Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Đức Giêsu Là Con Yêu Dầu Của Chúa Cha - Tháng 03 năm 2009

CHỦ ĐỀ: ĐỨC GIÊSU LÀ CON YÊU DẤU CỦA CHÚA CHA


TOÀ
GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2, P.1
Tx Vĩnh Long

Vĩnh Long, ngày 25.2.2009

V/V Đức Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha

  Kính gởi : Các Linh Mục,
Các Tu Sĩ Nam Nữ
Anh Chị Em Giáo Dân Giáo Phận Vĩnh Long

Trong Truyền Thống Thánh Kinh, con cái là phúc lành của Chúa , trái lại son sẻ là bất hạnh. Đức Giêsu Nadarét là Con Yêu Dấu của Chúa Cha, là Quả Phúc của lòng Đức Trinh Nữ Maria (x. Luca 1,42).

Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha. Đó là một chân lý đức tin, chân lý nền tảng của Giáo Lý Công Giáo, là chân lý làm cho Sách Tin Mừng được gọi là Phúc Âm.

1. Hãy xem người Do Thái đã tỏ thái độ như thế nào?
Trước mặt Philatô họ đã lớn tiếng phản đối: "Chúng tôi có Luật, và chiếu theo Luật đó thì nó phải chết, vì nó đã cho mình là Con Thiên Chúa" (Gioan 19,7).

Cũng theo Thánh Gioan, hai lần người Do Thái phản ứng mạnh. Lần thứ nhất khi Chúa chữa một người bất toại ở Bêthsaiđa vào ngày Hưu Lễ: người Do Thái cố tìm cách giết Người, chẳng những vì Người vi phạm ngày Hưu Lễ, mà còn dám gọi Thiên Chúa là Cha của mình, cho mình bằng Thiên Chúa (5,18).

Lần khác, cũng tại Jerusalem, vào dịp lễ Cung Hiến, người Do Thái nghe Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha và xưng mình là Con: Ta và Cha là một, họ lượm đá ném Người: "Không phải vì một việc trọn hảo mà chúng tôi ném đá ông; nhưng vì một lời phạm thượng! Ông là một người phàm mà dám cho mình là Thiên Chúa" (10,30.33).

2. Đức Giêsu là người thật, là con của Đức Maria, mà vẫn luôn luôn là Con Yêu dấu của Chúa Cha, được chính Chúa Cha giới thiệu (Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, x.Marcô 1,11; Mt 3,17; Luca 3,22; Lúc Chúa biến hình trên núi cao, x. Marcô 9,2-7; Mt 17,1-5; Luca 9,28-35).

Ai đón nhận Đức Giêsu là Chúa, là Con của Thiên Chúa, thì được lợi ích gì? "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian cho đến nỗi ban Con Một của Ngài, để ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống đời đời" (Gioan 3,16). Ơn đầu tiên mà Con Thiên Chúa làm người mang đến cho ta, là được trở nên con cái Thiên Chúa: "Những ai đón nhận Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa…"(Gioan 1,12).

3. Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta biết Gia Đình của Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần, luôn luôn hợp nhất và khắng khít với nhau (Đó là Mầu Nhiệm Hiệp Thông, x.Gioan-Phaolô II, KTH Giáo dân, 18). Chúa Giêsu còn cho chúng ta biết ý định của Chúa Cha là kêu gọi con người vào đời sống hiệp thông với Chúa, làm con cái của Chúa.

Trong Nhà Nadarét, Chúa Giêsu là gạch nối giữa Thánh Giuse và Mẹ Maria, như thế Người thiết lập sự hiệp thông trong tình yêu, phản ảnh sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Phải rồi, Chúa muốn làm một người con trong gia đình Nadarét, để cho chúng ta thấy chính từ nơi nầy con người bắt đầu cuộc sống, thì cũng từ nơi nầy, nhờ được chăm sóc, dạy bảo, con người biết sống ơn gọi làm người, sống ơn gọi làm con cái Chúa.

Hãy xem Thánh Giuse và Mẹ Maria mau mắn vâng theo ý Chúa như thế nào, các ngài yêu thương và phục vụ Chúa Cứu Thế như thế nào. Các ngài đón nhận Trẻ Giêsu như là hồng ân Chúa ban, và cũng theo Luật dạy, ông bà đem Hài Nhi lên Jerusalem tiến dâng cho Chúa (Luca 2,22, như thế các ngài đã nhất mực tôn trọng quyền của Thiên Chúa trên con cái, trên mạng sống con người.

Chúa Giêsu, là Con Yêu Dấu của Chúa Cha, luôn luôn làm theo ý Cha. Thế nên, theo ý Cha, để thực hiện chương trình của Cha, Người sinh xuống làm Con trong Gia Đình Nadarét: 'Khi thời viên mãn đến,Thiên Chúa đã sai Con của Ngài, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền Lề Luật, .."( Gal 4,4).

Cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu được Thánh Luca tóm tắt như sau: (khởi đầu cuộc sống tại Nadarét ): Hài Nhi càng lớn lên, càng thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa (Luca 2,40); ( và kết thúc cuộc sống ẩn dật ) : Người đã xuống với Oâng Bà (Giuse và Maria) về Nadarét và hằng vâng phục hai Oâng Bà. Còn mẹ Người thì thì ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Và Chúa Giêsu cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dạng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta (2,51).

Mong sao cho mọi gia đình biết đón nhận sự sống, đón nhận con cái như hồng ân Chúa ban, và phục vụ sự sống theo ý của Thiên Chúa, và con cái trở nên phúc lộc Chúa ban cho cha mẹ và cho nhân loại.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
            
Giám mục Vĩnh Long

CHỦ ĐỀ: ĐỨC GIÊSU LÀ CON YÊU DẤU CỦA CHÚA CHA

I. THƯ MỤC VỤ số 5

Là Con hiếu thảo của một gia đình, Đức Giêsu cũng là Con yêu dấu của Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã xác nhận điều đó: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5). Người luôn lo lắng chu toàn sứ mạng của Chúa Cha, từ thời niên thiếu, khi ở lại trong Đền Thờ giữa các bậc tiến sĩ, cho đến giờ phút khổ nạn thập giá. Đức Giêsu đã luôn thể hiện ý Chúa Cha trong lời nói cũng như việc làm. Vâng phục thánh ý Chúa Cha chính là lương thực của Người (x.Ga 4,34).

II. DẪN GIẢI

Năm 2009 Thư Mục Vụ đề cập đến vấn đề giáo dục trong gia đình. Tháng Giêng: Theo ý định của Chúa, gia đình nuôi dạy tình yêu. Tháng Hai: Chúa giáng trần đã hấp thụ giáo dục của gia đình.

Tháng Ba: Chúa Thể Hiện Đức Tính Đứa Con Hiếu.

Chúa Giêsu là gương mẫu làm con hiếu thảo.

Chúa Giêsu là Ngôi Lời, là Ngôi Con đã thể hiện đức hiếu thảo với Ngôi Cha: Vâng lời, tuân phục, chú tâm lo lắng thể hiện sứ mạng, công trình Chúa Cha trao phó.

Thực hiện hiếu thảo nơi gia đình Nagiareth.

Hãy nghe lời Người, noi gương Người.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

MỘT CÁCH THỂ HIỆN TÌNH YÊU

Khi còn bé, Mary thường hay nghịch ngợm chạy nhảy khắp nơi. Cứ hễ mỗi khi cô bé sơ ý bị ngã đau oà lên khóc, mẹ cô lại chạy đến, bế cô lên, hôn vào chỗ bị đau rồi bảo: “Con ơi, mỗi khi con bị đau, con hãy siết chặt lấy tay mẹ, và mẹ sẽ nói với con rằng mẹ yêu con, con nhé !”

Thời gian thấm thoát trôi qua, cô học hành đỗ đạt và phải đi làm việc xa gia đình. Năm cô 30 tuổi, Mary nhận được điện thoại của bố, báo tin mẹ cô ngã bệnh rất nặng. Cô vội thu xếp mọi việc để về nhà.

Vừa trông thấy người mẹ gầy còm tang thương nằm bẹp trên giường vì chứng bệnh ung thư buồng trứng, cô rơm rớm nước mắt, chợt nhớ đến những kỷ niệm tuyệt vời ngày xưa còn bé, liền chạy lại bên mẹ, và cũng làm lại đúng những “cách thức thương yêu” ngày xưa mẹ cô đã làm cho cô: “Mẹ ơi mỗi khi mẹ lên cơn đau, mẹ hãy siết chặt lấy tay con, và con sẽ nói với mẹ rằng con yêu mẹ, mẹ nhé !”

Cô đọc được trong ánh mắt kiệt quệ của mẹ một tia sáng long lanh của sự ấm áp yêu thương.

Cứ thế, trong suốt hai năm, Mary đã xin nghỉ việc để cùng với bố túc trực chăm sóc mẹ, siết chặt bàn tay của mẹ và nói những lời như thế mỗi khi mẹ lên cơn đau quằn quại. Và rồi lần xiết chặt tay cuối cùng đã đến, mẹ cô đã nhắm mắt lìa đời trong niềm bình an của yêu thương, bên tai vẫn nghe con gái thủ thỉ: “Mẹ ơi mỗi khi mẹ lên cơn đau, mẹ hãy siết chặt lấy tay con, và con sẽ nói với mẹ rằng con yêu mẹ, mẹ nhé !”

Yêu ai là muốn làm đẹp lòng người ấy. Cũng thế, khi yêu ai, chúng ta nhận lấy niềm vui và nhất là nổi khổ của người mình thương yêu. Nổi khổ hay niềm vui chúng ta nhận lấy đôi khi còn lớn hơn cả niềm vui và nổi khổ của người chúng ta yêu thương. Như người mẹ xé ruột, nát gan, khi nhìn thấy đứa con bé bỏng của mình oằn oại trên giường bệnh. Tình yêu khiến chúng ta sẳn sàng hy sinh. Tình yêu mãnh liệt hơn sự chết là như thế!

IV. DIỄN GIẢI

Khi đề cập đến vai trò làm Con Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Thư Mục Vụ đã dẫn lời của Tin Mừng Thánh Gioan (x. Ga 4,34) : “Vâng phục thánh ý Chúa Cha, chính là lương thực của Ngài” (TMV số 5).

Đức Giêsu vâng phục Chúa Cha theo cách thế của một Người Con yêu thương và làm theo ý của Cha mình. Không phải như trẻ con, cha bảo gì làm nấy, không hiểu biết, cũng chẳng mến yêu, làm như nô lệ. Cũng chẳng phải như người làm thuê, chỉ cần làm hết bổn phận của mình. Vâng phục Chúa Cha trở nên bổn phận thiết thân với Chúa Giêsu: “Nầy Con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7). Thực vậy, từ năm lên mười hai tuổi, Đức Giêsu đã cho thấy Ngài phải lo công việc của Cha Ngài (Lc 2,49-50). Thời gian công khai rảo giảng Tin Mừng chính là lúc Đức Giêsu thể hiện rõ nét Ngài đến trần gian chỉ để làm theo ý Chúa Cha mà thôi!

Là Thiên Chúa, có toàn quyền trên trời dưới đất, dẫu vậy Đức Giêsu luôn định hướng cuộc đời mình theo thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài và chờ đến “giờ” để thực hiện chương trình đã định, như khi hoá nước thành rượu, khi lên Giêrusalem vào dịp Lễ, hay khi làm cho Lazarô sống lại…

Ngài chuyên cần cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, để luôn hiểu được ý Chúa Cha. Mắt Ngài đăm đăm nhìn Chúa Cha, để chỉ làm những gìø Ngài thấy Cha làm: “Thật, tôi bảo thật các ông: Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoài trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì Người Con cũng làm như vậy” (Ga 5,19). Với những người chống đối, không tin, Đức Giêsu phó thác cho Chúa Cha lôi kéo, để họ tin vào Ngàiï. Đức Giêsu vâng phục ngay cả khi để cho người ta bắt mình. Sau khi cầu nguyện, Người đón nhận chén đắng mà Chúa Cha trao ban, không kháng cự đã đành, lại còn ngăn cấm không cho các môn đệ vọng động, ngõ hầu Ý Chúa được nên trọn (x. Mt 26,5).

Sau biến cố Phục Sinh, Đức Giêsu nhắc cho các môn đệ hiểu những đau khổ Ngài phải chịu là do ý muốn của Chúa Cha và cũng do thánh ý Chúa Cha, các ông còn phải rao giảng sự thống hối và ơn tha tội cho khắp muôn dân (x. Lc 24,46-47).

Đức Giêsu đón nhận thánh ý Chúa Cha trong mọi sự. Và khi gọi chúng ta là “anh em”, Người đưa chúng ta vào gia đình của Cha Người. Như vậy, Người cũng gánh chịu tất cả những khó khăn, tội lỗi, án phạt của chúng ta, những kẻ “thuộc về gia đình” của Người. Đúng như lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Đức Chúa đã đổ trên đầu Người tất cả tội lỗi chúng ta” (Is 53,6). Và “Người còn hạ mình vâng lời cho đến nổi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phil. 2,8).

Đức Giêsu đã vâng phục Chúa Cha như thế đó! Ngài chính là mẫu gương vâng phục cho mỗi người chúng ta đối với Thiên Chúa, là Cha chúng ta, qua Hội Thánh của Người.

Vâng phục thế nào? Sự vâng phục hệ tại ở chỗ chấp nhận thánh ý Thiên Chúa trên ý muốn của mình, chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, trên chương trình của mình - trong mọi hoàn cảnh - với lòng yêu mến muốn gắn bó với Chúa, trong niềm tin tưởng mãnh liệt. Điều đó, cũng có nghĩa là mở lòng ra, ngoan ngùy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta sống theo ý Chúa. Đằng sau mọi hành vi vâng phục đều là hệ quả của một niềm tin sâu thẳm.

Mẫu gương của Đức Trinh Nữ Maria: Tin chính là Vâng Phục. Trong ngày Truyền Tin, khi đáp lời sứ thần truyền: “Nầy tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi điều sứ thần đã phán” (Lc 1,38) là Đức Maria đã chấp nhận ý Chúa trên ý của mình, chấp nhận chương trình của Thiên Chúa trên chương trình của mình. Qua đó, Đức Maria cũng đã đáp lời Chúa Thánh Thần, Đấng thôi thúc và thăng tiến đức tin của Mẹ mỗi ngày một trọn hảo hơn. Bằng một đức tin vâng phục, Đức Maria - người nữ tỳ - đã dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa và Con của Người, không giữ lại chút gì cho mình. Vì thế mẹ đáng được Giáo Hội tuyên xưng là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc loài người.

Noi gương Đức Giêsu và Mẹ Maria, chúng ta nài xin Chúa Thánh Thần, cho chúng ta cũng biết :

- Vâng lời cha mẹ trong những điều phải lẽ. Bởi vì vâng lời là hiếu thảo, là yêu thương.

- Vâng phục Hội Thánh, là gia đình của Đức Giêsu mà chúng ta là “anh em" của Ngưòi.

- Yêu mến và vâng phục Thánh Ý Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

Yêu thương chính là vâng phục: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy…” (Ga 15,10).
Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

KIỂM ĐIỂM

Có bao giờ suy nghĩ vể Mầu Nhiệm Ba Ngôi. Ngôi Lời là Ngôi Con, hoàn toàn tuân phục Ngôi Cha và đem tinh thần tuân phục đó xuống trần gian nơi gia đình Nagiarét.

Có thấy nơi Chúa Giêsu, mẫu gương tuyệt vời của hiếu tử không?

Có tìm noi gương Chúa không

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Nhiều lần Thiên Chúa tỏ cho chúng ta biết Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Qua đó, Người dạy: “Hễ ai muốn trở nên con Thiên Chúa, thì phải kết hợp với Chúa Giêsu, và phải vâng nghe lời Ngài”. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện:

  1. Chúa phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, biết vâng nghe lời dạy của Chúa Giêsu, để cùng được trở nên con Thiên Chúa.
  2. Chúa phán: “Ai yêu mến Ta, phải vâng giữ lời Ta, Cha Ta sẽ yêu thương người ấy”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, thật lòng yêu mến Chúa, tuân giữ các giới răn Chúa, để xứng đáng được Chúa yêu thương và được sống trong Chúa.
  3. Chúa phán: “Cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết yêu thương nhau theo lệnh truyền của Chúa, để được gia nhập vào gia đình nhà Chúa.
  4. Chúa phán: “Ai nghe và vâng giữ lời Ta, người đó là mẹ Ta, là anh chị em Ta”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, siêng năng nghe và vâng giữ lời Chúa, để được thuộc về gia đình Thiên Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn cứu chuộc mọi người để họ được tham dự vào sự sống Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết năng kết hợp với Con yêu dấu Chúa, trung thành tuân giữ giới răn Chúa, hầu đáng được gọi là con Thiên Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

ĐỨC GIÊSU KITÔ - CON THIÊN CHÚA

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người đã hoàn toàn trở nên con người trong gia đình Nagiareth. Trẻ Giêsu đã được nuôi dưỡng, dạy dỗ bởi Mẹ Maria và thánh Giuse, đã được hấp thụ môi trường xã hội của nước Do Thái, những hình ảnh, những nền văn hoá địa phương để sau này khi rao giảng Nước Trời Người đã làm cho những lời dạy của Người thật phong phú và gần gũi với con người mọi thời.

Vì thế, trong những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, chúng ta thấp thoáng thấy được hình ảnh của mẹ cha, của quê hương làm xóm. Khi nói về lòng nhân hậu, sự bao dung tha thứ, sự quảng đại yêu thương…có lẽ Chúa Giêsu cũng đã được in đậm những đức tính ấy nơi người cha người mẹ của Người. Như vậy, Chúa Giêsu quả là một người con hiếu thảo của gia đình Nagiareth khi Người vâng lời mẹ cha và thể hiện hình ảnh người cha, người mẹ nơi chính con người của mình.

Hơn nữa, Đức Giêsu là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa Cha, chính Chúa Cha đã xác nhận điều ấy ở sông Giođan khi Chúa Giêsu chịu phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Giả: “Đây là Con Yêu Dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5). Chúa Giêsu đã làm gì mà được Thiên Chúa Cha xác nhận là Con Yêu Dấu? Những biến cố ghi lại trong các Sách Tin Mừng có lẽ đủ cho chúng ta thấy được điều đó.

Năm 12 tuổi Chúa Giêsu được cha mẹ dẫn lên Đền Thánh Giêrusalem và Người bị lạc ở đấy. Câu trả lời của Chúa Giêsu có lẽ khó nghe bởi chúng ta chưa hiểu nhưng đã nói lên sự liên hệ mật thiết của Người với Thiên Chúa Cha “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49), và việc gắn bó với Thiên Chúa Cha là việc tối cần thiết trong cuộc đời của Người.

Trong giai đoạn công khai hoạt động, Chúa Giêsu đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa Cha khi Người đến với những người nghèo hèn, bệnh tật, tội lỗi, những người bị xã hội gạt ra bên lề... Những dụ ngôn, những bài giảng nói về tình yêu, sự tha thứ… vượt hẳn sự tha thứ mà con người có thể nghĩ đến. Những điều ấy Chúa Giêsu đã học được từ đâu nếu không phải là nơi Thiên Chúa Cha là Đấng Bao Dung Tha Thứ.

Có thể quả quyết mà không sợ bị võ đoán rằng: suốt cuộc đời của Chúa Giêsu là thể hiện khuôn mặt nhân hậu và ý định của Thiên Chúa Cha. Có những cám dỗ xảy ra trong cuộc đời của Chúa Giêsu giữa ý muốn dễ dãi và thực hiện ý Chúa Cha, nhưng trong tất cả mọi sự Chúa Giêsu đã “…xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22, 42).

Trong thư của thánh Phaolô tông đồ gởi cho tín hữu Côlôxê ngài viết: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình……..” (Cl 1, 15). Như vậy, Chúa Giêsu thật sự là Người Con Yêu Dấu của Thiên Chúa Cha khi Người đã vâng lời Cha hiến thân mình làm giá cứu chuộc nhân loại và Người là Con Yêu Dấu của Chúa Cha khi Người thể hiện khuôn mặt đầy nhân hậu, tha thứ của Thiên Chúa Cha trong sứ mạng của Người.

Những người Kitô hữu qua Bí tích Rửa tội được mời gọi trở nên những người anh em của Đức Kitô thì cũng được mời gọi nên những người con yêu dấu của Chúa Cha. Hãy học nơi Đức Kitô mà biết nghe tiếng Chúa trong cuộc sống hằng ngày và thể hiện tình yêu mình nhận được nơi Thiên Chúa cho anh chị em chung quanh.

VII. HỌC KINH THÁNH

BÀI 38: NGÔN SỨ MICA

1/ Cuộc đời của ngôn sứ Mica.

Ông là người Giuđa, quê ở Môrêshet, phía tây Hêbron. Ông đã thi hành sứ vụ cùng thời với Osée và Isaia. Người gốc thôn dã khiến ông gần gũi với Osée: không thích thành thị, có một ngôn ngữ cụ thể và mạnh bạo.

2/ Sứ điệp của Mica.

- Tương tự như Isaia, ông nhấn mạnh đến một Thiên Chúa duy nhất.
- Rao giảng sự công bình xã hội.
- Sự thánh thiện trong tâm hồn, chống lại việc đạo đức chỉ vụ hình thức.
- Tính phổ quát của ơn cứu độ.

Lời Chúa: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Ephratha, không lẽ vì ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, vì từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của Người có từ thuở trước, từ thuở xa xưa” (Mic 5, 1).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết thực thi công bình, bác ái đối với tha nhân. Biết sống nội tâm, tránh thói đạo đức giả, để con thờ Chúa thật lòng. Amen

VIII. SỐNG ĐẠO

GIỮ ĐẠO, SỐNG ĐẠO LÀ SỐNG THÁNH

Tiếng thánh có thể hiểu là tình trạng trọn lành. Nho giáo phân biệt: có những ông Hiền, có thể hiểu là bực quân tử (con vua); còn thiên tử là con trời, thay trời thống trị thần dân. Quân tử lại giúp thiên tử điều chỉnh xã hội cho thuận hòa, an bình, thịnh đạt… nhưng đến điểm “hảo” thì không đạt được. Vì thế, Khổng Tử đã tuyên bố “Thánh, ngã bất cảm” (Tôi không dám làm thánh. Chữ thánh trong Nho giáo có phần hẹp hòi!)

Còn chúng ta, tín hữu tôn thờ Chúa thì hiểu thánh như thế nào?

Thánh là tình trạng tuyệt thiện, tuyệt hảo, về mọi phương diện. Hiểu như thế thì ngoài Thiên Chúa, ngoài Ông Trời thì không có vị nào, đấng nào có thể có được.

Kinh Thánh vẫn ca tụng Chúa là Thánh (Santus), là tuyệt thánh (Sanstissimus) Chúa ba lần thánh (Santus, Santus, Santus).

Vậy có thể nói tín hữu là người Thánh được không? Chúng ta có thể ngờ vực, nhưng thánh Phaolô trong nhiều thơ của Ngài đã gọi các tín hữu thời đó là những người thánh. Sao bạo gan thế? Thánh Phaolô vẫn có những những lý do vững chắc, chúng ta cố gắng tìm hiểu.

Cho dù chúng ta chưa là tín hữu Công Giáo, nhưng do cảm nghĩ tự nhiên, gần như chung cho nhân loại, chúng ta nhìn nhận: trời sinh, trời dưỡng – sống, thác, nhờ trời.

Trời sinh nghĩa là Thiên Chúa tạo sinh: Thiên Chúa tạo dựng con người từ hư vô, từ không có chi hết. Chúa vì thương ban cho con người được có cái có, cái có này gồm những cái có trước trong vũ trụ: cái có vô tri, cái có sống lớn lên cái có cảm giác. Riêng cho con người chúng ta lại thêm vào đó cái có hiểu biết và thương yêu.

Chúa tạo dựng con người gồm mọi yếu tố của vạn vật để con người nhờ có lý trí và tình yêu…hướng vạn vật về cùng Chúa. Vật thọ tạo phải quy hướng về Đấng Tạo Dựng, với lòng tùy thuộc, vâng phục.

Như thế chưa đủ, vì Chúa là tình yêu, vì yêu mà tạo dựng nên, nhắc con người lên bực làm con Chúa, ban cho có cái hiểu biết, cái thương yêu giống như hiểu biết, thương yêu của Chúa và do đo, cho con người được kết hợp với Chúa. Vì thế, giữ đạo, sống đạo, là loại bỏ những chi không đúng ý Chúa, để thể hiện những chi giống Chúa, sống như đồng hóa với Chúa.

Chúa thánh thì con cái Chúa cũng thánh. Kết hợp với Chúa càng thắm thiết, thì mức độ thánh của con người càng siêu đẳng.

NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẠC VỀ ĐỜI SỐNG THÁNH

Trong Hội thánh từ sơ khởi, có tôn sùng nhiều vị thánh như Mẹ Maria, thánh Giuse, các thánh tông đồ, các thánh tử đạo… vì tâm trạng tín hữu mến phục và xác tín các ngài là thánh.

Về sau, để tránh những cảm tình có thể lầm lạc của con người, thì Hội thánh cho được tuyên thánh một vị nào, thường phải điều tra (tìm biết rõ) đời sống, hành vi, đức hạnh, công trình, giáo huấn… tất cả đều tốt, tốt hơn bình thường, đức hạnh cao siêu anh dũng, để nêu gương cho giáo hữu.

Do đó, mà giáo hữu nghĩ: người giữ đạo thông thường không thể là thánh. Thánh phải cao siêu hơn, đức hạnh phi thường, kinh nguyện thường xuyên, ăn chay, đánh tội, thức khuya dậy sớm, công trình từ thiện bao quát, thành lập những hội dòng lợi ích cho nhân loại.

Đúng ra đọc kinh, ăn chay, hãm mình… là những phương tiện giúp cho nên thánh. Còn chính việc đọc kinh, ăn chay… không phải là tình trạng thánh.

Cũng có thể lạm dụng những phương tiện giúp nên thánh như: Đọc kinh ngoài miệng thôi thì không có giá trị; đọc kinh để xin ơn: xin ơn thi đậu, xin ơn làm ăn khá… không thể là đường nên thánh. Ăn chay, đánh tội, thức khuya, dậy sớm…Ma quỷ không ăn, không ngủ, ngày đêm chịu khổ nhưng chúng có thánh đâu… Ăn chay để được vợ, ăn chay để hơn người… thì đâu có thánh. Thức khuya, dậy sớm để làm cho ra tiền, để nghiên cứu học hỏi hơn người đâu có giúp cho nên thánh.

Nhưng khổ nổi cách chung, chúng ta không nhận định, suy niệm rõ về sống đạo là sống thánh. Cứ nghĩ sống thánh là phải đọc kinh nhiều, sống phi thường khắc khổ như nhà khổ tu, phải thực hiện những công trình siêu việt.

Chúng ta quên Chúa dựng nên chúng ta làm con Chúa, hoàn toàn tùy thuộc Chúa, cùng nhìn một hướng mà mến yêu kết hợp, dường như nên một với Chúa, gọi được là đồng hóa phần nào với Chúa.

Chúa Thánh – ba lần Thánh – thì chúng ta cũng phải thánh.

THÁNG 3: KÍNH THÁNH GIUSE

Hội thánh muốn trong tháng này, giáo hữu cố gắng tôn sùng Thánh Giuse. Tôn sùng là kính mến đặc biệt và hâm mộ việc kính mến này.

Nhìn vào đời sống thánh của Thánh Giuse, chúng ta nhận thấy lối sống đơn thường, không có những đặc điểm mà chúng ta thường nghĩ các thánh phải có, như thể hể thánh thì phải sống chay tịnh, hãm mình đánh tội, làm những công trình ngoạn mục, lợi ích cho đời…

Cuộc sống của Thánh Giuse có những biến cố xem ra đặc biệt: đón nhận Mẹ Maria làm bạn, theo lệnh chánh quyền về Bêlem trình gia phải, đón Chúa Hài Đồng ở hang đá, trốn sang Ai cập, xem ra khác thường. Nhưng trong đời chúng ta cũng có những biến cố không hợp với sở thích, những biến cố khó nhọc nguy hiểm… Những biến cố như thế kể là thường cho mọi người, không ai tránh được.

Sống thông thường như thế, làm sao là sống thánh được? Thật ra sống thánh là sống theo ý Chúa. Thánh Giuse sống hoàn toàn theo ý Chúa. Sống theo ý Chúa không như nô lệ, không theo thường tình vật thọ tạo phải hoàn toàn tuân phục Đấng Tạo Dựng. Nhưng cao siêu hơn, tuân phục với tâm tình, bỏ quyền tự do của mình, cùng nhìn một hướng với Chúa.

Hay như Khổng Phu Tử: Tùng tâm sở dục bất du củ . Tâm muốn cái chi muốn, nhưng cái muốn đó không đi ngoài ý muốn của Chúa, hàm chứa tánh cách hiến mình cho Chúa. Hay nói đơn sơ hơn, đường lối của Thánh Giuse là hoàn toàn theo ý Chúa với cả tình yêu, vâng bởi yêu, bởi yêu nên vâng. Đời sống thánh Giuse chính là vâng yêu tuyệt đỉnh!

Thử hỏi đời chúng ta, yêu vâng có được không? Được lắm chứ, không ai dám quả quyết là không được. Đời sống của các thánh quá đặc biệt…..làm cho chúng ta phục; còn lối sống Thánh Giuse làm cho chúng ta yêu mến và mọi người có thể theo dấu vêt của người.

Thường nhìn Thánh Giuse - nhận thấy dưới những tác động, những tâm tình của Ngài - năng chạy đến với Ngài, van xin Ngài cho chúng ta biết được đời sống tín hữu phải là đời sống thánh. Trong cuộc sống bình thường hằng ngày, chúng ta vẫn có thể sống thánh.
Lạy thánh Giuse, cầu cho chúng con.

IX. MỤC VỤ THIẾU NHI

MUỘN MÀNG HAY CHẲNG MÀNG

Sự hối tiếc thường đem lại cho cuộc sống tiếng thở dài với những lời than thân trách phận. Ngày mai bạn ra sao là do hôm nay bạn chọn như vậy. Đó như lời cảnh báo cho những ai đã trưởng thành cần chọn lựa cho mình một cách sống tốt đẹp để không phải hối tiếc về sau. Nhưng với những ai chưa đủ trưởng thành thì sự chọn lựa ngay từ thuở đầu đời còn phụ thuộc rất nhiều nơi cha mẹ.

Trẻ nhỏ dẫu chưa đủ lời lẽ khôn ngoan, chưa nói hết được điều muốn nói nhưng tận sâu thẳm cõi lòng chúng vẫn có những tiếc nuối muộn màng vì sự “chẳng màng” của những người mà chúng nương thân cậy dựa. Tiếc nuối muộn màng lớn nhất của chúng về sau chính là không được đến gần Thiên Chúa như lời Chúa Giêsu đã phán khi xưa: Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.

Trẻ nhỏ có thể đánh mất Nước Trời vì chúng không có cơ hội đến với Chúa. Trẻ nhỏ đáng ra đươc đến gần Chúa, được Chúa nâng niu ẳm bồng. Nhưng rồi chúng bị nhiều người đối xử như thái độ của các môn đệ xưa kia. Người ta cứ sợ chúng gây phiền hà khi cử hành Phụng vụ, sợ chúng gây ồn ào trong những buổi lễ trang nghiêm. Với nhiều lý do tương tự cuối cùng đi đến những giải pháp không hay: Trẻ nhỏ chỉ ở nhà không cần đi lễ. Trẻ nhỏ nên ở ngoài sân để tránh gây phiền hà. Nhiều trẻ nhỏ không được đến nhà thờ chỉ vì cha mẹ chúng chẳng có đi.

Người bất toại mãi mãi chẳng được lành nếu như không được người khác khiêng đến cùng Chúa Giêsu. Trẻ nhỏ cũng sẽ không được Chúa chúc lành khi chúng không được đến gần Thiên Chúa. Chúng không hiểu Thiên Chúa là ai theo cách hiểu của người lớn nhưng chúng có thể biết Chúa qua nhiều hình thức. Gặp Chúa trong lời kinh gia đình, gặp Chúa trong những bài giáo lý, gặp Chúa trong Thánh lễ, trong cử chỉ đẹp, trong lời nói hay. Người có trách nhiệm cần tạo cho trẻ nhỏ có được những cơ hội tốt đẹp ấy.

Lời tiếc nuối muộn màng mà trẻ nhỏ có thể lúc nào đó sẽ thốt lên: Chúng con không được ai nói về Chúa cho chúng con. Chúng con không được ai hướng dẫn. Chúng con không có cơ hội biết Chúa. Chúng con thua thiệt quá nhiều, mất mát quá nhiều! Thử đi tìm lời giải đáp cho những lời muộn màng ấy phải chăng là sự chẳng màng, thiếu quan tâm của những người có trách nhiệm.

Trách nhiệm thuộc về ai? Câu hỏi vô tình đã trở nên thịnh hành cho một thời đại. Mỗi người cũng tự hỏi tôi đã làm gì để giúp ích cho trẻ nhỏ? Tôi đã tạo cơ hội để trẻ nhỏ đến với Chúa chưa? Tiếc nuối muộn màng của tôi phải chăng là sự chẳng màng quan tâm đến trẻ nhỏ?

“Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy”. Lời mời gọi của Chúa Giêsu vẫn còn thơm giấy mực cho những người thao thức chăm lo phục vụ vì thế hệ ngày mai.

X. MỤC VỤ GIỚI TRẺ

SỐNG VÂNG PHỤC THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU

Có thể nói cách đây hơn hai ngàn năm, không một ai đã sống cách trọn hảo và tuyệt vời như Chúa Giêsu. Bởi lẽ, suốt gần ba mươi ba năm ở trần gian Người đã sống vừa chu toàn tốt bổn phận làm con trong gia đình Thánh Gia vừa chu toàn tốt bổn phận làm con Chúa Cha trên trời.

Bởi thế, Chúa Cha đã công khai tuyên bố về Con Chí Ái của mình trong biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Sinai: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người“ (Mt 17,5). Lời tuyên bố này Chúa Cha cũng đã long trọng nói khi Chúa Giêsu bắt đầu công khai ra đi rao giảng Tin mừng, qua việc Người chịu phép rửa bởi Thánh Gioan tại sông Giođăng.

Sở dĩ Chúa Giêsu được Chúa Cha gọi là Con yêu dấu vì Người luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Lúc 12 tuổi trong tại Đền thờ Giêrusalem khi Đức Mẹ và Thánh Giuse lạc mất và tìm được Người thì Người đã nói với các ngài:“Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49). Đồng thời, có lần Người cũng đã nói với các môn đệ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4, 34).

Là người trẻ nhiều khi muốn tự khẳng định mình nên lắm lúc chúng ta không sống theo những điều Chúa dạy. Chúng ta cho những điều Chúa dạy không hợp với thời đại. Nhưng thực ra những điều Chúa dạy hoàn toàn muốn tốt cho chúng ta.

Vì thế, Chúa Cha cũng rất muốn nói với từng người chúng ta như đã nói với Chúa Giêsu: con là con yêu dấu của Cha nếu như chúng ta biết sống như Chúa Giêsu đã sống.

XI. MỤC VỤ ƠN GỌI

CON NGOAN

Tôi không nhớ rõ, khi còn bé Ba Mẹ nói những lời yêu thương như thế nào với tôi. Nhưng những gì tôi cảm nhận được khi tôi lớn đó là Ba Mẹ rất yêu tôi. Những lời “con yêu quý”, “con yêu mến”, tôi cảm nhận được qua từng việc, từng cử chỉ Ba Mẹ dành cho. Nhất là từ khi tôi đi tu, thường xuyên sống xa nhà tôi cảm nghiệm được nhiều hơn về điều này trong những lúc được sống gần Ba Mẹ gia đình. Chắc chắn, khi còn bé ai trong chúng ta cũng được Ba Mẹ gọi là “con cưng”, “con ngoan”. Ba Mẹ còn hãnh diện khi giới thiệu với mọi người “đây là con tôi nó ngoan lắm””hoặc “đây là con tôi nó hiền lắm”.

Đứa con trong gia đình phải ngoan hiền, vâng lời thì Ba Mẹ mới dám hãnh diện và giới thiệu như vậy. Mỗi lần nghe như thế tôi rất vui và hạnh phúc vì Ba Mẹ yêu mình, chính tình yêu đó giúp tôi lớn lên và giúp tôi nhận ra tình yêu của Chúa trong cuộc đời tận hiến.

Trước khi được Chúa Cha giới thiệu với mọi người, Đức Giêsu đã là người con yêu dấu trong gia đình Nazareth. Nơi gia đình Nazareth, Đức Giêsu được dạy cho biết phải yêu thương và phục vụ. Quan trọng hơn hết là Ngài sống thảo hiếu với Cha Mẹ. Thánh Giuse và Mẹ Maria hẳn rất hãnh diện về người con của mình “Người hằng vâng phục hai ông bà” (Lc 3, 51).

Khi khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu được Chúa Cha giới thiệu “đây là Con yêu dấu của Ta”. Ngài là con yêu dấu, vì Ngài luôn biết thi hành Thánh ý của Chúa Cha. Thi hành Thánh ý Chúa Cha trong cuộc đời ẩn dật “hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. Là con yêu dấu, Ngài nhận sứ vụ đem Tin Mừng cho nhân loại và trung thành với sứ mạng ấy cho đến chết trên thập giá để tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ.

Ngày hôm nay, chúng ta chứng kiến nhiều gia đình tan vỡ, cha mẹ và con cái chia ly. Con cái không còn được tình yêu gia đình đùm bọc che chở dễ rơi vào vòng xoáy cuộc đời. Cạm bẫy xã hội vây quanh và mời gọi, không được vòng tay cha mẹ dìu dắt, người trẻ mất phương hướng, lạc lỏng giữa cuộc đời và sa ngã.

Hơn bao giờ hết, Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta trở nên con yêu dấu của Ngài. Đây là một đặc ân cao cả Chúa dành cho chúng ta. Nhưng tước hiệu này chỉ đến với chúng ta khi chúng ta thật sự sống theo mẫu gương Chúa Giêsu.

- Đó là biết sống tâm tình của người con thảo trong gia đình.
- Đó là biết nhận ra Thánh ý Chúa trong cuộc sống và luôn thi hành Thánh ý đó.
- Đối với những bậc làm cha mẹ, noi gương Thánh Cả Giuse và Mẹ Maria nuôi dưỡng, yêu thương và giáo dục con cái ngay từ lúc chào đời.

Đồng thời qua Bí tích Rửa tội, Chúa ủy thác cho chúng ta sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng tình yêu. Chúa muốn Tin Mừng tình yêu của Chúa được mọi người đón nhận. Chúa mời gọi chúng ta tiếp tục con đường của Chúa để tình yêu Chúa lan rộng. Một linh mục hay tu sĩ có tấm lòng quảng đại, bác ái khi thi hành công tác mục vụ là do thấm nhuần từ trong gia đình của mình. Chắc chắn những gì Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc đời công khai, là những gì Ngài đã được hấp thụ từ trong gia đình.

Là một người con thảo hiếu trong gia đình có thể trở thành người con thảo hiếu trong sứ vụ tận hiến. Nhưng sẽ không có người con thảo hiếu nếu cha mẹ không lấy Tình Yêu Thiên Chúa và lòng bác ái Kitô giáo mà giáo dục con cái.

Thiên Chúa và Giáo Hội đang mong chờ những người con yêu dấu của mình mang tình yêu cứu độ vào đời. Chúng ta cùng cầu nguyện cho có nhiều bạn trẻ quảng đại, những bậc làm cha mẹ biết nuôi dưỡng, giáo dục con cái về đức tin và văn hóa để góp phần vào việc loan truyền Tình Yêu Thiên Chúa cho nhân loại hôm nay.

XII. MỤC VỤ GIA ĐÌNH

CHÚA GIÊSU NGƯỜI CON HIẾU THẢO CỦA THIÊN CHÚA

Nơi mái trường Nazareth Con Thiên Chúa học làm con người với Mẹ Maria và Thánh Giuse. Ngài làm người cách tuyệt vời đến nỗi những người có định kiến với Người không thể thấy cái hay, cái đẹp tuyệt vời nơi lời nói việc làm độc đáo của người: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”(Mc.1,22), “Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”(Mc.1,27). Thấy người bại liệt đứng dậy,và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy như vậy bao giờ”(Mc.2,12). Đức Giêsu về Nazareth giảng dạy trong hội trường ngày sabbat “mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Người Nazareth bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”(Lc.4,22). Nghe Chúa Giêsu phiền trách họ, “mọi người trong hội trường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy lôi Người ra khỏi thành, thành này được xây trên núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi”.(Lc.4,28-30). Tuy nhiên “vai trò Chúa Giêsu người Con hiếu thảo của Thiên Chúa” được chính Chúa Cha xác nhận, được chính Chúa Giêsu khẳng định, và mọi người được Thánh Thần soi sáng đều nhìn nhận.

1. Chúa Cha xác nhận:

Ngày Chúa Giêsu vâng theo thánh ý Chúa Cha đến chịu phép Rửa tại dòng sông Gio-đăng để khai mở cuộc rao giảng công khai, ông Gioan Tẩy Giả một mực can ngăn Chúa Giêsu và nói: “Chính tôi mới cần Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi”. Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính. Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Đức Giêsu”(Matt 3,14-15). “Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thánh Thần Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người”(Matt 3,16). “Lại có tiếng từ trời phán rằng “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”(Mc 1,11); “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”(Lc 3,22b)

+ Ngày Chúa Giêsu biến hình trên núi để các môn đệ đừng vấp ngã vì thập giá và cuộc tử nạn đau thương của Người: “Rồi người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ giặt nào ở trần gian giặt trắng được như vậy…Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”(Mc 9,2c-7); “ Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”(Matt 17,7) “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”(Lc.9,35). Đức Chúa Cha cho nhân loại biết Đức Giêsu là Con hiếu thảo của Ngài. Nhưng chính Đức Giêsu cũng khẳng định Người là Con của Chúa Cha vâng theo ý Chúa Cha, nên một với Chúa Cha.

2. Chính Chúa Giêsu khẳng định:

+Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu đến thế gian:

* Trước khi phục sinh Lazarô chết bốn ngày Chúa Giêsu loan báo cho mọi người biết: “Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giêsu ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha , Con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời Con. Phần Con , Con biết Cha hằng nhậm lời Con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên Con đã nói để họ tin là Cha đã sai Con. Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ”. Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”(Ga11,41-44)

* Đức Giêsu nói ý Chúa Cha với ông Nicôđêmô : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời”(Ga.3,16)

* Người phụ nữ Samaria thưa với Chúa Giêsu : “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự. Đức Giêsu nói: Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”( Ga 4, 25-26)

+ Chúa Giêsu làm theo ý Chúa Cha, nói lời Chúa Cha, làm việc Chúa Cha.

* Đức Giêsu được Chúa Cha sai đến Cứu đời nên Người luôn làm theo ý Chúa Cha : “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,37-38). “Tôi không tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi”(Ga 5,30). Tại bờ giếng Giacop tại Sikem, Samaria, Đức Giêsu nói với các tông đồ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”(Ga 4,34). Vì luôn luôn làm theo ý Cha, nên trong kinh lạy Cha, Chúa Giêsu đã dạy mọi tín hữu: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”(Matt 6,10b). Cụ thể trong vườn cây dầu, khi hấp hối, chúa Giêsu đã quyết tâm vâng theo ý Cha: “Lạy Cha , nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha”(Matt 26,39)

* Chúa Giêsu nói lời Thiên Chúa: trong dịp lễ Lều tại đền thờ Giêrusalem, Đức Giêsu nói với người Do Thái : “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi”(Ga 7.16); “Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy”(Ga 8,28b). “Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì và tôi biết mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời, vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi”(Ga.12,49-50)

* Chúa Giêsu làm việc Cha giao: Khi chữa người đau ốm 38 năm tại hồ nước Cửa Chiên, Chúa Giêsu nói: “ Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”(Ga 5,17). “Thật, tôi bảo thật các ông: Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm, vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy”(Ga 5,19)

+ Chúa Giêsu và Chúa Cha là một: “ Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người”(Ga 8,29). “ Tôi và Cha tôi là một”(Ga 10,30) “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”(Ga 10,38c)

3. Các tông đồ và mọi người đều nhìn nhận Đức Giêsu là Con hiếu thảo của Thiên Chúa:

+ Ông Gioan Tẩy Giả làm chứng về Chúa Giêsu: “Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước bảo tôi: ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thật rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”(Ga 1,32-34)

+ Nathanaen tuyên xưng “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel”(Ga. 1,49)

+ Phêrô tuyên tín: “Thầy là Đấng Kitô , Con Thiên Chúa hằng sống” (Matt 16,16)

+ Viên sĩ quan ngoại giáo người Rôma, chứng kiến việc hành hình và cái chết thánh thiện của Chúa Giêsu đã công bố: “Quả thật, Người này là Con Thiên Chúa”(Mc .15,16)

+ Bà Matta nhìn nhận: “Thưa Thầy, con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian”(Ga.11,27)

+ Ông Tôma tông đồ, kẻ cứng tin nhìn thấy Đức Giêsu phục sinh đứng sờ sờ ở trước mặt mình, cho phép ông được xét nghiệm các vết thương trên cơ thể phục sinh của Người đã tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”(Ga 20,28)

+ Phaolô viết cho tín hữu Rôma: “Xét như một người phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi Vua Đavít, nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rom.1,3b-4)

Bằng đời sống ẩn dật gắn bó với Chúa Cha, được Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đồng hành trong cuộc rao giảng Tin Mừng, chết và sống lại, Đức Giêsu được minh chứng, được nhìn nhận là Người Con hiếu thảo của Thiên Chúa. Học hỏi, tìm hiểu và chiêm ngưỡng Người với lòng suy phục, kính tin, chúng ta hãy cố gắng bắt chước trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Hôm nay, trong mái ấm gia đình của Giáo Hội, của họ đạo, của gia đình riêng mỗi người chúng ta, chúng ta cố gắng làm cho ơn phép rửa tội thể hiện trọn vẹn trong cuộc sống của chúmg ta là con Thiên Chúa. Muốn được như vậy, chúng ta phải để Đức Giêsu- Người Con hiếu thảo của Thiên Chúa biến đổi chúng ta nên giống Người, suy nghĩ như Người, nói năng như Người, hành động như Người và sống như Người, nghĩa là Chúa Giêsu phải làm chủ và hướng dẫn đời ta.

Lạy Chúa Giêsu, Người Con hiếu thảo của Thiên Chúa, xin giúp con mỗi ngày nên giống Chúa hơn, để con cũng là con hiếu thảo của Thiên Chúa.

.................................................................................

TÌNH YÊU VÀ GIA ĐÌNH

Khi Thiên Chúa đã dựng nên Ađam, Người cho ông làm chủ muôn loài, thế nhưng Ađam vẫn buồn. Thấy thế, Thiên Chúa mới dựng nên Eva và dẫn đến trước mặt ông. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Ađam đã không kềm chế được niềm vui và đã reo lên: “Này là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi !” Thế là từ đó, hai ngưòi đã không rời xa nhau nữa, thậm chí họ cùng nhau ăn trái cấm !

Nhiều người vẫn hỏi tình yêu có từ nơi đâu? Câu hỏi thật thú vị đó chứ !

Nhưng để đi tìm câu hỏi này, trước tiên ta cần phải chọn cho nó một định nghĩa nào đó trong muôn ngàn định nghĩa về tình yêu.

Ta có thể nói tình yêu là sự trao hiến cách tự nguyện và trọn vẹn con người của mình, tâm hồn và thân xác, cho một đối tượng khác và đón nhận vô điều kiện trọn vẹn đối tượng đó như nó là.

Hiểu như thế thì ta có thể thấy ngay là nó có từ nơi đâu.

Chỉ trong đời sống gia đình, vợ chồng mới thật sự trao hiến trọn vẹn cho nhau mà không tính toán, so đo. Nơi đó là môi trường tốt nhất để người ta đón nhận nhau. Tình yêu nơi gia đình và có tính bản năng, vừa có tính ý thức, trách nhiệm. Khác với những thứ tình cảm khác chỉ là vụ lợi, thoáng qua, vô ý thức…..

Nhìn vào gia đình ta thấy có đủ loại tình yêu. Tình yêu nam nữ, tình yêu vợ chồng, tình yêu cha mẹ, tình yêu anh em, yêu nhau và yêu mọi người….

Trước tiên, hai người nam, nữ gặp nhau. Họ cảm thấy thích nhau, rồi quyến luyến nhau, kế đến họ đi đến việc chung sống với nhau. Có lẻ lúc đầu chỉ là do cảm xúc và bản năng. Người này có điểm nào đó làm người kia cảm thấy thích thú, khoái trá, thoả mãn,…. nên họ muốn chiếm hữu. Nhưng sau đó họ đã nhận ra là họ thật sự cần nhau, không thể mất nhau, cho nên họ biết hy sinh, lo lắng, chăm sóc cho nhau như chuyện đương nhiên phải làm cho chính bản thân. Và thế là, từ kẻ muốn chiếm hữu giờ trở thành người biết trao hiến, từ thích trở thành yêu, cảm giác trở thành hành động. Tứ bản năng trở thành có ý thức

Không dừng lại ở đó mà tình yêu ấy còn đâm chồi, nảy lộc. Tình yêu ấy còn chuyển đến đối tượng thứ ba là những đứa con. Giờ thì không chỉ là yêu nhau mà là cùng nhau yêu, từ tình yêu đôi lứa, nay trổ sinh tình yêu cộng đoàn, yêu tập thể. Và cứ thế từ tình yêu này đến lần lượt trổ sinh và lan tràn, vượt khỏi phạm vi gia đình ra xã hội để mặc lấy muôn màu muôn vẻ như chúng ta đã thấy.

Chính Thiên Chúa cũng xác nhận điều đó. Khi Ngươì giới thiệu Đức Giêsu với chúng ta, Người đã không dùng một danh xưng nào khác, mà dùng từ Con Chí Ái.

Chúng ta nói Thiên Chúa là tình yêu, bởi vì Người không đơn độc nhưng có Ba Ngôi. Ba Ngôi bằng nhau, nhưng không phải là đồng sự, bạn bè, mà là Cha, Con và Thánh Thần. Cha - con là danh xưng không được dùng ở đâu khác mà chỉ được dùng trong gia đình. Chính trong Ba Ngôi đó mà Thiên Chúa đã trao ban và đón nhận tất cả “ Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con.” (Jn 17, 10)

Như vậy chúng ta có thể khẳng định rằng: gia đình chính là môi trường để con ngưòi yêu và được yêu và cũng là nguồn cội của tình yêu, bởi vì tình yêu đến từ Thiên Chúa, mà từ thuở đời đời Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba ngôi, là Cha, Con và Thánh Thần, là một Gia đình thật sự.

XII. MỤC VỤ GIÁO LÝ VIÊN

GIÁO LÝ VIÊN LÀ NGƯỜI BIẾT MÌNH ĐƯỢC YÊU

  • Từ kinh nghiệm của Gioan

Đọc Tin Mừng theo Mc, chúng ta có 3 ghi nhận:
Sau khi được chọn vào nhóm 12, Gioan cùng với Giacôbê và Phêrô được Chúa yêu chọn ra riêng và Người đưa 3 môn đệ này lên một ngọn núi cao và ở đó Người cho các ông nhìn thấy dung mạo rực sáng của Người (x. Mc 9, 2-13). Có lẽ từ sự kiện này, Gioan đã cảm nghiệm đựơc một phần: mình được Thầy đặc biệt yêu thương . Nói là một phần vì có lý do, lý do ấy được Macô tiếp tục ghi nhận ở một sự kiện khác, ngay sau lời tiên báo thương khó lần thứ 3 của Chúa Giêsu: Hai người con của ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và đề nghị: cho được ngồi 2 bên tả hữu Thầy khi Thầy được vinh quang (x. Mc 10, 35 – 40). Có lẽ Gioan muốn trắc nghiệm xem có thật sự là Thầy Giêsu hoàn toàn yêu mình cách đặc biệt không!!! Nhưng bài trắc nghiệm này của Gioan đã sai, cho đến lúc chính Gioan chứng kiến Thầy Giêsu bị đóng đinh trên đồi Calvê, chính lúc này Gioan mới thực sự biết mình là người môn đệ được yêu. Cảm nghiệm sâu sắc này đã chi phối toàn bộ con người và cuộc đời tông đồ sau này của Gioan và tất cả được chất chứa trong quyển Phúc âm thứ 4 mà chính ông biên soạn.

  • Đến chúng ta

Hãy lấy lại kinh nghiệm của tông đồ Gioan và hãy đọc lại cuộc đời bạn trong ánh sáng của Chúa và dừng lại lâu hơn ở những biến cố đời mình, chắc chắn lúc đó bạn sẽ nhận ra mình là được Chúa yêu mến. Khi nhận ra mình được yêu và xúc động vì tình yêu ấy, lúc đó ta sẽ chỉ nghĩ và chỉ nói về người yêu mình. Nói về người yêu mình bằng chính kinh nghiệm cuộc đời. Có lẽ đây là một bài giáo lý tuy không được viết ra thành sách và cũng không được trình bày như một giáo trình, nhưng lại là một bài giáo lý sâu sắc nhất và thuyết phục nhất.

XIII. MỤC VỤ QUỚI CHỨC

TÌM HIỂU SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN
Chương IV: Các Phương Thức Hoạt Động Tông Đồ

21. Tôn trọng các đoàn thể tông đồ

Mọi đoàn thể tông đồ phải được đánh giá đúng mức. Tuy nhiên, những đoàn thể tông đồ mà Hàng Giáo Phẩm, tùy theo đòi hỏi của từng địa phương và từng thời đại đã khen ngợi, giới thiệu và truyền lệnh thành lập như những đòi hỏi cấp bách hơn, những đoàn thể đó phải được các linh mục, các tu sĩ và các giáo dân coi là rất quan trọng và mỗi người phải cổ võ những đoàn thể đó tùy theo cách thế riêng của mình. Trong số những đoàn thể đó ngày nay đặc biệt phải kể đến những đoàn thể hay hiệp hội công giáo có tính cách quốc tế.

22. Giáo dân dấn thân phục vụ Giáo Hội với tước hiệu đặc biệt

Thật đáng kính trọng và đặc biệt đề cao trong Giáo Hội những giáo dân, hoặc độc thân hoặc đã có gia đình, đang dấn thân và đem khả năng chuyên môn của mình phục vụ suốt đời hoặc một thời gian trong các tổ chức và hoạt động của các tổ chức ấy. Giáo Hội cũng rất vui mừng vì thấy càng ngày càng tăng số giáo dân phục vụ trong các đoàn thể hoặc trong các công cuộc tông đồ ở lãnh vực quốc gia mình cũng như trên địa hạt quốc tế và nhất là trong các cộng đoàn công giáo nơi các xứ truyền giáo và ở những Giáo Hội mới thành hình.

Các vị Chủ Chăn của Giáo Hội hãy sẵn sàng đón nhận và biết ơn những giáo dân này và phải lo cho họ có thật đầy đủ điều kiện do đức công bình, liêm chính và đức bác ái đòi hỏi, nhất là lo trợ cấp cho họ và cả gia đình họ để họ có được một đời sống xứng đáng. Ngoài ra còn phải lo cho họ được huấn luyện đầy đủ cũng như được trợ giúp và khích lệ về mặt thiêng liêng.

Gợi ý giải thích:

Tôn trọng đoàn thể Tông Đồ. Phải biết lượng giá đoàn thể nào có giá trị cấp bách hơn.
Đề cao người giáo dân phục vụ việc tông đồ.
Các vị chủ chăn phải chăm sóc những người giáo dân này.

Gợi ý thực hành:

Ông bà Quới Chức có tham gia đoàn thể hoạt động tông đồ không? Có tôn trọng đoàn thể tông đồ không?
Ông bà Quới Chức có trân trọng người giáo dân hoạt động tông đồ không?
Ông Bà Quới Chức có đòi hỏi quyền lợi dành cho người Quới Chức không?

XIV. TẢN MẠN

BÙ TRỪ

Cuộc sống của chúng ta có hàng trăm chuyện xảy ra xung quanh chuyện “bù”. Có những thứ “bù” làm người ta cảm thấy thích thú và sung sướng, như chuyện “ bù lỗ”, “đền bù” . . . nhưng có những thứ “bù” làm người ta cảm thấy sợ lắm, ngay khi mới nghe tên nó thôi thì đã phát sợ , phát ngán tới cổ họng rồi. Thí dụ như trường hợp gặp “số bù”, “bù nhìn”. . .

Nói chung “bù” là hình thức thêm thắt cho điều gì đó đang bị “khuyết”. Có những cái khuyết cần được “bu”ø thì mới cải tạo được tình hình; nhưng có những cái “bù”ø làm cho tình hình trở nên trở nên nghiêm trọng hơn, ra tệ hại hơn và nguy hiểm khôn lường cho chính đương sự cũng như cho người khác.

Hôm nay, tôi muốn nói đến một thứ “bù” mà trong cuộc sống chúng ta cũng thường nghe nhắc tới và rất thường hay gặp phải. Đó là “bù trừ”. Thứ “bù” này thật đáng sợ và nguy hiểm vô cùng.

Bản tính tự nhiên của con người là muốn được người khác nhìn nhận và muốn tự khẳng định mình. Điều đó cũng tốt nếu một người có đủ bản lĩnh và khả năng thật sự, nhất là khi họ có bản lĩnh của một người quân tử chính danh. Thực tế, cũng có nhiều người lớn lên và trưởng thành từ quyết tâm tự mình vươn lên để cho bằng người này người nọ, để cho “khỏi hổ ngươi bẽ mặt”. Tốt lắm! Đáng khen lắm! Nhưng khổ nổi có những người thích trưng bày những cái mình không có, thích phát loa, thổi kèn loan đi những cái mình không sao vươn tới được. Có những người lại khoác vào mình chiếc áo “ảo tưởng” để ra oai và lên mặt với đời. Họ thích sống cuộc sống “thả hình bắt bóng” và lấy đó làm nguồn vui cho mình. Mọi thứ tệ hại và xấu xa đã khởi đi từ đó. Rồi khi thực tế không xảy ra theo ý của họ, không ủng hộ dự tính đầy tham vọng của họ, thì họ đâm ra chán chường, thất vọng, cáu gắt với mọi người, sống tự ti mặc cảm, chui vào vỏ ốc để “thủ”! Sống “thủ” cũng là mặt khác của “bù trừ” đấy.

Tại sao phải “thủ”? “Thủ” là bản tính tự nhiên của những kẻ yếu. Yếu thế thì thủ bằng “quyền” bằng “ra oai” trước mặt người ta. Người không có uy, thì dùng quyền. Yếu “tình”, không được mọi người yêu mến thì dùng tiền để lôi kéo người của “phe ta” về, biếng nhác chuyện đạo đức thì kiếm chuyện “bao đồng”, “chuyện Mátta”, làm lăng xăng đủ thứ, để người ta thấy mình bận quá nên không có giờ làm chuyện “bổn phận” phải làm; kiến thức chuyên môn yếu kém thì thủ bằng cách “nói ngang như cua”, hay nổi nóng và tấn công người khác; yêu Chúa ít thì kiếm chuyện để “yêu” người nhiều hơn . . . Thái độ “sống thủ” như thế chính là cách “bù trừ” rất đáng sợ.

Có nhiều người “bù trừ” bằng cách “hồi tố”, quay trở về quá khứ của mình để làm bảng thống kê. Nếu ngày xưa mình khổ về vật chất nhiều quá, bây giờ có điều kiện rồi thì lo hưởng thụ đi chứ! Nếu ngày xưa tôi bị chèn ép, bị giáo dục trong một môi trường thiếu thoải mái, bây giờ khi có quyền, có tiền rồi thì phải tự thưởng bằng cách “muốn làm gì thì làm”, thiết lập cho mình một “cơ đội” để thi hành lệnh khi cần chứ! . . .và còn biết bao nhiêu những cách “bù trừ” khác nữa. Nhưng có lẽ cách đáng sợ nhất là cách hành xử của những con người có lòng dạ tiểu nhân, hay trả thù: trả thù người, trả thù đời . . .

Ca dao Việt nam có một câu rất hay: “Sông sâu còn biết đường dò . . .”. Bởi thế, Chúa Giêsu luôn tha thiết mời gọi con người hãy học cùng Chúa bài học “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Hiền lành và khiêm tốn thật chính là chấp nhận những gì mình đang có và hiện có, là dám sống sự thật nơi bản thân mình. Khiêm nhường không phải là nhún nhường hay “từ chối” sự thật nơi mình để . . . làm giá! Cho nên, thái độ chấp nhận mình với những khả năng và giới hạn của mình là nền tảng của mọi thứ nhân đức. Ai biết chấp nhận mình và đón nhận người khác thì sẽ tiến rất nhanh trên con đường thánh thiện. Bởi lẽ, họ sống rất bình an, vui vẻ và hạnh phúc. Mà hễ “tâm an thì trí sáng”. Khi trí đã sáng thì sẽ “giác ngộ”, sẽ không còn làm nô lệ cho những dục vọng của tham-sân-si nữa; không còn sống trong những cái ảo tưởng nữa mà họ biết quay về sống sự thật và “sự thật sẽ giải phóng” họ.

Bù trừ là một hình thức “nhà tù”. Chắc chắn không ai muốn tự mình giam hãm chính mình bao giờ, nếu có xảy ra thì cũng là vô tình đấy thôi. Như vậy, chúng ta cần biết mình để giải thoát chính mình. Cuộc sống con người vốn đã đầy những gánh nặng và vất vả rồi. Vì thế, chúng ta hãy góp phần làm cho cuộc sống này thêm tươi sáng và thanh thoát bằng những thứ “bù”dễ thương như :chia sẻ cho nhau niềm vui, giúp nhau trong những chuyện gian khó, bổ khuyết cho nhau những thứ cần trong cuộc sống…

XV. CHIA SẺ

NHƯ CHƯA HỀ CÓ CUỘC… HÔN NHÂN

Trước khi kết hôn, trước mỗi dịp lễ, em hồi hồi hộp, ngạc nhiên rồi hạnh phúc với những điều bất ngờ dễ thương anh mang đến cho em. Phút ấy, cứ nghĩ mình hạnh phúc nhất đời. Không phảøi là những món quà xa hoa, đắt tiền; cũng không phải những party lãng mạn, hoành tráng; chỉ cần anh vượt quãng đường xa từ nhà… đến bên em, vậy đó em đã hạnh phúc biết bao.

Thế rồi mình kết hôn, không choáng ngợp nhưng em vỡ oà trong hạnh phúc khi mỗi ngày được gần anh hơn, được yêu và chăm sóc anh.

Nhưng đó là chuyện của 1-2 tuần đầu phải không anh? Rồi sau đó chúng ta có chung một nhóc rất yêu. Đó là Bean!

Từ ngày có con những suy nghĩ, lo toan của em tăng lên gấp bội. Trong khi đó, anh càng vô tư hơn. Vẫn bạn bè, vẫn đàn đúm, vẫn chơi hết mình như chưa hề có cuộc… hôn nhân. Em càng lo lắng cho tương lai của gia đình nhỏ này bao nhiêu thì anh càng vô tư…Cứ như gia đình không có anh, không quan trọng với anh…và anh cũng chẳng cần nó vậy!

Hình như trong gia đình nhỏ mà em cố gầy công vun đắp, chỉ có em và con! Anh luôn là người ngoài cuộc. Phải chăng anh chưa nghĩ đó là gia đình của anh, mà gia đình của anh là cái nơi anh đang ở suốt tuần trong những ngày làm ciệc chứ không phải ở đây? Phải vậy không anh?

Vậy cuối cùng, cái anh cần là gì? Hãy thẳng thắng nói với em một lần được không? Cái em cần là gia đình, là con và là anh! Phải là một gia đình sáng tối có nhau, động viên, chia sẻ và săn sóc cho nhau. Không có gì hơn thế cả. Chúng ta có thể bắt đầu từ hai bàn tay trắng…chỉ cần có anh, có em và có con…

Hãy nói khi em còn đủ kiên nhẫn để chờ và hy vọng. Anh hiểu ý em không?

Mẹ Bean
(Báo Thanh Niên Số 56 ra ngày 25/02/2009)

XVI. SỐNG LỜI CHÚA: Giôen 2,13

Hãy xé lòng, đừng xé áo. Hãy trở về cùng Đức Chúa Là Thiên Chúa của anh em.

1514    23-04-2012 15:09:18