Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Chúa Nhật IV Phục Sinh A_4

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH
Ga 10, 1-10

Một trong những bức ảnh ấn tượng nhất đối với tôi vẫn là bức tranh ảnh vẽ Chúa Giêsu đang vác con chiên trên vai và xung quanh Ngài là cả một bầy chiên. Hình ảnh này vẫn theo tôi mãi và giờ đây tôi đang phục vụ anh chị em Dân tộc Kơho, thì hình ảnh những đàn dê, những đàn cừu vẫn là những gì rất thiết thân, gần gũi tôi.Dù rằng cừu dê lúc này ít thấy nơi những cánh đồng, nơi những gia đình người Dân tộc, nhưng dẫu sao hình ảnh Chúa Giêsu vác chiên trên vai vẫn gây xúc động thật nhiều nơi tôi. Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Chúa chiên lành, nhìn vào Chúa đang vác chiên, quả thực ai cũng có những cảm nghĩ thật cảm động. Hình ảnh ấy là lời mời gọi thúc bách đến những người nam, người nữ hãy quảng đại, dấn thân tận hiến cuộc đời mình để phục vụ Nước Chúa trong sứ vụ linh mục và ơn gọi làm tu sĩ nam nữ...

Đức Giêsu là mục tử tốt lành. Người yêu thương từng con chiên và yêu thương cả đàn chiên. Thánh vịnh 22 ( 23 ) nói về " Chúa chiên lành ". Mọi người chúng ta đều nghĩ về Chúa Giêsu, nhưng thực tế Thánh Vịnh nói về Chúa Cha. Tuy nhiên, trong mầu nhiệm Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần là một. Do đó, nói về Cha cũng đồng thời nói về Con và Thánh Thần. Chúa Giêsu đã đến trong thế gian mang theo tình yêu của gia đình, tức là Thiên Chúa Ba Ngôi. Nơi gia đình, Thiên Chúa Ba Ngôi, tình yêu luôn tràn đầy. Chúa Giêsu đã nói: " Tôi biết chiên của tôi ". Biết ở đây có nghĩa hiểu rõ ràng những nhu cầu, những điều cần thiết cho thể xác và linh hồn. Chính vì thế, mọi người hãy tin tưởng nơi Người. Khi Chúa nói: " Chiên tôi thì nghe tiếng tôi ", có nghĩa các chiên chỉ nghe tiếng một mình Người, đừng nghe bất cứ tiếng người nào khác, chỉ có Người là mục tử duy nhất chân thật. Chúa cũng đã nói: " Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào " ( Ga 10, 10 ). Chúa muốn nói Người dẫn chiên trên những đồng cỏ xanh tươi và bên những dòng suối nước mát. Người nuôi dưỡng nhân loại bằng chính lương thực vô giá là Mình Máu của Người.

Để tiếp nối sứ mạng của Người nơi trần gian này, Chúa Giêsu đã chọn nhiều môn đệ, nhiều tông đồ làm cánh tay nối dài của Người để rao giảng Tin Mừng và để dẫn dắt giáo dân. Chúa Giêsu đã sai các mục tử đến hướng dẫn giáo dân và tiếp nối công việc của Chúa ở trần gian này. Ngày Chúa nhật IV Phục sinh, Đức Thánh Cha đã dành ngày này để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và ơn gọi tu sĩ nam nữ. Chắc chắn Hội Thánh luôn cần đến những mục tử tốt lành để phục vụ Giáo Hội và con chiên. Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều linh mục, tức các mục tử tốt lành để tiếp nối công việc cứu độ của Chúa. Xin cho có nhiều linh mục đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước. Chúng ta phải cầu nguyện nhiều và chính chúng ta phải trở thành đàn chiên tốt.

Chúa Giêsu đã từ trời xuống trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi có từ đời đời và tuyệt đối thánh thiện, ba lần thánh. Còn các linh mục là những người xuất thân và đến từ những gia đình trần gian. Chúng ta cầu nguyện cho các Ngài luôn là những mục tử tốt lành, đạo đức, thánh thiện biết nuôi dưỡng giáo dân như Chúa Giêsu, nghĩa là luôn biết yêu thương giáo dân, sẵn sàng hy sinh vì giáo dân và sốt sắng dọn bài giảng tốt, mang lại những hoa trái tốt đẹp cho giáo dân.

Chúng ta phải luôn nâng đỡ các linh mục và cầu nguyện cho các linh mục để các Ngài sống như Chúa Giêsu đã sống, đã làm: " Yêu như Thầy yêu " và " Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu " ( Ga 15, 13 ).

Lạy Chúa Giêsu, Mục tử tốt lành xin tiếp tục ban cho thế giới, cho nhân loại các Mục tử như lòng Chúa mong ước. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

BIỆN CHỨNG MỤC TỬ - CHIÊN

Hằng năm cứ vào ngày Chúa nhật IV Phục Sinh, Hội Thánh mời gọi chúng ta, Kitô hữu đặc biệt cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Qua các con số thống kê, chúng ta nhận ra đây là một nhu cầu vừa chính đáng và hợp lý lại vừa mang tính cấp thiết. Tuy nhiên, dù có cấp thiết đến mấy thì Hội Thánh vẫn kiên trì chủ trương rằng cần "chất hơn là lượng". Chính vì thế mà không thể vì lý do thiếu hụt linh mục hay tu sĩ mà hạ thấp tiêu chí cũng như các yêu cầu của việc đào tạo. Xin được góp một vài suy nghĩ về vấn đề này dựa trên các bản văn Lời Chúa của ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh. Cụ thể, xin chia sẻ đôi nét về biện chứng mục tử nhân lành và con chiên ngoan hiền.

Nói đến biện chứng là nói đến một trong những "học thuyết mang tính triết học về các mối liên hệ phổ biến và về sự phát triển, hay là khoa học về các quy luật vận động và phát triển chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy" (Tự Điển Bách Khoa Việt Nam-1995). Biện chứng pháp được xây dựng chủ yếu trên quy luật vận động, sự biến đổi của sự vật, hiện tượng và những ảnh hưởng tương tác giữa chúng. Cái nhìn này không phải là mới lạ với khám phá của Hégel hay Karl Marx, nhưng đã bàng bạc sẵn có trong các hệ tư tưởng Đông phương như quy luật âm dương, bát quái, ngũ hành hay sắc sắc không không... Không muốn đi sâu vào lãnh vực chuyên môn mang tính triết học, nhưng xin góp cái nhìn theo một góc độ cha ông chúng ta cảm nghiệm: "có con rồi mới có cha; có cháu rồi mới có ông, có bà".

1. Để là mục tử nhân lành, cần phải là chiên ngoan hiền: 

Chúa Kitô đã minh nhiên khẳng định Người chính là mục tử nhân lành (Ga 10,11). Tuy nhiên, để đảm nhận vai trò mục tử thì trước tiên Người đã vuông tròn vị thế con chiên hiền ngoan. Thánh Phêrô giới thiệu Đức Kitô như là con chiên tinh tuyền, hiền lành, gánh tội gian trần. "Người không hề phạm tôi; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá..." (1P 2,21-24). Thánh Tông đồ cả kết luận rằng chính khi đảm nhận phận việc ấy thì đức Kitô đã chu toàn trách vụ "vị mục tử, Đấng chăm sóc linh hồn chúng ta" (c.25).

Chiên không đi theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn. Trái lại, chiên nhận biết tiếng mục tử và đi theo mục tử. Dưới cái nhìn này thì Chúa Kitô là một con chiên đích thực vì "lương thực của Người là thi hành thánh ý Cha trên trời" (x.Ga 4,34). Cho dù mồ hôi tuôn ra pha lẫn máu, Con chiên tinh tuyền Giêsu Kitô vẫn một mực "xin đừng theo ý con, một vâng theo thánh ý Cha mà thôi" (x.Lc 22,39-44).

2. Để là con chiên hiền ngoan, cần phải có tấm lòng mục tử nhân hậu:

Chúa Kitô không minh nhiên giới thiệu mình là con chiên, nhưng cuộc đời của Người, đặc biệt cuộc hiến tế thập giá của Người mặc nhiên khẳng định Người là con chiên vượt qua của giao ước mới. Trong khi đó vị ngôn sứ cao trọng hơn mọi ngôn sứ là Gioan Tẩy giả đã long trọng giới thiệu Chúa Kitô là "Chiên Thiên Chúa" (Ga 1,36). 

Để thực thi phận vụ "Con Chiên Thiên Chúa", Chúa Kitô đã sống tình một mục tử tốt lành, nhân hậu. Người chạnh lòng thương xót khi thấy đoàn lũ đông đảo như chiên không người chăn (x.Mc 6,34). Người nhiệt thành đến quên cả ăn uống để băng bó thương tích cho đoàn chiên (x.Mc 3,20), để dẫn chiên đến đồng cỏ xanh, nguồn suối mát. Người hiến dâng mạng sống vì đàn chiên và mong sao không một con chiên nào lạc đàn (x.Ga 10,11;14). Lẽ sống của người mục tử chính là sự sống, sự phát triển của từng con chiên và của đàn chiên. Chính vì thế, người mục tử là người "biết" chiên tức là gắn bó mật thiết với chiên, sẵn sàng chung thân, đồng phận với chiên, lấy sự sống của chiên làm nguồn sống của mình.

Vài tâm tình hướng đến các mục tử (giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ): 

Diễn ý câu nói của Thánh Giáo phụ Âugustinô: Cho anh em, tôi là mục tử (giám mục). Cùng với anh em, tôi là con chiên (tín hữu). Để các ngài, các vị chu toàn bổn phận mục tử Chúa giao phó thì ta hãy cầu xin cho các vị, các ngài trước hết biết sống vuông tròn vị thế con chiên:

- Hiền lành: Trưởng thành nhân cách, vững vàng các nhân đức nhân bản. Điều này không phải được ngay một sớm một chiều hay nhờ lãnh nhận chức này, vụ kia. Nhưng cần phải trau dồi, luyện tập liên lĩ. Học xong một giáo trình các nhân đức nhân bản với điểm số tối đa mà vẫn là người thiếu nhân bản là chuyện rất bình thường.

- Vô tì tích: Dĩ nhiên, ngoại trừ Mẹ Maria được Chúa giữ gìn thì phận người khó tránh lỗi lầm. Để ngày càng thêm thanh sạch, vô tì tích, thì không gì hơn "hãy đem những cái bên trong ra mà phân phát (lòng quảng đại)" (x.Lc 11,41).

- Ngoan ngoãn: biết luôn vâng theo ý Chúa. Để sống và hành động theo thánh ý Chúa thì tiên vàn cần có một đời sống cầu nguyện chuyên chăm và một tâm hồn "dễ bảo" dưới tác động của Thánh Thần.

Vài tâm tình hướng đến những ứng viên ơn thiên triệu linh mục, tu sĩ: 

Khi nhận ứng viên vào Tu viện hay Chủng viện, các vị hữu trách thường dò xét các ý hướng của ứng viên. "Con đi tu để làm gì?" Một câu hỏi thường gặp nhằm lượng giá ý hướng các ứng viên. Các vị hữu trách thường dễ hài lòng trước các câu trả lời mang tính cống hiến, phục vụ vị tha hơn là những câu trả lời hàm chứa sự vị kỷ cho dù đó là lợi ích cá nhân rất là thiêng thánh như đi tu để được rỗi linh hồn. Thánh Công Đồng dạy: "Việc giáo dục toàn diện các chủng sinh nhằm huấn luyện cho họ thực sự thành những vị chăn dắt các linh hồn... (tức là các mục tử)" (ĐT số 4). Ước gì các tu sinh, chủng sinh có được chút tâm tình của người mục tử ngay khi còn mài đũng quần ở tu viện hay chủng viện. Đó là tâm tình của người mục tử:

- Biết cống hiến hơn là hưởng thụ: "Con Người đến không phải để cho người ta hầu hạ nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,46; x. Ga 13,12-17).

- Nhiệt thành: Sẵn sàng đi trước trong các việc khó mà đó là những việc phải làm, đáng làm và nên làm.

- Biết đồng cảm, đồng phận với tha nhân, đồng loại và nhất là với những người nghèo, người bất hạnh... "Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người trong các mối tương quan với Thiên Chúa để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối..." (Dt 5,1-3).

Có thể nói rằng hơn bao giờ hết, nhân loại chúng ta hiện nay đang vào giai đoạn thích hưởng thụ và tìm đủ cách đủ kiểu để hưởng thụ. Chính vì thế, đời sống cống hiến dường như đang vắng bóng dần. Một điều chắc chắn là nhân loại, xã hội mọi thời, đặc biệt hôm nay đang rất cần những con người sẵn sàng cống hiến, những cuộc đời biết hiến dâng. Chính vì thế ơn thiên triệu linh mục, tu sĩ vẫn mãi là ơn chúng ta cần kiên trì cầu xin. Tuy nhiên sự cầu xin của chúng ta không được phép dừng lại ở thái độ thầm thỉ, chấp tay hay móc túi để góp tiền, mà còn phải biết mở miệng, nắm tay để dệt xây những mục tử biết vuông tròn phận vụ con chiên hiền ngoan và những con chiên luôn ắp đầy tâm tình mục tử tốt lành.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Khi ấy, Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-siêu: (1) "Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. (2) Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. (3) Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. (4) Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (5) Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ". (6) Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. 

(7) Vậy, Đức Giê-su lại nói: "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. (8) Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. (9) Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. (10) Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. 

1. Người mục tử trong nếp sống của người Do Thái xưa

Để hiểu được ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần trở về với nếp sống của người Do Thái thời Đức Giê-su. Thời ấy, chiên được nuôi theo bầy hàng trăm con tại những đồng cỏ xanh. Mục tử hay người chăn chiên đi theo bầy chiên và cùng sống với chiên ngày này qua ngày khác. Ban ngày, mục tử dẫn đàn chiên đi từ đồng cỏ này đến đồng cỏ khác để chiên ăn cỏ. Ban đêm, để tránh trộm cướp hay thú hoang, và để tránh mưa tránh rét, mục tử đưa chiên vào một nơi an toàn được gọi là "ràn chiên", thường là một hang đá hay một khu đất trống có hàng rào bằng đá hoặc bằng cây bao quanh. Người chăn chiên ngủ ngay trong ràn chiên để bảo vệ chiên, và thường ở ngay cửa ràn. Mục tử và đàn chiên vì thế gắn bó với nhau rất mật thiết. Mục tử chỉ biết có chiên của mình, và chiên cũng chỉ biết và chỉ đi theo mục tử của mình, không chịu theo bất kỳ ai khác. 

2. Ý tứ của Đức Giê-su khi nói dụ ngôn này

Đức Giê-su nói dụ ngôn này với người Pha-ri-siêu, sau khi đối chất với họ về việc Ngài chữa lành người mù từ thuở mới sinh (Ga 9). Nên nhớ: những người Pha-ri-siêu là những người lãnh đạo tinh thần trong Do Thái giáo, tức đóng vai trò mục tử đối với đàn chiên. Qua dụ ngôn này, Ngài muốn cho họ thay hai thái độ trái nghịch nhau giữa Ngài và họ trong cách đối xử với dân chúng hay các tín đồ tôn giáo. Sự trái nghịch nhau đó được thể hiện qua cách ứng xử với người mù bẩm sinh.

· Cách ứng xử của người Pha-ri-siêu: 

Khi thấy người mù được chữa lành, thay vì mừng cho anh ta đã thoát khỏi điều bất hạnh vô cùng lớn lao, những người Pha-ri-siêu lại có một thái độ thù nghịch và bực tức. Họ tỏ ra không có một chút tình yêu, lòng thương xót hay sự cảm thông nào đối với người mù được Đức Giê-su chữa lành. Trái lại, họ đã dùng lề luật để bắt bẻ vị ân nhân đã chữa lành bệnh cho anh ta, đồng thời gây khó dễ cho anh và gia đình anh vì việc được chữa lành ấy. Đối với dân chúng, họ không giống như người mục tử đích thực đối với đàn chiên, mà giống như người chăn chiên thuê. Kẻ chăn chiên thuê không yêu thương gì chiên, vì chiên không phải là của hắn (x. Ga 10,12-13). 

Vì thế, trong tôn giáo, những người Pha-ri-siêu lợi dụng chức vụ lãnh đạo, hướng dẫn để ăn trên ngồi trốc, đè đầu đè cổ dân chúng (x. Mt 23,5-6). Họ giảng dạy toàn những điều tốt nhưng chỉ để cho dân chúng làm chứ không phải họ làm (x. Mt 23,2-3). Họ giảng dạy điều tốt vì chức vụ họ đòi buộc phải làm như vậy, chứ không phải vì lòng yêu mến sự thiện mà giảng dạy. Đức Giê-su đã tố cáo việc họ lợi dụng tôn giáo để bóc lột người nghèo, người cô thân cô thế trong xã hội (23,4.14). Nhưng họ vẫn muốn được mọi người tôn trọng, ca tụng, suy tôn, nên phải giả bộ đạo đức, phải làm những việc tốt để khoa trương (23,5), và muốn mọi người gọi mình là "Rabbi" hay "Thầy" (23,6).

· Cách ứng xử của Đức Giê-su

Đức Giê-su có một thái độ khác hẳn, một thái độ nhân từ đầy yêu thương đối với mọi người, được thể hiện một cách cụ thể trong việc Ngài chữa lành người mù. Ngài sống và hành động vì tình yêu chứ không vì lề luật. Tình yêu và lòng thương xót của Ngài đã thúc bách Ngài bất chấp luật sa-bát, bất chấp sự phản đối và bực tức của người Pha-ri-siêu về việc lỗi luật của Ngài, bất chấp những hậu quả rất bất lợi có thể xảy đến cho Ngài. Ngài sẵn sàng hy sinh bản thân để xoa dịu đau khổ, để làm mọi người hạnh phúc. 

Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su muốn cho người Pha-ri-siêu thấy thái độ của họ đối với dân chúng, với các tín đồ tôn giáo mà họ dẫn dắt chẳng khác gì thái độ của kẻ trộm cướp, của kẻ chăn thuê đối với đàn chiên: chỉ muốn lợi dụng đàn chiên chứ không hề yêu thương chúng. Còn thái độ của Ngài mới là thái độ người mục tử đích thật: Ngài yêu thương đàn chiên đến nỗi sẵn sàng "hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên" (Ga 10,11). Nhưng rất tiếc là "họ không hiểu những điều Người nói với họ".

3. Mục tử nhân lành (mục tử thật) và kẻ trộm cướp (mục tử giả)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đưa ra một tiêu chuẩn để phân biệt mục tử và kẻ trộm cướp. Mục tử thì đi vào ràn chiên bằng cửa ràn, nghĩa là với phong thái "đường đường chính chính". Còn kẻ trộm hay kẻ cướp thì không qua cửa nhưng trèo qua lối khác mà vào, với phong thái lén lút, giả dối, không đàng hoàng. Mà cửa ràn chiên, theo bài Tin Mừng hôm nay, lại cũng chính là Đức Giê-su: "Tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào". Vậy để là mục tử đích thật, người mục tử phải qua Đức Giê-su mà đến với đàn chiên, nghĩa là phải là người yêu mến Thiên Chúa, và phục vụ đàn chiên vì Ngài, không vì một động lực nào khác.

Thật vậy, đã là mục tử chân chính thì tư tưởng, lời nói, hành động lúc nào cũng phải bộc lộ được tính "quang minh chính đại", hay "đường đường chính chính", luôn luôn thẳng thắn, trung thực, đáng tin. Người mục tử chân chính ít ra phải là một người quân tử. Nếu tư tưởng, lời nói và hành động như một kẻ tiểu nhân, thích quanh co, lén lút, dối trá, sợ sự thật... thì không xứng đáng làm mục tử. Hơn thế nữa, người mục tử chân chính phải có một tình yêu to tát, để có thể hy sinh đến tận cùng cho những người mà mình lãnh đạo, hướng dẫn. 

Đương nhiên để thực hiện ý định của mình, kẻ trộm cướp - những kẻ không có tình yêu đối với chiên nhưng lại muốn hưởng những quyền lợi của người mục tử - phải giả làm mục tử. Hắn tìm đủ mọi cách để chiên đi theo mình. Nhưng chiên "không chịu theo người lạ, mà chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ", không cảm nhận được tình thương của hắn. Vì mục tử giả hay kẻ chăn thuê chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, đến cái lợi của mình, không nghĩ gì đến chiên, nên "khi thấy sói đến, hắn bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn" (Ga 10,12). Người mục tử đích thực thì yêu thương chiên, sống vì chiên, và sẵn sàng "hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên" (Ga 10,11) "để cho chiên được sống và sống dồi dào" (10,10). 

4. Đức Giê-su là mục tử tốt lành

Ngoài mục đích đối chất với bọn Pha-ri-siêu, Đức Giê-su còn dùng hình ảnh rất quen thuộc ấy đối với người Do Thái để diễn tả sự yêu thương gắn bó giữa Ngài và chúng ta, những kẻ theo Ngài. Như mục tử tốt lành yêu thương và chăm sóc chiên mình thế nào, Ngài cũng yêu thương chăm sóc chúng ta như vậy. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã dùng hình ảnh người mục tử với đàn chiên để diễn tả tương quan giữa Đấng Mê-si-a và dân của Ngài: "Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng; nó là tôi tớ của Ta: chính nó sẽ chăn dắt chúng; chính nó sẽ là mục tử của chúng" (Ed 34,23). Ngài chính là người mục tử được Thánh Vịnh mô tả: "Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên" (Tv 23).

Vì thế, khi ý thức được Đức Giê-su luôn chăm sóc mình như người mục tử tốt lành chăm sóc đàn chiên, người Ki-tô hữu có thể hết sức an tâm trước tất cả mọi giông tố, thử thách trong cuộc đời. Chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương vô biên và chân thật của Ngài, và an tâm phó thác mọi sự cho Ngài, kể cả mạng sống, hạnh phúc của mình. Nhờ đó cuộc đời ta luôn luôn bình an, vui tươi, hạnh phúc, và Tin Mừng chúng ta rao giảng mới đúng là tin mừng đích thực (=tin thật sự đem lại vui mừng!)

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con nhận thức được tình thương vô bờ và quyền năng vô biên của Cha, của Đức Giê-su, để con có thể hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho Cha, cho Đức Giê-su. Nhờ đó, con luôn luôn bình an, hạnh phúc bất chấp cuộc đời có sóng gió đến đâu. Vì con luôn luôn tin tưởng rằng, con được một bàn tay quyền uy và yêu thương bảo vệ. Mọi biến cố xảy ra, dù thế nào, cuối cùng đều ích lợi cho con. Amen.

John Nguyễn

2435    12-05-2011 18:25:07