Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Chúa Nhật XVI Thường Niên A năm 2014

  1. Không Được Loại Trừ
  2. Cánh Đồng Truyền Giáo
  3. Hãy Chờ Đã
  4. Lúa Hay Cỏ Lùng?
  5. Sức Mạnh Ẩn Tàng
  6. Quyền Năng Thiên Chúa
  7. Nước Trời Được Xây Dựng Trên Lòng Kiên Nhẫn
  8. Sự Kiên Nhẫn Và Bao Dung Của Thiên Chúa
  9. Giống Tốt
  10. Ba Dụ Ngôn: Lúa Cỏ Lùng, Hạt Cải Và Nắm Men
  11. Cỏ Lùng Và Lúa Tốt
  12. Chung Ðụng Với Lúa Miến Và Cỏ Lùng
  13. Thiên Chúa Kiên Nhẫn Và Bao Dung
  14. Tất Cả Là Hồng Ân
  15. Thiên Chúa Vô Cùng Kiên Nhẫn Chờ Đợi
  16. Cỏ Lùng Và Lúa
  17. Nước Trời - Một Thực Tại Sống Động
  18. Mầu Nhiệm Sự Dữ
  19. Cỏ Lùng - Lúa Tốt
  20. Kiên Nhẫn Và Chờ Đợi
  21. Lúa Miến Và Cỏ Dại
  22. Cỏ Lùng Và Lúa Tốt
  23. Hãy Để Cả Hai Mọc Lên
  24. Thiên Chúa Của Sự Bao Dung Và Kiên Trì
  25. Dụ Ngôn Lúa Giống Và Cỏ Lùng
  26. Chúa Nhật 16 Thường Niên

KHÔNG ĐƯỢC LOẠI TRỪ
Mt 13, 24 - 43

Hiện tại, thế giới đang rối loạn lên vì tình trạng khủng bố đang lan rộng khắp nơi. Vừa qua ở tại Anh Quốc bốn quả bom đã phát nỗ nơi giao thông công cộng, khiến cho 52 người chết và rất nhiều người bị thương còn đang trong tình trạng nguy kịch. Những nạn nhân là ai? Họ chỉ là những người dân bình thường, vậy mà họ phải nhận lấy hậu quả của những người bất đồng với nhau vì một lý do nào đó. Chính vì thế mà mọi người trên thế ở trong tình trạng báo động và được kêu mời chống khủng bố.

Tại sao lại có tình trạng khủng bố và có người chống khủng bố? Bởi vì họ không chấp nhận việc làm của người khác, họ bất mãn với cách làm của người khác vì người đó không thuộc về phe của họ. Nếu cả hai chịu ngồi lại để tìm tiếng nói chung, tìm con đường tốt nhất để thực hiện, thì sẽ không có tình trạng khủng bố càng không có tình trạng báo động chống khủng bố. Nếu cả hai biết kiên nhẫn chờ đợi một kết quả tốt, và nếu cả hai bên biết kiên nhẫn cách quảng đại để chấp nhận nhau trong tinh thần xây dựng chứ không loại trừ thì mọi việc sẽ khác đi nhiều. Nhưng có tình trạng hỗn loạn và bất ổn như thế nầy, vì con người luôn tìm cách khẳng định mình để rồi loại trừ người khác, không chấp nhận người khác cùng đồng hành với mình.

Trong bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, ông chủ ngăn cản những người muốn vội vàng có hành động loại trừ. Những người đó cũng có ý hướng hoàn toàn ngay chính, họ nhìn thấy những điều không thích hợp và muốn loại trừ ngay, để cho điều mà họ cho là tốt được hoàn toàn tốt đẹp theo như ý họ muốn. Nhưng họ giật mình khi nghe chủ không cho họ hành động. Không phải chủ muốn bao che cho sự xấu, càng không phải ủng hộ cho điều không tốt, nhưng người chủ muốn cho tốt xấu được phân biệt rõ ràng khi đến thời đến lúc của nó. Nếu sớm hơn thời kỳ hạn định thì sẽ có sự lầm lẫn. Người chủ chỉ sợ khi ý tốt của những người muốn tiêu diệt cái xấu là cỏ lùng, lại vô tình làm nguy hại đến cái mà gọi là lúa tốt, khi đó cỏ lùng không bị tiêu diệt hết mà vô tình lúa tốt lại bị tiêu diệt và không có cơ hội phát triển.

Thiên Chúa muốn cho điều tốt được phát triển mạnh mẽ lên, có sức mạnh bao phủ và lôi cuốn để cho mọi sự mỗi ngày trở nên tốt hơn, mạnh mẽ hơn.

Nhưng con người, chỉ là những người thợ nóng vội, chỉ hành động theo bản năng mà không cần biết đến hậu quả như thế nào. Con người chỉ biết hành động theo như những gì mình muốn, mình thấy và không cần phải suy tư tìm hiểu cho lợi ích chung.

Mỗi người trong chúng ta nhìn vào chính mình, xem giờ này đây chúng ta đang nghĩ gì và muốn gì? Chúng ta đang nhìn thấy một xã hội bất công, chúng ta cũng đang nhìn thấy những ý tưởng tốt đẹp của mình và chúng ta đang mong muốn thực hiện những ý tưởng đó. Chúng ta muốn loại trừ bất công, để những gì chúng ta cho là tốt đẹp càng tốt đẹp hơn. Chính những ý nghĩ như thế, chính những lúc chúng ta hành động mà chúng ta cho là tốt như thế, thì cũng chính những lúc đó chúng ta là những người khủng bố, chúng ta đang gieo kinh hoàng khắp nơi, chung quanh cuộc sống của mình.

Những lúc chúng ta khó chịu, bất mãn với cuộc sống, nên chỉ trích phê bình, hay hành động nông nổi khi chúng ta không chấp nhận ý kiến người khác, mà chỉ biết có chính mình. Khi đó chúng ta có nhìn thấy hậu quả của sự việc như thế nào không? Nếu những lúc đó chúng ta kiên nhẫn, lắng nghe với một tâm hồn quảng đại, với một con tim biết yêu thương, tha thứ và thông cảm, chắc chắn chúng ta cũng sẽ nhận được một kết quả mà chúng ta không ngờ được. Lúc đó chúng ta đang thực hiện lời Chúa: hãy chờ đợi. . . , coi chừng sẽ lầm lẫn.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe lời Chúa, để trong đời sống hằng ngày chúng biết kiên nhẫn tìm hiểu thánh ý Chúa mà thực hiện.

CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO
Mt 13, 24 - 43

Mầu nhiệm Giáo Hội phong phú và phức tạp đến nỗi không thể tóm gọn vào trong một công thức. Hơn nữa, vì một mầu nhiệm trong khi ngôn ngữ loài người lại phát nguyên từ kinh nghiệm giác quan, nên không thể nào có khả năng để diễn tả cho thoả đáng được. Vì thế, Kinh Thánh và truyền thống phải nhờ đến những biểu tượng để diễn tả một nội dung vượt hẳn lên trên khả năng diễn đạt của lời nói. Chính Chúa Giêsu cũng đã dùng đến phương pháp này trong các dụ ngôn của Ngài. Quả thật, Thánh Tôma Aquirô nhận định là: Chính qua trung gian của cảm giới mà chúng ta có thể vượt tới thần giới. Trong Kinh Thánh, các nhà chú giải đếm được hơn 80 hình ảnh chỉ về Giáo Hội. Hôm nay, Đức Giêsu liên tiếp dùng ba dụ ngôn cỏ lùng , dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men trong bột để diễn tả những khía cạnh khác nhau của Nước Trời, của Giáo Hội chúng ta.

Vốn suất thân từ Vùng thôn dã, Đức Giêsu đã dùng nhiều ví dụ đượm sắc thái nông thôn . "Về nước trời cũng tựa như người kia gieo giống tốt vào ruộng mình'' (Mt 13,24). Điều này chỉ nhằm diển tả Giáo Hội là một thực tại trãi rộng trong không gian và thời gian, trong đó có những mảnh lực thù nghịch chống đối nhau nguyên do là "kẻ thù của ông đến gieo cỏ lung vào ngay giữa lúa''. Và thực tế cho thấy bao giờ Giáo Hội cũng có cỏ lùng chen lẫn và thật khó nhận diện đâu là cỏ lùng, đâu là lúa, ai là kẻ dữ, ai là người lành. Thiên Chúa vẫn có thể dùng những biện pháp cứng rắn, khắt khe, cường bạo như nhổ cỏ lùng từ ngay lúc này, ngay lúc còn nhỏ. Nhưng Ngài không làm thế, vì có thể khi nhổ cỏ "Các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng". Bất cứ ai đã làm ruộng thì thấy điều này rất rõ, cây cỏ trong lúa mà chúng ta thường gọi là bông cỏ, lúc bé chẳng khác gì là lúa. Cho dù những người tinh mắt , những nông dân " thâm niên'' thì họ mới biết đâu là cỏ đâu là lúa. Nhưng cho dù hay đến đâu thỉnh thoảng nhổ cỏ vẫn bị nhầm lẫn giữa cỏ và lúa. Cho nên, hay nhất là đợi đến ngày cả hai cây lớn lên thì sẽ lộ ra nguyên hình đâu là cỏ, đâu là lúa . Ở đây, Đức Giêsu không muốn chỉ phương pháp nào diệt cỏ có lợi nhất, hay phương pháp diệt nào loại trừ người tội lỗi nhanh nhất, hữu hiệu nhất, cho bằng nói lên tình yêu của Thiên Chúa với tội nhân qua việc người chờ đợi "Người cho mặt trời của người mọc lên soi sáng kẻ xấu như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính'' (Mt 5, 45), mong cho họ được hoán cải được cứu thoát .

Lịch sử Giáo Hội cho thấy có rất nhiều bè phái cỏ lùng chống phá Giáo Hội cách có tổ chức và hệ thống. Tiêu biểu là các lạc giáo đã cố chấp lập ra nhiều loại Giáo Hội khác. Cùng vì điều này mà Thánh PhaoLô đã mạnh dạn lên án những bè phái gây chia rẽ trong cộng đoàn Côrintô "họ chẳng hơn lương dân" (x 1 cr3). Những thế lực ấy luôn tìm ẩn chống phá thật nguy hiểm. Nó có thể phá hoại ngay trong nội bộ, phá hoại từ những đầu não cốt yều nhất. Chúng là con cái của bóng tối, thích làm việc và hoạt động trong bóng tối "Thích làm trong lúc mọi người ngủ", nó làm cách vụn trộm xấu xa. Nhưng cho dù kín đáo đến đâu thì Thiên Chúa vẫn biết mọi hành vi của hắn .Chỉ vì Ngài muốn chờ đợi, chờ đợi sự ăn năn, chờ đợi sự sám hối và thức tỉnh . Những cỏ lùng mà chúng ta biết, chúng ta thấy chỉ là những cây cỏ bình thường, sức chống phá vẫn chưa nguy hại cho bằng những cọng cỏ mọc âm thầm đang lớn lên từng ngày nơi tâm hồn mỗi người. Những tính hư nết xấu, những giận hờn chia rẽ, và muôn vạn âm mưu xảo huyệt trong tâm trí... đó là những cỏ lùng nguy hiểm mà chúng ta cần loại ngay. Chỉ khi chúng ta diệt được cây cỏ ngay bên trong mình thì mới giúp người khác được. Khi nhổ được một cây cỏ nơi mình chính là lúc mình đang chăm sóc vào cánh đồng của Chúa.

Lạy Chúa! Chúa ghét tội nhưng yêu tội nhân, thể hiện qua việc Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi để tha thứ cho họ. Xin cho con cũng có cái nhìn của Chúa mà sống bao dung với hết mọi người. Amen.

HÃY CHỜ ĐÃ
Mt 13, 24 - 43

Tội lỗi và sự dữ là một thực tại thiêng liêng. Chúng đang ngự trị và tồn tại khắp mọi nơi, len lõi vào mọi tâm hồn. Vấn đề đặt ra là làm cách nào để tận diệt chúng và bao giờ Thiên Chúa mới chấm dứt những điều ấy? Tin mừng hôm nay sẽ cho chúng ta lời giải đáp đó.

Có nhiều người cảm thấy bất mãn, thất vọng và đặt vấn đề là tại sao Giáo hội Chúa vẫn có những con người xấu? Đâu rồi một Giáo hội thánh thiện của Thiên Chúa? Bản chất Giáo hội là thánh, nhưng Giáo hội đang cưu mang trong lòng những con người tốt lẫn những con người chưa tốt và tội lỗi. Giáo hội chính là thửa ruộng có cả lúa và cỏ lùng đang mọc lên. Chúa là người chủ ruộng không muốn sai người tiêu diệt cỏ lùng ra khỏi lúa, vì ông sợ khi làm như thế sẽ có sự lầm lẫn! Nhưng thật ra là Thiên Chúa kiên nhẫn và chờ đợi những người tội lỗi hồi tâm trở về với Ngài. Cỏ lùn không bao giờ trở thành lúa được nhưng người xấu có thể trở nên tốt, người tội lỗi có thể trở nên thánh thiện. Đó chính là lý do tại sao Chúa lại kiên nhẫn chờ đợi con người! Sự kiên nhẫn, lòng khoan dung và nhân từ không phải là cử chỉ của sự yếu đuối, nhưng là biểu lộ một sức mạnh, sức mạnh của tình yêu.

Con người dù cho có tội lỗi hay hung ác đến đâu đi nữa thì nơi tận đáy lòng của họ vẫn có những điều tốt đẹp và thánh thiện khi nó được khơi lên. Văn hào người Nga Dostoieveski, với tác phẩm nổi tiếng như "Tội ác và hình phạt", "anh em nhà Karamazov" . . . là người đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió. Sau một thời gian dài bị giam cầm vì lý do chính trị, ông bị kết án tử hình. Nhưng như một phép lạ, vào giữa lúc bị hành quyết, ông bỗng nhận được lệnh được tha. Người viết tiểu sử của ông đã kể lại như sau: "thời gian ngồi tù đã in đậm nét trên quảng đời còn lại của ông. Từ trên chiếc máy chém nhìn xuống đám người đang đứng dưới chân mình, ông chỉ còn thấy họ là những người bị áp bức, những người nô lệ đáng thương, dù họ có phạm tội những tội ác tày trời đi nữa, thì tâm hồn của họ vẫn là tâm hồn của những con người vô tội. Do đó, họ đáng được tha thứ hơn là đáng kết tội.

Khi bước xuống khỏi máy chém, Dostoievski thấy mọi sự như vô nghĩa. Điều duy nhất còn ý nghĩa đối với ông chính là tình yêu, và cho dù trong suốt 30 năm sau, cộng đoàn của ông có đắm chìm trong bùn nhơ của tội lỗi, của khốn khổ, của ô nhục, ông luôn nhìn mọi sự qua lăng kính của yêu thương. Một lần bị đưa lên máy chém cho ông hiểu rằng: con người đau khổ, tất cả mọi người đều đáng cảm thông và thương mến.

Tất cả cuộc đời của ông là một cố gắng không ngừng để diễn đạt câu nói: "Hỡi người anh em, không gì có thể ngăn cản tôi yêu thương bạn"

Nếu có những lúc chúng ta cảm thấy thất vọng về con người đốn mạt của chúng ta, nếu có những lúc chúng ta không còn tin tưởng ở tình người nữa, chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu, chúng ta sẽ cảm thấy ngay ánh mắt nhân từ và cảm thông của Ngài. Hãy nhớ lại Ngài đã làm gì đối với Giakêu, với Malađana, với Phêrô khi chối bỏ Ngài, với tên trộm bị đóng đinh bên phải Ngài.

Tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi, mạnh hơn sự ác. Thiên Chúa ghét bỏ tội lỗi nhưng Ngài yêu thương tội nhân. Chính vì thế mà Ngài muốn cho Con của Ngài xuống thế làm người, một con người nghèo khó để có thể liên kết với hết mọi người, với những ai được gọi là người. Cái chết của Đức Giêsu trên Thánh giá là ngôn ngữ không lời của tình yêu, diễn tả tình yêu tột cùng của Thiên Chúa dành cho con người.

"Đừng nhổ cỏ lùn ra khỏi ruộng, cứ chờ cho đến mùa gặt". Thái độ của Thiên Chúa luôn là kiên nhẫn. Ngài kiên nhẫn vì yêu thương con người. Ngài nhận thấy thấu tận con tim và tấm lòng của con người. Nên dù khi con người hành động chống lại Ngài đi nữa, Ngài vẫn yêu thương họ, vì họ "lầm không biết".

Thiên Chúa thì luôn kiên nhẫn "chờ đợi", còn con người thì nóng vội, muốn hành động mọi sự nhằm thoả mãn tính kiêu căng và ích kỷ của mình. Rất nhiều lần chúng ta có thái độ giống như hai anh em Giacôbê và Gioan ngày xưa khi Chúa Giêsu và các ông đi ngang qua làng Samaria mà người ta không đón tiếp Chúa: "Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt họ không?". Chắc chắn là khi ta hành động nóng nảy với anh em mình, muốn trả thù anh em mình, muốn loại trừ anh em mình ra khỏi cộng đoàn . . . là chúng ta hành động trái ngược với ý muốn của Thiên Chúa. Con người vốn phức tạp lắm. Chúng ta không thể hiểu được lòng của ai khác ngoài chính bản thân của ta đâu. Do đó, thái độ khôn ngoan là đừng xét đoán ai và cũng đừng kết án ai. Trái lại, ta hãy có cái nhìn như Đức Giêsu khi đối diện với những sai lỗi của anh em mình "họ lầm không biết" đó thôi; hay ta hãy có tâm tình như văn hào Dostoievesk: "dù họ có phạm những tội ác tày trời đi nữa, tâm hồn của họ vẫn là tâm hồn của những con người vô tội. Do đó, họ đáng được tha thứ."

Muốn tha thứ được cho người khác, chúng ta hãy tập yêu thương mọi người, nhất là những người đang sống bên cạnh chúng ta, tập nghĩ tốt về họ, nói tốt về họ, tập quên đi những sai lỗi của họ. Nước Trời chỉ dành cho những người biết chiếm lấy bằng sức mạnh. Sức mạnh đó chính là sự kiên nhẫn, tha thứ, yêu thương, chờ đợi . . . Những thứ mà loài người vẫn cho là yếu kém và nhu nhược. Chúng ta hãy tập "lấy hoa thơm lấn dần cỏ dại" trong cuộc sống vốn phức tạp và ô hợp này.

Xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh của Chúa Thánh Thần để chúng ta biết hành động, suy nghĩ và phát ngôn những điều mang lại niềm vui, hạnh phúc và an vui cho mọi người, hầu góp phần làm cho Nước Cha được thể hiện từng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Amen.

LÚA HAY CỎ LÙNG?
Mt 13, 24 - 43

Chủ ruộng không bao giờ mong cỏ lên trong ruộng lúa nhưng thửa ruộng nào cũng có cỏ. Đó là điều khó tránh khỏi. Trong thửa ruộng Chúa đã gieo hạt và sai các Thiên thần coi sóc cũng có lúa và cỏ cùng mọc lên. Tuy Chúa không muốn có cỏ mọc chen vào nhưng Ngài cũng không muốn nhổ nhầm lúa của Ngài: cứ để chúng cùng mọc lên cho đến ngày thu hoạch.

Điều khác biệt trong ruộng lúa này là: lúa xấu có thể dần dần trở thành cỏ và cỏ tốt có thể trở thành lúa. Điều lạ thứ hai là chủ ruộng vẫn đối xử với cỏ và lúa như nhau. Những đợt phân, nước, thuốc được trao cho lúa và cỏ như nhau. Thiên Chúa vẫn luôn chăm sóc, ban ơn và tỏ mình ra bằng những cách khác nhau cho thửa ruộng qua các đầy tớ, qua những ơn lành... Còn việc biến đổi bên trong tùy vào mỗi người.

Trong cuộc đời tôi có khi nào tôi trở thành cỏ lùng không ? Khi tôi phạm tội trọng và từ chối trở lại với Chúa, khi tôi giận hờn, ghen ghét một ai đó và từ chối Thiên Chúa, khi tôi để cho những dục vọng hay bản năng điều khiển cuộc đời mình... Liệu Thiên Chúa có phạt tôi ngay không ? Thiên Chúa vẫn chờ đợi cho tới một ngày, tôi không biết là ngày nào, một ngày nào đó tôi một mình đối diện với thiên Chúa. Đó là ngày phán xét. Liệu tôi có đứng vững trước mặt Ngài và được Ngài cho vào Thiên đàng không ? Nghĩ tới điều này, tôi thấy mình cần quan tâm chăm sóc cho phần linh hồn của mình hơn, biết tôi luyện chính mình, biết tập những đức tính tốt, từ bỏ những thói xấu, năng cầu nguyện với Chúa, dùng những phương thế Chúa ban để trở nên xứng đáng là người con Chúa cũng như giúp cho những người xung quanh, nhất là những người tôi có trách nhiệm quan tâm đến.

Nước Thiên Chúa đến cách âm thầm khiêm tốn. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa kêu gọi những kẻ người chọn. Nước Trời được thiết lập cách bí ẩn, nhiệm mầu. Tôi nghĩ mình đã thuộc về Nước Thiên Chúa nhưng biết đâu một lúc nào đó tôi thiếu tỉnh thức hay cậy sức mình, mềm lòng để ma quỷ lừa gạt được tôi và biến tôi thành cỏ lùng. Tuy nhiên, tôi tin là : nếu tôi biết khiêm tốn sám hối thì Chúa sẽ lại đón nhận tôi về làm con Chúa như người Cha Nhân Hậu tiếp nhận đứa con hoang trở về. Bổn phận của tôi là sống trung thành với luật yêu thương của Nước trời và nếu có lỗi phạm thì biết sớm quay về chính lộ. Tôi sẽ không nói suông, nhưng thực hành việc kính Chúa hết lòng, bác ái vớI tha nhân và vác thánh giá hàng ngày bước theo chân Chúa. Chúng ta thấy rằng, từ những gian khó hàng ngày nơi những người theo Chúa, từ cái có vẻ như không là gì trước mặt thế gian, Chúa có thể dùng làm chuyện to tát. Ngài đã thiết lập một vương quyền hùng mạnh của Ngài từ 12 tông đồ và một ít môn đệ, đa số là những người ít học, không có danh vọng gì trong xã hội, đã được Chúa huấn luyện và biến đổi nên những người dũng cảm, làm chứng cho chân lý đến tận cùng trái đất. Đây là điều kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Hạt giống tốt gieo ở mọi nơi thì kết quả hạt lúa tốt dồi dào. Tuy nhiên, cỏ lùng có thể chen vào giữa ruộng lúa hoặc ảnh hưởng đến chúng ta bằng những cám dỗ: vật chất giàu sang, danh dự, tiện nghi... Nếu chúng ta biết canh tân chính mình mỗI ngày, chúng ta sẽ không bị biến chất. Ai quyết tâm trung thành giữ vững Đức Tin và sống cho Chúa, cố gắng không ngừng vì yêu mến Chúa thì Người sẽ không bỏ rơi nhưng luôn trợ giúp để chúng ta luôn là men muối ướp đời mà không nhiễm thói đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho chúng con đừng chiều theo những cám dỗ, nhưng biết làm chủ lấy mình. Mỗi ngày con sẽ chú ý tập luyện một tính tốt và loại trừ tật xấu để trở nên con chiên gương mẫu, nên lúa tốt và có thể giúp cỏ lùng biến đổi thành lúa trong thửa ruộng của Ngài

SỨC MẠNH ẨN TÀNG
Mt 13, 24 - 43

Hôm nay, tôi muốn nói về cây cỏ lùng trong cánh đồng lúa tại Việt Nam chúng ta. Hai mươi năm nay, ai là nông dân, và có làm lúa ngắn ngày, chắc hẳn sẽ biết cây cỏ lùn khá rõ. Trước năm 1975, nói tới cỏ lùng, người công giáo hầu như chỉ biết cỏ lùng qua bài dụ ngôn trong Phúc âm mà thôi. Thực tế, người ta không biết cây cỏ lùng ra sao cả. Như trên đã nói, chỉ sau năm 75, khi làm lúa ngắn ngày, người ta mới biết cỏ lùng là gì. Đặc điểm của cỏ lùng chính là vì nó rất giống cây lúa - chỉ khác là nó xanh đen, mướt hơn, và lá dài hơn. Chỉ khi cây lúa đã già, sắp trổ bông, người ta mới phân biệt được cỏ lùng và lúa. Chúng ta cũng không biết cây cỏ lùng trong ruộng lúa ở Việt Nam hôm nay, có phải là cây cỏ lùng thời Chúa Giêsu không? Dầu sao xem ra, cỏ lùng này cũng có những đặc điểm khá giống những gì Chúa Giêsu muốn nói. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại dụ ngôn kẻ thù đã gieo cỏ lùng vào ruộng lúa của ông chủ.... Kính mời anh chị em cùng suy niệm.

a/. Chúng ta thử nghe lại cách giải thích của Chúa Giêsu về dụ ngôn cỏ lùng gieo trong ruộng: Chúa nói: hạt giống tốt là con cái Nước Trời - Người gieo giống chính là Con Người (Chúa Giêsu) - ruộng là thế gian - cỏ lùng là con cái ác thần - kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ - mùa gặt là ngày tận thế - thợ gặt là các thiên thần.

Chúa nói tiếp: Khi đến mùa gặt, sẽ không gặt lúa trước, nhưng ông chủ bảo thợ gặt lo nhổ cỏ lùng trước, rồi đốt đi. Hình ảnh Nước Trời ngày tận thế cũng vậy, Chúa sẽ sai thiên thần tập trung mọi kẻ xấu tống ra khỏi Nước Trời, cho họ vào lò lửa... còn kẻ lành sẽ được vinh quang trong Nước Trời...

b/. Có hai điều rút ra từ bài học Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay:

* Hình ảnh Nước Trời: được ví như hạt giống tốt được gieo trong ruộng là tâm hồn chúng ta. Hạt giống lúc đầu rất bé nhỏ âm thầm, như hình ảnh hạt cải, chỉ bé xíu thôi; nhưng hạt giống Nước Trời có sức mạnh vô biên, có thể sinh hoa kết quả.... Hình ảnh của một viên men, chỉ có 28grs, có thể làm cho một thúng bột độ 7 kg 500, đều dậy men... cũng chính là hình ảnh nói lên sức mạnh Nước Trời. Dỉ nhiên Nước Trời không phải là hạt giống, cũng không phải là viên men; đó chỉ là hình ảnh tượng trưng mà thôi...

Hình ảnh Nước Trời: ta thử nhìn vào lịch sử Kitô giáo, lúc đầu vào thời Giáo hội sơ khai, chỉ là một nhóm nhỏ gồm 12 tông đồ, một số môn đệ và ít người tin Chúa. Ngay thời đó, Giáo hội bị bắt bớ đủ điều. Rồi trải qua 20 thế kỷ, hầu như không lúc nào Giáo Hội không bị bắt bớ, có lúc hầu như người ta tưởng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Vậy mà ngày nay trên thế giới, có lối 1 tỷ người Kitô hữu. Hầu như cứ 8 người thì có một người tin vào Thiên Chúa. Chúng ta không nói đến sức mạnh của tổ chức xã hội Kitô giáo, nhưng là nói đến sức mạnh của Hạt giống Lời Chúa, là ân sủng Chúa. Sức mạnh này có giá trị vô biên, mạnh hơn cả sự chết...

* Chúa muốn con người cộng tác vào việc phát triển Hạt giống Nước Trời: Hạt giống Nước Trời tuy có sức mạnh vô biên, nhưng hạt giống đó phải được gieo trên đất tốt. Hạt giống được gieo trong bụi gai, bên vệ đường sẽ không sinh hoa kết trái được. Viên men muốn làm cho thúng bột dậy lên, phải được người đàn bà trộn trong bột. Hạt cải muốn thành cây, phải được con người gieo trồng cẩn thận, và phải được chăm sóc chu đáo....

Qua lịch sử của Hội thánh, các thánh hiển tu, cũng như các vị tử đạo, họ là những con người đã hết lòng vì Nước Trời. Chính vì thế, họ cộng tác hết sức chặt chẻ để mong cho Hạt giống Nước Trời lớn lên; họ luôn tỉnh thức cầu nguyện, lấy Lời Chúa và Thánh Thể làm sức sống. Họ cũng là nhân chứng của Tin mừng, luôn xây đắp yêu thương và tha thứ...

c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Qua những điều suy niệm kể trên, ta thấy được sức mạnh vô biên của Hạt giống Lời Chúa, vậy ta có sẵn sàng cộng tác vào việc xây dựng Nước Trời bằng cách như Chúa mong muốn không?

QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA
Mt 13, 24 - 43

Ngay từ lúc tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Người mà làm nên mọi sự. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa cũng vậy, Người đã dùng quyền năng của mình mà làm cho muôn loài muôn vật được phát triển. Cho dù con người có nhìn nhận sự hiện diện cũng như quyền năng của Thiên Chúa hay không thì Thiên Chúa vẫn có đó và quyền năng của Người vẫn bao trùm trên mọi loài thụ tạo.

Trong bài Tin mừng chúng ta được mời gọi suy niệm hôm nay, Chúa Giêsu đã kể ba dụ ngôn để cho thấy quyền năng thật sự của Thiên Chúa trên mọi loài. Tuy nhiên, quyền năng Thiên Chúa là để thực thi tình yêu của Người trên muôn loài, để tha thứ và để mời gọi trở về chứ không phải là để đánh phạt hay tiêu diệt.

Trong ba dụ ngôn, chúng ta thấy nổi lên tư tưởng chủ đạo đó là: Quyền năng của Thiên Chúa tuy ẩn tàng khó thấy nhưng mạnh mẽ như hạt cải, như nắm men đã làm cho cả khối bột dậy men, đã sinh trưởng thành những cây cải thật to... nhưng quyền năng ấy lại được thể hiện trong thầm lặng trong đợi chờ như người chủ đợi chờ ngày thu hoạch, đợi chờ ngày có sự phân biệt rõ ràng giữa lúa và cỏ lùng để không làm hại lúa cũng như chờ cỏ lùng có thể biến đổi để trở thành lúa. Ông chủ ruộng vẫn biết nếu để cỏ lùng trong ruộng lúa của mình có thể nó làm hại cho lúa, làm cho lúa có thể khó phát triển. Ông biết rằng mình có đủ sức mạnh để làm cho ruộng lúa của ông sạch bon cỏ lùng nhưng vì lòng ưu ái ông dành cho lúa, lòng nhân từ ông dành cho cỏ lùng nên ông chờ cho đến cơ hội cuối cùng.

Thiên Chúa là chủ ruộng đầy lòng nhân từ, vẫn biết rằng mảnh đất ven đường, mảnh đất sỏi đá, mảnh đất gai góc không thể nào làm cho hạt giống phát triển nhưng chủ ruộng là Thiên Chúa vẫn gieo Lời của Người vào tâm hồn của tất cả mọi người, Người không chọn lựa cũng không kỳ thị một ai. Bài tin mừng hôm nay cũng thế, vẫn biết rằng cỏ lùng khó có thể biến đổi trở thành lúa thế mà chủ ruộng này vẫn kiên trì chờ đợi, cho cơ hội đến phút cuối cùng... Thiên Chúa cũng đối xử như thế đối với những người tội lỗi.

Nhìn vào lịch sử dân Israel chúng ta có thể dễ dàng thấy được lòng nhân từ của Thiên Chúa được biểu lộ. Bốn chữ "Tội - Phạt - Hối - Cứu" vẫn luôn đồng hành với dân Israel. Thiên Chúa dùng quyền năng của Người để biểu lộ tình yêu, để thông chia tình yêu, nhưng khi dân từ chối tình yêu này thì họ đã đi vào con đường lầm lạc, họ tự nhận lấy án phạt do chính họ mang đến. Nhưng khi họ quay trở lại với Chúa thì Người vẫn không từ chối họ, cho họ được trở lại làm con cái Chúa. Quả là Thiên Chúa vẫn một lòng xót thương.

Suy niệm bài tin mừng hôm nay xin Chúa cho chúng con nhận biết được quyền năng của Thiên Chúa vẫn luôn ấp ủ chúng con, hướng dẫn và làm cho cuộc đời chúng con nên tươi sáng, xin Chúa cũng cho chúng con luôn biết quy hướng về Chúa để cái đổi đời sống và luôn chạy về trong vòng tay đầy tình thương của Chúa.

NƯỚC TRỜI ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN LÒNG KIÊN NHẪN
Mt 13, 24 - 43

Tiếp theo dụ ngôn người gieo giống, Chúa nhật hôm nay chúng ta được tiếp tục suy niệm các dụ ngôn về Nước Trời. Chúng ta cùng nhau dừng lại nơi dụ ngôn lúa và cỏ lùng. Ngày nay, người ta muốn diệt cỏ thì rất dễ dàng. Chỉ cần một bình xịt thì không bao lâu cỏ mà ta muốn diệt sẽ chết hết. Ngày xưa và nhất là nơi vùng đất Do thái không được như thế. Do đó, khi phát hiện trong ruộng có nhiều cỏ lùng người đầy tớ đã tức tốc chạy báo cho ông chủ. Đồng thời, anh cũng xin chủ cho mình ra ruộng nhổ và gom đi những cỏ lùng đó. Thế nhưng, ông chủ với thái độ bình thản và kiên nhẫn trả lời: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi." (Mt 13, 29 - 30)

Thiên Chúa của chúng ta là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và rất mực khoan dung (Tv 103, 8 ). Người không muốn một ai trong chúng ta phải hư mất. Chúa Giêsu đã nói: "Ta không đến để kêu gọi người công chính nhưng kêu gọi người tội lỗi" ( Mt 9, 13 ). Thiên Chúa không dung túng cho tội lỗi nhưng Người rất thông cảm cho sự yếu đuối và mỏng dòn của con người.

Chúng ta nhớ thời Cựu ước, dân Do thái không biết bao nhiêu lần bội nghĩa thất trung nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi họ. Những Tông đồ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi cũng là những người thất học, thậm chí có người tội lỗi công khai. Dù vậy, chính những người đó lại là nền tảng để xây dựng Giáo hội. Đúng như lời của một ai đã nói: "Không thánh nhân nào mà không có một quá khứ tội lỗi. Cũng như không có một tội nhân nào mà không có một tương lai rực sáng".

Có lẽ nhiều lúc chúng ta tự hỏi tại sao còn nhiều kẻ ác vẫn còn sống thoải mái. Thậm chí họ còn làm hại nhiều người lành nữa. Trời đất sao tiêu diệt những hạng người đó cho xong. Suy niệm dụ ngôn hôm nay chắc phần nào chúng ta sẽ tìm được câu trả lời. Thiên Chúa không bao giờ muốn ai trong chúng ta bị hư mất. Hãy cám ơn Chúa vì biết đâu có lúc chính ta lại là những cỏ lùng. Thiên Chúa vẫn luôn kiên nhẫn trông chờ chúng ta có thể trở thành cây lúa tốt.

SỰ KIÊN NHẪN VÀ BAO DUNG CỦA THIÊN CHÚA
Mt 13, 24 - 43
Jos. Vinc. Ngọc Biển

Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên đặt ra cho mình thắc mắc hay được nghe những chất vấn của rất nhiều người như: "Tại sao Thiên Chúa lại để cho người dữ sống chung với người lành mà không tiêu diệt nó đi?"; hay "Tại sao kẻ ác lại gặp được may mắn, còn nhiều khi người tốt lại gặp phải thất bại?"; và "Trước thực trạng đó, chúng ta cần phải có thái độ nào? Có được phép tiêu diệt kẻ dữ để làm cho Giáo Hội được trong sạch không?".

Hôm nay, chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời cho những vấn nạn trên qua ý nghĩa của ba dụ ngôn, đó là: dụ ngôn hạt giống và cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men bánh.

Qua ba dụ ngôn trên, ta thấy rất rõ cách hành xử của con người và Thiên Chúa hoàn toàn khác nhau. Cũng qua bài học của ba dụ ngôn trên, mỗi người chúng ta cần phải có thái độ sao cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.

Trước tiên, chúng ta cùng xem cách hành xử của con người như thế nào?

1. Cách hành xử của con người
Vì mang trong mình sự hữu hạn của loài thụ tạo, nên chúng ta không thể thoát ra khỏi sự yếu đuối, bất toàn của kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, thay vì cần có thái độ khiêm nhường như Đức Mẹ, thánh Phêrô, Phaolô, Âu tinh..., để tạ ơn Chúa và sửa sai hầu được tốt lành hơn, hay sẵn sàng cảm thông cũng như chia sẻ, nắm lấy tay nhau, dìu nhau đứng dạy và hướng tới sự thánh thiện, thì chúng ta nhiều khi chẳng khác gì những đầy tớ của ông chủ trong "dụ ngôn cỏ lùng", luôn tìm cách triệt hạ những kẻ yếu đuối và bất toàn, để muốn giải quyết cho nhanh hầu được yên thân, xong chuyện: "Vậy ông có muốn chúng tôi nhổ cỏ đi không?".

Thật vậy, đã nhiều lần chúng ta không đứng về phía bao dung để tha thứ, mà lại cảm thấy khó chịu và đòi hỏi mọi người phải thánh thiện, tốt lành, trong khi đó, chúng ta không hề xắn tay áo lên để cùng nhau giải quyết.

Thái độ của chúng ta là như thế đó. Luôn muốn loại bỏ cái xấu cũng như cả con người xấu cùng lúc. Tuy nhiên, xem ra thái độ này không được đảm bảo, bởi lẽ không hợp với thánh ý Thiên Chúa muốn.

Vậy ý muốn và cách hành xử của Thiên Chúa là gì ?

2. Cách hành xử của Thiên Chúa
Qua dụ ngôn cỏ lùng, Đức Giêsu muốn giới thiệu cho chúng ta về bản chất của Thiên Chúa là: "Ðấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương" (Tv 103, 8).

Vì bản chất của Thiên Chúa là yêu thương, tha thứ và kiên nhẫn, nên trong mọi hoàn cảnh, biến cố, dù chúng ta suy nghĩ cách nào, tiêu cực hay tích cực, Ngài luôn tìm cách và dịp thuận tiện để hướng dẫn, dạy dỗ nhằm thể hiện tình yêu thương của Ngài và mong muốn chúng ta quay về để được tha thứ, yêu thương. Bởi vì "Ngài ghét tội chứ không ghét kẻ có tội". Nên khi nghe đầy tớ đến xin cho phép được nhổ cỏ lùng ngay lập tức, thay vì thái độ ưng thuận, ông chủ đã ngăn chặn ngay và nói: "Đừng, cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt... sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa". Cách hành xử này hoàn toàn khác với cách hành xử của con người mà chúng ta đã tìm hiểu ở trên.

Thật vậy, Nước Thiên Chúa đã đến nơi hành động của người gieo hạt. Tuy nhiên, Nước ấy được lớn lên ngay trong những thử thách qua hình ảnh cỏ lùng và lúa ở cùng với nhau, trà trộn vào nhau. Thời gian từ lúc gieo cho đến lúc gặt chính là thời gian kiên nhẫn chờ đợi của Thiên Chúa trong sự bao dung, nhẫn nại, để chờ đợi con người sám hối, ăn năn.

3. Sứ điệp Lời chúa và thái độ của chúng ta
Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta cần phải có thái độ như Thiên Chúa là: hiền từ, nhân hậu, bao dung và kiên nhẫn, để chịu đựng những điều xấu của người khác và dần dần tìm cách để hoán cải họ nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Đồng thời cảnh tỉnh chúng ta tránh cho xa thái độ của những đầy tớ là ích kỷ, nóng vội, bảo thủ và bất bao dung.

Tại sao vậy? Thưa, vì chúng ta cần phải nhìn nhận rằng: "Kẻ dữ người lành đều là con cái Chúa, được Chúa thương yêu tất cả, chúng ta cũng phải thương yêu nhau và phải có thái độ khoan dung" (thánh Augustinô).

Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng: "... cho mặt trời chiếu soi kẻ dữ cũng như người lành, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương".

Khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên hiền từ, nhân hậu và kiên nhẫn, ấy là lúc Ngài muốn chúng ta có sự bình tâm để được thanh thản ngay trong những thử thách do người anh chị em chúng ta gây nên, đồng thời đợi chờ để kẻ tội lỗi có cơ may quay trở lại. Thật vậy, "Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó"; hay "Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men" là bằng chứng cho thấy thành công của sự kiên trì và chờ đợi trong hy vọng.

Mặt khác, Lời Chúa hôm nay cũng cho chúng ta thấy rằng: không vinh quang nào mà không có thánh giá. Không thành không nào lại thiếu mồ hôi và nước mắt. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và chiến đấu, nếu không kẻ thù là ma quỷ sẽ tiến lại và thỏa sức gieo cỏ lùng là tội lỗi... vào trong mảnh đất tâm hồn, hầu làm cho lương tâm chúng ta nhuốm màu đen tối của sự ác...

Làm được điều đó, chúng ta phải trở nên khiêm tốn để lắng nghe Lời Chúa hướng dẫn chứ đừng có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng rơi vào thái độ khó chịu, bất mãn về những khuyết điểm nơi anh chị em. Xin cho chúng con nhận ra sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Đồng thời biết phản ánh tình yêu của Thiên Chúa qua hành động, lời nói và thái độ của chúng con. Amen.

GIỐNG TỐT
Mt 13, 24 - 43
Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tác giả Sách Khôn Ngoan diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa với dân Do-thái trong cuộc xuất Ai-cập như là biểu tượng của niềm hy vọng tràn dầy. Sự khôn ngoan thúc đẩy con người tìm hiểu về Thiên Chúa và vai trò của con người trong chương trình sáng tạo. Sách Khôn Ngoan luận bàn đến nguyên lý nhân qủa, nguyên nhân và hậu qủa để phân biệt giữa tốt và xấu. Mọi sự xuất hiện trên đời đều có lý do riêng để được tồn tại. Thời gian là ân huệ giúp mọi loài phát triển theo ý định nhiệm mầu. Sự khôn ngoan diễn tả sự liên hệ thiết yếu giữa Thiên Chúa và loài người. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn loài trong vũ trụ và con người có trách nhiệm trong việc bảo trì và làm cho sinh xôi nẩy nở về mọi phương diện. Đời sống con người là một lời mời gọi tích cực hướng tới sự viên mãn tích cực. Đau khổ của đời sống mang một ý nghĩa riêng biệt. Chương trình quan phòng của Thiên Chúa vượt trên sự điều khiển của con người. Trung tín với mạc khải về luật tự nhiên là sự khôn ngoan đích thực cao quí hơn sự hiểu biết nông cạn của trí khôn con người.

Thiên Chúa tạo dựng và điều khiển vũ trụ muôn loài. Thiên Chúa là tình yêu. Người muốn chia sẻ tình yêu với các loài thụ tạo, nhất là loài người. Người quan tâm cách đặc biệt tới con người. Người ban cho con người có hồn xác, tự do, trí khôn, ý chí và sự thông minh để con người nhận biết Thiên Chúa và đồng chủng. Thiên Chúa là Cha nhân từ đối xử đại lượng với mọi người: Vì chưng, sức mạnh của Chúa là nguồn gốc sự công minh và vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người (Kn 12, 16). Người tạo dựng con người để chung phần sự sống và hưởng hạnh phúc đời này lẫn đời sau. Cuộc sống có thử thách và được tự do chọn lựa. Chúa tạo cơ hội cho con người nhận biết chân lý và đường nẻo ngay chính để sống an lạc: Người dậy dỗ dân Người rằng: Người công chính, phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối (Kn 12, 19).

Vì thân xác nặng nề và yếu đuối mỏng dòn nên con người dễ sa ngã vào đường lầm. Từ bẩm sinh, con người tốt lành. Nhân chi sơ, tính bản thiện. Khi sống chung đụng với người khác trong xã hội, mầm mống sự dữ và thói xấu nẩy sinh. Sự khao khát thèm muốn trong con người không có cùng. Khi có cơ hội đến là những hạt giống xấu trong tâm sẽ đua nhau phát triển. Hạt giống của sự tham lam, bất công, kiêu căng, hà tiện, giận dữ, ghen tương và thù ghét giống như cỏ lùng tự do sinh xôi nẩy nở. Đôi khi còn lớn mạnh hơn, bởi vì được tưới gội bằng ước muốn và lòng tham vô đáy. Từ đó sinh ra biết bao chứng hư tật xấu. Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn về lúa và cỏ lùng để diễn tả về tình trạng của đời sống con người. Lúa là hạt giống tốt như các nhân đức và việc tốt lành. Cỏ lùng là hạt giống xấu được gieo vào chen lẫn giữa lúa để dành sống. Người chủ ruộng kiên tâm chờ đợi cho đến mùa thu hoạch mới diệt trừ. Trong dụ ngôn, khi đầy tớ xin ông chủ nhổ cỏ lùng, Chủ nhà đáp: Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng (Mt 13, 29).

Trong thực tế của việc cầy bừa ruộng rẫy, thường các chủ gia chăm bón ruộng lúa rất cẩn thận. Vào mùa lúa, để bảo vệ cây lúa phát triển tốt, các chủ gia phải chuẩn bị ruộng đất cẩn thận, rồi bơm nước, bỏ phân, diệt rầy, giết ốc và xịt thuốc cỏ. Vì nếu để cỏ mọc um tùm, lúa sẽ bị chen lấn còi cọt không thể sinh hoa kết qủa tốt. Nhưng theo cách nhìn của chủ ruộng trong dụ ngôn, mang một ý nghĩa khác sâu xa hơn. Lúa và cỏ lùng được ví như nhân đức và tính hư tật xấu của con người. Người xấu hay người tốt luôn có cơ hội sống để phát triển và hoàn thành sứ mệnh. Không ai bị cắt đứt dọc đường. Biết rằng không có ai hoàn toàn thánh thiện và cũng không có ai hoàn toàn xấu xa tội lỗi. Mỗi con người đều ẩn dấu cái tốt, cái xấu trong người. Mỗi ngày sống là một kinh nghiệm giúp con người nên tốt hơn. Vì thế, chủ nói: Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta (Mt 13, 30).

Sự kiên nhẫn mong chờ của chủ gia là phút cuối cùng. Chúng ta biết cỏ lồng vực sẽ sinh hạt lồng vực, không thể thay đổi, nhưng tâm con người có thể thay đổi để trở nên tốt hơn. Môi trường cuộc sống rất quan trọng để giúp cải hóa. Người ta thường nói: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Đúng vậy, khi chúng ta kết bạn với những kẻ xấu, nhóm băng đảng, người nghiện ngập, hút sách, bài bạc, nhậu nhoẹt, trước hay sau, chúng ta cũng bị nhiễm độc. Người ta thường nói rằng: Bạn có thể cho biết rằng bạn thường chơi với ai, tôi sẽ cho biết, bạn là người thế nào. Con người chúng ta rất dễ thay đổi, tập sống sung xướng tiện nghi dễ hơn là sống kham khổ. Thay đổi để trở nên tốt và hoàn thiện thì khó hơn đổi thay để trở nên tầm thường và buông thả. Hằng ngày chúng ta chứng kiến biết bao nhiêu bạn trẻ đã đang bị thất bại trong cuộc sống bởi chạy đua theo thói hư tật xấu như hút sách, cá độ, chơi bời lêu lổng và ngại phấn đấu. Họ ưa thích đua đòi một cuộc sống hưởng thụ, an nhàn và hoang phí. Chúng ta không ngồi đây để than phiền trách móc hay chán nản. Những vị hữu trách cần tỉnh thức lên tiếng cảnh báo và đề phòng giúp các bạn trẻ có cơ hội đổi mới cuộc đời.

Nước Trời giống như hạt cải bé nhỏ hay giống như men trong đấu bột. Bột làm chất xúc tác để dậy men: Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men (Mt 13, 33). Trong cuộc sống xã hội hôm nay, cần nhiều nhân chứng chân thật và thánh thiện. Chúng ta, các Kitô hữu, phải luôn là muối, là men và là ánh sáng soi đường cho những người cùng đồng hành. Ai trong chúng ta cũng đều có ẩn chứa trong mình chất lúa và cỏ lùng. Có nghĩa là đức tính tốt và xấu lẫn lộn, chúng ta cần ý thức nhận biết đâu là lẽ phải, điều tốt để đi theo và đâu là sự sai trái để tránh xa. Sự nhắc nhở của các vị có trách nhiệm rất quan trọng cho những ai còn đang mê ngủ hay say đắm chôn vùi trong lầm lạc. Lời Chúa và sự khuyên dậy sẽ giúp tỉnh thức và có thể tìm đường giác ngộ.

Chúng ta đang trải nghiệm cuộc sống qua muôn hình vạn trạng. Có rất nhiều điều thật khó mà đánh giá đúng sai, phải trái, vì nó vừa thật vừa ảo. Có thể nói là 'ba phải'. Mục đích của cuộc sống là đi tìm kiếm niềm vui, sự hoan lạc và thỏa mãn. Mỗi người có kinh nghiệm trong hoàn cảnh đời sống riêng tư của mình. Kinh nghiệm mục vụ, có nhiều các cha mẹ vào xin rửa tội cho con. Khi hỏi về vấn đề gia đình, hôn thú, hôn phối và cưới xin, phần lớn các anh chị chỉ trả lời quanh quanh và hứa xuông. Các anh chị ấy sống chung nhưng không có hôn phối, có khi tách biệt nhau hoặc độc thân nuôi con. Khi đặt vấn đề niềm tin đạo giáo, tín lý, luân lý đạo đức, luật lệ, thói tục, phong tục và tập quán, để hướng dẫn tâm linh, thì hình như các thầy dậy đạo giáo đang bị lạc lõng vào thế giới không tưởng và không còn thực tế. Quan sát cuộc sống chung quanh, người già, kẻ trẻ sống cả như vậy, sự liện hệ chằng chịt, họ vẫn sống vui vẻ và sinh hoạt tốt, có sao đâu! Lúa và cỏ lùng cứ mọc cho tới mùa gặt. Có thể lạc quan khi chúng ta nhìn cuộc sống là một tiến trình (progress) từ giai đoạn này tới giai đoạn kia nhưng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy trong đời sống. Chúng ta biết mọi sự ở đời phải có lúc kết thúc. Sau cùng thì cỏ lùng sẽ bị đốt và lúa được chất vào kho lẫm.

Là Kitô hữu, chúng ta luôn chăm chỉ cầu nguyện hằng ngày. Cầu nguyện là linh hồn của cuộc sống đức tin. Với sức lực riêng, chúng ta rất khó thắng vượt những cám dỗ và những mời gọi hưởng thụ nhất thời. Cầu ơn Chúa Thánh Thần soi sáng trong mọi tư tưởng, lời nói và việc làm cho xứng hợp với danh nghĩa là Con Chúa: Mà Đấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa (Rm 8, 27). Xin Thiên Chúa chúng lành cho chúng ta mọi ngày trong đời sống.

BA DỤ NGÔN: LÚA CỎ LÙNG, HẠT CẢI và NẮM MEN
Mt 13, 24 - 43
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Chúa nhật XV thường niên, năm A cho chúng ta nghe tiếp về ba dụ ngôn tiếp theo dụ ngôn người gieo giống mà Giáo hội trình bày tuần trước.Đó là ba dụ ngôn nhỏ về "Lúa và Cỏ lùng; Hạt cải ; Nắm men ". Ba dụ ngôn này có liên quan tới mầu nhiệm Nước Trời làm cho ngưiời Do Thái lúc đó thắc mắc :" Nước Thiên Chúa hay Nước Trời lại bắt đầu từ những sự kiện, những điều xem ra tầm thường như thế sao ?".

Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để trả lời cho người Do Thái, cho nhân loại về câu thắc mắc đó. Dụ ngôn cỏ lùng, hay cỏ dại được gieo vào ruộng lúa, làm cho lúa,cỏ lùng, cỏ dại lẫn lộn với nhau. Chúa Giêsu đã giải thích dụ ngôn này một cách thật tỉ mỉ, rõ ràng như dụ ngôn người gieo giống. Chúa Giêsu muốn nói rằng cỏ lùng và lúa giống như người lành kẻ dữ trong Nước Trời khi còn sống ở thế giới, sống nơi trần gian.Dụ ngôn " Hạt cải " cho thấy Nước Trời manh nha xem ra bé nhỏ nhưng sẽ lớn lên mạnh mẽ và vĩ đại hoành tráng biết bao! Dụ ngôn men bột cho thấy sự thấm nhập âm thầm, nhẹ nhàng nhưng lại rất mãnh mẽ của Lời Chúa giữa dòng đời, giữa lòng thế giới.Tất cả ba dụ ngôn này đều cho chúng ta thấy sự tương phản của Nước Trời: người Do Thái thắc mắc vì họ không tin tại sao Nước Thiên Chúa lại khởi đầu xem ra tầm thường như thế. Tuy nhiên kết cục Nước Trời lớn mạnh ngoài sự tưởng tượng, ngoài sự suy nghĩ của con người. Do đó, con người chỉ có thể được đón nhận vào Nước Trời khi họ biết tin tưởng vào Chúa mặc dù thấy Ngài làm những việc xem ra rất tầm thường.Thực tế, với ba dụ ngôn trong bảy dụ ngôn nó về Nước Trời mà Tin Mừng thuật lại, Chúa Giêsu trình bày rõ ràng về mầu nhiệm Nước Trời. Vâng, Nước Thiên Chúa bắt đầu âm thầm, nhỏ bé, nhẹ nhàng nhưng phát triển rất mạnh mẽ, sâu xa. Con người phải kiên nhẫn, không vội vàng, không nôn nóng, đợi chờ, thời gian sẽ trả lời cho con người.

Trong ba dụ ngôn này, Chúa Giêsu lấy ví dụ rất thực tế trong xã hội: cỏ lùng, cỏ dại gọi chung tên của các loài cỏ gây hại cho mùa màng. Chúa Giêsu khi nói cỏ lùng, cỏ dại muốn ám chỉ đến những kẻ gian ác, ma quỷ, ranh ma sống chung với những người ngay lành, công chính vv...Chúa Giêsu biết rõ người lành kẻ dữ sống chung nhưng Ngài nói đừng nôn nóng, vội vàng nhưng hãy kiên trì chờ đợi. Quyền xét xứ tối thượng là của Thiên Chúa. Ngày ấy sẽ là ngày tận thế như Tin Mừng thánh Matthêu đoạn nói về Ngày Chung Thẩm diễn tả. Hạt cải bé tí nhưng mọc lên lại to, ở đây có ý phóng đại để nói lên tính cách mạnh mẽ, vĩ đại của Nước Trời theo văn chương khải huyền quen dùng trong Cựu Ước để giúp người Do Thái nhận ra và tin vào Chúa Giêsu. Men trong bột cũng vậy ! Chúa Giêsu có ý dùng cách loại suy, so sánh. Men hiểu theo phẩm, chất lượng so với bột là thế giới.Tuy nhiên, Lời Chúa sẽ phát triển mạnh mẽ và lan tràn ra khắp cùng thế giới.

Chúa Giêsu muốn cho nhân loại hay rằng Nước Trời đã được thiết lập khi Ngài hiện diện nơi trần gian này.Tuy nhiên, có người đón nhận, có người không. Cánh đồng lúa đang chín vàng, cần có nhiều thợ gặt lành nghề để mở mang Nước Thiên Chúa. Chúng ta đừng nhìn cách tiêu cực những sự không tốt của nhân loại hay ngay cả của Giáo Hội nhưng chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi và mau mắn cộng tác với những ai thành tâm thiện chí làm cho Lời Chúa nẩy nở, trở thành hiện thực hơn nơi chính bản thân mình, nơi gia đình, nơi giáo họ, giáo xứ và nơi xã hội con người.

Luc Fritz viết :" Đức Giêsu dạy bảo những kẻ đến nghe Người giảng dạy.Người ví Nước Trời với chuyện một người nọ đã gieo hạt giống tốt trong ruộng mình.Thửa đất đã được gieo hứa hẹn một mùa bội thu.Nhưng kẻ thù đã lẻn vào.Nó gieo cỏ lùng vào giữa lúa, để cho ác tâm của nó tha hồ thao túng. Vậy phải làm sao đây ? Phải nhổ cỏ lùng đi chăng ? Chủ ruộng kêu gọi các đầy tớ mình nên nhẫn nại : đến ngày mùa, lúa tốt sẽ được chọn để thu về.Đôi khi chúng ta tỏ ra chán ngán trước cảnh bất ổn của thế giới:tại sao bao nhiêu người phải khổ ? Tại sao Thiên Chúa không khiến cho bạo lực chấm dứt ? Tin Mừng hôm nay gợi mở một hướng suy tư nhằm bảo vệ thu hoạch, cho phép tất cả phần lúa tốt có thể đạt mức chín vàng, để tâm hồn ai nấy có cơ may mở ra với điều thiện hảo. Có lẽ chúng ta dễ dàng đi vào mầu nhiệm này hơn nếu nghĩ rằng thửa đất được Thiên Chúa gieo giống rồi bị kẻ thù tấn công là chính quả tim của chúng ta.Chúng ta cần có thì giờ, rất nhiều thì giờ, để cho quả tim mình, bị tội như cỏ lùng làm tổn thương, chịu để tai nghe Thần Khí nói lên ý muốn của Người là chính ý muốn của Thiên Chúa".

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thiết lập Nước Trời ở trần gian.Chúa qui tụ tất cả mọi người: người lành kẻ dữ, không loại trừ ai và kêu gọi mọi người hoán cải trở về với Chúa. Xin cho chúng con luôn có tâm hồn mở rộng, quảng đại và có cái nhìn tốt, tích cực về Hội Thánh, đồng thời tôn trọng sự tự do của người khác như Chúa đã luôn yêu thương, tha thứ và tôn trọng sự tự do của tha nhân.Xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn biết kiên nhẫn đợi chờ và không vội vàng, nóng nảy vì Nước Trời cứ tiệm tiến lớn lên. Amen.

CỎ LÙNG và LÚA TỐT
Mt 13, 24 - 43
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã thường dùng những sự kiện, những hình ảnh, những vụ việc xẩy ra xung quanh Ngài, những điều thực tế đang diễn ra ở trong làng quê, trong thành thị, để dạy dân chúng, đặc biệt Ngài đã dùng những dụ ngôn để nói về Nước Trời, để nói về thế thái nhân tình. Hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn " Cỏ lùng và lúa tốt " để minh định lập trường của Ngài bởi vì đầy tớ muốn nhổ cỏ lùng đi, nhưng ông chủ lại bảo: " Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt " ( Mt 13, 30 )...

Từ khi ông bà nguyên tổ Ađam và Evà đã không tuân lệnh Chúa, bị sa ngã vì lời phỉnh lừa của con rắn thì tội đã vào trần gian, sự dữ và cái ác bao trùm đến mọi người. Cái ác và sự dữ, đặc biệt là tội lỗi rất lì lợm, dai dẳng, ngoan cố không hề buông tha con người, nếu con người không can đảm, mạnh mẽ, dứt khoát chống cự lại chúng. Thánh Kinh đã mô tả vì tội, nên sự chết đã vào trần gian. Satan là hình ảnh của con rắn cực độc đã gieo rắc kinh hoàn, sợ hãi nếu con người không bám chặt vào Chúa và xin Ngài thứ tha, cứu thoát.

Dụ ngôn cỏ lùng, Chúa Giêsu quả quyết rằng chính kẻ thừ đã gieo cỏ lùng vào ruộng lúa. Cỏ lùng là một thực tế làm cho lúa không phát triển được vì kẻ thù là satan đã lén gieo vào ruộng hay nói cách khác ma quỷ đã gieo vào tâm hồn con người biết bao tang tóc, biết bao đau thương, tai họa. Tội đã làm con người xa cách Thiên Chúa và làm cho con người phải chết. Chúa dùng cây lúa mì, một loại lúa được trồng rất nhiều ở Palestine, lúc lúa mì còn nhỏ rất khó phân biệt với cỏ. Chúa cho chúng ta thấy rõ trong câu: " Khi nhổ cỏ, các anh sẽ nhổ cả lúa mì lẫn trong cỏ ". Chúa nói cứ để " cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt ". Thực tế, nếu nhổ cỏ lùng lúc còn nhỏ sợ chúng ta sẽ nhổ cả lúa, lẫn với cỏ bởi vì chúng ta không thể nào phân biệt được chúng. Chúng ta hiểu được dù cỏ lùng lớn lên có bóp nghẹt lúa tốt một thời gian, nhưng lúa chín, đến mùa gặt, cỏ lùng rất dễ nhận ra và chúng ta sẽ thu gom tất cả cỏ lùng đem đi đốt và lúa thì mang về phơi khô và cất vào kho lẫm. Trong dụ ngôn này, Chúa không có ý nói cứ để cả hai lớn lên là dung túng cho sự dữ, cho cái ác và để chúng tự do hoành hành.

Trong cuộc sống hằng ngày, trong cuộc hành trình đức tin, vẫn có bóng tối và ánh sáng, vẫn có sự thiện và sự dữ. Cỏ lùng và lúa tốt vẫn đan xen với nhau. Đây là cuộc chiến liên lỉ, cuộc phấn đấu không ngừng, cuộc vượt thắng khó khăn không khoan nhượng. Thiên Chúa có chương trình của Ngài. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn với từng người chúng ta trong cuộc sống đầy cam go, đầy khó khăn này, và Ngài kiên nhẫn, trung tín với hết mọi người trong thế giới này. Thế giới luôn là cuộc chiến đấu liên lỉ giữa sự thiện và sự dữ. Người Kitô hữu luôn có cỏ lùng và lúa tốt đan xen trong tâm hồn. Thánh Phaolô đã viết rất rõ trong thư gửi tín hữu Roma: " Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi không muốn thì tôi lại làm " ( Rm 7, 15 ). Đây là cái nghịch lý trong đời sống của con người.

Người Kitô hữu chúng ta thường cứ tự an ủi: ta chưa phải là tội nhân, nhưng ta vẫn chưa muốn quay trở về. Cái trớ trêu là như thế vì chúng ta cứ tưởng khi sa ngã như Ađam và Evà mới là tội nhân, khi kiêu ngạo như Lucifer mới là ma quỷ. Cuộc chiến đấu giữa chúng ta và ma quỷ luôn luôn có Chúa phù trì, đỡ nâng. Lucifer kiêu ngạo, nên trở thành satan. Giuđa phản Chúa, bán Chúa và không nhận ra lòng thương xót của Chúa, nên y đã hư đi. Phêrô chối Chúa nhưng đã biết ăn năn, Chúa thứ tha cho Ông và còn đặt Ông làm thủ lãnh Giáo Hội. Bà Maria Mađalêna đã biêt1 sám hối, nên Chúa thứ tha tội lỗi cho bà.

Cỏ lùng là tội lỗi nhưng nếu con người biết hoán cải ăn năn, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi họ quay trở về... Thiên Chúa yêu thương con người và Ngài chờ đợi nơi con người lòng thống hối để được Ngài thứ tha ( Rm 2, 4 ). Thiên Chúa luôn giầu lòng thứ tha. Ngài luôn bao dung, cảm thông và nhẫn nại với chúng ta. Ngài là người Cha nhân từ tha thứ cho đứa con hoang đàng biết quay về với Ngài. Cách thế của Thiên Chúa được biểu tỏ qua lời Thánh Vịnh: " Lạy Chúa, Chúa là Đấng nhân từ và hay tha thứ ".

Vâng, chỉ tới ngày Tận Thế như bài Tin Mừng của thánh Matthêu nói về ngày Chung Thẩm, Chúa sẽ phân chia dê và chiên nghĩa là Ngài sai các thiên thần thu gom hết cỏ lùng, cỏ dại mà đốt đi và thu lúa vào kho lẫm của Ngài. Ngài nói rất rõ ràng: " Kẻ lành lên Thiên Đàng, kẻ dữ xuống Hỏa Ngục chịu phạt đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi. Amen.

CHUNG ÐỤNG VỚI LÚA MIẾN VÀ CỎ LÙNG
Mt 13, 24 - 43
Lm Trần Bình Trọng

Ðể giúp người nghe hiểu về sự phát triển của nước Trời, Chúa Giêsu dùng ba dụ ngôn để chuyển đạt ý niệm. Dụ ngôn về hạt cải ám chỉ nước Trời bắt đầu rất nhỏ bé như hạt cải với việc chọn có mười hai tông đồ. Dụ ngôn nắm bột dậy men ám chỉ việc bành trướng của nước Chúa lúc đầu cũng nhỏ bé. Và nước Trời được ví như một thửa ruộng được gieo hạt giống. Trong khi người gieo giống thiếp ngủ, thì kẻ thù đến gieo vãi cỏ lùng vực vào ruộng lúa của chủ như Phúc âm hôm nay ghi lại: Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào ruộng lúa, rồi đi mất (Mt 13:25).

Theo ý nghĩa dụ ngôn thì lúa miến và cỏ lùng tượng trưng cho thiện và ác, sự lành và sự dữ. Thánh kinh dạy ta có sự hiện diện của sự dữ trong thế gian. Theo thần học và Thánh kinh công giáo thì thần dữ không chịu tuân phục Thiên Chúa. Như vậy sự dữ là sản phẩm của tự do mà Thiên Chúa đã ban cho loài thụ tạo: cho thiên thần cũng như loài người. Lucifer vì bất tuân phục Thiên Chúa, nên đã trở thành thần dữ. Ađam vì không vâng lệnh Thiên Chúa nên đã để cho tội lỗi lọt vào thế gian..

Vì thế bao lâu con người còn tại thế, thì thiện ác, tốt xấu, vẫn xen lẫn nhau như lúa miến và cỏ lùng và gây xung đột trong lòng người. Kẻ thù của nước Trời hằng rình chực lúc con cái sự sáng ngủ mê, không tỉnh thức cầu nguyện, không sống và thực hành lời Chúa, để gieo vãi cỏ dại là tội lỗi và các thứ tính mê nết xấu vào tâm hồn loài người. Dưới chiêu bài tự do: tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và tôn trọng quan điểm cá nhân, người ta tự do gieo vãi hạt giống cỏ lùng vào thế gian, trong xã hội ta đang sống bằng đủ mọi phương tiện truyền thông xã hội như sách vở, báo chí, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, mạng tin tức hầu làm tắc nghẽn lời Chúa, làm sa đoạ lòng người, làm lũng đoạn vườn nho của Giáo hội. Tội ác phạm đến Chúa, đến tha nhân và đến chính mình xẩy ra hằng phút trên thế giới.

Loài người thường có khuynh hướng hay đổ lỗi cho quỉ. Hễ cái gì xấu xa, dơ bẩn hay tội lỗi, thì cho là tại quỉ. Vì thế mà người ta ví nghịch như quỉ, xấu như quỉ, ác như quỉ.. Có lẽ người ta ví nghịch như quỉ cho nên hoạ sĩ mới hay vẽ hình thằng quỉ có cái đuôi dài? Mà thực vậy, hễ con vật gì có đuôi dài là nó thường nghịch, chẳng hạn như con khỉ. Về phương diện này thì kể ra cũng tội nghiệp cho thằng quỉ. Không biết còn gì giống như quỉ nữa không? Có một linh mục Việt Nam kia, trước khi qua Mỹ tu nghiệp có gặp một linh mục Mỹ, học làm linh mục cho giáo phận Ðà nẵng, sau khi mãn lính Mỹ ở Việt Nam. Linh mục người Mỹ nói với linh mục người Việt: 'Cha cứ sang đó mà coi. Nó lạnh như quỉ vậy!' Ông cha Việt nam nghĩ bụng từ trước tới nay đọc sách nói về hoả ngục với lửa sinh lửa diêm, thì phải nóng chứ. Sao bây giờ ông cha Mĩ lại ví: nó lạnh như quỉ vậy?

Hôm nay mỗi người cần nhận thức rằng nhiều cám dỗ để làm bậy là do khuynh hướng xấu trong con người chứ không hẳn là do ma quỉ bầy đặt. Ðó chính là điều mà Thánh Phaolô đã nhận ra là có hai khuynh hướng hay hai lề luật phản nghịch nhau nơi loài người: Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lí trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi (Rm 7:22-23). Thánh Phaolô muốn nói là thần trí ta muốn vươn lên, nhưng xác thịt cứ kéo ghì ta xuống.

Gương xấu và sự dữ trong thế gian giống như cỏ lùng, có thể gây ảnh hưởng xấu và làm hại ta bất cứ lúc nào. Và hậu quả của sự dữ có ảnh hưởng đến người xung quanh, tốt cũng như xấu. Ðể bảo vệ mùa gặt lúa trong Phúc âm hôm nay, đầy tớ đề nghị với chủ phải nhổ cỏ lùng. Tuy nhiên chủ lại bảo phải để cỏ lùng mọc chung với lúa miến, cho tới mùa gặt là lúc mà người ta mới có thể dễ dàng tách biệt lúa ra khỏi cỏ. Chủ trương để cỏ lùng mọc chung với lúa miến cho tới mùa gặt nói lên lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa và lòng khoan dung của Người mà ta cần phải học. Biết đâu người gian ác được ơn sám hối để trở lại cùng Chúa như sách Khôn Ngoan hôm nay ghi lại: Ngài đã cho con cái niềm hi vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối (Kn 12:19). Có những người có thể phản đối giải pháp trì hoãn này. Lý do họ đưa ra là nếu Giáo hội hay nước Chúa ở trần gian là phương tiện cứu rỗi thì phải diệt cội rễ của sự dữ và nết xấu. Tuy nhiên thời giờ tách biệt thiện hảo ra khỏi gian ác một cách hiệu quả và toàn diện thì chưa tới lúc. Bài học thứ hai ta cần học là thời giờ phán xét cũng là của Chúa và thuộc về Chúa.

Còn bài học thứ ba ta có thể rút tỉa trong Phúc âm hôm nay là việc thiện cũng như thói xấu đều bắt đầu bằng những việc nhỏ bé, nảy mầm từ những cám dỗ phạm những lỗi nhỏ, rồi đưa đến tội tầy đình. Việc luyện tập nhân đức cũng phải bắt đầu bằng những việc nhỏ bé dễ dàng. Vì thế mà ta cần luyện tập để thắng lướt những cám dỗ nhỏ trước để lấy đà hầu có thế thắng vượt cám dỗ lớn. Muốn được như vậy, ta phải tỉnh thức cầu nguyện, luyện tập nhân đức để có thể chống trả cám dỗ. Bao lâu còn tại thế, ta phải chung đụng với lúa miến và cỏ lùng: chung đụng với sự lành và sự dữ, tốt xấu và thiện ác. Vì thế ta phải canh chừng kẻo bị cỏ lùng lấn át.

Lời nguyện xin cho được ơn đứng vững trước cỏ lùng:
Lạy Chúa, mọi công trình Chúa tạo dựng đều là tốt đẹp.
Mà tội lỗi của thần dữ và ông bà nguyên tổ đã làm ra xấu.
Xin cho con được nhận thức rằng bao lâu còn tại thế
con phải chung đụng giữa cỏ lùng và lúa miến
trong xã hội loài ngưòi cũng như trong chính bản thân con.
Xin cho những người đang gieo vãi cỏ lùng vào thế gian
có được tâm hồn biết kính sợ Chúa.
Và xin cho con được đứng vững, khỏi bị cỏ lùng lấn át. Amen.

THIÊN CHÚA KIÊN NHẪN và BAO DUNG
Mt 13, 24 - 43
Lm. Phêrô Nguyễn Hương

Nếu Chúa Nhật vừa rồi dụ ngôn "người gieo giống" diễn tả hình ảnh về một Thiên Chúa yêu thương và quảng đại trong việc phân phát Lời và Ơn Cứu độ của Người cho hết mọi người, thì Chúa Nhật XVI này phụng vụ Lời Chúa lại giới thiệu với chúng ta về một Thiên Chúa kiên nhẫn và bao dung trước sự dữ và tội lỗi của chúng ta.

1. Lúa và cỏ lùng, thực tại của cuộc sống
Khởi đầu dụ ngôn Chúa Giêsu ví Nước Trời như một thửa ruộng trong đó "lúa và cỏ lùng" mọc chung với nhau. Nếu lúa tượng trưng cho những con người tốt và những việc tốt, những điều thiện hảo, thì cỏ lùng lại tượng trưng cho những người xấu, những việc xấu, và tội lỗi. Lúa mọc với cỏ lùng, sự thiện ở bên cạnh sự dữ, người tốt sống với kẻ xấu. Sự lẫn lộn giữa "lúa và cỏ lùng" này chúng ta gặp bất cứ ở đâu: trong gia đình, ngoài xã hội, trong cộng đoàn, nơi công cộng, và ngay cả trong chính lòng của mỗi người.

Dụ ngôn của Chúa Giêsu cũng chỉ cho chúng ta thấy nguồn gốc của sự lành và sự dữ. Tất cả mọi sự tốt lành trong thế giới này đều đến từ Thiên Chúa, Người là nguồn gốc của mọi sự thiện hảo. Còn sự dữ là do Ma quỷ gieo vào. Ma quỷ là kẻ thù luôn chống lại chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Và Chúng tìm cách dụ dỗ con người làm những điều xấu và gây đau khổ cho người khác. Chúng ta phải tĩnh thức vì ngày hôm nay Ma quỷ hoạt động càng tinh vi để gieo rắc cỏ lùng sự dữ vào trong cuộc sống chúng ta!

2. Tại sao Thiên Chúa lại để như thế?
Trước "cỏ lùng", sự dữ và người tội lỗi, thái độ của chúng ta thường giống như những người đầy tớ chủ ruộng: là muốn nhổ đi, loại trừ, nổi loạn, hoặc bất bao dung. Nhưng thái độ của Thiên Chúa được dụ ngôn nói tới thì hoàn toàn khác hẳn. Thiên Chúa kiên nhẫn và bao dung trước sự dữ, nhất là trước tội nhân. Bởi vì Thiên Chúa biết rằng: từ sự dữ có thể đưa tới sự lành! Từ một người tội lỗi có thể trở thành một vị thánh. Hay nói như Đức HY Nguyễn Văn Thuận: "Thiên Chúa biết vẽ những đường thẳng trên những đường cong". Thiên Chúa luôn hy vọng và cho chúng ta những cơ hội để hoán cải, để thay đổi đời sống, để trở thành điều mình phải là. Nói như sách Khôn Ngoan: "Khi hành động như thế, Người dạy dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo... Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối" (Kn 12,19). Hay nói như Thánh Vịnh hôm nay: "Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với ai kêu cầu Chúa" (Tv 85,5). Và Thánh Phaolô nói cách tuyệt với rằng: "Có Chúa Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta" (Rm 8,26).

Thời gian chúng ta sống là thời gian kiên nhẫn của Thiên Chúa, thời gian của sám hối, thời gian để làm điều thiện. Cỏ lùng thì mãi mãi là cỏ lùng, còn con người thì khác, con người có thể cải tà qui chính, có thể từ một thằng quỷ biến thành một vị thánh. Trong cái nhìn đó, Đức Thánh Cha Benedetto XVI trong lễ khai mạc sứ mạng giáo hoàng của Ngài, đã có câu nói rất hay: «Chúng ta chịu đựng vì sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, thế nhưng chúng ta tất cả cần sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Thiên Chúa, Đấng đã trở thành con chiên, nói với chúng ta rằng thế giới được cứu độ bởi Đấng Chịu đóng đinh chứ không phải những kẻ đóng đinh. Thế giới này được cứu độ nhờ sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và bị phá hũy bởi sự bất kiên nhẫn của con người». ( Benedetto XVI, Omelia nell'inizio solenne del Pontificato, Roma, 24 aprile 2005)

Nếu Thiên Chúa hành xử cách thẳng tay và ngay lập tức thì sẽ không có: một Phaolô bắt bớ Giáo hội, lại trở thành một người Tông đồ dân ngoại đi khắp nơi hăng say rao giảng Tin Mừng Đức Kitô; một Augustinô tội lội và phóng túng, đã trở thành một vị đại thánh, bậc tiến sỹ của Giáo hội; một Charles de Foucauld lêu lỗng lại trở thành người sống nghèo khó và khiêm tốn; một Ève Lavallìere cô đào nỗi tiếng của Pháp đã từ bỏ vinh quang và phú quí để sống cuộc đời hoàn toàn cho Chúa trong tu viện vv..vvv. Rất nhiều những chứng tích khác đã là những vị thánh lừng danh nhờ sự kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa.

TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN
Mt 13, 24 - 43
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Dụ ngôn cỏ lùng là một trong những dụ ngôn hiếm hoi được chính Chúa giải thích rõ ràng. Giải thích của Chúa giúp ta có những hiểu biết hữu ích cho đời sống đạo.

Dụ ngôn nhắc nhớ ta về sự hiện diện của ma quỉ. Ma quỉ hiện hữu. Chúng luôn có mặt để gieo rắc sự xấu. Chúa đã chuẩn bị những thửa ruộng tốt. Những thửa ruộng đó là thế giới, là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người. Chúa đã gieo những hạt giống tốt. Hạt giống đó là Lời Chúa, là ơn Chúa, là những thiện chí, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn con người. Nhưng ma quỉ lén gieo vào những hạt cỏ xấu.

Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hòa bình. Đẹp biết bao nếu mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng buồn thay, cánh đồng hòa bình tươi xanh đã bị những ngọn cỏ tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sử thế giới được ghi bằng những trang buồn vì không ngày nào không có chiến tranh.

Thế giới sẽ đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần xây dựng. Nhưng buồn thay, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa, nô lệ hóa con người.

Ngay trong bản thân mỗi người, không thiếu những sáng kiến, những họat động ban đầu xem ra tốt đẹp, nhưng dần dà bị vẩn đục vì những biến tướng nặng mùi trần tục như khoe khoang, tìm hư danh, tìm lợi lộc.

Đó là những hạt cỏ xấu ma quỉ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.

Tuy nhiên, dụ ngôn cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa. Chúa đợi cho đến ngày tận thế mới thu lúa cùng với cỏ lùng. Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hi vọng những người tội lỗi ăn năn sám hối. Chúa bao dung tha thứ không nỡ phạt người tội lỗi tức khắc. Chúa yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt. Nếu Chúa phạt ngay những người tội lỗi thì ta đâu còn cơ may được chiêm ngưỡng ông thánh trộm lành. Nếu Chúa thẳng tay thì ta đâu có thánh nữ Ma-đa-lê-na, Tông đồ của các Tông đồ, thánh Augustinô, Tiến sĩ lừng danh, thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại. Nếu Chúa chấp tội thì bản thân ta sẽ là người bị phạt đầu tiên, vì trong ta cũng đầy những tội lỗi, những sự xấu. Trong tâm hồn ta cỏ lùng vẫn mọc xen với lúa tốt.

Sau cùng, dụ ngôn cho ta hiểu tất cả là hồng ân của Chúa. Có sự lành để ta hiểu biết và yêu mến sự tốt lành của Thiên chúa. Có sự dữ để ta gớm ghét tránh xa và càng thêm gắn bó với sự lành. Có sự lành để ta được hưởng niềm an ủi ngọt ngào của Chúa. Có sự dữ để ta phấn đấu vượt qua, chứng minh lòng trung tín của ta với Chúa. Có thuận lợi để ta tiến bước trên đường thánh thiện. Có khó khăn để ta rèn luyện thêm nhân đức.

Mọi sự đều nên tốt cho kẻ lành. Thật vậy, việc cấm đạo là sự dữ. Nhưng nhờ đó mà Giáo hội có được những chứng nhân anh hùng. Đau khổ và bệnh tật là những khiếm khuyết trong cuộc sống, nhưng lại giúp con người được thông phần đau khổ với Chúa. Thánh Nữ Teresa đã nhìn thấy tất cả là hồng ân của Chúa. Sự lành cũng như sự dữ. Hạnh phúc cũng như đau khổ. Thành công cũng như thất bại. Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp và thăng tiến người lành.

THIÊN CHÚA VÔ CÙNG KIÊN NHẪN CHỜ ĐỢI
Mt 13, 24 - 43
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Đọc đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu 13,24-43, chúng ta thất sự kiên nhẫn vô cùng của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể dùng lưỡi hái của Ngài để cắt tất cả cỏ dại, tất cả những gì là xấu xa trong thế gian. Điều này nếu xẩy ra thì chắc chắn là hạnh phúc cho chúng ta vì chúng ta sẽ không phải sống với những tệ nạn của thế gian : xì ke, ma túy, phá nạo thai, những kẻ du đãng giết người, những trẻ em vô giáo dục vv...Tại sao Thiên Chúa lại không làm thế bởi vì Ngài nhân từ, chạnh lòng xót thương. Sách khôn ngoan cho chúng ta hay Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng, nghĩa là cho chúng ta cơ hội để ăn năn sám hối tội lỗi. Thiên Chúa luôn tôn trọng sự tự do của con người. Ngài muốn tạo dịp thuận tiện để con người quay trở về và đổi mới con người.

Sống trên trần gian bao giờ cũng có người tốt, người xấu, sự lành, sự dữ, vàng thau lẫn lộn với nhau. Về phương diện bề ngoài, nghĩa là thế gian thì bất cứ ở chỗ nào, bất cứ nơi đâu, cũng có mặt phải mặt trái, cũng có ánh sáng và bóng tối. Tất cả đều sống bên nhau lẫn lộn lẫn nhau. Ngay trong một con người cũng có cái xấu, cũng có cái tốt, cũng có sự dữ, sự lành đan xen với nhau như cỏ lùng và lúa tốt trong một mảnh đất, trong một thuở ruộng.Thực tế, trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu đã sống ở làng quê Nagiarét, đã đi qua vùng Palestina, Ngài đã thấy dân chúng làm ruộng, gieo vãi những hạt lúa mì và khi cây lúa mì còn nhỏ, người ta rất khó phân biệt với cỏ dại. Do đó,Chúa đã căn dặn một việc làm rất thực tế :" Khi nhổ cỏ, các anh sẽ nhổ cả lúa mì lẫn trong cỏ ". Có một sự thực hiển nhiên: cỏ lùng vì là cỏ dại nên không bao giờ nó có thể trở nên lúa tốt được và lúa đã là lúa thì vạn đại nó vẫn cứ là lúa. Chính vì thế, con người thường hay xét đoán người này tốt, người kia xấu, người này là cỏ dại, người kia là lúa tốt. Thực ra, chúng ta không có quyền xét đoán người khác một cách quá giản đơn như thế. Đặc biệt, chúng ta không có quyền xét đoán tội lỗi của bất cứ ai. Quyền đó là quyền của Thiên Chúa. Con người tự bản tính là tốt, nhưng khi lớn lên, con người có thể từ tình trạng lúa tốt biến thành cỏ dại, rồi với ơn Chúa và sự suy nghĩ, hồi tâm, cố gắng con người lại trở thành lúa tốt. Con người là lúa tốt hay là cỏ dại theo một ý nghĩa và giới hạn nào. Điều quan trọng là tới khi chết con người đang ở tình trạng nào ? Lúa tốt hay cỏ dại, cỏ lùng. Đó là sự tự do của con người và con người phải chịu trách nhiệm về sự tự do Chúa ban cho họ khi còn sống trên mặt đất này. Ở xã hội hay ngay trong Giáo Hội cũng có người tốt người xấu, cũng có kẻ lành kẻ xấu. Ngay trong nhóm 12 tông đồ, Giuđa Iscariốt cũng là cỏ lùng mà.

Tục ngữ ta có câu:" Nhân vô thập toàn ". Con người vốn không hoàn hảo. Nên, cần phải cố gắng, vươn lên, vượt thắng mọi tính hư, tật xấu, đẩy lùi bóng tối, diệt trừ tội lỗi. Chúa đã nói :" Hãy bước qua cửa hẹp " hoặc, ai muốn theo Ta :" Hãy từ bỏ mình, vác Thập Giá mà theo Ta ". Từ bỏ mình có nghĩa là diệt sự dữ, đẩy lùi tội lỗi, tính ích kỷ, keo kiệt mà quảng đại theo Chúa. Qua dụ ngôn cỏ lùng và lúa, Chúa muốn nhắc nhở con người, nhân loại, chúng ta : con người được Chúa cho sinh ra vốn tốt lành nhưng vì tội lỗi xâm nhập, con người bị vương mắc tội tổ tông và rồi tội riêng mình làm. Tuy nhiên, con người có trí khôn, biết phân biệt đâu là cái tốt, đâu là cái xấu, điều gì nên làm và điều gì không được làm và sống đúng là người môn đệ Chúa. Nói rõ hơn, Chúa mời gọi chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện để chiến đấu, chống trả tội lỗi: xác thịt, danh vọng và kiêu ngạo là cỏ lùng, cỏ dại xen lấn, sống lẫn lộn trong ta, đồng thời cầu nguyện để bảo vệ những nhân đức, đức bác ái và mọi công phúc chúng ta làm được. Tỉnh thức và cầu nguyện để sẵn sàng đến mùa lúa chín tức là khi con người nhắm mắt xuôi tay, Chúa sẽ thu vào kho lẫm của Ngài.

Ác giả ác báo quả cũng có lý do của nó. Đời sống con người tác ác sẽ gặp tai họa mà hiền lành, đạo đức dù có gặp thử thách như ông Gióp thì đó cũng chỉ là thử thách của Chúa nơi ông. Con người sống khiêm tốn, hiền lành, sống cậy trông nơi Chúa, tin tưởng vào tình yêu của Chúa sẽ được Chúa chúc lành. Chúa luôn luôn kiên nhẫn đợi chờ con người. Chúa không bao giờ muốn loại trừ ai, miễn là con người biết quay trở về với Ngài để được Ngài tha thứ. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy rất nhiều trường hợp, Chúa yêu thương và tha thứ cho người có tội như dụ ngôn " Người con hoang đàng", " Người nữ phạm tội ngọai tình" " Bà Maria Mađalêna " vv...Tất cả những dụ ngôn trong Tin Mừng đều nói lên lòng nhân từ và sự kiên nhẫn của Chúa đối với tội nhân. Chúng ta phải sống hiền hòa, hòa thuận với mọi người vì Chúa là Đấng nhân từ và hay tha thứ.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ánh mắt của Chúa để chúng con biết nhìn anh chị em chúng con như Chúa nhìn. Xin cho chúng con trai tim của Chúa để chúng con biết nhạy cảm trước sự đau khổ của người khác.Amen.

CỎ LÙNG và LÚA
Mt 13, 24 - 43
Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thế giới nơi con người sống luôn có ánh sáng và bóng tối. Con người thường nêu vấn nạn: tại sao có sự dữ ? Tại sao Chúa đã đến trần gian hơn 2.000 năm, mà con người vẫn còn đau khổ ? Giáo Hội do Chúa thiết lập, tại sao vẫn còn những khuyết điểm ?

Người Kitô hữu thấy sự xấu, thấy tiêu cực trong Hội Thánh, có người không muốn xây dựng, họ muốn xa rời Giáo Hội. Như dụ ngôn cỏ lùng Chúa nhật 15, năm A gợi lên, con người không muốn để cho cỏ lùng mọc bên lúa tốt, họ muốn phân cách rõ ràng người lành, người dữ...

Hạt giống tốt đã được gieo trồng đầu tiên và ở khắp nơi trên mặt đất. Do đó, hạt lúa tốt cũng sẽ được gặt hái sau cùng và ở khắp nơi khắp chốn. Cỏ lùng không phải là nguyên thủy và cùng đích; nó cũng không phải là Alpha và Omêga. Alpha và Omêga chính là hạt lúa tốt. Hình ảnh cỏ lùng và lúa cho thấy Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện như kinh tin kính chúng ta thường đọc, nhưng Giáo Hội lại gồm những con người tội lỗi. Rõ ràng ý nghĩa của đoạn Tin Mừng Mt 13, 24-30 gợi lên cho chúng ta suy nghĩ và học hỏi hôm nay. Hội Thánh gồm vô số các vị thánh, nhưng lại rẫy đầy các tội nhân. Những tội nhân vẫn có thể trở thành các vị thánh trong khoảng khắc, trong giây lát và những vị thánh lại trở nên hoàn hảo hơn, thánh thiện hơn. Các tội nhân cần chúng ta cảm thông, tha thứ, còn các thánh khơi lên trong chúng ta lòng cảm yêu, mến phục, sự noi gương bắt chước các Ngài. Cỏ lùng và lúa khiến chúng ta hiểu rõ hơn khía cạnh bất toàn của con người, khía cạnh không hoàn hảo của thế gian. Nên mới có ánh sáng và bóng tối. Hội Thánh cũng chỉ là đoàn người đang lữ hành, đang tiến tới, trong đoàn lữ hành có những người đang gần Chúa nhưng cũng có nhiều người xem như xa lạ với Chúa. Là người Kitô hữu chính là nhập cuộc, đồng hành với đoàn người lữ hành ấy với lòng tin, với tấm lòng quảng đại, trái tim nhạy cảm và luôn tha thứ, cảm thông. Người ta dễ nghe tiếng ngã đổ của cây lớn, nhưng không nghe thấy hàng triệu triệu hạt mầm đang tí tách chui đầu lên đất như lời Đức Hồng Y Etchaygaray nói. Người ta luôn cần có ánh sáng và lửa để sống. Không có ánh sáng cây cối và con người không có sự sống. Không có lửa thức ăn không thể chín. Nhưng tất cả đều phải biết xử dụng đúng và chuẩn vào mục đích. Cỏ lùng và lúa cứ để mọc lên cho tới khi lớn, rồi chúng ta sẽ nhổ vứt cỏ lùng vào lửa, vào một nơi nào đó. Yêu mến Giáo Hội là biết cảm thông và xây dựng Giáo Hội theo chiều hướng tích cực. Các thánh là những người đã sống canh tân Giáo Hội bằng chính sự cảm thông, từ bỏ và hy sinh của chính bản thân mình. Đây là cách thế tốt nhất để phân biệt ánh sáng và bóng tối, cỏ lùng và lúa trong Hội Thánh...

Dụ ngôn hạt cải ám chỉ sự tăng trưởng, sự lớn dậy của Nước Trời theo chiều rộng, còn dụ ngôn nắm men ám chỉ đến sự biến đổi ngấm ngầm bên trong, nghĩa là chiều sâu của Giáo Hội. Hội Thánh giốngt như hạt cải mà Chúa Giêsu ám chỉ bên bờ hồ Tibêria, cây cải có thể cao tới 3 thước. Nước Trời xuất hiện từ thời được loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu và của Hội Thánh tiên khởi trong sự khiêm tốn và khó nghèo. Đây là giáo huấn cốt lõi của dụ ngôn Hạt cải, nắm men. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này để nói tới thời kỳ đầu tiên của việc truyền giáo của Ngài và của Giáo Hội...Tuy bước đầu có vẻ nhỏ bé, khiêm hạ nhưng nó phát triển âm thầm, lặng lẽ nhưng thật đáng khích lệ. Thánh Matthêu viết: trên cành cây cải, chim trời có thể đậu và trú ngụ. Điều này cho thấy các dân ngoại giáo lúc đó được kết nạp vào Giáo Hội tiên khởi của Chúa Giêsu. Dụ ngôn hạt cải và nắm men tương xứng với nhau. Một chút men có thể làm dậy cả khối bột. Một hạt cải nhỏ bé có thể mọc lên một cây to lớn khiến chim trời có thể tới đậu. Chúa muốn nói lên Nước Trời đã tới, đang ở giữa nhân loại. Men Nước Trời là ơn thánh. Ơn thánh ta không thấy nhưng ngấm ngầm hiệu nghiệm, sinh hoa trái tốt đẹp trong tâm hồn con người và trong sứ điệp cứu rỗi của Chúa Giêsu.

Chúa muốn dậy con người về thảm họa của nhân loại. Con người nếu sống trong hận thù sẽ bị diệt vong. Còn nếu con người sống có Đức Kitô, họ sẽ nhận được hạnh phúc và tình thương, Nước Trời lúc đó sẽ hiện diện. " Nơi đâu có Chúa Kitô, nơi đó có Hội Thánh..". Qua dụ ngôn này Chúa còn muốn dậy cho con người về thảm họa sâu sắc hơn là thảm kịch tâm hồn của mỗi người. Trong đáy thẳm tâm hồn con người luôn có sự xâu xé giữa sự thiện và sự ác. Có những điều tốt ta muốn làm nhưng lại không làm mà lại quay làm những việc xấu xa như lời thánh Phaolô đã nói. Sự xấu, tội ác, khuynh hướng không lành mạnh là một thực tại không thể chối cãi được nơi mỗi người. Chúng ta vẫn có óc kỳ thị muốn đẩy lùi và tiêu diệt, khử trừ những người không đồng quan điểm, không cùng chí hướng với ta về chân thiện mỹ. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta. Nếu Thiên Chúa không thương yêu ta, liệu ta có còn tồn tại nơi thế gian không ? Do đó, chúng ta vẫn phải kiên nhẫn và Chúa đòi hỏi ta kiên nhẫn. Gương của Chúa và của Giáo Hội về sự cảm thông, tha thứ phải là sức mạnh giúp ta hiểu rõ con người yếu đuối của ta để ta dễ cảm thông và tha thứ cho những người khác. Bài học của dụ ngôn cỏ lùng và lúa, men và nắm bột dậy ta luôn biết sống tình thương, luôn phát ra những tia sáng của tình thương để ta luôn cảm thông với những người yếu hèn nhưng biết ăn năn hối cải...

Xin Chúa cho chúng ta biết sống tình yêu và chia sẻ tình yêu với những người ở bên ta.

NƯỚC TRỜI - MỘT THỰC TẠI SỐNG ĐỘNG
Mt 13, 24 - 43
Sr Mai An Linh, OP
Chúa Giêsu, một con người sống gắn bó với dân tộc, một dân tộc lao động vất vả, Ngài đã sống và Ngài đem kinh nghiệm sống của mình vào những dụ ngôn để nói về Nước Trời, giúp cho dân chúng đương thời dễ hiểu.

Hôm nay, Phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta đọc lại 3 dụ ngôn: Cỏ lùng, hạt cải và men trong bột. Cả ba dụ ngôn đều nói đến sự nỗ lực cộng tác của người nông dân trồng trọt trên cánh đồng của họ, của người làm bếp nhồi bột. Nhưng để cho hạt giống mọc lên, để cho bột dậy lên cũng phải chờ đợi, chúng ta không thể hoàn toàn làm chủ được nó. Cũng như đối với Nước trời, chúng ta không làm chủ được và cách thực hiện về Nước Trời không chỉ tùy thuộc vào chúng ta, nhưng trước hết là cậy dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần như trong thư của thánh Phaolô Tông Đồ gửi cho giáo đoàn Roma (8, 26-27) mà chúng ta vừa nghe.

Tin Mừng mời gọi chúng ta tin tưởng và có niềm thanh thản của kẻ đã làm xong nhiệm vụ của mình, nhưng cũng phải tỉnh thức : Như ông chủ không điên đầu với kẻ thù của ông đã gieo vào, nhưng sẵn sàng sẽ tách cỏ lùng khỏi lúa tốt sau này, nên phải có thời gian chờ đợi. Trong lời kêu gọi kiên nhẫn, chúng ta cũng thấy ngầm một lời nhắn nhủ: Hãy kính sợ, hãy khiêm tốn chờ trông cuộc phán xét. Sở dĩ nên trì hoãn việc nhổ cỏ lùng là vì chúng ta không thể tự ý chiếm lấy cho mình đặc quyền của Thiên Chúa, quyền giải quyết vấn đề biết đâu là lúa tốt, đâu là cỏ lùng thuộc về Thiên Chúa, phần chúng ta phải sống trung thành với lời mời gọi của Nước Trời, chứ đừng xem lời đó như sự bảo đảm an tòan giả tạo và đáng tự cao.

Cũng vậy, dụ ngôn hạt cải chỉ cho chúng ta thấy sự chờ đợi trong thinh lặng âm thầm, tuy bước đầu nhỏ bé, nhưng sau thời gian tăng triển nó biến thành cây to lớn, để có thể làm thành nơi trú ngụ cho muôn loài. Như thế, chúng ta đừng nóng lòng với dáng vẻ khiêm tốn của Nước Trời hay những bất toàn của Giáo hội tại thế, nhưng hãy hy vọng chờ đợi vào ngày mai của Nước Trời, Nước Trời mà từ đây đang hiện diện trong lời của Đức Giêsu trong biến cố mà lời đó trình bày cho thính giả, một ngày kia sẽ tỏ ra vô cùng vĩ đại trong vinh quang. Vì thế, chúng ta đừng thất vọng khi thấy Giáo hội hiện tại nhỏ bé đối với toàn thể nhân loại.

Hãy nhìn vào một lượng men ít ỏi với khối bột khổng lồ dậy men, chỉ một nhúm men, sẽ làm dậy lên toàn thể khối bột. Cho nên hãy tin chắc rằng hành động thần linh kỳ diệu sẽ biến nhóm nhỏ của Giáo hội thành một dân Thiên Chúa, quy tụ mọi quốc gia trên địa cầu. Và chúng ta đã thấy rõ điều ấy trong Giáo hội hôm nay.

Hãy nhìn thế giới với cái nhìn lạc quan, vì cái nhìn của chúng ta là cái nhìn đức tin. Chúng ta tin rằng hạt giống tốt không bao giờ mất đi, nhưng sẽ thành cây tươi tốt, Thiên Chúa là Đấng nhẫn nại chờ đợi. Ngài chịu đựng hàng thế kỷ tội lỗi để ban cho chúng ta ơn Cứu độ (Rm 3, 26). Ngài gớm ghét tội, nhưng Ngài yêu thương tội nhân trở lại cùng Ngài. Nếu Ngài không kiên nhẫn đối với tội lỗi của chúng ta, thì giờ đây chúng ta sẽ ra sao?

Chúng ta nên nhớ rằng hạt giống tốt được gieo xuống đất trước tiên và khắp mọi nơi như bài Tin mừng của Chúa Nhật 15 năm A. Hạt giống tốt ấy sẽ sinh hoa trái, 30, 60,100 và được gặt hái sau cùng ở khắp mọi nơi. Còn cỏ lùng là tội lỗi, nó chỉ xuất hiện khi con người bất tuân lệnh Chúa, chứ Thiên Chúa không gây nên sự dữ là tội lỗi. Vì thế, nó không phải là cái đầu tiên được gieo vào trong thế giới nên chắc chắn nó sẽ bị nhỏ đi trước khi gặt lúa (Mt 13, 28 - 38) và nó chẳng phải là cái được thu gom cuối cùng. Hãy chờ đợi trong kiên nhẫn.

Lạy Chúa, Chúa biết rõ chúng con hơn chúng con biết chúng con, nên Chúa không ngạc nhiên về những gì xẩy ra nơi mỗi người chúng con, Ngài tiếp tục kêu gọi và gieo vãi hạt giống tốt vào lòng chúng con. Xin cho chúng con cũng biết học nơi Ngài lòng quảng đại và tình yêu rộng mở để chúng con đối xử tốt với anh chị em chúng con.

MẦU NHIỆM SỰ DỮ
Mt 13, 24 - 43
Lm Trần Thanh Sơn

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta phải đối mặt với biết bao những đau khổ bởi chiến tranh, bệnh tật, tai nạn, bất công, nghèo đói và cả tội lỗi nữa... Tất cả những điều đó, có thể gọi chung là sự dữ. Đối diện với sự dữ nhiều người đã phải tự hỏi về sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa trong vũ trụ.

Lời Chúa qua dụ ngôn "Cỏ lùng" chúng ta vừa nghe đã phần nào giúp chúng ta hiểu được phần nào về Mầu nhiệm sự dữ trong thế giới hôm nay và về Thiên Chúa chúng ta tôn thờ.

1. Thiên Chúa là nguồn sự thánh thiện:
Trước hết, chúng ta cần xác tín lại một lần nữa với nhau: Thiên Chúa là Đấng Thánh như lời ngôn sứ Isaia, khi ông tuyên xưng Ngài là Đấng ba lần Thánh, mà Giáo Hội vẫn lập lại sau mỗi lời Tiền tụng: "Thánh, Thánh, Thánh ..." (x. Is 6, 6). Không chỉ là Đấng Thánh, Thiên Chúa còn là nguồn mọi sự thánh thiện. Điều này được sách Sáng thế diễn tả thật cụ thể qua điệp khúc: "Thiên Chúa thấy thế là tốt lành" (St 1, 10. 12. 18. 21. 25) sau mỗi ngày sáng tạo. Như thế, mọi sự tốt lành, thiện hảo đều đến từ Thiên Chúa. Ý tưởng này cũng được khẳng định gián tiếp qua lời thắc mắc của những người đầy tớ khi họ hỏi ông chủ: "Thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao?" (Mt 13, 27). Nếu Thiên Chúa là Đấng tốt lành, thánh thiện thế thì tại sao trong thế giới hôm nay vẫn còn đầy dẫy những đau khổ, bệnh tật, chết chóc? Đó không chỉ là vấn nạn của chúng ta hôm nay, nhưng còn là vấn nạn chung của con người qua muôn thế hệ. Những người đầy tớ trong bài Tin mừng cũng đã phải hỏi chủ ruộng: "Vậy cỏ lùng tự đâu mà có?" (Mt 13, 27).

2. Sự dữ trong thế giới:
Đứng trước câu hỏi của các đầy tớ, người chủ ruộng đã trả lời: "Người thù của ta đã làm như thế". Câu trả lời này đưa ra cho chúng ta hai vấn đề:

Trước hết, sự dữ là một thực tế có thật trong cuộc sống của chúng ta. Nó biểu hiện rất cụ thể qua chiến tranh, loạn lạc, tai ương, thiên tai, những bất công trong xã hội, nhất là tội lỗi mà chúng ta vẫn gặp hàng ngày trong cuộc sống. Chúng ta không thể tránh né mà cho rằng không có sự dữ. Nhưng ranh giới giữa sự dữ và sự thiện; giữa "lúa" và "cỏ lùng" trong thực tế thì không thật rõ ràng. Chúng ta không thể cho rằng điều này là sự dữ, còn điều kia là điều tốt. Nói đến đây, tôi nhớ chuyện "Tái ông mất ngựa".

Chuyện kể rằng: Tái ông có một con ngựa, một hôm đang khi cho đi ăn thì lạc mất con ngựa. Nghe tin, hàng xóm đến chia buồn, nhưng Tái ông thì lại trả lời: "Không chừng mất ngựa mà lại là điều hay cho tôi". Một thời gian sau, con ngựa của ông trở về và dắt theo một con ngựa khác. Nghe tin, hàng xóm đến chúc mừng ông, nhưng ông lại trả lời: "Không chừng được ngựa mà lại là điều xui cho tôi". Ít lâu sau, người con trai của ông trong lúc tập cưỡi con ngựa mới đã té ngã gãy chân. Nghe tin, hàng xóm lại đến chia buồn với ông, nhưng Tái ông lại trả lời: "Không chừng con tôi gãy chân mà lại là điều hay cho tôi". Một thời gian
sau, đất nước có chiến tranh và con trai ông vì gãy chân mà không phải ra chiến trường.

Mặt khác, chúng ta cũng không thể đánh giá người này là tốt, còn người kia là xấu, vì cái nhìn của chúng ta không khách quan đủ, và cũng không nhìn hết mọi mặt của một con người. Hơn nữa, con người là một tạo vật có tự do, nên việc đánh giá còn khó khăn hơn. Với kinh nghiệm bản thân, chắc hẳn quý ông bà anh chị em cũng có cảm nghiệm như thánh Phaolô: "Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm...Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sâu trong các chi thể tôi." (Rm 7, 15. 21-23).

Thế đó, ranh giới giữa sự dữ và điều tốt không phải là ở những gì ta thấy ở bên ngoài. Cỏ lùng và lúa vẫn còn lẫn lộn với nhau trong cuộc sống hiện tại và ngay cả trong từng người chúng ta. Điều tốt và điều xấu chỉ cách nhau một ý hướng, một nguyên nhân thúc đẩy hành động. Thấy rõ điều đó, nên Thiên Chúa rất nhân hậu và khoan dung khi xét đoán. Tác giả sách Khôn ngoan trong bài đọc một viết: "Vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người... vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành" (Kn 12, 16a. 18a). Lòng nhân hậu này còn được diễn tả thật rõ nét qua lời đáp của ông chủ với những người đầy tớ, khi họ xin đi nhổ cỏ lùng trong ruộng lúa: "Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt" (Mt 13, 29-30a).

Kế đó, dụ ngôn còn cho chúng ta thấy nguyên nhân của sự dữ là ma quỷ, kẻ thù của Thiên Chúa, như lời giải thích của chính Chúa Giêsu: "Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỉ" (Mt 13, 39a). Hành động của nó thật lén lút, vào chính những lúc chúng ta không ngờ. Tin mừng thuật lại: "Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa" (Mt 13, 25). Cùng với ma quỉ, nguyên nhân sự dữ còn do sự lạm dụng tự do Thiên Chúa đã ban, của chính từng người chúng ta. Trong vườn địa đàng, tổ tông của chúng ta và từng người chúng ta hôm nay nhiều khi đã không biết sử dụng tự do của mình cho đúng. Việc làm của chúng ta bị chi phối bởi những đam mê và tính ích kỷ hơn là vì lẽ phải.

Tóm lại, chúng ta thấy Thiên Chúa luôn là nguồn của mọi sự tốt lành, thánh thiện. Còn Sự dữ là do ma quỷ mà ra. Đồng thời, trong cuộc sống trần thế và ngay trong từng con người của chúng ta lúa và cỏ lùng vẫn đang còn chung sống lẫn lộn.

3. Lời mời gọi tỉnh thức:
Vì thế, chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác trước mọi cơn cám dỗ. Chúng thường đến vào lúc "đêm khuya khi chúng ta đang ngủ", nghĩa là lúc chúng ta không ngờ, thiếu đề phòng nhất để gieo "cỏ lùng". Cỏ lùng đó có thể là một cơn nóng giận, một sự tự ái, hay lòng tự trọng của chúng ta bị người khác gièm pha. Đồng thời, chúng ta cũng phải hết sức vun xới và chăm bón cho "cây lúa" trong mỗi người chúng ta được phát triển nhờ việc luôn gắn bó với Chúa trong đời sống cầu nguyện, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần như lời nhắc bảo của thánh Phaolô: "Có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta" (Rm 8, 26).

Giờ đây, chúng ta hãy dọn mình lãnh nhận Thánh Thể cách sốt sắng. Nhờ đó, chúng ta đủ sức mạnh để vượt thắng sự lấn át của cỏ lùng và ngày sau hết đáng nhận được phần thưởng như lời Chúa hứa trong bài Tin mừng: "Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình" (Mt 13, 43). Amen.

CỎ LÙNG - LÚA TỐT
Mt 13, 24 - 43
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

Bài Tin Mừng thuật lại ba dụ ngôn của Chúa Giêsu : cỏ lùng, hạt cải và men. Nghe Chúa nói ba dụ ngôn, nhưng các môn đệ lại chỉ xin Chúa giải thích một dụ ngôn cỏ lùng, và Chúa đã giải thích : người đi gieo giống tốt là Thiên Chúa, hạt giống là người ta, là con người, là con cái Chúa, thửa ruộng là thế gian, là nơi sinh sống, làm việc, phục vụ, cỏ lùng là người xấu, người dữ, mùa gặt là ngày chết hay ngày tận thế, thợ gặt là các thiên thần, lúa tốt thì được thu vào kho lẫm, tức là những người tốt lành, công chính, thánh thiện thì được thưởng, còn cỏ lùng là những người xấu, người dữ thì bị tống vào hỏa ngục.

Nghe hay đọc dụ ngôn này cùng với sự giải thích của Chúa, chúng ta thấy dễ hiểu và hợp tình hợp lý. Thế gian này có người tốt người xấu, người lành người dữ sống bên nhau, sống cùng nhau là chuyện bình thường. Chẳng có nơi nào toàn là những người tốt và cũng chẳng có nơi nào toàn là những người xấu. Nhưng có một điều khác biệt : cỏ lùng, vì bản chất của nó là cỏ dại, cỏ xấu, cho nên vạn đại nó cũng không thể nào biến thành lúa tốt được. Cũng thế, cây lúa thì lúc nào nó cũng là cây lúa, chỉ có điều là nó cho nhiều hay ít hạt lúa, chứ không bao giờ biến thành cỏ lùng được.

Đối với con người thì không như vậy : bản tính con người được Chúa tạo dựng là tốt lành : "Nhân chi sơ tính bản thiện" : khi sinh ra, con người vốn tốt lành, nhưng với thời gian lớn khôn, con người vẫn tốt hay trở thành xấu, nghĩa là con người tốt hay xấu là do thêm vào hay mất đi. Có người trước kia là lúa tốt, bây giờ là cỏ lùng, ngược lại, có người trước kia là cỏ lùng, bây giờ là lúa tốt. Dĩ nhiên cũng có những người luôn luôn là lúa tốt và những người lúc nào cũng là cỏ lùng, hoặc có những người khi thì là lúa tốt khi thì là cỏ lùng hoặc ngược lại. Điều quan trọng là tới khi chết, người ta đang ở trong tình trạng nào : cỏ lùng hay lúa tốt ? Đó là trách nhiệm của mỗi người.

Chính vì yếu tố trách nhiệm này, vì khả năng biến đổi tốt thành xấu và xấu thành tốt nên chúng ta phải cố gắng làm giảm bớt đến mức tối đa, tức là mức thấp nhất những gì là xấu xa, tội lỗi, tức là cỏ lùng, và gia tăng đến mức tối đa, tức là mức cao nhất, nhiều nhất những gì tốt lành, thánh thiện, tức là lúa tốt. Hơn nữa, trong đời sống hằng ngày, ngoài việc cố gắng bớt cỏ lùng, thêm lúa tốt, tức là bớt tư tưởng, lời nói, việc làm xấu và gia tăng những việc phúc đức, mỗi người còn phải cố gắng làm sao để được nhắm mắt xuôi tay, kết thúc cuộc đời trong tình trạng đang là lúa tốt.

Ở đời này, thường chúng ta ít thấy công lý thắng gian tà, nhưng ở đời sau, thì tất cả mọi nợ nần đều phải trang trải, mọi bất công sẽ được san phẳng : lúa tốt, tức là người tốt, sẽ được nâng niu thu góp vào kho lẫm, tức là được thưởng công xứng đáng. Còn cỏ lùng, tức là người xấu, sẽ bị ném vào lửa để thiêu hủy. Câu chuyện cỏ lùng giữa lúa tốt quả quyết với chúng ta về sự báo oán công minh ở đời sau : người tốt sẽ được thưởng, người xấu sẽ bị phạt muôn đời. Như vậy, tốt hay xấu, được thưởng hay bị phạt là do chính mỗi người chúng ta. Vì thế khi kết thúc dụ ngôn Chúa nói : "Ai có tai thì nghe", nghĩa là Chúa muốn nhắc chúng ta rằng : chúng ta có đầu óc, có trí khôn, chúng ta biết phân biệt phải quấy, chân giả, đúng sai, tốt xấu thì đừng có sống đóng kịch hay sống bất chính, chúng ta phải biết sống đúng là con Chúa, chúng ta phải sử dụng đầu óc, trí khôn để sống theo luật Chúa. Chúng ta sống làm sao Chúa sẽ căn cứ vào đó để thưởng hay phạt chúng ta.

Tóm lại, trong cánh đồng màu mỡ là con người yếu đuối của chúng ta, lúa tốt và cỏ lùng, tức là nhân đức và tội lỗi, đức tính và tật xấu ... luôn luôn chèn ép nhau, giành giật nhau. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và chiến đấu để loại trừ cỏ lùng, tội lỗi và tật xấu, đồng thời bảo vệ lúa tốt, nhân đức và công phúc của chúng ta. Có như thế đến mùa gặt, tức là khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, chúng ta sẽ được Chúa nhân từ âu yếm nói với chúng ta : "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng với Chúa ngươi". Xin Chúa cho chúng ta biết sống theo lời Chúa để chúng ta đều được nghe những lời đầy thân thương trên đây của Chúa.

KIÊN NHẪN và CHỜ ĐỢI
Mt 13, 24 - 43
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

Chúa nhật 16 thường niên, Giáo hội tiếp tục mời gọi con cái mình suy niệm loạt bài "dụ ngôn ven biển về nuớc trời" của Chúa Giêsu. Nếu ở Chúa nhật trước, qua dụ ngôn "người gieo giống", chúng ta tìm hiểu về thái độ tiếp nhận hạt giống Lời Chúa như thế nào, thì hôm nay, liên tiếp ba dụ ngôn dẫn chúng ta đến một thái độ khác cần phải có không chỉ là sự kiên nhẫn đối với những kẻ được liệt vào hạng "cỏ lùng" mà còn là sự kiên nhẫn đối với sự lớn mạnh của nước trời.

Người nông dân không lạ gì về một loại cỏ vẫn thường mọc lên cùng với cây lúa trong đồng ruộng của mình. Loại cỏ này thật lạ, nó không khác gì cây lúa từ mầu sắc, thân hình đến cách phân chia thân để lớn lên. Người nông dân chỉ có thể phân biệt cỏ này với lúa nếu như họ dùng phương pháp cấy, nghĩa là cấy mạ theo thứ tự với một khoảng cách nhất định. Khi đó nếu thấy cây nào mọc sai vị trí, có thể đó là loại cỏ quái ác kia. Tuy nhiên cũng không dễ vì nhiều lúc loại cỏ này "chen" vào cùng mọc lên với cây lúa cùng một vị trí, nên không dễ phân biệt. Nhưng nếu dùng phương pháp xạ như trường hợp trong bài Tin mừng thì đành chịu, phải chờ cho đến khi cây lúa trổ bông, loại cỏ này mới lộ diện. Từ thực tế này, Chúa Giêsu muốn hướng dân chúng về tình trạng nước trời ở trần gian trong đó người lành kẻ dữ lẫn lộn không dễ phân biệt.

Không chỉ có những đầy tớ trong Tin mừng hôm nay tỏ ra khó chịu trước sự có mặt của loại cỏ quái ác trong ruộng lúa chủ mình mà hết những ai trong hoàn cảnh này cũng hết sức lo lắng. Bởi thực tế cho thấy, loại cỏ này có bộ rễ rắn chắc, cắm sâu vào lòng đất nên bao nhiêu dinh dưỡng phân bón, nó đều hút hết. Vì thế đến mùa trổ bông, người nông dân mới giất mình, hoá ra cây mà họ tưởng là lúa tốt thì giờ lộ diện là một tên ăn bám- một giống cỏ, còn cây lúa thật thì ốm o gầy còm, suy dinh dưỡng và có trổ bông cũng chỉ lác đác vài hạt do thiếu dưỡng chất. Mặc dù thế, ông chủ vẫn không cho nhổ loại cỏ này. Lý do hết sức đơn giản là ông sợ làm "bật rễ lúa", cũng có nghĩa là làm cho lúa vốn đã suy yếu càng thêm suy yếu, không có lợi cho việc trổ bông, dù ít ỏi.

Trước một thế giới trong đó vàng thau lẫn lộn, người ngay kẻ dữ chung sống cùng nhau, Thiên Chúa không vì thế mà chán nản, trái lại Người luôn luôn kiên trì, nhẫn nại và chờ đợi. Chúng ta có thể hiểu câu nói "Cứ để cả hai cùng lớn lên" của ông chủ trong Tin mừng như là một sự kiên nhẫn và thời gian chính là yếu tố cần thiết để nước trời lan rộng hầu nhiều người được hưởng ơn cứu độ. Điều này được thể hiện rất rõ trong hai dụ ngôn về hạt cải và nắm men mà Chúa Giêsu cách nào đó muốn cổ xúy việc Thiên Chúa vẫn luôn kiên trì không nao núng.

Dụ ngôn về hạt cải và nắm men không hẳn chỉ nói đến mối tương quan, nói đến tỷ lệ không cân xứng giữa một bên là hạt cải bé nhỏ và chút men chẳng đáng là gì và một bên là chim trời đến nương thân và cả một khối bột dậy men, v.v... mà còn là việc hướng chúng ta đến chủ đề chính của Tin mừng hôm nay: hãy kiên nhẫn và chờ đợi. Vâng, có kiên nhẫn và chờ đợi trong khiêm tốn, hạt cải vô cùng bé nhỏ kia, nhúm men xem ra chẳng có gì đặc biệt lại trở nên một thành tố không thể thiếu cho chim trời đến nương ẩn và làm say nồng bao nhiêu người thưởng thức. Hạt cải và nắm men cũng như cây lúa mọc lên cùng cỏ lùng tuy âm thầm, chịu đựng nhưng nhờ kiên trì dưới cánh tay nâng đỡ của ông chủ Tình Yêu, chắc chắn kết quả sẽ mỹ mãn hơn sự mong đợi.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta củng cố niềm tin còn non yếu của mình để thấy rằng, dù bất xứng nhưng chúng ta cũng tự hào vì mỗi người chúng ta được Chúa kêu mời trở nên hạt cải, trở nên nắm men và là hạt lúa cho cánh đồng truyền giáo hôm nay. Chớ gì niềm tự hào đó được lớn lên mỗi ngày ngõ hầu nước Chúa được rộng mở và mọi người nhờ đó được hưởng nhờ ơn cứu độ của Thiên Chúa tình yêu.

LÚA MIẾN và CỎ DẠI
Mt 13, 24 - 43
Lm Trần Bình Trọng

Nước Trời được ví như một thửa ruộng được gieo hạt giống. Trong khi người gieo giống thiếp ngũ, thì kẻ thù đến gieo vãi cỏ lòng vực vào ruộng lúa của chủ.

Theo ý nghĩa của dụ ngôn thì lúa miến và cỏ dại tượng trưng cho sự lành và sự dữ. Thánh kinh dạy ta có sự hiện diện của thần dữ trong thế gian. Và sự dữ là cái sản phẩm của tự do mà Thiên Chúa đã ban cho loài thụ tạo, cho thiên thần cũng như loài người. Lucifer vì bất tuân phục Thiên Chúa, nên đã trở thành thần dữ. Ađam vì không vâng lệnh Thiên Chúa nên đã để cho tội lỗi lọt vào thế gian. Vì thế bao lâu con người còn tại thế, thì thiện ác, tốt xấu, vẫn xen lẫn với nhau và gây xung đột trong lòng người. Kẻ thù của Nước Trời hằng rình chực lúc con cái sự sáng ngũ mê, không tỉnh thức cầu nguyện, không sống và thực thành Lời Chúa, để gieo vải cỏ dại là tính mê nết xấu vào tâm hồn loài người.

Những hạt giống cỏ dại đang được gieo vãi khắp nơi vào thế gian, trong xã hội ta đang sống, bằng báo chí, truyền hình, phim ảnh đồi tệ, bằng đũ mọi phương tiện truyền thông xã hội hầu làm tắc nghẽn Lời Chúa, làm sa đọa lòng người, làm lũng đoạn vườn nho của Giáo hội. Người ta dùng cái chiêu bài tự do: tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và tôn trọng quan điểm cá nhân để rồi tự do gieo đủ mọi thứ cỏ dại vào đời sống cá nhân và gia đình, bằng những hình ảnh trụy lạc, sách báo khiêu dâm, ca nhạc khích động.

Có những khi ta phải đương đầu với những cám dỗ thử thách, không hẳn là do ma quỉ bày đặt, nhưng là do khuynh hướng xấu trong người. Thường loài người có khuynh hướng hay đổ lỗi cho quỉ. Hễ cái gì xấu, không vừa lòng thì cho là tại ma quỉ. Vì thế mà người ta ví : nghịch như quỉ, xấu như quỉ, đen như quỉ... Không biết còn gì như quỉ nữa không? Cũng tội nghiệp cho thằng quỉ.

Hôm nay mỗi người phải nhận thức rằng nhiều cám dỗ để làm bậy là do khuynh hướng xấu trong con người chứ không phải do ma quỉ bày đặt. Đó chính là điều mà Thánh Phaolô đã nhận ra có hai khuynh hướng hay hai lề luật phản nghịch nhau nơi loài người: "Cái điều thiện tôi muốn làm thì lại không làm, còn điều ác tôi không muốn làm, thì lại cứ làm" (Rm 7,19). Thánh Phaolô muốn nói là thần trí ta muốn vươn lên, nhưng xác thịt cứ kéo ghì ta xuống. Gương xấu và sự dữ ở trong thế gian giống như cỏ dại, có thể gây ảnh hưởng xấu và làm hại ta bất cứ lúc nào. Và cái hậu quả của sự dữ có ảnh hưởng đến người xung quanh, tốt cũng như xấu.

Để bảo vệ mùa gặt lúa trong Phúc Âm hôm nay, đầy tớ đề nghị với chũ phải nhổ cỏ dại. Tuy nhiên chũ lại bảo hãy để cỏ dại mọc chung với lúa miến, cho tới mùa gặt là lúc mà người ta mới có thể dễ dàng tách biệt lúa ra khỏi cỏ. Chủ trương để cỏ dại mọc chung với lúa miến cho tới mùa gặt nói lên lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa và lòng khoan dung của Người. Có những người lại phản đối giải pháp trì hoãn này. Lý do là vì nếu Giáo hội hay Nước Chúa ở trần gian là phương tiện cứu rỗi thì phải diệt cội rễ của sự dữ và nết xấu. Tuy nhiên cái thời giờ tách biệt thiện hảo ra khỏi gian ác một cách hiệu quả toàn diện thì chưa tới. Và cái thời giờ phán xét cũng là của Chúa và thuộc về Chúa.

Cái bài học ta có thể rút tỉa trong Phúc Âm hôm nay là việc thiện cũng như thói xấu đều bắt đầu bằng những việc nhỏ bé, nẩy mầm từ những cám dỗ phạm những lỗi nhỏ, rồi đưa đến tội tầy đình. Việc luyện tập nhân đức cũng phải bắt đầu bằng những việc nhỏ bé dễ dàng. Vì thế mà ta cần luyện tập để thắng những cám dỗ nhỏ trước để lấy đà hầu có thể thắng vượt cám dỗ lớn.

Muốn được như vậy, ta phải tỉnh thức cầu nguyện, luyện tập nhân đức để có thể chống trả cám dỗ. Bao lâu còn tại thế, ta phải chung đụng với lúa miến và cỏ dại: chung đụng với lành dữ, tốt xấu và thiện ác. Vì thế ta không bao giờ được tự mãn với nếp sống thiêng liêng của mình.

CỎ LÙNG và LÚA TỐT
Mt 13, 24 - 43
Lm Bùi Quang Tuấn, CSsR

Tuần trước, Dụ ngôn "Người Gieo Giống" trình bày Thiên Chúa như một nông gia tung gieo Lời Ngài vào các tâm hồn. Có tâm hồn như đường đi, hạt giống rơi xuống bị người ta dẫm đạp, không ngóc đầu lên được. Có tâm hồn như sỏi đá, khô khan cứng cỏi, hạt tuy có nẩy mầm nhưng rồi bị nắng trời thiêu cháy vì thiếu nước. Có tâm hồn như bụi gai um tùm, bóp nghẹt cây lúa đang lên, nên cũng chẳng sinh được bông trái nào. Nhưng có tâm hồn như vùng đất phong phú, hạt giống mọc lên tươi tốt, hy vọng mang lại cho nhà nông một mùa gặt thành công rạng rỡ.

Tuần này, Dụ ngôn "Cỏ Lùng" lại trình bày Thiên Chúa như người vãi gieo giống tốt vào mảnh đất hứa hẹn, nhưng sau đó Satan đã lén lút gieo hạt giống xấu là cỏ lùng vào ban đêm. Thành ra trên cùng một mảnh đất màu mỡ, lúa non và cỏ lùng mọc lên chen nhau, rễ cây này xoắn gốc cây kia.

Người tôi tớ chân thành không khỏi nhức nhối lắng lo, muốn xin chủ ruộng giải quyết tức thì tình trạng vàng thau lẫn lộn. Nhưng chủ nhân e rằng khi nhổ cỏ người ta bứng luôn cả lúa nên quyết định đợi đến mùa gặt. Lúc đó cây lúa sinh hạt sẽ được bó lại đưa về sân phơi, còn cỏ lùng hoang dại sẽ bị cắt xuống ném vào lửa thiêu.

Dụ ngôn "Cỏ Lùng" bộc lộ hình ảnh thế giới, giáo hội, gia đình, con người như những vùng đất mang tính hỗn hợp. Thiện và ác, tốt và xấu, ân sủng và tội lỗi như "đan cài" với nhau. Không thể có một xã hội toàn là người tốt hoặc người xấu, cũng chẳng thể có một cộng đoàn toàn là thánh nhân hay tội nhân. Sự kiên nhẫn đầy tình thương xót của chủ ruộng như một cơ may cho những biến đổi và hoàn thiện. Thiên Chúa luôn mở ngỏ cho hoán cải và trổ sinh hoa trái tốt lành.

Dụ ngôn trên thúc đẩy tôi đi vào một hành trình tự vấn: tôi là một cây lúa xanh tươi đang nảy sinh bông hạt thơm ngát cho cuộc đời, hay tôi là cụm cỏ lùng đang ăn hại bao chất màu tươi tốt của cuộc sống?

Chắc hẳn tâm hồn tôi có mang nhiều loại giống tốt do Chúa gieo vào và cũng không ít giống xấu do Satan và tôi tớ của nó thảy vô, nhưng loại giống nào đang được chăm sóc và thứ nào đang bị vùi xuống? Tôi đang nhổ cỏ lùng trong đời mình hay tôi đang gắng công nhổ cỏ và nhổ luôn cuộc đời người khác?

Tôi đang cộng tác với Thiên Chúa để gieo giống tốt vào thế giới hôm nay hay tôi đang tiếp tay với ma quỉ để gieo bao giống xấu vào tâm hồn tha nhân?

Có một chi tiết rất đáng chú ý trong bài Dụ ngôn: khi mọi người đang ngủ, một kẻ xấu lòng đến rải cỏ lùng vào ruộng rồi đi mất. Kẻ thù ra tay mà không ai hay biết. Mầm mống sự ác đột nhập thế giới trong cách thế bất ngờ. Người ta chỉ nhận ra khi nó mọc lên và bắt đầu phá hoại hoa màu.

Như thế Lời Chúa mời gọi một thái độ tỉnh thức. Nếu quên mất rằng: sống là một cuộc tranh đấu không ngừng cho điều tốt vươn lên, tôi sẽ bị cái ác đè bẹp. Nếu chủ quan thiếu canh phòng trước những bóng đêm của cuộc sống, tôi sẽ bị ma quỉ khống chế cuộc đời.

Khi người ta nói: "đâu có sao" trong việc xem phim ảnh sách báo không nết na để giải trí một chút; khi người ta nghĩ: "đâu có sao" nếu nghe bạn bè rủ rê hút một chút cocain cho biết mùi đời; khi người ta tưởng: "đâu có sao" chuyện bỏ đọc kinh đi lễ một hôm. .., đều là những mầm giống cỏ lùng Satan gieo vào cuộc đời, chờ ngày bùng phát và hủy hoại.

Không phải chỉ có ma quỉ mới gieo cấy cỏ lùng. Nếu không tỉnh thức, coi chừng chính ta là người tiếp tay tung rắc cỏ lùng vào đời kẻ khác. Có cha mẹ gieo gian dối, tham lam vào lòng con cái mà không biết. Chẳng hạn, có người đi chợ về khoe với cả nhà: "Cô bán hàng hôm nay mất trí hay sao mà thối tiền sai nên dư mấy đồng, mừng quá!" Đáng lẽ nên nói với nhau : "Ồ, mẹ đã trả lại cho cô bán hàng số tiền dư vì phép công bằng," hay "vì sợ cô ấy phải bỏ tiền túi ra để bù vào chỗ mất," hoặc "e cô ấy sẽ gặp khó khăn với chủ tiệm," đàng này người ta lại sung sướng thu cái lợi trước mắt mà không ngờ đã gieo vào lòng con cái mầm mống ích kỷ, gian tham; sau này lớn lên, chúng chỉ mong người ta dốt nát, lầm lẫn, mất trí để có lợi.

Thế đấy, hành động, lời nói, thái độ cư xử của một người có tầm ảnh hưởng như những hạt giống. Nếu là hạt tốt, gia đình, xã hội được nhờ biết bao. Trái lại, nếu là loại xấu, thương đau tất đang chờ ngày phát tán.

Trên một tờ báo nọ có câu chuyện tếu lâm đáng suy nghĩ: Một bé trai được mẹ cho ghé chơi nhà ông nội trong dịp cuối tuần. Ông thấy cháu mình chơi với bạn rất hăng say, nhưng hễ mở miệng ra là có những lời không thanh lịch cho lắm. Nội mới gọi cháu cưng lại trách:

- "Cháu học kiểu ăn nói du côn của đứa nào vậy? Từ nay trở đi ông cấm không được chơi với những thứ đó nữa nghe chưa."
Đứa cháu vừa thở dài vừa nói:
- "Nếu thế thì từ nay cháu phải nghỉ chơi với bố cháu hay sao?
Ông nội:!!! (Thì ra nó học được từ bố nó.)

Hỡi bạn, Thiên Chúa đang cần chúng ta tiếp tay với Ngài để gieo vào gia đình, cộng đoàn, và lòng người những hạt giống tốt. Có thể là những hạt rất bé như hạt cải, nhưng hiệu năng vô cùng lớn lao. Có thể là những hạt đơn sơ âm thầm, nhưng lại như nắm men làm dậy biết bao đấu bột. Hãy gieo đi những hạt giống yêu thương, chân thật, trung tín, nhẫn nại, quảng đại, thứ tha... Chắc chắn hoa trái mai ngày sẽ là một mùa hân hoan và hạnh phúc tràn đầy.

HÃY ĐỂ CẢ HAI MỌC LÊN
Mt 13, 24 - 43
Br John Quốc Toản, CMC

Qua bài Tin Mừng Chúa muốn dạy ta trong Giáo Hội sẽ luôn có những người tội lỗi và những gương mù gây trở ngại cho những tâm hồn thành tâm theo Chúa. Nhìn vào Giáo Hội ngay từ đầu đã có cỏ lùng mọc lên giữa lúa: Giuđa, một trong nhóm 12, đã phản bội Chúa Giêsu với 30 đồng bạc. Những bè rối nổi lên trong bốn thế kỷ đầu và rồi đến biến cố Giáo Hội ly khai sau này. Những biến cố này đã là những khó khăn cho Giáo Hội và là xì-căng-đan lớn cho những người trong cũng như ngoài Giáo Hội.

Ngày nay, trong mấy tháng qua, cỏ lùng lại mọc lên trong Giáo Hội. Cùng với Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục Mỹ đang phải đối phó với "cọng cỏ lùng" gây nên do lỗi lầm của một số ít linh mục qua việc lạm dụng tính dục trẻ em. Xi-căng-đan này đã gây nhiều khó khăn cho giới lãnh đạo trong Giáo Hội và đã làm cho nhiều tâm hồn bị hoang mang.

Người có đức tin vững mạnh đã nâng đỡ và cảm thông với Giáo Hội và những ai liên quan đến xì-căng-đan này bằng lời cầu nguyện. Nhưng cũng có nhiều người (trong và ngoài Giáo Hội) đã phản ứng rất tiêu cực. Họ đã không ngần ngại lên án những linh mục có lỗi và còn yêu cầu một số Giám mục từ chức vì đã hành động thiếu khôn ngoan trong khi giải quyết những vụ này trong quá khứ. Thậm chí còn có những kẻ vì quá bất mãn với Giáo Hội đã bỏ đức tin.

Phần chúng ta, chúng ta đã phản ứng thế nào? Tôi không biết mỗi người đã phản ứng thế nào, nhưng tôi biết chắc một điều là có rất nhiều người đã nêu lên câu hỏi bất hủ: "Tại sao Thiên Chúa để cho sự dữ xảy ra và cho những kẻ dữ tồn tại?" Dụ ngôn hôm nay cho chúng ta câu trả lời. Chắc chắn Chúa Toàn Năng biết sự dữ sẽ xảy ra, tuy nhiên Ngài để cho chúng xảy ra vì Ngài có mục đích khôn ngoan riêng của Ngài. Mục đích đó chẳng gì khác ngoài việc để rèn luyện những tôi tớ trung thành của Ngài. Vì chỉ trong chiến trường ta mới biết ai là một quân binh thật sự.

Hơn nữa, trong dụ ngôn, cỏ lùng không thể giết chết lúa. Nó chỉ làm cho lúa khó phát triển đến mức trọn vẹn của lúa. Với chúng ta cũng thế. Không ai có thể giết chết đức tin của chúng ta. Nhưng những ảnh hưởng và gương xấu của những kẻ lầm lỗi có thể làm cho ta không sống đức tin cách trọn hảo. Nên, nếu có ai bị lôi cuốn bởi những ảnh hưởng và gương xấu đến mức bỏ đức tin là lỗi của chính cá nhân đó. Vì Thiên Chúa không thể ép ai theo Ngài.

Hãy nhớ chúng ta tất cả đều là con người. Là con người thì ai cũng có những yếu đuối và tội lỗi. Nếu đã có tội thì không ai có quyền xét đoán và lên án kẻ khác. Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng vô tội có quyền xét xử mọi người. Nhưng qua dụ ngôn cỏ lùng Chúa đã nêu cho ta một tấm gương kiên nhẫn và nhân từ đối với những tội nhân.

Cỏ lùng không thể thay đổi bản tính xấu của nó nhưng những kẻ tội lỗi có thể thay đổi cách sống. Thiên Chúa luôn ban cho họ mọi cơ hội và phương thức để ăn năn trở lại, cả cho đến giây phút cuối đời. Vì thế Ngài đã phán trong dụ ngôn: "Hãy để cho cả hai (cỏ lùng và lúa) mọc lên cho đến mùa gặt."

Dụ ngôn cỏ lùng nêu cho ta hai bài học về sự kiên nhẫn. Bài học thứ nhất, ta hãy kiên nhẫn với những người gây trở ngại cho bước tiến thiêng liêng của ta. Nếu xét cho đúng thì họ đang giúp ta trở nên một Kitô hữu tốt hơn nếu ta kiên nhẫn chịu đựng những khó khăn họ đã gây ra cho chúng ta. Bài học thứ hai, ta hãy nói gương kiên nhẫn và nhân từ của Chúa trong cách cư xử với tội nhân. Tuy ta không thể chấp nhận những hành động bất chính và lỗi lầm của tội nhân, nhưng ta vẫn phải đối xử với họ như một anh em của ta. Thay vì xét đoán và lên án tội nhân ta hãy làm mọi cách để đưa họ về đường ngay qua những gương sáng và lời cầu nguyện của ta.

Theo bản tính tự nhiên của con người, đây không phải là một việc dễ làm, nhưng hãy tin là Chúa sẽ ban cho ta những ơn cần thiết để vượt qua những yếu đuối tự nhiên, nếu ta cư xử với người anh em tội lỗi với một đức ái chân thật. Người tội lỗi và xì-căng-đan sẽ luôn hiện diện trong Giáo Hội. Điều quan trọng là đừng để lòng chúng ta bị lôi cuốn và ảnh hưởng bởi những xì-căng-đan và tội lỗi. Trái lại, ta hãy dùng đức tin để chịu đựng những gương mù và tội lỗi đó để thăng tiến cuộc sống Kitô hữu. Đừng để những gương mù tội lỗi làm cho ta mất đức tin bởi vì đức tin của ta là ở nơi Thiên Chúa chứ không phải ở nơi loài người. Hãy noi gương Emily Engel và tuyên xưng: "Đức tin của tôi không đặt nền tảng vào quan niệm là mọi linh mục là hoàn hảo. Đức tin của tôi có nền tảng nơi Thiên Chúa và tôi tin những việc tốt Giáo Hội làm vượt xa những lỗi lầm của một ít linh mục." (Times, 04/20/2002)

THIÊN CHÚA CỦA SỰ BAO DUNG và KIÊN TRÌ
Mt 13, 24 - 43
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Cái xấu và tốt luôn đan se quấn quýt lấy nhau trong cuộc đời.Xem ra sự dữ có lúc lấn lướt cái tốt. Cái trớ trêu và nghịch lý là trong một thuở ruộng lúa mọc lên tươi tốt,nhưng vẫn có nhiều loại cỏ cùng mọc lên. Tâm hồn con người cũng luôn bị giằng co bởi cái thiện và cái ác. Nhiều khi cái tốt muốn làm, nhưng con người lại không làm mà để cái xấu vươn lên, lấn áp như lời thánh Phaolô đã từng nói. Qua hình ảnh cỏ lùng, hạt cải và men, Chúa Giêsu muốn gợi lên cho nhân loại thấy cái thảm kịch của nhân loại đang xẩy ra trong mọi thế hệ, nhưng thảm kịch lớn và sâu hơn Chúa Giêsu muốn gợi lên là thảm kịch của lòng người.

Thế giới nhân loại vẫn xoay vần, vần xoay như thời tiết bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Thế giới văn minh tiến bộ, kỹ thuật mỗi lúc một hoàn bị. Con người xem chừng như muốn điều khiển tất cả, bá chủ tất cả. Cái xấu và cái tốt đan chen xen lấn nhau như cỏ và đậu,như cỏ và lúa mọc lên xanh tươi bên nhau vô tội vạ. Con người đứng trước vũ trụ, đứng trước nhân loại cũng muốn làm một cái gì đó để thay đổi theo ý của mình. Nhưng hình như con người vẫn chỉ là con người với những giới hạn của mình. Khi con người muốn loại bỏ cỏ lùng thì họ cũng muốn nhổ luôn cả cây lúa tốt tươi đang mọc song hành với muôn loại cỏ. Nhưng điều quan trọng hơn ở dụ ngôn lúa và cỏ lùng, hạt cải và men trong bột.

Chúa Giêsu muốn đề cập đến một thảm kịch sâu xa của trái tim, của lòng con người. Trong tâm hồn con người, cái thiện và cái ác hầu như vẫn tranh giành nhau ảnh hưởng. Sức mạnh của tăm tối, của Satan và của cái xấu vẫn đan xen xô lấn cái tốt. Con người có hai khuynh hướng thật rõ rệt: khuynh hướng lôi kéo con người tới Chân Thiện Mỹ và khuynh hướng của sự dữ, của tối tăm luôn cọ xát giằng co nhau một cách quyết liệt. Thánh Phaolô quả có lý khi nói:" Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm,còn sự ác không muốn thì tôi lại làm ". Đó là cái trớ trêu của cuộc đời và hơn thế là cái nghịch lý của tâm hồn con người.

Người ta vẫn hiểu rõ nội tâm, lòng con người như một sức mạnh của hạt cải hay như một chút bột có thể làm dậy lên cả một đấu bột. Hạt cải nhỏ bé nhưng mọc lên to lớn đến nỗi chim có thể tới đậu hay núp bóng. Đó là sức mạnh tiềm tàng nơi tâm hồn con người. Người ta có thể kiên trì thay đổi thế giới một cách tự nhiên âm thầm như một Phanxicô khó nghèo, đã sống tận căn sự khó nghèo để biến đổi người khác. Một Têrêsa Hài Đồng đã sống tình yêu để làm chứng cho tình yêu của Chúa. Một Mẹ Têrêsa Calcutta đã sống bác ái tận cùng để minh chứng cho sự bao dung,yêu thương của Chúa.

Hoàn toàn khác với quan niệm của một số người, đặc biệt là các Ký lục, Pharisiêu và Biệt phái hay như một số suy nghĩ của một vài triết gia hiện sinh như Jean Paul Sartre cho rằng: "Hoả ngục là người khác " "Cuộc sống đáng nôn, đáng mửa ". Chúa Giêsu luôn yêu thương con người,tha thứ, cảm thông với con người vì Thiên Chúa là tình yêu ( 1Ga 8, 10 ). Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi con người quay trở lại với Ngài. Một Maiđệliên tội lỗi được Chúa yêu thương tha thứ. Một Phêrô chối Chúa đến ba lần, được ơn quay trở lại vì Phêrô hiểu được lòng Chúa thương ông ta. Một Phaolô bị đánh ngã ngựa trên đường đi Đamas, đã được Chúa cho quay trở lại với Chúa, trở nên tông đồ của Chúa.

Dụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15, 11-32 ) đã ngầm cho con người hiểu Thiên Chúa kiên trì chờ đợi nhân loại sám hối, ăn năn trở lại. Một thế giới trong đó nhân loại tượng trưng cho một thuở ruộng có lúa và cỏ lùng đan xen mọc lên, nếu không tỉnh táo,chúng ta khó nhận ra đâu là lúa, đâu là cỏ lùng cần phải loại trừ, cần phải nhổ đi. Trước một cánh đồng rộng mênh mông cỏ, lúa mọc sát bên nhau,chúng ta phải có thái độ nào ? Lẽ dĩ nhiên sẽ có nhiều phản ứng hoặc buông xuôi hoặc nhiệt tình, bi quan muốn nhổ đại cỏ vứt đi cho xong. Như thế, cỏ lùng tức cái xấu xem như đã được giải quyết, đã bị kết án một cách vĩnh viễn, không còn mong có cơ hội vươn lên nữa.Cỏ lùng theo Chúa Giêsu trong dụ ngôn này lại mang một ý nghĩa mới theo Kinh thánh: ngày cánh chung, "chờ ngày mùa tới ".

Hình ảnh chờ ngày mùa tới trong một cánh đồng đầy lúa chín vàng, nặng trĩu hạt nói lên thời kỳ cứu độ của Chúa kéo dài trong lịch sử cứu rỗi. Thời kỳ này, Tin Mừng vẫn được các sứ giả rao giảng, loan truyền, hạt giống Lời vẫn được tung vãi trên các thuở đất và tâm hồn. Lúa vẫn mọc và cỏ lùng vẫn mọc đan xen, bên nhau. Cái tốt vẫn bên cạnh cái xấu và kẻ thù của Tin Mừng vẫn quấy phá: sức mạnh của tị hiềm, ghen ghét, dục vọng, tiền tài, lợi lộc, danh vọng.

Tất cả những thứ đó giống như cỏ lùng mọc lên cùng với lúa và đến mùa gặt chính Thiên Chúa sẽ quyết định"Hãy bó những cỏ lùng thành từng bó, đốt chúng trước, rồi hãy thu lúa vào kho lẫm cho Tôi ".Trong khi chờ đợi ngày mùa, tức là mùa gặt, chủ ruộng trong dụ ngôn có cách hành xử rất ấn tượng và đúng đắn :" Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới ngày mùa ". Cách xử lý của chủ ruộng là cách làm kiên nhẫn và bao dung.

Chúa mời gọi chúng ta phải kiên nhẫn và có cái nhìn của đức tin, có con tim nhạy cảm và thương xót. Cái nhìn này cũng là cái nhìn của lạc quan và hy vọng, phó thác. Cỏ lùng, cái xấu không phải không loại trừ được, nhưng Chúa muốn chúng ta phải nhẫn nại, cầu nguyện và tin tưởng vì nếu không bảo vệ lúa, bảo vệ cái tốt :" E rằng khi nhổ cỏ ta sẽ nhổ luôn cả lúa "(Mt 13, 29 ).

Thiên Chúa kêu mời con người phải có lòng kiên nhẫn, can đảm,bao dung và lạc quan, hy vọng. Thái độ ấy phải là thái độ và cách hành xử của các môn đệ và của mọi người muốn tiếp tục chưong trình cứu rỗi của Chúa.

Vâng, cánh đồng Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện, nhưng trong đó vẫn xen lẫn người tốt và người xấu. Người xấu có thể trở nên tốt trong một giây một phút và người tốt lại trở nên tốt hơn. Chúa luôn mời gọi con người phải nhẫn nhục, chịu đựng, lạc quan chờ đợi.

Xin Chúa ban cho chúng con có tấm lòng bao dung, yêu thương và tha thứ cho người khác. Xin Chúa ban cho chúng con có thái độ, cách xử lý đối với lúa và cỏ lùng trong Giáo Hội. Chúng ta hãy suy gẫm lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II :" Hãy kiên nhẫn cùng với Giáo Hội. Giáo Hội luôn là một cộng đoàn có cả những người yếu đuối bất toàn. Hãy luôn sẵn sàng..Giáo Hội cần đến bạn..Bạn là tương lai của Giáo Hội ".

DỤ NGÔN LÚA GIỐNG và CỎ LÙNG
Mt 13, 24 - 43
Lm Nguyễn Bình An

Nhìn em bé nằm trong nôi, hay trong vòng tay âu yếm của bà mẹ, chúng ta thấy em thật dễ thương, vô tội và đáng mến. Trong em chất chứa một thế giới chân thật, đơn sơ và quí phái. "Nhân chi sơ tính bản thiện" phát lộ trong ánh mắt hồn nhiên và qua tiếng cười giòn giã của em. Theo thời gian, em ngây thơ diễn đạt tư tưởng và thành thật tra vấn những khúc mắc. Tinh thần thơ ấu thiêng liêng này được Chúa chúc phúc "hãy để trẻ thơ đến cùng ta, vì Nước Trời quả thật thuộc về chúng" (Mt 19,14). Đó là kho tàng nguyên thủy và địa đàng quí giá Chúa ban.

Lớn lên em biết giành ăn, dấu đồ chơi, nói láo chạy tôi, vu vạ đổ lỗi, tham lam và ích kỷ. Những tật xấu này bởi đâu mà có? Cha mẹ, anh em, bà con không ai chính thức dậy. Nhưng lúc vô tình văng tục, cãi vã, tráo hàng, đổi giá cha mẹ đã gián tiếp dậy các em "khôn sống, dại chết" và biến quan niệm sống đơn sơ, thành thật của các em thành gian dối, lừa lọc để thủ lợi. Gai góc, cỏ lồng vực từ đó "tức nước vỡ bờ" đua nhau vô lối mọc lên. Hỏi Chúa, Chúa xác quyết qua dụ ngôn lúa giống và cỏ lùng.

Dụ ngôn lúa giống và cỏ lùng diễn tả một thực trạng khó khăn và cuộc chiến nội tâm trường kỳ của những ai muốn làm người hùng, làm con Chúa, làm quân tử và làm thánh nhân. Nguyên tổ Adam và Eva trong chốn bồng lai, tiên cảnh, quên lời dậy sống. La cà chuyện vãn và kết thân với kẻ thù Chúa. Ông bà hồ nghi, xiêu lòng và ăn vụng. Lúc biết xấu hổ và sợ hãi thì đã quá muộn. Ông bà sợ trách nhiệm quay sang đổ lỗi cho nhau, cho hoàn cảnh và cho con rắn.

Tại sao Chúa không cất hết sự dữ đi để con người được sống bình an và hạnh phúc? Chúa Kitô đã trả lời "Hãy để cả hai cùng lớn dậy, cuối mùa sẽ phân tách, một cất trong kho lẫm và một làm mồi lửa." Như thế Chúa chấp nhận cuộc chiến nội tâm. Chúa muốn chúng ta sử dụng sự khôn ngoan: món quà tự do. Chúa buộc chúng ta phải chiến đấu để "gần bùn mà không tanh mùi bùn." Như thế cán cân công và tội, thưởng hay phạt mới được công bằng, khẩu phục và tâm phục.

Luân lý Không Lão đề cao "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín" và đã tạo nên rất nhiều hiền nhân, quân tử. Vì Tham, Sân, Si, lắm kẻ không kềm chế nổi lòng dục, tâm ma, đã thành những ngựa chứng gây nên không biết bao nhiêu tội đồ và tai ương trong xã hội. Rất xa xưa, văn chương Việt Nam đã diễn tả những cảnh

"Nhà kia lỗi đạo con khinh bố.
Mụ nọ chanh chua, vợ chưởi chồng."

Hôm nay giới trẻ, nhân danh tự do, bình đẳng và văn minh đã kết án cha mẹ và ông bà đức hạnh qua chiêu bài "cổ hủ, lỗi thời", để an tâm và tự do sống buông thả, lố lăng và bất nhân. Người khác vì ham làm lãnh tụ, và hư danh đã táng tận lương tâm lập phe nhóm đối lậy, gây nghi kị, hiềm khích, tạo ghét ghen và đặt điều bôi lọ, vu khống. Những hàng động ghê sợ này được che đậy bằng chủ thuyết nghe như hợp lý "thấy điều bất bình, rút dao tương trợ". Những cò mồi cơ hội chủ nghĩa này dám nói, dám làm tất cả những gì, dù bất nhân và bất nghĩa, để được nổi danh và lợi dụng tập thể hạ tình địch.

Diên, một cô gái giang hồ bất đắc dĩ, trong "Nửa Chừng Xuân" đã bị lừa gạt, lợi dụng và bị đẩy xuống hố sa đọa. Diên tởm gớm cuộc sống buôn hương, bán phấn và không muốn thấy Mai ngã vào cạm bẫy. Diên can đảm giúp Mai thoát "cơn bĩ cực, tới hồi thái lai." Thật hi hữu, nhưng câu chuyện tương tự như trên đã từng xảy ra. Điều đó chứng minh thuyết "nhân chi sơ, tính bản thiện" là đúng. Và con người ai cũng đang trên đường tìm về với Chân Thiện Mỹ, cội nguồn hay chính lộ. Con người luôn thao thức, đứng lên đè bẹp chướng ngại và tự do quay về với Chúa.

Thế giới luôn luôn là dải đất mầu mỡ và tuyệt đẹp. Con người từ muôn thủa là những khâm sai đến canh tác, phát triển và làm đẹp dương gian. Dương gian trở nên ô nhiễm và xấu sa vì ác nhân đã bôi bẩn, chớ không phải là căn tính của dương gian là xấu. Trái lại dương gian là môi trường để chúng ta thỏa chí tang bồng, thực thi chính nghĩa, trở thành chính nhân quân tử và đắc thắng tiến vào thiên quốc. Tín hữu phải là "sen giữa đầm lầy". Tín hữu phải nở hoa che kín những ô trọc, lố lăng và cảm hóa tha nhân. Tín hữu phải chiến thắng về trời trong với máu và nước mắt. Tín hữu phải là những chứng nhân sống "gần bùn mà không tanh mùi bàn". Nếu không, thì khốn thay!

CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN
Mt 13, 24 - 43
John Nguyễn

1. Trên thế gian, thiện và ác đấu tranh với nhau
Bài Tin Mừng hôm nay nói đến một thực tại hết sức khó hiểu nhưng cũng hết sức phổ biến trên thế gian. Đó là sự hiện hữu của sự ác. Theo quan niệm Công giáo, trước khi con người xuất hiện, sự xấu ác đã có mặt trong vũ trụ. Thành quả đầu tiên của sự ác trên con người là làm cho ông bà nguyên tổ của con người phạm tội, và vì thế làm cho cả loài người mất đi phần nào hạnh phúc, phải đau khổ ít nhiều từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Từ đó, thế gian luôn luôn có tình trạng tốt và xấu, thiện và ác trộn lẫn nhau, xen vào nhau, trong tất cả mọi thực tại của thế gian: trong mọi người, một vật, mọi sự, và trong cả từng người, từng vật, từng sự. Không một sự nào, vật nào hay người nào tốt hoàn toàn hay xấu hoàn toàn, mà xấu tốt luôn luôn lẫn lộn: hay mặt này thì dở mặt kia, được cái này thì mất cái nọ. "Nhân vô thập toàn", chẳng ai được "mười phân vẹn mười" cả.

Trong một con người đã có những mặt xấu mặt tốt lẫn lộn, nên trong xã hội cũng như Giáo Hội hay trong bất kỳ tập thể con người nào, luôn luôn có kẻ tốt người xấu. Gọi là người tốt không có nghĩa người ấy tốt hoàn toàn, mà là tốt nhiều hơn xấu. Cũng vậy, gọi là kẻ xấu không có nghĩa kẻ ấy xấu hoàn toàn, mà là xấu nhiều hơn tốt.

Hai nguyên lý thiện và ác, tốt và xấu đấu tranh với nhau trong nội tâm của từng con người, và trong mỗi xã hội hay tập thể của con người. Sự ác còn gây nên đau khổ. Có thể nói sự xấu, ác chính là nguyên nhân của mọi đau khổ trên trần gian. Bất kỳ hành động xấu nào cũng gây nên đau khổ trước hết cho đối tượng bị nhắm tới, và cuối cùng cho chính người làm sự ác ấy. Vì có sự hiện diện của sự ác, nên thế gian không bao giờ vắng bóng đau khổ.

2. Ý nghĩa tích cực của sự ác và đau khổ
Thông thường, người ta cho sự ác và hậu quả của nó - đau khổ - là những thứ hoàn toàn bất lợi cho con người. Nghĩ như thế có thể chưa đạt lý và làm cho ta không thể rút ra được điều gì ích lợi từ sự ác hay đau khổ.

Thiên Chúa cho phép sự ác xuất hiện để thử thách và thanh luyện con người. Thật vậy, ngay từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã dựng nên trong vườn địa đàng một cây "biết lành biết dữ" (St 2,17), còn gọi là cây "thiện ác", đồng thời cho phép con rắn - tức ma quỉ, hiện thân của sự ác - xuất hiện để cám dỗ con người hầu thử thách lòng trung thành và vâng phục của họ đối với Ngài. Và con người đã sa ngã (St 3,1-7). Sự thử thách ấy chắc chắn nằm trong ý định của Ngài, vì sự xuất hiện của con rắn sẽ không bao giờ có được nếu không được Ngài cho phép. Trong Thánh Kinh, trường hợp của ông Gióp cho thấy Thiên Chúa đồng ý cho ma quỉ thử thách, cám dỗ ông (x. G 1,12; 2,6). Sự cho phép ấy chắc chắn xuất phát từ tình thương quan phòng của Thiên Chúa, nên chắc chắn cuối cùng nó sẽ đem lại lợi ích cho con người. Điều quan trọng là chúng ta phải khám phá ra những ích lợi của sự ác hay đau khổ.

a) Sự ác và đau khổ giúp ta nhận ra sự cần thiết và ích lợi của sự thiện: Khi làm điều ác để thỏa mãn một thú vui nào đó, ta gây ra đau khổ cho người khác, người khác thù hận ta, trả thù ta, nên cuối cùng hậu quả của sự ác là đau khổ lại trở về với ta. Nhiều lần rút kinh nghiệm, ta dần dần nhận ra làm điều ác chẳng ích lợi gì cho ta và tha nhân, mà chỉ gây đau khổ cho chính mình. Trái lại, khi làm điều thiện, làm cho tha nhân được hạnh phúc, thì kết quả của sự thiện ấy cuối cùng rồi cũng trở về với ta, làm ta nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Càng ngày những kinh nghiệm về hậu quả của thiện và ác càng khiến ta cảm thấy cần phải xa tránh điều ác và gắn bó với điều thiện hơn.

b) Đau khổ làm ta nên hoàn hảo hơn: Đau khổ thường được gây ra do một sự thiếu hoàn hảo nào đó. Nếu không có đau khổ, ta dễ chấp nhận tình trạng thiếu hoàn hảo đó. Nhưng vì đau khổ làm ta không chịu được, ta bắt buộc phải ra khỏi tình trạng thiếu hoàn hảo để trở nên hoàn hảo hơn. Một minh họa cụ thể và dễ hiểu: khi ta còn nhỏ, những lần đầu tiên sử dụng dao, sự vụng về (hay thiếu hoàn hảo) làm ta bị đứt tay. Bị đứt tay đau điếng một vài lần, ta rút được kinh nghiệm để sử dụng dao khéo léo (hay hoàn hảo) hơn.

c) Sự sa ngã hay đau khổ làm ta khiêm nhượng và thông cảm với tha nhân hơn: Nhờ sa ngã một vài lần mà ta thông cảm nhiều hơn với những người tội lỗi hay sa ngã của tha nhân. Nhờ ngu một vài lần mà ta thông cảm được với những hành động ngu xuẩn của người khác. Như vậy nhờ đã từng sa ngã và ngu xuẩn mà ta trở nên khiêm nhượng và thông cảm với tha nhân hơn. Tương tự, nhờ đau khổ vì một số tình huống cụ thể (đau dạ dày, đau tim, bị giải phẫu, bị phản bội, con cái hư…) mà ta thông cảm nhiều hơn với những người cùng lâm vào tình huống như ta. Cổ nhân nói: "đồng bệnh tương lân". Nếu không lâm vào những cảnh ấy, ta không thể hiểu được những nỗi đau ấy lớn thế nào. Nhờ sự thông cảm ấy mà tình yêu của ta đối với họ tăng lên. Tình yêu và đức khiêm nhượng tăng có nghĩa là đạo đức thánh thiện tăng.

d) Tội lỗi của người khác làm ta đau khổ nhưng cũng thánh hóa ta: Thiên Chúa luôn luôn dùng đau khổ để thánh hóa những người Ngài yêu thương và tuyển chọn. Để tạo đau khổ cho những người Ngài muốn thánh hóa, Ngài thường dùng tay người khác, có thể là người ác mà cũng có thể là người hiền. Kẻ ác gây đau khổ cho ta vì ác tâm hay vì ích kỷ. Người tốt gây đau khổ cho ta vì hiểu lầm hay vì vô tình. "Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt" (Dt 12,6). Do đó, người hiểu biết nên cám ơn những người gây ra đau khổ cho ta.

e) Điều dữ có thể trở thành điều tốt: Về điều này, ngụ ngôn Trung Hoa có câu chuyện: Một ông già ở gần biên giới có con ngựa rất quí một hôm biến đi đâu mất. Tuần lễ sau, con ngựa ấy trở về đem theo một con ngựa khác cũng đẹp và quí như nó. Từ khi có hai con ngựa, con trai ông ngày nào cũng cùng với chúng bạn đua ngựa với nhau, nên một hôm bị té ngựa gẫy chân. Năm sau, giặc tấn công vào các làng mạc ở biên giới, các trai tráng trong làng đều phải nhập ngũ ra trận, cứ 10 người thì chết 9. Riêng con ông lão vì bị què chân nên không phải nhập ngũ nên vẫn còn sống. Câu chuyện cho thấy điều dữ có thể là khởi đầu cho một điều xấu, và ngược lại. Nếu người ta có thể biến một điều xấu thành một điều tốt, thì Thiên Chúa quyền năng và nhân hậu có thể biến điều xấu nhất trở thành điều tốt nhất. Thánh Phao-lô đã khẳng định: "Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người" (Rm 8,28). Bài hát "Mừng vui lên" (Exultet) đêm Phục Sinh gọi tội nguyên tổ (một điều xấu) là "tội hồng phúc", vì nhờ có tội đó mà Thiên Chúa ban Đức Giê-su cho nhân loại (điều tốt).

f) Chấp nhận đau khổ để được hạnh phúc: Thiên Chúa đã dùng chính đau khổ (là hậu quả của sự ác) để tiêu diệt sự ác và đem lại hạnh phúc đích thật cho con người: "dĩ độc trị độc". Và những đau khổ ta chấp nhận trong hiện tại sẽ đem lại hạnh phúc cho chúng ta trong tương lai. Một em học sinh nhờ chịu khó học hành mà có được đời sống tươi đẹp mai hậu. Cũng vậy, "những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta" (Rm 8,18). "Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc!" (1Pr 3,14).

g) Chấp nhận đau khổ là một bằng chứng của tình yêu thương: Trong đời sống thực tế, đau khổ của ta có thể biến thành hạnh phúc cho người khác. Sự cực khổ của cha mẹ đem lại hạnh phúc cho con cái. Nên chấp nhận đau khổ cho người khác là dấu chứng biểu lộ tình yêu của mình đối với họ. Thiên Chúa đã dùng đau khổ của Đức Giê-su để bày tỏ tình yêu vô biên của Ngài đối với nhân loại.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy chúng ta phải chấp nhận chịu đựng sự lẫn lộn giữa tốt xấu, thiện ác ở trần gian này, ngay trong bản thân ta cũng như trong xã hội và Giáo Hội. Sự xấu hay điều ác cũng có vai trò tích cực của nó. Chúng ta cần phải nhận ra sự tích cực đó để chịu đựng điều xấu ác một cách thanh thản, với tâm hồn bình an. Sự chịu đựng tự nguyện ấy sẽ làm tâm hồn ta thêm cao thượng và vững mạnh. Bài Tin Mừng cũng cho thấy viễn cảnh cuối cùng là sự xấu ác sẽ không còn nữa. Do đó sự chịu đựng điều xấu ác hay đau khổ hiện nay chỉ là tạm thời mà thôi!

Cầu nguyện
Lạy Cha, xin cho con biết nhận ra khía cạnh tích cực hay lợi ích của sự ác cũng như của đau khổ trong đời sống của con, để con chấp nhận một cách vui tươi và ích lợi hơn. Xin cho con biết tự nguyện chấp nhận đau khổ như một phương cách biểu lộ tình yêu đối với những người chung quanh con, vì nhờ con chấp nhận đau khổ, mà người chung quanh con hạnh phúc hơn. Amen.

Nguồn vietcatholic.org

2845    17-07-2014 20:30:01