Sidebar

Thứ Tư
17.04.2024

Chúa Nhật XXX TN A_4

LUẬT YÊU MẾN
Mt 22, 34-40

Người Do thái có quá nhiều luật lệ. Họ lại có thái độ duy lề luật. Nên tỉ mỉ tuân giữ tất cả mọi điều. Không còn biết điều nào là chính điều nào là phụ nữa. Hôm nay, nhân một câu hỏi, Chúa Giêsu đã cho ta biết chỉ có một điều luật quan trọng : LUẬT YÊU MẾN. Luật này có 2 khía cạnh.

1- Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.
 Nghĩa là yêu mến hết khả năng, hết sức lực. Ta phải yêu mến Chúa như thế thật hợp tình hợp lý.

Vì Chúa đáng yêu đáng mến vô cùng. Chúa là nguồn mạch mọi sự thiện hảo. Ngài là toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ. Nơi Ngài không có một tì vết, khuyết điểm nào. Trong đời sống ai cũng yêu thích những gì tốt đẹp. Chúa là Đấng vô cùng tốt đẹp. Yêu mến Ngài là điều tự nhiên. Ai hiểu biết cũng đều yêu mến Chúa.


Hơn nữa Chúa còn là Đấng sinh thành ra ta. Chính Chúa ban cho ta tất cả. Ta có mặt ở đời này là do ý định của Chúa. Tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là đều bởi Chúa. Chúa là vị ân nhân lớn nhất của ta. Yêu mến Chúa là việc làm không những tự nhiên mà còn là bổn phận nữa. 


2- Yêu người thân cận như chính mình.
 Đó là điều răn thứ hai mà Chúa Giêsu nói cũng giống như điều răn thứ nhất. Thực ra đó chỉ là một điều răn vì những lý do sau :

Yêu Chúa và yêu người là hai khía cạnh của một tình yêu. Tình yêu chân thật là tình yêu không có giới hạn, không có loại trừ. Vì thế đã yêu Chúa thì phải yêu người. Nếu tình yêu bị giới hạn, có loại trừ thì sẽ trở thành giả tạo.


Tình yêu đối với tha nhân kiểm chứng tình yêu đối với Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ đã nói : "Nếu ai nói : Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta nhận được từ nơi Người : ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình" (1Ga 4, 20-21).


Còn hơn thế nữa. Ai yêu anh em là yêu chính Chúa. Vì Chúa ở trong anh em. Hơn thế nữa, Chúa ẩn thân trong những anh em bé mọn nhất. Vì thế trong ngày phán xét Chúa nói với ta rằng : "Ta bảo thật cho các người : mỗi lần các người làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các người đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25, 40).


Tất cả mọi điều răn khác đều qui về hai điều răn này. Nếu ta giữ trọn vẹn giới răn này, không những ta chu toàn lề luật mà còn góp phần xây dựng một thế giới mới, thế giới chan hòa yêu thương, chan hòa tình người. Và đó chính là khởi đầu của thiên đàng mai sau.

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO
Mt 22, 34-40

Tôi còn nhớ rất rõ thời mới được thụ phong linh mục, một người bạn tặng tôi cuốn " Giới Luật Yêu Thương " của Đức Cha Bùi Tuần, Giám Mục Giáo phận Long Xuyên, một cuốn sách thu thập lại một số bài giảng, Đức Cha đã giảng tĩnh tâm cho các chủng sinh. Thú thực, tôi rất thích cách phân tích và truyền đạt tư tưởng của Ngài cho các chủng sinh. Và hôm nay, Chúa nhật XXX thường niên năm A, Tin Mừng lại đề cập tới giới răn quan trọng nhất:" Mến Chúa Yêu Người ". Đạo Công Giáo do Chúa thiết lập là Đạo Yêu Thương. Thiên Chúa là Tình Yêu như thánh Gioan định nghĩa.Do đó, truyền giáo cũng có nghĩa là truyền đạt Đạo Yêu Thương và loan báo Chúa là Tình Yêu.

Chúa Giêsu trong Tin Mừng ngày hôm nay đã trả lời cho người thông luật: " Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi...Còn điều răn thứ hai, cũng giống như điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình " ( Mt 22, 37-39 ). Đó là cốt lõi của Đạo Công Giáo bởi vì nói cho cùng mến Chúa mà không yêu người là nói láo. Nên, yêu người sẽ gặp Chúa và mến Chúa sẽ gặp người. Vâng, có người sẽ nói tôi yêu mến Chúa thế là đủ vì tôi hằng ngày vẫn đọc kinh, vẫn đi lễ, vẫn làm những điều Hội Thánh dạy mà. Nói thế mới chỉ được một vế vì Đạo Công Giáo là Đạo Yêu Thương. Do đó, nếu nói mình mến Chúa mà lại ghen ghét anh em thì đâu có phải là con Chúa. 


Yêu thương là kiện toàn lề luật.Yêu thương là cốt lõi của đạo. Yêu thương là linh hồn, là hơi thở, là nhịp đập của con tim. Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy rất rõ về Giới Luật Yêu Thương mà Ngài đề ra. Hai mệnh lệnh Chúa Giêsu đưa ra là một giới răn duy nhất, vì con người không thể mến Chúa mà lại ghét bỏ, khinh chê hình ảnh của Ngài là con người do Ngài tạo dựng nên. Và thực ra người ta cũng không nói yêu thương con người mà lại không nhận ra Thiên Chúa là nguồn mạch mọi yêu thương, là nguồn sáng tạo nên con người theo hình ảnh của Ngài. Khi con người tách biệt hai giới luật ấy là con người tự chối bỏ tình yêu. Các luật sĩ, biệt phái, tư tế, đầu mục, kinh sư thời Chúa Giêsu quả thực là những con người đạo đức theo quan niệm của họ: họ ăn chay, cầu nguyện và tỏ vẻ bề ngoài yêu mến Thiên Chúa hơn ai hết đến nỗi khi cầu nguyện trong đền thờ họ dám đứng thẳng kể công với Chúa và chê người người anh em cùng cầu nguyện với mình nhưng không dám ngẩng đầu lên vì tự nhận ra mình tội lỗi, bất xứng. Chúa Giêsu đã điểm mặt những hạng tự cao, tự đại, tự mãn là những hạng giả hình: họ chỉ nói cái miệng, họ đặt ra đủ thứ lề luật để bắt người khác gánh, nhưng mình thì không hề đụng tới, không hề giữ luật vv...Chúa ví họ như mồ mả tô vôi bề ngoài, nhưng bên trong thì toàn hôi thối, rữa nát vv...Chúng ta ngày hôm nay có thể ví họ như người máy, người máy có thể làm được nhiều việc, nhưng không có tâm hồn để biết yêu thương thật.


Thánh Gioan đã giải thích " Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, thì không thể yêu mến Đấng nó không thấy ". Chúa đã đưa ra giới luật và giải thích giới luật. Sau khi hiểu được Lời của Chúa, chắc chúng ta không ít thì nhiều cũng thấy dáng dấp của mình trong đó. Hoặc chúng ta ít nhiều cũng hám danh vọng, cũng thích khoe khoang, tự cao, tự nâng mình lên và muốn hạ người khác xuống vì ích kỷ tự cho mình là hơn người.


Chúa Giêsu quả là con người vĩ đại đã thẳng thắn vạch trần thói giả hình của con người và Ngài cương quyết đẩy lùi, tiêu diệt thói giả hình ấy. Ngài cho đó như một thứ ung nhọt phải loại trừ. Ngài cho chúng ta thấy chúng ta để chúng ta chân thành và khiêm tốn hơn.


Ngày nay, người ta thích những chứng nhân sống hơn là những thầy dạy chỉ nói suông, chỉ sống bề ngoài. Chúa muốn mọi người phải biết sám hối, ăn năn và canh tân đời sống. Trong nội tâm mỗi người, ai cũng có một chút tham vọng, một chút háo danh muốn tự đề cao mình và đè bẹp kẻ khác. Chúa dạy và làm gương cho chúng ta:" Trong anh em, ai làm lớn, phải làm người phục vụ anh em " ( Mt 23, 11 ) và " Ta đến phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ ",


Đỉnh cao của Đạo Công Giáo là Tình Yêu. Hãy yêu như Chúa vì Yêu người sẽ gặp Chúa và kính mến Chúa sẽ yêu mến anh em, yêu thương con người, yêu thương ngay cả kẻ thù. Và cuối cùng, đó là truyền giáo, là loan báo một Đấng Thiên Sai: " Đức Giêsu Kitô đầy chạnh thương và nhân hậu ".


Thánh Phaolô viết: " Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt " ( Ep 5, 2 ).


Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến, và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Chúa nhật XXX thường niên ).

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


GIỚI RĂN MẾN CHÚA và YÊU NGƯỜI

Mt 22,34-40

Được một luật sĩ hỏi đâu là giới răn trọng nhất trong lề luật, Đức Giêsu trả lời: "Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình". Những lời nầy chúng ta đã biết đến từ nhỏ và được trích ra ở đầu bản luật Thiên Chúa đã ban cho toàn thể dân Do Thái (xem Đnl 6,5).

Đức Giêsu nói đến "
lòng" theo nghĩa của Sách Thánh, như từ ngữ diễn tả thực tại sâu xa nhất của con người. "Yêu mến Chúa hết lòng" nghĩa là hướng toàn thể con người mình và hành động của mình về Thiên Chúa trong thái độ mến yêu.. Để giải thích rõ ràng hơn, Tin Mừng nhắc đến "hết linh hồn", nghĩa là với tất cả sự sống; "hết trí khôn" bao gồm tư tưởng và trí tuệ. Với những lời nầy, Tin Mừng không để ý đến những khả năng khác nhau của con người, cho bằng nhấn mạnh điều quan trọng duy nhất là yêu mến Chúa với toàn thể con người mình. Trong Sách Thánh, yêu mến Thiên Chúa không bao giờ được coi chỉ là một tình cảm hay một thực tại trừu tượng, mà có nghĩa là lắng nghe Chúa và đem thực hành lời Người dạy.

Khi trả lời cho vị kinh sư, Đức Giêsu tiếp tục nói là điều răn thứ hai là: "
yêu mến người thân cận như chính mình". Điều răn ấy tóm tắt tất cả mọi điều răn khác. Như vậy, lòng yêu mến Chúa không kéo ta ra khỏi thế gian nầy, không cô lập ta trong sự sùng bái riêng tư. Hơn thế, lòng mến yêu ấy là nguồn liên tục và sức thúc đẩy ta yêu mến tất cả mọi người không trừ ai. 

Chúng ta có khả năng yêu thương người khác như thế, chính vì chúng ta được Thiên Chúa yêu thương trước: "
Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5,5). Do đó, lòng mến Chúa và yêu người ấy là bảo đảm duy nhất để tạo nên một xã hội trong đó con người được tôn trọng thực sự. Thực thế, Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng ta, và chúng ta là anh em với nhau. Người là nền tảng cho sự bình đẳng và phẩm giá của mỗi con người. Lấy đi nền tảng đó, nhân loại sẽ trở thành kỳ thị chủng tộc, con người sẽ bị chà đạp, cách nầy hay cách khác, nơi bản tính của mình; sẽ nẩy sinh sự oán ghét và chia rẽ thành người trên kẻ dưới, kẻ giàu kẻ nghèo, da trắng da đen, đàn ông đàn bà, người tự do người nô lệ, v.v... Trái lại, khi yêu mến Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ yêu mến cha mẹ mình, vì Chúa muốn như vậy. Nếu yêu mến Chúa, chúng ta sẽ yêu mến bè bạn hay những người cộng sự, bởi vì họ là những anh chị em Chúa đã đặt bên cạnh chúng ta. 

Nếu yêu mến Chúa, chúng ta sẽ yêu mến nghề nghiệp, công ăn việc làm của mình, bởi vì chúng là con đường mà Thiên Chúa vì yêu thương đã chuẩn bị cho chúng ta. Nếu yêu mến Chúa, chúng ta cũng sẽ yêu mến việc học hành của mình, bởi vì chúng ta muốn chuẩn bị chu toàn dự định Chúa dành cho đời ta. Nếu yêu mến Chúa, chúng ta sẽ yêu mến thể thao hoặc những lúc nghỉ ngơi giải trí, bởi vì biết rằng Chúa muốn chúng ta chăm lo cho sức khỏe của mình... Chỉ khi nào yêu mến như vậy, tâm hồn chúng ta mới không bị chia sẻ và lòng yêu mến của chúng ta sẽ không nửa vời.


Qua bí tích Rửa Tội chúng ta được đón nhận vào tình yêu Thiên Chúa. Mỗi lần tham dự Thánh lễ, chúng ta lại được tham dự vào Mình Máu Thánh Đức Giêsu, tham dự vào tình yêu dâng hiến của Người. Được Thánh Thể nuôi dưỡng, chúng ta có khả năng sống yêu thương như Chúa Giêsu dạy.

Lm Giuse Nguyễn Trung Điểm

MẾN CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI
Mt 22, 34-40

Mẹ Têrêxa Calcutta kể : "Hôm ấy, một người lạ mặt đến nhà dòng, ông thấy một Sơ vừa đem về một người hấp hối, nằm bên ống cống, mình đầy giòi bọ rất hôi thối. Thế mà, Sơ rất nương nhẹ nhặt từng con bọ với vẻ mặt vui tươi, thanh thản đầy thương mến... Rồi người lạ đến gặp tôi nói : Thưa mẹ, khi con đến đây với lòng đầy căm hờn của một người vô tín ngưỡng. Nhưng bây giờ con ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới. Con bắt đầu tin Chúa, bởi vì con đã chứng kiến tình yêu của Chúa được diễn tả một cách cụ thể qua hành động và qua cách Sơ ấy đã đối xử với người hấp hối bẩn thỉu kia. Bây giờ con tin thật Chúa là tình yêu. Không có tình yêu Chúa trong tâm hồn, không thể nào có đủ nghị lực để yêu tha nhân được".

Thực vậy, không mến Chúa, không thể yêu người vô vị lợi được. Vì thế Chúa Giêsu đã nhấn mạnh cho mọi người nhận biết hai giới răn quan trọng nhất là : "
Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi... và điều thứ hai giống điều răn ấy : ngươi phải yêu người đồng loại như chính mình".

Lời tuyên bố đó, chấm dứt sự tranh luận của các phe phái Do thái về luật nào quan trọng nhất, giống như lời của bậc thầy chấm dứt cuộc tranh cãi của các học trò.


Tuy nhiên Chúa Giêsu không nói rõ lý do tại sao phải mến Chúa trên hết và thương người như chính mình. Thực ra lý do đã nằm sẵn trong lời tuyên bố của Chúa rồi.


Trước nhất tại sao phải mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn, thánh Marcô còn thêm : hết sức, vì tất cả sức lực thể xác, lòng muốn, trí khôn, linh hồn đều là của Thiên Chúa ban. Tất cả những khả năng ấy được có, được sinh hoạt, được phát triển và thăng tiến đều do bàn tay Chúa. Nếu chúng biết nhận ra Thiên Chúa là chủ của chúng, để nương tựa vào chủ, hướng về chủ, hoạt động theo chủ, thì chúng sẽ được chủ quý chuộng, tô điểm xinh đẹp và cho chúng sống muôn đời. Khi hoàn thành bức điêu khắc tượng Môisê, một kiệt tác thể hiện được hết tinh thần sống động của mình đến nỗi thiên tài Michel-Ange đã hét lớn vào tai tượng : Hãy nói đi. Thiên Chúa cũng đang hét lớn vào lòng trí, linh hồn của mỗi người chúng ta : Hãy yêu mến đi để ngươi nên giống Ta ! Vì Ngài đã dựng nên ta, kiệt tác hơn muôn loài trong vũ trụ. Nhận biết mình được Thiên Chúa dựng nên lạ lùng như thế, Salomon đã cầu nguyện thế này : 
"Lạy Chúa, con sinh ra cốt cách tinh anh, được một hồn lương hảo, tốt lành, được vào một thân xác không tì ố, nhưng Thiên Chúa không ban, con không thể có được khôn ngoan... nên con thưa với Chúa và cầu xin Người hết lòng con" (Kn. 8, 19-21). "Như vậy, lạy Chúa, những đứa con mà Ngài yêu mến sẽ học biết rằng không phải các thứ hoa quả nuôi sống con người. Nhưng là lời Người bảo tồn những ai tin cậy vào Người" (Kn. 16, 26).

Thứ đến, tại sao phải yêu đồng loại như chính mình ? Thưa vì đồng loại là những người có ruột thịt, máu mủ giống mình, là những người gần gũi mình, sống chung với mình, cùng loại với mình, cùng bản chất tinh thần và thân xác như mình. Cho nên, đã cùng loại với mình thì dù đó là người Samari hay Israel, Hy Lạp hay Do Thái, nô lệ hay tự do, chủ hay thợ, người sang hay hèn, mình phải yêu họ như chính mình. Tại sao khi thấy họ bị đánh nhừ tử nửa sống nửa chết lại bỏ tránh đi ? Tại sao không biết lấy dầu, lấy rượu xoa bóp băng bó vết thương cho họ như người Samari nhân hậu. Chỉ những ai như người Samari biết thương xót người, thấy người khổ như mình khổ, cứu người đau như mình đau, mới được Chúa Giêsu đánh giá là yêu người như chính mình. Từ trên núi Sinai, Chúa đã truyền cho dân Israel phải thương mến giúp đỡ những người bị khinh bỉ, như mẹ góa con côi, những người nghèo đói, ngoại kiều, thì mới thật sự xứng đáng là dân riêng của Chúa (Bài đọc I - Xh. 22, 21-22)


Biết được những lý do tại sao phải mến Chúa và yêu người, ta còn phải biết mến Chúa và yêu người đến mức độ nào, mới thật là mến Chúa yêu người.


Mức độ Chúa Giêsu kêu gọi là : hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Đó là mức độ mến Chúa, còn yêu người đến mức độ như yêu chính mình. Nói khác đi, mến Chúa và yêu người phải tới độ tuyệt đối. Sau đây chúng ta thử xét xem lòng mến Chúa và yêu người của chúng ta đến mức độ nào ?


Phần đông mến Chúa bằng làm những việc đạo như giữ mười điều răn, đi lễ Chủ nhật, xưng tội, rước lễ v.v... ở mức độ sợ tội, sợ mất linh hồn, sa hỏa ngục, nên chỉ cố gắng tránh những tội nặng, còn chửi tục, chửi nhau, bỏ học lời Chúa, bỏ lễ thường, lỗi bổn phận hàng ngày, phạm tội nhẹ như uống nước. Họ giống như đứa con sợ bố đánh mới nghe lời. Khi khuất mặt bố, nó không sợ nữa, nó đánh nhau, phá phách nghịch quấy, trộm vụng bất kể. Người mến Chúa chỉ lo sợ phạt chết đời đời cũng vậy. Họ chỉ yêu ai thân mình, chào kẻ chào mình, làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình "
thì anh em còn được công chi ?" (Mt. 5, 46).

Đó là hạng người mến Chúa yêu người vì lợi cho mình. Họ là những kẻ ích kỷ.


Một số mến Chúa vì thấy Chúa tốt lành, nhận ra những công ơn vô cùng của Chúa ban, nên họ cố gắng đền đáp; nhận ra lời Chúa là lời hằng sống, chân thật, thánh thiện, nên họ cố gắng thực thi. Họ như đứa con hiếu thảo thấy công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra vô tận, nên lo sống xứng đáng đẹp lòng cha mẹ. Vì thế họ cũng cố gắng noi gương nhân hậu của Chúa phần nào đó. Họ là những người tốt lành, cũng biết làm ơn giúp đỡ người khác, hy sinh chịu đựng tha thứ kẻ làm khổ mình. Lúc bình thường họ giống như các môn đệ Chúa, rất chịu khó đi công tác, làm việc tông đồ. Khi gặp thử thách nguy khốn như lúc Thầy bị bắt.. . thì bỏ trốn. Họ trốn tránh những việc khó khăn, gian lao, nguy hiểm. Họ mến Chúa và yêu người ở mức bình thường.


Một số rất ít họ là những người lành mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn nghĩa là mến Chúa trọn vẹn, sẵn sàng hy sinh mọi sự, kể cả mạng sống mình vì mến Chúa. Ở mức độ mến Chúa tuyệt vời này, họ thương yêu hết mọi người dù xa lạ, dù hèn mọn, dù là kẻ thù, họ thấy tất cả là chi thể của Đức Kitô, lúc sáng láng trên núi Tabo cũng như lúc ô nhục khốn cùng trên núi Sọ. Chỉ có các thánh đã mến Chúa và thương người được thế thôi, như thánh Phaolô nói : "
Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo ? như có lời chép : chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng, nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta" (Rm. 8, 35-37).

Lạy Chúa Giêsu, xin thêm lòng mến cho con. Xin đốt lửa kính mến Chúa và yêu người trong trái tim con.

Lm. VIKINI  (Nguồn vietcatholic.org)

2172    22-10-2011 08:31:46