Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Đào tạo Giáo Lý Viên_Phần 03_Bài 10


Bài 10. CẦU NGUYỆN TRONG BUỔI GIÁO LÝ

Cầu nguyện, nhất là cầu nguyện giữa giờ là hết sức quan trọng, không thể bỏ qua và là đỉnh cao của buổi giáo lý. Nhưng phải tổ chức thế nào cho tốt và có kết quả. Cầu nguyện lại vừa có tính cách sư phạm là huấn luyện tinh thần cầu nguyện cho học viên, lại vừa là để cầu nguyện thực sự.

I.  Thái độ phải có đối với Chúa:

Đây là thái độ của tâm hồn, tức là phải biết "hiện diện".

1. Thái độ của một tạo vật:

Tất cả mọi bản thân là do Chúa, bởi Chúa mà có. Thái độ của tôi là phải cung kính, biết ơn, thờ lạy (kinh "Là Vật Phàm Hèn"). Đối với trẻ dưới 9 tuổi, thiên nhiên rất dễ khơi dậy tâm tình thờ lạy.

2. Thái độ của một người con:

Thiên Chúa nhận ta làm con của Ngài trong Đức Giêsu Kitô, được Thánh Thần linh hoạt, hướng dẫn ta sống tâm tình vf thái độ của một người con giống như Đức Giêsu đối với Chúa Cha.

3. Thái độ của một tội nhân:

Ta phải tin cậy vào tình yêu thương của Thiên Chúa mà khao khát được ơn cứu rỗi.

II.  Điều kiện để cầu nguyện:

Vì là để gặp gỡ Chúa nên ta cần phải có điều kiện sau đây:

1. Đặt mình trong sự hiện diện toàn năng của Thiên Chúa:

Giáo lý viên có thể dùng nhiều cách để giúp học viên hiện diện:

     - Hoặc là dựa vào thiên nhiên, các thụ tạo (như: sông, núi, đồi, biển, con vật, hoa, lá, cành, cây...) dùng nơi thờ, vật thờ để gợi nhớ Thiên Chúa.

     - Dùng kiểu nói cụ thể để nói về Thiên Chúa: như "Chúa đang nhìn, nghe, săn sóc, làm việc với ta".

2. Có chuyện để thưa với Chúa: (hay tâm sự với Chúa).

Yếu tố "thân thưa" là yếu tố quan trọng để cầu nguyện, cho nên phải chuẩn bị trước nội dung, chuyện để thân thưa, không nên đột xuất.

3. Bầu khí thuận lợi:

Đó là:

     - Tôn nghiêm và kính cẩn.

     - "Tự do" tâm hồn, tâm trí và thể xác.

     - Trầm tĩnh tức là thinh lặng, yên tĩnh chung quanh.

4. Thái độ của giáo lý viên:Phải giúp các học viên tin Thiên Chúa hiện diện, bằng thái độ trang nghiêm của chính mình (càng phải trút bỏ thái độ giám sát, doạ nạt, giận dữ...).

5. Hiểu biết thêm về Thiên Chúa: Dần dần tiến lên trong sự tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa qua quá trính học hỏi, càng biết Chúa càng yêu kính Chúa và ngược lại "vô tri thì bất mộ".

III. Cách diễn tả tâm tình:

Qua một cử chỉ đơn giản, ta có thể bày tỏ một tâm hồn cầu nguyện phong phú:

1. Làm cử điệu: Bái gối, cúi đầu, cúi mình, chắp tay, giơ tay, giang tay, ghi dấu Thánh giá; một bài thánh ca nhỏ với cử điệu.

2. Lời nói: Dựa vào Thánh Thần, ta dạy học viên cầu nguyện, mà Thánh Thần lại hay dùng Thánh Kinh, Phụng vụ dạy ta thưa chuyện với Thiên Chúa. Rất nên dùng lời kinh, bài hát trong Phụng vụ, trong Thánh Vịnh, mà tạ ơn, cảm tạ, sám hối.

3. Nội tâm hoá: Từ những cách cầu nguyện với cử chỉ, giáo lý viên nên dần dần tập cho học viên tự mình cầu nguyện theo khả năng, theo nhu cầu riêng của học viên, như:

     - Tập cho chúng đọc thầm, đọc nhỏ lời ta nói lớn tiếng.

     - Dạy chúng phải làm gì, rồi để chúng làm.

     - Đưa ra nhiều kiểu diễn tả, rồi để chúng chọn một (3 kiểu là cùng. Ví dụ: giơ tay, chắp tay, tay thẳng xuống).

     - Gợi tâm tình để rồi chúng tự tìm cách diễn tả.

4. Giữ mình thinh lặng: Nên có vài giây thinh lặng khi cầu nguyện chung trước và sau.

IV. Mấy cách thức cầu nguyện trong giờ giáo lý:

Đây là mấy nguyên tắc hướng dẫn giáo lý viên huấn luyện cho trẻ cầu nguyện:

1. Giáo lý viên nói lớn tiếng từng câu ngắn: Ví dụ: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang ở giữa chúng con.

2. Giáo lý viên nói lớn tiếng từng câu ngắn, trẻ lập lại thầm trong lòng.

3. Giáo lý viên gợi lên một tâm tình, trẻ tự mình cầu nguyện theo tâm tình đó. Ví dụ: gợi lên tâm tình biết ơn Chúa quan phòng.

4. Giáo lý viên đưa ra một đề tài, trẻ tự tìm ra tâm tình cho mình (trẻ phải ít nhất trên 9 tuổi, nhỏ hơn chưa làm được).

V. Cách soạn một lời cầu nguyện:

1.      Bước I: Trình bày một lý do.

2.      Bước II: Diễn tả một nội dung (điều ta cầu nguyện).

3.      Bước III: Xác định rõ chủ đích liên quan tới bản thân hoặc Hội Thánh, cộng đoàn...

4.      Kết thúc: Trông cậy Thiên Chúa sẽ ban nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Ví dụ 1: Lời cầu nguyện trong ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, như sau:

"Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã đem hồn xác Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm, Mẹ của Con Chúa, về hưởng vinh quang Thiên quốc, chúng con nài xin Chúa cho chúng con được luôn luôn hướng tâm hồn lên những sự trên trời, và đáng được cùng Người hưởng phúc vinh quang.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Chúa chúng con. Amen".

Ví dụ 2: Lời cầu nguyện cho mọi tín hữu qua đời:

"Lạy Chúa, xin đoái thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, để khi chúng con tin Con Chúa từ cõi chết đã sống lại, thì cũng được vững lòng trông cậy rằng các tôi tớ Chúa cũng sống lại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Chúa chúng con. Amen".

Ví dụ 3: Lời cầu nguyện Chúa nhật XVIII quanh năm:

"Lạy Chúa, xin phù trợ các tôi tớ Chúa và xin tỏ lòng nhân hậu muôn đời cho những ai kêu cầu Chúa, để khi hân hạnh có Chúa Đấng sáng tạo và thống trị, họ được Chúa ban ơn cải tạo và được Chúa bảo vệ những ơn đã ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen".



3304    24-03-2011 15:43:27