Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Gia Đình Là Mái Trường Đầu Tiên Của Con Thiên Chúa Nhập Thể - Tháng 02 năm 2009

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH LÀ MÁI TRƯỜNG ĐẦU TIÊN
CỦA CON THIÊN CHÚA NHẬP THỂ

TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2, P. 1
Tx Vĩnh Long

 

Vĩnh Long, ngày 31.1.2009

GIA ĐÌNH
MÁI TRƯỜNG ĐẦU TIÊN CỦA CON THIÊN CHÚA NHẬP THỂ

1. Tết Nguyên Đán là Lễ Hội Gia Đình Việt Nam. Ai nấy về quê Ăn Tết. Nói đến quê nhà là nhắc tới nơi mình chào đời, nơi cha mẹ, anh chị em, dòng họ mình sinh sống: có quê nội quê ngoại. Con người, từ khi sinh ra, đã có những liên hệ với gia đình, với họ hàng, liên hệ thân thiết không thể thiếu, bởi vì con người phải sống thành xã hội, sống trong xã hội, và xã hội đầu tiên là gia đình, là nơi vun trồng tình ruột thịt, nghĩa xóm làng. Chính là vì Thiên Chúa muốn con người sống có nhau.

2. Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh của Chúa.

Ba Ngôi Thiên Chúa hợp nhất với nhau như thế nào, thì Chúa cũng muốn con người liên kết với nhau, một cách tương tự, bằng tình huynh đệ (Nt, số 1878), biết trao đổi với nhau, phục vụ lẫn nhau, đối thoại với nhau (Nt số 1879). Nhờ đó con người biểu hiện hình ảnh của Thiên Chúa, theo ơn gọi của mình (Giáo lý của HTCG, số 1877).

Tiếc thay ! Hình ảnh nầy đã bị tội nguyên tổ làm biến dạng (Giáo lý của HTCG, số 1701): nguyên tổ nhân loại đã ăn trái cấm (tức là đã không tuân lệnh Chúa), nên phải thiệt mất tình nghĩa với Chúa, rồi cũng gây ra bất hòa với nhau.

3. Thiên Chúa vốn yêu thương con người, yêu thương hình ảnh của mình, nên chẳng những không loại bỏ, mà còn muốn phục hồi vẻ đẹp nguyên thủy của hình ảnh Ngài, Con Một của Thiên Chúa, Hình Ảnh Tuyệt Diệu của Chúa Cha, sinh xuống trong gia đình của Thánh Giuse tại Nadarét, làm con của Đức Maria, đã nên gương cho mọi người con trong các gia đình: Gương ngoan đạo “Cha mẹ không biết rằng con phải làm công việc của Cha con sao?” (Luca 2,49); Gương vâng lời “Sau đó, Người cùng với cha mẹ trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài”(Luca 2,51). Con Ngoan thì đẹp lòng Chúa và làm cho cha mẹ hạnh phúc. Thánh Luca viết về Hài Nhi Giêsu, sau khi được Thánh Giuse và Mẹ Maria đưa lên Đền Thờ để làm lễ tiến dâng cho Chúa: “Khi đã xong mọi sự theo Luật Chúa, hai Ông Bà trở về Galilêa, đến Nadarét, là thành của Ông Bà, Còn Hài Nhi Giêsu càng lớn lên, càng thêm dũng mạnh, tràn đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Luca 2,39)

Chắc chắn Thánh Giuse và Mẹ Maria đã phải lo lắng, khó nhọc nhiều, như khi lạc mất Trẻ Giêsu lúc Người lên mười hai tuổi, trong chuyến đi dự lễ tại Jerusalem (Luca 2,41-48), cũng như giữa đêm khuya, hai Oâng Bà phải đưa Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập cho khỏi âm mưu sát hại của Hêrôđê (Mt 2,14).

Các ngài đã nêu gương cho những người làm cha mẹ trong gia đình, là đón nhận Thánh ý Chúa, yêu thương và chăm sóc con cái, cũng như biết hy sinh cho nhau.

Như thế, tại Nadarét, Con Thiên Chúa làm người đã mở ra con đường sống hiệp thông, sống hạnh phúc cho các gia đình, trước tiên là đón nhận và giáo dục con cái, như hồng ân Chúa ban, kế đến là trung thành yêu thương và giúp đỡ nhau.

+Tôma Nguyễn Văn Tân
            Giám mục Vĩnh Long.

I. THƯ MỤC VỤ số 5

Khi sinh xuống trần gian, Đức Giêsu đã sống trong một gia đình. Người có một quê hương, có cha có mẹ và hàng xóm láng giềng. Những người đồng hương biết rõ Người là “con bác thợ mộc“ và “mẹ Người là bà Maria“ (Mt 13,55). Thánh Giuse và Đức Maria đã nuôi dưỡng và giáo dục Hài Nhi Giêsu ngay từ lúc chào đời. Chính trong khung cảnh gia đình, Đức Giêsu đã học những bài học căn bản về đời sống đức tin và văn hóa. Về phần Đức Giêsu, “Người tuân phục hai ông bà” (Lc 3,51). Có thể nói, lối giáo dục của Thánh Giuse và Đức Maria đã góp phần làm phong phú lời giảng dạy của vị Ngôn sứ thành Nadarét sau này. Người đã vận dụng những ca dao tục ngữ, những hình ảnh bình dân của nền văn hóa địa phương để rao giảng Nước Trời.

Như thế, gia đình Nadarét cho thấy tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục. Thánh Gia thất chính là mẫu gương cho các gia đình, nhất là những người làm cha mẹ, trong mọi nền văn hóa và môi trường xã hội.

II. DẪN GIẢI

Chúa giáng trần (vào đời) có gia đình, có cha mẹ, có hàng xóm, láng giềng, có quê hương. Chúa làm người như mọi người.

Gia đình là một tổ ấm, cha mẹ nuôi dưỡng.

Gia đình là mái trường đầu tiên Chúa học những căn bản về đời sống đức tin và văn hoá.

Có thể nói nhờ đó mà những bài giảng của Chúa phong phú hơn.

Chúa tuân phục hai ông bà.

Trong việc giáo dục, gia đình nắm phần quan trọng.

Thánh Gia Thất là gương mẫu cho các gia đình

III. CHUYỆN MINH HOẠ

NGƯỠNG MỘ

Một bà mẹ hạnh phúc đã kể về bố của mình bằng những lời đầy kính trọng thân thương như sau:
Bố, cái từ ấy đối với tôi thân thương lắm. Bố là người luôn ở bên tôi mỗi khi tôi buồn, là người luôn biết tôi có mấy thằng con trai để ý khi học cấp 3, biết tôi phải thi lại mấy môn khi học Đại Học, là người đầu tiên biết được tôi có việc làm, là người cười nhiều nhất trong đám cưới của tôi. Bố luôn an ủi mỗi khi tôi buồn, khi tôi chán nản, khi tôi thất vọng về những điều tôi tin tưởng trong cuộc sống. Mẹ thường bảo tại bố chiều tôi nên tôi mới yêu bố nhiều đến thế. Chẳng phải, tôi yêu bố vì bố không chỉ là người cha mà còn là người bạn, người có thể khiến tôi nói được hết những suy nghĩ của mình.

Chỉ có hai người đàn ông có thể khiến tôi mềm lòng. Đó là bố và ông xã của tôi. Chồng tôi bây giờ cũng giống như bố tôi ngày xưa, cũng quan tâm, chăm sóc con nhiều như thế. Nếu cứ mãi như thế này, có lẽ con gái tôi sẽ là đứa trẻ hạnh phúc vì ngoài bố ra, nó còn có một người mẹ luôn tâm niệm sẽ đối xử với con, như mình đã từng được đối xử .

Quỳnh Giao (Trích www.lamchame.com)

“Con có cha như nhà có nóc”. Người cha như trụ cột của gia đình. Tuy nhiên, trong sự quan phòng yêu thương, Thiên Chúa muốn cho gia đình có cả cha lẫn mẹ để góp phần nuôi dạy con cái theo chức năng của mình. Những ai kém may mắn không còn cha, người mẹ phải gánh cả hai vai: vừa làm cha, vừa làm me; vừa cương nghị, vừa mềm dẻọ. Và mong muốn lớn nhất của cha mẹ đối với con cái - cũng như cách báo hiếu tốt nhất của mỗi người con - là “nên người”, là sống đúng phẩm giá đạo đức của một con người có tình, có lý dựa trên nền tảng đạo đức.

IV. DIỄN GIẢI

“Khi sinh xuống trần gian, Đức Giêsu đã sống trong một gia đình. Người có một quê hương, có cha mẹ và hàng xóm, láng giềng” (Thư Mục Vụ số 5).

Con Thiên Chúa làm người và thuộc về một gia đình: Thánh Gia. Ngài muốn có một tổ ấm, một mái gia đình, có cha, có mẹ. Chấp nhận làm người là chấp nhận được sinh ra bởi một gia đình, là thuộc về một gia đình. Là một người con, Đức Giêsu cũng đã nhận được ơn sinh thành, ơn dưỡng dục và đã “nên người” như một người con hiếu thảo đền đáp công ơn cha mẹ. Con Thiên Chúa được sinh ra bởi một bà mẹ là Đức Trinh Nữ Maria. Từ đó hình thành mối quan hệ ruột thịt giữa mẹ và con mà mỗi con người không thể thiếu, nếu không muốn có một đời sống quân bình, nhất là về mặt tình cảm. Như bao bà mẹ khác, Đức Maria cũng đã trải qua vô vàn hy sinh, lo lắng, quên mình, để Đức Giêsu được lớn lên, thành người. Đó chính là ơn sinh thành! Đó cũng chính là quà tặng tuyệt vời của tình mẫu tử mà Đức Giêsu đón nhận từ bà mẹ nhân loại của mình.

Qua Đức Giêsu, Con Một của mình, Thiên Chúa Tạo Thành cũng tặng ban cho mỗi người chúng ta sự sống vĩnh cửu: “Ta đến để con người được sống, và được sống dồi dào” (Ga 10,10).

Chính vì sự sống tự nhiên và sự sống vĩnh cửu đều là những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho mỗi người, nên theo Kinh Thánh, Thiên Chúa vừa là Cha mà cũng vừa là Mẹ.

Được có mặt trên đời là hạnh phúc lớn nhất của con người, chúng ta biết ơn cha mẹ đã ban cho chúng ta cuộc sống dương thế và Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu, qua việc cố gắng sống sao cho nên người. Đó chính là cách thể hiện lòng biết ơn cách tốt đẹp nhất!

Lớn lên trong bầu không khí gia đình – chiếc nôi đầu tiên, trường học đầu tiên, đón tiếp và định hình nhân cách cho mọi trẻ thơ – Đức Giêsu được Đức Maria và Thánh Giuse cầm tay chỉ dạy những kiến thức thức cơ bản làm người về mặt lý trí, tình cảm và đạo đức. Dưới sự đùm bọc, che chở của hai ông bà, Đức Giêsu đã được trang bị hành trang cần thiết cho cuộc đời rao giảng công khai sau ba mươi năm được cha mẹ nuôi dạy. Và đó chính là mục đích của công cuộc giáo dục gia đình là làm sao để con trẻ lớn lên tự mình quyết định lấy vận mạng cuộc đời của chính mình, dựa trên nền giáo dục đã được hấp thụ. Thật vậy, chúng ta chỉ có thể tự đi một mình (tự lập) sau khi đã từng bước đi theo cha mẹ về phương diện thể lý cũng như tinh thần. Gia đình là mái trường đầu tiên và tối cần thiết giúp trẻ phát triển về mặt tình cảm và xã hội. Đây là công việc mà các cha mẹ phải tốn nhiều công sức, vất vả cho con cái. Đó chính là ơn dưỡng dục!

Chính Thiên Chúa cũng đã kiên nhẫn, qua suốt chiều dài Cựu Ước, dùng miệng các ngôn sứ để huấn luyện Dân mà Ngài đã tuyển chọn và vẫn còn tiếp tục trong thời Tân Ước: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1Ga 3,1). Với lòng trìu mến yêu thương, Chúa Cha đã cầm tay dắt chúng ta vào gia đình của Chúa. Qua Phép Rửa Tội, Người biến chúng ta thành con cái, những kẻ đồng thừa kế với Đức Kitô. Và nhờ ân sủng các Bí tích chúng ta được thông dự vào sự sống của Chúa, sự sống đời đời.

Trọng trách của bậc cha mẹ là truyền lại cho con cái - qua lời day bảo và gương sáng - di sản quý báu là những giá trị căn bản làm tiêu chuẩn giúp định hướng cho con trẻ sau nầy như: tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa, sống các Giới Răn, yêu thương tha nhân, làm lành-lánh dữ, tôn trọng công lý và sự thật, phục vụ và chia sẻ.

Chính Đức Giêsu – qua lối sống và lời giảng dạy – cho thấy Người đã thừa hưởng nơi cha mẹ trần thế của mình lòng yêu mến Lề Luật, gắn bó với Đền Thờ và thói quen siêng năng nghe và đọc Lời Chúa. Ngài còn học nơi các ngài tâm tình vâng phục thánh ý Chúa, phục vụ quên mình, chuyên cần làm việc và ân cần đối với mọi người…

Nhờ Đức Kitô, Chúa Cha đã ban cho chúng ta muôn vàn ân phúc cho cuộc sống: ”Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn nầy đến ơn khác…Ân Sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,16-17). Sứ điệp căn bản của Tin Mừng: ”Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34), không chỉ là một giới răn, một lệnh truyền, nhưng còn là di sản quý giá được Thiên Chúa Ba Ngôi truyền đạt lại cho chúng ta, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Qua cuộc đời dương thế của Đức Giêsu, Ngài đã sống và đã chết như một người con hiếu thảo với Chúa Cha: “Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự” (Phil. 2, 8) .Ngài cũng đã “nên người” đáng kính trọng và đáng yêu mến trước mặt mọi người. Đó chính là cách báo đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục tuyệt hảo dành cho Đức Maria và Thánh Giuse, cha mẹ Ngài.

Là con cái, mỗi người chúng ta cố gắng báo đền công ơn cha mẹ bằng cách sống sao cho “nên người” hữu ích cho mình và cho người.

Là con Chúa, chúng ta sống Tin Mừng Yêu Thương mà Chúa Cha ban cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô và cố gắng trở thành những chứng nhân thông truyền tình thương ấy cho mọi người.

Được như thế, Thiên Chúa cũng như cha mẹ sẽ mãn nguyện và hãnh diện về chúng ta, như lời của Tổâng Thống thứ 26 của Hoa Kỳ, Theodore Roosevelt: “ Không có một thành công nào khác trong cuộc đời – cho dù là được làm tổng thống, được giàu có, được vào đại học, viết một quyển sách, hay làm bất cứ điều gì – có thể so sánh với sự thành công của một người đàn ông hay đàn bà khi họ cảm nhận rằng mình đã làm tròn trách nhiệm khi thấy con cháu lớn lên và thành người. Họ cho rằng mình thật có phước”.

Xin cho chúng con biết sống nên người để đáp đền công khó của mẹ cha. Amen

KIỂM ĐIỂM

Làm cha mẹ, có nhận thấy mình có nhiệm vụ khẩn thiết nhất là giáo dục con cái không?

Nhiệm vụ giáo dục khởi từ thụ thai cho đến trưởng thành.

Không có quyền giao phú hoàn toàn cho thầy cô.

Không được nuông chiều quá!

Giáo dục là đào luyện con cái cho nên người trưởng thành sống đúng với phẩm giá.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Gia đình là một cơ chế sống cộng đoàn mà Thiên Chúa đã thiết lập. Ngôi Hai Thiên Chúa được sinh ra trong gia đình. Điều đó giúp chúng ta khẳng định các giá trị của gia đình. Vậy chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi gia đình củng cố nề nếp giáo dục của mình:

  1. Nhìn cảnh hang đá Bêlem: Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ giữa Đức Mẹ và Thánh Giuse, chúng ta thấy thánh gia thất hạnh phúc và ấm cúng. Chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh là nơi Con Thiên Chúa sống giữa trần gian.
  2. Nhìn cảnh Thánh Gia Thất trốn sang Ai Cập, chúng ta thấy một gia đình vất vả, nhưng yêu thương nhau. Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình đang sống trong cảnh nghèo nàn, vẫn có thể dạy con cái tin thờ và kính mến Chúa.
  3. Nhìn cảnh Thánh Gia Thất dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, chúng ta thấy một gia đình đạo đức. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình Kitô-hữu, biết truyền đạt đức tin Công Giáo cho con cái mình, ngay khi chúng còn rất bé nhỏ.
  4. Nhìn cảnh Chúa Giêsu lúc 12 tuổi đi giữa Đức Mẹ và thánh Giuse lên Giêrusalem, chúng ta thấy một gia đình có nề nếp giáo dục. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình Kitô-hữu biết chấn chỉnh nề nếp giáo dục đức tin và nhân cách cho con cái mình.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Con Chúa sinh ra làm người ngay trong gia đình Thánh Gia Thất. Xin Chúa cũng ban Con Chúa và Thánh Thần Chúa sống trong gia đình chúng con, để mọi gia đình trở thành nơi phát triển sự sống của Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

THÁNH GIA “DẠY” CON-THIÊN-CHÚA-LÀM-NGƯỜI.

Sách Sáng Thế chương 1 câu 26 nói: Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta…” Nhưng Thiên Chúa khi ấy có hình dáng như thế nào để Người dựng nên con người theo hình ảnh Người? Theo các nhà thần học thì Thiên Chúa đã lấy hình mẫu là chính Đức Giêsu Kitô là hình ảnh để Thiên Chúa dựng nên con người. Như vậy, Thiên Chúa vẫn luôn là hình ảnh còn con người là hoạ ảnh của Thiên Chúa.

Nhưng khi thực hiện sứ mạng cứu chuộc con người, Đức Giêsu Kitô đã phải chọn cho mình một người cha, một người mẹ, một gia đình,… để có thể trở thành một con người thực sự bằng xương bằng thịt. Nếu Thiên Chúa đã trở thành con người trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria thì chính trong môi trường gia đình Nagiareth mà Thiên Chúa có thể học cách làm người. Để được sinh ra thành một con người thực sự Thiên Chúa cần một người mẹ, để lớn lên và thành người Thiên Chúa cần một mái ấm gia đình. Đức Maria không chỉ là người cưu mang Chúa Kitô mà còn là một người mẹ chân chính đã cùng với Thánh Giuse làm cho gia đình Nagiareth trở thành một tổ ấm để nơi đó Con Thiên Chúa thành người.

Ngôi lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1, 14) một cách thực sự,ï nên việc phát triển tự nhiên của Người cũng diễn tiến tự nhiên như mọi người. Người cần có một mái gia đình để chấp nhận và chào đón Người, đồng hành với Người, yêu thương và cộng tác với Người trong việc phát triển mọi chiều kích nhân bản để một cách nào đó Người có thể trở thành “ngôi vị” con người.

Có thể nói vai trò giáo dục của gia đình được kéo dài suốt cuộc sống của Chúa Giêsu từ khi chào đời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, nhưng đọc trong Tin Mừng Luca (Lc 2,48-52) ta có thể thấy một cách nổi bật nhất vai trò này của gia đình trong đời sống của Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu được cha mẹ Người dẫn lên đền thờ lúc 12 tuổi, Người đã được “dạy” cho biết phải tuân giữ lề luật của Thiên Chúa, được “dạy” cho biết tôn thờ Thiên Chúa, được “dạy” cho biết phải thực thi thánh ý Thiên Chúa là tột đỉnh trong cuộc đời của mình.

Trong các sách Tin mừng bàng bạc những dụ ngôn và có thể nói được, dụ ngôn là những nét son nổi bật nhất trong những lời dạy của Chúa Giêsu, nó vừa gần gũi, vừa tầm với người nghe nhưng lại diễn tả những nét cao vời của mầu nhiệm Thiên Chúa. Nhưng những dụ ngôn đó Chúa Giêsu đã học từ nơi đâu nếu không phải là ở gia đình, lòng bao dung, sự quan tâm đến người nghèo khó được triển nở nơi đâu nếu không phải là tại gia đình Nagiareth… Trong bộ phim “Đức Maria người nữ tuyệt vời”, đạo diễn đã diễn tả được khía cạnh này nơi gia đình Nagiareth, Đức Maria khi ru con, chăm sóc cho con đã kể lại cho con mình những câu chuyện, những tinh tuý của tiền nhân để rồi sao này chính Chúa Giêsu đã áp dụng nó vào trong giáo huấn của mình.

Chính từ bên trong gia đình Chúa Giêsu đã học cách vâng phục lề luật và gắn bó với nền văn hoá của dân tộc, chính từ nơi gia đình mà Chúa Giêsu học được phải dành chỗ quan trọng nhất cho ý định của Thiên Chúa, và luôn để tâm lo lắng việc của Chúa. Con Thiên Chúa có thể bắt đầu cuộc sống mà không cần phải có gia đình khi chọn cho mình một người mẹ đồng trinh, nhưng nếu không có một mái gia đình thì Người không thể lớn lên và trưởng thành như một con người quân bình.

Có thể nói, một trinh nữ đã cưu mang Thiên Chúa, một người cha nuôi đã gìn giữ, bảo vệ gia đình Nagiareth và một gia đình đã “dạy” cho Người làm con người.

VII. HỌC KINH THÁNH

BÀI 37: ISAIA ĐỆ NHỊ (40-55).

1/ Isaia đệ nhị là ai?

Ông là một ngôn sứ vô danh nào đó, tác giả những chương cuối cùng (40-66) của quyển sách Isaia hiện đang lưu hành, hoặc ít nhất cũng là tác giả những chương 40-55.

Tác phẩm của ông được gọi là “Sách An ủi” chứa đựng những lời khích lệ, nung đúc tinh thần dân Do thái luôn hy vọng tin tưởng vào Thiên Chúa Giavê và ngày trở về quê hương.

2/ Công trình chính của Isaia đệ nhị là gì?

Công trình chính là bốn bài ca “Người Tôi Tớ Giavê” (Is 42, 1-7; 49, 1-6; 50, 4-9; 52, 13-53, 1-12).

Các chương 56-66 đựơc xem là công trình của một ngôn sứ khác, có thể gọi là Isaia đệ tam. Hiện nay người ta nhận thấy tính hỗn tạp của những chương nầy (x.“Tiểu dẫn vào Isaia” Sách Kinh Thánh của Cha Nguyễn Thế Thuấn Xuất bản 1976, tr. 1753).

Lời Chúa: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53, 7).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong mọi túng quẫn của đời con, xin cho con luôn cảm nghiệm được sự hiện diện êm đềm, niềm an ủi dịu dàng, tình yêu thương thắm thiết của Chúa dắt dìu con. Amen.

VIII. SỐNG ĐẠO

ĐẠO LÀ NHU CẦU KHẨN THIẾT CHO CUỘC SỐNG

Đạo có thể hiểu là đàng đi (đường đi) dẫn đưa con người đến đích điểm nào đó. Đạo đức có thể hiểu là lề lối, là luật lệ dẫn đưa con người tiến trên con đường đức hạnh, con đường làm nên con người tốt, con người chính đáng, đúng với phẩm chất của mình.

Do đó quả quyết được “đạo” là cái chi rất cần cho cuộc sống – Ăn mặc cần cho cuộc sống đã đành mà đạo thì có thể nói cần hơn cho cuộc sống; vì ăn mặc cần cho cuộc sống thể xác, còn đạo thì cần cho sống tinh thần – ăn uống giúp cho cho thể xác lớn mạnh, cũng phần nào cung cấp cho thể xác chút ít khoái lạc, nhưng không làm được cho phẩm giá tăng trưởng, thiện hảo. Vả lại, ăn mặc cũng nhờ đạo hướng dẫn mới ăn mặc hợp lý hợp tình, không trở thành sa đoạ.

Chúng ta cũng thường nghe nói vô đạo là tai hại, giặc giã còn hữu đạo thì thiện hảo an vui. Sống vô đạo thì không đáng sống, sống như thế không đúng hẳn là con người mà gần với con vật hơn. Sống đạo mới đúng với nhân phẩm.

Phần khác, nếu nhận định có Ông Trời tạo dựng, ta thử hỏi: Trời (Chúa) tạo dựng con người để làm gì? Vì mục đích gì? Nếu tạo con người để ăn mặc sung sướng, hưởng thụ sung sướng vài năm rồi chết thì kiếp sống con người quá vô lý! Vì thế, khi tạo dựng con người thì phải chỉ định cho con người một mục đích sau cùng, cho được đạt mục đích tối chung thì cũng phải hướng dẫn, chỉ định một đường lối, nghĩa là truyền đạo, chỉ đường để đạt mục đích.

Vì thế, đạo là một đường lối, một luật lệ cho con người đạt mục đích tối chung. Không có đạo thì không đạt mục đích tối chung. Do đó, đạo là nhu cầu khẩn thiết cho cuộc sống.

Vậy, giữ đạo không vì ông trời đòi hỏi, giữ đạo không phải để ông trời ban cho mình được thỏa mãn tạm qua, giữ đạo không phải để nhờ Chúa ban cho mình khoẻ mạnh, giàu sang, sung túc….

Nhưng giữ đạo là khẩn thiết, vì vật thọ tạo phải thờ Đấng Tạo Dựng. Giữ đạo cần thiết cho con người sống đúng phẩm giá của mình. Giữ đạo mới đạt được mục đích tối chung Chúa đã chỉ định.

SỐNG ĐẠO LÀ TRANH ĐẤU THƯỜNG XUYÊN

Trước nguyên tội, tất cả mọi loài mọi vật đều tuân phục huấn lịnh của Chúa. Không có hỗn loạn – nhưng khi nguyên tổ dùng tự do phản nghịch ý Chúa, đã đem hỗn loạn vào trần gian.

Chúa giáng trần chuộc tội, không xoá mầm hỗn loạn giặc giã, mà Chúa đã cho con người biết dùng tự do để chiến thắng đạt lại bình an hạnh phúc nguyên tuyền. Do đó chúng ta quả quyết được: đời sống con người là một cuộc chiến thường xuyên.

Sự sống của con người là một thể sống phức hợp. Cuộc sống thể chất khi lớn lên, có thêm cảm xúc và hiểu biết; trên nữa lại có cái sống siêu nhiên, sống như chính sự sống của Chúa. Tuy mỗi người đều có một cá vị riêng biệt, nhưng có nhiều thành phần khác biệt nhau, mỗi thành phần đều muốn tranh tiên, đàn áp nhau, đó là mầm mống hỗn loạn, dẫn đến cuộc tranh đấu.

Thích ăn ngon, mặc đẹp lấn áp cái ham muốn tìm chân thiện; say mê khoa học làm chìm cái ước mơ thiện ý; sống thiện hảo tự nhiên cũng có thể làm cho quên sống siêu nhiên. Cuộc chiến đấu này, có sẳn trong bản tính, khi mạnh, khi yếu, nhưng còn mãi cho đến hơi thở cuối cùng.

Do đó, chúng ta có thể quả quyết: đời người là một cuộc tranh đấu không ngừng. Chúa cũng phán: Ta đem chiến trận đến thế gian…. và ngay trong giới thân cận cha mẹ, con cái, anh em cũng vậy. Chúng ta có thể thêm: chiến trận ngay trong bản thể của mỗi người chúng ta.

Trái lại, Chúa đã hứa ban bình an cho con cái Chúa. Chúng ta có thể hiểu Chúa không muốn cho ta thụ hưởng phụ ấm, nhờ cha ông được phước mình cũng được hưởng; nhưng mỗi người phải biết dùng tự do để chiến thắng. Tinh thần phải thắng vật chất; siêu nhiên phải thắng tự nhiên. Chiến thắng mới giữ được phẩm giá của cá vị, mới đạt được bình an và hưởng được hạnh phúc Chúa dành để cho con cái Chúa.

Chiến đấu là nhu cầu khẩn thiết, nhưng không phải là nô lệ khổ nhọc, mà là phương tiện được dùng để nên con Chúa và kết hợp với Chúa.

IX. MỤC VỤ THIẾU NHI

Một trong ba mầu nhiệm chính trong đạo Công giáo là mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người. Qua mầu nhiệm này ta thấy vì yêu thương mà Con Thiên Chúa đã hoàn toàn đón nhận thân phận con người ngoại trừ tội lỗi.

Đón nhận thân phận con người trước hết Đức Giêsu cũng đã được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có mẹ có cha như bao nhiêu người khác. Chính trong bầu khí gia đình này, Đức Giêsu đã được nuôi nấng và giáo dục để trở thành một người tốt cũng như một tín hữu ngoan đạo: “Thánh Giuse và Đức Maria đã nuôi dưỡng và giáo dục Hài Nhi Giêsu ngay từ lúc chào đời. Chính trong khung cảnh gia đình, Đức Giêsu đã học những bài học căn bản về đời sống đức tin và văn hóa“ (Trích Thư chung HĐGM năm 2008)

Do đó, ta thấy môi trường gia đình là mái trường đầu tiên để từ đó Đức Giêsu được đào luyện. Thật cao quý biết bao cho môi trường gia đình. Những người làm cha làm mẹ ngoài bổn phận làm cha làm mẹ còn đóng vai trò làm nhà giáo cho con của mình. Bởi lẽ, không thầy đố mày làm nên hay một chữ cũng là thầy nữa chữ cũng là thầy.

Nếu nhìn vào một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình vì lý do nào đó mà vắng bóng người cha hay mẹ thì thật là một điều bất hạnh. Đức Giêsu còn cần được đào luyện trong môi trường gia đình huống chi là từng người trẻ chúng ta.

Vì thế, là người trẻ chúng ta hãy biết trân trọng và đón nhận những điều hay lẽ phải mà cha mẹ đã truyền đạt cho mình. Nhất là những kinh nghiệm sống đức tin và tư cách sống làm người.

X. MỤC VỤ GIÁO LÝ VIÊN

LINH ĐẠO GLV- LINH ĐẠO NÊN THÁNH

Bạn GLV thân mến!

Đảm nhận trách nhiệm làm GLV trong họ đạo là đảm nhận một trách nhiệm quan trọng và nặng nề. Bạn có cảm nhận điều đó không? Giữa bao nhiêu bận bịu của gia đình, ta thật khó tìm được thì giờ dọn bài, để đến lớp, để cầu nguyện trước. Bởi vì dạy giáo lý không phải đơn thuần chỉ là truyền đạt một số kiến thức mà ta luôn ý thức mình phải truyền đạt cho các em đức tin và lòng mến, phải trao cho các em cả một sự sống tâm linh. Mà không ai cho cái mình không có. Chúng ta cảm thấy lúng túng trong vấn đề này. Hơn nữa, không có gì là không thể. Tất cả sẽ có thể nếu bạn bước vào con đường tâm linh dành cho người GLV. Xin mạn phép được gọi con đường ấy là linh đạo GLV. Ước mong linh đạo này giúp bạn xác tín rằng việc dạy giáo lý chính là con đường nên thánh Chúa mời gọi và dành riêng cho bạn. Con đường này là con đường của một GLV đã đi. Đó là tông đồ Gioan, người môn đệ được yêu.

1. Con đường của khát vọng.

Trước tiên, Gioan là môn đệ của thầy Gioan Tẩy Giả. Khi được thầy giới thiệu cho biết Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Gioan đã xin được phép rời bỏ thầy để đi theo Đức Giêsu (x Jn 1, 35-37). Dĩ nhiên, một lần được thầy gợi ý trước nhưng phần lớn có thể là do tham vọng của Gioan. Nếu thầy Gioan Tẩy Giả không phải là Đấng Cứu Thế mà chính Đức Giêsu mới là Đấng ấy thì Gioan phải theo Đức Giêsu, để một ngày kia cũng giống như 11 môn đệ khác, sẽ được ngồi bên tay phải của Người (x. Mc 10,37) Khát vọng của Gioan là thế. Có lẽ vì thế mà Gioan sẵn sàng, mau lẹ bỏ cả thuyền, bỏ cha, bỏ thầy để theo Đức Giêsu. Rõ ràng, bước đầu ý hướng của Gioan “không ngay lành” khi theo Đức Giêsu, Đức Giêsu không chê cũng không khen. Gioan đã được nhận làm môn đệ của Đức Giêsu.

2. Bạn GLV

Gần giống với Gioan, hôm nay, bạn cũng được nhận vào nhóm GLV của họ đạo. Càng giống Gioan hơn với những ý hướng ban đầu “không ngay lành” với những lý do rất tự nhiên: ham vui, thích khoe tài, lấy lòng cha xứ, môi trường để thực hiện sở thích và ý riêng mình…..Thế rồi cũng như Gioan, dần dần nội tâm và ý hướng của bạn được thanh tẩy và thấy mình trở thành người môn đệ Chúa yêu.

3. Người môn đệ được yêu và biết yêu

Đọc Tin Mừng của Gioan, ta nhận ra một danh xưng: “người môn đệ được yêu”. Các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng người môn đệ được yêu chính là Gioan đã cảm nhận sâu xa và tự hào mình là người được Đức Giêsu yêu. Cũng có thể Gioan cố tình không nói rõ tên cụ thể người được Đức Giêsu yêu. Chính cái cố tình đó để mỗi môn đệ Chúa có thể hiểu đó là chính mình. Và để hôm nay, mỗi GLV đều có thể thấy mình là người môn đệ Chúa yêu.

Cảm nhận mình được yêu sẽ cho ta khả năng biết yêu. Một đứa trẻ đến một lúc nó cảm nhận đựơc cha mẹ yêu nó thì cũng chính là lúc nó biết yêu cha mẹ nó.

Như vậy, để vựơt qua những lúng túng của vai trò GLV - lúng túng vì trách nhiệm này đòi bạn “hy sinh”, “từ bỏ” mà còn “phải” sống và phải làm những gì mình dạy - Thánh Gioan sẽ dạy cho ta một cái “được” để đủ bù đắp tất cả những “hy sinh” và “phải” đó: “được yêu”. Tình yêu đền bù đắp tất cả! Khám phá mình được yêu, ta sẽ nhạy cảm để biết yêu: yêu Chúa, yêu giáo lý của Chúa, yêu các em, yêu công việc giảng dạy. Có thể nói được rằng: dạy giáo lý là dạy yêu. Có điều gì nhẹ nhàng , êm ái hơn yêu. Bởi thế, Thánh Augustinô đã nói: “Ubi amatur non laboratur”. Khi yêu, thì không cảm thấy mệt mỏi.

XI. MỤC VỤ GIA ĐÌNH

VAI TRÒ CỦA CHA MẸ TRONG VIỆC GIÁO DỤC

Thiên Chúa, khi tạo dựng loài người đã qui định gia đình là đơn vị căn bản của mọi xã hội. Từ đó mọi người đều được sinh ra từ gia đình để sống và làm việc trong xã hội. Theo qui luật ấy, Đức Giêsu Thiên Chúa làm người, đã sinh ra và sống trong một gia đình cụ thể: gia đình Nazareth.

Thiên Chúa muốn gia đình Nazareth là môi trường thế nào ? Con Thiên Chúa làm người và sống thế nào ?

1. Gia đình Nazareth là môi trường rất thuận lợi cho Con Thiên Chúa làm người ở giữa nhân loại.

Thiên Chúa ban cho người con ấy cha mẹ tuyệt vời:

Maria, thanh nữ Nazareth là người hết lòng tin cậy, yêu mến Chúa, chân thành thờ phượng làm tôi Chúa. Chúa đã sai thần sứ Gabriel mời cô làm mẹ Đấng Cứu Thế (Lc 1,26-38) từ ngạc nhiên, thắc mắc, đến vâng theo thánh ý Chúa một cách khiêm tốn. Mẹ nhận biết ý Chúa và nhiệt tình vâng phục đức tin “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Suốt đời Mẹ là tận hiến cho Chúa, vâng theo ý Chúa và làm đẹp lòng Chúa. Chính cách sống của Mẹ là cách giáo dục người con. Con nghe lời mẹ, thấy gương mẹ để sống như mẹ sống.

Thánh Giuse, người cha nuôi gương mẫu, thinh lặng, nhiệt thành, tận tụy phục vụ vợ con. Người cha này đã thành hôn với Đức Maria, nhưng hai người chưa chung sống với nhau thì theo Thánh ý Thiên Chúa, Đức Maria đã thụ thai do quyền phép Chúa Thánh Thần. Thánh Giuse biết Mẹ Maria đã mang thai, không nghĩ xấu cho Mẹ, định tâm lìa bỏ cách kín đáo. Ngay lúc ấy, Thiên Chúa dùng Thần sứ báo mộng cho Giuse (Mt 1,18-25) : “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà…Khi bà sinh một con trai, ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”. Người cha ấy tôn sợ Thiên Chúa, chỉ lo làm theo ý Chúa, sống đẹp lòng Chúa. Con sẽ hiền lành, khiêm tốn, phục vụ theo gương cha.

Người con độc đáo được trao ban cho cha mẹ: người con được Chúa Cha sai xuống trần sinh ra và sống trong một gia đình tại làng quê Nazareth, con của bác thợ mộc Giuse nghèo nhưng thanh bạch, con bà Maria quê mùa nhưng đơn thành. Ông bà nuôi dưỡng và giáo dục con bằng tình yêu quảng đại, hy sinh quên mình. Chính trong gia đình đầm ấm chỉ lo mang lại và bảo vệ hạnh phúc cho nhau, không nhỏ nhen, không ích kỷ mà đời sống nhân bản của Chúa Giêsu được xác lập. Cha mẹ hướng về Chúa, thờ phượng, và phụng sự Chúa với hết dạ hiếu thảo vâng phục, luôn sống trong kinh nguyện và kinh Thánh mà đời sống đức tin của Chúa Giêsu được xây dựng. Với cảnh sống đơn sơ quê mùa của làng quê với câu hò, điệu hát, ca dao tục ngữ mà Chúa Giêsu đã hấp thụ được nền văn hoá địa phương. Người con ấy luôn yêu mến, vâng phục, tận tình giúp đỡ cha mẹ theo phong tục tập quán một người Do Thái.

Người con dễ thương mà cha mẹ luyến nhớ không nỡ xa cách, Đức Giêsu cũng là con thảo hiếu yêu dấu của Chúa Cha. Chúa Cha đã nhiều lần xác nhận: “ Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người (Mt 3,17) (Mc 1,11) . Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”(Mt 17,15). Người con luôn lo việc nhà Cha của mình, Người nói với Thánh Giuse và Đức Mẹ: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha của con sao?” Chắc chắn sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa “ làm hao tổn thân tôi” (Gn 2,17) người con này đi theo đường của cha mẹ với mức độ cao hơn. Người xác định với các môn đệ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Cha Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34) Thánh Phaolô đã nhìn ngắm cuộc đời vâng phục của Đức Kitô và đưa ra một nhận định: “Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nổi bằng lòng chịu chết, chết trên câyThập giá”.(Phil 2,8)

2. Con Thiên Chúa hiền hoà dễ thương, sống đơn sơ gần gũi với mọi người

Với cha mẹ : trọng kính, yêu mến, vâng lời “còn hài nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”(Lc 2,40), vào lúc 12 tuổi : “Đức Giêsu theo cha mẹ trở về nazareth và hằng vâng phục các Ngài”.(Lc 2,51). “Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”. ( Lc 2,52). Hằng ngày Ngài học nghề và phụ việc với cha Ngài. Mỗi ngày Sabbat Ngài vào hội đường cầu nguyện, học hỏi kinh Thánh “Rồi Đức Giêsu đến Nazareth, là nơi ngài sinh trưởng. Người vào hội đường như người vẫn quen làm ngày sabbat.”(Lc 4, 16)

Khi đi rao giảng ngài gần gũi người nghèo, đồng hoá người nghèo với chính bản thân Ngài (Mt 25, 40.45). Người hoà mình với tội nhân (Lc 2,21). Người quan tâm đến các trẻ nhỏ (Lc 18,15-16). Người gần gũi chuyện trò, ăn uống với những người tội lỗi (Lc 5,29-32). Người tiếp nhận các phụ nữ cộng tác với Người vào việc rao giảng Tin Mừng (Lc 8,1-3). Người đón nhận các tội nhân sám hối (Lc 19,1-10; 23,39-43)

Sinh một con người đã vất vả, nuôi dưỡng và đào luyện một con người thành công trên đời còn vất vả hơn. Hỡi các cha mẹ hãy nhìn ngắm gia đình Nazareth để thấy tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục con cái. Thánh Gia Thất luôn là mẫu gương cho các gia đình trong mọi nền văn hoá và mọi môi trường xã hội. Các người cha hãy quan tâm, gần gũi, hiểu biết và hướng dẫn con như người thầy, người bạn thân tình, thông cảm, luôn nâng đỡ con trong mọi tình huống, để người con ấy chính là hình ảnh sinh động của người cha. Các bà mẹ hãy thân thương, gần gũi, thấu hiểu những ước mong, những tính toán của con cái, để chỉ bảo và dìu dắt con vượt qua mọi gian nan thử thách, mọi trở ngại cuộc đời, để người con ấy chính là phản ảnh sống động của bà mẹ. Như vậy, ở mọi nơi, trong mọi lúc, làm mọi việc, con cái đều đồng hành với cha mẹ và thực hiện mọi công trình như lòng cha mẹ mong ước.

GIA ĐÌNH LÀ NƠI CON NGƯỜI THÀNH NGƯỜI

Sinh-lão-bệnh-tử là qui luật cuộc sống của mọi sinh vật trên mặt đất này. Không ai hiện hữu trong trần thế này mà không được sinh ra và cũng không ai có thể bất tử. Mọi sinh vật cũng thế, chỉ có một con vật tự sánh mình ngang bằng trời là Tề Thiên mới không được sinh ra, thế nhưng may mắn thay, đây là sản phẩm do sự tưởng tượng của con người.

Cách chung con người và con vật giống nhau ở chổ có sinh có tử nhưng chúng ta không thể đồng hoá con ngưòi và con vật, bởi có sự khác biệt giữa con người và con vật. Sự khác biệt đó là: Ở loài vật chúng chỉ biết sống theo bản năng thiên phú mà không phải học hành, còn loài người còn có lý trí. Có hồn thiêng, nên không phải chỉ sống theo bản năng mà còn biết phát huy hay kềm chế bản năng, biết truyền thụ kinh nghiệm cho nhau và hệ thống nó thành một nền giáo dục.

Đây là yếu tố căn bản để phân biệt giữa người và thú. Ông Hàn văn Công nói: “Nhân bất thông cổ kim, mã ngưu nhi khâm cứ” (người không thông suốt lẽ xưa nay, đâu có khác nào trâu ngựa mặc quần áo) (x. Khuyến học, Minh Tâm Bảo Giám, trang 141, NXB Văn học 2001)

Có lẽ chính vì thế mà các nhà khoa học ngày nay có ý định nhân bản con người rồi nuôi dưỡng sản phẩm của họ trong môi trường cách ly với xã hội loài người, không được dạy dỗ, tiếp xúc với con người để khi cần, sẽ lấy các bộ phận cơ thể của những con người được nhân bản này mà thay thế cho con người, bởi họ nghĩ rằng những kẻ có hình dạng con người kia, nhưng không được sinh ra cách tự nhiên, không được học hành thì không phải là con người. Điều đó đã bị Giáo Hội phản đối vì vi phạm đến quyền của Thiên Chúa, nhưng họ cũng có cái lý nào đó của họ.

Thiên Chúa muốn được sinh ra trong một mái ấm gia đình, người đã không xuất hiện trong trần gian này qua hình ảnh một cô tiên, ông bụt nhưng đã theo qui luật mà chính Ngài đã thiết lập. Ngài đã chấp nhận được sinh ra trong một gia đình nhân loại, có đủ cả cha lẫn mẹ, bà con họ hàng, phải được nuôi dưỡng bảo vệ bởi Đức Maria và Thánh Cả Giuse, phải từ từ lớn lên và chấp nhận cái chết để hoàn toàn giống như anh em mình. Ngài cũng cần được dạy dỗ, cần học hành để biết cách sống như con người.

Để thực hiện chương trình rao giảng Tin Mừng trong 3 năm, Ngài đã phải sống trong gia đinh với thời gian nhiều gấp 10 lần, để trở thành Bác Thợ mộc con bà Maria. Đây không phải là thời gian chờ đợi, mà là thời gian cần thiết để chuẩn bị, để thành người.

Thiên Chúa là chủ vạn vật, chính Ngài đặt định các qui luật, nên Ngài vượt trên tất cả. Thế mà Ngài đã chấp nhận làm làm người bằng cách thế như vậy. Điều đó cho chúng ta thấy môi trường gia đình có tầm quan trọng như thế nào đối với mỗi một con người.

Bảo vệ đời sống gia đình là giúp cho xã hội tồn tại và thăng tiến, để con người mỗi ngày trở nên hoàn hảo như hình ảnh Thiên Chúa. Phủ nhận hay phá hoại đời sống gia đình là chúng ta đang hủy hoại tương lai của nhân loại, phá hủy phẩm giá của con người, kéo con người xuống ngang hàng với các sinh vật khác.

XII. MỤC VỤ QUỚI CHỨC

HỌC HỎI SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

Chương IV: Các Phương Thức Hoạt Động Tông Đồ

20. Công giáo tiến hành

Từ vài chục năm nay, trong nhiều quốc gia, giáo dân càng ngày càng dấn thân vào hoạt động tông đồ. Họ qui tụ lại với nhau dưới nhiều hình thức hoạt động cũng như lập thành các hội đoàn. Những tổ chức này đã và đang theo đuổi những mục đích thuần túy tông đồ mà vẫn liên kết chặt chẽ với Hàng Giáo Phẩm. Trong số những tổ chức ấy cũng như cả các tổ chức tương tự đã có từ trước, đặc biệt phải nhắc đến những tổ chức dầu theo những tiêu chuẩn hoạt động khác nhau nhưng đã đem lại nhiều kết quả phong phú cho nước Chúa Kitô. Các Đức Giáo Hoàng và một số đông các Giám Mục đã có lý khi tín nhiệm và cổ võ những tổ chức này và đặt cho danh hiệu Công Giáo Tiến Hành. Do đó những hoạt động ấy thường được diễn tả như một sự cộng tác của giáo dân vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm 8.

Những hình thức tông đồ này, dù mang danh hiệu Công Giáo Tiến Hành hay một danh hiệu nào khác, vẫn đang thực hiện một việc tông đồ quí giá ở thời đại chúng ta. Những tổ chức ấy phải hội đủ những yếu tố sau đây:

a) Mục đích trực tiếp của tổ chức này phải là mục đích tông đồ của Giáo Hội, nghĩa là rao truyền Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, và đào tạo cho con người một lương tâm Kitô giáo đích thực để họ có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào mọi cộng đoàn cũng như mọi lãnh vực của đời sống.

b) Trong khi cộng tác với Hàng Giáo Phẩm theo thể thức riêng của mình, người giáo dân đảm nhận trách nhiệm và đem kinh nghiệm riêng để điều hành các tổ chức này, tìm những điều kiện thích hợp cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội cũng như để soạn thảo và theo đuổi một chương trình hành động.

c) Người giáo dân hoạt động liên kết với nhau như các cơ quan trong thân thể, điều đó dễ nói lên ý nghĩa cộng đoàn của Giáo Hội và làm cho việc tông đồ được hữu hiệu hơn.

d) Người giáo dân hoạt động dưới sự điều khiển của chính Hàng Giáo Phẩm, dù họ tự nguyện dấn thân, hoặc được mời hoạt động và cộng tác trực tiếp vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm. Hàng Giáo Phẩm có thể thừa nhận sự cộng tác này bằng sự "ủy nhiệm" minh nhiên.

Những đoàn thể nào mà giáo quyền xét thấy hội đủ những yếu tố vừa kể đều được coi là Công Giáo Tiến Hành, mặc dù những tổ chức đó mang những hình thức và danh hiệu khác nhau tùy theo đòi hỏi của từng địa phương và của mỗi dân tộc.

Thánh Công Đồng ân cần giới thiệu những định chế này vì chắc chắn chúng đáp ứng đúng những đòi hỏi của việc tông đồ của Giáo Hội trong nhiều quốc gia. Thánh Công Đồng cũng kêu mời các linh mục hoặc giáo dân đang tham gia các hoạt động trên hãy thể hiện những tiêu chuẩn vừa kể mỗi ngày một hơn, và hãy luôn luôn lấy tình huynh đệ mà cộng tác với các hình thức tông đồ khác trong Giáo Hội.

Gợi ý giải thích:
- Công Giáo Tiến Hành là gì? Là tổ chức diễn tả sự cộng tác của người giáo dân vào việc Tông Đồ của hàng Giáo Phẩm
- Công Giáo Tiến Hành cần hội đủ những yếu tố nào?

Gợi ý thực hành:
- Ban Quới Chức với bản Điều Lệ, có phải là tổ chức Công Giáo Tiến Hành không? Tại sao?
- Trong họ đạo của Ông Bà, có bao nhiêu tổ chức Công Giáo Tiến Hành?
- Ông Bà Quới Chức đã tham gia vào Hội đoàn nào?
- Tại sao Ông Bà Quới Chức không tham gia vào Hội Đoàn?

XIII. TẢN MẠN

TIỀN & QUYỀN

Khó tưởng tượng được không khí trong những ngày Tết cổ truyền sẽ như thế nào nếu phong tục lì xì bỗng dưng biến mất. Đối với trẻ em, tập tục truyền thống này càng có ý nghĩa và khuấy động niềm vui. Tuy nhiên, khi mà trong phong bao lì xì mừng tuổi kia là tiền (chứ không phải một món đồ nào đó) và tính chất tượng trưng của nó ngày càng mờ nhạt thì vấn đề không còn đơn giản.

“Tiền là một đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ tồi”. Cả thế giới đều nói được câu đó, nhưng làm thế nào để có một đầy tớ trung thành như vậy thì không hề dễ dàng.

Phải chăng tinh thần “phải coi tiền là đầy tớ” không được truyền thụ một cách căn bản ngay từ gia đình? Hỏi cũng là trả lời. Có thể nói, gia đình - chứ không phải nhà trường – luôn có vị trí không thể thay thế trong việc kiến lập những nét nhân cách đầu tiên, đặt nền móng trong việc phát triển tính cách sau này. Tiền đã, đang và luôn là thứ không thể thiếu trong cuộc sống. Tiền có thể làm cho ai đó sung sướng ngất ngây nhưng cũng chính nó đẩy con người vào chỗ thân bại danh liệt. Trong giai đoạn đất nước rộng cửa và cạnh tranh phát triển hiện nay, tiền càng bộc lộ sức mạnh muôn màu, đủ sức làm biến dạng các mối liên hệ xã hội, kể cả trong gia đình, nếu đối tượng nó hướng đến, thiếu khả năng đề kháng.

Như đã đề cập ở trên, tiền bạc là chủ đề khó bởi nó vừa rất cụ thể lại vừa mông lung. Thế nhưng, nổ lực giáo dục gia đình về bản chất của tiền bạc, cách “cầm nắm” và “truyền khiến” nó hoàn toàn có thể mang lại tác dụng đối với trẻ em, đặc biệt là trong dịp Tết, dịp mà mọi người Việt Nam, vốn có đời sống tâm linh phong phú, luôn nguyện ước cho gia đình mọi điều tốt đẹp, khởi đầu từ nhân cách.

Hãy thử quan sát một vài phản ứng quen thuộc của trẻ em khi nhận được tiền lì xì Tết. Có em sau khi nhận, vòng tay cám ơn, không vội mở bao lì xì mà chạy đến dúi vào tay mẹ, ngầm ý “cất giùm con”. Có em nhận xong, đến một góc khuất, khẽ khàng mở ra xem rồi tiếp tục chạy chơi. Có em phản ứng nhanh đến bất ngờ: xé toạt bao lì xì ngay sau khi nhận từ tay khách, mặt điềm nhiên không một lời cám ơn. Cũng có trường hợp chính vị khách cảm thấy “ê chề” khi bao lì xì của mình vừa tặng, đã bị đứa trẻ “lôi ruột” ra tại chỗ và … chê ít!

Có lẽ dẫn chứng cuối cùng trên đây đáng được soi rọi nhất, tuy nó không phải là hiện tượng phổ biến. Cứ giả định cha mẹ cháu bé kia vẫn không một chút áy náy và cũng chẳng có động thái sửa sai con mình, đứa trẻ sau đó lớn lên sẽ như thế nào? Có thể nói mà không sợ võ đoán rằng, đứa trẻ kia sẽ hình thành trong đầu một “thước đo giá trị” của mình, đó là tiền. Hãy đẩy trí tưởng tượng đi xa hơn: nếu sau này đứa trẻ kia trở thành một người lãnh đạo thì sao? Chắc chắn anh ta sẽ không đủ công minh khi đưa ra quyết định nào đó. Và hoàn toàn có thể thấy trước, một “ông quan” vốn xem giá trị con người tỷ lệ thuận với “độ lớn” của tờ bạc như thế chỉ có thể đẩy những người thuộc quyền vào chỗ điêu đứng!!

Có ai đó nói rất hay rằng, hãy trao tiền và quyền cho một người rồi xem cách họ nhìn ngắm và sử dụng nó, bạn sẽ nhận ra bản chất của người đó.

Cao Tuấn (Trích Báo Người Lao Động ngày 30.01.2009)

XIV. MỘT LỐI SỐNG

MẸ TÔI

Có những cái phi thường lại rất thường – và vì thường quá nên người ta dễ xem thường. Nhưng đâu phải vì bị xem thường mà một sự phi thường phải biến thành tầm thường. Và có những lúc nào đó giữa cuộc đời thường, do một nguyên cớ bất chợt, người ta sững sờ nhận ra điều mình vẫn tưởng là bình thường đó thực sự không phải là tầm thường. Mỗi lần như thế họ thấy mình lớn lên một chút, bớt kiêu ngạo hơn một chút và “người” hơn một chút...

Một trong những thực tại hẩm hiu đó là người Mẹ. Còn gì bình thường hơn cái ý nghĩ rằng tôi có Mẹ. Nó bình thường đến nỗi chẳng bao giờ tôi tò mò nghĩ ra hơn. Trong số những thứ mà tôi coi tôi có, là tôi có Mẹ. Thế thôi ! Đó không là vấn đề và cũng chẳng là mầu nhiệm. Tôi cho hiện hữu của mình là tất nhiên, là tất yếu. Thế giới ngoại tại này đều bất tất, ngoại trừ tôi.

Ồ không, đã có một lúc tôi bắt đầu có. Thiên Chúa có thể và thực sự dựng nên tôi từ hư không; nhưng Ngài đã muốn dùng người Mẹ làm chặng đường cuối cùng để chuyển hư không thành thực hữu, là tôi đây. Đi trong cuộc đời, tôi mải lo chiếm hữu – nếu không những điều xấu thì những điều tốt. Tôi thường hướng về Chúa để bày tỏ lòng tri ân về những điều tốt lành mà mình có được: kiến thức, danh dự, tiền bạc, tình bạn, tình yêu... Tôi ít khi nhớ tạ ơn về “cái có” đầu tiên, mà nhờ đó tôi có. Vì thế mà với tôi, Mẹ vẫn nhàn nhạt, xa xa.

Từ khi có tôi, tôi có Mẹ. Mẹ là gia nghiệp tôi lãnh nhận trước nhất và trực tiếp nhất, ở ngoài tôi. Gia nghiệp này đã dọn sẵn cho tôi. Ấy, chính người đàn bà ấy – với tất cả những hay dở của bà – chứ không phải một người đàn bà nào khác, là Mẹ tôi, trong ý định muôn đời của Đấng tạo thành.

Mẹ là mặc khải đầu tiên từ khi tôi còn chưa biết đọc Thánh Kinh, chưa biết nghe dạy Giáo Lý rằng Thiên Chúa sáng tạo vì yêu thương, và rằng Người trung tín yêu thương vì Người đã sáng tạo.

Thật vậy, phải mất một thời gian tôi mới bập bẹ được tiếng “Mẹ” đầu tiên, tiếng “Mẹ” ấy hầu như chỉ là một vỏ âm thanh vô tư vô tình, vô nghĩa lý. Nhưng Mẹ thì đã gọi “con ơi” thật nồng nàn thiết tha trong sâu thẳm lòng bà từ thuở nào tôi mới định hình trong dạ. Tình yêu ấy bằng lời thì ít, bằng im lặng thì nhiều. Mẹ đã một lần rút ruột sinh con, Mẹ chấp nhận một đời làm thân tằm rút ruột. Tôi chỉ có một việc là nhận lãnh, nhận lãnh và nhận lãnh…

Lớn lên, trường đời dạy tôi “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Tôi hiểu rằng nhận lãnh một chiều là bóc lột, nhưng cơ hồ đó là cái hiếu chí để sống ở đời chứ không phải để sống với Mẹ tôi.

Đã bao lần tôi phải trả giá đắng cay vì lỡ không sòng phẳng với đời, nhưng tôi đâu có phải trả giá nào vì không sòng phẳng với Mẹ tôi đâu ! Kỳ thật Mẹ cũng chẳng bao giờ quyết liệt lập luận với tôi: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”.

Mẹ không lập luận, không đòi buộc, mẹ chỉ biết yêu thương và âm thầm nhẫn nại đợi chờ. Tình yêu giúp người ta hy vọng. Mẹ vẫn hy vọng một ngày tình yêu của tôi lên tiếng và cơ sở của niềm hy vọng ấy không phải gì khác ngoài tình Mẹ yêu tôi.

Với thời gian, tôi cũng đã lớn khôn. Mẹ thì già đi, tháng năm làm thân cò vò võ. Tôi bước ra với đời, chân trời lồng lộng thênh thang. Mẹ rút về ở phía sau, dõi trông theo bồn chồn hy vọng.

Không phải vì Mẹ vuột mất tôi ( bà nào có ý níu tôi bao giờ ), nhưng vì đó là lô-gích của tình yêu: Tình yêu thật thì mở rộng ra chứ có thể nào khép lại ? Mẹ tự đồng hoá với tôi, và khi dâng hiến tôi cho đời, ấy là Mẹ tự hiến cho đời.

Một cách nào đó, thật bất ngờ, Mẹ sẽ hiện diện với tôi trong lần cuối cùng dâng hiến, như: “Đứng bên Thập giá Đức Giê-su, có Mẹ Ngài... ” ( Ga 19, 25 ).

Có những cái phi thường rất thường và vì quá thường nên tôi đã xem thường. Nhưng đâu phải vì tôi xem thường mà điều phi thường biến thành thường. Một trong những thực tại hẩm hiu ấy có Mẹ tôi!

XV. SỐNG LỜI CHÚA: Êphêsô 6,1

KẺ LÀM CON HÃY VÂNG LỜI CHA MẸ THEO TINH THẦN CỦA CHÚA

1805    23-04-2012 15:13:57