩa cần thêm nhiều bạn hữu nhưng là vì bổn phận phải chu tòan. Nếu như đức tin dạy rằng Đức Giêsu biết rõ tên chiên của Ngài từng con một thì chúng ta, những mục tử, phải chu tòan bổn phận ra sao. Xin cho các mục tử suy gẫm lại vai trò của mình và giáo dân nên cầu nguyện nhiều cho họ. Amen. 

Lm Thomas Túy OP

NHỮNG MỤC TỬ ĐỜI THƯỜNG

Cách đây vài tuần, một bạn trẻ Công giáo đến nói với tôi : Thưa Cha, khi con hát bài "Chúa là Mục tử Người dẫn lối chỉ đường cho con đi...", có mấy bạn không công giáo ở cùng phòng với con thắc mắc : Chúa là Mục Tử nhân lành ở chỗ nào? Đâu là đồng cỏ, là suối mát cho bạn được an nghỉ thảnh thơi? Nhiều người Công giáo, "con chiên" của Chúa, vẫn đói, vẫn nghèo, vẫn rách, "chạy bữa sáng mất bữa tối", họ đâu có được sung sướng no thỏa? Hay như chính bản thân bạn, cơm áo gạo tiền của bạn là do cha mẹ bạn cung cấp chứ có do Chúa chiếc gì ban cho đâu?

Đúng là thời @, thời di động, thời thực dụng, thời giá cả leo thang có khác, người ta chỉ nghĩ tới cơm-áo-gạo-tiền mà ít nghĩ đến những yếu tố cao hơn, quý hơn, cần hơn, có thể đem lại hạnh phúc hơn những thứ đó.

Tôi trả lời bằng cách kể cho bạn đó nghe một câu chuyện tại thành phố quê tôi :

Có hai vợ chồng nọ là cán bộ về hưu, cả hai là người Công giáo đã đóng góp tuổi thanh xuân của mình nơi chiến trường rồi sau đó về làm cán bộ tại địa phương : Chồng làm kế toán, vợ làm cán bộ phụ nữ phường. Lấy nhau muộn nhưng họ cũng có được một hoàng tử và một công chúa (Họ vẫn gọi chúng như thế). Họ được phân một căn phòng tại một căn hộ tập thể. Gia cảnh nghèo với những bữa cơm đạm bạc nhưng trong nhà không thiếu những tiếng cười của cả trẻ con lẫn người lớn. Đến bữa cơm, những người bên cạnh thường nghe chị vợ mời anh chồng : "Anh ăn miếng đùi gà này đi" hoặc "các con ăn miếng cá thu này nhé". Anh chồng mời lại : "Thì em cũng phải ăn đi cho nóng chứ". Những người hàng xóm bảo nhau : Nhà ấy nghèo mà ăn sang thật, ngày nào cũng thịt với cá. 

Một hôm những đứa con của họ sang hàng xóm chơi, họ hỏi chúng : Hôm nay nhà cháu ăn cơm với gì? Chúng đáp : Nhà cháu ăn cơm với rau muống, tương bần và cá khô. Họ lại hỏi chúng : Các bác vừa thấy bố mẹ các cháu và các cháu mời nhau ăn thịt, ăn cá cơ mà? Chúng đáp : Đó là bố mẹ cháu và chúng cháu muốn động viên nhau ăn cho ngon miệng nên đã nghĩ ra trò chơi đó. Mẹ cháu gắp một miếng rau hay miếng cá khô cho bố cháu và nghĩ ra một món ăn nào đó thật ngon để mời bố cháu hay chúng cháu. Thế là mọi người cứ ăn miếng rau đó và tưởng tượng ra những thức ăn khác nên rất ngon miệng.Họ mới vỡ lẽ : À ra thế. Chả bù cho nhà các bác, thức ăn ngon mà cứ mạnh ai người nấy ăn chứ chẳng ai mời ai bao giờ. 

Vừa lúc đó có một vật gì bay qua chỗ hai đứa bé và rơi ra hành lang. Thì ra đó là chiếc bánh Chô-cô-pie của mấy đứa trẻ nhà giàu. Sau khi đã ăn chán chê, chúng cãi nhau rồi dùng những chiếc bánh đó để ném nhau. Một lúc sau, hai đứa bé xin phép ra về. Ra tới hành lang, đứa anh thò tay ra ngoài ban công, cố gắng với lấy cái bánh của những đúa con nhà giàu vừa vứt đi. Nó lau sạch rồi đưa cho em nó. Đứa em không chịu : Công anh nhặt lên, anh phải ăn chứ. Đứa anh đáp : Em ăn đi, anh ăn rồi, thỉnh thoảng đi học bọn bạn anh vẫn cho anh mà. Đứa em vẫn không chịu : Vậy thì anh phải ăn với em một nữa. Nói rồi nó bẻ chiếc bánh làm đôi đưa cho anh nó một nửa và hai đứa cùng ăn trong tiếng cười vui vẻ. 

Nhìn thấy cảnh này, mấy người hàng xóm rất cảm động. Một người trong bọn họ nói : Tôi sẵn sàng đổi cả cái nhà ba tầng cùng với tiền tỷ để có được hai đứa con như hai đứa trẻ này.

Tôi nói với bạn trẻ : Bạn thấy đấy, tiền bạc bạn có thể làm ra nhưng có những cái bạn không thể làm ra và cũng không thể dùng tiền bạc để mua hay đánh đổi được.

Chúa không trực tiếp đưa cho bạn cơm áo gạo tiền nhưng Chúa ban cho chúng ta cả vũ trụ này với nhứng tài nguyên phong phú, tiền rừng bạc bể. Nhìn vào vũ trụ này bạn có thể thấy Chúa quả là vị Mục Tử nhân lành, tài tình và chu đáo.

Cái bạn có thể làm được, sản xuất ra được như cơm áo gạo tiền thì Chúa không làm thay bạn nhưng Chúa trợ giúp bạn vì bạn là con người có lý trí và tự do chứ không phải là con vật. Nhưng có những cái bạn không thể sản xuất ra được, thí dụ "không khí", thì Chúa cho bạn và bạn có thể thở thoái mái mà không mất tiền.

Chúa ban cho bạn có cha mẹ, anh em, bạn bè để bạn yêu và được yêu. Ngài thông ban cho bạn và cho mọi người tình yêu của Ngài nên trong mỗi người luôn có khát vọng yêu và được yêu.

Chúa qua cha mẹ và những người thân của bạn để hướng dẫn săn sóc bạn.

Nếu Chúa trực tiếp ban cho bạn tất cả mọi thứ mà không qua cha mẹ và người thân của bạn thì thử hỏi mối quan hệ của bạn với họ sẽ ra sao?

Nhưng trên những thứ đó, Chúa còn ban cho bạn, tôi và mọi người một vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng dầy An Sủng và Chân Lý, Đấng hy sinh chính mạng sống để tôi, bạn và cho mọi người được sống dồi dào phong phú trong An Sủng và Lời của Ngài. Đó cũng chính là điều mà tác giả Thánh Vịnh 22, TV mà bạn vẫn hát, đã cảm nghiệm và tiên báo. 

Đồng cỏ xanh và suối mát là Tình Yêu, Ơn Thánh và Lời Chúa

Đồng cỏ xanh tươi và dòng suối mát ở ngay trong tâm hồn bạn, nơi gia đình, bố mẹ và bạn bè của bạn.

Đồng cỏ xanh và dòng suối mát ở ngay chunh quanh bạn, trong thiên nhiên, trong môi trường mà bạn tiếp xúc.

Gia đình hạnh phúc mà tôi kể trên đây đã nhận ra điều đó. Họ biết họ không thể sống mà không có Tình Yêu, không có Chúa ở với họ và trong họ.

Họ chiêm ngưỡng và cảm nghiệm tình yêu của Vị Mục Tử Nhân Lành để đến lượt họ, họ cũng hy sinh cho người khác giống như Ngài.

Đấng Mục Tử nhân lành "biết" các chiên của mình và các chiên cũng "biết" mục tử của mình thì họ cũng vậy, họ biết nhau, biết Chúa hiện diện trong nhau, biết nhu cầu của nhau, biết những điểm mạnh điểm yếu của nhau để chia sẻ và giúp nhau thăng tiến.

Mỗi ngày Chúa Nhật, mỗi buổi tối, họ đến kín múc Tình Yêu và sức sống nơi Ngài qua việc cầu nguyện và lắng nghe Lời Ngài để trải rộng Tình Yêu và sức sống đó cho nhau, để tắm mát trong dòng sông Yêu Thương, để nuôi dưỡng nhau bằng chính Tình Yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể và như vậy họ chính là NHỮNG MỤC TỬ ĐỜI THƯỜNG, hình ảnh của Đấng Mục Tử Nhân Lành. 

Tôi và bạn, chúng ta đều được mời gọi trở nên những người mục tử đó để rồi từ cái căn bản, cái môi trường yêu thương đó sẽ có những người dấn thân mạnh hơn, sâu hơn, xa hơn trong ơn gọi tận hiến.

LM ĐaMinh Đặng Văn Cầu

CHÚA CHIÊN LÀNH 

Các bạn hãy thử hình dung : nhà thờ này là một phòng hội, ở giữa có đặt một thùng phiếu, các bạn được yêu cầu viết tên người nào mình hâm mộ nhất; và chắc là khi khui thùng phiếu, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều cái tên khác nhau, tùy theo mỗi người chấm và tùy theo mỗi người đứng ở góc độ nào để chấm. Nếu là nhạc sĩ thì có thể có những cái tên như Hoài An, Võ Thiện Thanh, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên... Nếu là ca sĩ thì có thể có những cái tên như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Lam Trường, Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng... Nếu là diễn viên điện ảnh thì có thể là Lí Liên Kiệt, Lương Gia Huy, Củng Lợi, Chung Tử Di, Jan Do Gun, Kim Nam Ho... Nếu là những cầu thủ thì có thể có David Bechkam, Thierry Henri, Roger Federer, Michael Jordan ... Nếu là những doanh nhân thành đạt thì có thể có Bill Gates, J.K. Rowling... Nếu là những người đấu tranh cho quyền con người thì có Mahatma Gandhi, Mẹ Teresa Calcutta, Abbé Pierre, Somaly Mam... Và còn nhiều cái tên khác nữa. Thậm chí biết đâu trong số lá phiếu ấy cũng có thể có lá phiếu dành cho cha Vũ Khởi Phụng, cha Nguyễn Chấn Hưng, cha Nguyễn Xuân Thủy, cha Mai Xuân Lâm, cha Lê Trọng Cung, cha Tạ Xuân Hòa đang có mặt tại đây, hay một cha, một thầy, một soeur hoặc một bạn nào đó...

Thế nhưng, tất cả những cái tên ấy chỉ thỏa mãn một vài sở thích hay một vài khát vọng của bạn: âm nhạc, điện ảnh, thể thao, kinh tế, xã hội, tôn giáo, học tập... Chẳng ai trong số đó và trong nhiều người khác nữa có thể đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho bạn, cả về thời gian lẫn về nội dung. Càng không có ai cho bạn hưởng một hạnh phúc vượt lên cả sự chết và sự dữ. Hôm nay Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta nhân vật ấy để chúng ta dồn phiếu chọn Ngài. Đó chính là Giê-su người Nadarét, nước Do-thái, đã sống cách đây hơn 2000 năm, đã làm và nói biết bao điều kì diệu, đã chết và đã sống lại vì chúng ta, và bây giờ đang hiện diện giữa chúng ta.

Một hình ảnh rất tuyệt vời có thể giúp ta hình dung về Đức Giê-su ấy : ĐứC GIÊ-SU CHÚA CHIÊN LÀNH, ĐứC GIÊ-SU NGƯờI MụC Tử TốT LÀNH. Người Chăn Chiên tốt lành không chỉ là người quan tâm đến sức khỏe của bầy chiên : tìm đồng cỏ màu mỡ và nguồn nước tinh khiết nhất cho chiên ăn uống, tìm nơi che nắng che sương và tránh mưa tránh lũ. Người Chăn Chiên tốt lành còn là người gần gũi chiên tới mức ăn ở chung với chiên, biết chiên tường tận tới tên của từng con một hay tới cái hay cái dở của mỗi con. Đáng kể nhất là Người Chăn Chiên tốt lành dám liều lĩnh vì đàn chiên : luôn luôn đi trước đàn chiên để hứng "hòn tên mũi đạn", liều bỏ tất cả để đi tìm cho bằng được con chiên lạc, hy sinh tới cả thân mình để bảo vệ chiên trước bầy sói (Bài Tin Mừng)

Những hình ảnh vừa kể không phải chỉ là những hình ảnh bóng gió, mà sự thật còn đi xa hơn thế nữa. Như thánh Phê-rô cho biết : "Đức Giê-su đã chịu khổ vì chúng ta. Ngài không hề phạm tội; chẳng ai thấy Ngài nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Ngài không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Chúa Cha. Tỗi lỗi chúng ta, Ngài mang vào thân thể để đưa lên thập giá, và nhờ đó, một khi tội của chúng ta đã tiêu tan, chúng ta được sống đời công chính" (Bài đọc 2), Đức Giê-su làm tất cả những điều ấy, không chỉ để chúng ta có thêm cỏ tươi để ăn, nước mát để uống, thảo nguyên bát ngát để chạy nhảy, sạch bóng chó sói để an tâm nhởn nhơ... Ngài chịu chết và sống lại là để thổi Thần Khí của Ngài vào trong chúng ta, biến chúng ta thành con người mới và bắt đầu sống một cuộc đời mới. Đúng là sự CỨU ĐỘ của Thiên Chúa : chúng ta vừa được tha tội vừa được sung mãn mọi mặt; và không chỉ một nhóm người nào đó ngoan đạo được hưởng mà là tất cả mọi người, kể cả những người trước đây không lâu đã từng hô hào đòi giết Ngài (Bài đọc 1).

Đứng trước một Chúa Chiên Lành quá đẹp và quá tốt như thế, bạn sẽ làm gì nào ? 

Có những người cảm kích trước tình thương của Chúa và nghe thấy trong lòng mình tiếng Ai đó mời gọi mình hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu ấy, không phải ở mức vừa vừa mà càng nhiều càng tốt, không phải cho riêng mình mà tìm cách lôi kéo nhiều người về với đàn chiên của Chúa để cũng được nếm trải tình thương của Chúa. Họ không coi việc làm này là chuyện gặp chăng hay chớ, "khi vui thì làm, khi buồn thì thôi", mà coi đây là nghiệp là nghề của mình. Họ cam kết trước mặt Chúa và Giáo Hội sẽ làm chiên ngoan của Chúa và học tập làm người chăn chiên tốt lành của Chúa. Nếu có sống khó nghèo và giản dị, độc thân và khiết tịnh, vâng phục và khiêm tốn, huynh đệ và cộng đoàn, nếu có thinh lặng và nguyện cầu, phục vụ và làm việc... thì đó cũng là để làm chiên của Chúa và học tập làm người chăn chiên của Chúa, hoặc nói cho cùng, để lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúng ta gọi đó là những người đi tu, những người dâng mình cho Chúa.

Xem ra như thế đời tu rất phong phú và sinh động, chứ không cằn cỗi và tẻ nhạt như nhiều người lầm tưởng. Hai chữ TÌNH YÊU - dù là yêu Chúa hay yêu loài người - cũng đã làm cho tâm hồn bao nhiêu người rạo rực, trí óc bao nhiêu người bừng tỉnh, tay chân bao nhiêu người khua động... Chỉ có điều, như đức giáo hoàng Benedictô XVI nói trong thông điệp "Thiên Chúa là Tình Yêu" ("Deus caritas est"), tình yêu ấy phải luôn được thanh lọc và nâng cao, đi từ tình yêu có phần nào vị kỉ và nặng tình cảm tiến tới tình yêu ngày càng vị tha và siêu nhiên, đi từ tình yêu hay đòi quà tặng đến tình yêu của trách nhiệm và hy sinh. Đồng thời nói tới quá trình thanh lọc và nâng cao tình yêu là nói tới một hành trình, kéo dài cả đời, trong đó có vui có buồn, có thăng có trầm, có thành công và thất bại, có điều đáng khen và điều đáng tiếc, có thánh thiện và tội lỗi... Chính vì thế, người đi tu không những phải nỗ lực thật nhiều, mà còn cần đến những nâng đỡ của người chung quanh, những lời cầu nguyện của người khác.

Có điều lạ là dù thế giới hôm nay có ghét những gì là thiêng liêng và có nghi ngờ những gì là vô vị lợi, có điều là lạ dù ở nhiều nơi trong Giáo Hội các ki-tô hữu ngày càng sa sút trong đức tin và ở một số nơi Giáo Hội nói chung và đời tu nói riêng đang bị bách hại, vẫn luôn luôn có người đi tu, vẫn luôn luôn có những ki-tô hữu muốn làm chiên ngoan của Chúa và tập làm chủ chăn của Chúa. Thậm chí Chúa Thánh Thần vẫn luôn luôn khơi dậy những sáng kiến bất ngờ, những hình thức mới mẻ cho đời tu hôm nay. Có người còn nói : chính vì thế giới lạnh lùng với những gì là thiêng liêng và siêu nhiên, chính vì Giáo Hội đang sa sút trong đức tin, chính vì Giáo Hội đang gặp khó khăn, mà vẫn còn người đi tu, luôn có người đi tu. Đức cố giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã từng nói trong tông thư của ngài về "Đời Tu" ('Vita consecrata") : đời tu là một khía cạnh thiết yếu của Giáo Hội, đến nỗi người ta thật khó hình dung Giáo Hội không có đời tu. Đời tu vừa là công cụ giúp Giáo Hội thể hiện tình thương của Thiên Chúa cho con người qua biết bao hoạt động của các tu sĩ, vừa là lời nhắc nhở Giáo Hội không quên ơn gọi hay sứ mạng trước hết của Giáo Hội chính là lấy tình thương đáp lại tình thương Thiên Chúa, chính là trở thành đàn chiên ngoan của Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa, chăn dắt nhân loại.

Các bạn trẻ thân mến,

Nói tới đây, có thể nhiều bạn trẻ cho rằng đời tu thật là tuyệt vời, nhưng dành cho ai đó chứ không phải cho tôi. Tôi còn quá nhiều bận tâm để lo toan, nhiều giấc mơ phải hoàn thành. Vả lại, Chúa có đâu bắt buộc mọi người phải đi tu. Đó là chưa nói : ở đâu không rõ, chứ tại các giáo phận miền Bắc này số người đi tu vẫn còn đông lắm ! Hay phải nói thành thật và khiêm tốn, tôi vừa bất tài vô tướng vừa lắm điều xấu xa, có tham gia đời tu thì chỉ chuốc thất bại cho mình và làm hỏng người khác.

Phải, bạn có nhiều bận tâm để lo toan và nhiều giấc mơ phải hoàn thành. Thì cứ lo toan những bận tâm nào cần thiết và hãy hoàn thành những giấc mơ nào chính đáng đi. Nhưng xin đừng dập tắt lời mời gọi này, xin hãy nuôi dưỡng nó cho tới khi nào thấy phải trả lời dứt khoát, xin hãy thỉnh thoảng dừng lại suy nghĩ thêm về lời mời gọi ấy.

Phải, đời tu không phải là nếp sống bắt buộc đối với mọi ki-tô hữu. Nhưng bạn có nỡ lòng nào bịt tai không nghe lời mời gọi réo rắt của Chúa : "Con hãy theo Ta". Bạn có đành lòng khi thấy tận mắt biết bao con chiên lạc bầy, biết bao con chiên ốm yếu tình thương, biết bao con chiên nhơ nhớp phẩm giá, biết bao con chiên thậm chí không biết có một Mục Tử hết sức yêu thương mình...

Phải, đời tu ở Việt Nam vẫn còn sung túc, "không có mợ thì chợ vẫn đông". Nhưng bạn có biết đâu chỉ có 6% người Việt Nam là Công Giáo - chưa kể trong số đó có mấy phần trăm là Công Giáo chính hiệu ! Trong tổng số dân của các tỉnh thành tổng giáo phận Hà Nội có mặt là 6 triệu người chỉ có hơn 300.000 người Công Giáo, chỉ được 89 linh mục và hơn 300 tu sĩ phục vụ ! Bạn có biết đâu số người không tin và số người hưởng ứng nếp sống vô thần và duy vật đang tăng theo cấp số nhân, thậm chí cấp lũy thừa; đang khi đời tu đang tăng theo cấp số cộng, thậm chí tại các thành phố lớn số người đi tu đã đi xuống từ lâu và tại nông thôn số người đi tu đã chững lại. Đó là chưa kể những nhu cầu của con người và xã hội hôm nay cần sự phục vụ của Giáo Hội lại càng ngày càng phức tạp, càng ngày càng cấp thiết !

Phải, đời tu là một nếp sống lí tưởng. Nhưng có ai sinh ra là đã thành linh mục hay tu sĩ đâu. Đời tu là một hành trình dài cho phép chúng ta nhận ra và biết quẳng đi dần những gì làm cản trở bước đi, cho phép chúng ta nhận ra và tích lũy dần những công cụ cần thiết cho đời tu. Có mấy ai nghĩ Augustinô, Phanxicô Assisi, Inhaxiô Loiôla... sẽ hoán cải và đi tu, khi đã chìm ngập trong những triết lí sai lạc, những thú vui đáng trách và những tham vọng điên cuồng. Đó là mới chỉ kể ra vài người đi tu thời trước. Còn biết bao tâm hồn tận hiến cho Chúa ngày hôm nay cũng đã bắt đầu và tiếp tục hành trình tu trì của mình cách vất vả, có lúc phải "te tua, tơi tả" vì hành trình tu trì ấy. Thật ra, nguyên việc dám theo đuổi một giấc mơ thánh thiện và cao cả, lại sẵn sàng đầu tư công sức cho điều ấy, cũng đã là một điều hết sức đáng khen rồi với các bạn trẻ ngày hôm nay. 

Để kết thúc, tôi xin mượn một hình ảnh rất quen thuộc với các bạn trẻ chúng ta : Banh đã được tung lên. Phần còn lại là của bạn - những người đang ở trên sân chơi của cuộc đời, sân chơi Nước Trời. Bạn hãy đá thế nào để banh vào lưới, để banh đến đích phải đến. A-men.

LM Đặng Xuân Thành (Sưu Tầm vietcatholic.org)

1253    12-05-2011 18:29:14