Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Chúa Nhật XXIX TN A_3

CỦA XÊ-DA HÃY TRẢ VỀ XÊ-DA
Mt 22, 15-21

Suốt ba tuần vừa qua phụng vụ đã cho thấy thâm ý của Chúa Giêsu, Ngài đưa ra ba dụ ngôn ám chỉ về Ngài hầu làm sáng mắt các vị lãnh đạo tôn giáo, các luật sĩ và biệt phái, nhưng như thế vẫn chưa đủ làm cho các kẻ chống đối Chúa tan rã hàng ngũ. Trái lại, họ còn âm mưu liên kết với nhau người biệt phái với luật sĩ, người Pharisiêu với nhóm Hêrôđê. Họ quyết tâm làm cho Chúa phải rơi vào bẫy của họ. Vấn đề họ đặt ra là việc nộp thuế. Người Do Thái thời Chúa Giêsu quan niệm không nộp thuế là làm loạn. Cam chịu nộp thuế nghĩa là công nhận sự có mặt của ngoại bang và ngoại đạo. Dân Israen chỉ tin nhận có một Thiên Chúa hay người đại diện của Thiên Chúa mà thôi. Vấn đề nộp thuế hay không thời đó cũng được các luật gia Do Thái đôi khi đưa ra tranh luận.

Vấn đề các người Pharisiêu và biệt phái đặt ra cho Chúa Giêsu về việc nộp thuế cho thấy nhiều khuynh hướng trong bọn họ đối với Đế quốc Roma chiếm đóng. Người Pharisiêu đành nhắm mắt chấp nhận sự có mặt của người Roma như một điều xấu xa, miễn sao tự do tôn giáo được thực hiện. Những người phe Hêrôđê ủng hộ gia đình Hêrôđê lại thân với người Roma,. Nhóm quá khích ( Zélote ) lại tỏ ra chống đối mãnh liệt việc nộp tiền cho người Roma. Họ đặt vấn đề nộp thuế với Chúa Giêsu sau vài câu mở đầu hết sức phỉnh phờ:" Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ? Hỏi như thế trả lời đàng nào cũng rơi vào bẫy của họ. Khi đặt vấn đề như thế, họ ghen ghét, căm tức Chúa Giêsu và muốn cho chính quyền cũng thù ghét Chúa Giêsu. Nếu trả lời không nộp thuế, Chúa Giêsu sẽ công khai bị liệt vào tội chống đối Hoàng đế Xê-da. Nếu trả lời có, Chúa Giêsu sẽ mặc nhiên nhìn nhận sự có mặt của Roma và chấp nhận sự vô đạo, hợp thức hoá sự có mặt của người vô đạo trên phần đất thánh mà Thiên Chúa đã ban cho tổ phụ Abraham và con cháu của Ngài. Do đó, trước mắt của một dân đang trông chờ một cuộc giải phóng quốc gia, Chúa Giêsu sẽ mất hết tín nhiệm vì sẽ không được coi là Đấng Mesia đến để thực hiện những mơ ước của dân và như thế, những người Pharisiêu sẽ vịn vào đó để tố cáo Chúa Giêsu về chuyện này.


Chúa Giêsu rất khôn ngoan, Ngài không trả lời liền, nhưng đưa họ đi vào thực tế của con người, đi vào sự thật mà họ phải khựng lại. Họ đưa cho Chúa Giêsu một đồng tiền. Rõ ràng trên đồng tiền có hình của" Xê-da, đầu đội vòng hoa như một vị thần, cùng với danh hiệu: Xê-da Tibêriô con của thần Augusto". Chúa hỏi họ:" Hình và danh hiệu này là của ai đây ? Họ đáp:" của Xê-da". Và Chúa nói lên một câu bất hủ khiến họ tất cả phải ngạc nhiên, thán phục ( trong lòng tuy không thể nói ra ):"
Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa ". Trả lời như thế, Chúa Giêsu muốn cho họ và mọi người hay rằng Xê-da tìm địa vị mình bằng hình tượng trên đồng bạc, Thiên Chúa cũng tìm hình ảnh Người trong linh hồn con người vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Theo sách Sáng Thế ký, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh của Người. Mất đồng bạc, mất hình ảnh của Xê-da con người lại tìm được nhiều đồng tiền khác có hình ảnh của Xê-da, nhưng mất hình ảnh của Thiên Chúa ghi trong tâm hồn, con người không đau khổ, nhục nhã sao được. Theo gương Đức Kitô, Đấng đã tận hiến mình trên thập giá để cứu độ con người, người Kitô hữu luôn bắt tay xây dựng đời sống mới, đời sống huynh đệ trong công bình, bác ái và tình thương. Chúa đã làm lộ chân tướng của những kẻ thù của Ngài khiến họ không thể nói gì thêm nữa...

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết trả cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa
.

Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CỦA THIÊN CHÚA HÃY TRẢ CHO THIÊN CHÚA
Mt.22,15-21

Tư tửơng xuyên suốt trong ba bài đọc hôm nay mà Mẹ Hội Thánh muốn thức tỉnh các Kitô hữu chúng ta đó là: phải có bổn phận tuân phục những vị lãnh đạo quốc gia vì họ là những người được Thiên Chúa dùng để thực hiện chương trình của Người.(Is. 45,1.4-6), đồng thời phải tôn thờ Thiên Chúa là Đấng dựng nên chúng ta, đừng lẫn lộn thần quyền và thế quyền " của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa"(Mt.22,15-21), nên bài đáp ca đã khẳng định: chỉ có Thiên Chúa mới là vua thật trên các bậc vua chúa trần gian. Ước mong các tín hữu xác tín được điều ấy, với lòng tin, cậy, mến như Thánh Phaolô hằng cầu nguyện cho dân thành Thesalonica(1Tx.1,1-16).

Thật vậy, với lòng tin Ngôn sứ Isaia đã tin vua Cyrô là người được Thiên Chúa dùng để thực hiện chương trình của Người, mặc dù ông là người ngoại. Thế nhưng người Biệt phái đã không nhận quyền của Rôma nên thường tỏ ra chống đối, họ kình chống với nhóm Hêrôdê, chạy theo chính quyền Rôma đang đô hộ Palestine. Thế nhưng hôm nay họ có chung một kẻ thù là Đức Giêsu nên họ liên minh với nhau để chất vấn Người, nhằm tìm những sơ hở của Chúa Giêsu mà hại Người.


Vấn đề họ đưa ra là: " Có được phép nộp thuế cho Cêsarê không?". Đây là cái bẫy thâm độc, Chúa Giêsu trả lời có cũng chết mà trả lời không cũng chết, nhưng với câu trả lời vô cùng khôn ngoan của Người "của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa" đã làm cho họ chưng hửng, Người không bị mắc bẫy họ mà còn dạy họ : Là công dân thì phải chu toàn bổn phận đối với chính quyền, đồng thời cũng phải chấp hành bổn phận quan trọng hơn, đó là bổn phận đối với Thiên Chúa.


Thế nhưng trước khi dậy họ như thế thì Chúa Giêsu đã lột trần bộ mặt thật của họ khi mắng " đồ giả hình", giả hình vì họ vừa khen Người lại vừa chăng bẫy Người. Và câu nói của Chúa Giêsu đã làm cho địch thủ nhận ra họ không thể là đối thủ của Người, và bậc thầy của họ cũng không thể là đối thủ. Cái hiểu hiện sinh ấy giúp họ nhận ra rõ hơn nữa con người của Đức Giêsu " Ngừơi thấu suốt trong lòng họ, không đánh giá theo cái bên ngoài, Người nói thực không vị nể ai".


Khi mắng xong thì Chúa Giêsu đòi xem đồng tiền thuế, đòi xem như thế để đòi buộc họ phài lộ rõ tính cách giả hình nơi họ: nói thì ra vẻ tẩy chay hoàng đế mà sống thì lại ủng hộ hoàng đế, vì dùng tiền của hoàng đế là ủng hộ, Chúa Giêsu đòi họ phải quay về chính họ. Họ sẽ thấy cái bẫy họ chăng cho người khác mắc, thì chính họ lại rơi vào. Họ tiếp tục dùng tiền của hòang đế thì họ phải nhận họ theo hòang đế, chứ nếu họ không dùng tiền của hòang đế thì đời họ sẽ ra sao? mà còn hỏi " được phép hay không được phép"


Nếu tất cả những gì là tốt lành, những gì không phải là tội lỗi đều là Chúa ban cả thì có gì mà không phải trả cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu đặt mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, mà con người mang hình ảnh của Thiên Chúa nên thuộc về Thiên Chúa, phải trả con người lại cho Thiên Chúa. Chúng ta mắc nợ tình yêu đối với thì phải trả tình yêu cho Người.


Lạy Chúa, chúng con là những Kitô hữu khi được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và được gia nhập Nứơc Trời ở trần gian là Hội Thánh. Xin cho chúng con biết đặt đúng mức giá trị giữa hai thực tại siêu nhiên và tự nhiên, để dâng lên Thiên Chúa những gì của Ngài và trả cho trần thế những gì của trần gian.

Sr Mai An Linh, OP


MỘT THIÊN CHÚA, MỘT TỔ QUỐC

Mt 22, 15-21

Có thể nói Giêrusalem là nơi chứng kiến không ít những xách nhiễu của giới lãnh đạo Dothái cũng như phía chính quyền Rôma gây ra cho Chúa Giêsu. Tưởng rằng những dụ ngôn Chúa Giêsu đã dùng làm cho các thượng tế và kỳ mục Dothái "câm miệng không nói được gì", những thủ lãnh của các phe nhóm khác lấy đó làm bài học răn mình. Nhưng không, họ lại càng giận dữ và cố tâm hại Người. Chúng ta biết người Pharisêu và nhóm Hêrôđê không ưa thích gì nhau, nhưng giờ đây, để đạt được mục đích nhằm hại Chúa Giêsu, họ không ngại liên minh với nhau, bàn kế lập mưu hầu đưa Chúa vào "tròng". Tin mừng hôm nay đề cập đến trục liên minh ma quỷ này và chúng ta hãy xem Chúa Giêsu hoá giải nó như thế nào.

Pharisêu được xem là những người mẫu mực về đường nhân đức. Vào thời Chúa Giêsu, họ rất được kính trọng bởi lối sống đạo đức của họ. Chuyên chăm suy niệm Lời Chúa, cầu nguyện và tuân giữ lề luật cách tỉ mỉ vốn được xem là "thế mạnh" của nhóm này. Nếu nhóm Pharisêu chỉ đơn thuần chú trọng vào lãnh vực tôn giáo thì nhóm Hêrôđê, trái lại, tập trung vào đường lối chính trị. Họ lập thành những Fans chính trị để ủng hộ gia đình Hêrôđê cũng như kết thân với chính quyền Rôma. Chính vì thế, để tạo sức mạnh hầu có thể chống lại Chúa Giêsu - người mà họ biết nếu đứng riêng rẽ sẽ không có kết quả, họ quyết định liên minh với nhau nhằm bày mưu hãm hại Chúa Giêsu.


Quả không sai. Liên minh ma quỷ này đưa vấn đề rất ư nhậy cảm vào thời bấy giờ đó là vấn đề nộp thuế cho hoàng đế Caesar. Vì đây là dạng " yes- no question", nên bọn liên minh này rất đắc chí, họ nghĩ rằng đàng nào Chúa Giêsu cũng sập bẫy, và như thế, họ tha hồ đánh trống khua chiêng để lên án. Thật thế, cái bẫy họ giăng ra thật ác nghiệt. Chúa Giêsu trả lời "yes" cũng chết mà "no" cũng chết. Nếu Người trả lời "yes", nghĩa là chấp nhận chuyện nộp thuế cho Caesar, vô hình trung, Người chấp nhận sự xâm lược của quân Rôma, hợp thức hoá sự hiện diện của họ trên mảnh đất linh thánh mà Giavê đã ban cho cha ông họ. Và đây là cái cớ để phe nhóm Pharisêu hô toáng lên rằng Giêsu là tên phản quốc, đi ngược lại lợi ích của dân tộc Dothái. Còn nếu Chúa Giêsu trả lời "no", thì khỏi phải bàn nữa, Người đang chống lại hoàng đế, nhóm Hêrôđê sẽ không bỏ lỡ cơ hội tấu trình lên chính quyền Rôma, quy kết Người vào tội phản động, chống lại triều đình.


Mỉa mai thay, kẻ giăng bẫy chính là kẻ sập bẫy. Chúa Giêsu trả lời cho họ bằng một yêu cầu buộc họ phải thi hành. Chúng ta biết, dân Dothái thời Chúa Giê-su bị thống trị bởi đế quốc Rôma. Chính vì thế, người dân phải sử dụng đồng tiền Rôma trên đó có mang hình và ký hiệu hoàng đế Rôma. Đây là loại tiền bằng bạc, một đồng cân nặng 3,8 g và tương đương với 0, 875 quan vàng. Mặt phải của đồng tiền in đầu hoàng đế Tibêriô đội vòng nguyệt quế với dòng chữ : Tiberius Caesar Augustus, Divi Augusti Filius (Hoàng đế Tibêriô Augustô- con của thần August). Mặt trái của đồng tiền là hình hoàng hậu Livia hay thần chiến thắng trên một cỗ xe tứ mã với Tư tế Pontif. Và, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy nét châm biếm khôi hài của câu chuyện này chính ở chỗ kẻ đưa và giải thích huy hiệu trên đồng bạc Rôma không ai khác chính là những người thuộc nhóm Pharisêu -những người chống đối đến cùng sự hiện diện của hoàng đế và quân đội Rôma. Bọn người này một mặt rêu rao chống lại hoàng đế, nhưng những đồng tiền có huy hiệu hoàng đế từ trong túi họ chảy ra là bằng chứng tố cáo bộ mặt đạo đức giả của họ.


"Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". Khi trả lời như thế, Chúa Giêsu cách nào đó minh định rằng, nước Thiên Chúa không đến để cạnh tranh với nước của Caesar, và việc Người đến thế gian này cũng không phải để chiếm lấy ngai vàng của Caesar. Caesar là của Caesar; Thiên Chúa là của Thiên Chúa, rất rõ ràng minh bạch. Khi trả chính trị về đúng vị trí vốn có của nó, loại bỏ chủ nghĩa tôn thờ, xem nó như bậc thần thánh, Chúa Giêsu muốn rằng đường lối chính trị tuy có những giá trị và trách nhiện riêng biệt nhưng không vì thế đứng ở thế đối lập với đường lối của Tin mừng; trái lại, nó cần phải được ánh sáng Tin mừng soi dẫn để luôn bước đi theo sự hướng dẫn của chân lý, nhằm đem lại những lợi ích thật sự cho cuộc sống nhân sinh- nơi mà nó được cắt đặt lên để thay mặt Thiên Chúa lãnh đạo. Cũng vậy, là con cái Thiên Chúa, hơn ai hết chúng ta là những công dân thuộc về một tổ quốc, một đất nước nhất định. Thế nên chúng ta cũng có bổn phận và trách nhiệm xây dựng vương quốc trần thế này mặc dù đó không phải là cùng đích vĩnh cửu. Chúa Giêsu hơn ai hết cũng đã trở nên một công dân gương mẫu khi Người cùng như cha mẹ đã chu toàn mọi nghĩa vụ công dân. Không thể có một tín hữu tốt nếu trước đó không là một công dân tốt đối với đất nước, gia đình và xã hội.


Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn lại trách nhiệm của mình đối với Thiên Chúa, đối với gia đình và xã hội. Chúng ta có một Thiên Chúa để tôn thờ, nhưng đồng thời chúng ta cũng có một tổ quốc để dấn thân phục vụ. Ước gì thông qua những nghĩa vụ của một công dân trần thế, chúng ta loan báo và chuẩn bị cho đời sống của một công dân Nước Trời mai sau.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

TRẢ CHO XÊDA VÀ TRẢ CHO THIÊN CHÚA
Mt 22:15-21

Nhóm người Pharisêu trong Phúc âm hôm nay kết cấu với nhóm Hêrôđê để đưa Chúa vào cuộc tranh chấp chính trị. Nhóm Pharisêu thuộc giáo phái của Do thái giáo. Họ hay phê bình chỉ trích những lời nói và hành động của Chúa, cho rằng Chúa đi ra ngoài tập tục của tiền nhân. Và Chúa cũng thường cảnh giác họ, gọi họ là bọn giả hình vì họ giữ đạo mà thiếu tâm tình bên trong. Nhóm người Pharisêu lại hậm hực vì phải trả thuế cho chính phủ ngoại bang là người La mã. Ðây là loại thuế nhân danh, tính theo đầu người: đàn ông từ 14 tới 65 tuổi, cũng như đàn bà từ 12 tới 65. Còn nhóm Hêrôđê là những người phò đế quốc La mã và do đó phò cả chính sách của vua Hêrôđê. Trước khi đưa Chúa vào tròng, họ tỏ ra nịnh bợ trước đã như khen Chúa là người chân thật và không thiên vị (Mt 28:16).

Thế rồi họ đặt câu hỏi với Chúa:
Có được phép nộp thuế cho Xêda không? (Mt 22:17). Câu hỏi có vẻ đơn sơ, nhưng ngụ ý của họ lại khác. Nếu Chúa trả lời có, nghĩa là phải nộp thuế cho Xêda thì Người sẽ bị coi là phản động và mất thế giá trước mặt người Do thái thời bấy giờ vì họ muốn thoát khỏi quyền lực của vua ngoại bang. Nếu Chúa trả lời không, nghĩa là không cần nộp thuế cho Xêda, phe Hêrôđê sẽ tố cáo với nhà chức trách La mã là chống chính quyền ngoại bang. Chúa biết rõ thâm ý của họ nên dùng chính đồng tiền nộp thuế có hình Xêda để giải thích cho họ. Chỉ vào hình Xêda trên đồng tiền, Chúa bảo họ: Của Xêda, trả về Xêda, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa (Mt 22:21).

Ở đây Chúa phân biệt hai phạm vi thế quyền và thần quyền. Thế quyền và thần quyền tách biệt nhau, nhưng có liên hệ với nhau. Chúa muốn họ cũng vâng phục thế quyền để duy trì trật tự và lợi ích công cộng. Thế quyền cũng bắt nguồn bởi Thiên Chúa như lời Thánh kinh dạy là mọi quyền bính trên trời dưới đất đều bởi Thiên Chúa. Trong bài trích sách ngôn sứ Isaia, Chúa đã dùng vua Ba tư ngoại giáo là Kyrô, người được sức dầu, để thống trị đế quốc Babylon, đem dân tộc Chúa chọn trở về khỏi ách lưu đầy (Is 45:1). Công đồng Vaticanô II nói về những liên hệ giữa thế quyền và thần quyền như sau:
Tuỳ theo hoàn cảnh và địa phương, nếu cả hai càng duy trì được sự cộng tác lành mạnh, cả hai càng phục vụ lợi ích của con người một cách hữu hiệu hơn (Gaudium et Spes # 76). Dựa vào lời Chúa dạy thì Thiên Chúa và Xêda, hay nói cách khác, thần quyền và thế quyền, đều có những đòi hỏi nơi người công dân. Bằng cách bảo nộp thuế cho Xêda, Chúa bảo toàn quyền hợp pháp của Xêda để duy trì trật tự và ích lợi chung cho xã hội loài người. Mặc dầu là chính phủ thuộc địa, nhưng trong giai đoạn thuộc địa đó, chính quyền thuộc địa cũng cung ứng được những tiện ích nào đó cho người dân.

Người công dân trách nhiệm thì tuân hành luật lệ hợp pháp của quốc gia để duy trị trật tự và lợi ích công cộng. Ðóng thuế là phương tiện giúp chính phủ bảo toàn an ninh và an sinh xã hội. Chính Chúa Giêsu đã làm gương trong việc nộp thuế đền thờ để người khác khỏi vấp phạm, mặc dù cắt nghĩa theo luật đền thở thì Chúa được miễn. Chúa bảo ông Phêrô:
Con hãy ra biển thả câu, con cá nào bắt được trước tiên thì hãy mở miệng nó ra, lấy một đồng bạc về mà nộp xuất thuế của Thày và của con (Mt 17:27). Tuân giữ luật dân sự, Mẹ Maria và thánh Giuse đã làm cuộc hành trình về Bêlem, để khai sổ nhân danh theo lệnh hoàng đế Augúttô (Lc 2:1-7).

Việc tuân giữ luật pháp dân dự giả thiết rằng luật pháp đó dựa theo và phù hợp với luật Thiên Chúa. Còn khi mà luật pháp dân dự đi ngược lại luật Thiên Chúa, thì người công giáo theo tiếng lương tâm ngay thẳng phải bày tỏ lập trường. Người công giáo gồm cả hàng giáo sĩ, có hai quyền công dân: công dân nước trần thế và công dân nước Trời. Là người công dân của nước trần thế, người công giáo cần đóng thuế và tuân hành luật pháp công bình của quốc gia, xã hội. Ngoài ra dựa theo lời Chúa dạy, Giáo hội cũng khuyến khích người công giáo, với tư cách là công dân của một quốc gia, tham gia vào guồng máy chính trị của xã hội. Tuy nhiên tập thể Giáo Hội, cũng như hàng giáo sĩ, thành phần ưu tú của Giáo hội, không chủ trương tham chính, cũng không đem chính trị đảng phái vào Giáo hội bởi vì Giáo hội là một thực thể siêu việt, đứng trên mọi thể chế chính tri. Giáo hội mang tính chất trường tồn, còn đảng phái cầm quyền chỉ có tính chất giai đoạn, nay còn mai mất khi có việc đổi chủ. Công Ðồng Vaticanô II khẳng định về Giáo hội và thể chế chính trị như sau:
Giáo hội không cách nào bị đồng hoá với một cộng đoàn chính trị và cũng không cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào vì Giáo hội vừa là dấu chỉ vừa là bảo đảm cho tính cách siêu việt của con người (Gaudium et Spes # 76).

Khi Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm Mỹ Châu, Ngài cảnh giác một linh mục là thành viên Hạ viện ở một quốc gia Bắc Mỹ và một linh mục bộ trưởng chính phủ tại một quốc gia ở Trung Mỹ rằng nếu muốn tiếp tục làm linh mục thì phải bỏ việc tham chính. Hai vị đã tuân theo lời Ðức Thánh Cha. Lí do là vì tham chính là làm chính trị. Mà làm chính trị đôi khi phải thủ đoạn và ma giáo. Mà ma giáo và thủ đoạn thì không phù hợp với chức vụ linh mục. Ngoài ra để thu hút phiếu của nhóm nọ nhóm kia, linh mục làm chính trị có thể ủng hộ lập trường nào đó, đi ngược lại đường lối của Giáo hội.


Là công dân nước Trời, người công giáo có bổn phận trả cho Thiên Chúa những gì thuộc Thiên Chúa. Ta trả cho Thiên Chúa bằng việc thờ phượng, tin yêu mến Chúa và tuân giữ giới răn Chúa. Ta trả cho Chúa bằng việc góp của xây dựng, sửa sang và dọn dẹp nhà Chúa. Ta trả cho Chúa bằng việc tông đồ để mở mang nước Chúa hầu làm vinh danh Chúa. Ta trả cho Chúa bằng việc bác ái, phục vụ và giúp đỡ tha nhân, hình ảnh của Chúa.


Lời cầu nguyện xin cho biết phân định thần quyền và thế quyền:


Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa đã đến dạy bảo loài người phân định giữa thần quyền và thế quyền. Xin cho luật pháp các quốc gia được phản ảnh luật Chúa. Còn những nhà làm luật chưa nhận biết Chúa, xin cho luật pháp họ đạo đạt được phản ảnh luật tự nhiên đã được ghi khắc trong lương tâm chính trực của họ. Cũng xin dạy con biết tuân giữ luật pháp công chính hầu cho trật tự và tiện ích công cộng được bảo đảm. Và xin dạy con biết tuân hành luật Chúa để mối liên hệ giữa Chúa và con được tăng triển
. Amen.

Lm. Trần Bình Trọng

THIÊN CHÚA và XÊDA
Mt 22,15-21

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy người Pharisiêu, biệt phái và nhiều người Do thái thời Chúa Giêsu luôn chống đối Người và tìm cách gài bẫy để bắt bớ Người. Điều đó nói lên biệt phái, thượng tế và Pharisiêu không muốn sự có mặt của Chúa Giêsu. Họ tìm cách khử trừ Chúa Giêsu. Câu chuyện nộp thuế cho Xê Da hôm nay mà đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu trình bày đã nói lên sự nham hiểm, ác độc của nhóm Pharisiêu và bè nhóm Hêrôđê.

Thuế là sinh hoạt của một quốc gia. Thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân trong một đất nước. Hầu như mọi nước trên thế giới đều có những loại thuế tùy theo pháp luật của nước đó qui định. Hầu như ngân sách quốc gia nào cũng dựa vào các loại thuế thu được. Và mọi người công dân đều có nghĩa vụ và bổn phận nộp thuế cho quốc gia, cho nước mình. Trường hợp của Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài lại khác bởi vì người Roma đang đô hộ đất nước Do thái. Do đó, nộp thuế là phản bội tổ quốc, nộp thuế là nối giáo cho đế quốc tiếp tục đô hộ nước Do thái. Lợi dụng cái nghịch lý mà đa số người Do thái lúc đó đang suy nghĩ, nhóm Pharisiêu liên kết với bè phái Hêrôđê tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu trong vấn đề nộp thuế. Gài bẫy Chúa Giêsu vì nhóm lãnh đạo tôn giáo, nhóm Pharisiêu và nhiều nhóm khác thù ghét Chúa Giêsu. Nếu Chúa nói : Không nộp thuế. Họ sẽ tố cáo với người Roma Chúa Giêsu đang xúi giục dân chúng làm loạn, phá rối trật tự trị an, phá rối Chính quyền vv...Ngộ giả chúa nói phải nộp thuế, họ sẽ tố cáo với người Do thái, Chúa đi theo đế quốc, phản bội lại tổ quốc, phản bội lại dân tộc của mình. Trả lời nộp hay không nộp cũng là mối nguy cho Chúa Giêsu và Ngài cũng bị mắc bẫy họ giăng ra. Tuy nhiên, như bài đọc I của ngôn sứ Isaia viết :" Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác, ngoài Ta ra, chẳng ai là Thiên Chúa...để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng ngoài Ta ra, chẳng có thần nào, Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác". Chúa là Thiên Chúa chân thật, luôn hành động theo sự thật, chỉ bảo đường lối ngay chính, không tây vị ai, không xu nịnh người nào. Thiên Chúa vượt lên trên mọi sự tầm thường của trần gian. Chúa Giêsu đã không bị mắc bẫy mà đã khiến cho những người ác độc, nham hiểm phải câm miệng khi Chúa nói :" Của Xê Da, trả cho Xê Da; của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa " ( Mt 22, 21 ). Chúa Giêsu đã nhìn nhận thế quyền của Xê Da, bởi vì hình trên đồng bạc là hình của Xê Da. Tuy nhiên, đối với Chúa thì Xê Da hay Philatô chẳng có quyền gì trên Ngài, nếu Đấng trên cao không ban quyền ấy cho Xê Da và Philatô ( Ga 19, 11 ).


Lập trường của Chúa Giêsu quả rất rõ ràng, Chúa không tây vị ai, Ngài luôn công minh chính trực, dạy đường lối ngay thẳng :" Của Xê Da, trả về cho Xê Da. Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa " ( Mt 22,21 ). Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng khi bị người ta chất vấn :" có được phép nộp thuế cho Xê Da hay không ? "( Mt 22, 17 ). Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng đồng tiền này hình của ai, họ thưa :" Hình của Xê Da ". Chúa liền nói với họ câu hết sức bình thường, nhưng cương quyết làm cho họ im hơi, lặng tiếng vì Ngài nói rất chí lý, chính xác. Thực tế, Chúa dạy con người bài học rất chân thành và hết sức ý nghĩa : " đã là người dân trong một nước, trong một quốc gia phải thi hành, vâng phục sự lãnh đạo của nước đó, quốc gia đó". Chúa không bao giờ dạy con người làm xằng làm bậy, Chúa luôn dạy con người phải sống ngay lành, công chính như Cha trên trời là Đấng công chính.


Hình ảnh của Thiên Chúa đã họa lại nơi bản thân của người môn đệ Chúa. Bởi vậy, người môn đệ phải sống đời sống của Chúa, phải hành động, phải yêu như Chúa.Sách sáng thế ký viết :" Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Chúa " ( St 1, 27 ).Con người là tác phẩm của Thiên Chúa. Do đó, người môn đệ Chúa phải luôn sống tốt thế giới do Thiên Chúa sáng tạo và phải làm cho thế giới luôn có sự an lành, yêu thương. Bởi Thiên Chúa chính là tình yêu như lời Thánh Gioan đã nói.


Con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa. Nên, con người không được phá vỡ hình ảnh của Thiên Chúa nghĩa là sống ích kỷ, bon chen, gian lận, lường gạt. Hãy sống như thánh Phaolô viết :" Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi ". Sống sự sống của Thiên Chúa là luôn mở rộng tâm hồn, luôn quảng đại sống với tha nhân, giúp tha nhân sống lành, sống tốt. Và đó chính là sự đáp trả tình yêu của mình đối với Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

YÊU NÊN GHEN !
Mt 22,15-21

Một đứa bé ghen với em mình khi bố mẹ đều dành hết tình cảm cho thằng cu Tí mới sinh. Một em bé khóc thét lên khi mẹ bế một em bé khác... Lớn hơn một chút là ghen với đứa bạn học cùng lớp khi nó được thầy cô quý mến hơn hay được nhiều bạn bè mến mộ hơn. Khi đến tuổi trưởng thành rồi thì ghen với người yêu với người bạn đời khi họ có biểu hiện không chung thủy. Thậm chí khi làm cha làm mẹ rồi họ vẫn còn ghen. Ghen với đứa con nhỏ mới sinh khi "thằng nhóc" dành hết sự quan tâm của vợ, ghen... với con dâu, nhiều bà mẹ có cảm giác mất con trai.

Ghen, một "phẩm chất" cố hữu của tình yêu đôi lứa, một điều nghe đã quá đỗi bình thường nhưng lại không hề cũ trong mọi thời đại.


"Phẩm chất" này đã tồn tại lâu đời, như một thực tại khách quan trong ý thức hệ của con người từ lúc sinh ra và có thể còn tồn tại mãi mãi cùng với cuộc sống.


Bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ. Bất cứ một sự chia sẻ nào cũng làm cho tình yêu trở nên không trọn vẹn và mất đi sự thiêng liêng của thứ vốn có tính bền vững vĩnh cửu trong đời sống tinh thần của con người.


Khi đã đem lòng yêu ai, người ta chỉ muốn người ấy chỉ là của riêng mình. Một cách tuyệt đối. Theo đó, những người yêu chưa hết mình, theo kiểu nửa vời hoặc những kẻ tính toán, hẳn nhiên không thể có cái "ghen nồng nàn", đáng yêu, đẹp đẽ như một người có sự trao gửi tuyệt đối về tư tuởng và hành động đối với người mình yêu.


Lời ngôn sứ Isaia mà chúng ta vừa nghe đã gợi lại cho chúng ta về hình ảnh của một Thiên Chúa ghen tuông. "Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta. Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ, để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta. Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác".


Lời ngôn sứ ấy đã tả về một Thiên Chúa phải nói là quá ghen tương "chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta". Nếu ai nghe Đức Chúa nói câu này cũng sẽ rất sốc. May mà câu nói này nó đặt trong bản văn Kinh Thánh và có đầu có đuôi, có nguyên nhân chứ không Đức Chúa cũng bị các phương tiện truyền thông cắt đầu cắt đuôi và sẽ "cảnh cáo" là người không xứng đáng là công dân Nước Trời chứ huống hồ gì là Chúa của Nước Trời. Mà cũng đúng thôi, nghe qua sốc thật. Nhưng, chúng ta hãy bình tình, ngồi lại với nhau đọc lại, nhìn lại lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa thực thi cho dân Ngài thì chúng ta sẽ hiểu rõ văn mạch của đoạn này. Cũng thế ! nếu chúng ta đọc lại toàn bộ bản văn phát biểu của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, tâm tình, thao thức của Ngài, chúng ta sẽ hiểu được Ngài muốn nói gì.


Tại sao Đức Chúa lại phán như thế ? Không phải tự nhiên mà Ngài phán như thế ! Chúng ta, khi nhìn lại lịch sử cứu độ thì chúng ta thấy Đức Chúa có ý và có lý chứ không phải là không không mà Đức Chúa nói như thế.


Từ thuở tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã tạo nên trời đất muôn vật, tạo nên con người có nam có nữ và Ngài cũng không quên thiết lập mối quan hệ, mối tương quan và nói đúng hơn là mối tình với con người. Thế nhưng, chẳng bao lâu thì ông bà nguyên tổ đã sa ngã, đã phạm tội và đã đánh mất đi cái tình yêu tinh tuyền tự ban đầu. Và cứ tiếp tục như thế, Thiên Chúa đã yêu thương con người nhưng hình như con người cứ cố tình ngoảnh mặt làm ngơ và khước từ cái tình yêu ấy. Không từ bỏ, không đoạn tuyệt, Thiên Chúa vẫn một lòng chờ đợi lòng chai dạ đá của con người sẽ thay đổi nhưng chờ mãi vẫn không thấy.


Qua miệng của các ngôn sứ, Thiên Chúa đã nhiều lần ngon ngọt có, răn đe có nhưng lòng dạ của con người cứ trơ trơ ra vậy.


Qua Môsê, người trung gian giữa Thiên Chúa và con người, Thiên Chúa đã phán : "Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi một cách bất xứng, vì Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. Ngươi hãy giữ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi. (Tl 6,6-12)


Hơn một lần Môsê đã cảnh báo : "Nếu các ngươi thực sự vâng nghe những mệnh lệnh Ta truyền cho các ngươi hôm nay, mà yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, và phụng thờ Người hết lòng hết dạ, thì Ta sẽ ban mưa cho đất các ngươi đúng mùa, mưa đầu mùa và mưa cuối mùa, và các ngươi sẽ thu hoạch lúa mì, rượu mới và dầu tươi của các ngươi. Ta sẽ cho cỏ mọc trong cánh đồng của các ngươi, cho súc vật của các ngươi ăn. Các ngươi sẽ được ăn và được no nê. Anh em hãy ý tứ kẻo lòng anh em bị quyến rũ mà bỏ đi phụng thờ những thần khác và sụp xuống lạy chúng, vì Đức Chúa sẽ nổi cơn thịnh nộ với anh em, Người sẽ đóng cửa trời: sẽ chẳng còn mưa, đất sẽ không còn trổ sinh hoa trái, và anh em sẽ mau chóng biến khỏi miền đất tốt tươi mà Đức Chúa ban cho anh em. Những lời tôi nói đây, anh em phải ghi lòng tạc dạ, phải buộc vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu. Anh em phải dạy những lời ấy cho con cái, mà nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy. Anh em phải viết lên khung cửa nhà anh em và lên cửa thành của anh em. Như vậy, bao lâu trời còn che đất, anh em và con cái anh em còn được sống trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã thề với cha ông anh em rằng Người sẽ ban cho các ngài.". (Tl 11,13-21).


Thiên Chúa, vì lẽ quá yêu thương con người nên Ngài đã lập một giao ước tình yêu với con người, thế nhưng con người cứ ngoảnh mặt đi với tình yêu ấy.


Chắc có lẽ chúng ta không thể nào quên được cái sự kiện khi mà Môsê lên núi để đàm đạo với Chúa thì ở dưới núi, dân chúng đã đúc bò vàng ... chưa hết, dân chúng sau này còn đi theo thần ngoại bang để rồi ngày hôm nay, chúng ta được nghe Isaia cảnh báo.


Tưởng chừng Cựu Ước là kinh nghiệm lớn chuyện tình giữa con người và Thiên Chúa nhưng con người thời Tân Ước cũng thế ! Cũng chạy theo không biết bao nhiêu là thần khác để rồi ngày hôm nay khi những người Pharisiêu và những người muốn Chúa mắc bẫy đã chửi thẳng vào mặt họ : "Hỡi những kẻ giả hình ! Người còn nói với họ: "của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Nói như thế, Ngài muốn nói với Pharisiêu, những người thử Ngài và thậm chí ngay cả những người chúng ta rằng những gì của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa.


Vâng ! Chúng ta là con cái của Thiên Chúa, chúng ta phải sống sao cho ra con cái Thiên Chúa chứ đừng sống theo kiểu người đời. Thánh Phaolô hơn một lần đã nhắc nhở chúng ta : "Anh em đừng có rập khuôn theo đời này ! Chúng ta, hôm nay có cơ hội để nhìn lại mình xem chúng ta sống như thế nào ? Chúng ta có sống với tư cách là con cái Thiên Chúa hay không hay là chúng ta sống theo tư cách của người đời.


Chúng ta phải nhớ một điều rằng, qua trang sách Isaia Thiên Chúa có cái thái độ gì đó mà ta nôm na gọi là ghen ! Tại sao ghen ! Tại vì yêu quá nên ghen và khi con người quay lưng thì Thiên Chúa cảnh báo.


"
Chúa có tình yêu cao vời vợi,
tình vượt cao hơn ngàn vì sao
mãi mãi luôn bao la, muôn đời con cảm tạ tình Cha
Mãi mãi Chúa là cha nhân ái, là mẹ hiền nuôi sống con
".

Chúng ta vẫn thường hát như vậy nhưng tình ta và tình Chúa như thế nào ? Ta có khá hơn những người dân trong thời Cựu Ước, chúng ta có khá hơn luật sĩ, biệt phái thời Tân Ước hay không ? Hình như nó chẳng khá hơn mà nó còn tệ hơn nữa. Chúa thường hay trách móc biệt phái và luật sĩ nhưng thử hỏi chúng ta có giữ luật Chúa bằng họ không ? Nếu so sánh thì chúng ta khác quá xa. Tình Chúa thì vẫn còn còn tình của ta với Chúa nó nhạt nhạt làm sao đấy.


Tình ta và Chúa đã nhạt thì tình con người làm gì mà mặn được ?


Nhìn vào thực trạng đời sống mỗi người chúng ta ngày hôm nay nó làm sao đó để rồi cuộc đời nó cũng làm sao đó. Xã hội nó làm sao đó, gia đình nó làm sao đó, thành viên trong gia đình nó làm sao đó để rồi cái tình, cái nghĩa giữa con người ngày hôm nay nó cũng không được đong đầy. Chúng ta thấy nó nhợt nhạt nhưng chúng ta cứ lờ đi, chúng ta không nhắc nhở nhau để sống với nhau chung tình chung thuỷ hơn.


Thật sự ra mà nói, có yêu mới có ghen chứ chẳng ai dại đi ghen khi không yêu. Chúa quá yêu nên Chúa mới ghen và nhắc chúng ta không có thần nào khác ngoài Chúa. Chúng ta ngày hôm nay thì quá sức tưởng tượng, chúng ta chạy theo đủ thứ thần hết : tiền, tình, dục, danh, vọng ... chúng ta làm thế làm sao mà Chúa không ghen được ?


Còn gia đình, nó cứ nhợt nhợt với nhau làm sao đó. Chúng ta nhìn lại mình, xem mình có yêu chồng, yêu vợ, yêu con cái, yêu thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn mình chưa ?


Nguyện xin Chúa là vua của tình yêu đổ đầy con tim chúng ta tình yêu nồng nàn để chúng ta yêu Chúa, yêu anh chị em đồng loại hơn.

Anmai, CSsR (nguồn vietcatholic.org)

2310    14-10-2011 06:22:16