Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

  1. Chúa Nhật CTT Hiện Xuống A
  2. Đấng Thánh Hóa
  3. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
  4. Chúa Thánh Thần - Nguồn Bình An Đích Thực
  5. Hãy Lên Đường
  6. Biến Đổi
  7. Lột Xác
  8. Đổi Mới
  9. Sức Mạnh Chúa Thánh Thần
  10. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
  11. Tái Tạo Trong Thánh Thần
  12. Sống Tha Thứ và Hòa Giải Trong Chúa Thánh Linh
  13. Các Con Tha Tội Cho Ai Thì Tội Người Ấy Được Tha
  14. Lễ  Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
  15. Anh Em Hãy Nhận Lấy Chúa Thánh Thần
  16. Chúa Thánh Thần Hiện Diện
  17. Hãy Nhận Lấy Thánh Thần
  18. Thánh Thần Đấng Ban Bình An
  19. Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
  20. Quyền Năng Tha Tội
  21. Lễ Ngũ Tuần - Một Cuộc Biến Đổi Mới


CHÚA NHẬT  CTT HIỆN XUỐNG  A
Ga 20,  19-23

Phúc âm Thánh Gioan hôm nay trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra, Ngài trao ban Thánh Thần cho các Tông Đồ. Chúng ta cũng đón nhận ơn Chúa Thánh Thần của Ngài để can đảm sống chứng nhân trong cuộc đời trần thế này.

Đức tin dạy cho chúng ta xác tín rằng sự sống của chúng ta do Thiên Chúa ban tặng. Sự sống là ân huệ và là quà tặng quý giá mà Thiên Chúa yêu thương ban cho nhân loại. Con người nhờ tham dự vào sự sống của Thiên Chúa mà được sống. trong kiếp sống phàm nhân, bao lâu con người còn hơi thở là còn sống, tắt thở là chết. Trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc, Thiên Chúa đã ban sự sống của Ngài. Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã thổi hơi vào Ađam để ông được sống. Cũng thế, sau khi sống lại, Chúa Phục Sinh cũng lặp lại hành động ấy  bằng việc thổi hơi vào các môn đệ và bảo: " hãy nhận Thánh Thần" ( Ga 20, 22). Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy sự sống, tình thương và tinh thần của Thiên Chúa. Ađam nhận hơi thở của Thiên Chúa để được sống và hơn nữa các môn đệ nhận lấy hơi thở Thánh Thần để can đảm sống sứ mạng chứng nhân của người môn đệ.

Được chịu phép rửa và phép Thêm Sức, chúng ta được đón nhận Chúa Thánh Thần để làm người Kitô hữu, chúng ta nhận được hơi thở sự sống của Chúa Thánh Thần, hơi thở này làm nên sự sống của chúng ta, sự sống của chúng ta còn có sứ mạng sống chứng nhân. Làm chứng nhân là người kitô hữu có bổn phận tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình. Sống yêu thương, bác ái là sống hơi thở của Chúa Thánh Thần, là sống trong Thiên Chúa tình yêu. Mỗi người trong chúng ta, dù đang  trong bậc sống nào chúng ta cũng cần phải có hơi thở điều này cũng cho thấy chúng ta cũng cần phải sống bác ái yêu thương.

Đứng trước sự chết, ai cũng đều sợ hãi. Thế nhưng đáng sợ hơn là chúng ta đang làm chết dần hơi thở trong chúng ta khi chúng ta sống thiếu yêu thương, chúng ta sống thiếu lòng tin, chúng ta còn thể hiện thiếu "Thánh Thần" trong đời sống mình.

Vì thế, chúng hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận, tái đón nhận hơi thở "Thánh Thần" để làm phong phú hoá đời sống chúng ta. Đồng thời chúng ta nỗ lực cộng tác với Chúa Thánh Thần để ngài hiện tại hoá tình yêu thương Thiên Chúa ở giữa mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần của Ngài cho chúng con, xin Ngài giúp chúng con sống bằng hơi thở của tình yêu Thiên Chúa ba ngôi ở giữa lòng mọi người. Amen.

ĐẤNG THÁNH HOÁ
Ga 20,19-23

Chúng ta còn đang trong bầu khí vui mừng của mùa Phục Sinh. Tin Mừng Phục Sinh làm cho sự sống của mọi tạo vật trên trần gian được biến đổi. Hôm nay sự sống và niềm vui của trần gian được thêm tràn nay qua biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống. Có thể nói biến cố hiện xuống đã làm thay đổi một kỷ nguyên mới cho trái đất và làm khai sinh một Giáo Hội mang tên con Thiên Chúa - Giáo hội Kitô. Giáo Hội sẽ được chính Chúa Thánh Thần tác động, hướng dẫn, điều khiển theo chương trình của Chúa Cha.

Thánh Thần là ai? Thưa Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Thần chân lý, là Đấng bảo trợ, Đấng an ủi, Đấng ban sự sống... là Đấng Thánh hoá.

Vậy Thánh hoá là gì? Thưa là một sự biến đổi làm cho trở nên thánh theo chiều hướng: ác thành thiện, xấu - tốt, yếu - mạnh, buồn - vui, đau khổ - hạnh phúc...

Giờ đây, hãy trở lại với Cựu ước. Ngay từ thuở tạo thiên lập địa trong việc tạo dựng Chúa Thánh Thần đã thể hiện vai trò Thánh hoá của Ngài. Thiên Chúa dùng bụi đất nắn lên hình ảnh con người giống hình ảnh Chúa. Chắc giống như một hình nộm bất động. Nhưng khi thổi sinh khí vào mũi thì nó trở thành con người. Đấy, từ một nắm đất trong tay Thiên Chúa mà Người đã thánh hoá và biến đổi nó thành một con người mới.

Tiếp tục trong Cựu ước câu chuyện của gia đình Ông Gia-cóp Cho thấy từ sự dữ mà Thiên Chúa biến đổi và thánh hoá nó thành điều lành để chuẩn bị cho dân riêng của Người.

Đến thời Tân ước đặc biệt là bối cảnh của bài Tin Mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, cho ta thấy rõ hơn vai trò Thánh hoá của Chúa Thánh Thần. Chúa Giê-su chết đã làm cho các tông đồ tuyệt vọng. Các ông đang trong tình trạng sợ hãi, sợ người Do thái. Có thể nói các ông đang trốn chui trốn nhủi. Không dám công khai. Rõ ràng hôm nay các ông đang ở trong phòng kín. Chắc chắn các ông lo lắng và suy nghĩ nhiều điều về nỗi sợ hãi, một sự lo lắng không có lối thoát. Hạnh phúc thay ngay lúc đó Chúa Giê-su hiện đến đứng giữa các ông mà nói "Bình an cho Anh em ... nói xong Người thổi hơi và ban thánh Thần cho các ông". Lập tức các ông vui mừng hân hoan, niềm tin như đã được củng cố từ bao giờ. Các ông mở toang cửa ra từ một tâm trạng buồn bã trở nên vui mừng, từ sợ sệt nay lại mạnh mẽ ra đi loan báo Tin mừng nước trời.

Một Phêrô trối Chúa nay lại tin tưởng, một Phêrô sợ sệt nay mạnh mẽ, một Phêrô ngu muội không hiểu được những dụ ngôn nay lại thông minh sáng suốt, một Phêrô cọc cằn, nóng nảy ăn nói vụn về nay trở thành nhà hùng biện.Sau bài giảng đầu tiên có hơn ba ngàn người xin theo đạo. Đó là do chính Phêrô nỗ lực hay là một ai đó đã biến đổi ông? Biến đổi nhanh như vậy?

Chúa thánh Thần vẫn luôn tiếp tục hoạt động và biến đổi Giáo hội mỗi ngày. Giờ nay đến phần chúng ta. Qua bài Tin mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay mang lại cho ta một ý nghĩa nào không? Anh chị em hãy tự hỏi mình đi, tự vấn mình đi...

Chúng ta có được Chúa Thánh Thần Thánh hoá hay chưa? Thưa chúng ta đã và đang được thánh hoá hằng ngày. Nhờ Bí Tích Rửa Tội chúng ta được biến đổi. Từ một tạo vật như mọi tạo vật nay được trở thành con cái Thiên Chúa đặc biệt là trở thành chi thể của Đức Kitô. Nhờ bí tích hoà giải làm biến đổi chúng ta từ những con người nhơ nhớp tội lỗi, xấu xa. Nay lại trở nên tinh tuyền và thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Với bí tích thêm sức chúng ta được thêm vững mạnh trong đức tin trở thành những chiến sĩ loan báo Tin mừng Nước Trời.

Có bao nhiêu người trong cộng đoàn chúng ta ý thức được ân huệ lớn lao này?

Mỗi ngày chúng ta ý thức hơn về những ân sủng mà ta lãnh nhận từ Chúa. Noi gương thánh Phêrô mạnh dạn ra đi loan báo Tin mừng bằng chính đời sống chứng nhân của mình. Hãy dùng những ân sủng và hoa trái của Thánh Thần để biến đổi và thánh hoá chính mình, để mọi ngày trong đời sống đều là một lễ hiện xuống cho ta.

1. mỗi sáng trước khi rời khỏi giường ngủ, chúng ta hãy làm dấu mà nói "con xin dâng lên Chúa ngày mới này. Xin Chúa chúc lành và thánh hoá..".

2. trước khi dùng bữa chúng ta hãy nhớ đến Chúa. Nếu đọc được Kinh lạy cha thì tốt, còn không thì hãy nói "xin Chúa chúc lành và thánh hoá của ăn chúng con sắp lãnh nhận".

Ít nhất nhờ những lần như thế trong ngày, Chúa Thánh Thần có cơ hội đến với ta ở trong ta, để biến đổi và thánh hoá chúng ta. Vì vậy, mỗi ngày trong đời sống chúng ta thật là một lễ hiện xuống. Amen

CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Ga 20, 19 -23

Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu, và xin nhóm lữa tình yêu Chúa trong lòng họ.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ, nhưng thật ra, chẳng có nơi nào trong Kinh thánh diển tả rõ ràng hình dáng Chúa Thánh Thần ra sao. Sách Tông đồ công vụ thì nói đến "tiếng gió thổi mạnh" "những lưỡi như thể bằng lữa" "các tông đồ nói nhiều tiếng khác nhau". Bài Phúc âm thì tả, Chúa hiện ra và phán: "bình an cho các con" và "Người thổi hơi " trên các tông đồ. Qua Kinh thánh, có nhiều biểu tượng về Chúa Thánh Thần như: gió - lửa - chim bồ câu - các ơn lành khác nhau ban xuống trên các tông đồ. Vậy mà sự hiện diện của Chúa Thánh Thần rất quan trọng và cần thiết cho Hội thánh. Một vị mục sư Tin lành rất nổi tiếng, khi trở lại công giáo đã nói một câu chí lý: "Hội thánh công giáo dù có nhiều khuyết điểm, thiếu sót, nhưng tôi nhận ra qua đó có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Hội thánh.." Mừng kính Chúa Thánh Thần hôm nay, kính mời anh chị em cùng suy niệm...

a/. Một vài danh từ chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa:

* thổi hơi: đây là một cử chỉ chúc phúc. Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ, là để chúc phúc cho họ, cũng để trao ban Thánh Thần và ơn sủng Người cho các ông.

* hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20, 22): tiếng Hêbrơ dịch là: Ruah; Hi lạp dịch là: Pneuma; la tinh thì dịch là: spiritus: có nghĩa gió, hơi thở - khi dùng từ gió và hơi thở để chỉ về Chúa Thánh Thần, điều đó muốn nói: Chúa Thánh Thần là Đấng có năng lực kỳ diệu như gió, như hơi thở, Đấng trao ban sự sống. Dù Ngài thật thần thiêng, nhưng lại hoạt động mãnh liệt trong nội tâm mọi người cùng với chính Thiên Chúa.

b/. Chúa Thánh Thần là ai? Tại sao người giáo dân ít biết về Chúa Thánh Thần?

* Chúa Thánh Thần là ánh sáng, là ơn khôn ngoan: Chúa Thánh Thần được Kinh thánh gọi là Lời của Thiên Chúa, thì đây, nhờ sự khôn ngoan, nhờ ánh sáng của Thánh Thần, các môn đệ mới hiểu rõ được những lời giảng dạy của Chúa Giêsu.

* Chúa Thánh Thần là sức mạnh, là ơn can đảm: các môn đệ của Chúa Kitô sau ngày lễ Ngũ tuần đã trở nên can đảm phi thường. Chính Thánh Thần thúc đẩy họ mở bung cửa phòng Tiệc ly, trước đó đóng kín bưng vì sợ người Do thái. Cũng chính Thánh Thần thúc đẩy họ chổi dậy và lên đường đem Tin Mừng sự sống đến cho mọi loài. Gương anh hùng của các Thánh Tử đạo Việt Nam , gương can đảm của các nhà truyền giáo, đã là những tấm gương sáng chói cho chúng ta về ơn sủng và tác động của Thánh Thần.

* Chúa Thánh Thần là Đấng hòa giải của con người: Con người vốn mỏng dòn yếu đuối, nhờ Chúa Thánh Thần, họ biết được đường ngay nẻo chính, biết tự chọn cho mình lối đi, biết sống đúng ơn gọi mà Thiên Chúa mời đến. Nhờ ơn sủng của Thánh Thần, họ can đảm lãnh nhận sứ mạng hòa giải con người với Thiên Chúa theo như lời mời gọi của Đức Kitô: "anh em hãy đi dạy dỗ muôn. Anh em tha tội ai, thì tội người ấy được tha." Bản chất của Thánh Thần chính là hòa giải và hiệp thông, nên khi được Chúa Con sai đến với Hội thánh, Thánh Thần sẽ hoạt động mạnh mẽ trong Hội thánh, trong mọi tâm hồn tín hữu. Chính Thánh Thần đã ban cho các tông đồ và các người kế vị, sức mạnh, khôn ngoan, can đảm, để các ông tiếp tục công việc của Đức Kitô, là lên đường đem Tin mừng hòa giải và hiệp thông cho mọi người trên khắp thế giới...

c/. Gợi ý sống và chia sẻ : Qua 20 thế kỷ, Hội thánh vẫn còn tồn tại, dù bao nhiêu sóng gió, bao nhiêu cuộc bắt bớ muốn tiêu diệt Hội thánh khỏi mặt đất này. Đó chính là bằng chứng Hội thánh Chúa Kitô luôn có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần; ta có tin không? Khi ta tin vào Chúa Thánh Thần, ta có muốn năng chạy tới, cầu nguyện với Người cho ta và cho Hội thánh không?

CHÚA THÁNH THẦN NGUỒN BÌNH AN ĐÍCH THẬT
Ga 20, 19 - 23

Để kết thúc 50 ngày của mùa Phục sinh, Giáo hội cho chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Mùa phục sinh là mùa cao điểm trong cả năm Phụng vụ. Bởi lẽ, mầu nhiệm Phục sinh là mầu nhiệm trọng tâm niềm tin của từng người chúng ta. Đây là mầu nhiệm soi sáng và hướng dẫn đời sống đạo của chúng ta.

Một trong những dấu hiệu chứng tỏ Chúa Giêsu đã thực sự sống lại là sự thay đổi thái độ sống của các Tông đồ. Từ những con người nhút nhát sợ hãi trở thành những con người gan dạ và can đảm lạ thường. Chính Chúa Thánh Thần - nguồn bình an đã làm cho các ông được biến đổi lạ thường như thế.

Qua đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy mặc dù nơi ở của các Tông đồ đã cử đóng then cài rất kỷ lưỡng nhưng các ông vẫn không hết sợ hãi. Sự sợ hãi này bắt nguồn từ nổi bất an trong chính tâm hồn các ông. Bao nhiêu dự định, bao nhiêu ước vọng và bao nhiêu mơ ước đã tan tành theo mây khói. Tưởng rằng theo Thầy Giêsu thì mình sẽ được làm ông này ông nọ. Để rồi mình được người này người kia kính nể. Nào ngờ đâu, Thầy Giêsu - một Đấng quyền lực đầy mình lại để cho những thủ lãnh Do thái bắt Người cách dễ dàng. Các ông chỉ còn biết sống trong tâm trạng bất an trong thất vọng, chán chường.

Hiểu được tâm trạng của những đệ tử mình, nên câu nói đầu tiên của Chúa Giêsu khi hiện đến với họ là: "Bình an cho các con". Chúa Giêsu không những nói một mà đến hai lần. Cùng lúc ấy, Chúa Giêsu cũng trao ban Chúa Thánh Thần - nguồn bình an cho các ông.

Kể từ đó, các Tông đồ đã trở nên những con người can đảm và hăng hái lạ thường. Ra đi rao giảng Tin mừng bất chấp nguy hiểm và rủi ro. Những người bắt Thầy Giêsu vẫn còn đó chứ. Họ có thể bắt các ông bất cứ lúc nào. Dầu vậy, các ông vẫn không sợ và luôn cảm thấy bình an.

Sống trong tâm trạng bất an là một trong những điều đáng sợ cho mỗi người chúng ta. Chắc hẳn ai cũng mong muốn cho mình được sống bình an. Tuy nhiên, nhiều lúc chúng ta lại chạy theo người đời để tìm những bình an giả tạo. Đó là tiền bạc, của cải vật chất hay quyền cao chức trọng. Họ tưởng là nhà cao cửa rộng, kính cổng cao tường, được nhiều người kính nể ... là an toàn rồi. Thế nhưng, nếu nhìn kỷ thì chúng ta phải công nhận là càng có những điều đó thì tâm trạng bất an lại càng có khuynh hướng tăng thêm.

Chúa Giêsu đã nói: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian" (Ga 14, 27). Là người Công giáo, chúng ta thật may mắn vì qua Bí tích Rửa tội và đặc biệt qua Bí tích Thêm sức mỗi người đều được đón nhận Chúa Thánh Thần - nguồn bình an đích thật. Hãy biết trân trọng và gìn giữ. Đồng thời, chúng ta nên luôn biết kêu xin Ngài soi sáng hướng dẫn trong đời sống đạo của mình.

HÃY LÊN ĐƯỜNG
Ga 20,19-23

"Bình an cho anh em! Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em".

Ghép cành là một trong những kỹ thuật lai tạo cây giống rất được các nhà vườn ưa chuộng vì tốn ít thời gian. Cây giống phát triển nhanh nhờ có gốc cây mẹ đã ổn định. Kỹ thuật này cũng được dùng trong việc trồng hoa kiểng. Cùng một gốc, nhưng cho được nhiều màu hoa, kiểu dáng khác nhau. Điểm chung của các loại ghép nầy là cành ghép phụ thuộc hoàn toàn vào thân cây mẹ. Nếu cây mẹ sinh trưởng tốt thì các cành được ghép vào sẽ lớn nhanh, còn cây mẹ không tốt hay chết đi thì mắt ghép cũng vạ lây.

Đức Giêsu qua 40 ngày ở cùng các môn đệ sau Phục Sinh, Ngài về trời với lệnh truyền cho các môn đệ: "Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28,19). Nhưng lệnh truyền nầy sẽ trở nên nặng nề cho các môn đệ nếu Đức Giêsu không để lại một sự trợ giúp nào. Vâng, sự trợ giúp đó chính là Chúa Thánh Thần - nguồn lực của mọi hoạt động.

Chúa Thành Thần là Đấng nào chắc ai trong chúng ta cũng biết. Bài chia sẻ nầy tôi chỉ muốn kể với các bạn về kinh nghiệm sống với Chúa Thánh Thần. Đầu tiên, Chúa Thánh Thần nhúng tay vào cuộc đời tôi qua Bí tích Rửa tội: "Chúng ta đều đã chịu phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể" (1 Cr 12,13). Nhờ đó mà tôi mới có thể nói lên rằng: "Đức Giêsu là Chúa". Rồi lần lượt tôi nhận các Bí tích khác trong đời, mà Bí tích dồi dào Chúa thánh Thần nhất là Bí tích Thêm sức. Từ đây, tôi đã được đầy tràn sức mạnh để bước vào đời sống của một chứng nhân cho Đức Kitô. Những lần yếu đuối sa ngã, tôi được Thánh Thần thúc đẩy để hoán cải quay về. Bước vào đời, trước những chọn lựa, Thánh Thần lại hướng dẫn dắt dìu. Cuộc sống đầy những khó khăn trăn trở, Thánh Thần lại đến ủi an khích lệ qua tiếng nói của mẹ cha, bạn hữu, thầy cô... Ngày cuối đời trước khi về với Chúa, tôi sẽ được Thánh Thần nâng đỡ, bảo vệ khỏi mất linh hồn trước cám dỗ của ma quỷ. Có thể nói rằng, suốt cuộc đời tôi không có lúc nào vắng bàn tay Thánh Thần.

Thế mà không ít lần tôi đã để vuột mất bàn tay ấy. Tôi cao ngạo nghĩ rằng, bàn tay tôi có thể che được hết bầu trời. Tôi để Thánh Thần qua một bên như người chủ quán "bỏ quên" một kẻ ăn mày không tiền. Tôi sống theo bản năng, theo đam mê, theo sở thích, tôi chấp nhận để tà thần hướng dẫn cuộc đời. Khi thất bại nặng nề, tôi mới giật mình nhìn lại. Chúa ơi! Đời con như lá úa.

Tôi dùng lại hình ảnh cây tháp cành để nói về mối quan hệ giữa chúng ta và Chúa Thánh Thần. Chắc chắn là Chúa Thánh Thần là một gốc mẹ tốt. Từ đó làm nảy sinh ra nhiều cành lá tốt. Vấn đề là chúng ta đã tháp vào gốc mẹ rồi, vậy chúng ta có đồng ý hút lấy nhựa sống để trổ sinh hoa trái không? "Có nhiều đặc sủng, nhưng chỉ có một Thần Khí" (1 Cr 12,4). Chỉ có một gốc mẹ thôi, nhưng từ đó có nhiều loại hoa đẹp ra đời. Bạn nghĩ sao về điều nầy? Xin bạn đừng bao giờ để Chúa Thánh Thần "chết ngạt" trong đời mình.

Đức Giêsu đã bảo đảm cho hoạt động của chúng ta được thuận lợi qua việc ban Thánh Thần cho ta. "Thầy không để các con mồ côi, Thầy sẽ ban cho các con Đấng Phù Trợ khác, Ngài sẽ ở cùng các con luôn mãi" (Ga 14,16). Ta ra đi không đơn độc, không yếu đuối mà có Thánh Thần cùng đi, có sức mạnh của Thánh Thần. Điều cần phải lo sợ là ta có can đảm dấn thân không? Ta có dám "thí mạng" theo sự hướng dẫn của Thánh Thần không?

Chúa Giêsu đã và đang cần mỗi người chúng ta tiếp bước cuộc hành trình của Người, của các Tông đồ, của các bậc tiền nhân trong cánh đồng thế trần nầy. Bạn không cần phải bận tâm cho rằng mình không đủ sức, việc đó không phù hợp với mình, hay mình còn phải lo việc khác. Thánh Phaolô đã nói là có nhiều việc phục vụ, nhưng chỉ có một Chúa, Thần Khí tỏ mình ra cho mỗi người một cách (x. 1 Cr 12,1-7). Bạn hãy làm việc cho Chúa bằng chính công việc hằng ngày của bạn. Ai làm công nhân hãy làm công nhân cho thật tốt, ai cày ruộng hãy cày ruộng cho thật chăm, ai là thầy dạy hãy dạy với tất cả lương tâm và lòng yêu mến, ai là được mời gọi sống đời thánh hiến thì tích cực sống trong ơn gọi của mình... Chính những việc làm tốt đẹp của bạn sẽ minh chứng cho điều bạn kính tin.

Hãy can đảm, đừng hoang mang, đừng sợ hãi, đã có Thánh Thần. Hãy lên đường cùng Người.

1124    09-06-2011 20:37:06