Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Chúa Nhật Mình Máu Thánh Chúa A_3

KẺ PHÀM NHÂN ĐƯỢC ĂN BÁNH THIÊN THẦN
Ga 6, 51-58

Khi Chúa Giêsu bôn ba đó đây rao giảng Tin mừng, chúng ta thấy dân chúng đi theo Người rất đông nhưng không hẳn vì họ thán phục giáo lý hay những phép lạ Người đã làm; họ đến với Chúa Giêsu chỉ để giải quyết vấn đề "bao tử" vốn đang cồn cào trong họ (x. Ga 6, 26). Chính vì thế, tại hội đường Caphácnaum, Chúa Giêsu hướng họ đến một thứ lương thực trường cửu khi Người đề cập đến chính Thịt và Máu Người làm của ăn Thần linh dưỡng nuôi họ.

Nói đến bánh từ trời xuống, không ai trong dân Dothái lại không hiểu tường tận câu chuyện của hơn 1250 năm trước trong sa mạc khi Giavê Thiên Chúa đã dùng Manna và chim cút nuôi dưỡng cha ông họ (x.Xh 16). Ngày đó, trên hành trình về đất Hứa, dân Dothái phải trải qua nhiều khó nhọc, gian khổ trăm bề. Những gian khổ đó có đáng là gì so với thời họ còn là nô lệ bên Aicập. Thế nhưng họ quên mất điều đó. Họ chỉ biết có mỗi một điều là trước đây họ được ăn no tuy bị kìm kẹp trong vòng nô lệ. Còn bây giờ, tuy được tự do nhưng lại phải đói khát. Vì thế họ kêu trách Môsê và lẩm bẩm than trách Giavê Thiên Chúa. Ngày đó, Giavê Thiên Chúa đã cho "
kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần/Chúa gửi đến cho họ dồi dào lương thực" (Tv 77, 25). Manna chính là hình ảnh tiên trưng, chuẩn bị cho việc mạc khải bánh đích thực từ trời là chính Đức Kytô hiến mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha qua cuộc khổ nạn của Người.

Những dấu lạ hoá bánh ra nhiều của Chúa Giêsu cũng không gì khác hơn là muốn hướng họ đến một thứ lương thực trường tồn. Thế nhưng dân chúng vẫn không hiểu được ý nghĩa ấy. Họ chỉ biết rằng theo ông Giêsu thì được ăn bánh no nê và chỉ dừng lại ở đó. Điều Chúa Giêsu muốn là họ cần phải tìm một thứ lương thực nuôi sống không chỉ cho thân xác vốn mỏng giòn chóng qua mà còn để nuôi sống linh hồn họ nữa. Chúa Giêsu nhắc đến thân mình Người chính là của ăn quý giá ấy. "
Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây"(c.51).

Rõ ràng điều Chúa Giêsu muốn là loài người được hưởng sự sống dồi dào từ chính máu thịt của Người. Lẽ dĩ nhiên máu và thịt ở đây không phải là máu thịt bình thường như người Dothái vẫn xầm xì : "
Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ấy được"(c.52), mà là Máu Thịt chính Chúa Giêsu sẽ hiến dâng làm của lễ dâng lên Chúa Cha khi Người bị treo trên thập giá. Như thế, chúng ta thấy, lương thực thần linh từ trời ban xuống cho nhân loại không chỉ dừng lại ở việc tin vào Con Thiên Chúa xuống thế làm người mà còn là việc lãnh nhận chính Mình và Máu của Người. Khi chúng ta ăn Thịt và uống Máu thánh Chúa Kytô là chúng ta được kết hiệp mật thiết với Người, được ở lại trong Người và nhờ đó, chúng ta có được sự sống từ chính nơi Chúa Cha. "Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy" (c.56).

Hiệu quả của việc lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kytô không chỉ là việc Chúa Kytô ngự trị trong tâm hồn chúng ta và ngược lại, nhưng còn là việc chúng ta hưởng trọn vẹn sự sống vĩnh hằng trong nước Thiên Chúa. "
Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết" (c. 54). Chính vì tầm quan trọng của việc lãnh nhận linh dược vô giá này, mà Giáo hội đòi buộc mọi tín hữu cần chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng, nếu không, hậu quả sẽ khôn lường. Điều này được thánh Phaolô ghi lại rất rõ ràng. "Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa... Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa là ăn và uống án phạt mình" (1 Cr 12, 27.29).

Mừng lễ Mình Máu Chúa Kytô là dịp để chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì đặc ân cao trọng Người ban tặng cho loài người, vốn mỏng giòn yếu đuối và bất xứng. Đặc ân đó, Thiên Chúa vẫn hàng ngày ban tặng cho chúng ta trong bất cứ giờ cử hành thánh lễ nào diễn ra trên toàn thế giới. Bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta đến kín múc lương thực Thần linh qua việc lãnh nhận Mình Máu Chúa Kytô để chúng ta được kết hiệp mật thiết với Người; đồng thời giúp mỗi người chúng ta thông phần vào đời sống vĩnh hằng của Thiên Chúa ngay tại thế này.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

THÁNH THỂ - TÌNH YÊU VỊ THA
Ga 6, 51-58

1. TÌNH YÊU CỦA CON NGƯỜI
Nhìn lại cuộc sống mình, cũng như nhìn vào các đôi bạn trẻ đang yêu nhau, chúng ta sẽ thấy họ làm nhiều việc như những người mất trí. Họ hành động chẳng dựa theo một cơ sở lý luận nào cả. Người ngoài cuộc chẳng ai hiểu nổi hành động của họ, ngay cả chính bản thân họ, có khi cũng chẳng hiểu tại sao mình lại làm như vậy. Và câu trả lời cho những việc làm kỳ quặc và có khi lố bịch đối với những người xung quanh đó, tôi thiết nghĩ, chỉ có thể là: Vì Tình yêu. Với sự thúc đẩy mãnh liệt của tình yêu, chúng ta có thể làm những việc mà không ai có thể nghĩ tưởng tới. Nhưng xét cho cùng, tình yêu của các đôi bạn trẻ, của chúng ta, một cách nào đó, đều quy hướng về bản thân mình. Chúng ta yêu người khác chỉ vì yêu chính bản thân mình. Hay nói một cách khác, chúng ta muốn được yêu.

Ngoài tình yêu đôi lứa, trong cuộc sống còn có một tình yêu khác cao thượng hơn, đó là tình mẫu tử. Tình mẫu tử, giúp người mẹ có sức mạnh chịu đựng những đêm dài thức trắng bên giường bệnh của đứa con nhỏ. Với sức mạnh của tình yêu, bà sẵn sàng chấp nhận bản thân thiếu thốn để con mình được no đủ; trong tình yêu, bà luôn mở rộng đôi tay đón những đứa con đi hoang trở về. Đôi nét về các loại tình yêu như thế có lẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.


2. TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA :

Trước hết, tình yêu của Ngài vượt hơn cả tình yêu của người mẹ như lời ngôn sứ Isaia đã nói: "
Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi" (Is 49, 15). Ngài yêu chúng ta hoàn toàn vì chúng ta. Điều đó, được Môsê kể lại cho dân Do thái trong bài sách Đệ Nhị luật mà chúng ta vừa nghe: "Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi qua sa mạc ...Người đã ban cho các ngươi manna làm của ăn ... đã khiến nước từ tảng đá cứng rắn vọt ra" (Đnl 8, 2-3. 15). Thiên Chúa đã làm tất cả những gì có thể để nuôi dân Do thái. Ngài đã dẫn dắt họ vượt qua hoang địa về đến Đất Hứa, cho dù họ có bất trung, cho dù họ có phản bội, kêu trách và bỏ Chúa. Họ đã quên đi hồng ân được giải thoát khỏi ách nô lệ mà lên tiếng than trách Chúa: thà cho họ chết bên Ai cập cạnh nồi thịt với những hành tỏi của Ai cập, nhưng vì yêu, Ngài sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm đó để đến với họ (x. Xh 14, 11-12; 16, 2-3).

Kế đó, tình yêu của Thiên Chúa lắm lúc cũng có vẻ "
điên khùng", vượt quá mọi lý luận của lý trí con người như tình yêu đôi lứa. Thật vậy, nhìn lại mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, chúng ta sẽ thấy trong mối tương quan này, Ngài không nhận lại được bất cứ điều gì. Chỉ vì yêu loài người chúng ta, Ngài đã làm những việc mà trí khôn con người không thể tưởng tượng được, đó là việc Ngài từ bỏ vinh quang của một vì Thiên Chúa, Nhập Thể làm một con người nghèo hèn ở giữa chúng ta (x. Pl 2, 6-7).

Cuộc đời Đức Giêsu, dù xét một cách toàn thể hay theo từng chi tiết, chúng ta thấy Ngài sống hoàn toàn vị tha, nghĩa là vì tình yêu đối với Chúa Cha và đối với chúng ta. Cụ thể nhất là cái chết thê thảm và nhục nhã trên thập giá của Ngài. Cái chết này không vì một ích lợi nào cho mình, nhưng chỉ vì tuân theo thánh ý Chúa Cha và lợi ích phần rỗi của quý ông bà anh chị em và tôi, như lời chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin kính: "
Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi".

Hơn thế nữa, Ngài còn để lại chính Thịt và Máu Ngài làm của ăn cho từng người chúng ta như lời Ngài phán: "
Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống" (Ga 6, 51). Hành vi này của Đức Giêsu, quả thực đã đi quá sự suy luận của con người, đến nỗi ngay cả các môn đồ của Ngài cũng đã phải thốt lên: "Lời chi mà sống sượng thế! Ai nào có thể nghe nổi?" (Ga 6, 60), và "Từ đó, nhiều môn đồ của Ngài đã rút lui, và không còn đi theo Ngài nữa" (Ga 6, 66). Tình yêu của Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể, quả là một sự vấp phạm cho con người.

3. ÂN SỦNG CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ :

Với bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã trao ban trọn vẹn và hoàn toàn con người của Ngài cho chúng ta, để nhờ Ngài chúng ta được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, và được sống đời đời như lời Ngài quả quyết: "
Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết" (Ga 6, 54). Ngài yêu chúng ta bằng một tình yêu hoàn toàn vị tha. Ngài yêu thương chúng ta đến nỗi Ngài đã tự huỷ mình để trở nên tấm bánh và ao ước được chúng ta ăn, để chúng ta được nên một với Ngài. Vì thế, trong một đoạn Tin mừng ngắn hôm nay, động từ "ăn" đã được lập lại đến 9 lần.

Không chỉ khi hiến thân trên thập giá, trong suốt cuộc sống trần thế của mình, Đức Giêsu đã liên tục chấp nhận trở nên tấm bánh bẻ ra cho nhiều người. Ngài chấp nhận trở nên "
tấm bánh bị ăn". Ngài tự nguyện trở thành của ăn cho nhiều chúng ta. Đó là một hành vi tự nguyện tiêu tan đi để cho chúng ta nhờ đó mà được sống. Cuộc sống của Ngài hoàn toàn là vì chúng ta, Ngài không kể gì đến bản thân mình, đến nỗi có lần người nhà của Ngài đã muốn đến bắt Ngài về, vì nghĩ Ngài bị mất trí (x. Mc 3, 20-21).

Tình yêu của Đức Giêsu là thế đó, còn tình yêu của tôi và quý ông bà anh chị em thì như thế nào? Nếu như trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn trách những đứa con bất hiếu với cha mẹ, phê phán những con người bạc tình, không biết quý trọng tình yêu mà người khác dành cho họ. Chúng ta trách những người trong cuộc không biết đáp lại tình yêu. Thế nhưng, nhìn lại mình, chúng ta có đáp lại tình yêu của Con Thiên Chúa đã tỏ bày cho chúng ta nơi bí tích Thánh Thể không? Nếu như chúng ta còn cảm thấy thật nặng nề khi đến với Ngài trong Thánh lễ. Chúng ta còn tính toán với Ngài từng phút giây dành ra để tôn thờ Ngài. Thậm chí, khi tham dự Thánh lễ, chúng ta cũng chẳng buồn đón nhận Ngài vào nhà tâm hồn của mình, thì có lẽ, chúng ta cũng chẳng khác gì những người bội bạc mà chúng ta trách cứ trong cuộc sống thường ngày.


Đặc biệt hôm nay, trong ngày lễ kính Mình Máu Đức Kitô, ước gì tất cả chúng ta nhận ra tình yêu bao la mà Con Thiên Chúa đã dành cho từng người chúng ta, để rồi chúng ta biết dành ra một khoảng thời gian thích hợp đến tôn thờ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, để tạ ơn Ngài, tâm sự với Ngài về tất cả những nỗi lo âu, băn khoăn, khắc khoải của chúng ta trong cuộc sống. Và ngay trong Thánh lễ này, chớ gì tất cả chúng ta, những người hiện diện nơi đây đều dọn lòng sốt sắng, sẵn sàng đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể, để rồi nói như thánh Phaolô: "
Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh" (1 Cr 10, 17). Và rồi khi trở về nhà, từng người chúng ta lại trở nên "tấm bánh bẻ ra" cho nhiều người khác. Được như thế, tôi thiết nghĩ, chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: "Tôi sống nhưng không phải tôi mà là Đức Kitô đang sống trong tôi" (Gl 2, 20). Amen.

Lm Trần Thanh Sơn

AI ĂN THỊT TA và UỐNG MÁU TA....
Ga 6: 51-58

"Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy"

Hôm nay chúng ta cùng với Hội Thánh mừng kính trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta được đón nhận chính Đức Giêsu là nguồn của mọi ân phúc. Nên giờ đây Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến để tham dự bữa tiệc thánh trong Thánh lễ này, với lời tha thiết đầy yêu thương : "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy"(c.56).


Thịt máu là thân xác cụ thể của con người, thân xác ấy giúp chúng ta liên đới với người khác, là phương tiện truyền thông với người khác. Thân xác Chúa Giêsu cũng là cách thế tại thế và Ngài cũng chấp nhận những qui luật của không gian và thời gian như chúng ta nên Ngài cũng được sinh ra, cũng mệt nhọc, đói khát, buồn sầu, nhỏ lệ bên mộ người bạn thân, khóc thương Giêrusalem, quằn quại trên thập giá và chết. Nhưng sau Phục Sinh thân xác Ngài đã được vinh hiển, không còn lệ thuộc không gian và thời gian. Ngài xử dụng phương tiện và cách thế khác là bánh và rượu để ở với những kẻ tin vào Ngài.


Chúa Giêsu chọn bánh để làm phương tiện vì bánh là hoa quả của trái đất, công lao khó nhọc của con người và được con người nghiền nát để ăn, biến thành thịt máu họ, duy trì và phát triển sự sống. Và bản chất của bánh là để cho người khác, vì ngừơi khác. Nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta thấy nét " vị tha" rất rõ: Ngài làm người vì chúng ta, rao giảng, chịu thương khó, chịu chết, Phục Sinh vì chúng ta.


Khi chúng ta ăn là chúng ta làm cho đồ ăn biến thành thịt máu của mình để duy trì và phát triển sự sống. Nếu ăn mà không tiêu hóa thì sẽ bị bệnh. Vì thế, khi chúng ta ăn Thân Mình Chúa thì chúng ta cũng phải chuyển cái " vị tha" nơi Chúa Giêsu thành xương thịt, máu huyết mình, để cái " vị kỷ" nơi mình mất đi và " vị tha" lớn lên. Đó chính là sự sống của Chúa châu lưu trong mình ta : Chất yêu của Thiên Chúa ở trong ta "ai yêu thì sinh bởi Thiên Chúa". Nếu chúng ta chưa làm được điều đó có nghĩa là việc chúng ta ăn Thịt Máu Chúa qua Bí Tích Thánh Thể đang có vấn đề, cần phải xét lại ! Thế nhưng thường người ta hay chạy trốn, vì vị tha đòi phải chết cho cái tôi. Nhưng Chúa Giêsu xác quyết : Ngài là bánh sự sống và là bánh hằng sống. Ngài ban sự sống Thần Linh cho nhân lọai, ai ăn thì có sự sống đời đời. Đó là mạc khải cao nhất, qua đó Ngài thực hiện công việc cứu độ.


An Thịt Máu Chúa sẽ đem lại sự sống đời đời, mà sống mãi thì ai cũng mong muốn, vậy đáng lý trước câu nói của Chúa Giêsu phải làm cho người đương thời hứng khởi và khao khát ăn thứ của ăn ấy chứ? Tại sao họ lại xô xát nhau, tranh luận sôi nổi?(Jn.6,52) Chỉ vì họ đã không tin vào Lời Chúa Giêsu và họ cho rằng ăn thịt người là bất nhân, uống máu là vô đạo. Chúng ta ngày nay cũng phản ứng như họ, tuy không bằng lời nói nhưng trong thực hành : Đó là không khao khát ăn thứ bánh cho sự sống đời đời, nên tham dự bữa tiệc Thánh mà lại không ăn, và có ăn thì niềm tin không đủ nên đã không sinh tác dụng, chưa vị tha như Chúa Giêsu, còn nhiều vị kỷ. Chỉ khi nào Ngài chuyển thành ta, ta được biến đổi, ta được kết hợp chặt chẽ với Ngài, mọi tư tưởng, hành vi, ngôn ngữ phải đều do Chúa Giêsu tác động, lúc đó việc ăn Thịt Máu Chúa mới thành công.


Như thế khi nhận lãnh Bánh Ngài ban, tôi cũng phải trở thành bánh thiết đãi tha nhân như Ngài. Điều Chúa đòi hỏi khó thực hiện, chỉ có Cha, Thần khí của Cha gửi tới mới biến đổi được lòng người. Nhờ sinh lại bởi Thần Khí, mầm sống vị tha sẽ được gieo vào và phát triển trong ta.


Sự sống đời đời được ban cho chúng ta ngay tại thế, đó là ơn sủng, sẽ triển nở trong vinh quang của việc thị kiến chính Thiên Chúa cùng với thân xác được sống lại trong ngày sau hết. Vì thế, trong năm Thánh Thể này chúng ta hãy tha thiết ăn thứ bánh trường sinh, và tôn sùng Thánh Thể Chúa mỗi ngày.


Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, hằng ngày chúng con được phúc đón nhận Bí Tích cực trọng này, xin cho chúng con biết noi gương Chúa sẵn sàng hiến thân mình từng giây phút trong cuộc đời, chấp nhận nghiền nát để trở thành tám bánh đền tội tiến dâng Chúa và phục vụ anh em đồng lọai.

Sr Mai An Linh, OP

BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Ga 6,51-58

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu cầm bánh trong tay và nói trước mặt các môn đệ : " Đây là Mình Thầy", lập tức mọi người hiểu rằng tấm bánh kia là thân thể Chúa, nghĩa là tấm bánh kia, bên ngoài có hình thù, mầu sắc, hương vị của bánh nhưng bản thể của bánh đã biến sang bản thể của Thiên Chúa. Làm sao có thể như thế được ? Đối với Thiên Chúa thì không thành vấn đề, bởi vì Thiên Chúa đã từng làm cho có man-na đầy tràn ở trong hoang địa, và nước trở thành rượu ngon ở tiệc cưới Ca-na, thì việc biến bánh ra Mình Chúa đối với Chúa là chuyện dễ dàng, dễ dàng đến độ Ngài chỉ cần một lời nói "Đây là Mình Thầy". Có ai trong chúng ta dám nói tôi là thế này tôi là thế nọ không ? thí dụ : "Tôi là ánh sáng". Chúng ta chỉ có thể nói : "Tôi có ánh sáng" hay "tôi chế ra ánh sáng La-de", chứ không ai có thể nói : "Tôi là ánh sáng". Chỉ có Thiên Chúa, Đấng tạo dựng ra ánh sáng, mới có nền tảng mà tuyên bố "Tôi là ánh sáng". Cho nên, khi Chúa nói : "Đây là Mình Thầy" là một câu nói quả quyết, một câu nói quả quyết sự đồng nhất.

Một số người chối bí tích Thánh Thể đã cho rằng : câu Chúa nói "
Đây là Mình Thầy" chỉ có ý nghĩa tượng trưng, ám chỉ một việc khác. Chúng ta có thể trả lời như sau : Để có ý nghĩa tượng trưng, phải có một trong bốn ý sau đây : Thứ nhất, một cái gì tượng trưng rõ ràng, chẳng hạn khi chúng ta chỉ vào pho tượng thánh Giuse mà nói : "Đây là thánh Giuse". Thứ hai, một kiểu nói dụ ngôn, chẳng hạn như hạt giống gieo là lời Chúa. Thứ ba, một ý nghĩa tượng trưng tự nó, chẳng hạn như tre trúc trượng trưng cho lòng ngay thẳng, bông huệ tượng trưng cho sự trinh khiết. Thứ tư, một bản văn ám chỉ tới một chuyện khác, chẳng hạn I-sa-ác ám chỉ Chúa Giêsu. Lời truyền phép của Chúa Giêsu không ở trong bốn trường hợp đó. Tự bản chất và công dụng của bánh không bao giờ ám chỉ đến thân thể. Chúa cũng không cắt nghĩa gì thêm, vì quá rõ ràng, đến nỗi người Do Thái lấy làm chướng tai, không nghe được và bỏ đi. Trong Cựu Ước cũng như Tân Ước không bao giờ dùng tấm bánh để ám chỉ về người ta, cho nên, câu Chúa nói "Đây là Mình Thầy" phải hiểu là một chân lý quyền năng của Chúa.

Như vậy, câu Chúa nói "
Đây là Mình Thầy" là Chúa lập bí tích Thánh Thể. Đây là điều chắn chắn, là chân lý tuyệt đối, nhắc nhở chúng ta những điều quan trọng sau đây :

Thứ nhất
, Chúa Kitô hiện diện thật sự trong phép Thánh Thể. Chúa Kitô ở trong phép Thánh Thể là Chúa Kitô vinh hiển, nhân tính Ngài hiện diện trong bí tích đó không còn đau khổ, buồn phiền, cô đơn nữa. Những kiểu nói Ngài cô đơn, vắng lặng trong nhà tạm chỉ là để nhắc nhở thái độ dễ vô ơn, thờ ơ và xa vắng của chúng ta đối với Chúa.

Thứ hai
, Chúa Kitô hiện diện trong phép Thánh Thể là trạng thái hết sức khiêm hạ vì thương yêu loài người. Chúa âm thầm tự trở nên một tù nhân giữa loài người. Phải có một tình yêu cao độ chúng ta mới hiểu được sự ở lại trong khiêm hạ này. Cũng trong sự khiêm hạ âm thầm này mà có biết bao phạm thượng, lộng ngôn xúc phạm đến Chúa qua bao thế hệ. Đó cũng là lý do nữa nhắc nhở chúng ta thêm lòng kính mến, tôn thờ bí tích Tình yêu tột đỉnh này.

Thứ ba
, Chúa Kitô với hai bản tính đều ở trong bánh và rượu. Ở mỗi hình thái đều có đủ Chúa Kitô thật. Nhưng chúng ta nên nhớ : Chúa Kitô ở trong hình thái bánh rượu không còn lệ thuộc vào không gian, thời gian hay trương độ, trọng lượng như xác thịt người phàm nữa. Ngài ngự trong hình bánh rượu, Ngài nghe, biết, thấy chúng ta cầu nguyện, không bằng con mắt xác thịt như chúng ta mà bằng thần tính của Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta hãy siêng năng đến cầu nguyện với Chúa trong Thánh Thể.

Chúng ta hãy nhớ và thực hành hai điều sau : Thứ nhất, mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta hãy cố gắng rước lễ, bởi vì chả lẽ đi dự tiệc mà lại không ăn tiệc ? Chúng ta phải chuẩn bị chu đáo để rước lễ. Nhưng cũng đừng vì một đôi khuyết điểm hay yếu đuối nhỏ mà chúng ta nghĩ rằng mình không xứng đáng rước Chúa. Thật ra khi rước lễ, tình yêu chúng ta dành cho Chúa Giêsu đủ để Ngài tha thứ những tội nhẹ và khuyết điểm của chúng ta.Thứ hai, ngoài thánh lễ, Chúa vẫn ở với chúng ta trong nhà tạm Vì thế, mỗi khi vào nhà thờ chúng ta hãy ý thức sự hiện diện của Chúa, chúng ta cúi đầu hay bái gối với một lòng biết ơn và kính trọng, rồi chúng ta bắt đầu cầu nguyện với một lòng tin sâu xa : Chúa Kitô đang hiện diện thực sự trước chúng ta, đang lắng nghe chúng ta, đang muốn ban ơn cho chúng ta.

Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, OP.

CHÚA NHẬT MÌNH và MÁU THÁNH CHÚA
Ga 6: 51-58

Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay đã cho chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu khẳng định cho chúng ta : "Ngài chính là Bánh Hằng Sống từ Trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời ...". Ngày xưa, tổ tiên, cha ông của người Do Thái được Chúa ban cho man-na nhưng rồi cũng sẽ chết. Còn với Chúa Giêsu, Ngài là Bánh Hằng Sống, Bánh Hằng Sống chính là Bí Tích Thánh Thể, là Mình và Máu Chúa ban cho con người.

Có người tin và có người không tin. Những người Do Thái không tin nên đã tranh luận sôi nổi sau khi nghe Chúa nói Chúa là Bánh Hằng Sống. Họ không dừng lại ở chuyện tranh luận nhưng họ đã đi quá xa cái chuyện tranh luận và cuối cùng đã dẫn họ đến chuyện kết án tử cho Chúa. Đặc biệt trong giờ phút chia ly, trong giờ phút trước khi chịu án tử, Chúa Giêsu đã trối lại cho các môn đệ Bí Tích Tình Yêu. Bí Tích Tình Yêu của Chúa đã lập hơn 2000 năm qua và Ngài vẫn còn mở ngõ cho sự đón nhận của con người. Ngày xưa vẫn thế và ngày nay vẫn vậy. Có những người không tin đã đành, có những người tin, vẫn đi tham dự Thánh lễ nhưng vẫn chưa sống mầu nhiệm Thánh Thể mà Chúa mời gọi.


Khi được nâng lên thành một Bí Tích, bữa ăn với lương thực chính là Đức Giêsu càng có giá trị vô song, đó là cho con người có chính sự sống của Thiên Chúa, và nhờ đó dần dần được tham dự vào thế giới Thiên Chúa, thế giới của vĩnh hằng và sung mãn. Sự sống ấy đã là cơ nghiệp Chúa Giêsu để lại cho ta rồi, như Ngài đã nói: "Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết"(Ga 6, 54), cũng như cho con người sống với những kích thước lớn nhất và sâu nhất. Được mang lấy Đức Kitô trong mình, người kitô hữu cũng phải sống tinh thần của Ngài, mà Đức Kitô không sống cho riêng mình nhưng sống cho Chúa Cha và cho nhân loại. Ta trở nên một với Ngài không chỉ trong lúc cử hành Thánh Thể, nhưng cuộc đời của ta phải là một thánh lễ nối dài, đang khi trở về với cuộc sống thường nhật, mỗi người hãy ngợi khen và chúc tụng Chúa.


Chỉ xin đưa ra ba chiều kích nhỏ của việc sống Bí Tích Tình Yêu.


Hiệp thông với Thiên Chúa.


Trong cuộc lữ hành trần thế, Giáo Hội được gọi gìn giữ và cổ võ sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa và sự hiệp thông giữa các tín hữu. Vì mục tiêu ấy Giáo Hội có được lời Chúa và các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, nhờ đó Giáo Hội luôn sống động, tăng triển. Thánh Thể xuất hiện như đỉnh cao của tất cả các Bí Tích, vì nó làm cho nên hoàn thiện mối hiệp thông của chúng ta với Chúa Cha, bằng đồng hoá với Người Con yêu dấu của Người, nhờ hoạt động Chúa Thánh Thần với một đức tin sâu sắc.


Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã viết: "Khi bạn không được rước Mình Thánh Chúa và không tham dự thánh lễ, bạn có thể rước lễ thiêng liêng, đây là một thực hành đem lại nhiều ơn ích, qua đó tình yêu Thiên Chúa sẽ ấn dấu mạnh mẽ trên bạn".


Việc trở nên chi thể Đức Kitô do Bí Tích Thanh Tẩy thực hiện, không ngừng được đổi mới và củng cố nhờ tham dự vào hy lễ tạ ơn, nhất là việc thông hiệp trọn vẹn qua việc rước lễ. Chúng ta có thể nói rằng không những mỗi người chúng ta tiếp nhận Đức Kitô, nhưng Đức Kitô tiếp nhận mỗi người chúng ta. Người thắt chặt tình bằng hữu với chúng ta: "Anh em là bạn hữu của Thầy" (Ga 15, 14). Quả thật, chính nhờ Người mà chúng ta có sự sống: "Ai ăn Ta sẽ nhờ Ta mà được sống" (Ga 6,57). Việc rước lễ thể hiện cách tuyệt đỉnh việc "ở trong nhau", giữa Đức Kitô và mỗi môn đệ của Người: "Anh em hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong anh em" (Ga 15, 4). Nhờ cử hành Bí Tích Thánh Thể, ngay từ bây giờ chúng ta được kết hợp với phụng vụ trên trời và tiền dự vào sự sống vĩnh cửu, khi Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi sự (1Cr 15, 28).


Bởi thế, thánh Augustino đã kêu gọi: "Chúng ta hãy đến hiệp lễ, với lòng xác tín hiệp thông Mình và Máu Chúa Kitô. Vì dưới hình thức bánh, chính thân xác Người được ban cho bạn, còn dưới hình rượu thì có Máu Người, bạn chỉ còn là một Mình và một Máu với Người".


Vậy ăn lấy Đức Kitô trong tâm hồn là gì ? phải chăng là sự lãnh nhận tinh thần và sự sống của Người, một sự quyện lấy nhau, người này ở trong người kia. Nơi Chúa chỉ có một sự sống duy nhất là sống cho nhau và cho người khác.


Chia sẻ và trao ban.


Trao đổi, chia sẻ trong Bí Tích Thánh Thể được đẩy đến mức tận cùng. Bánh ơn trời, hoa màu của ruộng đất và công lao của con người, xin dâng lên Thiên Chúa! Con người dâng lên và Thiên chúa trao lại tất cả. Chính trong Bí Tích Thánh Thể mà người Kitô Hữu sống lấy giây phút hiện tại, điều mà thánh Gioan đã thốt lên: Thiên chúa đã yêu thương thế gian như thế đó, đến nỗi đã thí ban Người Con Một ... (Ga 3,16); và cũng chính trong Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta có thể "trút cả mọi lo âu cho Chúa, vì Người chăm sóc chúng ta" (1Pr 5,7). Trong Bí Tích Thánh Thể, chia sẻ không còn chỉ là lời lẽ hay quà tặng bên ngoài, mà là chia sẻ đến mức không tưởng: "Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy ...". Quà tặng Người trao chính là thân mình tự hiến của Người. Đó là tuyệt đỉnh của tình yêu.


Thân mình tự hiến cho chúng ta, phải chăng chính là để chúng ta biết tự hiến thân mình cho anh em? Chắc hẳn đó mới là sự trao đổi và cũng là sự tưởng nhớ mà Đức Giêsu mong muốn: "Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy". Đón nhận tấm bánh bẻ ra, thúc giục người Kitô Hữu phải chia sẻ bánh trong cuộc sống hằng ngày, đó là chia sẻ bánh bác ái, những gì chúng ta là và những gì chúng ta có, nó phải biến đổi chúng ta thành những người đồng bàn trong Giáo Hội và với từng con người, nó cũng dạy chúng ta cách phục vụ Giáo Hội qua anh chị em mình.


Việc cử hành Thánh Thể kêu gọi ta thực thi đức ái cách mãnh liệt, bằng cách lưu tâm đặc biệt đến anh em túng thiếu, những người được miêu tả như "bí tích hiện diện của Đức Kitô". Như thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: "Bạn muốn tôn kính thân mình Chúa. Bạn đừng khinh thường khi thấy thân mình này được bao phủ bởi những giẻ rách, sau khi tôn vinh thân mình trong nhà thờ, được vận toàn lụa là, bạn đừng để thân mình bên ngoài bị lạnh, đừng để thân mình này lâm cảnh khốn cùng ... Đấng đã nói: "Đây là Mình Tôi", và bảo đảm với bạn những điều đó là thật, Đấng ấy cũng nói: Điều mà ngươi không làm cho kẻ bé mọn nhất này là chính người cũng không làm cho Ta.


Bí tích Thánh Thể đòi buộc chúng ta phải chăm sóc người nghèo. Để thực sự lãnh nhận Mình và Máu Đức Kitô đã nộp vì chúng ta, chúng ta phải nhậnï ra Người trong những người nghèo nhất. Thánh Thể thực sự dẫn đến yêu thương và thái độ phục vụ mà Đức Kitô yêu cầu các môn đệ thực hiện (Lc 22, 24-27; Ga 13, 14). Đáp lại sự tranh chấp của các môn đệ, là hành vi cúi xuống rửa chân của Đức Giêsu. Người đã trở nên gương mẫu yêu thương phục vụ tha nhân cách khiêm nhường (Ga 13, 14-17). Một tình yêu khiến Người trở nên của ăn "Đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em" (Lc 22, 19). Một tình yêu được nâng lên thành một luật nền tảng, đúng hơn là một lối sống, làm mô phạm cho mọi người, mọi tương quan trong Giáo Hội "Các con hãy làm như Thầy đã làm cho các con" (Ga 13, 15). Điều này được thực hiện sống động nơi cộng đoàn tiên khởi: hiệp thông, chuyên cần bẻ bánh, cầu nguyện không ngừng, giúp đỡ người nghèo, những khách hành hương, thăm viếng các tù nhân và nuôi dưỡng những ai túng thiếu (Cv 2, 42- 47; 4, 32-35; 5, 14, 46).


Đức ái Kitô Giáo chỉ thực hiện được, nếu tình yêu Thiên Chúa được chuyển từ Đấng Cứu Thế sang cho người khác.


Biến đổi và thăng hoa cuộc sống.


Một câu hát có lẽ đã đi sâu vào ký ức nhiều người:


"Chúa đến thăm con, thăm con mỗi sáng ngày

Linh hồn thấy lại tuổi thơ ngây ...".

Cuộc viếng thăm đích thực nào cũng động chạm tới cõi lòng và làm biến đổi cuộc sống. Biến đổi sẽ đến mức trọn vẹn khi ta có thể thốt lên: "Tôi sống nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2, 20).


Đức Kitô đến thăm viếng tâm hồn mỗi người Kitô Hữu, nhưng điều quan trọng là sự biến đổi nơi người kitô hữu, người đón nhận cuộc viếng thăm. Nếu sự biến đổi bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô là trên bình diện thân thể, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, thì cũng dưới tác động của Chúa Thánh Thần, người Kitô Hữu biến đổi tận bình diện nào khi lãnh nhận Thánh Thể ? Nói khác đi Thiên Chúa viếng thăm, chấp nhận ra khỏi chính mình để mang lấy những gì thuộc về con người, vậy con ngườiù liệu có ra khỏi chính mình để nhận lấy những gì thuộc về Thiên Chúa hay không ? Câu trả lời tất nhiên thuộc về Thánh Thần và thái độ tâm hồn của mỗi người chúng ta.


Tham dự Thánh Lễ là tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể, là cảm nếm trước bàn tiệc Nước Trời, nơi đó Chúa Kitô mời gọi mọi tín hữu đến rước lấy Ngài để có sự sống đời đời. Do đó mỗi khi tham dự Thánh Lễ, người tín hữu sẽ rước Thánh Thể để nuôi dưỡng đời sống đức tin. Đức ấy phải được hiện tại hóa qua đời sống hằng ngày. Thánh Phaolô đã lưu ý mọi Kitô Hữu về sự kết hợp với Thiên Chúa qua tất cả thụ tạo và việc làm, như một cách hiểu Thánh Thể nối dài trong cuộc sống: "Dù ăn, dù uống hay bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa" (1Cr 10, 31). Đồng thời ngài cũng cảnh cáo sự chia rẽ giữa các tín hữu với nhau. Nói khác đi, Phaolô lên án việc cử hành Bí Tích Thánh Thể cắt đứt với cuộc sống thật: Tất cả cùng hiệp thông với một thân mình Chúa Kitô qua tấm bánh và chén rượu duy nhất, nhưng lại phân biệt giàu nghèo và chia rẽ nhau" (1Cr 11, 17-34).


Bữa tiệc Thánh Thể phát sinh một hiệu quả thánh hóa thân xác ta. Thánh Thể tác động một cách thần thiêng, gây ảnh hưởng không phải bằng sự đụng chạm khả giác nhưng bằng sự lan tỏa Chúa Thánh Thần, mà Mình Thánh Chúa đang mang theo. Phẩm giá của xác thịt nhân loại ngày càng trở nên cao trọng nhờ việc rước Thánh Thể. Một cách mầu nhiệm, Đức Kitô đến che giấu sự cao cả của xác thịt Ngài trong xác thịt hèn hạ của chúng ta, và muốn cho xác thịt ta tham dự vào việc thần hóa nhân tính. "Thân xác ta là đền thờ của Thiên Chúa". Chính vì thế, thân xác ta phải được biến đổi và tinh sạch. Vì nó thuộc về một ngôi vị con người và chia sẻ sự cao trọng của ngôi vị ấy. Nhất là nó đã trở nên nơi ở của Thiên Chúa, khi ta đón rước Chúa Ba Ngôi ngự vào lòng. Đối với người hấp hối, khi rước của ăn đàng, họ đón nhận được Đức Kitô là Đấng sẽ đưa linh hồn họ sang cõi sống bên kia, và đồng thời trong thân xác sắp tan rã, họ cũng nhận được sự bảo đảm có một sự sống trổi vượt, sẽ thắng được sự chết vào ngày thế mạt. Của ăn đàng đưa linh hồn vào hạnh phúc trên trời và đưa thân xác đến phúc sống lại.


Như thế, Thánh Thể là suối nguồn bình an sâu thẳm, vì nó xác nhận việc con người hòa giải cùng Thiên Chúa. Thánh Thể còn phát sinh ra sự bình an, bởi lẽ nó mang lại cho con người điều thiện hảo duy nhất có thể làm cho con tim thỏa mãn, là chiếm hữu được chính Thiên chúa. Nhờ đó khi gặp cơn cám dỗ, sự bình an ấy giúp con người được bình tĩnh và tín thác vào sự che chở của Thiên Chúa.


Nhớ lại câu dẫn vào Thánh lễ rất quen thuộc của một cha giáo : "Anh em thân mến ! Mỗi một lần chúng ta tham dự Thánh lễ là mỗi một lần chúng ta biến đổi cuộc đời chúng ta nên một với Đức Giêsu. Sau mỗi lần tham dự Thánh lễ mà chúng ta không để cho cuộc đời chúng ta nên một như Đức Giêsu thì Thánh lễ chúng ta tham dự trở nên vô ích".


Nghe một lần chưa thấm, nghe nhiều lần rồi thấm và phải suy nghĩ. Đúng như vị linh mục ấy nói. Nếu cứ tham dự Thánh lễ xong rồi cuộc đời đâu lại vào đấy thì quả là chán vì khi ta tham dự Thánh Lễ, ta được kết hợp với Thiên Chúa là nguồn vui, nguồn bình an, nguồn hạnh phúc thật của đời ta.


Và bài hát rất quen thuộc của linh mục nhạc sĩ Thành Tâm : "Ta về thôi vì Thánh lễ đã hết, nhưng đời ta là thánh lễ nối dài, mang tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, ta sống sao để thành chứng nhân !". Thánh lễ nào cũng kết thúc, cũng chia tay, cũng tạm biệt nhưng Thánh lễ sẽ không kết thúc, không tạm biệt, không chia tay với cuộc sống của ta. Hoa quả của Thánh Lễ, hoa quả của Bí Tích Thánh Thể chính là lối sống, hành vi, lời ăn tiếng nói, cách cư xử của mỗi người chúng ta với anh chị em đồng loại.


Thánh Phaolô mời gọi chúng ta sống kết hiệp với Chúa như Ngài đã kiết hiệp : "Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2, 20). Ước gì mỗi Kitô hữu cũng mặc lấy, cũng sống lấy tâm tình của Thánh Phaolô để mọi người xung quanh chúng ta nhìn vào chúng ta họ thấy có một Đức Giêsu đang hiện diện với họ.


Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể đến và ở lại với mỗi người chúng ta và xin Ngài làm chủ cuộc đời mỗi người chúng ta. Xin Chúa nuôi dưỡng và gìn giữ chúng ta đi qua cuộc lữ hành trần thế này để mai kia chúng ta được cùng hưởng nhan Thánh của Ngài trên Thiên Quốc.

Anmai, CSsR (nguồn vietcatholic.org)

1155    22-06-2011 09:16:54