Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Gia Đình Là Trường Học Đầu Tiên Về Đạo Đức - Tháng 01 năm 2003

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH LÀ TRƯỜNG HỌC ĐẦU TIÊN VỀ ĐẠO ĐỨC

I. ĐỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO: số 36

Bổn phận giáo dục bắt nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của đôi bạn là dự phần vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa : khi sinh ra một ngôi vị mới trong tình yêu và do tình yêu, một ngôi vị mang sẵn nơi mình ơn gọi phải lớn lên và phát triển, bậc cha mẹ cũng từ đó mà lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ hữu hiệu cho ngôi vị ấy sống một đời sống nhân bản trọn vẹn.

Như Công Đồng Vaticanô II đã nhắc lại : "Vì là người truyền thông sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục nầy quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót sẽ khó lòng bổ khuyết được.

Thật vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thầm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện của con cái họ trong đời sống cá nhân và xã hội được dễ dàng. Do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không một đoàn thể nào khác có thể vượt qua được".

II. Ý CHÍNH FAMILIARIS CONSORTIO (Số 36 - 38)

Vì là những người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng (số 3).

CHA MẸ LÀ NHỮNG NHÀ GIÁO DỤC ĐẦU TIÊN

Ơn gọi của đôi bạn là dự phần vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, họ sinh ra con cái, do đó họ được giao sứ mạng giúp con cái lớn lên và phát triển đầy đủ, về đời sống cá nhân cũng như đời sống xã hội.

Gia đình sống trong bầu khí thấm nhuần tình yêu và lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân là môi trường thuận lợi để nhân vị phát triển toàn diện. Do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội (số 3).

Quyền và bổn phận giáo dục nằm trong yếu tính của cha mẹ sinh ra chúng. Họ là những người có tương quan yêu thương đặc biệt đối với con cái, nên quyền và bổn phận ấy có tính độc đáo và cơ bản, không thể chuyển nhượng, không ai được cưỡng đoạt.

Tình phụ tử, tình mẫu tử, với tất cả những nét phong phú như lòng dịu dàng, nhân hậu, tính kiên trì, tinh thần phục vụ, vô vị lợi, hy sinh, là linh hồn và là qui tắc gợi hứng và hướng dẫn việc giáo dục cụ thể.

CÁC GIÁ TRỊ ĐỜI SỐNG LÀ
TIÊU CHUẨN CỦA GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

Gia đình là một cộng đồng yêu thương, một cộng đồng hiệp thông và chia sẻ trong các nỗi vui buồn hằng ngày giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em trong nhà, giữa các thế hệ tuổi tác, là khung cảnh tốt để trẻ em ý thức về tình yêu đích thực, đức công bằng đích thực, lòng kính trọng phẩm giá của từng ngôi vị, tinh thần phục vụ cách vô vị lợi tất cả mọi người, đặc biệt những người nghèo nhất và cần được giúp đỡ nhất.

Giáo dục gia đình còn nhắm giúp con cái đạt đến một nền văn hoá tính dục lành mạnh của toàn thể ngôi vị - thể xác, tình cảm, linh hồn - để con cái có khả năng vượt lên khỏi lối sống nghèo nàn của lạc thú thể xác, ích kỷ, hầu có thể tự hiến trong tình yêu.

Cha mẹ phải giáo dục con cái hiểu và kính trọng giá trị của đức khiết tịnh, giúp con cái nhận ra lời Thiên Chúa mời gọi mỗi người sống bậc sống riêng của mình, trong đó có cả bậc sống tận hiến trong đức khiết tịnh.

Cha mẹ giáo dục tính dục bằng cách hướng dẫn rõ ràng và tế nhị cho con cái hiểu và quí chuộng các qui tắc luân lý để con cái trưởng thành trong lãnh vực tính dục, có khả năng hội nhập vào xã hội với tinh thần trách nhiệm và hiệu quả.

Cha mẹ cần tin tưởng và can đảm giáo dục con cái lớn lên trong sự tự do trước các cám dỗ của vật chất và tiện nghi, biết quan tâm đến cái mình là hơn những cái mình có.

BÍ TÍCH HÔN NHÂN
TRAO SỨ MẠNG GIÁO DỤC

Sứ mạng giáo dục của cha mẹ Kitô hữu bắt nguồn từ việc dự phần vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa và từ bí tích hôn nhân.

Bí tích hôn nhân thánh hiến đôi bạn Kitô hữu để họ giáo dục con cái; mời gọi họ dự phần vào quyền bính và tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô Mục Tử cũng như vào tình mẫu tử của Hội Thánh; làm cho họ giàu thêm ơn khôn ngoan, lo liệu, sức mạnh, và tất cả các ơn khác để họ giúp con cái lớn lên về mặt nhân bản và Kitô giáo; nâng sứ mạng giáo dục con cái thành một thừa tác vụ đích thực để phục vụ việc xây dựng các chi thể của Hội Thánh.

III. CHUYỆN MINH HỌA

PHÓ THÁC CON CHO CHÚA

Tôi vẫn nhớ sự sung sướng tột cùng trong giây phút đầu tiên khi bế đứa con trai đầu lòng, cháu Đức. Lúc nhìn vào khuôn mặt nhỏ bé dễ thương của cháu, tôi không thể tưởng tượng được có niềm vui nào lớn hơn lúc đó. Chồng tôi, anh Phát và tôi đang chơi đùa với cháu thì một người bạn cũ ghé ngang thăm chúng tôi.
- "Chị có công rất nhiều," Bà Bình gật gù và nói như thế.
- Tôi trả lời : "Nó thật dễ thương, phải không chị ?"
- "Tôi không muốn nói thế" bà nói tiếp. "Với một xã hội nhiều băng hoại, cần sa, ma tuý, càng ngày càng nhiều trẻ con sống trong nghèo khổ, càng ngày chúng ta càng thấy nhiều cảnh bạo lực, chém giết...Thành thật mà nói, tôi nghĩ anh chị sẽ mất rất nhiều công lao. Anh chị thật can đảm để sinh một đứa con."

Đứa bé nhỏ xíu bỗng nhiên như nặng ngàn cân. Cánh tay tôi thấy rã rời và sự sung sướng tột cùng đã bị thay thế bằng nỗi lo âu.

- "Tôi tin là anh chị phải lo lắng nhiều để dạy dỗ cháu." Bà Bình mỉm cười nói. Bà chúc mừng chúng tôi và ra về. Tôi lo lắng nói với chồng : "Anh ơi em đâu có nghĩ đến những điều như chị ấy nói."

Chồng tôi an ủi và hứa sẽ săn sóc cháu Đức và coi việc giáo dục cháu là điều quan trọng nhất. Càng nhủ với lòng mình rằng chúng tôi sẽ chăm sóc cháu Đức cẩn thận bao nhiêu, chúng tôi càng lo lắng bấy nhiêu.

Rồi một ngày Sơ Châu đến thăm chúng tôi. Bế cháu trong tay Sơ reo lên mừng rỡ : "Ô chị có một đứa con thật là kháu khỉnh.". Tôi trả lời nhát gừng : "Dạ con biết."

Nhìn tôi, Sơ muốn biết tại sao với một biến cố vĩ đại thế nầy, tôi lại có vẻ buồn rầu như vậy. Tôi giải thích cho Sơ rằng công việc làm cha mẹ thật khó nhọc và tỉ mỉ kể ra những căn bệnh xã hội mà chúng tôi cần chuẩn bị cho cháu để nó sẽ đương đầu sau nầy. Tôi kết luận : "Con không muốn một lỗi lầm nào khi cháu lớn lên."

Sơ im lặng đôi chút và nói : "Chị có nghĩ là Thiên Chúa ban cho chị một món quà sự sống tuyệt vời như thế để chị săm sóc và rồi khoán trắng cho chị không ?

Không phải như vậy đâu, dù chỉ một giây phút. Em bé nầy là một sự lạ lùng do bàn tay Thiên Chúa, và nó thuộc về Ngài. Thiên Chúa sẽ ở với anh chị và cháu Đức mọi ngày trong đời sống. Hãy mở lòng để Chúa hướng dẫn và hãy biết rằng Thiên Chúa ở với anh chị và ban cho anh chị sức mạnh, can đảm và ân sũng để trở nên cha mẹ tốt lành."

"Mỗi khi chị phải xa cháu thì hãy nhớ rằng Thiên Chúa ở với cháu. Lần đầu tiên khi chị giao cháu cho người giữ trẻ, hãy nhớ rằng Chúa ở với cháu. Khi chị đưa cháu lên xe bus đi học lần đầu tiên, hãy nhớ rằng Chúa ở với cháu. Khi cháu lớn lên, chị giao chìa khoá xe cho cháu, hãy nhớ rằng Chúa ở với cháu."

Và rồi Sơ Châu yêu cầu chúng tôi làm dấu Thánh giá trên trán của cháu Đức như để nhắc nhớ đến sự hiện diện yêu thương của Chúa trong đời sống chúng tôi. "Hãy làm như vậy mỗi ngày cho đến khi cháu Đức lớn lên và rời bõ căn nhà anh chị". "Chúa chúc lành cho con và gìn giữ con nhé!" vừa nói Sơ vừa làm dấu Thánh giá trên trán cháu. Ngay khi tôi làm dấu Thánh giá trên trán cháu và lập lại lời của Sơ, tôi cảm thấy một niềm vui lớn lao lan toả trong lòng và không còn lo sợ nữa.

Bây giờ cháu Đức đã học Trung học, và chúng tôi vẫn còn làm dấu Thánh giá trên trán cháu mỗi tối trước khi đi ngủ, hay trước khi tiễn cháu đi cắm trại qua đêm. Có lúc tôi nghĩ cháu Đức đã quá lớn để tôi làm công việc nầy, nhưng nếu tôi quên, cháu lại nhắc : "Con biết điều nầy rất có ý nghĩa đối với mẹ."

Tôi thật cám ơn Sơ Châu đã thăm chúng tôi. Sơ đã hướng dẫn bổn phận làm cha mẹ của chúng tôi về Thiên Chúa. Chúng tôi nhận ra rằng điều quan trọng nhất phải chia sẻ với cháu Đức ngay giây phút đầu đời là đức tin. Là cha mẹ, chúng ta chuẫn bị tâm hồn cho con hạt giống đức tin được thấm nhập và lớn lên qua tình yêu, sự kiên trì và sự tín thác của chúng ta. Tất cả mọi thời gian cực nhọc trải qua để thay tã cho con, cho chúng ăn và ru chúng ngủ đều phản ảnh sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta, các cha mẹ, là những gương mẫu sống động của tình yêu Thiên Chúa.

Dùng những nghi thức quen thuộc trong gia đình như làm dấu Thánh giá trên trán con cái sẽ giúp bạn bộc lộ và chia sẻ đức tin của bạn. Những nghi thức quen thuộc nầy sẽ củng cố tình gia đình trong đời sống con cái. Hãy chọn một nghi thức mà bạn cảm thấy thoải mái và bắt đầu nghi thức nầy càng sớm càng tốt. Hãy hát cho con nghe. Bất kể giọng bạn có tệ cách mấy thì đối với con cái cũng thật tuyệt diệu. Hãy bắt đầu bằng những bài ru con hay những bài hát bạn thích nhất.

Trong bữa ăn, hãy cầm lấy bàn tay chúng để chắp lại và cấu nguyện. Con của bạn sẽ cảm thấy thích thú khi được dự phần và bắt đầu nhận thức được sự quan trọng của việc cầu nguyện. Khi cầu nguyện, hãy từ tốn và dùng những lời yêu thương. Hãy tụ họp gia đình trong bữa ăn càng nhiều càng tốt cũng như trong những sinh hoạt chung khác của gia đình. Điều nầy làm cho mọi người trong gia đình cảm nhận được sự hợp nhất và biết lo lắng cho nhau.

Hằng ngày hãy cầu nguyện cho con cái và người bạn đường, và thỉnh thoảng nói với chồng con rằng bạn đang cầu nguyện cho họ.

Và điều quan trọng nhất, mỗi ngày hãy nhớ rằng Chúa ở với bạn và sẽ ban cho bạn sức mạnh, sự khích lệ và ân sủng để trở nên một cha mẹ tốt lành.

Cha mẹ là cánh tay sáng tạo nối dài của Chúa để gầy dựng nên những con người mới. Chúa không để cha mẹ phải đơn độc trong việc giáo dục con cái, quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa, nên người tốt đẹp như lòng Thiên Chúa mong muốn.

IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

1. Nền tảng của sứ mạng giáo dục con cái.

a. Việc giáo dục con cái đặt nền tảng nơi tình phụ tử của Thiên Chúa (Ep 3,14). Hay nói cách khác tình phụ tử của Thiên Chúa là nguồn mạch mọi tình phụ tử nơi loài người. Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên của mọi sự và là Đấng uy quyền siêu việt, đồng thời là Đấng nhân hậu yêu thương chăm sóc mọi con cái. Tình yêu của Thiên Chúa còn được diễn tả như tình mẫu tử (Is 66, 13; TV 131, 2). Vì Thiên Chúa là nguồn gốc và chuẫn mực cho chức năng làm cha, làm mẹ, nên Người trổi vượt trên cha mẹ trần thế : không ai làm cha mẹ một cách trọn hảo như Thiên Chúa (GLCL số 239).

"Tình yêu trao cho người Nam và người Nữ trong bí tích hôn nhân, như nguyên lý đầu hết của "bổn phận" và nó nên nền tảng cho họ để dấn thân cho nhau, trước hết là dấn thân theo tình phu thê, sau đó là dấn thân như cha như mẹ. Trong cử hành lễ cưới đôi bạn cho và nhận nhau, tuyên bố sẳn sàng đón nhận và giáo dục con cái. đó là trục xoay của văn minh loài người , nền văn minh không thể định nghĩa thế nào khác, mà phải là văn minh tình thương...Văn minh tình thương là điều có được , không phải là điều không tưởng. Nhưng nó chỉ có thể có được khi người ta hăng hái luôn luôn hướng về "Thiên Chúa, là Cha của Đức Giêsu Chúa chúng ta, từ Ngài phát xuất mọi tình phụ tử trên đời" (Eph 3,14-15), từ Ngài mới có mọi gia đình con người" (Thư ĐGH gửi các Gia đình, 1994).

b. Sứ mạng Giáo dục của cha mẹ bắt nguồn từ việc dự phần vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa : "Bổn phận giáo dục bắt nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của đôi bạn là dự phần vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa : khi sinh ra một ngôi vị mới trong tình yêu và do tình yêu...bậc cha mẹ cũng từ đó mà lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ hữu hiệu cho ngôi vị ấy được sống một đời sống nhân bản trọn vẹn" (ĐSGD 36).

Do đó cha mẹ có quyền và có bổn phận giáo dục con cái mình :"Vì cha mẹ đã sinh ra con cái nên quyền và bổn phận giáo dục nằm trong yếu tính của họ; vì tương quan giữa họ đối với con cái là một tình yêu không thể thay thế được, nên quyền và bổn phận giáo dục của họ có tính cách độc đáo và cơ bản so với bổn phận giáo dục của những người khác, đó cũng là một cái gì không thể thay thế và không thể chuyển nhượng được, cho nên cũng không thể khoán trắng cho người khác hay bị người khác cưỡng đoạt". (ĐSGĐ 36)

c. Sứ mạng giáo dục của cha mẹ còn bắt nguồn từ Bí Tích Hôn Phối : "là Bí tích thánh hiến họ để lo việc giáo dục con cái và mời gọi họ tham dự vào quyền bính của chính Thiên Chúa là Cha và của Đức Kitô Mục Tử, cũng như vào tình mẫu tử của Hội Thánh...để có thể giúp con cái họ lớn lên về mặt nhân bản và Kitô giáo". (ĐSGĐ 38)"Thánh Tôma không ngần ngại so sánh sứ mạng giáo dục của gia đình với thừa tác vụ của các linh mục : "có những người truyền bá và nuôi dưỡng sự sống thiêng liêng. Và điều nầy được thực hiện do bí tích hôn nhân, trong đó người nam và người nữ kết hợp với nhau để sinh ra con cái và giáo dục cho chúng biết thờ phượng Thiên Chúa." (ĐSGĐ 38).

2. Giáo dục về đạo đức

Trong Thư gửi cho Các Gia Đình năm 1994, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã đưa ra định nghĩa về giáo dục như sau : "Giáo dục hệ tại điều gì ? Để trả lời câu hỏi này, phải nhắc lại hai sự thật chính yếu: Thứ nhất, là con người được gọi để sống trong sự thật và tình thương; thứ hai là mọi người được hiện thực chính mình khi trao ban vô vị lợi. Điều ấy có gía trị cho người làm giáo dục, cũng như cho người được giáo dục. Cho nên, giáo dục tạo ra một qúa trình duy nhất, trong đó sự thông hiệp giữa nhân vị rất là nhiều ý nghĩa.

Nhà giáo dục là người "sinh thành" theo nghĩa thiêng liêng. trong viễn ảnh ấy, giáo dục được coi như một việc tông đồ thật. Nó là thông ban sự sống tạo nên không những tương quan sâu sắc giữa nhà giáo dục và người được giáo dục, mà còn làm cho họ tham dự cả hai vào chân lý và tình thương, là mục đích cuối cùng mà mọi người được gọi tới từ phía Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần." (Thư ĐGH, 1994).

Do đó "Giáo dục trước hết là một "trao ban tự do" tính nhân bản do cả hai cha mẹ:họ cùng thông ban tính nhân bản trưởng thành cho bé sơ sinh, và đến lượt mình, em lại trao ban cho cha mẹ nét mới mẻ tươi mát cho tính nhân bản, em mang cho đời. Việc ấy vẫn hiện thực trong trường hợp các bé thơ bị tật nguyền tâm lý hay thể lý, và cả khi đó tình cảnh chúng cũng có thể cho nền giáo dục một cường độ rất đặc biệt." (Thư ĐGH) .

Việc giáo dục con cái đòi hỏi nơi cha mẹ phải lo sao cho con cái sống cho ra con người, đúng với phẩm giá con người (nhân bản) . Muốn như vậy điều trước tiên là phải dạy cho con cái có một nền tảng đạo đức: những đức tinh nhân bản và các nhân đức đối thần (trực tiếp qui về Chúa). CĐ Vat. II dạy : "Chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân. Để giúp cho việc giáo dục toàn diện của con cái họ trong đời sống cá nhân và xã hội được dễ dàng. Do đó gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không một đoàn thể nào khác có thể vượt qua được." (ĐSGĐ 38).

Các đức tính xã hội và các nhân đức Kitô giáo phải được cha mẹ quan tâm đúng mức : "Sứ mạng giáo dục đòi hỏi cha mẹ Kitô hữu phải đem lại cho con cái tất cả những gì cần thiết để dần dần giáo dục cho chúng một nhân cách theo quan điểm Kitô giáo và Hội Thánh...để đời sống gia đình trở thành con đường đức tin , và một cách nào đó, trở thành sự khai tâm Kitô giáo và là trường học đời sống, dạy cho ta noi gương Đức Kitô". (ĐSGD 39).

Có bảy nhân đức sống động giúp cha mẹ sống và giáo dục con cái sống theo là : khôn ngoan, tiết độ, công bằng, dũng cảm (đức tính nhân bản) và đức tin, đức cậy, đức mến (nhân đức đối thần). Đây là những đức tính then chốt cho đời sống luân lý. Những đức tính then chốt dịch từ tiếng Latinh có nghĩa là bản lề cánh cửa. Những đức tính tự nhiên giúp ta hoàn thiện chính mình và sống tốt với mọi người. Còn các nhân đức đối thần, trực tiếp qui về Thiên Chúa, giúp ta có khả năng hành động như con cái Thiên Chúa và đáng hưởng sự sống đời đời. Những nhân đức siêu nhiên nầy chỉ có thể đạt tới với sự trợ giúp của Thiên Chúa.

" Đức khôn ngoan giúp nhận biết điều tốt cần làm và những phương tiện chính đáng để làm điều tốt ấy. Cha mẹ khôn ngoan thường suy nghĩ về những điều họ đang làm và những hậu quả có thể xảy ra bởi hành động đó : "Nó có tốt không, có liên can gì đến chúng ta không ?..."

" Đức công bằng là dành cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và cho người khác những gì thuộc về họ. Nó không chỉ có nghĩa là ngay thẳng chính trực mà còn là thẳng thắn, cho-và-nhận, thành thật. Một định nghĩa xưa của công bằng là "đối xử cách công băng tuỳ theo mức độ". Một hành động công bằng khi cha mẹ cho đứa con lớn hưởng một vài quyền lợi và trách nhiệm mà không cho đứa con còn nhỏ.

" Đức dũng cảm là bền chí kiên gan trong lẽ phải bất kể những khó chịu khi hành động như vậy. Cha mẹ biết dứt khoát từ chối những đòi hỏi điên rồ của con cái, ngay cả khi chúng khóc lóc, oán giận và kiên trì tha thứ những đứa con hỗn hào.

" Đức Tiết độ là biết sử dụng của cải cách hợp lý, tự chủ trước các thú vui, giữ sự chừng mực trong cuộc sống. Cha mẹ tiết độ là biết điều gì phù hợp với nhu cầu hợp với lứa tuổi con cái mình, biết dành thời giờ cho con cái hơn là chỉ mãi mê kiếm tiền, tạo dựng sự nghiệp.

Việc thực hành những đức tính tự nhiên nầy làm căn bản cho những nhân đức siêu nhiên :

" Đức tin là ơn Thiên Chúa ban giúp ta sống tín thác vào Chúa, gắn chặt cuộc đời mình vào Chúa và đón nhận mọi điều Chúa dạy qua Giáo Hội. Hành động thực tiễn nhất của đức tin là "gắn bó". Bạn gắn bó với Đức Kitô, với vợ/chồng, với Giáo Hội, với con cái. Bạn gắn bó với trách nhiệm của bạn.

" Đức cậy là ơn Thiên Chúa ban để vững lòng sống gắn bó với Chúa trong mối tương giao mật thiết, là phó thác vào sự thiện hảo của Chúa chứ không phải sự bảo đảm cho tương lai ta. Đức cậy làm cho ta biết cậy dựa vào Chúa vì Ngài không bao giờ để ta đơn độc trong việc giáo dục con cái mình.

" Đức mến là ơn Thiên Chúa ban giúp ta có khả năng yêu mến Chúa trên hết mọi sự và có ý muốn cũng như hành động mang lại điều tốt cho người khác bất chấp họ là ai, người thân hay kẻ thù. Đức ái dẫn đến sự tự hiến cho nhau trong mái ấm gia đình Kitô giáo, khiến chúng ta trở nên những người mau tha thứ và chậm oán hờn, biết cầu nguyện cho người khác hơn là khoe khoang về chính mình.

Nuôi dưỡng một đứa con không có nghĩa là lo lắng cho nó đủ ăn đủ mặc mà thôi, nhưng trước hết là cung cấp cho nó có được những gì cần thiết cho việc giáo dục nó trở thành một người đích thực. Theo Gabriele Adini, con người đích thực ở đây vừa mang ý nghĩa nhân bản, vừa mang ý nghĩa tôn giáo. Thế nên, ngoài bổn phận giáo dục nhân bản, các bậc phụ huynh còn phải chú tâm đến việc giáo dục đức tin cho con em mình.

Hạt giống đức tin được vun xới và chăm sóc trong gia đình là môi trường đầu tiên để phát triển thành cầy đức tin. Gia đình phải là vườn ươm, là thửa đất tốt mà việc dạy giáo lý được ví như việc cung cấp chất dinh dưỡng tuỳ theo mức độ hấp thụ, tuỳ theo thời điểm để sự phát triển tâm linh và tôn giáo nơi đứa trẻ có đủ sứ đơm bông kết trái sau nầy.

3. Giáo dục đạo đức cho con cái thế nào ?

Do việc dạy giáo lý trong môi trường gia đình có hoàn cảnh riêng biệt, nên các bậc cha mẹ cần chú ý đến yếu tố phát triển của con cái tuỳ theo tuổi tác của chúng, điều kiện riêng của mỗi trẻ.

Dạy những điều đơn giản phù hợp với thời điểm phát triển thể lý và tâm linh của đưa trẻ. Qua những biến cố vui buồn trong gia đình mà dạy trẻ khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa.

Biết cách giải đáp những thắc mắc do trẻ đặt ra, qua những câu hỏi "tại sao" để dẫn các em đến đức tin. Đồng thời cha mẹ phải biết đăt việc giáo dục đạo đức cho con trẻ là công việc hàng đầu. Ngoài ra, còn phải chú ý đến một vài phương pháp cụ thể để giúp trẻ phát triển lòng đạo:

a. Dạy con từ thuở còn thơ.

Ngay từ khi trẻ bắt đầu bập bẹ kêu ba, kêu má, thì song song với việc tập ăn, tập nói cho trẻ, cũng là lúc dạy cho trẻ biết làm dấu Thánh Giá, dần dần biết đọc những kinh đơn giản, biết lập lại lời cầu nguyện mà cha mẹ mớm cho. Để khơi động lòng tin nơi trẻ em : "Những kinh đọc vắn tắt mà trẻ nhỏ bập bẹ, sẽ là khởi điểm một cuộc đối thoại đầy tình yêu mến đối với Thiên Chúa bí ẩn..." (Tông Huấn Dạy Giáo Lý số 36)

b. Dạy con cầu nguyện

Những giờ đọc kinh cầu nguyện chung trong gia đình mỗi tối trước khi đi ngủ hay trước mỗi bữa ăn là những giờ giáo lý sống động nhất vì mục đích và bản chất của việc dạy giáo lý là truyền đạt sức sống Tin Mừng, là đưa con người đến chổ gặp gỡ Thiên Chúa. Dạy con cái cầu nguyện cũng là cách để con cái sống điều chúng đã học ở các lớp giáo lý, nhưng cũng cần biết chọn lọc đừng để trẻ chán ngán, trái lại hãy dạy biết quý trọng những giờ kinh chung trong gia đình.

c. Dạy con làm quen với Lời Chúa

Bằng cách kể chuyện Kinh Thánh, những chuyện Cựu Ước, chuyện về Đức Giêsu, về hạnh các thánh, cha mẹ tận dụng những cơ hội rãnh rổi trong ngày dạy con làm quen với Lời Chúa và sống trong bầu khí đạo đức. Có thể tận dụng rất nhiều cơ hội để kể chuyện Phúc Âm, giảng giải Lời Chúa một cách đơn sơ, ấm cúng và đầy ý vị.

d. Dạy con học giáo lý

Thông thường các em được học giáo lý tại các lớp giáo lý của Họ Đạo, nhưng qua việc cắt nghĩa thêm khi các em về học bài giáo lý tại nhà, chuẫn bị cho các em dịp Rước Lễ và Thêm Sức chu đáo, là những dịp cha mẹ giúp con cái có được cái nhìn và tâm tình đạo đức.

Muốn được như vậy, chính cha mẹ trước tiên phải trau dồi giáo lý, nhất là lúc còn trẻ khi chưa lập gia đình, thì mới mong giúp con cái sau nầy cách hữu hiệu. ĐGH Gioan-Phaolô II nhấn mạnh về vai trò của cha mẹ có tính cách quyết định đối với con cái trong việc giáo dục đức tin như sau : "Mục đích của việc dạy giáo lý, với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chính là làm phát triển đức tin còn thơ ấu, thăng tiến đến mức độ viên mãn và nuôi dưỡng hằng ngày đời sống của các tín hữu thuộc mọi lứa tuổi." (Tông Huấn Dạy Giao Lý số 20)

Muốn giáo dục con cái nên người thì chính cha mẹ cũng phải tự giáo dục chính mình : người ta chỉ cò thể cho cái mà mình có. Có một bà mẹ đưa đứa con nhỏ đến gặp Gandhi, vị cha già của dân tộc Ấn Độ, và nhờ ông khuyên đứa bé bỏ tật ăn ngọt. Con người được xem là có tâm hồn vĩ đại ấy đã không đáp lời ngay, song hẹn hai mẹ con vào ba tuần sau. Đúng ba tuần sau bà mẹ lại đem con đến. Sau khi ông khuyên nhủ đứa bé, bà mẹ hỏi lý do tại sao ông phải hoãn lại những ba tuần. Mahatma Gandhi giải thích : "Chính tôi cũng là người thích ăn kẹo, để có thể đưa ra lời khuyên nhủ, chính tôi phải từ bỏ cái tật xấu ấy đã." Quả vậy, người ta không thể cho cái mà mình không có.

Cha mẹ không thể truyền đạt cho con cái những giá trị mà chính họ đã không sống trước, hoặc đã không phấn đấu sống mỗi ngày những giá trị ấy. Cha mẹ không chỉ dạy con cái nên người , mà cha mẹ trước tiên còn phải tự đào luyện, bởi sự trưởng thành không bao giờ chấm dứt. Mỗi người ai cũng có những đức tính tốt và vô số những điều chưa tốt. Bao lâu còn sống là còn phấn đấu để nên hoàn thiện. Bản thân cha mẹ hoàn thiện cũng sẽ kéo theo cả gia đình hoàn thiện.

Lạy Chúa, là những bậc làm cha mẹ, xin cho chúng con biết biết cậy dựa vào chúa và quan tâm giáo dục con cái nên người, trong niềm kính sợ Chúa và yêu thương mọi người. Amen.

V. HỌC TÔNG HUẤN SỐ 36

"Vì là người truyền thông sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng".

VI. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

1. GỢI Ý SÁM HỐI.

Là con cái, nhưng con thiếu vâng lời cha mẹ (hay các bề trên) trong việc tiếp nhận đức tin đã được lưu truyền trong dòng tộc, trong họ đạo. Xin Chúa thương xót con.
Là cha mẹ, nhưng con thiếu ra sức truyền đạt đức tin cho con cái. Xin Chúa thương xót con.
Là vợ chồng với nhau, nhưng con thiếu thông truyền đức tin cho nhau. Xin Chúa thương xót con.

2. LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em và các bạn trẻ thân mến,
Chúng ta tuyên xưng tín điều "các thánh cùng thông công": việc thiện của người này ảnh hưởng đến người khác. Gia đình là khởi điểm của cuộc sống xã hội; hơn nữa, chúng ta có nhiều thời gian sống trong gia đình. Do đó, gia đình là môi trường thuận lợi cho việc truyền đạt đức tin. Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện cho các gia đình:

- Chúa Giêsu phán: "Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu"(Mc 16,15-16). Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh, cách riêng cho những người sống trong gia đình, luôn chu toàn bổn phận, để truyền đạt đức tin cho nhau.

- Có những người, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, phải sống xa gia đình, hay không sống chung trong gia đình. Chúng ta cầu nguyện cho những người này, nhớ lại những hồi ức tốt lành của gia đình mình, về việc chia sẻ đức tin hoặc sống đạo đức, mà tiếp tục các thói quen tốt lành ấy.

- Có những người trẻ đang chuẩn bị sống hôn nhân, hoặc mới vừa kết hôn. Chúng ta cầu nguyện cho họ hiểu biết các giá trị chính đáng của đời sống gia đình, hầu xây dựng cho họ một gia đình hạnh phúc và thánh thiện.

- Gia đình Kitô-hữu luôn có bàn thờ Chúa ngay giữa trung tâm nhà mình. Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình công giáo trong họ đạo chúng ta, thường xuyên cùng nhau đến trước bàn thờ Chúa để cầu nguyện chung, hầu có thể luôn thông truyền đức tin cho nhau.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con sống trong gia đình, Chúa dạy chúng con rao giảng Tin Mừng, Chúa dạy chúng con loan báo ơn cứu độ cho mọi người. Xin Chúa làm cho chúng con thành những chứng nhân đức tin và cũng là chứng nhân tình yêu Chúa, ngay trong gia đình của chúng con. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

NGƯỜI KHAI MỞ ĐỨC TIN

Trải qua nhiều thế hệ, các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu tâm lý đã thu lượm được biết bao kinh nghiệm quí báu đủ để xác tín rằng : môi trường, bầu khí gia đình ghi dấu vết sâu đậm và bền bỉ trong linh hồn con trẻ, và quyết định đường hướng tối hậu cho cuộc đời nó. Tùy theo bầu khí, trong đó đứa trẻ nhiễm được tính ích kỷ hay lòng quảng đại, sống thích làm việc hay bừa bãi, nhân đức hay nết xấu : nó sẽ nhát đảm hay can trường, vị lợi hay tận tâm, xấu xa hay đức hạnh.

Ý thức được tầm quan trọng của thừa tác vụ giáo dục của đấng bậc làm cha mẹ, Công Đồng Vatican II, trong Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, số 3 xác quyết rằng :"Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng, và vì thế, họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được.

Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để hổ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội. Do đó gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể ".

Như vậy, Cha Mẹ là thầy dạy đầu tiên, khai mở ý thức về Thiên Chúa cho con cái mình. Nói cách khác, Cha Mẹ là người khai mở đức tin. Khai mở bằng cách nào ?

1 . Bằng gương lành của Cha Mẹ.

Trong thông điệp về Giáo Dục Kitô giáo, ĐGH Piô XI tuyên bố :"Môi trường tự nhiên và cần thiết là gia đình, vì đã được Đấng Tạo Hóa chỉ định để đạt tới mục đích đó. Theo luật chung, nền giáo dục hiện hữu nhất và bền bỉ nhất là nền giáo dục được lãnh nhận từ một gia đình Kitô giáo có qui cũ và khuôn phép. Trong gia đình đó, những gương lành của cha mẹ và của những người trong gia đình càng giải chiếu tỏ rỏ và bền bỉ, thì kết quả của giáo dục lại càng lớn lao".

Đứng trước nôi của đứa con vừa mới sinh, người cha người mẹ vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì mình được làm cha làm mẹ, lo vì mình phải giáo dục nó thế nào đây, và họ thầm nghĩ :"Đứa trẻ này rồi sẽ ra sao ?" (Lc 1, 66), như những người đứng trước nôi của Gioan Tẩy Giả đã thầm nghĩ cách đây hơn 2000 năm. Nếu phải trả lời cho câu hỏi ấy, có lẽ câu đúng nhất sẽ là :"Đứa trẻ này sẽ ra sao là tùy thuộc ở cha mẹ nó giúp nó".

Tâm sự của một người đạo đức vừa mới được làm cha kể lại như sau :"Một ơn huệ mới, đã đến làm cho tôi nhận thấy niềm vui lớn lao, mà người ta có thể cảm thấy ở đời này là : Ối chà ! Tôi làm cha ! Thật là giờ phút quan trọng khi tôi nghe tiếng khóc đầu tiên của con tôi. Khi tôi nhìn thấy tạo vật bé bỏng này lại là tạo vật bất tử, mà Thiên Chúa đã đặt vào tay tôi. Nó đem lại cho tôi bao nhiêu ngọt ngào cũng như bao nhiêu trách nhiệm. Ngay từ sớm, chúng tôi khởi sự giáo dục nó, đồng thời nó cũng bắt đầu giáo dục chúng tôi, vì tôi hiểu rằng Trời gửi nó đến để dạy chúng tôi nhiều sự và để làm cho chúng tôi nên tốt hơn.

Tôi không thể nhìn chân dung hiền từ, vô tội và trong sạch này mà không tìm ra dấu vết thánh thiện của Thiên Chúa, dấu vết đó nơi chúng tôi không được sáng bằng. Tôi không thể nghĩ đến linh hồn bất tử này mà tôi phải trả lẽ, mà lại không thấm thía về nghĩa vụ của tôi. Làm thế nào mà dạy dỗ được nó, nếu tôi không thực hành trước những điều tôi dạy ?"

2 . Bằng lay tỉnh tiềm năng.

Nơi con trẻ có sẳn bản năng tôn giáo. Vừa khi trí hiểu và lương tâm con trẻ thức tỉnh thì tự nhiên nó bị lôi kéo về Thiên Chúa. Chẳng khác gì dòng máu đưa nó về với cha mẹ và anh chị em nó, thì Thánh Thần của Chúa Cha và Chúa Con, mà nó nhận lãnh khi chịu phép Rửa Tội, cũng lôi kéo nó về với Ba Ngôi Thiên Chúa. Khổ thay ! thường thì cha mẹ, vì vô tâm hay vì là Kitô hữu xấu, đã làm tắt Thánh Thần trong nó, Thánh Thần luôn khao khát được tỏ mình ra. Chỉ cần chung đụng với các em và thăm dò tấm lòng các em một chút thôi, người ta cũng thấy ngay bản năng qui hướng linh hồn và tâm trí của các em về cùng Thiên Chúa. Newman đã nói :"Khi người ta nói với đứa trẻ về Thiên Chúa thì nó hiểu theo như chúng ta".

Bởi đó, Cha mẹ cần quan tâm làm cho con trẻ tăng cường độ ý thức về Thiên Chúa, nghĩa là làm cho nó thấy cần đến Thiên Chúa, thấy Chúa đáng hấp dẫn, đáng yêu mến và đáng được phụng thờ. Để làm việc này, cha mẹ phải lay tỉnh và mở lối cho những tiềm năng sâu xa và tốt lành trong tâm trí nó. Người mẹ đang khi âu yếm con, biết dùng cách nói của con mà nói cho con về Thiên Chúa, nói sao cho phù hợp với tầm mức trí khôn của con. Khi một người mẹ đang âu yếm con, miệng không ngớt nói với con rằng :

"Con ơi, có một Thiên Chúa cần thiết cho con
khi mà con không còn cần đến mẹ nữa.
Có một Thiên Chúa ôm con trong cánh tay Người,
khi mà mẹ không bảo vệ được con nữa.
Có một Thiên Chúa nghĩ đến hạnh phúc và niềm vui của con,
khi mà mẹ không thể cho con hạnh phúc và niềm vui nữa ".

Và lúc đó trong linh hồn đứa trẻ có cái gì khó tả, một động tác thánh, một niềm tin phấn khởi như nâng bổng nó lên. Khi người mẹ vừa nói tên Thiên Chúa thì nó vui sướng nghe ngay. Tâm tình yêu mến, biết ơn, cậy trông, phát khởi từ lòng người mẹ nay nở rộng ra tràn sang đứa con. Những tâm tình ấy trải rộng, bao phủ từ Thiên Chúa đến cha đến mẹ rồi đến đứa con.

3 . Bằng khai mở lòng yêu mến Chúa.

Khai mở cho đứa trẻ được hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa và Mẹ Maria là công việc ngọt ngào và dễ dàng, nhất là đối với các bà mẹ. Bà Leclercq - Huet khuyên các bà mẹ trẻ :"Hãy đặt con trên đầu gối, vừa khi nó biết bập bẹ tiếng "Ba", tiếng "Mẹ", thì những tiếng đầu tiên của nó phải là: Giêsu - Maria - Giuse. " Giêsu, con yêu Chúa".

Mỗi buổi sáng khi cho đứa bé thức dậy, hãy tập cho nó làm Dấu Thánh Giá. Lớn hơn chút nữa, tập cho nó dâng lòng trí, dâng ngày cho Chúa Giêsu, tập cho nó chào kính thiên thần bản mệnh, người gìn giữ và là bạn của nó. Khi đọc Kinh Tối trong gia đình, Cha mẹ đừng quên lòng sùng kính của các tháng trong năm, như tháng kính thánh Giuse, tháng kính Đức Mẹ, tháng kính Thánh Tâm, tháng Mân Côi, Tháng các đẳng . . .

Mỗi gia đình có một bàn thờ để cho con trẻ tự do trang hoàng, nhưng nên theo dõi để hướng dẫn và cắt nghĩa cho nó. Trước các bữa ăn, nên để cho một đứa trẻ cất kinh Lạy Cha, hay Sáng Danh . Có lần tôi gặp trong một gia đình, đứa trẻ cất kinh Lạy Cha, rồi thêm lời nguyện như sau : Xin Chúa ban của ăn cho những kẻ thiếu thốn ".

4 . Bằng nói về Thiên Chúa cho con cái (từ 4 - 7 tuổi) .

Trẻ con rất thích nghe kể chuyện. Cha mẹ kể cho con nghe những câu chuyện về cuộc đời Chúa Giêsu, về Đức Mẹ, về hạnh các thánh. Nên nhấn mạnh đến những nét làm cho nó cảm động, hoặc nó có thể bắt chước. Hãy nói cho nó biết Thiên Chúa tốt lành, làm cho nó nhìn thấy Thiên Chúa trong thiên nhiên mà nó rất thích : mặt trời, mặt trăng, ruộng vườn, cây cối, hoa quả, chim chóc . . . Cho nó biết lòng nhân từ và tốt lành của Chúa, chính Người ban cho nó có cha có mẹ, có cơm bánh, có áo quần, có đồ chơi ….

Nếu đứa trẻ yêu mến Chúa, thì cha mẹ, người khai mở đã thành công, và lúc đó, cha mẹ cảm thấy công việc giáo dục đức tin cho con cái là công việc ngọt ngào và dễ dàng.

Cha mẹ biết lợi dụng những dịp lễ lớn trong năm để dạy cho con cái dần dần về phụng vụ, về lời cầu nguyện của Hội Thánh : Nhân dịp lễ Giáng Sinh, cha Charles de Foucauld dặn em gái của cha rằng :"Anh muốn em làm cho các con của em một máng cỏ và một cây sinh nhật . . . đó là những kỷ niệm êm đẹp có lợi suốt đời. Tất cả những gì làm cho người ta yêu mến Chúa Giêsu, làm cho người ta yêu mến tổ ấm gia đình, đều là hữu ích. Những niềm vui của tuổi trẻ được ràng buộc với mối cảm kích của đạo giáo, tạo được điều tốt lành , nhớ dai cho đến già".

Ngoài ra, cha mẹ còn biết lợi dụng những biến cố quan trọng xảy ra cho gia đình, vui cũng như buồn, để lòng bên lòng mà nhắn nhủ con cái cách thân mật :

Như bà Margarita, mẹ của Don Boscô, đã tâm sự với con, khi con bà được rước lễ lần đầu như sau :"Con ơi, mẹ khoan khoái tin rằng sáng hôm nay, Chúa đã thật sự chiếm lấy tâm hồn con. Con hãy hứa với Chúa là con sẽ gìn giữ tâm hồn con tốt đẹp và trong sạch cho đến hết đời con. Hãy năng rước lễ, nhưng đừng rước lễ phạm thánh, muốn thế, con hãy xưng tội cho thành thực. Con hãy vâng lời, hãy vui thích đi học giáo lý và đi nghe giảng, và hãy lánh xa bạn bè xấu như lánh ôn dịch".

Và như bà mẹ của Clément Hofbauer (sau này là tu sĩ của dòng Chúa Cứu Thế), khi cha của Clément qua đời, trong nỗi đớn đau, bà dẫn con đến trước tượng Chúa chịu nạn của gia đình, chỉ vào Chúa bị đóng đinh và nói với con :"Con hãy nhìn, đây là Đấng từ nay sẽ là cha con, hãy tránh làm cho Người buồn vì một tội lỗi nào".

Không phải đợi đến những biến cố quan trọng, mà bất cứ một việc thường thức nào, vụ rắc rối nhỏ nhoi nào, những đồ vật quen thuộc đến đâu, là cha mẹ đạo đức, đều có thể rút tỉa ra được những bài học hữu ích, để khai mở đức tin cho con cái. Muốn đạt được sự nhuần nhuyễn như thế, cha mẹ phải hiểu biết giáo lý và có lòng yêu mến Chúa chân thành.

5 . Lời nhắn gữi các bà mẹ Công Giáo.

Đức Giáo Hoàng Piô XII nhắn nhủ các bà mẹ công giáo như sau :"Bên cạnh các linh mục thì chính các bà phải là những cộng sự viên để dạy dỗ những bước đầu tiên về đạo đức và giáo lý. Vì đạo đức và giáo lý là nền tảng của mọi nền giáo dục vững chắc, các bà là những thầy dạy đầu tiên của con cái, các bà cần phải biết giáo lý cho đầy đủ và chắc chắn. Làm thế nào dạy được điều mà mình không biết ? Hãy dạy cho con cái yêu mến Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội mẹ chúng ta, các vị chăn dắt Giáo Hội là những vị hướng dẫn các bà . Các bà hãy yêu thích giáo lý và làm cho con cái yêu thích, vì giáo lý là cuốn sách lớn lao của tình yêu và kính sợ Thiên Chúa, của sự khôn ngoan Kitô giáo, và của đời sống vĩnh cửu".

KẾT

Cha mẹ, nhất là người mẹ, là những người kéo dài và phản chiếu con người của mình trong tâm hồn và trong đời sống con cái của họ. Bởi đó, còn là bào thai, cha mẹ đã muốn truyền đạt ý muốn tốt lành, niềm tin vững chắc của mình cho thai nhi. Lời cầu nguyện với Đức Mẹ của một bà mẹ đang mang thai sau đây chứng minh điều đó :

Lạy Mẹ đang mang thai,
Xin để cho con tới gần Mẹ
Đơn giản như một người láng giềng, như một người bạn
Để chúng ta nói về con cái chúng ta . . .
Vì con cũng sắp sửa làm mẹ . . .
Con con kém hơn con Mẹ ba tháng ! (*)
Mẹ ôi , con biết vực thẳm nào ngăn cách chúng ta
Mẹ vô nhiễm còn con tội lỗi khốn cùng . . .
Nhưng bởi vì chúng ta sẽ cùng làm mẹ với nhau.
Con của Mẹ sinh ra do lòng thương yêu của Chúa
Con của con, do tình yêu được trời chúc phúc !
Hai tình yêu ấy chẳng tội lụy gì !
Mẹ đầy phúc, sinh con không đau đớn.
Còn con người phàm, đau quặn là lẽ thường, con ghen với Mẹ.
Nhưng những đau đớn ấy, như chất thuốc thơm, con dâng lên Mẹ.
Để làm dịu bớt những đau buốt của lưỡi đòng đâm suốt tim mẹ.
Vì con và vì con cái của con.
Mẹ Maria, Mẹ thật nghèo khó
Nhưng gia đình con chẳng lấy chi giàu có !
Mà phải lo cho đàn con
Nào nhà ở, nào trường học, nào địa vị . . .
Những thứ ấy Con Mẹ chẳng bao giờ cần đến.
Con xin kết hợp những thiếu thốn ấy với những thiếu thốn của Mẹ.
Giêsu sẽ là con đầu lòng của Mẹ,
Mẹ chẳng còn con nào khác
Vì chỉ mình Con đó cũng trỗi vượt
Mọi con cái trần gian !
Còn con đây dù là đứa thứ ba
Con cũng cứ mừng được ấp ủ đàn con đông
Và Mẹ biết : tất cả chúng thuộc về Con của Mẹ
Trong lúc Mẹ thức tỉnh lòng vui khôn tả,
Hồn con quì gối sát bên Mẹ
Đợi chờ Đấng Cứu Thế chúng con sắp đến.
Mong rằng đến giờ con sinh nở đớn đau,
Mẹ từ bi ra tay giúp đỡ lại.
Ôi Maria, con muốn van nài Mẹ tha thứ
Vì bao nhiêu điều táo bạo con muốn thân thưa.
Dù sao Mẹ cũng không khốn khổ như con !
Một vực thẳm chia đôi ngăn cách.
Giữa huy hoàng Mẹ và khốn cùng của con
Giữa thiên tính huy hoàng của Con Mẹ
Và nhân tính buồn thảm của con con . . .
Tuy nhiên con không sợ sệt
Vì cái nhìn ngạo mạn, hoặc vì lời nói mếch lòng
Bởi Mẹ khoan thứ và hay hộ giúp
Lại nữa, giữa những người mẹ, người ta hiểu nhau nhiều !
(*) Bà sẽ sinh con sau lễ Giáng Sinh ba tháng.

VIII. TRANG THANH NIÊN

TRONG GIA ĐÌNH

- Các bạn thân mến, bây giờ chúng ta đang đi ngang qua một trường học. Đây là giờ tan trường, tiếng còi xe giúp các bạn biết được điều đó !
- Bây giờ, chúng ta đang đi ngang qua cách đồng lúa, gió mạnh hơn. Ngoài đồng hiện nay đang trổ đều. Một số cánh đồng có màu xanh và một số khác màu vàng, vì lúa gần chín.
Khi nói đến màu vàng và màu xanh thì chúng tôi bỗng khựng lại.
Đọc đến đây chắc các bạn tưởng là đang có buổi tường thuật một cuộc đua xe đạp của đồng bằng sông Cửu Long. Không, đây là việc xảy ra trên xe khi đi tắm biển cùng các bạn khiếm thị vào ngày Quốc tế người khuyết tật vừa qua.

Tiếp xúc với người khiếm thị mới thấy sự cố gắng vươn lên của họ. Họ vẫn theo dõi những trận đá banh trên truyền hình, vẫn mê các bộ phim đang chiếu và nhớ rất nhiều tin tức. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố tự chăm sóc mình và phụ được những việc nhà.

Chúng tôi khựng lại khi nói đến màu xanh, màu vàng vì màu sắc không có ý nghĩa gì với người khiếm thị. Dù vậy một cảm giác rất mới và rất lạ đã xuất hiện trong lòng khi sống một ngày trọn vẹn với họ. Các bạn khiếm thị vẫn lạc quan, vui vẻ chấp nhận và muốn vươn lên. Tâm tình tôn giáo giúp họ siêu thoát hơn và khao khát muốn cho các bạn khác biết Thiên Chúa.

Qua trải nghiệm đó, chúng tôi chợt nghĩ : có một lúc nào đó trong đời mình, những hình dáng, sắc màu, những quan niệm sống mà mình đang chạy theo sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.

Thế nên mời các bạn trẻ hãy suy nghĩ :
1. Hãy tạ ơn Chúa hằng ngày vì mình có đủ mọi giác quan để mình có thể nghe, thấy mọi việc quanh mình. Đây là điều lắm khi chúng ta quên mất.
2. Trong nhà bạn cũng có những người lớn tuổi nên họ trở nên khiếm khuyết và khiếm thị. Nói chuyện với họ lắm khi bạn to tiếng, bực dọc hoặc khó chịu. Hãy thông cảm và ân cần với họ vì họ đâu muốn thế !
3. Đôi khi bạn nên tập nghe và thấy không phải bằng mắt và bằng tai, không cần một lời yêu cầu thế nhưng ta vẫn nhận ra và giúp người khác, không cần một câu van xin nhưng ta ra tay trước khi họ mở miệng nói. Hãy nghe bằng con tim thì bạn sẽ biết được nhiều điều lắm.
Chúc các bạn thành công.

IX. TRANG THIẾU NHI

GIÁO LÝ KINH THÁNH CHO THIẾU NHI

Thiên Chúa tạo dựng con người (Stk 2,4-45)
Chương nầy muốn trình bày điều gì về việc Thiên Chúa tạo dựng con người? Chương nầy muốn trình bày cho chúng ta thấy rằng:
-Con người được tạo dựng bằng đất sét và hơi thở của Thiên chúa. Con người khác hẳn loài vật.
-Đất sét là biểu hiện của vật chất. Con người hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa giống như cục đất trong tay người thợ gốm vậy.
-Hơi thở là biểu hiện sự sống của Thiên Chúa thông ban cho con người.

Lời Chúa: "Hãy sinh sôi nẩy nở và hãy nên đầy dẫy trên đất. Và hãy bá chủ nó! Hãy trị trên cá biển và chim trời và mọi loài sinh vật vật nhung nhúc trên đất". (Stk 1, 29)

X. TẢN MẠN

TA VỀ TA TẮM AO TA

Mẹ tôi năm nay đã gần 80 tuổi, sức khỏe mỗi ngày một suy yếu. Mòn mỏi mong đợi anh Hai tôi ở Mỹ về thăm. Đêm nào Mẹ tôi cũng gom cả nhà đọc kinh tối chung và Mẹ tôi luôn nhắc nhở mỗi người nhớ cầu nguyện cho anh Hai tôi được mạnh khỏe, sớm có ngày về thăm Mẹ và các em.

Vì cao tuổi và quá nhớ thương con ở xa, Mẹ tôi bệnh nhiều. Anh Hai tôi nhận được tin, báo tin sẽ về dịp Tết này. Cả nhà vui mừng, nhất là Mẹ tôi.

Đúng ngày hẹn báo trước, anh Hai tôi về với chị Hai và 2 đứa con. Tết này như vui hơn. Cả nhà họp mặt đông đủ. Mọi người tranh nhau gợi ý anh Hai đi du lịch chỗ này nơi nọ như Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang ... Anh Hai ngồi cạnh Mẹ, cười cười. Anh khoát tay : Anh ở Việt nam chưa đầy một tháng, sợ không đủ thời gian nói chuyện với Mẹ nữa mà lại còn đi đâu xa. Ngày mai anh đi Bến Tre thăm mộ của Ba, đứa nào đi chung thì đi.

Khi đưa Mẹ vào buồng nghỉ xong, anh nhìn chúng tôi, đôi mắt anh đượm buồn.

-Lần này về gặp lại Mẹ, anh thấy Mẹ yếu đi nhiều lắm. Anh muốn dành trọn thời gian để nói chuyện với Mẹ, làm cho Mẹ vui. Ở xứ người, nhiều đêm anh nằm suy nghĩ, nhờ công ơn sinh thành dưỡng dục của Ba Mẹ từ lúc anh em mình còn thơ ấu mà mình có đức tin và nên người như ngày hôm nay. Anh chỉ sợ lần sau về .. Anh Hai bỏ dỡ câu nói, giọng run run.
Mọi người bất chợt nhìn nhau bùi ngùi xúc động.

**********

Hai đứa con của anh Hai tuy sinh ra ở nước ngoài, nhưng nói tiếng Việt rầt khá. Anh Hai bảo chúng phải dùng tiếng mẹ đẻ để nói chuyện với mọi người trong gia đình. Có lần thằng bé út nói với Bà Nội : " Ba nôi ơi đi ăn phơ vơi con khong ? " làm cả nhà cười ầm. Anh Hai nhăn mặt bảo :
-Nói lại coi ! Có mấy cái dấu mà đọc không đúng là mất gốc nghe con ! Đọc lại từ " bà nội " cho đến khi bỏ đúng dấu cho ba nghe.
Thằng bé khoanh tay đọc chừng năm lần từ " bà nội ". Chị Ba tôi nói : Sao Anh khó quá vậy, con nít ở bển nói tiếng cỡ nó là giỏi lắm rồi, đòi hỏi quá làm gì.
Anh Hai nhăn mặt :
- Thôi đi, anh không chịu nổi khi nghe con cháu xưng hô với cha mẹ, ông bà là " I " với " You ". Già trẻ lớn bé gì cũng bị coi là " You " hết thì còn trật tự gì nữa ! "
Mẹ tôi cười đồng tình :
- Thằng Hai nói đúng ý mẹ đó. Đâu phải vô nghĩa mà người Việt nam mình có các cấp bậc xưng hô phong phú như vậy. Ông, Bà, cha, mẹ, cô, dì, chú, bác, bậc nào ra bậc nấy.

*********

- Kỷ niệm ngày cưới của Anh Hai Chị Hai, mọi người đề nghị đi nhà hàng chúc mừng. Mẹ tôi nói :
- Đi nhà hàng làm gì, cứ ở nhà, chị em nấu một bữa cơm vừa ngon, vừa rẽ lại ấm cúng.
Mấy chị tôi phản đối :
- Thôi Mẹ ơi, thời nay người ta có điều kiện tài chánh là ra ngoài ăn tiệm, hạn chế vô bếp. Mẹ thấy không, ở tây phương phụ nữ ít nấu nướng lắm. Họ đi chợ một tuần một lần, đồ ăn chất đầy tủ lạnh, họ có thời giờ rảnh để đi du lịch, đi mua sắm nên họ lâu già hơn phụ nữ bên mình là vậy.
Anh Hai nhận xét :
- Bởi vậy gia đình ở bên đó dễ tan vỡ hơn bên này. Ở bển, lắm lúc thèm một bữa cơm nóng đủ mặt vợ chồng con cái cũng không có được. Cái gì cũng đòi hỏi " nhanh - tiện - lợi " nên tình người cũng " lạnh " theo !
Một tháng trôi qua nhanh. Tiễn anh Hai đi, mọi người đều bịn rịn. Trước khi lên máy bay, anh Hai còn căn dặn chúng tôi :
- Điều Mẹ cần là sự gần gũi chăm sóc của con cháu. Các em ráng thăm Mẹ thường xuyên, nói chuyện với Mẹ nhiều hơn. Người già cần tinh thần lắm. Đừng nghỉ ngày ba bữa cơm là đủ !

Những điều anh Hai nhắc nhỡ là những điều đáng ghi nhớ. Tưởng đâu anh Hai quen sống theo kiểu tây phương, nào ngờ anh Hai còn giữ những truyền thống tốt đẹp cho mình và cho con cái, để cùng nhau " về tắm ao ta, dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn ".

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

HÃY BIẾT TẠ ƠN

Nếu bạn phải chịu đựng một ngày làm việc vất vả
Hãy biết tạ ơn
Vì bạn còn có việc làm đang khi nhiều người thất nghiệp.
Nếu bạn phải trả những chi phí hàng tháng
Hãy biết tạ ơn
Vì bạn còn có thể trả được.
Nếu bạn thấy tóc mình bạc
Hãy biết tạ ơn
Vì những người bệnh ung thư vô hóa chất bị trọc đầu.
Nếu bạn ăn uống đạm bạc thiếu thốn
Hãy biết tạ ơn
Vì nhiều người không có gì để ăn.
Nếu bạn phải tốn giờ lau chùi quét dọn nhà cửa
Hãy biết tạ ơn
Vì nhiều người ước ao có căn nhà để quét dọn
mà không có được.
Nếu bạn phải đi bộ
Hãy biết tạ ơn
Vì có những người không thể đi đứng được.
Nếu bạn bất mãn vì những người cau có, nóng tính, vô ơn
Hãy biết tạ ơn
Vì nếu bạn là họ, biết đâu bạn còn tệ hơn. (dịch từ internet)

Tham Khảo:
Vì Sự Sống Trần Gian, Antôn Ngô Văn Vững sj;

Thà Thắp Lên Một Ngọn Nến, Christophers;

www.vietcatholic.net; www.simonhoadalat.com; Radio Veritas Asia; www.dongcong.com......

2832    19-04-2012 09:27:38