Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Đối Thoại Những Vấn Đề Về Khoa Học Và Đức Tin

NỘI DUNG

Lời Mở Đầu

Chương I: TƯƠNG QUAN GIỮA KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

1.Phân biệt khoa học và đức tin chân chính:

VẤN ĐỀ 1 : Chỉ khoa học mới là tiếng nói chân chính của loài người tiến bộ, vì khoa học có khả năng giải đáp mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống con người. Còn Đức tin tôn giáo chẳng qua chỉ là sự mê tín, bắt nguồn từ sự dốt nát của những người thời tiền sử. Ngày nào khoa học hòan tòan tiến bộ, thì ngày ấy tôn giáo đương nhiên sẽ bị đào thải.

2. Đối lập giữa tôn giáo với khoa học:

VẤN ĐỀ 02: Trong quá khứ, tôn giáo đã từng gây trở ngại rất nhiều cho khoa học như trong vụ án Ga-li-leo Ga-li-lei (1611-1741). Các nhà bác học vì sợ bị tôn giáo pháp đình kết án thiêu sinh, nên không dám đưa ra những lời giải đáp chân chính về nguồn gốc vũ trụ và con người khác với lời dạy bảo sai lạc của tôn giáo.

3.Về số lượng tín đồ các tôn giáo:

VẤN ĐỀ 03: Chỉ những người ngu dốt mới tin có Thiên Chúa, còn những ai có kiến thức đều vô thần.

 

CHƯƠNG II: VỀ NGUỒN GỐC VŨ TRỤ VẠN VẬT

1. Vũ trụ vật chất tự hữu và vĩnh cửu:

VẤN ĐỀ 4: Vũ trụ vật chất tự nhiên mà có và vĩnh cửu chứ không do Chúa và Thần Thánh nào tạo nên.

2.Về nguồn gốc vũ trụ theo Thánh Kinh và khoa học:

VẤN ĐỀ 05: Những điều tôn giáo dạy về nguồn gốc vũ trụ và con người trong Thánh Kinh đều sai lạc và phản khoa học. Khoa học ngày nay đã khám phá ra nguồn gốc vũ trụ ngược hẳn với những điều ghi chép trong sách Thánh Kinh.

3.Về linh hồn của con người:

VẤN ĐỀ 06: Trong con người không có yếu tố nào gọi là linh hồn thiêng liêng cả mà chỉ có thân xác vật chất thôi. Tư tưởng của con người là sản phẩm do óc não bài tiết ra, giống như gan trong bụng bài tiết ra mật vậy.

4.Về sự chết của con người:

VÂN ĐÊ 07: Tôi đã ở bên rất nhiều người sắp chết, mà khi họ chết tôi chẳng thấy có linh hồn nào bay ra cả. Các nhà tôn giáo lợi dụng bản năng muốn tồn tại mãi của con người nên đã bày đặt ra linh hồn thiêng lieng bất tử để làm tiền những người ngu dốt tin theo. Thực sự chết đi là hết.

 

CHƯƠNG III: CÓ THIÊN CHÚA KHÔNG?

1. Khoa học và sự hiện hữu của TC :

VẤN ĐỀ 08: Chỉ những gì khoa học chứng minh được mới có thực, mà Thiên Chúa thì đến nay khoa học vẫn chưa chứng minh được, nên không có hoặc không đáng tin.

2. Chứng minh Thiên Chúa thực sự hiện hữu:

VẤN ĐỀ 09: Bạn là người công giáo, nghĩa là bạn tin có Thiên Chúa. Vậy bạn hãy chứng minh có Thiên Chúa đi xem.

3. Về nguồn gốc của Thiên Chúa:

VẤN ĐỀ 10: Nói rằng mọi vật đều do Thiên Chúa sinh ra theo nguyên tắc nhân quả: “Có hậu quả thì phải đã có nguyên nhân sinh ra hậu quả đó”. Vậy thì cũng theo nguyên tắc ấy áp dụng vào Thiên Chúa. Thiên Chua do ai sinh ra?

 

CHƯƠNG IV: CÁC ĐẶC TÍNH CỦA THIÊN CHÚA

1. Về các ưu phẩm của Thiên Chúa:

VẤN ĐỀ 11: Thiên Chúa chỉ là hình ảnh con người tạo ra. Nói cách khác, con người đã tưởng tượng ra một vị Thiên Chúa, rồi gán cho Thiên Chúa những gì thấy nơi chính mình. Thực sự ngoài con người không còn một thần thánh nào cả.

2. Vấn đề tình yêu của TC trước các bất công xã hội:

VẤN ĐỀ 12Nói rằng Thiên Chúa là tình yêu. Vậy tại sao Thiên Chúa biết trước có một số người sẽ phải xuống hỏa ngục, mà Ngài còn tạo dựng nên họ làm chi ? Tại sao Ngài để cho con người phải chịu đau khổ, chết chóc, chiến tranh và đầy dẫy những bất công trong xã hội ? 

3. Về uy quyền của Thiên Chúa trên người tin và kẻ chống đối:

VẤN ĐỀ 13 : Nếu có Thiên Chúa thì tại sao Ngài lại để cho những người tin thờ Ngài phải thua thiệt nghèo khổ? Tại sao Ngài không phạt thẳng tay, tru diệt những kẻ dám thù ghét chống lại Ngài?

4. Về đức công bằng của Thiên Chúa và hình phạt hỏa ngục:

VẤN ĐỀ 14 : Nói rằng Thiên Chúa là Đấng công bằng và nhân từ vô cùng. Vậy tại sao Ngài lại nhẫn tâm phạt những người chỉ phạm một tội trọng trong giây lát, phải chịu hình khổ hỏa ngục đến muôn đời ?

5. Về sự tàn bạo của Thiên Chúa trong Thánh Kinh Cựu Ước:

VẤN ĐỀ 15: Nói Thiên Chúa là Đấng nhân hậu giàu lòng từ bi và thương xót. Vậy tại sao trong Thánh Kinh Cựu Ước lại có một số điều luật Mô-sê xem ra tàn bạo như án tru hiến, biệt hiến, qua đó Đức Chúa truyền cho dân Ít-ra-en phải tiêu diệt mọi kẻ thù khi tiến chiếm được một thành nào tại hứa địa. Chẳng hạn như khi đánh chiếm thành Giê-ri-khô ? 

6. Về các hệ quả không tốt từ đức tin tôn giáo:

VẤN ĐÊ 16: Tin có Thiên Chúa sẽ làm cho con người trở nên ỷ nại, chấp nhận hoàn cảnh hiện tại vì tin đó là số mệnh do Chúa đã định, nên không cố gắng vượt qua để mang lại cho minh một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn.

 

CHƯƠNG V: NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TÔN GIÁO

1. Về sự mê hoặc của tôn giáo:

VẤN ĐỀ 17: Tôn giáo chỉ là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, là sự gian dối, mị dân và mê tín dị đoan. Ai theo đạo là người ngu.

2. Về các mầu nhiệm trong giáo lý tôn giáo:

VẤN ĐỀ 18 : Tôn giáo dạy nhiều điều khó hiểu, vô lý và không thể chấp nhận được. Chẳng hạn: Một Thiên Chúa mà lại có Ba Ngôi, Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong tấm bánh nhỏ, Đức Mẹ sinh con mà vẫn còn dồng trinh… Tóm lại là những điều huyên hoặc và không đáng tin !

3. Về các nhược điểm trong giáo lý tôn giáo:

VẤN ĐỀ 19: Tôn giáo chủ trương những giáo thuyết phản tiến bộ, đi ngược  lại quyền lợi của lớp người nghèo khổ. Tôn giáo giảng dạy sự hèn nhát, sự tự khinh, sự ti tiện, sụ sỉ nhục, sự phục tòng… là những tính nết của loài vật (Mega I,6 trang 278).

4. Tương quan giữa tôn giáo và chính trị:

VẤN ĐỀ 20: Tôn giáo chính là công cụ của bọn phong kiến tư bản dùng để củng cố chế độ và yên tâm bóc lột dân nghèo. Muốn tiêu diệt chế độ, trước hết phải tiêu diệt tôn giáo

5. Tương quan giữa tôn giáo và kinh tế:

VẤN ĐỀ 21: Về kinh tế, tôn giáo chỉ sản xuất ra những chuyện tưởng tượng, thay vì sản xuất ra vật chất có thực để phục vụ con người (Mega I,5 trang 29).

6. Tương quan giữa tôn giáo và các bất công xã hội:

VẤN ĐỀ 22: Về xã hội, tôn giáo  tán dương chế độ nô lệ, nông nô, cố duy trì sự bất công giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị đàn áp để dễ bề lợi dụng.

7. Về phần thưởng thiên đàng của tôn giáo:

VẤN ĐỀ 23: Tôn giáo hứa hẹn một thiên đàng xa xôi không tưởng. Lẽ ra phải xây dựng một thiên đàng thực tế phục vụ cơm áo bệnh tật cho con người mới đúng.

8. Về việc kiến tạo hạnh phúc thiên đàng trong hiện tại:

VẤN ĐỀ 24: Chỉ có Thiên Đàng không có cảnh người bóc lột người ở trần gian, ngoài ra không còn Thien Đàng nào khác ở đời sau?

9. Các vấn đề về tội lỗi trong tôn giáo:

VẤN ĐỀ 25: Không có tội lỗi theo nghĩa tôn giáo. Chỉ có những lỗi lầm đối với xã hội như lười biếng, hèn nhát, ích kỷ… mà thôi.

10. Về sự vô ích của việc cầu nguyện:

VẤN ĐỀ 26:  Bạn là người tin có Thiên Chúa. Vậy khi bạn đau ốm mà chỉ cầu khẩn suông thì có được Chúa cho khỏi bệnh không? Hoặc khi bạn đói mà chỉ cầu nguyện thì Chúa có ban cho bạn cơm bánh không? Còn tôi, tôi chẳng cần phải tin có Chúa hay thần Phật nào cả, thế mà tôi đâu có thua gì bạn? Khi đau ốm, tôi chẳng cần cầu xin ai, mà chỉ cần uống thuốc cũng khỏi. Khi đói tôi cũng chẳng cầu khấn ai mà chỉ cần làm việc là có ăn. Như vậy, tin thờ Thiên Chúa là hành động vô ích và ngu ngốc.

Hơn nữa, cầu xin Thiên Chúa ban ơn phúc còn là một thái độ nô lệ, mất tự do, bị vong thân, và mất quyền làm chủ đời mình.

CHƯƠNG VI : NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ CON NGƯỜI

1. Đức tin và các vấn đề đạo hiếu:

VẤN ĐỀ 27 : Đi đạo là bất hiếu đối với cha mẹ, vì phải bỏ việc cúng giỗ, thờ kính cha mẹ mà một người con hiếu thảo không thể không chu toàn.

2. Về giá trị của đạo làm người:

VẤN ĐỀ 28: Không cần phải theo đạo nào cả, chỉ cần ăn ngay ở lành, giữ đạo làm người là đủ.

3. Thế nào là tôn giáo đich thực phát xuất từ Thiên Chúa ?

VẤN ĐỀ 29: Trên thế giới ngày nay có rất nhiều tôn giáo và tôn giáo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, cũng tự cho tôn giáo của mình là đích thực bắt nguồn từ trời. Vậy làm thế nào để phân biệt: đâu là tôn giáo thực sự do Thiên Chúa ? Đâu là con đường dẫn đến Thiên Chúa cách chắc chắn nhất và mang lại hạnh phúc cho con người ?

4. Về việc kết hôn và vấn đề tự do tín ngưỡng:

VẤN ĐỀ 30: Tại sao người lương muốn kết hôn với người bạn trai hay gái công giao đều phải cải đạo rồi mới được kết hôn tại nhà thờ ? Phải chăng như vậy là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng ?

5. Về việc rửa tội cho trẻ em mới sinh:

VẤN ĐỀ 31 : Tại sao phải rửa tội khi con cái chúng ta ngay khi còn bé ? Chúng không phải là con cái của Thiên Chúa sao ? Có thể để cho con cái được quyền tự do lựa chọn theo đạo của cha mẹ khi chúng tới tuổi trưởng thành hay không ? 

 

LỜI MỞ ĐẦU

Ngày nay việc tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến khoa học và Đức Tin tôn giáo rất cần để người tín hữu thêm xác tín và có khả năng trình bày đức tin cho người muốn tìm hiểu những vấn đề liên quan đến khoa học và đức tin tôn giáo như: Chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa và của linh hồn nơi con người; Về sự hình thành của vũ trụ vạn vật theo khoa học và đức tin; Giải đáp các thắc mắc theo quan điểm của Hội Thánh về các mầu nhiệm đức tin và các họat động trần thế của Giáo Hội v.v…

Đây là những vấn đề khá mới mẻ đối với phần đông các tín hữu, đặc biệt là giới trẻ thanh niên nam nữ Công Giáo chuẩn bị vào đời, mà với vốn liếng giáo lý ít ỏi, thu lượm được trong thời thơ ấu, không đủ để tự giải đáp thỏa đáng. Nhờ hiểu biết thêm về các vấn nạn trên với cái nhìn đức tin, các tín hữu sẽ không bị mặc cảm tự ti khi tiếp xúc với các người vô tín hay bạn bè khác niềm tin với mình. Các bạn trẻ cần được tập huấn trở thành những tông đồ giáo dân nhiệt thành loan Tin Mừng cho bạn đồng trang lứa như Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã khẳng định: ”Giới trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ” (Sắc lệnh TĐGD số 12). Họ phải trở nên như nắm men giữa thúng bột xã hội, để làm dậy lên men tình yêu của Chúa (x Mt 13,33).

Nhằm mục đích giúp kiến thức giáo lý cho các thành phần tín hữu chuẩn bị vào đời, các lớp giáo lý hôn nhân và dự tòng, các sinh viên muốn tìm hiểu đức tin tôn giáo; Đồng thời giúp các hội viên của Hiệp Hội Thánh Mẫu và các hội đòan Tông Đồ Giáo Dân có tư liệu học tập để đi loan báo Tin Mừng… chúng tôi đã thu thập và giải đáp các thắc mắc của anh em ngoài công giáo và sắp xếp theo đề tài thành sách ĐỐI THOẠI VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN.

Trong phần giải đáp, chúng tôi đã khai triển, đào sâu đề tài để giúp các giảng viên giáo lý sử dụng khi giảng dạy. Mỗi lời giải đáp gồm Lời Chúa, trình bày đề tài theo chiều hướng khoa học tự nhiên và đức tin siêu nhiên và kết thúc mỗi đề tài bằng câu Lời Chúa và lời cầu nguyện dành cho học viên, để xin Chúa Giê-su ban thêm đức tin như Người đã dạy: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Những lời giải đáp này không nhằm cổ võ những cuộc tranh luận vô bổ với ngừơi vô tín, mà chỉ muốn trình bày quan điểm của người có đức tin Công giáo trước những vấn đề thiết thực liên quan đến khoa học và đức tin, luân lý, thánh kinh... Những lời giải đáp này được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau như: Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo; Giải quyết vấn đề nhân sinh; Người Công Giáo trước vấn đề đức tin; Những thắc mắc của cuộc đời; Trả lời vắn tắt; Lịch sử nhân lọai; Con người và vấn đề Thương đế; Đi về đâu ? Đạo Công Giáo là gì ? và các tài liệu được cập nhật trên các trang mạng truyền thông công giáo…

Tuy nhiên, những lời giải đáp này chắc không tránh khỏi những mặt hạn chế sai sót và chưa phải là những lời giải đáp đầy đủ nhất... Dù chỉ là viên gạch nhỏ bé tầm thường, nhưng chúng tôi hy vọng góp phần với Hội Thánh trong việc xây dựng và củng cố đức tin cho anh em tín hữu công giáo và giúp người lương hiểu biết về đức tin. Xin Chúa qua lời bầu cử của Thánh Mẫu Maria xuống muôn ơn lành cho những người đã giúp chúng tôi hoàn thành tập sách này.

LM ĐAN VINH 

Giám Huấn HHTM Trung Ương

 

 

CHƯƠNG I

TƯƠNG QUAN GIỮA KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

 

I. PHÂN BIỆT KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN CHÂN CHÍNH

VẤN ĐỀ 1 : Chỉ khoa học mới là tiếng nói chân chính của loài người tiến bộ, vì khoa học có khả năng giải đáp mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống con người. Còn Đức tin tôn giáo chẳng qua chỉ là sự mê tín, bắt nguồn từ sự dốt nát của những người thời tiền sử. Ngày nào khoa học hòan tòan tiến bộ, thì ngày ấy tôn giáo đương nhiên sẽ bị đào thải.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

1) Thực ra Khoa học chỉ có giới hạn, và không thể giải đáp được mọi vấn đề liên hệ đến con người :

Vào thế kỷ 19, Khoa học đã tiến một bước nhảy vọt, đem lại những phát minh mới lạ làm đảo lộn mọi hiểu biết của con người về vũ trụ thiên nhiên, khiến cho một số người quá lạc quan, tin tưởng khoa học có khả năng vô hạn, có thể giải quyết được mọi vấn đề đặt ra mà không cần phải nại tới Thiên Chúa hay thần minh nào khác. RENAN đã mạnh dạn tuyên bố: ”Tổ chức nhân lọai theo phương pháp khoa học. Đó là câu nói cuối cùng của Tân Khoa Học. Dĩ nhiên lý trí sẽ điều định nhân lọai trước, rồi điều định tới Thiên Chúa sau…” (L ‘Avenir de la science p.37).

Nhưng giây phút phấn khởi ban đầu qua đi mau chóng, và người ta đã dần dần ý thức được sự bất lực của khoa học, sản phẩm của trí khôn con người. Những giả thuyết khoa học mà người đi trước coi là chân lý, đã không còn đứng vững trước những khám phá mới lạ hợp lý hơn của người đi sau. P. TERMINÉ đã khiêm tốn hơn khi thú nhận: ”Khoa học liền với bất khả tri. Khoa học đầy bí ẩn mà phần lớn không giải thích được. Khoa học khêu gợi bí nhiệm hơn là giải thích chúng”,

Thực vậy, ngay trong lãnh vực vật chất là đối tượng nghiên cứu của khoa học, thế mà các nhà bác học cũng gặp rất nhiều trở ngại không thể vượt qua. Chẳng hạn : Nhìn một bông lúa ngòai đồng, do quá trình quan sát khoa học có thể cho biết bông sẽ nảy sinh ra hạt lúa. Nhưng lại bất lực không thể hiểu thấu bí nhiệm của việc nảy mộng như thế nào. Cho đến nay, sau bao nhiêu cố gắng, các nhà bác học vẫn không thể làm được một con vật bé nhỏ tầm thường với đời sống tự lập như một con sâu, một con kiến… Đang khi chung quanh họ có không biết bao nhiêu sinh vật khác phức tạp gấp bội phần vẫn chưa được khoa học tìm hiều nghiên cứu.

Như vậy, phải công nhận rằng : Khoa học có giới hạn và không thể tự hào giải quyết được mọi vấn đề, nhất là những vấn đề siêu hình không thuộc đối tượng nghiên cứu của nó như : Thiên Chúa, linh hồn, đời sau… Những vấn đề này thuộc phạm vi đức tin và chỉ có triết học và thần học mới có khả năng và có quyền lên tiếng mà thôi.

2) Đức Tin không phải là mê tín. Nhưng là thái độ cần thiết và hợp lý của con người có trí khôn :

a) Đức Tin chân chính khác hẳn mê tín dị đoan :

-Mê tín là quá tin một điều gì cách mù quáng và vô lý. Mê tín do sự ngu dốt, kém hiểu biết khoa học mà ra. Chẳng hạn ngày xưa người ta tin các hiện tượng thiên nhiên như mưa bão sấm chớp… là những vị thần minh, mà con người nếu muốn được an thân, cần cầu khấn lễ bái để được các vị thần ấy che chở phù giúp. Hoặc ngày nay ở các dân tộc bán khai, dân chúng u mê tin tưởng vào tài chữa bệnh của các thày mo, thày pháp… Thay vì phải uống thuốc chữa bệnh theo toa bác sĩ, họ lại theo lời quỉ thần mách bảo để dâng lễ vật và uống tàn nhang, nước thải… Trong trường hợp này, khi con người càng tiến bộ về khoa học, thì những điều mê tín kia cũng bị sẽ bị đào thải.

-Trái lại, Đức Tin chân chính là chấp nhận chân lý cách sáng suốt, dựa trên những bằng chứng đáng tin như : Dù mắt ta không nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng khi nhìn xem vũ trụ mênh mông vô tận, với những trật tự lạ lùng hòan hảo, hoặc khi nghiên cứu các bộ phận trong cơ thể con người, người ta sẽ trực giác nhận biết phải có một Đấng nào đó đã sáng tạo và an bài mọi sự. Đấng ấy được gọi là Thiên Chúa, Ông Trời hay Đấng Tạo Hóa…

b) Đức Tin là điều hợp lý và cần thiết :

-Đức Tin hợp lý vì ngay trong đời sống thường ngày, con người muốn tiến bộ và sống an vui hạnh phúc cũng cần tin cậy lẫn nhau như: Chúng ta tin các kiến thức khoa học được dạy ở nhà trường là đúng, dù chúng ta chưa hề kiểm chứng. Ta tin tưởng giao chìa khóa nhà cho bà con hàng xóm giữ dùm khi ra khỏi nhà, để ngươi thân về trước có thể mở khóa vào nhà được… Thế thì tại sao một khi đã nhận biết có Thiên Chúa, ta lại không tin tưởng những lời Ngài mặc khải, nếu những điều ấy có bằng chứng đáng tin, phát xuất từ những nguồn gốc có giá trị mặc khải, có những phép lạ đi kèm, đồng thời rất nhiều lời tiên báo đã được ứng nghiệm trong lịch sử ? Lời Chúa dù do nhiều tác giả viết ra trong nhiều thời điểm khác nhau, nhưng vẫn luôn đồng nhất trong tòan bộ giáo lý.

Đàng khác, Đức Tin chân chính không phải là mê tín, vì không phủ nhận vai trò tìm hiểu của trí khôn. Trí khôn là một tài năng đặc biệt của con người, có quyền điều tra tìm hiểu những bằng chứng thiết yếu, trước khi quyết định chấp nhận. Đức Giáo Hòang Pi-ô 9 đã viết như sau: ”Để tránh mọi lầm lạc lừa dối trong một vấn đề quá quan trọng như thế, lý trí con người phải điều tra rất cẩn thận xem sự việc Thiên Chúa mặc khải có thật không? Để biết chắc chắn rằng Thiên Chúa đã nói thực sự.” (Thông Điệp Qui pluribus.-1846).

-Đức Tin còn cần để đạt hạnh phúc vĩnh cửu: Đời sống con người không phải chỉ gồm các việc ăn uống, ngủ nghỉ, chời đùa… sinh ra rồi chết đi như một con vật tầm thường. Trái lại, con người chúng ta có giá trị trổi vượt vì có hồn thiêng bất tử. Chết ikhông phải là hết, nhưng linh hồn con người sẽ tồn tại mãi, và con người sẽ lãnh nhận hậu quả là được hạnh phúc hay bị đau khổ do những việc đã làm khi còn sống. Chỉ những người biết mở lòng chấp nhận đức tin và trung thành thể hiện đức tin ấy trong cuộc sống thường ngày, mới hy vọng được ơn cứu độ như lời Đức Giê-su: ”Ai tin Ta sẽ được sống đời đời” (Ga 6,47). Và ngược lại: ”Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi” (Ga 3,18).

TÓM KẾT: Tuy khoa học ngày nay đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc khám phá những sự kỳ diệu trong vũ trụ thiên nhiên và nơi con người. Nhưng sự tiến bộ mới chỉ ở lãnh vực tìm hiểu và lai tạo bắt chước chứ không phải sáng tạo từ không ra có, không thay đổi được những trật tự kỳ diệu trong vũ trụ. Do đó, sự tiến bộ không phải là lý do để con người phủ nhận Thiên Chúa. Khoa học cũng không thể tự hào giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến con người. Vì khoa học chỉ là sản phẩm của trí khôn con người. Đối tượng nghiên cứu của nó là vật chất hữu hình, có thể cân đo đong đếm và nhìn thấy được… thì làm sao có cao vọng lên tiếng trong những vấn đề ngòai lãnh vực thực nghiệm của nó như: Thiên Chúa, linh hồn… Khoa học không thể phủ nhận đức tin chân chính, nhưng có vai trò thanh luyện đức tin, làm cho đức tin ngày một bền vững sáng tỏ hơn.

3) THẢO LUẬN: 1) Theo bạn đức tin có phải là mê tín không? Tại sao ? 2) Khoa học có giải đáp được mọi vấn nạn liên quan đến vũ trụ thiên nhiên và số phận của lòai người không ? Tại sao ?

B. PHÚT HỒI TÂM

1) LỜI CHÚA: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,

                         thanh không kể ra sự nghiệp tay Ngài” (Tv 18,2).

2) LỜI CẦU :

Lạy Chúa, xin mở mắt con để nhìn xem những công trình kỳ diệu Chúa đã làm trong vũ trụ thiên nhiên và nơi bản thân mỗi người chúng con. Con cảm nghiệm thấy quyền năng của Chúa luôn hiện diện và tác động trong từng đường gân thớ thịt, từng góc cạnh sâu thẳm trong tâm hồn con. Xin cho con biết nghiên cứu về khoa học và tâm lý để thêm hiểu biết về những kỳ công Chúa đã làm vì yêu thương con. Nhờ đó, con thêm xác tín vào quyền năng và tình thương của Chúa, và biết dâng lời ngợi khen cảm tạ tình thương của Chúa như tác giả Thánh Vịnh đã viết: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa. Thanh không kể ra sự nghiệp tay Ngài” (Tv 18,2)- A-men.

  

II. VỀ SỰ ĐỐI LẬP GIỮA TÔN GIÁO VÀ KHOA HỌC:

VỤ ÁN GALILEO GALILEI

VẤN ĐỀ 02:

Trong quá khứ, tôn giáo đã từng gây trở ngại rất nhiều cho khoa học như trong vụ án Ga-li-leo Ga-li-lei (1611-1741). Các nhà bác học vì sợ bị tôn giáo pháp đình kết án thiêu sinh, nên không dám đưa ra những lời giải đáp chân chính về nguồn gốc vũ trụ và con người khác với lời dạy bảo sai lạc của tôn giáo.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

1) Thực tế có sự xung đột: Vụ Galileo Galilei.

Chúng ta công nhận rằng: trong thời trung cổ, đã từng có sự xung dột giữa tôn giáo và khoa học, do lỗi của một số nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó gây ra. Câu chuyện của nhà bác học Galileo Galilei là một bằng chứng:

Galileo là một nhà vật lý và thiên văn học ngưới Ý danh tiếng (1564 – 1642). Ông đã dùng thiên lý kính khám phá ra chân lý về vũ trụ như sau: Ngoài thái dương hệ ta đang sống, còn có hằng hà sa số những thái dương hệ khác nữa trong không gian mênh mông vô tận. Quả đất là nơi con người trú ẩn không phải là trung tâm của vũ trụ, mà cũng chỉ là một hành tinh bé nhỏ tầm thường xoay vần theo quỹ đạo của mặt trời. Chân lý ấy xem ra mâu thuẫn với quan niệm của người xưa cho rằng mặt trời xoay quanh trái đất, mà tác giả sách Sáng Thế Ký đã ghi lại và cho tới thời Trung cổ vẫn còn được mọi người chấp nhận. Do đó, ý kiến của Galileo đã gây ra một sự xáo trộn, hoài nghi về tôn giáo. Trong khi chờ đợi thêm những bằng chứng xác thực và cũng vì muốn bảo vệ trật tự kỷ luật trong Giáo hội, nên tòa án tôn giáo (Le Saint Office), một cơ quan có tính cách hành chánh của Giáo hội thời đó đã vội vàng lên án Galileo cách bất công.

Thực ra, các nhà thần học và các viên chức Giáo hội vào thế kỷ 17, khi kết án Galileo, đã dựa trên những lời tường thuật trong Kinh Thánh được hiểu theo nghĩa đen, để cho rằng trái đất là trung tâm cố định và mặt trời xoay quanh trái đất. Đang khi tác giả Kinh thánh khi trình bày việc sáng tạo của Thiên Chúa, không nhằm dạy khoa học về sự hình thành của vũ trụ, mà chỉ dạy chân lý đức tin như sau: “Trời đất này không phải tự nhiên mà có, nhưng đã do Thiên Chúa tạo thành từ hư không”. Nhưng vì nói trực tiếp với người đương thời, nên tác giả Kinh thánh đã diễn tả công việc sáng tạo của Thiên Chúa dựa trên những gì mắt thấy tai nghe phù hợp với quan niệm thô sơ của người xưa về vũ trụ, để giúp họ mở lòng đón nhận đức tin. Ngay trong thời đại văn minh khoa học hiện đại, thế mà trong câu chuyện thường ngày, chúng ta vẫn thường nói: “Mặt trời mọc, Mặt trời lặn, bầu trời…”, thì chúng ta cũng dễ dàng hiểu được các kiểu trình bày của tác giả Kinh thánh ngày xưa.

Như vậy, có thể nói rằng: việc lên án ông Galileo chỉ là một biện pháp hành chánh kỷ luật sai lầm nhất thời của một số viên chức tòa án Giáo Hội thời đó. Điều này không đồng nghĩa với sự khẳng định đức tin của Giáo Hội. Vì thế không thể dựa vào vụ án này để cho rằng Giáo Hội Công Giáo chống lại khoa học được. Ngay cả ông Galileo mặc dù bị kết án bất công, vẫn trung thành với đức tin và không thấy điều gì mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học cả. (Hiến chế Gaudium et Spes số 37).

2) Khoa học và đức tin chân chính không mâu thuẫn mà còn bổ túc cho nhau:

Trong quá khứ, có lẽ đây là trường hợp duy nhất kết án sai lầm của tòa án Giáo hội. Ngày nay hầu như mọi người đều ý thức rằng: Khoa học và đức tin cùng có mục đích tìm kiếm chân lý nhưng ở hai bình diện riêng, nên không những không xung dột mà còn bổ túc cho nhau nữa:

   + Không xung đột mâu thuẫn: Đức Tin nhằm tìm ra ý nghĩa của mọi hiện tượng thiên nhiên để đạt tới nguyên nhân cuối cùng là Thiên Chúa, đang khi khoa học chỉ nhằm giải thích các hiện tượng thiên nhiên bằng những nguyên nhân kế cận mà thôi. Chẳng hạn: cũng một hiện tượng trời mưa, nhưng sẽ được trình bày cách khác nhau tùy theo đứng trên lập trường khoa học hay đức tin. Nhà bác học sẽ giải thích: mưa là một hiện tượng thiên nhiên, do những hạt bụi nước rất nhỏ trong không khí, khi gặp nhiệt độ thấp, sẽ kết tụ lại thành giọt nước lớn hơn rồi rơi xuống đất liên tục… Đang khi nhà thần học sẽ giải thích: mưa là một hiện tượng thiên nhiên nằm trong trật tự của vũ trụ, do Thiên Chúa đã an bài, để hễ cứ hội đủ điều kiện là có hiện tượng mưa.

Cả hai cách giải thích đều đúng, vì mỗi bên đứng trên một bình diện, nhìn theo lăng kính khác biệt. Nếu ở hai lãnh vực khác nhau, thì không thể có sự mâu thuẫn hay xung đột nhau. Công việc của các nhà bác học là tìm hiểu vật chất qua 3 giai đoạn : quan sát sự kiện để xây dựng giả thuyết, kiểm chứng giả thuyết bằng cách thí nghiệm nhiều lần, chấp nhận giả thuyết và thiết lập định luật cơ bản để giải thích những trường hợp tương tự. Đang khi người có đức tin tiếp cận chân lý mà không phải vất vả nhiều. Hơn nữa chân lý đức tin phát xuất từ mặc khải của Thiên Chúa lại hoàn hảo, chắc chắn và vĩnh cửu, khác hẳn với kiến thức khoa học không mấy chắc chắn, dễ dàng sụp đổ với thời gian khi một phát minh mới hợp lý hơn xuất hiện. (x Hiến chế Gaudium et Spes số 57).

+Bổ túc cho nhau: Một nhà bác học có đức tin sẽ ít bị phân tâm về những vấn nạn liên can đến tinh thân con người, đang khi theo đuổi công việc khảo cứu khoa học của mình. Chẳng hạn: vũ trụ với những trật tự lạ lùng bởi đâu mà có? Tại sao con người lại xuất hiện trên trái đất? Chết có phải là hết? .v.v… Ngược lại, một tín hữu có sự hiểu biết khoa học thì đức tin của họ sẽ sáng suốt hơn, tránh được những mê tín, và chắc chắn sẽ làm vinh danh cho Thiên Chúa nhiều hơn.

TÓM LẠI: Người ta không được lạm dụng danh nghĩa đức tin để đàn áp khoa học và các nhà bác học cũng không thể dựa vào khoa học để phủ nhận đức tin chân chính của các tín hữu. Vì mỗi bên nhìn vấn đề một cách khác nhau. Khoa học và đức tin không những không mâu thuẫn mà còn bổ túc cho nhau.

Tuy vậy, vụ án Galileo Galilei 400 năm trước đến nay vẫn có giá trị như một lời cảnh báo về việc: các nhà bác học không nên dạy bảo Giáo hội về đức tin, và Giáo hội, khi tiếp xúc với những khám phá của khoa học, cũng phải rất mực cẩn trọng. Đó là lời tuyên bố của vị bộ trưởng Văn Khố Mật Tòa thánh Vatican, Đức giám mục Sergio Pagano.

3) THẢO LUẬN: Bạn sẽ trả lời thế nào khi có người nêu ra vụ án Galileo từng bị kết án bất công để kết luận ai tin vào Kinh Thánh đêu là người mê tín và phản khoa học ?

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa. Xin cho mọi người chúng con dù đứng trên cương vị nào cũng biết tôn trọng đức tin của người khác và sống hòa hợp với mọi người dù khác biệt đức tin với mình. Xin cho chúng con biết thực hành lời Chúa trong thư Cô-rin-thô để sẵn sàng tha thứ lầm lỗi cho nhau, tin tưởng và chịu đựng lẫn nhau. Nhờ đó mọi người sẽ sống trong hòa bình và hạnh phúc theo thánh ý Chúa. AMEN.

BÀI ĐỌC THÊM:

 VATICAN CITY (CNS) - Vụ án Galileo Galilei 400 năm trước và vụ Pháp đình Dị giáo (Inquisition) nay vẫn còn là một lời cảnh giác có giá trị về việc các nhà khoa học chẳng nên đảm nhiệm vai trò dạy bảo giáo hội về đức tin, và giáo hội, khi tiếp xúc với những khám phá của khoa học, phải rất mực cẩn trọng. Đó là lời tuyên bố của vị bộ trưởng Văn khố Mật Tòa thánh Vatican, Đức giám mục Sergio Pagano.

Trong buổi trình bầy một bộ sưu tập đã được cập nhật và mở rộng các tài liệu của Tòa thánh liên quan đến phiên tòa xử Galileo vì lạc giáo, đức giám mục Pagano nói rằng trường hợp đã xảy ra này dạy cho người Kitô hữu phải tuyệt đối cẩn trọng khi dùng Kinh Thánh để đưa ra những phán đoán về khoa học. Ngài nói: Người Công giáo phải cẩn thận “đừng để phạm phải những lầm lỗi như chúng ta đã phạm lúc đó” khi áp dụng các văn bản Kinh Thánh theo nghĩa đen vào các vấn đề khoa học. Chẳng hạn, “Tôi liên tưởng đến tế bào gốc, về thuyết ưu sinh (eugenics), về các vấn đề nghiên cứu khoa học trong vũ trụ này, đôi khi tôi có cảm tưởng rằng chúng bị lên án với cùng những định kiến ngày trước người ta dùng” để kết tội Galileo vào năm 1633 khi ông bảo vệ lý thuyết của Copernic như một sự kiện có thật, cho rằng trái đất quay chung quanh mặt trời. Ngài nói: “Chúng ta phải học hỏi thêm, phải khôn ngoan hơn, phải cân nhắc các sự kiện và phải rất chú tâm để cho Kinh Thánh – là gia tài không khiếm khuyết và không thể sai lầm trong phạm vi mạc khải thần thiêng – được giải thích một cách chính xác.”

Liền sau buổi họp báo ngày 2 tháng 7 với những lời phát biểu như trên, đức giám mục Pagano công bố một bản tuyên bố minh xác ngắn. Bản tuyên bố nói: “Vụ Galileo dạy khoa học đừng giữ vai trò dạy bảo giáo hội về những vấn đề đức tin cũng như Kinh Thánh, và đồng thời cũng dạy giáo hội phải tiếp cận các vấn đề khoa học với rất nhiều khiêm tốn và cẩn trọng – có lẽ ngay cả với những người liên hệ đến việc nghiên cứu rất hiện đại về các tế bào gốc ngày nay chẳng hạn.”

Trong buổi họp báo, đức giám mục Pagano nói rằng thực ra Galileo đã cố thuyết phục các nhà thần học đọc Kinh Thánh theo “đường lối Công giáo”, đừng vụ nguyên văn từng chữ, chỉ trong một hoặc hai đoạn văn, chẳng hạn như Thánh vịnh 19:6 ngụ ý nói rằng trái đất đứng nguyên trong khi mặt trời chuyển động trên bầu trời. Hồi tháng 10 năm 1992 Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chính thức công nhận rằng giáo hội đã lầm khi kết án Galileo, mặc dầu lý thuyết mà ông giảng dạy như một sự kiện thực tế mãi 100 năm sau mới được chứng minh.

Khi công nhận sai lầm của giáo hội, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng các nhà thần học và các vị chức sắc giáo hội vào thế kỷ 17, khi xét đoán Galileo, đã dựa trên một lời giải thích theo nghĩa đen những lời trong Kinh Thánh khẳng định rằng trái đất là trung tâm cố định của vũ trụ.

Đức giám mục Pagano nói giả như Galileo đã ngừng lại ở điểm cho rằng sự chuyển động của trái đất chung quanh mặt trời chỉ mới là một giả thuyết, thì có lẽ ông đã không bị kết án.

Ngài nói: Nhưng các viên chức giáo hội lúc đó cũng có những lý do xác đáng để nghi ngờ Galileo và những lời khẳng định của ông, bởi vì những điều đó mâu thuẫn với giảng huấn của Kinh Thánh và cũng bởi coi ông như một nhà khoa học cố dạy bảo giáo hội một điều giáo hội phải tin, “điều đó ngày này quý vị vẫn còn thấy.”

Những người kết tội Galileo lúc đó cũng “chẳng phải là những kẻ ngu đần”, họ thấy mặt trời mọc, mặt trời lặn, và Galileo đã không chứng minh rằng không có chuyện đó.

“Ngày nay, vào năm 2009 này, chúng ta có các vệ tinh trên đầu. Chúng ta có thể nhận diện mọi sự vật. Chúng ta có thể thấy được trái đất trong mọi khoảnh khắc thực tại của nó. Chúng ta thấy được mặt trời. Chúng ta đã chụp hình được Hỏa tinh. Chúng ta đã đặt chân lên mặt trăng. Vì thế mà chúng ta biết được thực tại khoa học.”

Nhưng nếu quý vị đọc báo chí hoặc nghe đài phát thanh hàng ngày, quý vị thấy nói rằng vào giờ nào đó “mặt trời mọc”, vào giờ nào đó “mặt trời lặn”. Mà tất cả chúng ta đều biết mặt trời đâu có mọc, đâu có lặn, nhưng mọi người đều nói thế cả”. Cuốn sách đức giám mục Pagano biên tập và trình bầy nhan đề “Các tài liệu của Tòa thánh từ vụ án Galileo 1611-1741”, được nhật tu từ một bản ấn hành năm 1984. Sách gồm 20 tài liệu được phát hiện trong thời gian 25 năm qua.

Đức giám mục cho biết hầu hết các tài liệu mới này đến từ văn khố của Thánh bộ Đức Tin, và gồm có những lá thư của Tòa thánh không cho phép người Công giáo, kể cả hàng giáo sĩ, được đọc và nghiên cứu các văn phẩm của Galileo.

(Nguồn: www.vietcatholic)

 

 III. VỀ SỐ LƯỢNG NGƯỜI CÓ TÔN GIÁO

VẤN ĐỀ 03:

Chỉ những người ngu dốt mới tin có Thiên Chúa, còn những ai có kiến thức đều vô thần.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

1) Một số người nại vào khoa học để phủ nhận tôn giáo: Theo họ: “Tôn giáo bắt nguồn từ sự dốt nát của con người. Ngày xưa, vì thiếu hiểu biết, nên con người cảm thấy nhỏ bé tầm thường. Họ luôn cảm thấy sợ hãi trước những hiện tượng trong thiên nhiên như sấm chớp, bão táp, cháy rừng, động đất... và coi chúng như các thần minh quyền năng, mà muốn được yên thân, người ta phải thờ phượng, lễ bái, cúng kiến… Đó là nguồn gốc phát sinh ra tôn giáo thời sơ khai. Nhưng từ khi khoa học tiến bộ, khi trí óc con người được mở mang, thì những ý niệm về các vị thần minh nói trên cũng dần dần tan biến. Đến nay chỉ có những người ngu dốt mới tin Thiên Chúa, còn những ai có chút kiến thức đều vô thần”.

2) Chúng ta có thể đồng quan điểm phần nào với lập trường nói trên: khi nói về những tôn giáo tự nhiên đa thần, là những tôn giáo do trí khôn con người thời sơ khai tưởng tượng ra, lệ thuộc vào sự hiểu biết nông cạn của con người lúc đó. Dần dần, khi khoa học tiến bộ, lòai người đã giải thích được các hiện tượng trong thiên nhiên như mưa bão sấm chớp…, thì những sự mê tín dị đoan cũng không còn lý do tồn tại.

Trái lại, những tôn giáo độc thần, đặc biệt là Kitô giáo lại là các tôn giáo của con người văn minh: Càng có kiến thức cao, con người càng tin có Đấng Tạo Hóa là căn nguyên của mọi vật hiện hữu trong vũ trụ. Ngày nay, tuy con người đã đạt được trình độ văn minh kỹ thuật khá cao, thế mà đại đa số nhân loại, trong đó có các nhà bác học đều có niềm tin tôn giáo, chỉ có một thiểu số không tin mà thôi:

3) Theo Bách Khoa Tòan Thư Mở (Wikipedia) thì niềm tin và thực tiễn tôn giáo vô cùng đa dạng và có rất nhiều tôn giáo trên thế giới ngày nay, có tôn giáo chỉ hạn chế trong một vùng địa lý không lớn nhưng có những tôn giáo có thể gọi là tôn giáo thế giới với nhiều triệu tín đồ ở khắp nơi trên thế giới. Nói chung có khoảng 87 phần trăm dân số thế giới đang gắn bó với một tôn giáo nào đó; chỉ có khoảng 13 phần trăm là không tôn giáo.

Các tôn giáo trên thế giới hiện nay 2012

Tôn giáo

Số lượng tín đồ

Vùng lãnh thổ chủ yếu

Kitô giáo (gồm Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo và Anh giáo):

2,1 tỷ

Khắp thế giới, trừ một vài nơi ở Đông Phi, Bắc Phi, bán đảo Ả Rập, Trung Á, Đông Á, Đông Nam Á.

Hồi giáo

1,5 tỷ

Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á, Nam Á, Tây Phi, Đông Phi, Nam Á, Đông Nam Á, Albania, một phần lãnh thổ Nga, các tỉnh phía tây Trung Quốc.

Ấn Độ giáo

900 triệu

Nam Á, Đông Nam Á, Fiji, Guyana, Mauritus.

Đạo giáo

400 triệu

Trung Quốc, Singapore, Malaysia và cộng đồng người Hoa hải ngoại

Tôn giáo dân gian Trung Quốc

394 triệu

Trung Quốc

Phật giáo

365 triệu

Đông Á và Ấn Độ

Tôn giáo của các bộ tộc

300 triệu

Khắp thế giới trừ Châu Âu

Nho giáo

150 triệu

Đông Á và cộng đồng người Hoa ở hải ngoại

Tôn giáo truyền thống Châu Phi

100 triệu

Châu Phi

Shintō

30 triệu

Nhật Bản

Đạo Sikh

23 triệu

Ấn Độ, Pakistan, Canada, Mỹ, Anh

Do Thái giáo

14 triệu

Israel, Mỹ, châu Âu

Bahá'í giáo

9 triệu

Tín đồ phân bố rải rác nhiều nơi trên thế giới

Cao Đài

5 triệu

Việt Nam, Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc

Đạo Jain

1,2 triệu

Ấn Độ, Pakistan, Canada, Mỹ, Anh

Ngoài ra, ngay các khoa học gia, những bộ óc thông minh nhất của nhân loại cũng chấp nhận có Thiên Chúa với một tỷ lệ rất lớn:

4) A. EYMIEU đã công bố một bảng thống kê bất ngờ về Đức Tin của 432 nhà khoa học thuộc thế kỷ 19 như sau:

- 34 người không rõ lập trường tôn giáo,

- Còn lại 398 vị thì 15 dửng dưng với tôn giáo hay thuộc phái bất – khả – tri (Chủ trương không thể dùng trí khôn nhận biết có Thiên chúa hay không).

- 16 vị công khai vô thần,

- Còn 367 vị tin có Thiên Chúa cách rõ rệt chiếm tỷ lệ 92%.

Hơn nữa, những vị có tín ngưỡng lại là những nhà bác học thời danh như: Ampère, Pasteur, Volta, Copernic, Newton, Edison, Galilê, Lavoisier, Marconi...

5) Mới đây trên trang web điện từ Vnexpress.net có đăng bài của T. An viết dựa theo tài liệu “Live Science” về niềm tin của các nhà khoa học hiện đại cho thấy đại đa số các nha khoa học đều tin có Thiên Chúa như sau:

- “Khoảng 2/3 các nhà nghiên cứu tin vào Đấng Tối Cao”. Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy sự khác biệt sâu sắc giữa họ phụ thuộc vào lĩnh vực mà họ đang theo đuổi: Những người làm trong ngành “khoa học xã hội” có xu hướng tin vào Chúa và tham dự các hoạt động tôn giáo nhiều hơn so với các học giả trong lĩnh vực “khoa học tự nhiên”.

- Chỉ có gần 38% các nhà khoa học tự nhiên (những người liên quan đến bộ môn vật lý, hoá học và sinh học) và 31% những người nghiên cứu xã hội cho biết họ không tin vào Thiên Chúa.

- Trong cuộc khảo sát, nhà xã hội học ELAINE HOWARD ECKLUND từ Đại học Rice đã tìm hiểu 1.646 thành viên tại các trường đại học chuyên nghiên cứu, đưa ra 36 câu hỏi về niềm tin và các hoạt động tinh thần. Ecklund nói: "Dựa trên các nghiên cứu trước đây, chúng tôi tưởng rằng các nhà khoa học xã hội sẽ ít thực hành tôn giáo hơn các nhà khoa học tự nhiên, nhưng dữ liệu thu được lại cho kết quả ngược lại", Một số kết quả nổi bật như sau: 41% các nhà sinh học không tin có Chúa, trong khi con số này chỉ là 27% ở các nhà khoa học chính trị. Trong một công trình độc lập tại Đại học Chicago, công bố tháng 6 vừa qua, 76% các bác sĩ nói họ tin vào Chúa, và 59% tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia. Ecklund nói: "Giờ đây chúng ta phải tìm hiểu nguồn gốc của những khác biệt này… Nhiều nhà khoa học xem mình là người duy tâm lại không gắn với một tôn giáo cụ thể nào cả và không tin vào Thiên Chúa". Hiện nay Ecklund và cộng sự viên đang tiếp tục thực hiện những cuộc điều tra dài hơi hơn để tìm hiểu nguyên nhân của điều này.

KẾT LUẬN: Vậy có thể nói ngược lại rằng:

Hầu hết nhân loại thuộc đủ mọi thời đại, mọi dân tộc, mọi nền văn minh đều tin có Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, dựa vào một nguyên lý căn bản là nguyên lý nhân quả: “Có hậu quả tất phải có nguyên nhân”. Tuy nhiên Đấng Tạo Hóa đã được quan niệm một cách khác nhau tùy theo trình độ văn minh cao thấp. Ngày xưa, vì dốt nát, nên người ta đã quan niệm sai lạc về Thiên Chúa, nhưng dần dần với kiến thức mở mang, những ý niệm đa thần đã được thay thế bằng một vị Thiên Chúa là căn nguyên của mọi hiện tượng trong vũ trụ. Chỉ có một thiểu số do tự cao, hoặc chịu ảnh hưởng của nền giáo dục vô tôn giáo... mới phủ nhận Ngài mà thôi.

Một nhà nhân chủng học trứ danh của thời đại chúng ta đã viết trong cuốn “loài người” của ông như sau: “Tôi chỉ gặp thấy tình trạng vô thần ở cá nhân, và chỉ là trường hợp đặc biệt. Khắp mọi nơi, luôn luôn đại đa số đều tin tưởng. Không một chủng tộc nào trong các đại chủng mà vô thần. Và cũng không có một nhóm nào quan trọng một chút trong các chủng tộc nhân loại mà vô thần”.

THẢO LUẬN: Phải chăng chỉ một thiếu số người tin vào Thiên Chúa và gia nhập vào một tôn giáo, trong khi đại đa số nhân loại đều vô thần ?

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô viết: “Từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó họ không thẻ tự bào chữa được. Vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ” (Rm 1,20-23).

2) LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con xin tạ ơn Cha vì Cha đã dựng nên muôn loài muôn vật để chúng con hưởng dùng, Cha đã dựng nên vũ trụ thiên nhiên để chúng con có nhà để sống, có nơi để làm việc, có cảnh đẹp để chiêm ngưỡng… Xin cho chúng con mổi khi nhìn vào vũ trụ thiên nhiên biết nhận ra bàn tay Cha đã tác tạo nên chúng, tin vào tình thương của Cha, tạ ơn Cha và phó thác cuộc sống hiện tại và tương lai trong sự quan phòng của Cha. Chúng con cầu xin Cha nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.

 

BÀI ĐỌC THÊM:

CUỘC TRANH LUẬN THÚ Vị VỀ THIÊN CHÚA có một không hai của EINSTEIN – Nhà khoa học vĩ đại nhất của mọi thời đại đã được ghi lại như sau:

Giáo sư : Con trai là một người tin có Thiên Chúa phải không?

Sinh viên : Dạ đúng thưa giáo sư.

Giáo sư : Vậy con có thực sự tin vào Chúa không?

Sinh viên : Tất nhiên rồi thưa giáo sư

Giáo sư : Chúa tốt lành chứ?

Sinh viên : Chắc chắn là như vậy

Giáo sư : Chúa có tòan quyền không?

Sinh viên : Dạ có

Giáo sư : Anh trai tôi chết vì ung thư mặc dù anh ấy đã nhiều lần tha thiết cầu xin Chúa chữa cho anh ấy được lành bệnh. Mọi người chúng ta ai cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác khi có thể. Còn Chúa đã không làm như vậy! Vậy cậu hãy nói xem: Chúa tốt lành ở chỗ nào?

(Sinh viên im lặng)

Giáo sư : Cậu không thể trả lời được phải không? Vậy chúng ta hãy bắt đầu lại với câu hỏi : Chúa có tốt lành không nhé?

Sinh viên : Dạ vâng.

Giáo sư : Quỷ Satan có tốt lành không?

Sinh viên : Không.

Giáo sư : Thế Quỷ Satan do đâu mà có?

Sinh viên : Dạ, từ …Thiên Chúa mà ra…

Giáo sư : Đúng rồi. Con trai hãy nói cho ta biết, tội ác có tồn tại trên thế giới này không?

Sinh viên : Dạ có

Giáo sư : Tội ác ở khắp nơi phải không? Và Chúa tạo nên tất cả mọi thứ đó, đúng không?

Sinh viên : Đúng!

Giáo sư : Vậy ai tạo ra tội ác?

(Sinh viên không trả lời)

Giáo sư : Vậy còn bệnh tật? Sự đồi bại? Lòng thù hận? Sự xấu xa?... Tất cả những thứ kinh khủng đó vẫn luôn tồn tại trên thế giới phải không?

Sinh viên : Dạ đúng , thưa giáo sư

Giáo sư : Vậy, ai đã tạo nên chúng?

(Sinh viên không trả lời)

Giáo sư : Khoa học nói rằng chúng ta có 5 giác quan để nhận định và quan sát thế giới chung quanh chúng ta. Vậy hãy nói cho ta biết, mắt con đã từng thấy Chúa chưa?

Sinh viên : Dạ chưa.

Giáo sư : Nói cho ta biết tai con đã từng nghe thấy lời Chúa nói chưa?

Sinh viên : Chưa, thưa giáo sư

Giáo sư : Con đã từng cảm nhận thấy Chúa hiện hữu, nếm được vị của Chúa, ngửi được mùi của Chúa chưa? Con đã từng nhận thức được Chúa bằng bất cứ giác quan nào chưa con trai?

Sinh viên : Chưa thưa giáo sư. Con e là chưa cảm nhận được Chúa bằng bất cứ giác quan nào.

Giáo sư : Vậy cậu còn tin vào Chúa thôi?

Sinh viên : Dạ có

Giáo sư : Theo kinh nghiệm, bằng sự thực nghiệm, bằng những phương pháp chứng minh khác, khoa học nói rằng: Chúa không hề tồn tại. Con nói về điều này thế nào hả con trai?

Sinh viên : Không gì cả. Con chỉ có niềm tin vào Thiên Chúa mà thôi.

Giáo sư : Đúng rồi, đức tin. Và đó là vấn đề mà khoa học gặp phải

Sinh viên : Thưa giáo sư, có tồn tại một thứ gọi là “nóng” không?

Giáo sư : Có!

Sinh viên : Và có tồn tại thứ gọi là “lạnh” không?

Giáo sư : Có!

Sinh viên : Không có, thưa giáo sư. “lạnh” không hề có.

(Giảng đường bỗng trở nên im lặng với câu trả lời bất ngờ của cậu sinh viên)

Sinh viên : Thưa giáo sư, giáo sư có thể có rất nhiều thứ gọi là nóng, nóng hơn, siêu nóng, cực kì nóng, nhiệt độ nóng trắng... Nhưng chúng ta không có bất cứ thứ gì gọi là lạnh cả. Chúng ta có thể đạt đến nhiệt độ dưới 0 đến âm 458 độ, nhưng chúng ta không thể đạt đến mức thấp hơn con số đó. Không có bất cứ thứ gì gọi là lạnh, lạnh là một từ ngữ chúng ta dùng để mô tả sự vắng mặt của nóng. Chúng ta không thể đo lường được lạnh, độ lạnh đến đâu ? Nóng là một loại năng lượng, và lạnh không phải là mặt trái của nóng, thưa giáo sư: Lạnh chỉ là sự vắng mặt của nóng mà thôi. (Giảng đường thinh lặng với những giải thích của cậu sinh viên)

Sinh viên : Còn về bóng tối thì sao thưa giáo sư ? Có thứ gì để gọi là “bóng tối” không?

Giáo sư : Có. Đêm tối là gì, nếu nó không phải là bóng tối ?

Sinh viên : Giáo sư lại sai nữa rồi. Bóng tối là sự thiếu vắng của một thứ khác là ánh sáng. Giáo sư có thể có được ánh sáng yếu, ánh sáng trung bình, ánh sáng mạnh, ánh sáng chớp. Nhưng nếu không có ánh sáng thường xuyên, giáo sư sẽ không có cái gì gọi là “bóng tối” .Trong thực tế, không có bóng tối, nếu có, giáo sư có thể làm cho bóng tối trở nên tối hơn không thưa giáo sư?

Giáo sư : Vậy vấn đề mà con đang muốn đề cập ở đây là gì , chàng thanh niên trẻ tuổi?

Sinh viên : Thưa giáo sư, điều mà con muốn nói đây là tiền đề triết học của giáo sư có chỗ sai sót.

Giáo sư : Sai sót? Cậu có thể giải thích rõ hơn không?

Sinh viên : Thưa giáo sư, giáo sư đang giải thích trên tiền đề của sự đối ngẫu 2 mặt. Giáo sư chỉ rõ rằng có sự sống và có cái chết, có Chúa tốt và Chúa xấu. Giáo sư đang nhìn vào khái niệm về Thiên Chúa chỉ như một vật thể hữu hạn, bằng một cái gì đó có thể đo lường được, thưa giáo sư. Khoa học thậm chí không thể giải thích về cách thức con người suy nghĩ như thế nào. Có thể là dùng những tín hiệu về xung điện và từ ngữ gì đó, nhưng chúng ta không bao giờ xem thấy được. Tuy nhiên, bằng cách nào đó chúng ta vẫn có thể hiểu được về người khác. Nếu chúng ta xem xét về cái chết là đối lập với sự sống, nghĩa là đang phớt lờ đi sự thật rằng cái chết không hề tồn tại như một thứ gì đó. Sự chết không phải là sự đối lập của sự sống, mà chính là sự vắng mặt của sự sống. Điều này giải thích rằng: bệnh tật, tội ác, tất cả những thứ kinh khủng trên thế giới này đều không hề tồn tại như những vật thể, mà là vì thiếu vắng tình yêu của 1 Đấng Tối Cao nào đó.

Bây giờ giáo sư hãy nói cho con biết, giáo sư có dạy cho sinh viên rằng họ tiến hóa như bây giờ là từ loài khỉ không?

Giáo sư : Nếu như cậu đang đề cập về quá trình tiến hóa tự nhiên thì dĩ nhiên là có.

Sinh viên : Đã bao giờ giáo sư quan sát, nhìn thấy quá trình tiến hóa bằng mắt thường chưa thưa giáo sư?

(Giáo sư lắc đầu và cười, bắt đầu nhận ra rằng vấn đề của cuộc tranh luận đang đi về đâu)

Sinh viên : Bởi vì không ai có thể quan sát được quá trình tiến hóa trong công việc và càng không thể chứng minh rằng quá trình này là một quá trình đang diễn ra. Vì thế thưa giáo sư, giáo sư đã chẳng dạy cho sinh viên bằng quan điểm cá nhân của giáo sư đó sao? Như vậy giáo sư đang là một nhà khoa học hay chỉ là một nhà thuyết giáo suông?

(Lớp học bỗng trở nên ồn ào)

Sinh viên : Có ai trong lớp học này đã từng nhìn thấy bộ não của giáo sư chưa?

(Lớp học ồ lên những tiếng cười lớn)

Sinh viên : Có ai đó đã từng nghe nói về bộ não của giáo sư, cảm nhận được vị của bộ não đó, chạm được vào nó, hoặc ngửi được mùi của nó chưa? Không ai có mặt ở đây đã làm điều đó cả. Vì thế, theo quy luật được thiết lập bởi kinh nghiệm, sự thử nghiệm, các phương pháp chứng minh khoa học, con có thể quả quyết giáo sư không có bộ não. Như vậy nếu chỉ có lòng kính trọng mà thôi, thì làm sao chúng con có thể tin những gì giáo sư giảng dạy được, thưa giáo sư?

(Căn phòng im lặng. Giáo sư nhìn chằm vào cậu sinh viên, không đoán được cậu ấy đang nghĩ gì )

Giáo sư : Tôi nghĩ là cậu hãy cứ để những thứ cậu nói đó cho niềm tin, con trai ạ.

Sinh viên : Đúng vậy, thưa giáo sư….Cũng vậy: Sự kết nối giữa con người với Thiên Chúa chính là Niềm Tin. Tất cả những điều đó giữ cho mọi thứ vẫn tiếp tục sống, tiếp tục tồn tại và phát triển.

Cậu sinh viên trong câu chuyện trên đây không ai khác hơn là EINSTEIN – Nhà khoa học được bình chọn là vĩ đại nhất của mọi thời đại đấy các bạn ạ.

 

 

CHƯƠNG II

THÁNH KINH VÀ KHOA HỌC

VỀ NGUỒN GỐC VŨ TRỤ VÀ CON NGƯỜI

 

I. PHẢI CHĂNG VŨ TRỤ VẬT CHẤT TỰ HỮU VÀ VĨNH CỬU

VẤN ĐỀ 4 :

Vũ trụ vật chất tự nhiên mà có và vĩnh cửu chứ không do Chúa và Thần Thánh nào tạo nên.

GIẢI ĐÁP :

A. TRÌNH BÀY:

VỀ THUYẾT DUY VẬT BIỆN CHỨNG:

Đây là lập trường của thuyết Duy Vật Biện Chứng về nguồn gốc vũ trụ vật chất của Engels như sau:

1) Vũ trụ vật chất tự hiện hữu và hằng có: Mọi thực tại đang hiện hữu trong thiên nhiên đều là vật chất và đều do vật chất mà phát sinh. Vũ trụ vật chất ta đang sống đây đã tự hiện hữu, vẫn có từ đời đời và sẽ còn tồn tại mãi mãi, chứ không do thần thánh nào sáng tạo ra cả. Ngay ý thức và tư tưởng mà người ta gọi là tinh thần, dù có đặc tính siêu việt, cũng chỉ là sản phẩm thượng đẳng của cơ thể vật chất. “Vật chất cũng như hình thức hiện hữu của vật chất là sự chuyển động, đều không thể được sáng tạo ra: Tự nó mà nó hiện hữu” (Engeis: Anti-Duhring).

2) ý thức và tư tưởng cũng phát xuất từ vật chất: “Thực tại duy nhất là thế giới vật chất có thể tri giác được bằng giác quan của con người chúng ta cũng thuộc về thế giới vật chất ấy. Ý thức và tư tưởng của chúng ta, mặc dù có siêu việt tính, nhưng chỉ là sản phẩm của cơ thể vật chất là thể xác, khối óc... Như vậy: Tinh thần chỉ là sản phẩm thượng đẳng của vật chất mà thôi” (Engels: Ludwing Fuerbach).

Tóm lại, vật chất là tinh túy của mọi thực tại, là nền tảng tuyệt đối của vũ trụ, là hạ tầng cơ sở của vạn sự vạn vật. Như vậy, vật chất đóng vai trò thay thế cho Thiên Chúa, là căn nguyên tuyệt đối của mọi sự.

3) Tiến hóa theo tiến trình biện chứng: Để cắt nghĩa về sự tiến hóa của vũ trụ thiên nhiên. Thuyết Duy Vật Biện Chứng nêu ra một tiến trình biện chứng như sau: Mọi thực tại đang hiện hữu đều có chứa sẵn trong mình những khía cạnh mâu thuẫn gọi là “mâu thuẫn nội tại”. Nhưng mâu thuẫn ấy luôn luôn tìm cách tự dung hòa bằng cách vượt hẳn lên cao, nhờ đó mà có sự tiến bộ. Nói cách khác, sự tiến hóa diễn tiến theo 3 giai đoạn: CHÍNH ĐỀ, PHẢN ĐỀ và HỢP ĐỀ: Thực tại là chính đề. Những khía cạnh mâu thuẫn của thực tại là phản đề, hợp đề vượt lên trên chính đề và phản đề, là tổng hợp những ưu điểm của chính đề và phản đế. Sau đó hợp đề lại thành chính đề, giai đoạn thứ nhất của một tiến trình biện chứng mới và cứ thế tiến hóa lên mãi...

PHÊ BÌNH THUYẾT NÀY:

Lập trường thuyết duy vật biện chứng về nguồn gốc của vũ trụ vật chất ngày nay không đứng vững trên cả bình diện khoa học cũng như triết học:

I. TRÊN BÌNH DIỆN KHOA HỌC:

Khoa học hiện đại đã chứng minh: Vũ trụ vật chất có khởi thủy và chung cục chứ không tồn tại vĩnh cửu:

Thực vậy:

1) Khoa học chỉ mới chỉ có các giả thuyết: Để cắt nghĩa về nguồn gốc của vũ trụ vật chất nói chung và thái dương hệ (trong đó có mặt trời và trái đất nói riêng), thì cho tới nay các nhà bác học mới chỉ nêu ra được những giả thuyết phỏng đoán thiếu chắc chắn. Những giả thuyết ấy khác nhau nhiều ít tùy theo lập trường đức tin tôn giáo của các vị lập ra giả thuyết. Những giả thuyết này vì không thể kiểm chứng được nên muôn đời cũng chỉ là giả thuyết.

2) Vũ trụ nói chung có khởi điểm và kết thúc: Phần lớn các nhà bác học hiện nay đều chấp nhận vũ trụ có khởi điểm và chung cục chứ không vĩnh cửu, căn cứ vào khuynh hướng giảm dần năng lượng của vũ trụ: khinh khí đổi thành Hélium và sự hoán đổi ấy luôn theo một chiều thoái hóa. Dần dần sự thoái hóa sẽ đến lúc kết thúc để đi đến tình trạng trung hòa bất biến. Trạng thái trung hòa năng lượng này có lẽ là lúc chung cục của toàn thể vũ trụ.

Hiện nay các nhà bác học cũng đã đi đến kết luận chung là vũ trụ vật chất đã thành hình cách đây khoảng 15 tỷ năm và số lượng khinh khí dùng để biến đổi thành Hélium và phát sinh năng lượng (là ánh sang và sức nóng) cứ theo đà hiện nay thì chắc chắn sẽ đến lúc cạn kiệt hết. Còn trước thời gian xuất hiện thì vũ trụ là gì, và sau khi đã tiêu hao hết năng lượng, vũ trụ sẽ ra sao? thì người ta không đồng quan điểm với nhau.

3) Về nguồn gốc và vận mệnh riêng của Thái dương hệ: Mặt trời và trái đất đã có thời gian xuất hiện và sẽ có ngày bị tiêu tan.

Với những viễn vọng kính không gian và các phương pháp đo phóng xạ của ánh sáng mặt trời, người ta đã nêu ra giả thuyết về sự cấu tạo và tuổi của mặt trời như sau:

a) Về sự hình thành của mặt trời:

Đầu tiên trong không gian có một đám rất lớn khí thể và bụi vũ trụ, gồm nhiều nhất là chất khinh khí, tự đông đặc lại thành khối lớn là mặt trời. Từ mặt trời phát ra ánh sang và sức nóng đi khắp nơi trong không gian mênh mông vô tận. Người ta có thể ví mặt trời như là một lò nguyên tử khổng lồ: ở trung tâm cứ mỗi giây, dưới sức nóng 15 triệu độ sẽ có 800 triệu tấn khinh khí bị nấu chảy thành Hélium, phát ra một năng lực khủng khiếp là ánh sang và sức nóng. Phản ứng nguyên tử ấy được tóm tắt trong công thức: 4H----1He + Q (4 nguyên tử khinh khí (H) trong điều kiện N nhiệt độ cao sẽ liên kết với nhau thành một nguyên tử mới là Hélium (He), đồng thời phát sinh một năng lượng là ánh sáng và sức nóng (Q). Người ta ước tính mặt trời đã nấu chảy như vậy khoảng 6 tỷ năm nay, và còn đủ chất khinh khí để tiếp tục nấu chảy như vậy trong thời gian 5 tỷ năm nữa. Sau đó ánh sáng sẽ tắt và dĩ nhiên tất cả các hành tinh thuộc thái dương hệ, trong đó có trái đất sẽ trở thành những hành tinh lạnh lẽo băng giá và tăm tối. Đó chính là lúc chung cục của thái dương hệ.

b) Về nguồn gốc của trái đất như thế nào?

Nói về trái đất được thành hình thề nào, thì cho tới nay, khoa học cũng chỉ nêu ra những giả thuyết không thể kiểm chứng nên không thể đưa ra kết luận chính xác. Tuy nhiên, mọi nhà bác học đều công nhận trái đất không có từ đời đời, và đã có thời gian xuất hiện:

Gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp định tuổi của vật chất, gọi là phương pháp “Radio Activity”. Công việc định tuổi khởi từ nhận xét của hai vợ chồng nhà bác học Curie, về sự phát ra tia sáng của một số vật liệu gọi là phóng xạ. Công việc nghiên cứu kế tiếp của Rutherford và Holmes cho biết rằng: vật liệu phóng xạ đó sẽ tự hủy biến dần để thành một chất khác theo một số năm nhất định. Chẳng hạn: một lượng A Uranium, khi tự hủy thành một lượng B chì, thì đòi phải có một thời gian nhất định là T. Vậy nếu T càng dài ra thì lượng A sẽ mất dần và lượng B đương nhiên sẽ tăng lên. Từ đó muốn biết thời gian T của một vật, người ta sẽ đo phóng xạ phát ra từ vật đó so sánh với một hằng số nguyên thủy, rồi theo một công thức có sẵn để tính ra thời gian nó xuất hiện.

Từ những hòn đá lấy trên địa cầu hay lấy từ mặt trăng đem về, các nhà bác học đã phỏng đoán tương đối chính xác (với ít nhiều sai số), về thời gian xuất hiện của chúng: Trái đất của chúng ta xuất hiện cách đây khoảng 5 tỷ năm, và mặt trăng khoảng từ 4 đến 6 tỷ năm.

c) Tương lai của trái đất và mọi vật trên mặt đất, kể cả con người sẽ ra sao?

- Trước hết về số phận của sinh vật: Sinh vật, trong đó có con người chỉ có thể sống được nếu có đủ điều kiện về khí hậu, ánh sang, nhiệt độ, thực phẩm... Ngày nào ánh sáng và sức nóng mặt trời sút giảm hoặc tắt hẳn thì ngày ấy không sinh vật nào còn có thể tồn tại.

- Còn về số phận của trái đất trong tương lai: Các nhà bác học nêu 3 giả thuyết:

+ Giả thuyết về địa cầu trương nở: Địa cầu ngày càng nở lớn thêm ra, khiến cho nhiều nơi bị toạc vỡ, giống như một quả bong bóng đang được bơm hơi và nở ra cách chậm chạp. Theo B. Heezen, đáy biển Ấn Độ Dương đang bị toạc nứt liên tục và rất sâu. Hiện nay, vết thương ấy ngày càng loét to ra, và quả đất có thể bị hủy diệt vì những vết thương như vậy.

+ Giả thuyết về địa cầu xáo trộn: Hiện nay ở lớp vỏ địa cầu có một dòng đối lưu đẩy các lục địa rời xa nhau hay đổ xô vào nhau. Mọi di chuyển như thế sẽ khiến vỏ địa cầu bị dồn nén nổi lên thành những quả núi mới, đồng thời lại bị toạc ra thành những hố sâu ở nơi khác, do tính chất bở dòn của vỏ trái đất. Có ngày trái đất sẽ bị vỡ ra.

+ Giả thuyết về địa cầu chảy lỏng: Sẽ có ngày quả đất bị dồn nén với một áp xuất khủng khiếp, làm cho chảy lỏng ra toàn diện, như nó đã từng chảy ra trong thời vô sinh. Càng ngày áp suất càng mạnh đến dộ bị vỡ tung ra. Những vân thạch trong không gian chẳng phải là những mảnh vỡ của các hành tinh khác đã bị vỡ ra là gì? Quả đất cũng phải trải qua giai đoạn vỡ tung đó. Nếu thuyết sau cùng này đúng, thì ta sẽ được chứng kiến một cuộc tận thế thật nhanh chóng.

TÓM LẠI: VỚI NHỮNG BẰNG CHỨNG VỀ SỰ THOÁI HÓA NĂNG LƯỢNG, KHOA HỌC ĐÃ CHỨNG MINH VŨ TRỤ NÓI CHUNG VÀ THÁI DƯƠNG HỆ TRONG ĐÓ CÓ TRÁI ĐẤT NÓI RIÊNG ĐỀU CÓ THỜI GIAN BẮT ĐẦU VÀ SẼ TỚI LÚC KẾT THÚC. Trái lại, NHỮNG NGƯỜI CHỦ TRƯƠNG VŨ TRỤ VẬT CHẤT VĨNH CỬU ĐÃ KHÔNG THỂ DÙNG KHOA HỌC CHỨNG MINH ĐƯỢC LẬP LUẬN CỦA MÌNH, NGOÀI VIỆC NÊU RA MỘT GIẢ THUYẾT MƠ HỒ THIẾU BẰNG CHỨNG THUYẾT PHỤC CỤ THỂ.

II. TRÊN BÌNH DIỆN TRIẾT HỌC:

1) Lý thuyết của Engels cho rằng: “Vật chất tự nhiên hiện hữu chứ không do thần minh nào sáng tạo...” không đứng vững vì những lý do sau:

- Theo nguyên tắc nhân qủa: “CÁI GÌ HIỆN HỮU CŨNG PHẢI CÓ NGUYÊN NHÂN”. Chẳng hạn: khi thấy khói là đương nhiên đã phài từ lửa phát ra, thấy lửa là đương nhiên phải phát ra từ một vật nào đó có thể cháy được... Thế thì có vật chất, đương nhiên ta phải công nhận một nguyên nhân nào đó đã phát sinh ra nó.

- Hơn nữa, khoa học ngày nay đã có thể phân tích vật chất thành phân tử, phân tử thành nguyên tử, nguyên tử thành âm, dương điện tử... và người ta còn tiếp tục phân tích các điện tử ấy ra những yếu tố nhỏ hơn nữa... Từ đó ta suy ra: 1 vật gì có thể phân tách ra được tức là có thể bị tiêu diệt (trong khả thể). Mà cái gì bị tiêu diệt thì không vĩnh cửu, không hằng hữu.

- Khoa học cũng đã khám phá ra một hình thức khác của vật chất gọi là: “PHẢN VẬT CHẤT” (Anti matière), có năng lực làm đảo lộn, tiêu hủy những chất khác. Khám phá mới lạ này càng chứng tỏ vật chất không thể vĩnh cửu: vật chất không thể vẫn có từ đời đời, mà đã có thời gian xuất hiện và chắc chắn sẽ có ngày bị tiêu vong.

Như vậy, vũ trụ vật chất ta đang sống do được cấu tạo bằng vật chất có thể bị hủy diệt, nên không vĩnh cửu, không thể tự hữu, mà đã phải do một nguyên nhân nào đó không phải vật chất phát sinh ra. Nguyên nhân ấy chính là Thiên Chúa. Phải công nhận có Thiên Chúa thì mới có thể giải thích được cách hợp lý về sự hiện hữu và tiến hóa của vũ trụ vạn vật.

2) Về sự tiến hóa của vật chất: Vật chất không thể tự tiến hóa như thuyết duy vật biện chứng vì những lý do sau:

a) Theo các nhà khoa học: Muốn cho một vật biến hóa sang một vật khác, thì cần có sự can thiệp của một động lực thứ 3 từ bên ngoài. Chẳng hạn: Muốn cho nước biến thành hơi nước, thì cần phải có nhiệt lượng từ bên ngoài làm cho nước nóng lên và bốc hơi. Muốn hạt giống đâm rễ thành cây, thì cần hội đủ điều kiện ảnh hưởng đến việc nảy mộng hạt giống như: ánh sáng, nhiệt độ, khí hậu, nước, đất tốt... Như vậy: sở dĩ vũ trụ vật chất có sự tiến hóa chính là do có một nguyên nhân khác đã ảnh hưởng tới nó. Nguyên nhân ấy được gọi là Thiên Chúa.

b) Đàng khác, vật chất cũng không luôn tiến hóa theo cùng chiều đi lên như thuyết duy vật biện chứng chủ trương, mà còn có lúc đã tiến hóa theo chiều đi xuống nữa: Chẳng han:

+ Vào giữa thời kỳ trung sinh (cách đây từ 50 – 200 triệu năm), trong nhóm động vật có xương sống “bò sát” đã xuất hiện những loài vật rất lớn mà đến nay chỉ còn lại những bộ xương khổng lồ như: Lôi long (cao 5m, dài 20m và nặng 30 tấn), Khủng long (cao 6m, dài 10m, có đầu rất to, quai hàm mạnh và răng bén), Ngư long (dài 2m, sống dưới nước), Điểu long (bộ cánh rộng hơn 2m, là loài cá sấu biết bay)... Theo thuyết tiến hóa tương đối thì lẽ ra các con vật to lớn này sẽ phải biến hóa thành những loài khác mạnh khỏe to lớn hơn nữa, nhưng thực sự đến nay chúng đã hoàn toàn bị diệt chủng !

+ Khi so sánh cơ thể con người văn minh ngày nay với người cổ đại ngày xưa, khoa cổ sinh vật học cho biết đã có sự thoái hóa đi xuống thay vì lẽ ra phải tiến hóa theo chiều đi lên như thuyết duy vật biện chứng chủ trương: cơ thể con người hiện tại yếu hơn thời xưa và chắc chắn không sống lâu hơn người xưa.

+ Ngay cả về phạm vi văn minh, con người cũng có thoái hóa ở một số lãnh vực: khi quan sát các công trình xây cất của người Ai Cập cổ đại (như các Kim Tự Tháp vĩ đại giữa sa mạc) các kiến trúc sư ngày nay cũng phải thán phục và khó lòng hiểu rõ kỹ thuật của người xưa...

TÓM LẠI:

VŨ TRỤ VẬT CHẤT MÀ CHÚNG TA ĐANG SỐNG CÓ KHỞI ĐIỂM VÀ CHUNG CỤC CHỨ KHÔNG VĨNH CỬU XÉT CẢ TRÊN BÌNH DIỆN KHOA HỌC THỰC NGHIỆM CŨNG NHƯ TRIẾT HỌC SUY TƯ. VŨ TRỤ ẤY PHẢI DO MỘT NGUYÊN NHÂN SIÊU VẬT CHẤT VĨNH CỬU VÀ BẤT BIẾN SÁNG TẠO RA. NGUYÊN NHÂN ẤY LÀ THIÊN CHÚA. CHÍNH NGÀI ĐÃ TẠO RA VẬT CHẤT VÀ CAN THIỆP ĐỂ CÓ SỰ TIẾN HÓA KHÔNG NGỪNG THEO CẢ HAI CHIỀU LÊN XUỐNG, TIẾN THOÁI.

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: "Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất" (STK 1:1).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Cha tòan năng chí ái. Xin cho chúng con tin vào quyền năng và tình thương quan phòng của Cha đã tạo thành và an bài cho vũ trụ vạn vật được tồn tại và tiến hóa trong vòng trật từ. Xin cho chúng con biết mở miệng ta ơn Cha và ngợi khen quyền năng cao cả của Cha khi chiêm ngưỡng những kỳ công Cha đã thực hiện vì yêu thương lòai người chúng con. Xin cho chúng con biết tích cực góp phần làm cho trái đất chúng con đang sống luôn “xanh - sách - đẹp” và ngáy càng tiến hóa phát triển theo thánh ý Cha hướng tới một “Trời Mới Đất Mới” (Kh 21,1) viên mãn sau này.- AMEN.

II. PHẢI CHĂNG THÁNH KINH VỀ VŨ TRỤ VÀ CON NGƯỜI

ĐỀU VÔ LÝ VÀ PHẢN KHOA HỌC ?

 

VẤN ĐỀ 05:

Những điều tôn giáo dạy về nguồn gốc vũ trụ và con người trong Thánh Kinh đều sai lạc và phản khoa học. Khoa học ngày nay đã khám phá ra nguồn gốc vũ trụ ngược hẳn với những điều ghi chép trong sách Thánh Kinh.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

1) Phải chăng Thánh Kinh vô lý và phản khoa học ? : Ngày nay khi đọc 2 chương đầu của sách Sáng Thế Ký thuộc bộ Thánh Kinh Cựu Ước, nói về viện Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ ( St 1,1-31; 2,1-4) và tạo dựng con người ( St 2,4-25) nhiều người bất mãn, vì xem ra Thánh Kinh nói nhiều điều vô lý và phản khoa học. Chẳng hạn:

a) Thiên Chúa thiêng liêng vô hình lấy đâu ra miệng lưỡi để nói ? Lấy tay đâu để nặn đât sét thành hình người rồi thổi hơi vào ? Không có xác thì sao lại phải nghỉ mệt ngày Thứ Bảy ?

b) Trong ba ngày đầu tiên, khi chưa có mặt trời thì dựa vào đâu để xác định thời gian: “ Thế là hết một buổi chiều và một buổi sáng ?”

c) Trước khi có mặt trời thì dựa vào đâu để xác định ngày đêm, sáng chiều ?

d) Thiên Chúa lại làm những việc ngược đời, phản khoa học như: Dựng nên ánh sang trước khi sáng tạo nên mặt trời, vậy thì ánh sang ấy từ đâu phát ra ? Dựng nên cây cối trước khi dựng nên mặt trời, thì cây cối ấy làm sao sống được ? Thánh Kinh còn nói Thiên Chúa tạo dựng tất cả trong thời gian 6 ngày, đang khi khoa học khám phá ra vũ trụ được hính thành trong thời gian mấy tỷ năm !

Các vấn nạn sẽ chồng chất lên mãi nếu người ta cứ hiểu bản văn hoàn toàn theo nghĩa đen như trên… Vậy ý nghĩa đích thực mà tác giả Kinh Thánh muốn diễn tả trong mấy chương đầu sách Sáng Thế Ký như thế nào?

2) Thực ra, Thánh Kinh không vô lý và phản khoa học vì những lý do sau:

a) Trước hết, Thánh Kinh là sách dạy tôn giáo chứ không nhằm dạy khoa học cho lòai người. Khi viết hai chương đầu trong sách Sáng Thế Ký, tác giả Sách Thánh chỉ muốn ghi sâu vào tâm trí loài ngưới những chân lý Đức Tin như sau:

- Vũ trụ vạn vật không tự nhiên xuất hiện như có người lầm tưởng, nhưng đã do Thiên Chúa tạo thành từ hư không (St 1,1). Công việc Ngài làm rất tốt đẹp, và loài người có bổn phận phải nhận biết, tỏ lòng biết ơn bằng sự tôn thờ yêu mến và cầu xin Ngài (St 1,4.12.25.31; 2,3).

- Trong số các tạo vật của Thiên Chúa, loài người có giá trị nhất vì được tạo dựng cuối cùng, được Thiên Chúa trực tiếp thổi hơi phú ban cho có linh hồn thiêng liêng bất tử “giống hình ảnh Thiên Chúa” và còn được trao quyền cộng tác với Chúa để làm chủ vũ trụ nữa (St 1,26).

- Người nữ không phải là tôi tớ của người nam như quan niệm của dân ngoại thời bấy giờ, nhưng là bạn ngang hàng, có cùng một bản tính người ngang hàng với người nam. Tư tưởng này được diễn tả qua việc Thiên Chúa lấy xương sườn của A-đam làm thành E-và, rồi liên kết hai người thành vợ chồng cùng “một xương một thịt” (St 2,18-24).

- Để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, loài người phải dành trọn ngày cuối trong một tuần lễ để nghỉ các việc làm ăn thường lệ và dành thì giờ làm việc phụng thờ Ngài. Đó là ngày Thứ Bảy “Sa-bát” (St 2,2-3).

b) Những chân lý ấy vì được nói trước tiên với người Do Thái đương thời, là những người có trình độ văn minh thấp kém, nên tác giả Thánh Kinh đã phải dùng lối văn kể chuyện cụ thể dễ hiểu, phải sử dụng những kiểu nói bình dân, phù hợp với những điều mắt thấy tai nghe. Giả sử tác giả trình bày việc hình thành vũ trụ theo cách nói của các nhà khoa học ngày nay, thì chắc chắn sẽ làm rối trí khán giả cách vô ích, và khó lòng thuyết phục họ chấp nhận tin thờ Thiên Chúa. Ngày nay, dù đang sống giữa thời đại văn minh khoa học, thế mà trong câu chuyện thường ngày, người ta vẫn thường dùng kiểu nói như: “Mặt trời mọc ở phương Đông vào mỗi buổi sáng và lặn ở phương Tây vào mỗi buổi chiều. Bầu trời hôm nay thật trong xanh… Mà không thấy ai lên tiếng phê bình phản đối. Thế thì tại sao một số người lại dựa vào môt vài kiểu nói bình dân trong Thánh Kinh để cho rằng Thánh Kinh nói những điều vô lý và phản khoa học được ?

TÓM LẠI: Những điều tôn giáo dạy về nguồn gốc vũ trụ và con người trong Thánh Kinh không đối lập hay phản khoa học, vì Sách Thánh không nhằm dạy khoa học về nguồn gốc vũ trụ thiên nhiên, nhưng chỉ muốn trình bày những chân lý Đức Tin tôn giáo cho loài người. Tuy nhiên, vì được nói trước tiên với người xưa, nên tác giả Kinh Thánh đã sử dụng lối văn kể chuyện sao cho dễ hiểu, phù hợp với kiến thức và trình độ hiểu biết khoa học của người đương thời với các ngài, nhằm giúp họ dễ dàng mở lòng đón nhận đức tin hơn.

Hồng y LIÉNART đã nói: “thực là sai lầm nếu có ai muốn đối chiếu trực tiếp Kinh Thánh và khoa học, vì họ đã không nhận ra rằng: Kinh Thánh và khoa học không đứng trên cùng một bình diện và không đồng một thể loại. Kinh Thánh theo đuổi một mục đích khác với mục đích của khoa học. Không khoa nào có thể phủ nhận khoa nào”.

3. Khi tường thuật công trình sáng tạo của Thiên Chúa (St 1,1-2,3): tác giả Sách Thánh trình bày công việc sáng tạo nhằm dạy giáo lý đức tin hơn là dạy kiến thức mang tính khoa học như sau:

Công trình sáng tạo của Thiên Chúa được tác giả Sách Thánh trinh bày theo một thứ tự riêng chứ không theo thứ tự của khoa học. Chẳng hạn: ba ngày đầu Ngài tạo dựng để phân biệt, và ba ngày sau tạo dựng để trang điểm cho ba ngày đầu như sau:

Tạo dựng để phân biệt:

a) Ngày thứ Nhất Thiên Chúa tạo dựng nên ánh sáng và phân biệt ánh sáng với bóng tối. Anh sáng được gọi là ngày và bóng tối được gọi là đêm (St 1,3-5).

b) Ngày thứ Hai Thiên Chúa dựng nên cái vòm giữa khối nước. Ngài phân biệt nước phía dưới vòm với nước phía trên làm thành bầu trời (St 1,6-8).

c) Ngày thứ Ba Thiên Chúa truyền cho nước phía dưới trời tụ lại, làm cho chỗ cạn nhô lên. Ngài gọi chỗ cạn là “đất” phân biệt với khối nước tụ lại gọi là “biển”. Ngài cho đất phát sinh thảo mộc hoa trái (St 1,9-13).

Tạo dựng để trang điểm:

d) Ngày thứ Tư Thiên Chúa trang điểm cho ngày thứ Nhất: Ngài dựng nên hai vầng sáng giúp phân định ngày giờ năm tháng. Ngài gọi vầng sáng lớn chiếu sáng ban ngày là mặt trời, và vầng sáng nhỏ soi chiếu ban đêm là mặt trăng. Ngài cũng dựng nên các vì tinh tú (St 1,14-19).

e) Ngày thứ Năm Thiên Chúa trang điểm cho ngày thứ Hai: Ngài dựng nên chim bay trên bầu trời và cá lội dưới lòng biển (St 1,20-23).

g) Ngày thứ Sáu Thiên Chúa trang điểm cho ngày thứ Ba: Ngài dựng nên các loài thú vật và cuối cùng dựng nên lòai người và trao quyền loài người quyền làm chủ trái đất (St 1,24-31).

Thánh hóa ngày thứ Bảy:

h) Ngày Thứ Bẩy Thiên Chúa nghỉ việc để thánh hóa ngày này nêu gương cho loài người cũng phải nghỉ việc để dành thời gian làm việc thờ phượng Thiên Chúa (St 2,1-3).

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh  đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tm 3,16).

2) LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái. Cha đã linh hứng cho các tác giả Sach Thánh hiểu biết thánh ý Cha là muốn cứu độ loài người, và đồng thời giúp các ngài dùng kiến thức và ngôn ngữ của mình mà trình bày về công trình sáng tạo và cứu chuộc của Cha cho con cái loài người chúng con. Xin cho chúng con khi đọc Thánh Kinh biết nhận ra thánh ý của Cha và quyết tâm làm theo lời Cha dạy để góp phần làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. – AMEN.

 

III. VẤN ĐỀ LINH HỒN NƠI CON NGƯỜI

VẤN ĐỀ 06:

Trong con người không có yếu tố nào gọi là linh hồn thiêng liêng cả mà chỉ có thân xác vật chất thôi. Tư tưởng của con người là sản phẩm do óc não bài tiết ra, giống như gan trong bụng bài tiết ra mật vậy.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

Ngày nay, môt số người chủ truơng duy vât: chỉ công nhận những gì là vật chất mà người ta có thể thấy, sờ hay cân đo đong đếm được, đồng thời phủ nhận tất cả những gì vô hình được gọi là tinh thần, linh hồn nơi con người, hay những thực tại thiêng liêng siêu nhiên như Thượng Đế, Thiên Chúa, thần linh nơi vũ trụ thiên nhiên. Theo họ: Mọi thực tại đang hiện hữu đều là vật chất, đều do vật chất mà phát sinh. Con người cũng chỉ thuần là vật chất như bao vật khác. Ngay cả ý thức, tư tương mà người ta gọi đó là tinh thần v.v…cũng chỉ là sản phẩm của vật chất không hơn không kém, do óc não bài tiết ra giống như gan trong bụng bài tiết ra mật vậy.

Engels viết: chỉ có một thực tại duy nhất, đó là thế giới vật chất mà con người có thể tri giác được bằng giác quan… Ý thức và tư tưởng của chúng ta mặc dù có siêu việt tính, nhưng cũng chỉ là sản phẩm của cơ thể vật chất (thể xác, khối óc…). Tinh thần chỉ là sản phẩm thượng đẳng của vật chất (Engels: ludwiffucrbach)

Nhưng hầu hết những người có lương tri đều không chấp nhận lập trường duy vật nói trên. Bất cứ ai cũng cảm thấy rằng: con người không chỉ là vật chất, vì ngoài thể xác vật chất, còn có một yếu tố khác siêu vật chất, làm cho con người khác hẳn vật chất, đồng thời vượt trên mọi động vật khác trong thiên nhiên. Yếu tố siêu vật chất ấy được gọi là linh hồn

Sau đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những khác biệt giữa con người và vật chất, giữa con người với các loài vật khác, chứng tỏ con người không chỉ thuần là vật chất vì có linh hồn, và tư tưởng của con người thực sự không phải chỉ là sản phẩm của óc não vật chất, nhưng chính là một hoạt động của linh hồn qua trung gian óc não.

1. CON NGƯỜI TUY LÀ VẬT CHẤT, NHƯNG KHÁC VẬT CHẤT VÌ CÓ LINH HỒN:

1) CON NGƯỜI LÀ VẬT CHẤT:

Nếu đem con người đi phân chất thì kết quả cho thấy: con người cũng chỉ là vật chất, được cấu tạo bằng vật chất tầm thường như bao vật khác. Gần đây, một nhà bác học Hoa Kỳ đã phân tích và đánh giá thân xác con người như sau:

“Trong con người có một số nước đủ giặt một chiếc khăn bàn; máu đỏ chứa đựng chất sắt có thể làm được 7 cái đinh đóng móng ngựa. Xương cốt có một số chất vôi có thể dùng để quét được một bức tường nhỏ. Nếu đem đốt con người ra than thì có thể dùng số than ấy làm ra được 65 cây viết chì. Ngoài ra con người còn có một ít chất phốt phát đủ làm một hôp diêm và chừng mấy muỗng cà phê chất muối. Đem tất cả nhưng thứ đó bán chỉ được 98 xu, không được một mỹ kim!”.

Đó là giá trị của con người vật chất. Nhưng may mắn thay, con người còn có linh hồn. Chính linh hồn đã làm cho con người có giá trị hơn mọi vật trong vũ trụ thiên nhiên. Sau đây là những lý chứng cho thấy con người không thuần là vật chất vì còn có linh hồn siêu vật chất nữa.

2) CON NGƯỜI KHÁC VẬT CHẤT:

a) Vật chất thì bất động, khác hẳn với con người sống động vì có linh hồn:

- Thực vậy, vật chất chỉ biến đổi từ tình trạng này sang tình trạng kia chứ không sống động và xê dịch được như con người: Vải vóc là vật chất, theo định luật lý hóa thì sau một thời gian, sẽ trở nên cũ hơn và bị mất màu do tác động của ánh sáng, không khí… Rượu nho là vật chất sẽ bị ốc xít hóa biến thành giấm chua nếu tiếp xúc với không khí một thời gian… Tuy có sự biến đổi, nhưng vật chất nói trên không tự mình di dời sang chỗ khác được, không thể tự hấp thụ đồ ăn để tăng triển dần lên… như các sinh vật khác.

- Nguyên lý của sự sống được gọi là hồn với 3 cấp bậc: từ đơn sơ đến phức tạp, từ tầm thường đến cao quý như sau:

+ SINH HỒN: Có đặc tính sống động, tự dinh dưỡng và tăng triển. Sinh hồn xuất hiện nơi các loài thảo mộc cây cối.

+ GIÁC HỒN: Vừa có các đặc tính của sinh hồn nói trên, mà còn có thêm cảm gíac, có thể chuyển dịch từ nơi này đến nơi khác… Giác hồn có trong các loài động vật và hoạt động theo một qui luật thiên nhiên gọi là bản năng như: bản năng tự vệ, bản năng sinh tồn…

+ LINH HỒN: Sự sống trở nên phức tạp. Vì vừa có tất cả các đặc tính của các lòai sinh vật động vật, lại vừa có cả lý trí biết suy nghĩ và ý chí quyết định cách tự do nữa. Sự sống đặc biệt này chỉ có nơi con người và được gọi là linh hồn. Như vậy, con người tuy là vật chất, nhưng khác hẳn vật chất vì có linh hồn.

b) Vật chất thì vô tri, khác với con người ý thức về mình:

- Theo các nhà bác học: con người có thân xác vật chất, được cấu tạo bằng những tế bào vật chất, và chỉ trong thời gian 7 hoặc 8 năm, khi mọi tế bào trong thân xác biến đổi tăng triển, thì thân xác con người cũng sẽ biến đổi hòan tòan nên một người mới.

- Vậy ngoài phần thân xác vật chất thay đổi nói trên, con người đã phải có một yếu tố siêu vật chất và tồn tại mãi khi vật chất thay đổi, để có thể nhận ra mình vẫn là mình từ sơ sinh cho đến lúc chết. Yếu tố thiêng liêng siêu vật chất ấy được gọi là LINH HỒN.

Claude Bernard, giáo sư y khoa đại học Paris, nhân viên hàn lâm viện khoa học Pháp đã trình bày vấn đề này như sau: “Thân xác con người là một tổ hợp những chất luôn thay đổi theo định luật biến hóa không ngừng. Mỗi ngày bạn mất một ít ca-lo-ri của thể xác, và cái phần mất ấy sẽ được bù lại và tăng triển biến đổi nhờ những thực phẩm mới hấp thụ. Như thế trong khoảng thời gian 8 năm, thịt xương của bạn hiện nay sẽ được thay thế bằng thịt mới xương mới. Bàn tay bạn đang cầm bút viết hôm nay không phải bàn tay trước đây 8 năm. Cái sọ của bạn không chứa đựng chất óc như cách đây 8 năm, vì tất cả các tế bào óc não đều đã biến đổi hết. Nhưng tại sao bạn vẫn nhớ được những điều đã xem, đã làm, đã học cách đây 8 năm? Nếu tư tưởng là những hình ảnh được in vào các ô xếp trong óc thì những hình ảnh ấy làm sao tồn tại được nếu các ô tế bào trong óc đã đổi mới hết? Như vậy, trong con người phải có một cái gì khác với vật chất, không phải vật chất, luôn tồn tại mãi và biệt lập với thân xác vật chất. Cái đó chính là LINH HỒN vậy”.

c) Vật chất thì cố định, hạn hẹp trong không gian và lệ thuộc vào thời gian, khác với con người có khả năng vượt trên không gian thời gian:

- Con người tuy có thân xác vật chất: sống trong thời gian và chiếm môt vị trí bé nhỏ trong không gian, nhưng con người lại trổi vượt hơn hẳn vật chất, vì có khả năng lục xét mọi thời đại: quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời còn có thể nghiên cứu được mọi vị trí trong không gian. Chẳng hạn: bạn đang ngồi trong lớp học, nhưng bạn có thể không ý thức đang làm gì mà lại để tâm nghĩ đến cha mẹ ở nhà, hoặc sống lại giây phút thần tiên của buổi đi chơi xa trong tuần qua…

- Như vậy, trong con người, ngoài phần vật chất thể xác, còn phài có một nguyên lý linh thiêng siêu vật chất, biệt lập với vật chất để có thể vượt ra ngoài không gian và thời gian hiện tại. Nguyên lý linh thiêng ấy được gọi là LINH HỒN.

TÓM LẠI con người tuy là vật chất, nhưng có những đặc tính khác hẳn vật chất, vượt lên trên vật chất để trở thành một loài có giá trị đặc biệt. Nếu con người chỉ thuần là vật chất, hoàn toàn lệ thuộc và ở trong thế giới vật chất… thì trí khôn họ làm sao xuất hiện? Nếu chỉ là vật chất thì tại sao con người lại ý thức được mình đang bị cột chân xuống thế giới vật chất? Nếu không vượt được ra ngoài vật chất thì làm sao thống trị được vật chất? Hơn nữa, trong con người có lương tâm luân lý với nhiệm vụ phê phán các hành động của chính mình: Khi làm được một việc tốt, con người sẽ cảm thấy vui sướng tự hào… Trái lại sẽ cảm thấy hổ thẹn với bản thân, sẽ bị lương tâm cáo trách dày vò, nếu làm một việc sai trái không tốt. Như vậy, lương tâm ấy có phải vật chất, có tùy thuộc vật chất hay không?

Khi so sánh con người với các hiện tượng thiên nhiên vật chất, ÉTIENNE BERNE đã viết: “Hiện tượng người có liên quan chặt chẽ với thiên nhiên… Con người không phải chỉ là một hiện tượng thiên nhiên, vì họ đã phát sinh ra khoa học để tra vấn, lục xét thiên nhiên và ý thức mình là một chủ thể tự do. Khoa học càng tiến bộ, người ta càng nhận thấy mối tương quan mật thiết giữa con người với thiên nhiên, nhưng đồng thời người ta cũng nhận thấy con người có khả năng tách biệt ra khỏi thiên nhiên hỗn mang. Chính hai sự kiện trái nghịch nhau trong con người như thế là yếu tính của con người” ( E.Borne: Dieu n’est pas mort).

2.  CON NGƯỜI TUY GIỐNG CON VẬT, NHƯNG VẪN KHÁC VÌ CÓ LINH HỒN:

1) CON NGƯỜI GIỐNG CON VẬT: Khi so sánh con người với một số động vật thượng đẳng, người ta thấy dường như có sự giống nhau nào đó, khiến cho nhiều người lầm tưởng: con người cũng chỉ là con vật, và không có cái gì gọi là linh hồn nơi con người. Người ta đã nêu ra một số điểm giống nhau giữa con người và một số lòai vật như sau:

a) Về hình dạng thân thể: Loài khỉ vượn có khuôn mặt, thân hình, tay chân và các bộ phận nằm sâu trong cơ thể… rất giống con người. Khi một con khỉ bị bệnh, người ta cũng có thể chữa trị với cùng một cách thức như chữa bệnh cho con người. Ngoài ra, con khỉ còn có cảm giác đau đớn, sợ hãi… giống như con người, nên có người đã đi đến kết luận: “Nhân sao vật vậy”..

b) Về sự hiểu biết: Con vật cũng có sự hiểu biết tương tự như trí khôn con người. Chẳng hạn, con chó có thể phân biệt được chủ hay khách lạ. Một võ quan thú y kể rằng: mấy con ngựa cũng biết giả bộ bị què đi khập khiễng để khỏi phải ra mặt trận là nơi trước đó nó đã từng bị thương.

Nhà bác học KOHLER đã làm một thí nghiệm để thử trí thông minh của loài khỉ Chimpazé, như sau: Ông treo một nải chuối lên trên cao, và không quên để sẵn nhiều dụng cụ cho loài khỉ này có thể sử dụng để với tới nải chuối mà nó rất ưa thích. Ông nhận xét: Con khỉ lần lượt thử lấy chuối bằng dụng cụ này rồi dụng cụ khác. Sau cùng nó cũng biết cắm hai khúc tre vào nhau cho dài ra để khều được chuối. Cũng có lần nó biết chồng các hộp vuông lên nhau, trèo lên để lấy chuối xuống ăn.

c) Về sự tài khéo: Nhiều con vật khi được tập luyện cũng có sự tài khéo tương tự như con người. Chẳng hạn: có những con khỉ biết đi xe đạp, biết nhào lộn, đá banh. Loài cá heo cũng có sự hiểu biết tương đương với một đứa trẻ 1-2 tuổi: nó biết gật đầu chào khách, biết tuân theo hiệu lệnh của huấn luyện viên để nhảy xuống nước hay ngoi lên bờ… Nếu hỏi các huấn luyện viên loài chó thì họ sẽ kể cho chúng ta nghe về vô số tài khéo đặc biệt của những con chó đã được huấn luyện.

Tuy nhiên, tất cả những sự tương tự nói trên vẫn không đủ đễ kết luận con người hoàn toàn chỉ là con vật như bao loài vật khác, vì con người còn có những yếu tố siêu việt mà lòai vật không bao giờ có được. Ngay trong những điều tưởng chừng giống nhau, cũng vẫn có khác biệt về trình độ cao thấp giữa con người với con vật.

2) CON NGƯỜI KHÁC CON VẬT.

a) Khác biệt về trình độ cao thấp:

- Cơ thể con người tuy rất giống với loài khỉ, nhưng nếu quan sát kỹ ta vẫn thấy có khác biệt: Thân xác con người đẹp đẽ, tinh vi… khác hẳn tình trạng xấu xí, thô kệch của lòai vượn.

- Con vật có sự hiểu biết, nhưng cái biết ấy là do bản năng thiên nhiên phú bẩm chứ không học hỏi để mỗi ngày tiến bộ thêm như sự hiểu biết của con người.

+ Sự hiểu biết ấy thiếu thích nghi và có tính cách máy móc: Tò vò trước khi đẻ trứng sẽ bắt một con sâu, chích một phát cho sâu bị tê liệt, rồi bỏ sâu vào một lỗ trong tổ. Sau đó, tò vò leo lên miệng lỗ, đẻ vào lỗ một cái trứng, rối vít cửa lỗ lại, để khi tò vò con nở ra sẽ có sẵn đồ ăn tươi ngon. Nhưng nếu bạn lấy con sâu và cái trứng mà tò vò mẹ vừa đẻ ngay trước mặt nó, tò vò mẹ vẫn vít cửa lỗ lại như không có gì xảy ra. Làm như vậy có khác gì một cỗ máy vô tri vô giác.

+ Sự hiểu biết ấy vẫn luôn có sẵn trong con vật và không đổi mới: khi quan sát, so sánh các tổ chim, các nhà sinh vật học cho biết: mỗi loài chim có một loại tổ riêng, và trong mỗi loại, mọi con chim đều có cách dựng tổ giống y như nhau, dù con chim ấy được nuôi riêng biệt tách khỏi đàn, không trông thấy các con chim khác làm tổ bao giờ. Loài chim sẻ xưa kia làm tổ thế nào thì con cháu của chúng sau này cũng làm tổ y như vậy, nhưng không có bất cứ thay đổi nào. Như vậy, sự hiểu biết ấy của con vật là do bản năng thiên phú, khác hẳn với sự hiểu biết của con người luôn có sự tiến bộ do học hỏi và không ngừng thay đổi thích nghi với hoàn cảnh chung quanh.

- Con vật có tài khéo, nhưng sự tài khéo ấy chúng không thể tự tập luyện, mà phải do con người khổ công tập luyện cho. Chẳng hạn: Con khỉ sở dĩ biết chơi bài là vì người ta đã dùng miếng ăn để huấn luyện thành thói quen cho nó bằng cách dính thịt bít-tết vào các quân bài, khi muốn ăn bít-tết, con khỉ phải lật bài lên. Cứ làm đi làm lại mãi sẽ thành thói quen. Rồi đến một ngày kia dù không có bít tết, con khỉ vẫn có khả năng lật bài theo ý của huấn luyện viên.

b) Khác biệt về trí khôn, lòng muốn và trực giác:

- Con người có trí khôn, nghĩa là có tư tưởng tổng quát trừu tượng, có óc sáng tạo và tiến bộ, đang khi con vật không bao giờ có những điều này: Một vị bác sĩ đã làm thí nghiệm để chứng minh trí khôn con người có những đặc tính khác hẳn với cái biết sơ thiểu nơi con vật. Ông cho một con khỉ lớn khôn và đứa con nhỏ hai tuổi của ông chơi chung một số hộp bánh kẹo được đậy nắp kín. Lúc đầu khỉ thành công hơn đứa con ông: nó cầm hộp lắc, cạy lung tung và lâu lâu lại may mắn mở được một hộp bánh, và lại tiếp tục cạy lắc với những hộp bánh còn lại. Còn đứa con ông tuy lúc đầu chậm hơn, nhưng khi đã mở được một hộp nào rồi, thì những hộp khác có hình dạng tương tự, nó đều mau chóng mở được. Sở dĩ đứa trẻ mở được mau lẹ là do có ý niệm tổng quát trừu tượng, biết nhận ra những điểm giống nhau giữa các hộp bánh kẹo.

Ngoài ý niệm tổng quát trừu tượng nói trên, con người còn biết chế biến các dụng cụ làm tăng khả năng và sức lực của mình lên gấp bội, đang khi con vật chỉ biết sử dụng thân thể làm khí cụ chuyên biệt mà thôi: Con cá dùng vây làm mái chèo và bánh lái để bơi, chim thì dùng cánh giang rộng để lướt bay trên không trung, con voi dùng ngà và vòi làm khí giới tự vệ… Duy chỉ có con người là có khả năng sáng tạo để làm được những việc vượt quá khả năng tự nhiên giới hạn của mình: Tuy không thể sống dưới nước như loài cá nhưng con người đã sáng chế ra tàu ngầm để lặn sâu và ở dưới đáy biển lâu hơn mọi lòai cá biển; Con người tuy không có cánh để bay nhưng đã chế tạo ra máy bay có khả năng bay tít tận trời cao với tốc độ nhanh gấp mấy lần âm thanh mà không lòai chim nào sánh bằng; Con người chỉ là một loài yếu đuối nhỏ bé hơn nhiều động vật khác, nhưng đã biết sử dụng trí khôn làm ra khí giới tối tân để tự vệ cách hữu hiệu, gấp trăm ngàn lần những lòai vật mạnh mẽ nhât...

Cũng chính vì có trí khôn trỗi vượt khác hẳn con vật, mà loài người đã tiến bộ và tiến thật nhanh. Ngày xưa đã có thời kỳ con người rất gần con vật: họ phải vừa lo kiếm ăn, lại vừa lo chống lại kẻ thù và truyền sinh nòi giống… Nhưng chính vì có trí khôn, nên chỉ duy con người có sự tiến bộ vượt mức về mọi phương diện (văn hóa tinh thần, khoa học kỹ thuật…) như hiện nay. Trái lại con vật do chỉ có bản năng thiên phú nên không tiến bộ và cũng không thể truyền lại cho con cháu những gì đã đắc thù nhờ sự tập luyện giống như con người. Tổ tiên con khỉ ngày xưa đã sống hoang dã thế nào thì con cháu của chúng ngày nay cũng sống y như vậy, chứ không tiến bộ như con người.

- Ngoài phần trí khôn nói trên, con người còn khác hẳn con vật vì có ý chí tự do: Con người biết lựa chọn điều tốt và lọai bỏ điều xấu, miễn là có lợi cho bản thân. Còn con vật hoạt động phần lớn do bản năng chứ không có tự do lựa chọn và tự chủ như con người. Chẳng hạn: Một con chó khi đứng trước miếng thịt thơm ngon sẽ không thể tự kiềm chế được sự ham ăn. Nó chỉ không dám ăn là do bản năng tự vệ, sợ bị chủ đánh đòn. Bao lâu sự sợ mạnh hơn cái đói thì nó còn chịu đứng nhìn chảy nước dãi. Nhưng nếu cái đói lấn át sự sợ hãi, nó sẽ nhào đại vào ăn miếng thịt bất chấp roi đòn của chủ. Đang khi trong hòan cảnh đó, nhiều người có lòng tự trọng và ý chí mạnh sẽ thà chịu chết đói hơn là chịu khuất phục vì miếng ăn, như những nhà đấu tranh cho công lý đã từng thực hiện.

- Cuối cùng, trong lãnh vực tinh thần, con người còn trổi vượt lòai vật vì có tư tưởng và ý thức về chính mình: con người có khả năng nhận biết ngoại giới nhờ giác quan giống như con vật, nhưng con người còn có khả năng nhận biết những thực tại siêu thực nghiệm dù mắt không thấy, tay không sờ, tai không nghe, mũi không ngửi, lưỡi không nếm…vượt hẳn con vật. Đó là khả năng tư duy, suy luận và trực giác…Chẳng hạn: lòai người chúng ta có thể tin vào những điều mà người khác đã nhìn thấy nói ra … nếu điều ấy hữu lý, đáng tin vì có bằng chứng xác đáng. Hoặc khi trông thấy khói, chúng ta suy luận đã phải có lửa dù mắt ta không nhìn thấy lửa cháy;  khi trông thấy một quả sòai, ta biết đã phải có cây sòai… dù mắt ta không thấy cây sòai. Về trực giác cũng vậy: trực giác là một cảm nghiệm trực tiếp, không qua trung gian của giác quan. Người phụ nữ chỉ cần thấy mặt một người là có thể “trực giác” biết đó là hạng người nào, tốt xấu ra sao và có đáng tín hay không. Trực giác đó được gọi là giác quan thứ sáu, điều mà con vật không bao giờ có.

Như vậy, có thể nói: con người tuy giống con vật về thân xác vật chất, nhưng lại khác biệt về trí khôn, ý chí tự do và suy tư trực giác. Những hoạt động tinh thần ấy chứng tỏ con người ngoài phần thể xác vật chất còn có phần linh thiêng hơn hẳn loài vật gọi là LINH HỒN.

3. TƯ TƯỞNG KHÔNG LÀ SẢN PHẨM CỦA ÓC NÃO VẬT CHẤT, NHƯNG LÀ MỘT HOẠT ĐỘNG CỦA LINH HỒN:

1) Một số người đã nêu ra nhận xét về ảnh hưởng giữa thể xác và linh hồn: thay đổi bộ óc tức cũng thay đổi con người, cắt đi một hai lá óc, con người có thể không còn cảm giác đau, có thể bị câm không nói được, không đọc được hiểu được, có thể quên quá khứ… Tâm tính con người cũng tùy thuộc vào hệ thống tuyến giáp và thần kinh hệ. Do bao tử bị đau có thể làm cho người ta ra khó tính; Gan yếu có thể phát sinh sự cau có khó chịu; Một người nát rượu say sỉn có thể trở thành đần độn, không nhớ được mình là ai ? Mình đã nói hay đã làm gì trong lúc say… Từ những nhận xét ấy, có người đã kết luận: không có linh hồn nào trong con người, tư tưởng siêu hình cũng chỉ là sản phẩm của óc não, là một hình thức của vật chất do óc não bài tiết ra, giống như mật do gan tiết ra vậy.

2) Thực ra, những nhận xét nói trên không đủ bằng chứng kết luận: óc não vật chất sản sinh ra tư tưởng được. Đồng ý là thân xác có ảnh hưởng đến tâm hồn, nhưng cũng đừng quên: tâm hồn cũng ảnh hưởng đến thân xác nữa. Chẳng hạn: khi một người nóng giận, mặt họ có thể đỏ ửng lên; Khi sợ hãi thì mặt mũi tái mét; Khi quá xúc động trái tim sẽ đập nhanh và té xỉu, thần trí có thể rơi vào hôn mê bất tỉnh. Chỉ nghĩ đến me chua cũng có thể làm cho nước miếng trong miệng ta chảy ra…

3) Tuy bộ óc con người có ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng, nhưng điều đó chỉ minh chứng rằng: óc não là điều kiện để con người hiểu biết và ước muốn. Không thể dựa vào lý do óc não ảnh hưởng đến tư tưởng, để kết luận tư tưởng là sản phẩm của óc não được vì những lý do như sau:

- Nếu óc não sinh ra tư tưởng thì bộ óc to, dĩ nhiên tư tưởng phải nhiều. Vậy tại sao nhiều người có đầu óc thật to mà lại dốt nát ngu muội? Óc bò cũng được cấu tạo bằng những tế bào giống như óc người, thế mà người ta vẫn thường nói: “Ngu như bò !”.

- Nếu óc sinh ra tư tưởng thì óc phải giống như một thư viện chứa đựng tư tưởng. Mỗi tư tưởng sẽ chiếm một chỗ riêng: hỏng chỗ nào thì những tư tưởng nơi đó sẽ bị mất đi. Thế nhưng trong thực tế: những người bị hư màng óc tuy có quên các điều đã biết trong một thời gian nào đó. Rồi sau khi bộ óc đã được chữa trị bồi bổ, khi những tế bào mới đã mọc ra thay thế cho những tế bào cũ bị hư hại thì họ lại có thể nhớ được những gì đã quên khi bị bệnh trước đó. Như vây, chứng tỏ rằng: óc không phải là “nguyên nhân sản xuất” mà chỉ là “phương tiện sản xuất” ra tư tưởng, qua “dụng cụ trung gian” là óc não. Chúng ta có thể ví linh hồn con người giống như một người đánh máy chữ. Người này muốn sản xuất ra tư tưởng là các hàng chữ trên mặt giấy, cần phải sử dụng dụng cụ trung gian óc não như chiếc máy đánh chữ. Cũng như khi máy chữ bị hư hỏng làm cho người đánh máy không thể đánh ra các hàng chữ thế nào, thì khi bộ óc con người bị hư hại, linh hồn cũng không thể sản xuất ra tư tưởng thế ấy. Rồi sau khi máy đã sửa xong, khi bộ óc đã được chữa lành, người đánh máy lại có thể sản xuất ra các hàng chữ, người bệnh lại có thể nhớ lại được những gì đã quên khi bị bệnh trước đó.

- Đàng khác, nói rằng: óc não sinh ra tư tưởng là điều vô lý, vì theo nguyên tắc triết hoc: “ Không ai cho kẻ khác điều mình không có”, và trong thực tế: loài nào chỉ sinh ra sản phẩm mang những đặc tính của loài đó. Chẳng hạn: Cây mít vật chất chỉ có thể sinh ra quả mít cũng là vật chất. Gan trong bụng là vật chất cũng chỉ sinh ra mật là vật chất…Thế thì óc não vật chất làm sao có thể sinh ra tư tưởng siêu vật chất, với phẩm chất vượt không gian, thời gian mà vật chất không bao giờ có được? Vậy tư tưởng do đâu mà phát sinh nếu không bắt nguồn từ một nguyên nhân linh thiêng mà chỉ duy loài người mới có. Nguyên nhân ấy là LINH HỒN.

 KẾT LUẬN:

Tất cả những lý lẽ viện ra để phủ nhận linh hồn đều không đứng vững trên bình diện triết lý cũng như khoa học. Ta phải cùng với mọi người có lương tri ngay thẳng mà quả quyết rằng: CON NGƯỜI KHÁC HẲN CON VẬT VÌ CÓ LINH HỒN THIÊNG LIÊNG SIÊU VIỆT, LINH HỒN ẤY CHÍNH LÀ NGUYÊN NHÂN PHÁT SINH TƯ TƯỞNG VÀ MỌI HOẠT ĐỘNG SIÊU VIỆT, THÔNG QUA TRUNG GIAN LÀ ÓC NÃO. Pascal đã viết: “Tất cả mọi thể xác, bầu trời và các vì tinh tú, trái đất và các quốc gia trên trái đất… cũng không có giá trị bằng một tinh thần nhỏ mọn nhất. Vì tinh thần ấy biết những vật kia và biết cả chính mình, còn thể xác và các vật kia không hiểu biết gì cả. Từ hết mọi thể xác gom lại cũng không thể làm phát sinh được một tư tưởng nhỏ mọn, vì tư tưởng ở một cấp bậc khác hẳn, cấp bậc thiêng liêng tinh thần”.

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Xin thổi Thần Khí của Chúa xuống trên chúng con, để chúng con luôn ý thức lòai người không những là thân xác vật chất có sinh có diệt, mà còn là hồn thiêng bất tử do Thiên Chúa phú ban và sẽ tồn tại vĩnh hằng. Xin cho chúng con luôn sống tình hiếu thảo với Chúa Cha bằng lời cảm tạ tri ân và nhìn nhận mọi người là anh chị em, là con cùng một Cha Chung trên trời. Nhờ đó chúng con hy vọng sau khi chết linh hồn chúng con sẽ được về trời với Chúa hưởng hạnh phúc muôn đời. - AMEN.

 

IV. PHẢI CHĂNG CHẾT ĐI LÀ HẾT ?

VÂN ĐÊ 07: Tôi đã ở bên rất nhiều người sắp chết, mà khi họ chết tôi chẳng thấy có linh hồn nào bay ra cả. Các nhà tôn giáo lợi dụng bản năng muốn tồn tại mãi của con người nên đã bày đặt ra linh hồn thiêng lieng bất tử để làm tiền những người ngu dốt tin theo. Thực sự chết đi là hết.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

1. CON NGƯỜI CÓ LINH HỒN, NHƯNG THIÊNG LIÊNG NÊN TA KHÔNG THẤY ĐƯỢC.

1) Giác quan con người có giới hạn:

Trong vũ trụ thiên nhiên, có nhiều vật hiện hữu thực sự, nhưng lại vượt quá tầm tiếp nhận của giác quan con người. Chẳng hạn: Mắt ta đâu có xem thấy dòng điện, đâu nhìn thấy được quang tuyến X, tia xích ngoại tuyến hay tử ngoại tuyến… Nhưng ai dám quả quyết không có điện, không có những tia kia? Giả như tạo hóa cho mắt con người xem được 4000 tỷ rung động của ánh sáng trong một giây đồng hồ, thì bộ mặt thực chung quanh ta sẽ thay đổi hẳn: Chúng ta sẽ chỉ còn thấy các bộ xương ngươì đeo đồng hồ tòn ten ở cổ tay đi lang thang ngoài đường phố: Tai cũng thế, nó chỉ có thể tiếp nhận âm thanh trong một giới hạn nào đó. Tai của loài chó được huấn luyện có thể nghe được tiếng còi siêu âm của chủ, đang khi tai con người đành chịu bất lực không thê nghe được.

Như vậy, KHÔNG XEM THẤY LINH HỒN BAY RA NƠI MÔT NGƯỜI CHẾT, KHÔNG PHẢI LÀ YẾU TỐ ĐỦ ĐỂ QUẢ QUYẾT CON NGƯỜI KHÔNG CÓ LINH HỒN.

2) Con người có linh hồn có đăc tính thiêng liêng :

Con người có linh hồn, nhưng sở dĩ ta không thấy được vì linh hồn có đặc tính thiêng liêng vô hình khác hẳn vật chất. Cũng như dù không trông thấy dòng điện nhưng ta vẫn công nhận có điện, khi thấy được hiệu quả của nó làm sáng bóng đèn, làm quay máy quạt thế nào, thì cũng vậy, dù mắt ta không trông thấy linh hồn thiêng liêng nhưng vẫn công nhận có linh hồn, nhờ thấy được hiệu quả của linh hồn làm cho thân xác sống động, và là nguyên nhân phát sinh  tư tưởng và ý chí tự do qua trung gian óc não con người.

2. CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ HẾT.

Con người vốn có 2 phần: thân xác vật chất và linh hồn thiêng liêng siêu hình. Chết là khi thân xác không còn sống động, không ăn uống, đi đứng, nói năng suy nghĩ... Nói cách khác: chết là khi linh hồn lìa ra khỏi xác. Khi ấy thân xác chỉ còn là một khối vật chất, gồm những tế bào không liên kết chặt chẽ với nhau như khi còn sống, vì thiếu sợi dây kết hợp là linh hồn. Xác con người sẽ theo định luật biến hóa của vật chất như bao vật khác: thịt xương, sẽ bị thối rữa do ảnh hưởng của nhiệt độ, không khí, vi trùng,v.v…để trở thành những chất khác.

Chết đi không phải là hết như có người lầm tưởng, vì linh hồn con người không tiêu tan theo thể xác, nhưng sẽ còn tồn tại mãi vì những lý do như sau:

1) Vì linh hồn có đặc tính thiêng liêng:

Linh hồn là nguyên lý sự sống của thân xác con người. Người ta chỉ có thể nhìn thấy hiệu quả của sự sống với hai tài năng là trí khôn và ý chí, nhưng không thể thấy được vì có đặc tính thiêng liêng vô hình. Vì linh hồn không phải vật chất cũng không bị biến hóa do ảnh hưởng của hoàn cảnh vật chất theo các định luật tiến hóa, nên linh hồn bất diệt, và luôn tồn tại mãi mãi.

2) Vì là một điều hợp lý:

a) Nhìn vào vạn vật trong vũ trụ thiên nhiên, ta nhận thấy có một sự xếp đặt trật tự hoàn hảo, vật dưới phải phục vụ cho vật trên, vật này làm thỏa mãn vật khác. Chẳng hạn: Mắt có khả năng và nhiệm vụ xem thì trong thực tế đã có ánh sáng, hình thể, màu sắc… đáp ứng với khả năng xem ấy. Tai có khả năng và nhiệm vụ nghe thì thực sự đã có âm thanh, tiếng đông làm thỏa mãn khả năng nghe ấy. Con cá có khả năng và nhu cầu sống dưới nước, thì khi thấy ở đâu có cá, đương nhiên ta cũng thấy có nước là thỏa mãn nhu cầu cần nước ấy v.v…Cũng thế, về phạm vi tinh thần, hầu như mọi người đều tự nhiên muốn đươc tồn tại mãi mãi, đều có nhu cẩu được trường sinh bất tử… thì thực tế cũng phải có đời sống vĩnh cửu sau khi chết để đáp ưng ước vọng chung tự nhiên ấy mới hợp lý.

b) Giả như bạn có thể nói chuyện với một bào thai, thì bạn sẽ nói với nó vê một đời sống tương lai của bào thai mà chính bạn đã có kinh nghệm và thực sự đang sống như sau: “Hỡi bào thai, đời sống của mày ngắn ngủi nhưng tiếp theo còn một đời sống khác thực sự và lâu dài”.

   Vậy bào thai sẽ trả lời bạn ra sao? Nếu thiếu suy nghĩ thì chắc nó sẽ trả lời:

- Tôi chỉ công nhận có thực những gì tôi trông thấy và kiểm nghiệm được. Do đó chỉ có một đời sống hiện tại tôi đang sống, còn đời sống khác như ông nói chỉ là sự bịa đặt mê tín, không thể tin được.

   Nhưng nếu có chút trí khôn suy nghĩ chắc bào thai sẽ cho rằng bạn có lý và tự nhủ:

- Ừ nhỉ, đây tôi có hai tay, mỗi ngày một phát triển hoàn bị thêm, Thế mà tôi chẳng cần dùng tới nó chút nào cả. Tôi cũng không thể duỗi chúng ra được! Nhưng tại sao tôi lại có hai cánh tay? Chắc là để dành cho một chặng đường tương lai mà sau này tôi sẽ cần đến chúng. Chân tôi cũng mọc dài ra mà tôi cũng phải buộc co gấp chúng. Vậy có chân làm gì trong khi hiện giờ tôi không cần mà mỗi ngày nó một phát triển thêm? Chắc là tôi sẽ phải sống ở một hoàn cảnh khác mà ở đó tôi sẽ phải sử dụng chân để bước đi. Tại sao có hai mắt? Trong căn phòng tối tăm dày đặc này thì có mắt cũng như mù. Vậy có mắt để làm gì? Chắc là tôi sẽ bước sang một thế giới đầy màu sắc và ánh sáng và khi ấy tôi sẽ cần sử dụng tới đôi mắt

Tóm lại: Nếu bào thai có thể suy nghĩ về sự tiến triển của nó, thì nó sẽ hiểu rằng: Phải có một đời sống khác ngoài bụng mẹ, đời sống mà hiện nay nó chưa có chút kinh nghiệm, nhưng chắc chắn phải có vì hợp với nhu cầu phát triên tự nhiên của nó.

- Đối với linh hồn con người với hai tài năng là trí khôn và lòng muốn cũng vậy: khi còn trẻ, chúng ta thường suy xét thiếu khôn ngoan. Nhưng với năm tháng, dần dần trí óc học hỏi mở mang theo và con người mỗi ngày càng tăng thêm vốn liếng hiểu biết, khôn ngoan. Thế rồi khi chưa sử dụng sự khôn ngoan được bao lâu, thì thần chết lại đến dẫn đưa chúng ta xuống mồ. Như vậy, trí khôn thêm hiểu biết khôn ngoan làm gì nếu thực sự chết đi là hết? Vậy cũng như tay chân, mặt mũi dần dần xuất hiện với bào thai là để đề phòng cho đời sống ngoài đời thế nào, thì tâm hồn con người dần dần thêm kiến thức khôn ngoan, cũng là để nhằm đến đời sống khác thiêng liêng vĩnh cửu sau khi chết vậy.

- Hơn nũa nếu chết là hết thực sự thì người tốt có khác gì kẻ xấu? Kẻ ăn trộm, tiểu nhân với những bậc vĩ nhân quân tử có gì là khác biệt ? Nếu chết là hết thì cần chi phải kêu gọi từ bi hỉ xả, đề cao sự lương thiện công bằng? Chết mà hết thực sự thì ai làm lành là ngu, nhân từ là nhu nhược, bác ái là dại dột. Chết mà hết thì sống trên đời cứ việc giết người cướp của thật nhiều, hưởng thụ khoáí lạc cho đã, cần chi phải đề cao tinh thần nhân đạo? Chết mà hết thì tại sao phải cử hành giây phút mạc niệm anh linh những liệt sĩ ? Dựng đài tưởng niệm hoặc dâng hương trước di ảnh người quá cố? Nhưng may mắn thay, hầu hết nhân loại đều không thưa nhận chết là hết, mà mọi người đều tin chắc chắn có đời sống vĩnh cửu sau khi chết.

SOCRATE, nhà hiền triết Hi Lap thế kỉ thứ năm trước Công nguyên, khi được một người bạn hỏi ý kiến về việc chôn cất ông như thế nào, ông trả lời : ”Anh có thể vùi thân xác tôi như thế nào tùy ý … nhưng còn chính tôi, anh không thể chôn vùi được.” câu nói ấy đã chứng tỏ Socrate tin tưởng linh hồn vẫn còn tồn tại sau khi chết.

Nghiên cứu những di tích thơi kỳ tiền sử ta thấy một điểu chắc chắn là mọi dân tộc đều tin có đời sống trường cửu sau khi chết. Thực vậy, từ Âu sang Á, từ Bắc xuống Nam, ở Úc cũng như ở Mỹ hoặc Trung Hoa, đâu đâu cũng có những dấu tích chứng minh con người tin tưởng một đời sống bất diệt khi ho đê khí giới, dụng cụ, lương thực trong tầm tay người chết là có ý đê họ có thể sử dụng ở thế giới bên kia. Trong mộ chôn của người Ai Cập hầu hết đều có thuyền bồng, là để cho người quá cố đi sang kiếp khác. Ngày nay dân Pic-mê, một dân tộc sống trong thâm sơn cùng cốc ở Phi Châu, Úc Châu tượng trưng cho cố nhân ngày xưa còn tồn tại, cũng tin linh hồn bất tử. Nói đâu xa, nếu ai đó muốn điều tra về lòng tin tưởng linh hồn bất diệt của con người thời đại ngày nay như thế nào, thì cứ ra nghĩa trang trong những ngày lễ các linh hồn, hoặc ngày lễ Vu Lan … sẽ biết.

Ngay những người ngoài miệng tuyên bố không tin, nhưng trong thực hành vẫn làm những việc chứng tỏ lòng tin vào lúc sắp chết, nhiều người đã bỏ lập trường của mình đê quay về với niềm tin: Điển hình hơn cả là cái chết của VOLTAIRE, một người chống đối tôn giáo say mê nhất. Với ngòi bút sắc bén, ông đã cố hạ bệ Thiên Chúa và đánh đổ Giáo hội. Châm ngôn của ông là: ”Phải tiêu diệt đứa quái gở“ (tiếng dùng để ám chỉ Thiên Chúa). Không một lời gian dối nào mà ông tởm gớm, không một lời cáo gian nào mà ông ghê sợ. Ông chiêu mộ một nhóm người lấy tên là nhóm “Anh em Beelzebuth” với mục đích tìm cách hạ bệ Thiên Chúa . Năm 1753 ông đã tuyên án cho Thiên Chúa như sau: “20 năm nữa Thiên Chúa có thể hồi hưu, vì không còn ai thèm phục vụ Ngài nữa“. Đúng 20 năm sau, năm 1773 Voltaire đã tắt thở cách thê thảm trên giường bệnh. Khi gần chết ông trông thấy những hình ảnh rùng mình ghê rợn đến nỗi ông la lên : “Một bàn tay đang lôi kéo tôi đến với Đức Chúa trời … Đây quỷ muốn tôi … Tôi trông thâý hỏa ngục ghê quá“. Rồi ông tru trếu gầm thét như thú vật hung dữ, lấy móng tay cấu xé thịt mình và rứt ra từng miếng. Một bà già chuyên giúp đỡ những người hấp hối sau khi chứng kiến cái chết của Voltaire đã nói: “Khi ấy tôi ở gần giường Voltaire đang hấp hối. Tôi không còn muốn chứng kiến 1 người vô đạo chết nữa”. Một người khác cũng đã nói thêm: “nếu quỉ có thể chết được thì chắc cũng không chết dữ như Voltaire”.

3) Vì chính Thiên chúa đã mạc khải cho biết có đời sống vĩnh cửu                                  

Ngoài những lý lẽ suy luận của trí khôn nói trên, những người Thiên Chúa giáo còn có một lý chứng chắc chắn có đời sống vĩnh cửu sau khi chết dựa vào mạc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, đặc biệt là lời giảng dạy của Đức Giê-su về đời sống của con người sau khi chết như sau: ”Linh hồn con người sẽ chịu xét xử về công việc của mình đã làm khi còn sống. Đến ngày tận thế, mọi xác chết đều được Thiên Chúa dùng quyền phép của Ngài mà cho sống lại để cùng chịu phán xét và chung số phận với linh hồn”.

Để chứng minh lời dạy bảo về việc kẻ chết sống lại, Đức Giesu đã dùng quyền năng riêng của Người để tự sống lại sau khi chết chưa đủ 3 ngày. Người đã hiện ra với các môn đệ nhiều lần, trước khi về trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha.

Thánh Phao-lô tông đồ đã viết: “Nếu việc kẻ chết sống lại mà không có thì Đức Ki-tô cũng chẳng sống lại. Và nếu Chúa Ki-tô không sống lại, tất nhiên lời tôi giảng cũng uổng công và Đức tin của chúng ta cũng hóa ra vô ích. Nếu những người chết không sống lại thì Thiên Chúa đã không cho Người sống lại…”

KẾT LUẬN : Với những lý lẽ do sự suy luận của trí khôn con người, với những lời mạc khải của Thiên Chúa về một đời sống vĩnh cửu sau khi chết, linh hồn con người không bị tiêu hủy nhưng sẽ tồn tại mãi mãi… Chúng ta có thể quả quyết mà không sợ lầm lẫn: CHẾT ĐI KHÔNG PHẢI LÀ HẾT, CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ TRỞ VỀ VỚI HƯ VÔ NHƯNG LINH HỒN SẼ TỒN TẠI MÃI ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC BẤT DIỆT HAY SẼ PHẢI TRẦM LUÂN NƠI HỎA NGỤC MUÔN ĐỜI, TÙY THEO ĐỜI SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHI CÒN SỐNG Ở TRẦN GIAN NÀY.

B. PHÚT HÔI TÂM

1) LỜI CHÚA: Chúa phán: “Linh hồn Thầy buồn phiền đến nỗi chết , anh em ở lại đây và tỉnh thức vơi Thây..."(Mc 14,,28-31). “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha”

2) LỜI CẦU: Lạy Chúa Giê-su. Qua lơi Chúa câu nguyện, chúng con xác tín rằng: mỗi người chúng con đều có một linh hồn thiêng liêng bất tủ. Làm cho thân xác sống động. Chết là khi linh hôn lìa ra khỏi xác về với Thiên Chúa, Đấng đã thổi hơi ban linh hồn cho thân xác bằng bùn đất của A-đam xưa. Xin cho chúng con luôn sống đẹp lòng Chúa, đê sau này chúng con được Chúa đón nhận vào Nước Chúa muôn đời.- Amen.

  

CHƯƠNG III

CÓ THIÊN CHÚA KHÔNG?

 

I.KHOA HỌC VÀ SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA

VẤN ĐỀ 08: Chỉ những gì khoa học chứng minh được mới có thực, mà Thiên Chúa thì cho tới nay khoa học vẫn chưa chứng minh được, nên không có hoặc không đáng tin.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

1. GIỚI HẠN CỦA KHOA HỌC:

1) Khoa học thực nghiệm là gì ?

- Khoa học nói chung là một hệ thống kiến thức tổng quát, khách quan, xác thực hơn kém và đạt được một cách có phương pháp.

Nhưng Khoa học đề cập tới ở đây là Khoa học thực nghiệm (experimental science), là khoa học theo nghĩa chặt. Đây là một môn học về vật chất, được khảo sát bằng những thí nghiệm, kiểm chứng nhờ những dụng cụ để đi tới định luật chung cắt nghĩa các sự kiện khác thuộc vật chất.

- Thí nghiệm hay thực nghiệm, là một bước trong phương pháp khoa học dùng để phân minh giữa khoa học hay giả thuyết. Thí nghiệm cũng được sử dụng để kiểm tra tính chính xác của một lý thuyết hoặc một giả thuyết mới để ủng hộ hay bác bỏ chúng. Thí nghiệm hoặc kiểm nghiệm có thể được thực hiện bằng phương pháp khoa học để trả lời một câu hỏi hoặc khảo sát một vấn đề. Trước tiên là quan sát, rồi đặt ra câu hỏi hoặc đặt vấn đề. Sau đó, giả thuyết được hình thành. Tiếp đến thí nghiệm được đưa ra để kiểm tra giả thuyết. Kết quả thí nghiệm được phân tích, rồi đi đến kết luận, một lý thuyết được hình thành từ kết quả thí nghiệm, và các kết quả được công bố trên các tạp chí nghiên cứu.

2) Đối tượng nghiên cứu của khoa học thực nghiệm:

Khoa học thực nghiệm có đối tượng nghiên cứu là vật chất trong không gian và thời gian. Chỉ những gì có thể đo được: dài ngắn, nặng nhẹ, mạnh yếu, nhiều ít, nhanh chậm, cũ mới…mới thuộc phạm vi nghiên cứu tìm hiểu của môn khoa học thực nghiệm này.

3) Giới hạn của Khoa học thực nghiệm:

- Ngay trong lĩnh vực vật chất là đối tượng nghiên cứu của khoa học thực nghiệm, thế mà cho tới nay vẫn còn rất nhiều vấn nạn mà các nhà bác học vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thỏa đáng. Chẳng hạn: sự sống hình thành và phát triển thế nào trong một hạt lúa, một con kiến ? Chết là gì và tại sao con người phải chết ? Làm thế nào để con người có thể sống mãi ? Vũ trụ vật chất ta đang sống có biên giới không ? Xuất hiện từ bao giờ ? Gồm bao nhiêu hành tinh ? v.v…Người ta chỉ biết phỏng đoán, hoặc dựa vào một vài yếu tố để xây dựng những giả thuyết thiếu chính xác, dễ bị sụp đổ với thời gian.

- Sang đến lĩnh vực tâm linh con người thì khoa học thực nghiệm hoàn toàn bấc lực vì vượt quá phạm vi họat động của nó. Chẳng hạn: Quan sát một bàn tay đang sờ trên trán của một người, nhà bác học chỉ có thể biết được: xương tay mỗi cái di chuyển mấy độ ? Do những cơ gân nào điều động. Sức nặng của bàn tay là bao nhiêu ? Cần tốn bằng nào nhiệt tố (Calori) của cơ thể để xê dịch như vậy ? Sự cọ xát của hai làn da phát sinh bao nhiêu nhiệt điện ?... mà thôi. Khoa học không thể nói đến ý nghĩa tâm linh của hành động ấy để khẳng định đó là cử chỉ của một bác sĩ đang khám bệnh hay là sự vuốt ve của một bà mẹ đang nựng đứa con thơ.

- Nhìn vào quan hệ giữa người với người, khoa học thực nghiệm chỉ thấy da thịt cọ xát vào nhau, hai bàn tay đang nắm chặt nhau, nhưng không bao giờ thấy được tình hữu nghị trong cái bắt tay đó. Khoa học thực nghiệm cũng không thể dùng các dụng cụ để đọc được tư tưởng của con người, không thể giải thích được tại sao tôi lại thương người này và ghét người kia. Dù không thấy không biết, khoa học thực nghiệm cũng không bao giờ dám quả quyết rằng ý nghĩa hay tình cảm kia là không có.

- Như vậy, phải nói rằng: KHÔNG PHẢI CHỈ NHỮNG GÌ KHOA HỌC CHỨNG MINH ĐƯỢC MỚI CÓ THỰC. VẪN CÓ NHỮNG THỰC TẠI HIỆN HỮU TRONG THIÊN NHIÊN, NHƯNG VÌ NGOÀI PHẠM VI THỰC NGHIỆM, NÊN KHOA HỌC ĐÀNH CHỊU BẤT LỰC KHÔNG THỂ CHỨNG MINH ĐƯỢC.

2. KHOA HỌC VÀ SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA:

1) Khi nhìn vào vũ trụ thiên nhiên với những trật tự lạ lùng kỳ diệu, con người có trí khôn đã đặt ra ngay câu hỏi: “vũ trụ và trật tự ấy do đâu mà có ?” Từ đó với trí khôn suy luận từ hậu quả tới nguyên nhân, con người đã đi đến kết luận: phải có một Đấng nào đó đã sáng tạo nên chúng. Đấng ấy được gọi là Thiên Chúa, Thượng Đế, Ông Trời… tùy theo mỗi dân tộc, địa phương…

2) Tuy nhiên, một số người lại dựa vào khoa học để phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Theo họ, cho tới nay khoa học vẫn chưa chứng minh là có Thiên Chúa, nên chắc không có thực. Ý niệm về một vị Thiên Chúa sáng tạo chỉ là sự mê tín do một số nhà duy tâm bày đặt ra nên không đáng tin. Ngày 12/04/1961: YU-RI GA-GA-RIN một phi hành gia người Liên-xô đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ. Phi thuyền chở ông đã quay về an toàn sau 108 phút bay quay quanh trái đất. Sau cuộc du hành, Ga-ga-rin đã tuyên bố: “Trong cuộc bay lượn giữa các vì sao, tôi chẳng nhìn thấy Thiên Chúa đâu cả”. Linh mục DO-MI-NI-QUE DU-BAR-LE, một nhà triết học tôn giáo, chuyên gia tại Công đồng Vatican II và là trưởng khoa triết học tại viện Công Giáo Paris (1967-1973) đã trả lời : “Vậy thì ông cho rằng Thiên Chúa là một loài có xương thịt và thở bằng không khí hay sao ?” Người tín hữu công giáo, dù chỉ là một đứa bé cũng biết rằng: Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, chứ không phải là lòai vật chất hữu hình giống như các tạo vật do Ngài sáng tạo. Do đó các phi hành gia dù có đi trong vũ trụ bao lâu đi nữa cũng không bao giờ có thể nhìn thấy Ngài. Thiên Chúa thiêng liêng thì làm sao phi hành gia có thể xem thấy được ? Cũng như với cặp mắt thường, chúng ta không nhìn thấy vi trùng trên miếng mít vừa bị con nhặng đậu vào. Nhưng không thấy không đồng nghĩa với không có. Vì khi nhìn qua kính hiển vi chúng ta sẽ thấy hàng triệu vi trùng trên miếng mít nói trên. Cũng vậy, với mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy Thiên Chúa trong vũ trụ thiên nhiên, nhưng với mắt đức tin, chúng ta chắc chán sẽ thay được sự hiện hũu của Ngài.

3) Thiên Chúa là nguyên nhân tối hậu, là căn nguyên của vũ trụ vạn vật, là Đấng đã sáng tạo vũ trụ vật chất từ hư không, nhưng Ngài không đồng hóa với các tạo vật do Ngài tạo dựng. Thiên Chúa ở ngoài không gian và thời gian và không lệ thuộc vào vũ trụ thiên nhiên vật chất. Ngài là Đấng thiêng liêng vô hình, không phải là một lòai vật chất hữu hình… nên Ngài không phải là đối tượng nghiên cứu trực tiếp của Khoa học thực nghiệm. Khoa học không có quyền quả quyết có hay không có Thiên Chúa, vì điều đó nằm ngoài phạm vi của nó. Cũng như khi nghiên cứu tìm hiểu về một cái bàn, nhà khoa học chỉ có thể phân tích, cân, đo… những gì là vật chất chứa đựng trong cái bàn đó như các chất gỗ, sắt… Nhưng lại bất lực không thể chứng minh có ai đó đã làm nên cái bàn ấy. Người ta phải dùng trí khôn suy luận từ hậu quả đến nguyên nhân để quả quyết chắc chắn: cái bàn không thể tự nhiên xuất hiện, nhưng phải có một bác thợ mộc nào đó đã làm ra nó. Cũng vậy, khi nhìn thấy vũ trụ thiên nhiên với những định luật trật tự lạ lùng hoàn hảo, trong đó Khoa học chỉ có thể nghiên cứu tìm hiểu những định luật, những hiện tượng thiên nhiên, những gì thuộc vật chất… nhưng không bao giờ chứng minh được rõ ràng về sự hiện hữu của Thiên Chúa ? Khoa học không thể cho biết sinh hoạt của Thiên Chúa ra sao ?...Vì Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng vô hình, và không hiện diện tại một nơi nào đó trong vũ trụ, không lệ thuộc vào những định luật không gian thời gian do Ngài sáng tạo. Muốn nhận biết Thiên Chúa, người ta phải sử dụng trí khôn suy luận từ hậu quả đến nguyên nhân: Có vũ trụ trời đất với những trật tự lạ lùng kỳ diệu thì đương nhiên đã phải có một Đấng nào đó không phải là vật chất, đã tạo dựng nên chúng và an bài để chúng tiếp tục tồn tại. Đấng ấy chính là Thiên Chúa.

TÓM LẠI: Khoa học ngày nay tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn luôn có giới hạn. Khoa học chẳng qua chỉ là sản phẩm của trí khôn hữu hạn của con người, có nhiệm vụ khám phá những gì vẫn có trong vũ trụ thiên nhiên và hướng những hiểu biết ấy vào việc phục vụ con người. Khoa học ngày càng tiến triển là một bằng chứng cho thấy sự hữu hạn của nó. Vì còn tiến tức là còn có nhiều điều khác vẫn chưa khám phá ra. M. POINCARÉ đã nói: “ Khoa học dù có tiến xa, phạm vi của nó vẫn có hạn. Ngoài giới hạn của nó là sự bí mật. Biên giới càng xa thì bí mật càng rộng.” ARSONVAL cũng khẳng định: “ một câu trả lời của nhà khoa học sẽ gợi ra 20 vấn nạn khác. Khoa học là trường rèn luyện về đức tính khiêm tốn và thành thực”. YOUNG cũng phải thú nhận rằng: “ Càng giỏi càng thấy mình dốt”.

Ngay trong phạm vi vật chất nhà Khoa học còn bất lực không thể giải đáp được nhiều vấn đề, phương chi về những vấn đề siêu hình như sụu hiện hữu của Thiên Chúa, linh hồn, đời sau… Đây la những vấn đề vượt quá khả năng của khoa học thực nghiệm mà chỉ có triết học suy luận và thần học mặc khải mới có quyền lên tiếng. Tuy nhiên, Khoa học có thể đóng góp tích cực trong việc tìm kiếm chân lý: Khoa học có thể nghiên cứu và cho biết sự sắp đặt kỳ diệu, những định luật lạ lùng chi phối thiên nhiên… Rồi nhờ nguyên tắc nhân quả của triết học, con người sẽ nhận biết Đấng Tạo Hóa và nhờ mặc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, con người sẽ hiểu biết nhiều mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì thế ông NEWTON, một nhà thiên văn học lừng danh đã mạnh dạn quả quyết : “Tôi nhìn thấy Thiên Chúa ở đầu thiên lý kính của tôi”.

3. THẢO LUẬN: 1) Bạn sẽ trả lời thế nào khi nghe một người bạn nói khoa học đã chứng minh ngòai con người, không có một Thiên Chúa hay thần minh nào khác cả ? 2) Hãy cho biết cứ cãi lý nhau về có hay không có Thiên Chúa liệu sẽ có người thắng người thua không ? Điều quan trọng nhất các tín hữu cần làm khi gặp một người bạn phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa ?

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Ngài” (Tv 18,2).

2) LỜI CẦU:

- Lạy Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin cho chúng con luôn xác tín vê sự hiện hữu cua Chúa trong vũ trụ thiên nhiên va trong mỗi giây phút trong cuộc sống của mỗi người chúng con, để không ngừng dâng lời ngợi khen chúc tụng Chúa noi gương Mẹ Ma-ri-a: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… Đấng Tòan Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn.” (Lc 1,46b.49).

- Mỗi khi gặp phải một kẻ cứng lòng tin. Xin cho chúng con biết cầu xin Chúa đổ ơn Thánh Thần giúp chúng con biết phải đối thọai và trình bày đức tin thế nào để giúp họ nhận biết Chúa? Chúng con luôn xác tín rằng: đức tin là do ơn Chúa ban và đòi sự thiện chí đón nhận của con người. Xin giúp chúng con biêt làm chứng cho Chúa bằng một lối sống yêu thương khiêm nhường và phục vụ tha nhân vô vụ lợi, và phó thác thành quả cho Chúa quan phòng.- AMEN.

 

II. CHỨNG MINH THIÊN CHÚA HIỆN HỮU

VẤN ĐỀ 09: Bạn là người công giáo, nghĩa là bạn tin có Thiên Chúa. Vậy bạn hãy chứng minh có Thiên Chúa đi xem.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

Khoa học không bàn đến vấn đề Thiên Chúa, không thể quả quyết có Thiên Chúa hay không, vì đây không thuộc lãnh vực nghiên cứu tìm hiểu của nó. Tuy nhiên Khoa học vẫn có thể giúp các tín hữu chúng ta dễ dàng nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa nhờ những khám phá của nó về vũ trụ thiên nhiên, về những định luật chi phối hoạt động của các sinh vật và nhất là loài người, những sự điều tra khách quan về các hiện tượng lạ thường trái với định luật thiên nhiên cho thấy có sự can thiệp của một quyền lực siêu nhiên… như sau:

I. VŨ TRỤ MINH CHỨNG CÓ THIÊN CHÚA

1. Đại vũ trụ minh chứng có Thiên Chúa:

- Vũ trụ bao la vô hạn: Mở mắt nhìn xung quanh, ta thấy vũ trụ bao la vô hạn. Khoa học giúp chúng ta hiểu rõ các hiện tượng và sức chuyển động trật tự của mọi vật trong đó. Với con mắt thường, ta có thể đếm được khoảng 5000 ngôi sao lấp lánh trên bầu trời bao la. Nhưng nhờ viễn vọng kính đặt trên núi Wilson, các nhà thiên văn học có thể nhìn thấy hơn 200 triệu ngôi sao. Còn biết bao nhiêu ngôi sao khác người ta đã nhận biết, nhưng vì ở quá xa, nên tới nay các nhà thiên văn vẫn chưa thể xác định được. Nguyên trong giải ngân hà mà thái dương hệ của chúng ta chỉ chiếm một phần nhỏ bé, người ta cũng đã tính được tới 50 tỷ định tinh và hằng tỷ ngôi sao đã chết. Mà không phải chỉ có một giải ngân hà, hiện nay người ta đã biết được có hằng tỷ giải ngân hà rồi.

- Sự vĩ đại của các tinh tú: Những vì tinh tú to lớn làm sao, mấy hành tinh ở gần chúng ta như Uranus đã lớn hơn trái đất 14 lần, Neptune to hơn 17 lần, Saturne 93 lần, Jupiter 1279 lần, và mặt trời to hơn những 1.300.000 lần. Sao Sirius còn to hơn mặt trời 12 lần, còn nhiều sao khác còn to hơn sao Sirius nữa…

- Khoảng cách giữa các ngôi sao: Những vì tinh tú ở cách xa nhau đến nỗi ta không thể đọc bằng con số thường, mà phải lấy đơn vị là quang niên (năm ánh sáng) như sau: Vận tốc ánh sáng trong một giây đồng hồ là 299.792.458km, tương đương 300.000 km/ giây. Mỗi phút có 60 giây, mỗi giờ có 60 phút, mỗi ngày có 24 giờ, mỗi năm có 365 ngày ¼. Vậy một quang niên sẽ là 299.792.458km x 60 x 60 x 24 x 365,1/4 sẽ thành 9460 tỷ cây số. Ánh sáng từ mặt trời đến trái đất chúng ta phải mất thời gian 8 phút 20 giây, từ trái đất đến mặt trăng phải mất hơn 1 phút. Nhưng nếu từ trái đất vượt qua thái dương hệ đến ngôi sao gần nhất trong chòm sao Nhân Mã phải mất thời gian 4 năm (4 quang niên ). Nhờ thiên lý kính ta biết được những tinh vân xa 140 triệu quang niên. Càng ngày với những kính viễn vọng kính tối tân hơn, người ta lại càng xem thấy xa hơn nữa.

- Vũ trụ vận hành chính xác: Trái đất mỗi ngày quay chung quanh mình một vòng, đang khi nó vẫn chạy theo quỹ đạo mặt trời với vận tốc 30 km/giây, hoặc 108 ngàn km/giờ không bao giờ sai trật, đến nỗi các nhà bác học có thể tính trước được ngày giờ của các hiện tượng nhật thực, nguyệt thực.

- Vũ trụ vận hành trật tự: Bầu trời rộng rãi bao la vô hạn thế mà mấy phi công lái máy bay thỉnh thoảng lại đụng nhau gây nên biết bao tang tóc! Vậy mà từ tạo thiên lập địa đến nay vẫn chưa có một hành tinh nào chạm nhau giữa bầu trời nhiều tinh tú như thế.

Vậy thì vũ trụ bao la với trật tự kỳ diệu, tuân theo những định luật lạ lùng chính xác như thế lại không phải là bằng chứng chắc chắn có sự sắp đặt an bài của Đấng Tạo Hóa hay sao? Becquerel đã nói: “ Chính các công cuộc khảo cứu khoa học của tôi đã đưa tôi đến chỗ nhận biết có Thiên Chúa tạo hóa và làm cho tôi có đức tin.”

2. Tiểu vũ trụ cũng chứng minh có Thiên Chúa:

Vũ trụ tinh tú khổng lồ thật là một kỳ công. Nhưng vũ trụ nguyên tử tý hon cũng không kém phần lạ lùng kỳ diệu. Nếu đem phân tích vật chất, ta sẽ thấy như sau:

- Đơn chất: Mọi vật chất trong vũ trụ thiên nhiên đều được cấu thành bởi những đơn chất. Chẳng hạn: Cái bàn do nhiều đơn chất gỗ hợp lại thành. Chiếc nhẫn là do nhiều đơn chất vàng cấu tạo nên… Những đơn chất này rất nhỏ, nhỏ đến nỗi mắt thường của chúng ta không thể phân biệt được chúng với nhau.

- Nguyên tử: Mỗi đơn chất nói trên lại được cấu tạo bởi một số nguyên tử nhất định. Chẳng hạn: Chất nước gồm một nguyên tử Ôxy và 2 nguyên tử Hyđrô kết hợp thành đơn chất H2O.

+ Các nguyên tử đều khác nhau tùy theo mỗi vật: nguyên tử đồng khác nguyên tử sắt; nguyên tử vàng khác nguyên tử gỗ…Những nguyên tử này ở rải rác khắp nơi trong vũ trụ, khi thì kết cấu với cái này, khi thì với cái khác làm thành sự biến hóa vật chất không ngừng trong thiên nhiên. Ta có thể ví các nguyên tử giống như 24 chữ cái a,b,c…hợp tan, tan hợp, làm thành các tiếng. Đến nay các nhà bác học đã xác định được 92 nguyên tử khác nhau.

+ Nguyên tử nhỏ lắm, nhỏ đến nỗi những kính hiển vi phóng đại mạnh nhất cũng không thể nhìn ra được. người ta chỉ căn cứ vào dấu vết nó đi qua để nhận biết sự hiện hữu của nó. Hiện nay những kính hiển vi tối tân nhất có thể nhìn những vât nhỏ bằng 2 phần 10 triệu milimét. Nhưng như thế vẫn còn lớn hơn nguyên tử hằng mấy triệu lần!

+ Mỗi nguyên tử là một thái dương hệ, có một nhân ở trung tâm giống như mặt trời, gồm các dương điện tử (Proton) và trung hòa tử (Neutron) liên kết với nhau. Lượn chung quanh nhân là chi chít những âm điện tử (Electron). Các âm điện tử này chạy chung quanh trung tâm với tốc độ 297.000km/giây. Thật không khác gì các hành tinh lượn chung quanh mặt trời và cách xa nhau tương đối cũng bằng khoảng cách của các hành tinh đối với mặt trời vậy.

+ Khoảng giữa các nguyên tử, có gì không? Thực không có gì hết. Nếu các nguyên tử sát lại với nhau thì ta không thể nâng nổi đầu của một cái kim khâu. Trọng lượng của các vật nặng nhẹ khác nhau là vì cách xếp đặt nguyên tử của các vật đều khác nhau. Nếu người ta có thể dồn ép các nhân dương điện tử trong một nguyên tử, và các nguyên tử trong thân thể con người khít lại gần nhau, thì thân thể ta chưa chắc to bằng một hột đậu, mà vẫn cân nặng như hiện nay!

+ Có một sức lực ghê gớm đã giữ cho trái đất và các hành tinh quay chung quanh mặt trời, thì cũng có một sức lực tương tự giữ âm điện tử quay chung quanh trung tâm nguyên tử như vậy. Nếu lợi dụng được sức mạnh mẽ đó, thì người ta sẽ có một sức mạnh kinh khủng. Đó là điều các nhà bác học đã làm để chế tác bom nguyên tử với chất Uranium. (Bom nguyên tử là một thứ khí giới tối tân nhất có sức tàn phá do những hạt nguyên tử bị tách ra, Radium luôn luôn chiếu ra những quang tuyến “ A.B.Y” và quang tuyến Y luôn luôn phát ra những chất cực nhỏ có thể xuyên qua những tấm sắt dầy 20cm. Chỉ có lớp chì dày mới có thể cản được sức tàn phá của nó).

+ Những điều nói trên cho ta thấy có sự xếp đặt, an bài trật tự từ cái cực to đến cái cực nhỏ, trật tự ấy lại rất hoàn hảo không thể làm khác đi được. Nếu cố tình làm sai thì sẽ gây nên những hậu quả tai hại khôn lường.

+ Một câu chuyện xảy ra chứng minh trật tự thiên nhiên hoàn hảo đến độ nào: một con ong dù không có trí khôn, nhưng nó luôn phải bó buộc làm theo bản năng thúc đẩy. Theo bản năng thiên phú, khi làm tổ chứa mật, ong tự nhiên xây bình chứa hình lục lăng. Các nhà bác học đã quan sát nghiên cứu cách xây dựng tổ ong, và đã đo rất nhiều bình do nhiều loại ong thực hiện, bao giờ góc tù của bình ấy cũng là 109028’ và góc nhọn cũng là 70032’.

+ Nhà bác học REAMUR một ngày kia đặt câu hỏi thế này: Giả sử muốn làm một cái bình hình lục lăng có khả năng chứa nhiều nước nhất thì phải làm mỗi góc của bình ấy bao nhiêu độ? Một nhà bác học ra công tính toán những con tính rắc rối với việc sử dụng cả bảng tính Logarithme, cuối cùng tuyên bố kết quả: muốn cho bình chứa được nhiều nước nhất phải làm góc tù là 109026’ và góc nhọn là 70034’. Chỉ sai biệt với bình chứa của ong làm có 2’. Thế rồi một ngày nọ xảy ra tai nạn làm hỏng một chiếc tầu. Thuyền trưởng không chịu trách nhiệm vì cho rằng mình đã làm đầy đủ bổn phận, đã tính toán rất đúng. Vậy sở dĩ có rủi ro là vì đường vĩ tuyến có sự sai lầm sao đó. Sau khi tìm tòi lâu ngày, người ta mới khám phá ra rằng trong bảng tính Logarithme có một chổ sai, khiến vị thuyền trưởng làm tính sai và gây ra tai nạn cho chiếc tầu. Chữa lại chỗ sai trong bảng tính rồi thử lại với cách tính 2 góc của hình lục lăng nói trên thì các nhà bác học mới thấy mình đã làm sai 2’. Phải thực hiện chiếc bình theo góc tù là 109028’ và góc nhọn cũng là 70032’ như con ong đã làm mới đúng.

+ Vậy loài ong không có trí khôn biết tính toán như con người, chỉ biết làm theo bản năng thiên phú, thế mà lại làm đúng hơn cả những nhà bác học thông minh nhất ! Đứng trước sự kiện hiển nhiên ấy, loài người phải đặt vấn đề: Cái trật tự hoàn hảo trong thiên nhiên nói trên do đâu nếu không bắt nguồn từ một trí khôn siêu việt, đã từng sáng tạo vạn vật và an bài theo một trật tự hoàn hảo được gọi là định luật thiên nhiên nơi vũ trụ và bản năng nơi các sinh vật. Nguyên nhân ấy chính là Thiên Chúa.

II. SINH VẬT CHỨNG MINH CÓ THIÊN CHÚA:

Sự sống tràn đầy trên mặt đất, đâu đâu ta cũng nhận thấy có sinh vật hoạt động. Nhưng cho tới nay, sự sống vẫn còn là một huyền nhiệm mà khoa học bất lực không thể giải thích được lý do. Sự sống sẽ là một điều phi lý nếu người ta không công nhận có Thiên Chúa:

1. Huyền nhiệm của sự sống:

1) Sự sống là một cái gì đó huyền bí: Người ta chỉ có thể cảm nghiệm hay thấy được hiệu quả của sự sống, chứ không thể nhìn được chính sự sống nơi cơ thể một sinh vật sống động. Người ta cũng có thể làm thay hình đổi dạng, cắt cụt một phần cơ thể con vật, có thể làm cho nảy nở nhanh chóng hơn, hoặc kéo dài them chút ít sự sống, nhưng không bao giờ có thể thay đổi được nguyên lý của sự sống nơi con vật. Chẳng hạn: con chó đã được cấu tạo trở thành loài chó, thì không có cách nào làm cho nó hóa ra loài bồ câu được.

Để tìm hiểu sự sống, các nhà bác học đã phân chất một quả trứng gà, rồi dùng các chất y như vậy để làm nên một quả trứng gà khác với đầy đủ mọi tính chất như trứng gà thực. Tuy vậy, dù được cấu tạo giống hệt như nhau, mà khi đem cả hai vào máy ấp thì trứng gà đẻ thì sống và nở ra gà con, còn trứng gà của các nhà bác học “đẻ” thì chết và bị hư thối. Sở dĩ trứng nhân tạo không thể sống, dù các yếu tố vật chất trong quả trứng ấy vẫn hoạt động đúng theo định luật vật lý hóa học, là vì không có một sức lực vô hình liên kết các hoạt động ấy theo một hướng chung, phát triển theo một mô thức chung. Chính sức lực vô hình ấy là bí mật của sự sống. Bác sĩ ALEXIS CARREL (1873-1944) là nhà giải phẫusinh vật học người Pháp đã được trao Giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm 1912, đã trình bày về sự tăng triển kỳ diệu của sự sống từ một tế bào, rồi tế bào ấy tự phát triển theo một mô thức đặc biệt để trở thành con vật sống động như sau: “Con vật được cấu tạo bởi những tế bào, cũng giống như cái nhà được xây dựng bằng những viên gạch. Nhưng con vật xuất phát từ một tế bào duy nhất, như thể cái nhà chỉ bắt nguồn từ một viên gạch mà thôi. Một viên gạch đầu tiên tự tạo lấy những viên gạch khác, chỉ với nước suối, những chất muối hòa tan trong nước vá khí trời. Rồi những viên gạch ấy không cần đến kiến trúc sư vẽ kiểu, khong cần đến bàn tay của thợ hồ, đã tự động kết hợp thành những bức tường. Các viên gạch cũng tự động biến thành các tấm kính để làm cửa, ngói để lợp mái, than để đốt lò, nước để làm bếp.” (Alexis Carrel : “L’Homme, cet inconnu”- P. 160).

Như vậy thì hình như mầm giống con vật sinh sống đã biết trước cái nhà mà nó xây dựng. Hiện tượng kỳ lạ ấy diễn ra hằng triệu lần mỗi ngày cho hằng triệu giống vật sinh sống, cũng như diễn ra âm thầm trong bụng những con vật mẹ.

2) Sự sống nơi con người: Khi nhìn vào sinh vật thượng đẳng là con người chúng ta lại càng phải thán phục sự tinh vi kỳ diệu và hoàn hảo của sự sống: hai buồng phổi là một xưởng máy sản xuất dưỡng khí thật hoàn hảo. Dạ dày là một nhà máy chế biến đồ ăn trở thành chất bổ nuôi dưỡng cơ thể. Gan là bộ máy phát ra sức nóng và sức chuyển động. Thận là nhà máy lọc các chất dơ. Trái tim là thứ máy bơm hai chiều. Óc và hệ thần kinh là nhà máy điện tử với một hệ thống liên lạc để điều khiển toàn thân. Hai tay là hai cơ quan hành động hữu hiệu. Chân là cơ quan để di chuyển. Mắt là một thứ máy chụp tự động tối tân nhất. Tai là một đài ra-đa sống động. Họng là máy phát thanh hoàn hảo… Có thể nói: cơ thể sống động của con người thực là một hiện tượng thần kỳ và khó hiểu nhất trong vũ trụ thiên nhiên, là một kỳ quan lớn nhất trong các kỳ quan trên thế giới.

Vậy sự sống bí nhiệm lạ lung nơi các sinh vật từ hạ đẳng đến thượng đẳng nói trên bởi đâu xuất hiện?

2. Nguồn gốc của sự sống:

Nói về nguồn gốc sự sống do đâu mà xuất hiện thì có rất nhiều giả thuyết khác biệt nhau được nêu ra:

1) Một số người quả quyết sự sống vẫn có ngay từ buổi đầu, ngay từ khi trái đất bắt đầu thành hình.

Nhưng theo các nhà khoa học thì trái đất khi mới xuất hiện là một khối lửa có nhiệt độ rất cao ở thể chảy lỏng rồi phải mất một thời gian dài mới nguội dần. Như vậy, sự sống làm sao có thể chịu nổi sức nóng kinh khủng thuở ban đầu ấy được ? Ông Cuvier, một nhà cổ sinh vật học trứ danh, đã quả quyết như sau: “Nhất định sự sống không bắt đầu cùng với trái đất. Một nhà quan sát sẽ dễ dàng nhận biết lúc nào sự sống mới xuất hiện và lưu lại vết tích dưới các tầng đất của địa cầu”. Vậy lúc đầu tiên không có mà ngày nay ta thấy sự sống đã tràn lan trên mặt đất. Thế thì sự sống ấy do đâu mà có nếu phủ nhận sụ sáng tạo của Thiên Chúa ?

2) Có người lại cho rằng sự sống ngày nay có được là do các mầm sống từ một nơi nào đó trong vũ trụ rơi xuống mặt đất, rồi sau đó sinh sôi nảy nở thêm ra và lan rộng ra khắp nơi.

Nhưng nếu thực sự có mầm sống từ không trung rơi xuống như thế, thì lại phải giải thích cái mầm sống ấy từ đâu ra? Hơn nữa, theo những khám phá mới nhất của khoa học không gian thì những hành tinh gần chúng ta như Mặt trăng (cũng là một hành tinh ngang hàng với trái đất chứ không phải phát xuất từ trái đất!), Kim tinh, Hỏa tinh đều không có dấu hiệu nào cho thấy có sự sống cả. Đàng khác, nếu có mầm sống rơi như vậy, thì theo các nhà khoa học: mầm sống ấy chắc chắn không thể sống được, mà đã bị các tia phóng xạ của ánh sáng mặt trời tiêu diệt rồi.

3) Cũng có người lại chủ trương sự sống tự nhiên mà có. Theo họ, trong một điều kiện nào đó về nhiệt độ và khí hậu… thì vật chất sẽ tự hóa sinh ra các sinh vật. Chẳng hạn: Cái bàn bằng gỗ sau ít năm sẽ tự nhiên bị mối mọt ăn, hoa quả thối chin sẽ tự nảy sinh ra dòi bọ…

Nhưng thuyết sự sống tự phát sinh này đã bị PASTEUR và TYNDALL chứng minh ngược lại. Hai nhà bác học thời danh này đã làm một thí nghiệm cho thấy: không bao giờ có sự tự hóa sinh. Hai ông đã cô lập hóa một vài môi trường mà sự sống thường phát sinh. Rồi tìm cách loại bỏ, giết chết tất cả các mầm sống có sẵn trong môi trường ấy. Hai ông cho biết: dù có đủ điều kiện thích hợp, môi trường bị cô lập kia cũng không bao giờ tự hóa sinh sự sống nữa. Vậy sở dĩ có trường hợp vật chất hóa sinh sự sống là vì đã có sẵn mầm sống trong các vật đó rồi, nên khi đủ điều kiện mầm sống ấy liền tự nảy nở ra. Thực sự không có vấn đề ngẫu sinh hay tự hóa sinh cả.

Ngoài ra, tất cả những thí nghiệm nhằm tạo nên tế bào sống đều thất bại. Một vị giáo sư sinh vật học nọ một ngày kia đã thử làm một hạt giống nhân tạo. Ông phân chất một hạt giống thật, rồi dùng những chất liệu như vậy để chế tạo ra một hạt giống khác. Sau một thời gian quan sát, ông nhận xét: hạt giống nhân tạo cũng mọc lên, có rễ, có thân, nhưng vẫn không có sự sống, không thở, không lưu chuyển nhựa sống. Sở sĩ cây có mọc lên mà không sống là vì thiều hai đặc tính quan trọng của sự sống là : có tổ chức và tự dinh dưỡng. Còn sự mọc rễ, mọc thân nói trên cũng chỉ là một hiện tượng vật lý hóa học của các chất hữu cơ, chứ không có chút dấu vết nào của sự sống thực sự. Bác sĩ HALLUIN giải thích them về hiện tượng mọc rễ mọc thân như sau: “Hạt giống mọc lên thực. Nhưng núi đá cũng mọc lên mà vẫn không có sự sống, cũng như một quả bóng người ta thổi hơi vào cũng phình ra mà vẫn không có sự sống, thân cây rong biển khô, được đặt vào nơi ẩm ướt cũng phình lên to, nhưng sự phồng lên đó không phải dấu hiệu có sự sống.”

Nhà bác học DELAGE đã làm một thí nghiệm về sự thụ thai nhân tạo: ông cho một con hải đởm cái thụ thai mà không theo cách thức thông thường là giao hợp với con đực. Mượn lấy thí nghiệm ấy, một số người vô tín đã vội lên tiếng quả quyết: “Loài người đã tạo dựng lên được sự sống”. Nhưng chính Delage lại phủ nhận quả quyết mà người ta đã gán cho thí nghiệm của ông như sau: “Khi tôi làm được cho con hải đởm thụ thai và sinh con như thế, người ta kêu ầm ĩ lên rằng: tôi đã tạo ra được sự sống. Nhưng thực sự tôi chẳng tạo ra được gì cả. Những ống tiêm của tôi chỉ có thể ảnh hưởng đối với trứng của con vật kia, khi tiêm vào đó một chất hữu cơ. Còn nói rằng tôi đã tạo ra được sự sống thì thực là lầm to!”

Như vậy, không có vấn đề ngẫu sinh, không có tự hóa sinh tuyệt đối. Khoa học không thể làm được một vật sống động nếu không có sẵn một mầm sống trước đó. Nếu sự sống không tự nhiên có thì phải nhận có sự sáng tạo của một nguyên nhân tối hậu nào đó. Nguyên nhân ấy là Thiên Chúa. Chính Ngài đã sáng tạo sự sống cách trực tiếp hay gián tiếp bằng cách xếp đặt một trật tự, một định luật trong vật chất, để khi có đủ điều kiện thì mầm sống ấy sẽ xuất hiện.

Ngoài ra, khi tìm hiểu vũ trụ thiên nhiên, người ta cũng nhận ra rằng: có một sự xếp đặt nhằm bảo tồn sự sống nơi các định luật thiên nhiên chi phối sự vận hành của các hành tinh trong vũ trụ.

3. Bảo tồn sự sống:

Khoa học cho biết: sự sống chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu hội đủ điều kiện về khí hậu, nhiệt độ, ánh sáng… Nếu thiếu một trong các điều kiện quan trọng thì sinh vật khó long sống được. Khi quan sát các hiện tượng thiên nhiên, người ta đi kết luận như sau: Đã phải có một sự xếp đặt nào đó để bảo tồn sự sống trong vũ trụ thiên nhiên. Thực vậy:

1) Tốc độ quay của trái đất cũng giúp bảo tồn sự sống: Trái đất hiện đang quay với tốc độ 1600 km/giờ ở đường xích đạo. Nếu quay chậm đi 10 lần, thì ngày và đêm trên địa cầu sẽ dài gấp 10 lần hiện nay. Như vậy một số cây sẽ bị chết khô, số còn lại sẽ bị chết cóng.

2) Khoảng cách giữa mặt trời và trái đất cũng giúp bảo tồn sự sống: Nhiệt độ của mặt trời là 5.500 độ. Trái đất cách quãng xa vừa đủ để cho chúng ta được sưởi ấm. Nếu giảm đi một nửa khoảng cách cho xa mặt trời hơn thì mọi sinh vật sẽ đều bị chết vì lạnh. Nhưng nếu để trái đất gần mặt trời thêm một nửa khoảng cách thì mọi vật sẽ bị chết cháy hết.

3) Độ nghiêng của trái đất cũng giúp bảo tồn sự sống: Trái đất phải ở vị trí hiện nay, nghĩa là nghiêng 23 độ thì mới có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông và hai cực mới khỏi bị chồng chất băng tuyết. Nếu nghiêng ở vị trí khác thì mùa màng sẽ thay đổi khác hẳn, sẽ ảnh hưởng tới sự đâm chồi nảy lộc và đơm bông kết trái của cây cối.

4) Khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng cũng giúp bảo tồn sự sống: Nếu mặt trăng gần lại trái đất 80.000 cây số thì mỗi ngày nước biển sẽ bao phủ lục địa 2 lần và sẽ cuốn trôi mọi vật ra biển.

Như vậy, trước những lý chứng hiển nhiên nói trên, mọi người có trí khôn đều phải công nhận: phải có một trí khôn siêu việt và một bàn tay quyền năng nào đó đã tạo dựng nên sự sống cách trực tiếp hoặc gián tiếp, và đã an bài xếp đặt chúng có những điều kiện thiên nhiên hoàn hảo như hiện nay. Trí khôn siêu việt và bàn tay quyền năng ấy chính là Thiên Chúa sáng tạo vậy.

III. LUẬT LUÂN LÝ MINH CHỨNG CÓ THIÊN CHÚA:

1. Nơi mỗi người đều có luật luân lý:

Ai trong chúng ta cũng đều nghe thấy một tiếng nói thầm kín khuyên bảo phải làm điều lành và tránh làm điều ác. Đồng thời ta sẽ cảm thấy niềm vui thỏa sau khi thực hiện được một điều thiện, trái lại sẽ cảm thấy ray rứt bất an nếu cố tình làm trái tiếng nói thầm kín ấy. Đó là tiếng lương tâm, một luật tự nhiên vẫn có sẵn trong tâm trí mỗi người từ khi sinh ra.

Luật tự nhiên này có những đặc tính khác hẳn những định luật vật lý hóa học, hoặc luật lệ xã hội như phong tục tập quán hoặc luật pháp của quốc gia.

+ Luật lý hóa một khi đủ điều kiện thì đương nhiên phải xảy ra. Chẳng hạn: lửa gặp rơm khô ngoài khí trời tất nhiên sẽ phải cháy. Còn luật luân lý thì không những lệ thuộc điều kiện khách quan bên ngoài, nhưng còn lệ thuộc vào sự lựa chọn chủ quan. Chinh do sự lựa chọn tự do này mà con người trở thành một loài vật giá trị ưu việt nhất, khác hẳn các loài vật hành động hoàn toàn do bản năng mù quáng thúc đẩy. Văn hào CHATEAUBRIAND đã nói: “Con hổ xâu xé con mồi rồi ngủ ngay được. Duy chỉ có con người, sau khi đã nhúng máu thì khó lòng nhắm mắt bình an, vì những hình ảnh báo oán của kẻ bị hại luôn hiện lên trước mắt y”.

+ Luật xã hội do con người trong xã hội quy định gọi là phong tục tập quán. Luật pháp quốc gia do một số người đại diện có trách nhiệm thiết lập và được ghi chép lại thành văn để mọi người trong quốc gia ấy tuân giữ. Trong khi luật luân lý vẫn có sẵn trong mỗi người từ khi sinh ra, chứ không nhất thiết phải có ai dạy mới biết, không được ghi chép thành văn giống như luật quốc gia ở trên. Thế mà hầu như mọi người không phân biệt thời đại, dân tộc, quốc gia… cũng đều biết cùng một bộ luật căn bản giống nhau là: phải làm việc lành và tránh làm điều ác, không được giết người vô tội, không được ăn cắp hoặc cướp đoạt tài sản của người khác cách bất công, phải thảo hiếu cha mẹ, trọng kính người trên v.v… Mà nếu cố tình làm trái các điều này thì đương nhiên con người sẽ bị lương tâm cáo trách, cho dù các việc làm ấy không ai hay biết. Câu chuyện Cain trong Thánh Kinh chứng tỏ điều đó.

Ca-in vì ghen tuông nên đã phạm tội giết đứa em ruột là A-ben, rồi sau đó đã chạy trốn con mắt lương tâm theo dõi nhưng không sao chạy thoát. Cuối cùng Ca-in đã phải tự tìm đến cái chết treo cổ để đền tội. Nhà văn hào PLUTARQUE người Hy lạp cũng kể câu chuyện nội dung như sau: Một gã kia tên là Pessus phạm tội giết cha. Dù không ai hay biết việc làm của hắn, nhưng có điều lạ là từ hôm đó, Pessus luôn nghe thấy những con chim én lặp đi lặp lại: “ mày là thằng giết cha, mày là thằng giết cha!”, dù thực sự loài én chỉ biết kêu một âm thanh như thường lệ. Hắn tìm cách phá hết mọi tổ én, nhưng vẫn không xong. Cuối cùng hắn đã buột miệng nói với người khác rằng những con chim én luôn kêu hắn là kẻ giết cha. Sinh nghi, người ta mở cuộc điều tra và việc giết cha của hắn đã bị đưa ra ánh sáng.

2. Tiếng lương tâm hay luật luân lý trong con người: Các câu chuyện trên cho thấy có một thứ luật luân lý tự nhiên gọi là tiếng lương tâm, chi phối mọi hành động của con người có trí khôn, thuộc mọi thời đại, mọi dân tộc, màu da, tiếng nói… Vậy luật ấy do đâu mà có?

Có một số người nói rằng luật luân lý tự nhiên nơi mỗi người là do tự mình đặt ra cho mình, hoăc cũng có thể do xã hội giáo dục từ nhỏ rồi nhập tâm dần dần mà ra. Nhưng khi đi sâu vào việc nghiên cứu tìm hiểu, chúng ta thấy không phải như vậy vì những lý do như sau:

Vì nếu mỗi người tự đặt ra luật cho mình thì chắc người ta sẽ phải đặt ra những luật dễ giữ và có lợi cho bản thân, đồng thời sẽ loại bỏ những luật có hại cho bản thân mình. Nhưng luật luân lý có những đặc tính khác hẳn: khó giữ vì không luôn phù hợp với khuynh hướng xấu của con người, nên chắc không phải do tự mỗi người đặt ra cho mình. Đàng khác, nếu mỗi người đều tự lập ra luật riêng cho mình thì chắc luật luân lý sẽ phải khác nhau chứ không thống nhất giống nhau như ta thấy trong luật luân lý nơi con người được.

3. Luật luân lý cũng không phải do xã hội giáo dục, khuôn đúc hình thành dần dần trong tâm hồn mỗi người từ nhỏ đến lớn vì:

- Xã hội là do nhiều cá nhân kết hợp lại thành. Nếu luật luân lý do xã hội giáo dục thì chỉ những ai sống trong cùng một xã hội mới hiểu biết và mới giữ luật ấy. Nhưng trong thực tế có những người sống một mình từ nhỏ tới lớn, không tiếp xúc, cũng không chịu ảnh hưởng của xã hội, thế mà họ vẫn biết cùng một thứ luật luân lý như nhau. Như vậy, luật luân lý tự nhiên chắc chắn không phải do xã hội, cũng không bắt nguồn từ xã hội.

- Đàng khác, nếu luật luân lý bắt nguồn từ xã hội thì chắc sẽ phải thay đổi tùy theo mỗi xã hội, chứ không thể có tính đồng nhất trong mọi xã hội như tiếng nói của lương tâm mỗi người được.

4. Vậy phải đi đến kết luận: luật luân lý tự nhiên có sẵn trong tâm hồn mỗi người ngay từ khi mới sinh ra, chứ không phải mỗi người tự đặt ra luật riêng cho mình; Cũng không phải do xã hội khuôn đúc giáo dục hình thành. Cha mẹ, thầy dạy hay xã hội chỉ đóng vai trò phụ thuộc, giúp cho luật ấy phát triển mau lẹ và rõ ràng hơn trong tâm hồn đứa trẻ mà thôi. Luật luân lý tự nhiên ấy phải do Tạo Hóa in sẵn trong tâm hồn con người có lý trí, tương tự như một thứ bản năng của thân xác. Đấng ấy chính là Thiên Chúa. Giám mục Jacques Bénigne Bossuet đã nói: “Những chân lý vĩnh cửu và bất biến của luật luân lý bó buộc ta phải công nhận có một Đấng mà chân lý vĩnh cửu luôn tồn tại nơi Ngài.”

IV. NHỮNG VIỆC LẠ LÙNG MINH CHỨNG CÓ THIÊN CHÚA:

Ngay trong thế kỷ 21, thế kỷ khoa học tiến bộ vượt bậc trong việc tìm hiểu và khám phá những định luật chi phối vũ trụ thiên nhiên, chi phối mọi sinh vật, động vật kể cả con người…Thế mà vẫn không thiếu những trường hợp lạ lùng trái ngược luật tự nhiên xảy ra khắp nơi: khỏi bệnh nan y một cách tức khắc không do sự chữa trị thông thường, mà do một thứ quyền lực thiêng liêng nào đó ngoài tầm hiểu biết của khoa học. Những hiện tượng xáo trộn trật tự vũ trụ như mặt trời quay ở Fatima Bồ Đào Nha vào đầu thế kỷ 20 (năm 1917) đã được hằng vạn người chứng kiến v.v… Tất cả những hiện tượng ấy gọi chung là các phép lạ.

1. Có phép lạ thực hay chỉ là bịa đặt:

Từ 11/02 đến 16/07/1858, Đức Mẹ đã hiện ra 18 lần với BERNADETTE SOUBIROUS. Lần thứ 9, Đức Mẹ chỉ cho Bernadette tìm được nguồn suối dưới chân hang đá Massabielle. Nơi đây trở thành linh địa, mỗi năm có hơn 6 triệu khách hành hương uống và tắm trong nước suối. Từ 150 năm nay có 7 ngàn trường hợp khỏi bệnh không thể cắt nghĩa được.

Vào trung tuần tháng 10, mưa hồng ân đổ xuống Lộ Đức. Vị giám mục giáo phận Casale Monferrato ở miền bắc nước Ý chính thức công bố quyết định công nhận phép lạ thứ 68.

Đức Cha NICOLAS BROUWET, giám mục Lộ Đức đã tuyên đọc sắc lệnh công nhận, với sự chứng kiến của BS ALESSANDRO DE FRANCISCIS, chủ tịch văn phòng y chứng Lộ Đức (BCM). Phép lạ chữa lành cho nữ tu Luigina Traverso được ghi nhận vào ngày 23/07/1965.

Sœur LUIGINA TRAVERSO sinh năm 1934, bị liệt cột sống. Vị nữ tu này chịu giải phẫu nhiều lần vẫn không khỏi. Ủy ban Y khoa Quốc tế Lộ Đức (Cmil) đã chứng thực ngày 23/07/1965, trước hang đá Lộ Đức, vị nữ tu này đứng dậy được từ xe lăn, đi đứng bình thường. Đây là phép lạ thứ 68 được chính thức công nhận.

Đức Mẹ đã phán bảo: ‘‘Các con hãy đến uống và tắm nước suối.’’ Từ đó, nhiều người được khỏi bệnh. Năm 1884, Giáo hội Công giáo thành lập Văn phòng Y chứng để xem xét các lời khai. Sau khi được Văn phòng này chấp nhận, hồ sơ được chuyển qua Văn phòng Y khoa Quốc tế. Sau đó, giáo phận của người được lành bệnh chính thức mở cuộc điều tra. Nữ tu Luigina Traverso là trường hợp thứ 68 được công nhận được khỏi bệnh nhờ phép lạ.

Thành viên của Văn phòng Y chứng và Văn phòng Y khoa Quốc tế gồm cả những những bác sĩ không công giáo. Các chuyên gia cần chứng nhận trường hợp khỏi bệnh không thể giải thích được bằng khoa học. Các tiêu chuẩn xét nghiệm gồm việc:

- Người bệnh được chẩn đoán một cách minh bạch;

- Bệnh trạng đã được xác nhận trước khi xảy ra phép lạ;

- Người bệnh được hoàn toàn lành bệnh tức khắc và vĩnh viễn, sau này không bị tái phát;

- Việc trị liệu y khoa không phải là nguyên nhân được lành bệnh.

Văn phòng bác bỏ nhiều lời khai không đáp ứng được các tiêu chuẩn vừa kể.

Sau đây là số liệu các phép lạ Đức Mẹ Lộ Đức: 1858-1870: 7 trường hợp / 1908-1913: 33 / 1946-1965: 22 / 1976-1978: 2 / 1989: 1 / 1999: 1 / 2005: 1 / 2011: 1.

Ngoài phòng khám bệnh khoa học của các bác sĩ, vào năm 1905, Hội Đồng Giám Mục cũng đã thành lập một ủy ban điều tra chính thức của giáo quyền nhằm phân quyết những trường hợp nào là phép lạ, trường hợp nào là không. Ủy ban làm việc môt cách cẩn thận và vô tư theo cách thức của một tòa án. Những trường hợp được tuyên bố là phép lạ thì không thể hồ nghi gì được nữa. Từ năm 1905 đến 1913, ủy ban này đã công bố 32 phép lạ thực.

Như vây, phòng khám nghiệm của các y sĩ cũng như ủy ban các giám mục đều đã xác nhận tại Lộ Đức đã có những trường hợp khỏi bệnh cách lạ lùng. Trong tạp chí ÉTUDES ấn hành năm 1909, linh mục TEILHARD DE CHARDIN đã đưa ra quan điểm của Giáo hội về phép lạ Lộ Đức như sau: ‘‘Các phép lạ Lộ Đức là các sự kiện không thể chối cãi được, chứng minh tác động sáng tạo của Thiên Chúa.’’

(nguồn: Vietcatholic news).

2. Phép lạ bởi đâu?

Những người không tin có Thiên Chúa khi đứng trước những trường hợp lạ lùng khoa học không thể giải thích được, đã đem ra rất nhiều lý lẽ để phủ nhận sự can thiệp của Thiên Chúa như sau:

- Khỏi bệnh vì nguyên nhân tự nhiên: Vì trong nước suối ở hang Lộ Đức có pha lẫn một thứ chất hóa học có năng lực chữa được một số bệnh tật.

Nhưng thực sự, khi đem phân chất thì kết quả cho thấy nước suối ấy cũng chỉ là một thứ nước lã bình thường như bao thứ nước khác, không có thêm một chất nào khác có thể chữa bệnh cả. Đàng khác, có nhiều trường hợp bệnh nhân không xuống đến nước, cũng không uống chút nước ấy, thì bảo khỏi bệnh tại nước thế nào được?

- Khỏi bệnh là vì lý do tâm lý: Vì quá tin và muốn được khỏi cách mãnh liệt, nên đã ám thị mình đến độ trở thành sự thực.

Nhưng nếu tin tưởng và ám thị có thể chữa được bệnh, thì nếu muốn được khỏi, bệnh nhân trước hết đã phải biết tin, biết ám thị. Thế mà có nhiều trường hợp trẻ con chưa có trí khôn, chưa biết gì hết mà vẫn được khỏi nhờ lời cầu nguyện của cha mẹ hay người khác, thì khỏi bệnh đâu phải tại tin hay tại ám thị. Thực ra, ám thị cũng có thể có đôi chút ảnh hưởng đến một vài thứ bệnh tâm lý, đau thần kinh, điên loạn, chứ không có thể chữa được các bệnh do vi trùng hay siêu vi trùng gây ra như: Bệnh phong cùi, ung thư, thổ huyết, lao phổi…

- Khỏi bệnh là vì quy luật tự nhiên: do ảnh hưởng của một thứ quy luật tự nhiên bí mật nào đó chi phối mà người ta chưa khám phá ra:

Nhưng nếu vậy thì luật ấy phải có tác dụng điều hòa, đồng nhất, bất di dịch, cho dù người ta có biết hay không biết thì luật đó vẫn tác dụng. Hễ cứ hội đủ điều kiện khách quan là đương nhiên kết quả phải xảy ra. Chẳng hạn, người mù trước làm thế nào để được khỏi mù thì các người sau cứ làm đúng như thế sẽ đương nhiên được sáng mắt. Nhưng ở Lộ Đức thì tình trạng lại khác hẳn: Có người được khỏi khi tắm, người khác thì khỏi khi đang cầu nguyện vào những thời gian khác nhau trong ngày: sáng, trưa, chiều, tối… Ở điều kiện nào cũng có người được khỏi. Có những trường hợp hai người bệnh cùng trong một hoàn cảnh, cùng một thứ bệnh giống nhau, mà người thì được khỏi, người thì không. Như vậy, không thể nói có một luật bí mật được.

- Khỏi bệnh do có sự lừa dối nào đó: cần phải chờ sự phán quyết của các nhà bác học hoàn toàn vô tư.

CARREL, một vị tiến sĩ y khoa, giáo sư giải phẫu học tại đại học Lyon Pháp, trước khi đi Lộ Đức quan sát tận nơi cũng đã nghĩ như vậy. Ông cho rằng: có lẽ các nhà khoa học chưa khám nghiệm kỹ đủ, có thể còn một vài sơ suất chưa cân nhắc tường tận. Theo Carrel: Ngoài những sự kiện khoa học tìm ra và kiểm chứng rõ ràng thì không còn chân lý nào khác có giá trị. Không thể có phép lạ được! Nhưng trước sự khỏi bệnh lạ thường của Marie Ferrand, một cô gái đang hấp hối vì bệnh lao ruột ở giai đoạn chót mà các bác sĩ đều từ chối không dám mổ cho cô, mà Carrel đã chứng kiến tận mắt từ khi cô gái này mới đến Lộ Đức cho tới lúc khỏi bệnh tức khắc mà không thể cắt nghĩa được. Ông đã chịu khuất phục và ghi chú trong nhật ký: “Thật là một chuyện không có thể, nhưng có thực. Quả là bất ngờ: một phép lạ vừa mới xảy ra.” Ngay lúc đó không còn tin ở mình, Carrel lập tức mời hai bác sĩ bạn ông tới chứng kiến và các ông này cũng đều chứng nhận: “Cô này không còn bệnh gì hết, cho cô ra khỏi nhà thương.”

Việc bác sĩ vô thần Carrel thay đổi tâm hướng đã nói lên một sự thật mà con người dù yêu sách đến đâu cũng phải suy nghĩ: Quả thật, có Đấng Tạo Hóa, có Thiên Chúa. Ngài là Đấng đã thiết lập trật tự trong vũ trụ thiên nhiên, thì trong môt vài trường hợp đặc biệt, Ngài cũng có thể để xảy ra ngoài trật tự ấy. Đó chính là phép lạ vậy.

TÓM LẠI:

Trước những trật tự lạ lùng trong vũ trụ thiên nhiên, trước việc sự sống tràn đầy trên mặt đất, trước những luật luân lý in sâu trong tâm hồn mỗi người, trước những phép lạ mà khoa học đành bất lực không thể tìm ra lời giải thích hợp lý… Chúng ta phải công nhận có ĐẤNG TẠO HÓA; CÓ THIÊN CHÚA SÁNG TẠO. Chính Ngài đã tạo dựng nên vũ trụ và đã an bài chúng theo một trật tự chung mà khoa học gọi là định luật thiên nhiên. Chính Ngài là nguồn gốc của sự sống, đã tạo thành mọi sinh vật từ thấp kém đến cao quý nhất, và đã phú cho chúng những bản năng riêng để tự phát sinh và tồn tại. Cũng chính Ngài là tác giả của bộ luật luân lý tự nhiên in sẵn trong tâm trí con người từ khi sinh ra. Sau cùng, Ngài còn là tác nhân của những trường hợp đặc biệt xảy ra ngoài trật tự tự nhiên mà khoa học không thể giải thích được.

Như vậy, tuy khoa học không thể chứng minh có Thiên Chúa một cách trực tiếp vì ngoài phạm vi nghiên cứu của nó, nhưng khoa học vẫn có thể góp phần quan trọng trong việc tỏ rõ kỳ công của Ngài. Chính nhờ những hiểu biết rõ ràng chính xác do khoa học đem lại, con người dễ dàng sử dụng trí khôn suy luận để nhận ra có bàn tay quyền năng, có trí khôn siêu việt đã xếp đặt và tạo dựng nên vũ trụ vạn vật. Bàn tay và trí khôn ấy là của Thiên Chúa Tạo Hóa.

NEWTON, một nhà thiên văn học lừng danh đã dám mạnh dạn lên tiếng quả quyết: “Tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa ở đầu thiên lý kính của tôi”. P.TERMIER cũng cho biết: “Mọi khoa học đều chuẩn bị trí khôn ta nhận biết Thiên Chúa hiện hữu. Hơn mọi người khác, nhà bác học dù chuyên về khoa nào cũng thế, bao giờ cũng dễ dàng nhận thấy mọi vật đều biến chuyển, hỗn hợp, khuyết điểm… có cùng đích và rất phức tạp. Do đó, nhà khoa học sẽ dễ dàng có y tưởng về một Đấng Tạo Hóa bất biến, tự hữu, đơn thuần, hoàn hảo, và là Đấng duy nhất an bài mọi sự. Chính vì thế người ta bảo: KHOA HỌC DẪN ĐẾN THIÊN CHÚA. VŨ TRỤ VẬT CHẤT CHÍNH LÀ BÍ TÍCH CỦA THIÊN CHÚA”.

THẢO LUẬN: 1) Bạn có nên tranh cãi với người vô tín về sự hiện hữu của Thiên Chúa không ? Tại sao ? 2) Bạn nên làm gì khi có người yêu cầu trình bày giáo lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa để giúp họ thêm xác tín vào quyền năng của Ngài ?

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Ngài” (Tv 18,2).

2) LỜI CẦU: Lạy Thiên Chúa Cha Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất. Xin cho chúng con thêm xác tín vê sự hiện hữu cua Chúa trong vũ trụ thiên nhiên va nơi mỗi chúng con. Xin cho chúng con năng cầu xin Chúa ban thêm đức tin, giống như người cha có đứa con bị quỷ câm ám đã thưa với Đức Giê-su: “Tôi tin ! Nhưng xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi” (Mc 9,24).

 

PHỤ CHÚ:

NĂM ĐƯỜNG LỐI CHỨNG MINH CÓ THIÊN CHÚA

CỦA THÁNH TÔMA TIẾN SĨ.

Thánh THOMAS D’ AQUIN (1225-1274), một vị tiến sĩ thần học rất nổi tiếng thời trung cổ đã đề ra 5 đường lối chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa như sau:

1.Sự chuyển động của vũ trụ chứng minh có Thiên Chúa:

Bất cứ một vật nào đang chuyển động cũng phải lệ thuộc vào một động lực khác. Chẳng hạn: một chiếc xe đang chạy là do người tài xế đã rồ máy và điều khiển tay lái, một viên đạn bay ra khỏi nòng súng, một nồi nước đang sôi lên sung sục là do tác dụng của lửa làm nóng nước lên. Vậy thì khi nhìn vào vũ trụ, ta thấy có sự chuyển động của các hành tinh, thì cũng phải có một động lực nào đó đã ảnh hưởng tới và làm cho chúng xoay vần di chuyển trong không gian. Động lực ấy chính là Thiên Chúa.

2.Luật nhân quả chứng minh có Thiên Chúa:

Nhìn vào vũ trụ vật chất, ta nhận thấy có sự liên hệ mật thiết giữa vật này với vật kia, vật có sau lệ thuộc vào một nguyên nhân có trước. Chẳng han: có khói là đã phải có lửa, có con là đã phải có cha mẹ… Nếu cứ suy luận lên mãi thì cuối cùng phải đi đến một nguyên nhân tự mình hiện hữu, không bị lệ thuộc vào một nguyên nhân nào khác mới hợp lý. Nguyên nhân tự hữu ấy là Thiên Chúa.

3.Sự sắp xếp trật tự minh chứng có Thiên Chúa:

Kinh nghiệm cho ta biết: sự may rủi bao giờ cũng đi đôi với vô trật tự và hỗn độn. Chẳng hạn: Lấy 24 chữ cái A B C D… viết vào các mảnh giấy rồi bỏ trong một chiếc hộp, sau đó lắc hộp và đổ các mảnh giấy ra. Không bao giờ bạn đạt được thứ tự như cũ: A B C D… Trái lại, bất cứ vật gì ta thấy được xếp đặt trât tự thì đều là kết quả của một trí khôn nào đó. Chẳng hạn: nhìn xem một vườn cây ăn trái được sắp đặt thứ tự, cây cối tùy loại mọc ngay hàng thẳng lối… ta quả quyết đã phải có một trí khôn làm chủ vườn cây ấy. Cũng vậy, khi quan sát vũ trụ thiên nhiên, ai ai cũng thấy có sự xếp đặt kỳ diệu từ cái cực to là các hành tinh, đến cái cực nhỏ như nguyên tử; Từ sự sống thấp nơi thảo mộc cây cối đến sự sống phức tạp, trổi vượt nhất nơi loài người… Từ đó, họ sẽ đi đến kết luận: Phải có một Đấng nào đó toàn năng siêu việt… đã an bài cho vạn vật hình thành và phát triển hài hòa trật tự. Đấng toàn năng ấy chính là Thiên Chúa.

4.Bậc thang giá trị nơi vạn vật minh chứng có Thiên Chúa:

Khi quan sát vạn vật trong vũ trụ ta thấy chúng có những bậc thang giá trị khác nhau: Có vật thì không mấy thẩm mỹ, có vật lại rất mỹ miều và đáng yêu, có vật ít hữu ích nhưng cũng có vật lại ích lợi rất nhiều, có vật lại tầm thường, nhưng cũng có những vật thật là cao quý…từ đó, ta suy ra: phải có một vị nào đó có mọi điều tốt đẹp, cao quý nhât…làm tiêu chuẩn cho vạn vật trong vũ trụ hữu hạn này. Đấng tuyệt đối ấy chính là Thiên Chúa.

5.Cứu cánh của vạn vật minh chứng có Thiên Chúa:

Cứu cánh nghĩa là cùng đích, là mục đích chính yếu cuối cùng tuyệt đối. Mỗi người chúng ta đều tự nhiên cảm thấy có ước muốn, khát vọng vô bờ bến. Không một sự gì đã đạt đươc lại có thể làm ta thỏa mãn và đem lại cho ta hạnh phúc hoàn toàn. Do đó, bên trên mọi điều mong ước, về vật chất cũng như tinh thần, ta ước muốn một điều gì bền bỉ, hoàn hảo, vĩnh viễn… Sự hoàn hảo tuyệt đối mà con người mong muốn đạt tới ấy gọi là cứu cánh của con người. Cứu cánh ấy không thể có trong vạn vật ở trần gian mà chỉ có được ở nơi Thiên Chúa. Chính sự khát vọng tuyệt đối, sự hướng về cứu cánh tuyệt đối ấy là bằng chứng cho thấy có Thiên Chúa. Thánh Augustin nói: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng lên con hướng về Chúa, nên tâm hồn con luôn xao xuyến mãi cho tới khi nào con được nghỉ yên trong Chúa”.

TÓM LẠI: Với trí khôn suy luận từ sự vận chuyển của các vật bị động đến một động lực không bị động; Từ các vật không thể tự mình mà có đến một Đấng Tự Hữu; Từ sự trật tự của vũ trụ đến một trí khôn toàn năng đã an bài xếp đặt; Từ các bậc thang giá trị của vạn vật đến một giá trị tuyệt đối vô hạn; Từ sự mong ước tuyệt đối đến một Đấng là Cứu Cánh mà vạn vật hướng về… Tất cả đã chứng minh cho chúng ta một điều không thể chối cãi được. Đó là: vũ trụ vạn vật đã do Thiên Chúa tạo dựng nên. Nhưng Thiên Chúa ở đây vẫn chỉ là một vị Thiên Chúa trừu tượng, xa xôi, không có liên hệ bao nhiêu với mỗi người chúng ta. Đây là Thiên Chúa của các triết gia mà thôi. Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là một Thiên Chúa của tình thương, liên hệ chặt chẽ với loài người và đã bày tỏ bản tính của Ngài qua các tổ phụ, các tiên tri Cựu Ước, và qua chính Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô thời Tân Ước. Tất cả những điều Thiên Chúa mặc khải ấy đã được chép lại thành môt bộ sách gọi là Thánh Kinh. Do đó, ngoài việc dùng lý trí suy luận để biết có Thiên Chúa, con người còn có bổn phận phải tìm hiểu học hỏi Thánh Kinh để biết Chúa là ai? , nhờ đó sẽ tỏ lòng biết ơn bằng cách tôn thờ, cảm tạ, yêu mến, cầu xin và vâng Lời Ngài.

 

III. VỀ NGUỒN GỐC CỦA THIÊN CHÚA

VẤN ĐỀ 10: Nói rằng mọi vật đều do Thiên Chúa sinh ra theo nguyên tắc nhân quả: “Có hậu quả thì phải đã có nguyên nhân sinh ra hậu quả đó”. Vậy thì cũng theo nguyên tắc ấy áp dụng vào Thiên Chúa. Thiên Chúa do ai sinh ra?

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

1. ĐẶT VẤN ĐẾ:

Thuyết duy vật chủ trương: Chỉ có vật chất mới thực sự hiện hữu, còn những yếu tố siêu nhiên vô hình ta không thể nhìn thấy, không thể kiểm chứng thì không có thật, mà chỉ là sự tưởng tượng, nhằm lừa bịp, dối gạt những người ngu dốt. Riêng về vũ trụ vật chất ta đang sống đây vẫn luôn hiện hữu và tự mình mà có, chứ không do thần thánh nào tạo dựng nên: “Vũ trụ vĩnh cửu. Vì cần phải như thế mới hợp lý. Nếu không thì chẳng lẽ vạn vật từ hư không xuất hiện hay sao ? Chúng ta cần phải cho như thế vì chúng ta không đặt vấn đề sáng tạo”.

Thực ra câu khẳng định trên không phải là lời giải đáp mà chỉ là sự lẩn trốn vấn đề, không dám đối diện với sự thực. Những người chủ trương thuyết duy vật này đã tiên thiên quả quyết không có Thiên Chúa, rồi lại dựa vào quả quyết ấy để xây dựng một kết luận khác: Vũ trụ vĩnh cửu, tự mình hiện hữu. Lập luận ấy thiếu tính khoa học: quả quyết khi chưa kiểm chứng được bằng thí nghiệm. Hơn nữa, ngày nay các nhà bác học chân chính đều công nhận vũ trụ không có từ đời đời, nhưng đã xuất hiện cách đây khoảng 15 tỷ năm. Như thế, vấn đề nguồn gốc vũ trụ lại được đặt ra: nếu vũ  trụ có tuổi thì đã phải có một lúc nào đó nó không hiện hữu như hiện nay. Vậy ai đã tạo dựng nên vũ trụ, làm cho nó từ không ra có, hoặc từ một tình trạng hỗn mang vô trật tự đến chỗ trở thành những hành tinh khổng lồ và vận hành theo những quỹ đạo nhất định và chính xác tuyệt đối như ta thấy ngày nay?

JEAN-PAUL SARTRE (1905-1980), một triết gia người Pháp thuộc phái hiện sinh vô thần không chấp nhận có Thiên Chúa sáng tạo, đã tỏ ra lúng túng khi phải giải thích sự hiện hữu của vũ trụ và con người. Vì không thể giải thích được, nên ông đã coi sự hiện hữu ấy là điều phi lý: “những gì đang hiện hữu, trong đó có con người, đều phát sinh mà không có lý do, tiếp tục sống vì hèn nhát, và chết vì đụng độ với một lực khác”. (J.p.Sartre : La nausée).

Sartre không chấp nhận cách giải thích sự hiện hữu bằng nguyên lý nhân quả: Mọi vật đều có nguyên nhân tối hậu là Thiên Chúa khi ông viết như sau: “Vì như thế Thiên Chúa lại chính là nguyên nhân cho mình hay sao ? Đó lại là một điều vô lý nốt. Nói cách khác: Nếu mọi vật đều do Thiên Chúa sinh ra. Vậy Thiên Chúa do ai sinh ra ?

2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:

Đức Tin công giáo cho biết: Mọi vật đều có nguyên nhân cuối cùng là Thiên Chúa, còn chính Thiên Chúa không do ai sinh ra. Ngài là Đấng Tự Hữu (tự mình mà có), và hằng hữu (vẫn luôn có).

Điều này không vô lý chút nào vì những lý do như sau :

1) Ý niệm nguyên nhân hậu quả chỉ có nghĩa khi áp dụng vào các loài thụ tạo, là loài được tạo dựng nên: Đây là những loài vật sống trong thời gian nên có trước có sau mà vật có sau phải tùy thuộc vào nguyên nhân có trước. Nếu cứ truy tìm lên đến nguyên nhân cuối cùng sẽ dẫn tới một Đấng tự hữu không do ai sinh ra mới hợp lý, vì không thể có vô cùng đối với những loài vật là vật chất. Chẳng hạn: trông thấy một em nhỏ, người ta tự nhiên suy luận em phải do cha mẹ sinh ra; Cha mẹ lại phải do ông bà nội ngoại sinh ra; Ông bà lại do tổ tiên v.v…cứ tính lên mãi thì thế nào cũng sẽ tìm đến một đôi vợ chồng đầu tiên gọi là ông bà nguyên tổ. Ông bà nguyên tổ chắc chắn không tự mình mà có, vậy thì phải tìm đến một nguyên nhân luôn hiện hữu, không phải là con người, đã tạo dựng nên ông bà nguyên tổ và lập ra quy luật : cha mẹ sinh con, con sinh cháu, cháu sinh chắt v.v…  Nguyên nhân đầu tiên ấy chính là Thiên Chúa.

2) Có thể áp dụng luật “nhân quả” với Thiên Chúa: “Thiên Chúa do ai sinh ra ?” không ? Đưc tin Công giáo trả lời dứt khoát: Không thể. Vì ý niệm nguyên nhân hậu quả chỉ có thể áp dụng với những loài vật sống trong không gian và thời gian. Còn Thiên Chúa là Đấng sáng tạo ra vũ trụ vạn vật có không gian thời gian thì không lệ thuộc vào không gian thời gian do Ngài sáng tạo. Tương tự như bác thợ mộc làm ra cái bàn, thì không ở trong cái bàn và không lệ thuộc vào cái bàn do ông làm ra. Đối với Thiên Chúa: Ngài hiện hữu vượt trên thời gian do ngai sáng tạo. Nơi Ngài không có trước có sau, nhưng luôn hiện hữu. Ngài là Đấng “có”, nghĩa là không có bắt đầu, cũng không có kết thúc, nên không cần phải có nguyên nhân phát sinh. Ngài tự hữu chứ không do ai sinh ra cả.

Theo Thánh TÔMA tiến sĩ: Thiên Chúa là nguyên nhân cuối cùng của mọi tạo vật. Ngài sáng tạo nên vũ trụ vạn vật không theo cách thức của loài thụ tạo và không lệ thuộc thời gian. Nói cách khác: Thiên Chúa không phải là con gà đầu tiên đã đẻ ra quả trứng thứ nhất. Ngài không phải là mắt xích thứ nhất trong một chuỗi nguyên nhân hậu quả giống như mọi loài thuộc vật chất có thời gian trước sau. Thiên Chúa chính là "nguyên nhân đệ nhất”. Đệ nhất ở đây phải hiểu theo nghĩa vượt trên tât cả vạn sự vạn vật và thuộc về một đẳng cấp khác hẳn.

TÓM LẠI: Vạn vật hiện hữu đều phải nại đến nguyên nhân cuối cùng là Thiên Chúa mới hợp lý. Nhưng chính Thiên Chúa, do không phải là vật chất, nên không bị lệ thuộc vào không gian và thời gian do Ngài tác tạo, mà vượt lên trên một cấp bậc khác hẳn. Ngài có từ đời đời và không có lúc nào không có Ngài. Một khi Thiên Chúa luôn hiện hữu thì sẽ không cần đặt vấn đề Ngài do ai sinh ra nữa.

Ngoài ra, chính Thiên Chúa cũng đã mặc khải chân lý này khi hiện ra với ông MÔ-SÊ trong bụi gai cháy mãi mà không tàn, được tác giả Thánh Kinh tường thuật trong sách Xuất Hành như sau: Thiên Chúa phán với ông Mô-sê : "Ta là Đấng Hiện Hữu" (Xh 3,14). Đấng Hiện Hữu nghĩa là Đấng luôn có: Ngài đã hiện hữu thế nào trong quá khứ thì cũng sẽ hiện hữu như vậy trong tương lai, giống như đang hiện hữu trong hiện tại. Bất cứ vật gì đang có đều do Ngài sáng tạo. Mọi vật có thể hiện hữu được là nhờ đã tiếp nhận được sự hiện hữu từ chính Đấng Hiện Hữu là Thiên Chúa.

3. THẢO LUẬN: 1) Theo bạn thì những lập luận về nguồn gốc của Thiên Chúa nói trên liệu có thuyết phục được những người cứng lòng tin hay không? 2) Những lời giải đáp nói trên có giá trị thế nào đối với những người tin Chúa, nhưng đức tin còn non yếu ? 3) Chúng ta phải làm gì để những anh em lương dân sớm tin vào Thiên Chúa do Đức Giê-su rao giảng để được tham phần vào ơn cứu độ đời đời ?

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: Thiên Chúa phán với ông Mô-sê : "Ta là Đấng Hiện Hữu" (Xh 3,14).

2) LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa, Đấng sáng tạo trời đất muôn vật, đặc biệt dựng nên loài người chúng con. Xin thêm đức tin cho chúng con là con cái Chúa để chúng con ngày một xác tín vào sự hiện hữu của Chúa, và nhận được ơn cứu độ do Chúa tặng ban qua Con Một Chúa là Đức Giê-su Ki-tô. Xin đổ Thánh Thần Tình Yêu giúp chung con đi theo con đường khiêm nhường yêu thương và phục vụ của Chúa Giê-su, hầu sau này chúng con sẽ gặp được Chúa Ba Ngôi hằng hữu trên Nước Trời. - AMEN.

 

 

CHƯƠNG IV

BẢN TÍNH THIÊN CHÚA

 

I. VỀ CÁC ĐẶC TÍNH CỦA THIÊN CHÚA

 

VẤN ĐỀ 11: Thiên Chúa chỉ là hình ảnh con người tạo ra. Nói cách khác, con người đã tưởng tượng ra một vị Thiên Chúa, rồi gán cho Thiên Chúa những gì thấy nơi chính mình. Thực sự ngoài con người không còn một thần thánh nào cả.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

1. ĐẶT VẤN ĐỀ:

Một số người quá đề cao con người: chỉ công nhận những gì có thể cảm nghiệm được trong con người, và không nhận những thực tại siêu nhiên ngoài con người. Từ đó, họ phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và giải thích mọi sự theo lăng kính tự nhiên của con người:

1) HÉGEL (1770-1831): Một triết gia người Đức thuộc trường phái duy tâm, do chịu ảnh hưởng của lối giải nghĩa Thánh Kinh tự do theo ý riêng cá nhân của đạo Tin Lành, nên ông đã đi đến chỗ phủ nhận sự mặc khải của Thiên Chúa. Theo Hégel: Thực sự không có một Đấng nào khác gọi là Thiên Chúa ở ngoài con người cả. Thánh Kinh cũng không phải do sự mặc khải của Thiên Chúa như nhiều người lầm tưởng, mà chỉ là một lối tự thức của con người. Con người đã nói về mình mà cứ tưởng là do Thiên Chúa mặc khải về bản tính Ngài. Nói cách khác: con người đã gán cho một vị Thiên Chúa mà họ tưởng tượng ra những gì thấy có nơi chính mình. Tư tưởng của Hégel về Thiên Chúa tương tự như câu nói của một triết gia Hy Lạp cổ điển ngày xưa. “ Nếu bò và ngựa biết tạc tượng thì chúng sẽ tạc tượng thần linh theo hình bò, ngựa”.

2) LUDWIG FEUERBACH (1804-1872): còn đi xa hơn trong việc chối bỏ sự hiện hữu thực sự của Thiên Chúa. Theo ông: con người nhận thấy mình có khả năng nhận biết, có sức hoạt động, có khả năng yêu đương…Nhưng những điều ấy ở nơi con người đều hạn hẹp và gặp những trở ngại không sao trở nên hoàn hảo được. Từ đó, con người đã quan niệm rằng: Phải có một vị Thiên Chúa có tất cả những khả năng ấy và có một cách hoàn hảo vô cùng, quyền phép vô cùng và là hiện thân của tình thương…cũng chỉ là bản tính của con người được tuyệt đối hóa. Nếu công nhận một vị Thiên Chúa như thế tức là con người đã đánh mất bản tính làm người của mình và sẽ ở trong tình trạng bị vong thân. Vậy, muốn làm người hoàn toàn thì cần phải phủ nhận Thiên Chúa.

3) FRIEDRICH NIETZSCHE (18441900): Một triết gia người Phổ Nietzsche, tác giả thuyết siêu nhân, cũng chia sẽ lập trường của hai triết gia nói trên khi ông mạnh dạn tuyên bố: “Thiên Chúa đã chết, tôi đã giết chết Thiên Chúa.” Theo ông đã đến lúc con người phải sống đời người của mình, tự nắm lấy vận mệnh của mình chứ đừng tin nhảm, quá ỷ lại vào một quyền lực siêu phàm nào khác ở ngoài mình: “ Hẳn bạn biết rõ, con quỷ hèn nhát trong người bạn chỉ thích chắp tay và khoanh tay nhìn, và muốn sống một đời sống dễ dãi hơn. Con quỷ hèn nhát ây bảo bạn: có Thiên Chúa”.

 4) JEAN-PAUL SARTRE (19051980) là nhà triết học hiện sinh, nhà soạn kịch, nhà biên kịch, tiểu thuyết gia và là nhà hoạt động chính trị người Pháp. Ông là một trong những nhân vật nòng cốt trong hệ thống triết học của chủ nghĩa hiện sinh,  một triết gia hiện sinh vô thần, cũng đồng tư tưởng phải phủ nhận Thiên Chúa để con người thực sự làm người: “Nếu có Thiên Chúa, con người là số không”. Theo ông: con người hãy chú ý đến đời sống hiện tại, đời sống của một con người xứng đáng. Ông noi: “ Alleluia, không có trời nữa, không có địa ngục nữa mà chỉ còn có trái đất”.

5) MAURICE MERLEAU-PONTY (1908-1961): “Đưa cái tuyệt đối vào trung tâm tư tưởng của loài người là làm cho mọi hoạt động của tư tưởng bị dừng lại. Bởi vì con người chính là đấng tối cao của con người” (Karl Marx). Bởi thế, cần phải thu hồi tất cả nghị lực của nhân loại đã hoài công hướng về một vị Thiên Chúa không tưởng, chỉ là sự phóng rọi mối nhớ tiếc của chúng ta, chỉ là rác rưởi của mơ mộng hão huyền (Edmond Rostand). Phải đem lại cho con người sự giải phóng khỏi tình trạng bị tôn giáo hóa, phải để cho con người ý thức được sự cao cả của họ, sự can đảm của thân phận kiếp người.

2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:

Thực ra, tư tưởng của các triết gia nói trên thiếu tính khách quan. Do muốn đề cao con người cách tuyệt đối, nên đã đi đến quyết tâm phủ nhận Thiên Chúa, trình bày Thiên Chúa một cách lố bịch: coi Thiên Chúa như một ông chủ độc đoán hà khắc mà con người phải hoàn toàn bị lệ thuộc như tôi tớ phải lệ thuộc vào ông chủ. Ông chủ Thiên Chúa ấy lại quá tham lam khi chiếm đoạt cho mình mọi sự vật, kể cả con người. Thiên Chúa lại còn chà đạp các tạo vật của mình cách thích thú như một bạo chúa độc ác bất công. Từ đó họ đi đến kết luận: con người cần phải vùng lên lật đổ Vị Thiên Chúa độc đoán ấy để giành lại quyền làm chủ cuộc đời của mình. Nhưng thử hỏi: Thiên Chúa mà các tín hữu tôn thờ có phải là ông chủ hà khắc mà các triết gia vô thần đã tưởng tượng như trên hay không ? Bản tính của Ngài ra sao ? Và con người làm thế nào để biết được bản tính ấy của Thiên Chúa ?

1) Người tín hữu phủ nhận lối trình bày lố bịch về Thiên Chúa: Thiên Chúa của chúng ta tôn thờ là một Đấng hiện hữu thực sự, siêu việt, là Đấng Tạo Hóa đã sáng tạo ra vạn vật và con người chứ không phải con người đã sáng tạo ra Thiên Chúa và tưởng tượng ra các thuộc tính của Ngài. Con người không bao giờ có thể chiếm địa vị của Thiên Chúa vì họ luôn ý thức mình có những giới hạn không thể vượt qua được như: tội ác, đau khổ, bất công, bệnh tật và cái chết…

“Mặc dù loài người không tin Thiên Chúa nữa, Thiên Chúa cũng không vì thế mà không hiện hữu” (Graham Henry Greene). Nhiều người muốn bắt được quả tang Thiên Chúa đang hiện hữu.

Một số nguồn tin đã khẳng định rằng: vào ngày 12/04/1961, phi hành gia YURI GAGARIN của Liên Xô, sau khi lái chiếc phi thuyền Vostok 1 (Phương Đông) ba vòng trở về mặt đất đã phát biểu: “Tôi đã lên tận chín tầng trời nhưng không thấy Thiên Chúa đâu cả!”.

Tuy nhiên, ngày nay người ta cho rằng: không có lời nào như vậy xuất hiện trong hồ sơ theo nguyên văn của cuộc trò chuyện của Gagarin. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2006, Đại tá VALENTIN PETROV người bạn thân của Gagarin nói rằng các phi hành gia không bao giờ nói những lời như vậy, và cho biết lời nói trên có nguồn gốc từ NIKITA KHRUSHCHEV: Tại Hội nghị của Ủy ban Trung ương Liên Xô về chiến dịch chống tôn giáo, trong đó nói rằng: "Gagarin bay vào không gian, nhưng không nhìn thấy Thiên Chúa đâu cả". Valentin Petrov còn cho biết thêm: Gagarin đã được chịu phép rửa tội gia nhập vào Giáo Hội Chính Thống ngay từ khi còn bé. Một bài viết trên tạp chí Foma 2011 cũng trích dẫn lời của vị đứng đầu Giáo Hội Chính thống thành phố Sao nói: "Gagarin đã cho con gái cả của ông là Yelena chịu phép rửa tội ngay trước chuyến bay vào không gian của ông, và gia đình ông vẫn mừng lễ Giáng Sinh và Phục Sinh hằng năm và có trang trí các biểu tượng tôn giáo trong nhà”. (Nguồn: Wikipedia, bách khoa toàn thư).

Theo thánh TÔMA: “Thiên Chúa không hiển nhiên. Nếu Thiên Chúa hiển nhiên thì đã chẳng còn ai dám phủ nhận Ngài. Thiên Chúa vẫn luôn hiện hữu, nhưng Ngài hiện hữu qua các dấu vết của Ngài để lại trong thiên nhiên. Khi thấy một vết chân trên mặt cát ẩm ướt ngoài bãi biển, ta dễ dàng nhận biết một người hoặc một vật nào đó vừa đi qua, thì khi nhìn vào những thực tại tốt đẹp, các thiên thể trong vũ trụ chuyển động cách trật tự và vô cùng chính xác… ta có thể nhận ra có bàn tay Thiên Chúa đã sáng tạo và an bài mọi sự. Vì thế, con người có trí khôn thuộc bất kỳ thời đại nào, ở bất cứ nơi đâu… cũng đều công nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nhà hiền triết PLATON của Hy Lạp cổ đại đã nói: “Tất cả những ai có một chút trí khôn đều kêu cầu thần linh lúc khởi sự công việc của họ, bất luận việc to hay việc nhỏ”. CICÉRON, một đại văn hào La Mã cũng quả quyết rằng: “Không một dân tộc nào dù thô lỗ man rợ đến đâu mà lại không tin có thần linh, dù rằng họ có thể bị nhầm lẫn về bản tính của ngài”. Các nhà thám hiểm, các vị thừa sai đã đi truyền giáo khắp nơi trên thế giới đều có chung một nhận định: khắp năm châu bốn bể và mọi nơi trên mặt đất, các dân tộc đều tin nhận Thượng Đế, cho dù quan niệm về Ngài có khác nhau. Do đó, người ta thường định nghĩa: “Con người là một con vật có tôn giáo”.

2) Nhưng bản tính Thiên Chúa ra sao ? Phải chăng Ngài cũng có những tâm tình của loài người, cũng yêu, buồn, giận, ghét… như một con người ?

Có người chủ trương: Thiên Chúa bất khả tri và người ta không thể biết điều gì về Ngài, vì không thể trông thấy, sờ thấy hoặc đem Thiên Chúa ra thí nghiệm được, nên những điều người ta tưởng nghĩ về Thiên Chúa đều không đúng, mà chúng chỉ là những thuộc tính của con người được gán cho Ngài mà thôi, như có người đã quả quyết: “Tất cả những gì người ta nói về Thiên Chúa đều không phải  là Thiên Chúa”.

Thực ra, con người tuy không hiểu biết hoàn toàn về Thiên Chúa, nhưng vẫn có thể hiểu biết phần nào về bản tính của Ngài, nhờ sự quan sát, suy luận và nhất là nhờ mặc khải của Ngài được ghi chép trong Thánh Kinh:

a) Nhờ trí khôn suy luận: Với lý trí tự nhiên người ta cũng có thể nhận ra phần nào về bản tính của Thiên Chúa, khi quan sát những dấu tích Ngài để lại trong vũ trụ thiên nhiên và nơi con người. Khi tìm hiểu về Thiên Chúa người ta thường theo hai phương pháp như sau:

Phương pháp tiêu cực: gạt bỏ ra khỏi bản tính Thiên Chúa những gì là khuyết điểm, thiếu sót tìm thấy nơi tạo vật.

Phương pháp tích cực: Qui về cho Thiên Chúa tất cả những gì là hoàn hảo, tốt đẹp tìm thấy nơi mọi thụ tạo, sau khi đã nhân lên cấp độ tuyệt đối.

Sự suy luận về bản tính Thiên Chúa nói trên tuy không hoàn toàn chính xác, nhưng cũng là điều hợp lý. Thực vậy, người ta thường nói: “xem quả biết cây”: Nhìn một chiếc xe hơi ta có thể nhận biết phần nào về tài năng và tính tình của viên kỹ sư sáng chế, hoặc của các người thợ đã thi công lắp ráp: Tài giỏi nhiều hay ít ? Làm việc cẩn thận hay bừa bãi ? Kỹ thuật lắp ráp lành nghề hay đang tập việc ?... Thế thì khi nhìn vào vũ trụ thiên nhiên trong toàn thể cũng như từng chi tiết, chúng ta lại không nhận ra trí thông minh và tài năng siêu việt của Đấng Hóa Công hay sao ? Sau đây là một số ưu phẩm của Thiên Chúa được loài người nhận biết nhờ trí khôn suy luận từ thiên nhiên:

- Thiên Chúa có ý chí: Chúng ta biết rằng tất cả mọi hoạt động đều phải do ý chí điều khiển, vì nếu không muốn thì làm sao hành động ? Vậy mà vũ trụ là tạo vật của Thiên Chúa lại luôn chuyển động, nên dĩ nhiên sự chuyển động ấy đòi phải do một ý chí điều động. Từ đó suy ra Thiên Chúa phải có ý chí.

- Thiên Chúa là Đấng thông minh: Chúng ta cũng biết rằng: ngẫu nhiên chỉ sinh ra hỗn loạn, và ở đâu có trật tự thì ở đó đã phải có một trí khôn sắp xếp. Thế mà khi nhìn vào vũ trụ, chúng ta thấy có một trật tự lạ lùng: đâu đâu cũng do định luật chi phối hoạt động cho hài hòa với nhau theo một định hướng chung. Chẳng hạn: Thành phần của không khí gồm 21% dưỡng khí, 78% đạm khí và 1% các khí chất khác. Nếu thay đổi thành phần đó thì sẽ gây ra nhiều rắc rối cho các sinh thực vật. Thế mà từ xưa tới nay vẫn có một sự xếp đặt để các thành phần trong không khí nói trên ổn định không chút thay đổi. Nói xếp đặt, lề luật, trật tự… tức là nói đến trí thông minh vậy. Từ đó, chúng ta suy biết: Thiên Chúa là Đấng thông minh.

- Thiên Chúa là Đấng vô cùng: Vũ trụ mà mắt ta có thể quan sát được thực bao la: càng ngày với những viễn vọng kính tối tân hơn, người ta lại càng nhìn được xa hơn và càng thấy sự mênh mông vô tận của vũ trụ nhiều hơn. Ngay trái đất chúng ta đang sống thật là to lớn biết bao! Thế mà mặt trời còn lớn hơn trái đất tới 1.300.000 lần! Một ngôi sao gần chúng ta nhất cũng cách xa tới 4 năm rưỡi ánh sáng (4,5 x 9.460 tỷ km). Ngày nay người ta đã biết được những tinh tú cách chúng ta hàng tỷ quang niên. Thế mà cho đến nay các nhà bác học vẫn chưa biết hết những giải ngân hà trong vũ trụ. Càng ngày người ta càng khám phá thêm có những giải ngân hà mới, mỗi ngân hà có từ 50 đến 80 tỷ ngôi sao: Hơn nữa, đâu đâu chúng ta cũng thấy có sự xếp đặt trật tự, từ cái cực to đến cái cực nhỏ. Thế thì Đấng tạo dựng nên vũ trụ với những đặc tính vô cùng lớn lao kỳ diệu như vậy cũng phải có ý chí và trí thông minh vô cùng.

- Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng: Nghĩa là Thiên Chúa không phải là vật chất. Ngài không có hình hài thể xác như loài người nên chúng ta không thể thấy Ngài như thấy một vật thể hữu hình được. Thiên Chúa không phải vật chất vì vật chất thì không hoàn hảo và có thể đổi thay, đang khi Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo nên không thể đổi thay, không thể thêm bớt gì nữa. Do đó, có thể quả quyết Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng vô hình.

- Thiên Chúa là Đấng toàn năng: Nghĩa là Ngài làm được mọi sự. Ngài muốn thế nào thì lập tức xảy ra như vậy. Ngài có thể sáng tạo ra trăm ngàn vũ trụ khác hoặc tiêu hủy tất cả mọi vật đang hiện hữu cách dễ dàng. Chính vũ trụ bao la vô tận, do những định luật lạ lùng chi phối từ các thiên thể lớn nhất đến các nguyên tử nhỏ nhất là bằng chứng về sự toàn năng của Ngài.

- Thiên Chúa ở khắp mọi nơi: Nghĩa là không nơi nào không có Thiên Chúa. Vì Chúa thiêng liêng và toàn năng nên Ngài hiện diện ở mọi nơi. Ngài hiện diện bằng quyền năng để gìn giữ và an bài cho mọi sự xảy ra đúng theo ý Ngài. Do đó Ngài có mặt ở khắp mọi nơi.

- Thiên Chúa thông biết mọi sự: Vì toàn năng và ở khắp mọi nơi, nên Thiên Chúa phải hiểu biết mọi sự. Ngay cả tư tưởng thầm kín trong lòng ta thì Ngài cũng thấu suốt hết.

Tuy nhiên, phải công nhận rằng: tất cả những ưu phẩm của Thiên Chúa do các triết gia suy luận nói trên đều không mấy chính xác. Đối với loài người: Thiên Chúa vẫn là Đấng khôn tả và chỉ mình Ngài mới có thể hiểu biết rõ ràng chính xác về mình mà thôi. Đây cũng là điều hợp lý như Hồng Y JEAN DANIÉLOU đã nói: “Một Thiên Chúa mà con người có thể hiểu biết tường tận thì chắc không phải là một Thiên Chúa chân thực” (Daniélou: Dieu et nous tr.57).

b) Nhờ sự mạc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh.

Để bù đắp những khuyết điểm thiếu sót trong việc dùng lý trí suy luận tìm hiểu về bản tính Thiên Chúa, con người còn có một phương cách để tìm hiểu về Ngài cách chắc chắn và không sợ bị sai lạc là Lời Chúa mặc khải trong Sách Thánh. Thánh Kinh chính là Lời Thiên Chúa bày tỏ về bản tính và hoạt động của Ngài cho loài người như tác giả thư Do thái đã viết: “Thưở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ. Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,1-2). Toàn bộ Kinh Thánh là lịch sử của Lời sáng tạo và cứu độ. Con người đã dần dần nhận biết về Thiên Chúa cách sâu xa và chắc chắn nhờ lời Chúa dạy hơn là nhờ trí khôn suy luận:

**CỰU ƯỚC:

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa xuất hiện như một nhân vật sống động. Ngài chủ động nối lại mối dây liên lạc với loài người đã bị tội lỗi cắt đứt từ thời nguyên tổ. Các tác giả Kinh Thánh đã dùng từ ngữ của loài người để diễn tả những chân lý siêu việt của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã hiện ra nói chuyện thân mật với ông A-đam, đã bày tỏ khuôn mặt, giơ tay… Kinh Thánh cũng diễn tả những tâm tình của Thiên Chúa giống như con người: Ngài thấy thỏa mãn trước công trình sáng tạo, giận dữ khi bị con người phản bội, hối tiếc vì đã dựng nên loài người…

Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa không phải chỉ là một Vị Thần trừu tượng, khô khan lạnh lùng như các triết gia tưởng tượng, nhưng Ngài là một nhân vật có mối bang giao thân hữu với các tổ phụ. Qua Thánh Kinh Thiên Chúa đã tự mặc khải về Ngài như sau:

- Ngài là Đấng duy nhất: Mô-sê dạy: "Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Ðức Chúa Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em" (Ðnl 6,4-5). 

- Ngài là Đấng toàn năng: “Chúa chúng ta ngự trên trời, Ngài làm tất cả những gì Ngài muốn” (x. Tv 115,1-8). Ngài đã hiện ra với Mô-sê giữa sấm sét oai hùng. Tư tưởng và đường lối của Ngài không ai biết được như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-10).

- Ngài là Đấng chân thật: “Lời Chúa phán quả là ngay thẳng” (Tv 32). Chúa chống lại sự dối trá (x. Is 30,8-18).

- Ngài là Đấng Thánh thiện tuyệt đối: Chúa phán: “Hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,45). Ngôn sứ Ê-dê-ki-en cũng tuyên sấm lời Đức Chúa phán như sau: “Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa chư dân, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là Ðức Chúa khi Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta nơi các ngươi ngay trước mắt chúng (Ed 36,23). Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tuyệt đối, nên người phàm không thể tới gần Ngài mà không kính sợ.

- Ngài là Thiên Chúa hằng hữu: “Trước khi có sông núi, trước khi trời đất sinh ra, Lạy Chúa, Chúa hằng có”; “Gia-vê hằng sống”;  Là “Thiên Chúa đang sống” (x. Cn 8,22-31)

- Ngài hiên diện ở khắp mọi nơi: “Con lên trời thì có Chúa đó. Con xuống âm phủ thì Chúa cũng có ở đó. Nếu con bay về chân trời và nếu con đến tận cùng nước biển, tại đó cũng có bàn tay Chúa dẫn đưa con đến” (Tv 139,7-10)…

Những đặc tính ấy cho thấy có một hố sâu ngăn cách giữa Thiên Chúa và loài thụ tạo, sâu đến nỗi không ai có thể lấp đầy được. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta. Ngài luôn trung thành với lời đã phán hứa, và là Đấng từ bi nhân hậu (Tv 103,8-10): âu yếm như bà mẹ hiền với đứa con thơ (x. Is 49,15), ân cần lo lắng như người mục tử tốt lành đối với đàn chiên của mình (x. Ez 34,16), đam mê như một tình nhân (x. Hs 2,16.19.20)…

**TÂN ƯỚC:

“Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Mầu nhiệm về Thiên Chúa mà các ngôn sứ đã đề cập đến trong Cựu Ước thì lại được mặc khải cách rõ ràng nhờ Con Thiên Chúa xuống thế làm người (x. Ga 1,14).

Thiên Chúa của thời Tân Ước do Đức Giê-su mặc khải mang nhiều ưu phẩm như sau:

- Là Cha Yêu Thương: Tác giả thư 1 Gio-an viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,16).

- Là Đấng hoàn hảo: Đức Giê-su nói: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

- Là Đấng tối cao: Ngài trổi vượt trên mọi người mọi vật như lời sứ thần truyền tin nói với Đức Ma-ri-a vê thai nhi Cứu Thế Giê-su: “Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32). 

- Là Đấng toàn năng: Đức Ma-ri-a nói: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1,49); “Đối với con người thì thật là khó nhưng đối với Thiên Chúa thì khác: vì không có điều gì Ngài không làm được” (Mc 10,27).

- Là Đấng giàu lòng từ bi thương xót: Như mục tử không bỏ rơi đoàn chiên nhưng quyết tâm đi tìm kiếm từng con chiên lạc cho tới khi tìm được (x Lc 15,4), như người phụ nữ cố gắng đi tìm đồng bạc bị rơi mất (x Lc 15,8), như người cha sẵn sàng tha thứ cho đứa con bỏ nhà đi hoang và vui mưng đón nhận khi nó hồi tâm sám hối trở về (x Lc 15,20).

- Là Cha luôn quan tâm chăm sóc và thỏa mãn các nhu cầu chính đáng của con cái: Đức Giê-su dạy môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa như con cái thưa chuyện với người cha thân yêu: “Lạy cha chúng con ở trên trời” (Mt 6,9); Người cũng dạy môn đệ phải biết tin cậy phó thác vào tình yêu quan phòng của Chúa Cha: “Phần anh em, đừng lo tìm cho có gì để ăn, có gì để uống, và đừng băn khoăn. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm, nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó” (Lc 12,29-30).

- Là Thiên Chúa duy nhất, nhưng có Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Chúa Giê-su sai các môn đệ đi truyền giáo trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19; Cv 1,8)…

Như vậy, sự nhận biết các ưu phẩm của Thiên Chúa nhờ mặc khải của Ngài qua các ngôn sứ trong Cựu Ước và nhất là qua Con Một Ngài là Đức Giê-su trong Tân Ước, khác với những kiến thức do trí khôn suy luận của loài người, như Tác giả Tin Mừng Gio-an cho biết ân sủng và sự thật về Thiên Chúa được ban qua Con Một Ngài là Đức Giê-su: “Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có. Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha. Chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,17-18). Pascal cũng nói: “Chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói về Ngài cách chính xác mà thôi”.

TÓM LẠI: Thiên Chúa không phải chỉ là kết quả do trí tưởng tượng của con người. Nhờ có trí khôn, con người đã nhận biết có Thiên Chúa là Đấng đã sáng tạo nên trời đất muôn vật… và nhờ quan sát thiên nhiên, con người cũng có thể suy luận để hiểu biết phần nào sự thật về Thiên Chúa. Nhưng phải nhờ mặc khải của Thiên Chúa qua các ngôn sứ trong Cựu Ước, nhất là qua Con Một Ngài là Đức Giê-su, loài người mới hiểu biết sự thật về Thiên Chúa, về chương trình sáng tạo và cứu độ loài người. Rồi đến ngày tận thế, loài người chúng ta còn được hiểu biết sự thật toàn vẹn về Thiên Chúa khi được gặp gỡ Ngài “diện đối diện” như lời thánh Phao-lô dạy: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương. Mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn. Mai sau tôi sẽ được biết hết như Thiên Chúa biết tôi” (I Cor 13,12).

3. THẢO LUẬN: 1) Việc nhận biết các ưu phẩm của Thiên Chúa dựa vào sự quan sát suy luận trong vũ trụ thiên nhiên có hợp lý và đầy đủ không ? Tại sao ? 2) Chúng ta cần dựa vào đâu để hiểu biết chính xác đầy đủ về bản tính Thiên Chúa ? 3) Muốn được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa ban qua Đức Giê-su, các tín hữu phải làm gì ?

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: “Thiên Chúa là Tình Yêu : Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16).

2) LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa Cha giầu lòng từ bi thương xót. Cha đã tạo dựng nên muôn loài muôn vật, trong đó có loài người chúng con. Cha thấu suốt tâm can và lòng trí chúng con. Cha nhìn thấy mọi tư tưởng, lời nói việc làm của chúng con. Giờ đây chúng con xin dâng lên Cha tâm tình biết ơn và xin phó thác cả cuộc đời chúng con trong bàn tay quan phòng yêu thương của Cha. Xin Cha đổ đầy Thần Khí xuống trên chúng con, để nhờ ơn Thánh Thần, chúng con có thể tin thờ Cha và luôn sống hiếu thảo đẹp lòng Cha. Chúng con cầu xin Cha, nhờ Đức Ki-tô Con Cha và là Chúa chúng con.- AMEN.

 

 

II.VỀ SỰ TIỀN ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA VÀ HÌNH PHẠT HỎA NGỤC

VẤN ĐỀ 12: Nói rằng Thiên Chúa là tình yêu. Vậy tại sao Thiên Chúa biết trước có một số người sẽ phải xuống hỏa ngục, mà Ngài còn tạo dựng nên họ làm chi ? Tại sao Ngài để cho con người phải chịu đau khổ, chết chóc, chiến tranh và đầy dẫy những bất công trong xã hội ? 

GIẢI ĐÁP :

A. TRÌNH BÀY:

1. ĐẶT VẤN ĐỀ:

1) Thiên Chúa là Tình Yêu:

Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho loài người biết Ngài là tình yêu (x. 1 Ga 4,16). Chúa Cha yêu Chúa Con, và tình yêu ấy nhiệm xuất ra Chúa Thánh Thần (Kinh Tin Kính). Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu bằng các việc như sau:

- Tạo dựng nên vũ trụ vạn vật vì và cho con người.

- Sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm của họ, bằng việc sai Đức Giê-su đến dạy cho loài người nhận biêt tinh yêu cua Thiên Chúa và sẵn sàng hiến thân chịu chết trên thập giá để cứu độ những ai tin và đi theo con đường yêu thương của Người như Người đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). 

- Người dạy các môn đệ phải yêu thương nhau, vì đó là dấu hiệu để người ngoài nhận ra họ thực sự là môn đệ của Người (x. Ga 13,35).

- Đức Ki-tô dạy những ai tin kính Người hãy thi hành lời Người truyền là: Tha thứ luôn luôn: “Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Yêu cả kẻ thù: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).

Cuộc đời của Đức Giê-su đầy những hành động yêu thương: chữa lành các bệnh tật như bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt (x Mt 4,24), nhân bánh ra nhiều nuôi những kẻ đói được ăn no (x. Lc 9,12-17). Thiết lập bí tích Thánh Thể để ban sự sống đời đời (x. Ga 6,48-51) và để ở lại với các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20).

 2) Tuy nhiên, có người đặt vấn đề : Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì tại sao Ngài biết trước một số người sẽ phải xuống hỏa ngục mà còn dựng nên họ làm chi ? Tại sao Ngài để xảy ra các tai ương như động đất, lũ lụt, sóng thần, núi phun lửa, chiến tranh và đầy dẫy những bất công trong xã hội ?

2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:

Đây là một chân lý mầu nhiệm, rất khó hiểu đối với tâm trí kém cỏi của loài người chúng ta.

Có những điều Chúa làm và con người dễ dàng hiểu được, nhưng cũng có những hành động của Chúa vượt quá tầm hiểu biết của loài người như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm: ”Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi cũng không phải là đường lối của Ta” (Is 55,8). Đây là chân lý mầu nhiệm, nghĩa là một điều hợp lý, nhưng lại vượt quá giới hạn của trí khôn con người. Cũng như một em bé trinh độ tiểu học không thể hiểu các công thức toán học phức tạp của lớp 12 trình độ trung học, nhưng em vẫn phải chấp nhận các công thức đó là đúng và đáng tin. Hiện nay em chưa hiểu được nhưng khi học lên cao em sẽ có thể hiểu được.

Sau đây là một số lời giải đáp cho các vấn nạn về sự đau khổ và sự dữ ở trần gian mà loài người cảm thấy khó hiểu và khó chấp nhận:

1) Tại sao Thiên Chúa biết trước một số người sẽ xuống hỏa ngục, mà Ngài dựng nên họ làm chi ?

a) Trước hết, Thiên Chúa là Tinh Yêu, dựng nên mọi tạo vật trong đó có loài người là để chia sẻ ân sủng và hạnh phúc viên mãn của Ngài cho họ. Ngài dựng nên họ không phải để bắt họ chịu đau khổ hỏa ngục, nhưng để họ được chia sẻ hạnh phúc với Ngài (x. St 2,8)

Tuy nhiên, để hạnh phúc ấy được trọn vẹn, Ngài đã ban cho con người có tự do, để họ tự do quyết định làm điều tốt, và tránh làm điều xấu (Stk 2,16).

Nếu họ làm tốt thì sẽ được thưởng, còn nếu dùng tự do để làm điều ác thì sẽ bị phạt theo đức công bình (x. Stk 2,17) và luật nhân quả: “Ở hiền gặp lành” “Gieo gió gặt bão”.

b) Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên hằng ban Ơn Thánh giúp loài người sống theo thánh ý của Ngài. Nhưng họ được hoàn toàn tự do quyết định làm hay không làm. Thánh AUGUSTINO đã nói: “Thiên Chúa sinh ra bạn không cần bạn, nhưng Ngài không thể cứu rỗi bạn nếu bạn không cộng tác với ngài.”

c) Con người không được đổ thừa trách nhiệm cứu rỗi bản thân mình cho Thiên Chúa, vì sự biết trước của Thiên Chúa không giống sự biết trước của chúng ta.

- Con người chúng ta sống trong thời gian nên sự biết trước có tính cách tất định.

- Còn nơi Thiên Chúa là Đấng ở ngoài thời gian nên sự biết trước của ngài không tất định, mà còn lệ thuộc vào sự tự do của con người.

Ta có thể ví sự biết trước của Thiên Chúa như cái nhìn của khán giả xem đá banh: khi nhìn lực lượng của hai bên, khán giả bên ngoài có thể đoán trước phần thắng bại thế nào. Tuy vậy, sự ăn thua ấy không tất định, không nhất thiết phải xảy ra như dự đoán, mà còn lệ thuộc vào ý chí quyết thắng và tinh thần dũng cảm của các đấu thủ, cũng như sự cổ võ của khán giả bên ngoài nữa. Nếu bây giờ chúng ta được sự cổ võ của Thiên Chúa (ơn thánh), và hăng hái sống đạo, thì từ đời đời Thiên Chúa cũng đã thấy và biết trước như vậy. Nhưng rồi, sau một thời gian sốt sắng, chúng ta lại chán nản buông xuôi theo sự cám dỗ của ma quỷ, của thế gian và xác thịt, thì cũng từ đời đời Thiên Chúa đã biết trước ta sẽ bị sa ngã như vậy. Thiên Chúa luôn luôn động viên khích lệ, ban ơn trợ giúp ta sống tốt đẹp để ta được ơn cứu độ, nhưng ta có muốn được cứu hay không là do ta tự do quyết định.

Một ví dụ khác về sự quyết định tự do của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Chẳng hạn: vào một buổi tối trời, chúng ta trông thấy một người đi xe đạp trên một đoạn đường rất nguy hiểm mà nhiều người đã gặp tai nạn. Chúng ta có lòng tốt khuyên bảo người đó không nên tiếp tục đi. Nhưng nếu họ coi thường lời cảnh cáo của chúng ta mà cứ tiếp tục đi, thì chúng ta cũng có thể phần nào biết trước số phận của người ấy, và họ không thể đổ thừa trách nhiệm cho chúng ta. Cũng thế, những người từ chối ơn Chúa giúp, nhất định chọn làm điều xấu, thì sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của họ, và không thể trách cứ Thiên Chúa đã biết trước mà sao còn dựng nên họ. Chúa Ki-tô  cũng đã nói lên sự cứng lòng cố chấp của dân Do thái như sau: “vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành (Mt 13,13-15).

d) Đàng khác vì không ai trong chúng ta biết trước số phận tương lai của mình, thì tại sao ta lại không nghĩ mình sẽ được thưởng để cố gắng sống tốt lành tử tế hơn mà lại nghĩ mình sẽ bị phạt hỏa ngục, rồi ngã lòng trông cậy để sống buông thả, và đổ thừa trách nhiệm cho Thiên Chúa đã tiền định như vậy:

TÓM LẠI: Thiên Chúa là Tình Yêu, và Ngài đã thể hiện tình yêu ấy bằng việc sáng tạo vũ trụ vạn vật, trong đó có con người. Ngài tạo dựng con người để thông ban hạnh phúc cho họ. Tuy nhiên, để hạnh phúc ấy được trọn vẹn, Thiên Chúa lại cho con người sự tự do chọn lựa làm theo điều tốt và loại bỏ điều xấu. Con người muốn hưởng hạnh phúc hay không là tùy theo sự tự do quyết định của họ: nếu làm tốt sẽ được thưởng, còn nếu cố tình chọn làm điều xấu thì tất nhiên sẽ bị phạt theo luật nhân quả. Khi ấy, họ không thể đổ thừa trách nhiệm cho ai khác ngoài chính bản thân mình. Còn việc Thiên Chúa biết trước không có tính tất định như con người thường hiểu, mà còn lệ thuộc nhiều yếu tố khác nữa, nhất là lệ thuộc vào ý muốn tự do của chúng ta.

2) Thiên Chúa là tình yêu, vậy tại sao Ngài lại để xảy ra các tai ương, cùng những bất công nơi con người ?

a) Đây cũng là một điều rất khó hiểu đối với trí khôn của con người, vì một đàng chúng ta tin chắc Thiên Chúa là Đấng toàn năng và đầy lòng từ bi thương xót, nhưng đàng khác, thực tế chúng ta lại gặp thấy biết bao tai ương cùng những bất công nơi con người.

- Theo giáo lý công giáo thì đau khổ tai họa là hậu quả của tội lỗi: Đầu tiên, Thiên Chúa tạo dựng nên con người để họ được chia sẻ hạnh phúc với Ngài. Nhưng để họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc ấy, Thiên Chúa đã thử thách lòng tin yêu của họ. Nguyên tổ A-đam E-và đã không vượt qua được sự thử thách của Thiên Chúa khi chọn làm điều xấu, cố tình lỗi lệnh Chúa truyền (Stk 2,16–17; 3,1–7), nên hai ông bà đã bị phạt bị mất tất cả những gì đang được hưởng: “Từ nay đàn bà sẽ phải đau đớn lúc sinh con… đàn ông phải lam lũ vất vả, phải đổ mồ hôi để có bát cơm ăn, phải đau khổ và phải chết nữa” (Stk 3,16–19). Từ đó, do hậu quả của tội tổ tông này, mà đau khổ đã lọt vào thế gian, và rồi các tội riêng của con người tiếp tục gây đau khổ cho nhau.

- Nếu là những tai họa do loài người gây nên như: chiến tranh, giặc giã thì những tai họa ấy hoàn toàn do lỗi của con người chứ không phải do sự sắp đặt của Thiên Chúa. Loài người đã lạm dụng tự do để chọn lối sống tham lam ích kỷ, lợi dụng khoa học để chế tạo ra những thứ vũ khí giết người hàng loạt… gây ra biết bao đau khổ cho đồng loại. Thiên Chúa là tình yêu, không muốn cho con người bị đau khổ,  nên đã biến những tai họa kia trở nên nguyên nhân đem lại hạnh phúc cho những kẽ biết phó thác cậy trông và đi theo con đường yêu thương của Đức Giê-su.

Trong thực tế, chúng ta thấy rằng: tai họa đến với người này lại có thể là may mắn đối với người khác: người bệnh tật thì đau khổ nhưng lại là cơ hội cho giới y sĩ có việc làm, cũng như một cơ may giúp các nhà bác học phát minh ra những thứ thuốc mới hữu hiệu hơn. Hơn nữa, ngay trong cái khổ cũng có cái sướng và ngược lại cái sướng hôm nay có thể trở thành nguyên nhân gây đau khổ ngày mai. Chẳng hạn: một người nghèo khổ bỗng nhiên trúng số trở thành giàu có là sự may mắn. Nhưng nếu họ không khéo sử dụng thì sự giàu có ấy có thể làm họ phạm tội, hoặc trở thành nguyên nhân khiến họ phải chịu đau khổ nhiều hơn. Từ đó cho thấy: đau khổ thực ra chỉ là tương đối, sống trên đời không ai hoàn toàn sướng và cũng không ai phải chịu đau khổ hoàn toàn. Điều quan trọng là người ta có biết chấp nhận hoàn cảnh và cố gắng vượt qua hay không. Chính điều này sẽ giúp họ luôn luôn bình an là nguồn hạnh phúc.

- Còn những tai họa thiên nhiên như động đất, bão lụt, mất mùa… đã gây ra cho loài người những hậu quả thảm khốc là kết quả của một thế giới tương đối, nhờ có con người mới dễ nhận biết chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng hoàn hảo tuyệt đối và là cùng đích của vạn sự vạn vật mà thôi.

Những khuyết điểm của vũ trụ ấy là do Thiên Chúa cho phép xảy ra, để nhắc nhở con người: thế gian này là nơi tạm gởi. Chỉ có thiên đàng đời sau mới là quê thật vĩnh cửu của chúng ta.

Hơn nữa, Thiên Chúa cũng cố ý sáng tạo nên vũ trụ có khuyết điểm để con người được vinh dự công tác với Ngài bằng cách dùng trí khôn Chúa ban hoàn tất những gì còn khuyết điểm nơi tạo vật. Có như thế, con người mới chứng tỏ sự cao quý của loài có trí khôn trổi vượt trên mọi loài vật khác.

b) Tất cả những giải đáp nói trên cũng không đủ để làm thỏa mãn đối với những người gặp phải đau khổ nặng nề. Trong hoàn cảnh ấy, chỉ có Đức Tin mới giải quyết được vấn đề đau khổ. Vì tất cả những thử thách, đau khổ một phần là do Thiên Chúa để mưu ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta .

Những đau khổ con người phải chịu còn giúp thanh luyện tâm hồn con người, giúp họ sớm trưởng thành, và có dịp lập công đền tội ngay ở đời này. Chính Chúa Giê-su đã nêu gương chịu đựng đau khổ cho con người: Người vô tội, nhưng đã tình nguyện chịu đau khổ và tự hiến mạng sống mình trên cây thập giá vì chúng ta. Ngài đã đi bước trước và mời gọi chúng ta đi theo: “Nếu ai muốn theo thầy, hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá mà theo Thầy”(Lc 9,23). Từ đây, người tín hữu có thể tìm thấy niềm vui ngay trong những đau khổ họ chịu vì danh Chúa (x. TDCV 5,41). Vì sự đau khổ làm cho họ nên giống Chúa hơn (x. Pl 3,10).

Cũng từ ngày Chúa Giê-su làm gương can đảm chịu đau khổ, thì đối với những tâm hồn anh dũng theo Chúa, sự đau khổ đã trở nên nguồn sinh lực dồi dào và là điều kiện để được ơn cứu rỗi. Do đó  những người từ khi mới sinh đã bị thua thiệt đau khổ cũng không nên buồn rầu, than thân trách phận, vì cuộc đời con người không phải là tất cả, và chết không phải là hết. Những đau khổ họ chịu đời này vài ba chục năm có đáng là gì so với đời sống vĩnh hằng đời sau. 

TÓM LẠI: Thiên Chúa thực sự là Tình Yêu và muốn chia sẻ hạnh phúc của Ngài cho chúng ta. Ngài tạo dựng nên con người để họ được thông phần hạnh phúc với Ngài. Nhưng có những kẻ bị phạt muôn đời trong hỏa ngục là hoàn toàn do sự cố chấp của họ. Cũng thế, ngay trên trần gian này, con người phải chịu đau khổ cũng là do lỗi của con người. Tuy đau khổ là điều bất lợi về một phương diện, nhưng đau khổ cũng chỉ là tương đối, và nếu xét về phương diện khác thì đau khổ lại là điều cần thiết để thanh luyện tâm hồn và giúp ta lập được nhiều công nghiệp cho đời sau. Trong thực hành, mỗi khi gặp phải đau khổ, thay vì kêu trách Thiên Chúa, chúng ta hãy bình tĩnh giải quyết. Nếu đã cố gắng hết sức mà vẫn không thể thắng vượt được trở ngại, chúng ta sẽ sẵn sàng đón nhận với một tinh thần phó thác cậy trông vào Chúa Quan Phòng: Ngài luôn muốn làm điều lành cho ta. Ngài cũng có thể rút từ sự dữ ra sự lành cho con người. Bấy giờ thái độ can đảm ấy sẽ trở lên nguyên nhân giúp ta được hưởng hạnh phúc đời này và đời sau

B.PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ” (Ga 3,17).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương chúng con, Chúa đã chấp nhận chết trên Thập giá để đền tội thay cho chúng con và đã sống lại để ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin giúp chúng con nhận ra giá trị của đau khổ gặp phải trong cuộc sống hằng ngày, để chúng con noi gương Chúa sẵn sàng chịu đựng những đau khổ thập giá là sự trái ý cực lòng, những bệnh tật rủi ro và những đau khổ do người chung quanh gây ra, hầu được gia tăng lòng tin cậy mến đối với Chúa và tích cực cộng tác với Chúa đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người. – AMEN.

 

PHỤ CHÚ

1. BỆNH TẬT CŨNG LÀ MỘT ƠN HUỆ, NẾU BIẾT SỬ DỤNG SẼ CÓ ÍCH CHO TA.

I-NHA-XI-Ô LÔI-Ô-LA (IGNACE DE LOYOLA) là một sĩ quan trẻ tuổi rất háo danh, hay nóng giận, nhưng có tài chỉ huy. Một hôm, khi dẫn quân lính đi đánh trận, chẳng may anh bị thương gãy chân, phải nằm nhà thương điều trị. Trong thời gian dưỡng bệnh, anh tìm đọc sách tiểu thuyết giải khuây. Trong số các sách ở bệnh viện, cũng có những sách về cuộc đời Chúa Cứu Thế và hạnh các thánh. Lần đầu cầm cuốn sách đạo, I-nha-xi-ô cảm thấy ngại ngùng, nhưng vì đã đọc hết các sách truyện khác, nên anh cũng đọc cho đỡ buồn. Sau khi đọc xong mấy cuốn, I-nha-xi-ô đột nhiên khám phá ra những tư tưởng mới lạ có sức biến đổi cuộc đời của anh. Anh đã nhận ra lòng nhân từ mạnh hơn sự thù oán, lòng sốt sắng có sức chinh phục các linh hồn cách hữu hiệu.

Rồi với tâm hồn cao thượng, và với ơn Chúa Thánh Thần thôi thúc, I-nha-xi-ô tự nhủ mình: “Phan-xi-cô và Đô-mi-ni-cô làm được những việc vĩ đại, tại sao tôi lại không làm được?” Từ đó, anh đã quyết định theo gương hai vị thánh trên để trở thành một tu sĩ gương mẫu và thiết lập một dòng lớn vào bậc nhất của Giáo hội – Đó là dòng Chúa Giê-su (dòng Tên) và sau này anh đã được phong thánh.

2. TẤM GƯƠNG CHỊU ĐAU KHỔ CỦA THÁNH GIÓP THỜI CỰU ƯỚC:

GIÓP Là một người công chính, kính sợ Thiên Chúa. Ông cũng được Chúa ban cho sự giàu sang và con cái đầy đàn. Nhưng rồi, một ngày kia, để thử thách đức tin của Gióp, Thiên Chúa đã để mặc Gióp cho Sa-tan làm hại: các con ông bị chết hết, của cải sự nghiệp cũng bị tiêu tan. Cuối cùng Gióp còn bị mang bệnh cùi hủi, đến nỗi phải ở riêng một mình, ngồi trên đống tro và lấy mảnh sành cạo những con dòi đang rúc rỉa thân xác ông.

Trước những tai họa dồn dập, Gióp vẫn một lòng trông cậy Chúa, mặc cho những lời dèm pha của bạn bè, những lời nhiếc mắng của bà vợ ông. Ông nói: “Thiên Chúa đã ban mọi sự cho tôi, bây giờ Ngài lấy lại, xin ngợi khen Chúa”.

Cuối cùng Satan đã chịu thua và Thiên Chúa đã khen lòng trung thành của ông. Ngài đã trả lại cho ông tất cả những gì ông bị mất, và ông còn được Thiên Chúa ban nhiều con cái và của cải hơn trước.

 

III. VỀ SỰ THƯỞNG PHẠT CỦA THIÊN CHÚA

VẤN ĐỀ 13 : Nếu có Thiên Chúa thì tại sao Ngài lại để cho những người tin thờ Ngài phải thua thiệt nghèo khổ? Tại sao Ngài không phạt thẳng tay, tru diệt những kẻ chống lại Ngài?

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

1. ĐẶT VẤN ĐỀ:

Tại sao nhiều kẻ không tin thờ Thiên Chúa mà vẫn được giàu có và làm việc thành công, đang khi nhiều người tin thờ Thiên Chúa lại lâm cảnh nghèo đói và làm ăn thất bại ? Tại sao Thiên Chúa không trừng phạt, tru diệt những kẻ chống lại Ngài và ban ơn cho những người tin thờ Ngài ?

2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:

1) Tại sao kẻ không tin thờ Thiên Chúa vẫn được may lành và ngược lại: nhiều kẻ tin thờ Thiên Chúa lại bị nghèo khó đau khổ ?

- Thực ra Thiên Chúa không phải là loài người nên có lối hành xử không giống như phàm nhân chúng ta. Ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm lời Đức Chúa phán như sau : “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).

- Thiên Chúa làm những điều mà người đời khó lòng hiểu thấu được. Chẳng hạn: Loài người thường yêu những ai yêu mình và ghét những ai chống lại mình. Đang khi “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,16): Ngài yêu thương và đối xử từ bi nhân hậu đối với mọi người, kể cả những kẻ không tín thờ Ngài như lời Đức Giê-su : “Thiên Chúa nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6,35-36). Ngài yêu thương và xuống ơn lành cho cả người lành cũng như kẻ dữ : “Thiên Chúa cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45).

2) Tại sao nhiều kẻ không tin thờ Thiên Chúa mà vẫn làm ăn thành công phát đạt, đang khi nhiều người tin thờ Thiên Chúa lại làm ăn thất bại và bị nghèo đói ? Phải chăng tin thờ Thiên Chúa là điều uổng công vô ích ?

- Khi sáng tạo trời đất muôn vật, Thiên Chúa đồng thời dựng nên các định luật thiên nhiên, để muôn vật muôn loài được tồn tại và ngày một tiên hóa theo thánh ý Chúa. Loài người chúng ta dù tin Thiên Chúa hay không, cũng đều phải tuân theo các định luật thiên nhiên do Ngài đã an bài. Chẳng hạn : Muốn làm việc thành công cần hội đủ ba điều kiện là “Thiên thời, địa lợi và nhân hòa”; Muốn có mùa gặt bội thu cần phải gieo trồng giống lúa tốt theo đúng kỹ thuật và hợp thời vụ; Muốn bán được nhiều hàng hóa phải áp dụng kỹ thuật quảng cáo và biết cách xã giao; Muốn khỏi bệnh nan y phải đi khám bệnh rồi làm theo lời khuyên cũng như uống thuốc đúng liều lượng theo toa bác sĩ … Một người tin thờ Thiên Chúa nhưng lại chỉ biết cầu khấn suông mà không làm theo các quy luật tự nhiên do Thiên Chúa đã an bài, thì chắc sẽ không đạt được thành công bằng một người tuy vô tín, nhưng lại biết khôn ngoan tìm hiểu và làm việc cách khoa học, sẵn sàng áp dụng các định luật thiên nhiên do Thiên Chúa đã an bài…

- Tuy nhiên trường hợp người tin thờ Chúa mà dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thành công do gặp phải thiên tai, bị rủi ro tai nạn… thì cũng đừng ngã lòng trông cậy. Nhưng hãy kiên vững niềm tin vượt qua thử thách. Hãy luôn tin cậy vững vàng vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Vì “Sau cơn mưa rồi trời sẽ lại sáng. Sau cơn bĩ cực tới hồi thái lai…” Hãy kiên trì vừa cầu xin Chúa ban ơn, lại vừa học hỏi để tìm ra giải pháp hoàn hảo đúng đắn hơn thi cuối cùng sẽ thành công. Còn những kẻ vô tín mà được giàu có do lòng tham giam và lối hành xử bất công gian ác cũng đừng vội hả hê về thái độ bất tín vô ơn của mình, vì Thiên Chúa vẫn luôn hiện hữu cho dù người đời có công nhận Ngài hay không. Sự thưởng phạt công minh của Thiên Chúa sớm muộn cũng sẽ xảy ra ngay ở đời này như người ta thường nói : “Ở hiền gặp lành”; “Ác giả ác báo”; “Trời xanh có mắt”; “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt”, “lên voi xuống chó”… Ngoài ra còn có sự phán xét cuối cùng đang chờ mọi người trong giờ chết và trong ngày tận thế. Bấy giờ Chúa sẽ đến tái lập trật tự: Kẻ nghèo khó sẽ được ở trong lòng của tổ phụ Áp-ra-ham. Con những người giàu có bất nhân bất tín sẽ bị đau khổ trong lửa hỏa ngục muôn đời (x. Lc 16,25-26).

- Hơn nữa, Đức Giê-su cũng cho thấy giá trị thanh luyện của đau khổ thập giá và chính Người đã chọn đi con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” để cứu độ loài người theo thánh ý Thiên Chúa. Người mời gọi những ai muốn theo làm môn đệ của Người phải “bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Người” (Mt 16,24). Người cũng đòi những ai muốn vào Nước Trời phải dứt bỏ lòng tham lam của cải bất chính và chọn đi theo con đường hẹp và leo dốc. Người cho thấy sự bất lợi của giàu có : “Thầy bảo thật anh em: Người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19,23-24). Người chúc phúc cho những người nghèo khó khiêm nhu: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa lả của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 6,20-21).  Chúa đến thiết lập một trật tự mới như Ngài đã thực hiện trong lịch sử Ít-ra-en mà Đức Ma-ri-a đã khẳng định: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,52-53).

- Đàng khác, ngoài cuộc sống tạm ở đời này, vẫn còn một cuộc sống vĩnh hằng ở đời sau : Đến ngày tận thế, mọi người đã chết sẽ trỗi dậy để chịu phán xét chung (x. Mt 13,41-43). Trong thời gian còn sống, những kẻ vô tín và gian ác cần phải kíp thời hồi tâm sám hối, bỏ con đường gian ác để sống theo con đường mến Chúa yêu người theo ý Thiên Chúa. Vì thời gian của tình yêu và lòng nhân từ có giới hạn. Vào lúc họ không ngờ, vào giờ họ không biết, Vua Thẩm Phán Giê-su sẽ đến với mỗi người trong giờ chết, và sẽ tái lâm trong ngày tận thế phán xét chung toàn nhân loại để thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ (x. Mt 24,36). Cuối cùng kẻ gian ác sẽ “ra đi để chịu cực hình muôn kiêp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,46).

B.PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,43-45).

2) LỜI CẦU: Lạy Thiên Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót. Xin giúp mọi người trên thế giới nhận ra quyền năng và tình thương của Cha để tin thờ yêu mến Cha và sống hiếu thảo với Cha noi gương Con yêu quý của Cha là Đức Giê-su. Xin giúp mỗi tín hữu chúng con biết sống đức tin bằng việc thực thi đức cậy và đức mến trong cuộc sống hằng ngày, để chúng con nên chứng nhân tinh yêu của Cha, hầu đưa được nhiều người về làm con cái Cha và sau này cùng được chia sẻ niềm hạnh phúc đời đời với Cha trên Nước Trời.- AMEN.

 

IV. SỰ CÔNG BẰNG CỦA THIÊN CHÚA VÀ HÌNH PHẠT HỎA NGỤC

VẤN ĐỀ 14 : Nói rằng Thiên Chúa là Đấng công bằng và nhân từ vô cùng. Vậy tại sao Ngài lại nhẫn tâm phạt những người chỉ phạm một tội trọng trong giây lát, phải chịu hình khổ hỏa ngục đến muôn đời ?

GIẢI ĐÁP :

A. TRÌNH BÀY:

1. HỎA NGỤC LÀ MỘT THỰC TẠI CHẮC CHẮN :

Giáo hội không bày ra hỏa ngục để dọa những người dễ tin, làm cho họ sợ hãi mà sống ngay lành như có người lầm tưởng. Quả thực Hỏa ngục là một thực tại  mà chính Đức Giê-su và các Tông đồ đã nhiều lần nhắc đến:

1) Đức Giê-su nói về hỏa ngục như sau:  “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; Thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9,43-47).

 2) Đức Giê-su cũng hứa thiên đàng với người trộm lành trên cây thập tự : “Tôi bảo thật anh : Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Trong dụ ngôn người phú hộ và người nghèo La-gia-rô, Đức Giê-su nói đến số phận của hai người khác nhau : người nghèo khó La-gia-rô được đưa vào trong lòng ông Áp-ra-ham trên thiên đàng, còn người phú hộ phải vào trong âm phủ để chịu cực hình (x. Lc 16,22-23)Thánh Phao-lô cũng đề cập đến thiên đàng trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô như sau : “Điều mắt chúng ta chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng chưa hướng tới, đó là những gì Thiên Chúa đã chuẩn bị cho kẻ yêu mến Ngài” (1 Cr 2,7-10)

3) Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy về thiên đàng như sau : Ai chết trong ân sủng và tình nghĩa với Thiên Chúa, ai hoàn toàn được thanh luyện sẽ sống muôn đời với Đức Ki-tô. Họ luôn luôn giống Thiên Chúa, vì họ đã thấy Ngài như Ngài hiện hữu, mặt đối mặt như trong thư Gio-an có viết: “Chúng ta biết rằng, khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người. Vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2 b)… Mầu nhiệm này vượt quá mọi hiểu biết và có một số hình ảnh biểu trưng như sau : sức sống, ánh sáng, bình an, tiệc cưới, rượu thiên quốc, nhà Cha, Giê-ru-sa-lem trên trời, thiên đàng… (GLCG  số 1023-1029).

4) Như vậy, chắc chắn có hỏa ngục và hình phạt trong hỏa ngục thì kéo dài đời đời như lời Đức Giê-su đã nói : “Lửa đời đời, lửa không hề tắt”. Và những người bị đày trong hỏa ngục phải chịu 2 thứ khổ hình: Về tinh thần: Bị lương tâm cắn rứt vì phải lìa xa Thiên Chúa muôn đời. Về thể xác: Phải chịu hình khổ thiêu đốt giống như lửa hồng nung nấu và “Ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng” (x. Mt 22,13).

Những hình khổ vừa nói thực nặng nề khủng khiếp. Nhưng có người đặt vấn đề: tại sao Thiên Chúa là Đấng công bằng và nhân từ vô cùng lại nhẫn tâm phạt xuống hỏa ngục đời đời, đang khi con người chỉ phạm một tội trọng trong chốc lát ?

2. HỎA NGỤC KHÔNG TRÁI VỚI ĐỨC CÔNG BẰNG VÀ LÒNG NHÂN TỪ CỦA CHÚA

1) Hỏa ngục sẽ là bất công nếu người bị đầy xuống đó chỉ vì phạm những tội nhẹ, hoặc phạm tội nặng nhưng do nhất thời muốn được giải thoát khỏi cơn đau khổ cùng cực, hoặc nhất thời không cưỡng lại được dục vọng nơi bản thân, lời xúi của bạn bè xấu, cám dỗ của ma quỷ…:

Nhưng thực ra không phải vậy: chỉ những kẻ thực sự phạm tội nặng, nghĩa là chỉ những người biết rõ ràng đó là tội nặngcố tình từ chối lời nhắc bảo của Thiên Chúa qua tiếng nói lương tâm và của nhiều người thân… Có sự tự do chứ không bị ép buộc để chọn làm điều xấu và có thái độ cố chấp quyết tâm không chịu hồi tâm hối cải… thì mới phải chịu hình phạt hỏa ngục.

Hỏa ngục được lập ra dành cho ma quỷ và nhừng kẻ làm tay sai cho chúng: Khi chúng ta thấy một người tín hữu xưa nay vần sống tốt lành thánh thiện, nhưng đột nhiên nghe tin người này do lâm vào hoàn cảnh bất thường là uống rượu say sỉn, bị mất lý trí nên đã phạm tội tà dâm, rồi bị kẻ xấu gài bẫy tống tiền đã uất ức giết kẻ tống tiền kia… Trong trường hợp này, chúng ta đừng vội lên án họ là kẻ xấu và kết án họ phải sa hỏa ngục. Hãy nhìn vào cách ứng xử của Đức Giê-su đối với tội nhân trong Tin Mừng để thấy được lòng từ bi nhân hậu của Người đối với tội nhân: Người ngồi đồng bàn ăn uống với bọn người thu thuế tội lỗi bị người Do thái khinh dể; Người bênh vực người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và đã cứu chị khỏi bị án ném đã chết; Người đến ở trọ nhà ông Gia-kêu là trùm thu thuế khét tiếng bóc lột ở thành Giê-ri-cô; Người sẵn sàng thu nhận một người thu thuế tên Lê-vi vào Nhóm Mười Hai Tông Đồ và tiếp nhận cô Ma-ri-a Ma-đa-le-na bị mang tiếng bảy quỷ ám vào hàng ngũ các môn đệ; Người sẵn sàng tha tội cho tên trộm cướp cùng chịu đóng đinh tỏ lòng ăn năn sám hối; Người sẵn sàng tha tội chối Thầy ba lần cho ông Phê-rô…  Như vậy chỉ những kẻ cố chấp không tin và cố tình không chịu hồi tâm sám hối như các biệt phái và luật sĩ Do thái mới bị loại khỏi Nước Trời, và những kẻ cố tình làm ngơ không thực hành bác ái cụ thể, hoặc nghe lời cám dỗ của ma quỷ để phản nghịch với Thiên Chúa mới bị phạt trong hỏa ngục, “nơi dành cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).

2) Hỏa ngục sẽ là bất công nếu người bị đầy xuống đó không được cảnh báo trước:

Nhưng thực ra không phải vậy: Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Đức Giê-su xuống thế để dạy loài người biết được con đường dẫn đến sự sống đời đời. Đức Giê-su đã thiết lập Hội Thánh để loan báo Tin Mừng khắp thế gian, giúp loài người nhận biết tin thờ Thiên Chúa và sống theo con đường của Thiên Chúa để được ơn cứu độ. Trong dụ ngôn về người nhà giàu bị phạt trong hỏa ngục đã ghi lại câu nói của tổ phụ Áp-ra-ham cho thấy chỉ những người cố chấp mới phải chịu hình phạt hỏa ngục: “Mô-sê và các ngôn sứ mà họ chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (Lc 16,31). Trong buổi triều yết chung ngày 28 tháng 7 năm 1999, Đức Gio-an Phao-lô II đã nói: “Hỏa ngục chỉ tình trạng của những người tự do và cố ý  tách rời khỏi Thiên Chúa, nguồn của mọi sự sống và niềm vui”. Nói cách khác, người ta chỉ có thể vào hỏa ngục khi người ta muốn, và do đó không mâu thuẫn gì đến chân lý Thiên Chúa là Tình Yêu.

Còn những ai khi còn sống trên trần gian không được nghe giảng Tin Mừng của Đức Giê-su, nhưng vẫn theo lương tâm ăn ở ngay lành, thì Chúa sẽ lo liệu cho họ có đủ phương tiện cần thiết để tin Người vào giờ sau hết, và sẽ được phán xét công minh theo lương tâm ngay lành của họ.

3) Hỏa ngục sẽ là bất công, nếu con người không được ơn Chúa trợ giúp :

Nhưng thực ra không phải vậy: Thiên Chúa là Cha vô cùng nhân hậu, là tình yêu tuyệt đối, đã ban cho mọi người những ơn cần thiết để cho họ được ơn cứu độ như thánh Phao-lô dạy :  Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ, và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Nơi khác ngôn sứ Ê-giê-ki-en đã tuyên sấm lời Đức Chúa: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết. Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó  mà được sống sao ?” (Ed 18,23). Thánh Phê-rô cũng viết: “Chúa kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải ” (2 Pr 3,9).

TÓM LẠI: Chúng ta có thể quả quyết: Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu không muốn cho kẻ có tội phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối để được sống. chính tội nhân đã tự đày mình vào hỏa ngục, khi cố tình làm ác và không chịu hồi tâm sám hối trở về làm hòa với Chúa, như Đức Giê-su đã nói về tội cứng lòng của các kinh sư Do thái : “Thầy bảo thật anh  em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3,28-29). Tội cứng lòng là tội chống lại ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần như bọn Biệt phái và kinh sư thời Đức Giê-su: “Vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13,14-15).

B. PHÚT HỒI TÂM :

1) LỜI CHÚA : Thánh Phê-rô dạy : “Anh em thân mến, một điều duy nhất xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải. Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu hủy” (2 Pr 3,8-10).

2) LỜI CẦU :

Lạy Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót. Cha đã sai Con Cha là Đức Giê-su đến dạy dỗ loài người chúng con nhận biết Cha. Người đã hy sinh chịu chết trên thập giá để đền tội thay và sống lại để ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin cho chúng con biết đi theo con đường hẹp và sống tình mến Chúa yêu người noi gương Đức Giê-su để sau này được về trời hưởng hạnh phúc muôn đời với Cha. Xin đừng để chúng con cố chấp nghe theo ma quỷ cám dỗ mà làm điều gian ác, hầu tránh hình phạt hỏa ngục, nơi dành cho ma quỷ và những ai đi theo chúng. - AMEN.

 

PHỤ CHÚ :

CÓ LUYỆN NGỤC KHÔNG ?

Luyện ngục là môt tình trạng, trong đó những linh hồn chết trong ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa thánh thiện đủ để được hưởng kiến thánh nhan Thiên Chúa, nên cần được thanh luyện cho sạch mọi tì vết tội lỗi trước khi được Chúa cho về thiên đàng. Như vậy: luyện ngục không những là một điều hợp lý theo sự khôn ngoan và đức công bình của Thiên Chúa, mà còn là một chân lý đức Tin dựa trên Lời Chúa trong Thánh Kinh và được Hội Thánh xác nhận như sau :

1. CÁC BẰNG CHỨNG VỀ LUYỆN NGỤC :

a) Thánh Kinh Cựu và Tân Ước:

- Câu chuyện về một Thủ lãnh dân Do Thái là ông Mác-ca-bê: Sau khi chiến thắng quân thù, do tin có sự sống lại của những kẻ đã chết, nên đã quyên góp được một số tiền gửi về Đền Thờ Giê-ru-sa-lem xin dâng lễ đền tội cầu cho các chiến binh tử trận. Tác giả Sách Thánh thuật lại như sau : “Ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng lễ đền tội cho họ; Ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,43–46).

- Đức Giê-su cũng ám chỉ phần nào về tình trạng luyện ngục khi Người nói : “Thầy bảo thật cho anh biết : Anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5,26).

- Dựa vào những đoạn Thánh Kinh nói trên, ta có thể biết được: Có một tình trạng gọi là luyện ngục, trong đó những linh hồn chưa được lên trời vì còn tội phải đền, hoặc những linh hồn tuy không bị hình phạt hỏa ngục do không cố tình phạm tội chống lại Thiên Chúa, nhưng họ sẽ bị giam cầm cho tới khi đền tội xong hoặc được thanh tẩy hết mọi bợn nhơ tội lỗi.

b) Giáo huấn Hội Thánh trong các văn kiện Công Đồng: Chân lý có luyện ngục đã được Hội Thánh xác định trong nhiều giáo huấn của các Công Đồng Chung như sau :

- Công đồng Lyon (1245 và 1247), Công đồng Florence (1438-1445), và nhất là Công đồng Trentô (1545-1563) trong khóa 6, số 22 và 25  dạy rằng: "Ai dám quả quyết sau khi được ơn thánh sủng, tội lỗi được tha và hình phạt đời đời được xóa bỏ cho các hối nhân, và không có hình phạt tạm bởi tội ở đời này cũng như trong luyên ngục trước khi cửa Thiên đàng được mở, thì kẻ ấy phải vạ tuyệt thông". 

- Công đồng Trentô khóa 25, ngày 4 tháng 12 năm 1563 tuyên ngôn thêm: "Giáo hội Công Giáo được Chúa Thánh Thần dạy, theo các văn kiện và truyền thống xa xưa của các Giáo phụ, và mới đây trong Công đồng này dạy rằng: Có luyện ngục, và các linh hồn được thanh tẩy tại đó, được giúp đỡ nhờ những lời cầu nguyện của các tín hữu, và nhất là do công nghiệp thánh lễ Misa".  

- Công đồng Vaticanô II (năm 1962-1965) trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội đã tuyên ngôn chỉ có một Hội thánh nhưng gồm ba tình trạng: Một là Hội Thánh lữ hành ở trần gian; Hai là Hội Thánh đau khổ đang được tinh luyện; Ba là Hội Thánh chiến thắng trên thiên đàng như sau: "Cho tới khi Chúa ngự đến trong uy nghi, có tất cả các thiên thần theo Người, và khi sự chết bị hủy diệt, mọi vật đều qui phục Người, thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi dương thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống và đang được tinh luyện, và có những kẻ đã được hiển vinh đang chiêm ngưỡng rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba ngôi như Ngài hằng có" (GH 49) 

2. VỀ CÁC HÌNH PHẠT TRONG LUYỆN NGỤC VÀ SỰ TRỢ GIÚP :

a) Các linh hồn đang trong tình trạng thanh luyện phải chịu những hình phạt đau khổ không rõ như thế nào. Nhưng có lẽ đau khổ nhất là họ chưa được hiệp thông với Thiên Chúa là Tình Yêu. Tuy vậy, họ cũng vẫn vui mừng trông cậy sẽ được Chúa tha thứ và sẵn lòng chịu đau khổ để được thanh luyện cho đến khi hoàn toàn nên tinh sạch và được về thiên đàng hưởng Nhan Thánh Chúa.

b) Ngoài ra, các linh hồn đang được thanh luyện trong tình trạng luyện hình cũng được hưởng những việc lành phúc đức của các tín hữu còn sống theo tín điều Các Thánh Thông Công. Chân lý này an ủi những người còn sống có người thân qua đời, vì họ vẫn có thể giúp đỡ các linh hồn ấy bằng việc thực hiện các việc bác ái từ thiện, bằng lời cầu nguyện hy sinh, hưởng các ân xá và thi hành những việc đền tạ nhất là bằng việc dâng thánh lễ cầu nguyện cho các người thân qua đời. Bù lại, các linh hồn trong tình trạng thanh luyện cũng có thể cầu nguyện cho các tín hữu còn sống. Đó là lý do tại sao ông Giu-đa Ma-ca-bê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình (x. 2 Mcb 12,46).

c) Sau cùng, tình trạng luyện ngục cũng chỉ tạm thời mà thôi. Đến ngày tận thế, sau khi thân xác mọi người đã chết đều được Chúa dùng quyền năng cho sống lại để chịu phán xét chung thì bấy giờ sẽ chỉ còn thiên đàng và hỏa ngục mà thôi.

 

V. VỀ LÒNG NHÂN HẬU CỦA THIÊN CHÚA VÀ ÁN TRU HIẾN

 

VẤN ĐỀ 15:

Nói Thiên Chúa là Đấng nhân hậu giàu lòng từ bi và thương xót. Vậy tại sao trong Thánh Kinh Cựu Ước lại có điều luật Mô-sê xem ra tàn bạo như án tru hiến, qua đó Đức Chúa truyền cho dân Ít-ra-en phải tiêu diệt mọi kẻ thù khi tiến chiếm được một thành nào tại hứa địa. Chẳng hạn như khi họ đánh chiếm thành Giê-ri-khô ? 

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

1. Kinh thánh Cựu Ước cho thấy: Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương đối với Ít-ra-en là con dân của Ngài. Rồi Kinh Thánh Tân Ước lại cho thấy Thiên Chúa là Cha chung đầy tình thương với mọi người và mọi dân tộc:

***CỰU ƯỚC:

1) Đức Chúa âu yếm con dân Ít-ra-en như mẹ hiền với đứa con thơ: Ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm lời Đức Chúa như sau: “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa. Núi non hãy bật tiếng hò reo. Vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn, và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người. Xi-on từng nói: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi !”. Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ !” (Is 49,13-15).

2) Đức Chúa ân cần chăm sóc dân Ít-ra-en như Mục Tử tốt lành chăm sóc đàn chiên: Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm lời Chúa: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm. Con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về. Con nào bị thương, Ta sẽ băng bó. Con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh. Con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng (Ed 34,15-16).

3) Đức Chúa tỏ tình thương với dân Ít-ra-en như với một tình nhân: Hô-sê đã dùng kiểu nói bóng để diễn tả tình yêu của Đức Chúa đối với dân Ít-ra-en như sau: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Từ nơi đó Ta sẽ trả lại vườn nho của nó, biến thung lũng A-kho thành cửa khẩu hy vọng. Ở đó nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai Cập” (Hs 2,16-17). “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành và ngươi sẽ được biết Đức Chúa (Hs 2,21-22).

4) Đức Chúa là Đấng từ bi nhân hâu: Thánh vinh 103 đã ca tụng tình thương của Thiên Chúa như sau: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn” (Tv 103,8-11.13).

5) Đức Chúa yêu thương mọi tạo vật do Ngài tác tạo: Tác giả sách Khôn Ngoan chứng thực điều này khi kêu lên: "Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra. Vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên” (Kn 11,24); "Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống. Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,26).

***TÂN ƯỚC:

Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho loài người biết Ngài là tình yêu: Thánh Gio-an Tông đồ viết: Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16). Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Ngài như sau:

1) Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất muôn vật: Tin Mừng Gio-an viết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).

2) Thiên Chúa tha thứ lỗi lầm cho loài người, bằng việc sai Con Một nhập thể làm người là Đức Giê-su, để dạy cho loài người nhận biêt Thiên Chúa yêu thương và mở ra một con đường mang lại sự sống đời đời cho loài người là đạo Công giáo. Cuối cùng Đức Giê-su đã sẵn sàng chấp nhận chịu khổ hình thập giá để đền tội thay cho loài người và ngày thứ ba Người đã từ cõi chết sống lại để phục hồi sự sống cho loài người. Cuộc đời của Đức Giê-su đã biểu lộ tình yêu thương vô cùng của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua việc tình nguyện chịu chết trên cây thập giá như Người đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). 

3) Đức Giê-su đã yêu thương môn đệ đến cùng nên đã lập bí tích Thánh Thể: Tin mừng Gio-an viết: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Người đã thiết lập bí tích Thánh Thể để ban sự sống đời đời cho những ai tin và ăn Thịt uống Máu Người cách mầu nhiệm khi cử hành bữa tiệc Thánh Thể (x. Ga 6,48-51). Người còn hứa sẽ lại với các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20).

4) Đức Giê-su dạy môn đệ yêu thương nhau như Thầy, và coi yêu thương nhau là dấu hiệu môn đệ thực sự của Người: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: Là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).

5) Đức Giê-su dạy yêu thương không những bằng lời nói mà còn bằng hành động: Luôn sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho nhau: “Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22); Rửa chân hầu hạ lẫn nhau (x. Ga 13,4-15); Quảng đại chia sẻ cơm bánh vật chất cho nhau: Cảm thông và nhân bánh ra nhiều cho những kẻ đang đói được ăn no (x. Lc 9,12-17); Quan tâm phục vụ nhau: chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền, xua trừ ma quỷ ra khỏi người bị chúng ám, chữa người bị kinh phong, bại liệt (x Mt 4,24); Yêu thương hết mọi người, kể cả những kẻ đang thù ghét bách hại mình: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44)

2. Như vậy cả Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước đều cho thấy Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, giàu lòng từ bi thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung. Tuy nhiên tại sao trong Luật Mô-sê lại ghi lại một số lệnh truyền của Đức Chúa cho dân Ít-ra-en phải thi hành gọi là ÁN TRU HIẾN VÀ BIỆT HIẾN? Một số đoạn Sách Thánh đã ghi lại việc dân Ít-ra-en đã thi hành án tru hiến và biệt hiến như sau:

1) Sách Đệ-nhị luật (Chương 7 và chương 20) ghi các Luật Mô-sê về “án tru hiến” và Biệt hiến:

- “Khi Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) trao chúng cho anh (em) và anh (em) đánh bại chúng, thì anh (em) phải tru hiến chúng, không được lập giao ước với chúng và không được thương xót chúng. Anh (em) không được kết nghĩa thông gia với chúng: Không được gả con gái anh (em) cho con trai chúng và cưới con gái chúng cho con trai anh (em). Vì điều đó sẽ khiến con trai anh (em) không còn theo Đức Chúa nữa, nó sẽ thờ những thần khác. Bấy giờ Đức Chúa sẽ nổi cơn thịnh nộ với anh (em) và sẽ mau chóng tiêu diệt anh (em). Nhưng anh (em) phải xử với chúng thế này: bàn thờ của chúng phải bị phá hủy; Trụ đá của chúng phải bị đập tan; Cột thờ của chúng phải được chặt đi; Tượng thần của chúng phải bỏ vào lửa thiêu. Thật vậy, anh (em) là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em). Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) đã chọn anh (em) từ giữa muôn dân trên đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người” (Đnl 7,2-6).

- “Khi chiếm đánh một thành, anh (em) phải kêu gọi họ giảng hòa. Nếu thành ấy đồng ý giảng hòa với anh (em) và mở cửa cho anh (em), thì toàn dân ở đó sẽ phải làm việc lao dịch cho anh (em) và làm tôi anh (em). Nhưng nếu thành ấy không chịu cầu hòa với anh (em) và khai chiến với anh (em), thì anh (em) sẽ vây hãm thành đó. Đức Chúa Thiên Chúa của anh (em) sẽ trao thành ấy vào tay anh (em), và anh (em) sẽ dùng lưỡi gươm giết tất cả đàn ông con trai trong thành. Chỉ có đàn bà con trẻ, gia súc và tất cả những gì ở trong thành, tất cả những gì chiếm được trong thành, thì anh (em) mới được giữ lấy làm chiến lợi phẩm. Anh (em) sẽ được ăn những gì đã chiếm của quân thù, những thứ mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) ban cho anh (em)” (Đnl 20,10-14).

2) Sách Dân số (21,1-3) và Thủ lãnh (1,13) đã đề cập tới việc hai anh em Si-mê-on và Giu-đa đã thi hành án tru hiến khi chiếm được thành Khooc-ma thuộc xứ Ca-na-an.

3) Sách Giô-su-ê (chương 6) kể lại việc dân Ít-ra-en chiếm được thành Giê-ri-khô, rồi “phóng hỏa đốt thành cũng như tất cả những gì trong đó”, trừ gia đình cô Ra-kháp là người đã có công trợ giúp mấy người Ít-ra-en đến do-thám trước đó.

4) Sách 1 Các Vua (Chương 18) đã kể câu chuyện ngôn sứ Ê-li-a đã tiêu diệt 450 ngôn sứ của thần Ba-an trên núi Các-men như sau: Bấy giờ dân Ít-ra-en đã nghe hoàng hậu I-de-ven phá bỏ bàn thờ kính Đức Chúa để tôn thờ thần Ba-an và thần A-sê-ra của dân ngoại. Để trung thành với giao ước đã được Mô-sê ký kết với Đức Chúa tại núi Xi-nai (x. Xh 24,4-8) và phục hồi lai đức tin tinh tuyền cho dân Ít-ra-en, ngôn sứ Ê-li-a đã đứng ra công khai thách thức các ngôn sứ của thần Ba-an nhằm chứng minh cho vua A-kháp và toàn dân Ít-ra-en đâu là Thiên Chúa thực sự. Trước hết các ngôn sứ của thần Ba-an đã cầu khấn từ sáng tới chiều mà thần Ba-an vẫn im lặng. Đến lượt Ê-li-a vừa cầu nguyện xong thì Đức Chúa đã khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt lễ vật là con bò mộng trên đống củi ướt đẫm nước trên bàn thờ. Sau khi chiến thắng, dưới sự chứng giám của vua A-kháp, ngôn sứ Ê-li-a đã dùng gươm giết sạch 450 ngôn sứ của thần Ba-an theo luật giao chiến thắng thua của thời bấy giờ (x. 1 V 18,20-40).

3. Về án Tru Hiến và Biệt Hiến:

Nhằm mục đích kính dâng lên Thiên Chúa tất cả chiến lợi phẩm, Mô-sê đã ra luật như sau: các sinh vật của kẻ thù đều phải bị tiêu diệt hiến tế dâng mạng sống cho Thiên Chúa (tru hiến); các đồ vật phải được dành riêng dùng vào việc thờ phượng trong nơi thánh (biệt hiến). Vậy những điều luật Mô-sê truyền như vậy có quá đáng không ?

1) Giới hạn của Cựu Ước và Luật pháp Mô-sê:

Chúng ta cần biết rằng: Dân Ít-ra-en đã phải sống giữa các dân tộc ngoại giáo chung quanh có các nền văn hóa bán khai chứ không tiến bộ giống như ngày nay, tất nhiên dân Ít-ra-en cũng chịu ảnh hưởng của những nền văn hóa đó. Vì thế trong sách Luật Mô-sê vẫn còn những điều gây phản cảm cho con người thời đại hôm nay, khi họ đọc thấy những gương xấu của một số Tổ phụ, Vua chúa, một số điều Luật Mô-sê xem ra tàn bạo và thiếu khoan dung. Chẳng hạn:

-Tổ phụ Gia-cóp đã giả dạng người anh song sinh là Ê-sau đánh lừa cha già I-sa-ác bị mù lòa sắp chết để nhận được lời chúc phúc của cha già trước khi qua đời (x. St 27,1-29);

-Một số hành động vô luân như: vua Đa-vít đã phạm tội ngoại tình với bà vợ của tướng U-ri-gia là nàng Bát Sê-va xinh đẹp. Khi nàng có thai, Đa-vít tìm cách lấp liếm tội lỗi nhưng không thành. Cuối cùng vua đã phạm tội ác “giết chồng đoạt vợ” khi ngầm ra lệnh cho đại tướng Gio-áp mượn tay quân thù ngoài mặt trận để hại chết tướng U-ri-gia (x. 2 Sm 11,2-17).

-Một số hành động tàn bạo như ra lệnh thi hành án tru hiến: Tiêu diệt mọi kẻ thù già trẻ lớn bé trong thành bại trận như sách Giô-suê Chương 6 thuật lại việc ông Giô-suê ra lệnh cho con cái Ít-ra-en: “Thành và mọi sự trong thành sẽ bị án tru hiến để kính Đức Chúa, chỉ có cô kỹ nữ Ra-kháp và một người ở với cô trong nhà là sẽ đuợc sống, vì cô đã giấu các sứ giả chúng ta sai đi. Tuy nhiên anh em phải đề phòng án tru hiến, kẻo anh em bị án tru hiến vì lấy đồ vật nào trong số những gì bị án biệt hiến. Bằng không, anh em sẽ làm cho trại Ít-ra-en phải bị án tru hiến, và như thế anh em gây tai họa cho trại. Tất cả vàng bạc, mọi đồ đồng, đồ sắt sẽ được thánh hiến cho Đức Chúa, và được xung vào kho tàng của Đức Chúa (Gs 6,17-19).

 -Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể như thế, Thiên Chúa đã huấn luyện Dân Do thái dần dần, dẫn đưa họ từ tình trạng vừa bị nô lệ về xã hội, lại vừa bị nô lệ về tâm linh do chịu ảnh hưởng của dân ngoại… để tiến đến tình trạng một dân tộc hoàn toàn tự do theo thánh ý Thiên Chúa.

2) Theo kế hoạch của Thiên Chúa, luật Mô-sê chỉ có giá trị tạm thời, như Đức Giê-su đã giải thích cho những người Pha-ri-sêu hiểu vì sao Luật Mô-sê cho phép ly hôn như sau: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 19,8). “Thuở ban đầu nghĩa là ý định nguyên thủy của Thiên Chúa như được nói trong sách Sáng thế. Luật Mô-sê có mục đích dẫn dắt những người « lòng chai dạ đá »  dần dần đến với Đức Ki-tô là A-đam mới của nhân loại mới. Chính Đức Ki-tô được sai đến để kiện toàn Luật pháp Mô-sê bằng lời giảng dạy  bằng gương sáng.

-Tuy bộ luật Mô-sê còn hàm chứa nhiều bất toàn, nhưng so sánh với tập tục và cơ cấu xã hội của dân ngoại thời bấy giờ, thì đã có nhiều tiến bộ. Chẳng hạn: luật “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,23-25) của Mô-sê nhằm hạn chế sự báo thù: Mô-sê đòi dân Ít-ra-en khi báo oán cần phải có người làm trọng tài và không được gây thiệt hại cho kẻ thù quá mức thiệt hại họ đã gây ra cho mình. Cũng vậy đối với các nô lệ, trong khi luật của các dân khác cho người chủ nô toàn quyền sinh sát trên các nô lệ, thì luật Mô-sê hạn chế hình phạt của chủ dành cho nô lệ. Luật Mô-sê đòi người chồng muốn ly hôn phải trao cho vợ tờ ly thư để vợ cầm tờ giấy này có quyền đi lấy chồng khác, đang khi nơi các dân chung quanh chồng có quyền trừng phạt hành hạ vợ đến chết… Như vậy so với các dân chung quanh thời đó, thì luật Mô-sê đã có sự nhân đạo và tiến bộ hơn nhiều.

3) Hơn nữa nên biết rằng: Cho đến thế kỷ 2 trước Công Nguyên, dân Do thái vẫn chưa được Đức Chúa mặc khải về cuộc sống mai hậu của con người: Họ vẫn tin rằng sau khi chết, cả người lành lẫn kẻ dữ đều phải xuống nơi âm phủ. Thiên Chúa giàu tình thương và công bình sẽ thể hiện sự công minh của Ngài ngay trong hiện tại bằng việc bang trợ người lành và tiêu diệt những kẻ gian ác. Sự dữ được cụ thể hóa nơi những con ngừơi, các quốc gia và các thể chế chống lại với Thiên Chúa. Thiên Chúa như một Chiến Binh hùng mạnh sẽ cứu dân Ít-ra-en bằng việc vung cánh tay quyền lực đánh bại các kẻ thù ghét hãm hại dân này. Ngài cũng sẽ trừng phạt dân Ít-ra-en nếu họ đi theo con đường gian ác phạm tội bằng cách để mặc cho dân ngoại chiến thắng dân Ít-ra-en, bắt họ phải làm nô lệ. Nhưng sẽ ra tay giải cứu khi họ thành tâm sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi gian ác để quay về nẻo chính đường ngay theo thánh ý Ngài.

4) Biệt hiến: Từ Do-thái “herem” mang các nghĩa cơ bản như sau:

-  Một là lời khấn, qua đó người ta tình nguyện dâng hiến dứt khoát (không thể hồi lại) một vật gì đó (như: người, súc vật hay của cải) cho Thiên Chúa. Trong trường hợp có thánh chiến, dân Ít-ra-en sẽ cung hiến tất cả chiến lợi phẩm (người vật và của cải) cho Thiên Chúa: điều này đưa tới “án tru hiến”, tức là phải tiêu diệt tất cả những gì thuộc về phe bại trận bao gồm người già trẻ em không phân biệt nam nữ, súc vật và của cải.

-  Hai là hình phạt trục xuất khỏi cộng đoàn trong một số trường hợp, mà hình phạt nặng nhất là tử hình.

5) Về việc thi hành “án tru hiến” đối với các thành bại trận, chúng ta cần phân biệt hai thời điểm : thời điểm các sự kiện xảy ra (thế kỷ XIII trước Công Nguyên) và thời điểm các bản văn Thánh kinh được ghi chép (thế kỷ VI trước CN) cách nhau tới 700 năm!

Các dữ kiện lịch sử về việc thi hành án tru hiến được ghi lại trong Cựu Ước như sau:

Sách Sa-mu-en (1 Sm 15) kể lại việc vua Sa-un (thế kỷ XI) đã không thi hành đầy đủ án tru hiến đối với dân A-ma-lếch. Sau vua Sa-un thì người ta không còn thấy việc thi hành án tru hiến nữa, trừ trường hợp thời vua A-kháp, một ngôn sứ vô danh đã tuyên sấm đòi phải tái áp dụng án tru hiến này (x. 1 V 20,42).

Theo sách Đệ nhị luật: án tru hiến chỉ được thi hành trong xứ Ca-na-an mà thôi, và không đòi thi hành tại những thành phố ở xa (Đnl 20,15-18), lý do Luật đưa ra là để dân Ca-na-an “không thể dạy anh em học đòi mọi điều ghê tởm mà chúng làm để kính các thần của chúng, khiến anh em phạm tội nghịch cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em” (Đnl 20,18).

Như đã nói trên: việc Ít-ra-en tiêu diệt người, súc vật và của cải của đối phương nằm trong khung cảnh các nền văn hóa bán khai thời xưa: mặc dầu sự việc xảy ra rất ít tại Ít-ra-en, đang khi dân Ca-na-an còn có tục hỏa thiêu các hài nhi làm của lễ dâng tiến thần minh; Còn tại Át-xua ngoại giáo, họ còn dùng các hình phạt tàn bạo đối với kẻ thù như lột da sống các tù nhân bị bắt…

6) Đàng khác cần lưu ý về thời điểm cách biệt giữa thời gian các bản văn luật Mô-sê được soạn thảo vào thế kỷ VI trước Công Nguyên cách xa thời gian dân Ít-ra-en tiến chiếm hứa địa vào thề kỷ 14 trước Công Nguyên. Tác giả sách Đệ nhị luật là một trong những tác giả đã biên soạn sách Giô-su-ê đã viết lại các biến cố kia xảy ra trước đó tới 7 thế kỷ. Qua đó cho thấy: Tác giả sách Đệ Nhị Luật muốn trình bày ông Giô-su-ê như một vị anh hùng dân tộc, nên đã cường điệu hóa một số sự việc để đề cao các chiến công của ông. Đàng khác tác giả nhấn mạnh tới việc ông Giô-su-ê thi hành cách trung tín mệnh lệnh của Thiên Chúa để gìn giữ cho Dân Ít-ra-en khỏi bị lây nhiễm lối sống vô luân của dân Ca-na-an.

TÓM LẠI: Thánh chiến với án tru hiến trong sách Giô-su-ê và sách Đệ-nhị-luật là một chủ đề tôn giáo nhằm đề cao sự tinh ròng của niềm tin vào Thiên Chúa, sự trung tín với giao ước; nó cho thấy một sự suy tư hậu thời về các biến cố đã xảy ra rất lâu trong quá khứ, và như vậy nó mang tính lý thuyết hơn là đã xảy ra trong thực tế lịch sử. Sau nhiều thế kỷ sống chung với các dân ngoại, dân Ít-ra-en nhiều lần đã bị sa ngã vào tội thờ tà thần của họ và bắt chước lối sống vô luân của họ, nên tác giả hai sách Đệ-nhị-luật và Giô-su-ê muốn nêu cao lối sống nghiêm nhặt của cha ông là tuyệt đối không chấp nhận ảnh hưởng của dân ngoại. Điều này giống như một lý tưởng tôn giáo được đề ra để dạy dân Ít-ra-en trong các thời đại sau này mà thôi.

B. PHÚT HỒI TÂM:

1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Thầy ban cho anh em một điểu răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: Là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).

2. LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót. Xin dạy các tín hữu chúng con luôn biết tin cậy yêu mến Chúa và sống giới răn “Mến Chúa Yêu Người” noi gương Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết luôn tin tưởng vào tình thương bao la của Chúa đối với loài người chúng con, và luôn phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa Giê-su yêu thương hết mọi người và làm chứng cho tình thương vô biên của Chúa, hầu trở nên môn đệ thực sự của Người.- AMEN.

Hát bài: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hiệp tâm đầu, ở đấy chứa chan nguồn vui”.

 

VI.VỀ SỰ TIỀN ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA

VẤN ĐÊ 16:

Tin có Thiên Chúa sẽ làm cho con người trở nên ỷ lại, chấp nhận hoàn cảnh hiện tại vì tin đó là số mệnh do Chúa đã định, nên không cố gắng vượt qua để mang lại cho minh một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn.

GIẢI ĐÁP :

A. TRÌNH BÀY:

1. Ý nghĩa của hai chữ “Chúa định” là gi ? :

Người Công Giáo thường nói: “Mọi sự đều do Chúa định”. Vậy phải chăng con người không có tự do quyết định vận mệnh của mình? Phải chăng con người sẽ trở thành nô lệ cho một vị Thiên Chúa độc đoán, và họ chỉ còn biết ỷ lại vào sự định đoạt của Thiên Chúa, mà không có thể vượt qua số phận bất hạnh gặp phải, hầu có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn ?

1) Thế nào là “Chúa định”: Chúa định hhông đồng nghĩa với tất định như có người lầm tưởng, mà chỉ có nghĩa là biết trước, thấy trước những gì xảy ra.

Nếu thực sự Thiên Chúa định đoạt tất cả mọi việc lớn nhỏ trong vũ trụ thiên nhiên, định đoạt số phận của nhân loại và cá nhân mỗi người… mà dù muốn dù không người ta vẫn phải chấp nhận, thì khi ấy con người không khác chi một cái máy vô hồn, hoặc như thú vật hoạt động hoàn tòan theo bản năng hay như một trẻ thơ ấu trĩ chỉ biết hoàn toàn cậy nhờ vào sự bao bọc của cha mẹ… đúng như có người đã chỉ trích nói trên.

Nhưng trong thực tế, ai trong chúng ta cũng đều ý thức về sự tự do của mình: tự do làm hay không làm một việc nào đó, tự do quyết định làm một việc tốt hay làm điều xấu. Ai cũng cảm thấy mình có khả năng làm chủ vận mệnh cuộc đời của mình chứ không phó mặc hoàn toàn cho số phận may rủi. Vậy hai chữ “Chúa định” chỉ có nghĩa là sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và hằng quan tâm săn sóc để chúng tồn tại và tiến hóa theo các định luật thiên nhiên như Ngài đã an bài. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo ra không gian và thời gian trong vũ trụ, nên Ngài không ở trong không gian và thời gian, cũng không bị lệ thuộc vào không gian thời gian ấy. Nơi Thiên Chúa không có quá khứ hay tương lai, nhưng luôn là hiện tại. Thiên Chúa nhìn thấu suốt  mọi sự đã xảy ra trong quá khứ, đang xảy ra trong hiện tại và sắp xảy ra trong tương lai trong một cái nhìn “hic et nunc” (ở đây và bây giờ). Ngài nhìn thấu suốt vận mệnh của nhân loại nói chung và cá nhân mỗi người chúng ta trong một cái nhìn mà thôi. Ngài hằng quan tâm săn sóc, ban ơn giúp đỡ như một người cha yêu thương con cái để ban ơn cứu độ cho họ như thánh Phao-lô đã viết trong thư Ti-mô-thê: Trước hết tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin khấn nguyện nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp, mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Tuy nhiên, dù muốn cứu độ hết mọi người nhưng Thiên Chúa cũng tôn trọng tự do quyết định làm hay không làm, làm điều tốt hay điều xấu, nên họ phải chịu trách nhiệm về việc làm của họ. Cho nên thánh Au-gút-ti-nô đã nói: “Thiên Chúa đã dựng nên bạn mà không cần sự cộng tác của bạn; nhưng Ngài không thể cứu chuộc bạn, nếu bạn không cộng tác với Ngài”.

2) Thiên Chúa quan phòng tiền định theo sách Tin mừng:

Trong Tin mừng, Đức Giê-su nhiều lần nhắc đi nhắc lại việc Chúa Cha hằng quan tâm săn sóc tất cả mọi tạo vật nhất là loài người là dưỡng tử của Ngài:

a) Thiên Chúa yêu thương săn sóc mọi loài:

- “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho. Thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được, dù chỉ một gang không ? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi. Thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em. Ôi những kẻ kém tin !” (Mt 6, 26 - 30).

- “Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không ? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em” (Mt 10,29).

-Đức Giê-su đáp: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

b) Thiên Chúa đặc biệt săn sóc loài người:

- “Đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10,30-31).

- “Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45).

Như vậy, người tín hữu tin “Chúa định” cũng là tin “Chúa biết trước”: Ngài hằng săn sóc mọi loài mọi vật do ngài đã dựng nên, đặc biệt là loài người chúng ta. Một khi tin chắc vào sự quan phòng của Thiên Chúa, người tín hữu sẽ thêm lòng tin cậy mến, thể hiện qua thái độ năng tạ ơn Chúa và cầu xin Ngài ban ơn để được cứu độ.

Tuy nhiên, có người lại đặt vấn đề: Phải chăng tin có Thiên Chúa tiền định, quan phòng biết trước như thế sẽ làm cho con người trở thành ỷ lại, không muốn làm việc để làm chủ thiên nhiên, vượt qua vận mệnh của mình để đạt tới một đời sống ấm no hạnh phúc hơn ?

2. Đức tin không tiêu diệt sự làm việc và ý chí tự do của con người:

Tin vào sự quan phòng, biết trước của Thiên Chúa không những không làm cho con người ỷ lại vào sự sắp xếp trước của Thiên Chúa, nhưng trái lại, còn thúc đẩy con người cố gắng làm việc nhiều hơn để làm chủ thiên nhiên và làm chủ vận mệnh của mình như sau:

1) Dựa vào Lời Chúa trong Thánh Kinh:

         - Con người được tạo dựng khác hẳn mọi loài khác: Mở sách Sáng thế, ta đọc thấy: Thiên Chúa đã ưu đãi con người, chỉ tạo nên con người sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi sự: Dựng nên vũ trụ để làm chỗ cho con người trú ẩn; Dựng nên các sinh vật như thảo mộc hoa màu để làm thức ăn nuôi sống và dựng nên muôn thú vật để làm bạn với con người; Vũ trụ và muôn vật phải tuân theo định luật hay bản năng thiên nhiên (Stk chương 1 và 2), đang khi con người được phú cho linh hồn thiêng liêng với hai tài năng là trí khôn suy nghĩ và ý chí tự do vượt trổi mọi loài vật khác: “Chúa phán: Ngươi được ăn mọi thứ cây trong vườn, nhưng cây biết lành biết dữ thì đừng ăn, vì ngày nào ngươi ăn vào thì ngươi sẽ phải chết” (Stk 2,7; 2,16). Con người có trí khôn hiểu biết sự lành sự dữ, đồng thời còn có ý chí tự do quyết định: làm hay không làm, chọn làm điều thiện để được hưởng phúc hay chọn làm điều ác để sẽ bị phạt phải chết.

- Các khả năng khác: Ngoài trí khôn và ý muốn nói trên, con người còn được Thiên Chúa ban cho có tay chân với khả năng làm việc hữu hiệu dưới sự điều động của trí khôn hơn hẳn mọi loài khác. Ngài cũng trao cho con người quyền làm bá chủ vũ trụ vạn vật như sách Sáng Thế ghi lại: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất’. Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy” (St 1,28-30).

Qua đó, Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ vạn vật và đặc biệt ưu đãi đối với con người. Ngài ban cho họ có tay chân và hai tài năng siêu việt là lý trí suy luận và ý chí tự do là nhằm khuyến khích họ hãy làm việc, chứ không để họ chỉ biết khoanh tay ngồi chờ, rồi ỷ lại hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa, giống như các loài thú vật khác hoạt động theo bản năng, hoặc như vũ trụ vô tri vô giác, hoàn toàn tuân theo các định luật thiên nhiên cách máy móc.

2) Dựa vào sự hợp lý:

Một tín hữu tin có Thiên Chúa, tin rằng sau cuộc sống trần gian hôm nay vẫn còn một cuộc sống khác tồn tại vĩnh hằng… thì chắc chắn ngay từ cuộc sống hiện tại đã phải cố gắng làm việc, phải ăn ở lương thiện hơn những người bất tín, không chấp nhận có Đấng Tạo Hóa sẽ phán xét công minh, cũng không tin có sự thưởng phạt thiên đàng hỏa ngục đời sau… Vì người tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa sẽ có động lực thúc đẩy để hăng hái làm việc, có lòng mến yêu và sự ao ước được về với Thiên Chúa sau khi chết, đang khi người vô tín sống không có lý tưởng, hoặc nếu có thì chỉ nhắm những mục đích mang tính vụ lợi ích kỷ trước mắt thuộc về đời này… họ chỉ biết làm ra nhiều tiền, rồi lại dùng tiền ấy để thỏa mãn những đam mê lạc thú tầm thường mà thôi.

TÓM LẠI: Tin có Thiên Chúa không những không làm cho con người lười biếng, ỷ lại vào một quyền lực siêu phàm bên ngoài, mà trái lại, chính niềm tin ấy lại là động lực thúc đẩy người tín hữu làm việc nhiều hơn để làm chủ thiên nhiên, và cố gắng sống lương thiện ăn ngay ở lành để hy vọng sẽ được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa trên thiên đàng đời sau. Trái lại, những người không tin có Thiên Chúa sẽ chỉ biết hưởng thụ, chỉ đi tìm lợi lộc vật chất cho mình dù phải sử dụng phương thế bất nhân thất đức. Họ sẽ trở thành những kẻ nguy hiểm cho xã hội, vì không tin có sự thưởng phạt đời sau. Na-pô-lê-ông Đại Đế cũng nói một câu tương tự: “Một dân tộc không có niềm tin tôn giáo sẽ phải được cai trị bằng súng đạn, nhà tù và bạo lực !”

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho. Thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được, dù chỉ một gang không ? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi. Thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em. Ôi những kẻ kém tin !” (Mt 6,26-30).

2) LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót. Trước khi dựng nên loài người chúng con, Cha đã chuẩn bị trước bằng cách dựng nên muôn vật muôn loài cho chúng con. Cha lại còn an bài để mọi tạo vật có thể tồn tại trong trật tự và ngày một tiến hóa theo thánh ý Cha. Đặc biệt Cha đã thương yêu săn sóc loài người chúng con là dưỡng tử của Cha và trao cho nguyên tổ quyền làm chủ muôn loài. Rồi khi nguyên tổ phạm tội phải mang án chết, Cha lại hứa ban Đấng Cứu Thế là Đức Giê-su Ki-tô cho chúng con. Xin giúp chúng con tin nhận Đức Giê-su Con Cha và quyết tâm noi gương Người sống tình con thảo với Cha và tình huynh đệ với nhau, đồng thời đi theo con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” của Người, hầu sau này được về trời hưởng hạnh phúc đời đời với Người. A-MEN.

 

 

CHƯƠNG V

CÁC VẤN ĐỀ VỀ TÔN GIÁO

I. PHẢI CHĂNG TÔN GIÁO LÀ THUỐC PHIỆN ?

VẤN ĐỀ 17:

Tôn giáo chỉ là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, là sự gian dối, mị dân và mê tín dị đoan. Ai theo đạo là người ngu.

GIẢI ĐÁP :

A. TRÌNH BÀY:

KARL MARX, một triết gia người Đức thuộc thế kỷ thứ 19 (1818-1883), đã tỏ ra bức súc bất mãn khi chứng kiến cảnh giai cấp tư bản Âu Châu bóc lột sức lao động của giới thợ thuyền thời bấy giờ. Ông quyết định phải làm cách mạng để giành lại quyền làm chủ cho giai cấp công nhân, chấm dứt cảnh “người bóc lột người”. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh giai cấp ấy, K. Marx thấy những trở ngại lớn lao từ tôn giáo. Theo K. Marx: những giáo lý của đạo Ki-tô dạy về cách ứng xử từ bi bác ái, nhẫn nại tha thứ, vâng phục quyền bính… sẽ làm nhụt nhuệ khí đấu tranh của giai cấp công nhân. Do đó, ông chủ trương: muốn tiêu diệt chế độ phong kiến thối nát và bất công thì trước hết phải tiêu diệt tôn giáo. Từ đó, ông mở ra một chiến dịch tuyên truyền chống lại tôn giáo, coi tôn giáo như thuốc phiện ru ngủ quần chúng, là sự gian dối, mị dân và mê tín dị đoan. Ông phi bác các mầu nhiệm của tôn giáo vì xem ra vô lý không thể chấp nhận được …

Vậy sự thật thế nào ? Tôn giáo có phải là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, là sự gian dối mị dân và mê tín dị đoan hay không ? Những mầu nhiệm của Ki-tô giáo có đáng tin hay không ?

1. Tôn giáo phải chăng là thuốc phiện ru ngủ quần chúng ? :

- Lập luận để chống đối tôn giáo của K. Marx không dựa trên cơ sở lý luận vững chắc, mà chỉ là một phương thế để đấu tranh, giúp cuộc cách mạng của giai cấp công nhân thành công mà thôi. Chính thái độ của một số giáo phẩm thời đó không chịu dấn thân vào thực tế đời sống, không chú trọng tới việc cải thiện xã hội theo tinh thần Tin Mừng … là nguyên nhân khiến K. Marx lên án Giáo Hội, coi tôn giáo là thuốc phiện mê hoặc quần chúng. Tổng giám mục HELDER CAMARA đã lý giải về vấn đề này như sau: “Nếu Marx đã thấy chung quanh mình một Giáo Hội nhập thể và tiếp tục công trình nhập thế của Chúa Ki-tô. Nếu ông đã sống với những giáo dân biết sống giới răn yêu thương bằng lời nói và hành động như Chúa mời gọi. Nếu ông đã sống vào thời Công Đồng Va-ti-ca-nô II, theo đó giáo lý về những thực tại trần gian được chính thức công nhận, thì chắc ông đã không coi tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng và đã không lên án Giáo Hội là phản động mê hoặc dân đen” (Révolution dans la paix, Tr. 31).

- Thực vậy đức tin chân chính không phải là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, mà trái lại, chính nhờ tin có Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất, là Đấng công minh vô cùng, thưởng kẻ lành trên thiên đàng và phạt kẻ dữ xuống hỏa ngục sau khi chết… mà người tín hữu sẽ cố gắng sống lương thiện ngay từ đời này, sẽ thương yêu giúp đỡ và quên mình phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ những kẻ nghèo hèn bất hạnh và bị bỏ rơi… Họ làm những việc ấy không do ai ép buộc, nhưng hoàn toàn tự giác tự nguyện … Cũng chính vì có đức tin mà người tín hữu nhìn thấy Chúa Giê-su hiện thân trong những người nghèo, để phục vụ họ như phục vụ chính Chúa (x. Mt 25,40). Cũng vì có đức tin mà rất nhiều người đã chọn nếp sống tu trì khổ hạnh, để dành trọn thời giờ sức lực phục vụ cho người bất hạnh trong các trại mồ côi, dưỡng lão, trại cùi, trại nuôi người bị nhiễm HIV-AIDS… Như vậy thì tôn giáo ru ngủ quần chúng ở chỗ nào ?

2. Đức Tin phải chăng đồng nghĩa với mê tín ? :

- Mê tín là tin cách mù quáng và vô lý: Còn đức tin là tin có cơ sở và hữu lý. Thực vậy, một viên chức điều tra vụ án, phải dựa vào các bằng chứng tìm thấy ở hiện trường rồi tìm hiểu suy luận mới hy vọng tìm ra thủ phạm còn giấu mặt. Cũng vậy, người tín hữu cũng áp dụng  nguyên tắc nhân quả: dựa vào các bằng chứng xác thực, để tin có Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật và an bài cho chúng tồn tại và ngày càng tiến hóa nên tốt hơn. Tin như thế đâu phải mê tín, nhưng chứng tỏ là người khôn ngoan sáng suốt, từ cái đã biết có thể khám phá ra điều chưa biết.

- Trái lại những ai cố chấp khi bịt tai nhắm mắt trước thực tế hiển nhiên, tiên thiên phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa mới là người mê tín thực sự. Mê tín vì tin theo một lý thuyết không hợp lý chút nào !

3. Về những mầu nhiệm trong tôn giáo: phải chăng các chân lý mầu nhiệm đức tin đều khó hiểu và khó chấp nhận, là sự dối trá nhằm lừa gạt những người nhẹ dạ dễ tin ?

- Phải thừa nhận rằng: trong tôn giáo có những mầu nhiệm đức tin: Đây là những chân lý do Thiên Chúa vì tình yêu thương đã mặc khải cho loài người để họ tin và sống phù hợp  hầu được hưởng ơn cứu độ của Ngài. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã viết như sau: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ. Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,1-2). Đức Giê-su Ki-tô chính là Thánh Tử của Thiên Chúa, từ trời đến dạy loài người con đường lên trời. Người cũng mặc khải các điều mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta, và đến khi Thần Khí Sự Thật đến, các môn đề mới có thể lãnh hội được các chân lý mầu nhiệm ấy, như Đức Giê-su đã nói với các ông trước cuộc khổ nạn như sau: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,12-13a). Sau đây là một số mầu nhiệm mà con người thời nay khó lòng lãnh hội và khó chấp nhận tin theo như: Một Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm biến thể trong bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm Đức Mẹ sinh con mà còn đồng trinh…(xem phụ chú).

- Tuy nhiên, cũng như một em nhỏ trình độ tiểu học sẽ đánh giá các định lý toán học, công thức lý hóa của bậc trung học đại học là những mầu nhiệm khó hiểu, nhưng không vì thế mà các em có thể kết luận các định lý công thức ấy không có giá trị. Về sau, khi học lên cao em sẽ có thể lãnh hội được những điều khó hiểu ấy. Cũng vậy, những điều mầu nhiệm trong giáo lý Công giáo tuy vượt quá tầm hiểu biết của con người chúng ta, nhưng vẫn đáng tin vì do chính Thiên Chúa mặc khải để ban ơn cứu độ cho loài người. Một khi được ơn Thánh Thần tác động, chắc chắn chúng ta cũng sẽ lĩnh hội được những điều mầu nhiệm ấy và sống theo để được hưởng ơn cứu độ.

- Sở dĩ những mầu nhiệm đức tin có giá trị và đáng tin vì những lý do như sau:

+ Khác với những chân lý khoa học không có sự bền vững: Hôm qua được mọi người công nhận, đến nay có thể bị phủ nhận nếu những khám phá khác có cơ sở hơn xuất hiện… Còn các chân lý đức tin do Thiên Chúa mặc khải sẽ luôn có giá trị bền vững mãi mãi.

+ Hơn nữa, Thiên Chúa là Đấng chân thật vô cùng nên sẽ không lừa dối chúng ta. Do đó, các chân lý đức tin mặc khải, tuy vượt quá tầm hiểu biết của con người, vẫn đáng tin và có giá trị cứu độ cho những ai tin nhận và sống theo các mầu nhiệm ấy.

+ Đàng khác, chính nhờ có những mầu nhiệm này, mà Thiên Chúa giáo được các triết gia đánh giá là một tôn giáo bắt nguồn từ trời, chứ không phải chỉ là sản phẩm của con người. SÁC-LƠ NI-CÔN (Charles Nicolle) đã phát biểu như sau: “May mắn thay trong Thiên Chúa giáo có những điều mầu nhiệm, nếu không thì tôi sẽ hoài nghi tôn giáo ấy là do trí óc loài người tạo ra. Chính các chân lý mầu nhiệm đã làm cho tôi vững tâm vì mầu nhiệm là dấu hiệu của Thiên Chúa”.

TÓM LẠI: Do quan niệm sai lạc về tôn giáo: tưởng rằng tôn giáo chỉ bao gồm một số mục tử còn nhiều bất toàn, hoặc đánh giá thấp về đức tin tôn giáo: coi tôn giáo chỉ là một mớ lý thuyết mang tính giáo điều, là phương cách để các người hành nghề tôn giáo lợi dụng trục lợi từ các tín hữu mê tín… Hoặc do nhìn tôn giáo ở dạng thấp kém… cản trở con đường cách mạng đi lên của mình, nên K. Marx đã quyết liệt chống đối tôn giáo. Nhưng tất cả những điều Marx đả kích đều không chính xác. Tôn giáo chân chính hay Ki-tô giáo không phải là thuốc phiện ru ngủ quần chúng nhưng là động lực giúp các tín hữu quên mình phục vụ tha nhân. Đức Tin tôn giáo gồm những điều cao siêu nhưng hợp lý chứ không mê tín cần phải dẹp bỏ; Mầu nhiệm đức tin là những chân lý mặc khải có cơ sở vững chắc chứ không phải là những điều huyền hoặc mê tín… Từ đó chúng ta có thể quả quyết như sau: Những lời đả kích tôn giáo của Karl Marx thực sự không phương hại đến Ki-tô giáo, là một tôn giáo chân chính nhằm phục vụ hạnh phúc con người.

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,12-13a).

2) LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho con biết nhìn thấy Chúa đang bị bỏ rơi trong những con người bất hạnh, nhờ đó con sẽ năng đến viếng thăm và quảng đại chia sẻ tình thương cho họ, tận tình giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần đến đổi mới tâm hồn con và động viên con chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa và giúp nhiều anh em về làm con cái Chúa.- AMEN.

II. VỀ CÁC MẦU NHIỆM TRONG ĐẠO CÔNG GIÁO

VẤN ĐỀ 18 :

Tôn giáo dạy nhiều điều khó hiểu, vô lý và không thể chấp nhận. Chẳng hạn: Một Thiên Chúa mà lại có Ba Ngôi, Chúa Giê-su hiện diện thực sự trong tấm bánh nhỏ, Đức Mẹ sinh con mà còn đồng trinh… Tóm lại là những điều huyên hoặc không đáng tin !

 

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

Với trí khôn tự nhiên, lòai người chúng ta chỉ nhận biết có Đấng Tạo Hóa là Đấng tạo thành vũ trụ vạn vật trong thiên nhiên và an bài mọi sự có trật tự và ngày càng tiến hóa hòan thiện hơn. Tuy nhiên chính nhờ Lời Chúa mặc khải mà lòai người chúng ta mới biết về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Vậy mặc khải nói gì về mầu nhiệm này? Vai trò của mỗi Ngôi thế nào trong công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật và ban ơn cứu độ lòai người? Các nhà thần học đã dùng những hình ảnh nào để diễn tả về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi hầu giúp chúng ta lãnh hội được phần nào về mầu nhiệm quan trọng này? Cuối cùng các tín hữu chúng ta phải sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như thế nào?

1. MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI TRONG THÁNH KINH:

1) Cựu Ước nhấn mạnh về một đức tin độc thần: Chỉ một Đức Chúa là Thiên Chúa độc nhất hiện hữu và là Đấng ban ơn cứu độ. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa chưa mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Điều răn trọng nhất trong mười điều răn được Đức Chúa ban cho Ít-ra-en qua Mô-sê như sau:: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,3). Ngôn sứ I-sai-a cũng tuyên sấm lời Thiên Chúa: “Trước Ta, chẳng có thần nào khác được hình thành. Và sau Ta cũng vậy. Chính Ta đây là Đức Chúa. Ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ” (Is 43,10-11).

2) Tân Ước mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi:

- Tin Mừng Mát-thêu thuật lại câu chuyện Đức Giê-su chịu phép Rửa của Gio-an Tẩy Giả, trong đó có đề cập đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, thì các tầng trời mở ra. Người thầy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu ngự trên Người. Và kìa, có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16). Tiếng phán từ trời là lời của Chúa Cha (Ngôi I), Đức Giê-su đang đứng dưới lòng sông là Chúa Con (Ngôi II) và chim bồ câu ngự trên Người là biểu tượng Chúa Thánh Thần (Ngôi III).

- Thánh Lu-ca trong Công vụ Tông đồ đã thuật lại bài giảng của Tông đồ Phê-rô nói về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: “Thiên Chúa Cha (Ngôi I) đã ra tay uy quyền nâng Người lên (Ngôi II), trao cho Người (Ngôi II) Thánh Thần (Ngôi III) đã hứa, để Người (Ngôi II) đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe” (Cv 2,33).

- Tin Mừng Gio-an nhiều lần đề cập đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: “Thầy (Ngôi II) sẽ xin Chúa Cha (Ngôi I), và Ngài (Ngôi I) sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác (Ngôi III), đến ở với anh em luôn mãi (Ga 14,16)…

- Thánh Phao-lô diễn tả về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong lời chào như sau: “Nguyện xin ân sủng Đức Giê-su Ki-tô (Ngôi II), tình yêu của Chúa Cha (Ngôi I) và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần (Ngôi III) ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr 13,13)…

2) NỘI DUNG MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI:

a- Chỉ có Một Thiên Chúa và “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,7), nhưng Ngài lại có Ba Ngôi: Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. Vì Ba Ngôi cùng chung một bản tính và cùng một quyền năng, nên trong Ba Ngôi, không Ngôi nào lớn hơn.

b- Về vai trò của Ba Ngôi:

- Chúa Cha sáng tạo: Khi sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người. Thiên Chúa Ngôi thứ Nhất xuất hiện như một người Cha. Ngài dùng Lời quyền năng (Ngôi Hai) làm cho vạn vật từ không xuất hiện (x. St 1,3), và tiếp tục quan phòng gìn giữ để các tạo vật ấy tồn tại, phát triển và tiến hóa ngày một hòan thiện hơn. Ngài cứu độ loài người bằng việc sai Con Một (Ngôi II) nhập thể cứu chuộc và ban Thánh Thần (Ngôi III) tiếp tục cứu độ lòai người qua Hội Thánh.

- Chúa Con cứu chuộc: Khi tới Giờ đã định, Chúa Cha (Ngôi I) sai Con Một là Chúa Con (Ngôi II) xuống thế làm người là Đức Giê-su Ki-tô (x. Ga 3,16). Người thi hành sứ vụ Thiên Sai bằng việc đi khắp nơi công bố Tin mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, và cuối cùng tình nguyện chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho loài người và sống lại để cứu độ loài người. Đức Giê-su chính là “Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,16), là “Con rất yêu dấu luôn làm hài lòng Cha” (Mc 1,11). Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (x. Dt 1,3). Ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9).

- Chúa Thánh Thần thánh hóa: Thánh Thần tuôn đổ Thần khí ân sủng xuống trên các Tông đồ và các môn đệ trong lễ Ngũ tuần, ban ơn soi sáng giúp lương dân gia nhập Hội thánh, tiếp tục trợ giúp Hội thánh chu toàn ba sứ vụ của Chúa Giê-su: Một là làm ngôn sứ rao giảng Tin mừng; Hai là làm tư tế thánh hóa loài người nhờ cử hành các phép bí tích do Chúa Giê-su lập; Ba là làm vương đế phục vụ đoàn chiên được trao cho Hội Thánh… Đấng ấy là Chúa Ngôi Ba, hay Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Linh hay Thần Khí.

3) MỘT SỐ CÁCH DIỄN TẢ MẦU NHIỆM BA NGÔI KHI DẠY GIÁO LÝ:

Một Chúa Ba Ngôi là chân lý đức tin do Đức Giê-su Con Thiên Chúa làm người đã dạy, nhưng lại khó hiểu đối với trí khôn hữu hạn của lòai người. Nhằm giúp các tín hữu hiểu biết phần nào về mầu nhiệm này, các nhà thần học đã cố gắng diễn giải bằng các hình ảnh trong thực tế đời thường dù những hình ảnh này vẫn chưa diễn tả chính xác:

a- Thánh Pa-trick dùng hình ảnh lá cây “Tam diệp thảo”: tuy chỉ có một lá, nhưng do ba lá nhỏ dính liền với nhau.             

b- Thánh I-nha-xi-ô dùng hình ảnh một hợp âm trên dòng nhạc, gồm ba nốt nhạc chồng lên nhau.

c- Ngoài ra, chúng ta có thể diễn tả mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi bằng mấy hình ảnh đời thường như:

- Nước tuy chỉ là vật chất nhưng có thể xuất hiện dưới ba dạng là: Thể hơi, thể đặc và thể lỏng;

- Hình tam giác đều tuy chỉ là một hình, nhưng có ba góc và ba cạnh bằng nhau.

- Một người đàn ông trong gia đình tuy chỉ là một người nhưng có 3 vai trò: là “cha” đối với con cái, là “con” đối với ông bố, là “chồng” đối với vợ.

- Một cây viết chì tượng trưng một Thiên Chúa. Phần thân cây có ba mặt đều nhau, mỗi mặt tượng trưng cho một Ngôi vị Thiên Chúa.

4) SỐNG HIỆP THÔNG VÀ YÊU THƯƠNG NOI GƯƠNG CHÚA BA NGÔI:

a- Hiệp thông bằng việc tuyên xưng đức tin Một Chúa Ba Ngôi: Mỗi lần làm dấu thánh giá và đọc kinh Sáng Danh, người tín hữu tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

b- Hiệp thông bằng việc năng cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi: Người tín hữu cần năng cầu nguyện với Thiên Chúa qua kinh Lạy Cha như Chúa Giê-su đã dạy (x Mt 6,9-13). Năng thưa chuyện với từng Ngôi là: Chúa Cha, Chúa Giê-su và Chúa Thánh Thần, ít nhất mấy lần mỗi ngày: buổi sáng khi vừa thức giấc, trước ba bữa ăn và trước lúc nghỉ đêm.

c- Nội dung những lời cầu nguyện với Thiên Chúa: 

Đối với Chúa Cha chúng ta có thể cầu nguyện theo 5 nội dung như sau:

- Một là ngợi khen chúc tụng Chúa Cha

- Hai là tri ân cảm tạ Cha về những ơn lành hồn xác.

- Ba là sám hối xin lỗi Cha vì những sai phạm thiếu sót.

- Bốn là phó thác xin vâng ý Cha về mọi điều may rủi xảy đến.

- Năm là khiêm tốn cầu xin Cha ban ơn lành hồn xác cho mình cũng như tha nhân.

Đối với Chúa Giê-su, chúng ta có thể đặt mình vào hoàn cảnh của các nhân vật trong Tin Mừng để kêu cầu với Chúa Giê-su: “Lạy ông Giê-su, Con Vua Đa-vít. Xin thương xót tôi”; “Lạy Thầy xin cứu vớt con”; “Lạy Chúa xin hãy tránh xa con ra vì con là người tội lỗi”; “Bỏ Thầy con biết đi với ai? Vì chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống đời đời”; “Lạy Thầy tôi tin, nhưng xin Thầy hãy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi”…

d- Sống yêu thương tha nhân noi gương Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa: Người ta thường ví Chúa Ba Ngôi giống như một gia đình gồm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi yêu thương nhau làm khuôn mẫu cho các thành viên trong gia đình tín hữu, và tình yêu vị tha cho hết mọi người không trừ ai. Thánh Gio-an trong thư thứ nhất đã viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16b). “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối: Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,20-21).

II. MẦU NHIỆM THÁNH THỂ:

Đây cũng thực là một điều khó hiểu đối với tầm hiểu biết có giới hạn của con người: một tấm bánh và một chén rượu nho sau lời truyền phép “ Này là mình Thầy”, “Này là chén Máu Thầy…” của linh mục chủ tế trong thánh lễ, sẽ không còn là bánh rượu nữa, mà đã thực sự biến đổi trở thành Thịt Máu Chúa Giê-su. Vậy Đức Giê-su thiết lập bí tích Thánh Thể để làm gì ? Và đâu là bằng chứng cho thấy Người thực sự hiện diện trong hình bánh rượu sau lời truyền phép ?

1) Mục đích lập phép Thánh Thể:

Phép Thánh Thể chính là một bằng chứng của tình yêu vô biên của Đức Giê-su. Khi yêu ai, người ta thích ở gần người ấy, muốn được nghe những lời tâm sự của người mình yêu, muốn kết hiệp nên một với người yêu và muốn cho người yêu tất cả những gì mình có. Đức Giê-su cũng yêu thương các môn đệ tới tột cùng (Ga 15,12-13), nên đã chứng tỏ tình yêu bằng việc thiết lập bí tích Thánh Thể nhằm mục đích như sau:

a) Để có thể ở cùng các tín hữu: Đức Giê-su đã nói: “Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

b) Để nghe những lời tâm sự và an ủi nâng đỡ những ai chạy đến với Người: Chúa phán: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30)

c) Trao ban chính thân mình Người làm của ăn nuôi sống linh hồn tín hữu: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 23-24). “Đây là bánh bởi trời xuống, ai ăn bánh này sẽ không phải chết… nhưng sẽ được sống đời đời. và bánh tôi sẽ ban chính là Thịt tôi để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51).

2) Những bằng chứng Đức Tin về phép Thánh Thể:

Đây thuộc lãnh vực đức tin nên không thể chứng minh được bằng khoa học. Chúng ta tin không phải vì xem thấy, sờ nếm thấy, nhưng vì biết Chúa là Đấng toàn năng và chính Chúa đã phán dạy như vậy trong Tin Mừng.

a) Chúa dọn lòng người ta trước: Đức Giê-su biết việc Người sắp thiết lập bí tích Thánh Thể, để biến bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh của Người, đối với loài người là điều không thể và rất khó chấp nhận, nên Người chỉ đề cập đến và thiết lập bí tích này sau khi đã làm nhiều phép lạ như: cho kẻ què được đi (x. Mt 9,6-8), kẻ câm nói được (x. Mt 9,32-33), kẻ mù được thấy (x. Mt 9,27-30), người chết sống lại (x. Ga 11,38-46)… Tất cả những phép lạ ấy chỉ chuẩn bị người ta đón nhận một phép lạ khác lớn lao hơn mà người ta không nghĩ đến. Đó là việc Người sẽ thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc Vượt Qua sau này.

b) Chúa tiên báo trước việc Ngài sẽ làm: Một hôm sau khi làm phép lạ nhân bánh ra nhiều nuôi 5000 người ăn no tại một khu rừng vắng, Đức Giê-su bắt đầu hé mở về việc sẽ lập bí tích này như sau: “Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn bánh thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,48-51).

Đức Giê-su vừa nói như vậy thì đã có nhiều người tỏ vẻ phản đối, cho rằng lời đó chướng tai khó nghe. Có môn đệ còn bỏ Người mà đi. Thấy vậy Đức Giê-su không những không cải chính mà còn hỏi các Tông đồ: “Điều đó anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư ?” Nếu không có ý định lập bí tích Thánh Thể, mà chỉ có ý nói theo nghĩa tượng trưng, khi thấy môn đệ hiểu sai ý mình và bỏ đi, thì Người đã phải cải chính. Nhưng ở đây, không những không cải chính mà Người còn nhấn mạnh hơn về bí tích Thánh Thể mà Người sắp thiết lập. Cuối cùng Tin Mừng cho biết: “nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6,66).

c) Chúa lập thực sự: vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh khi Đức Giê-su biết sắp tới giờ Người phải xa lìa các môn đệ, Người đã thương yêu họ đến tột cùng, nên Người đã thực hiện ý định đã tiên báo trước đó là thiết lập bí tích Thánh Thể để ở với họ luôn mãi. Tin Mừng Mát-thêu thuật lại việc thiết lập bí tích Thánh Thể như sau: ”Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy. Rồi Người cầm lấy chén dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy., Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,26–28).

Để việc này đươc tiếp tục cử hành cách vững bền sau này, Đức Giê-su truyền cho các Tông đồ: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Từ đó, các Tông đồ và các đấng kế vị đã thi hành lệnh cử hành Thánh Thể cho tới khi Chúa lại đến.

TÓM LẠI: Đây là một mầu nhiệm đức tin, một sự thật vượt quá giới hạn của giác quan con người. Tuy khó hiểu, nhưng không vô lý, vì Chúa là Đấng toàn năng và chân thật vô cùng. Người đã có thể biến nước lã thành rượu nho tại tiệc cưới Ca-na (x. Ga 2,1-11) và đã nhân năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi năm ngàn người ăn no (x. Ga 6,11)… thì Người cũng làm được cho bánh rượu trở nên Thịt Máu của Người sau lời truyền phép trong thánh lễ, và truyền Hội thánh cử hành vào ngày Thứ Nhất hằng tuần để tưởng nhớ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Người (Lc 22,19).

 

III.MẦU NHIỆM ĐỨC MẸ SINH CON MÀ CÒN ĐỒNG TRINH:

Theo thường tình, đứa con trong bụng mẹ là kết quả của tình yêu giao hợp vợ chồng. Nhưng nơi Thiên Chúa, Ngài muốn làm một công việc phi thường là dùng quyền năng để làm cho Đức Ma-ri-a sinh con mà còn đồng trinh như lời ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14). Khi truyền tin cho Trinh Nữ Ma-ri-a, sứ thần Gáp-ri-en còn nói về việc thụ thai cách đặc biệt như sau: ”Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).

1) Những bằng chứng về sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a

Về sự thụ thai đồng trinh của Đức Mẹ, công đồng La-tê-ra-nô đã khẳng định như sau : ”Đức Ma-ri-a sinh nở chẳng nhơ nhớp, thân mình vốn tinh tuyền, và sau khi sinh nở vẫn đồng trinh trọn đời”. Đức Giáo Hoàng Phao-lô IV cũng nói: “Đức Mẹ vốn luôn tinh trong tuyền vẹn, nghĩa là đồng trinh trước, đang và sau khi sinh”. Vậy đâu là bằng chứng ?

a) Bằng chứng về phía Đức Mẹ :

- Đức Ma-ri-a không sống theo thói trưng diện của người đời, trái lại Người luôn sống trầm lặng, ưa thích yên tĩnh, một mình ở nơi thư phòng vắng vẻ hầu dễ dàng kết hợp với Chúa (x. Lc 1,28). Người có thói quen chiêm niệm về các biến cố xảy ra như Tin Mừng đã ghi nhận: “Còn Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).

- Ngoài ra, Ma-ri-a còn chứng tỏ quí trọng nhân đức trong sạch qua thái độ “bối rối” khi thấy sự hiện diện đột ngột của Thiên sứ dưới hình dạng một nam nhân trong thư phòng của mình. Sự bối rối đó là dấu chứng tích cực về một tâm hồn có lòng yêu quí đức trinh khiết.

b) Bằng chứng về phía Thiên Chúa :

Tin Mừng thuật lại việc Đức Ma-ri-a đã thụ thai hài nhi Giê-su cách lạ lùng do quyền năng của Chúa Thánh Thần: Việc Chúa Cứu Thế giáng sinh xảy ra như sau: “Bà Ma-ri-a Mẹ Người đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,18; x. Lc 1,26-38). Thiên Chúa là Đấng toàn năng, đã có thể sáng tạo mọi sự từ hư không, thì cũng có thể bảo toàn sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a  khi sinh con như lời sứ thần đã nói: “Vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Nhưng có người thắc mắc:Tại sao Thiên Chúa lại làm công việc ngược đời: cho Đức Ma-ri-a thụ thai mà còn đồng trinh làm chi ?

Các nhà thần học công giáo đã lên tiếng như sau:

- Để chứng tỏ Đấng Cứu Thế có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại. Là con Thiên Chúa toàn năng, nên Người không phải theo cách đầu thai thông thường như loài thụ tạo.

- Để bản tính nhân loại của Đức Giê-su khỏi mắc tội tổ tông truyền, vì Người không đầu thai giống như người phàm, không bị lệ thuộc theo dòng máu tội lỗi của con cháu A-đam E-và như bao người khác.

2) Một số nghi vấn về sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a:

a) Nếu Đức Ma-ri-a đã sinh con thì sao còn có thể đồng trinh được?

Bình thường, theo khoa học thì người nữ không thể vừa sinh con lại vừa đồng trinh được. Nhưng trong trường hợp của Đức Ma-ri-a do chịu thai và sinh con cách đặc biệt nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần nên ngài vẫn còn đồng trinh sau khi sinh con, như lời sứ thần đã giải thích với Ma-ri-a: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Chính vì sinh con cách đặc biệt, nên Ma-ri-a sinh con mà không cần phải có bà đỡ, và ngay sau đó đã tự mình bọc con trong khăn vải rồi đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,7).

b) Dựa vào Tin Mừng, một số người cho rằng: sau khi sinh Chúa Giêsu, Đức Ma-ri-a đã ăn ở với ông Giu-se nên đã sinh ra nhiều người con khác như sau: “Khi tỉnh giấc, Ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su” (Mt 1,24-25). - “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,7). - “Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xép, Si-mon và Giu-đa sao ? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao ? Vậy bởi đâu ông ta được như thế ?” (Mt 13,55-56).

- “Cho đến khi”: Thoạt mới nghe, người ta có cảm tưởng Đức Ma-ri-a đã không giữ đức đồng trinh nữa, sau khi sinh hài nhi Giê-su. Nhưng nếu xét kỹ, thì mấy chữ “cho đến khi” ở đây chỉ diễn tả một sự việc đang xảy ra, chứ không đặt ra giới hạn nào cả. Thánh Mát-thêu mô tả sự việc xảy ra như sau: Sau khi được sứ thần hiện ra trong giấc mơ và giải thích về thai nhi do Ma-ri-a đang cưu mang là do quyền năng Thánh Thần. Rồi sứ thần truyền cho Giu-se làm ba điều: Một là tiến hành làm lễ cưới để đón vợ về nhà. Hai là cho biết Ma-ri-a đã được thánh hiến cho Thiên Chúa qua việc Thánh Thần tác động cho Ma-ri-a thụ thai cách đặc biệt, giống như một nữ tu khấn trọn để thuộc về Chúa. Ba là Giu-se sẽ trở thành cha của hài nhi khi đứng ra đặt tên cho con trẻ là Giê-su. Sau khi thức dậy, Giu-se đã thi hành đúng ba lệnh truyên ấy: Ông tổ chức lễ cưới để đón Ma-ri-a về nhà mình (Điều 1), Ông không ăn ở với bà như các đôi vợ chồng khác (Điều 2). Cho đến khi Ma-ri-a sinh con trai đầu lòng thì Giu-se đặt tên cho con trẻ là Giê-su (Điều 3). Tin Mừng không viết : cho đến khi Ma-ri-a sinh con trai thì Giu-se lại ăn ở với Ma-ri-a như có người lầm tưởng.

- “Con trai đầu lòng”: Tiếng “con đầu lòng” theo ý nghĩa của La ngữ: Primogenitus nghĩa là “được sinh ra trước hết”. Đức Giê-su được gọi là Con Đầu Lòng không phải vì Đức Ma-ri-a Mẹ Người sẽ sinh thêm nhiều người con khác nữa. Ở đây, sở dĩ Lu-ca nhăc đến “con đầu lòng” vì muốn chuẩn bị sẽ tường thuật tiếp việc dâng con trong Đền Thờ theo Luật Mô-sê ấn định như sau: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2,23). Đàng khác: có “con đầu lòng” không nhất thiết phải có đứa con thứ hai, thứ ba. Chẳng hạn: bà X mới sinh một cậu con trai, một bà bạn hỏi: “Đứa này là con thứ mấy của chị ?” – Bà ta trả lời: “Nó là con đầu lòng của tôi đấy”. Rõ ràng bà X chưa có đứa con thứ hai mà cũng nói đưa con đó là con “đầu lòng” của mình. Vậy tiếng “đầu lòng” ở đây chỉ có nghĩa là “đầu tiên”, chứ không hàm ý sẽ còn nhiều người con khác nữa.

- “Anh em” Chúa Giê-su: Có nhiều thứ anh em như anh em cùng lý tưởng, anh em họ hang bà con… chứ không nhất thiết phải là anh em ruột thịt. Về các anh em Đức Giê-su được nói tới trong Tin Mừng Mát-thêu cũng chỉ là những anh em họ hàng, giống như “anh em con chú con bác” theo tục lệ người Việt Nam chúng ta.

Theo Tin Mừng thì về họ nội, Đức Giê-su có 4 anh em là các ông: Gia-cô-bê, Giô-xép, Si-mon và Giu-đa (tất cả là anh con ông bác). Còn bên họ ngoại thì Tin Mừng cho biết Đức Giê-su có anh họ là ông Gio-an Bao-ti-xi-ta (x. Lc 1,36.59-63).

Đàng khác, chúng ta đừng quên Tin Mừng đã đề cao nhân đức của thánh Giu-se: “Ông Giu-se chồng bà là người công chính” (Mt 1,19). Công chính nghĩa là luôn tuân phục thánh ý Thiên Chúa, ăn ở theo đường lối của Ngài. Vậy một khi biết Ma-ri-a đã được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng Cứu thế, đã thuộc trọn về Thiên Chúa như một nữ tu khấn trọn, thì chẳng lẽ Giu-se lại không tôn trọng điều ấy. Và nếu thực sự Đức Ma-ri-a còn có mấy người con khác ngoài Đức Giê-su, thì tại sao khi sắp chết trên thập giá, Đức Giê-su lại trối Mẹ của Người cho môn đệ Gio-an để phụng dưỡng thay mình như Tin Mừng viết: “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19,26) ?

TÓM LẠI: Với những bằng chứng rõ ràng trong Thánh Kinh, những người có đức tin đều chấp nhận sự thật này là Đức Ma-ri-a đã được Thiên Chúa toàn năng ban cho đặc ân: Sinh con mà vẫn bảo toàn được đức khiết tịnh: “Đồng trinh trước khi, đang khi và sau khi sinh con”.

B. PHÚT HỒI TÂM:

1. LỜI CHÚA: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, thì các tầng trời mở ra. Người thầy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu ngự trên Người. Và kìa, có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16).

2. LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa Cha giàu long từ bi thương xót. “Chúa là Tình yêu”, đã biểu lộ tình yêu vô cùng đối với loài người khi sáng tạo trời đất muôn vật “vì và cho” loài người. Chúa còn sai Con Một là Chúa Giê-su từ trời xuống thế làm người để dạy loài người con đương lên trời, và đã chịu chết để đền tội thay và sống lại để ban ơn cứu độ cho loài người. Xin cho chúng con vững tin nơi tình thương của Chúa, và quyết tâm sông mến Chúa yêu người để nên con thảo của Chúa và góp phần cứu rối anh em.- AMEN.

 

III. VỀ VẤN ĐỀ GIÁO LÝ VÀ NHÂN ĐỨC CỦA TÔN GIÁO

VẤN ĐỀ 19:

Tôn giáo chủ trương những giáo thuyết phản tiến bộ, đi ngược  lại quyền lợi của lớp người nghèo khổ. Tôn giáo giảng dạy sự hèn nhát, sự tự khinh, sự ti tiện, sụ sỉ nhục, sự phục tòng… là những tính nết của loài vật (Mega I,6 trang 278).

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

 Đây chẳng qua chỉ là những bài bác mang tính chủ quan, thiên kiến và sai lầm:

1) Ki-tô giáo không những không phản tiến bộ, mà còn chiếu ánh sáng văn minh cho nhân loại:

Thực vậy, lịch sử các nước văn minh giàu mạnh ngày nay đã cho thấy: hầu như bất cứ ở đâu, khi người ta mở lòng đón nhận đức tin Ki-tô giáo, thì ở đó ánh sáng văn minh cũng ngự trị thay thế cho tình trạng tối tăm lạc hậu kém văn minh. Nhờ Thánh Kinh và giáo lý mới đem lại sự tiến bộ cho nhân loại về các lãnh vực như khoa học, văn hóa, luân lý như sau:

- Tiến bộ về khoa học: những phát minh khoa học, kỹ thuật tân tiến hiện đại hầu hết đều do các nhà bác học là tín đồ Ki-tô giáo cống hiến cho nhân loại. Trong số các khoa học gia thế kỷ 19, có tới 92% có đức tin vào Thiên Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ vạn vật. Cũng nhờ ánh sáng đức tin soi dẫn, các vị này đã say mê tìm hiểu những kỳ công của Tạo Hóa và đã khám phá ra những định luật chi phối vũ trụ thiên nhiên, những máy móc phục vụ hạnh phúc con người theo lệnh truyền của Thiên Chúa sáng tạo như sách Sáng Thế đã ghi lại như sau: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28).

- Tiến bộ về văn hóa: Mỗi khi Tin Mừng loan truyền đến đâu, thì cũng tác động về phong hóa đến đó. Những hủ tục lạc hậu của các dân tộc bán khai như: Tảo hôn, giết người tế thần… đã dần dần bị đào thải khi họ được tiếp xúc với các nhà thừa sai truyền giáo và được học hỏi giáo lý đức tin. Nền văn minh Ki-tô giáo cũng đã cống hiến cho kho tàng nghệ thuật của nhân loại những tác phẩm sáng giá nhất về mọi phương diện: hội họa, điêu khắc, kiến trúc, văn chương, thi phú, âm nhạc… và rất nhiều tác phẩm nghệ thuật thánh của tôn giáo hiện nay vẫn đang được lưu giữ trưng bày tại hầu hết các viện bảo tàng nổi tiêng nhất thế giới như: Vatican, Louvre, Metropolitan, Prado, Smithsonitan…

- Tiến bộ về luân lý: Giáo lý tình thương của Ki-tô giáo đề cao công bằng vị tha bác ái đã ảnh hưởng rất nhiều đến cách ứng xử giữa người với người, đến các chủ nghĩa tốt đẹp trên thế giới, đến các luật pháp quốc gia và các hiến chương tuyên ngôn quốc tế…

Như vậy, có thể nói: hầu như mọi lãnh vực của nền văn minh nhân loại đều bắt nguồn từ người tín hữu hoặc đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của giáo thuyết Ki-tô giáo.

2) Giáo lý Ki-tô giáo không những không đi ngược lại quyền lợi của người nghèo, trái lại: chính giáo lý này đã mạnh mẽ bênh vực những người xấu số cách hữu hiệu nhất.

Thực vậy, Thánh Kinh Ki-tô giáo là một thông điệp của tình thương. Trong bản Hiến Chương Nước Trời do Đức Giê-su công bố, người nghèo khổ được quan tâm và ưu tiên nhận ơn cứu độ:

a) Thái độ của Đức Giê-su về vấn đề của cải và sự giàu nghèo:

- Trong Tám Mối Phúc, Đức Giê-su đề cao người nghèo: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Tin Mừng Lu-ca đã ghi lại lời Đức Giê-su quyết liệt hơn: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20), và “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi” (Lc 6,24).

- Đức Giê-su đã dạy môn đệ về thái độ phải có đối với của cải tiền bạc như sau: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!  Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao ! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu ?” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,23-27).

- Đức Ma-ri-a trong kinh Ngợi Khen cũng đã ca tụng tình thương cứu độ của Thiên Chúa dành cho người nghèo như sau: “Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,58).

- Thánh Gia-cô-bê cũng cho biết Chúa sẽ bù đắp những thiệt thòi mà người nghèo phảỉ chịu bằng việc ưu tiên ban đức tin và ơn cứu độ như sau: “Nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao ?” (Gc 2,5).

b) Đức Giê-su cổ võ sự công chính và dạy các môn đệ phải tha thứ:

- Cần ăn ở công bình ở đời này, để tránh khỏi phải đền trả ở đời sau: “Thầy bảo thật cho anh biết: Anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5,26).

- Cần chu toàn cả hai bổn phận với Thiên Chúa và tha nhân: “Thế thì của Xê-da trả về Xê-da; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21).

- Cần biết quảng đại tha thứ: Trong kinh Lạy Cha, Đức Giê-su dạy môn đệ cầu xin Thiên Chúa tha tội với điều kiện họ phải sẵn sàng tha lỗi cho anh em: “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Người cũng giải thích thêm: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,12).

c) Đức Giê-su bênh vực quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội:

- Phụ nữ được Thiên Chúa dựng nên ngang hàng với nam giới khác với lập trường cho rằng phụ nữ thấp hơn nam giới và phải lệ thuộc vào nam giới: Đức Giê-su nói: “Các ông không đọc thấy điều này sao?: Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và người đã phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”(Mt 19,4-6).

- Người cũng rút lại luật cho phép ly hôn trong thời Cựu Ước: Khi ấy, những người biệt phái đến gần vá hỏi thử Chúa Giê-su rằng: Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: Mô-se đã truyền cho các ông thế nào? Họ thưa: “Mô-sê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giê-su đáp lai: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Mô-sê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,2-9).

d) Đức Giê-su chống lại những bất công xã hội và đề cao sự khiêm nhường phục vụ cùng sự quảng đại chía sẻ cơm áo cho người nghèo:

- Người nói với các người Pha-ri-sêu tranh giành chỗ ngồi phải biết khiêm tốn khi được mời tham dự liên hoan: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).

- Người cũng yêu thương chàng thanh niên giàu có muốn nên trọn lành và dạy anh ta sự quảng đại chia sẻ: "Anh chỉ thiếu có một điều là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21).

e) Đức Giê-su khuyên dạy môn đệ phải có lòng bác ái, thương yêu những người nghèo khổ, khuyết tật, bất hạnh và bị bỏ rơi, vì ý thức rằng phục vụ họ là phục vụ chính Chúa. Sau đây là một số lời Đức Giê-su dạy đức yêu người:

- Yêu người như yêu mình: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39).

- Yêu thương lẫn nhau là dấu hiệu môn đệ thực sự của Chúa: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

- Yêu người nghèo khổ vị họ là hiện thân của Chúa: Đến ngày tận thế, Chúa Giê-su sẽ tái lâm trong vai trò Vua Thẩm Phán đến phán xét chung mọi người về như sau: Bấy giờ Đức Vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

3) Những điều tôn giáo đề cao như: Khiêm tốn phục vụ tha nhân; Làm chủ các dục vọng xấu và các thói hư; Lấy đức báo oán: đối xử khoan dung nhân hậu với những kẻ thù ghét làm hại mình, để biến thù thành bạn; Can đảm chịu đựng những đau khổ gặp phải trong cuộc sông; Vâng phục quyền bính hợp pháp trong đạo ngoài đời… Tất cả những điều này đêu không phải là những điều tiêu cực, là những tính nết của loài vật… như có người đả kích. Trái lại, đây còn là những nhân đức anh hùng mà những kẻ tầm thường không thể thực hiện được, nhưng chỉ những ai có đức tin mạnh mẽ can đảm, vững tâm bền chí, thánh thiện nhân ái… mới có thể làm được mà thôi.

Còn những người tự cao tự đại, thiếu sự kiên nhẫn chịu đựng, dễ bất mãn nổi loạn do lòng tham lam bất chính thôi thúc… Đó mới thực là những lý thuyết phản tiến bộ, đi ngược  lại quyền lợi của lớp người nghèo khổ, và mới cần được kiềm chế loại trừ.

TÓM LẠI: Ki-tô giáo không những không phản tiến bộ, trái lại đã đem ánh sáng văn minh đến cho nhân loại về mọi phương diện: khoa học,văn hóa, luân lý… Giáo lý Ki-tô giáo dạy không những không đi ngược lại quyền lợi của người nghèo, mà trái lại còn bênh vực lớp người xấu số bất hạnh một cách mạnh mẽ và hữu hiệu nhất. Những điều tôn giáo đề cao như: sự khiêm tốn phục vụ, hãm dẹp các dục vọng thói hư, lấy thiện báo ác, nhẫn nhịn chịu đựng các khó khăn gặp phải, vâng phục quyền bính đạo đời... Tất cả đều đươc mọi người công nhận là tốt và cần được thực hiện. Như vậy, những lời chỉ trích tôn giáo nói trên đều sai lầm, chủ quan và đầy thiên kiến… nên các tín hữu chúng ta không cần phải quan tâm.

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: Là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho mỗi tín hữu chúng con biết giới thiệu khuôn mặt khiêm tốn hiền hòa của Chúa cho tha nhân chua nhận biết Chúa. Xin cho chúng con biết sông yêu thương phục vụ Chúa trong mọi người như lời Chúa dạy, được thánh Phan-xi-cô tóm lại trong kinh Hòa Bình, để chúng con tích cực làm chứng cho Chúa và xứng đáng trở thành môn đệ thức sự của Chúa như lời Chúa dạy hôm nay: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: Là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

 

IV.TÔN GIÁO VÀ CÁC CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ

VẤN ĐỀ 20:

Tôn giáo chính là công cụ của bọn phong kiến tư bản dùng để củng cố chế độ và yên tâm bóc lột dân nghèo. Muốn tiêu diệt chế độ, trước hết phải tiêu diệt tôn giáo

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

1) Quan hệ giữa tôn giáo và các chế độ chính tri:

Trong các xã hôi phong kiến và tư bản, tôn giáo thường được tôn trọng và tự do phát triển. Đây cũng là điều hợp lý: Các tôn giáo nói chung và Ki-tô giáo nói riêng đều nhằm mục đích giúp con người hướng thiện. Tôn giáo nào cũng dạy tín đồ phải noi gương Đấng giáo chủ để ăn ngay ở lành, cũng dạy tín đồ làm điều tốt và tránh điều xấu, dạy mọi người thực thi công bình bác ái, sông hòa hợp với tha nhân, vâng phục quyền bính hợp pháp, cùng hợp tác xây dựng một xã hội ấm no hạnh phúc ngay từ trần gian để sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng mai sau… Đó là những điều thiện hảo mà tôn giáo mang lại cho nhân loại, nên thường bất cứ chế độ chính trị nào nếu muốn tồn tại và bền vững, cũng đều công nhận tôn giáo và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân ghi trong hiến pháp và luật pháp. Vì đây là quyền căn bản của con người hay nhân quyền: Mọi người đều có quyền tin hoặc không tin theo một tôn giáo.

2) Về sứ vụ Thiên Sai của Đức Giê-su:

Ít-ra-en là một dân tộc nhược tiểu nên thường bị các nước lớn xâm lược đô hộ hoặc bị bắt đi lưu đày, nên họ luôn ước mong về một Đấng Thiên Sai sẽ đến để giải thoát họ khỏi ách thống trị của ngoại bang và biến dân Do thái thành một dân tộc hùng cường giống như trong triều đại của Vua Đa-vít và Sa-lô-mon.

Qua các ngôn sứ, Thiên Chúa hứa ban một Đấng Cứu Thế dòng dõi Đavít, được sinh ra tại Bê-lem do một trinh nữ (x. Mt 1,20-23). Người được trao sứ vụ cứu nhân loại bằng sự hi sinh mạng sống, tình nguyện chết trên cây thập giá để đền tội thay và sống lại để phục hồi sự sống cho loài người (x. Mt 1,21).

Khi ra giảng đạo, Đức Giê-su đã được xức dầu thiêng liêng để tấn phong làm Đấng Thiên Sai (x. Mt 3,16). Rồi Người đã công bố tại hội đường Na-da-rét chương trình cứu thế của Người theo lời tuyên sấm của I-sai-a về sứ vụ của Đấng Thiên Sai như sau: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan Tin Mừng cho người nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho những người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa" (Lc 4,18-19).

Tuy nhiên các đầu mục là các tư tế Đền Thờ, Kinh sư và Biệt phái đã không công nhận Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. Lý do vì nội dung lời dạy của Người mang tính hiếu hòa như: Hãy lấy ơn báo oán, tha thứ luôn luôn (x. Mt 18,22), nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân, yêu thương cả kẻ thù của mình …(x. Mt 5,38-48) là những điều họ không thể chấp nhận. Đức Giê-su cũng nhiều lần vi phạm luật nghỉ việc ngày hưu lễ Sa-bát của Mô-sê (x. Mt 12,1-8), Người đả kích lối sống đạo đức giả dối bề ngoài của các luật sĩ biệt phái (x. Mt 23,13-36). Nhất là Người tự cho mình là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa, điều mà các đầu mục Do Thái cho là phạm thượng ! (x. Mt 26,63-66). Nên cuối cùng các đầu mục Do thái đã liên kết với chính quyền Do thái bắt bớ, kết án tử hình cho Người, và còn áp lực đòi Tổng Trấn Phi-la-tô của đế quốc Rô-ma xử tử Người trên cây thập tự (x. Mt 27,20-26). Nhưng sau khi bị giết chết, đến ngày thứ ba Người đã từ cõi chết sống lại (x. Mt 28,5-8) và đã đổ ơn Thánh Thần xuống trên Hội Thánh (x. Cv 2,1-13), làm cho đạo Công giáo lan truyền đi khắp nơi bắt đầu từ thủ đô Giê-ru-sa-lem, khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8).

Đức Giê-su thực sự là Vua Thiên Sai, nhưng không như dân Do thái trông mong. Người là Vua hòa bình ngồi trên lừa khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem (x Lc 19,35-40). Người thiết lập một Nước Trời, nhưng Nươc Người không thuộc về thế gian này. Những ai thuộc về chân lý thì nghe tieng của Người (x. Ga 18,33-36). Người chính là Vua Mục Tử yêu thương đoàn chiên và sẵn sàng thí mạng mình vì đoàn chiên (Ga 10,11). Người mời gọi những ai muôn theo Người phải khiêm hạ rửa chân cho nhau, bỏ mình vác thập giá mình mà theo Người (x. Lc 9,23-24).

3) Về việc lợi dụng tôn giáo:

Đọc lịch sử thế giới, dường như trong quá khứ, tại một số nước Âu châu như Nga, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… tôn giáo đặc biệt đạo công giáo xem ra đã từng được đề cao và có lúc đã trở thành chỗ dựa vững chắc của chính quyên phong kiến: Các nhà lãnh đạo cao cấp trong tôn giáo như hồng y, giám mục… rất được trọng vọng và có một vị trí cao trong triều đình… Do đó khi chế độ phong kiến suy đồi do tham nhũng thối nát, dân chúng dù có bất mãn, vẫn không dám mạnh dạn đứng lên làm cách mạng lật đổ. Vì thế trong cuộc cách mạng vô sản, K. Marx cho rằng tôn giáo chính là công cụ của bọn phong kiến tư bản dùng để củng cố chế độ và yên tâm bóc lột dân nghèo. Muốn tiêu diệt chế độ, trước hết phải tiêu diệt tôn giáo.

Tuy nhiên, cho dù thực sự có bị vua quan lợi dụng đi nữa, tôn giáo cũng không vì thế mà trở nên xấu và cần phải loại trừ. Cũng giống như người ta không thể nại vào lý do: vì lưỡi dao sắc bén đã từng làm đứt tay người sử dụng, nên phải loại bỏ dao sắc; Hay do xe hơi tốc độ quá nhanh đã gây nhiều tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người, nên cần phải cấm dùng xe hơi… Cũng vậy, tôn giáo có giá trị giúp con người nên tốt trong mọi thời đại và dưới bất kỳ chế độ chính trị nào. Sở dĩ trong quá khứ, đôi khi tôn giáo đã bị lợi dụng, là do đã có sự lẫn lộn giữa thế quyền và giáo quyền.

Ngày nay, để khỏi đi vào vết xe cũ và không trở thành công cụ phục vụ thế quyền, tôn giáo cần phải tách biệt khỏi các chế độ chính trị. Giáo Hội Công Giáo tuy luôn khuyến khích giáo dân chu toàn nghĩa vụ công dân và tham gia các hoạt động đảng phái chính trị để phục vụ đất nước và đấu tranh bảo vệ quyền lợi người nghèo, bảo vệ các quyền tự do công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng… Nhưng giáo luật lại cấm các giáo sĩ tham gia nắm giữ các chức vụ trong bộ máy chính quyên. Nhờ tách biệt khỏi các chế độ chính trị mà Giáo Hội có thể mạnh dạn lên tiếng bảo vệ công lý và bênh vực quyền lợi chính đáng của người nghèo như lời Chúa dạy.

TÓM LẠI: Cho dù trong quá khứ, tại một số nước phong kiến, tôn giáo có thể đã bị lợi dụng để bảo vệ chế độ. Nhưng tôn giáo chân chính không bao giờ đồng hóa với cường quyền bạo lực, với nếp sống xa hoa ích kỷ, với chính sách bóc lột bất công của bất cứ chế độ chính trị nào. Ngày nay, ai cũng nhìn nhận: muốn thi hành đúng vai trò của mình, tôn giáo cần phải tách biệt khỏi thế quyền, để không bị đồng hóa với thế quyền, dễ dàng nói lên tiếng nói trung thực của lẽ phải, bênh vực quyền lợi của đại đa số dân nghèo theo thánh ý Thiên Chúa.

B. PHÚT HỒI TÂM :

1) LỜI CHÚA: Khi ấy Đức Giê-su mở sách ngôn sứ I-sai-a, gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. (Lc 4,18-22).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay mỗi tín hữu chúng con quyết tâm tiếp nối công việc cứu thế của Chúa bằng sự chia sẻ niềm vui và ánh sáng, nâng đỡ những người đau khổ cả về thể xác cũng như tinh thần, loại trừ các nỗi sợ hãi, giải thoát những người đang bị áp bức, xoa dịu các đau khổ, an ủi những kẻ cô đơn, biểu lộ Chúa qua những công việc bác ái của mình. Xin cho chúng con biết thực thi sứ vụ người môn đệ của Chúa, tích cực góp phần để làm cho lời tuyên sấm của ngôn sứ I-sai-a về triều đại Thiên Sai sớm được ứng nghiệm, để công bố một năm hồng ân và làm cho Nước Chúa hiện diện giữa lòng xã hội hôm nay.- AMEN.

 

V. TÔN GIÁO VÀ VẤN ĐỀ KINH TẾ

VẤN ĐỀ 21:

Về kinh tế, tôn giáo chỉ sản xuất ra những chuyện tưởng tượng, thay vì sản xuất ra vật chất có thực để phục vụ con người (Mega I,5 trang 29).

GẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

1) Phân biệt tôn giáo và chính quyền:

1) Chính quyền là một cơ chế gồm một số người có quyền, điều hành quốc gia theo hiến pháp và luật pháp qui định. Chính quyền có nhiệm vụ làm cho dân giàu nước mạnh, phải bao quát mọi vấn đề trong nước như: chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội, thông tin, giáo dục, kinh tế…và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, đặc biệt trước quốc hội, là đại diện của nhân dân về những vấn đề ấy.

2) Còn tôn giáo là một tổ chức tinh thần của các tín hữu. Khác với chính quyền, các nhà lãnh đạo tôn giáo có nhiệm vụ hướng dẫn các tín hữu chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân, làm cho gia đình và xã hội ngày một an bình hạnh phúc hơn…

Do đó, đòi hỏi tôn giáo phải sản xuất ra cơm bánh vật chất … là không phù hợp với mục đích của tôn giáo và lẫn lộn với công tác của chính quyền.

2) Những đóng góp của tôn giáo về kinh tế:

Tuy không có nhiệm vụ trực tiếp sản xuất kinh tế để làm ra cơm bánh tiền bạc vật chất cho dân chúng như chính quyền, nhưng tôn giáo cũng có phần nào trách nhiệm trong việc kiến tạo một cuộc sống tươi đẹp hơn cho các tín hữu của mình, nên cũng đã góp phần trong lãnh vực này cách gián tiếp như sau:

a) Tôn giáo khuyến khích việc lao động chân tay bằng giảng dạy và gương sáng:

- Đức Giê-su, mẫu gương tuyệt hảo của người Ki-tô hữu cũng đã chia sẻ thân phận của một người lao động trong suốt thời gian 30 năm ẩn dật tại Na-da-rét: Sinh ra trong cảnh nghèo khó (x. Lc 2,7), sống như một người nghèo (x. Lc 9,58), và chịu chết trên cây thập tự không một manh áo che thân như một người nghèo nhất (x. Mt 27,35).

- Trong thời gian giảng đạo gần ba năm, Đức Giê-su không ngừng khuyên dạy mọi người: Phải tránh thói ích kỷ chỉ tìm cách hưởng thụ một mình. Trái lại, phải biết nghĩ đến người khác, chấp nhận đi con đường gian khổ leo dốc là khiêm nhường phục vụ tha nhân. Người dạy: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31). “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,26-27).

- Đức Giê-su cũng mời gọi những người lao động chài lưới theo làm môn đệ của Người như Người đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh  thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,18–19).

- Tông đồ Phao-lô cũng khẳng định lập trường của Ki-tô giáo về việc lao động như sau: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2 Tx 3,10). Chính ngài cũng nêu gương lao động: dù bận rộn với bao công việc truyền giáo, nhưng ngài vẫn dành ra thời giờ làm việc dệt vải để mưu sinh, không dám cậy nhờ hoàn toàn vào sự trợ giúp vật chất của các tín hữu, dù ngài có quyền làm như thế (x. 1 Cr 9,4-14).

- Ngoài ra, trong Giáo hội cũng có nhiều dòng tu coi trọng công việc lao động theo châm ngôn như sau: “Ora et labora”  (Cầu nguyện và làm việc).

b) Tôn giáo đã cộng tác trong việc xây dựng một xã hội trật tự, an ninh… là điều kiện cần để mọi người an tâm sản xuất: Hoàng đế Na-po-lê-ông người Pháp (1769-1821)  đã quả quyết về giá trị của tôn giáo trong việc duy trì an ninh trật tự xã hội như sau: “Một dân tộc không tôn giáo phải được cai trị bằng súng đạn, nhà tù và bạo lực”. Chính trị gia XA-TÔ-BI-ĂNG (François-René de Chateaubriand: 1768-1848) cũng đồng quan điểm khi tuyên bố: “Tiêu hủy việc thờ tự theo Tin Mừng, thì mỗi làng phải xây nhiều nhà ngục và phải có nhiều đao phủ thủ”.

TÓM LẠI: Về lãnh vực kinh tế, tuy tôn giáo không trực tiếp sản xuất làm ra của cải vật chất như cơm bánh, quần áo, đồ dùng… vì không phải nhiệm vụ chính, nhưng tôn giáo cũng đã gián tiếp đóng góp công sức trong việc tạo lập một xã hội ấm no hạnh phúc. Chính nhờ lời giảng dạy và gương lành của các vị mục tử và tu sĩ nam nữ, mà xã hội đã nên tốt hơn, con người bớt làm điều xấu hơn. Cũng nhờ giáo lý về sự công bình bác ái của Đức Giê-su, mà hòa bình giữa các quốc gia trên thế giới đã được duy trì. Tất cả những điều ấy là điều kiện cần để xã hội có thể phát triển kinh tế.

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: Sau đó, Ðức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Ðức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Ðức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" (Mc 9,33-35).

2) LỜI CẦU:

  Lạy Chúa Giêsu. Xưa Chúa đã dạy các môn đệ: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Chúa đã hạ mình từ khi nhập thể và không ngừng khiêm tốn phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo đói, bệnh tật, đau khổ và bị bỏ rơi. Cuối cùng Chúa còn nêu gương khiêm hạ bằng việc quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy bài học khiêm nhường yêu thương phục vụ cho các ông. Xin cho chúng con hôm nay biết luôn tự hạ quan tâm phục vụ người bên cạnh. Nhờ đó nhiều người sẽ nhận biết Chúa, tin theo Chúa và cùng hợp tác với chúng con xây dựng “Trời Mới Đất Mới” tốt đẹp hơn, công bình nhân ái hơn.- AMEN.

 

VI. TÔN GIÁO VÀ GIAI CẤP XÃ HỘI

VẤN ĐỀ 22:

Về xã hội, tôn giáo  tán dương chế độ nô lệ, nông nô, cố duy trì sự bất công giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị đàn áp để dễ bề lợi dụng.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

Trong quá khứ, tại một vài nơi trên thế giới, nếu thực sự đã có những nhà lãnh đạo tôn giáo cấu kết với vua chúa quan quyền và để mặc cho bọn người này đàn áp bóc lột dân đen nghèo khổ, thì đó cũng chỉ là một thiểu số nhỏ bé, giới hạn trong một thời gian, và ở một vài địa phương mà thôi, chứ không phải là chủ trương của Hội thánh.

Thực vậy, Hội thánh Công giáo cả về giáo thuyết cũng như hành động không bao giờ tán dương chế độ nô lệ, nông nô bất công như có người đã chỉ trích phê phán. Trái lại, Hội thánh luôn nỗ lực góp phần với mọi người thiện chí xóa bỏ giai cấp, tạo lập công bình bác ái xã hội.

1.GIÁO LÝ CÔNG GIÁO VÀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI:

Đọc Thánh kinh cũng như giáo huấn Công đồng và thông điệp của các Đức Giáo Hoàng xưa nay, chúng ta thấy: Giáo hội Công giáo luôn có một lập trường nhất quán là bênh vực lớp người nghèo khổ, và san bằng mọi giai cấp trong xã hội:

1)Lời Chúa trong Thánh Kinh:

a)Mọi người đều là anh em con cùng một cha chung trên trời là Thiên Chúa:

-Đức Giê-su phán: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "rápbi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời (Mt 23,8-9).

-Người cũng dạy môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa như với người cha thân yêu của mình: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,9-13).

b)Người lãnh đạo không được lợi dụng quyền thế để hà hiếp bóc lột người dưới:

-Đức Giê-su nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

-Tin Mừng Gio-an thuật lại hành động phục vụ của Đức Giê-su như sau: Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là “Thầy” là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật: Thầy là “Thầy” là “Chúa”. Vậy nếu Thầy là “Chúa” là “Thầy”, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.  Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,12-15).

c)Thái độ của Đức Giê-su và Đức Ma-ri-a đối với người nghèo kẻ giàu:

-Đức Ma-ri-a trong kinh Ngợi khen đã tán dương Thiên Chúa: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,52-53).

-Đức Giê-su hứa ban Nước Trời cho những người nghèo khó đang chịu thiệt thòi, và phàn nàn về những người giàu có mà ích kỷ bất nhân: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20).- ”Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi dã được phần an ủi của mình rồi” (Lc 6,24). Người cũng cảnh báo những kẻ giàu có: “Thầy còn nói cho anh em biết: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19,24).

2) Giáo huấn của Hội Thánh Công giáo:

a) Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI ngày 29/06/2009 đã ra thông điệp "Caritas in veritate – Bác ái trong chân lý” trình bày giáo huấn của Hội Thánh về công bằng xã hội. Thông điệp này tiếp nối thông điệp "Populorum progressio- Phát triển các dân tộc" của Ðức Phaolô VI năm 1968 ngay sau công đồng Vaticanô II với nội dung: Giáo Hội khi rao giảng và cử hành bí tích Thánh Thể, cũng như trong mọi hoạt động trần thế của mình phải nhắm vào việc phát triển toàn vẹn con người”. Mới đây vào ngày 05/07/2013, Ðức Thánh Cha Phanxicô sau lễ nhậm chức Giáo Hoàng, đã công bố thông điệp đầu tiên của ngài "Lumen fidei - Ánh Sáng Ðức Tin". Trong đó, ngài cho biết chương trình hành động là sẽ tập trung xây dựng một “Giáo hội nghèo, cho người nghèo”. Rồi sau đó ngài luôn quan tâm đến “những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, ít quan trọng nhất” bằng việc nhắc đi nhắc lại hằng tuần, đồng thời kêu gọi các tu sĩ và mọi tín hữu hãy đến với những người nghèo khổ đang sống bên lề xã hội (Theo Vietcatholic news).

b) Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế “Giáo hội trong thế giới ngày nay” (Gaudium et Spes số 8-9) cũng cổ võ cho sự bình đẳng giai cấp giàu nghèo, bình đẳng giữa các dân tộc và các quốc gia như sau: “Dưới tất cả những đòi hỏi đó, tàng ẩn một ước vọng sâu xa và đại đồng hơn: mọi cá nhân và tập thể đều khao khát một cuộc sống đầy đủ và tự do xứng đáng với phẩm giá con người”.

-TÓM LẠI, từ vài thập niên qua, những câu: "Giáo Hội của người nghèo", "Ưu tiên phục vụ người nghèo"… là những khẩu hiệu đặc trưng của Giáo Hội Công giáo. Hội nghị các Giám mục Á châu cũng đã khẳng định quyết tâm phục vụ người nghèo của mình như sau: “Giáo hội trước tiên phải là Giáo hội của người nghèo”.

3) Giáo Hội tiến hành việc san bằng giai cấp:

Giáo hội Công giáo không phải chỉ rao giảng lý thuyết suông, nhưng còn kèm theo những hành động tích cực để xóa bỏ sự cách biệt giữa các giai cấp, và kiến tạo một xã hội công bằng và đầy tình yêu thương như Đức Giê-su đòi hỏi:

a) Trong các lễ nghi phụng vụ: Khi hội họp cầu nguyện, trong các lễ nghi phụng tự công cộng, mọi người không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội, giàu nghèo…đều có quyền bình đẳng ăn cùng một tấm bánh và uống chung một chén rượu. Cần tránh phân biệt  giai cấp giàu nghèo sang hèn như thánh Phao-lô đã phê bình Hội thánh ở Cô-rinh-tô (x. 1 Cr 11,18-22).

b) Hoạt động của các dòng tu: Trong Giáo hội có nhiều dòng tu nam nữ đã chọn lối sống nghèo khó, lao động chân tay vất vả như mọi người, hoặc chuyên tâm săn sóc, phục vụ người nghèo sống tốt hơn… như dòng Anh Em Hèn Mọn Thánh Phanxicô khó khăn, dòng tiểu đệ Chúa Giê-su, dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta…

c) Cũng có những phong trào, đoàn thể quan tâm phục vụ người lao động, tranh đấu cho quyền lợi người lao động, thăng tiến đời sống cho người nghèo cả về tinh thần lẫn vật chất như: Thanh Lao Công, Bác Ái Vinh Sơn, Caritas … Các Hội đoàn Công Giáo Tiến Hành khác như Hiệp Hội Thánh Mẫu, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Các Bà Mẹ Công Giáo… cũng khuyến khích hội viên sống đức Tin bằng việc thực thi đức cậy và đức ái qua các công tác bác ái hằng tuần hằng tháng như: thăm viếng người nghèo, bệnh tật và bị bỏ rơi… để chia sẻ cơm bánh, an ủi phục vụ họ hầu giới thiệu “Thiên Chúa là Tinh Yêu” cho họ.

Ngoài ra, còn có rất nhiều những người con ưu tú của Hội thánh, trong đó có các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân… đã tận hiến cuộc đời phục vụ người lao động nghèo khổ. Các Ngài tình nguyện làm việc vất vả như một người thợ… với tinh thần hiến thân phục vụ cao độ.

TÓM LẠI: Giáo hội Công Giáo trong giáo lý cũng như hành động, không chủ trương duy trì những bất công xã hội để dễ bề lợi dụng như có người đã chỉ trích. Trái lại, Hội Thánh không ngừng giảng dạy, cổ võ, thực hành sự bình đẳng giữa mọi người trong xã hội. Nếu trong quá khứ, có một ít phần tử nào đó đã đi sai đường lối chung, thì cũng không thề nại vào đó để quy chụp đổ thừa trách nhiệm cho Hội Thánh được.

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: Thánh Gia-cô-bê viết như sau: “Thưa anh em, anh em đã tin vào Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư. Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: "Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này", còn với người nghèo, anh lại nói: "Ðứng đó!" hoặc: "Ngồi dưới bệ chân tôi đây!", thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao ?” (Gc 2,1-4).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã được Chúa Cha sai đến làm Đấng Cứu Thế để ưu tiên cứu độ những ai có tinh thần nghèo khó. Chúa đã nhập thể làm người trong thân phận một người nghèo nhất khi sinh ra trong máng cỏ bò lừa, sống bằng nghề thợ mộc vất vả, để đồng cảm với người nghèo khổ bệnh tật và bất hạnh. Chúa thiết lập Nước Trời ưu tiên mời gọi người nghèo hay ít là những ai có tinh thần nghèo khó gia nhập. Chúa đồng hóa với người nghèo khổ đói khát rách rưới tù tội, bệnh tật đau khổ để mời gọi mọi tín hữu chúng con biết quan tâm yêu thương, chia sẻ và phục vụ những người nghèo khổ bất hạnh. Xin cho mỗi người chúng con hôm nay biết tôn trọng mọi người không phân biệt giàu nghèo, và ưu tiên giúp đỡ người nghèo nhiều hơn để bù đắp những bất công thiệt thòi họ đã phải gánh chịu, noi gương Chúa khi xưa. - AMEN.

 

VII. TÔN GIÁO VÀ THIÊN ĐÀNG

VẤN ĐỀ 23:

Tôn giáo hứa hẹn một thiên đàng xa xôi không tưởng. Lẽ ra phải xây dựng một thiên đàng thực tế phục vụ cơm áo bệnh tật cho con người hiện tại mới đúng.

GIẢI ĐÁP :

A. TRÌNH BÀY:

1) Trước hết, cần phải xác định: công việc xây dựng cho dân chúng một đời sống vật chất ấm no hạnh phúc không phải là nhiệm vụ trực tiếp của tôn giáo, mà là trách nhiệm hàng đầu của chính quyền. Tuy nhiên tôn giáo là một con đường giúp con người hướng thượng, vươn tâm hồn lên cao để đạt tới “chân thiên mỹ” là Thiên Chúa. Một khi đạt tới Thiên Chúa thì đương nhiên con người cũng sẽ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Thiên đàng không chỉ là một thứ hạnh phúc tưởng tượng, nhưng thực sự hiện hữu và là phần thưởng cho những người biết tuân giữ các giáo huấn của tôn giáo ở đời này (xem phần PHỤ CHÚ)

2) Người ta không thể đòi hỏi tôn giáo phải dẫm thân lên chính quyền, dành lấy cho mình công việc của chính quyền, vì những bất lợi đã từng xảy ra trong quá khứ như sau:

a) Trong thời giáo hội sơ khai: Các Tông đồ đã ý thức được sự bất tiện khi ôm đồm công việc: vừa lo rao giảng Tin mừng lại vừa lo phục vụ bàn ăn cho các tín hữu. Cuối cùng các Tông đồ đã lập chức vụ Phó tế để chuyên lo phục vụ cộng đoàn và quản lý tài sản vật chất của Hội Thánh, để các ngài chuyên lo nhiệm vụ chính yếu là rao giảng Lời Chúa. Sách Công vụ thuật lại như sau: “Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do thái theo văn hóa Hy lạp, kêu trách những tín hữu Do thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà góa trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6,1-4).

b) Đến thời Trung cổ: Khi hầu hết các nước ở châu Âu đã theo đạo, thì Giáo hội trở nên có quyền thế rất lớn. Một số các nhà lãnh đạo tôn giáo vì không lường trước được hậu quả tai hại, nên đã lẫn lộn hai quyền bính đạo đời. Vì thế, Giáo hội đã bị mang tiếng và bị vạ lây khi các vua chúa làm điều sai quấy. Sau này Giao Hội đã quyết định tách lìa tôn giao khỏi chính trị, để các mục tử của Giáo Hội chỉ chuyên lo công việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và giới hạn công việc phục vụ về phạm vi đức tin mà thôi.

3) Tuy không trực tiếp lo cơm áo cho dân chúng nhưng tôn giáo cũng đã gián tiếp góp phần cho việc xây dựng cuộc sống vật chất cho nhân loại:

a) Chính Đức Giê-su đòi các môn đệ phải quan tâm và góp phần giải quyết vấn đề bánh ăn vật chất cho dân chúng: Tin mừng Lu-ca thuật lại dấu lạ nhân bánh ra nhiều như sau: “Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: "Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng." Đức Giêsu bảo: "Chính anh em hãy cho họ ăn." Các ông đáp: "Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này." Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một." Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng” (Lc 9,12-17).

b) Các vị chủ chăn không ngừng khuyên dạy giáo dân thực thi công bằng bác ái như Tin Mừng đòi hỏi. Nhiều mục tử đã can đảm bênh vực giai cấp thợ thuyền nghèo khổ, đòi hỏi lương bổng công bằng cho người lao động, chấm dứt cảnh “người bóc lột người”. Các ngài còn công khai bênh vực quyền lợi người nghèo tại các diễn đàn quốc tế nữa…

c) Rất nhiều tổ chức Công giáo như tổ chức CARITAS đã có những hành dộng cụ thể, tích cực trong việc kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn: bằng cách nâng cao đời sống vật chất của giai cấp nghèo khổ, phát triển các dân tộc kém mở mang. Rất nhiều trung tâm huấn nghệ, tìm việc làm cho người thất nghiệp, nhiều trường trung tiểu học miễn phí, nhiều bệnh viện, cô nhi viện, dưỡng lão viện, trại câm điếc, trại phong cùi… đã dược các tín hữu thiết lập nhằm phục vụ người bị xã hội bỏ rơi. Ngoài ra, còn nhiều đoàn thể công giáo đứng về phía người nghèo để đấu tranh như thánh lao công của Đức Hồng Y Giuse Cardin, nhiều tổ chức cứu trợ cấp thời những rủi ro, thiên tai cho những người bị nạn như tổ chức Caritas quốc tế… đã chứng tỏ một cách hùng hồn sự đóng góp hữu hiệu của Giáo hội trong việc kiến tạo cho xã hội một đời sống ấm no hạnh phúc hơn ngay tại trần gian này.

TÓM LẠI: Dù nhiệm vụ chính của tôn giáo là hướng dẫn tinh thần của con người, giúp họ sống xứng đáng với phẩm giá của con người, tỏ lòng hiếu thảo với Thiên Chúa để sau này được hưởng hạnh phúc đời đời trên thiên đàng. Nhưng tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo cũng không quên xây dựng cho con người một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn ngay tại trần gian này cách gián tiếp bằng lời giảng dạy cũng như bằng các hành động cụ thể tùy theo nhu cầu và phù hợp với khả năng của mình.

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa. xin cho con nhìn thấy những người nghèo đang sống bên con, ngay trong gia đình ruột thịt của con và đang cần đến được con quan tâm giúp đỡ : một nụ cười, một ánh mắt, một lời động viên an ủi, một cái bắt tay thân ái, một sự sẻ chia tình người. Xin cho con nhận ra chính con cũng là người nghèo, và cũng cần được người khác giúp đỡ.

Tạ ơn Chúa vì Chúa đã dựng nên loài người chúng con ai cũng những thiếu sót, ai cũng nghèo về một phương diện nào đó và cần được người khác trợ giúp. Và như thế mọi người đều được mời gọi quan tâm đên nhau và trợ giúp cho nhau. Tạ ơn Chúa vì chính Chúa cũng tự hạ nên nghèo khó giống như chúng con và cần sự cộng tác của chúng con để có thể hoàn tất chương trình cứu độ loài người. Xin giúp chúng con nhận ra sự nghèo khó của mình, để khiêm tốn đón nhận ơn Chúa ban và sự trợ giúp của người khác. Xin cho chúng con nhận ra những anh chị em chung quanh đang nghèo khó cần sự trợ giúp để quảng đại chia sẻ cơm bánh và tình thương cho họ. Amen.

VIII. THIÊN ĐÀNG ĐỨC TIN VÀ THIÊN ĐÀNG TRẦN GIAN

VẤN ĐỀ 24:

Chỉ có Thiên Đàng không có cảnh người bóc lột người ở trần gian, ngoài ra không còn Thien Đàng nào khác ở đời sau?

 

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

1. Thiên đàng là một thực tại:

1) Phù hợp với sự khôn ngoan và đức công bình vô cùng của Thiên Chúa, và đó cũng chính là cùng đích mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Giê-su: Người đến để trả lại cho loài người chúng ta sự sống mà nguyên tổ A-đam E-và xưa đã đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng, để phục hồi địa vị làm con Thiên Chúa cho chúng ta bắt đầu từ trần gian, và kéo dài mãi trên thiên đàng đời sau (x. Rm 5,12-21).

2) Một chân lý đức tin mặc khải:

a) Đức Giê-su nhiều lần đề cập đến thiên đàng trong các bài giảng của Người:

- “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2).

- “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

- “Anh em hãy vui mừng hớn hở, phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).

-"Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không đào ngạch và lấy đi được (Mt 6, 19-20).

-Trong dụ ngôn “Những nén bạc”, ông chủ nói với người đầy tớ biết làm lợi thêm những nén bạc ông đã trao: “Khá lắm, hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !” (Mt 25,21).

b) Đức Giê-su cũng nói với các Tông đồ về thiên đàng như sau: “Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó” (Ga 14,2-3).

c) Đến ngày tận thế, Đức Giê-su Vua Thẩm Phán sẽ tái lâm để phán xét chung. Tin mừng Mát-thêu tường thuật như sau: “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34).

d) Tin Mừng Lu-ca đã ghi nhận sự kiện Đức Giê-su lên trời như sau: “Chúa Giêsu được đem lên Trời" (Lc 24,51). Trời đây không phải trời xanh, mà là Thiên đàng, nơi Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần ngự trị muôn đời.

e) Thánh Phao-lô cũng quả quyết có thiên đàng vĩnh cửu sau cuộc đời trần gian hôm nay: “Quả thật, chúng ta biết rằng: Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất  là chiếc lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5,1).        

2. Hạnh phúc thiên đàng ra sao ?

1) Những quan niệm sai lạc về hạnh phúc thiên đàng: Một số người có những ý nghĩ không đúng về thiên đàng. Chẳng hạn:

a) Chỉ là phần thưởng của Thiên Chúa: Chúa hứa ban hạnh phúc thiên đàng để khuyến khích các tín hữu tin Chúa và ăn ngay ở lành, giống như cha mẹ hứa cho con cái mình bánh kẹo để khích lệ chúng chăm chỉ học tập. Như thế chẳng lẽ người ta chỉ tin Chúa và làm các việc lành chỉ vì lòng ích kỷ, để tìm lợi ích riêng cho bản thân mình mà thôi hay sao ?

Thực ra, thiên đàng tuy là một phần thưởng (x. Mt 5,12), nhưng trước hết, thiên đàng là hậu quả tất yếu của cuộc sống đức tin thể hiện qua đức cậy và đức mến  của mỗi người chúng ta. Con người chúng ta được Thiên Chúa dựng nên hướng về Chúa và chúng ta sẽ còn xao xuyến mãi cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa là được về thiên đàng, như thánh Au-gút-ti-nô đã nói. Sống mà không hướng về Thiên Chúa thì cuộc đời của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa. Chúng ta làm lành không phải chỉ để được thưởng công trên thiên đàng, nhưng để biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa. Hạnh phúc thiên đàng là hậu quả tất yếu, giống như người nông dân gieo hạt giống tốt, và nếu chăm chỉ làm việc thì đương nhiên sẽ gặt hái được hoa trái là hạnh phúc thiên đàng đời sau.

b) Một số người lại tưởng tượng ra hạnh phúc thiên đàng theo sở thích của mình: Là nơi không còn phải ưu phiền thử thách, khỏi bị đau khổ, nhưng được sung sướng khoái lạc, được nhìn thấy những phong cảnh đẹp chưa từng được thấy, được nghe những điệu nhạc du dương chưa từng được nghe ở trần gian…

Thực ra, hạnh phúc Thiên Đàng trước hết là hạnh phúc siêu nhiên tinh thần, thỏa mãn được những như cầu của linh hồn chúng ta, được hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa “diện đối diện” như lời thánh Phao-lô dạy: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12).

c) Có người lại quan niệm thiên đàng theo kiểu tình cảm trần gian: Theo họ: khi lên thiên đàng chúng ta sẽ được gặp lại những người thân của mình khi còn sống, được nối lại tình xưa nghĩa cũ, vợ chồng con cái, cha mẹ anh em sẽ sống quây quần bên nhau như ở trần gian…

Thực ra, thiên đàng không phải chỉ là nơi để gặp gỡ các người thân của mình. Thiên Đàng tuy là một gia đình, nhưng là một đại gia đình thiêng liêng, là nhà của Thiên Chúa là Cha chung, trong đó mọi người đều là anh chị em với nhau.

2) Vậy hạnh phúc thiên đàng thực sự thế nào ? : Hiện nay chúng ta không thể diễn tả hạnh phúc Thiên Đàng như thế nào, vì chưa có ai được lên đó. Muốn hiểu hạnh phúc ấy, ta nên dựa vào Lời Chúa như sau:

a) Theo sách Khải huyền: “Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Ðây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất" (Kh 21.3-4).

b) Thánh Phê-rô cũng khuyên các tín hữu: "Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em sẽ được vui mừng hoan hỷ" (1 Pr 4,13).

c) Thánh Phao-lô đã viết về hạnh phúc Thiên đàng như sau: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe,  lòng người không hề nghĩ tới. Đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn  cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9).

3) Sự tiếp nhận hạnh phúc thiên đàng nhiếu ít là do phấn đấu của mỗi người:

a) Ơn cứu độ được ban cho hết mọi người: Trong dụ ngôn “Những người thợ đi làm vườn nho”, nhiều người đi làm vườn nho vào những thời điểm khác nhau trong ngày, nhưng đến cuối ngày, mọi người đều được chủ trả lương một đồng bằng nhau (x. Mt 20,1-15). Qua đó cho thấy: Người ta được ơn cứu độ là do tinh thương bao dung của Thiên Chúa, hơn là do công sức riêng của bản thân mình.

b) Tuy nhiên, mọi người không được hạnh phúc bằng nhau: Mỗi người được hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa nhiều ít tùy theo công việc tốt đã làm khi còn sống ở trần gian. Ai yêu mến và làm các việc lành theo thánh ý Thiên Chúa nhiều thì ở đời sau sẽ được hưởng hạnh phúc nhiều hơn. Còn người yêu mến ít và làm ít việc lành khi còn sống, nên đương nhiên sẽ được hưởng hạnh phúc ít hơn trên thiên đàng.

c) Đây cũng là điều hợp lý và phù hợp với đức công bằng vô cùng của Thiên Chúa. Thánh Kinh đã đề cập về vấn đề này như sau:

- Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: ”Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3).

- “Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời ” (Mt 5,19).

- Thánh Phao-lô trình bày mức độ hạnh phúc thiên đàng khác nhau như sau: “Ánh mặt trời thì khác, ánh mặt trăng thì khác, ánh tinh tú thì khác, bởi vì ánh sáng tinh tú này khác với ánh sáng tinh tú kia. Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,39-44).

- Về sau, Công đồng Florence (1414 -1418) cũng đã khẳng định: “các Đấng Thánh tùy theo công trạng khác nhau sẽ được thấy Chúa khác nhau, người này hoàn hảo hơn người kia”.

- Tuy không bằng nhau, nhưng sẽ không có phân bì ganh ghét, vì mỗi người đều được tràn đầy hạnh phúc, đều ý thức rõ ràng tình yêu và sự công bằng vô cùng của Thiên Chúa. Ta có thể ví hạnh phúc Thiên Đàng giống như nước được đổ vào các đồ chứa mỗi người mang theo lên thiên đàng. Ai ở trần gian làm được nhiều việc lành giống như người sắm cho mình một chiếc chậu to, đang khi người khác làm ít việc lành lại chỉ có được một chiếc tô hay chén nhỏ... Vì ai nấy đều được Chúa đổ đầy ân sủng, nên tuy được hưởng hạnh phúc nhiều ít khác nhau, nhưng không phân bì ganh ghét lẫn nhau.

4) Thiên đàng là nước tình yêu của Thiên Chúa:

a) Sống trên trần gian người tín hữu hướng về Thiên Chúa bằng ba nhân đức đối thần là Tin, Cậy, Mến:

Đức Tin làm cho ta thấy Chúa hiện diện trong mọi tạo vật để ngợi khen cảm tạ Chúa.

Đức Cậy làm cho ta vững lòng cậy trông để cầu xin Chúa ban ơn cứu độ.

Đức mến làm cho ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự và tìm cách đáp lại tình yêu ấy.

b) Nhưng ở trên Thiên Đàng thì khác:

Đức tin không còn cần thiết vì ta đã được nhìn thấy Thiên Chúa “diện đối diện” (1 Cr 13,12).

Đức cậy cũng không còn, vì ta luôn có Chúa và không sợ phải lìa xa Chúa bao giờ.

Chỉ có đức mến sẽ tồn tại mãi mãi và là nhân đức trọng nhất (1 Cr 13,13).

Các thánh trên thiên đàng sẽ luôn yêu mến Thiên Chúa vả yêu mến nhau, nên các ngài luôn được hưởng hạnh phúc viên mãn.

c) Thiên Đàng là Nước Tình Yêu: Các Thánh sẽ không ngừng yêu mến Thiên Chúa, và nhờ tình yêu sẽ có tất cả như thánh Phao-lô đã viết: “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13). Các tín hữu đang sống ở trần gian vẫn có thể được hưởng hạnh phúc thiên đàng khi biết loại khỏi lòng trí các tội lỗi và các thói hư, để luôn sông tình mến Chúa yêu người. Khi sống trong tình yêu thương là chúng ta sẽ  được sống trong Thiên Chúa, hưởng được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn, được hưởng hạnh phúc ngay từ đời này và sẽ kéo dài hạnh phúc ấy mãi mãi trên thiên đàng đời sau.

B.PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA:

- Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: ”Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3).

- Đức Giê-su nói với người gian phi có lòng sám hối: “Tôi bảo thật anh: Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã được Chúa Cha sai đến để dạy loài người chúng con nhận biết tôn thờ Thiên Chúa Cha và ban ơn cứu độ cho loài người chúng con. Chúa đã mở ra cho chúng con con đường lên trời hưởng hạnh phúc đời đời. Chúa đã trải qua cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang, lên trời và hứa sẽ trở lại vào ngày tận thế để đón chung con lên trời hưởng hạnh phúc với Chúa. Chúa chỉ đòi chúng con tin Chúa là Đấng Thiên Sai và thành tâm sám hối tội lỗi, quyết tâm vâng đi theo con đường hẹp, leo dốc là “Qua đau khổ vào trong vinh quang”. Chúa đòi chúng con “phải bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa”, phải cùng chịu chết và cùng chịu mai táng với Chúa thì sẽ cùng được phục sinh vinh quang với Chúa. Xin cho chúng con tin theo Chúa và noi gương mẫu và sống theo lời Chúa dạy, hầu ngày một nên môn đệ thực sự của Chúa và cùng được chia sẻ hạnh phúc Nước Trời đời đời với Chúa trên Thiên Đàng đời sau. AMEN.

IX. VẤN ĐỀ TỘI LỖI ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA VÀ VỚI XÃ HỘI

VẤN ĐỀ 25:

Không có tội lỗi theo nghĩa tôn giáo. Chỉ có những lỗi lầm đối với xã hội như lười biếng, hèn nhát, ích kỷ… mà thôi.

GIẢI ĐÁP :

A. TRÌNH BÀY:

1. Thế nào là tội lỗi theo nghĩa tôn giáo ?

Giáo lý Công giáo dạy rằng: Tội là khi cố tình lỗi giới răn của Thiên Chúa, hay lỗi các điều răn Hội Thánh dạy biểu lộ thánh ý của Thiên Chúa.

Lỗi giới răn Thiên Chúa là tội thực sự vì:

-Là một hành động phản nghịch: một người cố ý không tuân giữ luật lệ của quốc gia hoặc gia nhập các phe nhóm bạo loạn có tội với quốc gia thế nào, thì một người cố tình lỗi giới răn Thiên Chúa hoặc theo ma quỷ để chống lại Thiên Chúa và Nước Trời do Chúa Giê-su thiết lập cũng có tội phản nghịch Thiên Chúa và chống lại thánh ý Ngài là muốn ban ơn cứu độ cho loài người

-Là một hành vi bất hiếu: cũng như con cái không vâng lời cha mẹ … là một đứa con bất hiếu thế nào, thì một người cố tình không tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa cũng là đứa con bất hiếu với Ngài như vậy.

2. Những hành vi nào là có tội ?

Đức Giê-su đã thâu tóm tất cả mọi giới răn của Thiên Chúa trong hai điều này: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là:  Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điểu răn ấy” (Mt 22,37-40).

Do đó, tất cả những hành vi nào cố tình lỗi hai giới răn mến Chúa yêu người nói trên đều có tội: Những lỗi lầm đối với xã hội như: lười biếng, hèn nhát, ích kỷ, gian dối bất công… là những tội lỗi giới răn “yêu người thân cận như chính mình”, nên đều có tội và đáng bị trừng phạt. Tội cứng lòng tin, cố tình nhắm mắt bịt tai để khỏi nhận biết những kỳ công của Ngài và không muốn tin thờ Ngài cũng là tội bất hiếu nặng nề nữa.

3. Tội lỗi và ơn tha thứ:

Có hai thứ tội là tội trọng và tội nhẹ.

Tội trọng hay nhẹ tùy theo ba yếu tố cấu thành tội này:

Một là giống tội ta phạm tức là phạm điều luật của Thiên Chúa hay luật Hội thánh, là luật  cấm hay luật buộc, cấm buộc nặng nhẹ ra sao, tội phạm ấy đã gây ra thiệt hại nhiều hay ít cho Chúa, cho Hội thánh hay cho bản thân và tha nhân.

Hai là ta có biết có luật cấm hay luật buộc đó không?

Ba là ta phạm trong tình trạng ý thức hay vô thức? nếu phạm trong tình trạng vô thức bị mất lý trí (bị mộng du, bị say rượu) thì trước đó có đặt căn nguyên gây ra tội đó hay không?

Tội trọng dù nặng đến đâu cũng sẽ được Chúa tha thứ nếu có lòng ăn năn sám hối, vì Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu không chấp nhất những tội nhân thật lòng sám hối. Chẳng hạn trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: Người thu thuế tuy đầy tội lỗi nhưng do thành tâm sám hối thể hiện qua lời cầu nguyện khiêm nhường nên được tha; Còn người Pha-ri-sêu do phô trương công đức và chỉ có lòng đạo đức giả hình bề ngoài nên đã không được ơn tha thứ (x. Lc 16,9-14). Ngoài ra những ai cứng lòng không tin Đức Giê-su và nói Người bị quỷ ám đều “mắc tội đến muôn đời” (x. Mc 3,28-29; Mt 12,32).

4. Tội phạm đến Thánh Thần không bao giờ được tha là tội nào?

Đó là tội phản nghịch Thiên Chúa của ma quỷ và các người nào đi theo làm tay sai cho nó như sau:

- Tội của kẻ không tin nhận Thiên Chúa là Cha giầu lòng từ bi thương xót, sẵn sàng tha thứ cho các tội nhân thực lòng sám hối ăn năn; hoặc không tin Chúa Giê-su là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, nên họ đã tìm giết Người như các đầu mục dân Do thái xưa đã được Đức Giê-su cảnh báo: “Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (x. Ga 8,24),.

- Tội của kẻ kiêu ngạo tự mãn, cho mình là tốt lành thánh thiện, nên không nhận tội đã phạm và cố chấp không xin Chúa tha thứ để được hưởng ơn cứu độ. Đây là các đầu mục dân Do thái đã bị Đức Giê-su cảnh báo theo lời ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm tội cố chấp của dân Do thái: “Lòng dân này đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Is 6,9-10; Mt 13,15).

- Tội của kẻ cứng lòng tin không tin nhận những chân lý đã được Thần Khí Sự Thật mặc khải trong Thánh Kinh và qua các giáo huấn chính thức của Hội Thánh.

- Tội của kẻ quyết tâm phản nộp Thầy như Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một trong nhóm Mười Hai đã được Đức Giê-su khuyến cáo: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho người nào nộp Con Người: thà người đó đừng sinh ra thì hơn !” (Mt 26,24).

5. Những kẻ cứng lòng tin và không chịu sám hối sẽ bị phạt hỏa ngục muôn đời:

Đến ngày tận thế, khi mọi người được sống lại và chịu phán xét chung, những người cố tình không tin Thiên Chúa và Đấng Ngài sai đến là Đức Giê-su sẽ không tránh khỏi hình phạt cân xứng với tội cứng lòng của họ như lời Đức Giê-su đã nói với các người Pha-ri-sêu trong Đền thờ rằng: “Các ông chớ ngạc nhiên về điều này vì “Giờ” đã đến. “Giờ” mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó. Ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống. Ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28–29). Đức Giê-su cũng cảnh báo về các hình phạt những kẻ cứng lòng tin sẽ phải chịu như sau: “Tôi đã nói với các ông là: các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8,24). Chết ở đây là cái chết do bị mất ơn cứu độ và phải chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục, chung số phận với ma quỷ như lời Đức Vua Giê-su tái lâm phán với những kẻ không chịu làm điều thiện ở bên tay trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta, mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).

TÓM LẠI: Những ai cố tình làm điều xấu hoặc nhất quyết không chịu làm điều tốt cho tha nhân đều phạm tội, không những đối với xã hội mà cả đối với Thiên Chúa nữa. Họ sẽ phải chịu hình phạt cân xứng như lời Chúa Giê-su trong ngày phán xét chung nhân loại: “Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,45). Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sông muôn đời” (Mt 25,45-46).

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: Chúa Giê-su nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.  Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,5-6).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nói rằng: "Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn". Xin mở lượng hải hà xoá bỏ các tội của con. Xin tạo cho con quả tim trong sạch và gìn giữ con đừng cố tình phạm tội, để tâm hồn con luôn thanh sạch, hầu xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa và luôn được ở trong tình thương của Ngài. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. A-MEN.

 

X.VỀ GIÁ TRỊ CỦA SỰ CẦU NGUYỆN

VẤN ĐỀ 26:  Bạn là người tin có Thiên Chúa. Vậy khi bạn đau ốm mà chỉ cầu khẩn suông thì có được Chúa cho khỏi bệnh không? Hoặc khi bạn đói mà chỉ cầu nguyện thì Chúa có ban cho bạn cơm bánh không? Còn tôi, tôi chẳng cần phải tin có Chúa hay thần Phật nào cả, thế mà tôi đâu có thua gì bạn? Khi đau ốm, tôi chẳng cần cầu xin ai, mà chỉ cần uống thuốc cũng khỏi. Khi đói tôi cũng chẳng cầu khấn ai mà chỉ cần làm việc là có ăn. Như vậy, tin thờ Thiên Chúa là hành động vô ích và ngu ngốc.

Hơn nữa, cầu xin Thiên Chúa ban ơn phúc còn là một thái độ nô lệ, mất tự do, bị vong thân, và mất quyền làm chủ đời mình.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

Một số người đã quan niệm sai lầm về đức tin tôn giáo: Theo họ thì đức tin chính là một phương thế để con người dễ dàng thỏa mãn các nhu cầu mà không phải vất vả nhiều. Khi muốn được Thiên Chúa ban ơn, họ chỉ cần dâng ít hoa trái, nhang đèn, tiền bạc, kèm theo lời khấn nguyện giống như niệm thần chú, là hy vọng sẽ được thỏa mãn yêu cầu. Bên cạnh những người mê tín nói trên, một số khác lại dựa vào khoa học để phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và phi bác việc cầu nguyện. Theo họ, không có Thiên Chúa hay thần linh nào cả. Muốn thỏa mãn các nhu cầu, người ta chỉ cần tuân theo quy luật tự nhiên là đủ. Chẳng hạn: Muốn có lương thực, không cần phải cầu xin ai, chỉ cần lao động theo kỹ thuật và hợp thời vụ là đủ; Khi bị bệnh không cần phải cầu khấn ai mà chỉ cần uống thuốc theo toa bác sĩ sẽ khỏi… Từ đó họ đi đến kết luận: tin thờ Thiên Chúa là việc làm vô ích ngu ngốc, bị vong thân và mất quyền làm chủ đời mình…

Vậy ý nghĩa đích thực của cầu nguyện là gì? Thái độ cầu xin Thiên Chúa phải chăng là một việc làm vô ích, ngu ngốc, bị vong thân và mất quyền tự chủ ?

1) Cầu nguyện là gì ?

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công giáo cho biết, cầu nguyện là "một sự liên lạc sống động giữa cá nhân mỗi người với Thiên Chúa hằng sống... mối tương quan sống động của con cái Thiên Chúa với Cha trên trời" (số 2558, 2565). Cầu nguyện chính là một hành vi của người có đức tin. Là một cuộc nói chuyện tâm sự giữa con người với Thiên Chúa như con cái thưa chuyện với cha mình. Qua đó, họ ngợi khen những kỳ công Thiên Chúa đã làm, cảm tạ những ơn lành Ngài đã thương ban, ăn năn sám hối tội lỗi đã trót phạm, phó thác cậy trông vào tình thương cứu độ của Chúa, và cầu xin Chúa ban các ơn lành hồn xác cho mình và tha nhân.

2) Giá trị của sự cầu nguyện:

Cầu nguyện là một hành vi cao quí và khôn ngoan của con người có lý trí. Cầu nguyện không làm cho con người bị vong thân, mất quyền làm chủ đời mình như có người lầm tưởng:

a) Một hành vi cao quí:

Cao quí vì là thái độ nhân linh: chỉ con người mới có khả năng suy luận, mới biết đặt câu hỏi “tại sao” trước mọi vấn đề… Triết gia Blaise Pascal (1623-1662) trong tác phẩm Suy tư (La Pensees) đã đề cao giá trị của con người biết suy tư như sau: “Con người chỉ là một cây sậy yếu đuối trong tự nhiên… Chỉ cần một chất hơi, một giọt nước cũng đủ kết liễu cuộc sống của nó. Tuy nhiên con người vẫn cao quý vô cùng, vì con người biết suy nghĩ, đang khi vũ trụ tuy to lớn nhưng lại chẳng biết gì…”.

Cao quí vì là thái độ hiếu thảo: Chỉ con người mới có lòng hiếu thảo biết ơn Thiên Chúa thể hiện qua lời cầu nguyện, giống như con cái tỏ lòng hiếu kính qua việc năng thưa chuyện với cha mẹ của mình.

b) Một hành động khôn ngoan:

Khôn ngoan khi biết tự lượng sức mình và biết tiên liệu: Thực vậy, trong đời sống thường ngày, mỗi khi đứng trước một công việc lớn lao, người khôn ngoan sẽ biết suy nghĩ và sẵn sàng nhờ cậy người khác trợ giúp. Cũng thế, người tín hữu khi đứng trước một công việc trọng đại vượt quá sức tự nhiên, sẽ biết khôn ngoan xin ơn Chúa giúp như Đức Giê-su đã dạy môn đệ phải biết cậy nhờ vào sự trợ giúp của Người: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5c).

3) Những điều nên làm và nên tránh khi cầu nguyện: 

a) Cần tránh thói lười biếng ỷ nại nhưng biết cộng tác với Thiên Chúa để làm mọi việc phù hợp với quy luật thiên nhiên do Thiên Chúa đã an bài:

- Tuy ý thức Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự, nhưng các tín hữu phải tránh thái độ lười biếng ỷ nại khi chỉ biết cầu khấn suông mà không chịu khó làm việc để đạt mục đích. Thiên Chúa đã dựng lên loài người có trí khôn và tay chân… không phải để họ khoanh tay đứng nhìn, nhưng để họ cộng tác với Ngài làm chủ thiên nhiên, như Ngài đã truyền cho nguyên tổ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28).

- Loài người phải tuân theo những định luật thiên nhiên do Chúa đã an bài. Chẳng hạn: khi đau ốm phải biết tìm phương thế chữa trị; Muốn có lương thực phải biết gieo trồng đúng thời vụ và dựa theo luật tự nhiên do Thiên Chúa đã an bài. Thiên Chúa chỉ làm phép lạ trong một vài trường hợp thật đặc biệt nhằm để biểu lộ quyền năng hoặc củng cố đức tin để ban ơn cứu độ cho con người mà thôi.

b) Cần tránh đòi Thiên Chúa phải đáp ứng mọi nhu cầu theo ý riêng mình, nhưng phải sẵn sàng tuân theo ý Chúa:

- Vì sẽ là điều vô lý: Giả như một người xin Chúa cho trời mưa để ruộng mới gieo giống có thể nẩy mầm, đang khi người khác lại xin Chúa cho nắng ráo để sân lúa đang phơi được mau khô… Hoặc một người bán hòm người chết xin Chúa cho bán đắt hàng, đang khi người có thân nhân đau nặng lại cầu xin Chúa cho mau lành bệnh và khỏi phải chết… thì khi ấy không biết Thiên Chúa sẽ phải nghe lời cầu xin của ai ?

- Vì sẽ gây mất trật tự: Nếu Thiên Chúa phải đáp ứng mọi lời cầu để thỏa mãn theo nhu cầu riêng tư của con người thì mọi sự sẽ trở nên hỗn loạn: Các quy luật thiên nhiên như thời tiết nắng mưa, mùa màng… sẽ thay đổi liên tục và xã hội chắc chắn sẽ mất an toàn trật tự.

- Trong thực tế người tín hữu sẽ năng cầu xin Thiên Chúa ban ơn theo thánh ý Thiên Chúa thay vì đòi Chúa phải thỏa mãn theo ý riêng mình, noi gương Đức Giê-su trong vườn Ghết-sê-ma-ni đã cầu nguyên như sau: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Khi đau ốm các tín hữu chúng ta hãy cầu xin Chúa cho được “gặp thầy gặp thuốc” và sẵn sàng uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

3) Giải đáp vấn đề:

a) Phải ưu tiên tuân theo quy luật thiên nhiên của Thiên Chúa: Con người dù tin hay không tin Thiên Chúa cũng đều phải tuân theo các quy luật tự nhiên do Thiên Chúa đã an bài: Muốn có lương thực phải gieo trồng đúng thời vụ hợp với khoa học kỹ thuật. Muôn khỏi bệnh cần chữa trị tại bệnh viện và uống thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Ngoài ra, người tín hữu cần cầu xin Chúa cho được gặp thày gặp thuốc để mau khỏi bệnh thay vì chỉ cầu khấn suông hoặc uống nước suối Đức Mẹ thay thuốc chữa bệnh để đòi được hưởng phép lạ …

b) Thiên Chúa muốn các tín hữu vừa phải cầu xin, lại vừa phải theo các quy luật thiên nhiên: Thiên Chúa chỉ can thiêp làm phép lạ khi muốn chứng tỏ quyền năng của Ngài, hoặc để củng cố đức tin của các tín hữu hầu giúp họ được hưởng ơn cứu độ mà thôi.

- Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã làm nhiều phép lạ nhằm mục đích ấy như sau: Người biến nước lã thành rượu nho tại tiệc cưới thành Ca-na để “Bày tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11); Người truyên cho sóng gió Biển Hồ yên lặng để các môn đệ nhận biết quyền năng Thiên Chúa của Người, như các ông đã ngạc nhiên nói với nhau rằng: “Người này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?” (Mt 8,27); Người đi trên mặt Biển Hồ trong đêm tối để mặc khải Thần tính của Người qua lời Người trấn an các môn đệ: “Chính Thầy đây, đừng sợ !” (Ga 6,19-20); Người nhân bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn no chỉ với năm cái bánh và hai con cá để chứng minh sứ vụ Thiên Sai khiến dân chúng đã thốt lên: “Hẳn ông này là vị Ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian (Ga 6,14);

- Đức Giê-su làm phép lạ để chứng minh sứ vụ Thiên Sai đã được các ngôn sứ tiên báo. Chẳng hạn: Để các đầu mục Do thái biết Người có quyên tha tội dưới đất, Người nói với kẻ bất toại: “Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà” (Mc 2,11). Tin Mừng Mát-thêu cũng viết như sau: “Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành. Khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en” (Mt 15,30-31).

c) Còn những ai vô tín: cố tình nhắm mắt trước những thực tại chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa và không chịu bày tỏ lòng hiếu thảo biết ơn Ngài, cũng đừng vội tự mãn về thái độ vô ơn bất nghĩa của mình. Sở dĩ họ không bị thua kém những người có đức tin về phạm vi vật chất là do Thiên Chúa nhân từ vẫn đang nhẫn nại chờ đợi họ hồi tâm. Nhưng lòng nhân từ cũng có giới hạn: sẽ đến ngày vào lúc họ không ngờ, vào giờ họ không biết, Ngài sẽ gọi linh hồn họ ra trước tòa phán xét, bấy giờ họ sẽ không thể bào chữa về thái độ vô ơn bất hiếu, cố tình ngoảnh mặt làm ngơ trước tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Trong dụ ngôn “Mười cô trinh nữ”, chàng rể Giê-su đã nói với năm cô trinh nữ khờ dại không mang theo dầu đức tin rằng: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả !" (Mt 25,12). Những kẻ vô tín, chỉ lo tìm kiếm của cải vật chất ở đời này sẽ phải nghe lời quở trách của Thiên Chúa như sau: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó, sẽ về tay ai?” (Lc 12,16-21). Thái độ vô tín ấy mới thực là ngu ngốc, bị vong thân và mất quyên làm chủ đời mình.

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối." (Mc. 14,38).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Cha từ bi nhân ái, chúng con nguyện xin cho Danh Cha luôn cả sáng và Nước Cha trị đến. Xin cho chúng con được bình an và gặp mọi sự an lành. Xin đừng để chúng con rơi vào cạm bẫy của ma quỷ. Xin ban sức mạnh để chúng con kiên tâm vững bước theo chân Chúa Giê-su đến cùng.- AMEN.

 

CHƯƠNG VI

CÁC VẤN ĐỀ VỀ CON NGƯỜI

I. ĐỨC TIN VÀ ĐẠO HIẾU

VẤN ĐỀ 27 :

Đi đạo là bất hiếu đối với cha mẹ, vì phải bỏ việc cúng giỗ, thờ kính cha mẹ mà một người con hiếu thảo không thể không chu toàn.

GIẢI ĐÁP:

A.TRÌNH BÀY:

1) Bổn phận hiếu thảo với cha mẹ là gì ?

Một người con hiếu thảo là người luôn biết ơn cha mẹ, biết làm vui lòng cha mẹ trong những điều hợp lý phải đạo. Khi cha mẹ già yếu, người con hiếu thảo sẽ phải lo săn sóc phụng dưỡng. Khi cha mẹ qua đời, người con hiếu thảo sẽ phải tưởng nhớ và cố gắng làm mọi việc để cha mẹ được vui vẻ hạnh phúc.

2) Theo đạo công giáo có bất hiếu với cha mẹ không ?

Người theo đạo Công giáo không những không bất hiếu, mà còn là người con có hiếu cách sáng suốt nữa, vì những lý do như sau:

a) Những ai cho rằng: phải cúng đồ ăn thức uống cho cha mẹ đã chết để các ngài khỏi trở thành những cô hồn bơ vơ đói khát… là điều vô lý và mê tín. Ngày nay có lẽ không ai có chút hiểu biết còn tin rằng: linh hồn người chết cũng có thể ăn đồ ăn thức uống vật chất giống như người sống. Tuy nhiên, nếu coi việc cúng giỗ cha mẹ là một phong tục, một hành động biểu lộ lòng hiếu thảo tưởng nhớ công ơn cha mẹ, thì Hội Thánh Công giáo khuyến khích người tín hữu thực hiện, miễn là tránh những việc dị đoan trái đức tin công giáo, đồng thời cần giải thích khi co người thắc mắc về lý do việc làm bày tỏ lòng hiếu kính ông bà cha mẹ theo phong tục Việt nam của mình.

b) Nếu nói rằng: hiếu thảo là phải nhớ đến cha mẹ trong những ngày giỗ chạp thì người tín hữu công giáo cũng đã thực hiện, và hơn thế nữa khi còn làm nhiều việc hữu ích thực sự cho cha mẹ. Người lương chỉ nhớ đến cha mẹ và người thân trong các ngày sóc, vọng, rằm hoặc ngày kỵ, giỗ, tết… Còn người công giáo luôn nhớ đến cha mẹ và người thân đã chết mỗi khi đọc kinh dự lễ hằng ngày. Rồi vào các ngày giỗ chạp người tín hữu còn xin lễ cầu cho cha mẹ và người thân sớm được thanh luyện tội lỗi để được về thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời. Như vậy theo đạo đâu phải là bất hiếu, bỏ quên bổn phận chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ.

c) Có người lại lập luận: không thờ cúng ông bà cha mẹ theo truyền thống từ ngàn xưa là một thái độ bất hiếu.

Nhưng nếu vậy thì hết mọi người chúng ta đều bất hiếu: Ai không tiếp tục ở trong ngôi nhà cũ của cha mẹ, không mặc y phục giống như cha mẹ khi xưa cũng là bất hiếu ! Nhưng ngày nay không ai chấp nhận tư tưởng lỗi thời ấy nữa. Xưa kia cha ông đi bộ, nhưng ngày nay con cháu khi có việc đi xa và có hoàn cảnh thuận tiện lại dùng xe gắn máy, xe hơi, tàu hỏa, máy bay…, thế mà đâu có ai cho là bất hiếu. Ngày xưa, khi khiêng quan tài cha mẹ ra nghĩa trang phải đi bộ, và đi thật chậm đến độ không được làm đổ cốc nước để trên áo quan. Người ta cho rằng: Di chuyển quan tài chậm từng bước như vậy mới là đám ma lớn và mới cho thấy con cháu có hiếu. Thế nhưng ngày nay quan niệm đã đổi khác: người ta đã bỏ những thói tục rườm rà cổ hủ để thích nghi với hoàn cảnh xã hội văn minh tân tiến. Không ai còn nghĩ: xe hơi chở quan tài cha mẹ đi nhanh đến nghĩa trang là bất hiếu nữa… Như vậy: bỏ những cái cổ hủ vô lý, lỗi thời… để chấp nhận những điều mới mẻ hợp lý, thích nghi với hoàn cảnh xã hội văn minh… không phải là bất hiếu. Cũng vậy: bỏ đạo tự nhiên do con người lập ra để theo đạo siêu nhiên bắt nguồn từ trời đâu phải là bỏ cha mẹ và bất hiếu.

TÓM LẠI :Người theo đạo công giáo không phải là người con bất hiếu như có người lầm tưởng. Không những không quên công ơn cha mẹ, người công giáo còn luôn nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và còn làm nhiều việc hữu ích thực sự cho cha mẹ nữa.

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô khuyên dạy con cái phải tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ như sau: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Trong thời gian ẩn dật tai Na-da-rét, Chúa đã luôn yêu mến vâng lời cha mẹ là hai ông bà Giu-se và Ma-ri-a, làm cho cha mẹ được vui lòng như tin mừng Lu-ca đã ghi nhận sau biến cố bị lạc năm 12 tuổi như sau: “Sau đó, Người đã đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51).

Xin cho mỗi tín hữu chúng con hôm nay biết ý thức bổn phận phải hiếu thảo với cha mẹ, là những đấng thay quyền Chúa sinh thành, dưỡng dục chúng con… để chúng con biết đền đáp công ơn của các ngài, bằng việc chăm sóc phụng dưỡng khi các ngài còn sống, năng xin lễ cầu nguyện và làm nhiều việc lành thay các ngài sau khi các ngài qua đời, noi gương Chúa khi xưa luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha (x. Mt 3,17).

 

II. VỀ ĐẠO LÀM NGƯỜI

VẤN ĐỀ 28:

Không cần phải theo đạo nào cả, chỉ cần ăn ngay ở lành, giữ đạo làm người là đủ.

GIẢI ĐÁP :

A.TRÌNH BÀY:

1. Đạo làm người là phong cách sống để trở thành một con người lương thiện, tự chủ, tự trọng và trưởng thành về nhân cách, thể hiện qua việc chu toàn các bổn phận đối với bản thân, gia đình, xã hội, đất nước… Được như vậy đã là điều tốt đẹp và đáng trân trọng. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta thấy vẫn chưa đủ, nếu không chu toàn bổn phận đối với Tạo Hóa là Đấng đã dựng nên muôn vật muôn loài, đặc biệt loài người chúng ta, và hằng thương yêu săn sóc để chúng có thể tồn tại và ngày càng phát triển theo thánh ý Ngài.

2. Bổn phận nhận biết tôn thờ Thiên Chúa:

Thực vậy, dù không nhìn thấy Thiên Chúa vì Ngài là Đấng thiêng liêng vô hình, nhưng loài người có trí khôn, biết suy luận từ hậu quả đến nguyên nhân, từ cái đã biết đến điều chưa biết… nên còn phải nhận biết có Tạo Hóa là Đấng đã tạo nên vũ trụ vạn vật và an bài mọi sự… Từ đó, họ sẽ chu toàn bổn phận hiếu thảo với Thiên Chúa bằng việc tôn thờ, tạ ơn và vâng lời Ngài.

Tóm lại: Muốn giữ đạo làm người, muốn sống xứng đáng là một con người có trí khôn trổi vượt muôn loài, thì ngoài việc phải chu toàn các bổn phận đối với xã hội và bảo tồn thiên nhiên, loài người chúng ta còn có bổn phận phải tin thờ biết ơn Thiên Chúa nữa. Ai cố tình từ chối tôn thờ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mình và hằng ban muôn ơn lành hồn xác cho mình thì không được coi là đã giữ đạo làm người cách xứng đáng đầy đủ được.

B.PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

2) LỜI CẦU: Lạy Thiên Chúa Cha từ ái. Xin cho chúng con biết năng nghĩ đến người khác để sống đạo làm người, biết sống tình mến Chúa yêu người để nên con yêu dấu của Chúa, biết học sống giới răn yêu thương để nên môn đệ thực sự của Đức Giê-su và sống chứng nhân bác ái để chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng theo lệnh Người truyền. Xin cho chúng con luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa Giê-su là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, để sau này cùng được chia sẻ hạnh phúc Nước Trời với Người. AMEN.

 

III. ĐÂU LÀ TÔN GIÁO ĐÍCH THỰC ?

VẤN ĐỀ 29:

Trên thế giới ngày nay có rất nhiều tôn giáo và tôn giáo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, cũng tự cho tôn giáo của mình là đích thực bắt nguồn từ trời. Vậy làm thế nào để phân biệt: đâu là tôn giáo thực sự do Thiên Chúa ? Đâu là con đường dẫn đến Thiên Chúa cách chắc chắn nhất và mang lại hạnh phúc cho con người ?

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY:

1) Câu chuyện : Tôn giáo nào tốt nhất ?

Tại một cuộc hội thảo bàn tròn về tôn giáo và tự do có Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi cùng tham dự. Lúc tạm nghỉ, tôi hỏi ngài, vừa tinh nghịch vừa tò mò: “Thưa ngài, tôn giáo nào tốt nhất?”.

Tôi nghĩ ngài sẽ nói: “Phật giáo Tây Tạng” hoặc “Các tôn giáo phương đông lâu đời hơn Ki-tô giáo nhiều”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma trầm ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi… Điều này làm tôi ngạc nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh. Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”. 

Để dấu sự bối rối của tôi trước một câu trả lời đầy khôn ngoan như thế, tôi hỏi: “Cái gì làm tôi tốt hơn?”. Ngài trả lời: “Tất cả cái gì làm anh biết thương cảm hơn, biết theo lẽ phải hơn, biết từ bỏ hơn, dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, có trách nhiệm hơn, có đạo đức hơn. Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất”.

Tôi thinh lặng giây lát, lòng đầy thán phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến câu trả lời đầy khôn ngoan và khó phản bác của ngài.

Ngài nói tiếp: “Anh bạn ơi, tôi không quan tâm đến tôn giáo của anh hoặc anh có ngoan đạo hay không”. “Điều thật sự quan trọng đối với tôi là cách cư xử của anh đối với người đồng đẳng, gia đình, công việc, cộng đồng, và đối với thế giới”. “Hãy nhớ rằng vũ trụ dội lại hành động và tư tưởng của chúng ta”. “Quy luật của hành động và phản ứng không chỉ dành riêng cho vật lý. Nó cũng được áp dụng cho tương quan con người. Nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành. Nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão”. “Những gì ông bà nói với chúng ta là sự thật thuần túy. Chúng ta luôn nhận được những gì chúng ta mong ước cho người khác. Hạnh phúc không phải là vấn đề số mệnh. Đó là vấn đề lựa chọn”.

Cuối cùng ngài nói: “Hãy suy tư cẩn thận vì Tư Tưởng sẽ biến thành Lời Nói. Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời Nói sẽ biến thành Hành Động. Hãy hành xử cẩn thận vì Hành Động sẽ biến thành Thói Quen. Hãy chú trọng Thói Quen vì chúng hình thành Nhân Cách. Hãy chú trọng Nhân Cách vì nó hình thành Số Mệnh, và Số Mệnh của anh sẽ là Cuộc Đời của anh… và… Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật”.

(Nguồn: ww.lamhong.net)

2) So sánh các tôn giáo:

Quan sát sinh hoạt của con người trên thế giới từ xưa đến nay, ta thấy xuất hiện rất nhiều tôn giáo khác nhau tùy theo trình độ văn minh và ở nhiều địa phương… đến nỗi một triết gia đã định nghĩa: “Con người là con vật có tôn giáo”.

Sở dĩ con người có tôn giáo chính là vì con người có trí khôn biết suy luận từ cái đã biết đến điều chưa biết, từ hậu quả đến nguyên nhân, nên con người đã sớm biết có Đấng Tạo hóa, và do lòng biết ơn thúc đẩy con người đã biểu lộ bằng các hình thức lễ bái tôn thờ. Đó là lịch sử của tôn giáo xét trên bình diện tự nhiên.

Tuy nhiên, khi so sánh các tôn giáo với nhau, chúng ta nhận thấy: ngoài một số điểm tương đồng như đều tin có Đấng Thiêng Liêng vượt trên con người, được gọi bằng những Danh xưng khác nhau, cùng tin thế giới bên kia là nơi thưởng người lành và phạt kẻ dữ, đều dạy tín đồ phải ăn ngay ở lành… còn có rất nhiều dị biệt về giáo lý và luân lý, có khi mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn:

- Về giáo lý: Các tôn giáo có những quan niệm khác biệt về bản tính của Thiên Chúa: Phải chăng Thiên Chúa là Nguyên Khí Linh Hư (Drahman) như Ấn độ giáo chủ trương, hay là một Đấng có nhân tín biết vui buồn giận ghét của một con người như Đấng Allah của Hồi giáo, hoặc “Thiên Chúa là Tình Yêu” của Ki-tô giáo ? Thiên Chúa duy nhất và độc tôn hay còn là Tam Vị Nhất Thể (Một Chúa Ba Ngôi) ? Hạnh phúc đời sau là Niết Bàn thoát hết phiền não, tắt hết tình dục và bất sinh bất diệt của Phật giáo, hay là Thiên Đàng đầy những lạc thú trần tục của Hồi giáo, hoặc Thiên Đàng là tình trạng con người được sống vui vẻ yêu thương hạnh phúc tròn đầy và được hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa “diện đối diện” của Kitô  giáo?...

- Về luân lý: Hồi giáo chấp nhận thói tục đa thê, cho ly dị và chấp thuận chế độ nô lệ, đang khi Ki-tô giáo đòi hỏi chế độ một vợ một chồng, cấm ly hôn và chủ trương mọi con người đều bình đẳng với nhau. Còn Phật giáo thì không có một lập trường rõ ràng về vấn đề này. Đối với kẻ thù: Hồi giáo chủ trương thánh chiến, đang khi Phật giáo và Ki-tô giáo giảng dạy sự từ bi bác ái, nhường nhịn tha thứ, yêu thương kẻ thù để biến thù thành bạn…

Những sự khác biệt nói trên cho thấy không phải giáo lý và luân lý của các tôn giáo đều là chân lý và đều có giá trị ngang nhau, vì chân lý chỉ có một. Do đó, đòi chúng ta phải sáng suốt nhận định và chọn lựa cho mình một tôn giáo đích thực, nghĩa là tôn giáo trình bày sự thật về Thiên Chúa, giúp chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, có khả năng biến đổi chúng ta nên tốtmang lại cho chúng ta hạnh phúc đời đời. Vậy làm thế nào để phân biệt đâu là tôn giáo thực sự phát xuất từ trời? Đâu là con đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa cách chắc chắn nhất?

3) Tiêu chuẩn để xác định giá trị của một tôn giáo:

 Tôn giáo là con đường giúp con người gặp gỡ Thiên Chúa là cùng đích và là hạnh phúc tuyệt đối mà con người luôn khao khát hướng về như thánh Au-gút-ti-nô đã cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con hướng về Chúa. Và tâm hồn con vẫn còn xao xuyến mãi cho đến khi nào con được nghỉ yên trong Chúa”. Do đó, tôn giáo đích thực là tôn giáo thiết lập được mối liên lạc chắc chắn và hữu hiệu nhất giữa con người với Thiên Chúa, là con đường dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa cách chắc chắn và hoàn hảo nhất như sau:

a) Về Giáo lý: tôn giáo đích thực phải có một hệ thống giáo lý hợp lý và đầy đủ, khã dĩ đáp ứng được mọi thắc mắc của con người về những vấn đề trọng đại, liên quan đến con người và Thiên Chúa, thế giới bên kia. Chẳng hạn: Tôi là ai ? Tôi sinh ra để làm gì ? Chết rồi tôi sẽ ra sao ? Tại sao có đau khổ, sự ác ? Tại sao có vũ trụ ? Bản tính Thiên Chúa thế nào ? v.v…

b) Về luân lý: tôn giáo đích thực phải có sức nâng cao đạo đức của con người, giúp tín đồ mỗi ngày nên hoàn thiện, tiến đến gần Chân Thiện Mỹ tuyệt đối là Thiên Chúa hơn.

c) Về siêu nhiên: Tôn giáo đích thực còn phải có những bằng chứng siêu nhiên là các dấu lạ chứng tỏ tôn giáo ấy bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là sản phẩm suy luận của trí khôn loài người.

4) Tôn giáo nào là tôn giáo đích thực của Thiên Chúa ?

Căn cứ theo những tiêu chuẩn nói trên ta thấy chỉ có Ki-tô giáo mới là tôn giáo đích thực vì bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa và mang lại hạnh phúc muôn đời cho con người dựa vào các bằng chứng sau:

a) Về giáo lý: Chỉ có Ki-tô giáo mới có các chân lý mặc khải toàn vẹn về Thiên Chúa, vì Đức Kitô là Đấng lập đạo chính là Con Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai đến để bày tỏ về bản tính của Ngài. Người chính là Lời Thiên Chúa làm người, để dẫn đưa con người đang lầm lạc trở về với Thiên Chúa. Chỉ một mình Người mới dám tự xưng: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Chỉ mình Người mới là Lời của Thiên Chúa nói với loài người, đã đưa ra lời giải đáp thỏa đáng cho những vấn đề ưu tư hàng đầu của con người. Chính nhờ Đức Giê-su mà chúng ta mới biết Thiên Chúa là ai ? Ngài yêu thương ta thế nào ? và ta phải làm gì để đáp lại tình thương của Ngài ?

-Thánh Gio-an viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu: Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16).

-Đức Giê-su trả lời Phi-líp-phê: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ”Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha” ? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy. Chính Người làm những việc của mình” (Ga 14,9-11).

-“Tôi với Chúa Cha là Một” (Ga 10,30).

-“Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3).

-“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

-“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu. Bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25,31-32).

-“Thế là họ (kẻ gian ác) ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sông muôn đời” (Mt 25,46).

b) Về luân lý: Các tôn giáo nói chung đều dạy tin đồ phải ăn ngay ở lành, phù hợp với lương tâm con người. Đây chính là luật luân lý tự nhiên do Thiên Chúa đã phú ban cho con người ngay từ khi mới sinh. Ai cũng suy nghĩ giống nhau: Ăn cắp là xấu và người ta không được lấy cắp chiếm đoạt tài sản của người khác, phải có lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ và những người làm ơn cho mình… Các vị giáo tổ cũng giúp con người trong thời đại của các ngài hướng thượng và sống ăn ngay ở lành. Vì thế, nhiều người đã cho rằng: “Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành nên đạo nào cũng tốt như nhau”. Tuy nhiên, nếu điều tốt có nhiều cấp độ như: Khá tốt, tốt vừa, rất tốt, cực kỳ tốt, tốt nhất… thì sự tốt đẹp của các tôn giáo cũng có mức độ khác nhau từ thấp lên cao. Đàng khác, điều quan trọng trong các tôn giáo không những là dạy làm tốt, mà còn phải có những phương thế hữu hiệu giúp cải tạo các tín đồ từ xấu nên tốt nữa. Về vấn đề này thì chỉ có Ki-tô giáo mới có đủ điều kiện trở thành tôn giáo tốt nhất giúp các tín hữu nên tốt lành thánh thiện, nhờ một nên giáo lý luân lý hoàn hảo, và còn cung cấp các phương thế hữu hiệu giúp các tín hữu thành tâm ngày một nên tốt lành thánh thiện hơn.

Thực vậy: Đấng sáng lập Ki-tô giáo là Đức Giê-su vừa là người vừa là Con Thiên Chúa. Người đã được Chúa Cha xác nhận là “Con yêu dấu, luôn làm đep lòng Cha” (x Mt 5,17; 17,5). Người có sứ mệnh thánh hóa loài người, bằng việc đến gặp các tội nhân để thánh hóa họ nên công chính, vì “người đau yếu mới cần thầy thuốc” (x. Mt 9,12), và “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Người biến đổi con người nên tốt lành thánh thiện bằng Lời quyền năng và nhờ ơn Thánh Thần được ban qua các phép bí tích do Hội Thánh cử hành. Nhờ đó, người tín hữu sẽ có khả năng ngày một nên hoàn thiện hơn.

c) Về siêu nhiên:

Để chứng minh sứ mệnh và nguồn gốc từ nơi Thiên Chúa, Đức Giê-su đã thực hiện mọi lời các ngôn sứ tuyên sấm về thân thế và sứ mệnh của Đấng Thiên Sai (x. Lc 4,17-21), đồng thời Người đã làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế như: Cho kẻ què được đi (x. Ga 5,8-9), kẻ mù được thấy (x. Mt 9,27-31), người câm nói được (x. Mt 9,32-34); phong cùi được sạch (x. Mt 8,1-4); kẻ chết sống lại (x. Ga 11,43-44)… Ngoài ra, Người cũng có quyền lực lạ lùng trên thiên nhiên: Nhân bánh ra nhiều (x. Ga 6,1-14), biến nước thành rượu (x. Ga 2,1-11), dẹp yên bão táp (x. Lc 8,22-25), chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền trong dân (x. Mc 1,34), trừ quỷ (X. Mt 8,28-34), phục sinh kẻ chết (x. Ga 11,43-44). Cuối cùng phép lạ lớn nhất là đã từ cõi chết sống lại khi chết chưa đủ ba ngày như Người đã báo trước (x. Lc 24,1-43).

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được những phép lạ như Đức Giê-su đã làm. Qua đó cho thấy: Đức Giê-su chính là Đấng “Em-ma-nu-el”: nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Đàng khác, Đức Giê-su cũng phải là một con người trung thực, như người mù đã nhận định với các đầu mục dân Do thái: “Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi. Còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy… Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9,31.33). Nên có thể nói: Tất cả những gì Đức Giê-su dạy về Thiên Chúa cho loài người chúng ta đều là sự thật như Tin Mừng Gio-an đã viết: “Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Ðức Giê-su Ki-tô mà có. Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,17-18).

d) Về sự Bền vững: Ngoài ra, còn một bằng chứng hùng hồn chứng tỏ Ki-tô giáo là tôn giáo đích thực bắt nguồn từ Thiên Chúa đó là việc Hội thánh của Chúa Ki-tô vẫn luôn tồn tại dù đã trải qua rất nhiều trở lực và không ngừng bị bách hại do các thế lực vua quan bên ngoài cũng như do ma quỷ xúi giục chia rẽ từ trong nội bộ… :

- Bách hại từ bên ngoài:

Thế kỷ I–III: những cuộc bắt bớ của dân Do thái và bách hại của các hoàng đế La Mã.

Thế kỷ V: Những cuộc xâm lăng của dân man di.

Thế kỷ X–XIV: Những mưu toan lợi dụng tôn giáo của chế độ vua chúa phong kiến.

Thế kỷ XVIII: Giáo hội bị bách hại do cuộc cách mạng Pháp.

Thế kỷ XIX–XX: Giáo hội vẫn tiếp tục bị bách hại ở nhiều nơi: Bè Nhiệm ở Pháp, Quốc xã tại Đức v.v…

- Chia rẽ từ bên trong:

Thế kỷ II: Bè rối chủ trương trong vũ trụ có hai nguyên lý: sự lành là Thiên Chúa, sự dữ là vật chất. Thân xác là vật chất nên thuộc về sự dữ. Từ đó cho rằng Chúa Giê-su chỉ có dáng vẻ thân xác chứ không có thân xác thực sự. Nói cách khác: Không có mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.

Thế kỷ IV: Thuyết Arius chủ trương: Chúa Giê-su không có Thiên tính. Như vậy, Chúa Con không đồng bản thể với Chúa Cha và không ngang bằng Chúa Cha.

Thế kỷ V:

Nestorius lại chủ trương: Chúa Giê-su không những có hai tính mà còn có hai Ngôi. Do đó, Đức Mẹ Ma-ri-a không thể được gọi là Mẹ Thiên Chúa, mà chỉ là mẹ con người Giê-su thôi.

Eutyches thì lại chủ trương ngược lại: Chúa Giê-su chỉ có một bản tính là bản tính Thiên Chúa.

Thế kỷ IV–V: Pélage chủ trương: con người có thể tự mình không cần Ơn Chúa cũng có thể được rỗi linh hồn.

Thế kỷ IX–X: Ly giáo Chính Thống Đông Phương đòi ngang hàng với Rôma. Như vậy bao nhiêu nước Phương Đông là có bấy nhiêu Giáo hội: Hy Lạp, Nga, Lỗmani v.v…

Thế kỷ XII–XIII: Albigeois ở Pháp chủ trương có hai thần: Thần lành và thần dữ. Các tín hữu chia làm hai lớp: lớp trọn lành sống nhiệm nhặt và không kết hôn, và lớp người thường sống theo tình dục xác thịt. Các tín hữu cần phải hãm mình đền tội và tránh việc vợ chồng.

Thế kỷ XV–XVI: Phong trào Phục Hưng, trở lại nguồn cảm hứng của thời thượng cổ ngoại giao: lý trí độc lập, bỏ tất cả quyền hành hay luật luân lý, chủ trương khoái lạc.

Thế kỷ XVI: Tin Lành ra đời do Luther khởi xướng. Giáo phái này chống lại Giáo hội về các vấn đề quan trọng như: vấn đề ân xá, tín điều Tội Tổ Tông, về sự giải thích Kinh Thánh, về sự độc thân của Hàng Giáo sĩ v.v… Sau đó phái này lan truyền đi khắp nơi ở Âu Châu tạo thành rất nhiều giáo phái khác nhau. Ở Thụy Sĩ có Zwingle, ở Pháp chịu ảnh hưởng của Calvin, ở Anh hoàng đế Henri 8 bất mãn với Giáo Hoàng Clêmentê 7 về hôn nhân và tách ra thành lập Anh giáo.

Thế kỷ XVII: tà thuyết Jansénius chủ trương rằng: con người không thể tự mình làm được gì, phần rỗi linh hồn hoàn toàn do Thiên Chúa tiền định.

Thế kỷ XVIII–XX: Các triết thuyết vô tín ngưỡng xuất hiện rất nhiều tấn công Giáo hội khắp nơi. Ở Đức có Karl Marx, Nietzsche. Ở Pháp có Voltaire, Reman, Anatole France, Jean Paul Sartre…

Nhưng trước sự tấn công tứ bề cả bên ngoài do thế quyền, cũng như từ bên trong về giáo lý của những kẻ thù nghịch, Giáo Hội Chúa Ki-tô vẫn anh dũng vượt qua và tiếp tục đứng vững. Pascal nói: “Có điều kỳ diệu và hoàn toàn thần linh là tôn giáo này luôn bị đả kích mà vẫn luôn tồn tại. Ngàn lần hầu như sắp bị tiêu diệt toàn diện, và mỗi lần trong tình trạng này, Thiên Chúa lại dùng quyền năng mà nâng dậy… Tôn giáo này được duy trì và không ngừng lan truyền đi khắp nơi. Đó là bằng chứng cho thấy tôn giáo này là của Thiên Chúa”. Thực đúng như lời Chúa Giê-su đã nói với Si-mon Phê-rô: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (x. Mt 16,18).

TÓM LẠI: Chỉ có Ki-tô giáo mới có đầy đủ tiêu chuẩn của một tôn giáo đích thực:

-Có một nền giáo lý vững chắc, đáp ứng được những thắc mắc của con người về các vấn đề nhân sinh;

-Có một nền luân lý lành mạnh giúp con người ăn ngay ở lành xứng đáng với phẩm giá con người;

-Có những phương thế chắc chắn để biến đổi con người ngày một nên hoàn thiện hơn;

-Và cuối cùng còn có những bằng chứng siêu nhiên nơi Đức Giê-su, nơi Hội Thánh Công Giáo do Người thiết lập và được Người luôn bảo vệ vượt qua bao gian nan thử thách.

Do đó, những ai muốn gặp gỡ Thiên Chúa, muốn sống một cuộc đời xứng đáng làm người có trí khôn; muốn được sống an vui ngay từ đời này và bảo đảm một cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu là thiên đàng đời sau, phải chọn đi trên con đường ngắn nhất và chắc chắn nhất là Đức Giê-su như Người đã nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Con đường đó là đường “Qua đau khổ vào vinh quang”, đó chính là con đường của đạo Công Giáo. Công đồng Va-ti-ca-nô II cũng khẳng định: “Những ai biết rằng Hội Thánh Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Hội Thánh ấy, thì không thể được cứu rỗi”. (Hiến chế tin lý về Giáo Hội – LG số 14).

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

2) LỜI CẦU:

- Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin Cha đổ ơn Thánh Thần giúp chúng con thêm lòng tin, cậy, mến nơi Con Cha là Đức Giê-su Ki-tô. Xin giúp chúng con vững tin Người là Đấng Ki-tô và là Con yêu của Cha như Tông đồ Phê-rô đã tuyên xưng (x. Mt 16,16). Xin cho chúng con trung thành với đức tin công giáo và tông truyên. Chúng con xác tín rằng: chỉ có Đức Giê-su mới là con đường duy nhất dẫn đưa chúng con lên trời với Cha (x. Ga 14,6 b). Xin cho chúng con biết vâng nghe Lời Con yêu dấu của Cha là Đức Giê-su (x. Mt 17,5) và luôn sống kết hiệp mật thiết với Người.

- Chúng con biết rằng: Trước khi sai Đức Giê-su đến, Cha cũng đã soi sáng cho một số vị giáo tổ nhận biết phần nào sự thật về Cha là: tin có Ông Trời như một số câu ca dao như: “Lạy Trời mưa xuống lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”; “Trời xanh có mắt”, “Lưới Trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt”… Qua lời dạy mọi người phải ăn ngay ở lành của các vị giáo tổ, Cha chuẩn bị cho loài người nhận biết Đấng Thiên Sai là Đức Giê-su. Từ đây, chỉ những ai tin vào Danh Đức Giê-su, thực hành theo giáo huấn của Người và đi theo con đường “qua đau khổ vào vinh quang” của Người mới được về trời hưởng hạnh phúc đời đời. Ai cố tình không tin vào Người, biểu lộ qua thái độ từ chối sống theo Lời Người, không muốn gia nhập vào Hội Thánh Công Giáo là Nước Trời do Người thiết lập… là tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ của Người.

- Xin cho chúng con vững tin vào Đức Giê-su và quyết tâm sống giới răn “Yêu thương” của Người, luôn kết hiệp với Người và mở lòng đón nhận ơn Thánh Thần của Người để tích cực góp phần chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Người (x. Cv 1,8) từ trong gia đình đến khu xóm và mọi lúc mọi nơi… để giúp nhiều người nhận được cứu độ.- AMEN.

 

IV. CÓ BUỘC CẢI ĐẠO KHI KẾT HÔN VỚI NGƯỜI CÔNG GIÁO KHÔNG ?

 

VẤN ĐỀ 30:

Tại sao người lương muốn kết hôn với người bạn trai hay gái công giao đều phải cải đạo rồi mới được kết hôn tại nhà thờ ? Phải chăng như vậy là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng ?

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY

Những đám cưới mà hai người nam nữ cùng theo đạo công giáo thì không có vần đề. Tuy nhiên những đám cưới mà cô dâu chú rể khác tín ngưỡng. Chẳng hạn: người Công Giáo lấy người Phật Giáo, đạo ông bà, người không tôn giáo… thì ngoài các thủ tục theo phong tục tập quán giữa hai gia đình đàng trai đàng gái và thủ tục làm giấy công nhận kết hôn của chính quyên, giáo luật còn đòi đôi thanh niên nam nữ phải học giáo lý hôn nhân như điều kiện bắt buộc để được cử hành hôn phối tại nhà thờ. Vậy tại sao Giáo Hội công giáo lại buộc đôi dự hôn phải học giáo lý dù một bên không theo công giáo? Giáo Hội có buộc người lương phải cải đạo để theo đạo công giáo trước khi cử hành hôn lễ tại nhà thờ không?

1) Việc buộc học giáo lý hôn nhân trước khi kết hôn tại nhà thờ:

a) Chứng chỉ giáo lý hôn nhân là điều kiện để được kết hôn tại nhà thờ:

Giáo Luật đòi các đôi thanh niên nam nữ cùng đạo công giáo hoặc khác đạo (công giáo và không công giáo) muốn cử hành hôn lễ tại nhà thờ thì ngoài các giấy tờ liên quan khác, còn phải xuất trình chứng chỉ giáo lý hôn phối do linh mục chính xứ hay giám đốc trung tâm giáo lý hôn nhân có uy tín cấp.

Muốn được cấp giấy chứng chỉ giáo lý hôn phối, học viên phải làm đơn đăng ký và tham dự các tiết học. Thời gian mỗi khóa giáo lý hôn nhân kéo dài từ ba đến sáu tháng tùy theo số tiết học nhiều ít mỗi tuần. Cuối cùng học viên còn phải làm bài thi đủ điểm đậu vào cuối khóa học.

- Lý do phải học giáo lý hôn nhân:

Trước khi làm việc gì, muốn đạt kết quả thì người thực hiện phải có đủ kiến thức và trình độ chuyên môn về công việc sắp làm. Chẳng hạn: Một người muốn lái xe hơi mà thiếu kiến thức luật giao thông và thiếu kinh nghiệm thực tế lái xe sẽ có nguy cơ gây ra tai nạn hoặc vi phạm luật đi đường. Cũng vậy muôn xây dựng được một gia đình hòa hợp hạnh phúc, giáo luật đòi các đôi dự hôn phải xuất trình giấy chứng chỉ giáo lý hôn nhân cũng là điều đúng đắn hợp lý.

- Nội dung giáo lý hôn nhân:

Nội dung khóa giáo lý hôn nhân gồm các đề tài liên quan đến kiến thức cơ bản về giáo lý công giáo và việc thực hành đức tin trong đời sống hôn nhân gia đình, về các phương cách duy trì và thăng tiến tình yêu vợ chồng, về tình dục và sinh con có trách nhiệm, về việc “nuôi con khỏe dạy con ngoan” và về hôn lễ mà đôi tân hôn sẽ cử hành tại nhà thờ…

2) Việc phải cải đạo để theo công giáo khi kết hôn với người công giáo:

a) Ý muốn của các phụ huynh công giáo: Hầu như cha mẹ công giáo nào khi con cái tới tuổi trưởng thành cũng đều muốn cho chúng chọn được một người chồng hay người vợ cùng đạo để bảo toàn đức tin công giáo truyền thống của gia đình.

b) Về quyền tự do tín ngưỡng: Một người lương khi quen biết với bạn trai hay gái công giáo vẫn có quyền tự do theo hay không theo đạo công giáo: Nếu người lương không có đức tin, hoặc vì hoàn cảnh là con trai trưởng, con trai duy nhất trong gia đình phải lo cúng giỗ ông bà cha mẹ qua đời… thì không nên kết hôn với người công giáo, nhưng nên chọn kết hôn với người đồng tín ngưỡng.

c) Các giải pháp người lương có thể tự do chọn khi kết hôn với người công giáo: Nếu đã quen biết với người bạn công giáo lâu ngày và hai người đã có tình yêu thương sâu đậm không thể chia tay, hoặc đã lỡ có thai với nhau… thì người lương có thể chọn một trong các giải pháp sau:

Một là thuyết phục người bạn công giáo tiến hành đám cưới nhưng không vào nhà thờ.

Hai là ý thức đây là duyên phận trời định nên cần đăng ký học khóa giáo lý dự tòng và hôn nhân để dễ dàng sống hòa hợp hạnh phúc lâu dài với người công giáo về sau.

Ba là khi có lý do chính đáng, đôi dự hôn sẽ xin phép chuẩn hôn phối khác đạo với lời hứa sẽ tôn trọng đức tin của nhau và đồng ý cho con cái được giáo dục theo đức tin công giáo.

d) Trình tự theo học khóa giáo lý dự tòng: Việc xin chịu phép rửa tội để gia nhập đạo công giáo không dễ dàng, mà đòi người lương phải có đức tin thể hiện qua bốn bước như sau:

+ Một là đôi dự hôn sẽ đến xin linh mục chính xứ bên nam nữ công giáo hướng dẫn thủ tục xin theo đạo công giáo.

+ Hai là phải thực tập sống đức tin bằng việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật hằng tuần tại nhà thờ và tập thói quen cầu nguyện sớm tối và trước khi dùng bữa.

+ Ba là đăng ký theo học khóa giáo lý dự tòng và chăm chỉ nghe giảng bài và thảo luận các đề tài, học thuộc câu Lời Chúa và dâng lời nguyện tự phát cuối mỗi bài. Ngoài ra còn phải học thuộc một số kinh cần để cùng đọc kinh chung gia đình sau này.

+ Bốn là vào lúc cuối khóa còn phải viết đơn xin chịu các bí tích khai tâm là Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể để được gia nhập đạo, tham dự tĩnh tâm và tập lễ nghi rửa tội nữa.

e) Về sự tự nguyện: Việc học giáo lý để theo đạo là một hành vi tự nguyện chứ không bị ép buộc. Nếu một người bị ép buộc theo đạo mà không có đức tin và không thực tâm theo thì phép thánh tẩy sẽ không thành sự. Do đó nếu sau một thời gian học giáo lý mà học viên không thực lòng muốn theo, thể hiẹn qua việc không đến nhà thờ dự thánh lễ Chúa Nhật, không cầu nguyện sớm tối, không thuộc các câu Lời Chúa quan trọng và các kinh thường đọc… thì không nên viết đơn xin gia nhập đạo, để tránh tình trạng chịu phép bí tích không thành, mà còn mắc tội phạm sự thánh nữa. Người ta cũng thường phê phán những người theo đạo thiếu thành tâm này như sau: “Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi. Cho tôi được vợ tôi thôi nhà thờ! ”

g) Về phép chuẩn hôn phối khác đạo: Trường hợp một người lương muốn kết hôn với người công giáo mà vì hoàn cảnh không thuận lợi. Chẳng hạn: là con trai trưởng phải lo cúng giỗ ông bà cha mẹ, hoặc đã lỡ ăn ở với nhau mang bầu mà không đủ thời gian học giáo lý dự tòng để theo đạo, thì tùy theo sự khôn ngoan và đức bác ái mục tử, linh mục chính xứ sẽ cho đôi dự hôn tiến hành thủ tục xin phép chuẩn hôn phối khác đạo, nghĩa là hai người được phép kết hôn tại nhà thờ theo thỏa thuận “đạo ai nấy giữ”.

Đôi hôn phối khác đạo phải làm đơn xin cử hành phép chuẩn hôn phối khác đạo gửi về tòa giám mục với lời cam kết: Hai bên hứa sẽ tôn trọng tự do tín ngưỡng thể hiện qua việc tránh xúc phạm đến đức tin của nhau, đồng ý cho bên công giáo quyền lo cho các con trai con gái sẽ sinh ra được chịu phép thánh tẩy sau khi sinh một tháng và được học các lớp giáo lý theo lứa tuổi. Bên công giáo thành tâm sống đạo để làm chứng cho Chúa, hầu sau này khi có điều kiện người chồng hay vợ bên lương sẽ gia nhập đạo công giáo để gia đình được hòa hợp trọn vẹn.  

h) Về thủ tục giấy tờ khi xin kết hôn theo giáo luật: Cũng như muốn xin việc làm tại cơ quan hay xí nghiệp, ứng viên phải có đủ giấy tờ theo yêu cầu của nhà tuyển dụng, thì việc người lương muốn kết hôn với người công giáo, cũng phải nộp đủ các loại giấy tờ như sau:

+ Về phạm vi đời: Phải nộp giấy công nhận kết hôn do chính quyền dịa phương cấp, giấy chứng nhận chồng hay vợ trươc đã chết, giấy tòa án chứng nhận hai vợ chồng trước đã ly hôn, giấy xác nhận của người chồng hay vợ lương trước đây không muốn sông chung với người chồng hay vợ theo đạo công giáo để đủ điều kiện hưởng đặc ân thánh Phao-lô.

+ Về phạm vi đạo: phải có giấy chứng chỉ giáo lý hôn nhân của 2 người dự hôn, giấy giới thiệu của LM chánh xứ xác nhận người này là giáo dân trong xứ đã chịu phép rửa tội, Thêm sức và còn độc thân; Giấy chứng rửa tội do nơi đã ban phép rửa tội mới cấp không quá sáu tháng, nhằm truy gốc về tình trạng độc thân; Giấy đã rao hôn phối không có trở ngại kết hôn; Giấy tự khai điều tra nhân thân…

Tóm lai: Việc người lương xin theo đạo công giáo để kết hôn với người công giáo hay xin cử hành nghi thức phép chuẩn hôn phối khác đạo tai nhà thờ (với nhưng điều kiện kèm theo) là một việc làm hoàn toàn tự giác và tự nguyện chứ không bị ai ép buộc.

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô dạy người chồng hay vợ công giáo phải ứng xử thế nào nếu gặp trường hợp người chồng hay vợ bên lương không theo đạo cấm cản: “Nếu anh em nào có vợ ngoại mà người đó thuận ở với mình, thì chớ rẫy vợ. Và người vợ nào có chồng ngoại mà người đó thuận ở với mình, thì đừng bỏ chồng. Vì chồng ngoại được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại được thánh hóa nhờ người chồng có đạo” (1 Cr 7, 12-14).

2) LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót. Xin giúp các gia đình tín hữu chúng con sống hòa hợp hạnh phúc theo ý Chúa muốn. Xin củng cố tình yêu vẫn còn nhiều giới hạn và sai sót của chúng con. Đặc biệt xin Chúa thương những đôi vợ chồng không cùng đức tin. Xin đổ ơn Thánh Thần giúp họ vượt qua những khác biệt về đức tin, để nên bạn trăm năm chia ngọt sẻ bùi với nhau, và sẵn sàng giúp nhau sông tình con thảo với Cha và tình huynh đệ trong Hội thánh.- Amen.

 

PHỤ CHÚ:

Hội Thánh Công giáo công nhận hai loại hôn nhân : Một là hôn nhân tự nhiên là sự kết hôn giữa hai người nam nữ kết hôn hợp pháp. Hai là bí tích Hôn phối giữa hai người nam nữ đều là tín hữu công giáo. Bí tích hôn phối là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ đủ điều kiện kết hôn trước sự chứng kiến và chúc phúc của thừa tác viên của Hội Thánh có quyền chứng hôn. Về bản chất, sự kết hợp này là duy nhất và vĩnh viễn. Giáo luật Công giáo còn có các quy định cụ thể về việc cử hành bí tích Hôn phối từ điều 1055 đến điều 1065. Vấn đề sinh sản và giáo dục con cái được coi là một yếu tố quan trọng đi kèm trong hôn nhân Công giáo.

1. VỀ HÔN NHÂN CÔNG GIÁO:

1) Quan niệm: Giáo hội Công giáo xác định hôn nhân công giáo là một "bí tích" do Đức Giê-su đã thiết lập trong bữa tiệc cưới tại thành Ca-na và trong bữa tiệc đó Người đã làm dấu lạ cho nước lã trở thành rượu nho để giúp đôi tân hôn. Về sau Đức Giê-su đã tuyên bố về tính “bất khả phân ly” của hôn nhân và cấm sự ly hôn khi trả lời các người Pha-ri-sêu như sau: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,4-6). Như vậy, hôn nhân công giáo mang tính thánh thiêng. Chính việc nói lời ưng thuận của đôi tân hôn trước sự chứng kiến và chúc phúc của thừa tác viên Hội Thánh là linh mục hay phó tế và hai nhân chứng, làm cho lời kết ước giữa hai người nam nữ trở thành giao ước vĩnh cửu giữa Đức Giê-su và Hội Thánh. Người Công giáo tin rằng khi cử hành bí tích hôn nhân, tình yêu của đôi bạn sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và ban ơn giúp hai người chung thủy với nhau suốt đời, trong một giao ước do Chúa Giê-su đã thiết lập. Trong bí tích hôn phối, chính đôi tân hôn cử hành kết ước chứ không phải linh mục hay phó tế chứng hôn. Linh mục hay phó tế chỉ là người thay mặt Thiên Chúa và Hội Thánh đứng ra chứng hôn để làm cho việc kết ước giữa hai người thành sự và sau đó chúc phúc cho họ, để giúp họ chu toàn lời thề hứa chung thủy và sống trăm năm hạnh phúc với nhau.

2) Đặc tính: Hôn nhân Công giáo có hai đặc tính là độc hôn (một vợ một chồng) và vĩnh hôn (tồn tại vĩnh viễn), dựa vào lời Chúa Giê-su: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).

Ngoài ra, Hội thánh Công giáo tuy rất thông cảm với tình trạng của những người ái nam ái nữ, nhưng không công nhận hôn nhân giữa hai người đồng giới nghĩa là nam kết hôn với nam và nữ kết hôn với nữ, vi hôn nhân này không phù hợp với lời Đức Chúa phán khi thiết lập hôn nhân tự nhiên.

3) Ý nghĩa:

Do mang đặc tính như vậy nên người Công giáo tin rằng đôi thanh niên nam nữ lãnh nhận bí tích hôn nhân có bổn phận trung thành với nhau mãi mãi. Giáo hội Công giáo quan niệm rằng: con người được sinh ra là do Thiên Chúa, vì thế, hôn nhân cũng là sự cộng tác vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa qua việc sinh sản.

Tuy nhiên, cuộc sáng tạo của Thiên Chúa ngoài việc sinh sản còn bao gồm các yếu tố của một cuộc sống hạnh phúc như: chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật, cải thiện chất lượng sống cho con người… nên phải sinh con có trách nhiệm, nghĩa là không phải chỉ biết sinh nhiều về số lượng, mà còn phải quan tâm đến sức khỏe của con cái và khả năng nuôi dạy của cha mẹ, hầu sau này chúng sẽ trở thành những công dân tốt trong xã hội và những tín hữu đạo hạnh của Thiên Chúa.

Giáo hội Công giáo không công nhận những đôi hôn phối chỉ kết hôn dân sự (làm giấy công nhận kết hôn) mà không cử hành nghi thức hôn phối theo phép đạo tại nhà thờ. Giáo luật khẳng định: “Giữa những người tín hữu đã chịu phép rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là bí tích hôn phối. Những người công giáo chưa chịu bí tích Thêm Sức, phải lo lãnh nhận bí tích ấy trước lễ hôn phối hết sức có thể, nếu không gặp sự khó khăn trầm trọng” (x. GL điều 1055 và 1065).

2. ĐIỀU KIỆN CỦA BÍ TÍCH HÔN NHÂN:

Hôn nhân công giáo phải hội đủ những điều kiện như sau:

1) Về sự tự do:

Tự do tinh thần: tự do kết hôn, không chịu sức ép nào từ bên ngoài (gia đình, người thân, các khoản khế ước, vay nợ...). (Giáo Luật, điều 1057).

Tự do dân sự: không bị ràng buộc về mặt pháp lý hôn nhân dân sự (như đang có hôn thú với người khác) và pháp lý về độ tuổi dân sự theo luật pháp quốc gia (ở Việt Nam, nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên).

2) Về đức tin tôn giáo:

Người nam và người nữ phải đồng đạo nghĩa là đã chịu phép thánh tẩy (rửa tội) theo nghi thức Công giáo, có giấy chứng nhận của nhà thờ nơi đã được chịu phép rửa tội.

Người nam và người nữ chưa lãnh nhận bí tích hôn phối lần nào, hoặc không còn bị ràng buộc bởi một bí tích hôn phối trước đó . Chẳng hạn khi chồng hay vợ mình đã qua đời tự nhiên.

Trước hôn lễ, đôi dự hôn phải học khóa giáo lý hôn phối và được cấp giấy chứng nhận. Lớp giáo lý hôn nhân được tổ chức tại nhà thờ giáo xứ hay tại một trung tâm giáo lý có uy tín, để giúp cho người chuẩn bị kết hôn những kiến thức cần biết về đức tin, kỹ năng sống chung trong gia đình, sinh sản và giáo dục con cái.

Không bị vướng vào một hay nhiều "ngăn trở" theo Giáo Luật.

Người tín hữu Công giáo phải cử hành hôn lễ theo nghi thức Công giáo. Nếu ai cử hành nghi thức không Công giáo sẽ bị chế tài tôn giáo, và những người tham dự vào nghi thức đó cũng chịu hình phạt tương tự.

3) Vấn đề tính dục, sinh sản:

Giáo Luật, điều 1061: Hôn phối hữu hiệu giữa những người đã chịu phép rửa tội được gọi là thành nhận khi được cử hành theo nghi thức kết hôn tại nhà thờ; hôn phối được gọi là hoàn hợp khi đôi bạn đã được thành nhận mà có sự giao hợp với nhau phù hợp với nhân tính. Sự giao hợp là hành động hướng đến việc sinh sản con cái, tức là một mục tiêu tự nhiên của hôn nhân, và do hành động ấy, đôi bạn trở nên một thân xác (thành thân).

Sau khi đã cử hành hôn phối, nếu đôi bạn đã sống chung với nhau thì sự hoàn hợp được suy đoán cho đến khi có bằng chứng chứng minh ngược lại.

Hôn phối không thành sự (vô hiệu) được coi là giả định, nếu đã được cử hành tại nhà thờ với sự ngay tình, ít ra là của một bên, cho đến khi cả hai bên đều biết chắc chắn về sự vô hiệu hay không thành sự của nghi thức hôn phối.

4) Vấn đề ngừa thai, phá thai:

- Ngừa thai: Giáo hội Công giáo quan niệm rằng, sinh sản là do quyền năng của Thiên Chúa, con người chỉ cộng tác vào sứ mạng này qua hôn nhân. Ngừa thai là loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi sứ mạng sinh sản ấy. Do đó, Giáo hội không cho phép sử dụng các biện pháp tránh thai nhân tạo (can thiệp trực tiếp để ngăn cản tiến trình thụ thai), mà chỉ được dùng cách ngừa thai tự nhiên (tính theo chu kỳ kinh nguyệt để biết ngày nào trứng rụng có thể đậu thai hầu tiết dục, nghĩa là tránh giao hợp vợ chồng trong thời gian mấy ngày trong tháng có thể đậu thai này). Mọi biện pháp can thiệp từ bên ngoài như: đặt vòng tránh thai, dùng thuốc tránh thai, dùng bao cao su...) đều bị cấm.

Tuy ngăn cấm việc ngừa thai nhân tạo và phá thai, nhưng Giáo hội cũng khuyến khích giáo dân sinh con có trách nhiệm, nghĩa là cha mẹ cần chuẩn bị để liệu sao có đủ điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con cái cả về mặt vật chất cũng như tinh thần. Tránh sinh con vô trách nhiệm khi đang trong tình trạng nghèo đói chạy ăn từng bữa, đang bị bệnh nan y… mà cứ muốn sinh thêm nhiều con cái nữa. Vì đây là nguyên nhân gây bao nỗi bất hạnh cho các gia đình. Con cái không được nuôi dạy và học hành tử tế, trở thành bất hảo và là gánh nặng cho xã hội.

- Phá thai: Vì quan niệm phá thai là giết người từ trong trứng nước, nên Giáo hội Công giáo lên án gay gắt việc phá thai và coi là một trọng tội, vi phạm nghiêm trọng giới răn thứ năm “chớ giết người”. Những ai cố tình phá thai và những người cộng tác vào việc này đều bị chế tài là bị vạ tuyệt thông.

5) Nghi thức hôn phối:

Nghi thức hôn phối Công giáo thường được cử hành trong thánh lễ có giáo dân tham dự, trước mặt linh mục hoặc phó tế có quyền chứng hôn và hai nhân chứng. Trong trường hợp đặc biệt mà không có linh mục phó tế, đôi tân hôn có thể cử hành hôn lễ trước mặt thừa tác viên là giáo dân có quyền chứng hôn và hai nhân chứng, và sau đó phép hôn phối phải được ghi vào sổ hôn phối của giáo xứ sở tại.

- Nghi thức tuyên hôn: Trước mặt linh mục và hai người chứng, chú rể và cô dâu sẽ lần lượt cầm tay nhau mà tuyên bố nhận nhau làm vợ (chồng) theo công thức như sau:

“Anh (Em) ………….nhận em (anh) …………… làm vợ (chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như luc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)”.

- Nghi thức trao nhẫn: Chú rể và cô dâu lần lượt xỏ nhẫn cưới cho nhau và nói như sau:

“T... , em (anh) hãy nhận chiếc nhẫn này để làm dấu chỉ tình yêu và chung thủy của anh (em). Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

 

V. VỀ VIỆC RỬA TỘI CHO TRẺ EM

VẤN ĐỀ 31 :

Tại sao phải rửa tội khi con cái chúng ta ngay khi còn bé ? Chúng không phải là con cái của Thiên Chúa sao ? Có thể để cho chúng được tự do lựa chọn lãnh nhận bí tích rửa tội khi chúng đã khôn lớn không ? 

GIẢI ĐÁP :

A.TRÌNH BÀY:

Ngày nay một số người chủ trương cha mẹ công giáo không nên cho con mới sinh chịu phép rửa tội. Theo họ: Con nít mới sinh đâu đã phạm tội gì để phải rửa tội ? Còn việc cho con theo đạo thì tại sao không để con lớn lên tới tuổi trưởng thành (18 tuổi), rồi chúng sẽ hiểu biết để tự do quyết định theo đạo hay không. Lập luận đó đúng sai thế nào ?

1) Về ý nghĩa và giá trị của phép rửa tội: Có lẽ chữ Rửa Tội chưa diễn tả được đầy đủ ý nghĩa của bí tích này. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã dùng từ Thánh Tẩy thay vì rửa tội. Qua đó cho thấy ý nghĩa và giá trị của việc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy như sau:

Bí tích Thánh Tẩy là cửa dẫn chúng ta vào đời sống thiêng liêng và là điều kiện để được lãnh nhận các phép bí tích khác trong Hội Thánh. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi và được tái sinh làm con Thiên Chúa, trở thành chi thể của Đức Ki-tô, được tháp nhập vào thân mình mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Hội Thánh và tham phần vào sứ mạng cao cả của Hội Thánh (x. CĐ Flô-ren-ti-nô); "Bí tích thánh Tẩy là bí tích tái sinh chúng ta nhờ nước và trong Lời Chúa"(x. Giáo lý Rô-ma 2,2,5). Nhờ việc tin nhận Đức Giê-su, chúng ta sẽ trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa như trong bài tựa của Tin Mừng Gio-an đã viết: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Ngoài ra, bí tích Thánh Tẩy còn liên kết mọi con cái Thiên Chúa  thành một gia đình là Hội Thánh, và được hiệp thông trong một Thân Thể mầu nhiệm có Chúa Giê-su là Đầu. Như vậy người tín hữu không thể trì hoãn việc cho con cái mình chịu bí tích Thánh Tẩy từ khi mới sinh.

2) Tại sao lại rửa tội cho trẻ nhỏ? Tại sao không để cho trẻ nhỏ lớn lên và tự nó quyết định chịu Phép Rửa hay không?

a) Lý do cần rửa tội cho trẻ nhỏ con người công giáo mới sinh:

- Có người cho rằng rửa tội cho trẻ nhỏ như vậy là đi ngược lại mệnh lệnh của Chúa Giê-su: “Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ” (Mt 16,16). Mệnh lệnh ấy theo họ hàm ý như saui: đức tin là điều kiện cần phải có để được chịu phép Thánh tẩy, mà trẻ sơ sinh chưa hiểu biết thì làm gì đã có đức tin ấy ! Nên không nên cho chịu phép Rửa tội sớm.

- Đây cũng là một đề tài đã từng gây tranh cãi trong Hội Thánh thời sơ khai.

+ Ngay từ thời sơ khai, Hội Thánh cuooic cùng đã chấp thuận rửa tội cả nhà gồm người lớn và trẻ em. Sách Công Vụ đã  thuật lại việc rửa tội “cho cả nhà” này như sau: Ở thành Phi-líp-phê có một bà tên là Ly-đi-a, quê ở Thy-a-ti-ra, chuyên buôn bán vải điều. Bà là người tôn thờ Thiên Chúa. Bà đã được Chúa mở lòng tin những lời Phao-lô giảng. Sau đó bà và cả nhà đã chịu phép Rửa (x. Cv 16,14-15). Rồi sau khi hai ông Phao-lô và Si-la làm phép lạ trừ quỷ ám cho một người tớ gái, hai ông đã bị quan tòa tông giam vào ngục do bị các thầy bói tố cáo. Đêm hôm ấy một cuộc động đất mạnh xảy ra khiến cửa nhà tù mở toang và xiềng xích tự nhiên bung ra hết. Viên quản ngục sợ bị quy trách nhiệm đã định tự tử, nhưng khi biết được các tù nhân không bỏ trốn, ông ta đã tin vào Chúa Giê-su. Rồi “Ngay lúc đó giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ông đi, rửa các vết thương, “và ông ấy được chịu phép Rửa cùng với tất cả người nhà” (Cv 16,33).

+ Tuy nhiên đến thế kỷ III và IV, trong Hội thánh lại xuất hiện một quan điểm dè dặt với việc rửa tội cho trẻ nhỏ mới sinh. Lý do là vì thời bấy giờ các tín hữu lỡ phạm tội nặng muốn được ơn tha thứ, phải sám hối và làm việc đền tội rất nghiêm khắc: Họ bị phạt vạ tuyệt thông trong nhiều năm, đôi khi kéo dài suốt cả đời. Đàng khác, mỗi tội trọng chỉ được Hội thánh tha một lần trong đời, nên nhiều người tuy tin Chúa nhưng lại e ngại không dám xin chịu rửa tội sớm, vì sợ không thể sống nghiêm túc được. Nhiều người đã đợi đến khi những cơn dông bão tình dục của tuổi thanh xuân qua đi và khi đã bước sang tuổi già ổn định, họ mới dám xin gia nhập đạo.

b) Về sự tôn trọng tự do tín ngưỡng của con cái:

Ngày nay, sự chống đối việc rửa tội cho trẻ nhỏ không do sự sợ phải giữ luật sau khi chịu phép Rửa tội, nhưng từ ý nghĩ cho rằng trẻ nhỏ không cần phải chịu phép Rửa tội sớm mà nên để đến khi chúng đủ tuổi trưởng thành sẽ được quyền tự do chọn theo hay không theo đạo công giáo của cha mẹ.

c) Cả hai thái độ nói trên đều sai:

- Do hiểu lầm rằng: cho con sớm chịu phép Rửa tội là không tôn trọng tự do tín ngưỡng của con. Tuy nhiên nếu các cha mẹ công giáo hiểu được bí tích Rửa tội là một hồng ân Chúa ban và là điều kiện để con cái họ được hưởng ơn cứu độ, thì bất kỳ cha mẹ nào có tình yêu thương con cái cũng sẽ mong cho con sớm được chịu phép Rửa Tội, để chúng đón nhận được ơn cứu độ và được sống trong tình yêu của Thiên Chúa (x. GLHTCG số 1250).

- Thực vậy, do ảnh hưởng của tội Nguyên tổ, không ai có thể nên hoàn thiện bằng sức riêng của mình, nhưng phải nhờ ơn Chúa giúp (x. Cv 4,12). Hơn nữa, Đức Giê-su có lần đã nói với các môn đệ như sau: “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Thầy. Đừng ngăn cản chúng” (Mc 10,14), thì tại sao cha mẹ lại không sớm mang con đến với Chúa ngay từ khi chúng mới ra đời, để nhờ phép Rửa tội này, chúng sẽ được Chúa “ôm vào lòng và chúc lành” (x. Mc 10,16) ? Vì thế Giáo Luật đã có qui định như sau: “Cha mẹ có bổn phận phải lo cho con cái mình được chịu phép Thánh tẩy ngay trong những tuần lễ đầu tiên. Ngay trong thời gian sớm nhất sau ngày sinh, cha mẹ cần gặp cha sở để xin cho con được chịu phép rửa tội và cha mẹ cũng được học hỏi về bí tích này. Nếu hài nhi mới sinh mà bị nguy tử, cha mẹ không được trì hoãn mà phải lập tức rửa tội cho con” (GL 867).

- Đàng khác, có người lại cho rằng cha mẹ cần tôn trọng tự do của con cái nên phải đợi cho chúng lớn lên và chúng sẽ được tự do chọn lựa đức tin. Nhưng điều này không hợp tình hợp lý: Vì chắc không cha mẹ nào lại phải chờ cho con cái mình lớn khôn rồi mới dạy cho chúng những điều hay lẽ phải. Kinh nghiệm cho thấy: Chính nhờ sự dạy dỗ của cha mẹ chúng ta ngay từ nhỏ dại mà ngày nay chúng ta mới có đủ hành trang vào đời và mới đạt được thành công trong cuộc sống. Về phạm vi đạo đức cũng vậy. Nhờ sự giáo huấn của cha mẹ mà mỗi người chúng ta mới biết chọn sống theo những giá trị cao quí mà không mất thời giờ tìm kiếm đức tin. Rửa tội cho con cái khi chúng còn nhỏ không những không làm phương hại đến tâm hồn trong trắng của con, mà trái lại con cái chúng ta còn nhận được những ân sủng và được huấn luyện về nhân bản. Đàng khác, có lẽ ai trong chúng ta cũng biết: Nhiều cha mẹ ngoài công giáo đã tìm cách gửi con cái họ theo học những trường nội trú Công giáo dù phải trả học phí gấp đôi gấp ba so với học tại các trường công lập. Chính vì họ tin rằng con cái họ sẽ được hưởng một nền giáo dục tốt để thành công trong cuộc sống sau này nhờ hấp thụ được một nền giáo dục tốt tại những trường công giáo.

- Cuối cùng, việc cho con cái được chịu phép Thánh tẩy để gia nhập đạo công giáo ngay từ nhỏ cũng không vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của chúng, vì khi tới tuổi trưởng thành, chúng vẫn có quyền tự do sống đức tin công giáo hay chọn sống theo xác tín riêng của chúng.

TÓM LẠI: Việc cho con chịu phép rửa tội để được gia nhập đạo công giáo vừa là quyền lợi của đứa trẻ vừa là bổn phận của cha mẹ có trách nhiệm với con cái của mình:

Là quyền lợi của con cái: Cũng như cha mẹ không cần hỏi ý kiến của con để làm giấy khai sinh cho nó mang quốc tịch của mình, đặt tên cho con theo tên Gọi và Họ của cha mẹ… vì đó là quyền lợi mà con cái họ đương nhiên được hưởng. Cũng vậy: cha mẹ công giáo sau khi sinh con hãy mau cho con được chịu phép rửa tội để nên con Thiên Chúa, gia nhập vào Hội thánh với Tên Thánh do cha mẹ đặt cho mà không cần phải hỏi ý kiến của nó.

Là trách nhiệm của cha mẹ có lương tâm: Khi con nhỏ chưa thể suy nghĩ quyết định, cha mẹ sẽ quyết định thay con khi cho con ăn uống theo sự khôn ngoan của mình. Cha mẹ cũng thường răn dạy sửa phạt con ngay từ khi chúng còn bé nếu chúng làm sai, cho con đi học tại trường mà cha mẹ đánh giá tốt nhất cho con, dù lúc đó nó chưa muốn đi học... Nếu cha mẹ chiều theo ý con để cho nó ăn kẹo thay cơm, cho con bỏ học đi chơi vi-đê-ô game theo ý nó, cho con chơi với bạn xấu, tập hút thuốc hay chơi ma túy… mà không ngăn cản sửa phạt… chứng tỏ cha mẹ là người vô trách nhiệm và sẽ phải lãnh nhân hậu quả khôn lường khi con lớn lên trở thành những tên tội phạm xấu xa, bị xã hội trừng phạt do các tội ác chúng đã làm hại bản thân, gia đình xã hội.

B. PHÚT HỒI TÂM

1) LỜI CHÚA:

Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người chạm tay vào chúng. Nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng. Thấy vậy Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vị Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào. Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng. (Mc 10,13-16).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho các cha mẹ công giáo chúng con biết quan tâm lo cho con cái mình được sớm lãnh nhận bí tích rửa tội từ khi được một hai tháng tuổi, để con em chúng con được ơn tha tội tổ tông truyền và được Thánh Thần tái sinh làm con Thiên Chúa.

Xin cho các cha mẹ công giáo luôn ý thức trách nhiệm giáo dục đức tin cho con ngay từ tuổi lên ba đang bập bẹ nói. Xin cho những người làm cha mẹ biết nêu gương sáng mến Chúa yêu người và dạy con cái học tập noi theo trong từng việc nhỏ. Nhờ đó con em chúng con sẽ được giáo dục đức tin để nên con thảo của Thiên Chúa, nên môn đệ thực sự của Chúa qua việc thực hành giới răn yêu thương, và nên thành viên trong đại gia đinh Hội thánh Công giáo. Nhờ đó chúng sẽ có thể chu toàn sứ mạng làm chứng cho Chúa giữa lòng xã hội của mình.- AMEN.

6094    07-03-2015 14:15:36