Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Dọn Lòng

          Đã bước vào cuộc trần, chẳng ai có thể thoát khỏi cái vòng sinh tử. Sinh – bệnh – lão – tử : như một quy luật bất biến của cuộc sống. Quy luật này không bỏ sót bất cứ một ai dù người đó giàu hay nghèo, sang hay hèn.

          Sáng nay, có việc nên sẵn ghé thăm các ngoại mà gia đình tôi quen biết. Giản đơn là ngày xưa Mẹ mới lớn, Mẹ cũng đã mon men tìm hiểu ơn gọi dòng mà các ngoại đang tu nhưng vì không phù hợp nên Mẹ tôi rẽ ngã đi qua. Dù Mẹ không còn nữa nhưng “tơ duyên” với các ngoại, với nhà dòng vẫn có đó, vẫn còn đó dù cuộc sống vẫn đổi thay.

          Ngoại già thân yêu, sau một hồi định hình mới nhớ ra được người cháu thân yêu. Ngoại nói ngoại nhớ nhưng từ từ cho ngoại “định vị”.

          Tuổi già vội đến và trí nhớ vội đi để rồi các ngoại ở đây cứ lặng thầm trong tinh lặng của nhưng ngày cuối đời.

          Một trong những vị tiền bối của nhà dòng, đã từng giữ kho thuốc cho một bệnh viện có tiếng trong thành phố từ cái ngày nghiệt ngã ấy cho đến ngày nghỉ hưu nay không còn nhớ gì cả. Có thể nói rằng ngoại là người tiên phong trong hội dòng để chăm lo cho những cô gái lầm lỡ với những bào thai ngoài ý muốn. Trải qua nhiều khó khăn lắm ngoại mới gầy dựng được căn nhà để cho nhiều chị em tá túc để giữ mầm sống Chúa ban từ nhiều năm nay và bây giờ vẫn hoạt động.

          Sáng kiến của ngoại, công việc của ngoại và cả tấm lòng của ngoại nữa đang được chị em tiếp nối.

          Chẳng ai có thể nghĩ ra được rằng trước đó ngoại là người phải nói là làm được rất nhiều việc cho rất nhiều người. Đến giờ, ngày mỗi ngày, khi gặp chị em và cả chị phụ trách nhà hưu dưỡng ngoại đều nói : “Ừa ! Thấy quen quen ! Hình như gặp ở đâu rồi”. Và gặp chị nào đó ngoại đều nói : “Thấy quen quen thì phải, có ở chung với nhau rồi mà giờ không nhớ ...”.

          Trí quên ngày mỗi ngày càng lấn át trí nhớ.

          Ngồi nói chuyện với chị phục vụ thâm niên trong nhà dòng, chị nói : “Các ngoại ở đây dễ thương lắm ! Gần như là bớt nhớ và sống rất vui vẻ ! Cũng may là như thế chứ nếu các ngoại khó chịu chắc tụi này cũng khổ lắm ! Các ngoại ai ai cũng vui vẻ sẵn sàng dọn lòng về với Chúa”.

          Chị phụ trách vừa nói xong, ngoại thân quen với gia đình tôi cũng góp ý : “Giờ thì thanh thản, chờ ngày về với Chúa thôi”.

          Nhìn khuôn mặt phúc hậu và nụ cười nhẹ nhàng của ngoại toát lên vẻ thánh thiện của một đời tu dài đăng đẳng hơn 60 năm trời.

          Chị phụ tá trêu ngoại : “Ngoại phải dang tay để cầu nguyện cho người này”. Cũng đúng thôi vì lẽ cháu của ngoại yếu đuối và tội lỗi nên cần không chỉ ngoại này mà nhiều ngoại nữa cầu thay nguyện giúp thêm.

          Đang trong tâm tình của những câu chuyện nhân sinh thì chị phụ tá phục vụ mới kể về chuyện chị và cộng đoàn vừa đi dự đám tang của một người quen biết với cộng đoàn. Chị nói anh ta chỉ mới lên cơn mệt, báo với gia đình và tính đi bệnh viện. Chưa kịp đi bệnh viện thì anh ra đi mãi mãi khi bước chân xuống dưới bậc thềm thấp nhất. Chuyện ra đi cũng bình thường bởi lẽ kiếp nhân sinh không ai tránh khỏi. Thế nhưng, điều làm tôi chột dạ đó là anh ra đi ở cái tuổi còn quá trẻ và đang ở độ chín mùi của thành công và phải nói là quá thành đạt trong cuộc sống.

          Trên con đường về lại nhà, hình ảnh của chàng thanh niên thành đạt ra đi chóng vánh ở cái tuổi còn quá trẻ đó làm tôi phải chạnh lòng. Kèm theo đó hình ảnh của những ngoại già nua tuổi tác phải chịu thấu những căn bệnh nữa để lòng tự nhủ lòng rằng cuộc đời con người là thế, thân phận con người mong manh là vậy và cuộc sống quá vô thường.

          Nay còn mai mất và cái mất đó có thể đến bất ngờ với ta không bao giờ đợi tuổi.

          Nhìn như vậy để lòng nhủ lòng cũng như dọn lòng bởi lẽ biết đâu được ngày hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời ta.

          Như tâm tình của Mẹ Têrêsa mỗi ngày dâng Lễ, Mẹ thưa với Chúa đây như Thánh Lễ cuối cùng trong đời Mẹ. Sống như thế, nhủ như thế để lòng dọn lòng thanh thản về bên Chúa bất cứ lúc nào, bất cứ giờ nào khi Chúa gọi.

1138    17-01-2016 12:20:51