Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Gia Đình Là Đền Thánh Sự Sống - tháng 7 năm 2014

  1. Lời Chủ Chăn
  2. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
  3. Diễn Giải
  4. Lời Nguyện Chung
  5. Áp Dụng Thực Hành
  6. Tìm Hiểu Giáo Luật
  7. Trang Linh Mục
  8. Trang Tu Sĩ
  9. Trang Sống Ơn Gọi
  10. Trang Thiếu Nhi
  11. Trang Giới Trẻ
  12. Trang Gia Đình
  13. Trang Giáo Lý Viên
  14. Trang Quới Chức
  15. Sống Đẹp
  16. Hỏi Đáp Mục Vụ
  17. Chuyện Thường Ngày
  18. Một Chút Tâm Tình
  19. Chia Sẻ Mục Vụ Bác Ái
  20. Tìm Hiểu Về Đức Tin

LỜI CHỦ CHĂN

Vĩnh Long ngày 25.6.2014

Kính gửi: Quý Cha
               Quý Tu sĩ nam nữ
               Và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long

V/v Yêu mến Chúa trong đời sống thường ngày

Sau khi tôn kính, mến yêu Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Cứu Thế trong tháng 5 là tháng Hoa. Tôn kính  mến yêu Trái Tim Chúa Giêsu đã đến chia sẻ đời sống vất vả thường ngày của chúng ta, đã chịu chết và sống lại vì chúng ta (có ai đã hy sinh cho chúng ta như thế !), chúng ta bước vào tháng bảy bình thường.

Bình thường chăng, khi chúng ta có lễ mừng Thánh Philipphê Phan văn Minh, là bổn mạng Giáo Phận chúng ta, nhắc chúng ta phải yêu mến Chúa theo gương Người và hy sinh cho Hội Thánh như Người. Cuộc sống bình thường (không phải đi hành hương ở Đình Khao hay ở La Mã) nhắc nhở ta: Chúa vẫn một lòng thương yêu ta và cứu chuộc ta, nên ta phải đáp lại tình yêu của Chúa.

Đời sống ta bình thường, nhưng ta phải cố gắng đáp lại tình thương của Chúa. Chúng ta không làm việc đại sự, nhưng những việc hằng ngày của chúng ta, những việc đạo đức như dự lễ, lần chuổi, viếng Chúa, chu toàn việc bổn phận, thương yêu, giúp đỡ, cầu nguyện cho những người trong gia đình, những người lân cận, những tha nhân của chúng ta.

Tình yêu Thiên Chúa sẽ biến đổi cuộc sống bình thường của chúng ta, như đã biến đổi cuộc sống đơn điệu của Chị Thánh Têrêsa trong Nhà Kín Lisieux, thành đời sống đẹp lòng Chúa.

Phêrô Dương Văn Thạnh
    Giám Quản Gp. Vĩnh Long

GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH LÀ ĐỀN THÁNH SỰ SỐNG

"Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi quy hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh hoàn thành hôn nhân" (x. GS 48, 1) (GLHTCG 1652).

Truyền sinh là một ân huệ, một mục tiêu của hôn nhân, vì tình yêu vợ chồng tự nhiên hướng về việc sinh sản con cái. Con cái là hoa quả và thành tựu của tình yêu vợ chồng, hiện diện ngay trong việc vợ chồng hiến thân cho nhau, chứ không phải một cái gì từ bên ngoài được ghép vào. Vì thế Hội Thánh "bảo vệ sự sống" (x. FC 30) và dạy rằng "mọi hành vi ân ái phải tự nó mở ngỏ cho việc truyền sinh" (x. HV 11). "Giáo lý này đã được Huấn Quyền trình bày nhiều lần, nền tảng của giáo lý này là sự liên kết bất khả phân ly giữa hai ý nghĩa của hành vi ân ái: kết hợp và truyền sinh. Đây là điều chính Thiên Chúa đã muốn và con người không được tách rời (x. HV 12; x. Piô XI, enc. "Casti connubii") (GLHTCG 2366).

DIỄN GIẢI

GIA ĐÌNH: ĐỀN THÁNH SỰ SỐNG

Lời Chúa: "Nước Trời là của những ai giống như chúng" (Mt 19,14). X. St 1,28.

Ý cầu nguyện: Xin cho các đôi vợ chồng Kitô hữu biết ý thức sứ mạng phục vụ sự sống qua việc truyền sinh có trách nhiệm hầu cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa và biến gia đình mình thành Đền Thánh Sự Sống.

Bài ca ý lực: Thánh hóa Gia đình (Ca Vang Tin Mừng tr.33)

1. Nền "văn minh" của sự chết

- Ngày nay, như có một "âm mưu chống lại sự sống", chúng ta chứng kiến, hàng giờ hàng phút, mối đe dọa thường trực đối với sự sống của những cá nhân, gia đình và xã hội. Đó là:

. nạn phá thai: với trung bình 40-50 triệu ca/năm, theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO);

. ngừa thai: làm xói mòn tình yêu phu thê vì hành vi yêu thương vợ chồng bị ngăn chặn cách nhân tạo khiến cho nó trở thành lời giả trá;

. những kỹ thuật sinh sản qua thụ tinh nhân tạo, sàng lọc bào thai theo não trạng ưu sinh;

. an tử: con người tiếm quyền Tạo Hóa tùy tiện định đoạt số phần sinh tử của mình hay của đồng loại[1].

Trong hoàn cảnh đó, gia đình Kitô hữu sống và loan báo Tin mừng Tình yêu - sự sống cần phải làm gì?

2. Gia đình sẵn sàng đón nhận con cái

- "Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu phu thê hướng tới việc truyền sinh và giáo dục con cái, qua đó tình yêu và hôn nhân đạt tới tột đỉnh vinh quang của mình"[2]. "Con cái là hồng ân cao quí nhất của hôn nhân và mang lại tối đa niềm hạnh phúc cho chính các cha mẹ. Chính Thiên Chúa ... Đấng 'thuở ban đầu đã làm ra con người có nam có nữ' muốn ban cho con người được tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài, nên đã chúc lành cho người nam và người nữ và phán: 'hãy sinh sôi nảy nở' (St 1,28). Từ đó, vinh dự đích thực của tình yêu vợ chồng và toàn bộ kế hoạch của đời sống gia đình phát sinh từ tình yêu đó... đều hướng đến việc đôi vợ chồng phải can đảm sẵn sàng cộng tác với tình yêu của Đấng Tạo Hóa và Cứu Độ, Đấng nhờ họ làm cho gia đình của Ngài ngày càng phát triển và phong phú"[3].

- "Sự phong nhiêu của tình yêu vợ chồng không giản lược vào nguyên việc sinh con, mà còn mở rộng và được làm cho phong phú bằng mọi hoa quả của đời sống luân lí thiêng liêng và siêu nhiên của kẻ làm cha mẹ trao ban cho con cái, và qua chúng, cho Hội Thánh và thế giới"[4].

- "Những đôi phối ngẫu không được Thiên Chúa ban cho có con cái, vẫn có thể có đời sống hôn nhân đầy ý nghĩa trên bình diện nhân bản, cũng như bình diện đức tin. Hôn nhân của họ có thể chiếu tỏa bằng tinh thần bác ái phong nhiêu, sự tiếp đón hiếu khách, và hi sinh"[5].

Vợ chồng muốn "có con" nhờ trợ giúp của y khoa, hay thụ thai nhân tạo, là không phù hợp với giáo huấn của Hội Thánh. HT dạy rằng trong hành vi vợ chồng, đôi bạn không "làm ra" đứa bé, nhưng họ trao ban tình yêu cho nhau qua cử chỉ trao hiến thân xác mở ra với hồng ân sự sống con người. Qua đó, "đôi bạn cộng tác với công trình của Đấng Tạo Hóa, trong tư cách là tôi trung chứ không phải như những chủ nhân"[6]. Trong hành vi tạo sinh con người có chính Thiên Chúa hiện diện và làm chủ: cha mẹ sinh con theo định luật tự nhiên, chính Thiên Chúa tạo sinh linh hồn cho sự sống con người mới.

3. Làm cha làm mẹ có trách nhiệm

- Con cái là một hồng ân, là mục đích của hôn nhân, bởi vì tình yêu phu thê tự nhiên hướng về việc sinh con. Con cái là trọng tâm, là hoa trái và là sự hoàn thành của việc hai người hiến thân cho nhau. Cả hai ý nghĩa kết hợp và ý nghĩa sinh sản là bất khả phân li, đều thuộc về hành vi vợ chồng[7]. Trong khi thi hành bổn phận truyền sinh và giáo dục (điều phải được coi là sứ mạng riêng biệt của vợ chồng), đôi bạn biết rằng mình cộng tác với Tình yêu Thiên Chúa và như những người diễn đạt tình yêu của Ngài. Vì vậy, họ sẽ chu toàn bổn phận trong tinh thần trách nhiệm của một con người và của Kitô hữu.[8]

- Tinh thần trách nhiệm này liên quan đến việc điều hòa sinh sản. "Khi có lí do chính đáng, đôi vợ chồng có quyền kéo dài khoảng cách các lần sinh con. Họ phải chứng tỏ chọn lựa trì hoãn sinh con đó không do sự ích kỉ, nhưng phù hợp với lòng quảng đại chính đáng của người làm cha mẹ có trách nhiệm. Ngoài ra họ phải hành động theo những tiêu chuẩn khách quan của luân lí".[9]

- Sự tiết dục định kì, những phương pháp điều hòa sinh sản dựa trên sự tự quan sát và chu kì những thời gian không thể thụ thai[10], phù hợp với các tiêu chuẩn khách quan của luân lí.

- Phải loại bỏ, như một điều xấu tự thân, mọi hành động được đề ra, như mục đích hay như phương tiện, để làm cho việc truyền sinh không thể có được, dù là hành động trước hành vi vợ chồng, hoặc đang khi hành vi này diễn tiến, hoặc trong khi các hiệu quả tự nhiên của hành vi ấy đang phát triển[11].

4. Chúa Giêsu: Tin Mừng Sự Sống cho các Gia Đình.

- Tin Mừng về sự sống cho Gia đình, đó là biến cố Con Thiên Chúa chọn một gia đình để có mặt trong lịch sử nhân loại và sống trong gia đình suốt 30 năm. Sự có mặt của Người trong gia đình: làm chứng cho phẩm giá của sự sống con người, từ lúc còn là bào thai cho đến tuổi già. Chính Người đã nói : "Thầy là Sự Sống" (Ga 14,6); "Thầy đến để cho con người được sống và sống dồi dào" (Ga 10,10b); Cứu cánh của sự sống này là đời vĩnh cửu, do Đức Kitô ban cho. Sự có mặt của Người trong gia đình còn dạy chúng ta sống, yêu mến và quí trọng sự sống để sống thế nào cho đạt tới cùng đích là sống đời đời. Và từ đó, kêu gọi chúng ta vun trồng một nền văn hóa sự sống.[12]

Hành động như vậy, gia đình Kitô hữu sẽ là Tin Mừng cho thiên niên kỷ thứ ba, Tin Mừng về SỰ SỐNG.

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

1. Phá thai dưới các hình thức khác nhau có phải là một hiện tượng phổ biến trong vùng, quốc gia nới anh chị đang sống hay không?

2. Trong xã hội nơi các anh chị đang sinh sống, người ta ngừa thai dưới những phương tiện nào phổ biến nhất?

3. Gia đình của anh chị đã làm gì để làm chứng và loan báo Tin mừng Sự Sống?


Nguồn: ubmvgiadinh.org

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa hằng chúc phúc cho gia đình: hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều đầy mặt đất. Gia đình cộng tác với Thiên Chúa để gìn giữ, nuôi dưỡng, phát triển sự sống trần gian, nhằm đạt tới sự sống thiên đàng. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyệný:

1. Chúa phán: "Những ai tin vào Danh Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, luôn biết đón nhận và làm phát triển sự sống làm con Thiên Chúa.

2. Chúa phán: "Ngày Sabbat nên làm điều lành hay điều dữ? Cứu sống hay giết chết?". Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần trong cộng đoàn gia đình, giúp đỡ nhau phục vụ sự sống, tăng trưởng và phát triển sự sống toàn diện.

3. Chúa phán: "Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành". Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình Kitô-giáo, luôn biết chăm sóc sức khoẻ và sự sống nhân loại đến nơi trọn lành trên trời.

4. Chúa phán: "Ta đến để cho chiên Ta được sống và sống dồi dào". Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình trong họ đạo chúng ta, luôn kết hợp với Chúa Giêsu để được nuôi dưỡng sự sống thần linh trong tâm hồn mình.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn thông ban sự sống của Chúa cho chúng con. Xin cho chúng con năng kết hợp với Con Chúa, tuân giữ lời Chúa, giúp nhau trung thành sống đạo Chúa, hầu ngày sau đặng sống trong Nhà Chúa trên trời. Chúng con cầu xin... Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

GIA ĐÌNH LÀ ĐỀN THÁNH CỦA SỰ SỐNG

Ngay từ thưở tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã yêu thương và sáng tạo muôn loài và trao ban cho chúng sự sống. Phần con người, Thiên Chúa đã tác phúc cho người nam và người nữ, để họ tuy hai, nhưng là một xương một thịt trong đời sống hôn nhân. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất" (St 1, 28). Như vậy ngay từ ban đầu: Thiên Chúa "Đấng yêu sự sống" (Kn 11,26), đã giao cho gia đình sứ mạng "gìn giữ, biểu lộ và thông truyền tình yêu" qua việc trở nên "Đền thánh của sự sống" (x. St 1,28;  Tông huấn về gia đình số 17).

Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu đã nâng đời sống hôn nhân gia đình lên hàng Bí tích, để củng cố và ban nhiều ơn thánh nhằm giúp họ chu toàn nghĩa vụ và trách nhiệm trong đời sống hôn nhân.

Qua đời sống hôn nhân, Thiên Chúa đã chúc lành và yêu thương, gìn giữ và thánh hóa, để từ trong cung lòng, nơi phát sinh sự sống, con người được diễm phúc cưu mang sự sống thánh thiêng mà Thiên Chúa đã an bài, quan phòng nơi người nữ khi kết hợp với người nam trong việc tạo sinh.

"Gia đình thật sự là "đền thánh của sự sống", là nơi sự sống quà tặng của Thiên Chúa, có thể được đón nhận và bảo vệ cách xứng hợp chống lại nhiều sự tấn công mà nó phải hứng chịu, và có thể phát triển hợp với sự tăng trưởng đích thật của con người... Gia đình đóng một vai trò đặc biệt trải dài suốt cuộc đời của các thành viên, từ khi sinh ra cho tới khi qua đời" (Thông điệp Tin mừng Sự sống. Số 92).

Giáo Hội luôn dành cho các gia đình một vị trí quan trọng đến mức độ cần thiết: Công Đồng Vaticanô II đã ví "gia đình như một Hội Thánh nhỏ" (x. LG, số 11). Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã định nghĩa: "gia đình là Hội Thánh tại gia" (x. Tông huấn về gia đình, số 11).

Khi nhìn về viễn cảnh trong tương lai, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Tương lai nhân loại sẽ đến qua gia đình". Qua đó, ngài muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng và vai trò của đời sống gia đình trong xã hội và Hội Thánh tương lai.

Khi nói đến "Đền thánh của sự sống",  đó là lúc nói đến tầm quan trọng, thiêng thánh của sự sống mà Thiên Chúa đã phú bẩm nơi người nam và người nữ khi họ kết hợp với nhau trong việc truyền sinh.

Đây là một hành vi nằm trong ý định của Thiên Chúa khi truyền lệnh cho con người: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất" (St 1, 28). Vì thế, đây là lời chúc lành, là ân ban nhưng không của Thiên Chúa, con người chỉ có bổn phận là đón nhận trong tâm tình biết ơn và làm cho nó trở nên phong phú, ý nghĩa và giá trị mà thôi. Như vậy, con người không có quyền tuyệt đối nào trên sự sống của mình cũng như của người khác. Bởi lẽ, ngay từ giây phúc đầu tiên sự sống được triển nở, con người phải có trách nhiệm bảo vệ tuyệt đối để sự sống được lớn lên trong cung lòng của người mẹ.

Mọi biện pháp nhằm phá thai hay ngăn ngừa được sử dụng như một phương pháp nhân tạo nhờ sự can thiệp của khoa học đều bị loại bỏ để ưu tiên cho phương pháp tự nhiên đã được Hội Thánh công nhận.

Như đã nói, sự sống mới mà người mẹ đang cưu mang trong lòng do tình yêu của người nam và người nữ trao tặng cho nhau phải được bảo vệ tuyệt đối trong sự kính trọng, yêu thương và tri ân.

Muốn làm được điều trên để bảo vệ sự sống và trở thành "Đền thánh của sự sống":

- Trước hết, các gia đình kitô hữu phải hiểu biết về giá trị thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống. Siêng năng học hỏi các tài liệu của Huấn Quyền về việc bảo vệ sự sống, tránh đi cái gọi là: "Vô tri bất mộ".

- Sau là phải biết yêu thương và quí trọng sự sống như Chúa và Hội Thánh mong muốn. Tình yêu thương đó được biểu hiện bằng việc phải kính trọng, che trở và bảo vệ sự sống ngay từ khi sự sống mới còn trong cung lòng người phụ nữ. Đây là lập trường của Hội Thánh muôn đời. Không ai và không có gì dập tắt được lập trường này của Hội Thánh, vì đây là ý định và lệnh truyền của Thiên Chúa.

Các bậc cha mẹ: "Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót sẽ khó lòng bổ khuyết được" (x. Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 3).

Ngoài ra, mỗi người còn phải chu toàn trách nhiệm trong bổn phận của mình nơi gia đình, để sự sống thể xác được đảm bảo hầu thăng tiến sự sống tâm linh.

Trải dài nơi dòng thời gian, sang thời Tân Ước, Đức Giêsu đã nâng đời sống hôn nhân gia đình lên hàng Bí tích, để qua đó, như một sự khẳng định sự sống của con người được phát sinh, tồn tại và phát triển hoàn toàn nằm trong thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Như vậy, chỉ khi nào chúng ta lãnh trách nhiệm bảo vệ sự sống và trung thành cũng như thi hành đúng theo thánh ý của Thiên Chúa, gia đình mới trở thành: "Đền thánh của sự sống" và xứng đáng đón nhận sự chúc lành của Thiên Chúa.

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

GIẢI ĐÁP MỤC VỤ VỀ  BÍ TÍCH RỬA TỘI (tt)

Câu hỏi: Kính thưa Quý Cha trong ban mục vụ của Địa phận. Con là (...), vừa rồi con có tham dự lớp giáo lý nâng cao của Hạt (...) và được Quý Cha phụ trách giải đáp về điều kiện để được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, nhưng con không nắm được hết. Vậy xin Quý Cha trong ban mục vụ của Địa phận vui lòng giúp con hiểu rõ hơn và nhờ đó cũng là hành trang cho con trong việc dạy giáo lý tại họ đạo của con. Con xin hết lòng cám ơn Quý Cha!

Trả lời: Những trường hợp cụ thể:

1. NGƯỜI LỚN

Khởi đi từ các Nghị phụ của Công đồng Vatican II đã truyền phải tái lập các nghi thức khai tâm cho người dự tòng để gia nhập Hội Thánh. Vì thế, năm 1972 Hội Thánh đã ban hành những nghi thức khai tâm gồm có ba giai đoạn chính: giai đoạn thứ nhất gọi là "gia nhập lớp dự tòng"; giai đoạn thứ hai gọi là "thanh tẩy" và giai đoan thứ ba là "giai đoan lãnh nhận bí tích". Chúng ta sẽ nói tới ba giai đoạn nầy cách cụ thể trong những phần sau đây.

a. Giai đoạn gia nhập lớp dự tòng.

Nghi thức đầu tiên là việc tiếp nhận vào hàng dự tòng, nghi thức nầy được cử hành ở nhà thờ họ. Đương sự bày tỏ ý chí muốn theo Chúa Giêsu Kitô, sẵn sàng từ bỏ ma quỷ và những tập tục trái ngược với Phúc âm. Bên cạnh đó, nhân danh Hội Thánh, linh mục ghi dấu thánh giá trên trán đương sự như để ghi dấu Đức Giêsu Kitô trên cuộc đời của họ.

Kế đó, trong thời gian dài ngắn tuỳ theo Hội đồng Giám mục ấn định, có thể ba tháng đến đôi ba năm, người dự tòng sẽ học đạo dưới sự hướng dẫn của linh mục, hay giáo lý viên. Trong thời gian nầy, người dự tòng không những học hỏi giáo lý, nhưng còn tham dự những buổi hội họp cầu nguyện với cộng đoàn (tập sống đạo).

Trong nghi thức nầy, phụng vụ dự trù những nghi thức nổi bật là:

- Trao cho các dự tòng bản Tân ước, hoặc bản kinh Tin Kính, và kinh Lạy Cha. Điều đó nói lên những điều phải tin và phải giữ của người tín hữu;

- Nghi thức chúc phúc và trừ tà: Hội thánh cầu xin Chúa ban phúc cho các dự tòng, và giúp đỡ họ trong cuộc chiến đấu với tội lỗi và ma quỷ.

b. Giai đoạn thanh tẩy

Giai đoạn nầy, bắt đầu với nghi thức ghi danh, hay tuyển chọn. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, giáo lý viên hay người đỡ đầu sẽ giới thiệu người dự tòng cho cha sở và cộng đoàn để xin nhận lãnh bí tích. Lễ nghi ghi danh thường diễn ra vào Chúa nhật thứ nhất mùa Chay. Trong suốt mùa Chay, người dự tòng sẽ được tẩy luyện, qua việc cầu nguyện, tĩnh tâm, nhằm chuẩn bị họ lãnh nhận các bí tích. Đặc biệt, những bài Sách Thánh trong các Chúa nhật Mùa chay được Hội thánh chọn nhằm giúp đỡ những người dự tòng đào sâu hơn sự hiểu biết về Chúa Giêsu Kitô, là Nước trường sinh, là Ánh sáng và là Sự sống. Dĩ nhiên, một điều không thể thiếu là cộng đoàn cùng cầu nguyện với họ và cho họ nữa.

c. Giai đoạn lãnh nhận bí tích

Sau cùng, vào đêm Vọng lễ Phục sinh, người dự tòng sẽ lãnh nhận ba bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh thể. Sau đó, tuỳ thời gian dài ngắn, các tân tòng sẽ còn theo dõi một lớp huấn giáo để tiếp tục đào sâu ý nghĩa đời Kitô hữu.

Tóm lại, các nghi thức khai tâm nhằm trình bày cho thấy việc trở nên Kitô hữu không phải là sự kiện xảy ra một lần là hết; nó đòi hỏi một sự chuẩn bị lâu dài, và cần được tiếp tục luôn mãi, ngõ hầu ngày càng trở nên trưởng thành hơn. Trong tiến trình nầy, tất cả cộng đoàn cần ý thức trách nhiệm liên đới trong việc giúp cho các phần tử tăng triển đức tin trong đời sống đạo.

Như vậy, qua những điều được trình bày trong hai số Nguyệt San tháng 5 và 7, chúng ta đã thấy rõ những chỉ dạy của Hội Thánh (đ.865 và 866) về những điều kiện để người trưởng thành được lãnh nhận Bí tích Rửa tội họ phải: bày tỏ lòng ước ao cách tự do, phải qua một thời gian học hỏi giáo lý như chúng ta đã trình bày trong phần khai tâm ở trên, phải tỏ lòng ăn năn thống hối về những tội lỗi của mình và tập sống đạo.

Trong trường hợp nguy tử, dĩ nhiên thủ tục sẽ đơn giản hơn: chỉ cần biết những nguyên tắt căn bản của đức tin thì đã đủ để lãnh nhận bí tích; nếu có thể được thì việc học hỏi giáo lý sẽ được bổ túc sau.

2. NHI ĐỒNG VÀ NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHÚC TẠP (x. mục vụ tháng 8). 

TRANG LINH MỤC

Đức Thánh Cha Phanxicô Gặp Các Linh Mục Và Dâng Thánh Lễ Tại Cassano, Italia

CASSANO. Trong bài huấn dụ ngắn tại buổi gặp gỡ các Linh mục tại nhà thờ chính tòa Cassano lúc 12 giờ trưa ngày 21-6-2014, ĐTC Phanxicô nhắc nhở cho các Linh mục về niềm vui làm linh mục, vẻ đẹp của tình huynh đệ, đồng thời khích lệ các Linh mục làm việc với các gia đình và cho các gia đình. Ngài nói:

Trước tiên tôi muốn chia sẻ với anh em niềm vui được làm Linh mục. Một điều luôn gây ngạc nhiên, đó là được Chúa Giêsu kêu gọi, kêu gọi theo Chúa, ở với Chúa, mang Chúa, Lời Chúa và ơn tha thứ của Chúa cho tha nhân.. Không có gì đẹp hơn đối với một người như thế, có đúng không anh em?. Khi các linh mục chúng ta ở trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa, và chúng ta dừng lại một lát nơi đó, trong thinh lặng, lúc ấy chúng ta cảm thấy cái nhìn của Chúa lại đặt nơi chúng ta, cái nhìn ấy đổi mới và tái linh hoạt chúng ta..

Quả thực, nhiều khi không dễ ở lại trước Chúa, không dễ dàng vì chúng ta bị bao nhiêu công việc, bao nhiêu người lôi kéo..; nhưng nhiều khi việc làm ấy không dễ vì chúng ta cảm thấy một sự khó chịu nào đó, cái nhìn của Chúa làm cho chúng ta có phần bất an, có khi đặt chúng ta trong một cơ khủng hoảng.. Nhưng điều có cũng có lợi cho chúng ta! Trong thinh lặng cầu nguyển, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy chúng ta là những người thợ tốt, hoặc chỉ là những công nhân, công chức; chúng ta là những máng mở rộng và quảng đại qua đó tình thương và ơn thánh của Chúa tuôn chảy dồi dào, hoặc chúng ta tự đặt mình ở trung tâm, và thay vì là máng chuyển, chúng ta trở thành những hàng rào không giúp gặp gỡ Chúa, với ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng".

Điều thứ hai tôi muốn chia sẻ với anh em là vẻ đẹp của tình huynh đệ: là linh mục với nhau, không phải một mình theo Chúa, không riêng rẽ nhưng cùng nhau, tuy là trong những năng khiếu và nhân cách khác nhau; đúng ra chính điều ấy là cho linh mục đoàn được phong phú, với nhiều gốc gác, tuổi tác, tài năng khác nhau.. và tất cả những điều đó được sống trong tình hiệp thông, trong tình huynh đệ.

Cả điều này cũng không dễ dàng, không phải là điều đương nhiên xảy ra. Trước tiên vì cả các linh mục chúng ta cũng bị chìm trong nền văn hóa chủ quan ngày nay, thứ văn hóa tuyên dương cái tôi, đến độ tôn thờ nó như thần tượng, và do một thái độ duy cá nhân chủ nghĩa trong mục vụ, đáng tiếc là cũng lan tràn trong các giáo phận chúng ta. Vì thế chúng ta phải phản ứng lại nó bằng một sự chọn lựa tình huynh đệ. Tôi cố ý nói về sự "chọn lựa". Không thể chỉ là một điều do tình cờ tạo nên, theo hoàn cảnh thuận tiện. Không phải thế, đó là một sự chọn lựa tương ưng với thực tại của chúng ta, với hồng ân chúng ta đã lãnh nhận, và cần luôn luôn đón nhận và vun trồng: đó là sự hiệp thông trong Chúa Kitô, trong hàng linh mục, quanh Đức Gíam mục. Tình hiệp thông này đòi phải được sống bằng cách tìm kiếm những hình thức cụ thể thích hợp với thời đại và thực tại của địa phương, nhưng luôn trong viễn tượng tông đồ, theo cách thức truyền giáo, huynh đệ và đời sống đơn sơ. Khi Chúa Giêsu nói: "Cứ dấu này mọi người nhận biết các con là môn đệ thầy: nếu các con yêu thương nhau" (Ga 13,35), Chúa nói điều nói điều đó cho mọi người, nhưng trước tiên là cho 12 tông đồ, cho những người mà Ngài kêu gọi theo sát Ngài.

Niềm vui được làm linh mục và vẻ đẹp của tình huynh đệ. Hai điều này tôi nghĩ là quan trọng nhất khi nghĩ đến anh em. Một điều cuối tôi chỉ nhắc sơ, tôi khuyến khích anh em trong công việc với các gia đình và cho các gia đình. Đó là công việc mà Chúa yêu cầu chúng ta làm một cách đặc biệt trong thời kỳ này, là thời kỳ khó khăn, đối với gia đình như một định chế cũng như các gia đình, vì khủng hoảng. Nhưng chính trong thời kỳ khó khăn này mà Thiên Chúa làm cho ta cảm thấy sự gần gũi, ơn thánh, sức mạnh ngôn sứ của Lời Chúa. Và tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành chứng nhân, làm người trung gian về sự gần gũi của Thiên Chúa đối với các gia đình và về sức mạnh ngôn sứ của Lời Chúa cho các gia đình".

G. Trần Đức Anh, OP
Nguồn: radiovaticana.va

TRANG TU SĨ

CHO CON MỘT GIA ĐÌNH

Ra khỏi ngoại ô Thành phố, con đường hướng về Bến Lức Long An đang ở trước mắt tôi, ngồi bên tôi là một người phụ nữ vóc người thanh nhã, với giọng miền trung đã pha trộn âm hưởng chất giọng Sài Gòn nhè nhẹ rất dễ thương. Tôi quay sang nhìn chị đang mân mê trên tay những chiếc áo đầm xinh xắn mà cô cố ý mua tặng cho các bé gái mồ côi. Chị tươi cười, vẫn là nụ cười hiền dịu mà tôi gặp bao lần, nhưng hôm nay hạnh phúc làm nụ cười ấy thêm phần rạng rỡ:

- Dì Ba, chắc các bé sẽ thích lắm ha!

- Ừa, đẹp! dễ thương ghê vậy đó, có cái nơ bên vai áo coi điệu đà hén!

- Dì Ba, chắc phải tới tháng tư con với anh Phong mới chịu chức... à không, chịu phép rửa! vậy đợi khi nào được thì Dì Ba liên lạc với con ha Dì Ba..

- Ừa, đừng lo, Dì Ba tính cho.

- Dạ, con cám ơn Dì Ba...

Tôi quen chị đã mấy năm nay, chị tốt nghiệp trường bách khoa và theo đuổi nghành bác sĩ, tôi vẫn thường gặp chị ở bệnh viện với nhiều lý do: khi thì gặp chị đang chăm sóc những cụ già mà chị giới thiệu là người hàng xóm, khi thì là những cô bé, cậu bé mà chị bảo là gặp chúng trong các hẻm mồ côi, trên khuôn mặt chị lúc nào cũng là nụ cười với câu than thở đầy nhân từ: " Tội nghiệp quá, con không cầm lòng được nên giúp được chút gì thì con giúp thôi...".

Trong màu áo thiên thanh và chiếc lúp trên đầu tôi vẫn thường tìm gặp chị để phụ thêm chút quà cho những ai chị đang giúp đỡ. Chị vốn không có đạo, lấy chồng khá muộn vì mãi tính đường công danh, sau mấy năm chung sống mới biết rằng chị không thể sinh con. Tuy rất đau khổ, nhưng vợ chồng an ủi nhau để đón nhận tất cả những gì mà chị thường nói là: "số mệnh an bài". Tôi thỉnh thoảng có ghé thăm và mời anh chị cùng đi tham gia một vài công tác xã hội, phát gạo, phát thuốc cho người nghèo, tặng xe lăn, xe lắc cho các em bé khuyết tật...

Đầu năm nay tôi đưa hai anh chị về Luơng Hòa, Long An đó là nơi đón nhận các thiếu nữ lỡ lầm và nuôi dạy các em bé thiếu vắng tình thương nhờ sự trợ giúp của những tấm lòng vàng của quý Ân Nhân, mong tìm kiếm cho các em một tương lai tuơi sáng, hạnh phúc như bao em bé khác. Tôi chỉ có  ý giới thiệu để anh chị biết các em, để anh chị có một cái tết ý nghĩa trong công tác từ thiện của mình, cũng không ngờ đó lại là món quà tuyệt nhất đối với anh chị. Khi gặp gỡ các em, hai anh chị đã không cầm được nước mắt, hạnh phúc của người khát khao được làm cha làm mẹ như vỡ òa trong tiếng cười tiếng nói bi bô của những em bé ngây thơ.

Tôi ngẫm nghĩ lại, rong ruổi trên cánh đồng từ thiện bao năm, đã từng nhìn thấy nỗi đau của những con người bất hạnh, có những nỗi đau làm quặn thắt cõi lòng nhưng cũng có những giây phút nghẹn ngào nhìn thấy niềm hạnh phúc và hy vọng tràn dâng. Cuộc sống khắc nghiệt tạo nên bao đổ vỡ và ly tan bọt bèo, có thứ văn hóa loại trừ khiến xã hội đầy dẫy những thảm kịch xảy ra ngay trong chính gia đình, bởi chính những người thân yêu mà tôi vẫn thấy nhan nhản đó đây, nhất là sự hủy hoại mầm sống ngay trong lòng mẹ, trong khi còn có những con người luôn khát khao được làm cha làm mẹ.

Giờ đây, đối với anh chị những đứa bé mồ côi kia là món quà tinh thần mà Thiên Chúa ban để liên kết và khích lệ anh chị trong đời sống hôn nhân gia đình, đồng thời cách nào đó để mời gọi anh chị thông dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.  Nguyện xin Thiên Chúa tiếp tục làm lớn lên hoa trái tốt lành mà Người khởi sự nơi anh chị và những người quan tâm đến việc xây dựng và phát triển con người, để nhờ liên kết với Thập Giá của Chúa Kitô có nhiều người quảng đại bằng cách nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi hoặc tham gia những công tác phục vụ tha nhân quảng đại đón nhận và nuôi dưỡng một con người thật sự.

MTG Cái Nhum

NƠI NƯƠNG TỰA CUỐI ĐỜI

Bà Năm bước qua tuổi 80 thì Tân là đứa cháu trai của Bà cũng đến tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự. Do làm ăn thua  lỗ, cha mẹ và các em Tân phải bỏ xứ ra đi. Tân ở lại làm mướn kiếm thuê nuôi sống bà ngoại. Ngày ngày hai bữa cháo rau, bà cháu sống bên nhau cũng đủ ấm lòng. Đã mấy ngày rồi, bà bị cảm lạnh. Nỗi lo của Tân là nhà cửa trống vắng, ai sẽ lo lắng khi ngoại ốm đau. Tuổi già của Bà rồi sẽ ra sao? Đôi chân nặng nề Tân bước tới Nhà Dì và Dì Sáu đang ngồi làm sổ sách thì Tân bước tới.

- Chào Tân! Sao rồi con? Bà Năm khỏe không?

- Dạ, cám ơn Dì. Ngoại con cũng không được khỏe lắm. Nhưng Dì ơi! Khổ nỗi là tuần sau con phải đi

Tân bộc bạch nỗi lòng và trút cạn mối ưu tư khi xa nhà không ai chăm sóc bà ngoại. Sau khi hiểu rõ hoàn cảnh đáng thương của gia đình Tân, Dì Sáu liền nói:

- Dì sẽ giúp lo cho bà ngoại có nơi chỗ ổn định, để con an tâm khi xa nhà. Con bằng lòng gởi ngoại sống trong nhà neo đơn của Hội Dòng Dì không?

- Nhà neo đơn là nhà gì vậy Dì Sáu?

- Là nhà dành riêng để lo cho những người phụ nữ nghèo, những cụ bà tuổi già bơ vơ không ai phụng dưỡng. Nơi đây, mỗi ngày họ đều được no ấm xác hồn. Khi bệnh tật yếu đau có người săn sóc. Nếu họ  chết thì cố gắng lo cho họ có được cái chết xứng đáng với phẩm giá con người...

Sau khi được nghe giải thích về mục đích của Nhà neo đơn. Tân thật an lòng và ân cần nhờ Dì Sáu lo cho bà ngoại. Lòng cảm thấy nhẹ nhàng và Tân chào tạm biệt Dì Sáu.

Ngày Tân lên đường thi hành nghĩa vụ, thì Bà Năm cũng được đưa đến nhà neo đơn của Hội Dòng. Sau một vài ngày, Bà đã thích nghi được với nếp sống mới. Nhờ ăn uống đúng giờ, thuốc men đầy đủ nên Bà rất khỏe. Hằng ngày Bà được tham dự Thánh lễ, được nghe Lời Chúa, lời kinh tiếng hát luôn vang vọng, nhất là đón nhận tấm lòng yêu thương, sự phục vụ tận tình của các Dì nên Bà rất vui.

Sau một năm thi hành nghĩa vụ, Tân được về nghỉ phép, vội vàng đến thăm Dì Sáu và nhờ Dì đưa Tân đến Hội Dòng thăm Bà ngoại. Tân hết sức ngạc nhiên, vui mừng khi thấy Bà khỏe và thay đổi quá nhiều. Hôm nay, ngoại khá hơn, da dẻ hồng hào, chân bước vững vàng không còn chống gậy như ngày nào ở quê nhà. Hơn một buổi thăm ngoại, Tân có dịp thăm hỏi các cụ bà, nhìn thấy cách phục vụ tận tình của các Dì, Tân hết sức thán phục và ra về với lòng đầy an tâm. Trên đường trở về, Tân nói:

- Dì Sáu à! Con thấy có hai cụ nằm nôi, không còn biết gì hết mà các Dì săn sóc chu đáo như mẹ lo cho em bé ở nhà. Cực quá hả Dì Sáu?

- Có những bà nằm như thế 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa... thì các Dì cũng vẫn ân cần chăm sóc, phục vụ chu đáo cho đến hơi thở cuối cùng.

- Bây giờ con thấy người ta dùng phương pháp trợ tử, giúp bệnh nhân chết cách êm ái, khỏi còn hành xác, đỡ tốn thuốc men và không tốn công người chăm sóc đó Dì Sáu.

- Giáo Hội Công Giáo của chúng ta không chấp nhận cách giải quyêt nầy. Dù ở trong tình trạng nào thì cũng phải phục vụ sự sống đến phút cuối cùng theo cách tự nhiên thôi. Sự sống là một hồng ân Chúa ban cho con người, con người có bổn phận phát triển, bảo vệ và phục vụ sự sống. Nếu ai đồng thuận theo bất cứ phương pháp nào nghịch lại với cái chết tự nhiên, đó là chống lại Thiên Chúa, đi ngược với Giáo lý !

- À! Con thấy có Chùa cũng nuôi người già cả, neo đơn nữa.

- Nhiều nhà Chùa, Thánh Thất Cao Đài và những ai có lòng hảo tâm, ý thức giá trị cao quí của sự sống thì họ đều cộng tác với nhau để phục vụ sư sống con người cho tốt hơn.

- Khi được thấy tận mắt nơi Bà ngoại ở và thấy sự phục vụ của các Dì, con rất an tâm. Hy vọng ngoại con sẽ sống thọ hơn. Con biết ơn Dì Sáu lắm. Cám ơn Dì Sáu nhiều.

Xe cũng vừa đỗ bến, Tân chào Dì Sáu và trở về nhà lòng đầy phấn khởi lo việc mưu sinh của mình.

Sự sống là món quà cao quí Thiên Chúa ban cho con người. Mỗi người phải biết quí trọng sự sống của mình và trân quý sự sống của tha nhân. Cách chung ai cũng muốn lo cho sự sống của riêng mình mà lắm khi coi thường sự sống của người khác. Ngày nay, hơn bao giờ hết sự sống con người đang bị đe dọa dưới nhiều hình thức: bạo lực, khủng bố, phá thai, trợ tử... Sự sống bắt nguồn từ nơi gia đình, gia đình là cộng đoàn đầu tiên phục vụ sự sống.

Nếu mỗi thành viên trong gia đình biết chân thành phục vụ, lo cho sự sống của nhau thì xã hội, Giáo hội sẽ là môi trường tốt để sự sống phát triển và được tôn trọng.

MTG Cái Mơn

TRANG SỐNG ƠN GỌI

TU LÀ GÌ? ĐI TU ĐỂ LÀM GÌ?

Trước hết "Tu" là tu sửa, sửa sai để thăng tiến đời sống mình. Người xưa đã nhiều lần dùng chữ "Tu", đặc biệt trong câu nói: "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".

Cũng có nghĩa là "Tu sửa, sửa sai" chính mình, từ ngữ chuyên môn hơn gọi là, "Cải thiện bản thân, thánh hoá bản thân".

Như thế, dù theo nghĩa nào, đi tu trước hết không phải là để lo cho người khác, phục vụ cho người khác nhưng trước hết để lo cho mình, lo cho mình nên thân nên người và nên thánh. Hay nói một cách chính xác hơn đi tu là thánh hóa bản thân mình trước rồi mới đến cứu rỗi linh hồn. Vậy người đi tu phải vâng lời thì mới dạy người khác vâng lời, người đi tu có sửa mình thì mới dạy người khác sửa mình được.

Nói rằng, đi tu là để "là phục vụ, là đem phân phát, là chia sẻ cơm áo cho người khác....là  "cho không " (Mt 10,8).  Như vậy là rất đúng! Nhưng:

Nếu đi tu chỉ là để "Phục vụ tha nhân", có lẽ chúng ta đâu cần đi tu, vì ở ngoài đời cũng phục vụ được, và đôi khi còn có thể phục vụ hay hơn trong đời tu nữa. Nhiều bạn trẻ nghĩ như thế nên quyết định không đi tu. Các bạn ấy nghĩ rằng, mình cần phải học hành giỏi để có khả năng phục vụ, thế là được, chứ đi tu làm ông cha bà phước mà không biết làm việc giỏi thì ở ngoài đời còn hay hơn! Nghĩ như thế không phải sai, nhưng chưa hiểu rõ về mục đích của đời tu. Nếu mục đích tiên quyết của đời tu là đi vào thế giới, nhập thể, đưa đôi bàn tay ra để giúp ích, phục vụ kẻ khác, nếu vậy, thì các dòng tu kín trên thế giới không còn tồn tại.

Mục đích tiên quyết của đời tu là sống tình thân mật với Chúa, chọn Chúa là người yêu muôn thuở, yêu Đức Kitô bằng một tình yêu không chia sẻ. Họ được Chúa yêu "cách đặc biệt". Chính tình yêu đặc biệt này giúp cho người tu cảm nhận được bàn tay của Thiên Chúa chăm sóc mình qua bề trên để từ đó biết sống hiệp thông với Giáo Hội và đáp trả cách đặc biệt tình yêu mà Thiên Chúa ban cho.

Trong đời tu phục vụ là cần thiết và quan trọng, nhưng cầu nguyện với Chúa, nghĩa là nói với Chúa và nghe Chúa nói còn tốt hơn, cần thiết hơn, quan trọng hơn: "chỉ có một điều cần là hãy lắng nghe Lời Chúa".  Nhiều người lo lắng mình phải làm được cái gì cho Chúa là phần ưu tiên, nên bị "cám dỗ về việc học". Đã bỏ ý định đi tu, hoặc có những bạn đã bước vào đời tu rồi, nhưng chưa hiểu rõ ý nghĩa của đời tu, đã xin ra ngoài đi học những môn mình thích, hay vì nghĩ rằng, học những môn đó sau này sẽ rất cần thiết và rất hữu ích cho việc xây dựng thế giới mai ngày. Nếu như thế, các bạn ấy chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc hiến dâng: Hiến dâng là phó thác trọn vẹn cuộc sống mình, hiện tại, tương lai cho Chúa. Vì những lý luận và tính toán của con người đôi khi hay nhưng đó không phải là tư tưởng của Thiên Chúa. "Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi" vả lại chưa chắc một người học hành giỏi dang sẽ có thể đem ơn thánh và nguồn suối cừu độ cho người khác nhiều hơn một người học hành kém cỏi nhưng có đời sống nội tâm sâu sắc.

Trên bước đường theo Chúa trong đời dâng hiến trọn vẹn, Chúa cần tấm lòng và trái tim của chúng ta. Nếu bạn muốn đi tu, đừng sợ mình không có khả năng, đừng ngại bạn kém sinh ngữ, đừng ngại bạn học kém. Chúa cần trái tim của bạn.  

Vậy, đi tu trước hết không phải phục vụ người khác, nhưng là để lo cho phần rỗi của mình, cho sự lớn dậy và lớn mạnh của Tình Yêu Chúa ở trong mình. Và một khi tình yêu đã lớn mạnh trong ta rồi thì tự nhiên với khả năng tự trao ban của tình yêu, ta tự nhiên hăng say và quảng đại phục vụ anh chị em chúng ta, ngay cả sẵn sàng chết về sự trao ban này. Đúng là: "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".  

TRANG THIẾU NHI

TẠP BÚT: MỘT BÔNG HỒNG CHO CHA

Trong thời hồng hoang của lịch sử, con người chỉ biết có mẹ. Khỏi cần tìm hiểu đâu xa, cứ nhìn các con vật thì biết: gần gũi và hiền lành là con chó, con gà, xa xôi và hung bạo là con beo, con cọp. Sinh ra và lớn lên chỉ biết có mẹ, lúc thúc quanh mẹ. Bởi một lẽ đơn giản: khi biết mình mang thai, con cái thường sống cách ly con đực không cho lại gần.

Con người sau này thì không. Cha săn sóc mẹ khi mẹ mang thai, cha đỡ đần mẹ, cha giúp tay mẹ pha bình sữa, giặt giũ tã lót khi cha mẹ còn nghèo. Khi cùng đầy tháng, cha châm hương đốt đèn thành kính cầu xin Mụ Bà và tham lam cầu khắp thần linh phù hộ cho con mau ăn, chóng lớn. Có lẽ đó là lần đầu tiên, lần trọng đại nhất trong đời mà cha trọn lòng nghĩ đến những vị thần linh. Vì con mà tin, mà khấn, mà cầu... cho dẫu mang tiếng mê tín cũng xin sẵn sàng vui nhận.

Con lên hai tháng, ba tháng, nằm ngửa huơ chân, huơ tay, mở to đôi mắt ngơ ngác, xoay đầu nhìn vu vơ sang trái, sang phải. Rồi con biết hé miệng cười, cái cười vô nghĩa nhưng đủ cho cả nhà mừng rỡ reo vui. Rõ ràng là nụ cười của con làm nở những nụ cười xung quanh, làm rạng rỡ những khuôn mặt, xóa mờ những nếp nhăn nơi trán: lần lượt biết lật, biết bò... rồi con ngồi vững, rồi vịn tay đứng được, rồi bước những bước rụt rè. Tiếng reo vui, tiếng khuyến khích vang lên rộn ràng làm đầm ấm, trong đó có lẫn tiếng của cha.

Cha được phân công ngồi bón cho con những miếng cơm đầu tiên, cha phải la: "Ùi ùi ! Coi kìa con chuột. Ăn mau chớ nó ăn hết", rồi thừa lúc con ngơ ngác đưa mắt tìm, cha đút nhanh muỗng cơm vô miệng. Hỡi ơi, từ ngày có con, cha trở thành nhảm nhí đáng thương. Con mới mở miệng ngáp, đôi mắt mới khép hờ mà cha đã vội vàng ru, ru cái kiểu nửa ngâm nửa hát vụng về mà chọn những câu nhảm nhí phù hợp với trạng thái tâm hồn của cha lúc đó: À ơi, con gà cục tác lá chanh...

Có thể cha giỏi nhạc, cha hát hay nhưng cha ngượng không dám nghiêm trang cất giọng, sợ người khác nghe biết cha đang tràn trề niềm vui, no nê hạnh phúc. Vả chăng mặt con ngây ngô thế đó thì cha biểu diễn nghệ thuật để chi? Cha phải ngây ngô theo, còn duỗi chân thì cha nói: "Chà ! Bộ định về thăm ngoại hả ?". Rờ cái đít nung núc thịt, cha bế chạy vừa nói nựng: "À, con heo ú đây. Ai ra mua!". Quả là những giây phút hân hoan cực độ. Nhưng phải chợt dừng lại. Sợ người khác nghe. Phải che giấu hạnh phúc để tỏ rằng mình không tầm thường. Khi có học, cha thường phải tạo vẻ mặt nghiêm trang. Dưới thời Nho giáo, cha được gọi là nghiêm đường. Hai mươi tuổi đậu cử nhân, đậu tiến sĩ thì phải mang bộ mặt lạnh lùng của một quan hoạn. Chỉ có người cha quê mùa mới thong dong cõng con bốn năm tuổi đi chơi nghêu ngao khắp xóm, bứt lá chuối quấn kèn. Lớn lên, cha con cùng làm lụng cạnh nhau trên sân lúa, giữa rẫy khoa. Xã hội hôm nay trí thức hơn, văn minh hơn, trong cuộc sống cha một nghề, con một nghề, ai lo phần nấy, rốt cuộc tình thương cha con trở nên lợt lạt. Tình quấn quít cha con chỉ thể hiện khi con còn nhỏ; quá bậc tiểu học, con bắt đầu lớn, bắt đầu chọn bạn là bắt đầu xa cha. Từ đó cha thường chỉ đóng vai người cung cấp tiền cho con ăn học, may sắm, nguồn kinh nghiệm khôn dại để đưa lời chỉ bảo khuyên răng. Tất cả đều chỉ là lý trí lạnh lùng.

Chứ mẹ thì không. Nghĩ đến mẹ là một chuỗi hình ảnh êm ái hiện ra: mẹ đang nặng đẻ đau, mẹ vạch vú cho bú, mẹ bồng ru ngủ, mẹ ôm hôn nựng, mẹ tập đứng, tập đi. Khỏi cần lý luận khỏi nhìn đâu xa, cứ nghĩ đến mẹ là như thấy rõ hồi nhỏ mình nằm như thế nào trong vòng tay mẹ, ỉa đái tự do trên mình mẹ và mẹ lo giặt, lo thay, quen thuộc với mùi khai, mùi thối. Với cha thì phải suy nghĩ mới thấy, bởi mọi sự thương yêu chỉ hiện rõ khi mình còn nhỏ. Bấy giờ nếu may mà biết được là nhờ ngẫu nhiên thấy một người cha nào đó đang thương yêu săn sóc đứa con nhỏ của họ.

Tìm trong văn chương thì thường chỉ gặp loại: Công cha như núi Thái Sơn...

Núi này nhất định là phải lớn lắm và công cha cũng lớn như vậy. Không thấy ghi lại một nét cảm động về người cha mà chỉ phác qua một hình ảnh uy nghi, nhưng xa cách, gợi sự tôn sùng. Mọi người đều thuộc, đều đọc làu làu, nhưng mà thản nhiên như đọc khẩu hiệu.

Người cha quen thuộc, cha của Mẫn Tử Khiên, thì được vẽ ra là một người biết làm bổn phận: bổn phận cưới kế thiếp khi vợ cả chết và bổn phận đuổi kế thiếp đi vì Mẫn Tử Khiên bị ngược đãi. Mà cũng ngẫu nhiên mới biết được con khổ khi thấy con mặc áo rách run rẩy đẩy xe cho mình.

Người cha trong cuốn Luân Lý giáo khoa thư dễ thương hơn.

Truyện kể: Mẹ đi chợ mua về cho con trái cam. Con nghĩ đến cha làm lụng nắng nôi, liền cầm trái cam ra đồng đưa tặng cha. Cha nghĩ đến mẹ đầu tắt mặt tối ở nhà, liền cầm trái cam đem về tặng mẹ. Trái cam đi về một vòng, dài và rộng hơn sợi dây tình cảm con thương cha, rộng khắp ba lần vì thêm tình mẹ thương con, tình chồng thương vợ.

Cổ văn thường nặng nghĩa lớn, nhẹ tình riêng. Phạm Trọng Yêm, tể tướng đời Tống, sai con là Thuần Nhân chở năm trăm thùng thóc về quê. Đến Đan Dương, nhân gặp Thạch Man Khanh là bạn cũ của cha đang bị khốn quẫn vì bị ba cái tang dồn dập. Nhân tặng hết năm trăm thùng thóc. Lại nghé hai cô con gái của Thạch Man Khanh đến tuổi mà đang ế chồng, liền tặng luôn cái thuyền. Về kể lại chuyện cha nghe. Nghe tới chỗ hai cô gái của bạn ế chồng, Phạm Hiền ngắt lời hỏi:

- Sao con không cho luôn cái thuyền?

Cuộc sống bắt cha hướng mắt ra ngoài đời, nhìn đời, lăn lộn với đời. Mẹ thì nhìn vào trong nhà, nhìn vuông sân chái bếp, con gà, con chó, cây ổi, cây xoài và bầy con của mẹ. Con gần mẹ hơn cha là vậy. Cha lặng lẽ đi làm kiếm tiền, con đâu biết bao nhiêu gian lao cực nhọc, lo toan đối phó làm mệt mỏi gân cốt và trí óc cha. Về đến nhà tìm sự yên tỉnh, nhiều khi mang cái bực bội, cái cáu gắt từ ngoài xã hội mang về theo. Con phải len lén bỏ ra nhà sau, im lặng, càng xa càng tốt, gần như muốn xóa bỏ cái hiện hữu của mình. Sự cách xa giữa cha con thường bắt đầu nhẹ nhàng như vậy. Càng thêm xa cách bởi sao cạnh mẹ con thấy êm đềm. Ai làm ra tiền không cần biết, chỉ biết muốn nhai viên kẹo, muốn cắn trái ổi là chỉ cần thỏ thẻ với mẹ. Mua cây viết mới, sắm đôi dép mới... thảy thảy mẹ đóng vai bà tiên. Tội thân cha, cạnh bà tiên hiền, cha thành Thiên Lôi ; bà tiên càng hiền, cha càng thành La Sát.

Không, cha không muốn vậy. Cha thương con nhưng cuộc sống phân công, mỗi người mỗi việc. Mẹ như cọng mảnh, nhánh thấp càng gần để trái non xúm xít bâu quanh. Cha như thân vững chắc, bám rễ thật chặc, hút nhựa nuôi hoa, nuôi trái.

Thân chỉa những cành lớn đâm ngang, thân vươn lên những nhánh cao phủ trên đầu che mưa che nắng. Cha cân nhắc lời nói, chỉ nói khi cần, con lớn mẹ thì càng phải nghiêm. Mẹ là tình cảm, cha là lý trí, mẹ lạt lòng cha phải giữ kỷ cương. Mẹ chín bỏ làm mười, cha phải cầm cân nảy mực. Đi vào bước trưởng thành từ mười ba, mười bốn tuổi, con càng ngày càng ngại cha, tránh cha rồi xa cha là vậy.

Nhưng đừng đơn giản, bất công, quên cái thời ta lên năm, lên mười, kẻo trở thành bội bạc. Hãy nhìn những đứa ba tuổi làm nũng với cha. Bắt cha bế chạy nhong nhong. Bắt phải dắt ra cổng đứng nhìn xe cộ. Bắt phải có cha nằm cạnh quạt cho mới chịu ngủ. Lên tám, lên chín thì hay chạy tới nơi cha làm việc để đón cha cùng về. Trên đường đi phải nắm tay cha, thỉnh thoảng nhìn lên mặt cha, dẫu là khuôn mặt tầm thường hay xấu xí.

Tuổi già chiếc bóng, mẹ dễ sống theo con, dâu, rể. Lúc thúc sớm hôm, chăm chút tỉ mỉ, mẹ uốn mình theo nếp sống, mềm mỏng ung dung như nước. thường cha thì không, cha ít cam khuất phục rể, dâu. Chịu sống hắt hiu, thiếu thốn, cốt tránh trước cái giả bộ nặng tai của dâu, cái im lặng cố ý của rể. Mẹ biết ý nên khi phải nhắm mắt vĩnh biệt, mẹ thường thổn thức dặn dò: "Anh ở lại nuôi con. Gắng kiếm một người hiền lành giúp đỡ. Chớ đàn ông không chịu khổ được lâu".

Phải, tuổi càng cao, khổ càng chồng chất, dâu, rể không ăn hiếp thì có con muỗi, con kiến ăn hiếp thay. Cứ cắn, cứ chích, nạn nhân nghe đau đâu đập đó, chứ mắt mờ đâu còn thấy rõ. Nhìn lên bầu trời đâu còn thấy chòm Bắc đẩu mà mới ngày nào lững thững dắt con đi trong sân cha chỉ cho con nhìn.

Con nay đang tuổi trung niên, bận theo quyền lực, vui với vợ con, bè bạn, việc báo hiếu cho cha thường tỏ ra bủn xỉn. Nếu có ai trách hửng hờ, chễnh mảng thì thiếu chi lý lẽ dẫn ra: "Được vậy còn đòi gì nữa?.... Trời ơi, thì giờ đâu!".

Phải, thì giờ đâu? Người xưa hay nhắc phận con kíp báo hiếu bởi từ dục dưỡng nhi thân bất đãi, con muốn nuôi mà cha mẹ không chờ.

Khi con ở tuổi trung niên thì cha vào giai đoạn già yếu. Bề ngoài, ngó dẫu phương cương nhưng nội tạng thường đang rệu rã. Dễ hiểu thôi mà, một đồ vật dùng đã sáu chục năm rồi thì dẫu có lạc quan đến đây cũng chỉ có thể tạm nói: "Cũng còn khá". Cha thỉnh thoảng cảm thấy hơi đau nơi này, chợt nghe có cái nhéo nơi kia. Đôi hồi bỗng mệt vô cớ. Nhưng cha thường im lặng không nói. Những câu nói không còn cần thiết, êm ái cho con nữa khi con còn nhỏ. Bây giờ, những câu nói đầy quấy rầy con. Đành âm thầm nghĩ đến câu Vạn vật vô thường.

Sách xưa dạy: Hôn định thần tỉnh, ta dịch: "Tối viếng sớm thăm", lạt lẽo nghèo nàn nếu không có người giảng cụ thể bằng cha mẹ già thường cần đôi mắt và bàn tay con, trước và sau giấc ngủ. Đã nằm trong mùng thì lười đứng dậy để khép bớt cánh cửa, để lấy cái mền, để tìm lọ dầu. Ngủ một đêm sáng dậy, trong mình có gì thay đổi. Đó là lúc con cần hỏi han mẹ cha mới dám giải bày. Gần như mọi người con, cuối cùng đều âm thầm tự trách, lặng lẽ xót xa. Cha biết trước tâm trạng đó, phòng xa ngày nào mình từ trần con mới chợt ân hận muộn màng, nên trong mỗi bức thư gửi con, cha đều kết thúc bằng sự bằng lòng, rằng con đã học hành thành đạt và cha mãn nguyện, cha vui. Lòng vị tha, lòng hy sinh cho con kéo dài mãi sau khi nhắm mắt.

Báo hiếu đâu chỉ món quà, mà có thể đôi tháng gửi một bức thư. Nội dung đâu đòi hỏi cao siêu, chỉ cần mươi dòng lược kể chuyện đã nghe, một điều vừa thấy. Thì cũng như bạn bè bạn gặp nhau, chào nhau một câu rất nhảm mà vẫn rất cần: "Đi đâu đó? Mạnh giỏi?". Sinh nhật cha, tặng một cành hoa. Nếu ở thành phố xa, hai ba đứa gởi về hai, ba bức điện chúc mừng, tốn không bao nhiêu mà tạo được sự rộn ràng tới tấp. Niềm vui tinh thần đâu thua bữa tiệc cao lương?

Ngày Vu Lan, nhiều chùa tổ chức lễ hội bông hồng cài áo. Hoa hồng tượng trưng cho mẹ. Để tỏ lòng thương nghĩ tới cha, nhiều nơi buộc thêm dải nơ tượng trưng cho cha. Cha còn: nơ xanh. Cha mất: nơ trắng. Lễ đường xếp thành bốn dãy, dãy cha mẹ song toàn, hoa hồng, nơ xanh. Mẹ còn, cha mất: hoa hồng nơ trắng. Mẹ mất, cha còn: hoa trắng, nơ xanh. Mẹ cha đều mất: hoa trắng, nơ trắng. Người dự lễ đứng theo hoàn cảnh của mình. Có lần, một em nhỏ tuổi chừng lên tám đứng trong hàng hoa trắng nơ trắng. Em nhìn quanh, tủi thân khóc òa và cả lễ đường cùng khóc òa theo.

Cha cũng như mẹ, rồi sẽ một ngày:
Đỉnh hoa biểu từ khơi bóng hạc (1)

Nên mỗi người con đều phải vội vàng. Trả hiếu không bao giờ đủ, không được coi là dư bởi tình cha thương con là cho chứ không phải cho vay để có thể gọi là trả đủ.

Nhà văn VÕ HỒNG
________________
(1)
Cha mẹ mãn phần (Nhị thập tứ hiếu)

CHA MẸ ƯƠM TRỒNG SỰ SỐNG CHO CON CÁI

"Ăn trái nhớ kẻ trồng cây" hay "Uống nước nhớ nguồn" là một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Mỗi con người có mặt trên thế gian này không phải là do một sự tình cờ hay ngẫu nhiên. Thật vậy, mỗi con người đã mắc một món nợ rất lớn từ nơi cha mẹ. Đó là món nợ sự sống.

Sự sống của một con người được hình thành do kết quả yêu thương mật thiết từ người cha và người mẹ của họ. Chính Thiên Chúa đã xếp đặt điều ấy. Sách Sáng thế cho biết Thiên Chúa thấy việc Ngài làm rất tốt đẹp và Thiên Chúa chúc phúc cho Ađam và Eva: "Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất, làm bá chủ và thống trị mọi loài" ( St 1, 28 ).

Lời chúc lành này của Thiên Chúa là dấu chỉ sự quảng đại của Ngài dành cho những ai sống bậc hôn nhân. Thiên Chúa trao ban cho con người một ân huệ cao cả là khả năng sinh ra một sự sống mới. Vì thế, sự chúc lành của Thiên Chúa không phải là một mệnh lệnh mà là một lời mời gọi con người sinh ra những sự sống mới từ thế hệ này tới thế hệ kia.

Dĩ nhiên một số sinh vật khác trên mặt đất này cũng được Thiên Chúa ban cho khả năng sinh ra sự sống mới. Dầu vậy, nơi con người Thiên Chúa mời gọi họ cộng tác trong việc gìn giữ và bảo vệ sự sống mà họ sinh ra.

Đức Mẹ Maria đã được Thiên Chúa mời gọi không những cưu mang và sinh hạ mà còn cùng với Thánh Giuse bảo vệ sự sống của Đấng Cứu Thế Giêsu. Bà Isave và Ông Giacaria cũng được Thiên Chúa mời gọi như thế với Thánh Gioan Tẩy Giả...

Như thế, nơi môi trường gia đình mỗi con người không những có được sự sống mà còn được bảo vệ. Cha mẹ là những người trước tiên biết bảo vệ sự sống cho con cái mình sinh ra.

Sự sống con người là thể xác và linh hồn. Bảo vệ sự sống là làm cho dồi dào và mạnh khỏe cả xác lẫn hồn. Bệnh hoạn tật nguyền của xác cũng như hồn cần được cứu chữa kịp thời. Một môi trường trong lành toàn vẹn trong gia đình cũng rất cần thiết. Sự sống con người còn được bảo vệ bằng việc thường xuyên trau dồi học hỏi mở mang những kiến thức đạo đời.

Chúa Giêsu đã mời gọi:  "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, thì dù có chết, cũng sẽ được sống". (Ga 11, 25). Tin vào Chúa cha mẹ biết lo cho con mình được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa. Vì "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4, 4 ) và "Ai ăn thịt và uống máu Ta, thì được sống muôn đời" (Ga 6, 54).

Như vậy với gia đình Công Giáo, việc ươm trồng sự sống cho con cái là một lời mời gọi và cũng là một ơn ban. Ước gì những bậc làm cha mẹ Công giáo ý thức được tầm quan trọng này.

TRANG GIỚI TRẺ

Bài Giáo Lý V Về Kinh Tin Kính Của ĐTC Phanxicô Chúa Thánh Thần Nói Gì với Chúng Ta?

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ tư của ĐTC Phanxicô về Năm Đức Tin trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, hôm thứ tư ngày 08 tháng 5 năm 2013. Hôm nay Ngài tiếp tục loạt bài về Kinh Tin Kính mà ĐTC Bênêđictô XVI đã bắt đầu.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Mùa Phục Sinh mà chúng ta đang sống với niềm vui, được hướng dẫn bởi phụng vụ của Hội Thánh, là thời gian tuyệt vời của Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu, Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, ban cho chúng ta "một cách vô hạn" (x. Ga 3:34). Thời gian ân sủng này được kết thúc bằng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Ngũ Tuần), khi Hội Thánh sống lại sự tuôn đổ Thánh Thần trên Đức Mẹ Maria và các Tông Đồ đang tụ họp trong cầu nguyện nơi nhà Tiệc Ly.

Nhưng Chúa Thánh Thần là ai? Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng bằng đức tin: "Tôi tin kính ĐứcChúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và  Đấng ban sự sống." Chân lý thứ nhất mà chúng ta giữ vững là tôi tin Chúa Thánh Thần là Kyrios, Đức Chúa. Điều này có nghĩa là Ngài thực sự là Thiên Chúa như Chúa Cha và Chúa Con, Ngài, đối với chúng ta, là đối tượng của cùng một hành vi thờ phượng và tôn vinh mà chúng ta dành cho Chúa Cha và Chúa Con. Thực ra, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba của Thiên Chúa Ba Ngôi; Ngài là hồng ân cả thể của Đức Kitô Phục Sinh, là Đấng mở trí khôn và tâm hồn chúng ta ra để đón nhận đức tin vào Chúa Giêsu như Chúa Con được Chúa Cha sai đến, và dẫn chúng ta đến tình bằng hữu, đến sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Nhưng tôi muốn tập trung đặc biệt vào thực tại là Chúa Thánh Thần là nguồn mạch vô tận của sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta. Con người của mọi thời đại và mọi nơi đều muốn có một cuộc sống sung mãn và tốt đẹp, công bằng và tốt lành, một cuộc sống không bị đe dọa bởi cái chết, nhưng có thể trưởng thành và phát triển một cách trọn vẹn. Con người như một khách lữ hành, đang băng qua hoang địa cuộc đời, khát một nước hằng sống, vọt lên và tươi mát, có khả năng làm thỏa mãn ước vọng sâu thẳm tận đáy lòng về ánh sáng, tình yêu, vẻ đẹp và bình an của người ấy. Tất cả chúng ta đều cảm thấy ước vọng ấy! Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta nước hằng sống này: đó là Chúa Thánh Thần, Đấng phát sinh từ Chúa Cha, và là Đấng mà Chúa Giêsu đổ vào lòng chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào" (Ga 10:10).

Chúa Giêsu đã hứa với người phụ nữ Samaria rằng Người sẽ luôn luôn ban một "nước hằng sống" cách dồi dào tất cả những ai nhìn nhận Người là Chúa Con được Chúa Cha sai đến để cứu chúng ta (x.Galatians 4:5-26; 3:17). Chúa Giêsu đến để ban cho chúng ta "nước hằng sống" này là Chúa Thánh Thần, để cuộc sống của chúng ta được hướng dẫn bởi Thiên Chúa, được sinh động hóa bởi Thiên Chúa và được nuôi dưỡng bởi Thiên Chúa. Đó là điều chúng ta muốn nói khi nói rằng một Kitô hữu là một con người tinh thần: một Kitô hữu là một người suy nghĩ và hành động theo Thiên Chúa, trong Chúa Thánh Thần. Nhưng tôi xin đưa ra một câu hỏi: còn chúng ta, chúng ta  nghĩ theo Thiên Chúa không? Chúng ta hành động theo Thiên Chúa không? Hoặc chúng ta để cho mình bị hướng dẫn bởi rất nhiều nhữngđiều khác mà không thực sự là Thiên Chúa? Mỗi người chúng ta phải phải trả lời câu hỏi này trong tận đáy lòng mình.

Lúc này chúng ta có thể tự hỏi: tại sao nước này có thể làm dịu cơn khát tận đáy lòng chúng ta? Chúng ta biết rằng nước là điều cần thiết cho cuộc sống, không có nước chúng ta chết; nó làm dịu cơn khát, rửa sạch, làm cho đất đai màu mỡ. Trong Thư gửi tín hữu Rôma, chúng ta tìm thấy những lời này: "tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào tâm hồn chúng ta, qua Chúa Thánh Thần mà Ngài đã ban cho chúng ta" (5:5). "Nước hằng sống,"  Chúa Thánh Thần, hồng ân của Đấng Phục Sinh cư ngụ trong chúng ta, thanh tẩy chúng ta, soi sáng chúng ta, đổi mới chúng ta, biến đổi chúng ta bởi vì làm cho chúng ta được thông phần vào chính sự sống của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu. Vì lý do đó mà Thánh Tông Đồ Phaolô nói rằng đời sống Kitô hữu được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần và các hoa trái của nó là "bác ái, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, nhân hậu, hào hiệp, trung tín, hòa nhã, tiết độ" (Gl 5:22 -23). Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta vào sự sống thần linh như "những người con trong Con Một." Trong một đoạn khác của Thư gửi tín hữu Rôma, mà chúng ta đã nhiều lần đề cập đến, Thánh Phaolô tóm lược nó bằng những lời này: "Tất cả những ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì anh em đã không nhận được thần khí nô lệ khiến anh em phải sợ hãi, nhưng anh em đã nhận Thần Khí làm nghĩa tử, bởi đó chúng ta kêu lên,'Abba! Lạy Cha!' Chính Thần Khí làm chứng cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con, thì cũng là người thừa kế, thừa kế của Thiên Chúa, và đồng thừa kế với Ðức Kitô; miễn là chúng ta cùng chịu đau khổ với Người, để chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người" (8, 14-17).

Đây chính là hồng ân quý giá mà Chúa Thánh Thần đặt vào tâm hồn chúng ta: chính sự sống của Thiên Chúa, sự sống của những người con thật, một mối liên hệ tin tưởng, tự do và tín thác vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, cũng có ảnh hưởng là cho chúng ta một cái nhìn mới về tha nhân, dù xa hay gần, là những người phải luôn luôn được chúng ta coi như anh chị em trong Chúa Giêsu, phải được tôn trọng và yêu thương. Chúa Thánh Thần dạy chúng ta nhìn bằng đôi mắt của Đức Kitô, sống cuộc sống của mình như Đức Kitô đã sống cuộc sống của Người, hiểu cuộc đời như Đức Kitô đã hiểu.

Đó là lý do tại sao nước hằng sống là Chúa Thánh Thần thỏa mãn cơn khát của cuộc đời chúng ta, bởi vì Ngài cho chúng ta biết rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương như con cái, rằng chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa như con cái của Ngài, và nhờ ân sủng của Ngài chúng ta có thể sống như con cái Thiên Chúa, như Chúa Giêsu.  Còn chúng ta, chúng ta có lắng nghe Chúa Thánh Thần không? Chúa Thánh Thần nói gì với chúng ta?  Ngài nói: Thiên Chúa yêu thương bạn. Ngài cho chúng ta biết điều này. Thiên Chúa yêu thương bạn, Thiên Chúa thực sự yêu thương bạn. Còn chúng ta, chúng ta có thật sự yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như Chúa Giêsu không? Hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta, hãy để cho Ngài nói với tâm hồn chúng ta và cho chúng ta biết điều này: Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta, Thiên Chúa là Cha. Ngài yêu thương chúng ta như một người Cha thật, Ngài thật sự yêu thương chúng ta và chỉ một mình Chúa Thánh Thần nói điều này với tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy lắng nghe Chúa Thánh Thần, và chúng ta hãy tiến bước trên con đường này của tình yêu, lòng thương xót và tha thứ. Cảm ơn anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ.
Nguồn:  giaoly.org.vn

TRANG GIA ĐÌNH

Năm Tiêu Chí Của Một Gia Đình Công Giáo

Cái nhìn Công giáo về đời sống gia đình được giải thích trong các tài liệu như Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay (Gaudium et Spes), Tông huấn về Gia Đình (Familiaris Consortio), và những tài liệu hậu hội thượng hội đồng khác. Nói cách khác, gia đình Công giáo có nên khác một cách nào đó với những gia đình khác không, và nếu có, nó sẽ như thế nào?

Trong câu trả lời của tôi cho cuộc khảo sát về Đại Hội ngoại thường về Gia Đình, tôi gợi lên 5 tiêu chí của một gia đình Công giáo. Tôi không cho rằng đây là một bảng gợi ý hoàn thiện. Có thể có vài thiếu sót hiển nhiên. Vấn đề là nhằm đạt tới một cuộc bàn luận đi tới một chỉ dẫn thiết thực cho đời sống gia đình Công giáo nên như thế nào (như được nói rõ bởi các tài liệu hậu thượng hội đồng liên quan về đời sống gia đình). Đây là những gợi ý khiêm tốn của tôi.

Năm tiêu chí của một gia đình Công giáo:

1. Cùng nhau thờ phượng trong các gia đình Công giáo. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của tình yêu và là dấu chỉ của sự mật thiết với điều mà chúng ta được mời gọi. Cho nên, như một gia đình, chúng ta tham dự thánh lễ Chúa Nhật hằng tuần (những ngày lễ và những lúc khác khi chúng ta có thể) và chúng ta tích cực tham gia đời sống của giáo xứ - gia đình thiêng liêng ngoài gia đình của mình. Chúng ta cũng nhìn nhận rằng khi làm người chúng ta phấn đấu trở nên cộng đồng yêu thương mà chúng ta được mời gọi ở trong đó. Vì vậy, như một gia đình, chúng ta thường xuyên đi xưng tội (đề nghị : hằng tháng) để tìm sự chữa lành và ân sủng của Chúa hầu chúng ta sống tốt hơn cái nhìn yêu thương của Chúa trong đời ta và gia đình ta.

2. Gia đình Công giáo cầu nguyện với nhau. Như "Hội Thánh tại gia" chúng ta nhận thấy chúng ta không thể yêu thương người khác như Chúa yêu chúng ta trừ khi chúng ta xin Chúa dạy ý nghĩa của cùng nhau chung sống. Cho nên, thêm vào đời sống cầu nguyện cá nhân, chúng ta họp nhau như vợ chồng và cũng như một gia đình để cầu nguyện hằng ngày. Lúc đó chúng ta ngợi khen và cảm tạ Chúa vì những ơn lành của Ngài. Chúng ta xin Ngài ban ân sủng để chúng ta yêu thương người khác và thế giới này tốt hơn. Chúng tìm kiếm thánh ý Ngài cho cuộc sống của chúng ta. Và chúng ta cầu nguyện cho cả nhu cầu của chúng ta cũng như của Gia Đình Thiên Chúa (Hội Thánh). Chúng ta nhận ra trong những lời của Tôi Tớ Chúa Patrick Peyton : "Gia đình cầu nguyện với nhau sẽ ở cùng nhau."

3. Gia đình Công giáo được mời gọi bước vào sự thân mật. Tertulianô đã từng nói : "Thế gian nói rằng hãy nhìn vào những người kitô hữu đó và thấy họ yêu thương nhau như thế nào!" Cuộc đời người kitô hữu trước hết và trên hết là một lời mời gọi bước vào hiệp thông thân mật. Chúng ta nhận ra rằng gia đình là "trường học yêu thương". Vì vậy, như một gia đình, chúng ta luôn luôn nỗ lực chính mình tìm kiếm để khám phá những cách mới hầu mở ra hơn và yêu thương người khác như vợ chồng, cha mẹ và con cái. Chúng ta nhìn nhận con cái phải là dấu chỉ hữu hình của việc đoàn kết yêu thương giữa vợ chồng. Chúng ta phải biến điều này thành hiện thực trong gia đình chúng ta. Hơn nữa, chúng ta nuôi dưỡng đời sống hôn nhân và việc làm cha làm mẹ mà mỗi thành viên trong gia đình - vợ chồng, cha mẹ và con cái - sẵn lòng mở ra đến người khác và tìm kiếm cho đi chính mình một cách nhưng không hầu tạo nên một "cộng đoàn yêu thương" sâu sắc hơn. Chúng ta luyện tập tất cả các nhân đức giúp chúng ta sống cuộc đời như một quà tặng.

4. Gia đình Công giáo đặt gia đình trên hết. Chúng ta nhìn nhận đời sống gia đình tự nó là phạm vi hoạt động quan trọng nhất bởi vì những mối quan hệ gia đình chúng ta là phương tiện đầu tiên Chúa dùng để hoàn thiện chúng ta. Để hoàn thiện sự thân mật mà chúng ta được mời gọi nuôi dưỡng như hội thánh tại gia, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của những lối sống gia đình chuẩn mực và nên chú tâm hơn về những hoạt động ấy chẳng hạn như bữa cơm tối gia đình, cầu nguyện và thờ phượng trong gia đình, một trò chơi ban tối và/hoặc "ngày gia đình" và thời gian thích hợp để từng bước hiệp thông và xây dựng mối quan hệ. Chúng ta giữ những hoạt động này như những nghi thức thiêng liêng của hội thánh tại gia và quý trọng chúng hơn những hoạt động khác.

5. Gia đình Công giáo là chứng nhân và dấu chỉ. Chúa muốn biến đổi thế giới qua gia đình chúng ta. Chúng ta tham gia vào kế hoạch của Ngài nhằm biến đổi thế giới bằng hai cách. Trước tiên, trong mọi cách có thể nơi những mối liên hệ hằng ngày như vợ chồng, cha mẹ và con cái, bằng cách nỗ lực tỏ bày tình yêu và sự thân mật mà mọi tâm hồn con người mong muốn. Chúng ta phải tỏ bày cho thế giới thấy rằng tình yêu này là giấc mơ có thể đáng vươn tới. Thứ đến, chúng ta sẽ mang tình yêu ra ngoài gia đình bằng cách phục vụ thế giới bao la và tôn trọng sự toàn vẹn của một gia đình.

Như đã nói ở trên, đây là một bảng chưa đầy đủ. Tuy nhiên, tôi tin rằng nó hình dung cho phần nào của nỗ lực mà phải được thực hiện bởi Hội Thánh để phúc âm hóa gia đình. Tôi nghĩ người tín hữu xứng đáng với những gợi ý cụ thể và thực tế (được rút ra từ các tài liệu có liên quan) mà có thể dùng như một điểm khởi đầu hiệu quả nhằm đào sâu một cách sâu sắc hơn trong cái nhìn Công giáo về đời sống hôn nhân và gia đình.

Tác giả: Ts. Gregory Popcak
Lm. G.B. Nguyễn Kim Ngân chuyển ngữ
Nguồn: gpquinhon.org

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

25 Bài Giáo Lý Về Thánh Phaolô

Bài 5: Những Hành Trình Truyền Giáo Của Thánh Phaolô

Theo sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Phaolô có 3 hành trình truyền giáo, thêm vào đó, chuyến cuối cùng là bị giải từ Giêrusalem về Rôma để thụ án do chính quyền tố cáo.

Hành trình thứ nhất (khoảng từ năm 45-49) được ghi lại trong Công Vụ Tông Đồ 13:1-14:28. Phaolô và Barnaba rời tàu từ Antiokia (vùng Syria) qua Cyrus, qua Perga ở Pamphilia, qua Antiokia (vùng Pisidia), rồi đến Iconium, Lystra, và Derbe trong vùng Tiểu Á. Sau đó Phaolô dự công đồng Giêsuralem cùng với Barnaba và trở về lại Antiôkia (vùng Syria).

Hành trình thứ hai (khoảng năm 50-52) được ghi lại trong Cvtd 15:6-18:22. Sau khi bất đồng ý kiến với Barnaba, Phaolô chọn Silô làm người đồng hành truyền giáo. Họ rao giảng khắp vùng Syria, Cilicia, Tiểu Á, qua đến Phrygia và Galata. Tại Troa bên bờ Tiểu Á, Phaolô có thị kiến là được tàu đưa qua Macedonia. Từ đó, Ngài theo đường bộ đến Philiphê, Thesalonica, Beroea, Athen và Corintô. Rồi theo tàu về Ephêsô ở Tiểu Á và vào Cêsarê và Giêrusalem. Sau cùng các Ngài về lại Anitokia (vùng Syria).

Hành trình thứ ba (khoảng năm 53-58) được ghi lại trong Cvtd 18:23-21:17. Từ Giêrusalem, Phaolô đi về Galata, Phrygia và Ephêsô để vượt qua vùng Macedonia. Ý định theo tàu về lại Syria bị hủy bỏ vì Ngài biết có người muốn ám hại Ngài trên đường qua Macedonia đến Troa. Phaolô và đồng bạn dùng tàu đến Mytilene, Samos và Miletus, băng qua Ephêsô để đến Rhodes và Tyre trong vùng Syria. Sau một thời gian ngắn, Phaolô trở lại Giêrusalem để gặp tông đồ Giacôbê.

Hành trình cuối cùng (khoảng năm 60) là bị giải về Rôma cùng với các tù nhân khác, được kể lại trong Cvtd 27:1-28:16. Họ đi từ Cesarê đến Sidon, Myra trong vùng Tiểu Á, rồi đến Crêtê. Từ Crêtê đến Malta, thời tiết xấu làm đắm tàu tại Malta. Sau 3 tháng, họ đi tàu đến Syracuse, Rhegiô và Roma, nơi Phaolô bị quản chế và bị giết.

Lm. Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.
Nguồn: liendoanconggiao.net

TRANG QUỚI CHỨC

SỨ MẠNG THIÊNG LIÊNG

Ở trên đời, nói về vật chất, có nhiều thứ để người ta quý, nhưng chắc không ai có thể chối rằng sự sống là thứ quý nhất.

Không quý nhất sao người ta lại đánh đổi tất cả để được sống, thậm chí có người người còn con nó lớn hơn cả những giá trị tinh thần. Họ có thể đánh đổi tình yêu, danh dự, lương tâm để được sống. Quả thật sự sống là vốn quý Chúa ban và chính Ngài cũng quý trọng sự sống đó dù nó ở trong trạng thái yếu ớt nhất, tuyệt vọng nhất, đèn tắt rồi chỉ còn khói thôi mà Người không nỡ giập thì chúng ta thấy Ngài quý chuộng sự sống thể nào! Ngài luôn bảo vệ sự sống, điều đó chúng ta có thể nhìn thấy trong công trình sáng tạo và cứu độ của người.

Nhin các vật chung quanh ta, từ cây cỏ cho đến loài vật, sự sống được bảo vệ theo những cách rất tự nhiên (nhưng có phải tự nhiên đâu. Đó là sự an bày của Đấng tạo Bông hồng rất đẹp, ai cũng muốn chiếm hữu, muốn hái mang về nhà ngắm cho thỏa thích, nhưng vừa chạm vào thì những gai nhọn từ bông hoa ấy sẽ gởi tới chúng ta một lời nhắn : hãy để bông hoa được sống !

Lúc còn nhỏ, thấy người ta dùng con vịt con để câu cá lóc mẹ thật đáng thương và đáng khâm phục con cá lóc mẹ. Khi thấy bầy con bị con vịt quấy phá, cá mẹ một cách quyết liệt xông vào cắn con vịt. Nhiều lúc bị giật văng lên bờ rơi lại xuống nước vẫn tiếp tục xã thân bảo vệ đàn con của mình cho đến lúc bị mắc câu. Nhiều lúc người ta câu được cá cha lẫn cá mẹ.

Nếu chúng ta quan sát những sự sống khác thì chúng ta cũng sẽ thấy mọi loài đều có những cách bảo vệ giống nòi giống như vậy. Cây cỏ vô tri, con vật hành xử theo bản năng, còn con người thì sao ? con người là thụ tạo cao cấp hơn con vật thì chắc chắn sự sống con người còn quý hơn con vật. Mà cái gì quý thì người ta phải gìn giữ, càng được bảo vệ kín kẻ. Cây có cội, sông có nguồn. Cội có bổn phận nuôi dưỡng cây để cây được sống, nếu các nguồn suối không chảy ra sông, sông sẽ cạn khô và sẽ không còn là sông nữa.

Người ta thường hay nói : hy sinh đời bố, cũng cố đời con, hay nước chảy xuôi cũng là thế. Lưu truyền và bảo vệ sự sống là bổn phận của thế hệ đi trước đối với thế hệ đi sau, cụ thể hơn là của cha mẹ, ông bà đối với con cháu. Đó là sứ mạng thiêng liêng mà Thiên Chúa đã giao phó cho con người. Tre đến lúc nào đó rồi cũng phải tàn, măng mới sẽ duy trì sự sống cho tre. Nếu chúng ta biết quảng đại hy sinh cho con cái để chúng nên người đạo đức, thành đạt, hữu ích thì chúng ta sẽ còn sống mãi trong sự sống mà chúng ta lưu truyền cho con cháu, được vinh dự trong thành đạt và vinh quang của con cháu mình; còn nếu chúng ta ích kỷ không biết cho đi sự sống của chúng ta thì chúng ta đã tự kết liễu chính nguồn sống của mình.

SỐNG ĐẸP

ĐTC Phanxicô Và Bài Học Từ World Cup

VATICAN. Trong bầu không khí hăm hở với Giải Bóng Đá Thế Giới của nhiều người, Đức Thánh Cha, hôm 12.6 vừa qua, đã gửi một thông điệp ngắn đến tất cả mọi người. Trong đó, ngài hy vọng rằng giải bóng đá thế giới này có thể biến thành một ngày hội của tình liên đới giữa các dân tộc. Ngài nói: "Thực ra, thể thao là một công cụ để thông chuyển những giá trị góp phần thúc đẩy những điều tốt đẹp của nhân loại và giúp xây dựng một xã hội hòa bình và huynh đệ hơn. Chúng ta hãy nghĩ đến sự trung thành, kiên nhẫn, tình bạn, sự chia sẻ và tình liên đới." Đức Thánh Cha nói đến ba bài học của việc luyện tập thể thao, ba thái độ thiết yếu để có được hòa bình: cần phải rèn luyện, chơi đẹp và tôn trọng đối phương. Nếu chúng ta cần phải rèn luyện để có được chiến thắng thì "chúng ta có thể nhìn thấy nơi việc luyện tập thể thao này một ẩn dụ về cuộc sống của chúng ta".

Bài học thứ nhất là về sự rèn luyện. Ngài nói:"Trong cuộc sống, chúng ta cần phải chiến đấu, phải rèn luyện, phải nỗi lực để đạt được những kết quả quan trọng. Tinh thần thể thao nhắc nhở chúng ta điều này, rằng hy sinh là điều cần thiết để lớn lên trong nhân đức vốn là điều làm nên tính cách của con người. Nếu để nên tốt hơn, người ta cần phải "rèn luyện" thật nhiều và liên lỉ thì chúng ta càng phải nỗ lực đầu tư nhiều hơn nữa để có thể đi đến việc gặp gỡ và hòa bình giữa các cá nhân và giữa các dân tộc."

Bài học thứ hai là về tinh thần "fair play" hay "chơi đẹp". "Chơi đẹp" cũng là điều quan  trọng không kém vì "bóng đá có thể và phải là trường huấn luyện một nền văn hóa gặp gỡ mang sự hòa hợp và hòa bình đến với các dân tộc." Đức Thánh Cha nói: "Để chiến thắng, người ta cần phải vượt qua được chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa ích kỷ, tất cả những hình thức phân biệt chủng tộc, bất bao dung và trục lợi nơi con người. Vì thế, 'cá nhân chủ nghĩa' trong bóng đá là rào cản cho sự thành công của đội bóng. Nhưng nếu chúng ta 'cá nhân chủ nghĩa' trong cuộc sống, làm ngơ những con người sống quanh chúng ta, chúng ta cũng sẽ nhận lại một thành kiến xấu từ toàn thể xã hội."

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng "bí quyết của chiến thắng trên sân cỏ, cũng như trong cuộc sống, hệ ở việc biết cách tôn trọng những đồng đội khác trong đội, cũng như đối phương. Không ai có thể chiến thắng một mình, dù là trên sân cỏ hay trong cuộc sống! Không ai là đơn độc và cảm thấy bị loại trừ! Và, nếu đúng là khi kết thúc giải bóng đá thế giới này, chỉ có một đội tuyển quốc gia dương cao chiếc cúp chiến thắng thì nếu chúng ta học được những bài học mà thể thao dạy cho chúng ta, tất cả chúng ta sẽ là người chiến thắng, chúng ta thắt chặt mối dây nối kết chúng ta."

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: dongten.net

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

Cứ   Làm Việc  Bác Ai  Là Đủ Để Được Cứu Rỗi?

Hỏi: Trong Phúc âm Thánh Matthêu, chương 25, qua dụ ngôn "Ngày phán xét chung", Chúa thưởng công cho những người khi còn sống có lòng bác ái, và phạt những người không có lòng bác ái. Như vậy có phải chỉ cần làm việc bác ái là được cứu rỗi hay sao?

Trả lời:  Mến Chúa và yêu người là hai điều răn quan trọng nhất mà Thiên Chúa truyền cho con người phải tuân giữ  để được chúc phúc từ thời Cựu Ước đến thời Tân Ước  như  lời Chúa Giêsu đã nói với một kinh sư kia như sau:

"Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hởi Israel, Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta,  là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực  ngươi. Điều răn thứ hai là:  ngươi phải yêu mến người lân cận (neighbors) như chính mình. Chẳng còn điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." (Mc  12:  29- 31; Mt  22 : 38-39)

Nghĩa là mến Chúa phải đi đôi với yêu người. Mà yêu người thì không phải chỉ yêu người về phe với mình, ca tụng mình, có lợi cho mình mà còn phải yêu cả kẻ thù của mình như Chúa  đã dạy các môn đệ xưa:

"Anh  em đã nghe Luật dạy  rằng:  hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh  em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh  em." (Mt 5: 43-44)

Chúa không những dạy  mà còn làm gương yêu kẻ thù cho chúng ta,  khi Chúa bị treo trên thập giá và Người đã cầu xin cùng Chúa Cha cho những kẻ đã đóng đanh Người như sau:

"Lậy Cha, xin tha cho chúng vì  chúng không biết việc chúng làm." (Lc 23: 34)

Như  thể đủ cho chúng ta thấy là phải yêu người khác như thế nào để xứng đáng được "trở nên con cái  của Cha anh  em, Đấng ngự  trên Trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính." (Mt 5: 45)

Nhưng mến Chúa và yêu người thì không thể nói lý thuyết suông được,  mà phải thể hiện bằng hành động cụ thể  để chứng minh, vì nếu chỉ nói mà không làm thì không thuyết phục được ai. Và cũng không có giá trị gì cả.

Thực vây, trước hết, nói về yêu mến Chúa, thì  phải thực sự yêu mến từ trong lòng, từ  nội tâm ra  đến hành động  bên ngoài. Nếu không,  thì hãy  nghe  Chúa Giêsu mượn lời ngôn sứ  I-saia  để nói về bọn Biệt phái và Luật sĩ xưa như sau:

"Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng. Còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta  thì cũng vô ích. Vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân," (Mt 15: 8-9)

Nếu thực tâm yêu  mến Chúa thì trước hết phải tuân giữ các thánh chỉ hay điều răn của Chúa như Chúa Giêsu đã dạy  các môn đệ xưa:

"Ai có nghe và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến, Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy." (Ga 14: 21)

Nói khác đi, không thể nói tin Chúa, yêu Chúa mà lại làm những điều trái nghịch với tình thương, công bằng và thánh thiện của Chúa, như  oán thù,  ghen ghét,  giết người, giết thai nhi, bất công và bóc lột  người  khác, thay vợ đổi chồng, dâm ô trác táng, tôn thờ tiền của và mọi thú vui vô luân vô đạo.

Lại nữa, cũng không thể yêu Chúa mà không yêu mến Giáo Hội và  những bí tích tối cần cho ơn cứu độ như Thánh Thể và Hòa giải để siêng năng tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc quanh năm; cũng như năng chạy đến với Chúa trong bí tích hòa giải để được tha thứ  mọi tội lỗi vì  yếu đuối con người - nhất là  vì ma quỷ cám dỗ và gương  xấu của môi trường sống.

Thứ  đến là  yêu mến người khác. Tình yêu này cũng phải được  thể hiện bằng hành động cụ thế, chứ không thể nói suông ngoài  môi miệng như Thánh Gia-cô-bê Tông đồ đã dạy như sau:

"Giả như có người anh  em hay chị em không có áo che thân, và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh  em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm, ăn cho no nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích gì?" (Gc 2: 14-16)

Nói rõ hơn, bác ái phải được minh chứng bằng hành động cụ thể thì mới có giá trị thuyết phục.

Bác ái đích thực cũng là thước đo đức tin sống động và là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cũng vì yêu thương bác ái đích thực  mà  tạo dựng và  cứu chuộc con người  nhờ Chúa Kitô, Đấng  đã "hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người." (Mt 20: 28)  cũng chỉ vì muốn cụ thể hóa tình yêu của Chúa đối với tất cả  mọi người chúng ta như Chúa đã nói với các môn đệ trước giờ Người bị trao nộp:

"Không có tình thương nào cao cả hơn tình thường của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình." (Ga  15: 13)

Trên đây là lời cáo biệt  sau hết  của Chúa với 12 Tông Đồ. Nhân dịp này  Chúa  đã gọi họ - và qua họ, tất cả chúng ta - là "bạn hữu" của Người. Và Chúa đã minh chứng tình yêu của Người cho chúng ta bằng cách "hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người." (Mt 20: 28)

Chính trong tinh thần này mà dụ ngôn Ngày Phán xét chung trong Tin Mừng Thánh Matthêu là một thí dụ cụ thể  về mến Chúa và yêu người cách đích thực.

Thật vậy,  qua dụ ngôn trên, Chúa muốn chúng ta cụ thể lòng tin yêu Chúa bằng việc bác ai, thiết thực  là cho kẻ  đói ăn, cho kẻ khát uống, thăm nom người đau yếu và kẻ bị tù đầy. Như thế  những việc bác ái này là bằng chứng nói lên lòng tin yêu  Chúa cách nồng nàn nhất - và do đó - có giá trị cứu rỗi cho những ai muốn chứng mình đức tin và đức mến của mình dựa trên  lời dạy sau đây của Thánh Gia-cô-bê Tông đồ:

"Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không có hành động. Còn tôi tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin...Ông Ap-raham tổ phụ chúng ta đã chẳng  được nên công chính nhờ hành động khi ông hiến dâng con mình là I-gia-ac trên bàn thờ đó sao? Bạn thấy đó: đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo...Anh  em thấy đó: nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi." (Gc  2: 17-18, 21, 24)

Nói cách khác, nhờ đức tin,  ta tin có Chúa là Cha cực tốt cực lành. Đức tin dạy ta phải mến Chúa và yêu người cách cụ thể, sống động chứ không lý thuyết suông bằng môi miệng. Do đó, đức ái nồng nàn là thể hiện đức tin sâu đậm. Nghĩa là nếu không có đức tin là động lực chính  thúc đẩy thì  hành động không thể mang giá trị bác ái được.

Cụ thể, người ta có thể bỏ ra hàng trăm triệu đôla để giúp người nghèo nhưng vẫn không có giá trị  bác ái,  nếu chỉ làm để khoe khoang, để được tiếng hảo tâm, rộng lượng, hoặc để được an tâm   che dấu  những cách làm tiền thiếu công bình, đạo đức của mình. Ngược lại, chỉ cho ai một đồng bạc, một chén cơm,  một ly nước lã.  Nhưng với lòng mến Chúa và tin có Chúa hiện diện nơi những người nghèo đói  nên muốn chia sẻ với họ theo khả năng của mình,  thì vẫn có giá trị bác ái hơn người cho cả triệu đồng  để giúp  trẻ mồ côi, giúp xậy nhà thương, nhà thờ nhà chùa, chỉ vì muốn  khoe khoang hay  muốn che mắt người đời về  những cách làm giầu tội lỗi của mình  như  buôn bán gian lận,  mở sòng bài bạc, sản xuất phim ảnh, sách báo dâm ô đồi trụy - và nhất là -  buôn bán phụ nữ  và trẻ em cho kỹ nghệ mãi dâm, ấu dâm (child prostitution)  vô cùng khốn nạn như nhiều người đang làm hiện nay.

Tiền bạc của họ bỏ ra cho ai, nhờ cách  kiếm tiền tội lỗi nói trên  thì chắc chắn không thể biện minh cho việc làm vô luân  vô đạo  của họ được, và nhất là không giúp ích gì cho phần rỗi của họ sau này. Một chuyện có thật, đáng chú ý  là  cách nay 9 năm, một nhà thờ Tin lành ở Houston, Texas đã từ chối không nhân hai triệu đôla của một người  đã trúng  lôtô dâng cúng. Vị mục sư coi sóc nhà thờ ở đây  đã không  nhận số tiền trên vì  cho rằng tiền đó là do cờ bạc đem lại chứ không phải do công khó làm ra!

Trong nhãn giới này,  không ai có thể mua Nước Trời, mua ơn cứu rỗi bằng tiền bạc được. Nghĩa là  không thể bỏ hàng triệu bạc ra xin "lễ đời đời"  hay  "mua hậu" của những nơi buôn thần bán thánh để khoán trắng phần rỗi của mình cho  người khác làm thay  mà không cần  có nỗ lực mến Chúa yêu người  thực  sự đi kèm. Nói rõ hơn, chỉ có sống đức tin đích  thực  là yêu mến Chúa hơn yêu tiền bạc và mọi thú vui vô luân vô đạo song song với  đức ái  nồng nàn,  thì đó mới là phương thế  hữu hiệu cho ta được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc  vô giá của Chúa Giê-su Kitô mà thôi.

Ước mong giải đáp trên thỏa mãn phần nào câu hỏi được đặt ra.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Nguồn: conggiaovietnam.net

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

6 Cách Cực Hay Giúp Bạn Vui Khỏe

Tâm trạng vui vẻ chứng tỏ bạn đang rất thoải mái về mặt tinh thần. Điều này có lợi cho sức khỏe tổng thể nói chung.

Vui vẻ là trạng thái tâm trạng mà chúng ta hoàn toàn có thể có được và nên có. Giữ cho mình trạng thái luôn vui vẻ đồng nghĩa với việc bạn khỏe mạnh hoặc cho dù có bị bệnh gì đi nữa thì khả năng khỏi bệnh cũng cao hơn rất nhiều.

1. Không ngừng học hỏi điều mới mẻ

Bộ não của chúng ta cũng tương tự như cơ bắp, nó cần được luyện tập để có thể làm việc hiệu quả. Luôn luôn học hỏi điều mới mẻ không chị giúp trí tuệ của bạn được mãi giũa hàng ngày, mà nó còn giúp cho cuộc sống của bạn trở nên giàu có và vui vẻ hơn.

Vì vậy, hãy học hỏi điều gì đó mới mẻ hàng ngày (hoặc ít nhất hàng tuần), ví dụ học một điệu nhảy, học một từ tiếng Anh mới, nấu một món ăn mới mà bạn chưa bao giờ thử trước đó hoặc đọc một cuốn sách mới. Hãy làm bất cứ điều gì mới mẻ đối với bạn, điều đó sẽ giúp bạn thoải mái hơn.

2. Không sợ nói: "Không"

Bạn đã rơi vào tình huống mà bạn cảm thấy như đang chống lại chính bản thân mình, cố làm vừa lòng ai đó trong khi bạn không muốn, để rồi sau đó bạn bực bội với chính mình?

Điều đó, tất nhiên không có lợi cho bạn cũng như cho chính người mà bạn đang cố làm họ hài lòng. Trong những tình huống đó, bạn cần học cách nói "không". Đây chính là cách tốt nhất để bạn cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Bạn sẽ cảm thấy thật sự vui vẻ khi bạn làm theo lời mách bảo của trái tim và được làm những gì mình muốn bởi đôi khi điều đó sẽ tốt hơn cho cả hai người. Vì thế, bạn đừng bao giờ sợ hãi khi nói "không" với ai đó.

3. Không sợ hãi khi phải bắt đầu lại

Điều đó có nghĩa dù trong quá khứ bạn có thất bại bao nhiêu lần cũng không quan trọng. Bạn có thể luôn luôn bắt đầu lại quá trình, bạn luôn có thể lật lại "trang sách cuộc đời bạn" và bắt đầu "kể một câu chuyện mới". Một số người nghĩ rằng khi đó đã quá muộn vì họ đã quá già hay vì họ thiếu các kĩ năng, nhưng sự thật là không bao giờ là quá muộn để bắt đầu cuộc hành trình đi đến giấc mơ của mỗi người.

Một người có thể kết hôn ở tuổi 75 và sống vui vẻ phần đời còn lại. Một số người có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống thật sự của mình ở tuổi 90 và bắt đầu thích thú với những gì họ đang thực hiện. Một số người có thể gặp thất bại nhiều lần trong kinh doanh, nhưng một ngày họ sẽ có sự đột phá. Nếu bạn đủ kiên nhẫn - sớm muộn gì bạn cũng sẽ thành công. Vì thế hãy loại bỏ suy nghĩ tiêu cực sợ hãi, và không bao là quá muộn để bắt đầu lại từ đầu.

4. Không nói quá nhiều (... và ăn quá nhiều)

Ngủ là điều cần thiết và là một trong những điều quan trọng nhất để có cơ thể khỏe mạnh, nhưng ngủ quá nhiều khiến bạn mệt mỏi, thiếu năng lượng và làm bạn thấy mình rất "lười biếng". Bạn nên ngủ 7, 8 tiếng một ngày, một số người ngủ ít hơn chỉ khoảng 6 tiếng một ngày.

Hãy lắng nghe nhu cầu của cơ thể bạn và đặt ra nguyên tắc để bạn có thể đi ngủ và thức dậy vào một giờ nhất định. Ăn quá nhiều cũng là điều bạn nên tránh. Bạn hãy nhớ nguyên tắc: cơ thể khỏe mạnh - tinh thần minh mẫn.

5. Không chỉ trích người khác

Thông thường, chúng ta luôn chú ý và nhận xét về khiếm khuyết của người khác, đặc biệt là khi họ không có mặt ở đó. Nhưng có một điều quan trọng bạn nên biết là khi bạn chỉ trích người khác thì có nghĩa là bạn đang tích lũy năng lượng tiêu cực trong trái tim mình, và điều đó sẽ hút những điều tiêu cực vào cuộc sống của bạn.

Vì vậy hãy tập trung vào sự hoàn thiện và phát triển chính cuộc sống của chúng ta, thay vì dành thời gian chú ý vào những sai sót của người khác. Bạn sẽ sớm nhận ra rằng cuộc sống của bạn sẽ trở nên vui vẻ hơn khi bạn không chỉ trích người khác.

6. Không so sánh mình với người khác

Nhiều khi chúng ta cố áp đặt những hình ảnh "không thể có được" cho mình và ép mình phải thực hiện được những tiêu chuẩn đó để giống với một người nào đó. Nhưng tất nhiên, không thể làm cho tất cả mọi người sống theo một tiêu chuẩn nào đó, nếu mọi người trên thế giới đều giống nhau thì thế giới thật buồn tẻ.

Sức mạnh của bạn nằm trong chính con người bạn, vì chỉ có bạn là duy nhất trong thế giới này. Có thể có ai đó cao hơn bạn, thông minh hơn bạn, hấp dẫn hơn bạn, trẻ hơn bạn nhưng sẽ không thể có ai là bạn. Hãy chấp nhận điều đó và hãy biết yêu quý, trân trọng bản thân mình. Có như thế bạn mới tìm thấy vui vẻ trong cuộc sống.

Theo K.Huy (Tri thức trẻ)

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

Nghĩ Về Gương Tử Đạo Của Các Thánh

Mừng lễ các Thánh Tử Đạo, tôi thường nghĩ đến những đau khổ mà các ngài phải chịu. Những hình phạt dã man nhất như tùng xẻo ( bá đao) phanh thây (ngựa kéo) lăng trì...nghĩ đến đó thôi là tôi đã thấy rùng mình, sợ hãi quá.Làm sao mà các ngài có sự can đảm phi thường để chịu những cực hình ấy? Cũng có thể các ngài không sợ chết và trong nhân gian này cũng có những người đang chán sống, không sợ chết nên đã dám tự tử...Nhưng cái chết dần mòn trong đau đớn thể xác và tinh thần thì phải có sức mạnh kiên cường mới chịu đựng được, bằng không thì rất dễ đầu hàng. Chết vì đạo, tử vì đạo luôn là tấm gương anh hùng cho các thế hệ mai sau. Ngày nay, trong một xã hội văn minh, lại có mạng lưới thông tin rộng khắp, chúng ta, những người tin Chúa có lẽ sẽ không bị hành hạ dã man như ngày xưa, nhưng khó khăn và đau khổ vẫn còn đó cho những ai muốn quên mình để theo Chúa một cách trọn vẹn.     

Tử đạo là chết vì đạo. Chết là từ bỏ vĩnh viễn mọi sự thế gian này, như thế có nghĩa là các Thánh Tử Đạo đã từ bỏ mình, từ bỏ ý riêng, từ bỏ danh vọng, từ bỏ gia đình, từ bỏ những người thân yêu để chọn Chúa. Tử đạo là một sự chiến đầu bền bỉ chứ không phải là một quyết định bồng bột trong chốc lát. Đọc gương các Thánh Tử Đạo, tôi thấy các ngài đã phải chiến đấu với chính bản thân mình. Cuộc chiến đấu này gay go hơn chấp nhận một cái chết. Khi bị bắt,các ngài thương bị đe dọa cũng như dụ dỗ với bả vinh hoa phú quý đời này. Các ngài đã chiến đấu với sự quyến luyến của người thân, chiến đấu với nỗi đau triền miên trên thân xác, chiến đấu với nỗi nghi ngờ về niềm tin...Càng bị giam giữ lâu, các ngài càng phải chiến đấu với khuynh hướng tự nhiên là sự đầu hàng.     

Chúa đã cho các Thánh Tử Đạo sự tự do chọn lựa, chọn giữa cuộc sống như mọi người hay chọn cái chết bỏ lại đằng sau tất cả những gì thuộc về mình, thuộc về thế gian này.Giữa cái sống và cái chết, trong cái khát khao được sống, con người bình thường có thể chối đạo một cách dễ dàng với những lập luận :"Cứ chối đạo đi, được thả ra đã rồi sau này ăn năn Chúa cũng tha mà hoặc còn sống là còn có cơ hội làm việc cho Chúa hoặc tôi có thể tử đạo, nhưng ngặt một cái là các con tôi còn quá nhỏ, hay tôi là linh muc, tôi sẵn sàng tử đạo nhưng tôi chết đi thì giáo dân của tôi không ai chăm sóc cho phần hồn của họ..."Nếu không có ơn Chúa, đối diện với chọn lựa sống còn này,dễ ai có thể đứng vững được.          

Xem gương các Thánh Tử Đạo tôi lại nghĩ đến thân phận của mình. Thực ra theo Chúa là đã bắt đầu một tiến trình tử đạo rồi.Tử đạo là cách hùng hồn nhất tuyên xưng niềm tin của mình. Tôi đã không dứt khoát theo Chúa là vì tôi không có đức tin vững vàng, hoặc đức tin của tôi còn quá yếu cho nên những quyến luyến trần gian vẫn cón mê hoặc tôi. Tôi đã bước theo Chúa mà vẫn cón ngoái cổ lại đằng sau và tiếc nuối tiền bạc, danh vọng cũng như những đam mê vui thú khác.    

Tôi không biết các Thánh Tử Đạo đã yêu Chúa nhiều như thế nào nhưng chắc chắn là các ngài đã yêu Chúa hơn là các ngài yêu chính bản thân mình. Các ngài đã bán hết tài sản, đã vét đến đồng xu cuối cùng để mua cho được kho báu trong thửa vườn của Chúa. Còn tôi, tôi vẫn yêu Chúa đấy nhưng tình yêu dành cho Chúa có giới hạn vì tôi vẫn dành nhiều ưu tiên cho tôi, tôi vẫn không yêu Chúa bằng hết tâm hồn, hết trí khôn. Tôi biết tình yêu tôi dành cho Chúa là tình yêu nửa vời, là tình yêu giả dối vì không ai chấp nhận một tình yêu mà chỉ yêu có một nửa hay một phần của trái tim? Thế nhưng tôi đã không yêu Chúa hơn được nữa..thật tội nghiệp cho Chúa và cho tôi. Trái tim yêu của tôi còn nhiều thứ ngổn ngang, còn nhiều vách ngăn cho những chuyện đáng yêu khác vì thế việc sống đạo của tôi cũng mãi nhì nhằng vậy thôi, ai sao tôi vậy.      

Tôi không biết các Thánh Tử Đạo đã sống đạo ra sao, nhưng chắn chắn các ngài đã có một sự liên hệ rất mật thiết với Chúa đến nỗi các ngài đã dám chết, dám phó thác tất cả trong Chúa bởi trong nhân gian không ai dám liều mình vì người mà mình không yêu tha thiết bao giờ! Tôi cũng cố giữ liên hệ với Chúa, nhưng là một giao tiếp mang tính lợi dụng để xin ơn này, cầu ơn nọ chứ tôi không có những giây phút mở lòng với Chúa, tôi không nghe Chúa nói với tôi, tôi không cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong đời sống của tôi. Có khi tôi cũng chịu khó ngồi lại trong nhà thờ, nhưng tôi không thấy Chúa mà chỉ thấy những vật vô tri như bàn thờ bằng gỗ quý, hoa đẹp,nến thơm, tranh ảnh độc đáo, tượng bằng đá nghệ thuật...Có một khoảng cách nào đó giữa tôi và Chúa.Đôi khi tôi nghe như có tiếng mời gọi réo rắt nhưng cũng có lúc lại là một sự trống vắng nuối tiếc. Tôi biết Chúa lúc nào cũng sẵn sàng mở rộng vòng tay ôm tôi vào lòng, nhưng tôi cứ để ngày qua tháng lại lao vào cơn lốc cuộc đời, không có thời gian lắng đọng để hồi tâm tìm về với Chúa!        

Thực ra đã có những đêm dài chợt thức giấc tôi tự hỏi lòng mình: Nếu mình cứ tiếp tục sống như tôi đang sống, lúc nào cũng bận rộn, bon chen, vất vả, lo toan đủ thứ thì cuộc sống có ý nghĩa gì ? và nếu tôi cứ tiếp tục sống đạo kiểu nửa vời như thế này thì đến khi tôi phải lìa bỏ cái nơi tạm bợ này thì tôi sẽ đi về đâu ? Tôi cũng đã có những giây phút khát khao một sự bình an chìm sâu trong đáy tâm hồn để được trầm lắng định hướng lai cuộc đời mình, nhưng một lối sống với quá nhiều nhu cầu như hiện nay đã không để tôi yên, hồn tôi luôn bị xao động và làm vỡ tung những khoảng khắc yên tĩnh hiếm hoi ấy. Tôi đã gượng dậy nhưng chưa đứng hẳn lên để bước trở về nhà cha tôi.     

Hôm nay mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, được dịp chiêm ngắm gương lành, hy sinh của các thánh, tôi như đuợc thúc giục để theo chân các ngài. Có lẽ tôi vẫn không dám chọn tử đạo như các ngài, nhưng tôi sẽ cố gắng từ bỏ con người cũ của tôi để tập sống yêu thương mọi người. Tôi sẽ tập từ bỏ mỗi ngày một chút xíu tính tự ái, tật kiêu căng, thói huyênh hoang, lòng ghen tị... đến đón nhận và thực hành một chút nhịn nhục, một chút khiêm nhường, một chút chân thành, một chút cảm thông... Tôi sẽ mở lòng để đón Chúa ngư vào nhà linh hồn tôi bằng cách luôn ý thức về sự hiện diện của Chúa từng phút giây trong cuộc sống của tôi và như thế tôi sẽ nghe được tiếng Ngài an ủi khi gặp gian nan thử thách, lời khích lệ của Ngài khi tôi tiến thêm một bước trên đường lành thánh. Chúa ơi, con biết con yếu đuối và con sẽ chẳng làm được gì lành nếu không có Chúa.     

Nguyện xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam đang hưởng vinh phúc trên Thiên Đàng cầu bầu cùng Chúa cho giáo dân Viêt Nam đang trên hành trình về nhà Cha. Xin Chúa thêm đức tin cho chúng con để chúng con biết chọn Chúa trong tất cả những chọn lựa hằng ngày, để chúng con biết yêu Chúa bằng cả trọn vẹn trái tim. Xin nâng đỡ những yếu đuối, vấp ngã cũng như xin ban thêm sức mạnh đẻ chúng con vượt thắng được tính nặng nề của xác thịt, để chúng con can đảm vác Thánh Gía của chúng con mỗi ngày. Chúng con nguyện xin những điều này nhờ lời bầu cử của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Amen.          

Giuse Thẩm Nguyễn
Nguồn: vietcatholic.net

CHIA SẺ MỤC VỤ BÁC ÁI

"KẺ KHÁC" LÀ THIÊN ĐÀNG CỦA TÔI

Trái với tư tưởng của triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre: "Kẻ khác là hỏa ngục", Cha quản lý Giáo phận Cần Thơ đã từng bước gợi mở trong bài giảng của ngài để chúng tôi, những người tham dự khóa tập huấn "Đồng Hành II", càng lúc càng cảm nhận sâu sắc ý nghĩa từ "kẻ khác" cách tích cực hơn.

Ngẫm lại, hàng ngày có biết bao "kẻ khác" đến và đi qua cuộc đời tôi: những người tôi đang phục vụ, những người cộng tác với tôi, những người tôi nhớ đến, những người tôi nhờ đến......

Nhìn lại một chặng đường thì "kẻ khác" càng nhiều hơn, có người mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp và ngược lại; nhưng quan trọng là đến lúc này tôi nhận thấy rằng tất cả đều có nghĩa với tôi. Niềm vui thêm động lực, khó khăn thêm nghị lực!

Từ điểm này, tôi nhận thấy vai trò rất quan trọng của những anh chị em đang đồng hành với các em học sinh nghèo tại các đơn vị trong các chương trình học bổng: "Con đường sáng" của Ủy Ban BAXH - CARITAS VN hoặc "Enfants de Mékong". "Kẻ khác" những anh chị đang đồng hành là các em có hoàn cảnh khó khăn về vật chất lẫn tinh thần, các em đang trong lứa tuổi vị thành niên với những thay đổi về thể lý và tâm lý. Lắng nghe, chia sẻ và cùng đi với các em là điều không dễ dàng. Nhưng với trái tim yêu thương và nhận ra "kẻ khác" này chính là món quà mà tôi đang được trao gửi thì mọi khó khăn sẽ trở nên nhẹ nhàng và mang lại cho tôi niềm vui tinh thần.

Lắng nghe chia sẻ từ một vài anh chị đồng hành, họ biết gia đình từng em, hiểu rõ hoàn cảnh lẫn tính tình các em, khả năng học và cả mơ ước... Có nơi các em tin tưởng người đồng hành như Cha Mẹ: khó khăn, vui buồn đều chạy đến chia sẻ hoặc điện thoại để khóc, để tìm sự cảm thông và họ đã xem các em như một phần của cuộc đời họ. Họ nhận thấy việc đồng hành với các em không phải chỉ là trách nhiệm mà còn là sứ mạng. Sứ mạng giúp các em hiểu được tầm quan trọng của việc học, sứ mạng giúp các em nhận ra giá trị cao quý là chính các em và sứ mạng để đền đáp ơn Chúa dành cho cá nhân họ.

Những hòn đá cuội, sở dĩ trở nên nhẵn nhụi nhờ vào đâu? Nếu không là do những lớp sóng phủ tràn lên nó từ bao đời qua; đồng thời, chính những hòn đá ấy chúng va chạm vào nhau mỗi khi cơn sóng lướt qua khiến cho những góc nhọn bị sứt mẻ đi. "Kẻ khác" trong cuộc đời tôi gặp, nếu nhìn trong "lăng kính" lạc quan thì đó hồng ân Chúa ban để giúp tôi luyện, biến đổi tôi nên tốt hơn. Tất cả là Hồng ân. Trong nhãn quan tin tưởng đó "kẻ khác" chính là thiên đàng của tôi vậy.

Caritas Vĩnh Long

TÌM HIỂU VỀ ĐỨC TIN

Tội Phạm Đến Chúa Thánh Thần Là Tội Nào, Mà Không Được Tha?

Hỏi: Nhân lễ Chúa Hiện Xuống, xin Cha giải thích rõ tại sao tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không được tha thứ?

Trả lời: Trong Tin Mừng Thánh Maccô, Chúa Giêsu nói: "Thầy bảo thật anh  em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời" (Mc 3,28-29). Chúng ta phải hiểu thế nào về lời dạy trên đây của Chúa Giêsu?

Trước hết, chúng ta cần nhớ là những lời Chúa Giêsu đã nói với các Tồng Đồ về Chúa Thánh Thần như sau: "Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh  em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh  em. Khi Người đến, Người  sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và về việc xét xử" (Ga 16: 7-8).

Đấng Bảo Trợ (the Paraclete) mà Chúa Giêsu nói đây, chính là Chúa Thánh Thần. Ngài là Thần Chân Lý (the Spirit of Truth), là Thần Khí của Thiên Chúa (the Spirit of God), là Đấng  được sai đến để "dẫn anh  em tới sự thật toàn vẹn" (Ga 16, 13) một sự thật hay chân lý mà các Tông Đồ không  thể hiểu thấu nếu không có ơn soi sáng  trợ giúp của Thần Khí Chúa là Chúa Thánh Thần, tức Ngôi Ba Thiên Chúa.

Vì thế, sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã hiện ra với  các Tông Đồ, thở hơi vào các ông và nói: "Anh  em hãy nhận lấy Thánh Thần" (Ga 20: 22). Chúa ban Thánh Thần cho các Môn đệ để giúp họ thấu hiểu những điều Người đã dạy bảo họ trong 3 năm sống chung và đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, trước khi Người thọ nạn thập giá, chết, sống lại và lên Trời.

Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, qua việc Xức Dầu Thánh, chúng ta đã lãnh nhận một phần ơn Chúa Thánh Thần. Với  Bí Tích Thêm Sức, ta được ban đầy đủ ơn của Chúa Thánh Thần, như ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết,  lòng mến, sức mạnh... để kiện toàn ơn tái sinh của Phép Rửa và để "cho ta có sức mạnh đặc biệt hầu loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm với  tư cách là những  nhân chứng đích thực của Chúa Kitô, nghĩa là để  tuyên xưng danh Chúa một cách can trường  và không bao giờ hổ thẹn về Thập Giá của Người." (Sách Giáo Lý Công Giáo, số 2044)

Như thế, thật cần thiết biết bao cho ta được lãnh nhận những ơn quí báu của Chúa Thánh Thần để sống đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng và đức mến nồng  nàn hầu trở nên nhân chứng  đích thực và sống động  của Chúa Kitô trong trần thế này.

Giáo Hội không thể lớn lên trong sự thánh thiện và khôn ngoan, cũng như không thể chu toàn được sứ mệnh mà Chúa Kitô trao phó, nếu không có sự phù giúp hữu hiệu của Chúa Thánh Thần. Vì thế, Giáo Hội luôn cầu xin ơn Thánh Linh trước khi làm bất cứ việc lớn nhỏ nào. Và phong trào, đoàn thể  nào có mục đích xin ơn Chúa Thánh Thần để canh tân đời sống thiêng liêng, thêm yêu mến Chúa Kitô và ơn cứu độ của Người, thì đều được Giáo Hội khuyến khích, nâng đỡ.

Tuy nhiên, ai mượn danh Chúa Thánh Linh để làm trò "ảo thuật" như đặt tay và xô cho người ta té ngã và nói ú ớ những gì không ai hiểu được, thì đó chắc chắn không phải là ơn của Chúa Thánh Thần. Ai tiếp tục làm trò này, cần chấm dứt để không mê hoặc giáo dân về ơn Chúa Thánh Thần. Không có giáo lý, tín lý nào dạy rằng Chúa Thánh Thần đến với ai thì người đó phải bị "té ngã" và miệng nói lảm nhảm những gì không ai hiểu được, kể cả người được té ngã đó.

Ơn của Chúa Thánh Thần phải là lòng sốt mến, để thêm yêu mến Thiên Chúa hơn, lòng can đảm để làm chứng tá cho Chúa Kitô trước mặt người đời, và sức mạnh để chiến thắng ma quỷ và những gương xấu của thế gian. Hoa trái của ơn Thánh Linh phải là sự bình an, vui sướng  nội tâm,  lòng sốt mến, yêu mến và kính sợ Chúa hơn, cũng như  thêm chê ghét tội lỗi và mọi sự dữ trong trần gian này.

Chính nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà người tín hữu chúng ta được lớn lên  mạnh mẽ trong đức tin, được hiểu rõ hơn về những chân lý mà  Chúa Giêsu đã giảng dạy.và được ý thức đầy đủ về nguy hại của tội lỗi, là cản trở duy  nhất cho ta sống tình thân với Chúa và có hy vọng được cứu rỗi. Lại nữa, cũng nhờ Chúa Thánh Linh mà ta  được thúc dục tin tưởng vào lòng thương xót, tha thứ của Thiên Chúa, được an ủi khi gặp gian nan thử thách, và nhất là, được tăng thêm  lòng yêu mến  Chúa trên hết mọi sự phù phiếm ở trần gian này.

Đó  là đại cương những việc Chúa Thánh Thần đã và đang làm trong tâm hồn mọi tín hữu Chúa Kitô và trong Giáo Hội của Chúa từ thời sơ khai cho đến ngày nay, và còn mãi mãi về sau cho đến hết thời gian.

Tóm lại Giáo Hội nói chung, và người tín hữu chúng ta nói riêng, đều rất cần ơn Chúa Thánh Linh để sống và tuyên xưng đức tin và mời gọi thêm nhiều người khác nhận biết và tin Chúa Kitô, là Đấng duy nhất cứu chuộc loài người qua Hy Tế thập giá.

Như vậy,  tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội mang nội dụng sau đây:

- Hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa là Cha nhân lành giầu lòng xót thương và tha thứ.

- Từ khước ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.

- Phủ nhận Chân Lý mà Thần Khí Chúa đã mặc khải cho con người.

- Không còn nhìn nhận tội lổi đã phạm để xin  được tha thứ.

Tội nào cũng có thể được tha thứ nếu người ta còn tin tưởng vào lòng xót thương của Thiên Chúa. Vậy, nếu  nhờ Thần Khí Chúa mà ta nhận biết Người là Cha nhân lành để chạy đến xin tha thứ mọi lỗi phạm vì yếu đuối, vì lầm lạc, thì điều kiện để được tha thứ, là phải nhìn nhận  tội lỗi của mình và còn  tin tưởng nơi  lòng thương xót, thứ tha của Chúa. Ngược lại, nếu chối từ Thiên Chúa, thất vọng hoàn toàn về tình thương tha thứ của Người, cũng như  không còn tin  và yêu mến Người  nữa, là xúc  phạm nặng nề đến chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã giúp  ta nhận biết Thiên Chúa là Cha nhân hậu, nhận biết công trình cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, cũng như giúp ta nhìn nhận tội lỗi đã phạm. Chúa Thánh Thần  cũng là Đấng  đã nung lửa yêu mến Thiên Chúa trong lòng mọi tín hữu. Do dó, xúc phạm đến  Chúa Thánh Thần là bác  bỏ mọi công việc Người  đã làm trong linh hồn  ta và trong Giáo Hội của Chúa Kitô.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã dạy: "Ai nói phạm đến Con Người (tức Chúa Giêsu) thì được tha, nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau" (Mt 12: 32).

Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, trong Tông Thư "Dominum et Vivificantem" cũng nói  như sau về tội phạm đến Chúa Thánh Thần: "Tội phạm đến Chúa Thánh Thần không phải chỉ đơn thuần xúc phạm đến Người bằng lời nói,  mà hệ tại sự chối từ nhận lãnh ơn cứu chuộc mà Thiên Chúa ban cho con người qua Chúa Thánh Thần hoạt động qua quyền lực của Cây Thập Giá" (ibid. no.46.3).

Tóm lại, tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không thể tha thứ được vì kẻ xúc phạm đã hoàn toàn khước từ Thiên Chúa và tình thương tha thứ của Người. Nếu đã không còn tin Chúa để chậy đến xin Người tha thứ tội lỗi, thì làm sao thứ tha được nữa?

Linh mục Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Nguồn: conggiaovietnam.net


[1] X. Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae (EV), 12-17.

[2] X. GS 48; GLHTCG 1652.

[3] GS 50; FC 28.

[4] FC 28.

[5] GLHTCG 1654.

[6] Huấn thị "Donum Vitae" (DV), II.B., c. 4c.

[7] X. Humanae Vitae (HV) 12.

[8] X. GS 50; GLHTCG 2367.

[9] GLHTCG 2368.

[10] X. Ví dụ Phương Pháp B.O.M. tại http://www.woombinternational.org/; hoặc

http://www.woomb.org/; http://www.thebillingsovulationmethod.org/.

[11] FC 32.

[12] X. EV 95.

1871    08-07-2014 14:38:58