Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Đón Chúa Với Tấm Lòng Đơn Sơ

LỄ GIÁNG SINH

Is 9, 2-4. 6-7 (Hr 1-3. 5-6);  Tt  2, 11-14; Lc 2, 1-14

ĐÓN CHÚA VỚI TẤM LÒNG ĐƠN SƠ

          Thánh Luca muốn diễn tả một sự kiện diễn ra tại Bêlem thời César Augustô mà ông đã nghe kể và hiểu theo truyền thống của Giáo Hội. Thánh Luca chú ý đến sự kiện này như một biến cố rõ ràng, xảy ra ở một nơi nhất định.

          Ngày ấy, bỗng dưng khi Hoàng đế Augustô với sắc lệnh của mình, ông không nghĩ rằng say sắc lệnh đó, lại có một biến cố lịch sử đó là việc giáng sinh của Chúa Giêsu được tác thành và lồng vào lịch sử thế giới. Người ta xác định được nơi chốn và thời kỳ xảy ra việc đó. Đây là một biến cố lịch sử đích thực (chứ không phải là chuyện hoang đường hay thần thoại) có chỗ đứng trong không gian và thời gian.

          Bên cạnh Hoàng đế Augustô, muốn mang lại cho thế giới cơm no áo ấm, với thứ ‘hoà bình của Rôma’, thì Chúa Giêsu đúng là vị Cứu tinh thực sự của vũ hoàn vì đã mang đến ‘bình an của Thiên Chúa’.

          Thế nhưng, trong cái biến cố lịch sử đó lại kèm theo chuyện hết sức đặc biệt đó là Belem ngày hôm ấy không còn chỗ cho Đấng Cứu Độ trần gian để rồi Đấn Cứu Độ trần gian phải sinh trong chuồng bò lưà.

          Khi nói đến chuyện Hài Nhi Giêsu không có chỗ trong quán trọ, điều đó có thể hiểu là, thực sự thì những người lang thang, không còn chỗ ở trong quán đó. Nhưng cũng có ý nói, và đúng hơn, quán trọ là nơi những người khách lạ tạm trú, thì không phải là nơi xứng hợp đối với mầu nhiệm Thánh Chúa sinh ra.

          Và rồi, ta thấy Đấng Cứu Độ trần sẽ đến trần gian trong cung cách không mái nhà, trong cảnh đơn côi và nghèo nàn của chuồng bò lừa. Nôi của Ngài là cái máng khô, đục vào ngay trong tảng đá để cho bò lừa ăn. Tin Mừng đặc biệt nhấn mạnh tới việc Hài nhi được bọc trong khăn. Cho thấy rằng bên cạnh cảnh nghèo hèn còn có nhân tính hoàn toàn, cùng với tất cả sự yếu đuối của tính con người.

          Khác với những người học cao hiểu rộng, những mục đồng nhỏ bé đơn sơ đã sẵn lòng đón nhận cũng như tin nhận Chúa. Những người nghĩ rằng Chúa đến trong vinh quang để mang lại sự hoành tráng cho dân tộc thì họ không bao giờ nghĩ cũng như tin nhận Đấng Cứu Độ trần gian đến trong trần gian nghèo như vậy.

          Con đầu lòng của Thiên Chúa, hay nói cho gọn là Con Một Thiên Chúa đã đến thế gian này như là một trẻ nhỏ. Khung cảnh thật đơn giản, thanh bạch, nghèo hèn.

          Sự đơn giản và nghèo hèn này ai sánh được; tuy vậy, lại chẳng có biến cố nào đáng kể hơn, và tất cả mọi phú túc sẽ được trao cho Đấng vừa sinh ra. Trước nhan Chúa, đâu cần vẻ hào nhoáng bên ngoài với tất cả những gì liên hệ tới nó. Mà phải trái lại, cái vẻ bên ngoài càng lui đi thì mới càng thấy rõ vẻ lớn lao bên trong. Tất cả những gì phồn vinh, giả tạo, khoa trương, chỉ có bên ngoài thôi thì đi ngược lại bản tính của Chúa Giêsu ngay từ giờ đầu tiên của ngày Giáng Sinh của Ngài cho tới lúc cuối cùng với cái chết nghèo hèn và trần trụi trên cây thập tự.

          Đức Giêsu, từ cái ngày Ngài sinh ra cho đến khi chết đi Ngài vẫn thế cho đến muôn đời vẫn hoàn toàn khiêm hạ.

          Luca kể lại câu chuyện các mục tử, Luca nghĩ đến tất cả những ai đã rao truyền sứ điệp thời các tông đồ, nghĩ đến tất cả những người đã đón nhận sứ điệp ấy. Vì thế ngày nay, câu chuyện đó liên quan đến chúng ta. Đối với Luca, mầu nhiệm kết hợp cách bất khả phân ly với lịch sử. Thánh Luca tin rằng ơn cứu rỗi đã được ban trong biến cố Đức Giêsu. Và vì thế ông đã viết cuốn sách này.

          Đức tin của Luca, cũng như của chúng ta, không chỉ dựa trên câu chuyện ấy. Đức tin ấy phát xuất từ việc biết Đức Giêsu trong tất cả mầu nhiệm của Ngài, trong nhân cách huyền nhiệm được mặc khải dần dà, trong sứ điệp cứu rỗi muôn đời, trong việc Ngài luôn toả sáng. Bởi lẽ sự mặc khải về Đức Giêsu là một sự kiện duy nhất đã xảy ra trong thời Đức Giêsu và kéo dài cho đến chúng ta, thời của Giáo Hội.

          Mỗi người chúng ta đều được mời gọi đưa ra một chọn lựa trước sự kiện này. Quyết định như thế thật khó khăn vì nó đòi chúng ta phải hoàn toàn dấn thân. Sự quyết định đó cũng không bao giờ hoàn tất, bởi vì Đức Kitô vượt xa hơn bất kỳ ai khác, nên sự hiểu biết về Người là một khám phá của tất cả cuộc đời.

          Câu chuyện giáng sinh ở Bêlem chỉ có ý nghĩa đối với những ai đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu độ, là Kitô Đức Chúa. Sự Giáng Sinh làm lộ rõ điều nghịch lý nơi con người giàu: sự nghèo hèn song hành với vinh quang. Điều nghịch lý này làm cho người Do Thái thời Ngài cũng như mọi người chưng hửng: một bên là sự trần trụi của một Hài nhi yếu ớt, từ lúc mới sinh đã phải tùng phục sắc lệnh của một hoàng đế ngoại giáo, và trong cảnh xa nhà, chỉ được một người mẹ tứ cố vô thân, một bác thợ mộc và mấy người chăn chiên tiếp đón... bên kia là sự xuất hiện của cả một đạo binh ngời sáng trên trời, vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện và lời tung hô Đấng Cứu thế, Kitô Đức Chúa.

          Sự gặp nhau giữa nỗi khốn cùng của loài người và vinh quang của Thiên Chúa chính là sự kiện Thiên Chúa đến trong lịch sử chúng ta: một sựï hiệp thông với cả nhân loại, để dấy lên niềm hy vọng, một sự hiện diện trong tình yêu cho đến muôn đời.

          Cuộc gặp gỡ này không chỉ diễn ra trong mầu nhiệm của đêm Giáng Sinh mà còn kéo dài trong tất cả cuộc đời Đức Giêsu, từ những phép lạ và thử thách của cuộc sống trần gian cho đến vinh quang phục sinh, toàn thắng mà thế gian không biết đến.

          Trải qua bao thế thệ, sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại chính là Giáo Hội. Giáo Hội này tuy còn đầy dấy sự yếu hèn của chúng ta nhưng lại là nguồn mạch ơn cứu độ muôn đời của Thiên Chúa.

          Chỉ khi ta mở lòng và tin thật thì khi đó ta mới đón nhận Đấng Cứu Độ trần gian vào đời ta.

 

1654    24-12-2015 16:09:57