Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Chúa Nhật XXIII TN A_3

SỬA LỖI NHAU THẾ NÀO
Mt 18,15-20

Trong quyển sách về truyền thống của các vị ẩn tu có thuật lại câu chuyện sau đây : Một hôm, khi đức giám mục A-mô-la đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bày tỏ với ngài lòng bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì ông ta đem theo một phụ nữ để chung sống. Vị ẩn tu này đã không ngớt là đối tượng để dân làng đàm tiếu, chỉ trích và lên án : "Hôm nay ngài đã đến đây thì ngài phải giải quyết dứt khoác tình trạng bê bối gây nhiều gương mù gương xấu của vị ẩn tu trên núi kia". Sau khi nghe những lời kết án gay gắt của dân làng, đức giám mục quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau. Vị ẩn tu thấy đám đông kéo đến túp lều của mình thì hoảng sợ và bảo người phụ nữ chui vào trốn trong một chiếc thùng rỗng. 

Đức giám mục là người đầu tiên đến trước túp lều và cũng là người đầu tiên bước chân vào. Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình hình. Ngài ung dung đi thẳng đến chiếc thùng gỗ và ngồi trên đó để nghỉ chân, rồi bình thản ra hiệu gọi dân làng vào và bảo : "Vào đây, anh chị em hãy vào mà lục soát túp lều để tìm người phụ nữ". Họ lăng xăng lục lọi, nhưng không tìm đâu ra bóng dáng người đàn bà. Khi ấy, đức giám mục mới nói : "Bây giờ anh chị em phải quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã nói xấu vị ẩn tu này vô cớ". Nhưng sau đó, khi mọi người đã kéo nhau xuống núi, đức giám mục tiến lại gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt của ông và chậm rãi nói : "Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy".

Hai thái độ khác nhau đối với một người lầm lỗi giữa dân làng và đức giám mục A-mô-la có thể giúp chúng ta hiểu giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay về việc sửa chữa lỗi lầm của nhau. Chúng ta thấy, ngược với phản ứng của dân làng, đức giám mục A-mô-la đã cố gắng áp dụng lời khuyên của Chúa Giêsu. Trong một tình trạng khó xử, chúng ta thấy, trước hết, ngài đã tìm cách đem vấn đề đã được mọi người bàn tán trở thành một vấn đề cá nhân, để có dịp thuận tiện nói chuyện diện đối diện với vị ẩn tu. Tiếp đến, ngài đã không sửa lỗi ông như một người có thẩm quyền, trái lại, ngài đã dùng thẩm quyền của mình bảo vệ cho vị ẩn tu, để sau đó có thể khuyên nhủ ông như một người anh em. Sau cùng, dầu không cấu kết với đám đông để khinh thường và lên án vị ẩn tu đang vấp phạm, nhưng cũng không im lặng làm ngơ, ngài đã nêu bật mối nguy hiểm của lỗi lầm này đối với phần rỗi của đương sự, qua một lời khuyên nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn : "Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn". 

Sửa chữa anh em là một điều rất hợp thánh ý Chúa. Ngài không muốn cho tội nhân phải hư mất mà được hối cải và được sống. Sửa chữa nhau là điều luật của bác ái : yêu tha nhân như Chúa yêu thương chúng ta. Mà yêu người là muốn sự lành cho người, là lo lắng kéo người ta ra khỏi tình trạng tội lỗi, đưa đến chỗ thánh thiện.

Nhưng để việc sửa chữa anh em đem lại kết quả mong muốn, thì ngoài sự cầu nguyện là việc rất cần thiết cho mọi cuộc trở lại, chúng ta phải thực hiện theo phương pháp và thứ tự như Chúa Giêsu dạy. Trước hết là gặp gỡ riêng giữa hai người, chỉ hai người thôi, ta và người sai lỗi, nếu chưa kết quả, nhờ một hay hai người khác cùng góp ý, nếu không kết quả mới đưa ra cộng đoàn hay trình lên những vị có thẩm quyền để giải quyết, hoặc tiếp tục cầu nguyện. Nếu làm hết cách theo khả năng mà chưa kết quả, hãy nhận sự giới hạn của mình và phó dâng người anh em cho lòng nhân từ của Chúa. 

Như vậy, giúp nhau sửa chữa lỗi lầm, thiếu sót là một việc rất tốt và rất cần, nhưng khi làm việc này chúng ta phải nhớ là chỉ nên gặp gỡ trực tiếp cá nhân mà thôi, cùng lắm chúng ta mới nên nói qua trung gian, vì như vậy tránh được một người khác biết lỗi lầm đó, và càng tránh được nhiều bao nhiêu càng tốt. Đồng thời chúng ta hãy tự hỏi : "Nếu tôi là người được sửa sai đó, tôi sẽ phản ứng thế nào?". Tự hỏi mình như thế chúng ta sẽ biết mình phải nói gì và phải cư xử ra sao, bởi vì mỗi người đều có lòng tự ái.

Tóm lại, cầu nguyện cho nhau, cầu nguyện với nhau và sửa chữa lẫn nhau, đó là ba đặc tính của các cộng đoàn Ki-tô hữu hoặc trong các đoàn thể, các gia đình, các giáo xứ. Cầu nguyện cho nhau thì dễ, cầu nguyện với nhau khó hơn một chút, vì phải đồng tâm nhất trí, nhưng sửa chữa nhau là điều khó hơn cả. Việc sửa chữa nhau đòi hỏi một tình yêu thương cao độ, thứ tình yêu mà thánh Phaolô nói là chu toàn được tất cả mọi điều luật, nghĩa là gồm tất cả các đức tính khác, thứ tình yêu thành thật, thiết tha, thông cảm, cởi mở, đến nỗi người sửa lỗi có thể nói được tất cả và người được sửa lỗi có thể đón nhận tất cả. Tình yêu nơi người sửa lỗi nhiệt thành, muốn cho anh em nên tốt thật, và sẵn sàng hy sinh thời giờ, sức khỏe, nhẫn nại, chịu đựng, cũng như đem tất cả tài năng để tìm ra những biện pháp cần thiết, không kém tế nhị, để đưa người anh em tới chỗ tốt lành thánh thiện. Tình yêu nơi người được sửa lỗi phải thiết tha với sự trọn lành, tỏ ra biết ơn người sửa chữa mình, khiêm tốn và vui vẻ đón nhận, cũng như cương quyết thi hành những điều sửa bảo để nên tốt.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP


ĐỂ THU PHỤC NGƯỜI ANH EM
Mt 18, 15-20

Đời sống cộng đoàn và những vấn đề nẩy sinh trong đời sống chung từ lâu luôn được xem là vấn đề hết sức tế nhị và nhậy cảm. Khi nẩy sinh vấn đề, những người có trách nhiệm hoặc những ai luôn thiết tha đời sống chung, nếu không biết hành xử đúng thời đúng lúc, dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Chính vì tầm quan trọng đó, Tin mừng Mátthêu dành hẳn chương 18 để nói về những bài giảng của Chúa Giêsu liên quan đến đời sống Giáo hội, đời sống cộng đoàn. Một trong những vấn đề mà Giáo hội muốn chúng ta suy niệm hôm nay chính là chúng ta phải hành xử thế nào khi gặp phải một người anh em trót phạm tội?

Đưa ra vấn đề trót phạm lỗi của người anh em - một vấn đề luôn luôn tồn tại trong đời sống cộng đoàn, Chúa Giêsu muốn rằng, cộng đoàn đó khi hành xử với người anh em, trước hết phải đặt đức ái lên trên hết mọi cách hành xử. Đây chính là nền tảng, là chìa khoá để có thể dẫn người anh em lầm lỗi trở về. Trong mọi trường hợp, đức ái phải được tôn trọng tuyệt đối, bởi nếu không, chúng ta sẽ rơi vào khuôn sáo của kỷ luật, của luật pháp, của kéo bè đảng phái, của lên án,... và hậu quả là, không đem người anh em trở về mà lại còn đẩy họ ra xa hơn mối liên hệ với cộng đoàn. Kế đến, vì có người anh em phạm tội nên đời sống cộng đoàn ít nhiều bị rạn nứt. Vì thế, Chúa Giêsu muốn hàn gán sự rạn nứt này bằng chính đời sống cầu nguyện chung. Chúng ta có thể xem đây là phương thức hữu hiệu nhất để nối kết tình bác ái cũng như hiệp nhất trong cộng đoàn. Như thế, khi có người anh em trót lỗi lầm, chúng ta biết cần phải làm gì trước tiên để dẫn họ quay về nẻo chính đường ngay.

Nắm vững được chìa khoá của vần đề, giờ đây Chúa Giêsu muốn chúng ta tiến hành một cuộc chinh phục, nhắm vào người anh em trót lỗi lầm. Dĩ nhiên tiến trình chinh phục mà Chúa Giêsu đưa ra không ra khỏi lối quan niệm của người Dothái, nhưng đó lại là tiến trình mô phạm nhất và vẫn còn giá trị cho mọi thời. Chúng ta thấy tiến trình tiếp cận người anh em lầm lỗi luôn theo trình tự tiệm tiến, từ kín đáo, riêng tư đến công khai với mục đích giúp người anh em nhận ra lỗi lầm để sửa đổi. Tiến trình Chúa Giêsu đưa ra không nhằm để vạch trần hay nhục mạ người anh em lầm lỗi, trái lại, Người muốn dùng để cứu lấy người anh em, đừng để họ phải hư mất. "Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được một món lợi là người anh em mình". Ngôn từ dùng để tiếp cận người anh em không phải là loại ngôn từ hàng chợ, chua cay gắt gỏng, đầy mầu sắc lên án hay phê bình chỉ trích, nhưng là loại ngôn từ nhẹ nhàng đầy tình bác ái, cảm thông và yêu thương.

Thế nhưng vẫn có những trường hợp cá biệt, cố chấp không đón nhận sự hoà giải của cộng đoàn. Trong trường hợp này, Chúa Giêsu đưa ra một giải pháp cuối cùng, đó là xem họ "như một người ngoại hay một người thu thuế". Đưa ra giải pháp này, chúng ta thấy Chúa Giêsu không nhằm kết án hay loại trừ người anh em mà chỉ xem họ như những người chưa nhận ra Thiên Chúa là chân lý và là lẽ sống. Đồng thời Chúa Giêsu cũng muốn mời gọi chúng ra hãy đồng hành với họ, đồng bàn với họ như Chúa Giêsu đã từng đồng bàn với những người thu thuế, tôn trọng phẩm giá của họ. Lý do duy nhất để chúng ta hành xử như thế là bởi vì họ như những người chưa có niềm tin; cuộc đời của họ vẫn còn khép kín, chưa mở lòng ra đón nhận chân thiện mỹ và công việc của họ vẫn ngập tràn sự bất công và bóc lột người khác. Chính vì thế, hơn ai hết, họ là những người đáng thương hơn đáng trách và chúng ta cần phải dùng bác ái để đối đãi với họ và không ngừng dùng lời cầu nguyện để xin Chúa sớm dẫn họ trở về nẻo chính đường ngay.

Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta nhìn lại cách chúng ta hành xử với người anh em lầm lỗi. Người đó có thể là một người con trong gia đình, người anh em trong bà con thân tộc hay trong từng khu phố, xóm làng; người đó cũng có thể là một tu sỹ, một linh mục, giám mục trong Giáo hội,... Đứng trước một người anh em trót phạm tội, Chúa Giêsu muốn các môn đệ hãy dùng đức ái và lời cầu nguyện để thu phục người anh em mình, còn chúng ta thì sao?

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

SỬA LỖI
Mt.18.15-20

Trong cuộc sống không ai là người không có lỗi " nhân vô thập toàn", và dù có thánh thiện đi nữa thì " trước mặt Chúa nào có ai vô tội?". Và như thế cần phải có lời chỉ bảo để cùng nhau thăng tiến. Nhưng phải sửa lỗi như thế nào ? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem Lời Chúa dạy ra sao.

Thiên chúa đặt các ngôn sứ là để nói lời Thiên chúa và sửa sai dân khi họ đi trệch mệnh lệnh Chúa, nên Thiên chúa đã cảnh báo tiên tri Ezekiel phải chu toàn nhiệm vụ là vạch tội kẻ gian ác, nếu không vị tiên tri sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của dân (Ez.33,7-9). Nhưng phải vạch tội như thế nào thì bài Tin Mừng dạy : từ kín đáo đến công khai, với mục đích giúp tha nhân trở về với cộng đoàn (Mt.18,15-20). Nhưng phải sửa lỗi trong tình huynh đệ, lấy lòng yêu thương mà cảm hóa người anh em (Rm.13,8-10).

Sửa lỗi để đạt kết qủa là một điều vô cùng khó khăn, vì nếu không khéo sẽ không có kết qủa mà lại sinh đố kỵ, vì người được sửa lỗi sẽ cho rằng mình đang bị sửa lưng, đang bị miệt thị nên phản bác lại bằng hành động hay lời nói. Thế nhưng Lời Chúa hôm nay dạy phải sửa lỗi anh em vì đó là hành vi bác ái. Sửa lỗi chứ không phải bới móc, không phải rỉ tai và luôn luôn ý thức rằng : Tôi cũng có lỗi và cần được người khác sửa lỗi.

Vì thế, tôi phải gặp người anh em chỉ hai người thôi để như là một lời tâm sự và để giữ thể diện cho người có lỗi, đồng thời giúp họ cảm nhận được tình thương, và để duy trì danh dự cho người đó giúp họ dễ dàng sống tốt hơn. Đừng để họ bị đè bẹp và thất vọng vì dư luận, định kiến. Tất cả việc sửa lỗi đều phải xuất phát do do động lực tình yêu, coi người khác là cùng thân thể với mình, lỗi người cũng là lỗi mình.

Nếu không có kết quả mới cần hai hay ba người, làm thế vì có thể họ chưa nhận ra họ có lỗi, họ có thể cho rằng một người là do chủ quan, nhưng đây có ý kiến của hai hay ba người sẽ giúp họ suy nghĩ lại, giúp họ nhận ra lỗi dễ dàng hơn và cố gắng sửa. Nếu cũng không thể được thì lúc ấy mới đưa ra cộng đòan.

Tiến trình như thế cho thấy việc sửa lỗi anh em là cần thiết, tế nhị và cũng rất khó khăn, phải kiên trì như người cha nhân hậu trong Luca 15, có như thế mới nói lên tình yêu thương chân thật, vì bản chất của tình yêu là : "muốn sự lành cho người mình yêu", nên phải tích cực đóng góp phần mình vào việc giúp đỡ lẫn nhau sống hòan thiện.

Việc sửa lỗi cho nhau đặt trên nền tảng Đức Ai chứ không phải kỷ luật, cho nên nếu có phải dùng những chứng nhân thì cũng không phải để tố cáo theo pháp lý, mà để có những người anh em giúp khuyên nhủ hầu giúp người có lỗi cảm thấy được thông cảm mà can đảm trở về, và cuối cùng là cầu nguyện cho người có lỗi. Chúa Giêsu muốn chúng ta sửa lỗi trong tương quan huynh đệ và tương quan này được xây dựng trong tương quan với Chúa Giêsu, đặt trên cơ sở là làm theo ý Cha (x.Mt.12,48-50; Cv.9,11...). Tình huynh đệ này phát sinh do việc sinh lại và mối quan hệ Cha - Con đối với Thiên Chúa(Rm.12,10).

Theo Mathêu việc sửa lỗi cho anh em là một cách đi tìm chiên lạc, vì thế buộc phải sửa lỗi cho anh em trong tình thương, cho nên phải yêu nhau đủ mới làm được việc này. Bao lâu không sửa được lỗi cho anh em là do ta còn để cho người anh em có lỗi cho đó là việc tố khổ. Muốn sửa được phải cảm thấy sót xa khi mất một người, phải cảm thấy có cái gì liên quan đến mình. Xây dựng trên tương quan giữa mình với anh em có nghĩa là muốn cho người tốt hơn thì cũng chính là muốn cho mình tốt hơn.

Lời kêu gọi sửa lỗi anh em là một lời kêu gọi thực hiện đức ái Kitô giáo, giúp đỡ người anh em gặp khốn khó, chìa cánh tay thân ái cho người đang bị tội lỗi dày vò để nâng đỡ họ là một đòi hỏi của tình yêu, là trung thành với công cuộc cứu thế của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa, Chúa ghét tội nhưng yêu thương tội nhân và muốn cứu thóat họ khỏi tình trạng tội lỗi, xin cho chúng con can đảm dấn thân vào cuộc chiến để dành giật lại người anh em chúng con trong tình yêu thương chân thành và bao dung.

Sr Mai An Linh, OP

TRỪNG PHẠT HAY PHỤC HỒI?
Mt 18:15-20

Nếu ai đó am hiểu và theo dõi nội tình chính trị tại tiểu bang New South Wales ở Úc Châu tuần qua, rồi lồng những bài đọc Chúa Nhật 23 thường niên tuần này, chắc hẳn người ấy sẽ tìm được một vài điểm trùng hợp thật ngẫu nhiên. Và một bài học đời vô cùng ý nghĩa...

Chuyện là một buổi chiều cuối tuần chỉ vài ngày sau khi Thủ Hiến Bob Carr đột ngột từ chức, Thủ Lãnh Đối Lập John Brogden đã không ngờ 'vận đỏ' đến với mình sớm đến thế. Cùng một vài nhân viên phụ tá, John đã 'chén thù chén tạc' tại khách sạn năm sao Hilton ở Sydney vừa mới tân trang. 

Theo nhiều quan sát viên thời cuộc, với tình hình hiện tại và với tình trạng kinh tế có chiều hướng đi xuống, ai cũng chắc rằng chiếc ghế Thủ Hiến của tiểu bang đông dân nhất Úc Châu này sẽ lọt vào tay một thanh niên một vợ một con mà tuổi đời chưa qúa 40 này. Cả một tương lai chính trị sáng tươi đang chờ đợi...

Nhưng sáng thứ hai tuần qua, hình như sau một cuối tuần vật vã với luơng tâm, và có lẽ nhất là khi báo chí địa phương đã đánh hơi được một vài lời nói và cử chỉ khiếm nhã với một vài phụ nữ buổi chiều định mệnh ấy, John Brogden đột ngột từ chức. Đến chiều thứ ba, khi nhật báo The Daily Telegraph quyết định phanh phui thêm một vài hành vi lem nhem khác trong quá khứ, Brogden lặng lẽ rời nhà không một lời từ biệt cùng vợ Lucy và đứa con trai đầu chưa tròn hai tuổi Flinders, tạt vào nhà thờ giáo xứ Thánh Tâm ở Mona Vale rồi sau đó đến văn phòng riêng. Và bằng vài liều độc dược, Brodgen cắt gân máu kết liễu đời mình. 

Dư luận liền chia làm hai phía khi đuợc hung tin. Một bên tố cáo báo chí đã đi quá trớn, xâm phạm thô bạo vào đời sống tư riêng. Bên kia phản pháo cho rằng nhiệm vụ của báo chí là thông tin cho đại chúng biết những gì cần biết nhất là từ những đại diện dân cử. Nói một cách khác, theo lời ký giả Damien Murphy, John Brogden là nạn nhân của công lý trừng phạt (punitive justice) chứ không phải công lý phục hồi (restorative justice).

Công lý phục hồi nhắm đến một sự cân bằng giữa người gây ra sự cố, nạn nhân và gia đình cùng xã hội chung quanh. Vì thế, mục đích tối hậu của công lý phục hồi không phải là trừng phạt những là hoán cải người gây ra lầm lỗi. Hoán cải không phải là bưng bít che đậy mà là khôn khéo nhẹ nhàng tế nhị nhưng dứt khoát cứng rắn giúp cho kẻ lỡ bước sa chân kia thấy sự việc sai trái của mình đồng thời tạo mọi điều kiện để người ấy có cơ hội trở về đuờng ngay nẻo chánh. 

Bài Phúc Âm hôm nay là một biểu chứng hùng hồn là nền công lý phục hồi cần đuợc triển khai trong mọi khía cạnh của đời sống từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đoàn và từng xã hội. Bước đầu tiên là phục hồi danh dự và nhân phẩm của nạn nhân và của cả người gây ra tội phạm. "Nếu anh chị em ngươi lỗi phạm, hãy đi dạy sửa nó, riêng ngươi và nó thôi." Chỉ riêng ngươi và nó thôi vì tiến trình hoán cải con nguời đòi buộc khá nhiều nhạy bén tế nhị và rất nhiều tha thứ cảm thông. 

Càng thiếu tế nhị cảm thông tha thứ bao nhiêu thì càng dẫn đưa người lầm lỗi vào ngõ cùng hụt hẫng. Họ mất niềm tin. Và chẳng còn hy vọng. Và khi không còn ai để cấy niềm tin và khi không còn nơi nào để bấu hy vọng vào, cái chết là một kết luận đã rồi!

Lm Nguyễn Khoa Toàn

SỬA LỖI THEO LỜI CHÚA DẠY
Mt 18:15-20

Muốn tìm điểm nổi bật nơi cộng đồng đức tin Kitô giáo, người ta phải tìm những giá trị tinh thần và thiêng liêng. Cộng đồng đức tin không cổ võ phe phái cũng không nhắm đến việc tranh chấp hay thắng bại. Cộng đồng đức tin chú tâm đến việc chữa trị cá nhân đã lỗi phạm cũng như chữa trị cộng đồng bị sứt mẻ vì lỗi phạm của cá nhân. Người Do Thái cổ xưa coi việc sửa trị như là phương thế giáo dục luân lý. Họ tin việc cha mẹ đưa con cái vào kỷ luật là cần thiết. Vì thế trong Sách Êdêkien, Thiên Chúa truyền cho vị ngôn sứ cảnh giác và sửa dạy dân chúng. Còn lời Chúa trong Phúc âm hôm nay dạy ta đi theo ba giai đoạn trong việc sửa lỗi khi người anh em phạm tội. Giai đoạn một là sửa riêng người súc phạm nhằm tránh làm mất mặt đương sự. Giai đoạn hai là gọi hai người làm chứng để thuyết phục phạm nhân. Giai đoạn ba là đưa vấn đề ra trình bày trước cộng đồng tín hữu để bảo toàn sức khoẻ tâm thần của cá nhân cũng như cộng đoàn (Mt 18:15-16).

Ðộng lực khiến người tín hữu sửa bảo người khác như Chúa dạy trong Phúc âm là động lực yêu thương. Có yêu thương và quan tâm, người ta mới sửa bảo. Sửa bảo người khác là bổn phận và trách nhiệm của người dân được chọn trong đạo cũ như sách ngôn sứ Êdêkien dạy: Nếu... ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết, vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó (Ed 33:8). Lời Thánh kinh đây có nghĩa là người ta phải chịu trách nhiệm một phần vì đã làm thinh. Tình yêu Kitô giáo đòi người ta nhắc nhở cho người khác nhất là những người duới quyền giáo huấn của mình như con cái, học sinh nếu chúng đi vào đường lầm lỗi. 

Nếu thời đại mà người ta đang sống là thời đại buông thả thì người ta coi nhẹ việc sửa bảo. Sống trong một văn hoá đề cao chủ nghĩa cá nhân, thì người ta thường không muốn sửa bào, để mặc kệ người khác, ai có thân nấy lo. Sống trong một xã hội mà văn hoá của xã hội đó nhậy cảm, hoặc sống vào thời đại mà văn hoá của thời đại đó trở nên nhậy cảm, thì việc sửa bảo khó được chấp nhận. Gặp người có tự ái cao, thì người muốn sửa bảo, phải dè dặt khi nói động đến chân lông kẽ tóc của họ, vì sợ họ nổi da gà hay rợn tóc gáy. Và nếu như vậy thì xét về phương diện thiêng liêng và luân lý sẽ không mang lại lợi ích thiêng liêng cho người phạm lỗi vì đương sự không được ai nhắc bảo. Người phạm lỗi không có cơ hội trở nên hoàn thiện như Chúa muốn người môn đệ trở nên hoàn thiện (Mt 5:48). Việc sửa sai là cần thiết nên người tín hữu không thể đợi tới khi mình trở nên hoàn thiện mới sửa người khác. Người được sửa lỗi phải hiểu rằng người sửa lỗi cũng có những khuyết điểm của họ, nhưng về phương diện nào đó, họ cũng có bổn phận nhắc nhở người làm lỗi. Chỉ khi người ta chịu để cho người khác sát sà bông thì mới tẩy rửa đươc những ghét gúa ra khỏi thân mình.

Một trong những điều khó khăn mà người ta gặp trong việc giao tế hàng ngày là khi phải nói ra cho ai điều mà họ không muốn nghe. Nếu trong gia đình mà từ nhỏ lúc nào cha mẹ cũng bênh con, thì sau này con cái thường có khuynh hướng không muốn chấp nhận lỗi lầm, nhưng tìm cách biện hộ. Nếu còn nhỏ mà đứa con hay được khen thay vì khuyên răn không nên làm, chẳng hạn như lấy của người khác đem về nhà dùng, thì sau này đứa con có thể mắc vào tật xấu đó. Theo lối suy nghĩ thông thường của loài người thì người hay biện hộ lỗi lầm được coi là khôn. Tuy nhiên xét trên bình diện giữa người với người thì người hay biện hộ thường là người ít có bạn thân. Người hay biện hộ cho mình trước mặt người khác cũng thường hay biện hộ cho mình trước mặt Chúa. Và khi người ta biện hộ cho mình trước mặt Chúa thì ơn Chúa khó thấm nhập vào tâm hồn được. Ðó là trường hợp của người Pharisêu đã biện hộ cho mình khi cầu nguyện trước mặt Chúa. Chúa bảo người này về nhà không được nên công chính (Lc 8:14).

Ta thường nghe nói yên lặng là vàng. Tuy nhiên có những trường hợp mà không nói ra có nghĩa là dung thứ việc làm sai trái. Sửa bảo không phải là chuyện dễ làm vì có thể làm cho người được sửa bảo phải mất mặt và làm mất tình bạn hữu. Vì thế mà người làm việc sửa bảo cần làm trong tinh thần tế nhị và bác ái. Người làm việc sửa bảo cần cầu nguyện để xin ơn khôn ngoan trong việc sửa bảo. 

Trong Phúc Âm hôm nay Chúa dạy, để có thể nhận ra lỗi lầm, người ta cần phải biết lắng nghe. Khi mà người ta không muốn nghe hay không muốn hiểu thì người khác có cố gắng cắt nghĩa, giải thích thế nào đi nữa cũng vô hiệu. Vậy ước gì hôm nay ta biết lắng nghe và suy gẫm lời Ðáp Ca trong thánh lễ: Ước chi hôm nay anh em nghe tiếng Chúa! anh em đừng cứng lòng (Tv 94:8).

Lời cầu nguyện xin được chấp nhận sửa sai:

Lạy Chúa là Ðấng hoàn thiện hoàn hảo.

Con xin cảm tạ Chúa đã dạy bảo con
 

về đường lối thiện hảo của Chúa.

Chúa còn dạy loài người phải sửa lỗi cho nhau.

Xin ban cho con một tâm hồn khiêm tốn,

biết chấp nhận những yếu hèn và tội lỗi của mình

để con biết mở rộng tâm hồn khi được sửa lỗi.

Cũng xin cho con dược nhận thức rằng

việc trở nên hoàn thiện là lệnh truyền của Chúa. 
Amen.

Lm Trần Bình Trọng (nguồn vietcatholic.org)

1435    01-09-2011 07:07:02