Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Chúa Nhật XVI TN A_4

CHUNG ÐỤNG VỚI LÚA MIẾN VÀ CỎ LÙNG 
 Mt 13:24-43

Ðể giúp người nghe hiểu về sự phát triển của nước Trời, Chúa Giêsu dùng ba dụ ngôn để chuyển đạt ý niệm. Dụ ngôn về hạt cải ám chỉ nước Trời bắt đầu rất nhỏ bé như hạt cải với việc chọn có mười hai tông đồ. Dụ ngôn nắm bột dậy men ám chỉ việc bành trướng của nước Chúa lúc đầu cũng nhỏ bé. Và nước Trời được ví như một thửa ruộng được gieo hạt giống. Trong khi người gieo giống thiếp ngủ, thì kẻ thù đến gieo vãi cỏ lùng vực vào ruộng lúa của chủ như Phúc âm hôm nay ghi lại: Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào ruộng lúa, rồi đi mất (Mt 13:25). 

Theo ý nghĩa dụ ngôn thì lúa miến và cỏ lùng tượng trưng cho thiện và ác, sự lành và sự dữ. Thánh kinh dạy ta có sự hiện diện của sự dữ trong thế gian. Theo thần học và Thánh kinh công giáo thì thần dữ không chịu tuân phục Thiên Chúa. Như vậy sự dữ là sản phẩm của tự do mà Thiên Chúa đã ban cho loài thụ tạo: cho thiên thần cũng như loài người. Lucifer vì bất tuân phục Thiên Chúa, nên đã trở thành thần dữ. Ađam vì không vâng lệnh Thiên Chúa nên đã để cho tội lỗi lọt vào thế gian.. 

Vì thế bao lâu con người còn tại thế, thì thiện ác, tốt xấu, vẫn xen lẫn nhau như lúa miến và cỏ lùng và gây xung đột trong lòng người. Kẻ thù của nước Trời hằng rình chực lúc con cái sự sáng ngủ mê, không tỉnh thức cầu nguyện, không sống và thực hành lời Chúa, để gieo vãi cỏ dại là tội lỗi và các thứ tính mê nết xấu vào tâm hồn loài người. Dưới chiêu bài tự do: tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và tôn trọng quan điểm cá nhân, người ta tự do gieo vãi hạt giống cỏ lùng vào thế gian, trong xã hội ta đang sống bằng đủ mọi phương tiện truyền thông xã hội như sách vở, báo chí, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, mạng tin tức hầu làm tắc nghẽn lời Chúa, làm sa đoạ lòng người, làm lũng đoạn vườn nho của Giáo hội. Tội ác phạm đến Chúa, đến tha nhân và đến chính mình xẩy ra hằng phút trên thế giới.

Loài người thường có khuynh hướng hay đổ lỗi cho quỉ. Hễ cái gì xấu xa, dơ bẩn hay tội lỗi, thì cho là tại quỉ. Vì thế mà người ta ví nghịch như quỉ, xấu như quỉ, ác như quỉ.. Có lẽ người ta ví nghịch như quỉ cho nên hoạ sĩ mới hay vẽ hình thằng quỉ có cái đuôi dài? Mà thực vậy, hễ con vật gì có đuôi dài là nó thường nghịch, chẳng hạn như con khỉ. Về phương diện này thì kể ra cũng tội nghiệp cho thằng quỉ. Không biết còn gì giống như quỉ nữa không? Có một linh mục Việt Nam kia, trước khi qua Mỹ tu nghiệp có gặp một linh mục Mỹ, học làm linh mục cho giáo phận Ðà nẵng, sau khi mãn lính Mỹ ở Việt Nam. Linh mục người Mỹ nói với linh mục người Việt: 'Cha cứ sang đó mà coi. Nó lạnh như quỉ vậy!' Ông cha Việt nam nghĩ bụng từ trước tới nay đọc sách nói về hoả ngục với lửa sinh lửa diêm, thì phải nóng chứ. Sao bây giờ ông cha Mĩ lại ví: nó lạnh như quỉ vậy? 

Hôm nay mỗi người cần nhận thức rằng nhiều cám dỗ để làm bậy là do khuynh hướng xấu trong con người chứ không hẳn là do ma quỉ bầy đặt. Ðó chính là điều mà Thánh Phaolô đã nhận ra là có hai khuynh hướng hay hai lề luật phản nghịch nhau nơi loài người: Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lí trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi (Rm 7:22-23). Thánh Phaolô muốn nói là thần trí ta muốn vươn lên, nhưng xác thịt cứ kéo ghì ta xuống. 

Gương xấu và sự dữ trong thế gian giống như cỏ lùng, có thể gây ảnh hưởng xấu và làm hại ta bất cứ lúc nào. Và hậu quả của sự dữ có ảnh hưởng đến người xung quanh, tốt cũng như xấu. Ðể bảo vệ mùa gặt lúa trong Phúc âm hôm nay, đầy tớ đề nghị với chủ phải nhổ cỏ lùng. Tuy nhiên chủ lại bảo phải để cỏ lùng mọc chung với lúa miến, cho tới mùa gặt là lúc mà người ta mới có thể dễ dàng tách biệt lúa ra khỏi cỏ. Chủ trương để cỏ lùng mọc chung với lúa miến cho tới mùa gặt nói lên lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa và lòng khoan dung của Người mà ta cần phải học. Biết đâu người gian ác được ơn sám hối để trở lại cùng Chúa như sách Khôn Ngoan hôm nay ghi lại: Ngài đã cho con cái niềm hi vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối (Kn 12:19). Có những người có thể phản đối giải pháp trì hoãn này. Lý do họ đưa ra là nếu Giáo hội hay nước Chúa ở trần gian là phương tiện cứu rỗi thì phải diệt cội rễ của sự dữ và nết xấu. Tuy nhiên thời giờ tách biệt thiện hảo ra khỏi gian ác một cách hiệu quả và toàn diện thì chưa tới lúc. Bài học thứ hai ta cần học là thời giờ phán xét cũng là của Chúa và thuộc về Chúa. 

Còn bài học thứ ba ta có thể rút tỉa trong Phúc âm hôm nay là việc thiện cũng như thói xấu đều bắt đầu bằng những việc nhỏ bé, nảy mầm từ những cám dỗ phạm những lỗi nhỏ, rồi đưa đến tội tầy đình. Việc luyện tập nhân đức cũng phải bắt đầu bằng những việc nhỏ bé dễ dàng. Vì thế mà ta cần luyện tập để thắng lướt những cám dỗ nhỏ trước để lấy đà hầu có thế thắng vượt cám dỗ lớn. Muốn được như vậy, ta phải tỉnh thức cầu nguyện, luyện tập nhân đức để có thể chống trả cám dỗ. Bao lâu còn tại thế, ta phải chung đụng với lúa miến và cỏ lùng: chung đụng với sự lành và sự dữ, tốt xấu và thiện ác. Vì thế ta phải canh chừng kẻo bị cỏ lùng lấn át. 

Lời nguyện xin cho được ơn đứng vững trước cỏ lùng:

Lạy Chúa, mọi công trình Chúa tạo dựng đều là tốt đẹp.
Mà tội lỗi của thần dữ và ông bà nguyên tổ đã làm ra xấu.
Xin cho con được nhận thức rằng bao lâu còn tại thế
con phải chung đụng giữa cỏ lùng và lúa miến
trong xã hội loài ngưòi cũng như trong chính bản thân con.
Xin cho những người đang gieo vãi cỏ lùng vào thế gian
có được tâm hồn biết kính sợ Chúa.
Và xin cho con được đứng vững, khỏi bị cỏ lùng lấn át. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

 

CỎ LÙNG và LÚA TỐT
Mt 13, 24-43

Trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã thường dùng những sự kiện, những hình ảnh, những vụ việc xẩy ra xung quanh Ngài, những điều thực tế đang diễn ra ở trong làng quê, trong thành thị, để dạy dân chúng, đặc biệt Ngài đã dùng những dụ ngôn để nói về Nước Trời, để nói về thế thái nhân tình. Hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn " Cỏ lùng và lúa tốt " để minh định lập trường của Ngài bởi vì đầy tớ muốn nhổ cỏ lùng đi, nhưng ông chủ lại bảo: " Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt " ( Mt 13, 30 )...

Từ khi ông bà nguyên tổ Ađam và Evà đã không tuân lệnh Chúa, bị sa ngã vì lời phỉnh lừa của con rắn thì tội đã vào trần gian, sự dữ và cái ác bao trùm đến mọi người. Cái ác và sự dữ, đặc biệt là tội lỗi rất lì lợm, dai dẳng, ngoan cố không hề buông tha con người, nếu con người không can đảm, mạnh mẽ, dứt khoát chống cự lại chúng. Thánh Kinh đã mô tả vì tội, nên sự chết đã vào trần gian. Satan là hình ảnh của con rắn cực độc đã gieo rắc kinh hoàn, sợ hãi nếu con người không bám chặt vào Chúa và xin Ngài thứ tha, cứu thoát. 

Dụ ngôn cỏ lùng, Chúa Giêsu quả quyết rằng chính kẻ thừ đã gieo cỏ lùng vào ruộng lúa. Cỏ lùng là một thực tế làm cho lúa không phát triển được vì kẻ thù là satan đã lén gieo vào ruộng hay nói cách khác ma quỷ đã gieo vào tâm hồn con người biết bao tang tóc, biết bao đau thương, tai họa. Tội đã làm con người xa cách Thiên Chúa và làm cho con người phải chết. Chúa dùng cây lúa mì, một loại lúa được trồng rất nhiều ở Palestine, lúc lúa mì còn nhỏ rất khó phân biệt với cỏ. Chúa cho chúng ta thấy rõ trong câu: " Khi nhổ cỏ, các anh sẽ nhổ cả lúa mì lẫn trong cỏ ". Chúa nói cứ để " cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt ". Thực tế, nếu nhổ cỏ lùng lúc còn nhỏ sợ chúng ta sẽ nhổ cả lúa, lẫn với cỏ bởi vì chúng ta không thể nào phân biệt được chúng. Chúng ta hiểu được dù cỏ lùng lớn lên có bóp nghẹt lúa tốt một thời gian, nhưng lúa chín, đến mùa gặt, cỏ lùng rất dễ nhận ra và chúng ta sẽ thu gom tất cả cỏ lùng đem đi đốt và lúa thì mang về phơi khô và cất vào kho lẫm. Trong dụ ngôn này, Chúa không có ý nói cứ để cả hai lớn lên là dung túng cho sự dữ, cho cái ác và để chúng tự do hoành hành.

Trong cuộc sống hằng ngày, trong cuộc hành trình đức tin, vẫn có bóng tối và ánh sáng, vẫn có sự thiện và sự dữ. Cỏ lùng và lúa tốt vẫn đan xen với nhau. Đây là cuộc chiến liên lỉ, cuộc phấn đấu không ngừng, cuộc vượt thắng khó khăn không khoan nhượng. Thiên Chúa có chương trình của Ngài. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn với từng người chúng ta trong cuộc sống đầy cam go, đầy khó khăn này, và Ngài kiên nhẫn, trung tín với hết mọi người trong thế giới này. Thế giới luôn là cuộc chiến đấu liên lỉ giữa sự thiện và sự dữ. Người Kitô hữu luôn có cỏ lùng và lúa tốt đan xen trong tâm hồn. Thánh Phaolô đã viết rất rõ trong thư gửi tín hữu Roma: " Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi không muốn thì tôi lại làm " ( Rm 7, 15 ). Đây là cái nghịch lý trong đời sống của con người. 

Người Kitô hữu chúng ta thường cứ tự an ủi: ta chưa phải là tội nhân, nhưng ta vẫn chưa muốn quay trở về. Cái trớ trêu là như thế vì chúng ta cứ tưởng khi sa ngã như Ađam và Evà mới là tội nhân, khi kiêu ngạo như Lucifer mới là ma quỷ. Cuộc chiến đấu giữa chúng ta và ma quỷ luôn luôn có Chúa phù trì, đỡ nâng. Lucifer kiêu ngạo, nên trở thành satan. Giuđa phản Chúa, bán Chúa và không nhận ra lòng thương xót của Chúa, nên y đã hư đi. Phêrô chối Chúa nhưng đã biết ăn năn, Chúa thứ tha cho Ông và còn đặt Ông làm thủ lãnh Giáo Hội. Bà Maria Mađalêna đã biêt1 sám hối, nên Chúa thứ tha tội lỗi cho bà.

Cỏ lùng là tội lỗi nhưng nếu con người biết hoán cải ăn năn, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi họ quay trở về... Thiên Chúa yêu thương con người và Ngài chờ đợi nơi con người lòng thống hối để được Ngài thứ tha ( Rm 2, 4 ). Thiên Chúa luôn giầu lòng thứ tha. Ngài luôn bao dung, cảm thông và nhẫn nại với chúng ta. Ngài là người Cha nhân từ tha thứ cho đứa con hoang đàng biết quay về với Ngài. Cách thế của Thiên Chúa được biểu tỏ qua lời Thánh Vịnh: " Lạy Chúa, Chúa là Đấng nhân từ và hay tha thứ ".

Vâng, chỉ tới ngày Tận Thế như bài Tin Mừng của thánh Matthêu nói về ngày Chung Thẩm, Chúa sẽ phân chia dê và chiên nghĩa là Ngài sai các thiên thần thu gom hết cỏ lùng, cỏ dại mà đốt đi và thu lúa vào kho lẫm của Ngài. Ngài nói rất rõ ràng: " Kẻ lành lên Thiên Đàng, kẻ dữ xuống Hỏa Ngục chịu phạt đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


CHÚNG TA CÓ NIỀM HY VỌNG
Mt 13: 24-30

Khi đi du lịch tôi phải cẩn thận. Tôi không chỉ nói về việc lái xe cẩn thận, kiểm tra kỹ lưỡng lịch bay, mang theo những thứ thuốc cần thiết cho một chuyến đi dài ngày... Tôi sẽ nói về các môn thể thao. Tôi thường có mặt tại các thành phố lớn của Mỹ như: Huston, New York, San Fransico, Philadelphia, Atlantic... Mỗi thành phố có các đội thể thao riêng của mình, và tôi phải cẩn thận nhớ tên các đội ấy, kẻo lỡ ra tôi lại quá vui sướng reo hò cho đội nhà trong khi đang trong địa hạt của đội đối phương.

Có một vài điều mà hầu hết chúng ta có chung với nhau khi xem các sự kiện thể thao, dù đó là giải theo mùa hay giải vô địch cuối mùa. Khi chúng ta đến nhập cuộc với những người đang xem thể thao và muốn nắm bắt tình hình thì thường chúng ta hỏi: "Ai đang thắng?" Nếu là đội của mình, chúng ta sẽ ngồi lại và vui vẻ theo dõi. Nếu đội của mình đang thua, hay đang gay go, chúng ta ngồi ra cuối hàng ghế và cảm thấy bực bội, chán nản. Và chúng ta hy vọng. Như có câu rằng: "Hy vọng làm nảy sinh những điều ra như không thể".

Chúng ta làm được gì nếu không có niềm hy vọng? Khi có nhu cầu, niềm hy vọng lay động chúng ta để thực hiện điều đó tốt đẹp hơn. Những cặp vợ chồng có niềm hy vọng khi họ cùng nhau đến gặp nhà tư vấn hôn nhân gia đình để giải quyết mâu thuẫn, để vượt qua những khác biệt dường như không thể hàn gắn được. Thiếu niên có niềm hy vọng khi chúng ở lại sân bóng rổ sau khi cả đội đã ra về, để tập đi tập lại những cú đứng ném bóng tại chỗ. Những người đang giảm cân có hy vọng khi quyết tâm ăn kiêng hơn nữa và đi bộ 20 phút mỗi ngày. Cha mẹ nhìn thấy những băn khoăn trăn trở của con trẻ và lo lắng cho tương lai của chúng - và hy vọng. Niềm hy vọng giúp cho người ta kiên trì chịu đựng những tác dụng phụ của việc hóa trị.

Có những thứ trong cuộc sống của chúng ta và trên thề giới không đúng. Chính niềm hy vọng giúp chúng ta vượt lên trên những éo le đó, bỏ qua những phản đối, xắn tay áo và cố hết sức để sửa chữa những gì sai trái.Chắc chắn Kitô hữu không được phép tự mãn, chúng ta phải cố gắng để làm mọi sự tốt hơn cho chính chúng ta và cho tha nhân nữa. Có rất nhiều thứ chúng ta có thể làm và nên sửa chữa. Chúng ta có niềm hy vọng.

Nhưng đôi khi, dù chúng ta đã cố hết sức nhưng cũng chẳng thay đổi được gì - và không thể thay đổi ngay tức khắc. Chúng ta đang sống trong một thế giới bất toàn và không phải lúc nào cũng làm được gì đó cho thế giới. Dụ ngôn này đã nói nên điều đó.

Chúng ta giống như người nông dân đã cố công gieo những hạt mầm tốt trong cánh đồng của cuộc đời mình. Chúng ta làm việc vất vả để nuôi một dưỡng gia đình tốt đẹp; tạo nên những tương quan tốt; giúp đỡ những người chúng ta yêu mến chiến đấu với bệnh tật; đấu tranh để có nền giáo dục tốt hơn, chế độ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, hòa bình và môi trường sinh thái tốt hơn... Và nếu như thế giới này công bằng, những việc tốt chúng ta đã làm ắt phải sinh ra những kết quả tốt. Nhưng đôi khi, thậm chí nhiều khi, việc tốt chúng ta làm lại mang về những chán chường thất vọng. 

Ở Trung Đông, có một loại hạt giống có tên cỏ lùng mà thoạt nhìn quý vị không thể phân biệt nó với cây lúa - cho đến khi cả hai đã trưởng thành. Rễ của cỏ lùng đan với rễ lúa. Nếu như nhổ cây cỏ lùng thì quý vị cũng nhổ luôn cây lúa lên. Giống như dụ ngôn mô tả. Kẻ xấu bị tiêu diệt, và lúa cũng bị tiêu diệt luôn một thể.

Ông chủ trong dụ ngôn đã nói đúng. Ông nói với người đầy tớ đang muốn nhổ ngay đám cỏ lùng lên để làm một việc "đúng", "hãy để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt..." Thật nản lòng làm sao! Nhìn thấy cỏ mọc lên mà quý vị chẳng thể làm được gì với nó! Quý vị phải để mặc một vài sự việc trong một thời gian, dẫu cho quý vị có biết điều đúng, điều ích lợi có thể làm được. Đó là một thế giới bất toàn và chúng ta không thể làm bất cứ điều gì. Đó là cỏ lùng, những điều khó chịu.

Cỏ lùng là một hình ảnh hay để nói về sự dữ trong thế giới của chúng ta. Chúng lì lợm và khó loại trừ. Như cỏ lùng, sự dữ có vẻ như có cuộc sống riêng của nó. Dụ ngôn gợi lên một câu hỏi mà chúng ta thường hay thắc mắc khi chúng ta nỗ lực làm điều tốt lại gặp chống đối và kháng cự. Sự dữ ở đâu mà ra?

Quý vị có thể nghĩ rằng Kinh Thánh sẽ có câu trả lời cho một vấn nạn quan trọng như thế! Chúng ta cũng có thể có câu trả lời riêng, nhưng Kinh Thánh dường như im lặng về vấn đề này. Câu trả lời của Kinh Thánh là: "Kẻ thù đã làm điều đó". Đó không phải là câu trả lời thỏa mãn cho vấn đề cấp thiết như thế. Một điều Kinh Thánh nói cho ta biết là: đừng đổ lỗi cho Thiên Chúa về những sự xấu xảy đến với chúng ta. Đừng nói: "Chúa thử thách tôi". Hoặc "Tôi bị trừng phạt vì những gì tôi đã làm". Đó không phải là những gì Kinh Thánh nói. "Kẻ thù đã làm điều đó".

Ông chủ gieo giống tốt trong vườn của mình và ông không dửng dưng với những gì xảy ra. Cuối cùng, đó chính là vườn của ông. Điều đó giúp nhiều người hy vọng và được khích lệ vì biết rằng Thiên Chúa không hành động chống lại họ hay thử thách họ; chính Thiên Chúa luôn bên cạnh chúng ta; chính Thiên Chúa nhiều lúc khiến cho sự việc ra tốt đẹp. Câu chuyện đã minh định điều này: sẽ có một mùa gặt và cái tốt sinh hoa trái. Chúng ta không thể chứng minh điều này với những kẻ hoài nghi - nhưng đó là điều chúng ta tin tưởng.

Trong khi đó, dụ ngôn cũng cho chúng ta một lời cảnh báo. Khi chúng ta liên đới với sự dữ, hoặc những gì mà quý vị nghĩ đó là sự dữ, đừng quá hăng hái để cố tránh né nó - sợ rằng quý vị sẽ làm điều có hại hơn là có lợi. Quý vị có thể nhổ luôn cả lúa lên đấy. Lịch sử còn đầy rẫy những tấm gương về việc quá nhiệt thành. Hãy nghĩ về tất cả các cuộc chiến tranh, Thập tự chinh và các vụ đốt sách để xua đuổi sự dữ. Phù thủy bị các tu sỹ thiêu ở Salem. Biết bao kẻ vô tội đã chịu khổ và chết dưới bàn tay của những kẻ cho rằng mình làm việc tốt nhân danh tôn giáo - cho đến ngày nay? Dụ ngôn cho hay rằng chúng ta không thể chắc chắn đâu là điều tốt để làm. Đừng vội vã như thế khi giải quyết các vấn đề.

Đây không phải tranh luận chống lại việc đổ lỗi cho những gì ma quỷ đã gây ra cho thế giới. Nhưng đây là một cảnh báo. Câu cuối cùng là chúng ta không chịu trách nhiệm; đó không phải cánh đồng của chúng ta. Ông chủ đã đầu tư rất nhiều vào cánh đồng này và sẽ có tính toán. Sau hết, chẳng phải tất cả chúng ta là những kẻ đón nhận sự nhẫn nại và tin tưởng của ông chủ đó sao? Chẳng phải chúng ta sẽ vui mừng vì mình còn thời gian để sửa chữa nhiều thứ trong cuộc đời mình đó sao? Chẳng phải chúng ta có phúc vì được ông chủ tin tưởng khi chúng ta không chắc sự thể sẽ kết thúc ra sao?

Chúng ta có thấy được ân huệ mà câu chuyện này đem lại không? Nó cho chúng ta biết rằng ngay cả bây giờ, khi cuộc sống của chúng ta còn lâu mới hoàn hảo, rằng chúng ta được cho một khoảng thời gian. Dụ ngôn cũng đảm bảo với chúng ta rằng Thiên Chúa không phải không thích thú gì với những việc tốt chúng ta làm: khi chúng ta gặp bế tắc hay khi những cố gắng ra như chẳng mang lại thay đổi nào; hay thậm chí khi chúng ta gặp thất bại.

Thiên Chúa không phải không quan tâm gì, nhưng Ngài đầu tư rất nặng tay cho thế giới này và luôn bên cạnh những cố gắng của chúng ta. Thiên Chúa nghiêm túc và liên đới như thế nào khi thắng vượt sự dữ? Mỗi lần nhìn lên thập giá sẽ cho chúng ta thấy sự dữ có vẻ chiến thắng sự thiện ra sao, nhưng cuối cùng, chính thập giá cho chúng ta biết tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và sự thiện hảo của Thiên Chúa sẽ mang lại một mùa gặt bội thu.

Ai đang thắng? Sự thiện hay sự dữ? Ngay lúc này thật khó mà nói. Nhưng rồi, khi chúng ta chờ đến mùa gặt, chúng ta sẽ vẫn luôn cố gắng làm điều tốt với niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa gieo những hạt giống đủ tốt trong cánh đồng thế giới để có một mùa bội thu. Chúng ta sống trong hy vọng. 

Chuyển ngữ: Anh Em HV Đaminh Gò-Vấp (nguồn vietcatholic.org)

1502    15-07-2011 21:05:24