Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Chúa Thánh Thần, Linh Hồn Của Sứ Vụ Dạy Giáo Lý - Tháng 04 năm 2010

LỜI CHỦ CHĂN

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2 VĩnhLong

Vĩnh Long, ngày 08.03.2010

V/v Chúa Thánh Thần, Thầy Nội Tâm của Việc giáo dục đức tin

Kính gởi: Quí Cha, Quí Tu Sĩ Nam Nữ, Chủng Sinh
                Và Anh Chị Em Giáo dân Giáo phận Vĩnh Long

1. “Đấng Bầu Chữa, là Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy các con mọi sự, và sẽ nhắc lại cho các con mọi điều Thầy đã nói với các con”(Gioan 14,26)

“Khi Ngài đến, vì là Thần Chân Lý, Ngài sẽ đưa các con vào tất cả sự thật. Ngài sẽ loan báo cho các con những điều sẽ đến” (Gioan 16,13)

Chúa Giêsu Kitô là Lời của Thiên Chúa, Lời sau cùng cho nhân loại (x. Thư gởi Tín hữu Do Thái 1,1-3), “trong Người tất cả kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa được hoàn tất” (Gioan Phaolô II, CT 5).

Thiên Chúa đã lên tiếng, thì cũng chờ đợi được phúc đáp. Tin vào Chúa Giêsu Kitô đó là lời phúc đáp mà Thiên Chúa chờ đợi từ phía con người. Để trở thành Kitô hữu, trở thành người tín hữu của Chúa Giêsu Kitô, không những phải tiếp xúc, phải thông hiệp với Người, mà hơn nữa phải sống thân mật với Người. Chúa Giêsu đã chẳng nói với người Do Thái điều nầy sao : Không ai có thể đến với Ta, nếu Cha, là Đấng đã sai Ta, không lôi kéo họ (Gioan 6,44). Chúa Cha lôi kéo chúng ta bằng cách nào? Nhờ Thánh Thần làm Thầy Nội Tâm cho chúng ta . Bởi đó Thánh Phaolô quả quyết: “Không ai có thể nói: Đức Giêsu là Chúa mà lại không phải bởi Thánh Thần” (1 Cor 12,3).

2. Thế nên, Đức Gioan Phaolô II dành một đoạn trong phần kết của Tông Huấn Catechesi Tradendae để nói về sứ mệnh của Chúa Thánh Thần, là Thầy nội tâm, mà Chúa Giêsu ban cho các Tông đồ và cho Hội Thánh.

Dạy Giáo Lý hay giáo dục đức tin là nhiệm vụ của Hội Thánh, là lệnh truyền của Chúa Kitô Phục Sinh (Mt 28,20). Như người mẹ trong gia đình, tự giới thiệu mình, rồi giới thiệu những người khác cho con mình, bắt đầu là người cha, rồi ông bà, anh chị…, Hội Thánh cũng tự giới thiệu mình xuyên qua các sinh hoạt, cầu nguyện và cử hành Phụng vụ, qua việc rao giảng. Khi dạy giáo lý, Hội Thánh trình bày nội dung đức tin Kitô giáo, giới thiệu Chúa Kitô Đường Hạnh Phúc. Khởi điểm của đời sống đạo là Đức Tin. Và Tin, trước hết, là ơn Chúa ban, chớ không phải là kết quả của mọi cố gắng suy nghĩ tìm kiếm của con người.

Các Tông đồ đã đi theo Chúa Giêsu ba năm, nghe Chúa giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Chúa làm, nhưng phải nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mới tin và rao giảng Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Thiên Sai :

“Theo kế hạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu Nadarét đã bị nộp, và anh em đã dùng tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại”(Tđcv 2,23-24)

“Vậy toàn thể nhà Israel hãy biết chắc điều nầy: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Kitô”(Tđcv 2,36) .

Hội Thánh là Nhà giáo dục đức tin. “Hội Thánh ý thức rằng mình hành động như một dụng cụ sống động và ngoan ngoãn của Chúa Thánh Thần. Luôn kêu cầu Thánh Thần và hiệp thông với Người, cố gắng hiểu biết điều Người linh hứng” (Gioan Phaolô II, CT, 72).

3. Người công chính sống nhờ đức tin (Rom 1,17). Nhờ Bí Tích Rửa Tội, ta được giải án tuyên công. Chẳng những ta được ơn tái sinh và đổi mới của Chúa Thánh Thần (Tit 3,5), nhưng ơn Đức Tin do Thánh Thần ban xuống để kết chặt với Chúa Kitô, và được nên đồng hình đồng dạng với hình ảnh Con của Thiên Chúa (Rom 8,29). “Sự tăng trưởng trong đức tin và trưởng thành trong đời sống Kitô hữu hướng đến sự sung mãn là công trình của Chúa Thánh Thần, công trình mà chỉ có Chúa Thánh Thần có thể khơi dậy và nuôi dưỡng trong Hội Thánh” (Gioan Phaolô II, CT, 72).

Như thế, giáo dục đức tin là công trình của Chúa Thánh Thần làm cho việc rao giảng của Hội Thánh và những cố gắng thực hành của mỗi tín hữu đạt tới kết quả, là xây dựng chúng ta trở thành con của Cha trên trời , bởi con người “đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,26-27), để đáng được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, không phải ở Vườn Địa Đàng, nhưng là trời mới đất mới, là sự sống hạnh phúc đời đời.

Tôma Nguyễn Văn Tân
                    
+ Giám mục Vĩnh Long


CHỦ ĐỀ: CHÚA THÁNH THẦN,
LINH HỒN CỦA SỨ VỤ DẠY GIÁO LÝ

THƯ MỤC VỤ

Để diễn tả sứ vụ của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh, Chúa Giêsu đã dùng những lời đầy ý nghĩa: “Ngài sẽ dạy các con mọi sự, và nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con.” Và Chúa Giêsu nói thêm: “Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ hướng dẫn các con đến tất cả chân lý…Ngài sẽ công bố cho các con những gì sẽ xảy đến.” (Ga 16,13)

Như thế, Chúa Giêsu hứa Thần Chân Lý cho Hội Thánh và cho từng Kitô hữu như một vị Thầy nội tâm, là Đấng loạt động cách sống động trong lương tâm và tâm hồn, làm cho mọi người hiểu điều người ấy đã nghe nhưng chưa có khả năng hiểu. Thánh Augustinô nói về điều này như sau: “Ngay cả bây giờ Chúa Thánh Thần dạy các tín hữu tuỳ theo khả năng tâm linh của mỗi người. Và Ngài dốc lòng họ bằng những ao ước lớn lao hơn tuỳ theo sự tiến bộ của mỗi người trong đức ái, là nhân đức làm cho người ấy yêu điều người ấy đã biết và ao ước điều người ấy chưa biết.”

Hơn nữa, Chúa Thánh Thần cũng có sứ vụ biến đổi các môn đệ thành nhân chứng cho Đức Kitô; “Ngài sẽ làm chứng về Thầy; và các con cũng là nhân chứng.” Do đó, việc dạy giáo lý, tức là sự tăng trưởng trong đức tin và vững vàng trong đời sống Kitô hữu cho tới sung mãn, là một công trình của Chúa Thành Thần, công trình mà một mình Ngài có thể khơi dậy và nuôi dưỡng trong Hội Thánh . (x.DGL 72)

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Một giáo sư dạy trường dòng cùng vợ đi nghỉ tại Gatlinburg, Tennessee. Buổi sáng nọ, họ tới ăn tại một nhà hàng nhỏ, hy vọng sẽ có một bữa điểm tâm yên tĩnh.

Trong lúc đang chờ phục vụ đồ ăn, họ thấy một người đàn ông tóc bạch kim, dáng vẻ đàng hoàng, đĩnh đạc đi từ bàn nọ sang bàn kia thăm hỏi các khách. Vị giáo sư ngả người về phía vợ: “Tôi hy vọng ông ấy không tới chỗ chúng mình”.

Vừa hay lúc đó, người đàn ông bước tới.
“Ông bà là người ở đâu vậy?”, ông thân mật hỏi.
“Chúng tôi là người Oklahoma”, hai người đáp.
“Thật tuyệt vì ông bà đã tới Tennessee này”, người lạ mặt nói. “Ông làm nghề gì?”
“Tôi dạy ở trường dòng”, giáo sư đáp.

“Ồ, tức là ông là người giảng dạy cho các cha đạo về cách thuyết pháp phải không? Nếu vậy thì tôi có một câu chuyện rất hay muốn kể cho ông nghe đây”. Thế là người đàn ông liền kéo ghế và ngồi xuống cạnh bàn của hai vợ chồng giáo sư.

Vị giáo sư rên rỉ trong lòng nhưng vẫn nhã nhặn: “Tuyệt. Đây chính là cái ta cần đây. Một câu chuyện nữa về cha đạo”.

Người lạ bắt đầu: Ông có thấy ngọn núi ở đằng kia không? (ông chỉ tay ra phía cửa sổ nhà hàng). Không xa dưới chân ngọn núi đó có cậu bé là con một bà mẹ không chồng. Cậu bé đã có một tuổi thơ khốn khổ vì đi tới đâu người ta cũng luôn hỏi cậu “Này thằng nhóc, cha mày là ai?”. Dù ở trường, tới cửa hàng rau hay ra hiệu thuốc, người ta cũng luôn hỏi cậu như thế.

Trong giờ giải lao hay ăn trưa ở trường, cậu luôn lẩn tránh bạn bè, cậu cũng tránh luôn cả việc tới các cửa hàng vì câu hỏi đó khiến cậu vô cùng đau đớn. Năm cậu 12 tuổi, có một cha đạo mới chuyển về nhà thờ nơi cậu ở. Trước nay cậu bé vẫn luôn tới nhà thờ muộn và về sớm để tránh không bị hỏi câu hỏi đau đớn ấy.

Nhưng rồi một hôm, vị cha đạo đọc bài kinh tạ ơn kết thúc buổi lễ quá nhanh, cậu bé không kịp ra về trước và buộc phải cùng bước ra với đám đông.

Đúng lúc cậu bước tới cửa sau, vị cha đạo mới vốn không biết gì về hoàn cảnh của cậu đặt tay lên vai hỏi cậu, “Con trai, cha con là ai?”.

Cả nhà thờ chết lặng. Cậu bé cảm thấy như mọi con mắt trong nhà thờ đều đổ dồn vào cậu. Cuối cùng, cho tới lúc này mọi người đều sẽ biết lời đáp cho câu hỏi đó.

Ngay lập tức vị cha đạo mới hiểu ngay ra cảnh ngộ của cậu và bằng nhận thức hết sức sáng rõ, ông nói tiếp, “Chờ đã! Ta biết con là ai rồi! Giờ thì ta đã thấy con giống ai rồi. Con là một người con của Chúa”.

Nói rồi, ông vỗ nhẹ lên vai cậu bé và nói: “Con trai, con đã được thừa hưởng rất nhiều từ Chúa. Hãy đi đi và tự hào về điều đó”.

Đã lâu lắm rồi lần đầu tiên cậu bé mỉm cười và khi bước qua cửa nhà thờ, cậu đã trở thành một con người khác. Cậu không còn lẩn tránh mọi người như trước nữa. Mỗi khi ai đó hỏi cậu, “Cha mày là ai?”, cậu liền bảo họ, “Tôi là con của Chúa”.

Quý ông nhã nhặn đứng dậy và hỏi: “Chuyện đó hay phải không?”. Vị giáo sư đáp đó thật là một câu chuyện thú vị.

Khi chuẩn bị rời đi, người đàn ông nói, “Ông biết không, nếu ông cha đạo mới đó không bảo tôi rằng tôi là một người con của Chúa thì có lẽ tôi đã chẳng bao giờ đạt được điều gì”. Và ông đi khỏi.

Vị giáo sư trường dòng và vợ hết sức ngỡ ngàng. Ông bèn gọi cô phục vụ lại và hỏi: “Cô có biết người đàn ông đó là ai không? Cái ông mà vừa từ bàn của chúng tôi đi ra ấy”.

Cô phục vụ mỉm cười nói: “Tất nhiên là tôi biết chứ! Ở đây ai chẳng biết ông ấy. Đó là ông Ben Hooper, cựu thống đốc bang Tennessee!”

Rất nhiều khi nhờ những hành động bác ái yêu thương mà nhiều người biến đổi cuộc sống để trở nên tốt hơn, tích cực hơn. Trong đời sống gia đình cũng như trong sinh hoạt xã hội, đừng nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của hận thù, hiềm khích. Đừng nói với nhau bằng ngôn ngữ của chia rẽ, nghi kị. Hãy nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần.

Tình yêu chân chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Một ánh mắt thông cảm, một cử chỉ thân thiện, hay một việc làm giúp đỡ, ngôn ngữ tình yêu dễ hiểu dễ gần nhau. Ngôn ngữ này giúp con người hiểu được nhau và hiểu được chính Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là tình yêu nên ai yêu thương thì gặp được Thiên Chúa.

Trước khi diễn giải Thư mục Vụ, chúng ta tóm lược một vài ý về chủ đề hôm nay:

1. Tuyên xưng Chúa Thánh Thần là hồn của sứ vụ dạy Giáo lý vì chính Chúa Thánh Thần soi sáng cho con người thụ nhận, hiểu biết và sống theo Lời Chúa dạy.

2. Chúa Thánh Thần là Thầy dạy nội tâm, vì chính Chúa Thánh Thần năng động chính tâm hồn để con người tin, cậy, mến và sống đúng mạc khải, sống siêu nhiên.

3. Cũng chính Chúa Thánh Thần đào luyện cho con người thành chứng nhân cho Chúa.

Dạy về Đức Tin là công việc của Chúa Thánh Thần, vì Giáo Lý viên cộng tác vào sứ vụ của Đức Kitô trong việc tỏ lộ tình yêu của Thiên Chúa Cha cho các con cái của Người. Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã nói: “Ngài sẽ dạy các con mọi sự, và nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26).

Và theo Thánh Phaolô: “Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa” (1Cr 2,1) . Người là Thầy nội tâm, “là Đấng hoạt động cách bí mật trong lương tâm và tâm hồn, làm cho một người hiểu điều người ấy đã nghe nhưng chưa có khả năng hiểu” (Catechesi Tradendae, 72).

Nhờ Chúa Thánh Thần mà mỗi người lãnh nhận lúc chịu Phép Tửa Tội - qua dấu chỉ nước giội trên đầu – người tín hữu được dẫn vào đời sống thân mật với Chúa Cha, nhờ việc mỗi ngày một trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Bởi vì mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý nhằm đến việc kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Cha bằng cách trở nên giống Đức Kitô nhiều hơn. Mức độ giống Đức Kitô của mỗi người tuỳ thuộc vào việc người ấy làm theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn, khiến chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa như Đức Giêsu: “Abba, Lạy Cha” (Rom. 8,15). Không có Chúa Thánh Thần chúng ta không thể nói: “Chúa Giêsu là Chúa” (1Cor 12,3).

Vì Chúa Thánh Thần là Đấng Trợ Lực và Hướng dẫn giúp học viên trở nên giống Chúa Kitô hơn, để trở về với Thiên Chúa Cha trong đời sống yêu thương và thánh thiện, nên khi dạy Giáo Lý cần chú ý đến những quy tắc sau đây:

- Việc dạy Giáo Lý được thực thi bởi con người với những phương tiện của nhân loại, nhưng lại là sự hợp tác vào sứ vụ Cứu Độ của Đức Kitô, và hành động Cứu Độ của Thiên Chúa Cha. Cho nên, các Giáo Lý viên phải ý thức rằng mình trình bày chân lý Đức Tin, chứ không phải tư tưởng của mình hay một ý thức hệ nào khác.

- Các Giáo Lý viên cố gắng dạy thế nào để giúp học viên gắn bó với Thiên Chúa và với nội dung của sứ điệp Kitô, là sứ điệp giúp họ có thể gắn bó hoàn toàn với Thiên Chúa.

- Các Giáo Lý viên cũng giúp họ phát triển về mọi phương diện của Đức Tin: sự hiểu biết, cầu nguyện và phụng tự, và sống đời nhân đức.

- Sau cùng, các Giáo Lý viên giúp các học viên hiến mình cho Thiên Chúa, nhất là trong những ơn gọi mà Chúa kêu mời họ. Về điểm này, việc dạy Giáo Lý là điều căn bản của việc tông đồ ơn gọi, nhờ đó, Hội Thánh giúp các người trẻ biết ơn gọi của mình trong đời sống và hết lòng ấu ủ nó.

Kết luận: Trách nhiệm dạy Giáo Lý đòi hỏi mỗi tín hữu nói chung, các Giáo Lý Viên chuyên biệt nói riêng, phải sống gắn bó và tin tưởng vào Chúa Thánh Thần, để được Người hướng dẫn và trợ giúp trong sứ vụ quan trọng nầy, vì “việc dạy giáo lý, tức là sự tăng trưởng trong đức tin và vững vàng trong đời sống Kitô hữu cho tới sung mãn, là một công trình của Chúa Thánh Thần, công trình mà một mình Ngài có thể khơi dậy và nuôi dưỡng trong Hội Thánh” (Catechesi Tradendae, 72).

(Viết Theo sách Chỉ Nam Về Việc Dạy Giáo Lý, trích từ giaoly.org, do Phạm Xuân Khôi tổng hợp).

Từ những nhận định trên, chúng ta thử kiểm điểm cách nhìn nhận và thực hiện việc dạy Giáo lý của mỗi người như thế nào?

- Chúng ta có nhận định việc dạy giáo lý bắt nguồn từ Thiên Chúa không?

- Có khinh thường việc dạy Giáo lý không?

- Dạy Giáo lý chúng ta có quyền dạy theo tự do, theo ý kiến riêng biệt của mình không? Trung thực là khẩn thiết !

- Biết đạo, giữ đạo, sống đạo đều do Chúa, nhờ Chúa, chúng ta có nhận biết không?

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Chúa Thánh Thần là Thần Trí Khôn Ngoan, Thông Minh, Hiểu Biết và Lo Liệu. Người là Chúa của sự truyền đạt giáo lý. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi người được ơn tràn đầy Chúa Thánh Thần:

1. Chúa phán: “Thánh Thần sẽ dạy các con biết mọi điều Thầy đã nói với các con”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, luôn theo sự hướng dẫn của Thánh Thần mà thông hiểu những điều Chúa dạy.

2. Chúa phán: “Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho
các con Đấng Phù Trợ khác”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết mở lòng thanh sạch mà đón nhận tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần.

3. Chúa phán: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu biết theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, mà xa tránh các dịp tội và quảng đại tha thứ.

4. Chúa phán: “Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng trí khôn, trong các giờ dạy và học giáo lý.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa Thánh Thần là Chúa của Đức Khôn Ngoan. Xin cho chúng con luôn biết theo ơn hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mà học và dạy giáo lý, để biết Chúa và yêu mến Chúa, và hưởng phước thiên đàng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Chúa Thánh Thần là ai? Và Người làm gì? Chúng ta có thể nói về Người được không? Điều này không dễ chút nào! Quả thế, trong Ba Ngôi Vị thần linh, Chúa Thánh Thần là Đấng bí nhiệm hơn cả, ẩn giấu hơn cả, một Ngôi vị không có khuôn mặt, như “gió muốn thổi đâu thì thổi” (x Ga 3,5). Nhưng hầu như trong tất cả mọi công trình: công trình tạo dựng, công trình cứu chuộc, công trình thánh hoá…tất cả mọi sự đều được khởi sự và thực hiện trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Trong công trình tạo dựng, Thánh Thần Chúa bay lượn trên nước (x St 1,2) để từ đó Thiên Chúa sáng tạo muôn loài hữu hình và vô hình. Trong công cuộc cứu độ nhân loại Ngôi Hai Thiên Chúa được đầu thai nơi cung lòng Trinh Nữ Maria là do tác động của Chúa Thánh Thần, rồi Thánh Thần Chúa luôn hướng dẫn, nâng đỡ, an ủi Chúa Giêsu trên con đường nhân thế, đặc biệt là trong cuộc Thương Khó của Người. Trong việc thánh hoá Hội Thánh, Chúa Giêsu đã dùng những lời đầy ý nghĩa để diễn tả sứ vụ của Chúa Thánh Thần trong Hội thánh: “Ngài sẽ dạy các con mọi sự, và nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con.” Và Chúa Giêsu nói thêm: “Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ hướng dẫn các con đến tất cả chân lý…Ngài sẽ công bố cho các con những gì sẽ xảy đến.” (Ga 16,13)

Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, Người hiện hữu từ đời đời và cho đến muôn đời, Người đã tác động như thế nào trong dòng lịch sử nhân loại thì chắc chắn rằng Người cũng sẽ luôn tác động như thế trong mọi trạng huống của nhân loại, đặc biệt là trong Giáo hội. Vì thế, trong Sứ điệp dạy Giáo lý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có viết: “Chúa Giêsu hứa Thần Chân Lý cho Hội Thánh và cho từng Kitô hữu như một vị Thầy nội tâm, là Đấng loạt động cách sống động trong lương tâm và tâm hồn, làm cho mọi người hiểu điều người ấy đã nghe nhưng chưa có khả năng hiểu. Thánh Augustinô nói về điều này như sau: “Ngay cả bây giờ Chúa Thánh Thần dạy các tín hữu tuỳ theo khả năng tâm linh của mỗi người. Và Ngài dốc lòng họ bằng những ao ước lớn lao hơn tuỳ theo sự tiến bộ của mỗi người trong đức ái, là nhân đức làm cho người ấy yêu điều người ấy đã biết và ao ước điều người ấy chưa biết.” (Số 9)

Nhìn vào dòng lịch sử của Giáo hội, ta có thể dễ dàng nhận ra sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong việc rao truyền đức tin và sống đức tin nơi anh chị em Kitô hữu. Người đã tác động nơi các tông đồ, tác động nơi những lời các tông đồ rao giảng, tác động nơi người nghe để họ đón nhận tin mừng của Chúa (x Tđcv 2). Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, các môn đệ hăng hái ra đi, theo chân Thầy Chí Thánh rao giảng Tin mừng. Tiếng nói của Chúa Thánh Thần chính là ngôn ngữ của tình yêu sẽ nối kết tất cả nên một. Từ nay, sứ mạng của Giáo hội chính là đi đến muôn dân để rao giảng về một Đức Kitô chịu đóng đinh, làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng thế giới với sự trợ giúp cách đặc biệt của Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần là Đấng Hằng Hữu nên Người đã tác động trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi như thế nào thì Người cũng tác động nơi cộng đoàn Giáo hội ngày hôm nay như vậy. Một khía cạnh nào đó, dạy giáo lý chính là rao giảng tin mừng của Chúa, Người cũng sẽ tác động nơi người dạy, nơi người nghe, nơi bối cảnh của việc dạy và học giáo lý… Vì thế, việc dạy giáo lý, tức là sự tăng trưởng trong đức tin và vững vàng trong đời sống Kitô hữu cho tới sung mãn, là một công trình của Chúa Thành Thần, công trình mà một mình Ngài có thể khơi dậy và nuôi dưỡng trong Hội Thánh . (x.DGL 71)

Ước gì những người dạy và học giáo lý luôn nhớ đến hoạt động của Chúa Thánh Thần trong công việc của mình mà năng nài xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn, tác động và hoàn tất công cuộc rao giảng tin mừng cho mọi người.

HỌC KINH THÁNH

BÀI 51: SÁCH TÔBIA

1/ Sơ lược truyện:

Sách nầy kể lại với nhiều chi tiết ly kỳ, khéo léo về gia đình hai cha con Tô-bit và Tôbia, xảy ra ở vùng đất Assyria. Họ gặp nhiều thử thách nhưng vẫn một lòng tin Chúa và thương nguời, nên sau cùng được chúc phúc. Truyện nầy có vẻ là lịch sử, nhưng thực sự tác giả đã lấy một nồng cốt lịch sử nào đó rồi thêu dệt thêm.

2/ Sách nhằm dạy ta các bài học sau:

a.Tín nhiệm vào Thiên Chúa vì Người nhân hậu. (Tôbia có nghĩa: Giavê là Đấng nhân hậu). Chúa không bỏ rơi những ai trung thành với Ngài, Ngài che chở họ vượt qua những thử thách gian truân.

b. Lòng thương người: Sách nêu gương ông Tôbit vì thương người mà chôn xác kẻ chết dù phải nguy hiểm đến tính mạng. Ông cũng chú trọng đến việc giúp đỡ người nghèo: việc đó tốt hơn là tích trữ vàng bạc, có giá trị như mọi lễ vật dâng cho Thiên Chúa và tẩy rửa ta sạch khỏi tội. (Tob 1, 16; 4, 7-11.16; 14, 8-11).

c. Đời sống gia đình gương mẫu:

- Cha mẹ biết dạy con, làm gương tốt cho con. Con cái hiếu thảo với cha mẹ.

- Hôn nhân không phải chỉ có tính cách nhân loại nhưng còn là do việc Thiên Chúa xếp đặt.

Lời Chúa: “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không được phân ly” (Mt 19, 6b).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho các gia đình Công giáo biết làm chứng cho Chúa bằng đời sống thuỷ chung và biết dạy bào con cái luôn tuân giữ giới luật Chúa cách trọn vẹn. Amen.

SỐNG ĐẠO

TUẦN THÁNH
Tuần Thương Khó

Đây là Tuần mà Hội Thánh muốn chúng ta kính nhớ cuộc Khổ Nạn của Chúa và thể hiện những việc lành thánh để để dọn mình chuẩn bị, nghĩa là làm cho đời mình nên trong sạch, nên tốt, để được hưởng nhờ những ân huệ Chúa ban trong lễ Vượt Qua, Lễ Phục Sinh.

Tuần Thánh, cũng gọi là Tuần Thương Khó, nên trước tiên, chúng ta hãy suy niệm về cuộc Tử Nạn, Thương Khó của Chúa.

Tuần Thương Khó là Tuần dứt điểm cuộc tử nạn chúng ta đã từng biết, nhưng thử hỏi, Tuần nầy có gợi lên trong tâm hồn chúng ta những cảm nghĩ, những rung động nào không? Mặc dầu cuộc Tử Nạn rất đau đớn, rất rùng rợn, rất đáng sợ, nhưng biến cố nầy chúng ta đã để trôi qua như những hiện tượng thông thường khác, thì thử hỏi, tình làm con của mình có còn chút ít gì không?

Chúa chịu nạn, chịu chết để làm gì? Có thể nói, Chúa đau khổ và tử nạn là lãnh phải đền tội thay thế cho nhân loại.

Nguyên tổ phạm tội phản nghịch; Chúa phạt tội, cất đi những ơn trừ nhiên khiến con người phải gánh lấy cuộc sống khổ nhọc và phải chết nữa. Hình phạt nầy rất nặêng, nhưng vì là phản nghịch với Đấng Vô Cùng, cho nên tội thành ra quá to lớn vượt trên khả năng đền tội của con người.

Chúa giàu lòng thương xót, không bỏ rơi nhân loại, nên đã đặt chương trình cứu chuộc. Thiên Chúa Nhập Thể (vừa là Chúa, vừa là người) dùng tính người để chịu thương khó, tử nạn, chịu phạt thay thế cho nhân loại. Và vì Đức Giêsu Kitô có cả Thiên tính, nên việc thương khó và tử nạn của Người có giá trị vô cùng. Việc chịu phạt đúng là cân xứng!

Chúa đã thắng sự chết, nghĩa là khổ nhọc và cái chết không còn quyền lực nào trên Chúa nữa; kể như nguyên tội không còn lưu truyền nữa. Chúa cứu chuộc cho con người được lại quyền làm con Chúa, nếu biết sống. Nhưng Chúa không ban lại những ơn trừ nhiên (không học mà biết được những chi cần cho cuộc sống, không đau khổ, không chết…)

Chúa dựng nên con người ban cho có tự do. Do đó, con người cần tạo cho mình có phẩm giá tốt. Chúa muốn cho mình dùng tự do để thể hiện chay tịnh là đền tội, là kiềm chế. Chúa muốn chúng ta tự do cố gắng sống đức hạnh.

Tuần Thánh – Tuần Thương Khó chúng ta sống thế nào? Có theo ý Hội Thánh chay tịnh đúng nghĩa nhiệt thành, để đáng được hưởng nhờ ơn Chúa ban trong Mùa Phục Sinh ?

BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Lễ Vật Cúng Tế – Của Ăn Nuôi Sống

Chiều Thứ Năm tuần Thánh, Hội Thánh có nghi thức kính nhớ việc Chúa thiết lập Phép Thánh Thể. Chúa dùng quyền năng khiến bánh-rượu trở nên Mình- Máu thánh Chúa, để làm nên vật lễ cúng hiến và nên của ăn nuôi sống siêu nhiên.

Thiên Chúa là Đấng tạo Dựng, Chủ tể tuyệt đối. Con người là vật thọ tạo hoàn toàn lệ thuộc Chúa, nên phải tôn thờ. Tôn thờ thì phải cúng tế. Dâng lễ vật để tỏ dạ tôn thờ.

Trong vũ trụ có chi hơn con người, vì con người là vua vũ trụ. Mà trong con người chi xứng đáng để làm vật lễ? Sở hữu riêng biệt của con người là chịu khó thôi, cũng có thể thêm vào cái cố gắng chịu khó. Nhưng cố gắng, chịu khó thì có nghĩa lý gì trước mặt Chúa. Cả con người chúng ta là của Chúa, nếu chúng ta muốn dâng lại cho Chúa là điều không hợp, không thích đáng. Là thuộc hạ, không thề là vật dâng tiến.

Chính Chúa Giêsu đã giải quyết những rắc rối nầy. Có thể nói Chúa đau khổ và tử nạn là lãnh phần đền tội thay thế cho nhân loại. Thiên Chúa đã giáng trần Nhập Thể. Chúa vừa là Chúa, vừa là người. Chúa dùng nhân tính để làm vật lễ cúng tế, đồng thời cũng là vật lễ của loài người, vì Chúa đã tự nên lương thực làm con người kết hợp nên như một với Chúa.

Do đó, quả quyết được vật lễ là của con người, nhưng lại có giá trị vô cùng. Đó chính là mầu nhiệm đức tin.

Sống Tuần Thánh là sống chuẩn bị để hưởng nhờ ơn Phục sinh. Sống chuẩn bị là sống theo đường lối Thánh giá, Tử nạn, đường lối hiến tế. Hiến tế muốn có giá trị chính đáng thì phải kết hợp với Chúa Nhập Thể.

Trong Thánh lễ, chúng ta nhờ Chúa dâng hiến khổ nhọc và cả con người chúng ta hiệp với nhân tính của Chúa, làm vật lễ hiến tế: “nhờ Người, với Người và trong Người…”

Như vậy nói được là lễ chúng ta dâng cũng chính là lễ của Chúa giáng trần thượng tiến.

MỪNG CHÚA SỐNG LẠI

Hôm nay Hội Thánh ca mừng, tôn vinh, hân hoan phấn khởi vì công trình cứu chuộc đã hoàn tất. Chúa đã toàn thắng sự chết. Sự chết không còn làm gì được trên Chúa. Trái lại, Chúa còn làm chủ cả sự sống, sự sống cao siêu không còn lệ thuộc vật chất. Sự sống vĩnh cửu và vinh hiển.

Chúa là chủ của sự sống, có quyền ban phát sự sống cho những ai có đủ điều kiện đón nhận.

Mùa chay là thời gian mà Hội thánh hướng dẫn chúng ta thích dụng để có đủ điều kiện đón nhận ân huệ Phục sinh. Chay tịnh giúp mình lánh tội. Bố thí giúp cho mình gần Chúa, hợp ý Chúa, nhìn Chúa, noi gương Chúa sống thánh giá và tử đạo để nên vật lễ hiến tế. Chúa vừa là chủ tế, vừa là tế vật. Con người chúng ta kết hợp với nhân tính của Chúa được trở thành Hiến lễ tinh tuyền và có được phẩm giá vô cùng thích đáng.

Chúng ta hãy thích dụng mùa chay để chúng ta được gần Chúa, giống Chúa và kết hợp với Chúa thì chúng ta không những đủ điều kiện và nói được đáng Chúa ban cho những ân huệ phục sinh.

Chúng ta cũng thắng sự chết: vì những thoả mãn, vui thích tội lỗi đời sống tạm bị chúng ta đè bẹp và bắt nó làm nô lệ cho chính sự sống cao siêu của chúng ta.

Chúng ta biết nhìn về Chúa Kitô là gương mẫu cội nguồn (causa exemplaris) để sống giống Chúa. Sống giống Chúa là sống kết hiệp với Chúa đó chính là mục đích Chúa chỉ định cho mọi người chúng ta.

Ân huệ phục sinh là vượt qua cái chết tạm, để đạt chính cõi sống vĩnh cửu, sống vinh hiển và sống phước lạc.

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

TƯƠNG QUAN GIỮA GIÁO HỘI PHỔ QUÁT
VÀ GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

Trong tháng vừa qua, có một số anh chị em giáo dân khi đọc “Trang tìm hiểu Giáo luật” có gởi đến chúng tôi câu hỏi: Tại sao có sự phân chia Giáo hội phổ quát và Giáo hội địa phương, trong khi kinh tin kính chúng ta hằng tuyên xưng chỉ có một Giáo hội Công giáo, duy nhất…?

Câu hỏi được nêu trên, chúng tôi nhận thấy thuộc lãnh vực thần học và Giáo hội học nhiều hơn là lãnh vực của Giáo luật. Tuy nhiên, vì thấy câu hỏi hay và cũng có liên quan ít nhiều đến Giáo luật nên chúng tôi chọn để chia sẻ trong tháng nầy.

Trong các bản văn của Công đồng Vat. II, khi nói đến Giáo hội địa phương thì dùng hai từ Ecclesia particularis (Giáo hội riêng rẽ/cá biệt) và Ecclesia localis (Giáo hội địa phương), nhưng xét về ý nghĩa thần học thì hai từ nầy có nội dung không hoàn toàn giống nhau, nên khi uỷ ban soạn thảo bộ Giáo luật 1983 đã quyết định chỉ dùng một tiếng Ecclesia particularis mà thôi, vì từ nầy nói lên được đặc tính của Giáo hội địa phương. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đề nghị không dịch sát nghĩa từ Ecclesia particularis là Giáo hội riêng rẽ hay là Giáo hội cá biệt, vì dịch như vậy sẽ nghe không êm tai, mà đề nghị dịch là “Giáo hội địa phương”.

Thật ra, khi đọc Kinh thánh, chúng ta không tìm thấy chổ nào phận biệt cách minh nhiên Giáo hội phổ quát hay Giáo hội địa phương. Dầu vậy, nhiều lần Tân ước nói đến Ecclesia (Giáo hội), để chỉ tất cả những người tin vào Chúa Kitô khi họ họp lại thành một cộng đồng duy nhất dưới quyền lãnh đạo của thánh Phêrô (x. Mt.16,18). Cộng đoàn “Giáo hội” nầy có khi chỉ là một thành phố như ở Giêrusalem (Cv. 5,11), Antiôkia (Cv.14,27; 15,3), Êphêsô (Cv.20,17.28); có khi là một miền như ở Galata (1Cor.16,1), Macêđônia (2Cor.8,1), Giuđêa (Gl.1,22); cũng có khi từ “Giáo hội” được áp dụng cho một nhóm người họp nhau cầu nguyện (Rm.16,5; 1Cor.16,19).

Do đó, từ những chứng cứ của Kinh thánh, chúng ta có cơ sở để phân biệt Giáo hội phổ quát hay hoàn vũ với tất cả những người tin vào Chúa Kitô trên thế giới (Mt.16,18), và Giáo hội địa phương, nghĩa là Giáo hội của Chúa tại một nơi nào đó như Thánh Phaolô đã từng nói: “Giáo hội của Thiên Chúa ở tại Côrintô” (1,2Cor.1,1-2); và “Kính gởi Hội Thánh ở tại Thê-xa-lô-ni-ca” (1,2 Tx.1,1)…Như vậy, Giáo hội của Chúa tuy là duy nhất trong sự phổ quát, nhưng cũng là nhiều trong sự hiện diện ở mỗi địa phương: “Trong các Giáo hội địa phương và từ các Giáo hội địa phương hiện hữu một Giáo hội Công giáo duy nhất” (Vat. II, LG. 23,a; GL. đ.368). Nói một cách cụ thể hơn, Giáo hội không phải là một thực thể dựa trên số lượng hay cơ cấu, nhưng trước hết là phẩm chất. Ta có thể mượn hình ảnh của nước để tạm so sánh với hình ảnh Giáo hội: nước nhiều như ở biển hay chỉ là một giọt nước trong ly thì cũng đều là nước, miễn nó hội đủ các yếu tố cấu thành nước.

Trên phương diện thần học, người ta nhận ra Giáo hội của Chúa tại bất cứ nơi nào có sự hiện diện của cộng đoàn dân Chúa (một châu: Giáo hội Á châu, Phi châu; một quốc gia: Giáo hội Việt Nam; hoặc một miền, một giáo phận, một giáo xứ). Cách nói nầy cũng làm cho nhiều người liên tưởng đến cách phân chia hành chánh trong các quốc gia: “trung ương” và “địa phương”. Địa phương có: tỉnh, huyện, xã, ấp…cấp nào người ta cũng có thể gọi là địa phương để phân biệt với cấp trung ương. Tuy nhiên, các nhà lập pháp hiểu Giáo hội địa phương chỉ ở cấp giáo phận và tương đương với giáo phận như chúng ta thấy ở điều 368 của bộ Giáo luật: “Các Giáo hội địa phương ám chỉ trước hết là các giáo phận, và tương đương với giáo phận là hạt giám chức tòng thổ và đan viện tòng thổ, hạt đại diện tông toà và hạt phủ doãn tông toà, cũng như hạt giám quản tông toà được thiết lập cách cố định”.

Với khái niệm ở điều 368 của bộ Giáo luật, Giáo hội địa phương được nói đến trước hết là các giáo phận, và những phần tương đương với các giáo phận như vừa kể trên. Ai trong chúng ta cũng biết trong Giáo hội Công Giáo trên toàn thế giới thì có nhiều giáo phận, nhiều phần tương đương như vậy nên được gọi một cách chung là “Các Giáo hội địa phương”. Theo niên giám của Toà thánh, vào năm 2001, trong toàn Giáo hội Công Giáo có 2014 giáo phận và 51 hạt giám chức tòng thổ, 13 đan viện tòng thổ, 76 hạt đại diện tông toà và 16 hạt phủ doãn tông toà. Riêng Giáo hội Công Giáo ở tại Việt Nam tính đến tháng 3/2010 thì có tất cả 26 giáo phận; không có những phần tương đương với Giáo phận.

Khái niệm về Giáo hội địa phương không phải là sự chia sẻ Giáo hội thành trăm ngàn mảnh với tâm thức bè phái địa phương cục bộ, nhưng nhằm nhấn mạnh đến tính cách nhập thể của Giáo hội vào điều kiện của con người sống trong những hoàn cảnh cụ thể của không gian và thời gian; nhằm phát huy các giá trị Tin Mừng qua các nền văn hoá khác nhau và bén rể sâu vào lòng dân tộc của địa phương đó.

Giáo hội của Đức Kitô là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền thực sự hiện diện và tác động trong các Giáo hội địa phương. Giáo hội phổ quát hợp nên nhờ mối dây hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương, tuy rải rác khắp nơi trên thế giới, nhưng hợp nhất với nhau qua việc tuyên xưng cùng một đức tin, qua việc lãnh nhận cùng một Thánh Thể của Đức Kitô, và qua sự hiệp thông của các Giám mục với nhau và với Giám mục Rôma, thủ lãnh của giám mục đoàn (x.đ. 330,368-369). Giám mục Rôma là đấng kế vị thánh Phêrô, các giám mục khác là những người kế vị các tông đồ. Vì là đấng kế vị thánh Phêrô nên Giám mục Rôma là mục tử tối cao, trực tiếp của toàn thể Giáo hội; vì là tông đồ đoàn nên các giám mục khác cũng có bổn phận cùng với Phêrô chăm sóc đoàn chiên Chúa trao là Giáo hội hoàn vũ (x. đ.330,336,337). Ngoài ra, mỗi tông đồ đoàn (giám mục) được trao thêm một Giáo hội địa phương với quyền hành riêng (thông thường và trực tiếp) để dẫn dắt đoàn chiên trong sự hiệp thông với Giám mục Rôma và giám mục đoàn (x.đ. 369,381).

Như vậy, Giáo hội phổ quát và Giáo hội địa phương không phải là hai thực thể khác nhau, phân biệt nhau, nhưng là một thực thể duy nhất. Bởi vì “trong các Giáo hội địa phương và từ các Giáo hội địa phương mà Giáo hội hoàn vũ hiện hữu và sống động” (đ.369). Nhưng Giáo hội phổ quát cũng không phải là sự cộng lại của các Giáo hội địa phương, mà các Giáo hội địa phương cùng nhau trong sự hiệp thông sinh động kết thành một thân thể thống nhất là nhiệm thể của Chúa Kitô.

TRANG LINH MỤC

VAI TRÒ CHÚA THÁNH THẦN TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ

Khi đọc Phúc Âm tôi nhận thấy Chúa Giêsu là một nhà giảng thuyết tuyệt vời và là một giảng viên giáo lý Thần Diệu, vì Ngài biết rõ lòng người và Lời Ngài đầy uy quyền. Tuy nhiên khi Ngài dạy dỗ cho các tông đồ thì các ông lại không hiểu lòng các ông như chai lại (Mc 6,52), đến nỗi Ngài nặng lời với các ông: ”Cả các ngươi cũng đần độn đến thế!..” (Mc7,18). Và Chúa Giêsu đành hẹn các ông và hứa ban Thánh Thần để đem các ông vào trong sự thật (Yn 16,12-13).

Vấn đề được đặt ra ở đây là nếu như Đức Giêsu là Thiên Chúa mà còn phải nhờ Chúa Thánh Thần đến khai mở trí khôn cho các Tông Đồ thì tôi một con người hèn hạ lại càng phải cần Chúa Thánh Thần trợ giúp trong việc giảng dạy cho người khác biết là chừng nào!

Ý thức được tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần, nên trước khi giảng dạy tôi thường cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và đốt lửa kính mến Chúa trong lòng tôi và người nghe.

Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, Người giúp tôi yêu mến Chúa, thích nói về Chúa, nói một cách xác tín giúp người nghe dễ dàng đón nhận và cảm nhận được tình yêu của Chúa nơi tôi. Nếu giảng hay dạy mà không có tình yêu mến Chúa, tôi chỉ làm cho có lệ, sơ sài, qua loa, hay nói theo sở thích của mình hay người khác mà không thuyết phục được ai.

Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, Người hướng dẫn soi sáng giúp tôi tránh nói hớ và nói lạc hướng; Người dạy tôi phải nói điều gì trước, điều gì sau, điều gì chưa nên nói vào lúc này, nếu không người nghe sẽ rơi vào “mê hồn trận” khó lòng mà đón nhận.

Biết Chúa Thánh Thần là Tác Nhân Chính và chủ động trong việc dạy giáo lý nên tôi cần phải khiêm tốn hơn mỗi khi thành công và càng phải hạ mình hơn khi thất bại để van xin Người nâng đỡ ủi an giúp tôi kiên trì trong sứ mạng mà Chúa thương trao cho tôi.

TRANG TU SĨ

LỚP GIÁO LÝ ĐẦU TIÊN

Dạy Giáo lý đối với người nữ tu thì đó là một nghề nói theo phương diện đời. Theo nghĩa linh thiêng thì đó là một sứ mạng của người thánh hiến nói chung, sứ mạng của mỗi Hội Dòng nói riêng. Là một tu sĩ, tôi ý thức rất rõ điều đó. Một trong những quan tâm trong năm Tập Giáo Luật là học hỏi phương pháp dạy Giáo lý theo chương trình của Nhà Dòng ấn định. Thêm vào đó, tôi còn tự học hỏi tự thu thập, trao dồi thêm kiến thức nơi sách vở, kinh nghiệm của những Dì, những Chị đang công tác trong việc dạy Giáo lý. Kết thúc năm tập, tôi tự tin cảm thấy mình đã chuẩn bị hành trang đầy đủ. Trong trí tôi tưởng tượng mình sẽ dạy một lớp Giáo lý với đông đảo những em thiếu nhi, mắt tròn xoe, dõi theo từng lời nói của tôi và lớp học sẽ sinh động biết bao với một giáo án tuyệt vời, những thủ thuật, câu chuyện minh họa thật hấp dẫn mà tôi sẽ khéo léo lồng vào bài Giáo lý.

Thế nhưng, người ta thường nói ở đời không ai biết được chữ “Ngờ” hay “Tính trước bước không qua”. Ôi trời ơi! kết thúc năm tập, tôi được sai đến một họ đạo mà giáo dân trong sổ sách khoảng bốn trăm, đi Lễ Chúa Nhật khoảng một trăm, tạm gọi là thiếu nhi của họ đạo từ lớp mẫu giáo đến lớp mười hai chưa được hai mươi em.

Cha Sở còn phán một câu thế này: “Tôi giao mấy em thiếu nhi cho cô, cô lo dạy cho tụi nó học Giáo lý, biết đọc kinh, siêng năng đi Lễ. Ở đây nó làm biếng lắm, không bao giờ đi Lễ sớm để đọc kinh, giáo dân không phải toàn tòng mà là đạo mới, đi Lễ còn phải năn nỉ họ nữa.”

Rầm! Ước mơ của tôi vỡ tan một cách thê thảm. Làm sao đây, ở một lớp Giáo lý đặc biệt thế này? Tôi thật sự bị sốc, buồn và chán nản biết bao. Dạy cho các em lớn hiểu thì các em nhỏ không hiểu, dạy cho các em nhỏ hiểu thì các em lớn chán. Thế nào đây, chia theo từng độ tuổi ư? có bao nhiêu đâu mà chia, hai em ba em một lớp sao? thời gian đâu mà dạy. Buồn, chán quá nhưng. . . cũng phải dạy thôi.

Những ngày đầu dạy Giáo lý đối với tôi thật vất vả, chưa xong Lễ là các em đã lục tục kéo nhau ra về, mặc dầu trước Lễ cha đã thông báo là từ nay các em bắt đầu học Giáo lý, Lễ xong ở lại học khoảng nửa tiếng mới được về. Làm sao cho các em ham học Giáo lý đây? Đi Lễ xong ở lại đã khó, chẳng lẽ nói với cha mẹ chúng nó bắt chúng nó ở lại, hay Lễ xong ra cửa Nhà thờ chận lại bảo ở lại học Giáo lý thì ép buộc quá, mà nếu ép buộc như thế tôi dạy cũng không hứng thú, các em học cũng không vô.

Những bài giáo án soạn hay, soạn kỹ, soạn theo đúng trình tự lên lớp, soạn một cách khoa học đành. . . xếp cất vào tủ. Từ đây, tôi phải soạn cho mình một giáo án mới hoàn toàn, có một không hai. Thời gian lên lớp của tôi: ở mọi lúc. Có khi các em đi Lễ sớm tôi tranh thủ hỏi chuyện rồi dạy một vài điều với tính cách là trò chuyện. Không gian lên lớp của tôi: ở mọi nơi. Khi thì đóng mở cửa Nhà thờ, khi thì bưng giúp các chậu hoa, khi mang đồ lễ từ nhà Dì lên nhà thờ. . .

Lâu dần, các em trở nên gần gũi, yêu thích đến Nhà thờ hơn. Từ việc đi Lễ trễ về sớm, hôm nay Lễ xong đã biết tự động ở lại đóng cửa Nhà thờ, hăm hở cùng vào học Giáo lý sinh hoạt, đi học ở trường về còn tranh thủ vào hỏi Cô xem ngày mai học bài nào, có trả bài không, bài Phúc Âm ngày mai là bài nào để các Em mở ra đọc trước (tôi có cho mỗi em một quyển Thánh Kinh nhưng vì tôi nhận công tác vào tháng tư đã hết lịch Công giáo nên không thể mua cho mỗi em một quyển được). Vui nhất là các em mẫu giáo không biết chữ cứ chiều thứ bảy là vào hỏi cô một câu Kinh Thánh của bài Phúc Âm ngày mai, hoặc hỏi cô bài Phúc Âm ngày mai của ai để làm le với các anh chị lớn.

Câu chuyện này xảy ra cách đây khoảng mười năm, giờ đây tôi đã khấn tôi đã được dạy nhiều lớp Giáo lý ở những môi trường khác nhau nhưng tôi chưa gặp lại lớp Giáo lý nào như thế. Đối với tôi lớp Giáo lý này thật thú vị, phương pháp tôi dạy rất đơn giản. Một chút chia sẻ tôi mong rằng chỉ cần chúng ta yêu mến công việc và trên hết tôi tin rằng Chúa luôn đồng hành với tôi.

KẾT QUẢ DO CHÚA

- Con rầu quá trời Dì Năm ơi! Thằng Hưng, con trai của con hôm qua bỏ học để đi chơi game với bạn tới tối mới về, vậy mà dám nói dối là đi học. Bữa nay cô giáo gởi thơ về mắng vốn mới biết đó. Gia tài có cái đồng hồ nó cũng bán chơi hết rồi. Thiệt là con với cái!...

- Thằng út nhà con đang học lớp giáo lý của Dì Năm đó, bây giờ lại bắt chước đua đòi với chúng bạn: thấy bạn bè có điện thoại di động cũng đòi mua cho bằng được! Con không cho thì nó lại ăn cắp tiền con dành dụm được để lo cho nó ăn học mua cái điện thoại rồi. Con buồn lắm Dì Năm ơi!...

- Không biết thời nay ở trường dạy làm sao mà đến lúc làm bài thi, mấy đứa nhỏ ngang nhiên chuyền bài cho nhau để chép (hình như là đã có đáp án sẵn), đứa nào không chép giống như vậy thì coi như không được điểm tốt hay có khi ăn zero nữa. Thật là phi lý quá sức!

Trên đây là những lời than vãn, tâm sự của các bậc làm cha mẹ trong họ đạo nơi tôi đang giúp. Đó cũng là những câu chuyện thường hay xảy ra trong thời đại chúng ta ngày nay, cái thời đại mà con người đang ráo riết chạy theo sự phát triển hầu như vô tận của công nghệ thông tin.

Là cha mẹ Công Giáo, không ai là không lo cho con em của mình, khi chúng đang chập chững bước vào đời trong một xã hội đầy những quyến rũ và mời gọi hấp dẫn của các phương tiện truyền thông: sách báo, phim ảnh, điện thoại, internet… đang dần dần lôi kéo tuổi trẻ năng động, thích tìm tòi và háo thắng vào con đường tội lỗi. Rồi những cám dỗ ngọt ngào của sự tranh giành, gian dối, lọc lừa ngay trên ghế nhà trường, nơi đào tạo những mầm non tương lai của xã hội và đất nước. Như vậy mới tai hại chứ! Còn nhỏ thì phạm lỗi nhỏ, lớn một chút thì tội cũng lớn theo, rồi tương lai của Giáo Hội và xã hội sẽ ra sao ai mà biết được… Trách nhiệm này thuộc về ai đây? Gia đình hay nhà trường? Xã hội hay Giáo Hội? Suy cho cùng đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta, mọi thành phần có liên quan đến tương lai của những người trẻ hôm nay. Nhưng phải làm thế nào để “sửa lại những gì đã hỏng” và “làm mới lại những gì đã cũ” nếu không có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần?

Thật vậy, trước khi về trời, Chúa Giêsu đã hứa sẽ ban Thánh Thần, “Đấng Bảo Trợ”, “Đấng An Ủi”, “Thần Chân Lý” đến canh tân con người, canh tân toàn bộ thế giới này, một thế giới đã bị tục hóa. Trong một xã hội như thế, hơn lúc nào hết, vai trò của Chúa Thánh Thần vô cùng quan trọng đối với công việc đào tạo một thế hệ mầm non rất cần được lưu tâm như hôm nay. Nhưng khổ nỗi, Người thường hay bị “bỏ quên” trong cuộc sống của chúng ta. Trong khi Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng Người ít khi được ta nhắc tới trong lời cầu nguyện thường ngày của chúng ta. Chúa Thánh Thần là “hơi thở”, là tình yêu của con người nhưng lại ít ai trong chúng ta để ý mà tạ ơn Người. Thân xác chúng ta là “Đền thờ” của Chúa Thánh Thần nhưng đã bao phen ta coi thường nó, làm nhơ uế nơi thánh thiêng này… Chính chúng ta đã quá thờ ơ, vô tâm với ơn Chúa Thánh Thần, không để cho Người có “cơ hội” thực hiện quyền năng của mình trong chúng ta và trong thế giới.

Đứng trước tương lai của Giáo Hội và xã hội, chúng ta không thể làm ngơ khi tuổi trẻ ngày càng giảm đi ý thức về tội. Người kitô hữu hôm nay, nhất là những ai làm công việc dạy giáo lý, không thể quên vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần, trước tiên là trong đời sống mình: siêng năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, lắng nghe tiếng lương tâm, và gìn giữ cho tâm hồn thanh sạch để xứng đáng đón nhận nguồn ơn thiêng của Người. Được như vậy thì công việc dạy giáo lý của chúng ta mới mong đạt kết quả.

TRANG SỐNG ƠN GỌI

CHÚA CÓ CÁCH

Các Tông Đồ, những con người theo Chúa Giêsu trong suốt ba năm công khai rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hằng nghe biết bao Lời Chúa Giêsu rao giảng. Chứng kiến không ít những phép lạ Người làm. Đặc biệt, họ được chính Chúa Giêsu loan báo trước cuộc khổ hình, cái chết và sự sống lại của Người. Ấy vậy mà, đứng trước cái chết của Thầy Giêsu, các ông vẫn không hiểu, vẫn bỏ chạy và chối Thầy. Các ông buồn rầu và thất vọng về cái chết của Thầy. Nhưng có một cái gì đó làm các ông thay đổi! Từ những con người tuyệt vọng, các ông lại trở nên hăng say và can đảm lạ thường. Từ những con người nhát đảm, các ông lại trở nên mạnh mẽ. Tại sao như thế? Thưa, các ông “được đầy Thánh Thần”. Chính Chúa Thánh Thần là nguyên nhân của mọi sự việc sau khi Đức Chúa Giêsu sống lại và lên trời.

Chính Chúa Thánh Thần làm cho các Tông Đồ khi xưa trở thành chứng nhân trung thành của Chúa Kitô Phục sinh; và ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động để làm cho mọi kitô hữu trở thành chứng nhân của Chúa Kitô. Hơn thế nữa, chính Chúa Thánh Thần huấn luyện những tông đồ đặc biệt – ơn gọi tu trì – để gởi họ vào những cánh đồng truyền giáo của Thiên Chúa.

Có một Cha trẻ nọ, mới ra trường, về làm phó ở một Họ đạo lớn. Cha sở giao cho trách nhiệm chăm sóc các em dự tu của Họ đạo. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cộng với những dự tính cho tương lai khi còn ngồi trên ghế Đại Chủng Viện, Cha bắt tay ngay vào việc. Ban đầu công việc diễn ra thuận lợi theo ý Cha. Bao chương trình Cha đưa ra đều được các em chấp nhận. Nhưng rồi từ từ lửa nhiệt thành bị phai tàn. Các em dự tu xin nghỉ dần. Những dự liệu ban đầu của Cha phó không được hoàn hảo, làm Cha nản lòng, không còn thiết tha với công việc nữa. Sau cùng như thấy mình thất bại, Cha trả các em dự tu lại cho Cha sở!

Tại sao lòng nhiệt thành lớn như thế kia mà Cha phó không thực hiện được? Thưa, chính vì nhiệt thành quá với công việc, mà Cha quên mất phần linh hồn của công việc mình làm! Cha chỉ làm có một mình, làm theo dự định và sở thích của mình. Cha quên mất công việc ấy là của Chúa, và chính Chúa Thánh Thần mới là tác nhân chính, còn Cha chỉ là người phải thực hiện. Cũng giống như các tông đồ xưa, khi Thầy Giêsu bị bắt, bị giết, các ông thấy mình thất bại, thấy lý tưởng mình lụi tàn. Chỉ khi các ông mở lòng mình ra cho Chúa Thánh Thần, các ông mới ra sức cộng tác để làm cho tình yêu Chúa được rộng mở. Dù cho đứng trước những khó khăn, đón nhận biết bao thất bại nhưng các Tông Đồ không nản lòng. Các ông tin Chúa Thánh Thần sẽ làm hết tất cả mọi việc! Phần các ông là cộng tác hết sức mình mà thôi.

Cha sở vui vẻ nhận lại các em dự tu. Ngài nói rằng, mình cứ làm hết sức, cho dù thất bại nhưng ít nhất công việc của mình cũng mang lại một điều tích cực nào đó. Trải nghiệm cuộc đời Linh mục giúp ngài nhận ra sự trợ giúp đặc biệt của Chúa Thánh Thần trong từng công việc của ngài. Tôi thấy ngài nâng niu từng ơn gọi mà ngài chăm nom. Để có được những mầm non ơn gọi đó, tôi biết ngài đã thất bại rất nhiều (theo cái nhìn của người đời) nhưng ngài không buồn, không thất vọng. Ngài vẫn âm thầm gieo trồng. Rồi để tìm được niềm vui trong công việc của mình ngài nói mình chỉ là “công nhân” của Chúa Thánh Thần mà thôi.

Công trình của Chúa Thánh Thần ngày nay vẫn còn đang được tiếp tục. Ngài vẫn đang làm chứng về Chúa Giêsu và Ngài đang hướng dẫn chúng ta để trở thành nhân chứng của Chúa Giêsu. Chúng ta cần cộâng tác tích cực để công trình này ngày trở nên sung mãn hơn. Đừng thất vọng, nhưng có cái nhìn tích cực như Cha sở nọ. Nhìn thấy điều tích cực trong công việc của mình. Vì Chúa có cách của Ngài. Chúng ta chỉ là những “công nhân” nhiệt thành và chăm chỉ là được!

TRANG THIẾU NHI

Dấu ấn Thánh Thần

Nếu như được hỏi bạn có kinh nghiệm gì về ân ban của Thiên Chúa, chắc chắn nhiều người sẽ dễ dàng có câu trả lời cho mình. Thoáng nhìn qua những tấm bảng tạ ơn đặt tại các điểm hành hương ta cũng hiểu được kinh nghiệm ân ban mà mỗi người tranh nhau bày tỏ. Nhưng nếu được hỏi bạn có kinh nghiệm gì về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời bạn, có lẽ nhiều người sẽ gặp lúng túng trong câu trả lời.

Dẫu biết thời đại ta sống là thời đại của Chúa Thánh Thần, hoạt động của Ngài không ngơi nghỉ, ấy vậy có mấy người nhận ra? Hoạ chăng ta chỉ nhớ Ngài trong khoảnh khắc ngắn ngủi lúc khởi đầu cầu nguyện để rồi quên bẳng Ngài suốt khoảng thời gian dài về sau. Với khát mong đi tìm dấu ấn Chúa Thánh Thần trong đời sống, tôi nhận thấy Ngài luôn hiện hữu để điều khiển và đổi mới những gì cần thiết nhất cho cuộc sống con người.

Từ hiểu biết đến mến yêu

Những hiểu biết về Thiên Chúa tôi lãnh nhận từ người khác và tôi có nhiệm vụ tiếp nối sứ mạng rao truyền cho những người tiếp theo. Người ta vẫn nói vô tri bất mộ. Nhưng thật ra biết Chúa chỉ là bước khởi đầu, mến Chúa mới là bước quyết định. Bước quyết định này chính nhờ Chúa Thánh Thần biến đổi chứ không do ai khác. Tôi giúp người khác hiểu biết Thiên Chúa nhưng Chúa Thánh Thần mới làm cho họ mến Chúa. Tôi nói cho người khác về những kinh nghiệm đức tin còn Chúa Thánh Thần mới làm cho họ tin. Hiểu rõ điều này ta mới thấy vai trò của Chúa Thánh Thần rất quan trọng. Khởi sự nơi con người nhưng thành toàn phải nại đến Ngôi Ba Thiên Chúa. Từ hiểu biết đến mến yêu tưởng đâu “sát vách” nhưng thật ra là cả một khoảng cách rất dài. Khoảng cách này do Chúa Thánh Thần hoạt động để lòng người luôn được đổi mới.

Từ phận hèn nên thánh thiện

Phận người vốn thấp hèn, yếu đuối như Thánh Phaolô đã ví von như chiếc bình sành dễ vỡ. Nhưng với chiếc bình sành dễ vỡ đó Thiên Chúa tin tưởng trao gởi kho tàng mọi ân ban. Vì đâu Thiên Chúa quá tin tưởng như vậy? Thưa vì Thiên Chúa có ý định nâng cấp con người mỗi ngày cho phù hợp với chương trình của Thiên Chúa. Từ bụi đất Chúa dựng nên con người có linh hồn và thể xác. Rồi từ con người ấy Chúa lại nâng lên làm con cái Thiên Chúa. Qua các Bí tích, từng bước Thiên Chúa thánh hoá con người và cho con người thấy được mình đáng được ban ơn và cứu chuộc.

Trong công cuộc tạo dựng và thánh hoá luôn có dấu ấn của Chúa Thánh Thần. Khi con người còn là hư vô thì Thiên Chúa đã làm cho nó có hình có dạng. Khi con người phạm tội ngã sa thì lại được kêu mời để Thánh Thần ban ơn tha thứ. Thánh Thần đến canh tân bộ mặt trái đất nhưng trước hết là canh tân tận cõi lòng người, để thân phận yếu hèn mỗi người trở nên thánh thiện xứng với ơn thiêng.

Nâng cao số lượng và phẩm chất

Tính Công giáo trong Giáo Hội sẽ được Chúa Thánh Thần duy trì cho đến ngày cánh chung. Chúa Thánh Thần đóng vai trò quy tụ các dân, các nước về một mối. Trong Giáo hội, những người nam, người nữ, trẻ em dù khác biệt nhau về sắc tộc, ngôn ngữ, giai cấp, địa vị…nhưng tất cả vẫn được mời gọi để được Thánh Thần tái tạo thành một dân mới thuộc về Thiên Chúa.

Trong Giáo hội mỗi người là thành viên trong gia đình, là dân thánh hiệp nhất trong cùng một đức tin, một lòng mến và một niềm hy vọng cứu độ. Trong gia đình Giáo hội, Chúa Thánh Thần làm cho lòng người được trải rộng đến mọi người, những khác biệt dần dần được xoá bỏ vì tất cả là anh chị em.

Cuộc sống tự nhiên hay đời sống thiêng liêng luôn cần sự đổi mới. Đổi mới như là điều kiện bắt buộc để con người tồn tại và phát triển. Triết gia Henry Bergson đã nói: “Sống là để thay đổi, thay đổi để trưởng thành, trưởng thành để tiếp tục phát triển bản thân”. Chúa Thánh Thần đóng vai trò kiện toàn cho cuộc sống nhân loại. Ngài hiện hữu để đổi mới, nâng cao và đưa con người đạt đến sự trọn lành nơi Thiên Chúa. Dấu ấn Chúa Thánh Thần tiếp tục in sâu trong cuộc sống, nơi những người biết sống cho niềm tin.

TRANG GIỚI TRẺ

TIN VÀO CHÚA THÁNH THẦN

Ngày nay, đời sống kinh tế của người dân Việt nam tương đối khá hơn so với thời gian trước đây. Đời sống kinh tế khá hơn thì việc sở hữu một chiếc xe gắn máy dễ dàng hơn. Dường như mỗi gia đình Việt nam hiện nay, từ thành thị cho đến nông thôn ít nhất cũng có được một chiếc để làm phương tiện đi lại.

Nói đến việc sở hữu một chiếc xe thì không phải có tiền mua một chiếc xe mới thì đương nhiên được tham gia giao thông. Khi mua được một chiếc xe mới, điều đầu tiên là người ta phải đến công an giao thông để đăng ký giấy chủ quyền. Giấy chủ quyền ấy được gọi là linh hồn của chiếc xe. Cầm được giấy chủ quyền trong tay, người ta mới an tâm điều khiển chiếc xe ấy.

Một cách nào đó, Giáo hội của Chúa Kitô được sống và phát triển cho đến hôm nay là nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của mọi hoạt động trong Giáo hội. Cách riêng, một trong những hoạt động ấy chính là sứ vụ dạy Giáo lý.

Có hai dấu chỉ để nhận biết Chúa Giêsu đã thật sự sống lại: Một là ngôi mộ trống, không còn xác Chúa. Hai là sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ, đã ăn uống và trò chuyện thân mật với họ. Nhưng còn một dấu hiệu quan trọng hơn nữa đó là sự thay đổi thái độ sống của các Tông đồ. Thay đổi từ những con người nhút nhát, sang những người hăng hái rao giảng Tin mừng. Sự thay đổi ấy chính nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần. Ngài thổi vào lòng các ông lòng nhiệt thành rao giảng đến nỗi dám đánh đổi cả mạng sống.

Như vậy, kể từ Ngày Lễ Ngũ Tuần cho đến nay và mãi đến tận thế Chúa Thánh Thần là linh hồn và sức mạnh cho Giáo hội trong việc truyền giảng đức tin cho anh chị em mình. Cho nên, Chúa Thánh Thần chính là Thầy đích thực dạy Giáo Lý qua môi miệng các Giáo Lý Viên. Đồng thời, chính Người cũng sẽ dọn lòng những học viên giáo lý để họ đón nhận cách dễ dàng những chân lý đức tin được truyền thụ.

Là người Công giáo, chúng ta hãy tin và đón nhận những gì mình được Giáo hội dạy dỗ. Bởi lẽ, những điều đó do chính Chúa Thánh Thần Đấng dạy dỗ và hướng dẫân chúng ta qua Hội Thánh.

TRANG GIA ĐÌNH

GIA ĐÌNH NUÔI SỮA ĐỨC TIN VÀ NHÂN BẢN

Bé Linh ba tuổi, bị bệnh được mẹ đưa vào bệnh viện nhi điều trị. Sau khi khám bệnh, siêu âm và thực hiện các thủ tục lâm sàng, bác sĩ trưởng khoa quyết định giải phẫu. Em phải nằm trên băng-ca đẩy vào phòng mổ. Trước khi mổ, bác sĩ áp dụng các phương pháp tâm lý trị liệu, bác dỗ bé như mẹ ru:
- Bác sẽ cho bé ngủ rồi bác mới chữa cho bé hết bệnh, nhe !
Vừa nghe đi ngủ, bé liền xin bác sĩ :
- Xin bác cho con đọc kinh trước khi ngủ.
Bác sĩ ngạc nhiên hỏi :
- Sao con đọc kinh trước khi ngủ ?
- Mẹ con dạy và mỗi tối cả nhà con đều đọc kinh như vậy.

Qùy trên băng-ca, em nói với bác sĩ :
- Thưa bác, con đọc kinh rồi, bác cho con ngủ đi.
Thế là bé đã đi vào giấc ngủ thiên thần !

Qua câu chuyện Bé Linh hồn nhiên và sống thật trên đây, ta đã thấy vai trò giáo dục đức tin cho con cái là vô cùng quan trọng trong các gia đình công giáo.

Riêng về điểm này thì càng rõ ràng hơn, vì niềm tin tôn giáo của trẻ vốn gắn rất chặt với những gì cha mẹ chúng tin và thực hành trong cuộc sống. Đối với kitô hữu, tuy đức tin là một ân sủng Chúa trao ban cho con người nhưng không hề miễn trừ việc giáo dục và chăm sóc đức tin và đời sống đức tin của mọi tín hữu, điều này rất cần thiết nữa là khác. Vì vậy gia đình giữ vai trò rất quan trọng trong sứ vụ này.

Không ai có ý tưởng khác hơn lời Đức Thánh cha Piô X: “Tôi đã học hết các thầy hay, hết các trường giỏi, nhưng không có thầy nào hay, không có trường nào giỏi bằng trên đầu gối người mẹ”. Và chúng ta cũng có thể kết luận cả cuộc đời: “Con người sinh ra từ gia đình, lớn lên và trưởng thành trong gia đình và chết đi từ gia đình”.

Như vậy, không có chuyên gia nào có thể thay thế gia đình !

Những hình ảnh ấn tượng nhất khắc sâu trong đời tôi chính là những kỷ niệm “gian khổ” thời thơ ấu trong việc rèn luyện đức tin trong gia đình tôi, kể cả bà nội và cha mẹ tôi như rập khuân. Đến nỗi nhiều cử chỉ đã đi vào tiềm thức tôi mãi đến hôm nay và sẽ suốt đời tôi, đã trở thành phản xạ tự nhiên như tia nắng mặt trời với các loài hoa. Đó là “Dấu Thánh Giá”.

Chắc chắn, mẹ tôi đã kéo bàn tay bụ bẫm, thơ ngây của tôi, đặt thành dấu Thánh Giá trên thân mình bé xíu khi tôi chưa có “trí khôn”. Sau này , khi có “trí khôn”, tôi đã làm thành thạo và làm luôn mọi nơi, mọi chỗ, mọi việc, cả khi giật mình trong chiêm bao…Tất nhiên khi đó tôi làm như cỗ máy vô hồn; đến bây giờ đã “gần cổ lai hy” vẫn thế: uống thuốc, ăn bánh, ăn kẹo ở đâu là làm dấu Thánh Giá, vì mẹ tôi dạy như thế và bà luôn làm như thế. Và sau này tôi lại được thứa hưởng nền giáo dục công giáo trong trường tiểu học do các nữ tu Dòng Thánh Phaolô huấn luỵện, dù đang giờ học, cứ nửa giờ Ma Sơ gõ bàn, tất cả học sinh chúng tôi qùy gối lên đọc kinh: “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ …” và câu học đầu tiên cũng là con “két” chưa cần biết mặt chữ : “Bonjour Ma soeur”, “Merci Ma soeur”, “Au revoir Ma soeur”từ lớp nhì (hai). Còn đọc kinh tối, phải tập qùy gối để đọc kinh. Tôi đã ngủ gục đến lọt sàn, cha tôi cũng lôi lên đọc tiếp.

Đi lễ thường ngày “bị” cõng đi xa nhà thờ hàng cây số. Phải lúc đó được nghe ai “ngụy biện”: “Sao không để nó trưởng thành, tự nó quyết định?”. Nhưng khi lớn, tôi đã biết hỏi lại: “Sao không để ông lớn, tự ông chọn bú mẹ hay không ?”. Nếu chúng ta không được mẹ “bắt bú, bắt ăn”, không biết chúng ta còn có trên đời này không ?.

Mới đây, tất cả cư dân “mạng” phải kinh ngạc về tin “Thiên tài Thế vận hộâi đã bỏ giầy trượt băng mang đôi dép nữ tu “ như sau: Mỗi buổi sáng, trong không khí tĩnh lặng của Tu viện Thánh Giuse tại Leeds, nữ tu Catherine khóac lên người bộ quần áo màu xám tro, chị đội ngay ngắn chiếc khăn lúp màu đen lên đầu và thắt lưng bằng một sợi dây có ba nút- tượng trưng những nhân đức khó nghèo, khiết tịnh và tuân phục- rồi xỏ chân vào đôi dép của một nữ tu Dòng Thánh Phanxicô.

Vào lúc này, mười hai năm trước, khi còn mang tên Kinstin Holum, khác với bây giờ, chắc chị đã xỏ chân vào đôi giầy trượt băng. Năm 1998, chị tranh tài cho Hoa Kỳ tại Thế Vận Hội Mùa đông ở Nagano, Nhật Bản. Sau khi được xếp hạng thứ 6 trong cuộc trượt băng 3000m vận tốc cao và hạng thứ 7 cuộc đua 5000m, cô gái 17 tuổi này được coi như một thần đồng trong cuộc tranh tài thi đua với các nhà thể thao lớn tuổi chính vào thời kỳ sung sức nhất của họ. Cũng chính từ nguồn nơi bà mẹ Dianne Holum, bà là một người Công giáo ngoan đạo, từng truyền đạt cho con gái mình biết tầm quan trọng của đức tin.

Tuy nhiên, đức tin và nhân bản gần như một không thể tách rời. Có thể nói: nhân bản là hành động của đức tin. Chắc chắn vị thánh không thể là người thiếu những đức tính nhân bản. Đức tin và nhân bản dính kết như nền móng công trình xây dựng. Gọi bà mẹ đạo đức, đã là bà mẹ biết dạy con cử chỉ có tính nhân bản, như : trước khi dạy con cúi đầu chào Chúa, thường thấy các bà mẹ kéo hai tay con khoanh lại và nhận đầu xuống chào ông bà, người lớn. Khi con vừa lớn, mẹ chỉ nhắc, con đã làm được. Bây giờ tôi còn thấy nhiều em học sinh trong họ đạo, đi ngang núi Đức Mẹ cúi đầu chào và cúi đầu “thưa ông cố”; dần dần trở thành thói quen, đôi khi thừa (thà có còn hơn không), như đi đọc kinh trễ, trong nhà thờ đã gần lễ, nhưng đi ngang vẫn đứng lại viếng Đức Mẹ.

Một cử chỉ khác cũng đáng trân trọng và đã thành nếp thuở nhỏ và bây giờ trở thành chất liệu giảng dạy của tôi. Đó là cử chỉ mẹ dạy làm việc bác ái, giúp đỡ người nghèo đi ăn xin: mẹ thường bảo tôi đi vào xúc gạo ra cho người ăn xin. Thành thói quen, mẹ đi vắng tôi đã biết tự đi xúc gạo đem ra cho. Có em, trước đây rất bướng bỉnh, vô lễ với cha mẹ. Nhưng một lần mẹ bảo đem gói quà sang cho một bà hàng xóm. Lần đầu tiên em xúc động thấy nhà bà này nghèo qúa, con cái ốm tong teo, em hiểu mẹ bảo đem quà giúp đỡ bà này. Thế là lần sau tự em để dành tiền, có ngày đi học về bán thêm vé số kiếm tiền, bắt chước mẹ tự em mua qùa đi giúp bà. Không ngờ,cử chỉ đó vô tình đã cảm hóa em nên người tốt.

Lm. Sơn Đoài

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

SÁCH CHỈ NAM DẠY GIÁO LÝ

PHẦN MỞ ĐẦU (14-23)

Dạy về Đức Tin trong Thế Giới Hôm Nay

Trong dụ ngôn Người Gieo Giống (Mc 4:3-8), Chúa Giêsu đã dạy chúng ta về khả năng của hạt giống, là Lời Chúa, trong việc sinh hoa trái, là ơn Cứu Độ, và sự quan trọng của thửa đất là mỗi người nghe Lời Chúa, mà hạt giống được rơi trên đó. Các giáo huấn của Tin Mừng đã và đang tiếp tục giúp cho "nền văn minh Đức Ái" được phát triển trên thế gian. Tuy nhiên, việc dạy Giáo Lý chỉ có kết quả khi Tin Mừng được lãnh nhận bởi những tâm hồn sẵn sàng đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống hàng ngày.

Sách Chỉ Nam Giáo Lý nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quan niệm của chúng ta về thế gian trong khi thi hành sứ vụ dạy Giáo Lý. Quan niệm này sẽ ảnh hưởng đến việc chúng ta đón nhận và truyền thụ các giáo huấn về Đức Tin thế nào. Nếu chúng ta hiểu rõ thế gian như Thiên Chúa đã tạo dựng và cứu chuộc nó, thì chúng ta sẽ sẵn lòng và giúp người khác cũng sẵn lòng như thế để nghe Lời Chúa đến với chúng ta qua Thánh Kinh và Thánh Truyền. Việc các Giáo Lý viên suy nghĩ về quan niệm của mình về thế gian không những quan trọng để làm tròn việc tông đồ của mình, một việc tông đồ cần thiết cho đời sống Hội Thánh, mà còn sửa soạn lòng trí họ đón nhận chân lý, tình yêu mà Thiên Chúa thông ban qua việc dạy Giáo Lý.

Sách Chỉ Nam Giáo Lý nhắc nhở chúng ta rằng có ba yếu tố quan trọng trong quan niệm Kitô giáo về thế gian.

“Người Kitô hữu biết rằng mọi biến cố của nhân loại, đúng hơn là mọi thực thể, đều được đánh dấu bởi các hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa mà qua đó Ngài truyền thông sự tốt lành cho mọi người; chính quyền lực của tội lỗi đã giới hạn và làm cho con người bị tê liệt; và từ sự Phục Sinh của Đức Kitô phát sinh ra động lực…” (Số 16).

Mỗi khi dạy Giáo Lý, chúng ta cần nhớ ba yếu tố chính của chân lý về thế gian:

- Thế gian tốt lành vì đến từ Thiên Chúa;

- Sự tốt lành của thế gian đã bị tội lỗi, tội Tổ Tông và tội cá nhân của chúng ta, làm cho ra hư hỏng;

- Sự sống được Đức Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta trong Hội Thánh để chiến thắng tội lỗi trong đời sống chúng ta và sửa soạn chúng ta mỗi ngày và để đón Ngày Đức Kitô Trở Lại Lần Sau Hết, khi mà mọi sự sẽ phục hồi tình trạng tốt lành mà Thiên Chúa Cha đã muốn cho chúng.

Trên hết, trong khi thi hành sứ vụ tông đồ dạy Giáo Lý, quan niệm của Hội Thánh về thế gian còn có mục đích cổ võ một một trật tự công bằng là nền tảng của nền hòa bình trên thế giới, và của việc chuẩn bị cho “Trời Mới và Đất Mời” (xem KH 21:1). Công việc dạy Giáo Lý gây cảm hứng cho Giáo Lý viên và học viên đáp lại ân sủng của sự Phục Sinh bằng cách hoạt động cho công lý vì những người nghèo đói nhất. Đức Thánh Cha gọi cảm hứng căn bản này là “ưu tiên hay là thương yêu người nghèo.”

Sự quan tâm của Hội Thánh trong việc cổ võ một trật tự công bằng trong đời sống cá nhân, xã hội và thế giới đã đưa Hội Thánh đến chỗ cổ võ việc tôn trọng nhân phẩm và bảo vệ nhân quyền (quyền sống, làm việc, được giáo dục, gầy dựng gia đình, tham gia vào đời sống công cộng và tự do tôn giáo), là những quyền giúp con người chu toàn bổn phận của họ trên thế gian như là con cái Thiên Chúa, và anh chị em của Con Một Thiên Chúa. Sự quan tâm của Hội Thánh về con người và về nhân quyền là quan tâm Công Giáo chính đáng, nghĩa là quan tâm đến mọi phương diện của đời sống con người, kể cả phương diện văn hóa và tôn giáo. “Điều mà Hội Thánh quan tâm hơn cả là sự phát triển toàn diện con người và mọi người” (Số 18). Trong khi thi hành với sự chú tâm đến cái nhìn của Hội Thánh về thế gian, một sứ điệp chính của việc dạy Giáo Lý của Hội Thánh là mặc khải về “sự bất khả xâm phạm của phẩm giá mỗi người.”……

Trong số những yếu tố của văn hóa thuận lợi hay cản trở việc truyền thụ Lời Chúa, Sách Chỉ Nam Giáo Lý ghi nhận một vài dữ kiện tôn giáo và luân lý. Về phương diện tôn giáo, trong xã hội và văn hóa ngày nay, con người rõ ràng là được lôi cuốn bởi những sự thánh. Việc được các sự thánh thu hút là điều tích cực trong việc truyền thụ Đức Tin, nhưng có thể bị đặt sai chỗ hay thao túng bởi những tà phái hay những phong trào tôn giáo sai lạc…. Các dữ kiện tôn giáo cản trở việc dạy Giáo Lý là: 1) Một sự “lan tràn không ngừng của thái độ thờ ơ về tôn giáo” (Số 22), mà qua đó chúng ta không nhìn thấy, hoặc coi thường bàn tay của Thiên Chúa đang hoạt động trong mọi thụ tạo và mọi hành động của con người; và tệ hơn nữa là 2) Việc hoàn toàn chối từ sự hiện hữu của Thiên Chúa hoặc vô thần. Sự từ chối này thường tiềm ẩn trong một chủ nghĩa hoàn toàn thế tục mà trong đó người ta tin rằng có thể hiểu được thế gian mà không cần biết đến nguồn gốc hay số phận của nó trong Thiên Chúa.

Về mặt luân lý, nền văn hóa của chúng ta bị đánh dấu bởi những mập mờ về chân lý, về con người, và về sự tự do của con người. Như sự thờ ơ về tôn giáo làm cho con người ra không còn biết chân lý về sự liên hệ giữa Thiên Chúa và mọi thực thể thế nào, thì sự tương đối về luân lý cũng làm cho chúng ta đui mù mà không thấy Luật Thiên Chúa, nhất là về phương diện xã hội và chính trị của đời sống chúng ta, là những gì giúp chúng ta hành động trong chân lý và đức ái.

Nguồn: giaoly.org

TRANG QUỚI CHỨC

PHẢI GIỮ LẤY LỀ

Xã hội loài người đã trãi qua nhiều thời kỳ phát triển, từ thời ăn lông ở lỗ đến thời đồ đồng đồ đá, …đến nay được coi là thời đại văn minh rực rỡ với những tiến bộ vượt bậc của khoa học khiến cho chúng ta có thể trở nên lạc hậu chỉ trong một ngày, thâm chí chỉ trong một giờ.

Với những thành tựu đó, con người nghĩ rằng con người thật sự là chủ của vũ trụ, có thể hành động tự do theo ý mình mà không buộc phải theo một khuôn khổ ràng buộc nào. Chính vì thế mà càng ngày người ta càng cảm thấy Giáo hội Công giáo là một tổ chức cổ hủ, một sự cản trở đà tiến của xã hội, Giáo hội chẳng khác chi kẻ thù của nền văn minh của thế giới.

Thế nhưng nếu nhìn lại lịch sử thế giới và những gì đã và đang xãy ra, chúng ta lại thấy vấn để sẽ khác hơn.

Tôn trọng sự sống con người là chủ trương của Giáo hội và đây cũng là một vấn đề đã từng bị biết bao người chống đối. Đã từ lâu khi Châu Âu bắt đầu trở nên giàu có và có khuynh hướng hưởng thụ. Người ta bắt đầu có khuynh hướng có ít con hơn để có thời giờ làm việc, dùng tiền để du hí, hưởng thụ hơn là phải chi vào việc sinh dưỡng con cái, vừa tốn của vừa tốn sức và mất thời giờ. Muốn được như vậy, cần phải hạn chế sinh con. Nhưng nếu vì hạn chế sinh sản mà phải hy sinh chuyện chăn gối, việc hưởng lạc thú thì họ lại không muốn, vì thế kéo theo việc đòi quyền tự do phá thai, tự do tình dục, tự do sống chung……

Sau bao nhiêu năm chống đối, giờ đây cả Châu Âu mới giật mình nhận ra rằng Châu Âu đang già nua, cằn cỗi, không còn sức sống. Một thảm hoạ đang đến, nếu không chịu sinh sản thì vài mươi năm nữa Châu Âu sẽ không còn người Châu Âu nữa. Giờ đây họ lại ra sức khuyến khích sinh sản như một sự nổ lực sửa lại lỗi lầm.

Nơi con người thường hay có khuynh hướng tự do tự tại, bất chấp mọi quy luật và chúng ta tưởng rằng được như thế chúng ta sẽ được hạnh phúc tuyệt đối. Thế nhưng, đó là một sai lầm nghiêm trọng. Bởi vì một chiếc xe chỉ có thể chạy nhanh được khi nó chạy trên đường, nếu nó vì muốn nhanh hơn mà vượt ra khỏi giới hạn của con đường đó, thì nó sẽ không thể nhanh được nữa và sẽ gặp phải tai nạn.

Trong phim kiếm hiệp, người ta thường hay nói: vô chiêu thắng hữu chiêu, nghĩa là không dùng một chiêu thức nào trong các chiêu thức có sẵn để có thể phá được chiêu thức có sẵn. Nói như thế không có nghĩa là người ta không cần đến chiêu thức, bởi vì xét cho cùng trong “vô chiêu” vẫn có “chiêu”.

Như thế chúng ta thấy rằng xã hội dù có văn minh tiến bộ đến mấy vẫn phải tiến theo một hướng nào đó và nó cũng cần phải nắm giữ những yếu tố căn bản. Tôn trọng con người và quy luật tự nhiên đó là những điều mà Giáo hội luôn đồng hành và nhắc nhở qua từng thời kỳ phát triển của thế giới loài người. Nếu chúng ta không tôn trọng những điều này thì sẽ giống như một anh tay ngang vớ được côn nhị khúc, quật tứ tung, không trúng đích, trái lại còn tự gậy thương tích cho chính mình.

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

Vô Ý

Sao anh cứ hay nhắc về người phụ nữ ấy như vậy. Đúng là cô ta đáng thương khi còn trẻ mà chết chồng, một nách nuôi bầy con. Đúng là cô ta đáng được cảm thông và chia sẻ khi đau yếu bệnh tật không người chăm sóc nên anh phải đón đưa, lo lắng. Đúng là cô ta duyên dáng, đáng yêu hơn nhiều người phụ nữ khác khi biết trang điểm, ăn mặc hợp cảnh, hợp tình, nên đàn ông con trai trong công ty chết mê, chết mệt…Nhưng cứ nhắc hoài như thế trước mặt em thì cũng thật bất tiện.

Anh cứ thử đặt mình vào hoàn cảnh của em mà xem. Nếu như em cũng luôn miệng nhắc với anh về chàng trưởng phòng đẹp trai, ga lăng, đã ly dị vợ, cứ suốt ngày sum xoe, hỏi xem em có khóc không; em muốn ăn gì, uống gì; em có thích đi xem phim, có ưa mùi nước hoa Chanel mà cô em gái anh ta vừa mang từ Pháp về không? Mà thật sự có một anh chàng như thế ở công ty của em đấy. Anh ta suốt ngày bên cạnh em, thở cùng một bầu không khí, làm chung một công việc…Em biết mình cũng rất quý mến anh ta, nhưng đơn giản đó chỉ là tình cảm anh em, đồng nghiệp; hoàn toàn không phải là chuyện vấn vương, tơ tưởng, đến nổi không nói ra thì không chịu được như anh!

Em nói một lần nầy thôi nhé. Vợ anh không phải là người không biết cảm thông. Nhưng chuyện vợ chồng lá có qua, có lại; chỉ có cha mẹ mới cho không con cái mà không đòi lại gì. Còn nếu như anh vẫn thích ølam theo những gì anh nghĩ thì em cho rằng anh nên dọn về ở chung với cô ta để mà thoả sức chia sẻ, thông cảm, khen tặng…

MINH AN (Báo Người Lao Động)

TẢN MẠN

BỰC BỘI LÀM GÌ....

Mấy cô nhân viên cũ của em vừa gặp anh đã than phiền: “Chị Lan kỳ quá. Tụi em tới chúc Tết, chị không vui thì thôi lại còn mắng té tát và đuổi về”. Anh chưa kịp tìm ra lời lẽ để thanh minh cho em thì ông chủ tịch hội đồng quản trị đi ngang cũng dừng lại: “Tôi gọi điện chúc Tết, cô ấy nói đúng một câu rồi cúp máy. Mà anh biết cô ấy nói gì không? Cô ấy bảo tôi là quân ăn cướp”. Anh khó xử vô cùng trước những lời “mắng vốn” này. Sống với nhau mấy chục năm rồi, sao đến giờ anh mới phát hiện em có nhiều tật xấu như vậy?

Nhưng…nói như vậy cũng không ổn vì xưa nay em vốn là người tốt bụng. Khi còn tại chức, em rất thương mến nhân viên dưới quyền. Nhưng người nào biết vâng lời, không bao giờ làm điều gì trái ý luôn được em quan tâm cất nhắc, đề bạt. Người ít học thì em bổ nhiệm rồi đi học; người thiếu tài thì em xuề xòa cho qua vì “đức mới là gốc của người hiền”… Có người không ưa, bảo em bao che cho vây cánh, em lập tức phản công, một phát là xong. Với tài đức ấy, em nói với anh là có thể tại vị thêm vài năm dẫu cái tuổi 55 đã cận kề. Nhưng rồi em vẫn phải “về” vì pháp luật quy định vậy.

Thì thôi, em đã cống hiến mấy chục năm rồi, giờ đã đến lúc nghỉ ngơi, an hưởng. Ở xóm, có mấy chị nghỉ hưu vẫn vui vẻ sinh hoạt với con cháu ở tổ dân phố, đi làm từ thiện với bà con tiểu thương; thỉnh thoảng họ tổ chức cùng nhau đi du lịch, về nguồn…Em theo họ mà vui, mà chơi, mà sống; có gì đâu phải bận lòng sân si đến nỗi sinh u uất, trầm cảm.

Nghe lời anh đi bà xã à. Ai cũng có một thời. Xã hội đặt mình chỗ nào thì hãy vui vẻ ngồi chỗ ấy. Nếu không thì sẽ buồn lắm!

TRỌNG NHÂN (Báo Người Lao Động)

SỐNG ĐẸP

Sự bất hiếu “ngọt ngào”

Có một sự thật là: tình thương yêu và hy sinh vô bờ của người mẹ cho những đứa con từ khi có loài người đến nay chẳng hề thay đổi, nhưng lòng hiếu thảo của những đứa con đối với mẹ mình càng ngày càng trở thành một nguy cơ trầm trọng.

Hai bộ phim hành động Mỹ nổi tiếng mà tôi xem đi xem lại nhiều lần là Godfather và American Gangster. Và trong cả hai bộ phim đầy cảnh bắn giết này có một câu chuyện luôn luôn làm tôi thực sự xúc động. Đó là tình yêu của hai ông trùm Mafia Mỹ đối với người mẹ của mình. Lòng hiếu thảo là một chiếc thước đo đạo đức có giá trị nhất. Đó cũng là phần nhân tính cuối cùng của con người mà nếu đánh mất thì con người không còn gì để nói nữa. Có lẽ vì ý nghĩa ấy mà những nhà làm phim Hollywood đã cố níu giữ lại cho xã hội một niềm tin cuối cùng về nhân tính con người. Bởi phần nhân tính này với nhiều yếu tố là phần nhân tính khó bị suy đồi nhất.

Những năm gần đây, chúng ta phải đau đớn chứng kiến những chuyện bất hiếu. Và có những chuyện bất hiếu đã trở thành những tội ác man rợ. Đó là những câu chuyện bất hiếu đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin và lên tiếng cảnh báo. Nhưng còn có một phía khác của sự bất hiếu mà chúng ta chưa lên tiếng hoặc chưa ý thức rõ về nó mà có người gọi nó bằng một cái tên "Sự bất hiếu ngọt ngào".

"Sự bất hiếu ngọt ngào" là chỉ những đứa con có đủ điều kiện vật chất để nuôi những người mẹ. Nhưng những đứa con đó không cho mẹ mình được tham gia vào những sinh hoạt tinh thần của gia đình. Sự thật là có những bà mẹ chỉ sống giữa những đứa con như một thực thể sống tự nhiên chứ không phải là một trung tâm của tình cảm. Với lý do công việc và với muôn vàn lý do khác, những đứa con đã để mẹ mình sống cô độc ở một làng quê gần, xa nào đó hoặc ngay trong chính thành phố mà họ đang sinh sống.

Thay cho sự hiện diện của họ trước mẹ mình trong những ngày nghỉ là sự hiện diện của một gói quà và những đồng tiền. Thay cho những lời tâm sự của những đứa con với mẹ mình trong những buổi tối khó ngủ của người già là những người giúp việc được trả lương cao. Với đức hạnh của sự hy sinh vô bờ của mình, những người mẹ lại một lần nữa đã gánh chịu một cuộc sống cô đơn như vậy cho đến khi chết.

Có những người mẹ trong những năm cuối đời chỉ mơ một giấc mơ giản dị nhưng thật đau đớn và thương cảm là có một cái Tết được ăn Tết với con cháu mình. "Con bận lắm. Nhiều khách khứa đến làm việc lắm. Mà nhà cửa bỏ đấy trộm nó vào nó khuân hết. Tết con không về được. Bà cần gì thì cứ bảo. Con sắm sửa đầy đủ cho bà". Đấy là những ngôn từ càng ngày càng trở lên quen thuộc của những đứa con nói với mẹ mình trong một ngày cuối năm về thăm mẹ vội vã. Những lý do trên chỉ là sự bao biện cho thói ích kỷ và sự hoang hoá tình thương yêu của những đứa con đối với mẹ mình. Còn vị khách nào quan trọng hơn mẹ mình nữa? Còn của cải nào quí hơn mẹ mình nữa? Và đối với những bà mẹ, tài sản duy nhất có ý nghĩa là những đứa con.

Nhưng những đứa con đó không bao giờ hiểu được người mẹ của chúng không cần bất cứ quyền chức hay tiền bạc chúng đang có mà chỉ cần chúng ngồi xuống bên bà như thuở nhỏ đầy yếu đuối, sợ hãi và tin cậy trong sự che chở của bà hoặc thấy chúng lớn lên làm một người tốt. Nhưng chúng đã xa rời bà mà bà không có cách nào kéo chúng gần lại. Không phải chúng xa rời xa bà bởi không gian và thời gian do điều kiện sống và công việc mà chúng đang xa rời xa sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Bà đã và đang mất chúng………..

"Sự bất hiếu ngọt ngào" còn để chỉ những đứa con bỏ quên những người mẹ trong chính ngôi nhà của họ. Nhưng những người mẹ đó không bị bỏ đói mà ngược lại được "nuôi giấu" trong một đời sống vật chất đầy đủ. Trong không ít những ngôi nhà to, đẹp và đầy đủ tiện nghi, những đứa con đã "giấu" mẹ mình mà nhiều lúc chúng ta không làm sao có thể phát hiện ra là trong ngôi nhà đó có một bà mẹ…

Càng ngày chúng ta càng được chứng kiến những đứa con khi có khách đến chơi thì khoe hết đồ này vật nọ đắt tiền, thậm trí khoe một con chim cảnh quí hàng ngàn đô la với một giọng nói thật "say đắm" mà chẳng thấy họ khoe một người mẹ vừa ở quê ra chơi hay đang ở đâu đó trong ngôi nhà to, rộng của họ.

Có những người không bao giờ để mẹ ngồi ăn cơm cùng khi vợ chồng anh ta có khách. Có lẽ sự xuất hiện của người mẹ đã già nua không còn phù hợp với những thù tạc, những vui buồn của anh ta nữa chăng. Nhưng anh ta đâu biết rằng, có những đêm khuya bà mẹ không thể ngủ và đầy lo lắng khi nghe tiếng ho của anh ta hay khi vợ chồng anh ta to tiếng. Bà mẹ sống giữa con cháu mà như sống trong một thế giới xa lạ.

Vì thế, có không ít người mẹ đã bỏ về quê sống một mình trong ngôi nhà cũ của mình. Bởi cho dù ở đó bà không được sống với những đứa con của mình thì bà cũng được sống với những gì vốn rất thân thương với bà như con chó, con mèo, cái cây, cái cối. Và thay vào sự chia sẻ, an ủi của những đứa con là sự chia sẻ và an ủi của những thứ kia kể cả những thứ vô tri vô giác. Và thực sự điều này làm cho chúng ta vô cùng xấu hổ và đau đớn.

Đức Phật dạy: Tội lớn nhất của đời người là bất hiếu. Có những kẻ đánh đập, nhiếc mọc mẹ mình, có những kẻ bỏ đói, bỏ rét mẹ mình, có những kẻ xưng "bà" xưng "tôi" với mẹ mình như với một người qua đường, qua chợ… Tất cả những kẻ đó đều là kẻ có tội. Và những kẻ vẫn cho mẹ mình ăn ngon, mặc đẹp nhưng bỏ quên mẹ mình trong thế giới tình cảm của họ thì họ cũng mang tội như những kẻ nói trên.

Nguyễn Quang Thiều (songdep.wordpress.com)

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

LỖ TAI LINH MỤC

Lỗ tai, không phải lỗ tai, mà lỗ tai
Cái này là cái gì ?
Là cái lỗ vừa nhỏ, vừa lớn
Người ta bảo “hố rác”
Lỗ tai của “ông Cha”
Chứa mọi thứ “đồ dơ”
Mỗi ngày nghe nhiều chuyện quái ác
Của hàng hàng lớp lớp tội nhân
Họ tuôn ra mong nhẹ bớt tinh thần
Xin thành tâm gục đầu thú nhận
Họ rủ nhau vào tòa giải tội
Để được xin ơn Chúa thứ tha
Nếu tưởng tượng còn hơn bãi tha ma
Bao nhiêu xác người họ giết chết
Nhiều thứ tội qủy thần phải kinh khiếp !
Những người mẹ giết cả thai nhi
Nhưng họ vào tòa, qủy phải lui đi
Xin trả lại người này cho Chúa
Họ phơi trần cả vũ trường diêm dúa
Đi vào nhiều hang ổ, động mãi dâm
Thuốc lắc trắng hồng kích động cơn mê
Chúng hết tiền kéo nhau đi cướp bóc
Vừa lớn lên đã biết trò giựt giọc
Ai có nghĩ cũng có tội loạn luân
Nhiều người xưng cả những tội ngoại tình
Ở ngoài đời chẳng có ai dám nói
Khi ra ngoài người ta bị cột trói
Quyết trở về tôi được Chúa yêu thương !

Lm. Sơn Đoài
1137    24-04-2012 10:05:03