Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Gia Đình Chứng Nhân Của Giao Ước Vượt Qua - Tháng 10 năm 2003

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH CHỨNG NHÂN CỦA GIAO ƯỚC VƯỢT QUA

I. ĐỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 13

Sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người được hoàn tất vĩnh viễn nơi Đức Giêsu Kitô, vị hôn phu yêu thương và hiến mình làm Đấng cứu độ nhân loại bằng cách kết hiệp nhân loại với Người như chính thân mình Người. Người mặc khải sự thật nguyên thủy của hôn nhân (x. Kh 2, 24), sự thật của "thuở ban đầu" và khi giải phóng con người khỏi tâm hồn chai đá. Người làm cho con người có khả năng thực hiện sự thật nầy trọn vẹn.

Mặc khải nầy đạt tới sự viên mãn dứt khoát của nó trong việc trao ban tình yêu mà Ngôi Lời Thiên Chúa ban cho loài người khi Người mặc lấy bản tính nhân loại trong việc hy sinh mà Đức Giêsu Kitô đã hiến mình trên thập giá cho hiền thê của Người là Hội Thánh. Sự hy sinh ấy biểu lộ trọn vẹn ý định mà Thiên Chúa đã ghi khắc vào trong nhân tính của người nam và người nữ từ khi tạo dựng nên họ.

Như thế hôn nhân của những người đã chịu phép Rửa tội trở nên biểu tượng thật của giao ước mới và vĩnh cửu được ký kết trong máu Đức Kitô. Thánh Thần mà Chúa đã đổ tràn xuống, ban cho họ một trái tim mới và làm cho cả người nam và người nữ có khả năng yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta. Tình yêu vợ chồng đạt tới sự sung mãn là tình bác ái vợ chồng mà do bản chất, là phương thế độc đáo và riêng biệt giúp các đôi vợ chồng tham dự vào tình bác ái của Đức Kitô, Đấng trao ban chính mình trên thập giá, và cũng nhờ đó, họ được mời gọi sống tình bác ái của Người.

II. CHUYỆN MINH HỌA

THA THỨ

Tha thứ là một bài học có lẽ khó nhất và cũng có lẽ là bài học thể hiện lòng yêu thương trọn vẹn nhất trong cuộc đời.
Hai vợ chồng bác sĩ nọ rất mực yêu thương nhau. Mười lăm năm sống với nhau vẫn thấy rằng họ cần có nhau, chỉ có một nỗi buồn, họ chưa có với nhau một người con. Gia đình chưa thể nói là hạnh phúc trọn vẹn khi họ không có con. Họ chia sẻ với nhau nỗi buồn, đón nhận nhau ở trong hoàn cảnh ấy, nhưng trong sâu thẳm lòng họ vẫn không hề nguôi ngoa khắc khoải, họ cần có một đứa con.
Cái ước muốn từ sâu thẳm cứ len lỏi qua từng ngày trong cuộc sống.
Cho đến một hôm, ông bác sĩ bị đau bệnh, bởi chứng huyết áp của mình. Ông cần tĩnh dưỡng và cần nghỉ ngơi. Người vợ thương ông sắp xếp cho ông một chỗ nghỉ nơi xa để tách ra khỏi công việc, bà còn ân cần thu xếp cho ông có một nữ y tá theo ông để chăm sóc.

Những ngày nghỉ ở nơi xa, ông bà vẫn gặp nhau vào những ngày cuối tuần tại nơi ông nghỉ. Bà muốn ở lại chăm sóc ông, nhưng vì bà vẫn chưa thể ngh vì học sinh chưa tới kỳ hè. Những lần họ gặp nhau họ vẫn ân cần chia sẻ cho nhau những gánh nặng của công việc, chỉ có điều họ không chia được với nhau nỗi buồn thiếu vắng trong gia đình một đứa con. Bà ra về an bình trong tình yêu của mình.

Những ngày nghỉ với sự chăm sóc của cô y tá làm lay động lòng ông. Ông cần có một đứa con, cái khoa học ngày ấy chưa phát triển để giúp hai ông bà chính thức có đứa con với nhau. Ông đã đến với cô y tá. Ông không muốn phản bội tình yêu của mình, nhưng ông cần có mộ đứa con , cái khát vọng âm ỉ mười lăm năm qua giày vò ông và vợ ông. Cả hai chưa bao giờ bội phản tình yêu của mình, nhưng trong hoàn cảnh đó, ông thật sự không làm chủ được tình yêu của mình. Ông đã đến với người nữ y tá, và cô ấy có thai.

Sau những ngày nghỉ ông trở về, lòng mang theo những nỗi buồn mới. Ông không thể không xin lỗi bà vì những gì đã trót làm. Ông thuật lại cho bà nghe tất cả những lỗi lầm ấy, xin bà hãy tha thứ. Tình yêu lớn hơn tội lỗi, người ta nói đúng, sau nhiều nỗi đắng cay bà tha thứ cho ông, bà tiếp nhận đứa con riêng của ông cũng với hết tình nghĩa, chỉ có điều, bà không thể đi xa hơn sự tha thứ của mình là tiếp nhận đứa con của ông vào trong nhà mình.

Đứa con lớn lên trong vòng tay của mẹ nó, và trong sự chăm sóc chu đáo của ông bác sĩ, cũng là cha nó. Có điều ray rứt trong lòng ông, làm sao người vợ chính thức của mình nhìn nhận đứa trẻ như con của chính bà. Cái ray rứt ấy vẫn hằng đeo đuổi ông. Nhiều lần ông xin bà hãy coi đứa con ông như đứa con chính thức trong gia đình.Cũng nhiều lần bà muốn chiều theo ý ông, nhưng mỗi lần như vậy, bà lại không thể vượt qua được cái cảm nghĩ, thấy đứa con của ông lại là thấy lỗi lầm của ông. Bà muốn quên đi sự hiện diện của đứa con riêng của ông nhưng không thể bởi vì đứa trẻ ấy có tội tình chi. Sự giằng co trong lòng bà cũng không kém.

Cô nữ y tá chẳng may nhiễm bệnh của một bệnh nhân truyền nhiễm. Khi biết được sự lây nhiễm ấy thật nguy hiểm cho đứa con của mình, cô gửi đứa con vào trong ký túc xá. Ông hay được tin ấy, cũng một lần nữa tha thiết xin người vợ của mình hãy đón đứa trẻ trở về sống trong gia đình. Vẫn là một điều quá lớn đối với sự tha thứ của bà. Bà không thể, cái không thể ấy dường như cứ ghiền gẫm mãi trong cuộc đời của bà. Họ vẫn thương yêu nhau, vẫn tôn trọng nhau, nhưng rất khó đón nhận nhau cách trọn vẹn, kể cả lỗi lầm và những hậu quả của lỗi lầm ấy.

Sau những buổi chiều đi làm về, ông thường hay ghé vào ký túc xá để nói chuyện vui chơi với con. Đứa bé chắc chắn sẽ không hiểu chuyện gì đang xảy ra cho nó. Nó vẫn bình thản đợi ba nó mỗi chiều và gặp mẹ nó mỗi sớm.

Người mẹ của đứa bé qua đời vì căn bệnh lây nhiễm. Ông lại càng muốn chia sẻ với đứa bé nhiều hơn. Ông trở về và xin với người vợ ông hãy đón đứa bé về trong gia đình. Vẫn là những chối từ sắt đá, bởi còn một điều bà chưa có thể vượt qua là tha thứ cho ông tất cả.

Những muộn phiền trong ông ngày mỗi ngày lại ít được chia sẻ đi. Một buổi chiều từ bệnh viện ra về, trên con đường tới ký túc xá, ông đang chạy xe, huyết áp tăng cao và xây xẩm ông đã ngã xuống đường, đầu đập mạnh xuống đất và qua đời tại bệnh viện.

Sự hy sinh của bà thật đáng ca ngợi, bởi vì bà đã hết mực yêu thương ông, bà vẫn thay ông để chăm sóc đứa bé tại ký túc xá, chỉ có điều, mỗi lần trò chuyện với nó, lòng bà vẫn nhói đau từ đáy sâu nào trong trái tim.

Bà khó có thể vượt qua, mỗi buổi chiều, bà vẫn ra thăm mộ ông, sau khi rời khỏi ký túc xá.

Cũng từng chiều, mỗi khi đặt chiếc hoa hồng lên ngôi mộ, là mỗi lần bà chịu sự giằng co trong tâm hồn. Dường như trong một chốn thẳm sâu nào đó trong tâm hồn của bà, vọng lên tiếng nói : " Người nào không tha thứ tất cả, người ấy chẳng tha thứ gì cả".

Sự tha thứ đòi một việc làm quá lớn, lớn hơn tất cả cuộc đời, lớn hơn những gì mình có thể. Và cũng chính vì đòi hỏi quá lớn lên tha thứ là điều khó nhất trong cuộc sống.

Trong một chiều, một buổi chiều mỏi mệt sau những năm giằng co, trước mộ ông, miệng bà cũng tự nhủ : "người nào không tha thứ tất cả, người đó cũng chẳng tha thứ gì cả".

Chiều đó bà cúi đầu thật thấp trên ngôi mộ như mặt trời ngả thật thấp dưới bóng những căn nhà lá sập xụi, để tắt những bóng cháy bỏng của ích kỷ, bà gục đầu khóc. Khóc cho sự chai cứng của lòng người, khóc cho những muộn màng của chuỗi ngày hạnh phúc đánh mất. Khóc vì thân phận đầy giới hạn phải biểu lộ trong sự vô hạn của tha thứ.

Nếu đã có một lần khóc cho sự cứng cỏi của lòng mình, chắc hẳn bà đã có một lần kinh nghiệm được sự thứ tha đến cùng tận. Bà vội vàng trở lại ký túc xá đón nhận đứa con về ở trong gia đình của mình. Lòng bà tràn ngập niềm mừng vui.
Có bao ngày trong cuộc đời ta đang mất dần đi hạnh phúc vì thiếu sự tha thứ?
Và có bao nhiêu người đang mất dần khỏi cuộc đời ta những khi ta không thể thứ tha?
Hãy tha thứ. Đó là tiếng nói cuối cùng của Đức Giêsu trên Thập Giá gửi đến cho nhân loại. (Lm. Giuse Hoàng kim Toan. VietCatholic New 19/03/2001 ).

III. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

1. Tìm hiểu về Giao Ước Vượt Qua.

Để có thể hiểu Giao ước Vượt qua là gì, chúng ta trở lại với Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với Abraham và với Dân Israel dưới chân núi Sinai.

Do tình thương và lòng thương xót, Thiên Chúa đã chọn Abraham để gầy dựng một dân tộc sẽ thừa hưởng những lời mà Người đã hứa dòng dõi người nữ sẽ chiến thắng ma quỷ (Kn 3, 15) trong cuộc tạo dựng thứ nhất, và trong cuộc tạo dựng thứ hai, Giao ước với Noe, sau Lụt Hồng Thủy rằng Thiên Chúa sẽ không dùng Lụt Hồng Thủy để tiêu diệt loài người nữa (Kn 9, 14).

Giao Ước với Abraham là một lời hứa ban cho ông và dòng dõi ông. Được gọi là Giao ước, nhưng không phải hai đối tác ngang tầm nhau. Ở đây chính Thiên Chúa là Đấng đi bước trước, đưa ra lời hứa, phần Abraham là thề hứa trung tín với Ngài (Kn 15, 6).

Lời hứa ban cho Abraham một dòng dõi đông đúc như sao trời được thực hiện dưới chân núi Sinai, khi Chúa ký kết giao ước với dân Israel (Xh 19, 5) biến họ trở thành "dân riêng" của Người. Là dân riêng, họ sẽ được Chúa sẽ yêu thương chăm sóc, bảo vệ, chở che, khỏi kẻ thù (Xh 19, 4). Phần Israel thì không được thờ thần nào khác ngoài Thiên Chúa và phải tuân giữ 10 Giới răn của người (Xh 24, 7).

Một khi Israel không trung thành giữ lời giao ước thì bị coi là phản bội, ngoại tình (Cựu Ước cũng như Tân ước sau nầy, còn dùng hình ảnh hôn nhân để nói lên sự gắn bó mật thiết giữa Thiên Chúa và dân riêng của Ngài. Sách Diễm Tình Ca là một bài thơ dài mô tả mối tình thắm thiết giữa Thiên Chúa và dân Israel với ngôn ngữ và hình ảnh tình yêu lứa đôi theo cách thức loài người).

Giao ước Cựu ước được ký kết bằng cách giết một con bò làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa. Máu của nó được rảy trên bàn thờ và trên dân chúng.

Theo cái nhìn của Cựu Ước về tội và sự tha thứ thì Thiên Chúa là Quan án tối cao và vô cùng thánh thiện. Tội phạm đến Ngài thì phải chết. Nhưng Ngài chấp nhận cái chết của chiên bò chuộc thay cho tội nhân. Như vậy, máu con vật đổ ra vừa chứng thực con vật ấy đã chết, đồng thời đưa đến kết quả là cứu được mạng sống khác và được thực hiện nhiều lần. Máu vật hy tế rảy trên bàn thờ chứng tỏ tội nhân một lần nữa được tiếp cận Thiên Chúa, vì đã được một con vật chết thay. Máu vật hy tế rảy trên dân là dấu chỉ tội họ đã được tha, giờ đây họ được kết hiệp lại với Thiên Chúa.

Thế nhưng Giao Ước ấy chỉ là hình bóng của Giao Ước được Đức Kitô ký kết bằng máu của Người dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái (Lc 22, 19). Giao Ước Vượt Qua được Thiên Chúa ký kết không phải chỉ với một dân tộc theo huyết nhục mà với toàn thể nhân loại là dân tộc mới. Giao Ước mời được ký kết trong hy tế đẫm máu trên Thập giá của Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa Nhập Thể làm người. Vì là Máu Chúa đổ ra nên có giá trị đền thay tội cho muôn người và chỉ cần đổ ra một lần duy nhất là đủ.

Trong Giao Ước Vượt Qua, Đức Giêsu đã tự nguyện chấp nhận cuộc Thương Khó và cái chết trên Thập giá để đền thay tội lỗi chúng ta, mà hình ảnh máu chiên bò trong Cựu Ước đã báo trước (Dth. 9, 9- 10, 24), và phục sinh vinh quang đem ơn cứu độ và sự giải thoát cho toàn thể nhân loại. Cũng như Giao Ước thời Cựu Ước là do sáng kiến yêu thương và thương xót của Thiên Chúa. thì nay, Đức Giêsu ký kết Giao Ước mới bằng chính máu của Người đổ ra một lần duy nhất cho mãi mãi, nói lên lòng tự nguyện vâng phục thánh ý Chúa Cha và tình yêu thương đối với mọi người là anh em của Chúa trong gia đình nhân loại.

2. Gia đình Kitô hữu: chứng nhân của Giao Ước Vượt Qua là gì?

Qua dòng lịch sử, truyền thống của nhiều tôn giáo đã dùng hình ảnh hôn nhân để diễn tả mối liên hệ mật thiết giữa thần linh với cá nhân hoặc với dân tộc mình. Dân Do thái cũng không ra ngoài thông lệ. Cựu ước đã nhiều lần dùng hình ảnh nầy để nói về sự gắn bó giữa Thiên Chúa và dân mà Ngài tuyển chọn. Điều nầy dễ nhận thấy nơi Sách Diễm Tình Ca. Đây là cả một bài thơ dài mô tả mối tình thắm thiết giữa Thiên Chúa và Dân Israel . Với ngôn ngữ và hình ảnh diễn tả tình yêu đôi lứa theo cách thức loài người. Nhiều sách khác trong Cựu ước cũng mượn truyện hôn nhân để nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại như Sách Giêrêmia, Ezêkiel, Amos, Hôsê...

Thời Tân Ước, các tác giả Kinh Thánh cũng dùng hình ảnh tình yêu hôn nhân để nói lên mối tương quan mật thiết giữa Đức Kitô và Hội Thánh của Ngài. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô như sau : "Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em như một trinh nữ thanh khiết" (2Cr 11, 2). Hay trong Mt 9, 15 : "Đức Giêsu trả lời: chẳng lẽ khách dự tiệc có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ?" Hoặc như Gioan Tẩy Giả đã khẳng định mình không phải là Đức Kitô như sau: "Tôi đây không phải là Đấng Kitô mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. Ai cưới cô dâu người ấy là chú rể" (Ga 3, 28).

Như vậy, cả hai Giao Ước cũ và mời đều dùng hình ảnh hôn nhân để mô tả tình yêu cao vời của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Điều nầy giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa của tình yêu hôn phối : đó không chỉ là một thực tại trần thế không tàn phai mà còn là biểu tượng vĩnh viễn mối dây Thiên Chúa yêu thương loài người.

Trong lễ cưới Công giáo. Hội Thánh đã nói lên biểu tượng nầy khi chúc lành cho đôi vợ chồng mới : "Lạy Chúa, Chúa đã thánh hiến sự phối hợp vợ chồng bằng mầu nhiệm cao cả, để dùng khế ước hôn nhân mà báo trước mầu nhiệm kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh" hay những lời khác tương tự : "Lạy Chúa, để mặc khải mầu nhiệm yêu thương, Chúa đã lấy sự kết hợp giữa hai vợ chồng làm hình ảnh Giao ước giữa Chúa và Hội Thánh. Chúng con nài xin Chúa..."

Cũng như hôn nhân lý tưởng là đôi vợ chồng hiến thân cho nhau, thể xác và tâm hồn, như món quà ban tặng thì tình yêu giao kết của chúng ta và của toàn thể Hội Thánh với Thiên Chúa phải trọn vẹn như vậy. Sự đáp trả của linh hồn không thể có chút bợn nhơ, hậu ý, mà phải tinh tuyền và trọn hão. Kết quả của tình yêu hôn nhân là con cái. Kết quả của tình yêu hiến dâng Thiên Chúa là sự thánh thiện và những việc bác ái đối với với anh em.

Đời sống các thánh là bằng chứng hùng hồn nói lên tình yêu của các ngài đối với Thiên Chúa và Thiên Chúa yêu thương các ngài. Các thánh không bao giờ phản bội Thiên Chúa vì cảm nghiệm được tình Chúa xót thương mình.

Thiên Chúa trung tín muôn đời. Ngài không hề thất vọng về chúng ta, không bỏ rơi hoặc ngoảnh mặt không yêu thương trợ giúp chúng ta nữa.

Còn khi nói về tình yêu vợ chồng, Thánh Phaolô nói về tình yêu mà người chồng phải có đối với vợ mình phải giống như tình yêu mà Đức Kitô dành cho Hội Thánh của Người : "Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Ðức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và bằng lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Ðức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Ðức Ki-tô và Hội Thánh.

Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng" (1 Cr 5, 25 - 33). Tình yêu vợ chồng Kitô hữu phải phản ảnh tình yêu mà Chúa Kitô dành cho Hội Thánh như là Hôn Thê, là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người. Vị Hôn Thê mà Đức Kitô đã hết lòng yêu thương cho đến thí mạng sống mình : "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình" (Ga 15, 13).

Hôn nhân, ngoài sự kết hiệp về thân xác, còn là sự gắn kết của hai con tim, phát xuất từ con tim, nơi thẳm sâu nhất của con người. Tình yêu vợ chồng phải giống tình Chúa yêu Hội Thánh ở chỗ vượt trên cả tội lỗi và nết xấu của mỗi người. Tức là trung tín trong bất cứ tình huống nào. Vì Thiên Chúa không thể bất trung với chính Ngài. Lời thề trong lễ Hôn Phối: "giữ lòng chung thủy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe" vang vọng lên tình yêu trung tín của Thiên Chúa đối với Dân Ngài.

Tuy nhiên, cuộc sống thực tế gia đình đầy những thử thách cam go, cùng với ơn trợ giúp của Chúa vợ chồng cần phải cần phải phấn đấu từng ngày để giữ lòng chung thủy yêu thương trọn đời.

3. Gia đình sống chứng nhân của Giao Ước Vượt Qua.

Không có tình yêu chân chính nào mà không đòi phải hy sinh, bỏ mình, "tự hủy" chính mình theo gương Đức Kitô trên thập giá. Ngài đã triệt tiêu chính mình để chúng ta được có lại trong ân sủng tràn đầy. Ngài đã chết đi, để chúng ta được sống. Phải qua đau khổ Thập giá mới đến được hạnh phúc vinh quang.

Một trong những nét đẹp của lòng hy sinh là tha thứ. Không có hy sinh, nhẫn nại, độ lượng, chấp nhận nhau...nếu không có tha thứ và tha thứ thật lòng nghĩa là tha thứ tất cả. Tha thứ thật lòng là chấp nhận quên chính cái tôi, lòng tự ái của mình đi để đón nhận cái dở, cái khuyết điểm của người phối ngẫu với mình. là đón nhận đau khổ rồi triệt tiêu nó đi, là giống Chúa Kitô không bao giờ thất vọng về con người, bất chấp những lầm lỗi của chúng ta.

Bao lâu vợ chồng còn biết tha thứ cho nhau, thì bấy lâu hạnh phúc còn ở với họ, còn nếu mỗi người chỉ gậm nhấm nổi khổ mà vợ hay chồng gây ra cho mình, thì cánh cửa hạnh phúc sẽ dần dần khép lại. Lòng yêu mình đến mức ích kỷ sẽ giết chết hạnh phúc gia đình. "Chén trên sống còn khua".Càng sống với nhau lâu, càng nhận ra nhiều khuyết điểm của nhau, nên vợ chồng càng phải học theo gương tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23, 34 ). Và tha thứ đến cùng để trở thành chứng nhân của Giao Ước Vượt Qua, của Hiến Tế Thập Giá của Chúa Giêsu .

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương những kẻ thuộc về mình, Chúa đã yêu thương đến cùng bằng cái chết đau thương trên Thập giá, đền thay tội lỗi chúng con.

Xin cho chúng con, những vợ chồng cũng biết thương yêu nhau, hy sinh, quảng đại, tha thứ chau nhau hết tình theo mẫu gương yêu thương đến quên mình của Chúa,

Hầu chúng con trở nên chứng nhân của Giao Ước Vượt Qua, hy sinh quên mình, nêu gương cho gia đình và anh em con. Amen.

V. HỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 13

"Thánh Thần mà Chúa đã đổ tràn xuống, ban cho họ một trái tim mới và làm cho cả người nam và người nữ có khả năng yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta."

VI. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Biến cố Vượt Qua của Chúa Giêsu là Giao ước tình yêu, Giao ước mới và vĩnh cửu. Từ đó, Chúa ban mọi ơn lành thánh cho nhân loại. Giao ước Vượt Qua là Nguồn Ơn Cứu Độ, là Nguồn sống hạnh phúc muôn đời. Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình Kitô-hữu tận hưởng Nguồn ơn Cứu Độ:

1. Giao Ước Vượt Qua là Giao ước Tình yêu. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần trong gia đình Kitô-hữu biết hết lòng yêu thương nhau, biết hy sinh và phục vụ nhau, như Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh.

2. Giao Ước Vượt Qua là Giao ước mới và vĩnh cửu. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần trong gia đình Kitô-hữu biết thực thi giới răn mới của Chúa Giêsu, luôn trung thành yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta.

3. Giao Ước Vượt Qua là Nguồn Ơn Cứu Độ. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần trong gia đình Kitô-hữu biết cùng giúp nhau lãnh nhận Ơn Cứu Độ tại các nơi Hội Thánh cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua: Thánh Lễ và các Bí tích.

4. Giao Ước Vượt Qua là Nguồn mạch sự sống hạnh phúc. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần trong gia đình Kitô-hữu luôn sống Giao Ước Vượt Qua, để củng cố Giao ước Hôn nhân Gia đình, để đạt được cuộc sống hạnh phúc đời này và đời sau.

Kết thúc: Lạy Chúa, Con Một Chúa đã thiết lập Giao Ước Vĩnh Cửu cho chúng con và mọi người được Ơn Cứu Độ. Xưa Chúa đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ thế nào, thì nay xin cũng ban Thánh Thần cho chúng con, đốt lửa yêu mến Chúa trong lòng chúng con. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

YÊU = YẾU

Một người vợ đã tâm sự : "Trước khi về làm vợ anh ấy, tôi đã yêu một người và đã dâng hiến tất cả. Cuộc tình đó tan vỡ. Trong lúc tôi đang hụt hẫng thì anh ấy đến. Lúc đó tôi không yêu anh và cũng không hề nghĩ đến chuyện sẽ làm vợ anh. Tôi mặc cảm về sự thất tiết. Thế nhưng anh ấy kiên trì đeo đuổi, và khi tôi nói thẳng với anh ấy là tôi không xứng đáng, anh ấy vẫn cứ khăng khăng:"Anh biết hết quá khứ của em, nhưng tình yêu anh dành cho em mãnh liệt và sâu sắc đủ để anh bỏ qua mọi chuyện, chỉ cần em yêu anh và chấp nhận làm vợ anh. Anh tin chúng ta sẽ hạnh phúc bên nhau".

Dần dần tôi xúc động, yêu anh và nhận lời làm vợ anh. Tưởng đâu vợ chồng hạnh phúc . . . nào ngờ . . . suốt mười năm, anh vô cùng kiên nhẫn đem chuyện cũ ra mà chi chiết, vào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và đêm khuya . . . lúc vợ chồng đang ăn cơm, khi cả nhà xem Tivi, khi tôi làm việc nhà, trên giường ngủ khi vợ chồng đang âu yếm, trước mặt con cái . . . lúc thì bằng giọng ngọt nhạt cay độc, lúc thì bằng lời lẽ tục tằn thô bạo . . . Anh bảo rằng tôi phải nhận chịu sự trừng phạt như vậy mới có thể chuộc được lỗi lầm".

Và chồng chị cũng không ngại nói rằng:"Tôi không thể và không bao giờ tha thứ sự thất tiết của cô ấy được. Mãi mãi đó là vết nhơ của đời sống vợ chồng. Tội lỗi phải được cứu chuộc, vết nhơ phải được tẩy rửa. Và sự cứu chuộc, sự tẩy rửa đó chỉ được thực hiện thông qua sự hành hạ cô ấy, về thể xác cũng như về tinh thần".

Cảm thông với người vợ, tôi đem câu chuyện của chị đặt dưới chân thập giá Chúa Giêsu, với lòng bất an, tôi lẩm nhẩm từng câu:"Cứu chuộc như thế đó ư ? Tẩy rửa như thế đó ư ? Tình yêu là gì ?". Và Chúa đã trả lời tôi, không bằng lời nhưng bằng ảnh chuộc tội mà tôi đang chiêm ngắm. Ngài nói trong thâm tâm tôi rằng :

I. YÊU LÀ YẾU

1/ Yêu là cảm thông.

"Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Phil. 2, 6-8). Chúa Giêsu đã cảm thông với con người, trở nên giống con người, nói tiếng nói của con người để con người có thể hiểu tình yêu của Chúa.

Yêu là cảm thông, vì không biết thông cảm nhau và hiểu nhau mà nhiều gia đình ly tan, vợ chồng làm khổ nhau. Nếu biết nói với người yêu bằng chính ngôn ngữ của người yêu, cảm thông với người yêu, thì đó là khởi đầu của tình yêu.

2/ Yêu là van xin, là tự làm cho mình bị thương = yếu.

"Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận" (Ga 1,11). Chúa đã đến trong thế gian, nhưng thế gian không tiếp nhận Người, mà còn thù ghét và tìm giết Người. Người không muốn làm kẻ ban phát, nhưng muốn lập giao ước với con người, đi vào lịch sử của con người, và hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ của con người.

Yêu ai là tự đặt mình lệ thuộc vào người ấy. Một linh mục nhìn cảnh một ông chồng chìu chuộng vợ, bèn thốt lên:"Rõ khổ, đem thân làm nô lệ cho đàn bà !", thì cũng "Rõ khổ", vị linh mục có biết đâu cái mà Ngài gọi là nô lệ, lại chính là hạnh phúc của người ta. Đúng vậy, yêu không phải là tỏ ra mạnh mẽ, hùng dũng, uy quyền, nhưng là có thái độ con tim, có tâm hồn thiếu thốn, cần được người khác bù đắp cho những ước vọng của mình. Yêu , phần nào đó, đồng nghĩa với yếu.

3/ Yêu là tha thứ.

"Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm". (Lc 23, 34). Tha thứ không chỉ là quên đi, nhưng là tiếp tục yêu người khác dù mình có bị xua đuổi, bị bỏ rơi. Yêu là vẫn hy vọng vào người mình yêu, mặc dù họ làm cho ta thất vọng. Yêu là sẳn sàng bắt đầu làm lại mới. Chính Chúa Giêsu đã làm như vậy. Tha thứ đối với Ngài là nhìn vào cái tốt của người khác. Từ đó, yêu cũng có nghĩa là phải có thái độ thơ ngây dại khờ, vì thái độ tha thứ thường đồng nghĩa với thái độ khờ khạo, vì luôn luôn có thể bị lường gạt, nhưng đó lại là tình yêu đích thực :Tình yêu không có tha thứ là tình yêu chết.

4/ Yêu là hiến mạng sống cho người mình yêu. (Ga 15, 13)

Chính Chúa Giêsu đã nói và đã thực hiện tình yêu này trong lúc mà con người thù ghét và tìm giết Ngài. Tình yêu chân chính là tình yêu tìm kiếm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của người mình yêu, tức là muốn cho người mình yêu sung sướng bằng chính sự hy sinh cuộc đời mình. Đó mới là tình yêu cứu chuộc : Máu đổ đến giọt cuối cùng trên thập giá là dấu chỉ của một tình yêu đi đến tận cùng mạng sống.

Người chồng trong câu chuyện mở đầu ở trên không hiểu được chân lý này. Nếu anh hiểu, anh sẽ không "cứu chuộc" những lầm lỗi của vợ bằng cách hành hạ, đay nghiến, nhưng bằng tình yêu tha thứ, bao dung, quảng đại. Và rồi, người vợ sẽ cảm nhận được tình yêu ấy, và chị sẽ đáp lại bằng một tình yêu gấp bội. Hạnh phúc gia đình là ở đó. Hôn nhân Kitô giáo là biểu tượng ơn cứu độ như thế đó :"Sự thông hiệp vợ chồng diển tả mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô và mầu nhiệm giao ước của Ngài". (FC số 13).

Để thể hiện tình yêu tha thứ, bao dung và quảng đại, đôi bạn rất cần nhờ ơn Chúa mà họ đã lãnh nhận ngày họ cử hành bí tích Hôn phối, ngoài ra họ cũng cần phải biết một số bí quyết để vun đắp tình yêu, đồng nghĩa với "biết cách yếu".

II. BIẾT CÁCH YẾU

1/ Biết trách nhiệm : Bổn phận vợ chồng là phải lo cho nhau, chú ý đến nhau, và còn hơn nữa là sống cho nhau. Lo cho nhau thế nào? Chú ý đến nhau thế nào? Sống cho nhau thế nào ? Mỗi người mỗi cách, tùy suy nghĩ của mỗi người.

2/ Biết ngừng để lắng nghe : Biết lắng nghe, biết chịu thiệt thòi một chút trong gia đình sẽ đem lại êm ấm và thuận hòa. Ít có ông chồng nào biết nhịn, không tranh cải những vấn đề không ăn nhập vào đâu, mà thường khi họ tranh cải nẩy lửa chỉ vì một việc cỏn con: một câu nói, một miếng ăn, giấc ngủ . . . " Chẳng phải vì tội lỗi của mình, cũng chẳng phải vì tội lỗi của cha mẹ mình, nhưng để cho Thiên Chúa được vinh danh", mỗi khi ta nhường nhịn người bạn đời với những khuyết điểm của họ.

3/ Biết quên : Có nhiều chuyện đáng quên, cũng có những chuyện phải quên thì người ta mới sống được, mới hòa thuận được, nhất là trong cuộc sống gia đình. Hãy để cho quá khứ là quá khứ, đừng làm ầm ỷ lên những chuyện cách nay đã nhiều năm, khi đó người bạn mình đã lầm lỡ và đã ăn năn, (như câu chuyện ở phần mở đầu) chẳng tốt lành gì mà còn đưa đến hậu quả rất tai hại cho bạn mình và cả cho mình.

4/ Biết nhớ : Có những chuyện cần phải nhớ, đó là những niềm vui nho nhỏ được sánh ví như những sợi chỉ nhỏ giữ chặt tấm thảm hạnh phúc. Bước đi trên tấm thảm êm ái, ít ai nhớ đến những sợi chỉ nhỏ này. Nhớ ngày sinh nhật của nhau, nhớ ngày mình mới quen nhau với những kỷ niệm đáng ghi nhớ, nhớ ngày cưới . . . nhớ ngày giỗ của ông bà cha mẹ đôi bên. Đó là những sợi chỉ vô hình nối kết hạnh phúc gia đình rất đáng trân trọng.

5/ Biết chờ đợi : Chúng ta đã từng thấy có những bà vợ dọn cơm sẳn chờ đợi chồng cả mấy giờ đồng hồ, chỉ vì ông chồng la cà đâu đó thì không sao, nhưng khi ông chồng phải chờ đợi vợ chừng năm mười phút thì đã nổi quạu lên. Phụ nữ thường có tính hay sửa soạn, tính hay mua sắm, mua sắm thì phải sờ mó, trả giá. Đã đành có những người rất lề mề, chậm chạp, lơ đãng, nhưng nếu đôi bạn biết chờ đợi nhau thì đó cũng là một trong những yếu tố kết chặt hạnh phúc. Chờ đợi lắm khi cũng bực bội, gai góc, nhưng "hoa hồng nào cũng có gai, mà may thay trong gai góc đó lại có hoa hồng".

" Hiệu quả của "Yêu = Yếu" là gì?
"Yêu = Yếu" là khám phá ra khuôn mặt của Đức Kitô nơi những người thân quen trong gia đình, để yêu thương, tha thứ, đón nhận, ngay trong những hoàn cảnh bi đát nhất, những khi bực bội khó chịu nhất.

"Yêu = Yếu" là chiến thắng con người củ, đạt đến con người mới nơi chính bản thân mình. Là chiến thắng tình yêu vị kỷ, đạt đến tình yêu vị tha trong hôn nhân. Là chiến thắng cái mà có người gọi "Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu", để diễn đạt hạnh phúc tròn đầy của hôn nhân. Và nhất là minh chứng cho sự chiến thắng của Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người, được diễn đạt rõ nết nơi thập giá Chúa Kitô.

Và phần thưởng cao quí dành cho đôi bạn ở cuối cuộc hành trình của hôn nhân, ở buổi hoàng hôn của cuộc đời chính là : Khi ấy Chúa Kitô, với tư cách là vị thẩm phán, sẽ nói với người vợ có ông chồng thất nghiệp rằng:"Con là kẻ được chúc phúc, vì xưa Ta thất nghiệp, không kiếm ra tiền để lo cho gia đình, nhưng con vẫn một niềm thương yêu kính trọng và nâng đỡ Ta qua cơn thử thách". Ngài cũng nói với ông chồng có bà vợ yếu đau rằng:"Hãy đến thừa hưởng gia nghiệp dành cho con, vì xưa Ta đau yếu, nhan sắc tàn tạ, đang khi con lại có nhiều cô gái vây quanh, thế mà con vẫn một lòng chung thủy sắc son, chăm sóc ân cần, khiến Ta được an ủi rất nhiều". Và với những người con hiếu thảo, Ngài nói:"Ngày xưa Ta già yếu, khó tính, hay than phiền con cái trong nhà, thế mà con đã không xem thường Ta, vẫn một niềm kính trọng và chu đáo chăm nom Ta".

VIII. TRANG THIẾU NHI

I/-Câu chuyện vui:
1-Câu chuyện 1:
Có hai vợ chồng trẻ đưa nhau ra toà đòi ly dị. Quan toà có ý hàn gắn cho họ, nên tìm cách gợi ý cho họ suy nghĩ lại:
-Thế trước kia, khi kết hôn, anh chị có hứa với nhau là sẽ sống bên nhau cho đến "Đầu bạc, răng long" không?
-Dạ có, chúng tôi có hứa như thế!
-Vậy sao bây giờ còn trẻ thế này, mà đã đưa nhau ra toà đòi ly dị?
-Thì trước kia chúng tôi đã hứa và bây giờ cũng đã thực hiện đúng lời hứa đó! Nói xong, anh chồng từ từ dở nón ra: tóc anh ta mới nhuộm màu bạch kim trắng phau; còn cô vợ cũng chậm rãi đưa tay lên miệng: hàm răng giả của cô được tháo ra và trình lên quan tòa.
-Quan tòa: ! ! !
*Nhận xét: Ngày nay, người ta có thể tìm ra và vịn vào đủ mọi thứ lý do, có khi là những lý do rất đáng buồn cười, để phá vỡ và thoát khỏi mối ràng buộc của Hôn nhân Gia đình. Có nhiều nguyên do để dẫn đến thực trạng đau buồn đó. Nhưng quan trọng hơn tất cả là sự thiếu vắng tình yêu và quan niệm coi Hôn nhân Gia đình chỉ là một khế ước xã hội, tức có thể thay đổi một phần hoặc xóa bỏ toàn bộ khế ước đó, một khi điều kiện và hoàn cảnh làm nên khế ước đó đã thay đổi.

Thái độ này đã loại bỏ mọi tính chất thánh thiêng của Giao Ước Hôn nhân, theo như quan niệm Hôn nhân Công giáo. Chỉ khi người ta coi hôn nhân là một Bí tích: giao ước hôn nhân là Giao Uớc Vượt Qua - phản ảnh Giao ước của Chúa Kitô với Hội thánh - thì tính chất duy nhất (đơn hôn) và bền vững (bất khả phân ly) của hôn nhân mới thực sự được tôn trọng. Và đó cũng là lời giải cơ bản nhất cho tình trạng ly dị tràn lan ngày nay trong xã hội.

2-Câu chuyện 2:
Có hai người đàn ông vừa mới qua đời: một là giáo dân thường, một là linh mục. Linh hồn họ liền bay thẳng đến cửa Thiên đàng và gặp thánh Phêrô. Ngài hỏi người thứ nhất:
-Con có gia đình chưa?
-Dạ có. Vợ chồng con sống với nhau được 50 năm, cho tới ngày con chết ạ!
-Vậy đời sống gia đình con thế nào?
-Dạ cũng bê bối lắm ạ. Nhà con nghèo, lại đông con, kinh tế eo hẹp, nên con lo làm ăn nuôi chúng, có khi sao nhãng cả việc kinh sách, lễ lạy. Với lại bà vợ con hung dữ lắm, tụi con cũng lục đục hoài, có khi con phải nhịn bả đi cho xong chuyện, kẻo gia đình lại tan vỡ. Với lại …
-Thôi được rồi - thánh Phêrô ngắt lời - Con hãy xuống luyện ngục chịu thanh luyện 1 năm để tẩy rửa những sai lỗi, rồi sau đó trở lại đây, ta mở cửa cho mà vào Thiên đàng.

Đến lượt vị linh mục, thấy thánh Phêrô giải quyết cho người đàn ông kia như vậy, thì chắc mẩm rẳng mình sẽ được vào Thiên đàng thẳng cẳng. Nên không đợi thánh Phêrô hỏi, ông tự xưng luôn một hơi:
-Con là linh mục. Sống độc thân, nên con chẳng phải lo lắng về việc vợ con, vì vậy mọi thời giờ rảnh rỗi con dành cả cho việc đọc kinh sách, thờ phượng Chúa. Về kinh tế, con cũng chẳng phải lo lắng chi, con còn dư tiền để lo cho biết bao người nghèo chung quanh con…
-Được rồi - thánh Phêrô nhìn vị linh mục có vẻ hài lòng - con sống được như vậy là tốt. Nhưng dù sao, con cũng phải thanh luyện một thời gian, để đền bù cho những sai lỗi khi còn ở trần gian chứ!
-Bao lâu ạ! - Vị linh mục nhìn thánh Phêrô với tràn đầy hy vọng.
-Con hãy xuống luyện ngục thanh tẩy 3 năm, rồi lên đây ta mở cửa cho.
-Ba năm! - vị linh mục thảng thốt kêu lên - ngài có lộn không ạ. Người đàn ông kia bê bối như vậy, mà cũng chỉ có 1 năm, còn con sao lại tới 3 năm lận!
-Ai nói con án của người đàn ông đó là 1 năm, án phạt của hắn là những 51 năm lận. Nhưng hắn đã thi hành án phạt đó khi còn ở trần gian: suốt 50 năm qua, hắn đã phải nhọc nhằn trong đời sống gia đình với nhiều khổ ải, cay đắng rồi, nên bây giờ hắn chỉ còn phải thanh luyện thêm 1 năm mà thôi!
-Vị linh mục: !!!

*Nhận xét: Ngoài màu hồng của hạnh phúc, vui tươi, thì đời sống hôn nhân-gia đình cũng đem lại cho con người không thiếu những gam màu u ám, ảm đạm: đời sống vật chất khó khăn, túng thiếu; vợ chồng cắng đắng, lục đục nhau; con cái bất hòa, hư hỏng, không biết vâng lời…Cho nên người đàn ông trong câu chuyện kể trên, có thể chưa hoàn hảo và con nhiều sai lỗi, nhưng ông quả xứng là một anh hùng, khi vượt qua trăm ngàn gian khó, thử thách mà vẫn giữ vững được giềng mối của đời sống gia đình.

Ngày hôm nay, biết bao người cũng lao vào đời sống gia đình chỉ với thái độ hưởng thụ. Họ khai thác nơi hôn nhân những khía cạnh mang lại lạc thú và hạnh phúc trần gian. Nhưng một khi phải đối diện với những thử thách, khó khăn do đời sống hôn nhân - gia đình đem lại, thì họ lại tìm cách tránh né, thậm chí trốn chạy. Chính thái độ này đã đẩy biết bao gia đình đến thảm cảnh ly dị, tan vỡ và để lại cho xã hội những hậu quả khôn lường: lòng chán ghét, hận thù, ngờ vực, không còn niềm tin của những người đã từng bị lừa dối, phụ bạc; những đứa con thiếu vắng tình thương và sự giáo dục của cha hoặc mẹ, hay cả hai, sẽ là những mối nguy cơ tiềm ẩn cho tương lai; một thế hệ băng hoại, thích "nổi loạn", xem thường luân lý và mọi sự ràng buộc của gia đình, của xã hội …

Liều thuốc chữa cho thái độ này là tinh thần hy sinh trong đời sống gia đình. Vợ chồng hy sinh để phục vu, đáp ứng cho nhau; cha mẹ hy sinh để lo lắng cho con cái; con cái hy sinh để kính dưỡng và vâng phục cha mẹ.Hơn nữa, sự hy sinh trong đời sống hôn nhân - gia đình phải vượt qua ngưỡng cửa của bình diện tự nhiên, nó phải phản ánh được niềm tin siêu nhiên: qui chiếu về sự hy sinh của Chúa Kitô dành cho Hội thánh. Như Đức Kitô đã hiến mình để yêu thương và phục vụ Hội thánh, thì mỗi thành viên trong đời sống gia đình cũng phải hy sinh, quên mình vì nhau. Có như vậy người ta mới có thể vượt qua những khó khăn, thử thách, nhất là biết chấp nhận những thua kém, thiệt thòi về phần mình, để cố gắng duy trì tính duy nhất và bền vững của hôn nhân - gia đình.

II/-Trò chuyện cùng thiếu nhi:
Các em thiếu nhi thân mến,
Qua hai câu chuyện và những nhận xét ở trên, có lẽ các em cũng đã thấy được tầm quan trọng của tính bền vững trong đời sống gia đình.

Mỗi em có mỗi hoàn cảnh gia đình khác nhau: giàu hay nghèo; nhiều hạnh phúc hơn hay nhiều đau khổ hơn; hòa thuận hay lục đục, cắng đắng…Nhưng dẫu gia đình các em có ra sao đi nữa, thì một điều chắc chắn, là không em nào muốn gia đình mình bị tan vỡ. Mà muốn như vậy, thì chính mỗi thiếu nhi chúng ta cũng phải góp phần của mình, làm cho gia đình ngày càng bền chặt hơn.
Để làm được điều đó anh gợi ý cho các em những điểm sau đây:
-Con cái là niềm vui của cha mẹ. Nhiều đôi vợ chồng đứng trước bờ vực thẳm chia rẽ, nhưng cuối cùng cũng vượt qua được, nhờ họ biết yêu thương và hy sinh vì con cái. Là con cái, mỗi thiếu nhi có biết luôn làm vui lòng ông bà, cha mẹ bằng sự ngoan ngoãn, vâng lời, kính phục của mình, để rồi ngược lại, chúng ta cũng đón nhận được sự yêu thương và lòng hy sinh vô bờ bến, mà cha mẹ dành cho chúng ta không?

-Sự yêu thương, hòa thuận của con cái trong gia đình làm cho gia đình tràn ngập bầu khí vui tươi và bình an. Nó góp phần làm giảm nhẹ những căng thẳng trong gia đình, do những hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống đem lại. Đây cũng chính là một trong những phương cách, mà thiếu nhi có thể thực hiện, để góp phần làm cho gia đình mình được bền vững. Vậy em đã biết sống yêu thương và hòa thuận với anh chị em trong gia đình chưa?

-Cuối cùng, tất cả những phương cách tự nhiên, dù có hiệu quả đến đâu, cũng không thể thay thế phương cách siêu nhiên: em có luôn cầu nguyện cho gia đình em, cho cha mẹ em, cho anh chị em của em và cho chính em, để mọi người trong gia đình em, nhờ ơn Chúa giúp, luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với mọi thành viên khác trong gia đình, từ đó cùng nhau góp sức xây dựng một gia đình hạnh phúc và thánh thiện không?

Anh mến chúc mỗi em thiếu nhi sẽ trở nên nhân tố giúp gia đình mình sống hạnh phúc hơn và bền vững hơn!
III/-Bài hát - Cử điệu:
1-Bài hát: "Cả nhà thương nhau".
(1) Ba thương con, vì con giống Mẹ. (2) Mẹ thương con, vì con giống Ba. (3) Cả nhà ta đều thương yêu nhau. (4) Xa là nhớ, gặp nhau là cười.
2-Cử điệu: Tập họp vòng tròn
(1): Chữ "Ba": đưa 2 tay về phía trước, lòng bàn tay ngửa, tới chữ "con" thì vỗ hai tay vào ngực mình, tới chữ "vì" thì chỉ sang người bên phải.
(2): Như (1), nhưng tới chữ "vì" thì chỉ người bên trái.
(3): Nắm tay nhau, chân nhảy theo nhịp và bước theo chiều kim đồng hồ.
(4): Đưa tay phải gác lên trán, rồi đưa qua đưa lại tỏ nỗi nhớ, tới chữ "gặp nhau" thì quay sang ôm vai người bên phải, rồi toét miệng cười thật tươi.
IV/-Băng reo: Tập họp vòng tròn
QT: Ba,
TC: Thương con! (quay sang 2 tay xoa đầu người bên phải).
QT: Vì con,
TC: Giống mẹ! (quay sang chỉ tay vào người bên trái).
QT: Mẹ,
TC: Thương con! (quay sang 2 tay xoa đầu người bên trái).
QT: Vì con,
TC: Giống Ba! (quay sang chỉ tay vào người bên phải).
QT: Cả nhà ta,
TC: Đều thương yêu nhau!(khoác vai 2 người bên cạnh, chân bước vào trong 3 bước).
QT: Để noi theo,
TC: Tình yêu của Chúa! Ahh!! (Vẫn khoác vai nhau, chân bước giật lui trở ra 3 bước, rồi nhảy lên, tay vung cao, miệng hô to một tiếng "Ahh!".
* Sau đó, hát và ra cử điệu bài "Cả nhà thương Nhau"
V/-Thực hành:
-Em tập sống theo phương châm: "Con cái là nguồn vui và là niềm hy vọng của cha mẹ".
-Em sống yêu thương và hòa thuận với anh chị em, để luôn tạo được bầu khí vui tươi và bình an trong gia đình.
-Là thiếu nhi Công giáo, em dùng đời sống Cầu nguyện và Hy sinh, để góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc và vững bền.

IX. TẢN MẠN

TUỔI GIÀ

Trong hành trình cuộc đời, đến một giai đoạn mà ai cũng sợ: tuổi già. Người già cảm thấy mất mát nhiều thứ: sức khỏe suy yếu, nghỉ việc, mất ảnh hưởng … Nói tóm lại là mất chỗ đứng trong xã hội. Bị bỏ rơi quên lãng !

Sự kiện sau đây làm cho người già vốn đã sợ, thêm sợ hơn. Đợt nắng nóng vừa qua chưa từng có ở Châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, đã làm chết ước tính trên dưới 10.000 người, đại đa số là người già. Có nhiều người già đã chết, nhiều ngày sau mới được phát hiện, vì họ sống neo đơn. Ở Paris và vùng phụ cận, có khoảng 500 tử thi các cụ già, chưa có ai nhận về để chôn cất. Không ít người cao tuổi bị bỏ lại ở nhà trong khi gia đình đi nghỉ hè. Người ta cũng kể lại trường hợp một gia đìng đi nghỉ hè được tin thân nhân chết, đã yêu cầu đợi cho họ kết thúc kỳ nghỉ hè như đã định rồi mới về !

Người ta rất tự hào là nhờ khoa học kỷ thuật, tuổi thọ con người đã được nâng cao. Đúng, nhưng sống lâu để mà làm gì khi người già bị coi như một gánh nặng, phải sống cô đơn thừa thải. Tại các nước công nghiệp phát triển, người ta chu cấp khá đầy đủ cho người cao tuổi về vật chất, nhưng bên cạnh đó, những nhu cầu khác như được quan tâm, được yêu mến và kính trọng thì không vật chất nào đáp ứng nổi.

Nhiều dư luận báo chí ví von về thảm cảnh trên : "Nhờ nắng nóng, nước Pháp mới nhớ đến người già". Còn báo Tuổi Trẻ ra ngày 27.8 có bài mang đầu đề "Xã hội thờ ơ". Riêng cha Nguyễn hồng Giáo (ofm) có một cách gọi chính xác hơn: "Một xã hội vô tâm".

Ở Việt nam ta, đạo hiếu luôn được đề cao, người cao tuổi luôn được tông trọng, "kính lão đắc thọ". Tuy nhiên do hoàn cảnh xã hội hiện nay, bắt đầu có những chuyển biến bất lợi cho người già. Nơi thị thành, vợ chồng trẻ và con cái từ sáng sớm lo đi làm và đi học, đóng cửa bỏ người già lủi thủi hiu quạnh trong ngôi nhà trống vắng lạnh lẻo. Còn ở miền thôn quê, người già lại thiếu thốn nhiều thứ khác: thức ăn dinh dưởng, thuốc men, chăm sóc y tế, quần áo không đủ ấm, giường ngủ không đủ vệ sinh ….

Nói đến người già, chúng ta không thể không nhắc đến các cha hưu dưỡng. Sự quan tâm chăm sóc dàng cho các ngài thật chu đáo, xứng đáng với những năm tháng dài lâu đã phục vụ trong giáo phận. Từ nơi ở khang trang tiện nghi thoáng mát đến bầu khí yên tỉnh, đầm ấm. Các dì được chọn để làm bổn phận phục vụ này cũng biểu lộ sự kính trọng, tính kiên nhẩn, nét vui tươi hiền thục. Những yếu tố khách quan đó kể là đạt yêu cầu, nhưng về phía các cha hưu dưỡng thì sao? Hoàn toàn tùy thuộc vào nhân tố chủ quan của mỗi cha.

Thật không dễ gì chấp nhận tuổi già thân tàn sức yếu của mình, như có cha già đã nói: "Tôi bây giờ giống như con cua sứt ngoe gãy càng rồi! Thời oanh oanh liệt liệt đâu còn nữa" . Muốn làm gì như thời sung sức cũng không thể được, "lực bất tòng tâm". Người ta nói người già lão hay nhắc lại chuyện quá khứ. Đúng thôi, thời vàng son ấy mà. Chuyện bây giờ có gì để nói. Cứ nằm đó mà mĩm cười với thời dĩ vãng, chép miệng chua chát cho tuổi già bất đắc dĩ và suy niệm Thánh vịnh 70 :

Xin đừng sa thải con lúc tuổi đã xế bóng,
Chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn.
Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc,
Lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con.

X. NGHỆ THUẬT SỐNG

NHÌN LẠI CUỘC ĐỜI

* Để nhớ các cha hưu dưỡng *
Lẽ ra tôi rất giàu nếu tôi chỉ lo kiếm tiền thay vì giữ mối quan hệ bạn bè.
Lẽ ra tôi rất nổi tiếng nếu tôi chỉ lo đeo đuổi danh vọng. Giờ tôi ở cái tuổi xế chiều và tôi luôn nhìn lại ngày xưa.
Tôi nhớ lại những ngày tháng đã qua, những gì đã xảy ra.
Tôi chẳng làm ra nhiều tiền cho con cháu hưởng.
Và tôi cũng chẳng làm gì ra hồn để mọi người nhớ đến tôi.
Nhưng tôi vẫn yêu tha thiết bầu trời xanh bao la.
Tôi đã sống cùng hoa cỏ, chim muông.
Tôi đã sẳn sàng đánh đổi hào quang của sự giàu có để được đắm chìm trong khung cảnh sống thiên nhiên này.
Tôi đã dành thời gian chơi đùa với các con. Cha con chúng tôi đã cùng nhau nô đùa.
Tôi sẳn sàng đánh đổi thời gian dành kiếm tiền để vui đùa với các con. Tôi mong được một vài người biết và yêu thương tôi và tôi bỏ ngoài tai những lời tung hô của bạn bè.
Và nếu được hồi sinh một lần nữa, tôi cũng chọn đúng cách sống này.
Tôi đã sống chan hòa hết mình với bạn bè và tôi đã vui cùng niềm vui của họ, đau cùng nổi đau của họ.
Tôi đã nhận được rất nhiều từ cuộc đời nhưng nhiều người vẫn bảo là tôi đã phí phạm rất nhiều thời gian.
Tôi tận hưởng mọi niềm vui và tôi nghỉ tôi đã sống rất tích cực.
Ở cái tuổi gần đất xa trời này, tôi dám khẳng định rằng tôi chẳng hề nuối tiếc về số của cải mà lẽ ra đã nằm trong tay mình. (dịch từ internet)

” Khi nhìn lại quá khứ, ta thường phát hiện ra rằng chính những điều đơn giản nhất, chỉ đơn giản nhất, nhưng đã mang đến cho ta niềm hạnh phúc lớn lao nhất” ( Bob Hope)

SỐNH NĂM THÁNH
(03.07.03-03.07.04)

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO ĐỨC
THEO GƯƠNG HAI THÁNH TỬ ĐẠO
PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH & GIUSE NGUYỄN VĂN LỰU

I. ĐỌC LỜI CHÚA: Mt 2, 13-22

Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!" Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia : "Ở Rama vẳng nghe tiếng khóc than rên rĩ; tiéng bà Rakhen khóc than con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa."

Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai cập, báo mộng cho ông rằng : "Nầy ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người về đất Israel . Nhưng vì nghe biết Arkhêlaô đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđêa, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nazarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng : Người sẽ được gọi là người Nazarét".

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Đây là hai lần Thiên Chúa báo mộng cho thánh Giuse thực hiện chương trình của Người nhằm bảo vệ Hài Nhi Giêsu và thánh Giuse đã đón nhận và thi hành thánh Thiên Chúa một cách xuất sắc với tất cả sự mau mắn và đầy trách nhiệm.

III. CHUYỆN MINH HỌA

PHỤC VỤ

Có hai ông bà nhà nông, sau nhiều năm son sẻ, cuối cùng được Chúa thương ban cho một người con duy nhất, là tất cả niềm vui sướng và an ủi của ông bà trong lúc tuổi già. Tuy Nghèo khó, nhưng hai ông bà không quản ngại bất cứ hy sinh nào, miễn sao cho cậu con có đủ cơm ăn, áo mặc và được đến trường dưới sự dẫn dắt của thầy dạy khôn ngoan, để trở nên người tốt.

Hiểu biết công ơn sinh thành của cha mẹ, lớn lên người con ấy chỉ có một ước vọng duy nhất là làm sao để đền đáp công ơn của cha mẹ cho xứng đáng.
Một hôm, người con ấy hỏi cha mẹ:
- Con có thể làm gì để cha mẹ vui lòng hơn không?
Ông bà âu yếm trả lời:
- Cha mẹ suốt đời sống khó nghèo và chỉ có một kho tàng quí nhất là chính con thôi. Cha mẹ không ao ước gì hơn là thấy con khiêm tốn nên người có đức hạnh. Tuy nhiên, nếu con có thể làm được, thì cha mẹ chỉ ước ao có được một chút rượu để sưởi ấm trong những ngày giá lạnh. Đã từ lâu rồi, cha mẹ không còn được uống một giọt rượu nào nữa.

Nghe cha mẹ nói, người con phân vân không biết phải làm gì, vì cậu không có một xu dính túi. Cậu tự nhủ : "phải làm gì để thỏa mãn lòng mong ước của cha mẹ được ?".

Thế rồi một hôm, cậu vào rừng kiếm củi. Trưa nắng, cậu dừng chân bên một thác nước, cậu chụm hai bàn tay múc lấy nước chảy từ trên xuống, uống cho đỡ khát. Vừa uống nước cậu vừa có cảm giác như đang thưởng thức một thứ rượu ngon có vị chan chát. Múc đầy bình nước, cậu vội vã đem về cho cha mẹ . Về tới nhà, cậu vui mừng đưa cho cha mẹ và nói :

- Thưa cha mẹ, đây là món quà con xin dâng tặng cha mẹ, một bình rượu để sưởi ấm cha mẹ khi trời giá lạnh.

Hai ông bà nếm thử bình rượu, chẳng có gì khác hơn là hương vị của nước suối mà thôi. Tuy nhiên hai ông bà cũng mỉm cười vui mừng vì tấm lòng hiếu thảo của con. Thấy cha mẹ hài lòng, cậu con hứa mỗi lần vào rừng kiếm củi, sẽ đem về cho cha mẹ một bình rượu nữa.

Ngày tháng trôi qua, hai ông bà luôn tỏ ra vui mừng như thực sự được uống rượu ngon vậy. Họ uống rượu nước và vui mừng vì thấy con cũng được vui sướng và quả thật hai ông bà càng ngày thêm khỏe mạnh, các chứng bệnh và những mệt mỏi của tuổi già dần dần biến tan, xem như thứ rượu nước của con có hiệu lực chữa bệnh kỳ lạ vậy.

Phục vụ gia đình cách này hay cách khác, là qui tắc biết sống xứng với phẩm giá con người. Không ai chối cãi được rằng , gia đình không có tình yêu và phục vụ cho nhau sẽ đi đến sụp đổ, là giềng mối của biết bao tệ nạn xã hội.

Một gia đình lành mạnh là được xây dựng trên nền tảng đạo đức vững chắc. Có tất cả mà không có nền tảng ấy, thì gia đình chỉ là một ngôi nhà xây trên cát. Trái lại, dù có vất vả và nghèo nàn, nhưng được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, gia đình sẽ không hề lung lay.

IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

1. Phục vụ gia đình
a. Thánh Philipphê Phan văn Minh
- Luôn vâng phục và làm theo ý bề trên, dù đi học, sang Ấn độ giúp soạn tự điển hay khi làm linh mục đi nhận Họ, bất cứ nơi đâu bề trên muốn là Cha Minh luôn sẵn sàng đáp ứng.
- Philipphê Minh mồ côi cha mẹ, nhờ người chị nuôi nấng dạy dỗ, cho đi học và ngài đã không phụ lòng yêu thương của chị mình mình khi cố gắng học hành xuất sắc và nên linh mục thánh thiện.
b. Thánh Giuse nguyễn văn Lựu
- Nối nghiệp cha, Giuse Lựu một đàng chí thú làm ăn, phát triển gia đình; đàng khác làm gương cho gia đình biết đặt việc thờ phượng Chúa lên hàng đầu.
- Sống đầy trách nhiệm với gia đình, chí thú làm ăn, nhiệt thành giữa đạo, nên người cha gương mẫu cho gia đình noi theo.
2. Thánh Giuse và Mẹ Maria đã phục vụ Chúa thế nào?
- Thánh Giuse luôn vâng theo thánh ý Chúa trong mọi việc. Ngài đón nhận sự an bài của Thiên Chúa với niềm tín thác : đón nhận Mẹ Maria về nhà mình, đưa Hài Nhi và Mẹ Người lánh nạn sang Ai Cập, đem Chúa Giêsu về Nazarét.
- Thánh Giuse và chắc chắn với sự động viên của Mẹ Maria luôn quan tâm lo lắng cho gia đình, nhất là cho sự an nguy của Chúa Giêsu. Hai ông bà không quản ngại khó khăn đem Con đi lánh nạn nơi đất khách quê người...lo chổ ăn chổ ở và cũng nhọc nhằn không kém khi đưa cả gia đình về lại quê hương
- Chấp nhận những vất vã, những nhọc nhằn, những điều trái ý xét theo cái nhìn con người, thánh Giuse lòng ngay dạ thẳng luôn đi theo chương trình Thiên Chúa hoạch định.
3. Các Thánh Tử đạo đã phục vụ Chúa như thánh Giuse và Mẹ Maria.
- Thánh Giuse và Mẹ Maria đều toàn tâm toàn ý lo cho gia đình mình, cho sự sống còn của gia đình, cho sự đoàn kết và sự tiến triển của gia đình. Nổi bật nhất vai trò gia trưởng của thánh Giuse: gặp cảnh gian truân, túng cùng, những hiểm nguy…, Ngài đã tận tình bảo quản gia đình. Nhờ lòng tín thác nơi Thiên Chúa, Ngài vâng theo mệnh lệnh Chúa truyền, dù biết bao vất vả, khó nhọc. Thánh Gia Thất vượt qua sóng gió gầy dựng một gia đình yêu thương và hạnh phúc.
- Thánh Philipphê Minh trong nhiệm vụ linh mục, là cha sở, như một gia trưởng của họ đạo, ngài tận tâm chăm sóc đàn chiên được giao phó: dạy giáo lý, ban các Bí tích để bảo vệ và nuôi dưỡng họ đạo, ngay trong thời gian tù tội vẫn tìm cách lo cho đàn chiên được lãnh các Bi tích và những lời khuyển bảo.
- Với lòng ngay chính và tâm hồn của một người cha, để bảo vệ gia đình ông Trùm Giuse Lựu khỏi sự bách hại của quan quân, cha Philipphê Minh đã tự nộp mình để tìm cách cứu gia đình ông Trùm Lựu, dù không được.
- Thánh Giuse Trùm Lựu chẳng những tần tảo lo cho gia đình một cuộc sống kinh tế ổn định nhưng lại còn quan tâm gầy dựng một nề nếp đạo đức, một bầu khí đầm ấm-yêu thương, thấm nhuần tinh thần đạo hạnh Kitô giáo trong chính gia đình mình.
- Trong nhiệm vụ Trùm Họ Mặc Bắc, ngài tạo điều kiện cho các cha đi thăm viếng và ban Bí Tích cho giáo dân, giúp dạy giáo lý, an ủi bệnh nhân.
- Như Thánh Giuse và Mẹ Maria, cả hai vị thánh đều sống có trách nhiệm với gia đình mình : không phụ lòng mong đợi của gia đình; hơn nữa, Thánh Philipphê Minh đã chu toàn nhiệm vụ đối với gia đình lớn là Giáo Phận và Ông Trùm Lựu với gia đình riêng của mình, nhưng không quên chức việc tại Họ Đạo.
- Cả hai đều tận tụy lo cho gia đình mà mình có trách nhiệm với lòng yêu thương mãnh liệt.
- Theo Gương các ngài, chúng ta, mỗi thành phần trong gia đình có những bổn phận khác nhau, phải lo chu toàn. Chu toàn bổn phận của mình, còn có nghĩa là phải giúp nhau chu toàn bổn phận của riêng mỗi người: Chồng giúp vợ chu toàn bổn phận làm vợ và làm mẹ; vợ cũng phải giúp chồng làm tròn bổn phận làm chồng và làm cha. Con cái giúp cha mẹ và cha mẹ giúp con cái. Điều đó có nghĩa là chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong bậc sống của mình.
Xin hai thánh giúp chúng con biết yêu thương gia đình chúng con, dùng hết khả năng Chúa ban để giúp gia đình chúng con phát triển về mọi mặt, nhất là trong việc trung thành thờ phượng Chúa, bất chấp mọi hoàn cảnh cuộc đời. Amen

V. HỌC LỜI CHÚA : Mt 2, 14

"Giu-se liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập."

VI. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa, đã sống trong gia đình, đã chu toàn bổn phận mình và giúp cho Đức Mẹ và thánh Giuse cũng chu toàn bổn phận. Cha Minh và Trùm Lựu đã tận tình phục vụ các gia đình, đã nên gương cho chúng ta. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người:

1. Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập. Chúng ta cầu nguyện cho các bậc làm gia trưởng được nhiều sức khỏe tinh thần và thể xác, để phục vụ sự sống và tình yêu, và để xây dựng một gia đình hạnh phúc.

2. Thánh Philipphê Minh đã dâng nhiều hy sinh để phục vụ các gia đình Kitô-hữu đạt tới sự sống thánh thiện. Chúng ta cầu nguyện các vị mục tử trong Hội Thánh cũng biết tận tình chăm sóc phần rỗi cho các gia đình trong phạm vi của mình.

3. Thánh Giuse Trùm Lựu đã gầy dựng một nề nếp đạo đức trong gia đình mình. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần trong gia đình, cùng chia sẻ cho nhau lòng đạo đức, tinh thần trách nhiệm và niềm vui của ơn Cứu Độ.

4. Mẹ Maria hằng ghi nhớ và suy niệm trong lòng những kỷ niệm “sống với Chúa Giêsu”

trong gia đình. Chúng ta cầu nguyện cho những Hiền mẫu trong họ đạo chúng ta, qui tụ được nhiều người lần chuỗi Môi Khôi chung trong gia đình.

Kết thúc: Lạy Chúa, Con Chúa đã làm cho Thánh Gia Thất nên gương mẫu cho tất cả chúng con sống đời phục vụ gia đình. Xin nhờ lời chuyển cầu của Cha thánh Philipphê Minh và Giuse Trùm Lựu, cho chúng con biết thờ Chúa ngay trong gia đình mình, cùng vâng theo thánh ý Chúa trên hết mọi sự. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

BIẾT ĐOÁN TRƯỚC

Ernest Hello một hôm đã nói rằng:"Vinh quang của Bác Ái là biết đoán trước". Đoán được một nỗi thống khổ không thốt được ra lời, một tiếng kêu thầm lặng, một nhu cầu không diễn tả được, là một trong những hình thức cao nhất của sự tế nhị và bác ái.

Ở tiệc cưới Cana , bàn tiệc còn lâu mới tàn, mà lượng rượu dự trữ đã gần cạn. Đức Mẹ đã nhận ra sự bối rối của người giúp việc; Mẹ cảm thấy sự lúng túng của gia đình này, và lập tức lời thỉnh cầu của Mẹ đã đi trước thời gian, người ta có thể nhận ra tình trạng thiếu hụt. Mẹ quay lại nhìn Chúa và chỉ nói mấy lời đơn giản này:"Họ hết rượu rồi" (Ga 2, 3).

Mẹ đã đoán ra và đã hành động. Phép lạ đã theo sau.

Đặc tính của những bà mẹ là biết đoán ra một sự nài van tha thiết, thầm lặng qua ánh mắt của đứa con, biết đoán ra điều mà những người khác có thể bỏ qua. Một Kitô hữu, cũng giống như một bà mẹ phải luôn chú ý, và biết sử dụng trí tưởng tượng của mình. Vì cần phải có óc tưởng tượng để tự đặt mình vào địa vị người khác, và nhìn mọi vật dưới góc độ nhìn xa của nó (viễn giác). Có những người sống tự quay mình trong bốn bức tường; họ chỉ còn biết cảm xúc về những chuyện riêng tư của mình, họ bị khép kín trong tâm lý của họ; như trong một tòa lâu đài kiên cố không lối thoát.

Có biết bao gia đình sống buồn rầu và tuyệt vọng; chỉ vì người vợ sống khép kín trong một thế giới riêng, chỉ bận tâm đến việc nội trợ bếp núc, và người chồng thì sống trong một thế giới bưng kín, chỉ lo về những bận bịu nghề nghiệp của mình. Hai cuộc sống bên cạnh nhau, nhưng không hòa lẫn, không một cái nhìn âu yếm cảm thông cho nhau, không chú ý đến người khác để có thể tạo niềm vui. Đó chỉ là hai con tàu lăn trên hai tuyến đường khác biệt. Chúng có vẻ như hướng về một mục đích, nhưng thực ra chúng chỉ đi song song và không bao giờ gặp nhau được.

Mỗi người đều có thể làm cho những người sống quanh mình được sung sướng: muốn như thế chỉ cần một chút óc sáng tạo; chỉ cần đổi chỗ, và tuy vẫn nhìn lên sân khấu ấy, nhưng trong vai trò của người khác, chứ không phải trong vai trò của mình nữa. Nếu chúng ta giàu có, thì chúng ta phải biết đoán ra được điều gì đang diễn ra trong tâm hồn người nghèo. Muốn đoán biết trước tâm lý người khốn cùng, tâm lý của người không có gì, thì ta phải quên đi nếp sống tiện nghi của mình, phải cố tìm hiểu cho biết thế nào là đói khát, thế nào là chắt bóp từng đồng xu, thế nào là khéo léo che đậy những chỗ rách nơi quần áo, và cũng phải biết từ chối những cuộc mời mọc khiến phải tốn kém quá nhiều.

Chúng ta là những người tin, chúng ta phải biết đoán được ra ý người không tin. Hãy nhớ kỷ điều này là họ không trách chúng ta là Kitô hữu, nhưng có thể họ sẽ trách chúng ta chưa sống đúng với danh hiệu là người Kitô hữu.

Cũng không hiếm dịp ta nghe nói: "Các bạn hạnh phúc vì đã tin, tôi rất thèm địa vị các bạn". Và ta phải biết đoán ra qua những lời đó tiếng mời gọi ta phải là những chứng nhân trung thành, tiếng gọi phải làm cho chứng tá của ta trở nên rõ rệt trước mắt người đồng loại.

Trong một vỡ kịch của Claudel, một em bé mù lòa kêu lên:"Các ngài là những người được trông thấy, vậy các ngài đã dùng ánh sáng để làm gì ?". Lời kêu gọi xé lòng đến với mỗi người chúng ta, là những kẻ được thừa hưởng ánh sáng đức tin cách nhưng không, và không có công nghiệp gì.

Ở đây chúng ta cũng còn phải biết đoán ra và trả lời . . . Cầu mong cho mỗi người chúng ta hãy nhìn vào thế giới quanh mình với những cặp mắt mới mẻ : Một thế giới phải được khám phá đang mở rộng trước mắt chúng ta. (Hồng Y SUENENS)

1527    19-04-2012 08:55:46