Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Gia Đình Công Giáo Sống Đức Tin - Tháng 07 năm 2002

Chủ đề: GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO SỐNG ĐỨC TIN

 

I . LỜI CHÚA :Mt 16, 13-20

Khi Đức Giêsu đến cùng kế tận thành Cêsarê Philipphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai ?”.các ông thưa:”Kẻ thì nói Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêremia hay một trong các vị ngôn sứ”.Ông Simon Phêrô thưa:” Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Đức Giêsu nói với ông: Này Simon con ông Giôna, con thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho con điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy , Thầy bảo cho con biết : Con là Phêrô nghĩa là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời: Dưới đất con cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy ;dưới đất con tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. Rồi Người cấm ngặt các môn đệ nói cho ai biết Người là Đấng Kitô”.

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Xuất phát từ sách đệ nhị luật 18,18 nói rằng Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một vị ngôn sứ ở giữa dân Người, nên ý kiến chung của người Do Thái thời Chúa Giêsu cho rằng Ngài là một Đại ngôn sứ. Chỉ có Phêrô tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Messia mà toàn dân mong đợi. Nếu hôm nay Đức Giêsu cũng hỏi chúng ta: Ngài là ai ? chúng ta trả lời Ngài thế nào ?. Phêrô được Chúa soi sáng để nói cho chúng ta biết Ngài là ai và Đức Giêsu cũng nói cho Phêrô biết sứ mạng của ông trong chương trình của Thiên Chúa .

III CHUYỆN MINH HOẠ

ĐỨC TIN CỦA MỘT EM BÉ

Một người Công Giáo Cam Bốt đã kể lại với chúng tôi là nhờ lòng can đảm của một em bé đã làm sống lại đức tin của ông mà có lẻ là của cả giáo Hội Cam Bốt nữa.

Vào năm 1975 khi Khơme đỏ cai trị xứ Cam Bốt thì họ ra lệnh cấm tất cả mọi tôn giáo thi hành phụng tự . Khoảng 15 năm sau, vào năm 1990, nhà nước mới cho phép mở lại cửa nhà thờ, nhưng không còn một Linh Mục nào sống sót sau cơn bách hại, trái lại đức tin người Cam Bốt vẫn tồn tại .

Ông ấy kể lại khi bị giam trong trại tập trung, mặc dầu là người Công Giáo vì lâu ngày không có thói quen đọc kinh , nên sau ngày làm lụng cực nhọc tối đến là đi ngủ ngay. Nhưng một hôm ông thấy một em bé 10 tuổi cùng trại, đêm nào trước khi đi ngủ cũng đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Kính Mừng dù lệnh phạt rất nặng của ban quản trại .

Gương của em bé làm cho tôi hổ thẹn và tôi cũng tự bảo phải đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng trước khi đi ngủ như em bé Vythy Mimettô. Nhưng tôi chỉ thì thầm đọc và lấy tay che miệng kẻo sợ người khác trông thấy. Tôi tự nhủ nếu bây giờ tôi không cố gắng đọc thuộc hai kinh đó thì sau này chẳng còn có ai dạy cho tôi đọc nữa.

Lời cầu nguyện và gương can đảm của em bé đã giúp cho Đức Tin của tôi sống lại và có thể cho cả Giáo Hội Cam Bốt nữa (Vietcatholic News 03/07/2002 ).

IV. DIỄN NGHĨA.

Đức tin của một em bé trên đây đã làm sống lại đức tin của một người khác, giúp ông ta thêm can đảm cậy dựa vào Chúa trong cơn thử thách chết người. Chắc hẳn không phải bỗng nhiên mà em bé này biết bày tỏ niềm tin của mình vào Thiên Chúa qua việc đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng trước khi đi ngủ. Cha mẹ em hay một ai đó đã hướng dẫn,chia sẻ, trao ban niềm tin ấy cho em và hôm nay một mình giữa cơn hoạn nạn em đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin của mình. Có thể em chưa ý thức lắm nguy cơ mất mạng qua việc đọc kinh, nhưng em chắc chắn đã được dạy cho biết cậy dựa vào Chúa bằng những lời kinh này và dĩ nhiên cũng là do ơn thúc đẫy nâng đỡ.

Gia đình là “Giáo Hội thu nhỏ “, là “Giáo Hội tại gia” theo cách nói của Giáo Hội. Chính gia đình là trường dạy đức tin đầu tiên cho con cái. Cũng như đức tin mà chúng ta có được là nhờ Giáo Hội trao ban và cùng với Giáo Hội chúng ta tin, thì gia đình và sự chỉ bảo và gương tốt của cha mẹ góp phần hun đúc đức tin cho con cái . Thượng Hội Đồng Giám Mục 1980 dạy :”Chính gia đình là cộng đoàn trước tiên được mời gọi loan báo Tin Mừng cho con cái đang trong giai đoạn và qua giáo dục cũng như việc dạy giáo lý dần dần, giúp chúng trưởng thành về mặt nhân bản và đức tin Công Giáo”.

Đức tin là lời mời gọi đáp trả với hết cả con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Nhưng làm sao biết được ý Chúa mà thưa vâng ? Chính gia đình “Giáo Hội tại gia” sẽ có trách nhiệm và quyền lợi trước tiên trong việc giáo dục và gầy dựng đức tin cho con cái mình. Phêrô được Đức Giêsu chúc phúc vì được Thiên Chúa mạc khải để nhận ra Ngài là Đấng Thiên Sai,Con Thiên Chúa; tuy nhiên chính bản thân ông chắc hẳn cũng được sống trong bầu khí đạo đức và thắm nhuần về đạo đức. Một tâm hồn đã được chuẩn bị sẳn để đón nhận ơn Chúa mạc khải.

Tông Huấn CONSORTIO FAMILIARIS

Chúng ta thử tìm hiểu một vài nét về ý nghĩa và vai trò của gia đình công giáo trong thế giới hôm nay của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 22/11/1981 .

VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI CỦA GIA ĐÌNH.

Bổn phận giáo dục con cái bắt nguồn từ ơn gọi đầu tiên của cha mẹ là thông dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa: Sinh ra một con người mới có khả năng lớn lên và phát triển. Do đó, cha mẹ có bổn phận giúp đỡ con cái một cách hữu hiệu để chúng sống cuộc sống con người một cách toàn diện. Gia đình là mái trường đầu tiên dạy dỗ các đức tính xã hội .”Do đó, cha mẹ cần tạo một bầu khí gia đình đầy tình yêu thương và lòng kính sợ chúa và tôn trọng người khác, sao cho con cái có được một nền giáo dục toàn diện cá nhân và xã hội “(Tuyên ngôn về giáo dục).

Quyền lợi và bổn phận giáo dục con cái gắn bó mật thiết không thể tách rời với việc sinh con. Cha mẹ không thể thoái thác trách nhiệm này cho một ai khác.

Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái giúp chúng hiểu được thế nào là sự dịu dàng, kiên trì, lòng tốt, phục vụ, quên mình và tinh thần hy sinh .

Dù khó khăn, cha mẹ cần cố gắng đào tạo con em mình những đức tính căn bản của cuộc sống làm người như: Biết sống tự do, không nô lệ của cải vật chất, bằng một đời sống đơn sơ và khổ hạnh với niềm xác tín: “Giá trị của con người là ở chổ họ là ai hơn là họ có gì “ (GH 35); biết tôn trọng công lý, giúp tôn trọng phẩm giá người khác; biết yêu thương chân thật, để quan tâm chân thành và phục vụ vô vị lợi, nhất là đối với người nghèo, người bất hạnh ; biết hiến thân cho người khác, theo gương cha mẹ, trong mối tương quan với anh chị em trong gia đình, với bà con dòng họ, khi hoan hỷ cũng như lúc gặp khó khăn.

Việc giáo dục con cái biết thể hiện tình yêu thương như là việc hiến thân cho người khác là tiên đề dẫn đưa chúng đến việc hiểu biết về tính dục một cách rỏ ràng và tế nhị, đặt nền tảng trên giá trị con người: Hành vvi tính dục diễn đạt sự phong phú của con người bao gồm thân xác và tình cảm, tâm hồn và ý nghĩa thâm sâu của nó là thái độ tự hiến thân cho người khác trong tình yêu.

Đồng thời, cha mẹ cần dạy dỗ cho con cái về đức trong sạch, nhân đức giúp con người trưởng thành một cách đúng đắn. Nhân đức này giúp con người biết quý trọng thân xác mình và trân trọng giá trị hôn nhân. Cha mẹ công giáo cũng cần quan tâm đến việc giáo dục về đức trinh khiết như là sự hiến thân tuyệt hảo cho lời mời gọi của Thên Chúa. Liên quan đến vấn đề tính dục và đạo đức, cha mẹ cần hướng dẫn cho con cái hiểu biết và tôn trọng những tiêu chuẩn luân lý như là đảm bảo cần thiết và quý giá cho việc phát triển con người có trách nhiệm trong đời sống tính dục.

Sứ mạng giáo dục của các cha mẹ công giáo cần bắt nguồn từ bí tích hôn phối nhằm xây dựng thân mình giáo Hội, qua con cái họ . Gia đình tín hữu, xét như là giáo hội tại gia, được qui tụ bằng Lời Chúa và Bí tích Hôn Phối, cũng mang những đặc tính như Giáo Hội toàn cầu: Làm mẹ và là nhà giáo dục.

GIA ĐÌNH THÔNG DỰ VÀO ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI.

Gia đình, xét như là “Giáo hội tại gia” được mời gợi dự phần một cách tích cực và đầy trách nhiệm vào sứ mạng của Giáo Hội, theo cách thế riêng của mình. Gia đình công giáo mang ba chiều kích của Chúa kitô là :Tiên tri, Tư tế và Vương đế.

TIÊN TRI : GIA ĐÌNH LÀ CỘNG ĐOÀN TIN VÀ RAO GIẢNG TIN MỪNG.

Gia đình công giáo tham dự vào đời sống của Giáo Hội bằng cách lắng nghe Lời Chúa và loan báo Lời Chúa một cách chắc chắn. Như vậy gia đình mỗi ngày một trở nên cộng đoàn tin và rao giảng Tin Mừng.

Chính trong đức tin mà các đôi vợ chồng và cũng là cha mẹ khám phá và chiêm ngưỡng, với lòng biết ơn sâu sắc, phẩm giá mà Chúa muốn nâng bậc sống hôn nhân và gia đình lên thành dấu chỉ và là nơi mà Thiên Chúa thực hiện giao ước tình yêu giữa Thiên chúa và con người, giữa Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh, Hiền Thê của Người.

Giai đoạn tiền hôn nhân là cơ hội để đôi hôn phối tái khám phá và đào sâu đức tin mà họ đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội và được dưỡng nuôi theo nền giáo dục công giáo. Nhờ đó, họ nhận biết và tự do đón nhận sống ơn gọi theo bước Chúa Kitô và phục vụ Nước Trời trong bậc sống hôn nhân của mình.

Khi cử hành Bí Tích Hôn Phối là đôi hôn phối công bố, trong Giáo Hội, Tin Mừng về tình yêu vợ chồng. Tình yêu xuất phát từ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người.

Việc tiên xưng Đức Tin phải được kéo dài suốt cả cuộc đời của đi hôn phối và trong đời sống gia đình. Qua các biến cố vui, buồn trong đời sống gia đình hằng ngày, Thiên Chúa tiếp tục mời gọi họ thể hiện sự cộng tác vào tình yêu mà Chúa Kitô yêu Giáo Hội trong môi trường cụ thể họ đang sống.

Như vậy, cũngnhư Giáo Hội hoàn vũ, Giáo Hội tại gia cần được tiếp tục rao giảng tin mừng nghĩa là được huấn luyện trường kỳ về Đức Tin.

Trong mức độ gia đình công giáo đón nhận Tin Mừng và trưởng thành trong Đức tin, họ trở thành cộng đoàn rao Giảng Tin Mừng: đón nhận đức tin và chia sẽ niềm tin ấy cho người khác. Tương lai của việc rao giảng Tin Mừng phụ thuộc phần lớn vào các gia đình. Sứ mạng này bắt nguồn từ Bí Tích Rửa Tội, cũng như từ nguồn động lực mới là Bí Tích Hôn Phối, để chia sẽ niềm tin, thánh hoá và thay đổi xã hội hiện tại theo chương trình của Thiên Chúa.

Việc dạy giáo lý trong gia đình là nhiệm vụ tối cần thiết, nhất là trong những môi trường khó khăn, khi mà đức tin không được bày tỏ một cách công khai. Chính lúc ấy, gia đình là nơi duy nhất mà trẻ em và thanh thiếu niên có thể đón nhận một nền Giáo lý chân chính.

Sứ mạng rao giảng Tin Mừng của các bậc cha mẹ là một nhiệm vụ độc đáo và không thể thay thế. Gia đình phải có trách nhiệm đào tạo đức tin cho con em mình từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, để các em biết đón nhận thánh ý Thiên Chúa trong từng gia đoạn cuộc đời mình.

Cũng cần lưu ý là việc giáo dục đức tin cho con em của gia đình phải gắn bó mật thiết và hài hoà với cộng đồng giáo hội địa phương như Địa phận hay Họ đạo.

Do ơn gọi của Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Hôn Phối, các gia đình còn có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Việc rao giảng Tin Mừng này được bắt đầu từ trong chính gia đình mình. mỗi thành viên trong gia đình đều có bổn phận thể hiện niềm tin sống động của mình cho các thành viên khác, nhất là những ai có nguy cơ xa lạc hay mất đức tin. Ngoài ra, gia đình còn phải trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô và tình yêu của Ngài cho những người khác, ngoài khuôn khổ gia đình mình.

Giáo Hộị tại gia còn có tránh nhiệm đóng góp vào việc vun trồng ơn gọi nơi chính con cái mình “chuẩn bị cho con cái từ thuở nhỏ biết khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người”

TƯ TẾ: GIA ĐÌNH LÀ CỘNG ĐOÀN ĐỐI THOẠI VỚI THIÊN CHÚA .

Việc rao giãng Tin Mừng và đón nhận đức tin đạt tới đỉnh điểm khi cử hành bí tích. Giáo Hội, như là cộng đoàn tin và rao giảng Tin Mừng, cũng là dân tư tế, nghĩa là mặc lấy phẩm giá Chúa Kitô Linh mục thượng phẩm của giao ước mới, vĩnh cữu và thông dự vào quyền năng của Ngài.

Gia đình công giáo, được tháp nhập vào Giáo Hội, cũng là dân tư tế. Nhờ Bí Tích Hôn Phối và dưới sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, gia đình được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa bằng việc tham dự các bí tích, việc hiến dâng chính mình và bằng lời cầu nguyện .

Qua đời sống vợ chồng và đời sống gia đình, trong sự hiệp thông với Giáo Hội, gia đình được mời gọi thánh hoá chính mình, thánh hoá Giáo Hội và thế giới. Như vậy, gia đình chính là đền thánh tại gia của Giáo Hội.

Bí tích Hôn Phối, cũng như tất cả các Bí Tích khác” nhằm mục đích thánh hoá con người, xây dưng thân thể Chúa Kitô, để tôn thờ Thiên Chúa”. Bí Tích Hôn Phối chính là hành vi phụng vụ tôn vinh Thiên Chúa trong Đức Kitô và trong Giáo Hội. Khi cử hành Bí Tích Hôn Phối, đôi hôn phối tuyên xưng lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, vì hồng ân cao cả mà Thiên Chúa đã ban cho họ được sống chính tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương con người và tình yêu mà Chúa Giêsu đã yêu thương Hội Thánh, Hiền Thê Ngài, qua đời sống vợ chồng và đời sống gia đình của họ.

Bí tích Thánh Thể là cội nguồn của hôn nhân Kitô Giáo, là hy lễ diễn tả giao ước tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, được đóng ấn bằng Máu Chúa Kitô đổ ra trên Thập Giá. Do đó, bí tích Thánh Thể là cội nguồn của đức ái. Nơi bí tích này, Gia đình Công Giáo gặp được nền tảng và ý nghĩa cho sự” hiệp thông” và” sứ mạng” của mình: Một đàng, bánh Thánh Thể làm cho các thành viên khác nhau trong gia đình thành một thân thể duy nhất hướng đến sự hiệp nhất rộng lớn của Giáo Hội; đàng khác, việc thông dự vào việc rước Mình và Máu Chúa Kitô tạo nên năng lực không hề vơi đối với gia đình Công Giáo, cho công cuộc truyền Giáo và tông đồ.

Gia đình Công Giáo không phải luôn luôn lúc nào cũng sống gắn bó với luật ân sủng và sự thánh thiện mà Bí Tích Rửa Tội đem lại. Do đó, lòng thống hối và sự tha thứ cho nhau trong đời sống gia đình đưa họ đến Bí Tích Giải Tội, để gặp gỡ Thiên Chúa” đầy lòng thương xót”

Bằng đới sống cầu nguyện gia đình Công Giáo bước vào sự hiệp thông với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Việc cầu nguyện trong gia đình được thực hiện chung với nhau: Chồng vợ, cha mẹ và con cái. Việc cầu nguyện chung trong gia đình vừa là hiệu quả, vừa là đòi hỏi của Bí Tích Rửa Tội và Hôn Phối:” Thầy còn bảo thật các con, nếu ở dưới đất, hai người trong các con hợp lại cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên Trời sẽ ban cho họ. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ” ( Mt 18,19 – 20).

Cha mẹ có bổn phận giáo dục con cái cầu nguyện. Đời sống cầu nguyện của cha mẹ là bằng chứng sống động ảnh hưởng đến con cái. Khi cùng cầu nguyện với con cái, cha mẹ thực thi chức vụ tư tế vương giả của mình và để lại những dấu ấn không hề phai nhạt trong tâm hồn con cái.

việc cầu nguyện cá nhân có mục đích hướngcon trẻ đến việc cầu nguyện với Giáo Hội qua giờ kinh phụng vụ. Cầu nguyện cá nhân tại gia như là thánh lễ nối dài, với nhiều cách thức khác nhau: kinh tối, kinh sáng, đọc và suy gẫm Lời Chúa, tôn sùng trái tim Chúa Giêsu, Tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, cầu nguyện trước bữa ăn, những việc đạo đức bình dân … nhất là việc lần chuỗi môi khôi mà Giáo Hội đặc biệt quan tâm nhắc nhở. Cầu nguyện là hành động gắn bó mật thiết với đời sống người tín hữu không thể có đời sống đức tin thật sự nếu không cầu nguyện.

VƯƠNG ĐẾ: GIA ĐÌNH LÀ CỘNG ĐOÀN PHỤC VỤ CON NGƯỜI.

Được Thánh Thần hướng dẫn và nâng đỡ, gia đình công giáo sống theo giới luật mới: giới luật yêu thương. Giống như Đức Kitô, quyền vương đế của Ngài là để phục vụ con người, người tín hữu thông dự vào quyền vương đế của Chúa Kitô bằng cách phục vụ Ngôi Lời, vì phục vụ là cai trị. Phục vụ anh em chính là phục vụ Chúa Kitô nơi người khác, đồng thời đưa dẫn những người ấy về với Chúa.

Thực thi giới răn yêu thương, gia đình công giáo đón tiếp, kính trọng và phục vụ tất cả mọi người, vì mọi người anh em đều là hình ảnh của Thiên Chúa, nhất là những người nghèo khó và bất hạnh. “một bổn phận khác của gia đình là đào tạo những con người biết sống yêu thương trong mối tương quan với người khác. Gia đình không sống đóng kín cho chính mình, nhưng mở rộng ra cho cộng đồng, do được thúc đẩy bởi cảm thức về công lý, do mối quan tâm đến người khác và bởi trách nhiệm của mình đối với toàn xã hội”.

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa xin thêm đức tin cho chúng con, để với trách nhiệm làm cha mẹ, chúng con trao ban đức tin ấy cho con cái hầu danh Chúa được cả sáng. Amen.

VI. HỌC HỎI LỜI CHÚA ( Mt 16, 16)

Ông Simong Phêrô thưa: “Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống”.

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

GIA ĐÌNH LÀ TRƯỜNG DẠY SỐNG ĐỨC TIN

Theo ý truyền giáo của tháng 7 năm 2002, Giáo Hội muốn chúng ta cầu nguyện cho các Kitô hữu, được sốt sắng sống đức tin. Sống đức tin là cách thế truyền giáo thiết thực nhất, hữu hiệu nhất mà Giáo Hội đang thúc bách mọi Kitô hữu: “không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: “Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc” ( sứ vụ Đấng Cứu Độ .3). Ý thức được sứ mạng truyền giáo như vậy, sứ điệp kết thúc hội nghị Hồng Y đoàn lần thứ 6, ngày 24 tháng 5 năm 2001, đã nhấn mạnh: “Cần xây dựng một Giáo Hội cầu nguyện nhiều hơn, truyền giáo nhiều hơn, nghèo khó hơn, cách riêng với những người đau khổ túng cực bị loại ra ngoài lề xã hội”.

Để các Kitô hữu sống đức tin sốt sắng cần thiết phải được huấn luyện ngay từ trong gia đình, vì gia đình là trường dạy sống đức tin đầu tiên.

Tin là để đức Kitô hướng dẫn.

Đúng vậy, các biến cố trong đời sống gia đình có thể trở thành dịp để nói về đức tin, để gợi lên tư tưởng tốt và để đem lại một xác tín cho con cái. Thí vụ như một lần kia, một bé gái sau khi dự đám tang của bà ngoại về, đã thốt lên: “mẹ ơi, con sợ chết!”. Sự kiện cái chết và việc tống táng đã trở thành ấn tưởng ghi đậm trong một góc nào đó của tâm hồn em. Tâm hồn em như một mãnh đất đang đợi mùa gieo trồng. Người mẹ sẽ nói gì với em đây? Bà nên nói về cái chết của Đức Giêsu, Đấng đã mở ra một lối đi dẫn vào cuộc sống không bao giờ cùng. Do đó, cái chết là một sự kiện mà người lớn không nên xoá bỏ bằng cách nói quanh quẫn, nhưng hãy trình bày khía cạnh khác của cái chết, tức là cửa ngõ dẫn chúng ta vào cõi sống trườngsinh. Tin tức và những hình ảnh trên truyền hình cũng là những hình ảnh đặt ra trong đầu ốc trẻ thơ biết bao câu hỏi. Trước những câu hỏi ấy, cha mẹ phải trò chuyện với con cái, đưa ra những câu trả lời Tin Mừng và theo tin thần công giáo. Truyền hình cũng có thể gợi lên những hình ảnh cụ thể: một bé trai sau khi xem những cảnh em bé nghèo chết đói, đã đi vào phòng lấy tiền mà em để dành được và trao cho cha mẹ để mua kẹo gởi đến các em bé đang chết đói. Cha mẹ có thể đi từ những hình ảnh ấy để gieo vào vào tâm trí con cái những hạt giống của bác ái và tình liên đới.

Hằng ngày có biết bao hình ảnh tan thương trên các hè phố, trong xóm làng, nơi bến xe, trong các quán ăn, hay ở một góc chợ nào đó, cũng đủ cho cha mẹ gợi lên cho con cái ý thức về lòng thuơng người, tình đồng loại và nghĩa vụ phải giúp đỡ người khác. Bên cạch những giải thích khi có dịp, cha mẹ phải dành nhiều thời giờ để dẫn giải cho con cái về giáo lý qua việc đọc Phúc Âm trong gia đình. Tốt nhất cha mẹ và con cái cùng đọc chung một đoạn Phúc Âm của Chúa nhật kế tiếp và từ đó rút ra bài học giáo lý hợp với lứa tuổi cho con mình. Nhưng quan trọng và chủ yếu vẫn là chổ đứng của Chúa Giêsu trong gia đình.

Chuyện kể về cuộc đời Chúa Giêsu không phải chỉ là bổn phận của ông bà, mà chính là của cha mẹ , nhờ đó con em sẽ thấy được lòng tin của cha mẹ chúng. Đức tin công giáo không chỉ dừng lại ở việc dạy giáo lý, nhưng còn được thể hiện bằng những hành động thể hiện bác ái như bố thí, giúp đỡ những người nghèo khổ, già nua, bệnh tật… như thế càng thêm tuổi, con cái càng thấy rằng những giảng viên giáo lý đầu tiên của chúng chính là cha mẹ, và chính từ lời nói việc làm của cha mẹ, chúng học biết thế nào là sống đức tin, sống như Chúa Giêsu và nói với Chúa Giêsu.

Dĩ nhiên dạy giáo lý là dạy cho con cái về lý thuyết về Thiên Chúa, hoặc đòi hỏi chúng những hành động tôn giáo mà chung không hiểu biết gì. Giáo lý thiết yếu là một cuộc sống mà cha mẹ thông đạt cho con cái. Rồi đến một lúc nào đó, lứa tuổi thanh thiếu nên sẽ bắt đầu gặp khủng hoảng đức tin, khi đó cho dù có muôn gương sáng và xác tín của gia đình mà thôi thì chưa đủ, mà còn cần sự nâng đỡ của cộng đoàn họ đạo. Khi đó con cái sẽ hiểu rằng không phải chỉ có cha mẹ chúng mới là Kitô hữu, mà còn có các người khác nữa, và người ta là Kitô hữu nếu người ta thuộc về Giáo hội. Như thế, cha mẹ và con cái điều khám phá ra rằng họ luôn luôn cần suy tư lại niềm tin của mình khi gặp gỡ các người đồng đạo khác, cũng như với Lời Chúa. Đức tin không có nghĩa là dán lên người nhản hiệu “Kitô” trong những dịp đặc biệt hay những giờ phút khó khăn của cuộc sống. Tin chính là để Đức Kitô hướng dẫn mọi sự trong cuộc sống, trong gia đình cũng như trong xã hội, trong những giờ phút khổ đau cũng như trong những lúc hạnh phúc của cuộc sống.

CHUYỆN MINH HOẠ.


Bà Ching O Yun, người Đài Loan đã thành công trong việc huấn luyện đức tin cho các con của bà dưới ánh sáng Lời Chúa . Bà kể: Tôi là một bà mẹ của năm đứa con, hai đã có gia đình và đứa trai út đang học trung học. Vì các cháu điều đã trưởng thành nên tôi rảnh rang hơn và có thể tìm một công việc làm. Hiện nay tôi đang làm việc cho một trường học.

Bằng kinh nghiệm của mình, tôi thấy rằng hễ mình sống theo Lời Chúa, thì rất nhiều khó khăn có thể chịu đựng được. Chẳng hạn trường hợp liên quan đên việc cưới vợ của con trai tôi. Tôi đã dựa vào Lời Chúa để vượt qua tính ích kỷ của mình và làm sáng tỏ vấn đề.

Lúc con trai tôi sắp sửa kết hôn, tôi hiểu rằng nó sẽ xa gia đình, vì con dâu tôi là một người nhập cư ở Mỹ. Đây đáng phải gọi là một dịp vui mừng, nhưng tôi thì đau khổ dằn vặt quá đỗi vì tôi rất sợ mất con. Tôi biết rằng mình chẳng có lý do gì chính đáng để ngăn cản nó hay yêu cầu nó ở lại . Tâm hồn tôi bấn loạn và quên hẳn cả Lời Chúa. Gia đình không được êm ả. Mọi người đều bảo rằng tôi trái tính. Các đồng nghiệp thì nghĩ chắc rằng tôi bị bệnh gì đây. Tôi đã sống khá lâu trong sự khó chịu này mà không có cách gì để giải quyết. Tuy nhiên tôi đã cầu nguyện và tìm được sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Số là một lần khi tôi dỡ cuốn sách cũ và bắt gặp câu trích dẫn:”Con cái không thuộc về bạn, nhưng là của Chúa”. Tôi nghe lòng nhẹ tênh và đã đọc đi đọc lại lời trích dẫn ấy mấy lần. Một câu kinh thánh khác chợt hiện lên trong óc tôi: “anh phải bỏ cha mẹ và kết hợp với vợ mình” (Ep 5,31). Tôi đã tìm lại được sáng suốt sau khi suy nghi về các thông điệp ấy. tôi hiểu rằng mình chỉ là kẻ thay mặt Chúa trên trời để chăm sóc con cái. Chúng không thuộc về tôi giờ đây chúng đã trưởng thành, chúng cần tự lập.

Khi ngày cưới đến gần tôi đã phụ giúp các việc sửa soạn. Ngoài những quà tặng cho các con tôi còn có một món quà quý giá hơn cho chúng, món quà đã trở thành trọng tâm của cuộc đời tôi: “các con hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn hết sức và yêu thương tha nhân như chính mình”. Khi các con tôi còn nhỏ, tôi đã cố gắng khắc sâu vào lòng chúng ý tưởng lấy Chúa làm trung tâm cuộc sống, và vào những lúc thích hợp tôi đã trao cho chúng những món quà quý giá đó tôi cũng đã chia sẽ với con dâu tương lai rằng hôn nhân không phải là một thảm hoa hồng và có những ràng buộc sẽ trở thành những gay cấn trong tương lai. Tôi đã nuôi năm đứa con lớn thành người và đã đương đầu với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi đã trông cậy vào Thiên Chúa và đã “đứng” được qua bao sóng gió. Cả hai chúng nó đều đồng ý lấy Chúa làm trung tâm cuộc đời.

Mùa đông ngoái, chúng đã làm đám cưới và chúng đã định cư ở Mỹ, ngay sau tuần trăng mật. Các đồng nghiệp của tôi tỏ ra ái ngại cho tôi và xì xào rằng tại sao tôi lại chịu mất con một cách dễ dàng như thế. Nhưng tôi phân giải với họ rằng con trai tôi không phải là tài sản riêng của tôi. Dịp lễ Giáng Sinh, các con tôi đã gởi về cho tôi một số hình ảnh đẹp giới thiệu nhà mới của chúng. Liếc thoáng qua các tấm ảnh tôi không thấy bàn thờ Chúa, không thấy một tranh ảnh thánh nào. Tôi liền viết thư cho chúng và nhắc nhở: “Ngôi nhà của các con sẽ xinh đẹp hơn biết mấy, nếu có Chúa hiện diện. Được thế, ngôi nhà sẽ không còn thiếu gì”. Chúng hiểu đều tôi muốn nói trong thư hồi âm, chúng cam đoan với tôi rằng chúng không hề quên Chúa. Mặc dù những tấm ảnh không cho thấy một tranh ảnh thánh nào, nhưng chúng vẫn cầu nguyện với nhau mỗi tối và bất cứ lúc nào có thể, mỗi ngày chúng đều đi lễ sáng. Tôi cảm thấy sung sướng và rất hài lòng.

Chia sẽ này chỉ là kinh nghiệm bé nhỏ của tôi. Tôi có thể mạnh dạn nói rằng lời Chúa như ngọn Hải Đăng soi dẫn đường đời chúng ta qua đêm tối.

KẾT

Có một ngày nào đó tôi mơ về một người cha chỉ cho con ánh sao mai mà gọi tên Chúa và ánh sao hôm mà lằng nghe Chúa gọi tên mình. Như cha con Têrêsa Hài Đồng: ngồi dưới trăng sao mà cô bé thủ thỉ: “Tên con được khắc tận trên trời”. Rồi cũng có một ngày nào đó, tôi mơ về một ngày, người mẹ cất lời tạ ơn khi nhìn ngắm thiên nhiên hùng vĩ. Như bà mẹ quê của thánh Donbosco. Bà mẹ nhà quê nhưng cũng là nhà giáo dục tuyệt vời.

Tôi mơ mỗi gia đình sống đức tin sáng ngời sau cho giống như là một ánh sao giữa cuộc đời, con hơn cả sao bắc đẩu. Như gia đình bé nhỏ trong cánh đồng Bêlem hôm nào. Họ nghèo nàn bé bổng nhưng bừng lên cả luồng sáng huy hoàng khiến ngôi sao dẫn đường phải thẹn thùng vụt tắt, vì mái nhà ấy chứa chan tình thương và ngập tràn Thiên Chúa, đã chỉ lối về hạnh phúc vô biên để muôn dân tuôn đến tôn thờ. Cuộc đời hôm này đang cần những gia đình như thế. Những ánh sao giữa đêm đen những ánh sao tin yêu và hy vọng. Và ơn gọi gia đình là thế đó : là đón nhận ánh sáng và lan toả cho đời.

VIII. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.

GỢI Ý SÁM HỐI.

Chúa ban cho con có những khả năng để làm sáng danh Chúa mà con chưa sử dụng tốt cho Danh Chúa cả sáng; con xin Chúa thương tha thứ.
Lời nói, việc làm, cuộc sống, những tác phẩm nghệ thuật… không diễn tả mầu nhiệm thiên Chúa; Xin chúa tha thứ.
Con không sống đức tin và cũng không giúp người khác sống đức tin; xin Chúa tha thứ

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: anh chị em thân mến,
Với dụ ngôn những nén vàng, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng Thiên Chúa quan phòng ban cho mỗi người những khả năng khác nhau để sinh lợi cho Nước Chúa. Chúng ta cần vận dụng tất cả những gì Chúa ban mà diễn tả những mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, diễn tả sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh tiến bộ khoa học ngày nay, chúng ta cần vận dụng những tiến bộ ấy để mà diễn tả các mầu nhiệm Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy cùngnhau dâng lời nguyện xin:

Hội thánh là cộng đoàn những người được Chúa cứu chuộc, Chúa Giêsu nói: “các con đã nhận nhưng không, thì cũng hãy cho nhưng không”. Chúng ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng các Giám Mục và Linh Mục, được sức khoẻ hồn xác, biết tận tình phục vụ dân Chúa Khắp nơi.

“Hãy vào hưởng sự vui mừng…vì con đã trung thành trong việc nhỏ”. Chúng ta cầu nguyện cho những nghệ nhân, biết dùng tài năng Chúa ban mà diễn đạt các mầu nhiệm Thiên Chúa, hầu cho trần gian nhận biết Thiên Chúa là tình yêu: Ngài yêu thương hết mọi người; và nhận biết Thiên Chúa toàn năng: Ngài sáng tạo nên vũ trụ.

Châu Á ngày nay là một cánh đồng truyền giáo rộng lớn, còn rất nhiều người chưa tin nhận quà tặng cứu độ là Đức Kitô. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô hữu Châu Á và cách riêng cho các Kitô Hữu Ấn Độ. Dùng đời sống đạo của mình mà toả sáng đức tin đến anh em để mọi người cùng sống đức tin và tích cực loan báo Tin Mừng.

kết thúc: lạy Chúa là Đấng Quan Phòng kỳ diệu Chúa đã ban con một Chúa cứu độ chúng con, Chúa lại ban thần trí Chúa cho chúng con có khả năng khác nhau và những tiến bộ khoa học, để diễn tả những mầu nhiệm Thiên Chúa. Chúng con nài xin Chúa đói thương nhậm lời chúng con cầu xin mà giúp chúng con biết dùng những hồng ân Chúa ban làm cho thế gian tin thờ và kính mến Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con .Amen.

IX. CHIA SẺ

Ý CẤU NGUYỆN THÁNG 7/2002

Cầu nguyện cho các Kitô Hữu Ấn Độ được sống đức tin.
Các bạn trẻ thân mến !
Nói tới đất nước và con người Ấn Độ, tôi cảm thấy có một cái gì đó rất thân thương và rất gần gủi… mặc dầu nước Ấn Độ rất xa chúng ta. Ngày nay với phương tiện truyền thông hiện đại, cái xa hằng ngàn cây số không còn có ý nghĩa. Cũng như mọi người trên hành tinh chứng kiến cùng lúc những pha bóng thật hay niềm vui, nỗi buồn của các cầu thủ bóng đá khi xem truyền hình trực tiếp… trường hợp của người anh em Sênegal, có thể nói là vô danh tiểu tốt, không ai biết đến vậy mà giờ đây cả thế giới chẳng những biết họ mà còn cả khâm phục.

Trở lại đất nước Ấn Độ, cũng một cách giống như vậy nhưng không phải về thể thao… nhưng là về tinh thần, đúng hơn là về truyền giáo. Sở dĩ tôi nói Ấn Độ rất thân thương và gần gủi, là có lý của tôi.

Các bạn thân mến các bạn có bao giờ ngờ rằng, sau khi lệnh truyền của Chúa Giêsu: “các con hãy đi khắp thế gian…”, thì nước Ấn Độ là một trong những nước xa sôi nhất được Thánh tông đồ Tôma nghĩ tới: trong sách gương các thánh, chỗ viết về hạnh thánh Tôma có viết: lòng tin mạnh mẽ đã giúp thánh nhân nhiệt thành rao giảng đạo Chúa ở Ấn Độ và chịu chết đỗ máu ra làm chứng cho Chúa trên nước này.

Tôi đọc và nghĩ rằng, không phải tình cờ mà người tông đồ được coi là “hoài nghi”, cứng lòng tin, đến đất nước Ấn Độ để truyền giáo. Cũng như không phải vì anh em, kẻ nói tới người nói lui, mà Tôma đã có mặt ở lần hiện ra sau và đã tuyên xưng đức tin “lạy Chúa là Chúa của con”. Chắc chắn vì suy nghĩ và vì tin vào Chúa, nên Tôma đã quyết định có mặt để gặp Thầy Chí Thánh. Vậy sự có mặt của Ngài ở ấn độ chắc chắn là do sự quan phòng của Chúa và nhiệt thành rao giảng của Ngài, để một đất nước không rộng lớn có được niềm tin công giáo.

Sau thánh Tôma khá lâu, khoảng 1450 năm tức vào năm 1541, thánh Phansicô saviê được gởi đến Ấn Độ, thánh nhân hết sức vui mừng đến Ấn Độ với tất cả nguyện vọng đem nhiều linh hồn về cho chúa.

Khi đến Goa là thủ đô nước Ấn Độ, thánh nhân hân hoan chào mừng trong nước mắt: vui mừng vì được đến nơi phục vụ Chúa, nhưng cũng hết sức đau buồn vì thấy biết bao linh hồn chưa biết Chúa, còn sống trong bóng tối sự chết.

Thánh nhân bắt tay vào việc rao giảng, bằng cách đi khắp các làng mạc nói Chúa cho mọi người nghe, dạy giáo lý và rửa tội. Số người tin theo ngày càng đông khiến thành nhân phải làm việc suốt ngày hết sức mệt nhọc. Hơn 11 năm ở Ấn Độ Ngài đã đi hằng trăm ngàn cây số, và rửa tội hơn 10 vạn tân tòng thành lập cộng đoàn tín hữu khắp cả nước.

Trong tinh thần nhiệt liệt truyền giáo, thánh Phansicô còn đến Nhật Bản rồi còn muốn đến Trung Hoa và Việt Nam …

Gần đây nhất, một nhân vật sống và hoạt động kỳ diệu giữa thế kỷ 20, một người đàn bà trải qua gần trọn thế kỷ và đã làm nên những kỳ công xã hội và kiến tạo hoà bình thế giới với giải thưởng Nobel năm 1979, mọi người quý mến gọi tên: “Mẹ đã là bà mẹ của xứ Ấn Độ và ngày nay là bà mẹ Thế Giới “.Nhân vật ấy không ai khác là mẹ Têrêsa Calcutta. Với giải thưởng Nobel này, Mẹ Têrêsa đã vượt qua bức tường tôn giáo, đã trở thành một nhân vật của thời đại. Mẹ và những cộng sự viên của Mẹ có mặt trên khắp thế giới hiện diện giữa những người cùng khổ nhất của nhân loại, không phân biệt chủng tộc, không mặc cảm tôn giáo, không kỳ thị chính trị. Mẹ cũng muốn đến đất nước Trung Hoa. Năm 81 tuổi, theo lời mời của chính phủ Việt Nam, mẹ đã tới Việt Nam một quê hương khổ đau, và nghèo khổ gần nhất thế giới.

Mệ Têrêsa lúc còn sinh thời, chưa được phong thánh, vậy mà người ta đã kính Mẹ như một bà thánh “sống”. Bí quyết gì đã đẩy đưa một phụ nữ yếu ớt trở thành một nhân vật của thời đại hôm nay như thế?, một phóng viên đã hỏi Mẹ:

Thưa Mẹ, Mẹ yêu thương đám quần chúng mà người khác nhìn họ như những đống hoang phế của nhân loại. Đâu là bí quyết của mẹ yêu thương được như thế ?.

Mẹ từ tốn trả lời:
Bí quyết của tôi thật giản dị: Tôi cầu Nguyện .

Một lần khác trả lời cho một người, Mẹ Têrêsa nói: “tôi chỉ là cây bút chì nhỏ trong bàn tay của Thiên Chúa, cây bút chì nhỏ từ bàn tay của Thiên Chúa đã vẽ nên đầy đủ mọi gương mặt của anh chị em nghèo khổ, bệnh tật, đói lã… “.

Mẹ Têrêsa Calcutta thật sự là Mẹ của Ấn Độ và của cả thế giới. Nhiều người đã chứng kiến đám tang của mẹ và đặt vấn đề, Mẹ đã làm gì mà trong ngày an táng của Mẹ, một đoàn lũ đông đảo đi theo sau thi hài của mẹ. Có Kitô hữu và các tín đồ Ấn Giáo, cũng như Hồi Giáo, tất cả đều nhận thấy nơi mẹ sự thu hút của Chúa Giêsu.

Các bạn trẻ thân mến! 3 vị thánh mà tôi nêu lên ở đây đã hiện diện trên đất nước Ấn Độ đã cùng sống chết với nhân dân Ấn Độ… từ lúc giáo hội sơ khai cho đến cuối thế kỷ 20. chính đều đó đã làm cho tôi cảm thấy gần gủi và thân thương đối với anh chị em Ấn Độ. Giáo hội kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho họ, xin cho họ được tuyên xưng đức tin và tự do loan báo tin mừng. chúng ta xác tín rằng hạt giống đức tin mà thánh tông đồ Tôma đã gieo , thánh Phansicô vun xới bón phân, và mẹ Têrêsa tiếp tục gặt hái và phát triển không bao giờ hư đi… nhưng chúng ta phải nhận thức rằng hiện nay Kitô hữu ở Ấn Độ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyên xưng đức tin và rao giảng Tin Mừng. chúng ta luôn đặt niềm phó thác vào Chúa chắc chắn Chúa đã toan liệu để giáo hội của Chúa luôn luôn có những tông đồ nhiệt thành ở nơi đây nơi họ… những người như Tôma - Phansicô - Têrêsa Calcutta… và nhiều nữa.

Đất nước Ấn Độ đã và đang có những khủng bố tranh chấp ở biên giới Caschơmia, rất nguy hiểm cho sự hoà bình thế giới và rất ảnh hưởng đến sự rao giảng Tin Mừng. Các bạn trẻ chúng ta hãy cầu nguyện như mẹ Têrêsa đã nói: “ bí quyết của tôi là cầu nguyện”. mẹ đã cầu nguyện và đã thành công. Vậy chúng ta cũng sẽ thành công nếu chúng ta biết cầu nguyện. Chúc các bạn vui vẻ và nhiệt thành thực hiện lời kêu gọi cầu nguyện cho anh em Kitô Hữu Ấn Độ của Giáo Hội.

X. TẢN MẠN

TÔI ĐÃ HỌC BIẾT RẰNG…

Tôi đã học biết rằng…
Trường học tốt nhất thế giới là kinh nghiệm của người già.
Tôi đã học biết rằng…
Cử xử tử tế thì quan trong hơn cư xử đúng.
Tôi đã học biết rằng…
Khi có người nói với tôi: “Anh đã cho tôi một ngày vui!” thì đó là ngày vui của tôi.
Tôi đã học biết rằng…
Tôi có thể luôn cầu nguyện cho một ai đó, khi tôi không có cách nào khác để giúp họ.
Tôi đã học biết rằng…
Khi tôi tìm cách trả thù ai đó, tôi chỉ làm cớ cho họ tiếp tục làm tổn thương đến tôi.
Tôi đã học biết rằng…
Cuộc sống giống như một cuộn giấy vệ sinh,
cuộn giấy càng mau hết, thì đời sống càng chống tàn.
Tôi đã học biết rằng…
Thiên Chúa đã không làm tất cả mọi việc trong một ngày, vậy điều gì khiến tôi nghĩ rằng mình có thể?
Tôi đã học biết rằng…
Tôi ước ao có thể nói với mẹ tôi một lần nữa rằng
tôi thương Mẹ, trước khi Mẹ qua đời.
Tôi đã học biết rằng…
Một nụ cười là cách rẻ nhất để cả thiện vẽ mặt của mình.
Tôi đã học biết rằng…
Càng ít tốn giờ cho một công việc, thì càng làm được nhiều việc hơn.
(Dịch từ www. Feegoodpages.com)

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

Khi có ai đó không yêu bạn theo cách bạn muốn, thì không có nghĩa là họ không yêu bạn với cả tấm lòng.
Người bạn chân thành là người chìa tay ra cho bạn và chạm đến trái tim bạn.
Cách dễ nhất để mất một ai đó, là khi ta ngồi gần bên họ mà như không thấy có họ kề bên.
Đừng cố gắng sức, điều tốt đẹp nhất sẽ đến khi bạn ít chờ đợi nhất.
Hãy cố gắng sống tốt hơn và nhận ra bạn là ai, trước khi tìm hiểu người khác và trông chờ họ hiểu bạn.
Đối với thế giới, bạn chỉ là một người nào đó, nhưng đối với một người nào đó, bạn là cả thế giới.
Nên nhớ rằng: Mọi việc xảy ra điều có nguyên nhân của nó.
(Dịch từ www. Feegoodpages.com)

999    17-04-2012 14:34:57