Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Dành thời gian cầu nguyện

DÀNH THỜI GIAN CẦU NGUYỆN

Tin Mừng rất nhiều lần nhắc đến Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha Ngài, đó là những giây phút gặp gỡ thân tình với Chúa Cha mà Ngài không bao giờ bỏ. Về phương diện thiên tính, Chúa Giêsu là Chúa Con, đồng bản tính với Chúa Cha, cho nên Ngài luôn kết hiệp với Chúa Cha. Nhưng như một con người, Chúa Giêsu đã nêu bật thái độ sống của Ngài, đó là sống mối tương quan thân tình với Chúa Cha qua lời cầu nguyện.

Trang Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô ghi nhận: "Sáng sớm, lúc trời còn tối, Chúa Giêsu đã chỗi dậy, đi đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện". Mặc dù bận rộn với rất nhiều công việc trong ngày, Chúa Giêsu vẫn không quên cầu nguyện. Nhưng đây không phải là lần duy nhất, Tin Mừng còn cho thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, và chính Ngài đã dạy các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Ngài lấy hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tầm quan trọng của cầu nguyện: "Thầy là cây nho, các con là cành nho; ai lưu lại trong Thầy và Thầy trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì".

Câu 29  : “Vừa ra khỏi hội đường... một nơi người Do Thái dùng để cầu nguyện, nghe đọc Lời Chúa và cách giải nghĩa Lời Chúa của các kinh sư và luật sĩ hay những người nam đã trưởng thành. Sau khi được bổ dưỡng tinh thần, Chúa Giêsu liền đi đến nhà ông Simon và Anrê, có ông Giacôbê và Gioan đi cùng (x.c.29b). Đây là bộ 4 luôn có mặt tại những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Họ chứng kiến nhiều phép lạ cả thể và đặc biệt ở đây, họ đã thấy một người thân của họ được chữa lành: “Bà mẹ vợ ông Simon lên cơn sốt, nằm trên giường” và “lập tức, họ nói cho Chúa Giêsu biết tình trạng của bà...” (c. 30).

Chỉ là một cơn sốt nhưng do bởi lòng tin vào Tình Yêu và quyền năng của thầy mình, họ nói với Chúa Giêsu về căn bệnh của bà, mong Người chữa lành và Người đã đáp ứng đòi hỏi đó bằng hành động : “lại gần, cầm tay, đỡ dậy” (c. 31a). Đây là cử chỉ Chúa Giêsu thường làm khi Ngài cho kẻ chết sống lại hoặc như muốn truyền sức sống cho người sắp chết. Đây cũng là một hành động bày tỏ uy quyền của Thiên Chúa đối với thể xác con người. Cử chỉ của Chúa Giêsu đã đưa tới hiệu quả tức thời : “cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các Ngài” (31b). “Cơn sốt dứt” như là lời đáp trả về quyền năng của Thiên Chúa đã chiến thắng trên sự chết và bệnh tật, còn “ bà phục vụ như một lời tạ ơn mà con người cần phải có khi nhận ra Tình yêu quyền năng của Thiên Chúa.

Sau khi trừ quỷ, Chúa Giêsu không cho chúng nói về danh phận của mình (x. c.34). Vì sao thế? Có lẽ vì thời đó, người Do Thái quan niệm về Đấng Mêsia theo lẽ trần tục là : Đấng Mêsia sẽ giải phóng họ khỏi ách độ hộ của đế quốc Roma. Ý nghĩa này mang tính chính trị, trần gian khác xa với chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã hoạch định về sứ vụ của Đấng Mêsia- Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu không muốn họ hiểu sai về ý nghĩa và mục đích của Thiên Chúa Cha, nên Người đã cấm đoán quỷ tiết lộ cho dân chúng biết xuất xứ của Người.

Câu 35 là một câu chuẩn mực cho đời sống tông đồ của chúng ta. Sau mỗi lần làm phép lạ hoặc chữa lành.... “Người đều lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện”. Đây là tâm điểm và là đỉnh cao trong đời sống hoạt đọng công khai của Chúa Giêsu. Ngài luôn nối kết với Cha trong công việc, lời nói, đến nỗi Ngài nói : “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10 ,30). Ngài không đi tìm vinh quang cho mình nhưng luôn “làm cho danh Cha rạng sáng”. Ngài không để mình bị chìm khuất trong lời ca tụng của trần gian, nhưng luôn tìm ý Cha để thực hiện “ lương thực của Ta là làm theo ý Cha Ta”.

Và điều này đã được chứng minh trong các câu 36,37,38: “Các môn đệ đi tìm Chúa, họ thưa : Mọi người đang tìm Thầy”. Họ tìm vì họ muốn có một vị vua làm phép lạ để đời họ được sung sướng theo kiểu trần thế, vật chất. Họ tìm một vị vua sẽ làm thỏa mãn các nhu cầu của họ. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời : Hãy đi đến nơi khác.... vì Thầy đến để làm việc đó”. Một sự dứt khoát, cắt đứt mọi dây dưa vinh quang trần thế, mà chỉ chuyên chăm vào sứ vụ được trao, thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha mà thôi.

          Sáng sớm, Chúa Giêsu đến nơi vắng vẻ cầu nguyện. Suốt ngày bận rộn với con người, Chúa Giêsu phải dành buổi sáng sớm để cầu ngyện. Điều đó cho thấy, đối với Chúa, việc cầu nguyện là quan trọng biết bao. Chúa Giêsu cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp với Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa Cha, tìm sự hướng dẫn sáng suốt cho cuộc đời. Vì thế trước khi bắt tay vào làm việc, Chúa cầu nguyện với Đức Chúa Cha để múc lấy nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.

Chúa Giêsu tất bật từ sáng đến tối, không phải làm vì ích lợi bản thân mà lo cứu giúp người khác, nhưng cũng không phải chỉ lo chữa trị phần xác mà còn cả phần hồn nên Người đã phải rời đi nơi khác để rao giảng, mặc dù ở nơi đó còn rất nhiều người tuôn đến với Chúa để được chữa lành, nhưng Người không muốn người ta lầm tưởng Người là Đấng Mêssia chỉ lo cơm ăn áo mặc, mà trái lại Người là Đấng giải thoát người ta khỏi mọi thứ nô lệ. 

Ta hãy noi gương Chúa, dành thời giờ để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như Ngài đang hiện diện trước mặt chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện như thế, chúng ta cần phải có đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như người con đối với người cha. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: "Cầu nguyện là việc tiếp xúc với Thiên Chúa.

Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như đứa con đến với cha mình". Thường thì ta quên công việc loan báo Tin Mừng mà chỉ lo lao động vì lao động, đến nỗi không còn giờ để nghỉ ngơi, lao động đã làm cho chúng ta bị thoái hóa, bị vong thân.

 

Người môn đệ muốn dẫn thân rao giảng Tin mừng, mở rộng Nước Chúa không thể đi ra ngoài những chỉ dẫn khuôn mẫu của Thày Chí Thánh. Phải biết múc lấy nguồn sức mạnh ở nơi Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Coi việc cầu nguyện như cội nguồn của hoạt động, như điểm mấu chốt để đi đến thành công. Chuyên tâm học, đọc, suy gẫm Lời Chúa để có thể thấu hiểu và trình bày cho người khác. Nhất là phải làm chứng cho lời rao giảng bằng chính đời sống yêu thương bác ái. Sự yêu thương kính trọng sẽ đưa con người tới tự do, có thể lam những việc tốt đẹp, góp phần vào việc phục vụ Tin Mừng.

Và trong nơi mỗi người chúng ta, những con người đầy những bệnh tật cần được chữa trị, đó là tội lỗi, những con người quên mất mình đến nỗi không biết mình bệnh tật để rồi không lo tìm thầy chạy thuốc, nên không tìm đến Bí tích Hòa giải, Bí tích Thánh Thể và quên cầu nguyện. Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà Người còn cầu nguyện huống là nữa là chúng ta!

Ta hãy cảm tạ Chúa đã cho ta có những giờ phút thuận lợi để bắt đầu một ngày sống tốt đẹp hơn. Xin cho ta biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, nhờ đó ta có thể chu toàn thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu hơn.

 

 Truyền thông Vĩnh Long

2686    08-01-2017 14:44:29