Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Gia Đình Là Tác Nhân Của Ơn Gọi - Tháng 02 năm 2003

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH LÀ TÁC NHÂN CỦA ƠN GỌI

I. ĐỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO: số 53

Gia đình phải đào tạo cho con cái bước vào đời sống, giúp cho mỗi người con biết chu toàn trọn vẹn bổn phận của mình tuỳ theo ơn gọi đã nhận được từ Thiên Chúa. Quả thế, nhờ rộng mở đến các giá trị siêu việt, vui vẻ phục vụ tha nhân, chu toàn nghĩa vụ của mình một cách quảng đại và trung thành, cũng như luôn ý thúc vào sự tham dự vào mầu nhiệm thập giá vinh quang của Đức Kitô, gia đình trở thành chủng viện đầu tiên và tuyệt hảo cho ơn gọi sống đời tận hiến vì Nước Thiên Chúa.

II. TÓM Ý TÔNG HUẤN SỐ 53-54

SỰ PHỤC VỤ MANG TÍNH HỘI THÁNH

Việc phục vụ mà đôi bạn và cha mẹ Kitô hữu chu toàn vì lợi ích của Tin Mừng, thiết yếu là việc phục vụ có tính cách Hội Thánh, hay đúng hơn, nằm trong khuôn khổ của toàn thể Hội Thánh, là cộng đồng đã được Phúc Âm hoá và đang có sức mạnh Phúc Âm hoá (số 53).

HOÀ NHỊP VỚI HỘI THÁNH

Cha mẹ Kitô hữu Phúc Âm hoá theo cách thế riêng biệt của đời sống gia đình: tình yêu thương, sự giản dị, sự dấn thân cụ thể và những việc làm chứng thường ngày, vui vẻ phục vụ tha nhân, chu toàn các nghĩa vụ cách quảng đại và trung thành, luôn ý thức về sự tham dự vào mầu nhiệm thập giá và vinh quang của Đức Kitô.

Gia đình chuẩn bị cho con cái vào đời và giúp mỗi người con biết chu toàn bổn phận theo ơn gọi riêng của mình. Nếu trong gia đình, có những người được Chúa kêu gọi sống đời tận hiến, gia đình là chủng viện đầu tiên nuôi dưỡng ơn gọi ấy.

Cha mẹ thi hành thừa tác vụ Phúc Âm hoá và dạy giáo lý cho con cái suốt cả đời chúng, chứ không chỉ dùng lại ở tuổi thiếu niên. Giống như các tông đồ trong Hội Thánh, cha mẹ cũng gặp nhiều vất vả và khó khăn khi Phúc Âm hoá chính con cái mình, nên họ cần phải rất can đảm và hết sức bình tâm để vượt qua các thử thách ấy.

Thừa tác vụ Phúc Âm hoá của gia đình bắt nguồn từ sứ mạng độc nhất của Hội Thánh, và cũng là để xây dựng Thân thể duy nhất của Đức Kitô, nên gia đình phải luôn hiệp nhất và hoà nhịp với Hội Thánh, giáo phận hoặc giáo xứ, trong tất cả những gì liên quan tới Phúc Âm hoá và giáo lý.

RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO MỌI THỌ TẠO

Mệnh lệnh tỏ tường của Đức Kitô: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho tất cả loài người (Mc 16, 15). Đáp lại lệnh truyền ấy, công tác Phúc Âm hoá của Hội Thánh cũng như của gia đình Kitô hữu mang tính đại đồng, không ranh giới.

Bổn phận bảo vệ và truyền bá đức tin bắt rễ nơi bí tích Thanh tẩy và Thêm sức, được xác định lại một lần nữa nơi những chứng nhân của Đức Kitô cho đến tận cùng trái đất (Cv 1, 8). Bí tích Hôn nhân biến họ thành những nhà thừa sai thực sự của tình yêu và sự sống.

RAO GIẢNG TIN MỪNG TỪ GẦN ĐẾN XA

Các phần tử trong gia đình Phúc Âm hoá cho nhau. Trường hợp gia đình có người chưa có đức tin hoặc đã chối bỏ đức tin, các phần tử khác càng cần chứng tỏ cho người ấy thấy chứng tá đức tin sống động của mình để nâng đỡ và thúc đẩy người ấy tiến đến chân lý.

Đối với những gia đình chưa tin hoặc những gia đình Kitô hữu không còn sống phù hợp với đức tin, cũng như những người đang tìm kiếm chân lý, gia đình Kitô hữu được mời gọi dùng gương sáng và lời chứng để soi sáng, để trở nên dấu hiệu về sự hiện diện của Đức Kitô và của tình yêu Đức Kitô.

Gương thừa sai của vợ chồng A-qui-la và Pơ-rít-ki-la đã có ngay từ thời Hội Thánh sơ khai (Cv 18; Rm 16, 3-4). Ngày nay, nhiều gia đình Kitô hữu tình nguyện đến phục vụ ở những miền truyền giáo một thời gian ngắn hoặc dài

Sự đóng góp cụ thể của gia đình Kitô hữu cho cuộc truyền giáo của Hội Thánh, đó là lo dạy cho con cái ngay từ khi còn thơ ấu nhận biết tình thương yêu của Thiên Chúa đối với hết mọi gười (TĐ, 30) và vun trồng các ơn gọi thừa sai nơi con cái. (Lm. ĐINH HUỲNH HOA Ofm.)

III. CHUYỆN MINH HOẠ

GIA ĐÌNH LÀ VƯỜN ƯƠM ƠN GỌI

Đức Hồng y Cardjin, Vị sáng lập của phong trào Thanh lao công, đã tự thuật như sau: “ Tôi là con của giai cấp công nhân. Nếu tôi đã có thể trở thành linh mục, là cũng nhờ cha tôi”. Cha tôi là một công nhân nghèo. Người đã phải hy sinh để nuôi dưỡng những đứa con mà hẳn người đã hãnh diện. Tôi còn nhỏ, khi lên 13 tuổi, một buổi tối nọ, khi các anh chị của tôi đã lên giường đi ngủ, tôi rón rén bước xuống nhà bếp. Tôi đến gần cha tôi. Người đang ngồi trầm ngâm với chiếc ống điếu. Còn mẹ tôi thì đang khâu giày cho chúng tôi. Tôi rụt rè thưa với cha tôi: “Thưa ba, con có thể tiếp tục học không?” Cha tôi trả lời: “Con ơi, ở tuổi con, ba đã phải đi làm rồi. Nay thì ba đã già và sức ba cũng đã mòn”.

Tôi lấy hết can đảm để thuyết phục cha tôi: ‘’Ba ơi, con nghĩ là Chúa đã gọi con, con muốn trở thành linh mục”.

Bình thường cha tôi là một người ít để lộ tình cảm. Nhưng tối hôm đó, khi vừa nghe tôi cho biết ý định làm linh mục, nước mắt người bổng từ từ lăn trên gò má. Và đôi tay của mẹ tôi cũng run lên vì xúc động.

Cuối cùng, khi làm chủ được cơn xúc động, cha tôi mới thốt lên với tất cả cương quyết: “Ba má đã hy sinh quá nhiều. Nhưng để được một người con làm linh mục, ba má nguyện sẽ tiếp tục hy sinh”.

Mà quả thực, cha mẹ tôi đã tiếp tục làm việc nhiều hơn nửa để tôi có thể tiếp tục học. Suốt hành trình tương lai của tôi luôn được bao bọc chở che bằng gương sáng đời sống đạo đức cùng với biết bao mồ hôi sức lực của cha mẹ tôi. Vừa mãn trung học, 8 ngày trước khi lãnh thưởng cuối năm, tôi nhận được điện tín báo cha tôi đau nặng.

Trên giường hấp hối, cha tôi nhìn tôi mỉm cười: nụ cười trên gương mặt xanh xao gầy guộc tiều tuỵ; nhưng thật ra đó là mộ nụ hoa bắt đầu nở rộ: vừa khích lệ vừa nói lên mong ước việc thành đạt cho bước đường ơn gọi linh mục của tôi. Tôi cảm thấy nụ hoa ấy như một thành quả kết tinh của bao công sức vun đắp bằng công lao khó nhọc của suốt cuộc đời công nhân lao động của ba tôi. Tôi rưng rưng nước mắt thầm cảm phục một người cha đáng thương, hy sinh cho đến chết để người con trở thành linh mục.

IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

Thiên Chúa muốn gọi ai tuỳ ý Ngài. Nhưng tiếng gọi ấy luôn được ngỏ với con người trong một khung cảnh sống cụ thể. Khung cảnh ấy có thể là gia đình, là trường học, là họ đạo, là chợ búa, là chổ làm việc. Có những khung cảnh thuận tiện, mà cũng có những khung cảnh không thuận tiện. Có những nơi hạt giống ơn gọi được nẩy mầm, vun xới. Có những nơi hạt giống ấy bị bóp nghẹt.

Và Thiên Chúa kêu gọi ai tuỳ ý Ngài muốn, nhưng kẻ được gọi là để thi hành sứ mạng: sống cùng và sống với và để sống cho mọi người .

Như vậy, trong mọi môi trường thuận lợi không có môi trường nào ưu việt cho bằng môi trường gia đình. Chính trong môi trường ấy, người con vừa được nâng đỡ vun trồng đời sống đức tin; vừa được giáo dục để mai sau trở thành vị mục tử để sống cùng, sống với và để sống cho mọi người qua bài học yêu thương tận tuỵ hy sinh không mệt mỏi của người cha và người mẹ trong gia đình.

Tầm quan trọng của gia đình trong việc đào tạo ơn gọi theo Giáo Huấn của Hội Thánh.

Công Đồng Vat. II dạy : “Nhờ đời sống thực sự Kitô giáo, các gia đình phải trở nên vườn ươm việc tông đồ giáo dân, ơn gọi làm linh mục và tu sĩ” (TG số 19).

Theo giáo Huấn của Công Đồng, gia đình đóng vai trò hàng đầu trong việc hướng dẫn con cái đáp trả lời mời gọi quảng đại dấn thân phục vụ cho Thiên Chúa hoặc làm tông đồ giáo dân hay đặc biệt hơn làm linh mục và tu sĩ. Điều nầy dễ hiểu, vì gia đình là tế bào đầu tiên của xã hội và Giáo hội. Chính trong gia đình mà những công dân mới của xã hội loài người được sinh ra, để rồi nhờ Bí tích Rửa tội. Họ trở nên con cái Thiên Chúa. Vì vậy, gia đình là vườn ươm, là nơi cung cấp ơn kêu gọi cho Giáo Hội.

Tiến xa hơn một bước, Hiến Chế Tín Lý Vui Mừng và Hy Vọng nói rõ hơn về vai trò của gia đình : “Phải giáo dục con cái thế nào, để khi đến tuổi trưởng thành, chúng có thể chọn bậc sống và theo ơn gọi, ngay cả ơn gọi tu trì , tức là làm linh mục, làm thừa sai hay làm tu sĩ , với ý thức trách nhiệm đầy đủ” (số 52).

Sắc Lệnh về việc đào tạo linh mục nhấn mạnh đến những bổn phận mà gia đình phải thực hiện sao cho con cái có thể đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa trong thiên chức linh mục : “Toàn thể cộng đồng Kitô hữu có bổn phận cổ võ các ơn thiên triệu. Trước hết phải tiến hành nghĩa vụ ấy bằng một đời sống Kitô hữu trọn vẹn...Các gia đình (sẽ cố gắng) sống tinh thần đức tin, đức cậy, đức mến, và đạo đức, trở nên như những chũng viện đầu tiên” (số 2).

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, trong Tông Huấn Familiaris Consortio cũng nói rõ : “Gia đình trở thành chũng viện đầu tiên và tuyệt hảo cho ơn gọi sống đời tận hiến vì Nước Thiên Chúa”. (ĐSGĐ số 53).

Như vậy, theo chỉ dẫn của Hội Thánh, mọi Kitô hữu nhất là các linh mục, các nhà giáo dục, và đặc biệt là các bậc cha mẹ phải lo tìm kiếm, khơi động và bồi dưỡng ơn gọi trong gia đình, trong các cơ sở giáo dục và trong các họ đạo. Các em có ơn gọi sẽ được nâng đỡ, dạy dỗ và khuyến khích học tập cho đến mãn trung học. Sau đó, các em tự nguyện xin gia nhập Đại Chủng Viện hay các Dòng tu để trực tiếp theo đuổi lý tưởng làm linh mục của mình.

Giáo Hội cần linh mục. Họ Đạo cần linh mục. Gia đình chúng ta cần linh mục biết bao. Sự hiện diện của linh mục là tối cần thiết cho cộng đồng dân Chúa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lưu ý như thế trong thư gửi các linh mục nhân ngày thứ năn Tuần Thánh năn 1979 : “Có lẽ có những linh mục ngờ vực về ý nghĩa của ơn gọi hay về giá trị của chức vụ mình. Xin anh em hãy nghĩ tới những miền xa xôi, nơi mà người ta khắc khoải trông chờ một linh mục; những nơi từ bao năm vì vắng bóng linh mục, họ không ngừng cầu mong sự hiện diện của người. Đôi khi họ tụ họp trong ngôi thánh đường bỏ hoang, đem đặt trên bàn thờ chiếc dây các phép mà họ còn giữ được, rồi cùng nhau đọc hết kinh nguyện Thánh Thể. Và đây, vào lúc Truyền Phép, họ kính cẩn thinh lặng, một vài nơi vọng lên tiếng khóc nức nở...

Họ ước ao biết bao được nghe những lời mà chỉ miệng lưỡi của linh mục mới phát ra một cách có hiệu lực! Họ hết sức ao ước được rước lễ, nhưng nào có sự trung gian của tác vụ linh mục! Sau hết, họ áy náy được nghe những lời tha thứ của Thiên Chúa : “Ta tha tội cho con”. Họ cảm nghiệm sự thiếu vắng linh mục nơi họ ! Trên thế giới hiện nay không ít nơi như vậy” (Số 10).

Những lời tâm sự của Đức Thánh Cha nói lên sự cần thiết biết bao sự hiện diện của linh mục ở giữa anh chị em tín hữu và đồng thời cũng nói lên nghĩa vụ của mỗi người và mỗi gia đình tín hữu trong việc cổ võ ơn gọi linh mục.
Gia đình cần quan tâm đến việc vun trồng ơn gọi.

BẦU KHÍ YÊU THƯƠNG, ĐẠO ĐỨC CỦA GIA ĐÌNH.

Các bậc làm cha mẹ hãy biến gia đình mình thành một mái ấm yêu thương để mọi thành viên gia đình cảm thấy thực sự ấm cùng, hạnh phúc khi sống trong gia đình và càng xa thì càng thấy nhớ về gia đình mình, không muốn xa rời. Ai đó đã nói : “sống chung là hoả ngục”, đừng để gia đình trở thành ngục tù nơi mà cả cha lẫn mẹ và con cái đều muốn tránh mặt nhau hoặc đi cho khuất mắt, cho yên thân.

Lý do thì có nhiều, nhưng tựu trung có thể do ba nguyên nhân : hoặc thương con không đúng cách, nuông chiều thái quá; hoặc cha mẹ thiếu trách nhiệm, nghiện ngập bài bạc, rượu che, bỏ bê gia đình; hoặc cha mẹ không thuận hoà với nhau. Cả ba loại gia đình nầy đều không có tình thương và không biến gia đình mình thành mái ấm thực sự khiến người cha không ngó ngàng đến vợ con, người mẹ bỏ mặc chồng con xoay sở, và con cái chẳng thiết tha đến gia đình.

Muốn gầy dựng một gia đình thành mái ấm yêu thương các bậc cha mẹ phải biết sống quên mình, biết từ bỏ chính mình để quan tâm đến những người khác. Theo nhà phân tâm học V. Frankel : gia đình chính là nơi mà hằng ngày con người nghiệm ra cách sống từ bỏ mình để đến với người khác, lo cho người khác, và cũng nhờ đó, khám phá ra ý nghĩa cuộc đời là hy sinh cho nhau và sống cho nhau.

Tình yêu là cho đi tất cả, cho đi cái sâu thẩm nhất là “cái tôi” của mình. Tình yêu ấy không có lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn bước theo Đức Kitô : “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo tôi”. (Mc 8, 34). Gia đình công giáo không thể đi ngoài con đường đó : con đường thập giá. Theo F. Varillon :”Tiêu chuẩn chắc chắn và duy nhất đúng về mặt thiêng liêng là thập giá. Tất cả những gì dẫn đến thập giá đều mang tính chất Kitô một cách nghiêm túc. Tất cả những gì loại trừ thập giá hay bóp méo chỉ là giả hiệu”.

Vợ chồng phải chấp nhận bị mài dũa, giống như những hòn sạn trên bãi cát, sau hàng ngàn năm bị sóng biển xô dập, cọ xát vào nhau, đã trở nên tròn trịa. Phải chấp nhận từ bỏ ý riêng của mình thì khoảng cách giữa cha mẹ và con cái mới nhích lại gần sự đầm ấm yên vui.

Chúng ta thường nghe nói : “ Thánh giá Chúa gửi đến cho gia đình”. Đó cũng là một lối nhìn đức tin. Nhưng thánh giá đâu chỉ là những khó khăn thử thách như thế ! Thánh giá còn là quà tặng mỗi ngày, nếu hiểu thánh giá là từ bỏ chính mình. Khi thể hiện tiếng gọi từ bỏ mình trong đời sống gia đình, là chúng ta tin rằng nổ lực ấy không luống công vô ích nhưng đơm hoa kết trái cho cuộc sống yên vui và hạnh phúc lâu dài. Như vậy, nên thánh là yêu thương, mà yêu thương là biết từ bỏ chính mình : yêu thương đến mức trọn hảo là từ bỏ đến chổ hy sinh chính mình, vì tình yêu đòi hỏi đến vô cùng vô tận, nhưng tình yêu cũng bao dung tất cả, tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả.

Một gia đình thực sự yêu thương nhau là một gia đình đạo đức vì sống đúng theo giới luật trọng tâm của Chúa : Luật yêu thương. Những người cùng chia sẻ với nhau trong một mái nhà mà không thương nhau làm sao có thể thương ai khác được. Do đó, gầy dựng bầu khí yêu thương đầm ấm trong gia đình là cha mẹ gầy dựng cho con cái một tâm hồn sẳn lòng biết san sẻ yêu thương, phục vụ người khác, làm nền cho con trẻ dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân sau nầy.

KHƠI ĐỘNG VÀ NUÔI DƯỠNG ƠN GỌI

Để có con cái thể sống hiến thân phục vụ người khác cha mẹ cần dạy chúng biết sống vâng phục. Đây là một tiến trình lâu dài và nhiều khó khăn, nên cha mẹ cần quảng đại và kiên trì vơi thời gian. Vâng phục là biết lắng nghe. Không thể có giáo dục vâng phục nếu không có giáo dục trách nhiệm.

Người có trách nhiệm là người có khả năng đáp trả một tiếng gọi, khởi đầu là tiếng của lương tâm, rồi tiếng của người khác, và cuối cùng là tiếng của Thiên Chúa. Để đáp trả tiếng gọi, cần phải nghe và biết lắng nghe. Hiểu như thế thì chuyện vâng phục không phải là chuyện của trẻ con, của người thuộc quyền, mà là chuyện của mọi người, tiến trình vâng phục không bao giờ kết thúc bao lâu còn sống là còn vâng phục. Chúng ta hãy nhìn vào gương Chúa Giêsu, ngài đã vâng phục và vâng phục đên chết : “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai vâng phục người”. (Dt 5, 8-9).

Vâng phục là biết sống phục vụ. Có nhiều động lực thúc đẩy con người phục vụ : hoặc vì sợ hãi, sợ người khác buồn, sợ mang tiếng, sợ bị trừng phạt, sợ phiền phức...nghĩa là chỉ muốn tránh phiền toái rắc rối trong cuộc sống. Một thái độ như vậy có thể dẫn đến mù quáng và nô lệ, không còn tự do trong suy nghĩ và hành độnh nữa.

Đức Giêsu đã vâng phục và vâng phục cho đến chết, điều đó có nghĩa là Ngài đã phục vụ và phục vụ cho đến chết, phục vụ với đầy đủ ý thức trách nhiệm và yêu thương. Như thế, dạy cho con cái biết vâng phục cũng là dạy cho chúng biết phục vụ, bởi vì không có tinh thần phục vụ, vâng phục dễ trở thành nô lệ : biết đón nhận để sống cho người khác.

Vâng phục luôn đi đôi với trách nhiệm. Tuân thủ luật đi đường không vì sợ bị phạt mà vì nghĩ đến công ích (không muốn gây rối loạn trật tự hoặc tai nạn cho người khác). Tuân thủ lời cha mẹ không vì sợ mà vì lợi ích của mọi người trong gia đình. Không có tinh thần phục vụ thì dù con cái có đỗ đạt và thành công trong cuộc sống, vẫn chưa phải là người trưởng thành thật sự. Do đó, khi dạy con cái biết vâng phục là cha mẹ dạy cho chúng biết phục vụ và phục vụ một cách vô vị lợi.

Vâng phục trong đối thoại. Cha mẹ nên để cho con cái đóng góp ý kiến vào những vấn đề mà cha mẹ đang phải đối đầu, nhất là trong những chuyện liên quan đến chính chúng. Điều nầy chẳng những kích thích khả năng suy nghĩ của con cái, mà còn gia tăng tinhthần trách nhiệm và óc sáng kiến của chúng.

Việc giáo dục vâng phục đòi hỏi phải được thực hiện trong bầu không khí tin tưởng lẫn nhau : giữa cha mẹ với con cái và con cái với cha mẹ. Để có thể tin tưởng nơi con cái, cha mẹ cần có sự thông cảm cao độ trước trước những lỗi lầm và sai phạm của chúng, dĩ nhiên không bao giờ hiểu đó là sự đồng tình vời cái xấu. Chỉ có sự thông cảm như thế mới có thể tạo nên sự đối thoại giữa cha mẹ với con cái, và gia tăng sự tín nhiệm từ phía con cái đối với cha mẹ.

Mỗi người có thể học hỏi từ kinh nghiệm của người khác, và có lẽ không có trường học nào khiến con người có thể học hỏi kinh nghiệm cách hữu hiệu cho bằng trong mỗi gia đình. Cha mẹ chỉ bảo, con cái vâng nghe; cả hai cùng nắm tay tiến bước : cha mẹ đi trước, con cái theo sau, và đó là cách thế giúp nhau tốt nhất. Nhờ đối thoại, cha mẹ sẽ biết con cái nghĩ gì, đồng thời chính con cái sẽ hiểu rõ hơn thực trạng của chính mình. Mỗi đứa con đều biết về quá khứ và hiện tại của nó, khó khăn và mơ ước của nó. Được cha mẹ góp ý nó sẽ biết mình phải làm gì cho tương lai và phải chuẫn bị những gì để vào đời.

GIÁO DỤC THEO NHỮNG CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC

Khoa học tiến triển, công nghệ thông tin bùng nổ, lợi nhuận kinh tế được đặt lên hàng đầu, ít nhiều tạo ra những lổ hổng đạo đức : xuống cấp về luân lý, nhân cách, khủng hoảng về gia đình,là điều khó tránh trong bối cảnh xã hội hôm nay. Sự đổ vỡ trong gia đình có thể là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội, vì nó tạo nên một lổ hổng tâm lý nơi đứa trẻ, mà không gì có thể bù đáp được.

Điều cần thiết mà cha mẹ phải làm là chỉ bảo cho con cái những giá trị lành mạnh, tạo cho chúng một ý thức sắc bén về luân lý (những điều nên làm và nên tránh) và những chuẩn mưc đạo đức vững chắc mà cha mẹ gầy dựng sẽ giúp con cái sống cho ra người và nên người : “thành nhân hơn thành công”.

Kính trọng người khác là nhân đức nền tảng của nhân cách. Sự kính trọng người khác bắt nguồn từ chính phẩm giá của mỗi người, vì con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Ngày thế mạt, chúng ta cũng sẽ bị xét xử theo cách thế cư xử của chúng ta đối với người khác, bởi người khác dù có hèn kém đến đâu cũng là hiện thân của chính Chúa.

Chính trong gia đình con cái lớn lên và học được cách cư xử của cha mẹ đối với chúng và với người khác, đặc biệt đối với những người già cả, người khổ đau....Những đứa con xinh đẹp, giỏi giang thì được nuông chiều, còn đứa xấu xí thì bị khinh rẻ...Cách xử sự như thế của cha mẹ vô tình gieo vào đầu óc con cái cách đánh giá con người dựa trên thành công hơn là chính bản thân con người, căn cứ vào số lượng công việc hơn là phẩm hạnh con người.

Như thế, những kẻ tàn tật, bất hạnh, nghèo khổ sẽ là hạng người vô giá trị. Đối với người già cả yếu đau trong gia đình cũng vậy, cha mẹ cần nhớ rằng sự hiện diện của người cao tuổi trong nhà là cả một kho tàng cho cuộc sống gia đình, nhất là cho sự giáo dục con cái.

Trung thực là một đức tính mà cha mẹ cần để ý dạy con ngay từ buổi đầu, vì sẽ góp phần tạo nên nền tảng nhân cách con cái sau nầy, nhất là trong bậc sống tu trì.
Một đứa bé 5 tuổi. Người cha dùng xe gắn máy đưa đi chơi. Đến một ngã tư, người cha vượt đèn đỏ, đứa bé thắc mắc :
Ba ơi, cô giáo dạy chúng con phải ngừng xe khi thấy đèn đỏ mà !
Con đừng lo, ở đây vắng xe, hơn nữa đâu có công an mà sợ.
Khi đứa bé lên 12 tuổi, một hôm được mẹ dẫn đi xem hát, người mẹ dặn con :
Khi người bán vé hỏi tuổi con, con cứ nói 10 tuổi, thì mẹ chỉ phải trả nữa tiền vé.
Năm 18 tuổi, cậu con trai bước vào đại học. Vừa hết ký học đầu tiên, cha mẹ nhận giấy báo của trường như sau : “Thưa ông bà, chúng tôi rất lấy làm tiếc phải đuổi con ông bà khỏi trường, vì cháu đã vi phạm nội quy, gian lận trong kỳ thi”. Nhận được tin nầy cha mẹ cậu thở dài :

Làm sao có chuyện đó được, nó vẫn là đứa con ngoan mà, chắc là tại nó chịu ảnh hưởng của xã hội và bạn bè rồi !

Một phản ứng xem ra rất bình thường, ai cũng nghĩ là mình đã làm hết bổn phận đối với con cái, chẳng thiếu thứ gì. Tuy nhiên họ quên một điều : bài học vỡ lòng, cơ bản và hữu hiệu, chính là cách sống của họ và lời ăn tiếng nói của chính họ đã hằn sâu vào tâm thức của con cái, khiến chúng lớn lên theo chiều hướng đó. “Sự thật sẽ giải thoát anh em” Chúa Giêsu đã dạy như thế. Chỉ có sự thật mới mang lại tự do đích thực cho con người. Sống theo sự thật không có gì phải sợ hãi, phải bận tâm, cho dù có phải chấp nhận một sự thiệt thòi nào đó. Bao lâu chúng ta không nhận ra lối sống giả dối của mình, chúng ta vẫn mãi mãi là người nô lệ : nô lệ trong sự khoe khoang, thành kiến và bóng tối. Cha mẹ cậu sinh viên nói trên ngỡ ngàng khi nhận ra sự gian dối của người con, họ quên rằng chính cách cư xử của họ đã nhào nặn ra một con người nhu thế !

”Tiên học lễ, hậu học văn”. Bài học vỡ lòng làm người nầy xây dựng trên sự thành tín và thuỷ chung (có trước, có sau). Tài ba, giàu có, quyền thế đến đâu đi nữa mà thiếu sự trung thực thì chẳng khác gì xây dựng nhân cách đời mình trên cát, một khi đổ vỡ thì không chỉ mất sự nghiệp mà còn mất tất cả con người.
Cầu nguyện cho các linh mục và cho ơn gọi linh mục.

Các bậc cha mẹ không chỉ đào tạo cho con cái mình được sống trong bầu khí đạo đức, phát triển nhân cách toàn vẹn theo đường lối của Giáo Hội mà còn phải sống gương mẫu, đạo đức cho con cái noi theo, nhất là tham gia các hoạt động tông đồ trong Họ Đạo. Gắn bó với công việc nhà thờ, Họ Đạo, dù là những việc binh thường, sẽ giúp cha mẹ và cho con cái sau nầy có tâm tình gắn bó với công việc lo cho Nhà Chúa và phần rỗi các linh hồn.

Điếu quan trọng nhất mà các cha mẹ không thể quên là cầu nguyện cho các linh mục được sống thánh thiện, hăng say trong việc tông đồ, để sự hiện diện của các Ngài giữa lòng dân Chúa nên như dấu chỉ của tình thương từ trời. Việc cầu nguyện cho chính con cái và nhiều người khác trong Họ Đạo biết quảng đại dấn thân phục vụ Chúa trong chức vụ linh mục và tu sĩ là cần thiết. Vì mọi ơn gọi đều phát xuất từ Thiên Chúa. Thiên Chúa có mọi ơn, nhưng chúng ta phải thành khẩn van xin Chúa mới ban cho. Vả lại điều mà con người không thể mơ ước tới, thì Thiên Chúa có thể thực hiện hơn lòng chúng ta mong ước.

Với tâm tình cầu nguyện chúng ta hãy :
Cảm tạ Chúa vì đã ban chức linh mục cho Giáo Hội, nhất là đã ban linh mục cho Họ Đạo của anh chị em.
Xin Chúa gìn giữ, thánh hoá linh mục và ban cho các ngài những ơn cần thiết để chu toàn việc lo cho phần rỗi linh hồn tín hữu.
Tích cực cộng tác với linh mục trong phạm vi, khả năng và hoàn cảnh, nhất là nối tiếp công tác mục vụ của các ngài trong gia đình mình.
Làm hết sức để Họ Đạo không bao giờ thiếu vắng linh mục. Mỗi Họ Đạo phải lo sao cho có những người kế thừa trong chức vụ linh mục tương lai.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con hãy xin Chúa Cha sai thêm nhiều thợ gặt làm việc cho cánh đồng của Chúa. Xin ban cho gia đình con, Họ Đạo con, Giáo Phận con ngày càng có nhiều cha mẹ biết quan tâm đến việc giáo dục con cái hướng đến ơn gọi linh muc, cho ngày thêm nhiều những người trẻ sẳn sàng hiến thân phục vụ Chúa và phần rỗi các linh hồn trong thiên chức linh mục và tu sĩ. Amen

V. HỌC TÔNG HUẤN SỐ 53

”Gia đình phải đào tạo cho con cái bước vào đời sống, giúp cho mỗi người con biết chu toàn trọn vẹn bổn phận của mình tuỳ theo ơn gọi đã nhận được từ Thiên Chúa”.

VI. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI.

Gia đình con chưa phát huy tình liên đới với nhau. Xin Chúa thương xót chúng con.
Có một vài thành phần trong gia đình con, chưa thật sự muốn nên thánh. Xin Chúa thương xót chúng con.
Gia đình con chưa có tiếng nói chung, chưa đọc kinh chung, để thờ phượng Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Gia đình là cộng đoàn những người cùng chung một nhịp sống, cùng chia sẻ một dòng máu, trong một mái ấm tình thương. Nên gia đình Kitô-hữu là sự diễn tả Hội Thánh, là một Hội Thánh thu nhỏ. Chúng ta hãy cùng nhau dâng lời cầu nguyện cho mọi gia đình.

Hội Thánh qui tụ mọi tín hữu vào Thánh lễ thờ phượng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu; xin cho mọi gia đình Kitô-giáo cũng biết liên kết mọi thành phần trong gia đình mình, cùng chung tiếng hát lời kinh mà ngợi khen Chúa.

Hội Thánh phân phát lương thực trường sinh là Mình Thánh Chúa và các Bí tích cho mọi tín hữu; xin cho mọi thành phần trong gia đình Kitô-giáo, cũng biết giúp đỡ nhau cùng lãnh nhận các Bí tích của Chúa.

Hội Thánh nhận lãnh sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc. Xin cho mọi gia đình Kitô-giáo cũng biết dùng gương sáng đạo đức của mình, mà chia sẻ đức tin cho nhau và cho các gia đình lân cận.

Hội Thánh là một cộng đoàn hiệp thông nhờ Chúa Thánh Thần. Xin cho gia đình họ đạo chúng ta và các gia đình Kitô-giáo, biết luôn sống đoàn kết với nhau trong tình hiệp thông của Chúa Thánh Thần.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu, Chúa thiết lập Hội Thánh nên gương mẫu sống động cho các gia đình Kitô-giáo. Chúng con xin Chúa khấn ban Thánh Thần Chúa hiện diện trong các gia đình chúng con; nhờ đó, gia đình chúng con thể hiện dáng vóc của Hội Thánh thu nhỏ, và đáng được hưởng hạnh phúc đời này và đời sau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

XÂY DỰNG Ý CHÍ CHO CON CÁI

Cùng tư tưởng với Optatam Totius số 41, và Familiaris Consortio số 53, Tông huấn Pastores Dabo Vobis số 41 có viết :”. . . các gia đình trong khi quảng đại đón nhận ơn sự sống, sẽ trở thành chủng viện đầu tiên, trong đó con cái ngay từ buổi đầu sẽ có thể sở đắc ý thức về lòng hiếu thảo, về cầu nguyện và tình thương yêu đối với Giáo Hội”.

Đối với việc giáo dục con cái, Cha Mẹ phải cảm nhận được rằng : tấn tới về luân lý là nguồn vui sướng và cao thượng hơn là tấn tới về vật chất. Thiên nhiên không thể hoàn tất được một người. Một mình ân sủng cũng không thể hoàn tất được một vị thánh. Ân sủng chỉ cho thấy đích điểm, cung cấp phương tiện, kích động nổ lực, giúp cho ý chí những năng lực chắc chắn, nhưng ân sủng cần con người có tự do cộng tác.

Như vậy, song song với việc giáo dục cho trẻ ý thức về lòng hiếu thảo, về cầu nguyện và tình yêu thương đối với Giáo Hội, Cha Mẹ cần xây dựng ý chí cho con cái . Schiller nói rằng :”Hạnh phúc tùy thuộc ý chí của mỗi người”. Đúng vậy, bởi vì ý chí là năng lực quyết định trong mọi ý nghĩ và mọi hành động của con người. Nó là điều kiện thiết yếu cho mọi thành công, nó cũng là tác nhân của ơn gọi. Nhờ ý chí mà, khi cần, con người bắt đầu loại bỏ mọi lỗi lầm, mọi thói xấu để tạo lấy một cá tánh, để thành công, để đạt tới lý tưởng.

I. Ý chí loại trừ tật xấu.

1/ Nhận định.

Con người vốn nô lệ bản năng hơn cả thú vật, nhưng lại chính con người mới có trọn quyền sai khiến bản năng. Ai giàu ý chí mới thành công trong việc sai khiến này. Và có sai khiến được bản năng, kềm được thú tính, con người mới thấy được hướng tốt để theo, mới có nghị lực để tiến tới, nắm được thành công và mới tạo được hạnh phúc.

Do đó, muốn trừ thói hư tật xấu cho con cái, Cha Mẹ có bổn phận giúp con cái mình xây dựng ý chí. Dám nói rằng những đứa trẻ nhiễm tật xấu như là lười biếng, gian tham, nói dối, sa đọa . . v. v. . đều là những trẻ thiếu ý chí. Khi Cha Mẹ tạo được điều kiện giúp con cái loại bỏ các thói hư nết xấu kể trên là Cha Mẹ đã xây dựng ý chí cho con mình.

2/ Trẻ thiếu ý chí.

Thiếu ý chí, trẻ thường sợ hãi, nóng nảy, tánh tình hay thay đổi ; nhúng tay vào cả trăm việc mà không hoàn thành được việc nào ; dễ bị ảnh hưởng ngoại cảnh, dễ bị kẻ khác lôi cuốn.
Thiếu ý chí, trẻ không quan tâm đến việc gì cả ; việc gì cũng phải thúc đẩy mới chịu làm. Quá nô lệ bản năng, chống lại mọi lời khuyên răn, mọi sự trừng phạt.
Thiếu ý chí, trẻ rụt rè , do dự. Không có nghị lực, trẻ thường bị kẻ khác thúc đẩy trong mọi ý nghĩ và hành động.
Thiếu ý chí, trẻ chỉ biết thỏa mãn thị hiếu riêng, thường bị lôi cuốn vào các thú vui mới lạ, không chấp nhận một cố gắng nào.
Thiếu ý chí, trẻ dầu thông minh, dễ dạy, vẫn hoàn toàn bị động. Phải có người thúc đẩy luôn mới làm xong được một việc. Tính tình tiêu cực đó dễ xiêu theo những xúi biểu sai lầm.
Thiếu ý chí, trẻ thường ỷ lại. Về vật chất cũng như về tinh thần, trẻ phải có một chổ dựa. Trẻ hay buông xuôi và sống sao cũng được, dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh và mọi hạng người.
Thiếu ý chí, trẻ thường tỏ ra đần độn, nông nổi, bất định, không có tinh thần tự lập, nhưng nhiều dục vọng. Dầu lớn tuổi, tánh tình vẫn như trẻ con.
Thiếu ý chí, trẻ thường tỏ ra xấc láo, liều lĩnh, và dễ sa vào chổ trụy lạc. Thích khoa trương tự mãn, trẻ không biết tôn trọng ai và chỉ muốn sống ngoài đường lối đúng đắn.
Thiếu ý chí, trẻ thường tránh những việc nặng nhọc, không chấp nhận một chút hy sinh, cố gắng nào.
Trên đây là những dạng trẻ em thiếu ý chí. Bề ngoài, xem ra, trẻ thiếu ý chí cũng có vẻ đàng hoàng, không phạm những lỗi tật nổi bật đáng trách, nhưng theo phân tích trên, trẻ thiếu ý chí là hạng bạc nhược dễ trở thành hư hỏng.

II. Xây dựng ý chí cho con cái.

1/ Theo dõi sự phát triển tâm lý.

- Một tuổi : Khi ra đời, trẻ đã mang sẳn trong người một mầm ý chí. Mầm ý chí đó nẩy nở vào khoảng cuối năm thứ nhất bằng những cử chỉ như là kéo vào những gì nó thích, hất bỏ những gì nó không thích. Cử chỉ của nó bắt đầu hướng tới một mục tiêu ích lợi, nó đã cố gắng tức là đã dùng tới ý chí, nhưng chưa rõ ràng, chưa có sự quyết tâm.

- Hai đến ba tuổi : trẻ suy nghĩ trước khi quyết định. Thí dụ: trước hai món quà, hai đồ chơi, trẻ chọn theo ý muốn, theo sở thích, theo nhu cầu. Xây dựng ý chí cho trẻ vào tuổi này. Cha Mẹ phải hướng dẫn ý muốn của trẻ theo một kỷ luật như là qui định giờ chơi, giờ ăn, giờ ngủ . . . phải tập cho trẻ cố gắng thường xuyên. Trẻ, theo bản năng, muốn có nhiều thức ăn, muốn ăn giờ nào cũng được, muốn có nhiều đồ chơi, muốn chơi giờ nào tùy thích. Nếu cha mẹ tỏ ra yếu đuối, chiều con là làm hỏng con rối.

Cha mẹ phải biết từ chối khi cần, phải tập cho con biết vào lề lối, vào trật tự cần thiết. Từ chối khi con ngoan ngoãn cầu xin một vật gì, cha mẹ thấy xót xa quá, nhưng phải cương quyết dùng lời nói dịu ngọt với con :” Con của mẹ can đảm, dễ dạy quá, mẹ nói là biết nghe . . .”. Cha mẹ vừa từ chối vừa khuyên răn con. Trong mọi trường hợp, cha mẹ phải tỏ ra khách quan, và nếu trong gia đình mọi người đều theo một đường lối giáo dục nhất trí thì kết quả sẽ tốt đẹp vô cùng.

- Ba đến bốn tuổi : Ý chí đã mạnh hơn, trẻ cố ý bênh vực ý muốn của mình. Lúc này, Cha mẹ thấy con mình thường có thái độ chống đối. Nó cố làm cho kỳ được những gì nó muốn :” nó cứng đầu”. Nhưng đó là một hiện tượng tự nhiên, cha mẹ đừng lên án, vì nó đang luyện tập ý chí, hãy cố gắng giúp nó thì hơn. Trẻ nào không trải qua thời kỳ chống đối này mới là đáng ngại : ý chí nó không được phát triển đầy đủ đó !

- Sáu đến mười bốn tuổi : Ý chí tiếp tục phát triển. Tuổi càng lớn, trẻ càng biết kiên trì trong ý định, trong việc làm. Tánh nhẫn nại xuất hiện. Trẻ bắt đầu cảm thấy thích thú với những thành công thu lượm được. Để đạt được kết quả mong muốn, trẻ biết thích ứng dần dần với mọi cố gắng, với nhiệm vụ, với kỷ luật phải theo. Dần dần, trẻ biết đem sở thích đọ với thực tế và biết tự mình điều khiển lấy mình. Mỗi một thành công là một bước tiến trong sự luyện tập ý chí.

Trong khoảng từ 6 đến 14 tuổi, cha mẹ sẽ nhận thấy con mình như sau :

Từ 6 đến 8 : tinh thần trẻ bất định, hay bỏ dở mọi hoạt động, ngay trong trò chơi nữa, Mục tiêu của trẻ chưa được rõ ràng.

Từ 8 đến 10 : giai đoạn trung gian, trẻ tiến dần từ chỗ “không chú ý” đến chỗ “chú ý”. Trẻ thoát dần ra khỏi sức xúi giục của bản năng để thích ứng với thực tế. Trẻ chịu đương đầu với khó khăn và thích mạo hiểm. Tuổi này, trẻ thích lục lạo, leo trèo, phá khuấy và đánh nhau.

Từ 12 tuổi trở đi : giai đoạn chống đối của tuổi dậy thì. Đến giai đoạn này, tài giáo dục của cha mẹ phải trải qua một thử thách quan trọng. Chính lúc này, ý chí của trẻ vươn lên mạnh như một chồi cây gặp tiết xuân sang, tạo ra trong lòng cha mẹ nhiều lo âu và hy vọng. Nếu biết cách bón xới, vun tưới cho cây “ý chí” đó có tàng rộng, thân cao, thì tương lai của trẻ sẽ oai hùng rực rỡ.

Qua quá trình phát triển, chúng ta thấy ý chí trẻ em phát lộ mạnh mẽ nhất vào hai giai đoạn chống đối : Một, từ 3 đến 4 tuổi. Hai, từ 12 trở đi. Chúng ta phải biết lợi dụng sự sôi nổi trong lòng trẻ vào lúc đó để hướng dẫn và xây dựng ý chí cho trẻ.

2/ Xây dựng ý chí bằng thực hành.

Về thực hành, mỗi ngày cha mẹ không thiếu cơ hội luyện ý chí cho con cái mình. Thí dụ : đứa con bốn tuổi đến nói với mẹ :”Mẹ lượm cho con quả bóng “. Em biết quả bóng nằm dưới gầm giường, nhưng em không muốn chịu khó tự tìm lấy. Khi đó, người mẹ bảo :” Con bò xuống giường mà lấy. Thân mình con nhỏ, con bò xuống dễ hơn. Còn không thì con đi tìm cái cây mà khều ra, Việc đó con làm được”. Người mẹ dùng mọi cách giúp con làm lấy, và nhất định không làm thay. Bà có ý xây dựng ý chí cho con bà.

Một em bé 6 tuổi Đùa nghịch trầy đầu gối. Em tới rên rỉ với cha. Người cha thản nhiên bảo :” có sao đâu, có sức chơi thì có sức chịu”. Rồi ông quét lên vết thương một lớp thuốc sát trùng. Nếu thằng bé kêu đau, ông cũng mặc kệ. Người cha này tập cho con biết chịu đựng, ông đã giáo dục ý chí cho con ông.

Một bé gái 12 tuổi phải giúp mẹ dọn dẹp trong nhà. Công việc phải làm là quét sạch nhà bếp; nhưng em làm việc không mấy hăng hái. Mẹ em tìm cách khuyến khích em làm tới nơi tới chốn, và khi xong việc, mẹ con đều hoan hỉ. Đó là cách xây dựng ý chí cho con.

Để tăng cường ý chí cho con cái, đôi khi cha mẹ gọi con dậy sớm hơn thường lệ, tập con cưỡng lại đói khát, mệt nhọc, khuyến khích con làm những công việc mà nó không thích, đòi hỏi con phải tỏ ra đứng đắn, biết giữ trật tự, tiết kiệm thời giờ, tiền bạc, biết phân biệt chơi và làm việc. Đối với con lớn tuổi, hãy giao những công việc dài hạn mà nó phải tự sắp xếp lấy để làm.

Phải luôn nhớ rằng công việc xây dựng ý chí có kết quả tốt đẹp hay không, là khi nào trẻ làm việc mà có cảm tưởng là tự ý nó làm. Tài hướng dẫn của cha mẹ là ở chổ đó. Thoạt tiên dường như có sự bắt buộc, và nếu cần, cha mẹ cũng có thể để lộ một thái độ nghiêm nghị. Nhưng rồi, cha mẹ sẽ thấy ngay rằng trẻ sẽ chấp nhận một chút hy sinh, và sau cùng, trẻ sẽ hành động như là nó tự ý.

3/ Xây dựng ý chí bằng gương mẫu.

Cha mẹ có thể nêu lên những gương mẫu tìm thấy trong Kinh Thánh như Môisen, Đavít, như Thánh Giuse, Đức Maria, như bà Monica mẹ của Augustinô, như bà Magarita mẹ của Don Boscô, như ông Louis Martin cha của Têrêsa Hài Đồng Giêsu . . . ; những mẫu gương của các nhà truyền giáo, của các linh mục tu sĩ, những mẫu gương cần cù của các nhà khoa học, các nhà văn, các nhà chính trị được viết đầy trong sách sử ; những câu ca dao tục ngữ như “Kiến tha lâu đầy tổ”, “Có công mài sắt có ngày nên kim” . .v. v. . .

Tấm gương ý chí tốt nhất chính là cha mẹ. Nếu cha mẹ có ý chí khắc phục mọi nhược điểm, nếu cha mẹ cố gắng trở thành một người đắc lực, trở thành một người đạo đức, siêng năng đi xưng tội rước lễ, nếu cha mẹ biết yêu thương con cái, yêu thương gia đình, yêu thương Giáo Hội, nếu cha mẹ biết suy nghĩ, làm việc theo chiều hướng của tình yêu thương đó thì con cái sẽ làm theo.

Trong Thông Điệp về Chức Linh Mục, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã nói :”Phần lớn các Giám mục và Linh mục được Giáo Hội ca tụng , mắc nợ ơn thiên triệu và sự thánh thiện của mình do mẫu gương và các bài học của người cha đầy niềm tin và đức hạnh; của người mẹ khiết tịnh và đạo đức; của gia đình, nhờ gia phong trong trắng mà tình mến Chúa yêu người hằng ngự trị....Khi cha mẹ cố gắng, ngay từ những năm đầu của con cái, nhen cho chúng lòng kính sợ Chúa, lòng đạo hạnh, sự tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, lòng tôn kính những nơi thánh và người thánh; khi con cái nhìn thấy nơi cha mẹ sống gương mẫu danh dự, chăm chỉ, đạo đức; khi con cái thấy cha mẹ thương yêu nhau thánh thiện trong Chúa, năng lãnh các bí tích, chẳng những vâng giữ luật ăn chay kiêng thịt của Giáo Hội, mà còn tự ý hãm mình; khi con cái thấy cha mẹ quây quần với con cái trong gia đình đọc kinh cầu nguyện; khi con cái thấy cha mẹ biết thương hại những người cùng khổ, biết san sẻ của cải dư dật hoặc vừa đủ cho những người nghèo khó . . . thì thật là khó mà lại không có lấy một đứa, trong số các con cái, nghe tiếng Chúa gọi trong tâm hồn nó, vì con cái dễ theo gương cha mẹ”.

KẾT

Nuông chiều con là phá hoại ý chí của con. Cách chung, ngày nay mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai đứa con, và kinh tế gia đình ngày nay cũng sung túc hơn các gia đình ngày xưa. Do đó, Cha mẹ ngày nay cũng hay nuông chiều con, còn tệ hơn nữa là có những cha mẹ tỏ ra nhu nhược trước những đòi hỏi quá đáng của con cái. Thiết tưởng cha mẹ phải trở nên cứng rắn hơn trong việc giáo dục ý chí cho con cái mình.

Con người sinh ra với bản năng, đồng thời cũng mang sẳn một mầm ý chí. Nếu mầm ý chí này được phát triển đều hòa theo sự lớn lên của con người thì có thể đè nén được bản năng xấu để sống trong vòng kỷ luật, trật tự. Ý chí càng mạnh thì con người càng có nhiều khả năng, và sự thành bại trên đời đều do ý chí quyết định. Người giàu ý chí, dù gặp nghịch cảnh, cũng vượt qua được để tới thành công; trái lại, người thiếu ý chí, dù gặp may mắn, cũng không đủ sức lợi dụng những dịp may đó.

Muốn xây dựng ý chí cho con cái, cha mẹ phải theo dõi sự phát triển tâm lý của con cái, để thấy rõ nhu cầu lớn mạnh của con và tùy theo từng cỡ tuổi mà giúp con mình. Mỗi hành động, dù là không quan trọng đều là một phương tiện tăng cường ý chí. Nuông chiều con là phá hoại ý chí của con, mà đàn áp con cũng đưa tới kết quả đó.

VIII. TẢN MẠN

NIỀM VUI ĐÃ TRỞ LẠI

Sau 1975, Trung rời Đại chủng viện, cởi chiếc áo dòng mà anh từng xem như da thịt mình. Anh cứ đổ thừa cho hoàn cảnh. Bước ra đời với một kiến thức kha khá về ngoại ngữ, lại thêm ngón đàn organ, Trung dễ dàng vào Trường Cao đẳng sư phạm, lúc bấy giờ còn là trường rộng ngừời thưa. Thời gian học ở trường Cao đẳng Sư phạm, Trung quen với Phượng, vừa là một đồng nghiệp vừa là một đồng đạo. Hai người yêu nhau và đi đến hôn nhân. Trung và Phượng có được mái ấm gia đình hạnh phúc, mặc dầu lương giáo viên của hai người không đủ vào đâu. Ít lâu sau, đứa con trai đầu lòng chào đời, Trung đặt tên cho con là Hoài, có lẽ để nhớ lại quá khứ của mình và ước mong con mình sau này sẽ tiếp tục con đường ơn gọi không thành của mình.

Hai vợ chồng rất trìu mến yêu thương cậu quí tử, thay nhau chăm sóc chu đáo. Tuy bé Hoài còn thơ ngây non dại, Trung cứ đem những tấm ảnh cũ mặc chiếc áo dòng để chỉ cho con, và luôn nói với thằng bé rằng sau này lớn lên nó sẽ là một linh mục. Anh hưởng của Trung trên thằng bé rất mạnh, lại thêm Phượng cũng đồng tình với chồng.

Nền kinh tế thị trường đã làm thay đổi cục diện, tác động không nhỏ đên gia đình của Trung. Lương vợ chồng đi dạy không đủ lo cho cuộc sống. Thằng bé Hoài mỗi ngày lớn lên, phải tốn kém thêm chi phí học hành. Nhờ biết đàn organ, Trung quen với hải và xem nhau như bạn thân.

Một buổi chiều, Hải đến thăm Trung, thấy gia đình Trung lâm vào cảnh thiếu hụt, Hải đề nghị Trung làm thêm “nghề tay trái” để có thêm thu nhập. Hải mời Trung đến đàn ở nhà hàng ca nhạc do người anh của Hải làm chủ. Trung còn lưỡng lự, nhưng vì hoàn cảnh thiếu thốn, sợ không đủ khả năng lo cho con ăn học, Trung đành nhận lời mời của Hải.

Hai triệu đồng mỗi tháng ! Mỗi đêm Trung chỉ đàn có hai tiếng đồng hồ. Công việc nhàn nhã, phòng có máy lạnh, không phải bươn chải trong mưa nắng. Có đêm từ nhà hàng ca nhạc trở về, anh cảm thấy mệt nhoài, đầu nhức râm ran. Ánh đèn chớp, điệu nhạc như quay cuồng, khói thuốc, mùi rượu … làm anh thấy ngột ngạt. Nhiều đêm về đến cửa nhà, anh nôn thốc nôn tháo những thứ bị ép ăn ép uống làm vợ con sợ xanh mặt. Một lần, anh thức giấc vào nửa đêm, lò mò đi tìm nước uống, đến bàn học của đứa con, anh tình cờ đọc trang nhật ký của con vừa mới viết.

Ngày … tháng … năm …

Từ ngày Ba đi đàn ở nhà hàng, đêm nào con cũng thấy trống vắng. Không còn có bữa cơm tối quây quần bên nhau, giờ đọc kinh tối chung cũng vắng vẻ quạnh hiu, nhất là không còn được nghe Ba kể về đời sống tu sĩ linh mục mà con vẫn luôn thích thú. Con cảm thấy những bước đi lạc lỏng bơ vơ. Ba ơi, con không cần đồng tiền kiếm thêm của Ba, con chỉ cần có Ba hiện diện bên con.

Đêm ấy, anh trằn trọc mãi. Những gì đứa viết, anh suy nghĩ rất nhiều. Có phải anh đã đi lạc hướng. Tiền bạc có phải là lẽ sống chăng ? Anh đã trượt dài trên con đường kiếm tiền mà quên đi nhiều điều quan trọng hơn. Anh cản thấy hoang mang đến cùng cực. Anh có biết đâu là điểm dừng.

Sáng hôm sau, anh hủy bỏ hợp đồng với nhà hàng ca nhạc.

Từ đó, mỗi ngày vợ chồng anh đến trường với một tinh thần thoải mái. Thằng Hoài cảm thấy niềm vui đã trở lại. Đêm đêm anh cảm thấy nhẹ nhỏm ấm lòng khi cùng vợ con đọc kinh chung, và trò chuyện thân mật với vợ, gặp gỡ đứa con trai để tiếp tục nuôi dưỡng ơn gọi của nó, con đường mà anh đã hụt bước trước đây.

IX. NGHỆ THUẬT SỐNG

CHIẾC BAO GIẬN HỜN

Sự tha thứ không thể làm thay đổi được quá khứ, nhưng nó có thể mở rộng cánh cửa dẫn vào tương lai ( Paul Boèse)

Một hôm thầy giáo của chúng tôi bảo mỗi người mang theo một bao khoai tây vào lớp. Thầy dặn chúng tôi ghi tên những người mà cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa tha thứ được lên các củ khoai tây, mỗi người tương xứng với một củ. Khi cho khoai vào bao, chúng tôi nhận thấy một số bao rất nặng nề.

Sau đó thầy yêu cầu chúng tôi mang bao này theo mình trong vòng một tuần. Khi thì đặt nó bên cạnh giường ngủ, trên bàn ăn, khi thì đặt bên bàn làm việc. Sự phiền toái, vì lúc nào cũng có một bao khoai tây kè kè bên mình, đã giúp chúng tôi nhận thấy gánh nặng tinh thần to lớn mà mình đang phải mang theo. Hơn nữa, chúng tôi còn phải để mắt đến nó, để không bỏ quên, và cứ phải đật nó ở những nơi thật dễ thấy khiến cho chúng tôi bị bẽ mặt. Dĩ nhiên, sau một thời gian những củ khoai tây trong bao dần dần bị hư thối hoàn toàn.

Thầy đã muốn chỉ cho chúng tôi thấy cái giá mà chúng ta phải trả khi luôn cất giữ bên mình những nỗi giận hờn, phiền muộn và bi quan .Chúng ta thường nghĩ rằng sự tha thứ là một món quà ta dành cho người khác, nhưng thực chất đó chính là món quà dành cho bản thân chúng ta.

Từ đó về sau, mỗi khi cương quyết không tha thứ cho một ai, chúng tôi luôn nhớ đến bài học này của thầy và tự hỏi liệu túi khoai tây thối của chúng tôi đã đủ nặng hay chưa ?

X. TRANG THANH NIÊN   

DÁNG XUÂN

Các bạn trẻ thân mến,
Thế là Tết sắp đến rồi. Những ngày cận Tết thích nhất là chợ hoa. Ôi ! Cả một rừng hoa để bạn tha hồ mà nhìn ngắm, lựa chọn. Có những giò hoa nổi bật, bắt mắt và khá đắt tiền.

Những nụ hồng rực lửa thu hút các cô cậu đang yêu nhau; những đoá sen tinh khiết làm các bà nội trợ nhớ đến bàn thờ nhà mình; những giò ngọc lan tươi nở như lôi kéo bước chân “bậc vương giả’; những cành mai rực rở làm sống dậy mùa xuân đang uể oải...Rồi thì nào cúc, nào thược dược...tất cả đều tưng bừng khoe sắc và được nâng niu quý chuộng.

Trên đường về nhà, nhìn hai bên đường lại thấy có những cành hoa bé bỏng và bị lãng quên! Những đoá hoa dại không tên (hoặc không ai muốn biết tên, cũng đang khoe sắc đẹp của riêng mình). Hoa lục bình tom tím đang bồng bềnh trên sông nước; hoa trinh nữ không dấu được nỗi mắc cở dưới gót chân ai !

Một câu hỏi chợt loé lên : vậy thì hoa nào quý hơn hoa nào ? Những cánh hoa được trồng cho ngày Tết hay những bông hoa dại bên đường? Một câu hỏi không dễ trả lời!

Ngước nhìn trời tìm lời giảu đáp, chợt thấy những cánh chim ngang dọc trên bầu trời xanh. Ồ! Chim cũng có lắm loài các bạn ạ ! nào là những chú sơn ca, các cô hoạ mi được chăm sóc chu đáo và giá trị được tính bằng 5 hoặc 6 con số không đi kèm. Nhưng cũng có những con chim bé bỏng như sẻ, sâu, lá rụng...mà chổ đứng khiêm tốn hơn, đôi lúc được dùng để phóng sinh hoặc phơi mình trên vĩ nướng!

Có loài chim được chọn vì là biểu tượng cho những gì là cao cả như phượng hoàng, bồ nông, đại bàng, bồ câu...cũng có loại bị rẻ rúng, khinh khi và thậm chí bị đuổi xua vì cách sống, dáng vẻ hoặc tiếng kêu như kên kên, diều hâu, cú mèo, quạ đen. Thế thì chim nào quý hơn chim nào? Những con chim có giá đắt hơn hay vì giúp cho thiên nhiên tốt đẹp hơn?

Trong vũ trụ mọi vật đều có giá trị của nó để bổ sung, bù trừ và cân bằng vạn vật. Nếu khuyết đi một loài thì sẽ làm lệch đi cán cân sinh thái.

Theo một phương diện nào đó, bạn có thể tự hào mình là cánh én mùa xuân, một hoạ mi lảnh lót hay một hoàng anh đài các. Cũng có thể bạn tự tin và hảnh diện vì mình là một đoá sen, một cánh hồng rực rở...Điều đó cũng tốt thôi, xin chia vui và chúc mừng bạn!

Nhưng nếu bạn đang là một bông hoa dại ven đường “sớm nở tối tàn”, là hoa mắc cở phiền toái hay hoa lục bình nỗi trôi...Cũng có thể bạn là chú cú mèo đáng ghét, cô qụa đen khản tiếng kêu khóc, con kên kên vướng mùi tử thi,,,thì bạn nghĩ sao?

Tôi muốn nói với bạn: Thiên Chúa là Đấng Toàn Mỹ, Toàn Chân và Toàn Thiện. Ngài dựng nên vạn vật và điều hành mọi việc phù hợp theo sự hoàn mỹ tuyệt đối của Ngài. Trước mắt Ngài, mọi vật đều tốt đẹp và hữu ích để bổ trợ lẫn nhau, tạo nên một bức tranh toàn bích của vũ trụ

Bạn hãy vui vì mình được Thiên Chúa cho hiện hữu. Hãy mừng, vì biết rằng Chúa dựng nên bạn là duy nhất trên cõi đời nầy. Hãy tạ ơn, vì bạn dự phần vào việc tạo nên mùa xuân của vũ trụ.

Chúc bạn luôn tự tin và yêu thích chổ đứng của mình dù nó mờ nhạt, nhỏ nhoi và khiêm tốn, nhưng luôn có giá trị trong chương trình của Thiên Chúa.

XI. TRANG THIẾU NHI

GIA ĐÌNH LÀ TÁC NHÂN ƠN GỌI

Năm 2003, Giáo phận Vĩnh Long kỷ niệm 150 năm ngày Tử đạo của hai Thánh Philipphê Phan Văn Minh và Giuse Trùm Lựu. Đánh dấu cho sự kiện lịch sử nầy, Tòa Thánh đã chấp thuận cho Giáo phận hưởng đặc ơn Năm thánh kể từ ngày 3/ 7/ 2003 đến 3/7/2004 . Các em cũng đã biết: Năm Thánh đi liền với việc hưởng ơn Toàn xá với điều kiện: xưng tội chịu lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, và kính viếng nơi đã được qui định: NT Chánh Tòa VL, NT họ Mặc Bắc, NT họ Cái Mơn, Trung tâm hành hương Đình Khao VL).

Nhân tiện đây, cùng với các em, chúng ta thử nhìn lại ơn gọi của Thánh Philipphê Phan Văn Minh bắt đầu ra sao và gia đình đã đóng vai trò gì trong việc hình thành ơn gọi đi tu của ngài.

Sinh trưởng trong một gia đình đạo đức và lễ nghĩa thuộc làng Cái Mơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Vĩnh Long, năm Ất Hợi 1815. Philipphê Phan Văn Minh con ông Đa Minh Phan Văn Đức và bà Anna Tiếu, là người con út trong gia đình có14 anh chị em. Cha mẹ mất sớm, mọi việc trong nhà do người chị đảm đang. “Bà mẹ thứ hai” đã hết lòng lo cho các em về vật chất lẫn tinh thần.

Phan Văn Minh được học hỏi giáo lý chu đáo để rước lễ lần đầu, rồi nhận lãnh Bí tích Thêm sức năm 13 tuổi. Sau đó, được Đức Cha Tabert Từ nhận cho đi học Chủng viện Lái Thiêu. Nhưng chỉ ít lâu, sắc lệnh cấm đạo 1833 của Vua Minh Mạng, chủng viện phải giải tán.

Thời gian nầy Thầy Minh được theo Đức cha Từ qua Thái Lan, rồi đến trọ tại Chủng viện Pénang Mã Lai. Sau đó về nước và được Đức cha Cuénot Thể truyền chức linh mục năm 1841 tại Gia Hựu.

Có dịp nhìn lại cuộc đời thơ ấu và ơn gọi của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chúng ta cũng thấy được nét tương tự vừa nêu. Mẹ mất lúc thánh nữ mới 4 tuổi. Được sống trong sự yêu thương, trìu mến và gương sống đạo đức của người cha, nhờ đó nơi thánh nữ hình thành được tâm tình sống hiến dâng cho Thiên Chúa rất sớm. Và lòng khao khát dâng hiến ấy thôi thúc thánh nữ xin Đức Thánh Cha Lêô XIII cho mình vào nhà kín sớm trước tuổi nhà Dòng qui định.

Ơn gọi của đương kim Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng được nuôi dưỡng, lớn lên trong một bầu khí gia đình đạo đức, thánh thiện và trong môi truờng lành thánh của chính họ đạo ngài đang sống. Theo mẹ đi lễ Misa hằng ngày, đến khi mẹ mất người cha vừa thay thế vai trò làm mẹ, vừa phải chu toàn thật tốt nhiệm vụ của người cha. Nhờ đó ơn gọi đi tu được nuôi dưỡng và phát triển nơi tâm hồn ngài.

Chính nhờ gương sống đạo đức cùng sự quan tâm của cha mẹ, của gia đình dẫn đưa các em tham gia vào những sinh hoạt của họ đạo theo độ tuổi của các em, như: giúp lễ, ca đoàn, thiếu nhi Thánh Thể.Chính trong những sinh hoạt gần nhà Chúa nầy cũng giúp các em ham thích đi tu, đồng thời củng cố đựơc ơn gọi của các em nữa.

Điểm sơ lựơc vài nét tiểu sử của Thánh Philipphê Minh nói riêng cũng như hầu hết ơn gọi của các linh mục, tu sĩ nói chung, chúng ta nhận thấy rõ diều nầy: gia đình là “vườn ươm”, là “chủng viện” là tác nhân đầu tiên để ơn gọi được gieo mầm, bén rễ và phát triển. Thật vậy, chính nhờ đời sống đạo đức, chỉ bảo của cha mẹ là cách để ơn gọi được gieo vào tâm hồn các em.

GIÁO LÝ KINH THÁNH DÀNH CHO THIẾU NHI

Đoạn sách Sáng thế 1, 1-31 mô tả việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người trong sáu khoảng. Cách chi tiết Thiên Chúa đã làm gì trong sáu khoảng đó?

Đi vào chi tiết ta thấy:
Ngày thứ nhất: Thiên Chúa tách ánh sáng ra khỏi tối tăm.
Ngày thứ hai: Thiên Chúa tách nước phía trên ra khỏi nước phía dưới bằng một bầu trời.
Ngày thứ ba: Thiên Chúa tách địa cầu với nước phía dưới và trên địa cầu Thiên Chúa dựng nên thảo mộc xanh tươi.
Ngày thú tư: Thiên Chúa trang trí trên bầu trời mặt trời, mặt trăng cùng muôn tinh tú.
Ngày thứ năm: Thiên Chúa cho xuất hiện chim trên trời, cá duới biển.
Ngày thứ sáu: Thiên ChúaThiên tạo dựng thú vật và cuối cùng là con nguời.
Ngày thứ bảy: Thiên Chúa nghỉ ngơi

XII. KINH CẦU CHO GIA ĐÌNH

Lạy Thánh Gia Nazarét, là gương mẫu
của đời sống thánh thiện, công bình và yêu thương,
Xin cho gia đình chúng con trở nên nơi đào tạo nhân đức trong hiền hoà, phục vụ và cầu nguyện
Xin cho chúng con xây dựng gia đình thành mối an ủi
cho cuộc đời đầy thử thách.
Xin cho chúng con biết làm cho mọi người trong gia đình đều thăng tiến để góp phần vào việc phát triển xã hội
và cộng tác trong việc xây dựng Giáo Hội
Xin ba Đấng luôn hiện diện trong gia đình chúng con
Khi vui cũng như lúc buồn
Khi làm việc cũng như khi nghỉ ngơi
Khi lo âu cũng như lúc hy vọng
Khi sinh con cũng như lúc có kẻ qua đời
Để trải qua mọi thăng trầm của cuộc sống
Chúng con luôn chúc tụng Chúa
Cho đến ngày được sum họp với Ba Đấng trong Nước Trời. Amen

1916    19-04-2012 09:24:06