Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Chúa Nhật Lễ Lá A_4

MẦU NHIỆM ĐÂU KHỔ

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Lá đọc lại Bài Thương Khó của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Tiếp đến là Tuần Thánh, cao điểm tưởng niệm cuộc khổ nan của Chúa. Trong bầu khí suy niệm về thập giá-con đường Chúa chọn để cứu nhân lọai, chúng ta nghĩ về Mầu Nhiệm Đau Khổ.

Gọi đau khổ là một mầu nhiệm theo nghĩa "bí nhiệm, khó hiểu" cũng được; hay theo nghĩa của Gabriel Marcel : nó là "huyền nhiệm", khác với "vấn đề", chúng ta không thể giải quyết cách khoa học, mà là cảm nghiệm cá nhân của người từng kinh qua cũng mới hiểu, cũng đúng.

Người ta quá quen với lời than van " Đời là bể khổ, hữu thân hữu khổ". Cái khổ đã trở thành qui luật của cuộc sống con người, do "bệnh, lão, tử", và ngày nay cho rằng cả "sinh" nữa, đều làm cho con người đau khổ. Sợ "sinh" làm khổ nhân lọai nên ngày nay người ta "chống sinh".

Có nhiều nguyên nhân gây đau khổ mà kinh nguyện xưa gọi là ".. . đói kém, ôn dịch, mất mùa, giặt giả", có khi bí ẩn người ta cho là do "số phận". 

Tuy nhiên, có thể coi con người là nguyên nhân chính của sự đau khổ. Nỗi khổ của lụt lội, hạn hán, bệnh dịch.. . , hay ngay cả sóng thần mà ta qui cho thiên tai, cũng có nguyên nhân sâu xa do con người tàn phá thiên nhiên, vắt kiệt thiên nhiên làm thiên nhiên "nổi giận". Còn chiến tranh, khủng bố, diệt chủng, phá thai, bắt con người làm thí nghiệm, vu khống, trù dập, chửi mắng.. . gây buồn, khổ và hại người khác, thì quá rõ trực tiếp là do con người. "Người với người là chó sói", "tha nhân là hỏa ngục" là thế !

Thái độ của người Kitô Hữu trước đau khổ thế nào ?

Vẫn biết tội là nguyên nhân của sự đau khổ "Từ tội đầu tiên (nguyên tội), cả trần gian này chìm trong tội lỗi : huynh đệ tương tàn, khởi đầu là Cain giết Aben (St 4, 3-15), tiếp đến là sự xa đọa của loài người.. . " (Giáo Lý Tòan Cầu số 401), nhưng chúng ta không theo quan niệm "trời trả báo" để qui gán sự đau khổ là hậu quả tất yếu do tội lỗi của cá nhân đương sự hay sự thất đức của gia đình. Khi thấy người mù từ khi mới sinh đau khổ trong cảnh mù lòa, các Tông đồ hỏi Chúa : bởi tội của y hay do tội cha mẹ y mà y phải chịu vậy, Chúa Giêsu trả lời : "Không phải anh ta cũng chẳng phải cha mẹ anh ta phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh ta." (Ga 9, 2-3).

1.Cựu Ước :

Người công chính vẫn phải đau khổ, đau khổ nhiều hơn nữa thì phải. Chính ông Gióp trong Cựu ước là một bằng chứng. Rồi Môsê-Tôi tới trung thành, rất được Chúa yêu mến đã đau khổ vì Dân Chúa : "Con phải làm gì cho Dân này bây giờ ? Một chút nữa là họ ném đá con !" (Xh 17, 4) khi dân chúng gây sự, kêu trách Môsê. Môsê đã đau khổ tột cùng đến nỗi phải xin được chết đi cho rồi : "Ông Môsê thấy dân tụm năm tụm bảy theo thị tộc mà than khóc tại cửa lều mình. Còn Đức Chúa thì bừng bừng nổi giận. Ông lấy làm khổ tâm và thưa với Đức Chúa : Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài ? Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con ? Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không ? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ.. . nếu Ngài xử với con như vậy thì thà giết con đi còn hơn." (Ds 11, 10-15). Nhân vật vĩ đại của Cựu Ước, người diễm phúc được Chúa hứa "Ta sẽ ở với ngươi" (Xh), được diện đối diện với Chúa, đã đau khổ nhiều trong trong thân xác khi lữ hành 40 năm sa mạc, lại chịu những đau khổ tinh thần đến thế !

2.Đức Kitô

Từ đây chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên khi Đức Giêsu Kitô, Đấng Chúa Cha phán "đẹp lòng Ta mọi đàng" phải trở thành Người Tôi Tớ Đau Khổ, phải thốt lên lời Thánh Vịnh bi ai : "Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi" (Tv 22, 2; Mt 27, 45) khi bị treo trên thập giá.

Chúa chúng ta không chỉ chịu đau đớn nơi thân xác mà còn chịu đau khổ trong hồn khi bị Giuđa phản bội, Phêrô chối từ, môn đệ bỏ trốn, dân chúng sỉ nhục, bị nhổ vào mặt.. . Bởi Chính Ngài là "Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nổi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta." (Dt 4, 14-15) hưởng nếm trọn vẹn tiếng kêu than của thân phận con người bị vùi dập tứ bề, được diễn tả qua lời Thánh Vinh : 

-Khi bị người tín cẩn phản bội : "Giả như tên địch thù phỉ báng, thì tôi cũng cam lòng, hay kẻ ghét ghen lên mày lên mặt, tôi có thể lánh đi. Nhưng đây lại là bạn, người đồng vai đồng vế, chỗ thân tình tâm phúc với tôi, đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi." (Tv 55, 13-14)

-Khi Chúa bị bao vây bắt trong vườn Dầu : "Kẻ thù con lòng chai dạ đá, mở miệng ra là ngạo mạng khinh đời, rầm rập tới kìa chúng đa bao quanh, mắt trừng trừng như muốn quật con xuống đất, thật giống loài sư tử chực nuốt sống ăn tươi, hệt như con mãnh thú, rình rập ở bụi bờ" (TV 17, 10-12); "Sóng tử thần dồn dập quanh tôi, mạng lưới âm ty bủa vây tứ phía" (Tv 18, 5); 

-Khi bị đánh đòn, giầy đạp, kéo lôi.. . "Lạy Thiên Chúa xin thương xót con cùng, vì người ta giày xéo thân con, và suốt ngày tấn công chèn ép" (Tv 56, 2); "Lạy Chúa, xin xót thương, bởi vì con lâm cảnh ngặt nghèo. Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ, khỏi người bách hại con. Lạy Chúa, xin đừng để con phải nhục nhã, vì đã kêu cầu Ngài" (Tv 31, 10.16.18); 

-Khi Chúa bị nhổ vào mặt và bị chê là điên khùng : "Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi khinh thường" (Tv 21, 7); 

-Khi bị người ta tố cáo vu khống : "Lạy Chúa, xin đừng phó mặt con cho kẻ thù hung hãn; vì lũ chứng gian đứng dậy tố con, giương bộ mặt hằm hằm sát khí." (Tv 27, 12)

.. . Bộ phim cuộc thương khó nổi tiếng mới đây của đạo diễn Mel Gibson diễn tả khá đạt sự đau khổ này.

4.Thánh Phaolô, 

Chính Thánh Phaolô, Tông đồ dân ngoại cũng đã đau khổ nhiều. "Tôi nói như người điên : tôi còn hơn họ nữa ! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần súyt chết. Năm lần bị người Dothái đánh 40 roi bớt một; ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi..." (2 Cr 11, 23-25)

Đó là những đau khổ thể xác Phaolô chịu, ngài còn bị một "cái dầm" mà các nhà chú giải cho rằng đó là chứng bệnh kinh niên, phải mang cả đời : "Và để tôi khỏi tự cao tự đại về những mạc khải phi thường tôi đã được, thân xác tôi đã bị một cái dầm đâm vào, một thủ hạ Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thóat khỏi nổi khổ này. Nhưng Ngài quả quyết đối với tôi : ơn của Thầy đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối." (2 Cr 12, 7-9)

Phaolô cũng đã bị khổ tâm do nhiều người khác gây nên trong ba cuộc hành trình truyền giáo, ngài đã chia sẻ với các tín hữu Corinthô : "Thật thế, tôi đã đau khổ nhiều, nước mắt chan hòa, lòng se lại mà viết cho anh em.. . " (2Cr 2, 4) và với Timôthêô: "Alexandre, người thợ rèn, đã gây cho cha nhiều khốn khổ; Chúa sẽ cứ việc anh làm mà trả báo, cả con cũng hãy đề phòng anh ta, vì anh ta mạnh mẻ chống lại lời chúng ta rao giảng." (2 Tm 4, 14-15)

5.Các thánh đã trải nghiệm sự đau khổ.

-Thánh Phanxicô Assisi ốm đau liệt lâu ngày đến nổi hễ cử động tứ chi là phải đau đớn ghê sợ, nhưng đã gọi sự đau đớn của ngài là "chị em thân thiết". 

-Thánh nữ Bernadette, người được Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, đã từng chữa lành bệnh tật cho người khác cũng phải đau khổ nhiều : bị chống đối, chịu sỉ nhục, bị bệnh xuyễn hành hạ từ nhỏ và ngày càng trầm trọng cho đến chết. 

-Thánh nữ Magarit đệ Cortone chịu đau khổ vì Chúa đã nói : "Ngày nào con còn sống, con hãy chuẩn bị để chiến đấu và chịu những đau khổ gây gắt, vì vàng lọc trong lửa, nên Ta cũng sẽ tẩy rửa con bằng khổ cực, cám dỗ, tàn tật, đau đớn, lo sợ, thức khuya dây sớm, nước mắt, đói khát và ẩm thấp. Vì khi con đã được thanh tẩy, con sẽ vào nơi vinh hiển của hạnh phúc đời đời." (Lm. Hocedez, Tin Mừng về Đau Khổ, trang 62)

Đó chính là giá trị của đau khổ mà thánh Phaolô đã xác quyết : "Thật vậy, tôi nghĩ rằng đau khổ bây giờ chúng ta chịu bao giờ so sánh được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta." (Rm 8, 18); "Giờ đây tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích của thân thể Người là Hội Thánh." (Cl 1, 24)

Thánh Phêrô, người trước kia sợ đau khổ đã chối Thầy, nhờ sức mạnh của Thầy đã tự nguyện xin đóng đinh ngược vì không xứng chết như Thầy, khích lệ những ai đau khổ : "Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hĩ." (1 Pr 4, 13)

Vậy chúng ta phải tôn vinh đau khổ và chạy đi tìm đau khổ ư ? Không, không phải thế và nhất là không bao giờ gây đau khổ cho nhau. 

Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, đau đớn trong bệnh tật tâm sự : "Em vui vẻ vì trong mình đang phải đau đớn, em vẫn phải cố gắng yêu quí sự đau khổ và tiếp nhận đau khổ cách niềm nở, tươi tỉnh.. . nay em mỉm cười trước đau khổ và trong đau khổ, với em đã là một tâp quán." Vị thánh nữ tiến sĩ, qua đời ở tuổi 24 trong bệnh tật, người mà bác sĩ trị bệnh phải thú nhận : "Chà, các bà mà hiểu được sự đau đớn của người ! Tôi chưa thấy ai phải đau đớn thế mà lại vui vẻ được thế ! Lạ lùng ! Chính là một thiên thần! Tôi không thể chữa được người, linh hồn ấy đã bất phục thủy thổ trần gian !", người nữ tu trẻ vui cười trong đau khổ như là một tập quán, thế nhưng đã khiêm tốn nhìn nhận : "Tuy nhiên chẳng khi nào con dám xin Chúa gởi đau khổ cả thể, vì con hèn sức yếu đuối lắm ! Con mà xin thế những đau khổ ấy sẽ thuộc về con và riêng sức con phải gánh chịu, nhưng sức riêng con có làm nên trò trống gì bao giờ." (Môt Tâm Hôn, trang 255-256).

Bởi vậy, đối đầu với đau thương thử thách, chúng ta chỉ biết chạy đến Chúa "là Đá Tảng, chiến lũy, cứu tinh, thạch động, khiên thuẩn, uy quyền cứu độ, sức hộ phù." (x. Tv 17, 2-7) của chúng ta. Và hãy khích lệ nhau, cũng như tự khích lệ mình rằng : "Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên can đảm lên nào ! Hãy cậy trông vào Chúa" (Tv 27, 14). "Lạy Chúa, Chúa cho của cải, Chúa vuốt ve, vì sợ con qua mệt nhọc trên đường về quê, Chúa lấy lại, Chúa đánh mắng, Chúa điều khiển để chúng con khỏi rời xa nẻo chính. Nhưng dầu Chúa có vuốt ve hay đánh mắng, Chúa vẫn là nơi ẩn náu của chúng con" (Thánh Augustin)

Không cần tìm đau khổ (vì sẽ tự nó đến) và không ngạc nhiên gặp khổ. Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, cũng đang hy sinh trong những thử thách về sức khỏe của tuổi già sau quảng đường dài phục vụ quên mình. Ngài đang hướng dẫn Giáo Hội bằng con đường thập giá của Thầy Giêsu Chí Thánh.

Đối mặt với đau khổ hiện tại, chúng ta thực hành lời dạy của Thánh Giacôbê Tông Đồ : "Ai trong anh em đau khổ ư ? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng ? Người ấy hãy hát thánh ca." (Gc5, 13) hầu hướng đến tương lai đầy hy vọng của trời mới đất mới, nơi : "Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết, tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điêu cũ đã biến mất." (Kh 21, 4)

Lm Phêrô Nguyễn Hữu Duy

RỘNG LÒNG ĐÓN NHẬN LỜI CHÚA 
Mt 26, 14-27, 66

Thưa quý vị. Xin trích dẫn ra đây mấy câu Kinh Thánh thuộc bài đọc 1 thánh lễ để chúng ta suy niệm : "Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế tôi không hổ thẹn, vì thế tôi trơ mặt ra như đá, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng." (Is 50, 7) Quý vị đã bao giờ tưởng tượng "trơ mặt ra như đá" là như thế nào chưa ? Tiên tri Isaia dùng hình ảnh này để mô tả người tôi trung của Thiên Chúa trong bài ca thứ 3. Người tôi tớ trung thành sẽ là dụng cụ Thiên Chúa dùng để cứu thoát dân tộc Do thái khỏi ách nô lệ Babylon. Hiện thời dân Do thái đang sống lưu đày khắp đế quốc Assyria, làm những công việc khổ sai cho ông chủ Ba tư. Họ không còn là một dân tộc có chủ quyền, nhưng là dân bại trận, bị phát lưu để trừ hiểm hoạ nổi loạn. Số phận của họ lúc này thê thảm và bế tắc, không tương lai, bị áp bức cùng cực. Nhưng Thiên Chúa cho họ một tia hy vọng qua lời sấm của ngôn sứ Isaia : "Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng, vì có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi." Trong cuộc sống tôi đã từng được chứng kiến những khuôn mặt "trơ như đá" nơi các lực sĩ, quyết tâm chiến thắng trong những cuộc thi đấu. Thí dụ các lực sĩ Marathon với con đường dài hàng chục cây số, nóng bức khát nước. Lance Armstrong cương quyết với căn bệnh ung thư mới khỏi, vượt xa các đối thủ khác trong cuộc đua xe đạp leo núi vừa vất vả vừa nguy hiểm, để chiếm vô địch thế giới. Một cô bé 14 tuổi đã đanh mặt chai như đá khi nhìn độ cao chiếc ván bật mà cô sắp leo lên để nhảy xuống hồ bơi đoạt huy chương vàng thế vận hội mùa hè ở Sydney (Úc). Tiên tri Isaia đã dùng hình ảnh này hằng ngàn năm trước để mô tả gương mặt người môn đệ Thiên Chúa trước sứ vụ khó khăn. Chúng ta hãy đọc ngược trở lên vài câu để thấy rõ dung mạo của ông : "Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng người đánh thức, người đánh thức tôi để tôi lắng nghe như một người môn đệ." Như vậy, nhiệm vụ của người môn đệ là giáo huấn dân tộc Do thái đang trong kiếp nô lệ, mòn mỏi vì những lời hứa hão huyền của các ngôn sứ giả, đến nỗi họ nghi ngờ luôn các tiên tri đích thực, mặc dầu đã "rã rời" trong kiếp sống lầm than. Đây cũng là điều các nhà giảng thuyết tân thời nên lưu tâm. Chúng ta đa phần chỉ hùng hồn trong những sáo ngữ, không có thực chất để bảo đảm. Sống nhung lụa với đầy đủ tiện nghi mà rao giảng nghèo khó thiếu thốn thì quả là nghịch lý, chẳng ai tin. Ăn uống no đủ béo tốt, phương phi mà rao giảng ăn chay hãm mình thì chỉ là lừa dối, phỉnh gạt. Cứ xem hoàn cảnh của người tôi tớ hôm nay thì quá rõ. Ông rao giảng sứ điệp của mình trong đau thương nhịn nhục : "Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ." Vậy mà vẫn bị thiên hạ từ chối, bêu diếu và tẩy chay.

Tuy nhiên, người môn đệ không nhụt chí trong nhiệm vụ Thiên Chúa trao. Ông đặt trông cậy vào Ngài và tin tưởng Ngài sẽ báo oán cho những khổ nhục phải chịu. Mặc dù bị loại trừ một cách dã man, ông vẫn dựa vào Thiên Chúa để có sức mạnh lướt qua thử thách hằng ngày. Bài thơ đầy lời lẽ nhiệm mầu. Ai đã hành hạ người tôi tớ, kẻ thù của ông hay bạn hữu ? Tại sao người ta lại hành xích ông ? Đưa lưng cho người ta đánh đòn thời xưa có nghĩa các học trò chịu phạt để sửa chữa lồi lầm. Giơ má cho người ta giật râu ám chỉ kẻ vô lại bị đám đông làm nhục. Các nhà chú giải dầy công tìm câu trả lời, nhưng chưa thành công. Có lẽ vị tiên tri nghĩ đến số phận Giêrêmia bởi đồng bào mình. Sau này người ta áp dụng vào trường hợp Chúa Giê-su. Nhưng đó là điều ứng nghiệm khi thời gian viên mãn, còn lúc này thì chưa biết vị tiên tri muốn ám chỉ về nhân vật nào ? Hay đó chỉ là chương trình của Thiên Chúa, ý muốn của Ngài ? Người công chính chịu đau khổ để đền tội cho toàn dân. Đau khổ của ông có giá trị hy sinh tẩy trừ tội lỗi mà con người xúc phạm đến Đấng Tối Cao. Chúng ta chưa thể xác định dứt khoát. 

Người tôi tớ đã đứng vững trong các cơn thử thách, Thiên Chúa đưa ông vào, bằng một ơn kêu gọi đặc biệt, bằng ánh sáng soi dẫn ông hằng ngày. Để ông rộng lòng chấp nhận chương trình của Ngài. Để ông không chạy trốn gian nguy. Để ông chai mặt ra như đá khi chịu đánh đòn, giật râu. Trong thời buổi chúng ta, chính tôi cũng đã từng chứng kiến những "tôi trung" của Chúa như vậy. Tôi đã xem thấy giám mục Oscar Romeo chai mặt ra như đá khi tố cáo bất công xã hội và tiếp tục rao giảng ngay cả khi nhận được cả trăm lời đe doạ ám sát. Giám mục đã hy sinh mạng sống mình cho dân tộc, ngõ hầu tháo gỡ ách nô lệ thảm thương người ta áp đặt lên đầu lên cổ nông dân, công nhân ở chính quê hương mình. Xin nhớ gương mặt của Nelson Mandela đanh thép khi ông bước ra khỏi nhà tù, sau nhiều năm bị giam giữ khổ sai, vì chống lại kỳ thị màu da, ngôn ngữ, văn hoá. Lúc ấy trông ông khắc khổ vì chịu đựng áp bức lâu ngày nhưng vẫn cứng rắn vui tươi. Ông vui không phải vì sẽ trả thù những kẻ hành hạ mình, nhưng vì công lý được làm sáng tỏ, bất công bị đẩy lui và sai trái được sửa chữa. Quí vị đã trông thấy những tấm ảnh chụp Dorothy Day khi bà ngồi trên chiếc ghế nhỏ, phản đối tình trạng nghèo đói ở xóm ổ chuột nào đó ? Một người đàn bà mảnh khảnh giữa hai viên cảnh sát phì nộm, coi rất đỗi tương phản. Bà ngồi đó mặc cho kẻ qua người lại chế diễu, cười nhạo, quai hàm bạnh ra cương quyết và kiên định : "Tôi chai mặt trơ như đá, biết mình sẽ không phải thẹn thùng." Chưa hết, biết bao người cha, người mẹ, anh chị kiên nhẫn ngồi bên giường bệnh nhân đang hấp hối hay các thân nhân chịu bệnh lâu ngày. Họ không tiếc công sức cầu nguyện, nâng đỡ những thân hình ốm yếu mà không lời thở than. Họ cam đảm chịu đựng chung số phận của thân nhân, nêu gương sáng đức tin cho những người xung quanh. Họ cũng chai mặt trơ như đá với tình thế khó khăn.

Nhưng "chai mặt trơ như đá" không có nghĩa nghiến răng nghiến lợi chịu đựng cho qua những buổi nhọc nhằn, không có nghĩa thụ động mặc cho hoàn cảnh qua đi, cũng chẳng có nghĩa lên gân cốt chống lại tình huống quái đản. Chúng ta sẽ được mục kích gương mặt chai như đá của Chúa Giê-su trong tuần này, khi Ngài đối diện với quyền bính đền thờ và cái chết thê thảm trên thánh giá. Qua bài đọc thương khó, chúng ta sẽ suy gẫm cái giá mà Ngài phải trả cho những hành động và ngôn từ chống lại sự dữ. Giống như người môn đệ của Isaia, Chúa Giê-su cũng chai mặt trơ như đá để biểu lộ ý chí đanh thép của mình. Từ hôm nay trở đi, Chúa luôn giữ thái độ này trước nguy hiểm đe doạ tính mạng. Thí dụ thánh Mát-thêu viết : "Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ được biết : Ngài phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra."(Mt 16, 21) Phúc âm hôm nay cũng trong dòng tư tưởng đó : Chúa vào thành thánh Giêrusalem và nhất quyết thi hành ý muốn của Chúa Cha. Nếu người tôi tớ trung thành giơ mặt trơ như đá để nói với dân tộc lưu đày, thì Chúa Giê-su cũng có thái độ tương tự với đồng bào Ngài đang trong cuộc làm tôi lầm lạc tội lỗi. Ngài dạy dỗ họ bằng ngôn ngữ "lựa lời nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức". Nhưng họ chẳng hề lắng tai nghe, trừ một nhóm rất nhỏ. Họ ưu thích bị giam cầm trong tư tưởng của mình về Thiên Chúa, về sự công chính vụ lề luật, về tội phúc truyền thống. Họ bị mắc bẫy satan trong sự công chính chủ quan, nói theo kiểu khác, mù tự ý về những chân lý siêu nhiên. Đây là sự mù loà mà các nhà thần học gọi là không khắc phục được (invincible), vĩnh viễn như vậy nếu không có ơn đặc biệt từ Thiên Chúa. Trường hợp của thánh Phaolô chẳng hạn. Chuyện này xảy ra nhiều lắm trong thời đại chúng ta. Nó gây nên rất nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo, đàn áp tín ngưỡng, bất công đối xử. Phe nào cũng tự nhận sự thật về mình, rằng mình có lý. Nhiên hậu loại trừ, tẩy chay thiên hạ. Phần Chúa Giê-su, mặc dù gặp nhiều chống đối và hận thù, Ngài vẫn kiên định trong đường lối của mình, bởi nó là chân lý. Nhiệm vụ của Ngài là nói lời Thiên Chúa cho những kẻ rã rời kiệt sức vì u mê lầm lạc. 

Khi chúng ta chứng kiến những biến cố trong cuộc đời Chúa Giê-su tuần này, chúng ta sẽ mang ra ánh sáng sự yếu hèn của mình, tức các bộ mặt không cương quyết, không dám dấn thân cho lẽ phải, ưa thích thoả hiệp để được quyền cao chức trọng, được cảm tình của những người xung quanh. Chúng ta không dám hành động chống lại sự dữ, giữ vững Đức tin trong những hoàn cảnh khó khăn, nguội lạnh khi nghe theo tiếng gọi của Phúc âm, chỉ lựa chọn những lời Chúa am hợp với lợi ích của mình, loại bỏ các lời khác, thậm chí chế diễu và coi như không tưởng những đòi hỏi của Chúa Giê-su. Chúng ta đâu dám thực sự vác thánh giá mình nhân danh Chúa, nói gì đến thánh giá kẻ khác, cố tình tránh né việc từ thiện bác ái, làm ngơ trước những đau khổ của tha nhân. Tóm lại, chúng ta theo Chúa ở dáng điệu bên ngoài, còn thực chất thì cố gắng tìm thoả mãn các dục vọng của mình. Nhưng cuộc thương khó của Chúa trong tuần này dạy chúng ta nội dung trái ngược hẳn. Chúng ta cảm thấy được nhẹ nhõm vì Chúa Giê-su đã chai mặt trơ như đá thực hiện những điều cần thiết để cứu chuộc nhân loại. Đây là cơ hội để chúng ta suy nghĩ lại, nhận ra sự thật của ơn gọi Ki-tô hữu, những đòi hỏi của nó và cương quyết thi hành. Chúng ta chai mặt trơ như đá trước những cám dỗ của thế gian, xác thịt và satan. Như vậy mới xứng đáng được nghe Tin mừng Chúa sống lại, Tin Mừng tràn ngập lòng người với hy vọng và hỷ hoan. Trong đêm vọng phục sinh, xin hãy thành thực nhắc lại lời thề hứa của bí tích Thánh tẩy, từ bỏ tội lỗi, tuyên xưng Đức tin vào Chúa Ki-tô.

Điều gì đã nâng đỡ và luôn đổi mới người tôi trung của tiên tri Isaia ? Xin thưa, đó là sự mở rộng lòng đón nhận lời Thiên Chúa và kinh nghiệm rằng "mỗi sáng Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi". Sự dấn thân mạnh mẽ của ông với công việc Chúa trao, đến từ cảm tính bên trong mà hằng ngày lời Chúa thúc giục : "Sáng sáng người đánh thức tôi, để tôi lắng nghe như một người môn đệ." Ông khám phá ra cho mình và công bố cho kẻ khác rằng Thiên Chúa luôn sẵn sàng thông truyền ý muốn của Ngài cho nhân loại, đồng thời tha thứ những lỗi lầm của họ. Đúng thật Ngài là Thiên Chúa yêu thương, muốn cứu vớt hơn là trừng phạt. Thiên Chúa ấy chúng ta gặp nơi Đức Giê-su trong sứ vụ của Ngài. Chúng ta được khích lệ sống vẹn toàn bổn phận phục vụ tha nhân, ngay cả khi lòng nhiệt thành thuở ban đầu đã phai nhạt. Gương sáng của Chúa vẫn thúc đẩy mọi người tiếp tục làm việc bác ái. Chúng ta chẳng bao giờ có lý do tháo lui, kể cả các ngăn trở do cơ cấu Giáo hội gây nên. Chúng ta sẵn sàng đối đầu với thử thách trong các hoàn cảnh mới, mặc dù đã gặp chúng rất nhiều lần trong các tình huống khác. 

Tuần lễ này, sự thương khó của Đức Giê-su lại cho chúng ta miệng lưỡi mới để lựa lời nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức vì những bất hoà gia đình, nghèo đói, vô gia cư, thất nghiệp, lương thấp, bạo lực, chiến tranh, sợ hãi, bệnh tật lâu ngày, ... Ngài lại cho chúng ta nghị lực nói thay cho những tiếng nói không ai thèm nghe, những kẻ thấp cổ bé miệng, những người vô danh tiểu tốt bị bỏ quên bên lề xã hội. Chúa vào thành thánh tuần này. Người ta hồ hởi đón chào Ngài để được thấy vinh quang Ngài tỏ hiện. Chắc chắn họ sẽ thất vọng bởi vì Ngài xuất hiện trong đường lối họ không thể nhận ra : Khiêm nhu ngồi trên lưng lừa con, vâng lời thi hành thánh ý Đức Chúa Cha. Tuy nhiên, tín hữu sẽ được chiêm ngưỡng vinh quang Ngài rực sáng hơn mặt trời. Ngài đã chọn lựa con đường nhân loại, gánh lấy tội lỗi chúng ta, bước đi trong đau khổ như chúng ta. Nếu linh hồn mình cũng ăn vận sự trong sáng của ơn thánh thì chúng ta có lý do để vui mừng, trà trộn với đám đông tại cửa thành Giêrusalem tay cầm ngành lá, sắp thành đám rước reo hò vang dậy "hoan hô con vua David, chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến."

Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai cũng ca tụng Đức Giê-su ở cương vị đó : "Ngài đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế." Đối với thánh nhân, lòng khiêm nhường của Chúa không có tính nhất thời, thứ yếu. Nó là nhân đức căn bản khiến Ngài thi hành thánh ý Chúa Cha. Ngài thực sự nhận lấy số phận nhân loại, không từ chối hoàn cảnh nào, ngoại trừ tội lỗi. Ngài không hề đòi hỏi đặc ân chức vị Ngôi Hai, nhưng đã chịu đựng mọi thiếu thốn của kiếp sống con người, tủi nhục, đau khổ và cái chết. Ngài đã chu toàn sứ vụ người tôi tớ đau khổ của Giavê cho đến nghĩa đen, tức là tận cùng số kiếp nô lệ : Chịu đóng đinh nhục nhã trên thập tự. Chỉ có lòng khiêm nhường cực điểm như thế dẫn Ngài đến vâng lời cho đến chết. Chúng ta không có sự khiêm nhu chân thật thì làm sao vâng lời Thiên Chúa ? Chúng ta sống giả hình, là lẽ đương nhiên, bởi thiếu nền tảng. Cho nên việc noi gương Chúa như thánh Phaolô kêu gọi đặt căn bản trên sự bắt chước Chúa về lòng khiêm nhường. Nhờ đó, chúng ta có thể trút bỏ mọi sự như danh vọng, địa vị, của cải, chức quyền, lợi lộc và cả đến cả mạng sống mình. Ngõ hầu trước mặt Thiên Chúa chúng ta chỉ là những kẻ ăn mày, bởi lẽ, ơn cứu độ không thể đạt tới bằng chiếm đoạt hay công nghiệp. Nhưng bằng đức tin tinh tuyền vào Chúa Ki-tô. 

Ở buổi Phụng vụ hôm nay, chúng ta liên kết chặt chẽ với Ngài trong đau khổ, nhọc nhằn và hy sinh. Ngài tự nguyện đi vào khổ nạn để chết thay cho các tội nhân. Điều này có ý nghĩa, đau khổ của những kẻ vô tội, như những nạn nhân của sóng thần vừa qua tại Đông Nam Á, những trẻ con vô tội bị giết hại do phá thai, nạo thai, các cuộc chiến tranh không gây hấn, các nạn nhân của khủng bố đều là đất thánh. Chúng ta còn khám phá ra các thánh địa khác nữa khi dấn thân vào những đau đớn của tha nhân. Nhờ ánh sáng cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su chúng ta nhận ra rằng những thánh địa đó có sức chữa lành linh hồn mình, linh hồn các tín hữu và toàn thể nhân loại. Amen.

Lm. Jude Siciliano, OP

ĐỨC GIÊSU TRƯỚC KẺ THÙ
Mt.26,14-27,66

Thế là chúng ta đã đi tới đọan cuối của Mùa Chay trong năm Thánh Thể này, đồng thời chúng ta cũng đã theo Chúa Giêsu trong hành trình loan báo ơn cứu độ đến hồi kết thúc. Giờ đây là lúc Chúa Giêsu đối mặt với kẻ thù, là những người muốn treo Ngài lên Thập Giá. Chặng cuối cùng này được mở đầu bằng cuộc rước khải hòan vào thành Giêrusalem vô cùng long trọng, người người lớp lớp trải áo, phất cờ bằng cành lá đón tiếp Ngài. Để rồi sau đó chính họ lại muốn giết Ngài. Nên có thể nói cuộc khải hòan vào thành là ngòi khai mở cho cuộc thương khó của Chúa Giêsu. 

Chúng ta nên biết rằng phần thương khó là cái phôi đàu tiên của Tin Mừng, là phần quan trọng và phong phú nhất, vì các Tin Mừng kể hầu như giống nhau, còn kinh nghiệm Phục Sinh sau đó mới xuất hiện. Và bài thương khó theo thánh Matthêu là trình thuật mang tính cách phụng vụ, nên có hệ thống, rõ ràng và hầu như tác gỉa muốn nhấn mạnh đến việc hòan thành Kinh Thánh của Chúa Giêsu, Ngài chủ động trong việc trao nộp để thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa Cha.

1. Kẻ thù đại diện có tên Giuda:Mở đầu cuộc thương khó là sự phản bội của Giuđa. Giuđa là một trong mười hai các tông đồ, được Chúa Giêsu tuyển chọn, nhưng vì tiền mà ông nộp Đức Giêsu, tiền là động oơ, là ý đồ của Satan muốn cản Đức Giêsu đi theo con đường của người tôi tớ, con đường mà Thiên Chúa Cha muốn.

Đức Hồng Y Martini cho Giuda là con người vừa đê tiện, vừa ước mơ cao xa, và là con người đầy mâu thuẫn. Đê tiện : vì ở trong một tình thế bi thảm chia ly như thế mà còn nghĩ đến tiền bạc ! Chỉ có con người đê tiện mới hành động như vậy "Quí vị muốn cho tôi bao nhiêu, tôi đây sẽ nộp ông ấy chó quí vị"(Mt.26,15)

Ước mơ cao xa : Ông muốn cái chết của mình trở thành một thảm kịch cho mọi người nên mới ném tiền bán Chúa trở lại đền thờ để thanh minh cho hành động của mình "Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan"(Mt.27,4)

Mâu thuẫn : Giuda là một con người có lý tưởng hơn các tông đồ khác, rất hăng say, nhiệt thành, thực sự dấn thân và có tài qủan lý, chính vì thế mà Chúa chọn ông giữ chức vụ này. Nhưng Giuda theo Chúa vì ông chứ không vì Chúa, vì niềm hi vọng của dân tộc. Ông muốn Chúa Giêsu thực hiện theo kế họach của ông, nên đưa Chúa Giêsu tới một quyết định : Nếu Ngài là Đấng Thiên Sai " Zổm" thì Ngài sẽ bị diệt, bỏ đi một mớ lý thuyết mị dân. Nếu Ngài là Đấng Thiên Sai quyền năng, Ngài sẽ giải thóat dân tộc. Cho nên ông cảm thấy mình cần phải hi sinh để giải cứu dân tộc, đây là cái cớ để nộp Chúa Giêsu.

2. Chúa Giêsu hành xử với Giuda:

Trong khi đó Chúa Giêsu cư xử với Giuda như một người bạn "chiều đến Chúa Giêsu vào bàn tiệc với 12 môn đệ" (Mt,26,20), xử với Giuda như một con người trưởng thành, tôn trọng sự tự do của ông, tôn trọng sự chọn lựa của ông " điều mà con muốn làm thì làm lẹ đi"(Jn.13,27), xem ra như Chúa Giêsu cho phép Giuda hành động, cứ làm điều gì mà con cảm thấy đúng, hãy đi cho đến cùng cái lối nhìn của con về Thiên Chúa. Chúa Giêsu trả lời cho cái hôn của Giuda " này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi"(MT.26,50) Qủa là Chúa Giêsu biết ý đồ của Giuda và biết đó là nơi mà Ngài sẽ phải đến, nếu không Ngài đã lẩn tránh cái hôn ấy. 

3. Con đường tự hiến của Chúa Giêsu :

Matthêu cho thấy Chúa Giêsu lựa chọn con đường khổ nhục với sự hiểu biết và tự do hòan tòan, bởi vì nơi đó Ngài nhận ra lối đi mà chương trình Thiên Chúa Cha đã vạch sẵn, nên chấp nhận cái hôn, khước từ việc dùng vũ lực chống lại vũ lực "Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm"(Mt.26,52) và Ngài từ chối cả việc cậy nhờ sự can thiệp quyền năng của Thiên Chúa Cha "hay anh tưởng Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao?..."(Mt.26,53). 

Đã đến giờ mà những gì được ghi trong Kinh Thánh phải được hòan tất "nhưng tòan bộ việc này xẩy ra là để ứng nghiệm những lời chép trong sách các Ngôn Sứ(Mt.26,56). Ngài hòan tòan ý thức trong lời nói và trong hành động. Ngài nhấn mạnh đến sự nối kết chặt chẽ giữa những gì sắp xẩy ra và ý định của Thiên Chúa được mạc khải trong Thánh kinh. Còn các tông đồ không hiểu được mối liên kết ấy nên họ sửng sốt và bối rối nên đã hành động không thích ứng, xử dụng đến gươm, rồi rút lui bằng cách trốn chạy hoặc chối bỏ Ngài.

Mầu nhiệm khổ nạn phải hòan tất, phải kết thúc trong sự sống lại, để cuối cùng ánh sáng bao phủ ngập tràn lấy họ, và chỉ khi nào biến cố hòan tất thì chúng ta mới nhận ra mối liên kết của nó với Thánh Kinh, từ đó niềm tin mới được tài bồi và nuôi dưỡng.

4. Sứ điệp Tin Mừng :

Cái chết của Chúa Giêsu là hòan tòan có ý nghĩa cho chúng ta : Vừa hòan tất lời Kinh Thánh, vừa cho ta thấy rõ Ngài là ai, và Ngài đã làm gì.

Với cái chết của Chúa Giêsu như Ngài muốn nói : Thiên Chúa không còn gì để ban cho con người nữa. Người đã nên nghèo khó đến tột cùng để ta được giầu có nhờ lượng ân sủng của Người.

Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu dạy cho người tín hữu : Nguồn hạnh phúc Nước Trời không có nghĩa là trốn chạy đau khổ, bất động chờ đợi Thiên Chúa can thiệp. 

Nhưng hãy ý thức : Phải qua đau khổ nếu muốn tới vinh quang.

Lạy Chúa, Chúa đến trong sự khiêm tốn và bình an, xin cho chúng con biết học gương khiêm hạ và nhân ái của Chúa, biết tham dự vào con đường khổ nạn của Chúa, để chúng con biết chấp nhận những khổ đau của cuộc sống trong tinh thần vâng theo ý Chúa.

Sr Mai An Linh, OP

1606    14-04-2011 10:02:03