Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Gia Đình Là Cộng Đoàn Cầu Nguyện - Tháng 05 năm 2003

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH LÀ CỘNG ĐOÀN CẦU NGUYỆN

I. ĐỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 59

Hội Thánh cầu nguyện và giáo dục gia đình Kitô giáo trong lối sống phù hợp quảng đại với ơn và vai trò tư tế đã nhận được nơi Đức Kitô Thượng Tế. Trong thực tế đối với đôi bạn và gia đình, chức tư tế mà Bí tích Rửa tội đem lại cho các tín hữu và được họ sống trong Bí tích hôn phối, trở thành một ơn gọi và một sứ mạng tư tế mà nhờ đó, cuộc sống hằng ngày của họ được biến thành hy lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa qua sự trung gian của Đức Kitô .

Điều đó xuất phát không những do việc cử hành Thánh Thể và các Bí tích khác, cũng như do việc hiến dâng chính mình cho vinh quang Thiên Chúa, mà còn do đời sống cầu nguyện, do việc đối thoại cầu nguyện với Chúa Cha nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần.

II. Ý CHÍNH CỦA FAMILIARIS SỐ 55-62

Gia Đình Kitô hữu, Cộng Đồng Đối Thoại Với Thiên Chúa.
Hội Thánh là một cộng đồng tư tế nghĩa là được mặc lấy phẩm giá của Đức Kitô Thượng tế của Tân Ước vĩnh cửu và được dự phần vào quyền năng của Ngài.

Qua những thực tại của đời sống hôn nhân và gia đình, gia đình Kitô hữu thực thi vai trò tư tế của mình bằng cách tự thánh hoá chính mình và thánh hoá cộng đồng Hội Thánh và thế giới. (số 55).

Mọi Bí tích đều có mục đích thánh hoá con người, xây dựng thân thể Đức Kitô, và sau cùng là thờ phượng Thiên Chúa. Bí tích Hôn phối tự nó cũng là một hành vi phụng vụ để tôn vinh Thiên Chúa trong Đức Giêsu và trong Hội Thánh : khi đôi bạn bày tỏ lòng biết ơn vì được Chúa ban sống đời hôn nhân, họ cũng đồng thời sống lại chính tình yêu thương của Thiên Chúa đối với loài người và của Chúa Giêsu đối với Hội Thánh (số 56).

Bí tích Thánh Thể chính là nguồn mạch của hôn nhân Kitô giáo. Giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh, được ký kết bằng máu trên thập giá là nguồn mạch, là khuôn mẫu cho đời sống hôn nhân Kitô giáo.Bí tích Giải tội cần thiết cho đời sống gia đình để họ được ơn tha thứ và biết tha thứ cho nhau (số 58).

Kinh nguyện gia đình có những đặc tính riêng. Đó là kinh nguyện chung : vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện với nhau.

Kinh nguyện gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống gia đình : những tình huống khác nhau trong cuộc sống vừa nói lên ý Chúa mời gọi, đồng thời qua đó, gia đình tìm cách đáp trả tiếng Chúa khi chấp nhận những buồn vui của cuộc sống gia đình và những cố gắng mà gia đình vượt qua thử thách (số 59).

Ngoài kinh nguyện thông thường hàng ngày trong gia đình, nội dung của kinh nguyện gia đình thường gắn liền với thực tế của cuộc sống: niềm vui, nỗi buồn, những vất vả cực nhọc, những hy vọng, những cuộc ra đi và trở về nhà, những ngày sinh nhật, ngày cưới, ngày kỉ niệm, những chọn lựa quan trọng, ngày qua đời của người thân Tất cản dịp ấy đều là những lúc thuận tiện để gia đình tạ ơn, khẩn nguyện, diễn tả lòng tin, cậy, mến đối với Cha trên trời. Cha mẹ có bổn phận dạy co cái biết cầu nguyện bằng chính gương cầu nguyện của mình (số 60-62)

III. CHUYỆN MINH HOẠ

BỨC ẢNH GIA ĐÌNH

Trong thời kỳ khai phá bên Mỹ Châu, có năm thanh niên Mỹ tới vùng Ohio tìm vàng. Đây là một vùng hoang vu nguy hiểm không thể lường trước được. Sau một thời gian sống giữa rừng thiêng nước độc, khi trở về nhà, bốn người trong nhóm đã trở nên cộc cằn dữ tợn. Chỉ có một người còn giữ được tinh thần minh mẫn như trước.
Người ta hỏi anh:
Làm thế nào để tránh được lỗi lầm của những người kia?
Anh trả lời như sau:
Vì một bức hình mà tôi đã mang theo, không phải là hình của một cô bạn gái, nhưng là của gia đình tôi...
Buổi sáng trước khi lên đường, chúng tôi ngồi ăn chung với nhau, mọi người đều nghẹn ngào vì tôi là người thứ nhất xa gia đình. Cha tôi nhắn nhủ đôi lời và cả gia đình quì gối cầu nguyện thật nhiều cho tôi. Chính hình ảnh đó đã theo tôi trong suốt cuộc hành trình và đã đỡ nâng tôi.
Ở Scotland có một câu thành ngữ :” Gia đình không cầu nguyện như nhà không có máy che”.
Trong Tông Huấn Đời Sống Gia Đình số 55, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã gọi gia đình là “một cộng đồng cầu nguyện, nơi Thiên Chúa tình yêu ngự trị”. Thật thế, không có nơi nào và không có gì diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho bằng những sinh hoạt thường ngày của gia đình công giáo đích thực.

Từ sáng sớm , nếu không đến nhà thờ được, mọi người trong gia đình quây quần xung quanh bàn thờ nhỏ của gia đình để đọc kinh, cầu nguyện, mọi người lắng nghe Lời Chúa, cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Trong gia đình, mọi người được thôi thúc để sống chia sẽ tình yêu của Chúa cho nhau và cho những người xung quanh.

Những bữa cơm chung gia đình sẽ biến thành lời ca tụng , tạ ơn Thiên Chúa tình yêu và cuối cùng, không gì đẹp cho bằng, vào buổi tối, hình ảnh mọi người trong gia đình ngồi trước bàn thờ nhỏ để chúc tụng và cảm ơn Chúa vì một ngày đã qua.

Chính vì thế, bầu khí này là một dấu hiệu luôn nhắc nhở mọi người sống gần gủi thân tình với Chúa và biến đổi mọi sinh hoạt, việc làm của họ thành lời nguyện cầu và của lễ dâng lên Thiên Chúa.

1. Tầm quan trọng của việc gia đình cầu nguyện

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc gia đình cầu nguyện : “Gia đình Kitô giáo là nơi đầu tiên để giáo dục việc cầu nguyện. Được xây dựng trên Bí tích Hôn Nhân, gia đình Kitô giáo là Giáo Hội tại gia, nơi con cái Chúa học tập cầu nguyện như Giáo Hội và kiên trì trong việc cầu nguyện. Nhất là đối với các trẻ nhỏ, lời cầu nguyện trong gia đình mỗi ngày sẽ là chứng nhân đầu tiên của trí nhớ sống động của Giáo Hội mà Chúa Thánh Thần hằng kiên trì khơi dậy ” (GLCG số 2685).

Tông Huấn Đời Sống Gia Đình nhấn mạnh chính cha mẹ đóng một vai trò cụ thể, căn bản và là gương sáng sống động không thể thay thế trong việc giáo dục con cái mình biết cầu nguyện : “Chỉ bằng việc cầu nguyện chung với con cái mà người cha và người mẹ (luện tập chức vụ tư tế lớn lao của mình) làm thấm đậm vào đáy lòng con cái mình và để lại một dấu ấn mà những biến cố xảy đến trong tương lai của chúng sẽ không thể xoá nhoà”.

Hơn nữa, gia đình còn là môi trường để nên thánh. Nếu hiểu thánh thiện là sự trọn hảo của tình yêu thì còn ở đâu hơn gia đình, vì gia đình được hình thành bởi tình yêu và hơi thở của gia đình là yêu thương. Chính Bí tích Hôn Phối là dấu chứng tình yêu và chúc lành của Thiên Chúa :”Thiên Chúa tạo thành con người có nam có nữ, nên tình yêu của hai người đối với nhau là hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bất diệt mà Thiên Chúa dành cho con người...Tình yêu nầy đã được Thiên Chúa chúc phúc để sinh hoa trái và được thực hiện trong công cuộc chung là bảo vệ việc s1ng tạo của Thiên Chúa” (GLCG sô1064).

Khả năng con người không thể hoạ lại tình yêu của Thiên Chúa mà phải nhờ ơn Chúa giúp đỡ. Chính Bí tích Hôn Phối có những “ân sủng dành riêng để kiện toàn tình yêu của hai người phối ngẫu, củng cố sự đơn nhất bất khả đoạn tiêu của họ” (GLCG số 1641). Nhờ ân sủng nầy “họ giúp nhau nên thánh trong cuộc sống vợ chồng, trong sự đón nhận và giáo dục con cái” (Hiến Chế về Giáo Hội số 11).

Mọi người đều được mời gọi nên thánh bằng cách “làm theo ý Cha trên trời” (Mt 12, 49). Như vậy, gia đình được mời gọi nối gót theo Chúa, nên thánh ngay trong gia đình của mình và để

vững bước giữa những giông tố của cuộc đời, các bạn hãy biến gia đình mình thành nhà cầu nguyện.

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nhắn nhủ :” Mỗi ngày anh chị em hãy dành một ít thời giờ để chuyện vãn với Thiên Chúa, để chứng tỏ anh chị em yêu mến Ngài cách chân thành, bởi tình yêu luôn luôn tìm cách gần gũi người mình yêu. Vậy thì cầu nguyện phải được coi trọng hơn hết mọi thứ. Ai không nghĩ tới cầu nguyện và không cầu nguyện thì không thể tự biện minh là thiếu thì giờ, nhưng cái họ thiêu chính là thiếu tình yêu” (Trích Mười Tiêu Chuẩn cho năm 2000, Desclee de Brouwer, 1994, p. 78-79).

Nếu cầu nguyện là quan trọng như thế, thì gia đình phải làm thế nào để cùng cầu nguyện ?

Cầu nguyện với nhau.
Việc cầu nguyện trong gia đình có những đặc tính riêng : “Đó là kinh nguyện chung : vợ chồng cùng cầu nguyện chung với nhau, cha mẹ con cái cùng cầu nguyện với nhau”(ĐSGĐ số 59).

Đời sống thân mật gia đình được thể hiện rõ nét khi cùng nhau tề tựu quanh bàn ăn; nhưng với gia đình công giáo, thì không chỉ là bàn cơm hay phòng khách mà còn là bàn thờ Chúa nữa : Cả gia đình cùng quây quần trước bàn thờ nhỏ trong gia đình và nên một trong kinh nguyện. Bởi vì không lẽ vợ chồng nên một với nhau trong thân xác, trong tâm hồn, trong công việc, mà lại không nên một trong chiều sâu nhất của đời sống đức tin và kinh nguyện?

Trước bàn thờ, cả gia đình cùng lần chuổi Môi Khôi, cùng đọc kinh tối, cùng dâng lên Chúa một ngày mới qua kinh sáng và cùng nhau tạ ơn Chúa trước mỗi bữa ăn...Những việc làm đạo đức thường xuyên ấy sẽ lôi kéo ơn Chúa củng cố thêm nền móng gia đình và ghi khắc vào tâm khảm con cái một thói quen đạo đức tốt, hướng dẫn đời sống tâm linh cuả chúng mai ngày khi vào đời.

3. Cầu nguyện cho nhau.
Gia đình cầu nguyện không chỉ cho mỗi cá nhân riêng lẻ mà còn là cầu nguyện cho nhau, cho cuộc sống gia đình mình. Ngang qua những biến cố của cuộc sống gia đình với những lo âu hay hy vọng, vui mừng hay chán nản, thành công hay thất bại, cả những cải cọ hay giảng hoà, sứt mẻ hay hàn gắn..tất cả trở thành lời kinh nguyện được thốt lên giữa lòng cuộc sống. Cầu nguyện như thế là cách giáo dục con cái bước vào đời sống tin tưởng, phó thác, thông cảm và xí xoá cho nhau để cùng tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa.

4. Nhắc nhau cầu nguyện
Nhiều gia đình không có điều kiện để quây quần đọc kinh chung với nhau, việc giữa bầu khí cầu nguyện trong gia đình được thực hiện bằng việc vợ chồng nhắc nhở nhau cầu nguyện, chỉ bảo con con cách thế gặp gở Thiên Chúa qua dấu thánh giá, những lời nguyện tắt, những kinh nguyện ngắn như kinh lạy Cha, Kính mừng...Trên giường ngủ, người mẹ dùng chính bàn tay của mình ghi dấu thánh giá cho con cái.

Gia đình là đền thờ của Thiên Chúa. Mỗi tâm hồn là một đền thờ của Thiên Chúa. Không gì buồn cho bằng một đền thờ mà không có lời kinh tiếng hát. Một gia đình, dù có bàn thờ, ảnh tượng, hoa đèn đẹp đẻ đến đâu, gia đình đó sẽ không bao giờ xứng đáng là một đền thờ, nếu không có cầu nguyện.

Việc cầu nguyện, như vậy, được thực hiện mọi nơi, mọi lúc, nơi riêng tư, cũng như nơi làm việc, lúc vui cũng như khi buồn. Và còn phải cầu nguyện cho những người làm chúng ta đau khổ, để xin Chúa hoán cải tâm hồn họ.

5. Cầu nguyện mà không được Chúa nhậm lời
Cầu nguyện là gặp gở, nói chuyện thân tình với Chúa như giữa hai người bạn thân thiết. Một người bạn thân thiết luôn có chủ đích đem đến cho người mình thương mến những gì họ mong muốn. Như vậy, tình bạn đích thực luôn mong muốn sự tốt lành cho nhau. Qua việc tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, Thiên Chúa đã mời gọi ta làm bạn với Ngài.

Đặc ân của tình bạn thánh nầy giải thích tại sao một vài yêu cầu mà ta nêu lên trong khi cầu nguyện lại không được Chúa nhậm lời. Có những điều ta nghĩ là tốt đẹp cho mình, nhưng đối với Chúa điều đó không phải như vậy hoặc những đòi hỏi của chúng ta chưa có sự suy nghĩ chín chắn hay không có ý thức đúng đắn về hậu quả của nó, mà nếu được nhậm lời điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến đời sống của chúng ta.

Như một người bạn tốt, Thiên Chúa không nhận những lời cầu khẩn mà xem ra bề ngoài có vẻ tốt, nhưng Ngài chỉ nhận những gì mang lại lợi ích thật sự cho ta. Hơn nữa, đây là một người bạn thánh, Ngài có sự khôn ngoan để thông biết những gì tốt cho ta mà ta không thể biết được một cách chắc chắn.

Một tình bạn tốt tuỳ thuộc vào nổ lực cương quyết, sự quên mình và liên hệ đều đặn với nhau. Sự cầu nguyện chân thật cũng vậy. Đôi khi lời cầu không được nhậm lời vì khi ta cầu nguyện, ta không cầu nguyện cách bền lòng, không nhiệt tâm và không sốt sắng đủ. Sự bền bỉ, kiên tâm, nhẫn nại với cả tâm lòng làm đẹp lòng Chúa để lời cầu của chúng ta được Chúa đáp lời.

Trong đời sống đức tin, một khi ta không tìm đến Chúa với cả một chiều sâu chiêm niệm, với một lòng mến thiết tha và khiêm cung, với cả quyết tâm, ta sẽ không ngạc nhiên nếu lời cầu xin của ta không được nhậm lời. Như vậy, tuỳ vào sự gần gũi và thân mật của ta với Chúa sẽ tạo điều kiện để Chúa lấp đầy những nguyện vọng mà ta đặt nơi Ngài.

Đôi khi Thiên Chúa cũng nói không khi ta cầu xin với Ngài. Đôi khi Thiên Chúa quyết định không nhận lời xin của những người mà Ngài yêu thương cách đặc biệt để ban cho bạn hữu Ngài những cái có lợi hơn cho hạnh phúc và sự thánh thiện của họ. Những cái đo, có thể ta chưa bao giờ nghĩ tới, như lời Thánh Augustinô :”Thiên Chúa thường không nhận những gì ta mong muốn để Ngài có thể ban cho những cái mà ta mong muốn hơn”. Cầu nguyện làm cho tâm hồn ta rộng mở với ơn Chúa, để Người lấp đầy nơi ta những điều vượt quá điều ta yêu cầu.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết năng cầu nguyện, khi vui cũng như lúc buồn, trong gia đình cũng như nơi làm việc, để đền thờ tâm hồn và gia đình chung con tràn ngập lời ca tiếng hát ca tụng Chúa. Amen

IV. HỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 60

”Các cha mẹ Kitô hữu có bổn phận đặc biệt phải giáo dục con cái họ biết cầu nguyện, phải đưa chúng tới chổ dần dần khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa và đối thoại cá nhân với Ngài”.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

THÁNG NĂM
THÁNG KÍNH ĐỨC MẸ

"Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta" (GH 67).

Ý cầu nguyện:
Ý chung: Cầu nguyện cho các trẻ em đang gặp khó khăn tìm được chỗ tựa vững chắc nơi Đức Maria. Xin cho các trẻ em đang gặp khó khăn và cho những người đang dấn thân giúp các em, luôn tìm được một chỗ tựa vững chắc nơi Đức Maria, là Mẹ ban sự sống.
Ý truyền giáo: Cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng tại châu Á. Xin cho các Hội Thánh địa phương tại châu Á được Chúa Thánh Thần ban cho một tinh thần hăng say mới, để loan báo Tin Mừng cho toàn thể châu Á.

GỢI Ý SÁM HỐI.
Con không ra sức giúp trẻ em tôn sùng và nương tựa nơi Mẹ Maria. Xin thương xót con.
Con thiếu cầu nguyện cho việc truyền giáo, thiếu đích thân cộng tác vào việc truyền giáo tại châu Á. Xin Chúa thương xót con.
Con thiếu trông cậy nơi Mẹ Maria, con lười biếng và ngại lần chuỗi Môi Khôi chung. Xin thương xót con.

LỜI NGUYỆN CHUNG.
Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Dưới chân thánh giá Chúa Giêsu chịu nạn, Đức Maria nhận làm Mẹ thánh Gioan, và từ lúc ấy, môn đệ đón bà về nhà mình. Đức Mẹ ở giữa Hội Thánh cả lúc Chúa Thánh Thần hiện xuống lẫn khi các môn đệ Chúa đi rao giảng Tin Mừng. Hội Thánh dành riêng tháng năm để đặc biệt tôn kính Đức Mẹ.
Chúng ta cùng hiệp lòng cầu nguyện, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria:
Chúa Giêsu phục sinh trao cho Hội Thánh sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Chúng ta cầu nguyện cho các giáo hội địa phương tại châu Á, có một tinh thần hăng say mới, tích cực và nhiệt tình hơn, để loan truyền ơn cứu độ duy nhất của Chúa Kitô cho tất cả anh em.

Tháng Năm kính Đức Mẹ, Hội Thánh mời gọi mọi thành phần trong Hội Thánh sùng kính Đức Maria, cầu khẩn và bắt chước các nhân đức của Mẹ Maria. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, và đặc biệt là cho giới trẻ, biết siêng năng sùng kính Mẹ Maria, nương tựa vững chắc nơi Mẹ Maria, và sốt mến việc lần chuỗi Môi Khôi mọi nơi và mọi lúc.

”Từ lúc ấy, môn đệ đón rước Bà về nhà mình”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình Kitô-hữu, biết đón rước Đức Mẹ về nhà mình, đặt Đức Mẹ làm chủ gia đình mình, và biết dạy con cái trông cậy vững chắc vào Mẹ Maria là Mẹ của Tác giả mọi ơn phúc.

Tại làng Fatima , Đức Mẹ mời gọi mọi người: Năng lần chuỗi Môi Khôi, Ăn năn sám hối và tôn sùng Trái Tim vẹn sạch. Chúng ta cầu nguyện cho hết mọi người trong họ đạo biết thực hành những lời Mẹ nhắn, để góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình, xây dựng hòa bình thế giới và thăng tiến nhân phẩm của nhân loại.

Kết thúc: Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã chọn Đức Maria làm Mẹ Đấng Cứu thế và làm Mẹ Hội Thánh. Chúng con nài xin Chúa thêm ơn can đảm cho chúng con dám kính mến Mẹ Maria, dám nương tựa vững chắc nơi Mẹ Maria, và dám bắt chước các nhân đức của Mẹ, để cùng với Mẹ, chúng con loan truyền Tin Mừng Chúa Phục sinh cho anh em, hầu ngày sau được cùng Mẹ hưởng vinh quang vĩnh cửu muôn đời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH : CẦU NGUYỆN

DẤU CHỈ GIA ĐÌNH LÀNH MẠNH

Khi có dịp đi về những làng quê miền nam, chúng ta sẽ gặp thấy những bàn thờ “Thông Thiên”, dựng trước sân nhà của những gia đình lương dân. Chiều chiều, người ta đến trước bàn thờ “Thông Thiên”, đốt nhang, nghiêm chỉnh vái lạy tứ phía. Ngụ ý rằng người ta muốn thông hiệp với Trời, mà Trời thì ở khắp mọi nơi.

Với người Kitô hữu, khát vọng hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau được thể hiện qua các Bí Tích và việc cầu nguyện. Cầu nguyện là hiệp thông. Gia đình Kitô hữu là nơi đầu tiên để học cầu nguyện, và trung thành với việc cầu nguyện hằng ngày của gia đình là dấu chỉ gia đình hiệp thông, gia đình lành mạnh, bởi vì việc cầu nguyện trong gia đình là chất keo nối kết các thành phần của gia đình với nhau. Và đó là bảo đảm cho hạnh phúc gia đình.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT GIA ĐÌNH LÀNH MẠNH.

Theo ĐGH Gioan Phaolô II, con người đích thực là con người được mời gọi sống yêu thương, bởi vì đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa tình yêu. Bởi đó, “chính kinh nghiệm về sự hiệp thông và chia sẻ phải là đặc điểm cho đời sống thường nhật của gia đình “ Phát huy sự hiệp thông đích thực giữa những ngôi vị có trách nhiệm trong gia đình, trở thành một việc thực tập căn bản, và không thể thay thế được cho đời sống xã hội, một gương mẫu và là một khích lệ cho các tương quan cộng đồng mở rộng, được đánh dấu bằng các đức tính: kính trọng, công bằng, ý thức đối thoại, tình yêu… (FC 43)

Năm 1978, Ebert đã phân tích nhiều tiêu chuẩn của một gia đình lành mạnh. Đó là những định luật và đặc điểm mà phần đông các nhà tâm lý và tâm lý trị liệu đều chấp thuận. Những tiêu chuẩn đó bao gồm các đặc điểm sau đây:

1. Chia sẻ tâm tình: Mỗi thành viên trong gia đình phải có thể thoải mái thông chia với người khác những tình cảm tích cực cũng như tiêu cực. Có một hình thức cởi mở để diễn tả những tình cảm đó, và cách diễn tiến không mang tính cách trách móc.

2. Thông cảm: các thành viên trong gia đình thông hiểu và chấp nhận những tâm tình của mọi thành viên.

3. Chấp nhận sự khác biệt của từng cá nhân: Cơ cấu gia đình cho phép và chấp thuận những dị biệt của các cá nhân thành viên. Ai nấy đều hiểu rõ rằng mỗi thành viên đều có quyền hành động theo cung cách duy nhất, sáng tạo và biệt lập trong gia đình. Có một sự kính trọng bao quát mọi thứ dị biệt, nhờ vậy mà mỗi thành viên cảm nhận được mình là một cá nhân và có được một ý thức tích cực về mình.

4. Tha thiết ân cần chăm lo cho nhau: Có một cảm quan rất lớn để chăm lo cho nhau, nhờ vậy có tác động qua lại và gặp gỡ nhau. Cho dù không phải lúc nào cũng nói nên lời, nhưng có một bầu khí ân cần chăm lo cho nhau trong gia đình.

5. Cộng tác: Những gia đình lành mạnh chia sẻ trách nhiệm của cuộc sống và sẳn sàng tham gia công việc nhà thường ngày và những dịch vụ tầm thường như quét nhà, sửa chữa . . .

6. Óc khôi hài: Các thành viên trong gia đình phải có thể vui cười và đùa giỡn mỗi khi có những biến cố này nọ xảy ra trong gia đình.

7. Bảo đảm các nhu cầu về sinh sống và an ninh: Lương thực, mái ấm, quần áo, và đến một mức độ nào đó an toàn kinh tế phải được cung cấp đúng thời đúng lúc, như thế thì năng lượng của gia đình không bị hao mòn quá mức vì phải bận tâm về các vấn đề đó.

8. Giải quyết những vấn đề đừng gây ra chống đối: Nhiều hơn thế nữa, các vấn đề được giải quyết mà không tạo thêm cọ xát quá mức ngay trong tổ chức gia đình.

9. Một nền triết lý tổng hợp: Có một loạt giá trị làm chỉ nam cho gia đình, có thể phát xuất từ tín ngưỡng, triết lý hay từ một hệ thống lượng giá và hướng dẫn nào đó.

Những đặc điểm của một gia đình lành mạnh mà nhà tâm lý học Ebert đưa ra, cuối cùng vẫn cần phải có một định hướng làm chỉ nam, đó là tín ngưỡng, hay nói cách khác đó là đạo đức; đối với người tín hữu, đó là việc cầu nguyện, vì việc cầu nguyện trong gia đình phải là chất keo nối kết các thành phần của gia đình với nhau.

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA GIA ĐÌNH.
Người Kitô hữu có thể cầu nguyện với nhiều tư cách khác nhau: họ có thể cầu nguyện một mình, hay cầu nguyện với người khác.

1. Người Kitô hữu cầu nguyện một mình, đây là đòi hỏi thiết yếu của một đức tin trưởng thành. Mỗi Kitô hữu cần phải biết cầu nguyện một mình, bởi vì cầu nguyện chính là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người và Thiên Chúa. Đó là bổn phận không ai có thể thay thế được.

2. Người Kitô hữu còn phải cầu nguyện với người khác, nhất là cầu nguyện trong và với Giáo Hội. Khía cạnh Giáo Hội của lời cầu nguyện được nêu bật qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.

3. Lời cầu nguyện của gia đình: “Kinh nguyện của gia đình có những đặc tính riêng. Đó là kinh nguyện chung: vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện với nhau” (FC 59). Như vậy, có lời cầu nguyện của cá nhân, có lời cầu nguyện của Giáo Hội, nhưng cũng có lời cầu nguyện của gia đình nữa. Là Kitô hữu sống đời hôn nhân và gia đình, lời cầu nguyện của mỗi người còn phải là lời cầu nguyện của gia đình. Đây là một trong những khía cạnh quan trọng trong đời sống đức tin. Việc cầu nguyện trong gia đình phải là chất keo nối kết các thành phần của gia đình với nhau, có như thế mới bảo đảm cho hạnh phúc gia đình.

4. Lời cầu nguyện của đôi vợ chồng: Đối với đôi vợ chồng, lời cầu nguyện của riêng họ lại còn quan trọng hơn nữa. Nên một trong thân xác và linh hồn, đôi vợ chồng cũng phải nên một với nhau trong chính lời cầu nguyện. Điều đó có nghĩa là cần phải có lời cầu nguyện riêng của đôi vợ chồng. Trong lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa, không phải là lúc hai người đọc với nhau một số kinh quen thuộc, cũng không phải là lúc hai người kéo dài giờ kinh tối của gia đình, mà chỉ cần vài phút ngắn ngủi bộc phát và chân thành mà hai người muốn dành cho Chúa, chỉ cần một cái nhìn về đời sống bản thân, gia đình, xã hội để từ đó có thể dâng lên Chúa một lời kinh ngắn gọn, như:

“Lạy Chúa, xin giúp chúng con đón nhận tình yêu Chúa trong đời sống vợ chồng chúng con. Xin ban cho chúng con biết yêu nhau như chính Con Chúa đã yêu thương chúng con”.

“Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con vác thánh giá theo Chúa, xin ban cho chúng con lòng can đảm, sức mạnh cùng nhau vác thánh giá là thành phần cuộc sống của chúng con”.

“Lạy Chúa, Chúa đã yêu mến trẻ thơ và yêu cầu để trẻ thơ được đến với Chúa, xin giúp chúng con biết yêu thương con cái một cách vô điều kiện như chính Chúa đã yêu thương chúng con. Xin cho chúng con biết nhận ra rằng mỗi đứa con là một ân huệ của Chúa”.

CHỨNG TỪ

Hiệu quả của lời cầu nguyện chung gia đình.
Trong một túp lều tranh lụp xụp tại một xóm nghèo thuộc vùng ngoại ô của thành phố Bombay , một người đàn bà đáng thương phải sống những ngày hẩm hiu với đàn con thơ dại.

Chồng bà là một người cha gia đình tục tằn thô bạo, chỉ biết ăn chơi nhậu nhẹt và cờ bạc, không thiết chi bổn phận đối với gia đình. Ông vắng nhà suốt ngày. Các con của ông chỉ thấy ông trở về mỗi buổi tối trong cơn say mèm hoặc trong trận lôi đình đánh đập chửi rủa.

Những lúc như thế, bà vợ chỉ biết đem các con giấu đi để bảo toàn tính mạng cho chúng. Ngày ngày bà cực nhọc vá may, hoặc vất vả giặt giũ từ nhà này sang nhà khác để kiếm tiền nuôi con. Trong thinh lặng, bà nhẫn nhục cam chịu mọi bạc bẽo và những trận đòn oan ức của chồng.

Rồi vào một buổi tối kia, ông trở về nhà muộn hơn thường lệ, nhưng tỉnh táo và ít say sưa hơn. Vừa bước tới hiên nhà, ông nghe tiếng thì thầm từ trong túp lều vọng ra. Một nỗi nghi ngờ xâm chiếm tâm hồn ông. Máu ghen bừng bừng nổi dậy và ông tự nhủ:”Thật vô phúc cho kẻ nào rơi vào tay ông”.

Ông liền đứng lại trước cửa và ghé tai vào vách, trố mắt nhìn qua khe lá hở. Quanh ngọn đèn dầu leo lét, ông thấy các con nhỏ quây quần bên cạnh vợ ông, trước bàn thờ Chúa. Ông nghe rõ tiếng vợ ông nói với các con:”Các con hãy đọc thêm một Kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho người cha tốt lành của các con”.

Trước khung cảnh đầm ấm tình mẫu tử đó, bỗng chốc lửa hung ác trong trái tim ông như tắt ngụm. Tâm hồn cứng cỏi của ông trở nên như sáp ong mềm ra trước hơi nóng. Mắt ông như bừng sáng sau một cơn mê ngủ dài.

Ông đã nhận ra tấm lòng tốt và tình yêu quảng đại của vợ ông, người mà từ trước đến nay ông vẫn ngược đãi. Vợ ông không những đã tha thứ, mà còn tìm cách xóa bỏ hình ảnh xấu về ông bằng cách in vào tâm trí các con mình hình ảnh tốt lành của ông như một người cha.

Ông cảm thấy như có cục than hồng đốt cháy trên đầu ông. Và từ ngày đó ông nhất quyết trở nên một người cha tốt lành, người chồng chung thủy và có tinh thần trách nhiệm, như vợ con ông hằng nghĩ tốt về ông.

KẾT

Mỗi người tùy hoàn cảnh, tâm tình của mình, có thể dâng lên Chúa bất cứ lời cầu nguyện nào, miễn là lời cầu nguyện chân thành và nhất là lời cầu nguyện chung của gia đình, của đôi vợ chồng. Chúa Giêsu dạy:” Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”. (Mt 18, 19-20) (FC 59).

Thiên Chúa có muôn ngàn cách để nhận lời chúng ta, và Ngài sẽ nhận lời chúng ta theo cách thế mà Ngài thấy là ích lợi nhất cho chúng ta; và cách thế ích lợi nhất mà Thiên Chúa muốn cho gia đình, cho đôi vợ chồng chính là tình yêu mỗi lúc thêm bền chặt hơn giữa gia đình, giữ hai vợ chồng, đó là ân huệ cao quí nhất.

VII. TRANG THIẾU NHI

GIA ĐÌNH CẦU NGUYỆN

I. Câu chuyện gia đình:
Sáng thứ Năm, Tí đi học giáo lý trễ. Đã thế, suốt buổi học, Tí không tập trung nghe Cha dạy. Em cứ ngồi ngó lơ, để hồn đi đâu và cũng không hăng hái phát biểu như mọi khi (Tí vốn là một cây phát biểu của lớp mà). Tan buổi học, Cha đến hỏi Tý:
- Hôm nay con làm sao vậy?
- Thưa Cha -Tí ngẹn ngào- má con bệnh nặng, đã đi nhà thương gần tuần nay rồi, ba con đi nuôi Má, nên chỉ còn bà ngoại ở nhà với con và em Ti thôi.
- Con có nhớ má không?
- Thưa Cha, con thương và nhớ má lắm. Mọi ngày ở nhà, má nấu cơm cho con ăn nè, giặt đồ nè, chuẩn bị cho con đi học mỗi ngày nè . À, còn nữa, sáng thứ Năm hàng tuần, má đánh thức con dậy để đi lễ thiếu nhi và học giáo lý nữa.
- Hóa ra sáng nay không có má lo nhắc, con ngủ nướng, nên đi học giáo lý trễ, phải không?
- Dạ phải ạ!
- Con nói thương má, nhưng má bệnh, con đã làm gì cho má chưa?
- Thưa Cha, con còn nhỏ, con đâu biết phải làm gì cho má.
- Cầu nguyện chẳng hạn, con đã cầu nguyện cho má sớm lành bệnh chưa?
- Thưa chưa ạ!
Vậy là cha dẫn Tí vào nhà thờ, qùi trước Nhà Tạm và giúp Tí cầu nguyện cho má. Tí nói với Chúa: “Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa, vì đã ban cho con một người mẹ tuyệt vời để yêu thương và chăm sóc con. Nhưng hiện giờ má con đang bệnh nặng lắm, con thương và nhớ má quá. Xin Chúa cho má con mau lành bệnh, để sớm về nhà với con và em Ti. À, em Ti của con nhớ má, nó khóc hoài luôn. Chúa mau mau nhận lời con nha!”. Sau đó, Cha cùng Tí đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng, một kinh Sánh Danh thật sốt sắng. Tí cảm ơn Cha rồi ra về, trong lòng cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng lắm.
Có lẽ Chúa đã nhận lời cầu nguyện của Tí, nên buổi chiều khi vô bệnh viện thăm má, Tí đã thấy má đỡ nhiều rồi. Má cười với Tí và Ti, lại còn gọt cam cho hai anh em ăn nữa. Tí thầm cảm ơn Chúa, và em quyết tâm từ nay sẽ thường xuyên cầu nguyện cho ba má và những người thân trong gia đình.

II. Mấy lời gởi các em thiếu nhi:
Các em thiếu nhi thân mến,
Cầu nguyện là một việc đạo đức cần thiết, mà thiếu nhi chúng ta nên thường xuyên thực hiện mỗi ngày. Khi cầu nguyện, các em hãy chú ý đừng chỉ xin ơn thôi, mà còn phải có tâm tình chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ tri ân Chúa.
Về cách thức cầu nguyện thì các em có thể đọc kinh, ca hát ngoài miệng, hoặc tâm sự thầm với Chúa trong lòng cũng được.

Về đối tượng, thì các em có thể cầu nguyện cho mọi người: những người trong gia đình (như ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng thân quen…), những người chung quanh mà ta gặp gỡ hàng ngày(như bạn bè, hàng xóm láng giềng…), những người trong Hội thánh(như các linh mục, tu sĩ…), những người ngoài xã hội(như những người nghèo đói, đau yếu, bất hạnh…)

”Các em cũng có thể cầu nguyện về mọi việc: cầu cho người đau yếu được mạnh khỏe, cầu cho hòa bình, cầu cho sự hiệp nhất của Họ đạo, cầu cho gia đình, cho việc học hành, thi cử của bản thân”.

Về nơi chốn, thì các em có thể cầu nguyện tại nhà thờ(như : Tham dự Thánh Lễ, đi Đàng Thánh Gía, Chầu Thánh Thể, viếng Mình Thánh Chúa…); có thể cầu nguyện chung trong các gia đình(đọc kinh hôm, kinh mai, cầu lễ các dịp giỗ, tết, cưới hỏi…); có thể cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc(ở trường học, trước các giờ giáo lý, sinh hoạt, trước khi làm bài thi, trước khi lên bàn mổ ở bệnh viện…).

Các em thiếu nhi thân mến, việc cầu nguyện thường xuyên sẽ giúp các em sống gần gũi Chúa hơn, thân mật với Chúa hơn và nhận lãnh được nhiều ơn Chúa hơn, để sống mỗi ngày một tốt lành hơn trước mặt Chúa và trước mặt mọi người.
Chúc các em sống vui và siêng năng cầu nguyện mỗi ngày!

III.Băng reo: Tập họp vòng tròn.

QT: Cầu nguyện
TC: Cho anh! (Hai tay đang chắp trước ngực, quay người sang trái, tay bung xòe ra, lòng bàn tay ngửa, hướng chỉ về người bên trái).
QT: Cầu nguyện
TC: Cho em! (Hai tay đang chắp trước ngực, quay người sang phải, tay bung xòe ra, lòng bàn tay ngửa, hướng chỉ về người bên phải).
QT: Cầu nguyện
TC: Cho chúng ta! (Hai tay đang chắp, bung xòe ra, lòng bàn tay ngửa, hướng chỉ vào trong (trước mặt) ở chữ “chúng”, rồi hướng chỉ vỗ vào ngực mình ở chữ “ta”).
QT: Cầu nguyện
TC: Cho mọi người! Ahh!! (Hai tay chắp trước ngực, tiến bước vào giữa vòng, tay từ từ đưa lên cao, rồi vung mạnh lên trên, đồng thời nhún chân nhảy cao lên ở chữ “Ahh!!”.
IV. Bài hát-Cử điệu: Bài “Siêng Năng”:
a- Bài hát:
(a) Sáng nghe chuông, (b) em thức dậy đọc kinh dâng ngày, (c) rồi rửa mặt, (d) rồi đánh răng, (đ) lấy áo mặc vô.
(e) Đi tung tăng em bước nhanh chân, (ê) đến nhà bồ em đứng lại liền : (g) “Bồ ơi bồ, (h) dậy đi bồ, (i) dậy ta đi xem lễ bồ ơi!”.
b- Cử điệu:
(a): Đang trong tư thế ngồi giả ngủ ( đầu gục xuống, hai tay ôm đầu), chợt ngẩng đầu lên, tay phải làm động tác che tai như đang lắng nghe tiếng chuông.
(b): Đứng thẳng dậy, rồi chắp hai tay trước ngực như đang cầu nguyện.
(c): Xoa hai bàn tay lên mặt.
(d): Lấy tay phải chà qua chà lại trước miệng, như động tác đánh răng.
(đ): Với hai tay lên trên như lấy áo trên móc, rồi làm động tác trùm áo qua đầu để mặc vào.
(e): Bước nhún nhảy vào trong theo kiểu diễu hành một-hai (đánh tay nọ-chân kia).
(ê): Dừng chân lại, đồng thời tay chỉ chỉ về phía trước.
(g): Bắc hai tay lên miệng làm loa gọi.
(h): Quay sang phải, đập nhe tay vào vai người đứng bên phải.
(i): Quay sang trái, đập nhẹ tay vào vai người đứng bên trái, rồi bước một bước vào trong, hai tay chắp lại trước ngực.
*Lưu ý: Phần nhạc của bài hát này có thể xem ở cuốn “Sổ tay Tông Đồ” của Thiên An-trang 91.
V. Trò chơi: Cùng nhau cầu nguyện.
- Thành phần: Nhiều đội tham gia, số lượng bằng nhau.
- Chuẩn bị:+ Các đội tham gia trò chơi xếp hàng dọc trước vạch xuất phát, song song với nhau, người đứng sau cách người đứng trước khoảng 1.5m-2m.
+Người Quản trò đứng trước các đội, cách vạch xuất phát khoảng 4m-7m và phải chuẩn bị sẵn một, hoặc nhiều lời cầu nguyện với số lượng từ bằng nhau, có thể viết sẵn ra giấy.
+Một cái bảng đen và phấn viết bảng( đặt trước các đội tham gia trò chơi, cách vạch xuất phát khoảng 2m-3m).
- Cách chơi: +Khi nghe hiệu lệnh bắt đầu (bằng khẩu lệnh, hoặc một tiếng còi), người đứng đầu hàng của các đội chạy nhanh về phía Quản trò để nhận tờ giấy đã ghi sẵn lời cầu nguyện của đội mình. Người này phải học thuộc lời cầu nguyện đó tại chỗ, sau đó trả giấy lại cho Quản trò, rồi chạy nhanh về hàng ghé tai đọc thầm lời cầu nguyện cho người xếp thứ hai, người thứ hai chạy xuống đọc thầm cho người thứ ba… cứ như thế cho đến người xếp hàng cuối cùng trong đội. Người này (người cuối hàng) sau khi nhận xong lời cầu nguyện, thì chạy nhanh lên bảng, lấy phấn viết lại lời cầu nguyện của đội mình lên bảng, rồi trở về chỗ chờ kết quả.
+Đội nào viết lại lời cầu nguyện của đội mình lên bảng sớm nhất và chính xác nhất, thì sẽ là đội thắng cuộc.
*Lưu ý: Người Quản trò nên ghi lời cầu nguyện gốc của mỗi đội, bên cạnh lời cầu nguyện đã được các bạn truyền tai nhau và ghi lại trên bảng. Khi đó các bạn sẽ được chứng kiến sự khác biệt giữa bản gốc và bản ghi lại. “ Tam sao thất bổn ” mà!
VI. Thực hành:
- Thiếu nhi siêng năng dự lễ.
- Thiếu nhi quyết tâm đọc kinh hôm, kinh mai cùng với gia đình.
- Thiếu nhi siêng năng viếng Chúa mỗi ngày.

VIII. TẢN MẠN

BIẾT THƯỞNG THỨC TỪNG NGÀY SỐNG

Đã nhiều tuần nay tôi cảm thấy khó chịu rồi, nhưng tôi cứ nghỉ đó chẳng qua là đau lưng mà thôi. Đêm đó tôi thức giấc vào lúc nữa đêm với cảm giác như ai đang đứng trên ngực tôi. Tôi hiểu ngay cơn đau tim kéo đến. Tôi thều thào gọi chồng:
Mau đưa em đi bệnh viện.
Anh an ủi tôi không ngớt:
Em sẽ qua khỏi thôi.
Tôi bật khóc. Chồng tôi đang sợ hải. Còn tôi cũng đang khiếp sợ.
Tại bệnh viện, tôi cầu nguyện xin Chúa đừng để con chết trước khi kịp nói lời từ biệt với các con của con. Jeffrey, con trai út mới lên mười ba, Jason mới vừa mười lăm, nó là một cậu bé tuyệt vời, và Tricia thì sắp làm đám cưới.
Trong khi chụp hình mạch máu xem tắc nghẽn ở đâu thì chồng tôi đi đón các con. Bác sĩ bảo:
Ba trong bốn mạch máu chính đã bị tắc nghẽn.
Tôi oà khóc:
Nhưng tôi mới ba mươi chín tuổi thôi mà.
Bác sĩ giải thích là tôi đã di truyền bệnh tim từ cha tôi. Ông bảo:
Bà cần phải mổ thông động mạch. Nhưng tim của bà đã bị tổn thương quá nặng, bất kỳ một thủ thuật nào cũng có thể.
Tôi run người vì sợ hải. Không phải sợ chết. Mà tôi không can tâm rời bỏ người thân yêu của tôi để họ phải chịu nổi đau mất mát. Trong khi mấy đứa con đang khóc sụt sùi, tôi bảo chúng:
Mẹ có thể không sống được.
Vào những ngày trước khi mổ, chồng tôi sắp xếp đến thăm tôi bất kỳ lúc nào anh có thể, anh cố gượng mỉm cười, nhưng tôi thấy nổi lo sợ hiện rõ trong mắt anh. Các con của tôi đều cố làm ra vẻ bình tỉnh, nhưng không thể che giấu nổi lo sợ trên gương mặt còn quá non trẻ của chúng, trông thật thảm thương tội nghiệp!

Sáng hôm sau tôi được đưa đi mổ, tôi ngắm nhìn mặt trời mọc trên hồ. Một thuyền buôm lướt qua. Tôi cố gắng hình dung cảm giác bình an khi ở trên thuyền ấy. Nhưng giờ mổ càng đến gần thì cảm giác bình an ấy càng bị thay thế bởi nổi khiếp sợ. Sau khi hôn giả biệt chồng và các con thì tôi càng nôn nao thèm sống.

Trước khi được gây mê, tôi thầm cầu nguyện: Nếu Chúa cho con sống với chồng con con thì con sẽ không bỏ phí một giây phút nào trong thời gian sống còn lại của con.

Khi tôi tỉnh lại thì cuộc giải phẩu đã xong. Tôi nắm lấy tay chồng và các con. Bàn tay anh âu yếm làm sao, nụ cười của các con đẹp biết chừng nào. Tôi thầm nghỉ: bây giờ tôi dành hết thời gian sống còn lại để hưởng thụ với chồng con.
Nhưng hai ngày sau thì bác sĩ lại thông báo là tôi có nguy cơ bị tắc nghẽn mạch máu tiếp, mà tim tôi thì không thể chịu nổi mổ lần nữa. Ông bảo:
Tôi rất tiếc. Cuộc mổ vừa rồi chỉ có thể giúp cho bà sống thêm khoảng sáu năm.
Sáu năm! Chỉ bằng cái chớp mắt! Họng tôi thắt lại và tôi không còn thở nổi nữa.

Nhưng tôi cũng nhớ lại: sáu năm là điều mà tôi đã cầu xin. Tôi sẽ có thêm thời gian sống với gia đình. Chúa đã nhậm lời tôi trong cuộc ngả giá. Bây giờ đến lượt tôi, tôi cũng sẽ giữ lời và sẽ sống hết mình cho xứng đáng với những giây phút còn lại được ban cho. Vì thế mà tôi tôn vinh sự sống trong mọi sinh hoạt thường ngày của mình.
Rồi mốc sáu năm đã gần đến, những cơn đau tim lại tái phát. Các bác sĩ bảo:
Chúng tôi không thể làm gì hơn.
Thế là nổi sợ hải quen thuộc lại tràn ngập lòng tôi. Làm sao tôi có thể nghĩ là sau sáu năm gia đình tôi có thể sẳn sàng cho tôi ra đi được. Sáu năm, mười năm, hai mươi năm …! Biết chừng nào là đủ? Tôi quyết tâm giữ mạng sống của mình. Vì vậy tôi bắt đầu đọc sách về dinh dưỡng và suy nghĩ tích cực. Tôi nguyện tôi sẽ sống.
Có thể đó là quà trời cho cùng với sức mạnh ý chí của tôi. Thế rồi tôi sống thêm được hai năm nữa sau kỳ hạn sáu năm đó. Và sức khỏe tôi đã tốt hơn ước đoán.
Tôi tiếp tục quý từng buổi sáng ngày mới; tôi lại cám ơn tất cả những gì xãy ra trong ngày, đơn giản hay tuyệt diệu, ngay cả bực bội.
Tôi vẫn biết sẽ có ngày mặt trời mọc mà không có tôi. Tôi khóc khi nghĩ là có thể tôi sẽ không sống đến ngày mà cháu gái tôi được rước lễ lần đầu. Nhưng Chúa đã ban cho tôi nhiều hơn điều tôi xin rồi. Và tôi đã hiểu được mỗi khoảnh khắc của cuộc sống đáng quý biết chừng nào! (lược dịch từ internet)

IX. NGHỆ THUẬT SỐNG

KHÔNG BAO GIỜ QUÁ TRỂ

Ngày đầu tiên ở trường, vị giáo sư dạy lớp Vật lý chúng tôi đố chúng tôi tìm xem trong lớp có gì lạ. Tôi đứng lên và nhìn quanh, đang như thế thì có một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai tôi. Tôi quay lại và thấy một bà già nhỏ bé, nhăn nheo đang mỉm cười, một nụ cười bừng sáng.
Bà nói: “Chào cậu trai. Tôi tên là Rose. Tôi tám mươi mốt tuổi. Tôi bắt tay cậu một cái được không?”
Tôi cười to và vui vẻ đáp lại: “Dĩ nhiên rồi!” và thế là bà cụ bắt tay tôi một cái thật chặt.
Tôi đùa: “Sao bà còn đi học ở cái tuổi quá ngây thơ này?”
Bà cũng đùa lại: “Tôi tới đây để tìm một ông chồng giàu có, làm đám cưới, có thêm vài đứa nhóc, rồi nghỉ hưu và đi du lịch”.
“Bà hài hước thật!”. Tôi thật sự tò mò muốn biết cái gì thúc đẩy bà cụ đi thử sức vào cái tuổi này.
“Tôi luôn luôn mơ ước đi học đại học, và bây giờ được đi học đây”, bà cụ nói.
Từ đó về sau, tôi luôn luôn thích thú lắng nghe những câu chuyện của “cổ máy thời gian” này, nghe bà chia sẻ những kinh nghiệm và những triết lý thâm thúy về cuộc đời.
Trong năm học đó, bà Rose đã trở thành biểu tượng của trường tôi. Bà kết bạn ở bất cứ nơi nào bà đến chơi.
“Cuối học kỳ, chúng tôi mời bà Rose đến nói chuyện với chúng tôi. Bà nói cách trang trọng: “Chúng ta không nên ngừng hoạt động chỉ vì chúng ta già; chúng ta trở nên già vì chúng ta ngừng hoạt động”. Có bốn bí quyết để được trẻ, được hạnh phúc và đạt được thành công. Đó là:
Bạn phải cười và tìm thấy một chuyện vui hài hước mỗi ngày, Bạn phải có một giấc mơ cho mình. Khi không còn mơ mộng gì nữa, ấy là bạn đã chết.
Có một sự khác biệt lớn lao giữa già đi và trưởng thành. Ai cũng phải già đi. Không cần tài năng, không cần năng lực gì, bạn cũng già đi được. Trong khi đó, bạn sẽ trưởng thành, nếu biết tìm ra trong sự thay đổi những cơ hội để trải nghiệm.
Cuối cùng, không hối tiếc. Bọn lớn tuổi chúng tôi thường không tiếc những gì mình đã làm, mà chúng tôi chỉ tiếc cho những gì mình chưa làm. Chỉ những người còn mang nhiều hối tiếc mới là người sợ chết.

Rồi một ngày cuối năm, trước lễ tốt nghiệp chừng một tuần, bà Rose ra đi thanh thản sau một giấc ngủ dài. Hơn hai ngàn sinh viên của trường đã đến dự đám tang của bà cụ , bạn đồng môn đã dạy cho mọi người bài học: Không bao giờ là quá trể để thực hiện điều mình ao ước. (dịch từ internet)

1410    19-04-2012 09:15:04