Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Gia Đình Là Cộng Đoàn Truyền Giáo - Tháng 04 năm 2003

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH LÀ CỘNG ĐOÀN TRUYỀN GIÁO

I. ĐỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 54

Ngay từ bên trong gia đình cũng đã có thể chu toàn được một hình thức hoạt động thừa sai nào đó. Như khi một phần tử nào đó trong gia đình không có đức tin hoặc không sống phù hợp với đức tin. Lúc đó, những phần tử khác trong gia đình phải đem lại cho người ấy một chứng tích sống động về đức tin của họ, để có thể thúc đẩy và nâng đỡ người ấy trên con đường tiến tới chổ gắn bó trọn vẹn với Đức Kitô Cứu Thế.

Được tinh thần thừa sai linh động ngay từ bên trong, Hội Thánh tại gia được mời gọi để trở nên một dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của Đức Kitô cũng như tình yêu của Người dành cho "những kẻ ở xa", cho gia đình chưa tin và cả cho những gia đình Kitô hữu không còn sống phù hợp với đức tin đã lãnh nhận. Hội Thánh tại gia được mời gọi "dùng gương sáng và lời chứng" để soi sáng cho "những người đang tìm kiếm chân lý".

Các gia đình Kitô hữu còn góp một phần đặc thù cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh, bằng cách vun trồng các ơn gọi thừa sai nơi các con trai, con gái của họ, và tổng quát hơn, bằng công việc "dạy cho con cái ngay từ khi còn thơ ấu biết nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người".

II. Ý CHÍNH FAMILIARIS SỐ 51- 54

GIA ĐÌNH KITÔ HỮU, CỘNG ĐOÀN TIN VÀ RAO GIẢNG TIN MỪNG.

Gia đình Kitô hữu dự phần vào sự sống và sứ mạng của Hội Thánh, mà Hội Thánh thì lắng nghe Lời Thiên Chúa và công bố Lời ấy với lòng tin cậy mãnh liệt; nên gia đình trở nên một cộng đồng tin và rao giảng Tin Mừng.

Khám Phá Ý Định Của Thiên Chúa Về Gia Đình

Nhờ đức tin mà gia đình Kitô hữu khám phá ra giá trị của hôn nhân như là dấu chỉ tình yêu mà Chúa Kitô yêu Hội Thánh người, lần lượt qua các giai đoạn :

- Giai đoạn chuẩn bị: Giai đoạn này đã mang tính chất một hành trình đức tin. Nhờ bí tích Thánh Tẩy và nhờ nền giáo dục Kitô giáo, họ tự nguyện đón nhận ơn gọi sống theo gương Đức Kitô và phục vụ Nước Thiên Chúa trong bậc sống hôn nhân.

- Lúc cử hành bí tích Hôn nhân là lúc quyết liệt họ bày tỏ đức tin trong tư thế là đôi bạn. Việc cử hành Bí tích tích hôn nhân tự nó là việc công bố Lời Chúa nên những người cử hành Bí tích nầy phải biến nó thành một việc tuyên xưng đức tin trong Hội Thánh và cùng với Hội Thánh, tức là cộng đoàn tín hữu.

- Việc tuyên xưng đức tin nầy đòi hỏi kéo dài suốt cuộc đời của đôi bạn và gia đình. Trong và qua các biến cố thường ngày của cuộc sống gia đình, Thiên Chúa mời gọi họ dự phần vào tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh qua những hoàn cảnh đặc biệt mà họ đang sống.

Khám phá ý định của Thiên Chúa và vâng phục ý định ấy là hai việc phải được thực hiện cùng lúc trong đời sống hôn nhân và gia đình. Do đó, Hội Thánh tại gia cần được Tin Mừng hoá liên tục và sâu đậm. Từ đó, phát sinh bổn phận phải giáo dục gia đình liên tục trong đức tin.

Nhiệm Vụ Phúc Âm Hoá Gia Đình

Tuỳ mức độ gia đình Kitô hữu đón nhận Tin Mừng và trưởng thành trong đức tin, mà gia đình trở nên một cộng đồng được Phúc Âm hoá .

Cha mẹ chẳng những truyền thụ Tin Mừng cho con cái mà còn có thể nhận lại chính Tin Mừng ấy đã được sống sâu sắc từ phía con cái. Một gia đình như thế có sức Tin Mừng hoá nhiều gia đình khác và cả môi trường chung quanh.

Tương lai của việc Tin Mừng hoá tuỳ thuộc phần lớn nơi Hội Thánh tại gia. Nhờ Bí tích Rửa tội và Bí tích Hôn Phối, gia đình nhận thêm sức sống mới để truyền đạt đức tin, thánh hoá và biến đỗi xã hội hiện tại theo ý định của Thiên Chúa.

Ý thức tầm quan trọng nầy của gia đình, Hội Thánh cho rằng việc dạy giáo lý tại gia là cần thiết tuyệt đối, nhất là ở những nơi mà việc dạy giáo lý ở những nơi công cộng không thể thực hiện được.

Việc Phục Vụ Mang Tính Hội Thánh

Việc phục vụ mà đôi bạn và cha mẹ Kitô hữu chu toàn vì lợi ích của Tin Mừng, là việc phục vụ có tính cách Hội Thánh, hay đúng hơn, nằm trong khuôn khổ của toàn thể Hội Thánh.

Truyền giáo là sự mạng độc nhất của Hội Thánh nhằm xây dựng thân thể Chúa Kitô, nên gia đình phải luôn hiệp nhất và hoà nhịp với Hội Thánh, giáo phận hoặc giáo xứ, trong tất cả những gì liên quan tới Phúc Âm hoá và giáo lý.

Thừa tác vụ Phúc Âm hoá của bậc cha mẹ Kitô hữu có tính cách độc đáo và không thể thay thế được. Nó có tính cách đặc thù của đời sống gia đình nghĩa là được dệt bằng tình yêu, sự giản dị, sự dấn thân cụ thể và việc làm chứng thường ngày.

Gia đình chuẩn bị cho con cái vào đời và giúp mỗi người con biết chu toàn bổn phận theo ơn gọi riêng của mình. Nếu trong gia đình, có những người được Chúa kêu gọi sống đời tận hiến, gia đình là chủng viện đầu tiên nuôi dưỡng ơn gọi ấy.

Cha mẹ thi hành thừa tác vụ Phúc Âm hoá và dạy giáo lý cho con cái suốt cả đời chúng, chứ không chỉ dùng lại ở tuổi thiếu niên. Giống như các tông đồ trong Hội Thánh, cha mẹ cũng gặp nhiều vất vả và khó khăn khi Phúc Âm hoá chính con cái mình, nên họ cần phải rất can đảm và hết sức bình tâm để vượt qua các thử thách ấy.

Rao Giảng Tin Mừng Cho Mọi Thọ Tạo

Mệnh lệnh tỏ tường của Đức Kitô: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho tất cả loài người (Mc 16, 15). Đáp lại lệnh truyền ấy, công việc Phúc Âm hoá của Hội Thánh cũng như của gia đình Kitô hữu mang tính đại đồng, không ranh giới.

Bổn phận bảo vệ và truyền bá đức tin bắt nguồn nơi bí tích Thanh tẩy và Thêm sức. Còn Bí tích Hôn Phối biến họ thành những nhà thừa sai thực sự của tình yêu và sự sống.

Rao Giảng Tin Mừng Từ Gần Đến Xa

Các phần tử trong gia đình Phúc Âm hoá cho nhau. Trường hợp gia đình có người chưa có đức tin hoặc đã chối bỏ đức tin, các phần tử khác càng cần chứng tỏ cho người ấy thấy chứng tá đức tin sống động của mình để nâng đỡ và thúc đẩy người ấy tiến đến chổ gắn bó trọn vẹn với Đức Kitô.

Đối với những gia đình chưa tin hoặc những gia đình Kitô hữu không còn sống phù hợp với đức tin, cũng như những người đang tìm kiếm chân lý, gia đình Kitô hữu được mời gọi dùng gương sáng và lời chứng để soi sáng, để trở nên dấu hiệu về sự hiện diện của Đức Kitô và của Người.

Gương thừa sai của vợ chồng A-qui-la và Pơ-rít-ki-la đã có ngay từ thời Hội Thánh sơ khai (Cv 18; Rm 16, 3-4). Ngày nay, nhiều gia đình Kitô hữu tình nguyện đến phục vụ ở những miền truyền giáo một thời gian ngắn hoặc dài .

Sự đóng góp cụ thể của gia đình Kitô hữu cho cuộc truyền giáo của Hội Thánh, đó là lo dạy cho con cái ngay từ khi còn thơ ấu nhận biết tình thương yêu của Thiên Chúa đối với hết mọi gười (TĐ, 30) và vun trồng các ơn gọi thừa sai nơi con cái.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

GẦN MỰC THÌ ĐEN, GẦN ĐÈN THÌ SÁNG

Gương sáng trong cuộc sống của chúng ta chính là cái khuôn đúc nên con cái chúng ta. Gương sáng đóng vai trò lớn trong việc nuôi dạy con cái trong niềm tin. Tiền nhân vẫn thường nói:
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng
Hoặc:
Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.

Nếu muốn con cái mình nên người Công giáo mẫu mực, chính chúng ta phải sống đời Công Giáo mẫu mực. Bert Ghezzi một văn sĩ chiêm niệm Công Giáo trong tác phẩm "Là Người Công Giáo Hôm Nay" (Being Catholic Today, Servant Publication) đã thú nhận: Tôi nghĩ tôi là người Công Giáo hôm nay phần lớn là do ảnh hưởng từ bà mẹ góa của tôi, một người mà đời sống Kitô hữu của bà bao giờ cũng được đặt lên hàng ưu tiên.

Trong suốt hai thập niên, tôi nhìn bà quì cầu nguyện mỗi đêm, tôi đi dự lễ với bà mỗi Chúa Nhật và cùng bà cầu nguyện mỗi ngày trước khi dùng bữa. Những điều đó tôi không hẳn giống được như bà nhưng ít nhất nó đã làm nền tảng cho cuộc đời Kitô hữu của tôi hôm nay.

Làm gương sáng không có nghĩa chúng ta phải là một Kitô hữu toàn hảo, nhưng hãy cố gắng hết sức có thể và hãy nói với con trẻ về điều ấy bằng chính những ngôn từ của chúng ta.

Nói như thế thì chúng ta phải làm gì? Những điều cơ bản của cuộc sống Công giáo như: Cầu nguyện, học hỏi, đời sống cộng đồng và phục vụ. Nếu chúng ta dấn thân thực sự vào những điều thiết yếu này trong cuộc sống chính là chúng ta đang chỉ cho con em mình cách làm thế nào để trở nên người Công giáo:

Cầu nguyện: Tận đáy lòng của người Công giáo là sự liện hệ mật thiết với Thiên Chúa và con đường chính yếu để chúng ta cảm nghiệm và phát triển sự kết hợp với Ngài là cầu nguyện.

Cầu nguyện ở đây không chỉ là quì hàng giờ trước thánh thể, trong đêm tối để đọc kinh, lần hạt nhưng phải hiểu là bao gồm nhiều hình thức sinh hoạt khác trong đó: Chúng ta dự lễ với cả gia đình tại nhà thờ giáo xứ; chúng ta phát triển mối liên hệ mật thiết với Chúa qua việc năng lãnh nhận các bí tích; chúng ta quây quần cả gia đình để đọc kinh tối chung và cùng cầu nguyện với nhau; chúng ta năng cầu nguyện riêng với Chúa . Con cái chúng ta cần chia sẻ kinh nghiệm cầu nguyện của chúng ta qua những cách thế này.

Học hỏi: Sống đời người Công giáo là chấp nhận mình là học trò suốt đời bởi "chẳng có ai dám tự phụ mình đang bước đi trên con đường đại học về nhân đức" (Augustinô). Chúng ta và con cái phải thường xuyên trau dồi kiến thức về Thiên Chúa và niềm tin vào Ngài qua việc năng đọc Kinh Thánh và các sách báo Công giáo.

Học để sống đạo và học để mở lòng mình ra cho Sự Thật. "Ta là đường, là sự thật và là sự sống" (Yn 14, 6). Ít nhất chúng ta hãy đọc và suy niệm Kinh Thánh mỗi ngày một lần dù là một đoạn ngắn. Không đọc và suy niệm Kinh Thánh, cuộc đời người Kitô hữu lúc nào cũng sẽ chỉ ở mức độ chậm phát triển.

Đời sống cộng đồng: Chính Đức Kitô đã thiết lập cộng đồng khởi đi từ nhóm 12 để chúng ta có thể đón nhận đời sống Kitô hữu của mình từ cộng đồng những người tin và được thông phần vào đời sống thần linh của Ngài. Chúng ta gọi là cộng đồng Kitô, cộng đồng đức tin và chúng ta cảm nghiệm điều này từ giáo xứ.

Sự năng động tham gia vào các sinh hoạt của Giáo Hội cho phép chúng ta nâng đỡ tha nhân trong đức tin đồng thời cũng đón nhận được sức mạnh niềm tin từ người khác. Vì thế nếu chúng ta muốn con cái chúng ta tăng trưởng trong niềm tin Công giáo thì chính chúng ta và chúng phải tích cực tham gia vào đời sống trong gia đình Thiên Chúa tại địa phương bao nhiêu có thể.

Phục vụ: Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội như là một sự trao đổi quà tặng. Tất cả các thành viên trong Giáo Hội phải sử dụng quà tặng mình đón nhận được từ Thiên Chúa để phục vụ tha nhân. Quà tặng ở đây chính là tài năng, là thời giờ, là của cải… Hãy đến với tha nhân khi họ cần đến ta. Lòng bác ái chính là cốt lõi của đạo Công Giáo. Cũng chính cách thể hiện tình yêu này sẽ lôi kéo những kẻ không tin vào Đức Kitô về với Ngài. Như vậy để thành người Công giáo đích danh, chúng ta và con cái mình phải dấn thân trong việc thực thi bác ái cho tha nhân, những người hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp, đồng môn và nhất là những người nghèo khó. Đừng chờ họ đến với ta nhưng hãy tình nguyện đến với họ.

Nếu chúng ta và tất cả những người Công giáo cùng làm những điều này thì một ngày kia khi ngắm mình trong gương, chúng ta có lẽ sẽ thấy mình ngày một nên giống Chúa hơn nhiều. (Trích dongcong.net).

1. Gia đình là cộng đoàn truyền giáo

Cụm từ "Phúc âm hóa", "Rao giảng Phúc Âm", "Loan báo Tin Mừng"cùng đồng nghĩa với từ "Truyền giáo" mà ngôn ngữ Phương Tây gọi là "Evangelisation". Vậy, một cách đơn giản chúng ta có thể hiểu "Phúc Âm hóa" là làm cho con người và cơ chế (của Giáo hội cũng như xã hội) thấm nhuần tinh thần Phúc Âm.

Ngôi Hai nhập thể làm người, chịu chết trên thập giá và phục sinh là để cứu chuộc nhân loại bằng cách giải hòa con người với Thiên Chúa và đem ơn tha thứ của Thiên Chúa đến cho con người. Nhưng kế hoạch cứu độ ấy còn bao hàm việc làm cho cả thế giới và vũ trụ này trở nên Vương quốc của Thiên Chúa là Vương quốc của Công lý và Tình thương. Như thế Phúc âm hóa còn có nghĩa là biến đổi xã hội và thay đổi con người, chứ không chỉ giới hạn trong việc làm cho người ta gia nhập đạo mà thôi.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II xác định: "Gia đình Kitô hữu được mời gọi góp phần tích cực và có trách nhiệm vào sứ mạng của Giáo hội với một tư thế riêng biệt và độc đáo, bằng cách tự đặt mình phục vụ Giáo hội và xã hội cả trong yếu tính lẫn trong hành động của mình, với tư cách là một cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu" ( ĐSGĐ số 50)

Việc truyền giáo bắt đầu từ gia đình vì "cha mẹ chính là những nhà giáo đầu tiên; sách giáo khoa đầu tiên chính là những quan hệ trong gia đình, giữa cha mẹ với nhau, giữa cha mẹ với con cái, giữa gia đình này với gia đình khác" và "những bài học đầu tiên về cầu nguyện, về mến Chúa yêu người đều được học và được dạy trong gia đình" (xem Thư Chung Hội đồng Giám MụcViệt Nam năm 1998, trích dẫn Tông huấn Giáo hội tại Á châu, số 7)

Do đó, gia đình cần phải ý thức mạnh mẽ và sâu sắc về vai trò và trách nhiệm truyền giáo của mình. Vai trò và trách nhiệm ấy, một đàng do chính Thiên Chúa đã trao cho gia đình khi đặt gia đình là nguồn gốc và nền tảng của xã hội, đàng khác được Giáo hội cậy nhờ vì không có gia đình, Giáo Hội không thể thâm nhập vào môi trường đặc biệt này và biến nó thành tác nhân của công cuộc Phúc âm hóa. Mỗi thành viên và cả gia đình phải tạo ý thức cho mình và cho nhau bằng việc lắng nghe Lời Chúa, học hỏi giáo lý và quan tâm đến nhu cầu của những người chung quanh, nhất là của người nghèo.

Đồng thời, gia đình phải mỗi ngày một đón nhận Tin Mừng sâu sắc hơn và trưởng thành hơn trong đời sống đức tin, để được phúc âm hóa và có sức Phúc âm hóa người khác nhiều hơn, như Đức Thánh Cha Phaolô VI và Gioan Phaolô II nhấn mạnh: "Tùy mức độ gia đình Kitô hữu đón nhận Tin Mừng và trưởng thành trong đức tin mà nó trở thành một cộng đồng Phúc âm hóa". Chúng ta hãy nghe lại lời của Đức Phaolô VI:"...Cũng như Giáo hội, gia đình có nghĩa vụ tạo môi trường cho Tin Mừng được truyền đạt tới và từ đó Tin Mừng được lan tỏa ra. Vậy trong một gia đình ý thức về sứ mạng này, mọi phần tử gia đình đều Phúc âm hóa và đều được Tin Mừng hóa. Cha mẹ chẳng những truyền thụ Tin Mừng cho con cái mà còn có thể nhận lại chính Tin Mừng ấy đã được sống sâu sắc từ phía con cái. Và một gia đình như thế sẽ có sức Tin Mừng hóa nhiều gia đình khác và cả môi trường chung quanh " (Tông huấn Loan báo Tin Mừng, 71; ĐSGĐ, 52).

2. Truyền giáo trong gia đình.

Tập họp trong nhà Tiệc Ly, các Tông đồ đã cầu nguyện với nhau và giúp nhau đón nhận Chúa Thánh Thần. Là Nhà Tiệc Ly mới, gia đình là môi trường đầu tiên cho việc truyền giáo, như Công Đồng Vaticanô II dạy : "Những đôi vợ chồng Kitô giáo là những người cộng tác với ơn thánh và là nhân chứng đức tin đối với nhau, cũng như đối với con cái và những phần từ khác trong gia đình của họ. Chính họ là những người đầu tiên phải rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái họ. Bằng lời nói và gương sáng, họ huấn luyện con cái sống đời Kitô giáo và làm việc tông đồ" (TG số 11).

Đức Phaolô VI trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng cũng đã dạy : "Cha mẹ chẳng những truyền thụ Tin Mừng cho con cái mà còn có thể nhận lại chính Tin Mừng ấy đã được sống sâu sắc từ phía con cái. Và một Tin Mừng nhu thế sẽ có sức thánh hoá nhiều gia đình khác và cả môi trường chung quanh" (LBTM số 71; ĐSGĐ số 52).

Vậy, bổn phận của cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái là : "Các cha mẹ Kitô hữu có bổn phận đặc biệt phải giáo dục cho con cái họ biết cầu nguyện, phải đưa chúng tới chỗ dần dần khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa và đối thoại cá nhân với Ngài... ; trẻ em phải được dạy dỗ để nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân, theo như đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội" (Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, 3; ĐSGĐ, 60).

Môi trường đầu tiên của việc tông đồ chính là gia đình của mỗi người. Kinh nghiệm cho thấy nhiều đôi vợ chồng đã giúp nhau nên thánh và thánh hoá gia đình như : cha mẹ của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, mẹ của thánh Don Boscô, mẹ của thánh Augustinô... Gia đình của mỗi Kitô hữu chúng ta cũng sẽ thành công trong việc thánh hoá nầy, nếu mọi người đều ý thức rằng gia đình mình là một nhà Tiệc Ly, nghĩa là nơi mà mọi người theo gương các Tông đồ, biết đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với Đức Maria (x. Cv 1, 14), được đầy Chúa Thánh Thần (x. Cv 2, 4), và mạnh mẽ tuyên xưng Chúa Kitô Phục Sinh (x. Cv 2, 14).

Chuyên cần cầu nguyện là yếu tố hàng đầu để tự thánh hoá chính mình và thánh hoá gia đình. Chúa Giêsu thường dành thời giờ để cầu nguyện, theo gương Ngài, chúng ta cũng phải gạt những bận rộn sang một bên để dành thời giờ cầu nguyện. Chúng ta cần có những lúc riêng tư đối diện với Thiên Chúa, để thờ phượng, cảm tạ, xin lỗi và phó thác những nhu cầu của chúng ta cho Chúa. Và Thiên Chúa cũng cần gặp gỡ riêng tư với chúng ta để Người canh tân, tha thứ, dạy dỗ, sửa sai, và hướng dẫn chúng ta.

Giữa bề bộn công việc thường ngày, ta cần phải quyết tâm vạch ra một thời khoá biểu hẳn hoi dành cho việc cầu nguyện, có thể như sau :

- Quyết tâm dành thời giờ cầu nguyện riêng tư với Chúa. Nếu không quyết tâm, chúng ta sẽ không bao giờ thi hành.

- Dành quãng thời gian tốt nhất cho Chúa. Hãy nhận ra lúc nào tốt nhất và dành thời giờ đó cho việc cầu nguyện. Thời gian cầu nguyện tốt nhất của tôi là buổi sáng. Tuy nhiên, chồng tôi lại thích cầu nguyện vào buổi tối...v.v..

- Sắp xếp để tối thiểu có được 10 hay 15 phút cầu nguyện. Có thể điều đó không luôn luôn thực hiện được với các cha mẹ có con còn nhỏ, nhưng hãy cố gắng tối đa, và đừng cảm thấy mặc cảm tội lỗi nếu luôn luôn bị gián đoạn. Có thể chờ các con đã đi ngủ, hoặc thức dậy sớm hơn để cầu nguyện.

- Tìm một nơi để cầu nguyện cách thoải mái và không bị gián đoạn: nơi chiếc ghế bành yêu thích nhất trong phòng khách, hoặc trên đường đi chợ, đến sở làm, hay trên đường về một mình tĩnh lặng...

- Cầu Nguyện Lớn Tiếng. Cha mẹ cần dạy cho con cái cầu nguyện lớn tiếng trước khi ăn nhất là trước khi chúng đi ngũ và tốt nhất là đọc kinh tối chung với nhau trong gia đình, trong đó có việc đọc một đoạn Lời Chúa ngắn...hoặc khi bắt đầu làm một công việc quan trọng nào đó, dạy trẻ lớn tiếng cầu nguyện với Chúa cho công việc hay cuộc đi chơi được hoàn thành tốt đẹp.

- Hãy Thú Nhận là Chúng Ta cần đến Chúa

Khi gặp một tai nạn bên đường hoặc khi nghe tiếng cứu thương hụ còi inh ỏi, khi nghe chuông báo tử, hãy tự nhiên lớn tiếng cầu nguyện với con cái, "Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp đỡ cho những người ấy và xin Chúa ban sức mạnh cho họ." Nếu bạn thi hành điều này thường xuyên, con cái bạn sẽ bắt chước. Hãy nói cho chúng biết người bị tai nạn thì đau khổ biết chừng nào và họ cần được Thiên Chúa an ủi.

Cầu nguyện là nói chuyện với Thiên Chúa, do đo, cần bắt đầu sự cầu nguyện bằng cách chú ý đến sự hiện diện của Thiên Chúa và xin Ngài giúp bạn cầu nguyện cách sốt sắng. Sau đó, làm bất điều cứ gì để mở lòng ra cho Chúa, dù đọc kinh hay lần chuỗi. Hãy dùng sách cầu nguyện. Ðọc một đoạn Sách Thánh và suy nghĩ về đoạn ấy. Ðọc một đoạn thánh vịnh. Hát một bài thánh ca. Nói với Chúa bằng chính ngôn từ của mình. Và luôn luôn dành thời giờ trong thinh lặng, để Chúa nói với bạn và hành động trong con người bạn

3. Truyền giáo qua gia đình.

Nhà Tiệc Ly là tế bào đầu tiên của Giáo Hội truyền giáo, vì từ đây đã phát xuất nhóm chứng nhân đầu tiên của Đức Kitô Phục sinh. Gia đình không chỉ truyền giáo cho nhau, mà còn phải là công cụ truyền giáo cho Giáo Hội nữa. Công Đồng Vaticanô II dạy :

"Tất cả những việc ngày xưa, vốn là bổn phận vợ chồng, thì ngày nay còn phải coi là phần quan trọng nhất của việc tông đồ. Đó là phải biểu lộ và chứng minh bằng đời sống, tính cách bất phân ly và sự thánh thiện của dây hôn phối...Gia đình sẽ chu toàn bổn phận đó, nếu gia đình tõ ra như một đền thờ của Giáo Hội tại gia, nhở yêu thương nhau và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, cùng nhau tham dự phụng vụ của Giáo Hội, sau cùng, nếu gia đình cổ võ đức công bằng cũng như những việc thiện khác giúp các anh chị em đang túng thiếu" (TĐ số 11).

Gia đình thể hiện việc truyền giáo khi biểu lộ và sống thánh thiện và sự bất khả phân ly của tình yêu hôn phối, nghĩa là vợ chồng sống vĩnh viễn trung thành yêu thương nhau, tôn trọng lẫn nhau, ăn ở lương thiện, đạo đức và gương mẫu trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái.

Đồng thời gia đình phải gương mẫu trong đời sống cầu nguyện, được thể hiện trong giờ kinh gia đình, giờ mà mọi người tham dự cách ý thức, linh động và hữu hiệu (x. PV số 11) cũng như sốt sắng tham dự việc phụng vụ trong nơi Họ Đạo.

Sau hết, gia đình truyền giáo bằng gương yêu thương và công bằng là hai nhân đức căn bản trong đời sống xã hội. Đức Gioan XXIII đã khuyên chúng ta lấy chân lý làm nền tảng, công bằng làm quy tắc, bac ái làm động lực và tự do làm bầu khí cho mọi giao tiếp trong đời sống hằng ngày (X. Thông Điệp Hoà Bình trên thế giới số 82).

Do ý định của Thiên Chúa, gia đình, tế bào đầu tiên của Giáo Hội và xã hội không chỉ phải lo truyền giáo cho chính mình, mà còn phải làm sao bằng đời sống Kitô hữu tốt đẹp của mình, giới thiệu Chúa cho các gia đình khác để họ cũng khám phá ra lòng yêu thương cứu chuộc mà Thiên Chúa dành để cho mọi người.

Xin Chúa giúp gia đình chúng con, bằng đời sống cầu nguyện và chuyên cần học hỏi giáo lý, thấm nhuần đời sống đức tin, để qua gia đình chúng con, mọi người nhận biết và tôn thờ Chúa, để Nước Chúa được vinh sáng.

IV. HỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 54

Các gia đình Kitô hữu còn góp một phần đặc thù cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh...bằng việc "dạy cho con cái ngay từ khi còn thơ ấu biết nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người".

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

1. GỢI Ý SÁM HỐI.
Con đã quên bổn phận truyền giáo, ngay từ trong gia đình mình. Xin Chúa thương xót con.
Con đã không làm gương sáng sống đạo đức cho nhau trong gia đình. Xin Chúa thương xót con.
Con đã không nói về Chúa, không dạy đạo cho nhau trong gia đình. Xin Chúa thương xót con.
Con chưa xây dựng gia đình có một nề nếp thờ phượng Chúa. Xin Chúa thương xót con.

2. LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Những lần Chúa Giêsu sai các môn đệ đi thực tập rao giảng Tin Mừng, Chúa bảo các ông "trước tiên hãy đến với con cái Israel ". Như vậy, Chúa cũng muốn chúng ta rao giảng Tin Mừng trước tiên, cho những người trong gia đình mình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình Kitô-hữu, trở thành trung tâm truyền giáo:

- Hội Thánh luôn ý thức mình có bổn phận truyền giáo. Gia đình là một hội thánh thu nhỏ. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình Kitô-hữu, cũng luôn ý thức sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho mọi thành phần trong gia đình mình.

- Chúa Giêsu phán: "Tiên vàn hãy lo việc Nước Chúa". Bậc làm cha mẹ có bổn phận nuôi dạy con cái, cả về phần xác lẫn về phần hồn. Chúng ta cầu nguyện cho các bậc làm cha mẹ trong gia đình, biết chăm lo cho con cái mình được hiểu biết giáo lý đạo Chúa.

- Con cái có bổn phận vâng lời và giúp đỡ cha mẹ. Chúng ta cầu nguyện cho các bậc làm con, luôn vâng lời cha mẹ trong những điều hợp lẽ đạo, và cũng biết giúp đỡ cha mẹ trung thành thờ phượng Chúa, lãnh các bí tích và luôn vâng theo thánh ý Chúa.

- Là vợ chồng, hay là anh chị em trong gia đình, đều có bổn phận thương yêu và giúp đỡ nhau. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong gia đình đều biết yêu thương, chăm sóc cho nhau, giúp đỡ nhau đến lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa Cứu thế.

- Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình trong họ đạo chúng ta, chọn Thánh Gia Thất làm gương mẫu, quen sum họp trước bàn thờ Chúa để đọc kinh chung, - năng cùng chia sẻ một sức sống của bí tích Thánh Thể Chúa, và góp phần làm cho Danh Chúa được cả sáng.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu là Chúa cứu chuộc chúng con, Chúa dạy chúng con phải loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Chúng con nài xin Chúa nhậm lời chúng con nguyện, tuôn đổ Thánh Thần xuống trong gia đình chúng con, liên kết chúng con trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, và làm cho nếp sống gia đình chúng con thành "Ánh sáng Phục Sinh" của Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

GIA ĐÌNH LÀ CỘNG ĐOÀN TRUYỀN GIÁO

Khi nói đến truyền giáo, chúng ta thường nghĩ đó là sứ mạng của các Thừa sai hoặc của các linh mục tu sĩ, chớ không phải của người Kitô hữu. Nhưng không phải thế, đây là sứ mạng hàng đầu mà Chúa Kitô trao cho Giáo hội khi căn dặn các Tông đồ trước khi về trời : "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em." (Mt 28,19 ; x. Mc 16,13).

Phải, những kẻ tin và chịu phép rửa đều trở thành môn đệ của Chúa Kitô. Và sứ mạng của người môn đệ thì phải rao giảng. Chúng ta là môn đệ của Chúa vì đã chịu phép rửa. Do đó bổn phận rao giảng là của chính chúng ta. Vậy chúng ta phải rao giảng như thế nào đây? Xin đề nghị bằng hai cách thế mà Đức Thánh cha đã đưa ra:

1. Truyền giáo chính trong môi trường sống của gia đình mình.

Trong Tông huấn Giáo hội tại Á châu Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định: "Hiện nay, các gia đình người Kitô hữu đang được mời gọi để làm chứng cho Tin mừng trong những thời thế và hoàn cảnh khó khăn, mà chính bản thân gia đình cũng đang bị biết bao nhiêu lực lượng đe dọa. Gia đình Kitô hữu muốn là tác nhân của truyền giáo trong một thời đại như thế thì cần phải thực sự là một "Giáo hội tại gia", sống trọn ơn gọi Kitô hữu của mình một cách khiêm tốn và đầy yêu thương." (Tông huấn GH tại Á châu số 46,1).

Đi vào chi tiết, Đức Thánh Cha kêu gọi các gia đình " làm chứng cho Tin mừng có nghĩa là gia đình cần phải tham gia tích cực vào đời sống giáo xứ, tham dự các Bí

tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Sám hối, dấn thân phục vụ nguời khác." Và Đức Thánh cha nói tiếp "các bậc cha mẹ phải cố gắng biến những giây phút cả gia đình thành cơ hội để cầu nguyện, để học và suy niệm Kinh thánh, để cha mẹ chủ sự các nghi lễ thích hợp, và để giải trí lành mạnh." (Tông huấn GH tại Á châu số 46,2).

2. Truyền giáo là công bố ơn tha thứ

Đây là đề tựa Tông thư của Đức Gioan Phaolô II gửi cho toàn thể Giáo Hội nhân ngày Truyền giáo ngày 20 tháng 10 năm 2002 vừa qua. Vì "sứ vụ truyền bá Tin mừng của Giáo Hội về thực chất là công bố tình yêu, lòng từ bi và sự tha thứ của Thiên Chúa được mạc khải cho nhân loại qua cuộc sống, cái chết và sự Phục sinh của Đức Kitô, Chúa chúng ta." (số 1).

Nhưng trước khi làm chứng ở phạm vi rộng lớn, trước hết nguời tín hữu cần phải thực hiện ở một cấp độ nhỏ hơn và cụ thể: đó chính là gia đình. Thật vậy. vợ chống, cha mẹ con cái có biết tha thứ cho nhau, sống hòa thuận với nhau từ đó mới có thể tha thứ cho những người xung quanh. Và đó còn là tấm gương đầy cuốn hút cho những người hàng xóm nhận biết Thiên Chúa là Đấng hay tha thứ.

Một câu chuyện có thật xảy ra khá lâu nơi một họ đạo nhà quê. Đôi vợ chồng cũng khá lớn tuổi, vì ông chồng khó tính khó nết nên vợ con không sống chung được và chính ông cũng không sống với vợ con được. Ông che một cái chòi ở riêng và ông xin theo đạo công giáo. Sáng hôm ông được rửa tội, ông ăn mặc chỉnh tề và kêu vợ con tới để ông nói chuyện.

Cả nhà xúm lại quanh ông và ai nấy nghĩ rằng ông sẽ la rầy chuyện gì đây. Nhưng không, ông không rầy la chuyện gì mà trái lại ông đã chân thành xin lỗi vợ con vì tính tình khó khăn của ông mà vợ con phải chịu đựng trong bao năm qua.

Giờ đây, xin gia đình bỏ qua để ông an tâm theo đạo công giáo. Cả nhà đều khóc vì những lời thành tâm phát xuất tận đáy lòng của ông. Những giọt nước mắt mừng vui, những giọt nước mắt củ sự thông cảm, của lòng tha thứ. Như chúng ta đã biết điều gì đã xảy ra cho gia đình ấy, từ từ cả gia đình vợ và các đứa con đều trở lại đạo.

Thay lời kết
Gia đình là đơn vị, là tế bào nhỏ nhất tạo thành xã hội và kết thành Giáo hội. Do đó, nếu muốn công cuộc truyền giáo mang lại những kết quả tốt đẹp thì chính mỗi gia đình cần phải ý thức sứ mạng hàng đầu của mình và nổ lực sống đời Kitô hữu thật tốt. Vì gia đình chính là tác nhân của việc truyền giáo.

VII. TÀN MẠN

KỶ NIỆM NGÀY CƯỚI

Thường thường, sau bữa cơm tối chỉ có một mình, bà thường ngồi nán lại bàn ăn để nhìn quanh nhà. Ngôi nhà cứ như trống trải và rộng thênh thang hơn vào buổi chiều tối. Bà còn nhớ rất rõ, sau mỗi bữa ăn tối, các con trai bà đi vội về phòng của chúng, còn chồng bà thì mở tivi coi.

Lúc đó bà bận rộn ghê lắm ! Bận đến mức tưởng chừng như không có một chút thời gian nào để dành cho bản thân. Còn bây giờ bà có biết bao nhiêu thời gian cho mình . Đặc biệt là sau khi chồng bà đã khuất.

Giờ đây bà muốn đánh đổi mọi thứ để có các con và chồng bà bên cạnh, nhưng dĩ nhiên những mơ ước hảo huyền ấy không thể nào thực hiện được. Bây giờ dù bị cuốn hút vào các việc từ thiện, việc nhà và cả việc nướng bánh để bán, nhưng bà vẫn nhớ biết bao tiếng những đứa con của bà nghịch phá và đánh nhau bên ngoài sân để rồi thỉnh thoảng chạy vào nhà méc mẹ đủ điều.

Đã có lúc vì quá bực mình bà cứ muốn bụm miệng chúng lại, bắt chúng phải nín. Nhưng bây giờ lại khác quá rồi. Nhìn những đứa trẻ con người ta tung tăng vui đùa trên đường phố, lòng bà chợt chùn xuống, bà hồi tưởng lại ngày xưa bà cũng từng tay xách nách mang kia mà. Nhưng sao bây giờ bà cảm thấy đôi tay thừa thải đến thế !

Chiều nay, bà có kể cho bà bạn hàng xóm nghe lẽ ra hôm nay là ngày kỷ niệm 40 năm ngày cưới của vợ chồng bà. Sau đó bà cảm thấy mình ngớ ngẩn, tại sao lại nói ra chuyện này, khi mà chồng bà không còn nữa ! Đã vậy, bà còn tự tay nướng một ổ bánh chocolate mà lúc sinh thời chồng bà rất ưa thích.

Bà còn nhớ năm ngoái các con bà đã quây quần bên vợ chồng bà, cùng nhau bàn bạc vui vẻ về chương trình tổ chức buổi tiệc mừng 40 năm ngày cưới của cha mẹ, nhưng bây giờ còn tổ chức được gì nữa đâu. Chẳng lẽ tổ chức bửa tiệc kỷ niệm 40 năm ngày cưới cho chỉ một bà vợ góa thôi sao ! Càng nghỉ vớ vẩn, bà càng chìm sâu trong nổi buồn cô đơn . Con chó Titi trung thành của chồng bà nằm ngoài hiên gừ gừ rồi sủa vang lên. Bà cảm thấy ái ngại vì sợ phiền hà lối xóm vào giờ này. Nhìn qua cửa sổ, bà thấy có một chiếc xe, bà nghỉ rằng đó là chiếc xe của những đứa con chị bạn hàng xóm hàng tuần về thăm mẹ của chúng.

Nhưng kỳ lạ chưa, con chó Titi không chịu nín và bà còn nghe có tiếng gọi cửa. Chẳng chút sợ hải, bà bước đến cánh cửa và mở to. Ôi trời ơi ! những đứa con của bà ! Chúng đang đứng ngoài cửa và la to:"Ngạc nhiên lắm phải không mẹ?" Rồi chúng lần lượt ôm hôn bà. Ôi các con bà đã về.

"Mẹ cứ nghỉ là các con không nhớ ngày này, với lại cha cũng đã …". Giọng bà nghẹn hẳn. Đứa con cả lên tiếng:"Cha và mẹ luôn hiện diên trong tim và ký ức của tụi con, và ngày kỷ niệm lễ cưới của cha mẹ luôn là một ngày đặc biệt của tụi con". Vì cảm động quá nên nước mắt bà chảy ròng ròng. "Mẹ ơi, bánh cưới đâu mẹ, tụi con muốn ăn mừng". Nghe nói vậy, bà nhoẻn miệng cười và bước vào nhà bếp. Bà thầm cảm ơn Chúa đã xuôi khiến bà làm chiếc bánh này và đã ban cho bà những đứa con tuyệt vời.
(phỏng dịch từ internet)

VIII. NGHỆ THUẬT SỐNG

CHO THÌ CÓ PHÚC HƠN NHẬN

Bạn thân mến,
Sứ điệp Mùa Chay 2003 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II với chủ đề "cho thì có phúc hơn nhận", đã nhắc nhỡ chúng ta một điều quan trọng trong nghệ thuật sống . Mỗi người đều có nhiều thứ để cho: thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, ánh mắt cảm thông, một lời động viên an ủi . Câu chuyện ngắn sau đây mời gọi bạn và tôi cùng suy nghỉ và thực hành.

Hai cha con trên đường trở về nhà. Trên đường đi, họ bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường, có lẽ của một nông dân nghèo đang làm ruộng ở cánh đồng gần bên. Thằng con trai đang trong tuổi nghịch ngợm nói với cha nó:"Mình thử chọc phá người nông dân xem sao. Con sẽ giấu đôi giày của ông ta rồi cha con mình núp sau những bụi cây kia để xem ông ta như thế nào."

Người cha ngăn lại:"Này con, chúng ta đừng bao giờ đem người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Con có thể tìm ra cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này. Con hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng của ông ta ra sao."

Đứa con làm như lời người cha chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng núp vào bụi cây gần bên. Chẳng mấy chốc người nông dân trở ra và băng qua cánh đồng đến nơi để giày của mình. Ông ta vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong. Ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc hiện rõ trên khuôn mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền thật kỹ. Rồi ông ta nhìn chung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông ta bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp đôi, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày.

Với lòng tràn gập cảm xúc, người nông dân quì xuống, ngước mắt lên trơi và đọc to lời cảm tạ Chúa của mình. Ông bày tỏ lòng tri ân đối với bàn tay vô hình hào phóng đã cho một món quà đúng lúc cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẩn. Người vợ đau bệnh và đàn con thiếu ăn.

Trước cảnh này, người con lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Người cha lên tiếng:"Bây giờ con có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như con đem ông ta ra làm trò đùa không?" Đứa con trả lời:"Cha đã dạy cho con một bài học nhớ đời. Đến bây giờ con mới thực sự hiểu được ý nghĩa câu nói: Cho thì có phúc hơn nhận".

” Người ta kính trọng bạn không phải vì những gì bạn đã nhận được”.
” Sự kính trọng là phần thưởng dành cho những gì bạn đã cho đi”. "
- Calvin Coolidge -

IX. TRANG THANH NIÊN

1. Trong những cuộc tiếp xúc với bạn bè hoặc tâm tình với nhau, các bạn trẻ thường kể ra những thành tựu trong gia đình mình, những kết quả mà các thành viên trong gia đình gặt hái được. Mọi nỗ lực đó nhằm giới thiệu và phỗ biến điểm son của gia đình mình cho nhiều người biết.

Tương tự như vậy, mỗi gia đình công giáo là một phần tử trong đại gia đình Thiên Chúa cũng phải nỗ lực để giới thiệu và phổ biến tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa cho mọi người đang sống. Đó chính là truyền giáo vậy.
Tuy nhiên " không ai cho cái mình không có", nên cường độ và nhiệt tâm truyền giáo tùy thuộc vào :
- Mức độ đón nhận Tin mừng.
- Mức độ trưởng thành trong Đức tin.

Không hiểu biết gì hết về Thiên Chúa, không một chút Đức tin nào hết về Thiên Chúa; thì bạn sẽ lúng túng và bí lối ngay khi giới thiệu cho người khác. Hoặc giả là bạn sẽ "xạo" để "ba hoa" mà không hề có được một sức thu hút hoặc thuyết phục nào. Đa số trong chúng ta là như vậy đó! Thật đáng buồn và đáng tiếc!

2. Trong ý hướng đó, ĐGH Phaolô VI trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng số 71 đã nói rõ 2 điểm:

a. Gia đình là nơi tạo môi trường cho Tin mừng được rao giảng và loan báo.

Thật vậy, trong cách sống đạo, trong cái nhìn về sự vật và con người, trong tình yêu thương nhau và trong mối ưu tư cho người khác nhận biết Chúa sẽ được trong gia đình trao đổi, bàn bạc để các bạn trẻ luôn ngụp lặn trong mội trường truyền giáo.

Hơn nữa, ngày nay gia đình công giáo có mặt khắp nơi thì ta còn chờ gì mà không tích cực để công cuộc truyền giáo được tiến triển và hiệu quả?

b. Trong gia đình cha mẹ rao giảng cho con cái và đón nhận sự rao giảng của con cái.

Con người ta vốn mỏng dòn, yếu đuối; thế nên cha mẹ sẽ là đẫu tàu để rao giảng cho con cái. Hơn nữa, con cái có phần lớn thời gian sống gần cha mẹ nên đó là những cơ hội lý tưởng để cha mẹ gieo niềm tin và lời Chúa cho con cái.

Chính đời sống đạo đức của con cái lại là những lời nhắc nhở cha mẹ về tinh thần Kitô giáo của mình, về tinh thần truyền giáo không ngơi nghỉ.

3. Gần đây hơn, ĐGH Gioan Phaolô II trong Đại Hội Giám Mục Nam Mỹ khóa 3 ngày 28-01-1979 đã khẳng định:
" Tương lai của việc rao giảng Tin mừng là Hội Thánh tại gia "
a. Việc rao giảng Tin mừng bắt nguồn từ BT Rửa tội.
- BTRT cho ta gia nhập vào Hội Thánh, mà HT là "Công giáo", là một tổ chức "mở" nên sẳn lòng đón nhận mọi người. Gia đình các bạn dễ dàng tiếp xúc với mọi người, nhất là bạn bè; sẽ thuận lợi cho việc rao giảng.

- BTRT trao ban cho ta Đức tin, mà Đức tin là một cuộc dấn thân vào một Thiên Chúa tòan năng. Nếp sống của gia đình có ĐT là phó thác, vui tươi, an bình, bác ái … sẽ là một thỏi nam châm có sức thu hút người khác.

- BTRT biến chúng ta nên thánh. Bạn không thể dành riêng đặc ân này cho mình thôi, mà còn phải làm cho những người "chưa thánh" quanh bạn được biến đổi. Như vậy một bầu khí thánh thiện sẽ phát tán nhờ bạn.

b. Việc rao giảng Tin mừng bắt nguồn từ BT Hôn phối.

- Đặc tính nỗi bật trong BTHP là trao ban.Hai người trao ban cho nhau tất cả thể xác và tinh thần để tạo nên một gia đình .Thế nên gia đình cũng phải trao tặng cho người chung quanh cả niềm tin yêu vào Thiên Chúa của mình.

- Tình yêu của đôi bạn là mô phỏng tình yêu Thiên Chúa với con người. Một tình yêu nhằm đem lại thiện ích cho con người. Có được "thứ" tình yêu đó trong gia đình, bạn sẽ dễ dàng thuyết phục người khác tiến vào "ngụp lặn" trong tình yêu đáng quí đó.

- BTHP còn đưa đến việc phát triển. Gia đình Công giáo phát triển không ngừng từ chất lượng đến số lượng.Không gì buồn cho bằng lối sống ích kỷ: chỉ lo cho mình mà không giúp người khác phát triển.

ĐGH còn nhấn mạnh: gia đình truyền giáo là nhằm mục đích truyền đạt Đức tin, thánh hóa và biến đổi xã hội theo thánh ý Thiên Chúa.

4. Để công cuộc Truyền giáo ngày nay được kết quả, các bạn trẻ trong gia đình phải làm chứng Giao ước Phục sinh bằng:
a/ .Kiên trì tỏa sáng niềm vui của tình yêu.
b/. Phải có được sự chắc chắn của lòng trông cậy.
Đó là ý kết của Tông huấn Gia đình số 52.
Chúc các bạn đạt được ước muốn của Giáo hội.

X. TRANG THIẾU NHI

1. CHUYỆN KỂ: CẢ GIA ĐÌNH TRUYỀN GIÁO

Sáng thứ Năm, sau khi đi sinh hoạt thiếu nhi ở Nhà thờ về, bé Tí thủ thỉ với má: "Má ơi, từ ngày mai con không ăn sáng ở mấy quán hàng rong trước cổng trường nữa, má nấu cơm sớm cho con ăn ở nhà nghe".

Chị Tâm ngạc nhiên nhìn bé Tí.Trước nay, chị vẫn khuyên con không nên ăn hàng rong trước cổng trường, vừa tốn tiền, lại vừa không bảo đảm vệ sinh. Nhưng hai đứa con của chị, cả bé Tí lẫn bé Ti đều không chịu nghe. Chiều con, chị để chúng tự theo ý mình. Nay bỗng nhiên thấy bé Tí đổi ý đột ngột, chị không ngạc nhiên sao được. Vì thế, chị hỏi lại để tin chắc là mình không nghe lầm:

- Vậy từ ngày mai, má khỏi phải cho tiền con ăn sáng phải không?
- Thưa không ạ, con vẫn xin má tiền ăn sáng như mọi khi.
- Nhưng con vừa nói là ăn sáng ở nhà kia mà?
- Thì con sẽ ăn cơm ở nhà, còn tiền ăn sáng con để dành bỏ ống (heo).
- Bỏ ống làm chi vậy con?
Bé Tí liền giải thích cho má hiểu. Thì ra trong buổi sinh hoạt Thiếu nhi sáng nay, cha Sở cho các em biết chủ đề của tháng Tư này là sống tinh thần Truyền giáo. Ngài kêu gọi mỗi thành viên trong các gia đình, tùy theo độ tuổi và khả năng của mình, cùng đóng góp vào công cuộc Truyền giáo chung của Hội thánh. Riêng thiếu nhi, có thể đóng góp bằng những việc cụ thể, vừa với sức mình như : Cầu nguyện; dâng những sự hy sinh, hãm mình; nhịn ăn quà vặt để dành tiền bỏ ống cho Qũi Truyền giáo của Địa phận. Sau khi suy nghĩ, bé Tí đã lựa chọn cách bỏ ống, nên đã thưa lại với má.

Nghe Tí giải thích, bé Ti đứng gần đó cũng xen vào: "Vậy má cũng cho con tham gia bỏ ống với anh Ti nha? Tháng này con sẽ nhịn không ăn quà vặt nữa".

Má ôm cả hai bé vào lòng khen: "Các con của má hôm nay ngoan quá! Từ ngày mai, má sẽ hy sinh thức dậy sớm, để nấu cơm cho các con ăn sáng ở nhà. Đó cũng là một cách đóng góp của má vào việc truyền giáo."

"Còn tôi thì sao đây?" Cả nhà quay đầu nhìn lại: thì ra ba đứng đó từ nãy giờ và đã nghe hết mọi chuyện. "Ba sẽ nhịn uống cà phê và hút thuốc cữ sáng trong suốt tháng này, để cùng ủng hộ các con trong Qũi Truyền giáo"-ba tuyên bố một cách quả quyết.

Bé Tí mừng quá reo lên: "Hay quá, vậy là cả nhà mình cùng sống tinh thần truyền giáo trong suốt thánh Tư này, thật là vui quá hén ba má!"

2. BÀI HÁT : CHỨNG TÁ TIN MỪNG

Ta đi về miền ruộng nghèo, ta đi về thành thị buồn, ta đi cho tiếng nấc đêm đêm không còn.
Ta đi làm chứng nhân cho Giê-su đến cùng thế giới. Niền tin ta mang trong tim là trái tim ngây ngất tình yêu.

3. BĂNG REO:
-QT: Ta lên
-TC: Miền ngược!(tiến sang phía trái, hai tay làm động tác phát rừng mở đường).
-QT: Ta về
-TC: Miền xuôi!(tiến sang phải, hai tay làm động tác chèo ghe).
-QT: Ta vào
-TC: Thành phố!(tiến vào trong, hai tay làn động tác lái xe).
-QT: Ta xuống
-TC: Thôn quê!(bước lùi trở lại, lưng khom xuống, tay làm động tác cấy lúa).
-QT: Ta đem Tin Mừng
-TC: Đến cho mọi người. Ahh! (hơi nhún đầu gối xuống, rồi nhảy lên, hai tay vung cao từ dưới lên và từ trong ra ngoài - như muốn tung hạt giống Tin Mừng đi khắp nơi - đồng thời reo vang một tiếng lớn). *Sau đó, cùng vỗ tay hát bài "Chứng tá Tin Mừng".

1692    19-04-2012 09:17:15