Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Gia Đình Là Trường Giáo Dục Lòng Hiếu Thảo và Thờ Phượng Thiên Chúa - Tháng 06 năm 2009

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2 VĩnhLong
26.4.2009

Vĩnh Long, ngày 27.5.2009

V/v Gia đình trường dạy Hiếu thảo và Thờ phượng Thiên Chúa

Kính gởi : Các Linh Mục, các Tu Sĩ Nam Nữ,
Anh Chị Em Giáo Dân Giáo Phận Vĩnh Long

Nói về Gia đình là nói chuyện nhà, chuyện của mình: Ai sống trên đời mà không cha mẹ không họ hàng. Nhưng đó cũng là chuyện của Chúa: Gia Đình là một tổ chức do Chúa thiết lập từ thuở ban đầu để con người mang hình ảnh Thiên Chúa học sống ơn gọi làm người và ơn gọi làm con của Chúa.

1. Lệnh truyền của Chúa cho kẻ làm con "Hãy thảo kính cha mẹ" (Xh 20,12) thì đồng thời cũng đặt để cho cha mẹ một bổn phận có thể nói đuợc là ‘đối xứng’. Cha mẹ phải tôn trọng con cái, không phân biệt nhỏ hay lớn, và thái độ nầy cần thiết trong suốt quá trình giáo dục, gồm cả giai đoạn giáo dục học đường (Gioan Phaolô II, Thư gởi các gia đình 2.2.1994, số 16).

2. Thảo Kính cha mẹ là lệnh truyền thứ tư, tiếp theo ba lệnh truyền liên quan đến bổn phận con người đối với Thiên Chúa. Cha mẹ là những người thay mặt Chúa để lưu truyền sự sống và đưa những sinh mạng mới vào trong một dòng tộc, một dân tộc, vào gia đình nhân loại. Họ là những ân nhân đầu tiên của con cái. Họ phải được kính trọng và tri ân.

Sách Huấn ca mô tả Lệnh truyền "Hãy thảo kính cha mẹ" một cách cụ thể hơn: "Ai thờ cha thì bù đấp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha, sẽ được vui mừng vì con cái; khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe Ai tôn vinh cha, sẽ được trường thọ, ai an ủi mẹ, sẽ được công nơi Chúa…

Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già của cha ngươi. Chớ làm phiền lòng người, khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy cảm thông. Ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. vì việc nghĩa làm cho cha sẽ không rơi vào quên lãng, nhưng sẽ đền bù tội lỗi, và vào ngày bĩ cực, công việc con sẽ được nhớ đến, như băng giá khi trời tốt, tội con sẽ tan đi’ (3,2-6. 12-15).

3. Các Lệnh Truyền của Giao Ước Sinai được xếp thành hai bảng: Ba lệnh Truyền đầu qui định các bổn phận trong tương quan với Thiên Chúa và tóm kết trong giới răn "Phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết tâm hồn và hết sức ngươi"(Đnl 6,5); bảy Lệnh Truyền còn lại qui định những bổn phận của con người trong tương quan với chính mình và với tha nhân, được xếp trong bảng thứ hai và được tóm kết trong giới răn "Hãy yêu thương đồng loại như chính mình" (Lêvi 19,18).

Trả lời cho một luật sĩ thuộc nhóm Biệt Phái, Chúa Giêsu quả quyết : ‘Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi và hết trí khôn ngươi! Đó là giới răn lớn, giới răn đệ nhất. Thứ đến cũng giống như điều ấy : Ngươi phải yêu mến đồng loại như chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật cùng các tiên tri đều qui vào hai giới răn ấy’ (Mat. 22,37-40).

Như thế Lệnh Truyền thứ tư liên kết mật thiết với lệnh truyền yêu thương. Thảo kính cha mẹ là một nghĩa vụ công bằng, mà nhiều lúc khó thực thi nếu không có đức ái; vả lại, ơn gọi căn bản của con người là sống yêu thương, là mến Chúa và yêu tha nhân, yêu thương những người gần gũi mình trước, nhưng còn ai gần gũi với nhau hơn cha mẹ với con cái?

Thánh Phaolô nhắc lại lệnh truyền thứ tư, bằng những lời khuyên cụ thể : "Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa, vì đó là phải lẽ. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi. Lệnh truyền ấy là lệnh truyền thứ nhất có kèm thêm lời hứa : ngõ hầu ngưới được phúc và hưởng thọ trên đất" (Eph. 6,1-3).

Nơi khác, Thánh Tông đồ thêm: "Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì là điều đẹp lòng Chúa" (Col. 3,20) .

Chắc chắn, tình phụ tử và tình mẫu tử là yếu tố quan trọng và cần thiết để phát huy tình hiếu thảo nơi con cái.

Trong thực tế, người ta dùng những phương thế nào để phát triển lòng hiếu thảo? Như chăm sóc cho nhau từ chỗ ở đến bàn ăn, những bữa ăn gia đình như cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa các thành viên, những dịp đặc biệt như những ngày kỷ niệm của gia đình như ngày thành hôn của cha mẹ, kỷ niệm của một thành viên như sinh nhật, ngày tốt nghiệp…

4. Gia đình công giáo chắc chắn giữ vai trò quan trọng, không thể thay thế, trong lãnh vực giáo dục tôn giáo. Trong gia đình, người mẹ tự giới thiệu mình cho con qua những cử chỉ âu yếm, ân cần chăm sóc, rồi sau đó giới thiệu cho con biết những người gần gũi nó, là người cha, các anh chị, ông bà, họ hàng. Cũng vậy, người mẹ trước tiên nói về Chúa cho con, dạy con cầu nguyện. Kinh chung gia đình là một sinh hoạt cần thiết để giáo dục đức tin, để chứng tỏ Gia đình là Hội Thánh tại gia.

Hoàn cảnh xã hội thay đổi quá nhanh, giáo dân không còn gần gũi, lui tới Nhà Thờ như trước kia, con cái vì lý do học hành sống xa cha mẹ, thậm chí có gia đình, không còn dùng bữa chung với nhau, không còn giờ kinh chung với nhau. Do đó tình gia đình, lòng hiếu thảo cũng phai mờ đi và lòng đạo cũng suy giảm. Người ta quên rằng Gia Đình là hồng ân Thiên Chúa ban cho con người để từ đó học sống đạo làm người và đạo làm con Chúa. Gia đình Công giáo cũng nói được là Mầu nhiệm vì nơi đó sự sống là một giá trị thánh thiêng được trao ban; là Hội Thánh Hiệp Thông khi nhờ ơn Chúa mà phát triển lòng hiếu thảo; là Hội Thánh Sứ Vụ để làm chứng ơn gọi sống hạnh phúc cho mọi người.

Hãy cầu xin cho mọi người biết tôn trọng gia đình và mộ mến các nhân đức về đời sống gia đình .

+ Tôma Nguyễn Văn Tân

                Giám mục Vĩnh Long

  CHỦ ĐỀ:GIA ĐÌNH LÀ TRƯỜNG GIÁO DỤC LÒNG HIẾU THẢO
VÀ THỜ PHƯỢNG THIÊN CHÚA

I. THƯ MỤC VỤ số 8

Luật Cựu Ước đã đề cập đến lòng hiếu thảo đối với cha mẹ ngay sau khi nói đến bổn phận thờ phượng của con người đối với Thiên Chúa trong ba giới răn đầu. Điều đó cho thấy tình tương thân tương ái trong gia đình đi liền với việc tôn thờ Thiên Chúa. Nói cách khác, hiếu thảo với các bậc sinh thành dưỡng dục là bổn phận quan trọng chỉ đứng sau việc thờ phượng Thiên Chúa. Tiếp đó, các tác giả văn chương khôn ngoan đã ca tụng những người con hiếu thảo. Hiếu thảo không chỉ là việc đền đáp nghĩa sinh thành, nhưng còn vì “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu… ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3, 3-6). Có thể nói, việc tôn thờ Chúa bảo đảm cho hạnh phúc gia đình và việc thảo kính cha mẹ là bổn phận thiết yếu đối với những ai yêu mến Chúa và muốn nên trọn lành. Gia đình chính là chiếc nôi ấp ủ, là mái trường đào tạo con người biết thực hành bổn phận cao quý này.

II. DẪN GIẢI

Điều răn thứ tư rất quan trọng vì sau ba điều răn về Chúa thì đến điều IV về gia đình.

Gia đình là tổ ấm, là trường học đầu tiên để con người học biết những chi cần cho đời sống.
Học biết hiếu thảo nghĩa là những đức hạnh để nối kết mọi thành phần của gia đình.

Gia đình (công giáo) cũng là trường học để biết tôn thờ Chúa, vì cha mẹ nói được là thay quyền Chúa, sinh dạy con cái. Con cái tôn kính cha mẹ, nói được là gián tiếp thờ Chúa và nhờ gia đình nên thánh.

Thư Mục Vụ cũng nhắc đến những lợi ích của hiếu thảo. Hiếu thảo bù đắp được những lỗi lầm, hiếu thảo là kho báu, hiếu thảo thì được trường thọ.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

ĐÔI VAI CỦA NGƯỜI CHA

Tháng 11 năm 1958, ngay chính ngày đăng quang, khi nói chuyện với khách hành hương, Đức cố Giáo Hoàng Gioan 23 đã kể lại một giai thoại trong cuộc đời của ngài như sau:

"Khi tôi lên 7, một hôm cha tôi đưa tôi đến một làng bên cạnh, nơi đang tổ chức một buổi lễ của Công Giáo tiến hành trong giáo phận. Phải đi bộ nhiều cây số, tôi cảm thấy mệt mỏi. Cha tôi đã phải đặt tôi trên vai của người. Đến nơi, tôi cảm thấy thất vọng, bởi vì dân chúng qúa đông, mà tôi thì bé nhỏ. Mất hút trong chợ người, tôi không thể nhìn đoàn người đang diễn hành... Thế là một lần nữa, cha tôi lại bồng tôi trên vai của người. Từ trên cao, tôi có thể xem thấy tất cả mọi sự".

Và vị Giáo Hoàng được mệnh danh "nhân lành" đã kết luận như sau: "70 năm qua, nhưng tôi vẫn còn ghi nhớ trong tâm trí tôi cử chỉ của cha tôi. Nó đã trở thành một biểu trưng kỳ diệu. Ngày nay, mỗi khi mệt mỏi, mỗi khi tôi không còn thấy gì nữa, tôi nài xin vị Cha trên trời nâng tôi lên đôi cánh của Người".

Chỉ từ trên đỉnh cao, chúng ta mới có thể thấy rõ mọi sự. Chính Chúa là đỉnh cao của chúng ta. Nơi Người, chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa của cuộc sống... Những lúc chán sống, những lúc hầu như không còn thấy gì nữa, chúng ta hãy chạy đến với Người.

Tựa trên đôi vai của cha và đôi tay của mẹ, mỗi người chúng ta vững bước vào đời. Từ điểm tựa vững chắc là tấm lòng của cha mẹ chúng ta lớn lên thành người và thành con Chúa trong niềm tin. Công sinh thành, công dưỡng dục, xiết bao kể thấu công ơn cha mẹ! Cám ơn Chúa đã cho chúng con có mẹ, có cha, và qua tình thương của cha mẹ, chúng con nhận ra tình thương của Chúa.

IV. DIỄN GIẢI

Đã sinh ra ở trên đời ai cũng có mẹ, có cha. Mối giây thân thiết ruột thịt gắn bó con cái với cha mẹ từ lúc bé thơ cho đến khi trưởng thành. Tình cảm thiêng liêng gắn bó giữa cha mẹ là đấng sinh thành dưỡng dục với con cái và ngược lại giữa con cái với cha mẹ là lẽ tự nhiên. Vì thế, yêu mến và kính trọng cha mẹ là những đấng có công sinh thành dưỡng dục là bổn phận tự nhiên và hợp lẽ công bằng, trở thành quy luật tự nhiên mà mỗi người con đều phải tuân giữ.

Việt Nam chúng ta là một dân tộc rất tôn trọng chữ hiếu: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là đi tu.“ Như thế thờ kính cha mẹ trở thành đạo hiếu khiến những ai hiếu kính với cha mẹ của mình đạt được viên mãn và hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng câu: “Công cha như núi Thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con“. Tâm thức của mọi người nhìn nhận công ơn cha mẹ như trời, như biển: công cha như núi Thái; nghĩa mẹ như biển Đông. Và để thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà cha mẹ, chúng ta còn có những ngày truyền thống như Giỗ, Tết...con cháu dù làm ăn ở đâu xa cũng cố gắng quay về sum họp gia đình, đốt nén nhang tưởng nhớ công đức các đấng sinh thành.

Ngoài ra, việc hiếu kính với cha mẹ còn là lệnh truyền của Chúa trong Mười Điều Răn. Sau Ba Giới Răn đầu nói về bổn phận đối với Chúa, thì liền sau đó là bổn phận hiếu thảo đối với Cha mẹ (x. Xuất Hành 20, 12). Như vậy, chu toàn bổn phận hiếu kính với cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên mà con là luật Chúa qui định mỗi người phải thực hiện (x. Lêvi 19,3; Đệ Nhị Luật 5,16). Ai kính sợ và thảo hiếu với cha mẹ thì được Chúa chúc lành (x. Xuất hành 20,12), được sống trường thọ (x. Huấn ca 3,6), được tha thứ lỗi lầm (x. Huấn Ca 3,14)... Còn ai bất hiếu với cha mẹ thị bị xử tử (x. Lêvi 19,3), bị nguyền rủa (x. Đệ Nhị Luật 27,16)...

Đức Giêsu trong khi giảng dạy về bổn phận đối với cha mẹ cũng đã nhắc lại lời Kinh Thánh Cựu Ước: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4). Thánh Phaolô cũng nhắc bảo về bổn phận hiếu thảo: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này ” (Eph. 6,1-3) .

Đức Giêsu cũng đã được Đức Mẹ và Thánh Giuse dạy dỗ sống hiếu thảo qua việc vâng phục hai ông bà: “Sau đó, Người...trở về Nazarét và hằng vâng phục các Ngài“ (Lc 2,51). Lòng hiếu thảo của Đức Giêsu còn thể hiện rõ nét khi oằn oại trên thánh giá và sắp lìa đời, Ngài vẫn không quên trối mẹ mình lại cho môn đệ chăm sóc: “Khi th?y thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà. “Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình“ (Ga 19,26-27).

Đối với Chúa Cha, Đức Giêsu hằng vâng phục Người mọi đàng: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người“ (Ga 6,34). Lời cuối trên thập giá trước khi kết thúc cuộc đời dương thế: “Mọi sự đã hoàn tất“ (x. Ga 19,30) đã được Thánh Phaolô xem như hiến lễ trọn vẹn của sự vâng phục: “Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự“ (Phil. 2,8).

Như vậy Đức Giêsu chính là mẫu mực tuyệt vời của lòng hiếu kính đối với Cha trên trời và cha mẹ trần thế của Ngài. Cuộc sống mẫu mực của Đức Giêsu cũng nhắc chúng ta về vai trò giáo dục của cha mẹ trần thế của Người ph?i như thế nào để có được một người con hiếu thảo hằng luôn vâng phục và yêu mến cha mẹ như thế.

Lòng yêu thương tự nhiên đối với cha mẹ không phải bổng nhiên mà biến thành đạo hiếu, nếu cha mẹ không dày công dạy con cái biết sống có cội có nguồn, nhờ đó con cái nhận ra những thành quả mà chúng có được như ngày hôm nay là nhờ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên ra sức gầy dựng.

Do đó, qua gương sống yêu thương của mình cha mẹ dạy con biết sống yêu thương và vâng lời cha mẹ. Bởi vì có yêu thương con cái mới có thể chu toàn những bổn phận đối với cha mẹ của mình. Lòng yêu thương bao hàm sự tôn kính, vì cha mẹ thay mặt Chúa sinh dưỡng và nuôi dạy chúng ta thành người. Lòng yêu thương còn thể hiện qua tấm lòng biết ơn: Khi cha mẹ còn sống thì phụng dưỡng, viếng thăm, nhất là khi cha mẹ già y?u chẳng những không bỏ rơi mà còn tránh những lời nói, thái độ thiếu thông cảm, tế nhị khiến cha mẹ buồn tủi. Khi cha mẹ mãn phần thì lo xin lễ cầu nguyện và đưa cha mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

“Dạy con dạy thuở còn thơ", cha mẹ cần dạy con cái biết vâng lời, ngay khi chúng còn bé, để khỏi nuối tiếc về sau. Đó cũng chính là trách nhiệm chính yếu của cha me, thay mặt Chúa dạy dỗ con cáiï: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy“ (Eph. 6,4). Thánh Phaolô còn nói: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo“ (Eph 6,1). Có vâng lời cha mẹ thì con cái mới mong nên người. Vâng lời cha mẹ thì đẹp lòng Chúa và làm cho cha mẹ vui lòng: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa“ (Col. 3,19).

Cha mẹ có quyền và có bổn phận dạy con phải biết thảo kính, do ơn sinh thành và dưỡng dục. Nhưng cha mẹ chỉ là cánh tay nối dài công cuộc sáng tạo của Chúa. Chính Chúa mới là nguồn sống, là Đấng sinh dựng nên con người. Thế nên, từ chỗ dạy con biết hiếu thảo, cha mẹ hướng con cái đến việc thờ phương Thiên Chúa. Ngài yêu thương chúng ta với tấm lòng của một người cha và đồng thời của người mẹ.

Việc thờ phượng hệ tại ở chổ nhận biết, tôn thờ và yêu mến vâng phục. Trẻ cần được dạy cho biết có Thiên Chúa là Đấng sinh dựng muôn loài, trong đó có con người, được Chúa yêu thương dựng nên giống hình ảnh Ngài. Nên chỉ phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi.

Thờ kính Chúa không chỉ bằng môi miệng bên ngoài, qua một số câu kinh, bài hát hay những nghi lễ hình thức bên ngoài mà bằng cả tấm lòng để Chúa khỏi quở trách: “Dân nầy kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta“ (Mt 15,8; Mc 7,6).

Như vậy, việc thờ phượng dành cho Chúa phải xuất phát từ lòng yêu mến và vâng phục thánh ý Ngài, qua Lời Chúa, qua các Giới Răn, qua giáo huấn và các bề trên trong Hội Thánh. Vì ai yêu mến Chúa thì chu toàn thánh ý của Ngài.

“ Đêm đêm con thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con“.

KIỂM ĐIỂM

Chúng ta có nhận biết gia đình là tổ ấm, là trường học đầu tiên hướng dẫn dạy dỗ chúng ta làm người thích đáng, đúng với nhân phẩm không?

Có gia đình thì con người mới học hỏi, thể hiện những đức tính nuôi dạy và hiếu thuận. Chúng ta có nghĩ đến điều này không?

Hiếu thuận với cha mẹ thì đòi phải thờ Chúa, vì cha mẹ nói được là thay thế Chúa, sinh dạy con cái! Có thấy, biết điều này không?

Gia đình hiếu thuận thờ Chúa mới mong có được con cái thánh thiện đạo đức, chúng ta có xác tín điều đó không?

Lưu ý: Cách chung gia đình Việt Nam Không mấy ai suy niệm những điều trên này. Ít có người chú tâm đến thiện hảo hóa gia đình; thường chỉ chú trọng đến tình cảm, ít lo nghĩ đến phận sự.

V. LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa đã thiết lập một định chế cho con người là: Hôn nhân và gia đình là môi trường để con người được sinh ra, được nuôi dưỡng và được giáo dục. Vì thế, gia đình là cũng là trường giáo dục lòng hiếu thảo và lòng thờ phượng Thiên Chúa.

  1. Chúa phán: “Khi cầu nguyện hãy nói: lạy Cha chúng con ở trên trời”. Hội Thánh là một gia đình dạy các tín hữu về lòng hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Cha. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn thờ phượng Chúa.

  2. Chúa phán: “Ngươi hãy thờ phượng Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ thờ một mình Người”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình Kitô-hữu, biết chỉ bảo nhau lo việc thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự.

  3. Chúa phán: “Điều răn trọng nhất là: ngươi hãy kính mến Thiên Chúa hết lòng”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình Kitô-hữu, giáo dục nhau trong gia đình mình biết hết lòng kính mến Thiên Chúa, trên hết mọi sự.

  4. Chúa phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình trong họ đạo chúng ta, luôn là trường giáo dục lòng hiếu thảo và lòng thờ phượng Thiên Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn gia đình là nơi giáo dục lòng hiếu thảo và lòng thờ phượng Thiên Chúa. Xin ban Thánh Thần cho chúng con, dạy chúng con biết cách giáo dục trong gia đình cho có nhiều hiệu quả như lòng Chúa mong ước. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

DẠY CON THẢO HIẾU

Trong nhà của các gia đình Việt Nam, ta dễ dàng tìm thấy bàn thờ gia tiên được đặt trang trọng ở nơi quan trọng nhất trong gia đình, nơi đó được dành để thờ kính ông bà tổ tiên. Khi nói đến gia đình Việt nam, người ta thường hay nói tới sự thảo hiếu như là một niềm hãnh diện. Sự thảo hiếu này không phải là một yếu tố tuỳ phụ nhưng nó là yếu tố chính yếu làm cho các gia đình có tôn ty trật tự (có truyền thống gia đình). Đặc biệt hơn nữa, sự thảo hiếu còn được phát triển thành “đạo”: đạo hiếu, ai không thảo hiếu là lỗi với trời đất, “Ai bỏ cha mẹ cơ hàn, ngày sau Trời phạt đứng đàng ăn xin”.

Đạo hiếu chính là đạo của lòng biết ơn. Biết ơn trời đất, biết ơn ông bà cha mẹ. Cốt lõi của đạo hiếu bắt đầu bằng: tôn kính cha mẹ lúc còn sống, thờ phượng cha mẹ lúc qua đời. Biết ơn cha mẹ phải được nói lên bằng chữ “đạo” và đây cũng là phẩm chất cao cả và thiêng liêng của con người, bởi chưa từng có ai hiếu thảo mà lại bất trung cũng chưa từng có ai hiếu thảo mà lại bất nhân. Ca dao tục ngữ Việt nam không biết đã dùng bao nhiêu câu từ để truyền tụng về lòng thảo hiếu làm ta đọc mãi mà chưa thấy cạn nguồn. “Cầu cho cha mẹ ở đời, cầu cho cha mẹ bảy đời siêu sinh”, “Dạy con, con nhớ lấy lời, trọng cha, kính mẹ, suốt đời chớ quên”…. Người Việt nam xem nặng đạo hiếu như thế nhưng ở môi trường nào thì con người được dạy cho biết sống đạo hiếu?

Gia đình vốn là nơi đào tạo con người toàn diện và hiệu quả nhất, trong môi trường gia đình con người được đào tạo về kiến thức, nhân bản, lòng đạo đức…và cả lối sống để có khả năng bước vào trong đời sống xã hội. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII trong lá thư gởi cho mẹ lúc ngài được 50 tuổi ngài viết: “Thưa thầy mẹ, hôm nay con được 50 tuổi. Chúa thương ban cho con nhiều trách nhiệm trong Giáo hội, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn hồi con được được ngồi trên chân thầy mẹ” (Đường Hy Vọng số 505). Có thể nói một cách chi tiết hơn cha mẹ là người quan trọng hơn hết trong việc dạy dỗ con cái về lòng thảo hiếu.

Trong các gia đình Kitô hữu, còn một chữ hiếu khác cao cả hơn, thiêng liêng hơn mà ai ai cũng hướng về để chu toàn đó là thảo hiếu với Thiên Chúa. Trong Mười Điều Răn ta có thể chia làm 2 phần chính: phần đầu gồm 3 điều răn đầu hướng con người về mối liên hệ đối với Thiên Chúa, phần sau gồm những điều răn còn lại hướng con người về những mối liên hệ với nhau. Giữa hai phần này của Mười Điều Răn ta đọc thấy có điều răn thứ 4 khác lạ. Nó thuộc phần sau của Mười Điều Răn nhưng lại không có chữ “chớ” và ta có thể thêm vào cho nó một chữ “phải” (Phải thảo kính cha mẹ), giới răn thứ 4 nằm liền sau 3 giới răn đầu quy hướng về Thiên Chúa cho thấy được mối liên hệ chặt chẽ giữa thảo hiếu với cha mẹ và thảo hiếu với Thiên Chúa. Sách Giảng Viên có dạy: thảo kính cha mẹ là thảo kính Chúa, tôn kính cha mẹ là tôn kính Chúa. Chúa Giêsu là mẫu mực của lòng hiếu thảo, Người luôn vâng phục Ý Cha, làm đẹp lòng Cha. Người lên án những người lấy cớ để tiền dâng cúng mà bỏ qua việc thảo hiếu với mẹ cha. Hiếu với cha mẹ bởi vì các ngài có công sinh thành dưỡng dục, hiếu với Chúa bởi Người là Đấng sáng tạo muôn loài và là Đấng dựng nên chính mỗi con người chúng ta. Như vậy, một cách nào đó ta có thể nói hiếu với Chúa chính là thờ phượng Thiên Chúa, tin nhận Người là chủ tể muôn loài và con người có bổn phận tôn vinh, thờ phượng Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. Thờ phượng Thiên Chúa là đỉnh cao của lòng hiếu thảo. Ai không thảo hiếu với ông bà tổ tiên thì không thể thờ phượng Thiên Chúa chân thật và có thờ phượng Thiên Chúa chân thật thì không thể không thảo hiếu với tổ tiên.

Gia đình Nagiareth là mẫu gương trong việc giáo dục lòng hiếu thảo và sự thờ phượng Thiên Chúa. Mẹ Maria, một thiếu nữ làng Nagiareth luôn hết lòng tin cậy, yêu mến Chúa, được Chúa mời gọi là mẹ Đấng Cứu Thế mẹ đã xin vâng một cách khiêm tốn. Suốt cuộc đời của mẹ, mẹ đã tận hiến cho Chúa, làm đẹp lòng Chúa. Chính cách sống của mẹ đã là một cách giáo dục người con tuyệt vời. Thánh cả Giuse cũng vậy, người là người cha nuôi gương mẫu, thinh lặng tận tình phục vụ thánh ý Thiên Chúa, chỉ lo làm đẹp ý Chúa. Chính cuộc đời của Chúa Giêsu đã minh chứng cách hùng hồn sự ảnh huởng của người cha, người mẹ trên cuộc đời của Người.

Rõ ràng gia đình là môi trường đầu tiên con người được dạy cho biết thảo hiếu: thảo hiếu với ông bà tổ tiên, và đỉnh cao là thảo hiếu với Thiên Chúa qua việc thờ phượng. “Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”. Tổ tông cao cả nhất của con người chính là Thiên Chúa mà ta phải thể hiện lòng thảo hiếu qua việc thờ phượng, có thờ phượng Thiên Chúa thì ta mới có thể chu toàn đạo hiếu với tổ tiên.

VII. HỌC KINH THÁNH

BÀI 41: NGÔN SỨ HABACÚC

1/ Nội dung của sách.
Sách nầy được biên soạn rất công phu. Nó khởi sự bằng một cuộc đối thoại giữa ngôn sứ với Thiên Chúa của ông:

- 1, 2-2,4: đáp lại hai bài thi ca của ông là hai lời sấm của Thiên Chúa.
- 2, 3-20: bài sấm thứ hai phát ra những lời nguyền rủa chống quân áp bức gian ác.
- 3, 1-19: ngôn sứ hát lên một thánh vịnh ca tụng cuộc toàn thắng chung cuộc của Thiên Chúa.

Tuy người ta phủ nhận tính đích thực của chương 3, nhưng nếu không có nó thì việc biên soạn sẽ bị què quặt.

2/ Thời hoạt động của ngôn sứ.
Căn cứ vào sự bủa vây Giêrusalem lần thứ nhất -597, thì Habacúc chỉ hoạt động sau Na-Khum m?t th?i gian r?t ng?n, như Na-Khum, ông là người đồng thời với Giêrêmia.

3/ Giáo lý của ngôn sứ.
Ông dám yêu cầu Thiên Chúa biện giải về việc người điều khiển thế giới. Giuđa phạm tội, nhưng tại sao Thiên Chúa 1ại chọn quân Can-đê dã man để thực hiện sư oán phạt?

Cââu trả lời của Thiên Chúa cho ông cũng như cho con người: do những đường lối nghịch thường, Thiên Chúa toàn năng sửa soạn cho sự chiến thắng chung kết của pháp luật và “người công chính sẽ sống nhờ sự trung thành của mình” (2, 4). ?ây là hòn ngïọc của tập sách nhỏ nầy, mà thánh Phaolô đã đem gắn vào giáo lý của ngài về đức tin (Rm 1, 17; Gl 3, 11; Dt 10, 38).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết xin những điều đẹp ý Chúa. Xin cho con luôn sống trong tâm tình tạ ơn, và hạnh phúc vì biết rằng mình được Chúa yêu thương. Amen.

VIII. SỐNG ĐẠO

ĐẠO TÌNH YÊU

Chúa là Tình Yêu. Vì yêu Chúa đã tạo dựng. Cũng bởi tình yêu vô cùng nên Chúa đã tái tạo nhân loại. Dĩ nhiên lề lối hay lề luật hay đạo dẫn dắt con người sống đúng nhân phẩm, đúng với mối tương quan con người đối với Thiên Chúa và con người đối với con người, phải là đạo tình yêu. Không sống yêu thương thì có thể nói là chưa sống đạo. Chúng ta thử kiểm điểm xem có tôn thờ Chúa không?

Bề ngoài xem ra tôi giữ đạo, tôi thờ Chúa nhưng thật sự tôi không thờ. Tôi thờ Chúa để Chúa ban cho sức khoẻ, ban cho tôi làm ăn thịnh đạt, phúc lạc ở thế trần. Như thế, đâu có phải là thờ Chúa, đúng hơn là bắt Chúa phục vụ mình.
Giữ đạo, tôn thờ và ý thức thiên hạ giữ thì mình cũng giữ, thế thôi! Sao gọi được là sống đạo.
Nhận định đạo là tốt, mình giữ đạo thì mình nên người tốt, thiên hạ tôn trọng mình, cũng chưa hẳn là sống đạo.
Mình giữ đạo, vì đạo lợi ích cho cá nhân, cho xã hội. Mục đích sống đạo cao siêu hơn, vượt trên những lợi ích của thế trần.
Tôn thờ thích đáng hơn là nhìn nhận Chúa tạo dựng mình, Chúa là Chủ tể, mình là vật thọ tạo phải tuỳ thuộc Chúa. Đúng nghĩa tôn thờ, nhưng chưa nói được là thiện hảo. Phải thờ Chúa với tình yêu, bằng tình yêu. Mến Chúa, yêu người là đặc điểm căn bản của Đạo bao gồm tất cả luật lệ luân lý. Không có thương yêu thì chưa hẳn là đạo. Thương Chúa, thương người, thương vật, có thể thương cả những biến cố diễn tiến dưới đời.

Chúng ta hãy cố gắng sống tình yêu, nếu không xuyên suốt nổi thì ra sức thể hiện nhiều lần trong ngày. Tất cả những ý nghĩ, những tác động, giờ ngủ nghỉ, phải thể hiện dưới năng lực của tình yêu.
Sống Đạo là sống Tình Yêu!

SỐNG HIỆP THÔNG

Chúng ta thường nói đến hiệp thông, mà chúng ta có hiểu hiệp thông là gì không? Có thể có nhiều người hiểu, nhưng cũng có thể không mấy người thể hiện sống hiệp thông. Ngay giới giáo sĩ, tu sĩ không mấy người biết sống hiệp thông. Chúng ta có thể hiểu (hiệp thông): hiệp là liên kết nhau nên như một; còn thông là trao đổi chia xẻ cho nhau những tâm ý tác động, công trình, sáng kiến… tất cả những gì kể được là thiện hảo của nhau.

Mặc dầu Chúa ban cho mỗi người ngôi vị cá biệt, và cho tự do chọn lựa nhưng Chúa vẫn muốn con người sống hiệp thông.

Trong thực tế, nguyên tổ đã không vâng lịnh Chúa, đưa chia rẻ vào vũ trụ, làm cho loài người khó sống Hiệp thông, lại lạm dụng tự do quá đáng, làm cho chia rẻ nên trầm trọng tai hại.

Gây chia rẻ trầm trọng vì người tự trọng, tự tôn quá đáng thì không nghĩ đến phẩm giá người khác cho mình là trên hết. Không chấp trên mình, luôn tranh đấu để hơn thiên hạ, khinh thường thiên hạ, khinh dễ, chê bai, xem thường, không thèm giao tiếp, như Pharisêu không thèm, không nên giao tiếp với Publicanô.

Ngay đối với bề trên có thẩm quyền, kẻ tự tôn cật vấn sao họ có quyền, họ chẳng có hơn gì tôi, lại có nhiều khuyết điểm! Do đó, họ chẳng những không tuân lệnh mà còn chỉ trích, cho là con người không đáng nắm quyền.

Như thế thì làm sao giữ được liên kết hiệp nhất, càng không thể chia sớt trao đổi, nghĩa là không thể thông trao cho nhau, những đặc điểm thiện hảo của mình. Chia cho người ta bằng mình hay hơn mình không thể được; giúp cho người ta lên chân thì còn gì là mình; người ta không phải bà con thân thiết với mình, dại gì giúp đỡ họ!

Lạm dụng tự do và sống cá biệt quá đáng thì không thể có hiệp thông và dĩ nhiên không đúng với ý Chúa.

Chúa muốn cho nhân loại nên một (một ràn và một chủ chăn). Chúa muốn mọi người vì đều là con Chúa nên phải sống tình huynh đệ và mến thương nhau.
Hiểu sống hiệp thông. Hiệp thông là hiệu quả đặc biệt của Thương yêu (chính đáng).

THÁNG TRÁI TIM

Hội Thánh muốn chúng ta dùng tháng nầy để tìm hiểu tôn thờ và sùng mến tình yêu của Chúa.

Tôn thờ vì mầu nhiệm nhập thể đã làm cho nhân tính của Chúa được như đồng hoá với thiên tính, đáng cho chúng ta tôn thờ. Hình Thể Trái Tim để chúng ta nhận thấy tình yêu của Chúa.

Thiên Chúa là Tình Yêu. Bởi yêu nên tạo dựng những vật ngoài Thiên Chúa, cho tham dự vào sự hiện hữu của Chúa, từ vật vô tri đến vật có cảm giác, rồi đến con người có được linh tính. Hơn nữa, Chúa còn ban cho con người có sự sống, giống như sự sống của Chúa, để con người làm chủ vũ trụ và hướng vũ trụ về Chúa, nghĩa là vạn vật nhờ con người mà lệ thuộc Chúa. Còn chính con người còn được liên kết với Chúa.

Nhưng Adong nguyên tổ lại phá đổ chương trình của Chúa. Chúa lại tái tạo chương trình bằng một lề lối biểu lộ tình yêu siêu việt phi thường.

Chúa nhập thể để nhập thế, gần như bỏ trời để chạy tìm gặp tình yêu (Hoàng tử tìm cô gái lọ lem!)
Lãnh việc đền tội thay thế cho loài người, vì chính con người không khả năng đền tội phạm đến Chúa.
Đền tội bằng thương yêu triệt để, chết thay cho con người mình yêu. Không việc thương yêu nào cao vời hơn.
Chết để nên của lễ thượng tiến cho Cha. Thờ phải có của lễ, con người có chi để dâng tiến Chúa. Con người dẫu chết trăm ngàn lần cũng không xứng đáng. Chỉ có nhân tính Chúa làm của lễ mới tương xứng.
Nhờ của lễ tuyệt đối này kéo được mọi ơn lành của Chúa. Không ơn Chúa thì không sống và cũng không tác động có giá trị trước mặt Chúa.
Không có ơn cứu chuộc thì không thể được lại ơn làm con Chúa, sống như Chúa, kết hợp với Chúa và thông phần vinh hiển của Chúa.
Chúa không những ban ơn mà còn ban Mình nên của ăn nuôi linh hồn.

Tất cả vì tình yêu, tình yêu tuyệt đối! Chúng ta có mến Chúa không. Có dám nói không phục (như một số thiên thầ) , không yêu (như nguyên tổ) không?

Chúng ta phải mến yêu, phải tin tưởng vào tình Chúa yêu, tin tưởng đến bên Chúa, nương tựa vào Chúa.

IX. MUC VỤ THIẾU NHI

DẠY CON HIẾU THẢO

Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu cho tròn đạo con.

Đúng vậy, một trong những truyền thống tốt đẹp của người Á Đông nói chung, cách riêng của người Việt Nam là thảo kính ông bà cha mẹ.

Để đánh giá một con người có thể nói tiêu chuẩn trước tiên là thảo kính với ông bà cha mẹ. Bởi lẽ, dù có làm ông này bà nọ hay bất cứ địa vị nào trong xã hội bổn phận làm con cũng không thể nào mất đi được. Bổn phận làm con phải vâng lời và thảo kính cha mẹ, Hơn nữa, với người Công giáo đây là giới răn đầu tiên sau 3 giới răn bổn phận với Chúa. Có vâng lời và thảo hiếu cha mẹ cho trọn đạo làm con thì người tín hữu mới có thể sống trọn đạo làm con Chúa được.

Để sống tốt những điều này không nơi nào thuận tiện cho bằng môi trường gia đình. Do đó, trong thư mục vụ năm 2008 có đoạn như sau “việc tôn thờ Chúa bảo đảm cho hạnh phúc gia đình và việc thảo kính cha mẹ là bổn phận thiết yếu đối với những ai yêu mến Chúa và muốn nên trọn lành. Gia đình chính là chiếc nôi ấp ủ, là mái trường đào tạo con người biết thực hành bổn phận cao quý này”.

Tuy vậy, nếu chỉ ngồi đọc những văn kiện đó, cố gắng giải thích phải yêu kính cha mẹ cho con trẻ thì không bao giờ con trẻ biết thảo kính đâu. Trước hết cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con trẻ. Chắc chúng ta còn nhớ câu chuyện. Có người đàn ông nọ vì quá chán nản cảnh phải nuôi mẹ già nên ông làm một chiếc xe đẩy mẹ vào rừng với ý định bỏ mẹ cho chết ở đó. Khi trở về không thấy đứa con trai đâu nên ông đi tìm. Lúc lâu thì gặp thằng bé đang cố kéo cái xe từ trong rừng ra. Ông hỏi nó đem xe về làm gì? Nó bảo để dành khi ba già con cũng đẩy ba vào rừng như ba đã đẩy nội.

Gia đình là chiếc nôi nhưng nôi không ai đưa thì chỉ là vật trang trí. Nhà là mái trường nhưng mái trường không có thầy dạy thì chỉ là một công trình kiến trúc. Tất cả phải là những nỗ lực, cả trong trong cuộc sống và trong những lời cầu xin. Giáo Hội khôn ngoan gợi mở và xác định trước cho chúng ta tầm quan trọng của việc giáo dục trong gia đình. Nhưng bản thân mỗi gia đình phải biết tận dụng khả năng của mình. Chúng ta không thể đổ hết “tội” cho cộng đồng, cho giáo xứ, cho các vị có trách nhiệm. Chúng ta cũng không nên nghĩ “tôi phụ tiền xây nhà dạy giáo lý thì con tôi biết hiếu thảo”. Ngay chính Đức Mẹ cũng phải dạy cho Chúa Giêsu đấy thôi.

Tóm lại, gia đình là mái trường đầu tiên dạy con cái biết sống hiếu thảo và từ đó biết thờ phượng, yêu mến Thiên Chúa.

X. MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Ôi thiêng liêng hai tiếng mẹ cha!

“Tình cao như núi như non là tình của mẹ, ơn của mẹ cha nào ai không nhớ trong lòng. Một thời long đong cha mẹ vất trăm chiều. Một đời thương đau còn mãi đến khi bạc đầu”. Đó là một trong những ca khúc rất ngọt ngào của nhạc sĩ Phanxicô.

Không lạ gì khi Phanxicô có rất nhiều những bài thánh ca về cha mẹ. Bởi còn tình nào cao hơn tình mẹ? Còn ơn nào nặng hơn ơn cha. Và bởi nếu viết nhiều thứ, học nhiều chuyện mà không biết gì về công cha nghĩa mẹ thôi thì làm thông reo vi vu trước gió xem ra còn vui “được vài trống canh”.

Theo giáo lý, chúng ta biết con người được Thiên Chúa dựng nên. Chính Chúa là tác giả của sự sống, không có bàn tay Thiên Chúa thì không có con người. Do vậy, con người hướng về Thiên Chúa là điều tất nhiên. Tuy vậy, Thiên Chúa lại không “hô biến” để tạo nên một con người, Ngài cũng chẳng “xé” đất để cho con người “mọc” lên. Ngài dựng nên con người theo một trình tự hẳn hoi. Ngài cho con người cộng tác với Ngài để “dựng” nên con người. Theo trật tự đó, cha – mẹ chúng ta là người lãnh trách nhiệm trọng đại này. Như thế, nếu không có cha mẹ thì cũng chẳng có chúng ta. Nói cách khác, yêu thương, chăm lo cho cha mẹ trần gian là lẽ hợp tự nhiên, là một đạo lý.

Vượt lên trên tự nhiên, thảo kính cha mẹ còn là một Giới Răn trong Thập Giới. Như vậy, thảo kính còn là bổn phận Chúa dạy phải làm. Luật Chúa như khuôn vàng thước ngọc giữ cho chúng ta đi đúng đường. Đồng thời làm đẹp lòng Chúa nếu ra sức thi hành. Nhưng nếu vì lề luật mà chúng ta phải phụng dưỡng cha mẹ thì còn gì thiêng liêng, là cao quý nữa!

Yêu thương cha mẹ là điều mà mỗi người, ai là con cái, không thể không có, nếu muốn là người. Làm sao nói hết những lao nhọc, những thương đau mà cha mẹ phải gánh chịu để chúng ta được thành người. Thiết nghĩ cũng chẳng phải đếm, phải kể thì chúng ta cũng biết. Cành có xanh tốt cũng bởi gốc rễ mà nên. Nếu phủ nhận công ơn của mẹ cha thì cũng chối từ nguồn gốc của mình. Nhưng con người không thể “chui” lên từ đất!

Ôi linh thiêng sao hai tiếng cha mẹ. Ôi ngọt ngào thay hai tiếng mẹ cha! Tuy tay cha chay sạn, nhưng sao vẫn dịu êm. Tuy mặt mẹ chẳng phải là tinh hoa của nghệ thuật nhưng “mẹ vẫn là tinh tú đẹp nhất” trong những vì tinh tú đẹp nhất, đối với mỗi người con… Cám ơn Chúa đã cho con có cha mẹ. Cám ơn cha mẹ đã là cha mẹ của con!

XI. MỤC VỤ ƠN GỌI

LÒNG HIẾU THẢO

Ngày 30.12.2008, trên trang web thugian.com có đăng một câu chuyện xót xa của bà Trần Thị Nghệ. Bài viết nói về lá đơn tố cáo của bà Nghệ, mà người bị tố cáo lại chính là con trai của bà Đỗ Văn Lâm. Bà Nghệ xót xa nghẹn ngào nói: “người ta nói, hỗ dữ không ăn thịt con nhưng bà đau lòng viết lá đơn tố cáo đứa con về những hành vi ngược đãi, hành hạ mẹ”. Theo lời bà kể thì: gia đình bà có 7 người con. Kể từ khi chồng bà mất, bà một mình tần tảo nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Trong đó có Đỗ Văn Lâm được bà lo toan đầy đủ với ngôi nhà ở trong khuôn viên chung với bà.

Từ khi Lâm còn trẻ bà đã tạo điều kiện, xoay sở cho Lâm có công ăn việc làm. Nhưng đáp lại mọi sự cố gắng của bà là một sự hành hạ, ngược đãi thậm tệ của Lâm. Bà nói: "Trời rét, có lần nó hất thẳng nước vào mặt tôi, tôi vuốt không kịp. Nó thường xuyên đòi bóp cổ tôi chết, xô đẩy tôi ngã dúi dụi. Tôi phải van xin mãi nó mới tha. Liệu có người mẹ nào phải như thế". Thế nhưng bà vẫn âm thầm chịu đựng và thầm mong cho đứa con “đại nghịch bất đạo” ấy có ngày tỉnh ngộ. Song mọi sự chịu đựng của bà đều không mang lại kết quả. Càng ngày bà Nghệ càng bị hành hạ, ngược đãi nhiều hơn. Thậm tệ hơn nữa là vì số tiền bồi thường mà Lâm đã âm thầm cho người dọn tất cả đồ đạc của mẹ đi nơi khác và tiến hành đập phá căn nhà khiến người mẹ già không chốn nương thân.

Câu chuyện trên là một trong những câu chuyện thương tâm nói về sự bất hiếu của con cái đối với cha mẹ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông gần đây. Đọc những câu chuyện ấy, tôi tự hỏi phải chăng những nét truyền thống tốt đẹp lâu đời của gia đình và xã hội đang bị băng hoại một cách trầm trọng?! Và thử đi tìm một nguyên nhân, thì tựu trung người ta chạy theo danh vọng và tiền tài nên mới có trường hợp trên và nhiều hoàn cảnh thương tâm khác. Chỉ vì một chút danh vọng, một chút tiền tài mà người ta dám làm tất cả mọi chuyện, cho dù trái cả luân thường và đạo lý làm người. Và tất cả điều xuất phát từ nơi gia đình.

Chúng ta có thể tự hào rằng: cái hay cái đẹp của gia đình Việt Nam có thể tồn tại hàng thế kỷ, nhất là việc thảo hiếu trong gia đình. Thời kỳ đầu tiên truyền giáo tại Việt Nam, các vị thừa sai đã chú trọng rất nhiều nếp sống văn hóa gia đình Việt Nam, cụ thể là lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.

Trong cuốn phép giảng tám ngày, khi giảng thích về điều răn thứ bốn, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) viết: “ấy vậy mà lời răn thứ bốn trong kinh đức chúa Blời…thì dạy ta thảo kính cha mẹ cho nên…lại sự thảo kính thì hằng có bổn phận, là yêu mến, kính dái, chịu lụy, giúp cho (cha mẹ) mọi sự”. (trang 293). Tác giả còn nhấn mạnh đến những hy sinh của cha mẹ đối với con cái trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời đó nên con cái phải thảo kính cha mẹ. Thảo kính không phải khi cha mẹ còn sống mà ngay cả lúc cha mẹ đã qua đời nữa.

Lòng hiếu thảo và những truyền thống tốt đẹp đang bị mất dần trong xã hội hôm nay là do người ta đang chạy đua tốt độ trong việc làm giàu, học hành và cố kiếm cho được một chỗ đứng trong xã hội. Ngày nay người ta cư xử và giải quyết mọi vấn đề bằng tiền bạc và coi đồng tiền là thước đo mọi sự. Người ta để cho đồng tiền điều khiển chính mình. Và cũng vì đồng tiền mà xảy ra biết bao nhiêu hoàn cảnh thương tâm mà câu chuyên trên là một điển hình.

Lòng hiếu thảo không thể đo bằng giá trị đồng tiền. Lòng hiếu thảo là sự quan tâm, tương thân tương ái trong gia đình. Đó là một bổn phận con cái đền đáp những hy sinh của bậc sinh thành dưỡng dục. Đây là một bổn phận rất quan trọng, đến đỗi luật Cựu ước đề cập đến ngay sau những bổn phận của con người đối với Thiên Chúa. Đó là một bổn phận thiết yếu của người yêu mến Thiên Chúa và muốn nên trọn lành.

Giờ đây, những ai tâm huyết với gia đình cần phải suy nghĩ và nhìn lại để làm sao tạo cho mình một cuộc sống gia đình quân bình đạo và đời. Nếu không có được đời sống quân bình như thế thì những giá trị trong đời sống gia đình sẽ bị đánh mất. Không thể có lòng yêu mến Chúa khi người ta không yêu mến và hiếu thảo với bậc sinh thành. Từ gia đình mà mất đi lòng hiếu thảo và lòng yêu mến đối với cha mẹ và Thiên Chúa thì làm sao Giáo Hội có được những con người rao giảng tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

Bổn phận này trước tiên là ở gia đình, vì gia đình là chiếc nôi, là mái trường dạy con người bổn phận làm người và bổn phận làm con Chúa. Sau là của tất cả những ai nhiệt tình lo cho công cuộc truyền giáo: Linh mục, Tu sĩ, những người có trách nhiệm trong Họ đạo. Mọi người cùng chung tay thì cánh đồng truyền giáo mới có những thợ gặp đầy yêu thương và biết luôn chu toàn nhiệm vụ của mình vì lòng yêu mến.

XII. MỤC VỤ GIA ĐÌNH

DẠY CON BIẾT HIẾU THẢO

Khi thiết lập gia đình thời sáng tạo, Chúa đã muốn cho gia đình luôn tâm hướng về Chúa, sống thân tình với Chúa (qua gặp gỡ, chuyện trò thân mật hằng ngày, con người cũng giữ thói quen mỗi chiều đón gặp, dạo chơi và trò chuyện với Chúa), và sống thân thương chăm lo phục vụ lẫn nhau trong cảm thông, chia sẻ chỉ vì yêu nhau như yêu chính mình, sẵn sàng vì yêu mà quên mình hy sinh mang lại mọi sự tốt đẹp cho nhau. Đem lại hạnh phúc cho nhau là tìm được hạnh phúc cho chính mình theo đúng nghĩa yêu thương. Chính vì con người lãnh nhận mọi sự ổn định tốt đẹp từ Chúa, làm được mọi việc ích lợi nhờ Chúa, gặt hái mọi thành công do Chúa (mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên), nên con người tin yêu phó thác, trông cậy vào Chúa, làm theo ý Chúa, sống đẹp lòng Chúa, nhìn nhận quyền năng Chúa mà suy phục thờ lạy. Chúa dùng cha mẹ sinh con, nuôi dưỡng, chăm sóc con, và con cái hoàn toàn tuỳ thuộc vào cha mẹ nhất là lúc còn tấm bé, cho nên hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận trên trước mà con cái phải thực hiện ngay sau việc thờ phượng Chúa.

Thờ lạy Thiên Chúa là gì? Hiếu thảo với cha mẹ như thế nào? Tại sao gia đình lại là mái trường đào luyện lòng hiếu thảo với cha mẹ và bổn phận thờ phượng Thiên Chúa? bằng cách nào?

Thờ phượng Thiên Chúa là hiếu thảo với cha mẹ là cách biểu lộ tâm tình và hành vi biết ơn của những kẻ nhận ơn. Chính Chúa Giêsu dạy ta thờ phượng Thiên Chúa: “Ngươi phải thờ lạy Thiên Chúa, là Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4,8). Thờ phượng là thái độ nhận biết Thiên Chúa là Đấng sáng tạo muôn loài muôn vật, cứu chuộc và thánh hoá mọi người, yêu ta bằng tình yêu vô biên, vô vị lợi và giàu lòng thương xót mọi người, đặc biệt là những kẻ tội lỗi. Thờ phượng là thái độ tôn kính và tuyệt đối vâng phục, phó thác mọi sự trong tay Chúa. Thờ phượng là tâm tình ca ngợi, chúc tụng, tôn vinh Chúa, cầu xin và không ngừng dâng những lễ tế hy sinh đẹp lòng Chúa, viø Chúa đã làm cho ta mọi việc trọng đại (Lc 1,46-49). Cha mẹ, ông bà, anh chị là những người có kinh nghiệm thờ phượng Chúa nên sẽ truyền lại cho bé tâm tình và thái độ thờ phượng trong mọi tình huống cuộc sống: “Vậy, dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (Icor 10,31) Ví dụ: Trước khi cho bé bú, mẹ làm dấu Thánh Giá trên người bé, cảm tạ Thiên Chúa vì Chúa ban cho mẹ có sữa tốt nuôi dưỡng bé, có thể mẹ đọc kinh Lạy Cha rồi cho bé bú. Nói tóm, bằng lời chỉ bảo và gương sáng đời sống, cha mẹ, ông bà, anh chị…Có thể tập luyện cho bé có nhân đức thờ phượng Chúa (Glý Cgiáo 2226) xuyên qua lòng tin, ậy, kính mến. Chính cuộc sống hằng ngày nơi mái ấm gia đình thể hiện lòng tin, lòng cậy, lòng kính mến qua kinh nguyện ban hôm, ban mai, trước và sau mỗi bữa ăn, qua những biến cố vui buồn, thành công và thất bại, qua việc tham dự thánh lễ, cha mẹ ông bà và anh chị đang đào luyện cho con em sống đức tin và kiên vững trong lòng tin. Đặc biệt khi cha mẹ, ông bà và anh chị dạy giáo lý, và cắt nghĩa Lời Chúa cho con em để củng cố đức tin sẽ giúp con em nhiệt tình thờ phượng Chúa và phụng sự Người với lòng quảng đại.

Vì cha mẹ tiếp tay với Chúa sanh con vào đời, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc giúp con thành người, thành con Chúa, thành công đời này và đời sau, nên con cái phải biết ơn cha mẹ bằng tâm tình và cuộc sống hiếu thảo.

Hiếu thảo là gì? Làm thế nào để đào tạo lòng hiếu thảo nơi mái ấm gia đình?

Trong mười điều răn, Thiên Chúa muốn sau khi thờ phượng Chúa, con cái phải tôn kính cha mẹ, những bậc sinh thành, dưỡng dục, dạy con cái làm người và làm người con Chúa. Lòng hiếu thảo phát xuất từ lòng biết ơn: “Hãy luôn nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7,28). Lòng hiếu thảo là tâm tình và thái độ trọng kính, mến yêu chân thành, ngoan ngoãn vâng phục làm đẹp lòng cha, làm vui lòng mẹ, làm mọi việc giúp đỡ, cộng tác với cha mẹ. Khi cha mẹ già yếu, con cái sống đạo đức, tốt lành làm rạng danh cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ cả về tinh thần và vật chất, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, bệnh tật, cô đơn hay gặp hoạn nạn, lòng hiếu thảo buộc con cái phải làm mọi việc cần thiết: như chạy thầy, chạy thuốc, lo ăn uống bồi dưỡng, nghỉ ngơi nơi thoáng mát, có phương tiện giải trí vui vẻ, gặp gỡ những người thân yêu, bạn bè…giúp cha mẹ vượt qua khó khăn với tâm hồn thoải mái. Lòng hiếu thảo sẽ tạo bầu khí thuận hoà, đầm ấm trong đời sống gia đình. Qua lời chỉ dạy, và gương sáng của cha mẹ đối xử tốt, tràn đầy nghĩa tình với ông bà nội ngoại, con cái theo đó mà noi đòi bắt chước. Khi con cái hành xử với cha mẹ không đúng, cha mẹ nhẹ nhàng thân thương chỉ bảo, sửa dạy con làm đúng, làm đẹp. Ví dụ: con cái rót nước cho cha mẹ không đúng, không đẹp, cha mẹ làm mẫu cho con: rót vừa phải, đừng quá đầy, bưng hai tay, đứng thẳng thắn, mặt tươi vui, vừa trao hai tay vừa nói: mời cha, mời mẹ dùng nước. Cha mẹ cầm ly nước, con cái mới buông tay, cúi đầu kính cẩn. Làm như vậy, cha mẹ đã tập cho con cái thực hiện lòng hiếu thảo bằng một cử chỉ lễ độ ân cần. Còn bao nhiêu chuyện cha mẹ có thể chỉ dẫn cho con cái thực hiện để giúp đỡ cha mẹ cách cụ thể để cha mẹ bớt việc, bớt nhọc nhằn cực khổ.

Châm ngôn Việt Nam: “Dạy con dạy thuở còn thơ” nhắc nhở cha mẹ là người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, và mái ấm gia đình là trường đầu tiên đào luyện con cái hiếu thảo với cha mẹ và phụng thờ Thiên Chúa. Một đứa trẻ biết thờ phượng Chúa chân thành, biết hiếu thảo với cha mẹ, là một đứa trẻ tốt, biết ứng xử đẹp với mọi người, có cơ hội thành công trên đời. Chúa quan phòng đã sắp đặt, con người biết ý Chúa, làm theo ý Chúa, mới đạt được kết quả tốt đẹp. Cha mẹ thành công vì đã tận tụy đào luyện con cái có lòng hiếu thảo và biết thành tâm thờ phượng Chúa. Con cái thành công vì sống hiếu thảo với cha mẹ trọn vẹn và thờ phượng Chúa với tất cả nhiệt tình.

ĐẠO LÀM CON

Sống trên đời không phải được sinh ra trên trần gian thì được coi như là người. Đâu có đơn giản như thế! Muốn thành người thật sự, người ta cần phải học. Người xưa có câu: “ Nhân bất thông cổ kim, mã ngưu nhi khâm cứ” nghĩa là : Người không thông suốt lẽ xưa nay đâu có khác nào trâu ngựa mặc quần áo. Vì thế, mang dáng vóc của một con người chưa thể được coi là người nếu không học cách làm người. Người xưa gọi đó là Đạo làm người. Đó chính là những thái độ, cung cách ứng xử sao cho phù hợp với địa vị, phẩm giá của mình trong xã hội mà ta sống. Một trong những bài học mà người ta phải học đầu tiên để làm người đó là học đạo làm con.

Khổng Tử có viết: “ Lập thân hữu nghĩa, nhi hiếu vi bổn. (lập thân có nghĩa phải lấy hiếu làm gốc), ông bà ta có câu : “….Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Cũng Khổng Tử viết: “ Ngũ hình chi thuộc tam thiên, nhi tội mạc đại ư bất hiếu” ( trong năm hình phạt có ba nghìn tội, mà tội lớn nhất ấy là tội bất hiếu). Như vậy muốn được coi như một con người, mỗi người đều phải học. Để được sống trên đời trước tiên con người phải có hiếu.

Ai sẽ dạy cho con người lòng hiếu thảo đối với cha mẹ? Có phải là trường học, bạn bè, xã hội ? Không phải họ, mà là chính gia đình, chính cha mẹ là người giữ vai trò chính yếu giáo dục con lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, bởi vì lòng hiếu thảo không phải là một kiến thức khoa học mà là một truyền thống, một tập quán được lưu truyền trong gia đình dòng tộc. Ông Thái Công nói: “ Hiếu ư thân, tử diệc hiếu chi; thân ký bất hiếu, tử hà hiếu yên ? Hiếu thuận hoàn sinh hiếu thuận tử. Ngổ nghịch hoàn sinh ngổ nghich nhi. Bất tín đãn khán thiềm đầu thuỷ; điểm điểm trích trích bất sai đi.” ( Mình hiếu với cha mẹ, con mình cũng sẽ hiếu với mình. Còn mình không hiếu hỏi sao con hiếu được. Hiếu thuận lại sinh con hiếu thuận; ngổ nghịch lại sinh con ngổ nghịch. Chẳng tin hãy xem nước mái nhà giọt trước nhỏ sao, giọt sao nhỏ vậy). Như thế lỗi bất hiếu của con cái, một phần là lỗi của cha mẹ, hoặc là dạy con không nghiêm, hoặc là không làm gương cho con cái.

Là người công giáo, chúng ta không những kế thừa truyền thống hiếu đạo của dân tộc, mà còn có giới răn của Chúa.

Nhìn vào mười điều răn, ta thấy rõ ý Chúa về sự giáo dục chữ hiếu cho con người qua cách sắp xếp các giới răn.

Ba điều đầu tiên, dạy ta phải hiếu kính Thiên Chúa là Cha của chúng ta ở trên trời.
Bảy điều còn lại là những điều răn dạy cách ứng xử với đồng loại, mà điều răn đứng đầu trong bảy điều đó là phải thảo kính cha mẹ. Như thế chúng ta thấy được Thiên Chúa là mẫu mực giáo dục của các bậc cha mẹ dạy con mình cách làm người, và kết quả chúng ta cũng có thể thấy được qua Con của Ngài là Chúa Giêsu, Con yêu Dấu của Ngài, luôn đẹp lòng Ngài.

Đây là nhiệm vụ không thể thay thế của các bậc cha mẹ xuất phát từ bản chất và mối quan hệ của nó. Về bản chất, nó là lòng thảo hiếu của đứa con đối với các bậc sinh thành. Về quan hệ không ai có thể có ảnh hưởng sâu đậm đến đứa con bằng cha mẹ (con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh).

Tuy trong mười điều răn, tôn thờ Chúa được đặt lên hàng đầu. Đó là điều phải lẽ, nhưng là con người, chúng ta phải đi từ cái cụ thể đến cái trừu tượng, từ thấp đến cao. Vì thế, con người chỉ có thể hiếu kính Thiên Chúa là Cha trên trời khi biết thảo hiếu với cha mẹ dưới đất, những người mà họ có thể nhìn thấy và cảm nhận được.

Trong thời đại hiện nay, việc giáo dục lòng hiếu thảo cần được các bậc cha mẹ quan tâm nhiều hơn, bởi lối sống thực dụng đang lan tràn đang ảnh hưởng tai hại đến tâm lý con người. Những người trẻ hiện nay đang có xu hướng coi việc cho và nhận như một việc giao hoán sòng phẳng, hai bên cùng có lợi mà không nghĩ đến cái tình trong những mối quan hệ đó. Tâm thức đó cũng đi vào trong quan hệ gia đình, họ nói: nước chảy xuôi ! Ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Ông bà nuôi cha mẹ, cha mẹ phải nuôi mình. Phải vậy thôi !

Gia đình, xã hội này sẽ ra sao khi con người chỉ biết sống vì trách nhiệm mà không có tình nghĩa ? Và con người sẽ ứng xử như thế nào với Chúa khi nghĩ rằng việc Thiên Chúa tạo dựng nên mình là một trách nhiệm của Ngài ?

XIII. MỤC VỤ GIÁO LÝ VIÊN

TÌNH YÊU TRONG CHA CON VÀ THÁNH THẦN

Trong bài viết lần trước, chúng ta sẽ khám phá và cảm nhận rằng chính Chúa Giêsu kêu gọi bạn bằng tình yêu của Ngài. Từ đó, ta mới biết nói, tìm hiểu, nghĩ tưởng, nhìn ngắm và kết hiệp với Người. Chính sự kết hiệp sâu xa này, Chúa dẫn đưa chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa Ba Ngôi, cội nguồn của tình yêu và tất cả.

Đêm Thứ Năm Tuần Thánh, tông đồ Gioan kể lại, Ngài đã tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu (x Jn 13,23). Khi ấy, người môn đệ được yêu không những nghe được nhịp tim Người yêu con người mà còn nghe được lòng người yêu mến Chúa Cha. Ông khám phá ra mầu nhiệm sâu thẳm của Thầy mình: Ngài không sống một mình, nhưng sống trong Chúa Cha và trong Chúa Thánh Thần. Đây mới chính là đích điểm cuối cùng mà tình yêu của Đấng Cứu Thế muốn đưa ta đến. Thiên Chúa không ai thấy bao giờ, nhưng Con Một nơi cung lòng Cha , chính Ngài đã tỏ cho ta biết.(Jn 1,18).

1. Nhờ Chúa Giêsu, ta đến với Chúa Cha

Sứ mạng của Chúa Giêsu là sứ mạng của Ngôi Lời nhập thể. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã xuất hiện giữa chúng ta bằng xương bằng thịt để loài người nhờ cảm nghiệm tình yêu của Ngài mà nhận biết tình yêu của Chúa Cha. Tuy nhiên, Đức Giêsu không đến để tìm vinh danh cho riêng mình, nhưng để tìm vinh danh Chúa Cha (x Jn 5,44; 7,18). Ngài là con đường đưa ta đến với Cha “ Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. (Jn 14,6).

Như vậy, nhờ tựa đầu vào ngực Thầy, người môn đệ được yêu đã khám phá và cho ta biết rằng chính Cha mới là nguồn gốc cuối cùng. “Đạo lý Thầy dạy khôgng phải của Thầy nhưng là của Đấng đã sai Thầy” (Jn 7,16). Và “mọi điều Thầy đã nghe nơi Cha Thầy, Thầy đã tỏ cho các con biết” (Jn 15,15).Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con… Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con” .( Jn 15,9.12). “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. (Jn 20,21).

Hiểu được như thế, GLV, người môn đệ được yêu sẽ sống tình con với Chúa Cha như Đức Giêsu đã sống. Kinh lạy Cha là lời kinh đơn giản nhưng rất hữu nghiệm có sức giúp bạn lớn lên trong tình con thảo.

2. Thánh Thần của Cha và Con.

Câu chuyện Tin Mừng xảy ra tại một miền vùng Samari (x. Lc 9, 51-62), Gioan có một kinh nghiệm chua chát: Bị lừa! Ông phẫn nộ khi người Samari từ chối từ chối Chúa. Ông muốn lửa từ trời xuống thiêu rụi cả làng. Thế nhưng, Chúa Giêsu nghiêm khắc quở mắng anh : “Này, anh không biết mình đang chạy theo Thần Khí nào sao?” (x. Lc 9,55). Hoá ra, lòng nhiệt thành có thể lạc đường, ma quỷ có thể dùng chính lòng nhiệt thành của ta để đánh lừa ta. Biết bao người đã làm những điều có vẽ lớn lao và tốt đẹp nhưng lại không có giá trị, bởi vì những điều họ làm không phải là điều Thiên Chúa muốn (x. Mt 7, 21-23). Họ đã bước theo Satan nhưng không phải là theo Thánh Thần của Thiên Chúa.

Sau Phục Sinh, vì nhờ ánh sáng Phục Sinh, Gioan mới biết Thánh Thần của sự thật, mới biết Thánh Thần cũng là Thiên Chúa như Chúa Cha và Chúa Con. Thánh Thần ấy, chính Chúa Giêsu mặc khải cho ta biết (Jn 14, 15.16). Thánh Thần ấy, chính Chúa Giêsu ban cho ta nhờ cái chết và sự Phục sinh của Người.

Là người loan báo Chúa Kitô, và kiểm chứng về Ngài, GLV rất cần ơn Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần sẽ nhắc cho ta nhớ lại điều Chúa Giêsu đã nói (Jn 14,26). Vì là Thần Khí của Sự Thật, Ngài sẽ đưa ta vào sự thật toàn diện (Jn 16,13). Như vậy, người GLV cần thường xuyên cầu nguyện với Thánh Thần. Đời sống thuộc linh chính là sống trong Thánh Thần, dưới sự hướng dẫn và tác động của Người. Thiếu cầu nguyện với Thánh Thần, GLV có thể bị lừa như Gioan đã bị lừa. Gioan căn dặn chúng ta: “Anh em thân mến, đừng cứ Thần Khí nào cũng tin, nhưng hãy nhận xét các Thần Khí, xem có phải bởi Thiên Chúa hay không?” (1 Jn 4,1).

Để tránh bị lừa, GLV cần xét mình kỷ mỗi tối không phải để đếm số các lỗi lầm nhưng còn phải biết tìm ra nguyên nhân , động cơ trong lòng đưa đẩy ta đến lầm lỗi. Có như thế, bạn mới có thể nhổ cỏ tận gốc , trừ tội tận gốc. Có như thế, bạn mới nhận biết và ngay mỗi khi bị lừa và thêm kinh nghiệm sau mỗi lần ấy.

Xa hơn những kinh nghiệm ấy, khi có điều kiện, bạn nên tham gia những tuần tĩnh tâm theo phương pháp của Thánh Inhaxiô.

3. Thiên Chúa là tình yêu

Nhờ ơn CTT, bạn sớm nhận ra điều Đức Giêsu đang chờ đợi và đề nghị: sống kết hợp với Ba Ngôi “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến với người ấy và ở lại trong người ấy.” (Jn 4,23).

Như vậy, sẽ gặp được Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi yêu thương nhau đến nỗi Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa, Thiên Chúa của Tình yêu. Đây là nhiệm vụ mà bạn được mời gọi cảm nghiệm cách xâu xa để nói lại cho người khác. Và khi cảm nghiệm được Thiên Chúa là Tình yêu, bạn sẽ vô cùng hạnh phúc. Bởi lẽ chính lúc ấy, bạn sẽ hiểu biết thế nào là phẩm giá của một người môn đệ được yêu.

XIV. MỤC VỤ QUỚI CHỨC

TÌM HIỂU SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

Chương V: Hệ Thống Phải Theo

25. Hàng giáo sĩ phải giúp đỡ việc tông đồ giáo dân

Các Giám Mục, các cha sở, các linh mục dòng triều phải nhớ rằng quyền và bổn phận làm tông đồ là chung cho tất cả mọi tín hữu không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, và trong việc xây dựng Giáo Hội, giáo dân cũng có phần riêng của họ 3 . Vì thế các ngài phải cùng với giáo dân làm việc trong Giáo Hội và cho Giáo Hội với tình huynh đệ, cũng như phải đặc biệt để tâm lo cho giáo dân trong khi họ làm việc tông đồ 4.

Các linh mục được đề cử giúp đỡ các tổ chức tông đồ đặc biệt của giáo dân phải là người có khả năng và được huấn luyện đầy đủ 5. Các linh mục này, vì nhận trách nhiệm do Hàng Giáo Phẩm, nên trong lúc hoạt động, các ngài là đại diện của Hàng Giáo Phẩm trong chính hoạt động mục vụ của mình. Luôn luôn trung thành với tinh thần và giáo lý của Giáo Hội, các ngài phải làm cho giữa giáo dân và Hàng Giáo Phẩm có những liên lạc thích đáng. Các ngài phải ra sức nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và tình thần tông đồ nơi các đoàn thể công giáo đã được trao phó cho các ngài. Các ngài phải hiện diện trong hoạt động tông đồ của các đoàn thể đó bằng ý kiến khôn ngoan và cổ võ những sáng kiến của chúng. Qua những tiếp xúc thường xuyên với giáo dân, các ngài phải chú tâm tìm kiếm xem những hình thức nào đem lại kết quả hơn cho hoạt động tông đồ. Các ngài phải cổ võ tinh thần hiệp nhất ngay trong đoàn thể mình phụ trách cũng như giữa đoàn thể này với các đoàn thể bạn.

Sau hết, các tu sĩ nam nữ phải quý trọng các hoạt động tông đồ của giáo dân. Theo tinh thần và nội qui của mỗi dòng tu, họ cũng nên sẵn sàng giúp phát triển các hoạt động tông đồ giáo dân 6. Họ còn phải ân cần nâng đỡ, trợ lực và bổ túc các công việc của linh mục.

Gợi ý giải thích:

Lý do nào mà hàng giáo sĩ phải giúp đỡ việc tông đồ giáo dân?
Các linh mục đặc trách việc Tông Đồ, cần phải làm gì?
Các tu sĩ nam nữ phải quý trọng việc Tông Đồ, tại sao?

Gợi ý thực hành:

Trong Giáo phận, Đức Giám mục quý mến hàng Quới Chức thế nào?
Ông bà Quới Chức có những đề nghị nào về những giúp đỡ của hàng Giáo phẩm đối với các Quới Chức?

XV. TẢN MẠN

MÁNG XỐI

Mùa mưa đã đến. Công việc mà tôi thấy nhiều người hay làm và phải làm trong mùa này là sửa sang lại các máng xối nơi mái nhà của mình. Mục đích là để nước mưa được chảy thông thoáng, không tù động, không rò rỉ làm ướt những đồ đạc trong nhà. Máng xối còn có tác dụng là chuyển nước đi đến được những nơi người ta muốn. Nếu máng xối không bị đóng khói, bụi, rong rêu. . . thì sẽ cho ra những dòng nước trong, sạch và mát để làm ích lợi cho sinh hoạt của con người, ngay cả người ta có thể dùng nước mưa chảy ra từ máng xối để uống nữa!

Linh mục được sánh ví như là “máng thông ơn” từ Thiên Chúa đến cho con người. Nói cách khác, toàn bộ đời sống linh mục trở thành máng xối để chuyển tải nguồn ơn thánh của Chúa cho con người. Máng xối này không nhằm chuyển nước mưa nhưng là chuyển ơn thánh của Chúa đến cho con người qua việc cử hành Thánh Lễ và trao ban các Bí tích. Máng xối này không phải chỉ có tác dụng trong mùa mưa nhưng là suốt bốn mùa. Đây quả là một đặc ân dành cho linh mục trong tư cách là những thừa tác viên thánh, những người đại diện Chúa Kitô trong tư cách là Đầu, là Hôn phu và là Tôi tớ, nhưng đây cũng là một trách nhiệm lớn lao biết là ngần nào!

Như ta đã biết, khi cử hành thành sự một thánh lễ hay một bí tích nào thì luôn phát sinh 2 hiệu quả song song: “hiệu quả do người” (ex opere operantis) và “hiệu quả do việc” (ex opere operato). Như thế, ơn Chúa chỉ có thể đến với người lãnh nhận cách tròn đầy nếu máng thông ơn là linh mục có những tâm tình và đời sống xứng hợp khi cử hành các mầu nhiệm thánh ấy cho giáo dân của mình.

Máng xối không thi hành chức năng của mình cách đúng nghĩa khi nó trở nên quá cũ kỹ, bị rỉ sét, bị bụi bặm và rêu phong phủ kín hay bị một vật nào đó nằm cản lối. Vậy đời sống của con người nói chung và của linh mục nói riêng có khi nào trở nên quá cũ kỹ, bị rỉ sét, bị bụi bặm và rêu phong phủ kín hay bị vật cản nào đó làm cản trở không? Tôi thiết nghĩ có thể xảy ra lắm. Vậy đâu là những cũ kỹ, những rỉ sét, những bụi bặm rêu phong hay vật cản trong đời sống của con người nói chung và của linh mục nói riêng?

- Một tâm hồn sẽ trở nên quá cũ kỹ nếu tâm hồn đó không còn khả năng nhận thấy cuộc đời đang biến đổi; không còn biết ngạc nhiên, thán phục và đón nhận những điều hay, điều tốt nữa. Tâm hồn sẽ trở nên cũ kỹ khi nhìn thấy mọi vật đều tối tăm, u ám, nhìn cuộc đời trong ánh mắt đầy bi quan và ảm đạm. Tâm hồn cũ kỹ sẽ đóng khung, “chụp mũ” bất cứ con người nào, sự vật nào mà nó gặp phải. Tâm hồn cũ kỹ không có sức sống, trở nên cằn cỗi, khô héo và dần dần sẽ chết ngạt trong cô đơn dù thể xác vẫn đang sống đó. Có một triết gia nói rằng: “Tôi sống đến 60 tuổi, nhưng tôi đã chết hồi 30 tuổi rồi”. Một tâm hồn cũ kỹ cũng thế, tuy thân xác còn cử động đó nhưng thật ra nó đã chết rồi. Một cuộc sống như thế sẽ lãng phí và vô nghĩa biết là dường nào! Những ai mang tâm hồn cũ kỹ sẽ không làm ích lợi gì cho chính bản thân mình và càng không làm ích lợi gì cho người khác được. Bởi lẽ, người mang tâm hồn cũ kỹ nơi mình sẽ luôn sống trong bất an, bực bội, bất hạnh. Họ sẽ chết khát ngay bên dòng suối trong lành! Nếu một thừa tác viên thánh mang tâm hồn cũ kỹ nơi mình thì quả thật là đáng thương cho chính ngài và cho giáo dân của ngài nữa. Vì ơn thánh Chúa tuôn tràn qua tay vị ấy không thấm vào mình và cũng chẳng chuyển tới cho người giáo dân cách tròn đầy được.

- Tâm hồn bị rỉ sét: tâm hồn con người rất có thể bị rỉ sét vì lý do không giờ cọ xát hay tiếp cận với thực tế của cuộc sống con người. Tâm hồn bị rỉ sét sống khép kín, dửng dưng trước cuộc đời và phớt lờ trước những khổ đau của người khác. Tâm hồn loại này không dám mở rộng cửa đón nhận điều gì từ bên ngoài vì sợ mình bị tổn thương, sợ phải chia sẻ, sợ bị phát hiện ra những chỗ khiếm khuyết trong lối sống ích kỷ của mình. Và vì thế, người có tâm hồn này không bao giờ tiếp nhận ý kiến của người khác để sửa chữa những sai lỗi, để cải tạo tình thế cho tốt đẹp hơn. Nói chung, đây là tâm hồn đã bị chai sạn, khô cứng, độc tôn , độc tài, coi mình là trên hết và là trung tâm của vũ trụ. . . khổ lắm ai ơi những ai mang lấy tâm hồn rỉ sét nơi mình! Hãy mở cửa tâm hồn mình ra để dầu nó có bị tổn thương, bị trầy sướt nhưng sẽ tiếp nhận được sức sống mới và được gọt giũa cho mịn lán để mọi người dễ dàng tiếp cận với mình. Và những ai đến với mình không bị làm đau, không bị hụt hẫng và luôn tìm thấy sự thoải mái cho họ. Trong đời sống ơn thánh Chúa, mọi vị chủ chăn đều rất cần một tâm hồn không bị rỉ sét để chuyển tải ơn thánh cho đoàn chiên của mình. Có như thế mọi người mới hưởng trọn vẹn ơn thánh Chúa. Ơn thánh Chúa được trao ban qua một tâm hồn không rỉ sét được sánh ví như những giọt nước mưa trong lành vậy chảy ra từ một máng xối tốt vậy.

- Tâm hồn bị bụi bặm và rêu phong phủ kín: Đây là tâm hồn của những con người chỉ biết đi tìm hư danh, tìm kiếm lợi lộc thấp hèn và những thú vui trần thế nhằm thoả mãn dục vọng nơi con người tầm thường của mình. Tâm hồn này không tha thiết gì với những giá trị của đời sống thanh sạch và thanh cao. Họ không muốn để cho tâm hồn mình bay lên và bay cao để tận hưởng những làn gió mới trong lành và tràn đầy sức sống (vì sợ phải bị mất những lợi lộc trần thế). Họ chỉ muốn thu tích cho mình càng nhiều càng tốt, và dĩ nhiên là họ rất sợ phải cho đi. Người mang lấy tâm hồn bụi bặm và rêu phong nơi mình sẽ mãi mãi là một tâm hồn ấu trĩ và tầm thường. Nếu không được cải biến, họ dễ trở thành những con người tiểu nhân, thù vặt, chi li trong những chuyện cỏn con . . . người mang tâm hồn loại này thật là tội nghiệp và đáng thương vì khung trời của họ thật nhỏ hẹp. Họ là hạng người “ếch ngồi đáy giếng”. Những người có tâm hồn này nếu trở thành người lãnh đạo cộng đoàn thì thật là một tai hoạ! Những ai thuộc quyền họ sẽ phải hứng chịu cảnh ngột ngạt vì phải để ý và “chăm sóc” họ như chăm sóc một đứa trẻ thơ, như chăm sóc đứa con khó tính của mình vậy; vì nếu không thì nó sẽ “khóc la” không ai chịu nổi! Đừng để tâm hồn mình bị bụi bặm và rêu phong phủ kín. Hãy dẹp bỏ những bụi bặm và rong rêu bằng cách sống rộng rãi, biết cho đi, biết chú tâm đến những giá trị thanh cao của đời sống tinh thần. Hơn ai hết, những người giáo dân đang mong mỏi các vị chủ chăn của họ là những người có tâm hồn sạch bẳn những bụi bặm và rong rêu để có thể mang lại cho họ những dòng nước mưa trong lành là chính đời sống ơn thánh Chúa.

- Tâm hồn mang chướng ngại vật: Đây là tâm hồn đang mang trong mình những tật xấu cố hữu, những toan tính “nguy hiểm” và những tội lỗi nặng nề không xứng hợp với nhân phẩm và ơn gọi của mình. Vì mang trong mình vật cản to lớn như thế, nên đời sống của họ là những chuỗi ngày buồn lo, áy náy và nặng nề. Thật khốn khổ cho họ và cho những ai ở gần họ vì sẽ bị vạ lây, bị “trúng miểng” cách vô duyên! Cách ứng xử của những con người này thường là “giận cá chém thớt” cho đỡ buồn! Điều đáng nói là những người mang lấy tâm hồn bị chướng ngại vật lại không muốn loại bỏ những chướng ngại vật đó; sống lâu với nó rồi thành quen, thành thân luôn! Quả tình là không bao giờ xứng hợp cho những ai mang lấy tâm hồn loại này mà phải thi hành những công việc “chăm sóc” hay trao ban cho người khác những kho tàng của đời sống ơn thánh.

Ước gì các vị mục tử của chúng ta luôn là máng chuyển thông ơn thánh chất lượng cao; thi hành tốt chức năng chuyển tải ơn thánh cho mọi người bằng một tâm hồn luôn đổi mới, không bị rỉ sét, không có bụi bặm-rêu phong che kín và nhất là không bị những vật cản làm ngăn lối. Ước gì đoàn dân được trao phó cho các ngài luôn luôn được hưởng những dòng nước ơn thánh trong lành, trọn vẹn để họ tăng trưởng trong đời sống đức tin hằng ngày và sống tròn đầy ơn gọi của mình trong ân sủng Chúa.

XVI. MỘT LỐI SỐNG

TIN ĐỒN

Một bà có tính hay hóng hớt đi đâu cũng buông chuyện ngồi lê đôi mách về người hàng xóm của mình. Chỉ vài ngày sau, cư dân quanh vùng ai cũng biết. Nạn nhân của câu chuyện ngồi lê đôi mách kia bị tổn thương nặng nề. Mãi sau, bà có tính hóng hớt mới biết chuyện ngồi lê đôi mách mà rêu rao không hề đúng sự thật. Bà thấy hối hận, bèn tới ông lão thông thái nhất làng xin ông lời khuyên làm sao để sửa chữa sai lầm của mình.

Ông lão thông thái bảo bà:
- Con ra chợ mua một con gà, giết thịt mang về đây. Khi về hãy nhổ sạch lông gà và thả dọc đường.

Bà thấy ngạc nhiên với lời khuyên kỳ lạ này, nhưng cũng làm theo.
Ngày kế tiếp, ông lão thông thái lại bảo bà:

- Bây giờ con hãy đi nhặt lại hết mớ lông gà mà hôm qua con đã thả dọc đường mang về đây cho ta.

Bà đi lại trên con đường cũ, hoảng hốt khi thấy gió đã thổi tung lông gà đâu hết cả. Bà lang thang tìm kiếm hàng giờ liền, nhưng cũng chỉ tìm được một ít lông gà mà thôi.

- Ông lão thông thái lúc bấy giờ mới nghiêm nghị nói: “thả lông gà đi thì dễ, nhưng nhặt lại mới khó. Chuyện ngồi lê đôi mách cũng vậy: buông một tin đồn bậy bạ thì dễ như trở bàn tay, nhưng một khi lỡ phao tin đồn nhảm, con sẽ không bao giờ sửa chữa được sai lầm của mình”.

XVII. SỐNG LỜI CHÚA: MÁC-CÔ 16,15

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ,
loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

F.A.M.I.L.Y
(Father And Mother I Love You)

1368    23-04-2012 14:50:45