Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Đức Maria, Người Nữ Thánh Thể - Tháng 12 năm 2005

Chủ đề: ĐỨC MARIA, NGƯỜI NỮ THÁNH THỂ

I. THÔNG ĐIỆP DE EUCHARISTIA ECCLESIA số 53.

Chắc chắn, không thể thiếu vắng sự hiện diện của Mẹ trong những cử hành Thánh Thể giữa các tín hữu của thế hệ đầu tiên rất chuyên cần "trong nghi lễ bẻ bánh" (Cv 2, 42).

Nhưng khi đi xa hơn việc Mẹ tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể, người ta có thể phỏng đoán cách gián tiếp mối liên hệ giữa Đức Maria và Bí Tích Thánh Thể căn cứ vào thái độ nội tâm của Mẹ. Trong tất cả cuộc sống của Mẹ, Đức Maria là một "phụ nữ Thánh Thể". Khi nhìn Đức Maria là mẫu gương của mình, Giáo hội cũng được mời gọi theo gương Mẹ trong mối liên hệ của mình với Mầu Nhiệm rất thánh này.

II. DẪN GIẢI

Thông điệp Giáo Hội Sống Nhờ Thánh Thể nhắc chúng ta:
1. Giai đoạn sơ khai chắc chắn Đức Mẹchuyên cần tham dự nghi lễ Bẻ Bánh. Mẹ đáng tôn xưng là Người Nữ Thánh Thể.
2. Hội Thánh sùng kính Mẹ là Người Nữ Thánh Thể vì Đức Mẹ hơn ai khác, đã tham dự Thánh Thể, Thánh Lễ cách thân tình, nồng nhiệt hơn cả và Hội Thánh được mời theo gương Đức Mẹ.

Nota: Xác thể của Chúa Giêsu nói được là một phần xác thể của Đức Mẹ. Đức Mẹ đã dự vào cuộc đời hiến tế của Chúa Giêsu qua việc cùng sống Thánh giá và tử đạo, cùng tiến trên đường lên Núi Sọ, cùng chịu thương khó và chịu chết với Chúa Giêsu. Vì thế, Mẹ là Người Nữ Thánh Thể-Người Nữ Thánh Lễ.

III. CHUYỆN MINH HỌA

VÌ YÊU CHÚA VÀ MẸ MARIA

Một du khách nọ đến thăm Mẹ Têrêsa Calcutta đã kể lại như sau:
Tôi quan sát Mẹ Têrêsa đang tắm rửa cho một người phong cùi mà những vết thương tiết ra một mùi hôi không thê chịu được. Cuối cùng, không thê chịu đựng nỗi tôi thốt lên:
- Cho 5. 000 Mỹ kim, bảo tôi sờ đến một người phong cùi, tôi cũng không làm.
Nghe thế Mẹ Têrêsa liền nói:
- Tôi cũng thế, ngay cả cho 10. 000 Mỹ kim, bảo tôi cũng không làm. Nhưng vì tình yêu Chúa, tôi tự nguyện làm điều nầy.

Trong những người nghèo, hẳn những người phong hủi phải là những người nghèo khổ nhất, thứ bệnh nầy gây ra nhiều lở lói trên thân thể, bệnh cùi lây thì thân thể con người bị yếu nhược, thiếu điều kiện sinh sống, thiếu thốn, thiếu dinh dưỡng, thiếu vệ sinh, mất khả năng cho ký sinh. Phong cùi là một trong những thứ bệnh kỳ cựu nhất trong lịch sử nhân lọai. Từ lâu, ở đâu người ta cũng xem thứ bệnh nầy là một thứ hình phạt của Thiên Chúa. Lọai trừ bệnh nhân ra khỏi xã hội là một biện pháp thông thường nhất mà xã hội nào cũng áp dụng.

Năm 1957, Mẹ Têrêsa đón tiếp năm bệnh nhân đầu tiên. Vốn là những người có gia đình, nhưng vì mắc bệnh phong cùi cho nên bị xã hội ruồng bỏ. Trung tâm có tên là Nivaga ở ngoại ô Calcutta đã bắt đầu hoạt động từ đó. Sau khi viếng thăm Trung tâm Nivaga, một du khách khác đã viết lại cảm tưởng như sau:

- Trong những ngày lưu lại tại Calcutta, tôi đã đến viếng thăm ngôi làng nầy, tôi tưởng mình đến viếng thăm một bệnh viện bài phong, nhưng chính tôi mới thực sự là người được viếng thăm. Trước khi bước qua ngưỡng cửa của trung tâm, nhiều ý nghĩ làm tôi khựng lại, nhiều nỗi lo sợ làm tôi bị dao động, sợ nỗi đau đớn, sợ sự dơ bẩn, sợ sự hèn nhát của tôi, sợ cả nổi lo sợ của tôi nữa. Tôi định quay trở lại, nhưng tôi chợt cảm thấy mình quá hèn nhát. Và cuối cùng, điều kỳ diệu đã xảy ra: nơi đáng lẽ là hỏa ngục lại ra là thiên đàng, nơi mà nổi thất vọng như bao trùm tất cả, niềm hy vọng lại chiến thắng, nơi mà cái chết như vô phương cứu chữa thì sự sống lại khải hòan. Thật thế, không gì bằng được nhìn thấy những nụ cười trên những gương mặt đáng thương nầy, không gì cảm kích bằng nhận được những cử chỉ thân thiện từ những bàn tay co quắp ấy, còn gì hân hoan bằng nghe được những bài ca từ môi miệng các bênh nhân đáng thương ấy. Dĩ nhiên, bệnh tật vẫn còn đó, một số không thể đứng dậy khỏi giường bệnh. Tuy nhiên, bệnh tật đã bị đánh bại không phải chỉ nhờ thuốc thang, mà chính là do bởi tình yêu.

Một trong những bí quyết nhờ đó Mẹ Têrêsa có thể mang lại yêu thương cho những người nghèo khổ chính là lòng yêu mến đối với Mẹ Maria. Mẹ đã có lần phát biểu như sau: Sau Chúa Giêsu, Mẹ Maria là người chiếm chổ nhất trong đời sống thiêng liêng của chúng tôi.

Mẹ Maria đã trao ban Chúa Giêsu cho chúng ta. Chính vì hoan hỉ trở thành Mẹ Chúa Giêsu mà Mẹ đã trở thành trung gian ơn cứu rỗi cho nhân loại. Đây là một trong những giây phút đẹp nhất trong cuộc đời của Mẹ Maria: Chúa Giêsu đi vào cuộc đời của Mẹ, Mẹ liền vội vã lên đường đi thăm viếng người chị họ Êlisabét để trao ban Chúa Giêsu. Tin Mừng ghi lại rằng: Thánh Gioan Tẩy Giả đã nhảy mừng trong lòng Mẹ khi gặp gỡ với Chúa Giêsu.

Ngày nay, Mẹ cũng tiếp tục mang Chúa Giêsu đến cho chúng ta. Mẹ mang đến cho chúng ta niềm vui và sự bình an để đến lượt chúng ta, chúng ta cũng mang tình yêu và niềm vui đến cho người khác. Nhưng thế nào là mang tình yêu và niềm vui đến cho người khác?

Mẹ Têrêsa giải thích như sau: một nụ cười, một cuộc viếng thăm hay chỉ cần nhóm lên một ngọn lửa, viết một lá thư cho một ai đó. Đọc cho người mù lòa nghe một trang sách.v.v... Đó chỉ là những việc làm nhỏ bé, nhưng lại là thể hiện của tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Nguyện xin Mẹ Maria luôn thúc đẩy chúng ta ra đi để mang tình yêu và niềm vui đến cho mọi người.

Lạy Mẹ, xin cho tràng Chuỗi Mân Côi chúng con dâng kính Mẹ luôn được kết thành bởi những cánh hoa của yêu thương mà chúng con dành cho những người chung quanh. Amen

(Trích Veritas)

IV. DẪN Ý

1. Tương quan giữa Đức Maria và Phép Thánh Thể.

Báo ZENIT đã phỏng vấn cha Jesus Catellano Cevera, một linh mục Dòng Biển Đức, là Khoa Trưởng Phân Khoa Thần Học Học Viện Thánh Têrêsa, giáo sư về Thánh Mẫu Học và là Cố Vấn của Thánh Bộ đức tin, lý do mà Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã dành trọn Chương VI Thông Điệp Giáo Hội Sống Nhờ Thánh Thể để giới thiệu với chúng ta về Đức Maria như Người Nữ Thánh Thể.

Theo cha J. C. Cevera thì sự liên đới giữa Đức Maria và Phép Thánh Thể dựa trên hai nền tảng căn bản: Một là Phép Thánh Thể tiếp nối Mầu Nhiệm Nhập Thể và hai là Phép Thánh Thể là Bí tích tưởng niệm cái chết cứu chuộc của Chúa Giêsu trên đồi Calvariô.

Trước hết, Phép Thánh Thể tiếp nối mầu nhiệm Nhập Thể vì theo Thánh Gioan "Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm" (Ga 1, 14) và chính Con Thiên Chúa Nhập Thể ấy đã ban sự sống cho trần thế (x. Ga 6. 51). Trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Đức Maria đã ban cho Ngôi Lời hình hài xác thể và đó cũng chính là Thân Mình Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể mà chúng ta rước lấy.

Thánh Augustinô khi chú giải Thánh Vịnh 98, câu 8 đã nói: "Từ xác thân của Đức Maria, Chúa đã mặc lấy xác phàm. Trong xác phàm ấy, Chúa đi giảng dạy và Ngài cũng trao ban chính thân xác ấy cho chúng ta làm của ăn để được cứu chuộc, không ai lãnh nhận Mình Thánh đó mà không tôn thờ trước..."

Khía cạnh căn bản thứ hai là Phép Thánh Thể tưởng niệm cái chết của Đức Kitô trên Thập Giá. Mỗi khi cử hành Thánh lễ, Chúa Giêsu tái diễn lại lễ hy sinh Thánh Giá qua tay thừa tác viên linh mục. Và dưới chân Thập giá ngày ấy, có sự hiện diện của Đức Maria, Mẹ Chúa. Mẹ đã hiệp thông với mầu nhiệm cứu chuộc của Con Mẹ mà dâng lên Chúa Cha của lễ đền tội cho nhân loại và Mẹ cũng dâng lên Thiên Chúa Cha của lễ của chính Mẹ.

Chính nơi mối tương giao nầy mà Mẹ Maria và Phép Thánh Thể có một mối giây liên kết sâu xa!

2. Đức Maria luôn gắn bó với Chúa Giêsu.

Về mối liên hệ mật thiết giữa Mẹ Maria và Phép Thánh Thể, Đức Thánh Cha Phaolô VI trong Tông Huấn "Việc Tôn Sùng Mẹ Maria" đã khích lệ chúng ta: "Hãy sống Phép Thánh Thể bằng chính niềm tin và tình yêu của Mẹ Maria, một trinh nữ lắng nghe, một trinh nữ nguyện cầu, một trinh nữ hiến dâng, một hiền mẫu trinh nguyên, một trinh nữ gương mẫu và cũng là vị thầy thiêng liêng trong cuộc sống hằng ngày, đã biến đỗi chính Mẹ thành của lễ hiến dâng đẹp lòng Chúa".

Là trinh nữ lắng nghe, khởi từ biến cố Truyền Tin, khi biết được thánh ý Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, rồi suốt 30 ẩn dật với việc hạ sinh Con Chúa tại Bêlem, chạy trốn sang Ai Cập, trở về Nazarét, lạc con năm 12 tuổi, nhìn Con lớn lên bình thường như bao thiếu niên khác...dõi theo bước Con ba năm cuối đời rao giảng với nhiều sóng gió và cuối cùng đón nhận xác Con từ cây Thập Giá, Mẹ luôn vâng nghe theo tiếng Chúa thôi thúc chỉ dẫn từ trong tâm hồn để nhận ra thánh ý nhiệm mầu của Chúa nơi sứ mạng Con của mình.

Là trinh nữ hiến dâng, mẹ đã dâng hiến cuộc đời, những hoài bão, chương trình của mình để chỉ biết sống và làm theo ý Chúa. Cuộc hội ngọ với ông Simêon trong Đền Thờ báo trước cho cuộc đời nhiều gian nan sắp tới mà Mẹ phải chịu với Chúa Giêsu và dưới chân Thập Giá Mẹ đã dâng Con mình cho Chúa Cha làm lễ hy sinh tuyệt hão và đó cũng chính là lễ dâng của chính Mẹ.

Là trinh nữ nguyện cầu, Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo về việc chiêm niệm Đức Kitô. Đức Maria dành trọn cuộc đời để chiêm ngắm dung nhan Con mình, người Con do Mẹ sinh ra, giống Mẹ về thể xác, chắc chắn gắn bó với Mẹ về mặt thiêng liêng.

Cái nhìn chiêm niệm đó là cái nhìn dò hỏi như trong câu chuyện tìm lại được Đức Giêsu trong Đền Thờ (x. Lc 2, 48); Đó cũng là cái nhìn thấu suốt, thấu hiểu ý định sâu xa của Đức Giêsu và đoán trước quyết định của Người như lần ở tiệc cưới Cana . Khi thì lại là cái nhìn phiền muộn đặc biệt khi Mẹ đứng dưới chân Thập giá. Cái nhìn của bà mẹ mất con, dù biết rõ cái giá cao cả của cái chết ấy mang lại. Và đó cũng là cái nhìn rạng rỡ niềm vui mừng Chúa sống lại; cái nhìn nồng cháy khi Thần Khí được ban xuống tràn đầy trên các Tông đồ Ngày Lễ Ngũ Tuần (x. Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria số 10).

Chúng ta bắt chước tâm tình của mẹ, học nhìn Chúa Giêsu để khi "chăm chú chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô, nhận biết mầu nhiệm của Người, giữa những biến cố và đau thương hằng ngày của đời sống con người, rồi cuối cùng thu lượm được vẻ huy hoàng thần thánh được tỏ lộ cách chung cuộc nơi Chúa Phục sinh, Đấng ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang: đó chính là nhiệm vụ của tất cả các môn đệ Đức Kitô và vì thế, cũng là nhiệm vụ của mỗi người chúng ta." (x. Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria số 9).

3. Học nơi trường của Đức Maria.

Tông Thư Kinh Mân Côi dạy: Đức Maria đã sống với đôi mắt chăm chú nhìn Đức Kitô, thu tích lấy mọi lời của Người: "Còn Maria hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng" (Lc 2, 19).

Những kỷ niệm về Đức Giêsu, được ghi sâu trong lòng Mẹ dẫn dắt Mẹ suy nghĩ về những khoảnh khắc khác nhau của cuộc đời khi Mẹ sống bên cạnh Con mình. Đến độ những kỷ niệm ấy đã làm nên "Chuỗi Mân Côi" mà Mẹ đọc không ngừng trong suốt cuộc đời trần thế (Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria số 11).

Yêu mến Chúa Giêsu qua việc chiêm ngắm Chúa trong Thánh Lể, qua các giờ Chầu Chúa, Kiệu Mình Thánh và kết hợp với Chúa là bắt chước Mẹ sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu.

Lần Chuỗi Môi Khôi là cách thế cùng với Mẹ sống lại những mầu nhiệm của Chúa Giêsu, để ơn cứu độ được thấm nhuần nơi chúng ta.

Rước lễ và lần Chuỗi Môi Khôi là hai phương thế mà Các Thánh Tử Đạo quen làm để giữ lòng can đảm, trung tín trước khi đón nhận cực hình.

"Không ai ai biết rõ Đức Kitô hơn Mẹ Maria, cũng không ai có thể đưa chúng ta đến chổ hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm của Đức Kitô hơn là Mẹ Người" (Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria số 14). Nhờ vị Thầy là Đức Mẹ chỉ bảo những người phục vụ phải làm những gì Đức Giêsu truyền mà phép lạ đã xảy ra tại Cana .

Qua Kinh Mân Côi chúng ta cùng với Đức Maria chiêm ngưỡng lại những biến cố trong cuộc đời Chúa Cứu Thế là chúng ta đã "học dưới mái trường của Đức Maria để biết 'đọc' Đức Kitô , để khám phá những bí mật của Người và hiểu được sứ điệp của Người" (Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria số 14).

Xin Mẹ Maria dạy chúng con biết yêu mến Đức Mẹ và học theo cách Mẹ gắn bó và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Amen

Kiểm điểm :

1. Sắp dự lễ, tôi có nhờ Mẹ Maria giúp tôi tham dự tốt vào cuộc hiến tế không?
2. Dự lễ, tôi có phần nào góp với Thánh Thể để nên lễ vật thượng tiến Chúa không?
3. Tôi có noi gương Mẹ ham mộ và cảm thấy vui thú khi tham dự Thánh Lễ không?
4. Tôi có mong cho đời tôi, cuộc sống tôi thường xuyên nên như vật lễ dâng cho Chúa không?
Xin Chúa ban cho con được có ước vọng như thế!

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI.

Tôi thiếu lòng tôn kính và yêu mến Mẹ Maria.
Tôi không theo gương Mẹ Maria để sống mầu nhiệm Thánh Thể.
Trong Mùa Vọng và Giáng Sinh, tôi không dọn máng cỏ bên ngoài, cũng không dọn máng cỏ lòng, để mừng Chúa Giáng Sinh. Xin cho tôi dốc lòng chừa những tội này, và sửa mình.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, Mẹ vẹn tuyền, khiêm tốn vâng lời Thiên Chúa. Mẹ xứng đáng cưu mang Thánh Thể, và sinh Chúa cho trần gian, Mẹ là Người Nữ Thánh Thể. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi người tôn kính Đức Mẹ, và bắt chước các nhân đức của Mẹ:

1. Dưới chân Thánh Giá Chúa Giêsu, Đức Maria nhận lãnh sứ mạng làm Mẹ Hội Thánh. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, sùng kính yêu mến Mẹ Maria, noi gương các nhân đức của Mẹ, và luôn vâng theo lời khuyên dạy của Mẹ.

2. Trong biến cố truyền tin, Đức Maria vô nhiễm nguyên tội đã xứng đáng cưu mang Thánh Thể Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết luôn xa lánh tội lỗi, để cũng được luôn kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

3. Đức Maria cưu mang Chúa Giêsu, đem ơn Chúa đến cho gia đình Giacaria. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, theo gương Đức Maria, luôn kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, để phục vụ và rao truyền ơn cứu độ của Chúa cho mọi người.

4. Trong tiệc cưới tại Cana , Đức Maria dạy các người giúp việc: "Thầy bảo gì, các con cứ việc làm theo". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, luôn yêu mến và vâng lời Mẹ Maria, để sống Lời Chúa hằng ngày.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trao Mẹ Chúa làm Mẹ Hội Thánh, và là Mẹ chúng con. Xin cho chúng con xứng đáng kết hợp với Chúa, để vâng lời và yêu mến Mẹ Maria, rèn luyện mình sống các nhân đức của Mẹ, để cùng được vinh phúc Thiên Đàng. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VI. TÌM HIỂU

MẸ MARIA VÀ THÁNH THỂ

Có nhiều bậc thánh nhân, như thánh Phêrô Đamien, thánh Bênađô, thánh Bônaventura, thánh Bernadine . . . đã đồng thanh nói rằng, Chúa Giêsu đã thành lập Bí tích Thánh Thể, trước hết cho Mẹ Maria, rồi qua Mẹ, Đấng trung gian mọi ân sủng, cho tất cả chúng ta. Vì thế, xuất thân từ Đức Maria về thể lý, Chúa Giêsu đã đến để Ngài được ban cho chúng ta ngày qua ngày; và trong Chúa Giêsu, thịt vô nhiễm và máu trinh nguyên của Mẹ Người luôn luôn thấm nhập vào chúng ta, và làm cho linh hồn chúng ta say men tình ái.

Dựa vào lời xác tính của các thánh nói trên, hôm nay, chúng ta cùng suy niệm chủ đề: Mẹ Maria trong tương quan với Bí tích Thánh Thể.
Phần suy niệm này, xin được giới hạn trong khuôn khổ: "Thịt bởi Thịt Tôi, Máu bởi Máu Tôi".

I. GIỜ CỦA MẸ - GIÁNG SINH - NGÔI NHÀ BÁNH

1. Giáng sinh:

Nhìn vào bối cảnh Giáng Sinh, chúng ta thấy Giáng sinh là một mầu nhiệm đơn sơ, nhưng gây ngỡ ngàng, được diễn ra ở Bêlem như lời tiên báo của ngôn sứ Mica:" phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi, vị lãnh tụ chăn dắt Israen dân Ta sẽ ra đời." (Mk 5,1 ).

Bêlem là chi tộc nhỏ nhất, mà Thiên Chúa ưa thích. Thiên Chúa ưa thích chọn những gì bé nhỏ để biểu dương ơn cứu độ của Người. Thiên Chúa như bị thu hút bởi sự yếu hèn của loài người chúng ta.

Bởi đó, " từ nơi ngươi, hỡi Bêlem, sẽ xuất hiện vị cứu tinh…"

2. Ngôi Nhà Bánh:

Bêlem có nghĩa là "ngôi nhà làm bánh". Ở đó, các cô gái đang nhồi bột làm bánh cho ngày Sabbat, bánh của ngày lễ. Cũng ở đó, như một bức ảnh in chồng lên, Maria, người nội trợ của Giáo Hội đang nhồi Bánh của Thiên Chúa, chiếc Bánh cho ngày Sabbat, một chiếc Bánh mới để rạng sáng ngày Phục Sinh: Chúa Giêsu, chiếc Bánh được ban cho chúng ta.
Thế là, tại Bêlem, Ngôi Nhà Bánh, giờ của Mẹ đã đến.

3. Giờ của Maria:

Theo lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế Augustô, Giuse và Maria trở về Bêlem để khai tên vào sổ bộ. "khi hai người đang ở đó, thì Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa." (Lc 2,6)

Giờ của Maria đã đến. Giờ của ngày Giáng Sinh. Tấm bánh đã được làm ra.

"Khi sinh con, người đàn bà cảm thấy lo buồn, vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui, vì một con người đã sinh ra trong thế gian" (Ga 16,21).

Khi nói lời này, Chúa Giêsu muốn so sánh giờ Giáng Sinh với giờ Thương Khó, đó là hai huyền nhiệm, nhưng chỉ là một thực tại. Ở giờ Thương Khó, Chúa Giêsu, Bánh Thánh Thể chính thức được trao ban cho Giáo Hội mãi mãi.

Cha Stephanô Manelli nói rằng: "Thánh Thể là Bánh từ trời đã đến qua Mẹ chúng ta. Đó là Bánh do Mẹ chế biến từ bột của xác thịt vô nhiễm, và được nhào trộn với sữa trinh nguyên của Mẹ". Và thánh Augustinô đã nói: "Chúa Giêsu lấy thân xác của Người từ thân xác của Mẹ Maria".

Đối lại với Giờ của Mẹ Maria, thì 33 năm sau là Giờ của Chúa Giêsu diễn ra qua cuộc thương khó, lúc đó, Chúa Giêsu là tấm bánh được bẻ ra.

II. GIỜ CỦA CHÚA GIÊSU-THƯƠNG KHÓ- TẤM BÁNH ĐƯỢC BẺ RA.

1. Giờ của Chúa Giêsu:

Phúc Âm thánh Gioan có ghi:" Trước lễ Vượt qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng." (Ga 13,1). Và như lời Người đã nói: "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,20)

Do đó, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã bắt đầu một hy lễ mới, để tiếp tục ở lại giữa những kẻ thuộc về Người, khi Người lập bí tích Thánh Thể: Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và phán: " Này là Mình Ta sẽ bị nộp vì các con." Cùng một thể thức ấy, Người cầm lấy chén rượu, tạ ơn, trao cho các môn đệ và phán: "Này là chén Máu Ta sẽ đổ ra vì các con. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Và hy lễ này sẽ được hoàn tất nơi cuộc thương khó.

2. Thương khó:

Chúa Giêsu bắt đầu cuộc hiến tế từ chiều nay, thứ năm, để chiều mai, thứ sáu, Người hoàn tất trên thập giá; vì lễ hy sinh trong Bữa Tiệc Ly và lễ hy sinh trên Thập giá chỉ là một. Trong cả hai, Chúa Giêsu đã hiến mình làm lễ vật dâng hiến Chúa Cha:

- Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu hiến tế cách mầu nhiệm và bí tích. Còn trên Thập giá, Chúa Giêsu hiến tế bằng chính Máu mình.

- Trong Bữa Tiệc Ly, ý muốn hiến thân của Chúa Giêsu đã được biểu lộ qua một cử chỉ bề ngoài: Người cương quyết dấn thân chịu hy sinh đẫm máu trên thập giá. Và ở đó, tấm bánh sẽ được bẻ ra.

3. Tấm bánh được bẻ ra:

Bẻ ra như thế nào ?

Trên Thập giá, Chúa Giêsu chịu hiến tế. "Đứng gần Thập giá Đức Kitô, có Mẹ Người, chị của Mẹ Người là bà Maria vợ ông Clôpas và bà Maria Macđala" (Ga 19,25)

Mẹ Maria đã trung thành hợp nhất với Con cho đến bên Thập giá. Tấm bánh mà Mẹ đã làm ra ở ngày Giáng Sinh, hôm nay, sau 33 năm, Mẹ tiến dâng trên Thập Giá, Mẹ đã hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng Mẹ sinh ra, để tấm Bánh ấy bẻ ra và trao ban.

Đúng vậy, Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Giáo Hội đã nhắc nhở chúng ta nhớ lại lòng trắc ẩn của Mẹ Maria; trong tim Mẹ dội lại tất cả những gì Chúa Giêsu chịu đựng trong thân xác và tâm hồn, đề cao lòng mong muốn của Mẹ được chia sẽ với hy lễ cứu chuộc của Con, và nối kết sự đau đớn tình mẹ của Mẹ với sự hiến dâng tư tế của Con. (LG .58)

Quả là một hành động yêu thương đích thực, qua đó, Mẹ dâng Con mình như của lễ hy sinh đền tội cho toàn thể nhân loại.

Đến đây, ta thấy lóe lên một vấn nạn.

4. Vấn nạn:

Lễ hy sinh trong Bữa Tiệc Ly và lễ hy sinh trên Thập giá là một. Vậy tại sao dưới chân Thập giá có Mẹ Maria hiện diện, còn trong Bữa Tiệc Ly, Mẹ lại vắng mặt?

Đức Hồng Y James Hickey đã giải thích như sau:

Chúa Giêsu đã yêu Mẹ rất nhiều, yêu hơn hết mọi sự, Người muốn cho chúng ta một bài học đích đáng, qua việc không đưa Mẹ Người vào trong Bữa Tiệc Ly. Đó là Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc " Tặng ân đến từ bên ngoài" (Extra nos) của chức tư tế trong Tân ước.

Chức tư tế trong Tân ước không do bởi tương quan huyết nhục, không do cha truyền con nối, cũng không do bởi tình trạng thánh thiện của vị tư tế, nhưng đó là một tặng ân đến từ bên ngoài nghĩa là một tặng ân đến từ Chúa Cha, qua Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Nó làm cho vị tư tế có thể hoạt động trong ngôi vị Chúa Kitô (in persona Christi). Bản tính và quyền năng của chức Linh mục trong Tân ước được tỏ lộ nơi Chúa Kitô và duy nơi mình Người.

Công đồng Vatican II, Hiến chế Giáo Hội nhắc nhở rằng chức tư tế chung của tín hữu và chức tư tế thừa tác khác nhau, không chỉ về cấp bậc mà còn về yếu tính; tuy nhiên cả hai đều bổ túc cho nhau. (LG 10)

Sự bổ túc cho nhau của chức tư tế thừa tác và chức tư tế chung được biểu lộ rõ nét ở dưới chân Thập giá. Ở đó, có thánh Gioan, là một Linh mục đang đứng bên Mẹ Maria.

Như vậy, sự tách biệt nơi Bữa Tiệc Ly là nhằm để chứng minh bản tính phẩm trật của Giáo Hội, được đi theo bởi một tổng hợp ở dưới chân Thập giá. Dưới chân Thập giá, có Mẹ Maria và Gioan, mỗi người như là một khía cạnh của bản tính Giáo Hội, vẫn tách biệt, nhưng cả hai được sắp đặt và cấu tạo để bổ túc cho nhau:

- Gioan được ban cho Mẹ Maria.
- Mẹ Maria được ban cho Gioan.

III. ÁP DỤNG

HIỆP LỄ CÓ MẸ

Mỗi khi chúng ta rước Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, chúng ta ý thức rằng có sự hiện diện của Mẹ Maria.

1. Lưu lại:

" Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì luôn lưu lại trong tôi, và tôi ở trong người ấy" (Ga 6,56)

Lưu lại là sự kết hiệp thật sâu xa đến nỗi sự kết hiệp này có tính cách thường hằng và bền vững. Được kết hiệp với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta kết hiệp với Thịt và Máu Chúa Giêsu, được lấy từ Thịt và Máu của Mẹ Maria. Do đó, mỗi khi chúng ta rước lễ là có sự hiện diện dịu dàng và huyền nhiệm của Mẹ Maria. Đấng liên kết bất khả phân ly với Chúa Giêsu trong hình bánh hình rượu.

Chúa Giêsu là người con mà Mẹ hằng tôn thờ. Người là xác thịt của xác thịt Mẹ. Xưa kia, Adong có thể gọi Evà, khi bà được lấy từ xương sườn của ông, rằng: "xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi." (St 2,23), thì nay, Mẹ Maria cũng có thể có lý để gọi Chúa Giêsu là: "thịt bởi thịt tôi và máu bởi máu tôi".

Thánh Tôma Aquinô đã nói: "Được lấy từ Đức Nữ Đồng Trinh, xác thịt của Chúa Giêsu là xác thịt thuộc mẫu tính của Mẹ Maria, và máu của Chúa Giêsu là máu thuộc mẫu tính của Mẹ Maria".

Thánh Augustinô đã dạy: "Trong Bí tích Thánh Thể, Mẹ Maria nối dài và làm cho tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ mãi mãi tồn tại".

Và thánh Albertô Cả ân cần khuyên: "Bạn ơi, nếu bạn muốn có kinh nghiệm về tình thân mật với Đức Maria, bạn hãy để chính bạn được ôm ấp trong cánh tay của Mẹ “ Hãy bước đi với tư tưởng tinh tuyền khôn tả này tới bàn tiệc của Thiên Chúa, rồi bạn sẽ tìm thấy được sự nuôi dưỡng của người Mẹ bằng bửu huyết của người Con"

2. Kinh nghiệm thực hành trong giáo hội:

Thể hiện những tư tưởng trên, chúng ta nhận thấy rõ nét, ở kinh nghiệm thực hành các việc tôn sùng trong Giáo Hội, qua nhiều cuộc biểu dương lòng sùng kính Mẹ Maria, được kết thúc bằng việc tôn thờ Thánh Thể, và phép lành Mình Thánh Chúa; cũng như những cuộc rước kiệu Đức Mẹ, luôn đi kèm với việc rước kiệu Mình Thánh Chúa.

Đó là kết quả hợp tình hợp lý: lòng tôn kính Mẹ Maria đã dẫn đưa các tín hữu đến lòng tôn thờ Chúa Giêsu Kitô.

VII. MỘT CÁI NHÌN VỀ CÁC TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM (tt)

I. VỀ NHO GIÁO

Đối thoại là một danh từ mà Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường dùng và khuyến khích chúng ta đối thoại. Ngài kể đối thoại là một hình thức của bác ái. Thật ra đối thoại là tìm cách gần nhau, biết nhau để khỏi đố kỵ nhau mà lại có thể nắm tay nhau để xây dựng con người, xây dựng xã hội. Chúng ta cũng nhận định : muốn đối thoại tốt thì cũng cần phải biết người. Chúng ta hãy tìm biết và nhận định phần nào về Nho giáo.

NHO GIÁO

Nho giáo là đạo (lề lối sống) mà nho gia (nhà nho) tìm học hiểu và sống. Chữ nho do hai chữ ghép lại nhân + và nhu, có thể hiểu nhà nho là những hạng người cần thiết cho xã hội và xã hội mong có những người như thế.

Nho giáo cũng có người gọi là khổng giáo. Thật ra, Khổng Tử chỉ nghiên cứu ghi chép, dẫn giải, khai thác, nói được là phục hưng Nho giáo. Ngài và các nho gia không sáng tác. Dầu vậy, hiện thời người ta thích dùng từ Khổng giáo hơn.

Khổng giáo có phải là một tôn giáo không ? Nói là tôn giáo cũng được mà nói không phải là tôn giáo cũng được.

A. Khổng Giáo là Tôn Giáo.

Vì có tín điều và có thể thức phải giữ, nghĩa là có luân lý nghi lễ, có cả trung gian thể hiện việc thờ cúng. Đúng là hơn cả Phật giáo, Lão giáo. Tuy nhiên, vì Trời quá cao siêu, con người là vật thụ tạo nhỏ nhất không xứng đáng việc tôn thờ, chỉ có những đại diện thay mặt. Thiên tử tế giao là dâng cúng của lễ cho Trời để phần nào được Trời ban ơn và tiếp xúc với Trời.

Thần dân thờ vua, con cái thờ cha mẹ, mặc dầu thờ Vua, thờ cha mẹ có thể nói gián tiếp thờ Trời, vì qua vua chúa, cha mẹ, con người gián tiếp nhận uy quyền của Trời. Trong thực tế không mấy ai nghĩ đến tôn thờ trời, chỉ khi gặp tai ương hoạn nạn mới kêu trời. Cho nên Khổng giáo không còn là tôn giáo mà dân chúng muốn.

B. Nho giáo có phải là một triết học không?

Vì lối trình bày của Á Đông theo kiến thức trực giác thường chứa đựng nhiều ẩn ý: gợi cảm hơn là diễn tả rạch ròi, rõ rệt. Do đó, người nghe người đọc có thể theo cảm nghĩ chủ quan hiểu theo ý mình. Vì vậy có nhiều người nhận định: Khổng giáo không phải là triết học vì không có hệ thống. Người khác lại nói: Khổng giáo là một lối ham mộ hiểu biết và khôn ngoan. Ham hiểu, ham khôn là những khía cạnh đặc biệt của Triết, cho nên Khổng giáo nói được là Triết học, đặc sắc là triết luân: Triết học luân lý.

VỀ TÍN NGƯỠNG

Các nhà nghiên cứu đã nói: Do Thái chuyên về Đạo, Hy Lạp chuyên về Triết, Ấn chuyên về thần bí còn Trung Hoa kể được là chuyên ngành Luân lý. Trên đây là cái nhìn tổng quát về những đặc điểm của Khổng giáo. Chúng ta có thể đi vào chi tiết.

Chúng ta có thể quả quyết: Khổng Tử tin có một Thượng đế có Ngôi vị và có lý trí, ý chí. Đấng tạo dựng, Đấng điều khiển muôn loại, Đấng Quan Phòng, Đấng thưởng phạt.

Mặc dù về sau, thời Tống nho, có nho gia dựa vào một vài lời của Khổng Tử, rồi nhận định : Đức Khổng có quan niệm Thiên địa vạn vật nhất thể , hay theo thuyết phiếm thần. Gần đây có một tác giả người Âu lại nói: Khổng theo thuyết bất khả tri.

1/ Thiên địa vạn vật nhất thể. Trời đất vạn vật chỉ có một bản thể. Xem ra Trần Trọng Kim ít nhiều cũng chấp nhận thuyết này. Họ dựa vào : Dịch hữu Thái cực. Thái Cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng.

Vì Thái cực thuộc về biến dịch nên không thể là Thiên là Đế tuyệt đối riêng biệt. Cho nên Thái cực cùng một thể với vạn vật. Nhiều lời khác nói rõ Thiên hay Đế là Đấng tối đại riêng biệt. Cho nên không thể nói Khổng giáo theo thuyết Thiên địa vạn vật nhất thể.

2/ Cũng không thấy đâu nói rõ Khổng giáo theo thuyết phiếm thần. Nho giáo thường có văn miếu gọi là để thờ Đức Thánh Khổng! Thật ra tiếng thờ bao hàm nhiều lối: thờ Trời thì hiểu là nhìn trời là Đấng tuyệt đối. Còn thờ Vua, thờ thánh, thờ hiếu, thờ tổ thì chỉ hiểu là tôn kính đặc biệt thôi.Vậy không thể nói Khổng giáo theo Phiếm thần.

3/ Gần đây có tác giả dựa vào lời "Tử bất ngữ": quái, lực, loạn, thần. (những điều quái dị, dỏng lực lạ, phản loạn, quỉ thần). Vị tri sanh, yên tri tử. Không rõ cuộc sống thì tìm hiểu cái chết làm gì , rồi cho rằng Khổng tử theo thuyết bất khả tri.

Đúng ra, Khổng tử nói mình không hiểu rõ (biết rõ) nên không nói chớ không phải nói: Trời hay Đế, là điều không thể biết (bất khả tri). Kết luận như thế không đúng lý.

Nhìn qua những tư tưởng của Khổng giáo, chúng ta có thể thấy được Nho giáo hay Khổng giáo rất gần với Công giáo. Điều đó có linh mục Dòng Tên nghiên cứu rồi quả quyết Khổng giáo đã được ít nhiều mạc khải. Quả quyết quá đáng, hay có thể hiểu nghĩa rộng: Chúa soi sáng cho tâm trí tự nhiên được hiểu biết đúng hơn về Chúa. Dẫu sao, không có thuyết nào người nào trình bày rõ và đầy đủ về Thiên Chúa ngoài mạc khải chính thức.

Khi tiếp xúc, đối thoại, chúng ta không đề cao, cũng không nên khinh thường mà phải cố gắng giải bày để tôn giáo bạn cởi mở hơn, không còn tị hiềm, lại có thể có thiện cảm và mong tìm hiểu những điều thiện hảo cao siêu của đạo Chúa.

II. LUÂN LÝ CỦA KHỔNG GIÁO

Trên máy bay một nhà tu cao cấp châm nhìn một cô gái đẹp ! có tội không? Có chướng mắt không? Hay có lỗi, một nhà thần học nhìn vẻ đẹp của luân lý khổng giáo?.không tội không chướng mắt mà còn có lợi nữa.

Chúng ta hãy chăm nhìn thử.

1/ Nền tảng luân lý của khổng giáo là mệnh trời hay lệnh trời. Trời là đấng tạo sinh là chúa tể thì con người là vật thụ tạo phải thờ trời tuân theo đạo trời. Cho được theo đạo trời khổng giáo đưa ra tám điều mục (tám điều phải nhìn). Cách vật, Trí tri, Thành ý, Chánh tâm, Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ.

Năm điều trước cho riêng phần của cá nhân. Ba điều sau liên hệ đến xã hội. Muốn biết đạo trời thì phải suy nghĩ tra cứu (cách vật), truy cứu tới mức không chỉ bên ngoài hay một vài khía cạnh (trí tri), tra cứu thì tra cứu nhưng tra cứu chính đáng (thành ý). Không để ảnh hưởng xã hội, hoàn cảnh làm thiên lệch - Thấy được cái tốt, cái xấu, thì muốn cái tốt (chánh tâm) - Những điểm trên nầy cần là căn bản cho việc Tu Thân.

Biết tu thân, có tu thân rồi mới nghĩ đến Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ- nền tảng mục đích đẹp đấy. Từ thiên tử đến thứ dân đều phải kể tu thân làm căn bản.

2/ Khổng giáo luân lý lại chỉ định mối tương quan: tam cang hay ngũ luân.Tam cang: quân vi thần cang - phụ vi tử cang - phu vi thê cang. Quân thần, phụ tử, phu thê đó là những giềng mối những tương quan hệ trọng - Thêm vào giềng mối huynh đệ bằng hữu.

Đặc điểm hay vẻ đẹp của Khổng giáo là lưu ý đến mối tương quan (công giáo hàm ẩn các mối tương quan, bằng cách chỉ dạy tình yêu liên kết).

3/ Để giữ luân lý với người thì có ngũ thường - là năm đường lối phải thường giữ - để nên người tốt, người quân tử - để mọi giao tiếp với người cũng tốt cũng được thiện hảo.

Ngu Thường: Nhân ,Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

NHÂN: Nhiều tác giả gán cho chữ Nhân cái ý nghĩa theo nhận định của mình. Chúng ta có thể nói: Nhân là Aí nhân, hay nhân ái. Làm người thì phải có yêu thương. Có yêu có thương mới là người. Nhân = Yêu là nền là động lực của Nghĩa, Lễ,Trí, Tín. Nghĩa là có yêu mới giữ đúng Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

NGHĨA: Thấy được mối tương quan, thấy cần phải giữ mối tương quan tốt, đó là giữ nghĩa. Phận sự giữ mối tương quan tốt.

LỄ: Có thể hiểu là lề lối, là cách thế để thực hiện nhân nghĩa. Không phải xã giao bằng lịch sự bên ngoài mà là một đường lối biểu lộ nhân nghĩa.

TRÍ: Có thể hiểu là điểm cao, điểm khôn khéo, điểm hoàn hảo.

TÍN: Tạo được cho người tin tưởng mình phải chân thành,thành thật tác động.

Thể hiện ngũ thường thì phải theo nguyên tắc Trung Dung: Không bất cập không thái quá (Virtus in medio stat).

Chúng ta thấy luân lý của Khổng Giáo có nền tảng nguyên lý rất đẹp. Mặc dầu không quảng diễn chi tiết nhưng khi môn đệ vấn hỏi thì Khổng tử giải đáp vẫn nhờ lương tri giải đáp thích ứng cho từng việc và từng hoàn cảnh.

Đẹp thì đẹp thật, nhưng không 10 vẹn cả mười. Mắt trong nhưng nước mùa thu , chân mày rậm như núi mùa xuân, như thế thì đẹp như quỉ.

Do đó, chúng ta cũng thấy được nhiều điểm không đẹp:

1) Không nói đến Thiên vi nhân cang (giềng mối giữa trời và người). Thờ Trời giao cho Thiên tử.

2) Quá đề cao vương quyền. Vì là Thiên tử, con Trời, dường như có quyền như Trời. Quyền của cha mẹ cũng quá lớn.

3) Nhân còn hạn hẹp mặc dầu sau đó Mặc Tử đặc ra thuyết Kiêm Ái.

4) Hậu nho, thi hành Lễ đã không thành kính, quá chi tiết, máy móc.

NHẬN ĐỊNH:

Chúng ta đã điểm qua: Khổng giáo có thể kể là một tôn giáo: riêng cho giới thượng lưu, nhưng không phổ biến cho bình dân. Khổng giáo cũng được gọi là triết thuyết về luân lý.

Tạm gọi là khổng giáo, vì khổng tử có công ghi chép khai thác. Kể được là Phục Hưng những tư tưởng những lối sống của đờ Tam Hoàng, Ngũ Đế (nhiều ngàn năm trước công nguyên) đã tin giữ. Chúng ta tìm biết chút ít về tín ngưỡng.

Khổng tử dĩ nhiên là theo tâm ý và lối sống của tiền nhân, qua những kinh điển ông san định. Chúng ta thấy được. Những tư tưởng của tiền nhân có thể được tóm như sau.

1/ Tin có Trời : Thiên = ông trời = thượng đế. Trời có ngôi vị. Trời thiêng liêng khác biệt với vũ tru. Trời là cội nguồn của vũ trụ và con người.

2/ Trời quan phòng. Trời là cội nguồn là nền tảng luật luân lý. Trời thưởng lành phạt dữ.

3/ Về con người : Linh hơn các vật, vì là vật thọ tạo tuỳ thuộc Trời nên phải sống theo ý Trời.

a/ Vua Chúa lãnh sứ mạng thay Trời. Theo ý Trời thờ Trời thay dân, cai trị, sống vì lợi ích của dân, cho dân, mẫu gương cho dân.

b/ Sống đúng theo ý Trời : đón nhận, kính trọng quyền bởi Trời ( vua chúa). Sống theo Thiên mạng...

c/ Hồn thiêng thế nào thì không rõ : Có thể nhận định : hồn thiêng liêng không phải hẳn là xác thể. Khi chết tách rời xác thể ... nhưng không chỉ rõ hồn về đâu. Dẫu sao Khổng giáo không tin có đầu thai, không tin có duyên nghiệp và dĩ nhiên không tin có Lục Đạo như trong Phật giáo ( Phật giáo biến thể).

4/ Hậu nho theo Khổng học để cầu danh tìm phúc.

Trên đây là những kết luận do nhiều nhà nguyên cứu, dựa vào những lời trong kinh điển khách quan mà kết luận. Tuy nhiên chúng ta vẫn biết : Á đông thường trình bày ý tưởng theo trực giác, gợi ý, hơn là diễn tả sách hoạch, vì thế đọc giả hay học giả, có thể không hiểu rõ ý của tiền nhân, rồi chủ quan hiểu theo ý mình. Dẫu sao Khổng giáo chánh danh rất gần với đạo mạc khải, không có chi đối chọi nhau.

Nhà tu nhìn ngắm vẫn đúng vẫn tốt. Chúng ta có biết hiệu quả cái nhìn đó không? Từ phi cơ xuống nhà tu nhìn thiếu nữ mỉm cười rồi nói: Cô thật đẹp, cô phải cám ơn Chúa.

Vài ngày sau thiếu nữ đó gặp nhà tu và hỏi: con phải làm gì để cám ơn Chúa? Vị nhà tu trả lời: con có biết Di Linh (trại cùi) không? Chúa đã lấy những vẽ đẹp của người phong, ban cho con. Con hãy qua đó phục vụ người phong cùi để cám ơn Chúa. Cô thiếu nữ đó nghe và nhận lời đến phục vụ trại phong. Cái nhìn của nhà tu vừa đẹp vừa cũng có lợi rất to tác. Cái đẹp thể xác biến thành cái đẹp siêu tuyệt.

VIII. NGHỆ THUẬT SỐNG

KHO TÀNG VÀ NIỀM VUI

Theo một bản thống kê thì hàng năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 60 triệu toa bác sĩ cho mua thuốc Valium. Valium hiện này được xem là loại thuốc an thần công hiệu nhất.

Nói chung, xem chừng như văn minh càng tiến bộ, con người càng bất an. Niềm vui đích thực trong tâm hồn dường như đã vỗ cánh bay xa.

Nhưng an bình và vui tươi là vấn đề sống còn của con người. Đạt được tất cả, có tất cả nhưng không có niềm vui trong tâm hồn, thì sống như thế chẳng khác nào như một thây chết.

Người Ai Cập thời cổ tin rằng khi chết con người phải trình diện trước thần Osiris để trả lời cho hai câu hỏi: "Ngươi có tìm thấy niềm vui không? Người có mang niềm vui lại cho người khác không?" Số phận đời đời của họ tùy thuộc vào cách họ trả lời cho hai câu hỏi ấy.

Số phận đời đời của con người, tương quan của con người với Thiên Chúa tùy thuộc ở niềm vui của họ trong cuộc sống này.

Một ngày kia, người ta hỏi nhạc sĩ Franz Joseph Haydn tại sao nhạc tôn giáo của ông lúc nào cũng vui tươi? Nhà nhạc sĩ tài ba của thế kỷ thứ 18 đã trả lời như sau: "Tôi không thể làm khác hơn được. Tôi viết nhạc theo những cảm xúc của tôi. Khi tôi nghĩ về Chúa, trái tim tôi tràn ngập niềm vui đến nỗi các nốt nhạc như nhảy múa từ ngòi bút của tôi."

Người tín hữu Kitô theo định nghĩa, "không thể không là người của niềm vui." Họ phải vui mừng bởi vì Thiên Chúa chính là gia nghiệp của họ, bởi vì tâm hồn của họ luôn có Chúa.

Trong quyển sách có tựa đề "Những sự thuộc về Chúa Thánh Thần," Đức Gioan Phaolô II đã viết như sau: "Đức Kitô đến để mang lại niềm vui: niềm vui cho con cái, niềm vui cho cha mẹ, niềm vui cho gia đình và bạn hữu, niềm vui cho công nhân và trí thức, niềm vui cho người bệnh tật, già cả, niềm vui cho toàn nhân loại. Theo đúng nghĩa, niềm vui là trọng tâm của sứ điệp Kitô và ý lực của Phúc Âm. Chúng ta hãy là sứ giả của niềm vui."

Nhưng niềm vui không phải là một kho tàng có sẵn: nó đòi hỏi phải được kiến tạo. Người ta kiến tạo niềm vui bằng cách làm cho người khác được vui. Càng chia sẻ, càng trao ban, niềm vui càng lớn mạnh.

Hãy cư xử một cách vui tươi, hãy nói những lời vui tươi, hãy làm cho người khác vui, đó là bí quyết để giúp chúng ta được vui. Người khác càng vui, niềm vui của chúng ta càng lớn mạnh.

Mỗi ngày chúng ta van xin người khác không biết bao nhiêu lần: xin vui lòng. Chúng ta xin người "vui lòng," nhưng chúng ta lại không muốn làm cho lòng mình vui lên. Nếu chúng ta muốn người khác "vui lòng" để ban ân huệ cho chúng ta, thì có lẽ chúng ta cần phải làm cho lòng mình vui lên bằng bộ mặt vui tươi hớn hở của chúng ta, bằng những nụ cười vui tươi của chúng ta, bằng những chịu đựng vui tươi của chúng ta.

Một năm Phụng vụ mới lại bắt đầu, mùa Giáng Sinh lại sắp đến, cầu chúc quý vị niềm vui thánh thiện ngọt ngào hương thơm Lời Chúa.

IX. TẢN MẠN

Cứu trợ, nhân đạo hay phô trương?

Nhiều bạn trẻ đã nêu lên thắc mắc: các tôn giáo luôn rất sẳn sàng đóng góp cứu trợ các nạn nhân do thiên tai bão lụt, động đất , nhưng khi xem TV, chỉ thấy các nhà sư mặc áo cà sa cùng với các đoàn thể phật tử đi cứu trợ chỗ này chỗ kia, còn phía công giáo mình sao không thấy có hình ảnh nào trong thông tin đại chúng? Tụi con cảm thấy bức xúc quá!

Đây cũng là thắc mắc của nhiều người. Vấn đề này cũng dễ hiểu thôi bạn ơi, trong đó có những lý do mang tính cách nhạy cảm. Câu chuyện vui sau đây mong sẽ giải toả dược thắc mắc của các bạn và đưa mình trở về đúng tinh thần Phúc Âm.

Bước vào Mùa Vọng, Cha sở muồn cho giới trẻ trong họ đạo làm một công tác từ thiện nào đó, coi như làm quà dâng lên Chúa Hài Đồng dịp lễ Giánh Sinh sắp đến.

Các cô cậu nhiệt liệt hưởng ứng lời mời gọi của Cha sở và lên chương trình hẹn nhau ngày Chúa Nhật II Mùa Vọng sẽ đến nhà bà cụ Đáng ở xóm Chùa, vì hoàn cảnh của bà cụ này thật đáng thương, già lão, neo đơn, nghèo khổ. Các bạn hùn nhau được số tiền nho nhỏ mua một phần quà và xin phép bà cụ được làm vệ sinh quét dọn trong nhà và làm cỏ chung quanh. Các bạn trẻ trung nhiệt tình vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ. Bà cụ tỏ ý hài lòng với nụ cười hom hem trên gương mặt nhăn nheo còm cõi. Khi xong việc, các bạn chào từ giả bà cụ. Với giọng nói cảm động đến nghẹn ngào, bà cụ đã nói lời cám ơn các bạn trẻ như sau: "Bà hết lòng cám ơn các cháu phật tử được nhà chùa gởi sang giúp đỡ bà. Nam mô a di đà Phật".

Các bạn trẻ tròn mắt nhìn nhau và cố nén lòng không đính chính gì cả, để cho việc từ thiện này đúng ý nghĩa "đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, và Cha ngươi, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho ngươi" (Mt 6, 3-4).

Biết bao nhiêu cá nhân, đoàn thể làm việc từ thiện, đâu phải ai cũng đựơc đưa lên màn ảnh TV hay được xướng tên mình trên báo đài, chỉ có những thành phần rất đặc biệt đó thôi. Chúng ta đâu phải là những người lợi dụng đau khổ của đồng bào để phô trương công đức của mình! Như vậy, cứu trợ là việc làm nhân đạo hay nhằm để phô trương? Bạn nghĩ sao?

2561    20-04-2012 10:02:33