Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Chúa Nhật IV TN A

 

CHÚA NHẬT IV TN A
Mt 5, 1 - 12a

Phụng vụ hôm nay đọc lại cho chúng ta ghe bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu mà người ta quen gọi là bài giảng trên núi hay bài giảng về tám mối phúc thật. Đây là bản tổng hợp xúc tích nhất của Tin mừng Đức Kitô. Và "Tám Mối Phút Thật" chính là nền tảng căn bản nhất của "Bài Giảng Trên Núi" đó.

Hiến chương Nước Trời là một trong năm loạt bài diễn văn được Chúa Giêsu long trọng tuyên bố trên núi. Ở trên núi chứ không phải ở đồng bằng như trong Tin mừng Luca, điều đó cho thấy dụng ý thần học của thánh sử Mátthêu. Thật vậy, hình ảnh này giống như Môsê ngày xưa trên núi Sinai lãnh nhận lời Giavê Thiên Chúa để ban lại cho dân Israel. Chúa Giêsu là Môsê mới. Ngày hôm nay,  Chúa Giêsu - Lời của Thiên Chúa, truyền lại cho dân Israel mới, mà các môn đệ là những đại diện, những mối phúc làm kim chỉ nam cho hết những ai mưu tìm Nước Thiên Chúa.

Thánh sử Mátthêu nhấn mạnh đến sự khó nghèo về tinh thần hơn là sự thiếu thốn về tiền bạc, vật chất. Người khó nghèo về tinh thần không cho phép mình sinh ra kiêu căng, ỷ lại vào tiền của, nhưng luôn hướng mình đến kẻ khác và nhất là trông cậy vào Thiên Chúa. Mátthêu dùng từ ngữ "nghèo khó" mang chiều kích tôn giáo như được nói đến trong Cựu ước để nói đến những người nghèo khổ khiêm tốn biết chạy đến Chúa, chỉ trông cậy vào Chúa mà thôi.

Hai mối phúc về "hiền hoà" và "ưu phiền" được nhắc đến không phải do bản tính mà là do hoàn cảnh của xã hội hoặc tôn giáo tạo nên. Chúa Kitô là Đấng "hiền lành và khiêm nhường", chính vì thế Người cũng muốn chúng ta noi gương của Người, sống khiêm nhường. Cũng vậy, người ưu phiền lo lắng được khuyên hãy trở nên như những người nghèo sống trong tình trạng không có niềm vui. Người nghèo lo lắng cho tình trạng sống còn của mình như thế nào thì "người nghèo của Tin mừng" cũng lo cho tội lỗi và những hậu quả của nó gây ra cho mình và cho nhân loại như vậy để chỉ biết chạy đến nguồn an ủi duy nhất nơi Thiên Chúa.

Ba mối phúc tiếp theo nói đến sự chính trực, lòng xót thương và tâm hồn trong sạch được xem như những người vâng theo thánh ý Chúa, thực thi công bình bác ái, chu toàn mọi giới luật của Thiên Chúa và với tha nhân. Lòng ngay thẳng và đời sống nhân đức đưa con người đến việc thực thi lòng bác ái yêu thương cách vô vị lợi nhằm kiến tạo hoà bình cho nhân loại.

Những mối phúc kể trên chính là những giá trị Nước Thiên Chúa dành cho những ai hết lòng tuân giữ và đem ra thực hành. Tuy nhiên, những giá trị đó luôn gặp phải những chướng ngại, những đối nghịch và bách hại. Chính vì thế Chúa Giêsu muốn đưa hai mối phúc sau cùng về sự bách hại như là hiệu quả tất yếu của những con người trung thành và bước theo đường chân lý. Chấp nhận những giá trị nước Thiên Chúa nghĩa là chấp nhận việc đi ngược lại với những giá trị thông thường vốn được xem là chuẩn mực cho cuộc sống mà con người đặt ra.

Bước theo Chúa Giêsu, người Kitô sẽ bị bách hại vì sống công chính, sống ngay thẳng và thực thi công bình bác ái chính là những người hoạ lại hình ảnh của mối phúc thứ nhất, họ phải gánh chịu sự đau khổ... Như thế, người chịu bách hại vì danh Chúa Kitô cũng chính là người nghèo thật sự và phần thưởng cho họ chính là Nước Trời mai sau.

Hiến chương Nước Thiên Chúa thực chất là những tin vui mà Thiên Chúa muốn dành cho những ai sống tinh thần nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, công chính, biết xót thương, trong sạch, mưu tìm hoà bình và chịu bách hại vì danh Chúa Kitô. Ai tiếp nhận mối phúc này, chắc chắn Nước Trời sẽ là phần thưởng cho họ ngay tại thế này.

HẠNH PHÚC THẬT
Mt 5,1-12a

 Khi đứa trẻ vừa được sinh ra thì việc làm đầu tiên là khóc. Nên người ta gọi là cất tiếng khóc chào đời. Tiếng khóc là báo hiệu cho cuộc đời sẽ gặp khó khăn và gian khổ. Vì thế mà Phật giáo nói "đời là bể khổ". Cho nên trong cuộc sống con người luôn đi tìm hạnh phúc để tránh đau khổ. Thế nhưng họ vẫn không có được hạnh phúc thực sự mà vẫn gặp đau khổ.

Vậy hạnh phúc thật là gì? Đó là chủ đề mà tôi muốn chia sẻ hôm nay.

Người ta thường nghĩ hạnh phúc là: giàu có, thành đạt, mạnh khoẻ... Đối với mỗi người thiếu nhi đó là: quần áo đẹp, đồ chơi, bánh ăn, chơi games, được khen ngợi... Nhưng trong thực tế những điều trên chưa chắc đã mang lại hạnh phúc cho con người, bởi người ta nói người giàu cũng khóc là thế.

Theo định nghĩa: Hạnh phúc là sống đúng bản chất của mình. Chẳng hạn như: Con chim chỉ hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim, dù nó có được sống trong lồng vàng đi nữa vẫn không hạnh phúc; hay con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội tự do như cá. Như thế còn con người thì sao? Bản chất của con người là được Thiên Chúa tạo dựng, nên con người chỉ hạnh phúc khi được trở về với cội nguồn của mình là chính Thiên Chúa. Có nghĩa là được thông phần bản tính với Thiên Chúa (2 Pr 1,4) và sự sống đời đời (x. Ga 17,3). Để có hạnh phúc thật thì mỗi người chúng ta phải sống 8 mối phúc này hay còn gọi là bản hiến chương Nước Trời.

Có thể nói mối phúc thứ nhất là ý chính của bản hiến chương này. Đó là "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ".

Câu hỏi đặt ra là tại sao Chúa Giêsu lại nói nghèo là phúc? Đúng ra nghèo là điều vô phúc hay bất hạnh mới phải chứ! Thưa ý Chúa Giêsu nói tinh thần nghèo khó đây được hiểu theo 2 nghĩa:

Thứ nhất khi có tâm hồn nghèo khó thì ta không bám víu vào vật chất hay không bị ảnh hưởng bởi cuộc sống ở trần gian này. Như tiền tài, danh vọng hay lạc thú... Như trong câu chuyện "Người thanh niên có nhiều của cải" trong Tin Mừng theo thánh Matthêu kể lại: sau khi anh ta đã thực hành đầy đủ những gì Chúa Giêsu yêu cầu đó là yêu Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình là điều rất tuyệt vời, thế nhưng khi Chúa Giêsu yêu cầu anh ta đi thêm một bước nữa là bán hết tài sản để cho người nghèo thì anh ta liền quay mặt bỏ đi (x. Mt 16, 19-22). Rõ ràng anh ta còn bám víu vào vật chất mà chưa có chọn Chúa.

Đối với mỗi người chúng ta thì sao? Khi không bám víu vào những gì ở trần gian đó là sống đơn sơ, giản dị và khiêm tốn. Như khi ở trong gia đình giàu có hay giỏi giang hơn các bạn thì cũng không kiêu căng, tự mãn, đua đòi, hơn thua hay coi thường các bạn nghèo khổ và dở hơn mình; ngược lại dù phải ở trong gia đình nghèo khổ hay kem cỏi hơn các bạn thì cũng không mặc cảm, tủi thân, đòi hỏi và trách móc cha mẹ. Đó là những biểu hiện ta đang sống tinh thần nghèo khó.

Thứ hai khi ý thức sống tinh thần nghèo khó là như thế thì ta sẽ đi tìm Chúa, thực hành Lời Chúa và luôn phó thác vào Chúa. Như trong đoạn Phúc Âm theo thánh Luca nói về "hạnh phúc thật sự" kể lại: khi Chúa Giêsu đang rao giảng thì có người phụ nữ thưa rằng: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm". Vì bà nghĩ rằng một người mẹ có người con tài giỏi như vậy thì thật là có phúc. Nhưng Chúa Giêsu đã sửa ngay: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa" (Lc 11, 28).

Tóm lại: để có hạnh phúc thật mỗi người luôn biết lắng nghe và thực hành lời Chúa. Nhất là không làm điều gì tội lỗi mất lòng Chúa. Có như thế chúng ta mới có được hạnh phúc thật như lời Chúa hứa trong bài Tin Mừng hôm nay: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ". Amen.

ĐỨC GIÊSU CÔNG BỐ CẨM NANG HẠNH PHÚC.
Mt 5,1-12a                                  

Người ta khao khát hạnh phúc, chúc nhau trăm năm hạnh phúc, tam đa, tam phước... nhưng không biết làm sao để được hạnh phúc thật nên không thấy bóng dáng hạnh phúc ở đâu, vùi đầu chạy tìm ảo ảnh mà họ tưởng là hạnh phúc. Họ như những con thiêu thân  "thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt",  mà để lại "buồn da diết đến nghìn thu". Họ tìm ba T "tài-tiền-tình" Nhưng thực tế đó lại là những thứ vũ khí giết người, và gây đau khổ mà thôi. Nước mắt nhiều hơn nụ cười. Không biết cười hay mếu!

Trước thềm năm mới - tống cựu nghin tân - Đức Giêsu trao cho chúng ta "CẨM NANG HẠNH PHÚC": NƯỚC TRỜI (THIÊN CHÚA) LÀ CỦA HỌ. Thiên Chúa là hạnh phúc. Vấn đề là tin hay không!

Tìm kiếm những gì dẫn đến Thiên Chúa là có hạnh phúc. Từ bỏ những gì làm xa cách Thiên Chúa. Gọi là các mối phúc thật. Phải là chín mới trọn vẹn.

Trước khi giải thích bản văn chúng ta nên lưu ý: Phúc Âm là các thánh sử giải thích "biến cố" Đức Giêsu mỗi người theo một sơ đồ riêng để minh họa một ý tưởng thần học về chương trình cứu độ đã được tiên báo trong Cựu Ước và được thực hiện qua biến cố Đức Giêsu. Không phải là những bài tường thuật hay trình thuật như thường hiểu. Các mối phúc thật cũng vậy, là những "dàn dựng" của Mt hoặc Lc lấy từ biến cố Đức Giêsu và được linh ứng để viết ra cho chúng ta là những đọc giả về sau.

1/ Phúc thật ai có tâm hồn nghèo khó vì nước trời là của họ: Tâm hồn nghèo khó. Bất kể giàu  nghèo, có tâm hồn nghèo khó là phúc thật. Tâm hồn là tấm lòng, trong lòng không đầy ứ sự tham lam của cải thế gian. Không có mà không ham, không tham. Không "bần cùng sinh đạo tặc", không " bụng đói thì gối phải bò" đi trộm cắp, cướp của giết người. Nghèo mà vẫn công chính. Giàu có mà lòng không ỉ lại tiền của, biết coi như không có mà đem làm việc yêu thương thay cho Thiên Chúa để xoa dịu những kẻ đau khổ vì túng thiếu. Đem hết cho Chuá ăn, cho Chúa uống.....

Người nghèo khó trong Cựu Ước cũng như Tân Ước là đối tượng chính được Thiên Chúa quan tâm. Đời nầy không có gì thì (trên trời) Thiên Chúa sẽ thưởng gắp bội vì phần thưởng sẽ lớn lao trên trời: là Nước Trời, là chinh Thiên Chúa. Đáng lẽ phải đi liền theo mối phúc của người nghèo là hai mối phúc của kẻ ưu phiền (Lc: khóc lóc) và đói khát.  Nghèo thì khổ. Nghèo khổ.

2/ Phúc thật ai "Ưu phiền" (khóc loc) vì họ sẽ được an ủi: nghèo thì gặp  trăm ngàn sự khó vì trăm tội đổ trên đầu  thằng khó. Cơm ăn là suối lệ chứa chan. Khổ! Đức Giêsu đến để an ủi những kẻ ưu phiền. Người đang đến, đang hiện diện. Người công bố. Được Thiên Chúa an ủi thí chắc chắn hết ưu sầu.

3/ Phúc thật những ai đói khát sự công chính vì họ sẽ được thỏa lòng. Mt muốn xác định rõ: đói khát mà công chính thì Thiên Chúa mới chúc phúc (chứ không phải mọi kẻ đói khát). Nghèo thì lắm phen đói khát. Nhưng không phải "bụng đói thì gối phải bò", "bần cùng sinh đạo tặc" mà là "bần tiện bất năng di"  (dù bần cùng cách mấy vẫn giữ mình là quân tử).

Phần thưởng lớn lao trên trời:  vì Nuớc Trời là của họ. Thiên Chúa là phần gia nghiệp: không còn khổ "ưu phiền hoặc khó lóc"

Ba phúc thật nầy là khía cạnh tiêu cực: thực tế là vậy. Chỉ mới nói "chịu đựng".

Các phúc thật còn lại đề cập đến khía cạnh tích cực "làm".

4/ Phúc thật ai hiền lành vì sẽ đuợc đất hứa làm gia nghiệp: Hiền như củ khoai. Lành là vô hại, không độc. Hiền lành như bồ câu. Kẻ hiền phải chịu nhiều thiệt thòi có khi xem ra quá sức chịu đựng nữa. Lành thì không lúc nào có chút ác ý. Là một nhân đức ít có. Thiên Chúa hứa đền bù những gì họ chịu mất mát, thiệt thòi: họ sẽ được Nước trời.

5/ Phúc thật ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương: là biết động lòng trước dù là một bất hạnh nhỏ của nguời khác và ra tay cứu giúp ngay. Thuơng xót là biết hành động trợ giúp không thờ ơ, vô tình, bỏ qua trước hoàn cảnh khó khăn của kẻ khác. Đức Giêsu đến để tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa.

6/ Phúc thật ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa: là giữ mình khỏi mọi cám dỗ của thế gian làm ô uế tâm hồn. Hạnh phúc thật được thần học gọi là visio beatifica "thấy Thiên Chúa" sẽ làm thỏa mãn mọi ước muốn của con người. Muốn thấy được Thiên Chúa thì phải giữ mắt không bị vật gì che  chắn. Sạch tội. Tội là vật cản giữa con người và Thiên Chúa. Tội ở trong tâm hồn nên nói tâm hồn trong sạch được xem thấy Thiên Chúa.

7/ Phúc thật ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa: Nói hòa bình là chuyện lớn còn với mợi người trong đời sống hằng ngày là sống hòa thuận, thông cảm, chia ngọt xẻ bùi với nhau cho vui vẻ cả làng. Có nhiều người như vậy thì  có hòa bình lớn. Còn nếu trong lòng còn những tham lam, tranh giành, lấn cấn... thì đừng nói chuyện hòa bình. Nếu tất cả là anh em, là con Thiên Chúa thì có hòa bình. Là con Thiên Chúa mới sống hòa thuận thương yêu nhau. Là con Thiên Chúa thì ở gần và thấy Thiên Chúa: Hạnh phúc thật.

8/ Phúc thật ai bị bách hại vì sự công chính ví nước trời là của họ: Chỉ người công chính mới được phúc của Thiên Chúa. Như Đức Giêsu thà chết chứ không thỏa hiệp để yên thân theo kiểu khôn ngoan thế gian, không đánh mất sự công chính vì bất cứ lý do nào vì công chính mới được thưởng. Phần thưởng Nước Thiên Chúa đóng khung các mối phúc từ 1 đến 8 nói lên phần thuởng duy nhất là Thiên Chúa. Thiên Chúa là phúc thật. Hãy tìm Thiên Chúa bằng 8 cách kể trên. Tám mối phúc thật là 8 "bí quyết" của cẩm nang hạnh phúc do Đức Giêsu công bố (cũng là Thiên Chúa công bố).

9/Phúc thật cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa: Mối phúc nầy phân biệt với  8 mối phúc trên, đặc biệt hơn  là "vì thầy". Số 8 nói bách hại vì sự công chính. Số 9 là vì Thầy, là tử đạo. Vì Thầy, vì Phúc Âm thì giá trị lớn vô cùng, một bát nước lả cũng không mất phần thưởng đâu. Là điều kiện tốt nhất, bảo đảm nhất để được phúc thật là Nước Trời, là Thiên Chúa. Mất mát, thiệt thòi của 8 phúc trên là ít nhiều, là từng phần. Còn số 9 là tất cả ví liều mạng sống vì Thầy và vì Phúc Âm thì sẽ giữ được mạng sống mình cho tới đời đời "trên trời". Là con đường thẳng, ngắn nhất "lên thiên đàng ngay" tức khắc. Là phúc thật tử vì đạo.

Số chín là hoàn hảo. Mt muốn cho đủ chín. Nhưng mỗi mối phúc đều có nội dung riêng rõ ràng.

Anh em hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho anh em trên trời sẽ lớn lao. Chính Đức Giêsu là Phúc thật cho những ngưới anh em của mình. Những người không là anh em của Đức Giêsu thì không tin không theo không làm như Người day thì khống thể có phúc. Không có ban nhưng không như nguời ta thường thích nói để khỏi phải làm (thực tế thì không có).

Hạnh phúc trên trời không phải đợi dời sau mà trên trời có nghĩa là chính Thiên Chúa, là được chính Thiên Chúa hay như thần học định nghĩa hạnhphúc  là "visio beatifica", là thấy Thiên Chúa hay như khi Phêrô thấy Đức Giêsu biến hình vinh quang thì đã thốt lên trong cơn hốt hoảng "Lạy Thầy ở đây thì tốt lắm."

Cuối năm, tống cựu nghinh tân, chúng ta hãy đổi mới cách nhìn và hiểu biết nhất là với Lời Chúa, cụ thể là các mối phuc đề biết hạnh phúc là gì, tìm ở đâu. Đức Giêsu đã đến, đã trao cho chúng ta cẩm nang hạnh phúc thật. Lời Chúa là chân thật. Chúng ta cố gắng hiểu để tin và làm theo thì sẽ được hạnh phúc thật là ở với Chúa, thấy Chúa ngay trong đời sống nầy.

1524    09-02-2011 21:21:14