Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Chúa Nhật IX TN A_2

Khôn Ngoan
Mt 7, 21-27

Khôn ngoan thế gian khác khôn ngoan sự sáng. Người ta học khôn bằng cách học hỏi kiến thức thu góp của người xưa truyền đạt lại, từ đó biến điều học trong sách vở, trong dân gian, cộng với quan sát, lí luận hợp lí, chọn lựa điều hay, loại điều dở rồi tổng hợp lại thành kiến thức riêng mình.

Không thể áp dụng nguyên tắc này để tìm kiếm khôn ngoan sự sáng. Kitô hữu cách nào đó cũng học hỏi dựa vào giáo huấn của các thánh tổ phụ, của các Kitô hữu đi trước, của Kinh Thánh và giáo huấn Giáo Hội. Phần quan trọng nhất là sự linh ứng, hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.


Thánh Thần Chúa đồng hành với ta qua mọi biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống. Nhìn vào các biến cố trong đời người ta nhận ra sự hiện diện của Đấng Tạo Hoá. Khi bệnh tật, chiến tranh loạn lạc, tai nạn xảy ra mấy ai dám tự hào nói nhờ tài riêng vượt thắng mọi tai nạn. Quá lắm chỉ biết dùng đến hai chữ 'may mắn'. May mắn thoát nạn, qua khỏi, may mắn sống sót. May mắn là gì mà trực tiếp can thiệp vào sự sống còn của con người. Thành tâm tìm hiểu sớm muộn gì cũng nhận biết sống sót được qua các biến cố trùng điệp trong đời không phải là may mắn suông mà có Đấng nào đó giúp đỡ. Bàn tay âm thầm nâng đỡ khỏi tan nạn, khỏi chết trong nhiều trạng huống cuộc đời chính là Thiên Chúa.


Như thế khôn ngoan sự sáng không phải tự sức, tài năng mình kiếm được mà là tinh thần khiêm nhu cộng tác với linh ứng của Thánh Thần qua cuộc sống hàng ngày. Nói cách khác khôn ngoan sự sáng có được do khiêm nhường, cởi mở và chân thành yêu mến đón nhận ơn Chúa. Thiếu các điều kiện đó sẽ không nhận được khôn ngoan sự sáng. Ơn chúa ban vì yêu ta. Tình yêu chân chính đòi hi sinh.


Hi sinh bất kể thiệt thòi, lời lỗ. Nói đến lời lỗ là nói đến thương mại. Tình yêu không thể mua bán, đổi chác. Buôn bán, đổi chác thuộc phạm vi tình dục. Xã hội thường có tệ nạn buôn bán tình dục. Không nên lầm lẫn giữa tình dục và tình yêu.


Tình yêu chân chính vô giá, không thể trao đổi, buôn bán. Tình yêu chân chính đòi hi sinh, bất kể hơn thua. Nói đến hơn thua là nói đến đấu tranh, đã là đấu tranh mấy ai chịu phần thua thiệt. Chấp nhận thua là đầu hàng làm gì còn tranh đấu.


BA GIAI ĐOẠN


Không phải hễ biết Chúa là tin Chúa. Biết và tin Chúa là hai sự kiện khác nhau. Tin và yêu mến Chúa là hai trạng thái khác nhau của tâm hồn.


Nhiều người biết Chúa, không tin Chúa. Học cho biết để nhạo báng, với mục đích lí luận, cãi lí xem ai biết về Chúa nhiều hơn mong tìm phần thắng về mình. Học biết Chúa với mục đích khoe kiến thức hơn là học để tin. Nhiều người giảng dậy Chúa cho người khác nhưng chính họ không tin. Họ coi đó như là một nghề kiếm tiền. Có người lợi dụng tiền của đến với Chúa. Trái lại có người lợi dụng Danh Chúa làm tiền thiên hạ. Biết nhiều hơn không hẳn tin nhiều hơn. Trái lại tin mãnh liệt chưa chắc đã biết nhiều.


Biết đi chung với tin là điều tuyệt hảo vì biết nhiều dẫn tới yêu nhiều. Yêu nhiều nên ham học tìm hiểu biết thêm Đấng mình yêu.


KHUÔN VÀNG


Đức Kitô đưa ra hai khuôn mẫu giúp chúng để học hỏi, bắt chước. Thứ nhất ai thi hành thánh ý Chúa Cha người đó mới thực sự yêu mến Thiên Chúa. Không ai thi hành thánh ý Chúa Cha trọn vẹn hơn Đức Kitô.


Tôi từ trời mà xuống, không phải để làm theo ý Tôi, nhưng để làm ý Đấng đã sai tôi
. Gn 6,38

Thứ hai kẻ khôn ngoan sống lời Chúa. Ngoài Đức Kitô ra không ai sống lời Chúa trọn vẹn hơn Ngài.


Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm thì người Con cũng làm như vậy
Gn5,19.

Đức Kitô dùng hình ảnh căn nhà đặt nền tảng trên đá để nói lên sự liên kết với Cha Ngài.


Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.


Hình ảnh trái ngược là hình ảnh tin nửa vời nông cạn, thiếu chiều sâu vừa tin lời Chúa vừa đặt hy vọng vào thế gian.


Còn ai nghe những lời Thầy nói đây mà chẳng đem ra thực hành thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành'.
Mat 7,25-27.

Khuôn mẫu chúng ta cần học, bắt chước, rập khuôn chính là Đức Kitô, Đấng luôn trung thành với ý Chúa Cha và là Đấng sống và thực hành lời Chúa. Kitô hữu được mời gọi sống theo phương thức, mô hình Đức Kitô đã sống để cùng hưởng vinh quang với Ngài.

Lm Vũ đình Tường

KHÔN - KHỜ
Mt 7, 21-27

Ba bài đọc trong Thánh lễ hôm nay như một sợi chỉ đỏ nối kết với nhau nói lên sự lựa chọn của môn đệ của Chúa, trong đó, mỗi kitô hữu chúng ta phải trả lời cho sự lựa chọn đấy. Sự lựa chọn đấy rất rõ ràng chứ không mang tính mập mờ, mang sự lập lờ, mang sự lưỡng lự. Đó là nghe và giữ và không giữ, thế thôi chứ không có sự nhập nhằng.

Trang tin mừng mà chúng ta vừa nghe cho chúng ta thấy hai thái độ rõ ràng của người khôn và ngược lại.


Nghe lời mà đem ra thực hành thì là người khôn, không thực hành là người ngu dại.


Lời ấy là gì ?


Lời ấy cũng chính là lời mà Môsê mời gọi dân Israel trong sách Đệ Nhị Luật mà chúng ta vừa nghe : "Vậy anh em phải lo đem ra thực hành mọi thánh chỉ và quyết định mà hôm nay tôi trình bày cho anh em". (Đnl 11,32)


Thánh chỉ và quyết định mà từ ngàn xưa Môsê đã truyền cho dân đó là gì ?


Đó là anh em dẹp bỏ hết mọi nơi mà các dân tộc anh em sắp trục xuất đã phụng thờ các thần của chúng, trên các núi cao, các ngọn cây và dưới mọi cây xanh. Anh em phải phá huỷ đền thờ của chúng; cột cờ của chúng, anh em phải bỏ vào lửa mà thiêu; tượng thần của chúng, anh em phải vằm nát; anh em phải xoá bỏ tên chúng khỏi nơi ấy. Anh em không được làm như vậy đối với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Anh em sẽ chỉ được tìm Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em ... (Đnl 12,2-4).


Sau đó, Môsê còn chỉ dẫn dân chúng nhiều chi tiết nữa về việc dâng cúng lễ tế, bắt chước các việc tế tự của người Canaan, đề phòng kẻo phải bị lôi cuốn bởi thần ngoại ...


Sau những lệnh truyền là những điều chúc phúc : Nếu anh em thật sự nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em mà lo đem ra thực hành tất cả những mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em hôm nay, thì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em sẽ cho anh em vượt trên mọi dân tộc trên mặt đất, và mọi phúc lành sau đây sẽ đến với anh em và bao trùm anh em, bởi vì anh em đã nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em (Đnl 28,1tt)


Và nếu không giữ thì sẽ bị nguyền rủa : "Nhưng nếu anh em không nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, không lo đem ra thực hành tất cả những mệnh lệnh và thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh em thì những lời nguyền rủa sau đây sẽ đến với anh em và bao trùm anh em ..." (Đnl 28,15tt)


Điểm đầu tiên, điểm căn cốt của giới luật mà Môsê đưa ra cho dân đó là chỉ chỉ được tìm Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em (Đnl 12, 5).


Nhìn lại lịch sử cứu độ của Israel, có người bảo rằng dân Israel sao mà khờ thế, sao mà dại thế, sao mà chẳng giữ luật Chúa qua ông Môsê chi cả để rồi suốt cái hành trình cứu độ đấy có điều gì đó trục trặt giữa hai bên. Một bên là một Thiên Chúa thành tín và yêu thương còn một bên là con người lòng dạ bất nhất, lòng một mà dạ lại đến hai.


Chúng ta thấy có cái gì đó nó khập khiễng giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa mãi yêu thương con người còn con người thì quay lưng lại với Thiên Chúa. Có những lần, Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến để cảnh báo, để nhắc nhở mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người nhưng con người cố tình bỏ ngoài tai để rồi Thiên Chúa giận, có lần Thiên Chúa đã ví dân Israel như là một con điếm ngoại tình vậy.


Chúng ta nhìn lại cuộc đời mỗi người chúng ta, cũng không ít lần chúng ta ngoại tình với Chúa, chúng ta đã không tôn thờ Chúa như Chúa dạy chúng ta như Chúa dạy dân Chúa qua môi miệng của Môsê.


Chúng ta vẫn thi thoảng đã bỏ Chúa ra khỏi cuộc đời của chúng ta mà chúng ta lờ như không biết, vờ như không hay vậy.


Chúa tể chúng ta như Thánh Phaolô nói nó chính là cái bụng. Từ cái bụng ấy không biết bao nhiêu là mưu mô tính toán hơn thua, tranh giành, đố kỵ. Từ những tâm tính như thế, chúng ta đẩy Chúa ra khỏi cuộc đời chúng ta, chúng ta đã đẩy anh chị em đồng loại ra khỏi cuộc đời chúng ta.


Chúa tể của chúng ta có khi là dục tình.

Chúa tể của chúng ta có khi là danh vọng.
Chúa tể chúng ta có khi là tiền bạc.
Chúa tể chúng ta có khi là địa vị.

Nếu chúa tể chúng là những điều phù phiếm ấy là làm Chúa giận, Chúa hờn. Thế nhưng dẫu có giận, có hờn đi chăng nữa nhưng Thiên Chúa mãi mãi là một Thiên Chúa trung tín với con người. Chuyện quan trọng của mỗi người chúng ta là chúng ta có tín trung với Chúa hay không ?


Vấn đề luật mà Môsê đưa ra thật ra như Thánh Phaolô tông đồ gửi cho chúng ta trong thư gửi tín hữu Rôma : "Thưa anh em, ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê. Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ vào lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu... Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng : người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải làm những gì Luật dạy.


Và lòng tin Thánh Phaolô nói đấy nó phải được thể hiện bằng chính đời sống của mỗi người chứ không phải chỉ nói lạy Chúa lạy Chúa là được vào nước trời như Chúa Giêsu đã nói trong đoạn tin mừng mà chúng ta vừa nghe.


Vấn đề căn cốt đó chính là niềm tin và niềm tin đấy phải được hành động chứ không phải niềm tin đấy nói trên môi trên miệng mà thôi.


Niềm tin đấy nó lồng ở trong giới luật mà Thiên Chúa đã gửi đến cho dân mà chúng ta đã nghe đó là : Anh em sẽ chỉ được tìm Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em ... (Đnl 12,4)


Thử hỏi cuộc đời của mỗi người chúng ta, chúng ta đi tìm Chúa hay đi tìm chúng ta ?


Lời của Môsê nói cho dân chúng xưa kia chính là lời mà Thiên Chúa cũng chất vấn mỗi người chúng ta hôm nay.


Giữa một thế giới phát triển chóng mặt, giữa một thế giới khoa học kỹ thuật đã làm những điều kỳ diệu mà con người không thể nào ngờ được, giữa một thế giới mà người ta đã cố gắng để phục vụ sở thích, thèm muốn của con người hết sức có thể thì người Kitô hữu chúng ta, nói riêng, có còn tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa nữa hay không ? Người kitô hữu chúng ta còn thờ một Thiên Chúa duy nhất hay không ?


Vấn đề rõ ràng mà Chúa đã nói cho mỗi người chúng ta, hoặc là khôn, hoặc là khờ.


Con người phát minh nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, đã tìm ra cách chữa trị nhiều chứng bệnh nan y nhưng thử hỏi con người, cách riêng mỗi kitô hữu chúng ta có kéo dài được mạng sống của chúng ta thêm một giây phút nào không khi mà Thiên Chúa mời gọi ta về trình diện với Ngài.


Cách đây non một tháng, biến cố đau buồn tang tóc đã xảy ra cho đất nước Myanma, cho đất nước Trung Quốc. Điều bi thương này chẳng ai muốn nó xảy ra cả nhưng qua đó, chúng ta nhận chân với nhau rằng Thiên Chúa muốn nói cho con người biết rằng con người dù có giỏi dang, có thông minh, có tiến bộ mấy đi chăng nữa nhưng cũng chẳng thể nào quyết định được vận mệnh đời mình.


Làm sao mà có thể chế ngự được thiên nhiên, được bão tố, được động đất. Lẽ ra, con người phải khiêm tốn trước thiên nhiên, trước Thiên Chúa nhưng con người đã không khiêm tốn, con người đã kiêu ngạo trước sự hiện diện huyền nhiệm của Thiên Chúa. Có những người nghĩ ra một uỷ ban thật hay để rồi họ đặt tên cho cái uỷ ban đấy : Uỷ ban phòng chống lụt bão trung ương ! Quá kiêu ngạo khi mà có cả một cái uỷ ban chống Thiên Chúa tận trung ương.


Thế đấy ! Những người không tin họ đã lập nên cái uỷ ban phòng chống Thiên Chúa tận trung ương, còn mỗi người tin chúng ta trước sự hiện diện của Thiên Chúa chúng ta có thái độ như thế nào là tuỳ mỗi người chúng ta.


Chúng ta, trong đời sống thường nhật, chúng ta tin Chúa và chúng ta đáp trả lòng tin của chúng ta bằng những cách hành xử trong cuộc sống. Cách hành xử đấy sẽ bị thiệt thòi, bị thua thiệt trước những người không tin và thường thì chúng ta bị những người không tin cho là khờ khạo nhưng chúng ta hãy yên tâm vì những gì mà thế gian cho là khôn ngoan thì đối với Thiên Chúa, trước mặt Thiên Chúa đó là sự khờ dại.


Nước chúng ta, cùng đích của chúng ta là Thiên Chúa.


Chúa nói rằng những người khờ xây nhà trên cát, sóng có đến, bão có đến thì sụp đổ, còn người không xây nhà trên đá thì mua đổ, sóng cuồng hay bão táp thì không bị sụp. Thật ra, chúng ta không nên hiểu, không nên dừng trên cái căn nhà vật chất, cát đá, xi măng, cốt thép, bê tông ở trần gian này nhưng Chúa muốn mời gọi chúng ta xây căn nhà lớn hơn, căn nhà bền vững hơn và nền tảng được đặt trên chính Thiên Chúa.


Khôn ngoan của con người có đó, những căn nhà cao tầng, những khối bê tông chẳng phải đã được đặt trên những tảng bêtông thật chắc chắn chăng ? Nhưng chỉ cần một trận động đất là không còn hòn đá nào trên hòn đá nào cả.


Vậy, chuyện căn cốt, chuyện cốt lõi hôm nay Chúa mời chúng ta đặt lại cuộc đời chúng ta, chúng ta xây căn nhà cuộc đời chúng ta trên Thiên Chúa hay trên những tảng đá, những mảnh bêtông vật chất?


Nếu chúng ta xác tín cuộc đời chúng ta trường thọ và mãi mãi, căn nhà vật chất thật đẹp đấy mãi mãi là của chúng ta và khi chết chúng ta mang theo nó được về bên kia thế giới thì chúng ta cố gắng để xây dựng cho thật bền để chúng ta mang theo.


Không ! Không bao giờ có được căn nhà vĩnh cửu như nhiều và nhiều người ngày đêm cật lực, nai lưng và thậm chí hy sinh cả con người của mình để xây dựng nhưng thật bi đát là vài chục năm sau thôi thì căn nhà với biết bao nhiêu mồ hôi, biết bao nhiêu nước mắt lại dành cho người khác.


Có người đã đem hết khôn ngoan, hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và là đại hoạ. Chuyện gì sẽ xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả mà con người phải chịu dưới ánh mặt trời ?


Bao công khó của con người chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền ! Ngay cả ban đêm, con người cũng không chắc được yên lòng yên trí.


Đối với con người, không có gì tốt hơn là ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra ! Nhưng thật sự ra những điều ấy lại đến từ Thiên Chúa, vì có ai ăn uống, có ai cảm thấy vui mừng phấn khởi mà không nhờ Thiên Chúa ban cho.


Cùng đích cuộc đời con người là thế nhưng chẳng hiểu tại sao con người lại quá vất vả với cái cùng đích hư vô của cuộc đời quá vắn vỏi, quá tạm bợ này.


Nếu chúng ta xác tín cuộc đời chúng ta thật mong manh, thật mỏng dòn thì chúng ta sẽ xây cuộc đời chúng ta trên nền móng mà cho sóng cuốn, nước trào cũng chẳng bao giờ có thể làm hư mất được.


Thật ra mà nói thì con người của chúng ta, cũng mang trong mình những yếu đuối, những mỏng dòn của phận người như dân Iarael ngày xưa. Dẫu biết rằng Thiên Chúa yêu thương mình nhưng sao mà mình cứ ngoảnh mặt với Thiên Chúa thì phải, mình cứ đạp đổ mình cứ muốn đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình thì phải.


Thế nhưng trên những cái trục trặt, những cái đổ vỡ do sự yếu đuối của con người, điều căn cốt Thiên Chúa vẫn chờ đợi, vẫm mời gọi đó là chúng ta có tin vào Chúa hay không ?


Hôm nay chúng ta thấy rất rõ giữa chuyện khôn và khờ.


Ngày còn bé, tôi vẫn nhớ chúng tôi vẫn chơi với nhau cái trò : thiên đàng địa ngục hai bên, hai bên ai dại thời khôn, thiên đàng có Chúa có Cha, phải lo để sống được lên thiên đàng.


Vâng ! khôn mới được lên thiên đàng nơi có Chúa có Cha chứ còn dại làm gì mà lên thiên đàng được.


Ai đẹp lòng Thiên Chúa, thì Người ban cho trí khôn ngoan, sự hiểu biết và niềm vui.


Chúng ta nhớ lại cả cuộc đời của ông vua Salômôn, ông chẳng xin gì với Thiên Chúa ngoài sự khôn ngoan.


Hôm nay chúng ta cũng bắt chước Salomôn để xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn khôn ngoan mà nhớ xin cái ơn khôn ngoan của con cái Thiên Chúa chứ không phải cái ơn khôn ngoan của con cái loài người.


Ơn khôn ngoan của con cái Thiên Chúa sẽ không đi tìm, không đi xây cho mình những căn nhà thật to, thật đẹp, thật hoành tráng ở trần gian này. Ơn khôn ngoan của con cái Thiên Chúa sẽ đi tìm, đi xây cho mình căn nhà ở trên trời, nơi mối mọt, lũ lụt cũng chẳng bao giờ làm hư được. Đặc biệt, căn nhà trên trời ấy được xây trên nền tảng là Chúa nữa thì chúng ta hoàn toàn yên tâm.


Nguyện xin Chúa Giêsu đến và ở lại mãi trên cuộc đời mỗi người chúng ta, xin Ngài đến và làm nền móng căn nhà của chúng ta để rồi dẫu cuộc đời chúng ta có thế nào đi chăng nữa thì Chúa mãi mãi giữ vững căn nhà của chúng ta.

Anmai, CSsR

Người Mộn Đệ Đích Thực
Mt 7, 21-27

Trong cuộc hành trình theo Chúa Giêsu, những môn đệ được Chúa tuyển chọn luôn phải sống cái cốt lõi của Tin Mừng. Theo Chúa không có nghĩa là được đặc quyền, đặc lợi, được ăn trên ngồi trốc, nhưng theo người phải thực thi lời của Người, phải " vác Thập Giá mỗi ngày mà theo Người ".

LẮNG NGHE LỜI CHÚA VÀ THỰC THI LỜI CỦA NGƯỜI :


Các bài đọc Chúa Nhật hôm nay, đặc biệt bài
Tin Mừng Mt 7, 21-27 cho chúng ta thấy người môn đệ của Chúa phải sống Tin Mừng biểu lộ qua cuộc sống, qua lời rao giảng của mình. Suốt những năm tháng theo Chúa, Người không ngừng nhắc bảo, giáo huấn, dậy dỗ các môn đệ phải sống bản chất, cốt lõi của Tin Mừng. Cái bản chất, cái cốt lõi của Tin Mừng không chỉ sống ngoài môi miệng, sống bề ngoài mà phải sống cái đích thực của đời sống con cái Chúa là yêu thương. Bài Tin Mừng ngày hôm nay cho chúng ta hiểu rõ điều ấy. Chúa Giêsu trình bầy dụ ngôn hai ngôi nhà :

Ngôi nhà xây trên đá thì vững chắc, bền bỉ, dù mưa to, gió lớn, bão táp vẫn không thể nào làm lay chuyển được. Đây là người môn đệ đích thực của Chúa bởi vì người môn đệ chân chính không chỉ kêu ngoài môi miệng :"
Lạy Chúa, lạy Chúa " là đủ, là hoàn thành công việc của mình,nhưng người ấy phải thực hành lời của Chúa. Người môn đệ đã lắng nghe lời Chúa, đã tin vào Người, phải biết thực thi lời của Người trong cuộc sống vì thánh Giacôbê đã viết một câu rất chí lý :" Đức tin không có việc làm là đức tin chết ". Người môn đệ thật của Chúa là người vừa biết lắng nghe lời Chúa cách chăm chú, vừa biết sống bác ái, yêu thương như Chúa.

Ngôi nhà xây trên cát là hình ảnh người nghe lời Chúa mà không đem ra thực hành trong đời sống, chỉ nói "
Giêsu" ngoài miệng lưỡi mà không yêu như Chúa đã yêu. Cái trớ trêu của Tin Mừng là thế. Lời Chúa không chỉ đọc, không chỉ nghe cho vui tai, nhằm thỏa mãn sự tò mò của con người, nhưng phải được thực thi trong đời sống của mình. Cũng vậy, bác ái không chỉ dùng nói suông, mà phải thực hành bằng những việc làm cụ thể. Chúa Giêsu đã tới trần gian, đã sống trong lịch sử con người bằng chính Con - Người - Chúa Của- Mình. Người đã sống như mọi người ngọai trừ tội lỗi. Đó là bằng chứng hùng hồn nhất Chúa làm gương cho con người, cho loài người. Chúa rao giàng Nước Trời, loan báo Thập Giá không chỉ là một mớ trừu tượng, một mớ những lý thuyết viển vông, khô cằn mà Người đã đi tới cùng tình yêu, đi tới cùng lời rao giảng của Người bằng cái chết trên Thập Giá.

NGƯỜI MÔN ĐỆ PHẢI ĐÁP TRẢ LẠI TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA:


Nói cho cùng không thể làm môn đệ của Chúa mà không sống và thực thi lời Chúa. Không thể rao giảng lời Chúa chỉ bằng những lời lẽ viển vông, xa lạ, máy móc. Không thể là con Chúa mà lại sống như một người máy không hồn. Không thể nói về Thập Giá mà lại không kê vai vác Thập Giá của mình mỗi ngày để theo Đức Kitô. Người môn đệ hay nói nôm na, người Kitô hữu không thể theo Chúa, sống niềm tin mà lại không dấn thân, không cố gắng mỗi ngày để trở nên hoàn thiện như Cha trên trời. Trong đời sống, chúng ta đã học hỏi được biết bao gương sáng của những môn đệ Chúa, những người nói ít nhưng sống, thực thi bác ái triệt để. Đời thường chung quanh ta đã cho ta thấy những người chỉ hô hào suông ngoài môi miệng, nói nhiều nhưng thực hành ít, nói bác ái mà sống ngược lại, đó là những người giả hình, không sống niềm tin đích thực. Một Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã luôn sống thương yêu, thiệt thòi miễn sao Chúa được vinh hiển. Một Mẹ Têrêsa Calcutta đã sống tận Tin Mừng cùng như Chúa đã yêu đối với đồng loại. Một cha sở họ Ars đã sống bác ái trọn hảo đối với mọi người và còn biết bao nhiêu là gương sống và thực thi lời Chúa chúng ta không bao giờ có thể kể cho hết được. Cuộc đời đã dậy cho chúng ta nhiều bài học cụ thể : đời sẽ qua đi, chân lý và bác ái, lòng đạo đức, thánh thiện mới tồn tại. Người môn đệ của Chúa phải luôn đáp lại tình thương vô biên của Chúa.


Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn biết lắng nghe lời của Chúa và thực thi lời Chúa trong đời sống chúng con. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Bởi Tin Chứ Không Phải Bởi Việc Làm Luật Dạy
Mt 7,21-27

"Nhà xây trên nền đá và nhà xây trên cát".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời".

Trong ngày đó, nhiều người sẽ nói với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã không nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, và nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó ư?"

Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với chúng rằng: "Ta chẳng hề biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta".

Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây, và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến, và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá.

Và hễ ai nghe những lời Thầy nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".


Suy Niệm:

Chúa Nhật IX Thường Niên A

Tl 11,18.26-28; Rm 3,21-25a.28; Mt 7,21-27

Ðời sống con người không phải chỉ có những khó khăn trước mắt. Chính cuộc sống hàng ngày đã là một khó khăn; vì ngày nào ngày nào con người cũng phải cố gắng; ngưng các cố gắng này, đời sống chẳng còn ra gì nữa. Và con người phải cố gắng về nhiều mặt. Hôm nay Lời Chúa bảo chúng ta phải cố gắng về mặt đạo đức, đem Lời Người ra thực hành.

A. Lệnh Truyền Của Chúa

Bài sách Thứ luật đơn sơ vắn tắt. Nó làm vọng lại thời xưa; nhưng chân lý của nó vẫn có giá trị hiện đại. Ðó là những lời Thiên Chúa trực tiếp nói với dân Israel ở thời Giao Ước núi Sinai. Ðúng hơn, đoạn trích hôm nay kết thúc những chương trình bày giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Người.

Người đã cho Dân ấy hiểu rằng chính Người đã ra tay oai hùng và mạnh mẽ cứu Dân ra khỏi đất tôi mọi. Người muốn chọn họ làm Dân Riêng của Người nếu họ bằng lòng chỉ nhận Người làm Chúa. Dĩ nhiên trăm người như một, họ đã đồng thanh hưởng ứng vì uy quyền và ân huệ của Thiên Chúa trong việc cứu Dân đang còn rõ ràng trước mắt. Họ thấy theo Người không thiệt gì cả mà chỉ có lợi, vì nếu không, nay họ đã không là một Dân có lịch sử và tương lai nhưng đã hao mòn, mạt kiếp nơi chỉ toàn gặp những chuyện bất công ức hiếp. Do đó trong lúc phấn khởi, họ đã nhận hết mọi lệnh truyền của Chúa do Môsê truyền lại. Ông đã ghi tất cả vào bia đá và sách vở. Nhưng chưa đủ. Cần thiết hơn là mỗi người phải nắm vững, và đem ra thi hành. Thế nên để kết luận, Môsê nói với Dân những lời chúng ta vừa nghe đọc.

Ông yêu cầu họ hãy đặt lệnh truyền của Chúa vào lòng, vào linh hồn; hãy buộc nó làm dấu nơi tay để luôn có thể nhìn thấy; cũng như hãy lấy nó làm khăn chít nơi trán để nhắc nhở cho nhau. Bởi vì hạnh phúc tùy thuộc ở việc tuân giữ lệnh truyền ấy. Người ta sẽ được chúc lành khi đem nó ra thi hành; ngược lại họ sẽ bị chúc dữ khi lạc xa đường lối Thiên Chúa đã vạch ra. Không tất nhiên Người phải phạt họ. Chính đường lối họ đi theo khi bỏ đường lối của Thiên Chúa sẽ đưa họ đến những bất hạnh vô cùng khốn khổ. Ðó là con người của tà thần nơi các dân ngoại. Bước vào con đường đó, Israel sẽ ra khỏi Lời Hứa và mất tất cả những gì làm cho Dân ấy nên vinh dự và độc đáo. Israel sẽ ra khỏi ơn gọi làm Dân Riêng của Thiên Chúa và không còn lẽ sống đặc biệt nữa. Do đó đứng trước lệnh truyền của Chúa là đứng trước lời chúc lành hay lời chúc dữ, là đứng trước hạnh phúc hay bất hạnh, sự sống hay sự chết. Israel có quyền lựa chọn. Thiên Chúa kính trọng sự tự do của con người. Tuy nhiên không lúc nào Người không muốn Israel lựa chọn đường lối sự sống. Ðến nỗi sau khi đã nhiều lần nhiều cách khuyên nhủ họ qua các tiên tri, cuối cùng Người đã phải sai chính Con Một của Người đến để giúp họ, kéo họ trở về với lệnh truyền và chúc lành của Người. Ðó là Ðức Yêsu Kitô mà hôm nay bài Tin Mừng cho chúng ta thấy cũng đang kết thúc Bài giảng trên Núi, giống như Môsê đã kết thúc huấn từ về Giao ước trong bài sách Thứ luật vừa nghe.

B. Hãy Xây Nhà Trên Ðá

Thật vậy đoạn Tin Mừng hôm nay kết thúc một bài giảng dài trong sách Tin Mừng Matthêô. Ðó là Bài giảng trên Núi, khởi đầu với các mối phúc thật. Rồi Chúa Yêsu đã đề cập đến việc cầu nguyện ăn chay và bố thí, là những việc đạo đức đặc biệt trong dân Dothái. Người cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác nữa. Cuối cùng nhìn vào đám thính giả đang chăm chú nghe, Người như muốn nói với các cộng đồng tín hữu cử hành Phụng vụ của Người sau này. Nói đúng hơn, tác giả sách Tin Mừng nhìn thấy các cộng đồng Kitô hữu nơi đám thính giả đang chăm chú nghe Ðức Yêsu. Và người muốn đặt những lời này trên miệng Chúa: "Không phải mọi kẻ nói với Ta: lạy Chúa! lạy Chúa! là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành Ý Cha Ta".

Những ai quen biết Kinh Thánh lập tức đã nhận ra bối cảnh của ngày chung thẩm trong những lời vừa nghe. Người ta đến lay cửa Nước Trời như những trinh nữ khờ dại, không chuẩn bị dầu đèn, nên khi mọi người đã vào phòng cưới và cửa đã đóng mới chậm chân đến gõ cửa xin vào (25,11). Ðức Yêsu bấy giờ không còn như lúc rao giảng ở trần gian nữa. Người đã là "Chúa". Tước hiệu đặc biệt này Người đã nhận được khi sống lại và người ta được chiêm ngưỡng khi Người trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Sách Tin Mừng Matthêô hay dùng chữ "trong ngày ấy" để nói về thời thế mạt.

Vậy trong ngày ấy, nhiều kẻ sẽ đến nói với Ðức Yêsu: Lạy Chúa, lạy Chúa! Họ làm chúng ta liên tưởng đến những con người quen đọc kinh, những người thường đọc kinh và đọc kinh nhiều, nhưng lại là những kẻ không thi hành Thánh ý Chúa. Họ giữ đạo như những người nơi dân ngoại và như dân Dothái mà các tiên tri đã nói rằng họ chỉ thờ Chúa bằng môi miệng, còn lòng họ thì ở xa Người. Dĩ nhiên những người như vậy sẽ không được Ðức Kitô nhìn đến.

Ở đây, sách Tin Mừng Matthêô còn nói đến cả những người đã nhân Danh Chúa mà nói tiên tri, nhân Danh Người mà trừ quỷ, nhân Danh Người mà làm phép lạ. Ðó chẳng phải là những người ở trong hàng ngũ môn đệ sao, mà sách Tin Mừng đã có lần nói rằng họ cũng được Chúa sai đi giảng đạo và họ cũng đã làm được nhiều phép lạ? Phải, có nhiều người ở trong Giáo hội, ngay cả nơi phẩm trật Hội Thánh nữa vẫn "nhân Danh" Chúa mà làm nhiều truyện. Trong ngày ấy họ đến với Chúa; họ chào Chúa: lạy Chúa, lạy Chúa; nhưng họ sẽ được trả lời: Ta không hề biết các ngươi! Nghĩa là Ta không thấy có gì mật thiết với các ngươi, Ta không thấy các ngươi là bạn hữu, vì như lời Phaolô nói: có những kẻ làm phép lạ mà không có đức mến. Những người ấy đã làm việc chiếu lệ. Và tệ hơn nữa, lời Tin Mừng hôm nay nói: họ hết thảy là phường tác quái. Tác giả Matthêô quen dùng từ ngữ này để nói đến những hành động thiếu bác ái, yêu thương (xem 13,41; 23,28; 24,12). Và như thế làm chúng ta thấy rõ những lời Chúa phán xét ở đây cũng y hệt như ở một đoạn khác, đoạn 25 trong sách Tin Mừng Matthêô nói về chung thẩm. Và Người cũng nói với những kẻ không thi hành bác ái rằng: hãy xéo đi xa Ta! y như hôm nay Người tuyên bố với hạng người không thi hành Lời Chúa.

Tuy nhiên chúng ta đừng nghĩ tưởng Nước Trời và hạnh phúc thiên đàng như một thứ phần thưởng ngoại tại sẽ được trao tặng cho những kẻ thi hành Ý Chúa. Nhưng cây xiêu đàng nào thì đổ đàng ấy. Con người không giữ Luật Chúa, thì như lời sách Thứ luật hôm nay nói, họ đã đi vào con đường bất hạnh. Và con người không làm bác ái, thì đã là phường tác quái. Ðời sống và công trình của họ giống như của người xây nhà trên cát: mưa đổ, sông tràn, gió thổi, nó sập và sập đổ lớn.

Ðây không phải là văn chương. Ðó là những nét gợi lại cảnh hồng thủy ngày xưa và gợi lên cảnh trời long đất lở trong ngày chung thẩm. Vào ngày đó, con người tác quái sẽ thấy họ đã sống vô ích. Công việc họ làm theo thế gian đã qua đi với thế gian. Thánh Phaolô bảo trong ngày đó chỉ còn đức ái tồn tại. Và ở đây thánh Matthêô nói, chỉ còn cuộc đời bác ái mới đứng vững trước mặt Chúa. Chính Người là Ðá Vững Chắc để ai gắn bó với Người mới tồn tại qua các cơn phong ba và đặc biệt trong cơn bão táp cuối cùng là thời tận thế. Thánh Yoan nói: "Ai bảo mình biết Chúa Yêsu mà không giữ lệnh truyền của Người, thì là kẻ nói láo" (1Yn 2,3-6). Lời ấy có thể giải thích vì sao "trong ngày ấy nhiều kẻ nói với Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa... mà sẽ bị Ta tuyên bố: Ta không hề biết các ngươi".

Do đó, giữ đạo không phải chỉ là đọc kinh xem lễ, nhưng nhất là lắng nghe Lời Chúa và thi hành Ý Người. Chính Người đã phán: chỉ những ai làm như vậy mới là mẹ, là anh, là em của Người, nghĩa là mới có tình nghĩa với Người và mới có đức bác ái.

C. Bởi Tin Chứ Không Phải Bởi Việc Làm Luật Dạy

Ðọc qua, chúng ta có thể tưởng Phaolô không nhất trí với sách Thứ luật và Tin Mừng Matthêô. Người nghĩ rằng "con người mà được giải án tuyên công (= được công chính hóa) ấy là bởi tin, chứ không phải bởi việc làm Luật dạy". Do đó người Tin Lành thường nói: chúng ta được rỗi chỉ nhờ lòng tin.

Tuy nhiên chúng ta có thể tạm phân biệt hai giai đoạn trong cuộc đời của người tín hữu: lúc họ đi từ nơi tối tăm sang nơi ánh sáng, tức là từ tình trạng tội lỗi được trở nên công chính; và cuộc đời từ đó trở đi. Ở đây thánh Phaolô muốn nói đến giai đoạn thứ nhất, lúc con người được công chính hóa, nghĩa là được tha thứ tội lỗi để nên thánh thiện, được giải án là con cái của lôi đình giận dữ để được tuyên bố là con cái của ân sủng và tình thương. Ðiều này không tùy vào luật nào hay việc nào, nhưng hoàn toàn chỉ nhờ bởi tin vào Ðức Yêsu Kitô, Ðấng mà Thiên Chúa đã bày ra trước mắt thiên hạ như phương xá tội. Chỉ nhờ ơn Người, nhờ việc cứu chuộc trong Máu Người mà mọi kẻ tin đều được công chính hóa.

Ðàng khác, "tin" đối với thánh Phaolô không chỉ là một hoạt động của trí tuệ chấp nhận chân lý, nhưng tự bản chất là một hoạt động của cơ thể con người hiến thân cho mạc khải cứu độ của Thiên Chúa. "Tin" như vậy chính là "yêu", và yêu không chỉ ở trong tư tưởng nhưng là dấn thân và hành động. Người ta tin Phúc Âm thì vâng lời Phúc Âm; và người ta tin Chúa thì phải giữ lệnh Người truyền.

Phaolô và Matthêô không nói khác nhau như thoạt đầu chúng ta tưởng. Phaolô nói đến hành vi vào đạo; đang khi Matthêô nói với một cộng đoàn đã có đạo. Nhưng trong tư tưởng của cả hai tác giả, tin vẫn là dấn thân cũng như không được kêu "lạy Chúa, lạy Chúa" mà không giữ lệnh Người truyền. Phaolô phi bác giá trị của các việc Luật dạy làm khi người ta quả quyết chúng có thể giải án tuyên công, tức là cứu chuộc con người ra khỏi tội lỗi. Vì như vậy mầu nhiệm Chúa Yêsu Kitô và việc Người hy tế sự sống mình trở nên vô ích. Còn Matthêô lại nói đến các việc làm mà đức tin đòi buộc để chứng tỏ đức tin chân thật. Phụng vụ hôm nay đọc cho chúng ta nghe lời của cả hai tác giả để chúng ta có một cái nhìn đầy đủ và hàng ngày biết sống xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu.

 

1361    02-03-2011 12:00:27