Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Chúa Nhật VI Phục Sinh A_4

YÊU MẾN CHÚA
Ga 14,15-21

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho biết mối liên hệ giữa lòng yêu mến Chúa và việc tuân giữ các điều răn của Chúa : “Nếu anh em yêu mến Thầy anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”, “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy”. Như vậy, yêu mến Chúa thì giữ các điều răn, và ngược lại, giữ các điều răn là yêu mến Chúa.

Các điều răn Chúa nói là gì ? và giữ các điều răn thế nào để chứng tỏ chúng ta yêu mến Chúa ? Hiểu theo nghĩa chặt, đó là bản Giao Ước được ghi vào bia đá. Bản Giao Ước đó chính là Mười Điều Răn, mà dân Do Thái gọi là “Những lời của Giao Ước” hoặc “Mười Lời”. Hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những điều Thiên Chúa truyền dạy. Ngày nay, đạo của chúng ta cũng dạy rất nhiều điều : nào là Tin Mừng, nào là mười điều răn Đức Chúa Trời, sáu điều răn Hội Thánh, nào là luật Giáo Hội. Trong tất cả những luật ấy, chúng ta không biết điều nào là chính điều nào là phụ, sự phân vân thắc mắc đó, ngay từ xưa chính Chúa Giêsu đã giải đáp : điều chính, điều quan trọng nhất, tóm tắt tất cả những gì mọi Kitô hữu phải giữ và thực hành, đó là điều răn yêu mến : mến Chúa yêu người. Ai giữ hai điều này thì kể là giữ tất cả những điều khác, trái lại, ai giữ tất cả những điều khác mà không thực hành lòng mến Chúa yêu người thì kể như không giữ gì cả.

Tóm lại, người Kitô có nhiều cách để biểu lộ lòng yêu mến của mình đối với Chúa, nhưng cụ thể nhất là giữ các điều răn Chúa dạy, cách riêng là điều răn mến Chúa yêu người. Hơn nữa, chỉ cần xét xem chúng ta có yêu người không là đủ. Nghĩa là muốn biết chúng ta yêu Chúa thế nào thì chỉ cần xét xem chúng ta đã yêu người ra sao. Và tình yêu đó phải được thể hiện bằng những việc làm, những hành động cụ thể.

Truyện cổ tích Ả Rập kể rằng : có một người bán thịt nướng rất keo kiệt và khó tính, vì tính khí khó chịu của anh ta nên cửa hàng luôn bị ế ẩm, anh đã làm đủ mọi cách để câu khách nhưng chẳng ai thèm mua. Có một người ăn xin ngồi bên lề đường, thèm thuồng nhìn những miếng thịt nướng treo lủng lẳng, rồi ông móc trong bị ra một khúc bánh mì, lẳng lặng đem hơ nóng trên khói, hy vọng khói thịt sẽ ướp vào miếng bánh. Sau đó, ông ngồi ăn miếng bánh cách ngon lành. Anh chàng bán thịt nhìn thấy, chạy ra túm lấy áo người ăn xin đòi tiền. Người ăn xin phân trần : “Tôi đâu có mua thịt của anh, khói thịt đâu có phải là thịt”. Anh bán thịt quát lên : “Khói thịt cũng thuộc về miếng thịt, ông phải trả tiền cho tôi”. Hai người cãi nhau, không ai chịu ai và đưa nhau đến quan tòa xét xử. Vị quan toà truyền cho người ăn xin móc ra một đồng tiền cắc và ném xuống nền nhà phát ra tiếng kêu, ông nói : “Đây là giải pháp công bằng nhất, người ăn xin hưởng khói thịt của anh, và anh thì hưởng âm thanh đồng tiền của ông ta. Thế là công bằng nhé”.

Nghe qua câu chuyện trên, có thể chúng ta sẽ cười chê thái độ ích kỷ, keo kiệt, vớ vẫn của người bán thịt, thế nhưng rất nhiều khi trong cuộc sống chúng ta đã cư xử với tha nhân như thế. Việt Nam chúng ta có câu chuyện về một người cha tham ăn đang nướng mấy con cá, người mẹ dỗ dành vỗ về đứa con nhỏ khóc đòi ăn : “Nín đi, để xem có con nào nhỏ rồi ba cho”. Anh chồng quát lên : “Cho cái gì ? không có con nào nhỏ cả, con nào cũng bằng nhau”.

Tình thương không chia sẻ, không liên đời là tình thương không mạnh đủ hay là tình thương không có thật. Trước những nhu cầu bức thiết của người anh em, nhiều người đã tránh né, chạy trốn bằng những câu trả lời : “Chừng nào tôi đủ ăn, dư mặc tôi sẽ cho”, hay "Để lúc khác, bây giờ tôi không có thời giờ”. Và cái lúc khác sẽ không bao giờ đến, vì người ta có trăm ngàn lý do để biện minh cho thái độ thiếu lòng thông cảm, thiếu tình thương của mình.

Người Kitô hữu có nhiều cách để biểu lộ lòng yêu mến của mình đối với Chúa, nhưng cụ thể nhất là giữ các điều răn Chúa dạy, cách riêng là điều răn yêu người, nghĩa là muốn biết chúng ta yêu Chúa thế nào thì chỉ cần xét xem chúng ta đã yêu người ra sao. Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta biết một bằng chứng, một dấu hiệu để chứng tỏ chúng ta yêu mến Chúa là tuân giữ các điều răn của Chúa, nhất là điều răn yêu người. Chúng ta hãy sống thế nào để tỏ lòng yêu mến Chúa không chỉ giới hạn trong việc thờ phượng hay trong những sinh hoạt tôn giáo, mà phải được thể hiện bằng cả cuộc sống yêu thương của chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta luôn xác tín rằng : chỉ bằng cuộc sống yêu thương chúng ta mới thực sự làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu.

Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, OP.


ĐỨC GIÊSU, NIỀM HY VỌNG

Trong những ngày vừa qua, trên thế giới có lẽ không ai được nhắc đến nhiều như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II. Sự ra đi của Đức Thánh Cha đã để lại một niềm thương tiếc vô hạn cho cả thế giới. Không chỉ là các tín hữu Công giáo mà cả các anh em thuộc các Giáo Hội Kitô khác, rồi Phật Giáo, Hồi Giáo và cả những người tự nhận là không có niềm tin tôn giáo cũng đến nghiêng mình kính viếng trước linh cửu của Đức Thánh Cha. Có thể có nhiều lý do và động lực khác nhau, nhưng tựu trung, mọi người đến với Đức Thánh Cha, vì ngưỡng mộ một nhân cách tuyệt vời, và đời sống thánh thiện của Đức Thánh Cha. Giữa một thế giới tục hoá, một thế giới dựa vào sức mạnh của đồng tiền, chỉ tin tưởng vào sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, Đức Thánh Cha đã trở nên một chứng nhân không mệt mỏi cho niềm tin vào Thiên Chúa.

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II đã sống trong niềm tin và ra đi trong niềm hy vọng vào Đấng Phục Sinh. Và không chỉ là Đức Thánh Cha, Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi từng người chúng ta sẵn sàng dùng chính cuộc sống của mình để “trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi chúng ta”.

1. Đức Giêsu, nguồn hy vọng:

Niềm hy vọng là một trong những đặc tính quan trọng nhất của con người. Nhờ có niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn mà con người có thể vượt qua những đau khổ, thử thách mà họ gặp trong cuộc sống hiện tại. Do đó, không phải chỉ có ngày hôm nay, nhưng con người thuộc mọi thời đại vẫn luôn thao thức tìm kiếm cho mình một lẽ sống, một mục đích cao đẹp để hướng về đó như một niềm hy vọng cho cuộc đời mình. Tuỳ theo quan niệm sống, mỗi người có thể có một niềm hy vọng khác nhau. Đối với một số người niềm hy vọng của họ có thể là sự giàu có, danh vọng, chức quyền, hay một sự hưởng thụ vật chất nào đó.

Tuy nhiên, đối với các Kitô hữu thời sơ khai, thì Đức Kitô Phục Sinh chính là niềm hy vọng duy nhất của họ. Cho dù giờ đây, Đức Giêsu không còn hiện diện cách hữu hình bên cạnh họ, nhưng họ vẫn tin vào lời hứa của Ngài: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con”. Và hơn nữa, chính Đức Giêsu còn hứa: “Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi”. Và quả thật, nhờ Thánh Thần, Đức Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện, để nâng đỡ niềm hy vọng của Giáo Hội trong hơn 2000 năm qua. Chúa Thánh Thần chính là Đấng Phù Trợ mới, được Chúa Cha sai đến để nâng đỡ niềm hy vọng của chúng ta hôm nay.

Chính Chúa Thánh Thần đã ban ơn giúp các tín hữu thuở ban đầu đứng vững trước mọi cơn thử thách, bách hại. Ngài ban sức mạnh giúp họ mạnh dạn rao giảng về Đức Kitô ngay khi đang phải trốn chạy cơn bách hại. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại: “Trong những ngày ấy, Philipphê đi xuống một thành xứ Samaria, rao giảng Đức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến lời Philipphê rao giảng… Quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại, què quặt được chữa lành. Bởi đó cả thành được vui mừng khôn tả”. Phó tế Philipphê cũng như Giáo Hội thời sơ khai hoàn toàn xác tín vào sức mạnh của Đức Giêsu Phục sinh, nhân danh Ngài, phó tế Philipphê đã trục xuất nhiều quỷ ô uế, đem lại cho dân “niềm vui mừng khôn tả”, một niềm vui trong hy vọng nhờ cuộc sống trong sạch, tinh tuyền.

2. Lời mời gọi làm chứng về niềm hy vọng:

Không chỉ là Giáo Hội thời sơ khai, thánh Phêrô trong bài đọc hai cũng đang mời gọi toàn thể Giáo Hội, cụ thể là từng người chúng ta hôm nay: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em” trong thế giới hôm nay. Được mời gọi “trả lẽ về niềm hy vọng”, cũng có nghĩa là mỗi người chúng ta đang được mời gọi trả lời cho mọi người về chính niềm tin của chúng ta.

Có lẽ trước khi trả lời cho mọi người, chúng ta cần tự trả lời trước cho chính bản thân mình. Chúng ta đang tin vào ai? Tin cái gì? Tại sao chúng ta tin? Và đức tin đó đem lại cho chúng ta lợi ích gì? Chỉ khi nào chúng ta xác tín được điều chúng ta tin, thì khi đó, chúng ta mới có thể mạnh dạn làm chứng cho mọi người về đức tin của chúng ta. Hay nói cách khác, chỉ khi chúng ta sống trọn vẹn niềm tin của mình, thì chúng ta mới có thể làm chứng cho mọi người về niềm hy vọng của chúng ta.

Câu trả lời của chúng ta không phải là các cuộc tranh luận xem ai đúng, ai sai. Nhưng chúng ta cần dùng chính cuộc sống của chúng ta để trả lời, thánh Phêrô lưu ý chúng ta: “Phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo dức của anh em trong Đức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em”. Chúng ta cần sống những điều mà chúng ta tuyên xưng khi chúng ta tham dự phụng vụ nơi nhà thờ này. Nếu như trong phụng vụ, tất cả chúng ta cùng hiệp lễ, nghĩa là lãnh nhận cùng một tấm bánh bẻ ra, thì khi trở về nhà, chúng ta cũng phải sống hiệp nhất nên một với nhau như vậy. Đời sống hiệp nhất đòi mỗi người chúng ta loại bỏ khỏi cuộc sống mình thói quen nói hành, nói xấu, đặt điều, dèm pha tha nhân.

Mặt khác, tình yêu mà chúng ta nhận được từ Đấng Phục Sinh nơi bí tích Thánh Thể còn đòi chúng ta nhìn ra sự hiện diện của Chúa ở nơi anh chị em đang sống chung quanh chúng ta, để đến lượt mình, chúng ta cũng có thể yêu mến anh chị em mình, như Chúa đã yêu thương chúng ta. Trước đây, khi Tin mừng mới được loan báo trên đất nước Việt Nam thân yêu này, thì cha ông chúng ta đã dùng chính cuộc sống yêu thương, tha thứ của mình để trả lời cho mọi người về niềm tin của các ngài. Mọi người lúc đó đã nhìn vào cuộc sống của cha ông chúng ta để gọi tên đạo chúng ta là “Đạo yêu nhau”. Ngày hôm nay, nếu nhìn vào cuộc sống hàng ngày của tôi và quý OBACE, người ta sẽ gọi tên đạo của chúng ta là gì? “Đạo giận nhau? Đạo ghét nhau? Đạo đánh nhau? Hay Đạo nói xấu nhau?...”. Và nếu là như vậy, thì chúng ta chưa thực sự “sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do về niềm hy vọng” của chúng ta. Chắc chắn sống yêu thương tha thứ cho anh chị em không phải là chuyện dễ, nhưng đó lại là cách tốt nhất để chúng ta “trả lẽ cho mọi người về niềm hy vọng của chúng ta”.

Đồng thời, khi quên mình để sống yêu thương, tha thứ như thế, đó cũng là cơ hội để chúng ta được thông phần vào thập giá của Đức Kitô, Đấng đã hiến mạng sống vì yêu thương chúng ta như lời thánh Phêrô: “Vì nếu Thiên Chúa muốn, thì thà làm việc thiện mà đau khổ còn hơn là làm điều gian ác. Vì Đức Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa”.

Hơn nữa, việc chúng ta sống đúng theo lời dạy của Đức Kitô còn là dấu chỉ mức độ chúng ta yêu mến Ngài, đồng thời, đó cũng là cơ hội để chúng ta chứng tỏ cho mọi người biết rằng: Thiên Chúa đang ở trong chúng ta, như lời khẳng định của Đức Kitô trong bài Tin mừng: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn

CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH
Ga 14, 15-21

Nếu các Tin mừng Matthêu, Marcô và Luca mời gọi ta vào Vương quốcThiên Chúa, thì Tin Mừng Gioan mời gọi ta vào tình yêu Đức Giêsu Kitô. Thánh Gioan là người sống sau cùng. Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Đức Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Đức Giêsu Kitô, là kết hiệp với Đức Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.

Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sáng suốt của lý trí. Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Đức Giêsu truyền dạy, là vâng lời.

Đó chính là bí quyết Đức Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin. Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.

Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên. Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Đức Giê-su nói trong Tin Mừng hôm nay :"Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người". Chỉ có các môn đệ được trang bị cặp mắt tin và yêu mới nhìn thấy, mới nhận biết và mới lãnh nhận được. Cũng như kiến thức y khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc của nhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những loài cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa.

Tin và Yêu, như vậy, là con đường dẫn đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa.

Với đức tin và tình yêu, người môn đệ Chúa không còn thấy Thiên Chúa là một Đấng xa vời, mơ hồ, nhưng là một Đấng gần gũi, rất thật. Với đức tin và tình yêu ta sẽ gặp được Đức Chúa Cha, Đấng thương yêu, luôn chăm sóc cho ta, luôn mời gọi ta, luôn muốn ấp ủ ta, luôn muốn tha thứ cho ta.

Với đức tin và tình yêu, ta sẽ không coi việc Đức Giêsu về trời là một chuyến đi rất xa, đi vào quên lãng, vắng mặt, nhưng ta sẽ thấy Người hiện diện mãnh liệt hơn bao giờ hết. Người ở đó trong bí tích Thánh Thể. Người ở đó trong Sách Thánh. Người ở đó trong những lời giáo huấn của Giáo hội, Người ở đó trong những chia sẻ vui buồn. Người ở đó trong những anh em sống quanh ta.

Với đức tin và tình yêu, ta không cảm thấy Chúa Thánh Thần chỉ là một làn gió mơ hồ, như một ảo ảnh, nhưng ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Người, khi Người đốt lên trong tim ta ngọn lửa yêu mến, khi Người thúc đẩy ta dẫn thân phục vụ, khi Người soi sáng cho ta những sáng kiến trong những hoạt động mới.

Nhưng quan trọng nhất là : Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiện của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta như lời Đức Giêsu nói : "Ngày đó, anh em sẽ biết Thầy ở trong Cha Thầy, Thầy ở trong anh em và anh em ở trong Thầy. Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ cho người ấy biết Thầy".

Đức Giêsu ở trong Chúa Cha, ta ở trong Đức Giêsu, như vậy ta cũng ở trong Chúa Cha. Và Đức Giêsu ở trong ta, như vậy Chúa Cha cũng ở trong ta. Ở trong người nào tức là ở trong trái tim của người ấy. Ở trong trái tim của ai tức là được người ấy yêu thương. Hiệp thông trong yêu thương là một thái độ cởi mở : mở tâm hồn ra để cho đi và nhận lãnh sự sống. Nhờ Tin và Yêu, ta mở lòng ra đón nhận Thiên Chúa, sự sống mới, sự sống sung mãn, sự sống vĩnh cửu.

Đúng như lời Đức Giêsu nói :"Thầy sẽ không để anh em mồ côi". Ai nhắm mắt đức tin, sẽ không nhìn thấy Chúa, sẽ trở thành mồ côi. Ai đóng cửa tình yêu, sẽ không gặp được Chúa, sẽ sống trong cô độc. Nhưng người môn đệ Chúa, nhờ có đức tin và tình yêu sẽ gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi, sẽ được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Và như thế việc ra đi của Đức Giêsu không những không thiệt hại mà còn ích lợi cho ta. Sự ra đi của Người đem đến cho ta Chúa Thánh Thần an ủi. Sự ra đi của Người dẫn ta đi đến kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sống sung mãn, sự sống dồi dào.

Nhưng để đạt tới điều Đức Giêsu đã hứa, ta hãy nhớ lại một lần nữa lời Đức Giêsu căn dặn : "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các giới răn của Thầy". Đức tin được thể hiện bằng tình yêu. Tình yêu được chứng minh qua hành động. Đó chính là chìa khoá của đời sống Kitô hữu.

Gm Giuse Ngô Quang Kiệt (Nguồn vietcatholic.org)

926    26-05-2011 22:13:35