Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Chúa Nhật VI Phục Sinh A_3

HÃY TRỞ THÀNH “NGƯỜI BẢO VỆ - PARACLETE” CHO THA NHÂN

ROMA (Zenith.org) – Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu dùng từ “Đáng Bảo Vệ” để nói với các môn đệ về Đức Chúa Thánh Thần.

Trong một số văn cảnh từ này có nghĩa là “Đấng An Ủi,” trong văn cảnh khác nó lại có nghĩa là “Đấng Bảo Vệ,” và đôi khi có cả hai nghĩa. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa là Đấng An Ủi cao cả cho Dân Chúa. “Thiên Chúa Đấng An Ủi” này (Rom 15:4), đã “nhập thể” trong Đức Chúa Giêsu Kitô, là Đấng có tên là Đấng An Ủi hay Đấng Bảo Vệ thứ nhất (x. Ga 14:15).

Đức Chúa Thánh Thần, là Đấng tiếp tục công trình của Đức Kitô và làm cho công trình chung của Thiên Chúa Ba Ngôi được hoàn thành, cho nên cũng được gọi là “Đấng An Ủi”: “Đấng An Ủi sẽ ở với các con cho đến muôn đời” như Chúa Giêsu nói.

Sau Phục Sinh, toàn thể Hội Thánh đã có một kinh nghiệm sống động và hùng hồn về Chúa Thánh Thần là Đấng An Ủi, Bảo Vệ, đồng minh, trong những khó khăn nội bộ cũng như từ bên ngoài, trong những cuộc bách hại, trong những thử thách, và trong đời sống thường nhật. Trong sách Tông Đồ Công Vụ chúng ta đọc: “Hội Thánh lớn mạnh và sống trong sự kính sợ Chúa, được đầy an ủi (“paraclesis”) của Chúa Thánh Thần” (TĐCV 9:31).

Giờ đây chúng ta phải từ điều này đưa ra một kết luận cụ thể cho đời sống chúng ta. Chính chúng ta cũng phải trở thành Người Bảo Vệs! Nếu đúng là mỗi Kitô hữu phải trở thành một “Kitô khác”, thì người Kitô hữu ấy cũng phải trở thành một “Người Bảo Vệ” khác.

Chúa Thánh Thần không những chỉ an ủi chúng ta, mà Ngài còn làm cho chúng ta có thể an ủi người khác khi đến lượt chúng ta. Niềm an ủi thật đến từ Thiên Chúa là “Cha của mọi an ủi.” An ủi này đến với những người đau khổ, nhưng không ngừng lại ở họ; cùng đích của an ủi này được đạt đến khi những người đã cảm nghiệm được nó cũng ra đi an ủi người khác bằng cùng một niềm an ủi mà Thiên Chúa đã dùng để an ủi họ.

Họ không được tự mãn vì chỉ dùng lời nói xuông mà an ủi người khác (“Can đảm lên, đừng lo sợ -- rồi bạn sẽ thấy mọi sự trở lại bình thường!”), nhưng phải mang đến cho họ niềm an ủi thật sự “niềm an ủi đến từ Thánh Kinh” là niềm an ủi “nuôi sống niềm hy vọng của họ” (x. Rom 15:4). Đó là cách chúng ta giải thích những phép lạ mà một lời nói hay một cử chỉ đơn thành đem lại, tạo ra một bầu khí cầu nguyện, bên giường một người bệnh. Đó chính là Thiên Chúa an ủi người ấy qua bạn.

Theo một nghĩa nào đó, Chúa Thánh Thần cần chúng ta để trở thành Người Bảo Vệ. Ngài muốn an ủi, bảo vệ, khuyên bảo; nhưng Ngài không có miệng, tay và mắt để cho sự an ủi của Ngài “một thân xác.” Nói đúng hơn, Ngài có tay, có mắt và miệng chúng ta.

Nếu theo sát nghĩa văn tự của điều Thánh Phaolô bảo tín hữu thành Thessalônica – “anh em hãy an ủi nhau” (1 Thes 5:11) – thì chúng ta phải hiểu rằng Ngài nói: “Anh em hãy trở nên Người Bảo Vệs cho nhau. Nếu chúng ta muốn ích kỷ khư khư giữ lại cho mình niềm an ủi mà chúng ta nhận được từ Chúa Thánh Thần mà không chuyền cho người khác, thì niềm an ủi này sẽ tan biến đi.” Đó là lý do tại sao một kinh nguyện tuyệt mỹ được gán cho Thánh Phanxicô, viết rằng: “Xin cho con tìm an ủi người hơn được người ủi an; tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết; tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.”

Dựa theo những gì tôi vừa nói, thật không khó gì để thấy ai là Người Bảo Vệs chung quanh chúng ta hôm nay. Họ là những người đang chăm sóc cho những người đau nặng, cho những người bị bệnh AIDS. Họ là những người tìm cách làm giảm bớt sự cô đơn của người già, những người thiện nguyện bỏ giờ ra thăm viếng các nhà thương. Họ là những người đang tận tâm phục vụ các trẻ em nạn nhân đủ loại lạm dụng, cả trong lẫn ngoài gia đình các em.

Chúng ta hãy kết luận bài suy niệm này bằng những câu đầu tiên của Ca Tiếp Liên Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, kêu cầu Chúa Thánh Thần như “Đấng An Ủi Tuyệt Vời”:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,
và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!
Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;
Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!
Lạy Đấng an ủi tuyệt vời,
là khách trọ hiền lương của tâm hồn,
là Đấng uỷ lạo dịu dàng.
Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,
là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.


Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật 6 Phục Sinh của Cha Raniero Cantalamessa, OFM Cap, chuyển ngữ: Phaolô Phạm Xuân Khôi

lm Raniero Cantalamessa, OFM

Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU

Tình yêu, một đề tài rất xưa và cũng là một đề tài rất mới. Rất xưa bởi vì, từ khi có con người đã có tình yêu, rất mới cũng bởi vì tình yêu vẫn là sự sống động trong thế giới hôm nay. Rất mới và rất cũ nhưng chẳng thể nào có thể hiểu nổi được tình yêu, tình yêu có muôn mặt của thủy chung và những bội phản, sự thực và lừa dối, tinh khiết và hoen úa, ngọt lịm và cay đắng. Tình yêu là một chủ đề hao tốn giấy mực và cũng hao gầy nhiều thân phận.

“Ở lại trong Tình Yêu của Thầy” Ga 14 là một chủ đề quan trọng và cũng tìm thấy trong di chúc của Chúa Giêsu cho các môn đệ trước khi Ngài ra đi: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Chúng ta chỉ thực sự yêu thương khi ở lại trong Tình Yêu của Thiên Chúa.

Tình Yêu tiếng nói của Chúa Thánh Thần:

Tình yêu bao giờ cũng có những thể hiện bằng hành động: Hành động đầu tiên và trước tiên đó là sáng tạo. Tình yêu của Thiên Chúa là sự khai mở, đó là bản chất của Tình Yêu. Sáng tạo là sự khai mở của Thiên Chúa để đưa các loài được tạo thành được tham dự vào hạnh phúc của Thiên Chúa. Các loài thụ tạo của Thiên Chúa được chia sẻ vinh quang của Người. Tình yêu đúng nghĩa bao giờ cũng là tình yêu mang đến hạnh phúc cho người mình yêu. Hạnh phúc không chỉ là một lời hứa mà còn là một con đường. Thiên Chúa đã đề nghị một con đường, con đường ấy là “Thực thi ý muốn của Thiên Chúa”; qua con đường giới răn thực thi ý muốn của Thiên Chúa mở ra con đường đối thoại tình yêu. Tình yêu làm nên những cái mới, chính là tác động của Chúa Thánh Thần, “Thần Khí ban sự sống” là gió là hơi thở của sự sống. Là gió là hơi thở “Chúa hà hơi, súc vật được sáng tạo và Ngài đổi mới mặt địa cầu” (Tv 104, 30). Hơi hở thần linh làm cho mùa màng được dồi dào thuận lợi, thời tiết thuận hòa, con người được vui sống. Ở lại trong Tình yêu nghĩa là ở lại trong sự sống Thánh Thần ban tặng, sống dồi dào nhờ hít thở trong bầu khí Thần Linh.

Thần Khí mới – Trái Tim mới:

Trái tim gợi lên đời sống tình cảm, người Do Thái quan niệm trái tim như tất cả những gì thuộc về nội tâm của con người. Đông Phương gọi đó là cái Tâm, Tâm vừa đóng vai trò chính của con người vừa là nơi xuất phát mọi hành vi của con người cũng như là nơi thụ nhận tất cả những gì thế giới giác quan mang lại. Tâm còn là nơi xuất phát niềm vui và hy vọng, dự định và kết quả một hành trình. Ở lại trong Tình Yêu, một lời mời gọi mang lấy và sống trong trái tim của Thiên Chúa. Châm ngôn nhắc tới: “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh.” (Cn 4, 27). Trái tim còn là sự hiểu biết khôn ngoan: “Người ban cho chúng trí khôn, lưỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ” (Hc 17, 6). Trong Thánh Thần chúng ta được sống và sự sống được hướng dẫn bằng Thần trí khôn ngoan, thông minh, thông hiểu, lo liệu, sức mạnh, dũng cảm và kính sợ. Ở lại trong Thầy mang một ý nghĩa đặc biệt trong vương quốc Thiên Chúa, những ân huệ của Chúa Thánh Thần làm nên một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hạnh phúc và thánh thiện.

Trái tim chai đá. Con người thích theo lối sống của mình, ưa thich tìm những lạc thú làm cho mỗi ngày trái tim trở nên chai cứng hơn. Trong đời sống của dân Thiên Chúa chọn cũng xảy ra tình trạng tráo trở này để ru ngủ mình trong tội lỗi bằng những phụng tự bên ngoài (Am 5, 21) với những lời lẽ sáo rỗng (Tv 78, 36) và bị lên án “dân này thờ Ta bằng môi miệng, còn tâm hồn thì xa Ta” (Is 29, 13). Con người quyến luyến trong tội lỗi, bởi chẳng cần nỗ lực để sống thánh, chẳng cần thanh lọc để trở nên tinh trong, mặc dù vẫn biệt hậu quả của tội lỗi là đau khổ là sự chết, nhưng thà rằng như thế còn hơn là liên lạc với Thiên Chúa nghĩa là “liều bỏ tấm lòng mình” (Gier 30, 21). Trái tim xơ cứng chai đá của con người đã đến lúc cần phải đập vỡ nó ra, nhưng ý muốn ấy chỉ có thể đến từ phía con người, khi con người nhận ra mình không còn đủ sức chấp nhận đau khổ, bất hạnh và sự chết.

Cần có một quả tim mới: Khao khát này xuất phát từ nơi thẳm sâu đau khổ của tội lỗi gây nên, nếu không muốn trở thành con người cam chịu số phận. Con người đọc qua lịch sử của dân Israel và lịch sử đời mình hiểu rằng tôn giáo bề ngoài là một thứ tôn giáo bào mòn lòng yêu mến. Muốn thực sự thoát ra khỏi trái tim xơ cứng cần có một thay đổi quyết liệt, “tìm kiếm Thiên Chúa với tất cả tâm hồn” (Đnl 4, 29), muốn đầy đủ sức mạnh để chiến thắng sức ì của bản thân cần “Gắn chặt tấm lòng vào Giavê” (1Sm 7, 3) để thắp lên trong trái tim ngọn lửa “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức” (Đnl 6, 5).

Khao khát là vậy, lý tưởng là thế, nhưng vẫn chẳng thoát ra ngoài được con tim giả dối, tấm lòng bất trung từ nguyên thủy, chỉ còn có thể đến với Thiên Chúa “với tấm lòng tan nát rã rời” (Tv 51, 19) một tấm lòng tan nát khiêm cung để khấn xin Chúa “tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần con nên chung thủy” (Tv 51, 12).

Tình yêu không bao giờ là hủy diệt, Tình yêu luôn luôn là một chữa lành, rất nhiều người không biết Thiên Chúa rất lạ lẫm khi thấy những con người Kitô giáo vượt qua được thảm trạng tội lỗi của mình, mặc dầu đã biết rằng, những người ấy trước kia là một người tội lỗi, xấu xa, đê tiện. Điều rất lạ ấy xảy ra không chỉ do trái tim tan nát rã rời của hối nhân mà còn nguyên do sức mạnh từ nơi Thiên Chúa đã thực hiện cho con người khiêm nhượng “Ta sẽ thanh tẩy các ngươi và Ta sẽ ban cho các ngươi trái tim mới, đặt vào lòng trí các ngươi một thần trì mới; cất khỏi các ngươi trái tim bằng đá và ban tặng trái tim bằng thịt” (Ez 36, 25). Không có sức mạnh Thiên Chúa, thắng được chính mình chỉ là ảo tưởng và đôi khi trở nên quá khích khi diệt mất chính mình.

Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần và mời gọi ở lại trong Tình Yêu của Thầy, đó là một lời gọi đích thật để trái tim được tự do khỏi tội, để tấm lòng an vui hạnh phúc thật sự khi không còn bóng dáng tội lỗi, Chúa Giêsu chính là trái tim mới được ban cho nhân loại, và Thánh Thần là Đấng ban thần trí mới cho chúng ta.

Xin cho những bước chân đi hoang của con người chúng con vào những lúc bế tắc không nơi trọ, không nơi đón nhận, thì xin cho chúng con cũng biết khiêm cung với tấm lòng tan nát ở lại, lưu trú trong Tình Yêu của Người vì Tình Yêu của Người đón nhận, chịu đựng, hy sinh tha thứ và yêu thương tất cả.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

SỨC MẠNH CỦA ĐỨC TIN

Trong Thánh lễ Rửa chân tối thứ Năm tuần thánh, chúng ta đaơ được suy ngắm cử chỉ và nhương lời dạy vô cùng thân thương của Chúa. Bởi đó là cử chỉ và những lời dạy cuối cùng trước khi Chúa bước vào cuộc khổ nạn. Tuy nhiên, cử chỉ và những lời vàng ngọc đó không thể kín múc hết được ý nghĩa và bài học quý giá trong một thời gian ngắn, Giáo hội khôn ngoan đạo dành trọn 3 Chúa nhật: V, VI và VII phục sinh để giúp chúng ta có thời gian suy ngắm kỹ hơn những lời dạy này. Đó là lý do Chúa nhật V và VI, chúng ta được suy ngắm gần như trọn chương 14 Phúc âm theo Thánh Gioan và Chúa nhật tới (VII), chúng ta sẽ suy ngắm phần đầu của chương 17.

Trong chương 14, chúng ta có thể dễ nhận ra lời dạy của Chúa gồm hai phần: phần dạy về đức tin (chúng ta đã suy ngắm tuần trước) và phần dạy về đức mến (chúng ta suy ngắm trong tuần này). Tin và Yêu là đề tài chính trong lời dạy của Chúa ở chương 14 Phúc âm thánh Gioan.

Với đức tin, Chúa giúp các Tông đồ và cả chúng ta vượt qua lãnh vực trần thế để bước vào một thế giới khác, thế giới thần linh. Với đức tin, chúng ta có thể vượt qua cuộc sống hữu hạn để bước vào cuộc sống vô hạn. Với đức tin, con người khám phá ra ơn gọi đích thực của ḿnh, đó là ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa, là ơn gọi được sống và sống viên mãn.

Đức tin giúp con người ta thoát khỏi sự tù túng nghèo nàn của thế giới trần thế này bao nhiêu, thì đức mến lại giúp con người tiến sâu hơn vào thế giới thần linh bấy nhiêu. Tin là ngưỡng cửa, mến là cuộc sống. Trong suốt các Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh, Chúa nhật II và III Phục sinh, Giáo hội liên tục cho chúng ta sống lại kinh nghiệm của Giáo hội sơ khai về sự hiện diện của Chúa phục sinh đang đồng hành với ḿnh. Giáo hội muốn làm sống lại niềm tin nền tảng ấy nơi mỗi người chúng ta. Nhưng không chỉ sống lại một niềm tin, Giáo hội còn muốn moăi người chúng ta đồng hành bên Chúa, sống với Chúa, để con tim của đập cùng nḥip với con tim của Người. Bởi thế, theo Đạo đâu phải là theo một mớ lý thuyết trừu tượng hay một hệ thống lý luận tôn giáo, nhưng là theo và sống với một Người, là gắn bó mật thiết với một Người. Đó chính là Đức Giêsu Kitô.

Lm Giuse Dương Hữu Tình

SỰ SỐNG MỚI
Ga 14, 15-21

Nếu các Tin mừng Matthêu, Marcô và Luca mời gọi ta vào Vương quốcThiên Chúa, thì Tin Mừng Gioan mời gọi ta vào tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan là người sống sau cùng. Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.

Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sáng suốt của lý trí. Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy.
Đó chính là bí quyết Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin. Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.

Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên. Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay :"Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người". Cũng như kiến thức y khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc của nhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những loài cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa.

Tin và Yêu, như vậy, là con đường dẫn đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa.

Với đức tin và tình yêu, người môn đệ Chúa không còn thấy Thiên Chúa là một Đấng xa vời, mơ hồ, nhưng là một Đấng gần gũi, rất thật. Với đức tin và tình yêu ta sẽ gặp được Đức Chúa Cha, Đấng thương yêu, luôn chăm sóc cho ta, luôn mời gọi ta, luôn muốn ấp ủ ta, luôn muốn tha thứ cho ta.

Với đức tin và tình yêu, ta sẽ gặp được Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, trong Sách Thánh, trong những lời giáo huấn của Giáo hội và trong những anh em sống quanh ta.

Với đức tin và tình yêu, ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần khi Người đốt lên trong tim ta ngọn lửa yêu mến, khi Người thúc đẩy ta dẫn thân phục vụ, khi Người soi sáng cho ta những sáng kiến trong những hoạt động mới.

Nhưng quan trọng nhất là : Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như như lời Chúa Giêsu nói : " Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến".

Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiện của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta Ở trong người nào tức là ở trong trái tim của người ấy. Ở trong trái tim của ai tức là được người ấy yêu thương. Hiệp thông trong yêu thương là một thái độ cởi mở : mở tâm hồn ra để cho đi và nhận lãnh sự sống. Nhờ Tin và Yêu, ta mở lòng ra đón nhận Thiên Chúa, sự sống mới, sự sống sung mãn, sự sống vĩnh cửu.

Đúng như lời Chúa Giêsu nói :"Thầy sẽ không để anh em mồ côi". Ai nhắm mắt đức tin, sẽ không nhìn thấy Chúa, sẽ trở thành mồ côi. Ai đóng cửa tình yêu, sẽ không gặp được Chúa, sẽ sống trong cô độc. Nhưng người môn đệ Chúa, nhờ có đức tin và tình yêu sẽ gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi, sẽ được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Và như thế việc ra đi của Chúa Giêsu không những không thiệt hại mà còn ích lợi cho ta. Sự ra đi của Người đem đến cho ta Chúa Thánh Thần an ủi. Sự ra đi của Người dẫn ta đi đến kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sống sung mãn, sự sống dồi dào.

Nhưng để đạt tới điều Chúa Giêsu đã hứa, ta hãy nhớ lại một lần nữa lời Người căn dặn : "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các giới răn của Thầy". Đức tin được thể hiện bằng tình yêu. Tình yêu được chứng minh qua hành động. Đó chính là chìa khoá của đời sống Kitô hữu.

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

DỌN LÒNG ĐÓN NHẬN THÁNH THẦN
Ga 14, 15-21

Sách Tông đồ Công vụ là cuốn Kinh thánh kể lại hoạt động của các Tông đồ sau khi Chúa Giê-su lên trời. Bài đọc I hôm nay cho thấy các hoạt động của Phi-líp-phê, Phê-rô và Gioan tại niềm đất Samaria, ngoài ranh giới Giêrusalem và Giuđêa. Như vậy, rõ ràng cuốn sách mang đúng tên người ta đặt cho. Việc rao giảng Chúa sống lại ở Samaria có phần khác với trong đất thuần Do thái, bởi Samaria vẫn bị người Do thái chính thống coi là không bao giờ được dự phần vào ơn cứu rỗi. Nhưng ba nhà truyền giáo Phi-líp-phê, Phê-rô và Gioan đã chia sẻ với họ ơn Chúa sống lại. Bằng lời nói và hành động, các ông đã làm chứng Chúa Giê-su vẫn còn đang sống và hoạt động cùng với các ông. Thực tế, họ đang làm công việc mà Chúa đã thực hiện trước khi Người chịu đóng đinh. Đó là chữa lành các bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, kẻ què đi được, người mù thấy được, xua trừ thần ô uế, cho những kẻ phong cùi được sạch. Tóm lại, các ông thi ân giáng phúc cho những ai bất hạnh trong xã hội như Chúa Giê-su đã từng làm khi Người còn đi lại trên đất Palestin. Bài đọc cố tình bỏ qua chi tiết ông Simon phù thuỷ vì lý do phụng vụ. Chi tiết này quan trọng bởi nó cho thấy tính ngay thẳng, bất vụ lợi trong việc phục vụ Thiên Chúa : “Tiền bạc của anh tiêu tan luôn với anh cho rồi, vì anh tưởng có thể lấy tiền bạc mà mua ân huệ của Thiên Chúa chăng ?”(8, 29) Liệu ngày nay chúng ta có được tinh thần thẳng thắn như Phêrô không ? Hay cũng huờ theo thói tục thế gian, bắt chước Simon phù thuỷ mà cầu cạnh ân huệ Thiên Chúa bằng bổng lộc tiền tài ? Nếu vậy, xin cũng noi gương Simon mà ăn năn sám hối : “Xin hai ông cầu cùng Chúa cho tôi, để không điều nào trong những điều các ông đã nói giáng xuống trên tôi.”

Tuy nhiên, cuốn sách không nguyên tập trung vào các Tông đồ. Chủ tâm chính yếu của thánh Lu-ca là bày tỏ sự hiện diện năng động của Chúa Thánh Thần qua sinh hoạt của các môn đệ Chúa Giê-su. Chúa Thánh Linh làm tăng trưởng Giáo hội một cách ngoạn mục qua các Tông đồ. Vì vậy, thánh nhân luôn lưu tâm ghi nhớ số lượng tín hữu mà Hội thánh gặt hái trong quá trình rao giảng khắp nơi. Sự trở lại của cư dân Samaria chứng tỏ tính phổ quát của Giáo hội Chúa và sứ vụ mà Ngài trao cho Tông đồ đang được thực hiện tốt đẹp. Sứ vụ này kéo dài mãi đến hôm nay và tiếp tục tới tận cùng thời gian. Nó không thuộc về tính quốc gia, dân tộc, màu da, ngôn ngữ hay cấp bậc xã hội. ngược lại, bài đọc cho thấy, bất cứ người nào lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa đều là thành phần của Giáo hội, họ sẽ được Thần khí Chúa Giê-su chấp nhận qua bí tích Rửa tội và Thêm sức. Họ là thành viên đầy đủ của cộng đoàn mới, dân tư tế của Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Vậy thì, chúng ta hãnh diện và được an ủi khi tham dự các buổi phụng vụ. Vì chúng ta ôm ấp những thứ mà trên thế giới là nhân tố chia rẽ : Cấp bậc xã hội, kỳ thị màu da tiếng nói, giàu nghèo sang hèn, giới tính, tuổi tác, bệnh tật, tài năng, tiếng tăm,. . . Cho nên, chúng ta tự hỏi tình hình thực tế địa phương chúng ta nói lên điều chi ? Có đúng Thần khí Chúa đang tụ họp tín hữu như thời các Tông đồ không ? Câu trả lời là tính cực, khi nhìn vào tính đại đồng của cộng đoàn và những bí tích chúng ta nhận lãnh hằng ngày : Rửa tội, Thêm sức, Chữa lành bệnh nhân, rao giảng, Thánh thể,. . . Như vậy, sách Tông đồ công vụ là phúc âm của Chúa Thánh Thần và mỗi tín hữu chân chính là một sách Tin mừng mở ra, nhờ vào các hoạt động Ngài thực hiện nơi chúng ta. Dân ngoại sẽ nhận biết công việc của Ngài do đời sống Chúa Giê-su được trình bày nơi các tín hữu nhiệt thành. Họ sẽ được chào đón, nhập vào cộng đoàn những “kẻ được rửa tội nhân danh Đức Giê-su Ki-tô.” Nếu không hoặc cảm thấy như thành viên hạng hai thì lúc ấy, chúng ta đã rõ ràng thất bại, không hoạt động với Chúa Thánh Thần giống như Ngài đã thúc đẩy các Tông đồ rao giảng trên đất Samaria. Chúng ta xấu hổ, có lỗi với Hội thánh toàn cầu, phải thật lòng thống hối vì không làm tròn phận sự.

Thơ Phêrô được viết để an ủi giáo dân đang chịu bách hại khủng khiếp thời hoàng đế Domitian. (Thực ra, thánh Phêrô đã lãnh phúc tử đạo ở Rôma năm 64, thơ này viết khoảng năm 80-90 chỉ lấy danh hiệu và uy tín của ngài mà thôi). Nội dung thơ cho hay, đây không phải là cuộc bách hại tổng quát, nhưng chỉ có tính địa phương, do lòng thù ghét riêng tư; nói cách khác, do nếp sống thánh thiện của những kẻ tin vào Chúa Ki-tô, mà thiên hạ ganh ghét họ, đưa ra đàm tiếu và loại trừ. Xin nhớ lời hộ giáo của các thánh giáo phụ : “Nếu mang danh Ki-tô hữu là một tội, thì họ lấy chứng cớ nào mà bắt bớ các tín hữu ?” Hay nói như tác giả thư thánh Phêrô : “Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ngay thẳng trong Chúa Ki-tô thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống ?” Mới đây, tôi có mặt trong một nhóm học hỏi Kinh thánh. Chúng tôi suy tư về đoạn Kinh thánh hôm nay, một thành viên buột miệng phát biểu về chữ “chịu khổ”. Anh nói thao thao bất tận về những thánh giá Chúa gửi cho chúng ta. Trong khi nghe, tôi trộm nghĩ : “Thiên Chúa ghê gớm thật, giáng hoạ trên con người, bắt con người phải chịu khổ.” Có phải đó là những thánh giá mà Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta gánh vác không ? Thơ thánh Phêrô trả lời : “Chúng ta chịu khổ vì việc lành.” Đấy là thứ thánh giá các tín hữu vác hằng ngày để theo Chúa Giê-su. Mến Chúa yêu người, chúng ta phải trả giá. Những ai từ chối thánh giá, tìm kiếm sung sướng xác thịt không chứng minh được mình yêu mến Thiên Chúa. Họ giữ đạo bằng miệng lưỡi và là kẻ giả hình. Chúa chịu thương khó, bởi vì mang trong thận phận mình “gánh tội trần gian”. Nói cách khác, là thành phần nhân loại nên theo pháp lý, Ngài là tội nhân trước mặt Chúa Cha, do đó phải chịu hình phạt của pháp luật. Trái lại, chúng ta tìm cách trốn tránh gian khổ thì làm thế nào xứng đáng làm môn đệ Chúa Giê-su ?

Cho nên, chúng ta chịu khổ vì việc lành, cũng như Chúa Giê-su chịu nạn vì tội lỗi nhân loại. Chúng ta phải sẵn sàng trả lẽ cho hy vọng của mình. Thay vì đối đầu với những sự dữ kẻ thù gây nên, chúng ta dồn tâm lực vào Chúa Giê-su, (Hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong linh hồn anh em) và giãi bày đức tin của mình hiền hoà cung kính, ngõ hầu thiên hạ nhận ra đức tin đó không phải của loài người mà là một ân huệ từ trời cao. Thời buổi ngày nay, các tranh cãi về tôn giáo dễ đưa đến những đổ vỡ, bên trong cũng như bên ngoài, nhiều khi là bạo lực, chiến tranh. Xem bản đồ thế giới, người ta phải rùng mình vì chia rẽ tôn giáo. Có lúc, những người cùng ngồi ghế nhà thờ lại là các đối thủ không đội trời chung vì ý kiến luân lý, đạo đức. Tuy nhiên, thư thánh Phêrô nhắc nhở : “Đấng công chính đã chết cho kẻ bất lương, hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.” Kẻ bất lương đó chính là nhân loại. Cho nên, chúng ta được hưởng ân huệ hoà giải với Thiên Chúa là do Đức Giê-su Ki-tô.

Hôm nay, chúng ta mừng sự kiện hoà giải trong bí tích Thánh thể. Bí tích đem lại ơn lành đích thực qua hoạt động phá vỡ mọi bức tường ngăn cách của Chúa Thánh Thần. Vừa qua, tôi hân hạnh được một cha xứ lân cận mời giảng tĩnh tâm cho các giáo dân, nhân dịp mùa chay. Khi chờ đợi, tôi đứng nói chuyện với một người đàn ông ở phòng mặc áo. Chúng tôi đứng gần một giỏ đựng rác. Trong giỏ, đầy những tờ rơi dư thừa. Chúng bàn về mọi đề tài tôn giáo và nhiều ít liên quan đến đức tin. Thí dụ, ngừa thai, phá thai, nghiên cứu tế bào gốc, bệnh Alzheimer, đồng tính luyến ái, chết êm dịu, án tử hình, v. v. Chúng tôi bàn bạc sơ qua một vài đề tài. Người đàn ông bốc ra một nắm giấy, đưa tôi xem và nói : “Thưa cha, thời con còn học ở trung học cơ sở làm chi có những chuyện như thế này.” Đúng vậy, nhưng bây giờ, chúng ta phải đối mặt với chúng trong cuộc sống hằng ngày. Người tín hữu không thể tránh né. Ngược lại, nên chấp nhận và bàn bạc với những người khác, bất cứ ai, để làm cho vấn đề được sáng tỏ, nhân lo 875    26-05-2011 22:14:52