Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Gia Đình Là Nguồn Mạch Các Thiện Ích Xã Hội - Tháng 07 năm 2003

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH LÀ NGUỒN MẠCH CÁC THIỆN ÍCH XÃ HỘI

I. ĐỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 42

Bởi vì "Đấng Tạo Hoá đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người", nên gia đình trở thành "tế bào đấu tiên và sống động của xã hội"

Gia đình có những liên hệ chặt chẻ và sống động xã hội vì nó làm thành nền tảng cho xã hội và không ngừng tiếp sức cho xã hội bằng việc phục vụ sự sống : chính giữa lòng gia đình đã sinh ra các công dân, và chính trong gia đình mà các công dân ấy lần đầu tiên thực tập các nhân đức xã hội, là linh hồn cho sinh hoạt và sự phát triển xã hội.

Như thế, vì bản chất và ơn gọi của nó, thay vì đóng khung trên chính mình, gia đình mở rộng đến những gia đình khác và đến xã hội, và chu toàn vai trò xã hội của mình.

II. TÓM Ý FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 42-45

Gia đình và xã hội có quan hệ chặt chẻ với nhau, vì gia đình là nền tảng của xã hội : sinh ra con cái và những người con nầy sống cộng đồng xã hội đầu tiên ngay tại gia đình mình. (42)

Tương quan giữa các thành phần trong gia đình làmột tương quan vô vị lợi, khởi đầu và khích lệ cho các tương giao mở rộng với xã hội bằng kính trọng, công bằng, ý thức, đối thoại, tình yêu.

Gia đình, do đó, trở thành cái nôi và phương tiện hữu hiệu nhất để phát triển xã hội, "nơi mà nhiểu thế hệ gặp gở và giúp đở nhau trở nên khôn ngoan đầy đủ hơn cũng như giúp nhau hoà hợp những quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội" (CĐ Vat. II), giúp con người sống đúng với phẩm giá của mình (43).

Vai trò xã hội của gia đình không chỉ giới hạn vào việc truyền sinh và giáo dục mà còn phải dấn thân phục vụ xã hội lo cho những người nghèo, nhất là những người bị mọi người lãng quên.

Gia đình còn có vai trò chính trị đối với xã hội tức là thúc đẩy để quốc gia có những luật lệ không làm tổn thương các quyền lợi và bổn phận gia đình, nhưng nâng đở và bảo vệ gia đình một cách tích cực (44).

Tương quan giữa gia đình và xã hội cũng đòi hỏi xã hội phải phải tôn trọng và thăng tiến gia đình, hỗ trợ cho gia đình. Quốc gia không được tước mất những trách nhiệm mà gia đình có thể tự mình chu toàn lấy một cách tốt đẹp, nhưng hết sức tạo điều kiện và khơi động những sáng kiến có trách nhiệm của gia đình (45).

III. CHUYỆN MINH HỌA

ÔNG NÓI GÀ BÀ NÓI VỊT

Mọi sự dường như luôn luôn bắt đầu một cách vô tội vạ. Đó là những chuyện nhỏ.

Khi Thủy, bé gái 12 tuổi, bắt đầu cho những chén bát dơ bẩn sau bữa ăn tối vào chậu rửa chén, và khi bé vừa mới bắt tay vào việc thì có người bạn điện thoại cho cháu. Thủy xin phép mẹ nói chuyện với bạn đôi chút và sẽ thanh toán đống chén bát sau. Chắc chắn là được, mẹ nói vậy. Nửa giờ sau, tình cờ bố đi vào bếp và thấy đống chén dơ còn nằm đó.

Ông biết là trách nhiệm của Thủy và bảo bé cắt điện thoại-ngay bây giờ!-và trở vào bếp.
"Nhưng mẹ cho phép con rồi mà!" Thủy phản đối.
"Bố không cần biết mẹ nói gì," Bố nói Thủy "Đi vào bếp!"
Ngay lúc ấy mẹ xuất hiện, cất tiếng hỏi chuyện gì om sòm vậy.
Bố nói, "Con Thủy không chịu rửa chén."
"Thì nó sẽ làm mà," mẹ bào chữa. "Nó muốn điện thoại với bạn trong chốc lát."
Bố: "Làm việc trước, chơi sau."
Mẹ: "Bạn bè cũng quan trọng. Anh biết là con nó sẽ thanh toán đống chén bát trước khi đi ngủ mà."
Bố: "Em chiều con quá."
Mẹ: "Anh không thể điều hành căn nhà này như trại lính."
Bố: "Con cái cần phải có kỷ luật. Chúng cần học biết trách nhiệm."
Mẹ: "Con cái cần học cách giữ bạn. Bạn tốt thì khó tìm và khó giữ."
Bố: "Bạn bè đâu có trả tiền nhà cho nó khi chúng lớn lên đâu."
Mẹ: "Dĩ nhiên là không, nhưng chúng bạn làm đời sống phong phú hơn. Nếu chỉ vì anh không có bạn thì không có nghĩa là ai ai cũng phải sống như thế!"
Bố: "Anh có nói gì khi mấy bà bạn em đến nhà này đâu?"
Mẹ: "Nhà này không chỉ của riêng anh. Nó cũng là nhà của em!"
Hiển nhiên là cho đến giờ phút này, đống chén bát đã chìm vào quên lãng. Nhưng không, nó đã trở nên một điều to tát hơn, một điều xấu xa hơn, một điều đe dọa hơn.

Người ta thường nói tình dục tạo nên những bất đồng lớn nhất giữa hai vợ chồng, nhưng những vợ chồng lấy nhau lâu biết rằng đó không phải là sự thật. Đó là tài chánh. Đó là con cái. Làm thế nào để quán xuyến tiền bạc. Làm thế nào để nuôi nấng con cái.

Tại sao việc nuôi con quá phức tạp? Có vài lý do. Thứ nhất--và nghiêm trọng hơn--là vợ chồng không hoà thuận với nhau thường đem con cái ra làm quân cờ thí. Người vợ có thể đạt được điều mình muốn bằng cách chỉ huy con cái. Người chồng có thể "thắng thế" bằng cách để con cái thi hành những gì mà ông biết sẽ làm vợ bị day dứt.

Con cái trở thành dụng cụ của họ để gây thương tích cho nhau. Và, dĩ nhiên, con cái không thể thoát ra khỏi cuộc tranh chấp mà không bị tổn thương. Từ bên ngoài nhìn vào một cách khách quan -- thật khó để nhận ra vấn đề và càng khó hơn nữa để công nhận vấn đề nếu từ bên trong nhìn ra -- những vợ chồng thường rơi vào tình trạng đó nên tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.

Những bất đồng của họ về vấn đề dạy dỗ con cái thường không chỉ là vấn đề giáo dục; đó là những dấu hiệu của một điều gì khác nữa. Cũng như tiếng ho có thể bởi cảm lạnh mà cũng có thể là dấu hiệu của sưng phổi. Chỉ cảm lạnh thôi thì việc chữa trị cũng đơn giản; nhưng nếu là sưng phổi thì việc chữa trị cũng tốn kém hơn.

Nhưng bất đồng về cách dạy dỗ con cái không luôn luôn có nghĩa là hôn nhân đang gặp khó khăn. Nó là một điều bình thường của hôn nhân không hơn không kém.

Trong một đời sống hôn nhân tiêu biểu, người nam và người nữ chung sống với nhiều định kiến, nhiều điều tin tưởng chân thành, về nhiều vấn đề mà họ học biết từ gia đình gốc của họ. Về tình dục. Về tài chánh. Về con cái. Và họ thường cho rằng người kia cũng tin tưởng như thế. Đó là cách mọi người suy nghĩ. Đó chỉ là cách... mọi sự là như vậy.

Đây là những chất lượng của một vở hài kịch. Ông nói gà bà nói vịt. Và sau gần nửa giờ đồng hồ bàn cãi, thì cả hai đồng ý rằng họ đều ghét cái mớ lông đó dù là gọi là gà hay vịt.

Nghệ thuật có thể phỏng theo đời sống, nhưng đời sống khó có thể giống như nghệ thuật. Ai đúng? Có lẽ người này hay người kia. Có lẽ cả hai. Có lẽ không ai đúng.

Một trong nhiều thử thách của việc làm cha mẹ là khi xảy ra một vấn đề cho một đứa con trong một trường hợp đặc biệt, thì Bố và Mẹ ít khi cùng chung một quan điểm.

Ở một thái cực, con cái được coi như sở hữu. Chúng được nhìn đến và không được lắng nghe. Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi; Ở thái cực kia, con cái được quyền tự trị đầy đủ ngay từ khi chào đời. Chúng luôn có quyền lựa chọn. Quy luật chỉ làm ngột ngạt tâm thần và hư hại đến sự tự trọng của chúng.

Hầu hết các cha mẹ đều rơi vào giữa hai thái cực này, đó là điều tốt, vì cả hai thái cực đều lố bịch như nhau. Điều mà Bố và Mẹ có thể không nhận ra là những kinh nghiệm và kiến thức của họ không chỉ xác định quan điểm chung, nhưng đồng thời cái điều mà họ nhất định cho là "đúng" khi có vấn đề hay hoàn cảnh đặc biệt xảy ra cũng chưa chắc đã đúng như ý mỗi người họ nghĩ.

Người mẹ xuất thân từ một gia đình mà "giờ giới nghiêm" ít có hiệu lực và rất lỏng lẻo: Nửa đêm có nghĩa khoảng 12 giờ, trước sau vài phút, trừ khi gọi điện thoại về nhà báo sẽ về trễ và nài nỉ thêm một vài phút nữa. Khi cha mẹ của Bố nói về nhà "lúc nửa đêm", nó có nghĩa đúng 12 giờ không hơn không kém. Bây giờ, đứa con 15 tuổi của họ về nhà trễ nửa giờ. Họ phải làm gì?

Sau đây là một vài đề nghị cho các cha mẹ phải đối phó với những vấn đề tơng tự, và một vài phương cách để tránh đưa sự bất đồng nhỏ thành một cuộc chiến giữa vợ chồng.

1. Hãy nhớ rằng bạn không phải quyết định ngay lúc đó. Bạn luôn luôn có thể nói với con cái là bạn cần thời gian suy nghĩ và-cùng nhau-quyết định về hậu quả của hành động. Có thể cả hai bạn quá mệt mỏi để sáng suốt suy nghĩ nên đôi khi đi ngủ mà còn giận con cái thì vẫn tốt hơn. Sự việc sẽ được nhìn thấy khác biệt khi cả hai đã nghỉ ngơi và cơn giận đã nguôi ngoai.

2. Đừng trả lời "được" hay "không" mà không hỏi ý kiến của người phối ngẫu. Con cái sẽ biết cách phải hỏi cha hay mẹ để xin xỏ điều gì đó. Và đừng nói với con cái là điều đó thì được với Bố nhưng chúng còn phải hỏi Mẹ. Vì vô tình bạn đã đặt vợ/chồng mình thành một người xấu.

3. Cả Bố và Mẹ đều có quyền phủ quyết. Nếu một trong hai người nói không, câu trả lời sẽ là không. Bạn có thể thảo luận về sự phủ quyết này--cách riêng tư, không có con cái--nhưng bạn không thể lấn lướt quyền này mà quyết định lại.

4. Suy nghĩ về lý do bạn quyết định. Lý do của bạn có đúng không? Hay bạn chỉ áp dụng một cách máy móc những gì cha mẹ bạn đã làm ngay ở những trường hợp không còn thích hợp? Đừng ngạc nhiên khi thấy bạn phun ra những lời y như cha mẹ bạn. Hầu như mọi người làm cha mẹ đều như thế. Phải từ từ bạn mới có thể làm chủ được những gì bạn muốn nói.

5. Sẵn sàng nhường nhịn người phối ngẫu. Có thể bạn phải xích ra một chút, và người kia xích vào một chút. Vị trí mới đó có thể khiến cả hai không thoải mái, nhưng không có luật lệ nào nói rằng bạn phải chịu trận ở đó cả. Bạn có thể thấy rằng điều đó không tốt gì cho con cái, nên bạn và người phối ngẫu--cả hai--lại phải xê xích chút đỉnh.

6. Hãy tự hỏi mình điều gì tốt nhất cho đứa con này ngay bây giờ, ngay tại đây, và cũng hãy biết rằng đó không phải là điều làm chúng vui thích ngay lúc đó. Có những điều rất tốt cho con cái mà làm chúng không vui, trong giai đoạn ngắn. Thường đó là những điều có thể thay đổi cả thế giới, và đem lại hạnh phúc sâu xa trong tương lai.

Đó là giấc mơ của mọi cha mẹ. Bất cứ cha mẹ nào cũng đều muốn thấy con mình trở thành một người hạnh phúc và khoẻ mạnh.

1. Gia đình là nền tảng của xã hội

Hiến chế Mục Vụ số 53 gọi gia đình là nền tảng của xã hội. Thật vậy, về số lượng thì xã hội là sự tập họp của nhiều gia đình, còn về phẩm chất thì xã hội là tấm gương phản ánh đời sống của các gia đình liên hệ.

"Sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội nhân loại và Kitô giáo liên kết chặt chẻ với tinh thần của cộng đoàn hôn nhân và gia đình. người Ktiô hữu thành thật vui mừng trước những trợ lực khác nhau giúp con người ngày nay tiến tới trong việc cổ võ cộng đoàn yêu thương ấy cũng như trong sự tôn trọng đời sống" (MV 47).

Công Đồng muốn nói đến một sự ảnh hưởng hổ tương giữa gia đình và xã hội. Các gia đình tốt sẽ đăt nền tảng cho một xã hội tốt. Cũng thế, một xã hội tốt sẽ giúp các gia đình nên tốt hơn nhờ những luật lệ và tập quán tốt, nhất là nhờ bầu khí lành mạnh mà xã hội này cổ võ và duy trì.

Ngoài ra, người Kitô hữu cần tích cực cộng tác với những người thiện chí trong việc củng cố và thăng tiến gia đình. Mỗi người hãy phấn đấu để mọi gia đình đều có những điều kiện về vật chất và tinh thần để gia đình có thể sống đúng với phẩm giá con người.

Sau cùng, quyền được sống là quyền dành cho mọi người, từ khi thụ thai cho đến lúc chết. Thánh Irênê nói : "Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống". Do đó, không ai có quyền ngăn chặn, huỷ bỏ, phá hoại hay hạn chế sự sống...chỉ một mình Thiên Chúa có quyền trên sự sống con người.

2. Gia đình giáo dục các đức tính xã hội

Là nền tảng của xã hội, gia đình có nhiệm vụ căn bản là của mình là giáo dục cho con cái những đức tính xã hội cần thiết trong mối tương quan giữa người với người.

Đức Gioan XXIII trong Thông Điệp Hoà Bình Thế Giới đã đề cập đến những đức tính nầy như sau : "Sắc thái đầy đủ cho mọi cuộc giao tiếp trong đời sống hằng ngày đòi phải có chân lý làm nền tảng, công bình làm quy tắc, tình yêu làm động lực và tự do làm bầu khí".

Như vậy, trước hết gia đình phải giáo dục cho con cái biết yêu quý và tôn trọng sự thật. Phải dạy trẻ tôn trọng sự thật trong tư tưởng, trong lời nói và trong hành động, trong tương quan với anh chị em, với cha mẹ, với bằng hữu, với tất cả mọi người.

Đồng thời, con cái cần được cha mẹ dạy bảo sống công bằng : Công bằng đối với của cải và thanh danh của người khác. Công bằng trong sự đóng góp, trao đổi và phân phát.

Con cái cũng cần được dạy cho biết yêu thương. Một tình thương chân chính xuất phát từ lòng vị tha, hướng đến người khác. Có người suốt đời không biết thương ai hoặc có thương người khác là cũng chỉ vì mình. Gương hy sinh lo lắng cho gia đình, con cái, với người cùng khốn, bất hạnh, của cha mẹ là bài học quý giá nhất mà cha mẹ có thể ảnh hưởng sâu đậm trên con cái về lòng yêu thương.

Sau cùng, trẻ cũng cần học biết sống tự do trong tâm hồn, không để lòng nô lệ vật chất, vinh hoa phù phiếm. Thánh Gioan nói người phạm tội là người nô lệ cho tội (Ga 8, 34). Ai ham tiền, người ấy là nô lệ của đồng tiền. Ai háo danh, là nô lệ của sự kiêu căng. Ham mê nhục dục là nô lệ của xác thịt.

3. Gia đình giáo dục về công ích

Nói đến xã hội là nói đến công ích, vì công ích là lẽ sống và là nền tảng pháp lý của mọi xã hội. Chuẩn bị cho trẻ bước vào đời, gia đình không thể không quan tâm giáo dục chúng ý thức về công ích hay thiện ích xã hội hoặc còn gọi là lợi ích chung của xã hội.

Công Đồng Vaticanô II định nghĩa lợi ích chung như sau : "Công ích hay lợi ích chung là tòn bộ những điều kiện của đời sống xã hội, nhằm giúp con người có thể tiến tới sự hoàn bị của chính mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn. Lợi ích ấy hệ tại đặc biệt vào việc bênh vực quyền lợi và bổn phận của con người" (Tông đồ, số 6).

Định nghĩa trên cho thấy công ích hay thiện ích xã hội là một yếu tố quan trọng. Nhờ công ích, con người mới đạt tới sự triển nở bản thân một cách trọn vẹn và dể dàng hơn. Gia đình Kitô hữu phải phấn đấu để tạo nên một xã hội đạt những điều kiện :

Điều kiện thứ nhất là: xã hội ấy cần có một nền trật tự luân lý vững chắc, làm nền tảng cho mọi hoạt động của con người, cá nhân cũng như tập thể. Nền trật tự luân lý nầy được thể hiện trong các luật pháp chính đáng.

Điều kiện thứ hai phải có là: nhân phẩm con người phải được xã hội tôn trọng, qua những quyền lợi cơ bản mà mọi người đều được hưởng cách đầy đủ và bình đẳng. Ở đâu không có tự do, ở đó, không có nhân phẩm.

Điều kiện thứ ba là: có được những nhu cầu cần thiết về vật chất đáp ứng cho cuộc sống con người như : lương thực, quần áo, nhà ở, vệ sinh, tư liệu sinh hoạt, phương tiện học tập và văn hoá...

Ngoài những yêu cầu cơ bản trên, những xã hội phát triển vì quyền lợi con người, còn có thể cung cấp nhiểu phương tiện khả dĩ giúp con người đạt tới sự hoàn thiện chính mình.

XinChúa cho mỗi gia đình chúng con trở thành những hạt giống tốt đạo đức, góp phần phát triển xã hội chúng con đang sống thành một cộng đồng đầy tình người và chan hoà hạnh phúc. Amen

IV. HỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 44

"Gia đình dù biệt lập hay kết thành hiệp hội, đều có thể và phải dấn thân cho nhiều công cuộc phục vụ xã hội, cách riêng là lo cho những người nghèo, và trong mọi trường hợp, lo cho những người và những tình cảnh mà các tổ chức từ thiện và cứu tế công cộng không thể lo hết được".

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Chính tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch tạo sinh vạn vật. Trong vạn vật, chỉ loài người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Nên loài người phải sống chung với nhau trong gia đình để phát triển vạn vật. Chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa và hiệp lời cầu nguyện cho các gia đình:

1. Hội Thánh được Chúa Giêsu thiết lập như một đại gia đình, đem ơn cứu độ tới mọi cộng đồng các dân tộc. Chúng ta cầu nguyện cho các hoạt động của Hội Thánh đem lại nhiều thiện ích cho xã hội loài người.

2. Các thành phần trong gia đình được liên kết với nhau bằng dây yêu thương. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong gia đình biết yêu thương giúp đỡ nhau, nhờ đó cũng biết yêu thương và giúp ích cho xã hội.

3. Tình nghĩa gia đình đòi hỏi lòng hy sinh và việc phục vụ. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong gia đình quen hy sinh cho nhau, quen phục vụ lẫn nhau; để từ đó dễ dàng dấn thân phục vụ xã hội tiến tới hòa bình và an vui.

4. Mọi người đều được mời gọi cùng nhau xây dựng xã hội. Chúng ta cầu nguyện cách riêng cho những người đang sống cô đơn giữa xã hội, dầu không có gia đình nên cần dấn thân nhiều hơn cho các thiện ích của xã hội đồng bào.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Con Một Chúa làm người phục vụ mọi người, dạy mọi người cùng xây dựng xã hội tốt đẹp. Xin làm cho chúng con yêu thương phục vụ mọi thành phần trong gia đình; để từ căn bản đó chúng con cũng dấn thân phục vụ các thiện ích xã hội. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

NHỮNG ĐỨC TÍNH CẦN THIẾT CHO XÃ HỘI

Một hôm có mấy bạn trẻ đi dọc theo bờ sông, bỗng họ thấy có người đang chới với giữa dòng sông. Một thanh niên trong nhóm vội lao mình xuống nước để cứu người ấy. Trong khi anh đang dùng phương pháp hô hấp nhân tạo để cứu người sắp chết, thì anh lại trông thấy một người khác cũng đang chới với trong nước. Thế là anh lại lao xuống nước cứu người thứ hai lên. Cứ như thế hết người này đến người kia. Sau khi cứu người thứ năm lên, người thanh niên vội vã ra đi. Một trong các bạn hỏi anh đi đâu, anh trả lời:"Tôi đi ngược lên đầu dòng sông để xem ai đang xô đẩy người ta xuống sông ".

Tìm cách giải quyết những vấn đề xã hội mà thôi chưa đủ, còn cần phải tìm ra căn nguyên của những vấn đề ấy nữa để có thể chữa trị tận gốc rể: "Phòng bệnh hơn trị bệnh". Những căn bệnh và tệ đoan xã hội cần phải được chữa lành và đề phòng qua việc giáo dục các chân giá trị ngay từ thuở niên thiếu, ngay từ trong gia đình. Tương lai xã hội tùy thuộc các chân giá trị của các thanh thiếu niên nơi các gia đình hôm nay, bởi vì "gia đình là tế bào đầu tiên và sống động của xã hội" (FC 42).

Là nền tảng của xã hội, gia đình lãnh nhận nhiều bổn phận khác nhau đối với xã hội, vì chính trong gia đình nhiều công dân được sinh ra, và cũng từ đó mỗi người tìm thấy trường học đầu tiên về những giá trị và những đức tính cần thiết cho xã hội.
Những đức tính ấy là gì ? Làm sao trẻ có thể đắc thủ được ?

1. THẬT THÀ.

Ở vào thời buổi mà lương tâm chức nghiệp chịu một cơn khủng hoảng nặng nề, và tập quán gian trá làm hư hỏng những liên hệ giữa các cá nhân và giữa các quốc gia, thì giáo dục cho con trẻ thật thà là việc làm gấp rút hơn bao giờ hết.

a/ Bậc cha mẹ cố gắng in vào con trẻ thái độ ngay thẳng thật thà, làm cho chúng ghê tởm tính giấu giếm và giả hình. Tập cho chúng ăn nói thẳng thắn, đã hẹn thì phải làm, đã hứa thì phải giữ, đừng gian lận khi chơi, hoặc trong khi làm bài.Người ta chỉ vị nể, tôn trọng những người chắc chắn, có thể tin cậy được. "Lời của các ngươi phải: có thì nói có, không thì nói không, thêm bớt là do ma quỉ mà ra" (Mt 5,37). Làm sao cho dù một lời nhỏ nhặt cũng được bảo đảm như một lời thề long trọng. Lời mình nói ra mà để người ta "trừ bì" thì mình mất tín nhiệm. "Nhất sự bất tín, vạn sự thất tín".

b/ Cha mẹ nêu gương thật thà, thành thực cho con cái trong lời nói, công ăn việc làm, và trong giao tiếp.

Gogol, một nhà văn Nga, đã phân tích gương xấu của cha mẹ ảnh hưởng nặng nề trên con cái, trong cuốn "Hồn chết" (Âmes mortes) như sau :"Chúng ta hãy nghe lời xưng thú của Titchikow, tên lái buôn nô lệ :"Tôi vừa bắt đầu cảm thấy là tôi hiểu ngay rằng mình không đi theo con đường tốt, mình đã xa lạc con đường thẳng, nhưng không sao tôi trở lại tốt hơn được nữa.. Thật ra thì có ai giáo dục tôi như thế đâu. Cha tôi vẫn nhắc đi nhắc lại cho tôi những luật lệ của luân lý. Nhưng chính ông thì lại cứ ăn cắp gỗ của hàng xóm ngay trước mắt tôi, lại còn bắt tôi giúp ông trong việc ấy nữa.

Chẳng giấu giếm gì tôi, ông đặt đơn kiện gian, và còn hãm hiếp đứa gái mồ côi dưới quyền giám hộ của ông. Những gương như thế ảnh hưởng sâu xa hơn tất cả mọi mực thước của luân lý. Tôi biết mình sống cuộc đời bỉ ổi, tôi cũng ghê tởm nết xấu, nhưng tính nết tôi là tính nết của con người hư đốn. Tôi chẳng còn thấy điều thiện hấp dẫn tí nào cả, tôi bị tước đoạt hết cả khuynh hướng tốt để làm những việc có thể dẫn đến cùng Chúa; thói quen hoạt động chẳng khác gì bản tính thứ hai của con người, thế mà nay tôi cũng bị tước đoạt cả thói quen đó. Khao khát có của thật nhiều, đối với tôi, là ước vọng mạnh hơn cả lòng mộ mến làm bất cứ điều thiện nào. Tôi nói thật đấy. Tôi biết làm gì bây giờ ?".

Còn Paul Bourget, nhà văn Pháp, cho chúng ta thấy kết quả tốt lành của người cha sống có nguyên tắc và gương mẫu. Ông nói:"Tôi không bao giờ quên câu nói: Người ta không giải thích một lời hứa, mà người ta chỉ giữ lời hứa thôi. Nguyên tắc đó nhập vào máu, vào xương tủy của tôi".

c/ Khi sửa phạt con cái, cha mẹ đừng sửa phạt quá đáng, vì hầu hết con cái buộc phải nói dối để khỏi bị đòn. Bà Leclercq-Huet, trong cuốn Les richesses éducatrices du foyer chrétien, nói rằng:"Hãy để hết lòng vào việc hun đúc những đứa con chân thành, thật thà. Hãy tin cẩn chúng, và đừng có vẻ hồ nghi lời con cái, trừ khi biết nó nói láo rõ ràng. Hãy biết đọc linh hồn nó qua con mắt. Để tạo cho con cái một lương tâm ngay thẳng thật thà, thì cần cho chúng thấy rằng nói dối là điều làm xấu hổ và thất sủng; còn cha mẹ thì đừng quở mắng và sửa phạt một cách oan uổng, hoặc vì những cái nhỏ nhen. Trước mặt chúng, cha mẹ cũng phải thật thà đơn sơ. Bản tính tự nhiên của con trẻ thường là thẳng thắn thật thà, chỉ có gương xấu và giáo dục sai lầm làm chúng phải giấu giếm hay phải nói dối".

2. TÔN TRỌNG KẺ KHÁC.

Nếu chịu khó quan sát, ta sẽ thấy khá nhiều đứa trẻ cấu xé những cánh hoa, vặt lá, phá tổ chim một cách vui vẻ. Nó giết chim chóc, côn trùng, đánh đập chó mèo không thương tiếc. Nó diễu cợt người nghèo khó, tàn tật, nó bắt chước bước đi chập chững và giọng nói run rẩy của người già cả, mà không biết là làm cho người ta đau lòng.

Rồi nếu ta đọc trong cuốn "Les caractères de l'homme" sẽ thấy La Bruyère phê phán thế này:"Trẻ con ngạo mạn, khinh người, nóng nảy, ganh tị, tò mò, ích kỷ, lười biếng, nhẹ dạ, nhút nhát, phàm ăn phàm uống, nói dối, giấu giếm, cười khóc dễ dàng; chỉ một việc nhỏ cũng đủ làm chúng vui quá trớn và buồn vô độ; chúng không muốn đau đớn mà chỉ thích gây đau đớn cho người khác, chúng đã thành người rồi mà!". Chúng ta nghĩ sao ? Có phải một lời phán quyết vừa nghiêm khắc vừa quả quyết như vậy không phù hợp với sự thật không ? Thật ra, Những tàn nhẫn này nơi trẻ chỉ có vẻ hiểm độc bên ngoài. Công bằng và từ tâm đang ngủ yên trong lòng con trẻ, những đức tính ấy đang chờ có người ra hiệu là thức tỉnh và bộc lộ liền. Kinh nghiệm còn đấy để chứng minh là con trẻ dễ vị nể và tế nhị đối với người khác. "Điều gì mình không muốn kẻ khác làm cho mình, thì đừng làm cho kẻ khác". Câu Phúc âm này con trẻ có thể hiểu và thực hiện được mà.

Hãy dạy cho trẻ biết đối xử dịu dàng với cỏ hoa, loài vật hoặc với những gì nó động đến. Cắt nghĩa cho nó biết rằng chỉ nhìn cách cắt những đóa hoa, cũng đủ nhận rõ được nét tinh vi của linh hồn. Khi nào trẻ hiểu được rằng người nghèo là hiện thân của Chúa Giêsu, thì nó sẽ cư xử tốt với họ. Một hôm, người mẹ định đi thăm một người nghèo trong xóm và cho đứa con gái nhỏ đi theo, bà nói với con : "Mẹ sẽ đem cho người ấy đôi giầy cũ của mẹ". Cô gái nhỏ la lên:"Sao lại cũ mà không mới ? Mẹ tưởng Chúa Giêsu sẽ bằng lòng nếu mẹ cho người nghèo cái mà mẹ không còn xài được nữa sao ?".

Thái độ của cha mẹ đối với ông bà là bài học dạy cho con cái về sự tôn kính khó quên. E. Faguet, trong De la famille nói:"Cha trở thành con đối với ông nội, là gương mẫu đẹp nhất về sự tôn kính cho con cái". Đứa con nhỏ đang hì hục gọt cái gáo dừa, thấy thế người cha hỏi:"con làm gì đấy ?" - "Con làm cái chén bằng gáo dừa để dành khi ba về già". Bởi vì nó thấy cha mẹ nó cho ông nội ăn cơm bằng nửa cái gáo dừa.

Muốn cho con trẻ không những tôn trọng mà còn nghĩa hiệp đối với phụ nữ thì phương thế tốt nhất là chính người mẹ, dạy cho con trai mình biết tôn trọng, yêu mến và cảm phục mình.

Ngoài những người và sự vật đang được con trẻ lấy làm vinh dự và tôn trọng, thì còn có những thứ khác nó hay mơ ước như sức khỏe thân xác, tài khôi hài và ứng đối lanh lợi, sau cùng là giàu có.

Hãy dạy cho nó rằng tất cả những thứ đó, nếu biết đem phục vụ điều thiện thì có giá trị, nếu bị ích kỷ điều khiển thì chỉ là hung bạo, dữ tợn và kiêu căng mà thôi.

3. BIẾT ƠN.

Có lẽ đoá hoa cao nhã nhất của Bác Ái là lòng biết ơn. Không gì chán và mất cảm tình cho bằng một người không biết giá trị những ân huệ mà mình đã nhận được. Do đó, hãy tập cho trẻ có thói quen nói "Cám ơn" với cha, với mẹ, với Chúa, với mọi người lo cho nó.

Làm sao cho trẻ biết ơn đối với những người giúp việc trong nhà, và biết bao người đang làm việc cho nó hưởng dụng: Trái chuối, trái cam nó thưởng thức, kẹo bánh làm ngọt miệng lưỡi, áo quần nó mặc để ấm thân . . . tất cả đều do công lao của người khác, dù mình có tiền để mua.

Chớ gì nó biết nghĩ đến và cầu nguyện cho những người làm ơn ấy. Và chẳng có gì xứng đáng hơn là dạy cho nó biết rằng mọi người trong xã hội đều có liên đới với nhau , cho nên tình huynh đệ thực sự cần phải thống trị giữa loài người trong sự thương yêu và giúp đỡ nhau.

Nếu từ bé mà trẻ đã quen ý thức được điều này, thì lớn lên nó mới ham làm việc, mới tập nghề nghiệp để mà trả ơn cho xã hội; bằng không, nó sẽ vô tâm, tưởng mình có quyền bắt người khác phục vụ, còn mình thì chẳng có nghĩa vụ đền ơn ai. Những kẻ biếng nhác không chịu bắt tay làm việc là do thiếu lòng biết ơn từ nhỏ.

4. TẬN TÂM.

Lòng quí mến tôn trọng kẻ khác phải đi đôi với lòng khao khát giúp đỡ, tận tụy, hy sinh. Chớ gì trẻ phải lấy làm sung sướng vì làm được cho kẻ khác hạnh phúc.

Hãy dạy cho trẻ biết phải làm gì cho những người đau khổ: như đối với người nghèo khó thì phân chia bánh kẹo, đồ chơi; đối với người chưa biết Chúa thì cầu nguyện cho họ . . . Tập cho trẻ biết giúp đỡ cha mẹ, anh chị. Giúp chúng ý thức rằng giúp đỡ, phục vụ, làm cho người khác bớt mệt là cử chỉ thật quen thuộc đối với chúng, đến nỗi nó thuộc bản tính của chúng.

Đồng thời phải cố gắng loại trừ khỏi con trẻ mọi tính ích kỷ chỉ biết vơ vét cho mình, mọi tính ganh tị chỉ biết nghĩ đến mình. Con trẻ có thể có những nghĩa cử tốt lành và quảng đại, như bà Joanna Cappe đã nói:" những cử chỉ quảng đại của các trẻ em tôi đã gặp, tôi có thể ghi thành sách, nhất là các trẻ em thuộc giới bình dân lại càng rộng rãi, bởi vì chúng quen sống với hy sinh, dễ cảm thông trước sự nghèo khổ của kẻ khác.

Có lần người ta tổ chức một cuộc lạc quyên nơi các trẻ em để giúp những tù nhân. Những thứ các em bỏ vào giỏ làm người ta rớt nước mắt: một em bé trai bỏ vào mấy viên kẹo, vì em có thế thôi; em khác bỏ vào một tên lính bằng chì là đồ chơi duy nhất của em".

5. Ý THỨC TRÁCH NHIỆM.

Một số trẻ không được giáo dục về vấn đề trách nhiệm nên chúng cản trở công việc dạy dỗ của cha mẹ. Ai mà không biết con cái trong nhà thường hay cãi lộn, đánh lộn, chọc ghẹo nhau. Chúng đâu biết rằng làm như vậy là chúng làm cho nạn nhân tập quen thói nóng nảy bẩn gắt, tức là bản năng xấu càng xấu thêm lên.

Vậy thì cần dạy cho chúng biết là việc dại dột của chúng gây nên những hậu quả rất tai hại. Hãy bảo cho đứa đang chọc em rằng con làm như thế em nó nóng lên. Con rượt đuổi em, em có thể vấp té gẫy tay gẫy chân, hoặc phù đầu đó. Do đó mà em đâm cáu kỉnh khó tính ra đấy. Nếu con tử tế với em thì em sẽ tử tế với con. Con nên biết rằng không có một việc lành hay một việc dữ nào, dù nhỏ đến đâu, mà lại không lan ảnh hưởng đến người khác. Chỉ một con ốc bị long ra cũng có thể gây tai nạn cho chiếc xe. Con hãy ăn ở cách nào để các em con bắt chước con, và chúng sẽ nên ngoan như con muốn.

Thật ra thì hầu hết các trẻ hành động vì nhẹ dạ, vì vô tình. Chúng không thấy những hậu quả tai hại do việc chúng làm. Muốn chúng khôn ngoan hơn, phải dạy chúng, để chúng ý thức trách nhiệm. Còn nếu như nơi một số trẻ, ý thức trách nhiệm phát triển kém, có lẽ tại cha mẹ quá bận bịu hay không biết cách dạy con, rồi vịn lẽ rằng nếu cái gì cũng phòng ngừa thì sẽ bóp nghẹt sáng kiến đang chớm nở nơi các em.

Bà Montessori, chuyên gia giáo dục, nhận xét sự việc này như sau:"Khi người lớn thấy đứa trẻ động đậy cái ly, người ấy sợ cái ly sẽ bể. Vào lúc ấy, tính hà tiện làm cho người ấy coi cái ly như là một kho tàng (mà chính họ không hay biết), và để gìn giữ nó, người ấy không để đứa trẻ đụng đến nó. Có khi người lớn này là người giàu có muốn tích của để con cái mình giàu hơn chăng. Nhưng lúc ấy, người này coi cái ly có giá trị quá lớn đến nỗi ông phải bảo vệ nó đã.

Đàng khác ông nghĩ: sao thằng bé lại để cái ly như thế, tôi đã để nó khác cơ mà? Tôi không còn quyền hành gì nữa à?"

Thử nghĩ, nếu không phải là con ông mà là người bạn của ông xê dịch cái ly, có lẽ ông chỉ mỉm cười. Nếu là một người khách quí làm bể cái ly, có lẽ ông vội trấn an: không sao, cái ly này có đáng là bao. . . Và như vậy, đứa trẻ cảm thấy một mối thất vọng triền miên: nó là người duy nhất nguy hiểm, nó là người hèn hạ.

Thế mà sau này, người cha lại phàn nàn vì không gây nổi cho đứa con ý thức trách nhiệm và tự chủ. Nhưng chính ông đã đập tan, từng cái một, những công việc liên tục của con mình, đồng thời ông cũng đã đập tan ý thức về phẩm cách của nó.

Để đảm nhận một trách nhiệm nào thì phải bảo đảm được rằng mình làm chủ những hành động của mình, và phải biết tự tín. Mối thất vọng sâu xa nhất phát sinh từ sự xác tín là "mình chẳng làm được gì cả". Đó là tâm trạng của đứa con nêu trên.

Trách nhiệm và nghĩa vụ đi đôi với nhau. Nghĩa vụ là công việc mình có bổn phận phải làm, luân lý bó buộc mình làm. Còn trách nhiệm là trả lẽ về những công việc luân lý (nghĩa vụ, bổn phận) buộc mình làm.

Càng lớn lên, nghĩa vụ của trẻ càng lớn thì trách nhiệm càng to. Nên ngay từ nhỏ phải tập cho trẻ ý thức được bổn phận của nó : nó có bổn phận làm con thì phải giúp đỡ cha mẹ trong những việc vừa sức nó. Nó có bổn phận làm những việc nhỏ đang khi người lớn có bổn phận làm những việc lớn. Việc gì nó làm vì bổn phận thì nó có trách nhiệm trả lẽ, vậy thì phải làm cho đàng hoàng. Thánh Augustinô nói:"Hãy làm việc anh đang làm".

Bằng việc giáo dục, con người phát triển toàn diện về nhân bản và cả về dân sự ; gia đình thực sự có một bổn phận giáo dục về xã hội, bởi vì gia đình là chổ ưu việt nhất về nhân bản, trường học đầu tiên về những đức tính xã hội, và những đức tính ấy là linh hồn của chính xã hội. Do đó, cha mẹ cần quan tâm dạy cho con cái những đức tính cần thiết cho xã hội.

Ca dao Việt Nam có câu :"Sinh con chẳng dạy chẳng răn, thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng". Đau buồn thay ! Có một số thanh niên nam nữ không có đời sống đạo đức, không được cha mẹ trau dồi tinh thần đạo đức, đến khi lập gia đình, làm sao họ có thể là người đạo đức được ? Rồi khi họ sinh con, họ cũng sẽ không biết cách dạy con trở thành người đạo đức. Rồi con của họ lớn lên không đạo đức, lập gia đình, sinh con cũng không đạo đức . . . cứ thế, cứ thế tiếp diễn thì xã hội sẽ ra sao ?

Làm sao trả lời được cho mục đích thứ hai của bí tích hôn phối "Sinh sản và giáo dục theo luật Chúa và Hội Thánh" ? Nhưng nếu cha mẹ là những người đạo đức, biết dạy con ngay từ tấm bé những đức tính cần thiết cho xã hội, thì gia đình sẽ là nguồn mạch các thiện ích xã hội.

VII. TRANG THIẾU NHI

I. Câu chuyện:
Hôm Chúa nhật đầu tháng Sáu, Cha Sở thông báo sẽ tổ chức chuyến cứu trợ cho một Họ đạo vùng sâu. Ở đó, dân chúng đã vốn nghèo, lại vừa trải qua nạn lụt, nên đời sống rất khó khăn. Ngài cũng không quên nhắc nhở, công việc từ thiện này cần nhờ vào sự quảng đại đóng góp của mỗi cá nhân, cũng như các gia đình trong Họ đạo.

Thế là những tuần sau đó, việc chuẩn bị qùa cứu trợ diễn ra sôi nổi trong gia đình Tí. Tí thấy Má loay hoay lôi ra những quần áo, mùng, mền…tuy cũ, nhưng còn khá tốt, giặt ủi, rồi xếp cẩn thận. Còn Ba thì thỉnh thoảng lại chở về nhà một vài thùng mì (Ba "bật mí" cho Tí biết là do Ba bớt tiền hút thuốc và cà phê mỗi ngày để mua đó). Phần Tí cũng muốn tham gia lắm, nhưng chẳng biết phải làm sao.

Cuối cùng Tí cũng nghĩ ra được một cách : em soạn lại tất cả các sách học cũ, từ lớp một tới lớp bốn (vì năm nay Tí học lớp năm rồi), để gởi cho các bạn vùng sâu. Cũng may, Tí vốn là học sinh giỏi và sạch sẽ, cẩn thận, nên những cuốn sách tuy cũ mà trông như vẫn còn mới nguyên. Tí còn chạy sang nhà các bạn thân quen để kêu gọi cùng cộng tác. Cả các anh chị học lớp tám, lớp chín , cũng gởi sách cho Tí nữa.

Rồi thì ngày góp hàng cứu trợ cũng đã tới. Hôm đó, bầu khí cả Họ đạo thật sôi động: từ các nẻo đường nào người lớn, nào trẻ em, nào thanh nam, nào nữ tú…người mang, kẻ vác,người gánh, kẻ gồng…tất cả đều tập trung hướng về Nhà Cha. Riêng Tí, cũng có hai bao lớn đầy sách học. Em loay hoay, không biết đem đi bằng cách nào, vì nó nặng quá. May mà một bạn trong nhóm lanh trí, mượn ở đâu được một chiếc xe cóc, vậy là hai bao sách được thẩy lên đó, rồi cả bọn xúm vô đẩy đi.

Tới sân Nhà Cha, Tí mới thấy rằng không phải chỉ có gia đình em, mà hầu như mọi gia đình trong Họ đạo đều có mặt ở đây. Gia đình bác Hai Thơ không biết tặng quà gì, mà đóng trong năm gói vuông vuông, được buộc chặt chẽ bằng những sợi dây ni lon màu xanh, đỏ thật đẹp mắt. Còn gia đình thím Sáu Chưởng, cậu Năm Thơm, chị Bảy Hải thì hùn nhau chở đến cả một xe gạo to đùng. Thương nhất là cô Hai Anh, sống độc thân, khó tính khó nết, hay la rầy thiếu nhi nên Tí rất sợ, vậy mà cũng có mặt và trao cho Cha Sở gói qùa có mấy cái áo len, do chính cô thức khuya để đan lấy.

Chiếc xe tải sau khi chất đầy hàng cứu trợ, đã khởi hành nhắm hướng Đồng Tháp. Xe đã đi xa rồi, mà Tí vẫn còn cảm thấy lâng lâng một niềm vui. Ngày mai đây, sẽ có thêm những cụ gìa được mặc áo len ấm trong cơn gío lạnh, sẽ có thêm những gia đình được bưng chén cơm đầy, và có thêm những bạn thiếu nhi được đến trường với sách học đầy đủ trong cặp.Tí tự hứa với mình rằng, sẽ tiếp tục tham gia vào các việc từ thiện mà Cha Sở sẽ tổ chức trong những lần tới.

II. Trò chuyện cùng thiếu nhi:
Các em thiếu nhi thân mến,
Toàn bộ đời sống của người Kitô hữu đều qui về hai điều răn quan trọng nhất, mà chính Chúa Giêsu đã ban truyền cho chúng ta, là Mến Chúa và Yêu người. Yêu người ở đây không chỉ là thứ tình cảm thuần túy ở trong lòng, hay những câu nói ngoài môi miệng, mà quan trọng hơn hết, chính là thái độ sống cụ thể.

Chính vì thế, gia đình không những có bổn phận trong việc giáo dục cho con cái có lòng quãng đại, bác ái, mà còn là nơi để các em tập tành cách sống ấy:
+Ngay khi còn nhỏ, cha mẹ có thể tập cho con mình cách cho đi, qua việc đưa tiền cho con và dạy nó thói quen bỏ tiền kết, mỗi khi dắt con đi dự lễ.
+Khi em đã lớn hơn một chút (khoảng 5-7 tuổi) cha mẹ có thể tập cho em chia sẻ số tiền của chính mình (tiền lì xì dịp Tết, tiền người lớn cho, tiền ăn quà sáng…), như bỏ tiền kết, cho người nghèo, đóng góp vào việc từ thiện, cứu trợ.
+Khi em đã lãnh nhận Bí tích Thánh Thể (khoảng 7-13 tuổi), hãy nhắc nhở em luôn sống theo tinh thần hy sinh, bác ái của bí tích ấy bằng nhiều cách thức khác nhau: cho bạn mượn sách vở và đồ dùng học tập, chép bài giúp khi bạn nghỉ học, thăm viếng khi bạn đau bệnh, dẫn người già yếu, tàn tật qua đường…
+Khi em thêm mội ít tuổi nữa (14-17 tuổi), có thể tạo điều khiện cho em tham gia vào các việc công ích xã hội như : dọn dẹp vệ sinh khu xóm, chuyền đất đắp đường, sửa lộ,hoặc các việc chung trong Họ đạo như : quét dọn Nhà Thờ, làm cỏ khuôn viên Nhà Cha, tưới cây cảnh…
+Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tập cho các em tính hiếu khách, biết sẵn sàng đón nhận vào nhà mình những người lỡ đường, hay những kẻ sa cơ thất thế vì ngèo túng hay loạn lạc.
Một em thiếu nhi ngay từ nhỏ đã được gia đình giáo dục và tập cho sống tinh thần bác ái, phục vụ, thì sau này lớn lên sẽ là một công dân tốt, đem lại lợi ích cho xã hội và là một giáo dân tốt hữu ích cho Giáo hội.
Chúc mỗi em thiếu nhi đều được trở nên một con người như thế !

III. Bài hát: "Mỗi người là một món quà" (xem " Sổ tay Tông đồ " của tác giả Thiên Ân, trang 110):
1-Hãy đem trao tặng nhau món quà là chính chúng ta bên trong giấy bọc. Chớ tiếc chi bản thân riêng ta, mà giữ lấy, khép đôi tay, chẳng cho ai điều chi.
2-Mỗi chúng ta là một món quà là chính Chúa Cha ân ban cho mình. Hãy đơn sơ để đem cho nhau, bằng hết những dễ thương, cho cuộc sống thêm đậm đà. ( Hoặc có thể hát bài "Mến Chúa, yêu người" - sđd - trang 77).

IV. Băng reo:
-QT: Tôi cho
-TC: Cơm ăn!(làm động tác ăn cơm: tay trái bưng chén ngang miệng, tay phải cầm đũa lùa cơm vô miệng).
-QT: Tôi cho
-TC: Áo mặc!(Làm động tác mặc áo: hai tay đưa lên cao lấy áo, rồi tròng áo qua đầu).
-QT: Tôi cho
-TC: Đất trồng!(ngồi xổm xuống, người hơi khom về phía trước, tay làm động tác trồng lúa).
-QT: Tôi cho
-TC: Chính mình! Ahh! (đập hai bàn tay vào ngực, đứng lên, đồng thời hai tay bung cao lên trên, rồi nhảy lên, hô lớn một tiếng).

* Sau đó cùng hát bài "Mỗi người là một món quà"
V. Thực hành:
- Em tập cách cho đi, bắt đầu từ những việc nhỏ( như bỏ tiền kết, đóng qũi đội, bố thí cho người xin ăn…).
- Em siêng năng Rước Lễ và sống tinh thần hy sinh, phục vụ của Bí tích Thánh Thể trong cuộc sống thường ngày.
- Em tập tính hiếu khách, bằng cách mời và tiếp đón bạn bè lại chơi nhà mình.

VIII. TẢN MẠN

HỒNG ÂN TRƯỜNG THỌ

Không riêng gì giáo phận Nha Trang và Thanh Hóa, cả Giáo Hội Việt Nam đều bày tỏ lòng thương tiếc 2 Đức Giám mục vừa qua đời cách đột ngột cách nhau không đầy một tháng:
. Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Nho, Giám mục phó Giáo phận Nha Trang, hưởng thọ 66 tuổi.
. Đức Cha Batôlômêô Nguyễn sơn Lâm, Giám mục Giáo phận Thanh Hóa, hưởng thọ 75 tuổi.
Đầu năm nay, Hội Đồng Giám mục Việt nam vui mừng có thêm hai tân Giám mục : Giám mục Hải Phòng và Giám mục phó Cần Thơ, bây giờ lại mất hai Giám mục tài giỏi và nhiều năng lực. Nếu tính theo toán học, ta có phương trình :
+2 - 2 = 0. Nhưng trong chương trình của Chúa không giống như sự tính toán cộng trừ của con người. Chúa làm toán cộng và toán nhân rất giỏi, thí dụ:
"Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà thối đi, nó sẽ sinh nhiều hoa trái" ( x.Ga 12, 24).

Ông Phêrô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy". Đức Giêsu đáp: "Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm" (Mc 10, 28-30).

Từ 5 chiếc bánh và 2 con cá, Chúa Giêsu đã nhân lên thật nhiều cho hơn 5000 người ăn mà vẫn còn dư 12 thúng...

Thiên Chúa là như vậy, chương trình của Ngài luôn huyền nhiệm. Với lòng quảng đại của người Cha, Ngài luôn ban ơn rộng rải dư thừa cho con cái. Chúng ta cùng nhau tin tưởng và kiên nhẩn chờ đợi xem, chắc Ngài đang có một kế hoạch cho Giáo Hội Việt Nam chăng ?

Sau khi Đức Cha Phêrô và Đức Cha Batôlômêô qua đời, một anh bạn ở Nha Trang gọi điện vào :
- Mấy ông ở Vĩnh Long sao hay vậy !
- Ý anh muốn nói gì đây ?
- Mấy ông còn đủ bốn Đức Giám mục. Đức Cha Tôma đương nhiệm và 3 Đức Cha đang hưu dưỡng (Đức Cha Giacôbê, Đức Cha Raphae, Đức Cha Antôn). Tụi mình chỉ có 2 Đức Cha, một chánh một phó, nay lại về chầu Chúa một vị!
- Tại mấy anh ngoài đó dở đó thôi. Chỉ có Vĩnh Long tụi mình là đặc biệt, tụi mình biết quí mến chăm sóc các Đức Cha . Cha con sống và làm việc với nhau cách "tình lý" lắm kìa.
- Bí quyết gì đâu, mách thử xem.
- Này nghen, hai Đức Cha vừa qua đời đều do bệnh tim. Có thể sống căng thẳng lâu ngày do mấy anh tác động sao đó.
- Vừa phải thôi bạn.
- Địa hình và thời tiết cũng góp phần không nhỏ vào tuổi thọ của các ngài. Dòng sông Cửu Long hiền hòa phì nhiêu, cho nhiều cây lành trái ngon. Không lo sợ bão tố tàn phá như vùng biển nơi mấy anh. Hơn nữa, trong giáo phận luôn có tiếng nói chung. Điều đó làm các ngài an tâm và phấn khởi.
Ngẫm nghỉ, chúng ta vui mừng và tạ ơn Chúa đã thương ban hồng ân trường thọ cho các Đức Giám mục giáo phận Vĩnh Long chúng ta. Những cuộc hành trình mục vụ khắp các họ đạo lẽ ra làm các ngài mệt mỏi, nhưng dường như các ngài lại khỏe hơn. Tinh thần hiệp thông , yêu thương, chịu khó làm việc trong giáo phận tạo nên niềm vui hứng thú, trở thành một nguyên tố cần thiết sống trường thọ bách niên giai lảo.
Trong tháng 7 này, giáo phận mừng bổn mạng Đức Cha Tôma vào ngày 3 tháng 7, mừng bổn mạng Đức Cha Giacôbê vào ngày 25 tháng 7. Nguyện xin Chúa ban hồng phúc trường thọ cho quý Đức Cha. Chúng ta cũng góp phần bằng sự vâng phục và hợp tác nhiều hơn.

IX. NGHỆ THUẬT SỐNG

SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

Bạn bám víu vào quá khứ, và quá khứ xem ra quan trọng đối với bạn, vì bạn đã sống nó. Nhưng quá khứ thì đã qua rồi. Hôm nay bạn đâu còn quyền lực gì trên nó nữa.

Tương lai quyến rũ bạn. Bởi vì trong mộng, bạn có thể uốn nắn tương lai theo sở thích của bạn. Nhưng tương lai chưa đến, và mọi chuyện đều còn phải sống đã rồi mới biết được.

Hiện tại lại ngắn ngủi đến độ bạn chẳng cho nó giá trị nào. Nhưng thật ra chỉ có hiện tại là nằm trong quyền lực của bạn mà thôi. Và cuộc đời bạn được dệt bằng những giây phút hiện tại.

Bạn tưởng mình trông thấy niềm hạnh phúc và Thiên Chúa ở đằng xa xa, trước mặt. Và bạn quên bẵng đi rằng Thiên Chúa đang ở bên cạnh bạn, nơi bạn đang sống, ngay trong cái hiện tại ngắn ngủi bạn đang sống. Và Thiên Chúa cầm giữ tất cả trong tay Ngài.

Đừng là người lữ hành muôn thuở, bỏ rơi Thiên Chúa bên lề đường để chạy theo giấc mộng ! Người âu lo áy náy là người kéo theo đời mình cả quá khứ, và đồng thời tìm nắm lấy cả hiện tại và tương lai một lần. Kẻ bôn chôn thì tìm sống nhiều khoảnh khắc cuộc đời trong cùng một lúc. Nhưng họ giống như anh làm trò múa rối trong gánh xiệc, vụng về, vì tung lên trời nhiều thứ, nhưng lại chẳng bắt được cái gì cả.

Nếu bạn muốn sống thực cuộc đời mình và thành công, hãy biết đặt để quá khứ đời mình trong đôi bàn tay nhân từ của Thiên Chúa, phó thác tương lai cho Ngài, và sống tràn đầy mọi giây phút hiện tại đời bạn !

SỐNH NĂM THÁNH
(03.07.03-03.07.04)

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO ĐỨC
THEO GƯƠNG HAI THÁNH TỬ ĐẠO
PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH & GIUSE NGUYỄN VĂN LỰU

I. ĐỌC LỜI CHÚA : Lc 2, 41-52

Hằng năm cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền ở Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người : "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con ! Người đáp : "Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của cha con sao? Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn gnoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Theo Luật Môisê, mỗi người đàn ông phải lên Giêrusalem một năm ba lần vào những dịp lễ trọng. Lễ Vượt Qua tưởng niệm biến cố thiên thần vượt qua nhà những người Do thái ở Ai Cập mà không giết con đầu lòng của họ. Trong dịp lên Đền nầy, Đức Giêsu, lên mười hai tuổi, được coi là đã lớn, nên không nhất thiết phải bám sát theo thánh Giuse và Mẹ Maria nữa, vì vậy mà Người ở lại trong Đền Thờ, nghe và hỏi các vị thầy, mà cha mẹ người không hay biết. Chính dịp nầy, lần đầu tiên, người tỏ cho cha mẹ biết, Người là Con Thiên Chúa, phải lo việc của Thiên Chúa.

III. CHUYỆN MINH HỌA

NIỀM TIN CỦA TUỔI THƠ.

Tại một ngôi làng hẻo lánh thuộc bang Bengala, một goá phụ nghèo có đứa con trai thơ dại, ngày ngày phải băng qua khu rừng để đi học tại làng bên cạnh. Một hôm đứa bé nói với mẹ :

Mẹ ơi ! Con không dám đi qua khu rừng một mình nữa, mẹ tìm người đi với con được không ? Người mẹ nhìn con ái ngại :

Con ơi ! Nhà ta nghèo quá tìm đâu được tiền để thuê người đưa đón con đi học, con hãy nói với anh Chrisna. Anh Chrisna là thần của khu rừng đó, thế nào anh cũng giúp con. Tin lời mẹ ngày hôm sau khi băng qua khu rừng, đứa bé đã kêu thần Chrisna đưa nó đi học và đón nó trở về khi tan trường.

Ngày nọ, nhân ngày sinh nhật của thầy giáo, thấy các bạn chuẩn bị quà cho thầy, đứa bé cũng xin mẹ giúp nó làm một món quà cho thầy. Một lần nữa người đàn bà chỉ biết than thở với con :

Con ơi ! Nhà ta nghèo quá lấy đâu ra tiền để mua quà cho thầy, con cứ nói với anh Chrisna , thế nào anh cũng giúp con. Thật thế, trên đường đến trường, đứa bé đã được thần Chrisna chuẩn bị cho một món quà để mừng sinh nhật của thầy.

Hôm đó thầy giáo hân hoan đón nhận không biết bao nhiêu quà của học sinh, nhưng nhìn món quà đơn sơ của cậu bé, thầy không muốn mở ra mà lại sai người đầy tớ mang xuống bếp, thì ra đó chỉ là một gói sữa tươi, người đầy tớ mở bọc ra để cho sữa vào chai, nhưng bọc sữa vẫn cứ tràn đầy, hết chai nầy đến chai khác mà bọc sữa vẫn còn nguyên vẹn.

Chứng kiến phép lạ, thầy giáo cho gọi đứa bé đến để tìm hiểu nguyên do, đứa bé nhắc đến tên người anh Chrisna trong khu rừng. Không tin ở phép lạ, thầy giáo muốn xem cho bằng được ai là anh Chrisna. Nó đưa thầy giáo và các bạn đến khu rừng, rồi gọi tên thần Chrisna.

Mặc cho đứa bé lớn tiếng kêu, mọi người chỉ nghe vọng lại tiếng của nó mà thôi, đứa bé đành phải khóc lóc nài van : Anh Chrisna ơi ! Nếu anh không đến, mọi người sẽ cho em là một đứa bé nói dối.

Cuối cùng nó nghe tiếng trả lời với nó rằng : Con ơi ! Ta không thể hiện đến được, ngày nào thầy con có niềm tin của tuổi thơ, cùng với trái tim trong sạch và đơn sơ của con, Ta sẽ hiện đến.

Tuổi thơ tin ở phép lạ bởi vì tuổi thơ có tâm hồn đơn sơ trong trắng.

Thánh Philipphê Minh và Thánh Giuse Lựu đều may mắn có một thời thơ ấu của mình trong bầu khí đạo đức, trên thuận dưới hoà, biết vâng lời. Nhờ có một tâm hồn đơn thành tín thác như trẻ thơ, mà cả hai vị thánh mới nhìn được sự hiện diện và tác động của Chúa trong tất cả mọi sự.

Nhờ có đơn thành tín thác, hai vị mới biết đón nhận mọi biến cố trong cuộc sống như hồng ân của Chúa. Nhờ có đơn thành tín thác, hai vị mới nhìn thấy Thiên Chúa rong tha nhân.

IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

1. Thời thơ ấu của Thánh Philipphê Minh và Giuse Lựu.
a. Thánh Philipphê Phan Văn Minh
- Là người con thứ 12 trong một gia đình đạo đức thánh thiện, thuộc Họ Đạo Cái Mơn, Giáo Phận Vĩnh Long, một Họ Đạo đông giáo dân và nỗi tiếng về lòng sốt sắng, vững vàng trong thời Đạo Chúa bị bách hại.
- Sớm mồ côi cha mẹ, Philipphê Minh được người chị tận tuỵ thay cha mẹ lo lắng cho ăn học chu đáo và năm rước lễ lần đầu lúc 13 tuổi đã xin theo Đức Cha Từ (Mgr. Taberd), dịp Ngài về Thêm sức tại Cái Mơn và được Đức Cha cho về học tại Chủng Viện Lái Thiêu
- Thời bách hại được Đức Cha Từ gửi học tại Pénang, rồi qua An Độ cộng tác với ngài soạn Tự Điển Latinh-Việt Nam, khi Đức Cha qua đời trở về học lại tại Pénang. Là học sinh xuất sắc và đạo đức.
- Học xong về nước, Philipphê Minh được về phục vụ Địa phận Đàng Trong dưới quyền Đức Cha Ngãi. Sau đó, được Đức Cha Thể phong chức linh mục tại Gia Hựu, Huế, năm 1846, lúc 31 tuổi.

b. Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu
- Là con cả được sinh ra (1789) trong một gia đình đạo đức. Mẹ mất sớm, được kế mẫu yêu thương như mẹ ruột.
- Năm lên 10 tuổi, vì cuộc sống cơ cực, Giuse Lựu và 4 anh em theo cha đến sinh sống tại Bò Ót, sau đó về lập nghiệp hẳn tại Long Định, Mặc Bắc. Tại đây, Giuse Lựu tận tuỵ giúp cha khai hoang đất đai, qui dân lập ấp, mở mang dòng họ.
- Nhờ chí thú làm ăn nên gia cảnh ngày càng sung túc. Cha ông, lúc ở Bò Ót đã là Trùm Họ, ngày ngày khuyên nhủ con cái chăm lo việc đạo hạnh.
- Đến tuổi trưởng thành Giuse Lựu lập gia đình với bà Mátta Thế, là người thuộc gia đình đạo đức, biết thương chồng, thương con. Hai ông bà sinh được 7 người con và một mực chuyên cần giữ đạo.

2. Thời thơ ấu của Chúa Giêsu.
- Nhờ đức tin và lòng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa của Đức trinh Nữ Maria qua lời "xin vâng" mà Con Thiên Chúa xuống thế làm người (Lc 1, 38).
- Lòng quảng đại tận tuỵ của Đức Maria, vừa đến giúp chị họ là bà Êlisabet vừa đem Chúa đến cho gia đình chị mình (Lc 1, 39, 42).
- Chúa Giêsu giáng sinh trong cảnh nghèo hèn và được đón chào bởi những con người nghèo hèn là các mục đồng (Lc 2, 6-7, 16).
- Nổi nhọc nhằn của thánh gia khi đưa Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập vì sợ Hêrôđê tìm giết (Mt 1, 14).
- Thánh gia giữ trọn luật Chúa khi dâng con trẻ Giêsu cho Thiên Chúa lúc đến ngày lễ thanh tẩy (Lc 2, 22). Và cũng giống như bao nhiêu gia đình đạo đức khác thời đó, thánh gia hằng năm lên Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua (Lc 3, 41).
- Đức Giêsu lớn lên với một sống một cuộc sống bình dị, thanh bần trong ba mươi năm ẩn dật (Lc 3, 39-40).
- Đức Giêsu, dù là Con Thiên Chúa, nhưng luôn vâng phục cha mẹ trần thế của mình (Lc 3, 51).

3. Các thánh Tử đạo đã sống như Chúa Giêsu.
- Gia đình tốt, sinh con thánh : Như Thánh gia Nazarét xưa, mẫu gương gia đình thánh thiện, chu toàn lề luật của Chúa, cả hai vị thánh được may mắn sinh ra trong những gia đình đạo đức, sống theo nề nếp đạo giáo, và được cha mẹ, chị (thay cha mẹ) quan tâm dạy dỗ nên người.
- Gia đình sống đức tin, chuyên cần thờ phượng Chúa. Khi hiểu được ý định của Thiên Chúa, Mẹ Maria đã hoàn toàn vâng phục theo chương trình của Thiên Chúa. Thánh Giuse cũng thế, Chúa bảo thế nào thì vâng theo thể ấy, không chút nghi nan. Cả hai gia đình thánh Philipphê Minh và Giuse Lựu đều là những gia đình đạo đức, mẫu mực, chuyên cần thờ phượng Chúa, dù gặp khó khăm về kinh tế, hoặc khi bị bách hại vẫn một mực trung thành với Chúa với Giáo Hội.

- Coi trọng việc lao động : Dù Kinh Thánh không nói rõ, nhưng chắc hẳn trong những năm tháng sống ẩn dật , Đức Giêsu đã lao động phụ giúp Thánh Giuse nuôi sống gia đình. Thánh Philipphê Minh, mồ côi cha mẹ, nếu không nhờ, người chị tận tuỵ lao động cật lực để có điều kiện nuôi em ăn học, thì có lẽ chúng ta đã chẳng có một cha thánh Philpphê Minh như hôm nay. Thánh Giuse Lựu, học được từ cha mình, vất vả ngược xuôi tìm vùng đất thích hợp để, phát triển kinh tế gia đình.

- Sống đức vâng phục : Đức Giêsu dù là Con Thiên Chúa, nhưng luôn vâng phục cha mẹ trần thế của Người. Cả hai vị thánh đều là những người con biết vâng lời : Thánh Minh vâng lời chị, vâng lời Đức Cha trong sự xếp đặt của Ngài; Thánh Lựu vâng lời cha mẹ mình, đi đến nơi cha mẹ muốn và làm nghề cha mẹ làm.

- Sống ơn gọi : Đức Giêsu luôn thi hành ý cha trên trời. Hai vị thánh, người thì sống bậc tu trì, người thì sống bậc hôn nhân, nhưng cả hai đều quan tâm đến việc học hỏi Lời Chúa, luyện tập nhân đức và thánh hoá bản thân.

4. Gia đình dạy con cái thế nào ?

Người xưa dạy "cha mẹ hiền sinh con thảo" hay "cha mẹ hiền lành để đức cho con". Vâng đúng thế, là những người thầy đầu tiên, mà con cái học tập, cha mẹ phải là những tấm gương tốt cho con cái noi theo.

Vần đề đặt ra ở đây là nếu muốn con cái sống tốt, nên người tốt hữu ích cho bản thân mình và cho xã hội, thành người tín hữu đạo đức thì cha mẹ cần phải quan tâm đạt biệt đến viêc giáo dục con, phải đặt việc giáo dục con cái lên hàng ưu tiên. Nếu làm đúng, sẽ mang lại hạnh phúc, niềm vui cho mỗi gia đình; nếu sai, sẽ là điều bất hạnh cho từng gia đình, cho xã hội.

Phương pháp giáo dục thì nhiều, nhưng tựu trung, trẻ thường học nơi cách sống của cha mẹ, ngay từ khi chúng bắt đầu có ý thức. Cha mẹ đạo đức sẽ gieo mầm đạo đức vào trong tâm hồn con cái mình. Hạt giống đức tin một khi đã được gieo trồng và nảy nở đều đặn trong tâm hồn các trẻ em này, sẽ bắt đầu lớn lên và lan ra. Thói quen cầu nguyện sốt sắng và thường xuyên đã chuẩn bị trí khôn và tâm hồn các em đón nhận nhiều ân sủng khác. Các em bắt đầu muốn có gì thêm chứ không phải chỉ là thuần túy nói chuyện về đạo. Chúng muốn có tất cả những gì Kitô Giáo cống hiến.

Đức tin của một tâm hồn nồng nàn yêu thương Thiên Chúa sẽ lan sang một tâm hồn khác được dạy cho biết thế nào là tình yêu Chúa. Giảng đạo, dạy đạo hay loan báo Tin Mừng, không chỉ là nói, nhưng là làm chứng . Chia sẻ cho người khác biết tình yêu và lòng biết ơn của bạn đối với Đức Kitô và Mẹ Người thì không phải là giảng đạo. Đó là làm chứng thật sự.

Những năm qua dưới tác động của nền kinh tế thị trường, không ít người lao vào hối hả làm giàu. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống đã bị đảo lộn, lu mờ. Nếp sống trong từng gia đình cũng biến đổi theo. Vì thế, quan điểm chăm sóc con cái cũng có nhiều khác biệt. Một số gia đình vẫn cố gắng giữ gìn truyền thống đạo đức dân tộc, duy trì nền nếp, chăm lo cho con cái trưởng thành, trở thành con ngoan, trò giỏi, những công dân tốt.

Với họ, hy sinh cho con cái là cần thiết song, không có nghĩa là tìm mọi cách đáp ứng đầy đủ nhất những nhu cầu vật chất cho trẻ, cho chúng an nhàn hưởng thụ, không phải lao động vất vả, "chân lấm, tay bùn", mà điều cốt yếu là tạo cho con em những điều kiện thuận lợi nhất ở gia đình, trong nhà trường, ngoài xã hội, giúp các em tự vươn lên học tập, rèn luyện, phấn đấu, trang bị cho mình một kho tàng phong phú, một phẩm chất nhân cách trong sáng, một năng lực lao động sáng tạo, dồi dào, coi đó là ái vốn để bước vào đời thực thụ trở thành những con người hữu ích.

Khi hoàn cảnh kinh tế khó khăn, họ nhịn ăn, nhịn mặc lo cho con có đủ điều kiện vật chất tinh thần để học tập, rèn luyện. Lúc kinh tế dư thừa họ vẫn duy trì một nếp sống giản dị, thanh sạch, để con em có thể đồng cảm, hoà đồng trong cuộc sống chung.

Trong gia đình, họ dạy con biết tôn trọng những nét đẹp đạo đức truyền thống, thương kính ông bà, cha mẹ, yêu quý anh, chị em, trên kính dưới nhường, trọng nghĩa nhân. Ngoài xã hội, họ rèn con em biết khiêm tốn, vị tha, yêu lao động, quý trọng người lao động, phấn đấu học tập không ngừng vì sự tiến bộ của bản thân và vì sự phát triển của đất nước.

Chăm sóc và giáo dục như thế, nhất định họ sẽ có được những đứa con ngoan, hiếu thảo trong gia đình, những trò giỏi yêu kính thầy cô, thương quý bạn bè ở nhà trường, những công dân nhân ái, vị tha, tích cực đóng góp sức mình vào những công việc chung của xã hội và tập thể.
Chúng ta xin hai thánh Tử Đạo cầu bầu:
- Cho các bậc cha mẹ biết sống thánh và quan tâm dạy bào con cái sống đạo đức;
- Cho chúng ta là con cái biết vâng nghe điều hay lẽ phải nơi cha mẹ mình;
- Cho mỗi người biết vâng theo chương trình quan phòng Thiên Chúa sằp đặt trên cuộc đời mình, và với ơn Chúa, nổ lực sống hết mình cho Chúa trong bổn phận của mình. Amen

V. HỌC LỜI CHÚA : Lc 2, 49

"Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của cha con sao?"

VI. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Đọc hạnh Thánh Philipphê Minh và Giuse Lựu, chúng ta thấy cả hai đều được sinh ra trong gia đình đạo đức, từ thuở nhỏ đã có lòng yêu mến Chúa, biết giáo lý và hướng tới hạnh phúc Nước Trời. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho các gia đình và trẻ con trong tuổi ấu thơ:

1. Chúa Giêsu dầu là Thiên Chúa, cũng đã sinh ra trong một gia đình. Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình trẻ, biết tạo các thói quen đạo đức, để giáo dục đức tin cho các trẻ con ngay từ thuở ấu thơ, hầu nên người hữu ích cho gia đình, cho xã hội và cho Giáo Hội.

2. Trên thế giới hiện có nhiều viện mồ côi. Chúng ta cầu nguyện cho các trẻ thơ ở đó, tìm được niềm tin và tình thương nơi Thiên Chúa, có được sự quân bình tâm lý, được chăm sóc tốt về tinh thần lẫn vật chất, nhằm phát triển con người toàn diện.

3. Có những gia đình trẻ đạo đức, nuôi dạy con cái rất tốt. Chúng ta cầu nguyện cho gương sáng của các gia đình này được duy trì và ngày càng nhiều hơn, được nhiều người noi theo, để ngày càng có nhiều trẻ thơ phát triển lành mạnh.

4. Có những trẻ thơ sống trong gia đình túng thiếu: thiếu cha, thiếu mẹ, thiếu nhà, thiếu phương tiện được giáo dục, thiếu tình thương…. Chúng ta cầu nguyện cho những trẻ em này sớm được những tấm lòng hảo tâm trợ giúp, để có được một thời thơ ấu tươi đẹp.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban cho Thánh Philipphê Minh và Giuse Lựu có một thời thơ ấu nghèo mà đạo đức. Chúa ban cho mỗi người chỉ một thời thơ ấu. Xin cho các trẻ thơ hiện nay được sống trong một mái ấm đượm tình yêu thương, được phát triển lành mạnh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH : HỌC VÂNG LỜI

Một lần trong đời cũng là một kỷ niệm quí giá cho suy nghĩ của tôi, đó là lần tôi đến tham quan một xưởng làm đồ gốm. Tôi không sao quên được cảnh một người thợ lấy một nắm đất sét quăng vào bánh xe đồ nghề. Sau đó, với đôi tay khéo léo anh ta bắt đầu nặn bóp mớ đất sét. Vài phút trôi qua, anh bắt đầu cho bánh xe quay bằng cách đạp bàn đạp moteur bên dưới. Khi bánh xe quay, một tay anh giữ bên ngoài, tay kia giữ bên trong.

Thỉnh thoảng anh không bằng lòng. Anh liền ngưng tất cả, lấy nắm đất vo tròn lại và làm lại từ đầu. Lúc ấy, anh mới có vẻ bằng lòng và hoàn thành một chiếc bình đẹp tuyệt.

Hình ảnh người thợ gốm gỡ nắm đất sét ra, nhào nặn lại cho thành một vật đẹp mỹ thuật, làm tôi liên tưởng đến những kinh nghiệm đau thương trong cuộc đời. Cũng như nắm đất sét bị gỡ ra, nhào nặn lại nhiều lần, tôi cũng đã làm cản trở, làm ngược lại thánh ý của Thiên Chúa, để rồi không thể trở nên một vật đẹp mỹ thuật của Chúa được.

Ngước lên cao, nhìn gương hai vị thánh Philipphê Phan văn Minh và Giuse Nguyễn văn Lựu tôi học được bài học VÂNG LỜI, ngay ở thời niên thiếu của các ngài, các ngài để cho Thiên Chúa nhào nặn tùy theo thánh ý Chúa, và cuối cùng các ngài đã trở nên tác phẩm tuyệt đẹp mà cả thế giới ngày nay ca tụng : "Thánh Tử Đạo".

1 . Hợp nhất trong sự vâng lời.

Yêu ai thì muốn nên giống như người ấy. Chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu rất yêu mến chị Cécilia, nên Têrêsa muốn cái gì của mình cũng giống như chị Cécilia : cách nói, cách đi, cách suy nghĩ . . . Tình yêu muốn người ta nên một trong suy nghĩ, trong cảm xúc, trong hành động. Cũng vậy, ai thật lòng yêu mến Chúa đều muốn sống giống như Chúa, sống những gì Chúa muốn ta sống. Ta muốn sự trọn lành của Chúa ở nơi ta, nhưng Thiên Chúa như mặt trời, còn ta là tấm gương.

Tấm gương không thể nào phản ảnh hoàn toàn mặt trời được, nó chỉ phản ảnh phần nào ánh sáng mặt trời thôi. Chúng ta cố gắng nên giống Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa quá cao sang, hoàn hảo, chúng ta không thể nào có sự hoàn hảo như Cha trên trời được. Đó là lý do chúng ta vâng phục thánh ý Thiên Chúa khi yêu mến Chúa.

Tình yêu cao thượng không kéo người mình yêu về mình, mà phải hiến thân mình cho người mình yêu. Vậy nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta phải hiến thân để Thiên Chúa được tôn vinh, vì chỉ có Thiên Chúa mới là tốt lành tuyệt đối, còn chúng ta chỉ là hình bóng. Do đó chỉ có thánh ý Thiên Chúa mới là điều tối thượng mà chúng ta phải vâng phục. Đó chính là việc làm cho bản thân chúng ta phát triển để hoàn hảo.

Và khi chúng ta kính mến Thiên Chúa mà vâng phục thánh ý Chúa thì đó không phải là vì công bằng, mà là vì yêu mến, nên chúng ta muốn giống như Người, muốn có ý muốn giống như Người muốn. Cũng cần nhấn mạnh rằng vâng phục thánh ý Chúa vì yêu mến Chúa, chớ không phải vì sợ hậu quả không tốt khi không vâng phục thánh ý Chúa.

2 . Học vâng lời nơi Chúa Giêsu.

a/. "Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ? (Lc 2, 49).

Ngay khi xuống trần, Chúa Giêsu đã đặt viêc thực thi thánh ý Chúa Cha là mục đích duy nhất của việc nhập thể và cuộc sống nhân loại của Người:"Khi vào trần gian, Đức Kitô nói :Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẵng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bây giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa này con đây, con đến để thực thi ý Ngài" (Dt 10, 5-7).

Với Chúa Giêsu, việc thực thi thánh ý Chúa Cha chính là của ăn và sự sống của Người. Người đã nói với các môn đệ như vậy :"Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thấy, và hoàn tất công trình của Người" (Ga 4,34). Đó còn là ơn mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ phải xin cùng Thiên Chúa mỗi khi cầu nguyện :"Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" (Mt 6, 10). Thánh ý Chúa Cha còn là sự chọn lựa căn bản, sự chọn lựa tối hậu của Chúa Giêsu, như chính Người đã cầu nguyện trước giờ chịu nạn :"Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng làm theo ý con, một xin theo ý Cha" (Lc 22, 42).

b/."Người đi xuống cùng với Cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài" (Lc 2, 51).

Trong đời sống gia đình ở Nazareth, Chúa Giêsu đã thể hiện sự vâng phục thánh ý Chúa Cha cách trọn hảo qua sự hiếu thảo phục tùng đối với Đức Mẹ và thánh Giuse. Có thể nói, cả đời sống ẩn dật suốt 30 năm nơi nhà Nazareth của Chúa Giêsu có thể được tóm lược ngắn gọn trong câu : "Người đi xuống cùng với Cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài".

Ý thức mình là con Thiên Chúa, và cha mẹ Ngài chỉ là người phàm không thể hiểu được Ngài, nhưng Chúa Giêsu đã theo hai ông bà trở về Nazareth, và Ngài vâng phục hai ông bà như một đứa con bình thường. Có người cho đây là gương khiêm nhường của Chúa Giêsu, nhưng theo tôi, còn hơn thế nữa, Ngài vâng phục hai ông bà vì đó là thánh ý của Chúa Cha, Đấng đã muốn cho Ngài sống ẩn dật như một người bình thường trong 30 năm. Tầm thường đến nỗi người ta tưởng Ngài là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria, chớ không ai nhận ra Ngài là con Thiên Chúa.

3. Học vâng lời nơi thánh Philipphê Minh và thánh Giuse Trùm Lựu.

a/ Thánh Philipphê Phan văn Minh là người con thứ 12 trong gia đình 14 người con. Tuy mồ côi cha mẹ sớm, nhưng Philipphê Minh không đến nỗi bơ vơ như bao trẻ mồ côi khác, vì nhờ có người chị thứ ba (Anna Phan thị Viên) , là người khôn ngoan, lịch lãm, biết tính toán lo liệu cho các em. Quyền huynh thế phụ, chị ba Viên cho Philipphê Minh đi học ,theo anh là Phêrô Tú, để trau dồi chữ nghĩa. Biết vâng lời anh chị, và nhờ sáng dạ, Philipphê Minh học đến đâu hiểu đến đó, tiếp thu rất nhanh. Người ta kể lại rằng : Lúc còn theo học ở trường làng, các bạn bè thấy cậu Minh ít ăn ít nói, thật thà, chất phác nên thường ăn hiếp cậu. Tuy vậy, cậu Minh luôn nín nhịn chịu thua, không một lần rầy la mắng trả. Cậu luôn nhớ lời anh chị dạy :"Một sự nhịn là chín sự lành".

Về việc đạo, cậu Minh ngoan ngoãn nghe lời anh chị dạy những việc đạo đức thông thường trong gia đình ngay từ nhỏ, rồi sau đó cậu được học "Sách Phần" và được xưng tội rước lễ lần đầu năm 13 tuổi. Từ đó, cậu giữ lệ cứ 2, 3 tháng thì xin phép chị ba Viên đi xưng tội. Ngọc bất trác bất thành khí, cậu Minh được anh chị dạy dỗ, rèn luyện và vì biết vâng lời anh chị, cũng chính là vâng lời Thiên Chúa, mở đường cho việc đào tạo tiếp theo, để sau này cậu trở thành khí cụ tốt mà Thiên Chúa cần dùng.

Việc đào tạo tiếp theo, đó là việc Chúa cho cậu cảm nhận được ơn gọi dâng mình cho Chúa trong bậc tu trì. Dịp Đức Cha Taberd Từ về Cái Mơn ban phép Thêm Sức, sau khi lãnh phép Thêm Sức, cậu mạnh dạn đến xin Đức Cha cho cậu đi tu. Đức Cha nhận lời nhưng phải đợi một thời gian, sau đó Đức Cha gửi thư cho Phêrô Tú là anh của cậu, bảo phải đưa cậu Minh lên Ba Giồng trao cho Đức Cha. Vâng lời Đức Cha, hai anh em lên đường. Và kể từ đây, Philipphê Minh luôn vâng phục thánh ý Thiên Chúa qua việc vâng lời bề trên trong bậc tu trì.

b/ Thánh Giuse Nguyễn văn Lựu là ông trùm họ đạo Mặc Bắc. Thời niên thiếu của thánh nhân sách sử ghi không được chi tiết mấy, chỉ biết rằng ông là con cả trong một gia đình đạo đức, mẹ mất sớm, nhưng được kế mẫu yêu thương như mẹ ruột. Từ bấy nhiêu đó, ta cũng có thể suy ra rằng : người ta thường nói "mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng", thế mà Giuse Lựu lúc còn thiếu thời đã được kế mẫu thương yêu như con ruột, thì ta phải hiểu ngay rằng cậu Lựu là cậu bé rất ngoan hiền, dễ dạy, dễ mến, biết yêu thương và vâng lời cha mẹ, cho dù đó là mẹ ghẻ. Đức vâng lời nơi cậu càng rỏ nét hơn theo tuổi tác dần lên của cậu.

Năm lên 10 tuổi, vì cuộc sống cơ cực ở họ đạo Cái Nhum, Giuse Lựu và 4 anh em theo cha đến mưu sinh tại họ đạo Bò Ót, rồi sau đó lại về lập nghiệp ở Mặc Bắc. Tại đây, Giuse Lựu tận tụy giúp cha khai hoang đất đai, qui dân lập ấp, mở mang dòng họ. Nhờ chí thú làm ăn nên gia cảnh ngày càng sung túc. Cha ông, lúc ở Bò Ót đã là trùm họ, ngày ngày khuyên nhủ con cái chăm lo việc đạo hạnh.

Cả hai vị thánh đều là những người con biết vâng lời : Thánh Minh vâng lời chị, vâng lời Đức Cha trong sự sắp xếp của ngài. Thánh Lựu vâng lời cha mẹ, đi đến nơi cha mẹ muốn, và làm nghề cha mẹ làm. Còn chúng ta ngày hôm nay thực hành đức vâng lời ra sao ?

4. Thực hành đức vâng lời.

a/ Vâng lời Giáo Hội:
Giáo quyền đại diện trực tiếp đối với tín hữu. Sự vâng phục của chúng ta phải đượm tình hiếu thảo và trọn vẹn. Nhiều người ngoài Giáo Hội còn quí trọng các giá trị đạo đức và tinh thần do Giáo Hội truyền bá, lẽ nào con cái trong nhà lại coi thường các đấng bề trên, các giáo huấn của Giáo Hội.

Lòng vâng phục Giáo Hội không phải chỉ là một tình cảm tự nhiên và trần thế, nhưng bắt nguồn từ đức tin. Giáo Hội là thân thể của Chúa Kitô và được trao mọi quyền liên quan tới ơn cứu độ. "Điều gì con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc" (Mt 16, 19). "Ai nghe các con là nghe Ta. Ai khinh các con là khinh Ta" (Lc 10, 16).

Do lời hứa của Đức Giêsu, chúng ta tin tưởng vào những người mà Ngài đã chọn để hướng dẫn chúng ta. Được Thánh Thần hướng dẫn, Giáo Hội luôn chỉ cho chúng ta thấy đường phải đi, hướng phải theo và việc phải làm để đạt tới ơn cứu độ. Người Kitô hữu đích thực không bao giờ nghĩ rằng mình giàu khả năng hơn Giáo Hội, và không bao giờ đặt mình lên trên Giáo Hội.

b/ Vâng lời cha mẹ:
Lòng hiếu thảo buộc con cái phải yêu mến , tôn kính và vâng lời cha mẹ :

Yêu mến : Lòng yêu mến này phát sinh từ sự biết ơn những người đã sinh thành ra mình và đã hy sinh rất nhiều vì mình. Có rất nhiều dịp để con cái tỏ lòng kính mến đối với cha mẹ như chia sẻ lo âu buồn phiền, tránh gây khó khăn vô ích cho cha mẹ, giúp đỡ hết khả năng của mình. Nhưng trước hết phải cầu nguyện cho cha mẹ,

Cha mẹ thường phải lo lắng, đau khổ, tính toán, chịu đựng âm thầm mà không thể nói hết với con cái hoặc làm cho con cái hiểu được.

Kính trọng : Tình yêu phải thấm nhuần lòng kính trọng. Cha mẹ thay mặt Thiên Chúa ban sự sống cho con cái và hướng dẫn con cái. Con cái không được ngang bướng, cũng không được quá suồng sã với cha mẹ. Dầu con cái có thông minh giỏi giang hơn cha mẹ, hoặc dầu cha mẹ có mắc phải khuyết điểm lỗi lầm, lòng kính trọng của con cái cũng không được suy giảm.

Vâng phục : Cha mẹ nhận được quyền bính từ Thiên Chúa, vì thế lòng vâng phục của con cái dựa trên đức tin. Trong gia đình Nazareth , con trẻ Giêsu là người cao trọng nhất, nhưng chính Ngài lại vâng phục Đức Maria và thánh Giuse. Lòng vâng phục phải thấm nhuần đức tin, vì cha mẹ là đại diện của Thiên Chúa. Lòng vâng phục phải vui tươi, vì lòng vâng phục đòi hỏi phải thực lòng, không chỉ trích, không oán trách. Lòng vâng phục phải mau mắn và trọn vẹn, vì không thể trì hoãn hay làm chiếu lệ.

Dưới tuổi trưởng thành và khi đã trưởng thành mà còn sống chung với cha mẹ thì con cái phải vâng lời nhiều hơn. Khi đã thành niên thì con cái có quyền sống tự lập và tự quyết định về tương lai của mình, nhưng trong những vấn đề quan trọng vẫn cần phải bàn hỏi với cha mẹ.

Thay lời kết: Tôi xin mượn lời đề tặng trong cuốn sách "Chứng nhân hy vọng", cuốn sách gồm những bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều Rôma trong tuần đầu tiên của Mùa Chay năm 2000, của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận. Những bài giảng không nặng lý thuyết mà tràn đầy gương chứng nhân, cụ thể, sống động, của chính ngài, qua đó tôi nhận ra bằng chứng hùng hồn của đức vâng phục, vâng phục Chúa, vâng phục Giáo Hội, vâng phục cha mẹ trong suốt cả cuộc đời, nhất là trong lúc đau khổ tù đày. Lời đề tặng như sau:

Kính tặng Mẹ Elisabeth, Người đã giáo dục con từ khi con còn ở trong lòng Mẹ. Mỗi tối Mẹ dạy con những chuyện Kinh Thánh, Mẹ kể cho con lịch sử các thánh tử đạo Việt Nam, nhất là về tổ tiên chúng ta. Mẹ dạy con yêu mến tổ quốc. Mẹ giới thiệu cho con thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, như mẫu gương các nhân đức Kitô giáo. Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ ………………………………... Khi con ở tù, mẹ là nguồn an ủi nâng đỡ lớn lao cho con. Mẹ nói với tất cả mọi người : "Xin hãy cầu nguyện để con tôi được trung thành với Giáo Hội và ở lại nơi nào Chúa muốn".

1126    19-04-2012 09:07:07