Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Chúa Nhật XVI TN A_3

MẦU NHIỆM SỰ DỮ
Mt 13, 24-43

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta phải đối mặt với biết bao những đau khổ bởi chiến tranh, bệnh tật, tai nạn, bất công, nghèo đói và cả tội lỗi nữa... Tất cả những điều đó, có thể gọi chung là sự dữ. Đối diện với sự dữ nhiều người đã phải tự hỏi về sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa trong vũ trụ.

Lời Chúa qua dụ ngôn "Cỏ lùng" chúng ta vừa nghe đã phần nào giúp chúng ta hiểu được phần nào về Mầu nhiệm sự dữ trong thế giới hôm nay và về Thiên Chúa chúng ta tôn thờ.

1. Thiên Chúa là nguồn sự thánh thiện:

Trước hết, chúng ta cần xác tín lại một lần nữa với nhau: Thiên Chúa là Đấng Thánh như lời ngôn sứ Isaia, khi ông tuyên xưng Ngài là Đấng ba lần Thánh, mà Giáo Hội vẫn lập lại sau mỗi lời Tiền tụng: "Thánh, Thánh, Thánh ..." (x. Is 6, 6). Không chỉ là Đấng Thánh, Thiên Chúa còn là nguồn mọi sự thánh thiện. Điều này được sách Sáng thế diễn tả thật cụ thể qua điệp khúc: "Thiên Chúa thấy thế là tốt lành" (St 1, 10. 12. 18. 21. 25) sau mỗi ngày sáng tạo. Như thế, mọi sự tốt lành, thiện hảo đều đến từ Thiên Chúa. Ý tưởng này cũng được khẳng định gián tiếp qua lời thắc mắc của những người đầy tớ khi họ hỏi ông chủ: "Thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao?" (Mt 13, 27). Nếu Thiên Chúa là Đấng tốt lành, thánh thiện thế thì tại sao trong thế giới hôm nay vẫn còn đầy dẫy những đau khổ, bệnh tật, chết chóc? Đó không chỉ là vấn nạn của chúng ta hôm nay, nhưng còn là vấn nạn chung của con người qua muôn thế hệ. Những người đầy tớ trong bài Tin mừng cũng đã phải hỏi chủ ruộng: "Vậy cỏ lùng tự đâu mà có?" (Mt 13, 27).

2. Sự dữ trong thế giới:

Đứng trước câu hỏi của các đầy tớ, người chủ ruộng đã trả lời: "Người thù của ta đã làm như thế". Câu trả lời này đưa ra cho chúng ta hai vấn đề: 

Trước hết, sự dữ là một thực tế có thật trong cuộc sống của chúng ta. Nó biểu hiện rất cụ thể qua chiến tranh, loạn lạc, tai ương, thiên tai, những bất công trong xã hội, nhất là tội lỗi mà chúng ta vẫn gặp hàng ngày trong cuộc sống. Chúng ta không thể tránh né mà cho rằng không có sự dữ. Nhưng ranh giới giữa sự dữ và sự thiện; giữa "lúa" và "cỏ lùng" trong thực tế thì không thật rõ ràng. Chúng ta không thể cho rằng điều này là sự dữ, còn điều kia là điều tốt. Nói đến đây, tôi nhớ chuyện "Tái ông mất ngựa". 

Chuyện kể rằng: Tái ông có một con ngựa, một hôm đang khi cho đi ăn thì lạc mất con ngựa. Nghe tin, hàng xóm đến chia buồn, nhưng Tái ông thì lại trả lời: "Không chừng mất ngựa mà lại là điều hay cho tôi". Một thời gian sau, con ngựa của ông trở về và dắt theo một con ngựa khác. Nghe tin, hàng xóm đến chúc mừng ông, nhưng ông lại trả lời: "Không chừng được ngựa mà lại là điều xui cho tôi". Ít lâu sau, người con trai của ông trong lúc tập cưỡi con ngựa mới đã té ngã gãy chân. Nghe tin, hàng xóm lại đến chia buồn với ông, nhưng Tái ông lại trả lời: "Không chừng con tôi gãy chân mà lại là điều hay cho tôi". Một thời gian sau, đất nước có chiến tranh và con trai ông vì gãy chân mà không phải ra chiến trường. 

Mặt khác, chúng ta cũng không thể đánh giá người này là tốt, còn người kia là xấu, vì cái nhìn của chúng ta không khách quan đủ, và cũng không nhìn hết mọi mặt của một con người. Hơn nữa, con người là một tạo vật có tự do, nên việc đánh giá còn khó khăn hơn. Với kinh nghiệm bản thân, chắc hẳn quý ông bà anh chị em cũng có cảm nghiệm như thánh Phaolô: "Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm...Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sâu trong các chi thể tôi." (Rm 7, 15. 21-23). 

Thế đó, ranh giới giữa sự dữ và điều tốt không phải là ở những gì ta thấy ở bên ngoài. Cỏ lùng và lúa vẫn còn lẫn lộn với nhau trong cuộc sống hiện tại và ngay cả trong từng người chúng ta. Điều tốt và điều xấu chỉ cách nhau một ý hướng, một nguyên nhân thúc đẩy hành động. Thấy rõ điều đó, nên Thiên Chúa rất nhân hậu và khoan dung khi xét đoán. Tác giả sách Khôn ngoan trong bài đọc một viết: "Vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người... vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành" (Kn 12, 16a. 18a). Lòng nhân hậu này còn được diễn tả thật rõ nét qua lời đáp của ông chủ với những người đầy tớ, khi họ xin đi nhổ cỏ lùng trong ruộng lúa: "Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt" (Mt 13, 29-30a).

Kế đó, dụ ngôn còn cho chúng ta thấy nguyên nhân của sự dữ là ma quỷ, kẻ thù của Thiên Chúa, như lời giải thích của chính Chúa Giêsu: "Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỉ" (Mt 13, 39a). Hành động của nó thật lén lút, vào chính những lúc chúng ta không ngờ. Tin mừng thuật lại: "Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa" (Mt 13, 25). Cùng với ma quỉ, nguyên nhân sự dữ còn do sự lạm dụng tự do Thiên Chúa đã ban, của chính từng người chúng ta. Trong vườn địa đàng, tổ tông của chúng ta và từng người chúng ta hôm nay nhiều khi đã không biết sử dụng tự do của mình cho đúng. Việc làm của chúng ta bị chi phối bởi những đam mê và tính ích kỷ hơn là vì lẽ phải.

Tóm lại, chúng ta thấy Thiên Chúa luôn là nguồn của mọi sự tốt lành, thánh thiện. Còn Sự dữ là do ma quỷ mà ra. Đồng thời, trong cuộc sống trần thế và ngay trong từng con người của chúng ta lúa và cỏ lùng vẫn đang còn chung sống lẫn lộn. 

3. Lời mời gọi tỉnh thức:

Vì thế, chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác trước mọi cơn cám dỗ. Chúng thường đến vào lúc "đêm khuya khi chúng ta đang ngủ", nghĩa là lúc chúng ta không ngờ, thiếu đề phòng nhất để gieo "cỏ lùng". Cỏ lùng đó có thể là một cơn nóng giận, một sự tự ái, hay lòng tự trọng của chúng ta bị người khác gièm pha. Đồng thời, chúng ta cũng phải hết sức vun xới và chăm bón cho "cây lúa" trong mỗi người chúng ta được phát triển nhờ việc luôn gắn bó với Chúa trong đời sống cầu nguyện, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần như lời nhắc bảo của thánh Phaolô: "Có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta" (Rm 8, 26).

Giờ đây, chúng ta hãy dọn mình lãnh nhận Thánh Thể cách sốt sắng. Nhờ đó, chúng ta đủ sức mạnh để vượt thắng sự lấn át của cỏ lùng và ngày sau hết đáng nhận được phần thưởng như lời Chúa hứa trong bài Tin mừng: "Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình" (Mt 13, 43). Amen.

Lm Trần Thanh Sơn


NƯỚC TRỜI - MỘT THỰC TẠI SỐNG ĐỘNG
Mt.13,24- 43 

Chúa Giêsu, một con người sống gắn bó với dân tộc, một dân tộc lao động vất vả, Ngài đã sống và Ngài đem kinh nghiệm sống của mình vào những dụ ngôn để nói về Nước Trời, giúp cho dân chúng đương thời dễ hiểu.

Hôm nay, Phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta đọc lại 3 dụ ngôn: Cỏ lùng, hạt cải và men trong bột. Cả ba dụ ngôn đều nói đến sự nỗ lực cộng tác của người nông dân trồng trọt trên cánh đồng của họ, của người làm bếp nhồi bột. Nhưng để cho hạt giống mọc lên, để cho bột dậy lên cũng phải chờ đợi, chúng ta không thể hoàn toàn làm chủ được nó. Cũng như đối với Nước trời, chúng ta không làm chủ được và cách thực hiện về Nước Trời không chỉ tùy thuộc vào chúng ta, nhưng trước hết là cậy dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần như trong thư của thánh Phaolô Tông Đồ gửi cho giáo đoàn Roma (8, 26-27) mà chúng ta vừa nghe.

Tin Mừng mời gọi chúng ta tin tưởng và có niềm thanh thản của kẻ đã làm xong nhiệm vụ của mình, nhưng cũng phải tỉnh thức : Như ông chủ không điên đầu với kẻ thù của ông đã gieo vào, nhưng sẵn sàng sẽ tách cỏ lùng khỏi lúa tốt sau này, nên phải có thời gian chờ đợi. Trong lời kêu gọi kiên nhẫn, chúng ta cũng thấy ngầm một lời nhắn nhủ: Hãy kính sợ, hãy khiêm tốn chờ trông cuộc phán xét. Sở dĩ nên trì hoãn việc nhổ cỏ lùng là vì chúng ta không thể tự ý chiếm lấy cho mình đặc quyền của Thiên Chúa, quyền giải quyết vấn đề biết đâu là lúa tốt, đâu là cỏ lùng thuộc về Thiên Chúa, phần chúng ta phải sống trung thành với lời mời gọi của Nước Trời, chứ đừng xem lời đó như sự bảo đảm an tòan giả tạo và đáng tự cao.

Cũng vậy, dụ ngôn hạt cải chỉ cho chúng ta thấy sự chờ đợi trong thinh lặng âm thầm, tuy bước đầu nhỏ bé, nhưng sau thời gian tăng triển nó biến thành cây to lớn, để có thể làm thành nơi trú ngụ cho muôn loài. Như thế, chúng ta đừng nóng lòng với dáng vẻ khiêm tốn của Nước Trời hay những bất toàn của Giáo hội tại thế, nhưng hãy hy vọng chờ đợi vào ngày mai của Nước Trời, Nước Trời mà từ đây đang hiện diện trong lời của Đức Giêsu trong biến cố mà lời đó trình bày cho thính giả, một ngày kia sẽ tỏ ra vô cùng vĩ đại trong vinh quang. Vì thế, chúng ta đừng thất vọng khi thấy Giáo hội hiện tại nhỏ bé đối với toàn thể nhân loại.

Hãy nhìn vào một lượng men ít ỏi với khối bột khổng lồ dậy men, chỉ một nhúm men, sẽ làm dậy lên toàn thể khối bột. Cho nên hãy tin chắc rằng hành động thần linh kỳ diệu sẽ biến nhóm nhỏ của Giáo hội thành một dân Thiên Chúa, quy tụ mọi quốc gia trên địa cầu. Và chúng ta đã thấy rõ điều ấy trong Giáo hội hôm nay.

Hãy nhìn thế giới với cái nhìn lạc quan, vì cái nhìn của chúng ta là cái nhìn đức tin. Chúng ta tin rằng hạt giống tốt không bao giờ mất đi, nhưng sẽ thành cây tươi tốt, Thiên Chúa là Đấng nhẫn nại chờ đợi. Ngài chịu đựng hàng thế kỷ tội lỗi để ban cho chúng ta ơn Cứu độ (Rm 3, 26). Ngài gớm ghét tội, nhưng Ngài yêu thương tội nhân trở lại cùng Ngài. Nếu Ngài không kiên nhẫn đối với tội lỗi của chúng ta, thì giờ đây chúng ta sẽ ra sao?

Chúng ta nên nhớ rằng hạt giống tốt được gieo xuống đất trước tiên và khắp mọi nơi như bài Tin mừng của Chúa Nhật 15 năm A. Hạt giống tốt ấy sẽ sinh hoa trái, 30, 60,100 và được gặt hái sau cùng ở khắp mọi nơi. Còn cỏ lùng là tội lỗi, nó chỉ xuất hiện khi con người bất tuân lệnh Chúa, chứ Thiên Chúa không gây nên sự dữ là tội lỗi. Vì thế, nó không phải là cái đầu tiên được gieo vào trong thế giới nên chắc chắn nó sẽ bị nhỏ đi trước khi gặt lúa (Mt 13, 28 - 38) và nó chẳng phải là cái được thu gom cuối cùng. Hãy chờ đợi trong kiên nhẫn.

Lạy Chúa, Chúa biết rõ chúng con hơn chúng con biết chúng con, nên Chúa không ngạc nhiên về những gì xẩy ra nơi mỗi người chúng con, Ngài tiếp tục kêu gọi và gieo vãi hạt giống tốt vào lòng chúng con. Xin cho chúng con cũng biết học nơi Ngài lòng quảng đại và tình yêu rộng mở để chúng con đối xử tốt với anh chị em chúng con.

Sr Mai An Linh, OP

 

THIÊN CHÚA VÔ CÙNG KIÊN NHẪN CHỜ ĐỢI
Mt 13, 24-43 

Đọc đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu 13,24-43, chúng ta thất sự kiên nhẫn vô cùng của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể dùng lưỡi hái của Ngài để cắt tất cả cỏ dại, tất cả những gì là xấu xa trong thế gian. Điều này nếu xẩy ra thì chắc chắn là hạnh phúc cho chúng ta vì chúng ta sẽ không phải sống với những tệ nạn của thế gian : xì ke, ma túy, phá nạo thai, những kẻ du đãng giết người, những trẻ em vô giáo dục vv...Tại sao Thiên Chúa lại không làm thế bởi vì Ngài nhân từ, chạnh lòng xót thương. Sách khôn ngoan cho chúng ta hay Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng, nghĩa là cho chúng ta cơ hội để ăn năn sám hối tội lỗi. Thiên Chúa luôn tôn trọng sự tự do của con người. Ngài muốn tạo dịp thuận tiện để con người quay trở về và đổi mới con người.

DỤ NGÔN CỎ DẠI SỐNG CHUNG VỚI LÚA : 

Sống trên trần gian bao giờ cũng có người tốt, người xấu, sự lành, sự dữ, vàng thau lẫn lộn với nhau. Về phương diện bề ngoài, nghĩa là thế gian thì bất cứ ở chỗ nào, bất cứ nơi đâu, cũng có mặt phải mặt trái, cũng có ánh sáng và bóng tối. Tất cả đều sống bên nhau lẫn lộn lẫn nhau. Ngay trong một con người cũng có cái xấu, cũng có cái tốt, cũng có sự dữ, sự lành đan xen với nhau như cỏ lùng và lúa tốt trong một mảnh đất, trong một thuở ruộng.Thực tế, trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu đã sống ở làng quê Nagiarét, đã đi qua vùng Palestina, Ngài đã thấy dân chúng làm ruộng, gieo vãi những hạt lúa mì và khi cây lúa mì còn nhỏ, người ta rất khó phân biệt với cỏ dại. Do đó,Chúa đã căn dặn một việc làm rất thực tế :" Khi nhổ cỏ, các anh sẽ nhổ cả lúa mì lẫn trong cỏ ". Có một sự thực hiển nhiên: cỏ lùng vì là cỏ dại nên không bao giờ nó có thể trở nên lúa tốt được và lúa đã là lúa thì vạn đại nó vẫn cứ là lúa. Chính vì thế, con người thường hay xét đoán người này tốt, người kia xấu, người này là cỏ dại, người kia là lúa tốt. Thực ra, chúng ta không có quyền xét đoán người khác một cách quá giản đơn như thế. Đặc biệt, chúng ta không có quyền xét đoán tội lỗi của bất cứ ai. Quyền đó là quyền của Thiên Chúa. Con người tự bản tính là tốt, nhưng khi lớn lên, con người có thể từ tình trạng lúa tốt biến thành cỏ dại, rồi với ơn Chúa và sự suy nghĩ, hồi tâm, cố gắng con người lại trở thành lúa tốt. Con người là lúa tốt hay là cỏ dại theo một ý nghĩa và giới hạn nào. Điều quan trọng là tới khi chết con người đang ở tình trạng nào ? Lúa tốt hay cỏ dại, cỏ lùng. Đó là sự tự do của con người và con người phải chịu trách nhiệm về sự tự do Chúa ban cho họ khi còn sống trên mặt đất này. Ở xã hội hay ngay trong Giáo Hội cũng có người tốt người xấu, cũng có kẻ lành kẻ xấu. Ngay trong nhóm 12 tông đồ, Giuđa Iscariốt cũng là cỏ lùng mà. 

DỤ NGÔN MUỐN DẬY CHÚNG TA ĐIỀU GÌ ?: 

Tục ngữ ta có câu:" Nhân vô thập toàn ". Con người vốn không hoàn hảo. Nên, cần phải cố gắng, vươn lên, vượt thắng mọi tính hư, tật xấu, đẩy lùi bóng tối, diệt trừ tội lỗi. Chúa đã nói :" Hãy bước qua cửa hẹp " hoặc, ai muốn theo Ta :" Hãy từ bỏ mình, vác Thập Giá mà theo Ta ". Từ bỏ mình có nghĩa là diệt sự dữ, đẩy lùi tội lỗi, tính ích kỷ, keo kiệt mà quảng đại theo Chúa. Qua dụ ngôn cỏ lùng và lúa, Chúa muốn nhắc nhở con người, nhân loại, chúng ta : con người được Chúa cho sinh ra vốn tốt lành nhưng vì tội lỗi xâm nhập, con người bị vương mắc tội tổ tông và rồi tội riêng mình làm. Tuy nhiên, con người có trí khôn, biết phân biệt đâu là cái tốt, đâu là cái xấu, điều gì nên làm và điều gì không được làm và sống đúng là người môn đệ Chúa. Nói rõ hơn, Chúa mời gọi chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện để chiến đấu, chống trả tội lỗi: xác thịt, danh vọng và kiêu ngạo là cỏ lùng, cỏ dại xen lấn, sống lẫn lộn trong ta, đồng thời cầu nguyện để bảo vệ những nhân đức, đức bác ái và mọi công phúc chúng ta làm được. Tỉnh thức và cầu nguyện để sẵn sàng đến mùa lúa chín tức là khi con người nhắm mắt xuôi tay, Chúa sẽ thu vào kho lẫm của Ngài.

ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG : 

Ác giả ác báo quả cũng có lý do của nó. Đời sống con người tác ác sẽ gặp tai họa mà hiền lành, đạo đức dù có gặp thử thách như ông Gióp thì đó cũng chỉ là thử thách của Chúa nơi ông. Con người sống khiêm tốn, hiền lành, sống cậy trông nơi Chúa, tin tưởng vào tình yêu của Chúa sẽ được Chúa chúc lành. Chúa luôn luôn kiên nhẫn đợi chờ con người. Chúa không bao giờ muốn loại trừ ai, miễn là con người biết quay trở về với Ngài để được Ngài tha thứ. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy rất nhiều trường hợp, Chúa yêu thương và tha thứ cho người có tội như dụ ngôn " Người con hoang đàng", " Người nữ phạm tội ngọai tình" " Bà Maria Mađalêna " vv...Tất cả những dụ ngôn trong Tin Mừng đều nói lên lòng nhân từ và sự kiên nhẫn của Chúa đối với tội nhân. Chúng ta phải sống hiền hòa, hòa thuận với mọi người vì Chúa là Đấng nhân từ và hay tha thứ.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ánh mắt của Chúa để chúng con biết nhìn anh chị em chúng con như Chúa nhìn. Xin cho chúng con trai tim của Chúa để chúng con biết nhạy cảm trước sự đau khổ của người khác.Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN
Mt 13, 24-53

Dụ ngôn cỏ lùng là một trong những dụ ngôn hiếm hoi được chính Chúa giải thích rõ ràng. Giải thích của Chúa giúp ta có những hiểu biết hữu ích cho đời sống đạo.

Dụ ngôn nhắc nhớ ta về sự hiện diện của ma quỉ. Ma quỉ hiện hữu. Chúng luôn có mặt để gieo rắc sự xấu. Chúa đã chuẩn bị những thửa ruộng tốt. Những thửa ruộng đó là thế giới, là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người. Chúa đã gieo những hạt giống tốt. Hạt giống đó là Lời Chúa, là ơn Chúa, là những thiện chí, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn con người. Nhưng ma quỉ lén gieo vào những hạt cỏ xấu. 

Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hòa bình. Đẹp biết bao nếu mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng buồn thay, cánh đồng hòa bình tươi xanh đã bị những ngọn cỏ tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sử thế giới được ghi bằng những trang buồn vì không ngày nào không có chiến tranh.

Thế giới sẽ đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần xây dựng. Nhưng buồn thay, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa, nô lệ hóa con người.

Ngay trong bản thân mỗi người, không thiếu những sáng kiến, những họat động ban đầu xem ra tốt đẹp, nhưng dần dà bị vẩn đục vì những biến tướng nặng mùi trần tục như khoe khoang, tìm hư danh, tìm lợi lộc.

Đó là những hạt cỏ xấu ma quỉ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.

Tuy nhiên, dụ ngôn cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa. Chúa đợi cho đến ngày tận thế mới thu lúa cùng với cỏ lùng. Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hi vọng những người tội lỗi ăn năn sám hối. Chúa bao dung tha thứ không nỡ phạt người tội lỗi tức khắc. Chúa yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt. Nếu Chúa phạt ngay những người tội lỗi thì ta đâu còn cơ may được chiêm ngưỡng ông thánh trộm lành. Nếu Chúa thẳng tay thì ta đâu có thánh nữ Ma-đa-lê-na, Tông đồ của các Tông đồ, thánh Augustinô, Tiến sĩ lừng danh, thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại. Nếu Chúa chấp tội thì bản thân ta sẽ là người bị phạt đầu tiên, vì trong ta cũng đầy những tội lỗi, những sự xấu. Trong tâm hồn ta cỏ lùng vẫn mọc xen với lúa tốt.

Sau cùng, dụ ngôn cho ta hiểu tất cả là hồng ân của Chúa. Có sự lành để ta hiểu biết và yêu mến sự tốt lành của Thiên chúa. Có sự dữ để ta gớm ghét tránh xa và càng thêm gắn bó với sự lành. Có sự lành để ta được hưởng niềm an ủi ngọt ngào của Chúa. Có sự dữ để ta phấn đấu vượt qua, chứng minh lòng trung tín của ta với Chúa. Có thuận lợi để ta tiến bước trên đường thánh thiện. Có khó khăn để ta rèn luyện thêm nhân đức.

Mọi sự đều nên tốt cho kẻ lành. Thật vậy, việc cấm đạo là sự dữ. Nhưng nhờ đó mà Giáo hội có được những chứng nhân anh hùng. Đau khổ và bệnh tật là những khiếm khuyết trong cuộc sống, nhưng lại giúp con người được thông phần đau khổ với Chúa. Thánh Nữ Teresa đã nhìn thấy tất cả là hồng ân của Chúa. Sự lành cũng như sự dữ. Hạnh phúc cũng như đau khổ. Thành công cũng như thất bại. Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp và thăng tiến người lành.

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

THIÊN CHÚA KIÊN NHẪN và BAO DUNG
 Mt 13:24-43

Nếu Chúa Nhật vừa rồi dụ ngôn "người gieo giống" diễn tả hình ảnh về một Thiên Chúa yêu thương và quảng đại trong việc phân phát Lời và Ơn Cứu độ của Người cho hết mọi người, thì Chúa Nhật XVI này phụng vụ Lời Chúa lại giới thiệu với chúng ta về một Thiên Chúa kiên nhẫn và bao dung trước sự dữ và tội lỗi của chúng ta.

1. Lúa và cỏ lùng, thực tại của cuộc sống

Khởi đầu dụ ngôn Chúa Giêsu ví Nước Trời như một thửa ruộng trong đó "lúa và cỏ lùng" mọc chung với nhau. Nếu lúa tượng trưng cho những con người tốt và những việc tốt, những điều thiện hảo, thì cỏ lùng lại tượng trưng cho những người xấu, những việc xấu, và tội lỗi. Lúa mọc với cỏ lùng, sự thiện ở bên cạnh sự dữ, người tốt sống với kẻ xấu. Sự lẫn lộn giữa "lúa và cỏ lùng" này chúng ta gặp bất cứ ở đâu: trong gia đình, ngoài xã hội, trong cộng đoàn, nơi công cộng, và ngay cả trong chính lòng của mỗi người.

Dụ ngôn của Chúa Giêsu cũng chỉ cho chúng ta thấy nguồn gốc của sự lành và sự dữ. Tất cả mọi sự tốt lành trong thế giới này đều đến từ Thiên Chúa, Người là nguồn gốc của mọi sự thiện hảo. Còn sự dữ là do Ma quỷ gieo vào. Ma quỷ là kẻ thù luôn chống lại chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Và Chúng tìm cách dụ dỗ con người làm những điều xấu và gây đau khổ cho người khác. Chúng ta phải tĩnh thức vì ngày hôm nay Ma quỷ hoạt động càng tinh vi để gieo rắc cỏ lùng sự dữ vào trong cuộc sống chúng ta!

2. Tại sao Thiên Chúa lại để như thế?

Trước "cỏ lùng", sự dữ và người tội lỗi, thái độ của chúng ta thường giống như những người đầy tớ chủ ruộng: là muốn nhổ đi, loại trừ, nổi loạn, hoặc bất bao dung. Nhưng thái độ của Thiên Chúa được dụ ngôn nói tới thì hoàn toàn khác hẳn. Thiên Chúa kiên nhẫn và bao dung trước sự dữ, nhất là trước tội nhân. Bởi vì Thiên Chúa biết rằng: từ sự dữ có thể đưa tới sự lành! Từ một người tội lỗi có thể trở thành một vị thánh. Hay nói như Đức HY Nguyễn Văn Thuận: "Thiên Chúa biết vẽ những đường thẳng trên những đường cong". Thiên Chúa luôn hy vọng và cho chúng ta những cơ hội để hoán cải, để thay đổi đời sống, để trở thành điều mình phải là. Nói như sách Khôn Ngoan: "Khi hành động như thế, Người dạy dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo... Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối" (Kn 12,19). Hay nói như Thánh Vịnh hôm nay: "Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với ai kêu cầu Chúa" (Tv 85,5). Và Thánh Phaolô nói cách tuyệt với rằng: "Có Chúa Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta" (Rm 8,26).

Thời gian chúng ta sống là thời gian kiên nhẫn của Thiên Chúa, thời gian của sám hối, thời gian để làm điều thiện. Cỏ lùng thì mãi mãi là cỏ lùng, còn con người thì khác, con người có thể cải tà qui chính, có thể từ một thằng quỷ biến thành một vị thánh. Trong cái nhìn đó, Đức Thánh Cha Benedetto XVI trong lễ khai mạc sứ mạng giáo hoàng của Ngài, đã có câu nói rất hay: «Chúng ta chịu đựng vì sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, thế nhưng chúng ta tất cả cần sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Thiên Chúa, Đấng đã trở thành con chiên, nói với chúng ta rằng thế giới được cứu độ bởi Đấng Chịu đóng đinh chứ không phải những kẻ đóng đinh. Thế giới này được cứu độ nhờ sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và bị phá hũy bởi sự bất kiên nhẫn của con người». ( Benedetto XVI, Omelia nell'inizio solenne del Pontificato, Roma, 24 aprile 2005)

Nếu Thiên Chúa hành xử cách thẳng tay và ngay lập tức thì sẽ không có: một Phaolô bắt bớ Giáo hội, lại trở thành một người Tông đồ dân ngoại đi khắp nơi hăng say rao giảng Tin Mừng Đức Kitô; một Augustinô tội lội và phóng túng, đã trở thành một vị đại thánh, bậc tiến sỹ của Giáo hội; một Charles de Foucauld lêu lỗng lại trở thành người sống nghèo khó và khiêm tốn; một Ève Lavallìere cô đào nỗi tiếng của Pháp đã từ bỏ vinh quang và phú quí để sống cuộc đời hoàn toàn cho Chúa trong tu viện vv..vvv. Rất nhiều những chứng tích khác đã là những vị thánh lừng danh nhờ sự kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa.

Lm. Phêrô Nguyễn Hương (nguồn vietcatholic.org)

1498    15-07-2011 21:04:59