Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Gia Đình Trong Ý Định Của Thiên Chúa - Tháng 01 năm 2009

TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2, P. 1
Tx Vĩnh Long

Kính gởi : Các Linh Mục,
                 Các Tu Sĩ Nam Nữ,
                Anh Chị Em giáo dân Giáo Phận Vĩnh Long

Anh Chị Em thân mến,
Đại Lễ Chúa Giáng Sinh đã qua, chúng ta sửa soạn mừng Tết Nguyên Đán. Mọi người mong đến ngày Hội Ngộ Truyền Thống của gia đình Việt Nam. Kẻ đi xa để lập nghiệp hoặc để theo đuổi việc học hành, tất cả đều chuẩn bị quay về quê quán của mình. Chúng ta về thăm và chúc mừng ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng. Chúng ta sẽ cầu nguyện bên phần mộ của các thân nhân quá cố. Chúng ta không thể chối bỏ những mối liên hệ gia đình đã từng hun đúc bản thân chúng ta, dệt thành cuộc sống xã hội của chúng ta.

Anh Chị Em không thấy sao ? Con Thiên Chúa làm Người có họ hàng, có dòng tộc. Để giới thiệu Chúa Cứu Thế cho chúng ta, thánh Matthêu cẩn thận ghi lại Gia phả Chúa Giêsu Kitô bắt đầu từ Abraham xuống tới Đavít, từ Đavít xuống tới Giêchônya (lưu đày ở Babylon), sau cùng xuống tới Giuse là cha nuôi của Chúa Giêsu (Matthêu 1,1-16).

Chúa Cứu Thế sinh ra trong dòng tộc của Đavít, của Abraham, làm rạng danh các tổ phụ, làm vinh quang của Israel. Người không đơn giản khôi phục một vương quốc trần thế đã tan rã, nhưng thiết lập một vương quốc thiêng liêng: ‘Nước Ta không thuộc về thế gian nầy’(Gioan 18,36); siêu thăng và mở rộng vương quyền Nhà Đavít ‘Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người, Người sẽ cai trị đời đời trên Nhà Giacob và triều đại Người sẽ vô tận’(Luca 1,32-33; x. St 49,10) . Vương quốc ca Chúa Kitô bao gồm các tín hữu thuộc mọi dân nước, thể hiện điều đã được hứa cho Abraham, tổ phụ của những kẻ có lòng tin, đó là một miêu duệ đông như sao trời (St 15,5). Người là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài (Luca 2,32 ).

Chúng ta đã được may mắn làm thành viên của một gia đình Công Giáo trong một Họ Đạo thuộc Địa Phận Vĩnh Long. Hồng ân Đức Tin liên kết chúng ta với Hội Thánh Công Giáo, cho chúng ta tham dự các sinh hoạt trong cộng đoàn Dân Chúa, và cùng với anh chị em tín hữu chia sẻ biết bao nỗi niềm, lưu giữ biết bao kỷ niệm. Chúng ta nhận thấy đời mình được kết chặt với Hội Thánh. Chúng ta không cô độc, bởi Chúa đã tạo thành chúng ta để sống với người khác, sống với anh chị em của mình, sống với cộng đoàn.

Trong những ngày Hội Ngộ Truyền Thống của Năm Mới nầy, khi vui mừng gặp lại nhau, chúc mừng nhau, chúng ta ghi nhớ công ơn của Tiền nhân và bày tỏ lòng hiếu thảo đối với các ngài, nhưng cũng thấy nhiệm vụ phải đáp đền. Phải cương quyết vệ đạo nghĩa, bảo vệ gia đình.

Làm sao cho mỗi Gia Đình trở thành Trường dạy Đức Tin, để con người học biết Đạo làm con của Chúa, học biết kính mến Chúa trên hết mọi sự, bởi vì ‘Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan’(Tv 110,10).

Gia Đình đạo đức, không những trung thành cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ, để thánh hóa các sinh hoạt hàng ngày, nhưng còn nhắc bảo nhau tôn trọng Luật Chúa (đặc biệt về hôn nhân bất khả phân ly, tôn trọng sự sống con người, sự sống của thai nhi, tôn trọng phẩm giá của người khác cũng như tài sản của họ).

Giữa các thành viên sao cho trên thuận dưới hòa, chan chứa tình thương, thì gia đình sẽ đầm ấm, hạnh phúc.
Gia đình Công Giáo phải quan tâm đến những giao hảo tốt với láng giềng, phải góp phần rao giảng Nước Tình Thương của Chúa cho mọi người.
Tết Nguyên Đán là Lễ Hội của Gia Đình. Đánh mất bản chất của Gia Đình, đánh mất những liên hệ gia đình, thì còn gì là ý nghĩa của Tết Nguyên Đán!

Nguyện xin Ân Sủng và Bình An của Thiên Chúa Cha chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng tất cả anh chị em trong Năm Mới nầy.

Vĩnh Long, Lễ Thánh Gia Thất 28.12.2008

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám mục Vĩnh Long

 

CHỦ ĐỀ:  GIA ĐÌNH TRONG Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA

I. THƯ MỤC VỤ số 4

 Gia đình trong ý định của Thiên Chúa là nơi giáo dục tình yêu.

Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,8). Chính vì yêu thương mà từ hư vô Ngài đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài để thông ban cho họ vinh quang vĩnh cửu. Ngài dựng nên con người có nam có nữ, tuy khác biệt về phái tính nhưng hoàn toàn bình đẳng với nhau và bổ túc cho nhau. Ngài ban cho họ có khả năng yêu mến để hướng về những ước vọng chân chính tốt lành. Nơi đời sống hôn nhân, tình yêu liên kết người nam và người nữ cách mật thiết đến nỗi họ không còn phải là hai, mà chỉ là một xương một thịt. Tình yêu hôn nhân còn phản ánh chính tình yêu của Thiên Chúa và được Chúa chúc lành.

II. DẪN GIẢI

Trong công trình tạo dựng, nơi loài người Chúa muốn tạo dựng có gia đình.

Gia đình nghĩa là Chúa tạo dựng có nam có nữ. Nam nữ tương đồng phẩm giá tương đương nhưng thể chất khác biệt. Nam kiên cường, nữ duyên dáng yểu điệu để bổ túc cho nhau, để hiến thân cho nhau và làm cho nhau được hoàn hảo.

Chúa lại ban cho có tình yêu để tìm kết hợp với nhau nên một. Đây là hình ảnh của Chúa là tình yêu. Thiên Chúa Ba Ngôi khác biệt nhưng kết hợp nên một bản thể. Đó chính là hiệu quả của tình yêu.

Chính vì thế, gia đình là trường học căn bản đầu tiên dạy cho con người biết yêu, sống yêu.

III. CHUYỆN MINH HỌA

NGÔN NGỮ CỦA TÌNH YÊU

Có lẽ cái tên của Helen Keller, một cô gái câm điếc người Mỹ, đã trở thành bậc khoa bảng, không còn xa lạ với chúng ta nữa. Vừa được 19 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái bất hạnh này trở thành mù loà và câm điếc. Thế giới của âm thanh và màu sắc đã khép hẳn cánh cửa lại với cô. 

Làm thế nào để truyền thụ kiến thức cho một người đã câm điếc lại còn mù loà? Cha mẹ của cô bé dường như muốn bó tay. Nhưng có một cô giáo tên là Anna Sullivan đã không muốn bỏ cuộc. Hy vọng duy nhất mà cô giáo này còn đó là còn có thể truyền thông và liên lạc với cô gái mù loà và câm điếc này qua việc tiếp xúc với bàn tay của cô. Chỉ có thể tiếp xúc với thế giới bằng đôi tay, nhưng Helen Keller đã có thể học xong Đại Học, tốt nghiệp Tiến sĩ và trở thành văn sĩ. 

Cho người mù loà và câm điếc chạm vào một sự vật và viết lên tên gọi của sự vật ấy: đó là phương pháp của cô giáo Anna Sullivan. Dạy về những sự vật cụ thể như cái bàn, cuốn sách, cành cây, con chó… xem ra không hẳn là điều khó. Nhưng làm thế nào để diễn tả cho Helen hiểu được những ý niệm trừu tượng như tình yêu chẳng hạn? 

Ngày kia, cô giáo Anna Sullivan đã viết lên tay của Helen Keller hai chữ "Tình Yêu" rồi ôm chầm lấy cô bé hôn lấy hôn để với tất cả sự thành thật và nhiệt tình của cô. Lần đầu tiên trong đời, cô gái câm điếc mù loà bỗng cảm thấy tim mình đập mạnh và cô hiểu được thế nào là Yêu Thương. 

Ngôn ngữ của Tình Yêu là những hành động cụ thể.  Aùnh mắt trìu mến, những âu yếm vuốt ve của người mẹ đối với đứa con mới lọt lòng có giá trị hơn bất cứ một quyển sách biên khảo nào về tình yêu. Nhưng mồ hôi và nước mắt, những hy sinh hằng ngày của người cha giúp con cái hiểu được thế nào là Yêu thương hơn bất cứ lời dẫn giải nào về Tình Yêu. Và có lẽ cũng thừa thãi để bảo rằng khi hai người yêu nhau thì sự thinh lặng và những cử chỉ âu yếm có sức mạnh hùng hồn hơn những lời nói hoa mỹ, những trống rỗng. 

Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài tỏ tình, Ngài bộc lộ tình yêu với con người không chỉ bằng những lời nói suông, mà bằng cả lịch sử của những can thiệp, những thể hiện cụ thể.  Một tình yêu không được chứng tỏ bằng những hành động cụ thể là một tình yêu giả dối, lừa bịp. 

Đạo Kitô của chúng ta là Đạo của Tình Yêu. Một người Kitô không sống Tình Yêu, không viết lên hai chữ Tình Yêu bằng những hành động cụ thể đối với tha nhân, người đó chỉ là một người Kitô giả hiệu, một Đức Tin không việc làm là một Đức Tin chết. Một lòng Mến không được thể hiện bằng hoa trái của lòng Mến chỉ là lòng Mến giả tạo.

IV. DIỄN GIẢI

“Tình yêu hôn nhân phản ánh chính tình yêu của Thiên Chúa và được Chúa chúc lành" (TMV số 4).

Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (x. Discours du Pape Benoit XVI à l’occasion du XXV Anniversaire de la Fondation de L’Institut Pontifical Jean-Paul II pour les études sur le Mariage et la Famille, Vatican.va) có hai yêu tố căn bản cho thấy giá trị của hôn nhân và gia đình trong ý định của Thiên Chúa:

Trước hết, ơn gọi hôn nhân và gia đình đã được Thiên Chúa khắc sâu vào bản tính nhân loại. Kinh Thánh cho thấy tình yêu hôn nhân của con người (người nam, người nữ) phản ảnh chính tình yêu của Thiên Chúa: "Từ khời thủy, Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa“ (St 1,26). Mà Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1Ga 4,8). Do đó, con người được dựng nên để sống yêu thương. Và sự khác biệt về giới tính nơi thân thể người nam, người nữ là nhằm bổ túc cho nhau trở nên “một xương một thịt“ (St 2,24) đồng thời cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản con cái.

Như vậy, con người được dựng nên theo hình ảnh của một vị Thiên Chúa mà suốt dòng lịch sử cứu độ đã thể hiện như Đấng Tạo Thành và Cứu Độ, Đấng mời gọi con người gắn bó với Chúa một cách tự do và tín thác bằng giao ước. Và Đức Giêsu cho biết chính Thiên Chúa ấy tuy là Một nhưng có Ba Ngôi gắn bó mật thiết với nhau bằng một tình yêu dâng hiến và đón nhận nhau một cách tuyệt đối: Thiên Chúa là Tình Yêu Tuyệt Đối và Duy Nhất (x. 1Ga 4,9). Chính theo hình ảnh Thiên Chúa như vậy mà con người được tạo thành. Một Thiên Chúa Duy Nhất, nhưng có Ba Ngôi khác biệt nhau: Chúa Cha không phải là Chúa Con; Chúa Con không phải là Chúa Cha và Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha hay Chúa Con. Cùng một bản tính Thiên Chúa, nhưng khác biệt nhau về Ngôi Vị, Ba Ngôi Thiên Chúa tự hiến cho nhau, sống vì nhau, trong một Tình Yêu tuyệt đối. Đó chính là trọng tâm mặc khải của Kinh Thánh về Thiên Chúa.

Thứ đến, “cách thức mà Thiên Chúa yêu trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu của con người" (Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 11). Vậy Thiên Chúa yêu như thế nào ?

Dân Israel được mời gọi tin vào Một Thiên Chúa Duy Nhất: “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng ta là Đức Chúa duy nhất" (Đnl 6,4). Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Người là Đấng sáng tạo trời đất và là Thiên Chúa của mọi người. Như vậy, các thần thánh khác không phải là Thiên Chúa, mà chỉ có Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất, chân thật và muôn loài, muôn vật, trong đó có con người, đều do Thiên Chúa tạo thành. “Điều nầy có nghĩa là: thụ tạo rất thân thiết với Thiên Chúa chỉ vì Người đã muốn và đã sáng tạo chúng như thế. Từ đó xuất hiện yếu tố thứ hai: Thiên Chúa yêu thương con người...Thiên Chúa duy nhất mà Isarel tin tưởng, chính Người cũng yêu. Tình yêu của Người là một tình yêu tuyển chọn. Từ giữa muôn dân. Người đã chọn Israel và yêu dân nầy, đương nhiên với mục đích để chữa trị toàn thể nhân loại" (Tđ Thiên Chúa là Tình Yêu, số 9).

Tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa đối với dân Người – đối với nhân loại – cũng đồng thời là tình yêu tha thứ. Qua Thập Giá, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu hiến thân tuyệt đỉnh của mình đến độ trở thành con người, chết cho con người, để giao hoà con người với Thiên Chúa: tình yêu của Chúa mạnh hơn công lý của Người. Tình yêu nầy không làm tan biến con người, nhưng kết hợp với con người, để chúng ta được trở nên một với Chúa, như Thánh Phaolô nói: “Ai kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người“ (1Cor 6,17) (x. Tđ Thiên Chúa là Tình Yêu, số 10).

Con người yêu thương theo cách của Thiên Chúa như thế nào? Trình thuật sáng tạo của Kinh Thánh nói về sự cô đơn của Ađam, con người đầu tiên, mà Thiên Chúa muốn ban cho một sự hỗ trợ thật gần gũi, nhưng không tạo vật nào có thể đáp ứng được. Vì vậy, Thiên Chúa tạo dựng người đàn bà từ xương sườn của ông, bấy giờ Ađam mới tìm thấy sự hỗ trợ mà ông cần: “Phen nầy, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi“ (St 2,23). Huyền thoại của Platon cho rằng con người nguyên thủy mang hình dáng một khối tròn, có nghĩa là hoàn toàn đầy đủ cho chính mình, nhưng thần Zeus chặt con người ra làm đôi để phạt vì tội kiêu ngạo, thế nên từ đó con người luôn tìm phân nữa kia của chính mình, luôn hướng về đó, để tìm lại tính trọn vẹn của mình. Trình thuật Kinh Thánh cho thấy một cách nào đó con người tự bản chất vẫn đang đi tìm trong người khác phần bổ sung để đạt được sự trọn vẹn của mình. Con người chỉ trọn vẹn khi người đàn ông kết hợp với người đàn bà: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương, một thịt“ (St 2,24). (x. Tđ Thiên Chúa là Tình Yêu số 11).

Như vậy, tình yêu hôn nhân được khắc sâu vào bản tính con người: người nam và người nữ hướng về nhau, kết hợp thành một, để con người nên trọn vẹn. Đặc tính của tình yêu hôn nhân có tính bền vững, duy nhất và dứt khoát (bất khả phân ly). Vì thế “hôn nhân một vợ một chồng đáp ứng với hình ảnh Thiên Chúa độc thần. Hôn nhân căn cứ trên một tình yêu đơn nhất và dứt khoát, trở thành cách trình bày sự liên hệ giữa Thiên Chúa với dân Người: cách thức Thiên Chúa yêu trở thành tiêu chuẫn cho tình yêu của con người“ (Tđ Thiên Chúa là Tình Yêu số 11).

Thiên Chúa duy nhất dựng nên con người, yêu thương con người, kết ước với người và hiến thân cho con người đến tận cùng trên Thánh giá. Tình yêu hôn nhân cũng phải là một tình yêu hiến thân cho nhau trong sự chung thủy và cho đến cùng. Yêu như Chúa yêu!

Xin cho những ai sống đời hôn nhân biết yêu nhau như Chúa yêu.

KIỂM ĐIỂM

Có nhận định gia đình là trường học đầu tiên, căn bản của đời sống?

Có biết gia đình là trường học dạy tất cả những chi liên hệ đến cuộc sống, từ ăn mặc, nói năng, giao tiếp (nằm ngồi) đối xử tốt, đúng với nhân phẩm, với phẩm hạnh con cái Chúa.

Đa số người làm cha làm mẹ không mấy ai nhận định rõ nhiệm vụ dạy dỗ con cái (nuông chiều quá đáng).

Dạy không bằng lời mà bằng lối sống.

Dạy con là phận sự Chúa trao phó cho cha mẹ.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến, Khi nhìn xem vạn vật đều có phái tính, chúng ta nhận biết Thiên Chúa đã thiết lập quy chế hôn nhân và gia đình cho loài người cách đặc biệt. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình sống đúng đứng bậc mình, theo thánh ý Thiên Chúa:

  1. Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, biết chấn chỉnh nề nếp giáo dục từ trong gia đình mình, để đào tạo nhân cách và đức tin.
  2. Chúa phán: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết chú trọng tình yêu mến trong gia đình, để mọi thành phần đều cảm nhận được hạnh phúc nơi nhà mình.
  3. “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ”. Chúng ta cầu nguyện cho những ai đang sống trong bậc vợ chồng, biết yêu thương kết hợp mật thiết với nhau, và trọn đời chung thuỷ với nhau.
  4. “Là chồng, là vợ phải yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết ra sức xây dựng hạnh phúc cho gia đình mình, trên nền tảng tình yêu của Chúa Kitô.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban tình yêu cho loài người để họ xây dựng hạnh phúc gia đình theo hình ảnh Chúa. Xin cho chúng con nhận biết và sống theo ý Chúa về hôn nhân và gia đình, hầu ngày sau đặng lên thiên đàng hưởng phước đời đời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

TÌNH YÊU TRONG CHÚA BA NGÔI

Sau khi được chọn gọi, đi theo Thầy Chí Thánh Giêsu và cảm nghiệm tình yêu của Chúa Giêsu, Thánh Gioan Tông đồ đã định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16), ngài không gọi Chúa Giêsu là tình yêu mà ngài định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu cho thấy được rằng: Chúa Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Thiên Chúa này là Thiên Chúa Ba Ngôi được liên kết chặt chẽ với nhau trong tình yêu, vì thế, khi Gioan được ở gần Chúa Giêsu thì Gioan cũng cảm nghiệm được Một Thiên Chúa Ba Ngôi đang hiện diện. Như vậy, Thiên Chúa là tình yêu và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa.

Vì tình yêu sung mãn mà Thiên Chúa dựng nên vũ trụ vạn vật, để chia sẻ và thông ban vinh quang của Người cho các loài thụ tạo. Đặc biệt nơi con người, Người dựng nên họ giống hình ảnh Người và Sách Sáng Thế chương 1 câu 27 còn ghi lại Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ (St 1, 27). Chính vì yêu thương mà từ hư vô Ngài đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài để thông ban cho họ vinh quang vĩnh cửu. Ngài dựng nên con người có nam có nữ, tuy khác biệt về phái tính nhưng hoàn toàn bình đẳng với nhau và bổ túc cho nhau (Thư mục vụ năm 2008 số 4). Như vậy con người chẳng những được giống hình ảnh Thiên Chúa trong chính mình mà còn được Thiên Chúa cho được trở nên giống Chúa hơn nhờ khả năng yêu thương. Càng yêu thương con người càng trở nên giống Thiên Chúa. Tình yêu của người nam người nữ dành cho nhau phản ảnh tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ba Ngôi Thiên Chúa tuy riêng biệt nhưng được liên kết chặt chẽ với nhau trong tình yêu, chặt chẽ đến độ trở nên một Thiên Chúa duy nhất, nhưng vẫn là Ba Ngôi riêng biệt, và chính trong tình yêu hợp nhất này mà Thiên Chúa sáng tạo muôn loài, thông chia nguồn sung mãn. Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa đơn độc nhưng là một Thiên Chúa Ba Ngôi Vị, chính vì thế mà tình yêu được phát xuất từ chính nơi Thiên Chúa.

Một cách nào đó, Thiên Chúa dựng nên người nam người nữ, Người ban cho họ có khả năng yêu mến để hướng về những ước vọng chân chính tốt lành, họ có khả năng hướng về nhau như Ba Ngôi Thiên Chúa, họ là nam, họ là nữ riêng biệt nhưng được mời gọi hướng về nhau và về những ước vọng tốt lành, về Thiên Chúa. Họ được dựng nên cho nhau và trở nên một trong nhau như Thiên Chúa là một.

Thiên Chúa đã dựng nên gia đình và trong đời sống gia đình tình yêu liên kết người nam và người nữ cách mật thiết đến nỗi họ không còn phải là hai, mà chỉ là một xương một thịt. Tình yêu hôn nhân còn phản ánh chính tình yêu của Thiên Chúa và được Chúa chúc lành. Như vậy, tình yêu của người nam, người nữ là phản ánh tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa là Thiên Chúa độc nhất Ba Ngôi Vị, tình yêu hôn nhân cũng vậy người nam người nữ tuy là hai nhưng phải là một sương một thịt trong Thiên Chúa.

Thật diễm phúc cho con người khi là loài thụ tạo thấp hèn lại được Thiên Chúa yêu thương và cho được phản ánh vẻ huy hoàng và tình yêu nơi Thiên Chúa tình yêu. Ước gì các gia đình Kitô hữu biết luôn sống yêu thương nhau, tâm đầu ý hợp, nên một trong nhau... và như thế là giới thiệu cho những người chung quanh hình ảnh một Thiên Chúa tình yêu nơi tình yêu của mọi thành viên trong gia đình mình.

VII. HỌC KINH THÁNH  

BÀI 36: NGÔN SỨ ISAIA
(Is 1-39 - Miền Nam)

1/ Isaia là ai?

Isaia trong tiếng Hy Bá có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Ông sinh năm -765 trong một gia đình Do thái quý tộc. Ông là người có học thức cao, viết văn Hy Bá (Do thái cổ) rất hay. Ông đã sống và hoạt động lâu năm tại Giêrusalem dưới bốn triều vua nước Giuđa, nhất là vua Achab (736-716) và Êzêkia (716-687).

2/ Sứ mạng Isaia là gì?

Sứ mạng Isaia được tóm lượt trong câu nầy: “Thiên Chúa phải được phụng sự trên hết và trước tiên”.
Ngài rao giảng cho dân về:
- Thiên Chúa độc nhất.
- Thiên Chúa siêu việt.
- Thiên Chúa nhân ái.

Isaia còn tiên báo về một Đấng Cứu thế: “Nầy đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7, 14).

Lời Chúa: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa” (Is 6, 3).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa, nhất là khi con gặp gian nan thử thách, để con an tâm vì biết rằng có Chúa, con không phải sợ hãi bất cứ gì. Amen.

VIII. SỐNG ĐẠO

SUY NIỆM VỀ ĐỜI SỐNG

Những nhà bi quan kể đời là khổ: sinh, lão, bệnh, tử. Bốn bộ mặt cũa đời sống đều là khổ. Con người chỉ là bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê. Đời khổ mà lại ngắn ngủi nữa. Chỉ là bọt bèo thôi. Ngay những cái thiên hạ cho là sướng: tửu, sắc, tài, khí (tử đỗ tường)… Vẫn có người kể là tình trạng nô lệ

Ngay đạo chúng ta cũng có lời kinh: Chúng con ở nơi khóc lóc, nơi sũng khóc lóc…Như thế thì đời đáng sống không? Và chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi: Ông Trời tạo dựng chúng ta, tại sao phải bắt chúng ta chịu khổ nhọc? Nếu như thế thì vô lý quá.

Qua mạc khải chúng ta nhận định: Chúa vì thương mà ban cho chúng ta được hiện hữu (được có). Không những có, mà có bản tính để hướng về Chúa, kết hợp với Chúa. Đó là đạt phúc thật. Nói tóm lại, Chúa tạo nên con người là muốn cho con người được phúc. Nhưng tại sao còn để đời người phải khó nhọc?

Cũng nhờ mạc khải, chúng ta biết được nguyên tổ đã phá hoại chương trình đầu tiên của Chúa. Chương trình: Cha làm quan, con hưởng phụ ấm. Nguyên tổ đã đem khổ sầu, bệnh hoạn vào trần thế - lại làm mất quyền hưởng phụ ấm. Mỗi người phải tận dụng khả năng của mình để chuộc lại phần ân huệ nguyên khởi.

Vậy tôi phải sống thế nào cho đúng, cho tốt? Sống bi quan thì không đúng. Sống hoàn toàn lạc quan, không thể được. Vì đời đâu có tươi đẹp và cái khổ vẫn đeo đẳng không rời.

Tôi phải sống đúng ý Chúa. Đúng với mục đích Chúa đã định. thực tế giữ 10 Điều Răn, lánh tội và thể hiện yêu thương, hướng tất cả những biến cố, những tác động, về mục đích tối chung: kết hợp với Chúa.

Các việc tôi làm có hiệu quả tốt, đúng hơn là thi hành lệnh Chúa. Bởi vì kết quả do tài năng tôi thực hiện là của Chúa. Đúng ra phần riêng của con người là chịu khó. Chịu khó có thể nói là đặc phẩm của chính con người, ngay cả những bệnh hoạn, tật nguyền bời vì: ai theo Thầy thì phải vác Thánh giá.

Chịu khổ, vác thánh giá, làm cho con người giống Chúa. Chịu khổ vì Chúa có hiệu lực đền tội, lập công, chuộc lại được tình trạng làm con, đạt được mục đích tối chung là kết hợp với Chúa.

Đời không hẳn chỉ có khổ. Chính cái khổ giúp cho con người mua được phúc lạc. Cái khổ giúp cho ta không còn bám vào vui sướng tạm qua. Chính cái khổ giúp cho con người hướng về vĩnh cửu.

Đời đáng sống! Phải biết sống, thì ngay giữa cảnh ô trọc, con người cũng đạt được bình an và cũng hưởng được một phần hạnh phúc tối chung.

- Sống Đạo -
TÌM HIỂU VỀ ĐẠO

ĐẠO có rất nhiều nghĩa. Theo Lão giáo thì “Đạo” có thể hiểu là nguyên lý tuyệt đối sinh nên muôn loài. Theo Phật giáo thì “Đạo” là đường. Phật đưa đường cho con người đến bờ vĩnh cửu phúc hạnh. Còn theo Nho giáo hay theo lối hiếu thông thường thì đạo là luật lệ hướng dẫn con người sống thích đáng với nhân phẩm.

Đối với người Công giáo, người thờ Chúa, thì đạo là luật lệ chỉ dẫn con người sống thích đáng với chức vị làm con Chúa. Luật lệ như thế thì phải do Trời ban (Minh đạo chi căn nguyên xuất ư Thiên). Mặc dầu con người có lương tâm nhận định, phân biệt tốt xấu, lành dữ, nhưng con người tâm trí vẫn hạn hẹp, hiểu biết không hoàn toàn xác đáng, không thể đưa ra một hệ thống đạo đức luân lý đầy đủ, chân chính. Vì thế, đạo phải phát xuất từ Trời nghĩa là phải do Chúa chỉ dạy hướng dẫn qua mạc khải. Hay nói rõ ra: nhờ Chúa mạc khải mới có đạo, luật lệ luân lý chân chính đầy đủ.

Chúng ta thường nhận định: người có đạo giữ đạo là người tốt, người lành thánh, còn người vô đạo là người xấu, người ác. Vì đạo chỉ dạy cho ta biết phẩm giá của Chúa, phẩm giá của xã hội, phẩm giá con người, phẩm giá của sự vật. Đạo chỉ dạy chúng ta tiếp xúc, liên hệ với Chúa, với xã hội, với người, với vật như thế nào cho đúng, cho tốt và như thế mới bảo vệ chính phẩm giá của mình.

Xã hội đạo đức thì mới loại trừ những mầm mống giặc giã, cướp bóc, hỗn loạn…. Xã hội đạo đức thì con người biết thương nhau, nhường nhịn nhau, tương trợ nhau… Có thể không còn tình trạng nghèo đói, vì hạng người khốn khó có người thương giúp.

Người có đạo hiểu là người sống đạo thì không đúng. Sống đạo một vài phương diện nhự đọc kinh nhiều….chưa sống đạo đầy đủ, thì chưa đáng gọi là người có đạo. Mang tiếng có đạo mà sống theo đời: ham tiền, ham vui, ham nhục dục…. có thể kể là đạo giả hiệu.

Đạo khẩn thiết cho cuộc sống, khẩn thiết hơn cơm ăn, áo mặc. Sống không đạo thì đời không đáng sống. Không đạo thì nhân phẩm cũng tiêu tan!

Tết

Nguyên đán là ngày đầu, ngày căn bản của năm mới, là lễ vui trọng đại nhất của dân tộc Việt. Lễ vui không chỉ trong một ngày, nhưng thường là Ba Ngày Tết. Còn nhà giàu dựng nêu ăn Tết, đến rằm (15) mới hạ nêu.

Nhà nhà đều vui Tết, ăn Tết. Dồn hết tiền tiết kiệm trong năm để mua sắm cho Tết. Nghèo gì nghèo it ra cũng có bánh tét, bánh chưng. Thực phẩm thường thường là thừa thải. Vì ít ra ngày Mùng Một tắt bếp bởi vì đưa ông Táo về trời rồi! Thực phẩm thừa phải ăn cho hết, cho bết, cho lết, cho chết luôn. Nhà nghèo, hết Tết có khi phải chạy nợ, ít ra cũng phải thắt lưng buộc bụng. Ăn Tết cũng vui đấy, mà cũng không tránh những cảnh buồn thê thảm!

Lại có hạng người chơi Tết. Ăn nhiều đã đành mà còn thêm nhậu nhẹt. Rảnh rang, gặp nhau mà không róc rẻn thì buồn chết. Đầu thì một ly, lần lượt một chén, một bát, một hủ…rốt cuộc hìm luôn, hết biết đường về!

Nếu không nhậu thì giải trí với đỏ đen, sát phạt nhau, không nể trọng ai cả. Cắc-tê sáu lá cầm chừng, bài cào ba lá lột quần không hay, khi tới lúc nóng mũi rồi, thì cũng có thể cầm quần để ăn thua đủ. Cũng có thể vì tứ sắc mà quên cả gia tộc. Tết như thế thì nên gọi là những ngày lễ ăn chơi.

Nhưng Nguyên Đán đâu hẳn là những ngày lễ ăn chơi, mà là một lễ vui long trọng kể là bậc nhất của dân tộc Việt.

Đêm giao thừa là giờ phút loại bỏ những hèn kém của năm qua, quên đi những không may, những xung đột trong năm trước. Bước vào năm mới, trong ngày đầu năm, phải giữ lời nói hiền hoà, tiếp xúc vui tươi, để năm mới được phúc trời ban, cho được an vui phúc lành.

Nguyên Đán cũng là ngày liên kết gia tộc. Cả năm vì sinh kế mà anh em phải xa nhau , đến ngày Tết thì cùng nhau trở về tổ đình (nhà cha mẹ hay ông bà). Ít nhiều giữ dây liên kết với nhau, giúp đỡ nhau… Không được như xưa khi nhiều thế hệ chung sống với nhau, thì ít ra còn nhớ chú bác, cô cậu, anh em…dầu xa nhau vẫn còn kể là người thân, người bà con. Về lại tổ đường, sống lại cái cảnh chung sống lúc trước, cùng chia xẻ nỗi vui của nhau. Và nhờ cảnh chung sống như thế mà lưu truyền lại những đức tính của dòng tộc.

Đối với tết, người Công giáo chúng ta vui Tết như thế nào? Có ăn Tết, chơi Tết, hay biết dùng cái Tết để tốt hơn, để liên kết gia tộc, thì chúng ta phải kể Tết là một ơn Chúa ban. Chúng ta phải để đời ta thăng tiến và nên tốt hơn mãi.

Tân nhật, nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân. Đó đúng là con của Chúa!

IX. MỤC VỤ THIẾU NHI

TRÁCH CỨ HAY TẠ ƠN

Nhiều lần tôi vẫn tự hỏi sao mình lại bất hạnh như thế này? Sao mình lại sinh ra trong một gia đình nghèo khổ? Ba mẹ mình chẳng có thế giá gì trong xã hội. Người ta sinh ra trong dư đầy của cải, được nhiều sự chiếu cố quan tâm. Phận mình sao cứ hẫm hiu để rồi phải phấn đấu không ngừng mong tìm một tương lai sáng rạng.

Những câu hỏi cứ thế được đăt ra như một lời than thân trách phận, nhưng cũng có phần trách cứ Tạo Hoá sao chẳng công bằng để kẻ thì sống sung túc người thì quá khổ đau. Thế rồi những lời trách cứ chẳng đưa tôi đi tới đâu. Thái độ trách cứ chỉ gieo thêm bất an, tạo thêm ngăn cách giữa tôi với người, và giữa tôi với Thiên Chúa. Thay vì trách cứ, tôi cần biết tạ ơn về những gì tôi đang có, về hoàn cảnh tôi đang sống và những con người tôi đang găp gỡ.

Tạ ơn Chúa vì tôi được làm người. Tạ ơn Chúa vì tôi sinh ra trong gia đình có cha có mẹ. Có những người để chia sẻ và yêu tương. Nếu gia đình Nazaret trở thành nơi cần thiết để trẻ Giêsu được lớn lên thì gia đình là môi trường lý tưởng đầu tiên để tôi trưởng thành mỗi ngày trong đời sống. Nơi gia đình tôi học biết yêu thương, cảm thông và tha thứ.

Phải chăng đáy tham con người vẫn còn quá sâu nên lòng người không thể hài lòng với điều mình đang có. Nếu tôi nghĩ về ngày tôi chào đời với đôi bàn tay trắng, với cái đầu chẳng hiểu biết chi, giờ đây phải chăng tôi đã được quá nhiều. Phải chăng hiện giờ tôi đã lãnh nhận nhiều hơn là phải cho đi. Bầu khí gia đình dẫu có yêu thương hay buồn chán vẫn góp phần hình thành nên cá tính và nhân cách con người tôi.

Chúa Giêsu có quyền để chọn một gia đình để sinh ra, chọn một hoàn cảnh để sống như ý. Thế nhưng Ngài không màn đến sự giàu sang hay danh giá. Điều Ngài nhắm đến vẫn là những giá trị phục vụ, yêu thương. Phần tôi không có quyền để chọn lựa một gia đình như ước muốn. Chúa muốn tôi hãy biết đón nhận như một ân ban để tiếp tục cầu nguyện và góp phần xây dựng gia đình mình mỗi ngày nên thiện toàn trong ý định của Chúa.

X. MỤC VỤ GIỚI TRẺ

SỐNG GIA ĐÌNH THEO Ý CHÚA

Có thể nói gia đình là từ ngữ quen thuộc, gần gũi và thân thương nhất của con người. Bởi lẽ, tự bản chất con người phải được sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Gia đình ấy được lập nên từ một người nam và một người nữ. Đó là ý định của Thiên Chúa.

Từ thuở đời đời Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam và có nữ. Và Thiên Chúa muốn cả hai người sống chung với nhau để bổ túc cho nhau và để sinh thêm nhiều con cái (St 1, 27 - 28).

Như vậy, ta thấy vì yêu thương mà Thiên Chúa đã chuẩn bị và ban cho con người biết bao đặc ân to lớn. Thấy người nam ở một mình buồn bả nên Thiên Chúa đã cho một người nữ ở bên cạnh để chia vui sẻ buồn. Đồng thời Thiên Chúa đã ban cho hai người được quyền cộng tác với Người để sinh ra những sự sống mới.

Theo giáo lý về Bí tích hôn phối dạy: “Bí tích Hôn phối là Bí tích Chúa Giêsu đã lập để kết hợp hai người tín hữu một nam một nữ thành vợ thành chồng trước mặt Chúa và Giáo hội, cùng ban ơn cho họ chu toàn chức vụ mình”. Thế nhưng trong xã hội ngày nay nhiều người trẻ lại muốn kết hôn đồng tính. Thật là một đòi hỏi trớ trêu.

Là người trẻ Công giáo chúng ta hãy có cái nhìn đúng về ý nghĩa và mục đích của Bí tích Hôn phối. Để rồi mỗi người hãy tự tìm cho mình một người bạn đời thích hợp (nếu muốn sống đời sống gia đình). Sau đó, cả hai sẽ cùng nhau xây dựng một gia đình theo đúng theo ý Thiên Chúa.

XI. MỤC VỤ ƠN GỌI

ƠN GỌI & VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH

Trong những lần gặp gỡ, tương quan, một số người hay hỏi tôi lý do đi tu. Thật sự không biết phải trả lời thế nào! Vì nhiều khi lý do thật của mình thì không đủ thuyết phục người khác tin; còn điều mà họ tìm lại không phải là lý do đầu tiên của mình. Rồi tùy người, tùy lúc tôi đưa ra những lý do người khác có thể chấp nhận được.

Thế nhưng, suy nghĩ lại tôi vẫn thấy một lý do mạnh nhất thúc đẩy tôi là do Chúa muốn. Chúa yêu thương và Chúa mời gọi tôi. Chúa không gọi tôi trực tiếp nhưng từng giai đoạn một Chúa cất lời mời. Từ nhỏ có thể Chúa mời gọi tôi qua một lễ phong chức của người thân, hay hình ảnh của một linh mục nào đó. Qua dòng thời gian Chúa mời gọi tôi nhắm đến một lý tưởng cao hơn và đưa tôi đi ngày một xa hơn. Nhưng dù cho thế nào thì lý do xuyên suốt vẫn là Chúa thương tôi. Và theo tôi tình thương ấy thể hiện mạnh nhất trong gia đình.

Từ thuở ban đầu hôn nhân và gia đình không phải là một định chế mà là tình thương, là một ơn gọi. Ngay từ thuở ban đầu công trình sáng tạo Thiên Chúa đã cho thấy tình thương đó khi Ngài dựng nên con người có nam có nữ và tác hợp họ nên một. Và Thiên Chúa muốn tình yêu thương của Ngài được thể hiện nơi chính con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Tình yêu ấy là căn bản, là nền móng xây dựng mối tương quan trong gia đình. Đối với con cái, tình yêu của cha mẹ là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa. Qua cha mẹ Thiên Chúa mời gọi con cái họ bước vào trong bậc sống của mình (gia đình và tu trì).

Như thế, hôn nhân và gia đình đã có trong ý định từ ngàn đời của Thiên Chúa. Và chính từ trong gia đình ấy tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa tiếp tục được thể hiện. Như đã nói trên, qua gia đình Thiên Chúa mời gọi con người đi vào trong từng bậc sống riêng.

Dù người đi tu có được lôi cuốn bởi hình ảnh nào đi nữa nhưng gia đình vẫn đóng vai trò quan trọng. Lời mời gọi của Thiên Chúa được thể hiện trước tiên nơi hình ảnh của người cha người mẹ. Lời mời gọi ấy lớn lên cũng từ trong gia đình. Tôi nhớ Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn có nói: “Thiên Chúa là người gieo hạt giống ơn gọi, Người cũng làm cho ơn gọi đó lớn lên nhưng Giáo Hội phải chăm bón. Phân, nước để chăm bón trước tiên phải là gia đình với lời cầu nguyện, những hy sinh và sự giáo dục. Kế tiến mới đến những người hữu trách.”

Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài đã chia sẻ tình yêu ấy ngay từ thuở ban đầu cho con người và mời gọi họ sống yêu thương và hiệp thông. Để tình yêu Chúa ngày càng lớn mạnh sự yêu thương và hiệp thông trong gia đình cần phải được biểu lộ và truyền đạt mạnh mẽ. Chính trong sự yêu thương và hiệp thông trong gia đình xuất hiện ơn gọi hiến dâng. Và với những con người quảng đại ấy, tình yêu Thiên Chúa tiếp tục được rao giảng cho nhân loại.

Như vậy, từ thuở ban đầu tình yêu Thiên Chúa là trao ban. Trao ban cho con người qua gia đình. Và từ gia đình tình yêu Thiên Chúa tiếp tục được trao ban qua từng bậc sống, đặc biệt là bậc sống tu trì.

XII. MỤC VỤ GIÁO LÝ

MỤC VỤ GIÁO LÝ VIÊN

GLV LÀ NGƯỜI GẮN BÓ VỚI HỘI THÁNH ĐƯỢC SAI ĐI

Để bắt đầu cho những suy tư này, chúng ta hãy quay trở lại lần hiện ra sau cùng của Chúa Phục Sinh với các môn đệ ở Galilê. Trong cuộc hội ngộ thầy trò, Chúa - tôi này, thánh sử Matthêu cũng có mặt ở đó và ngài thuật lại: “Mười một môn đệ đi tới làng Galilê đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông hoài nghi. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “ Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền dạy cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.””. (Mt 28, 16-20).

Bạn GLV thân mến!

“Anh em hãy đi và làm cho họ trở thành môn đệ”. Nhưng trước khi làm cho người khác trở thành môn đệ, thì chính bản thân GLV phải là môn đệ, hiểu theo nghĩa bản chất và sứ vụ được chất chứa trong nội dung ơn gọi của GLV.

Bản chất GLV là môn đệ tiếp nối các môn đệ. Sứ vụ của các tông đồ là được gọi và sai đi thì GLV cũng là người được gọi và sai đi. Môn đệ là người được gọi để ở với và được sai đi (x. Mt10, 1-16). Điều này làm nên bản chất và sứ mạng của Hội Thánh. Một trong những cách thế thể hiện sứ mạng ấy chính là dạy giáo lý. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Hội Thánh (DGL 15). Qua việc dạy giáo lý, GLV góp phần xây dựng và làm trưởng thành Hội Thánh.

Dạy giáo lý không phải là một việc làm mang tính cá nhân nhưng là một việc làm mang tính Hội Thánh: dạy giáo lý trong Hội Thánh, nhân danh Hội Thánh và hiệp thông với toàn thể Hội Thánh. Chính vì thế, GLV phải luôn gắn bó với Hội Thánh là Thân Mình Đức Giêsu, đồng thời phải luôn ý thức mình là người được Hội Thánh uỷ thác và sai đi. (x. SHD 26).

Dấu hiệu xác thực cho sự gắn bó này là lòng kính trọng, yêu mến và vâng phục các vị chủ chăn trong Hội Thánh: nhất là Giám Mục và cha sở. Do đó, GLV phải biết nghe giáo huấn của Hội Thánh, rao giảng đức tin tinh tuyền của Hội Thánh và khiêm tốn cộng tác với cha sở và với mọi thành phần dân Chúa trong họ đạo. Một khi GLV có được sự gắn bó với Hội Thánh, mang tinh thần của Hội Thánh và là người luôn đồng cảm với Hội Thánh thì ta mới có thể giúp các em sống mầu nhiệm hiệp thông với Hội Thánh. Đồng thời GLV cùng với các em nỗ lực xây dựng họ đạo thành một cộng đoàn yêu thương, sống đức tin, đức cậy và đức mến để Hội Thánh tại họ đạo mình phản ánh trung thực khuôn mặt của Đức Kitô.

Trên đây chỉ là một vài gợi ý mong các bạn GLV suy nghĩ về ơn gọi và sứ mạng của mình. Chúng ta là con của Hội Thánh, chúng ta được Hội Thánh tín nhiệm, mời gọi và trao trọng trách giáo dục đức tin cho thế hệ trẻ. Trách nhiệm của chúng ta không chỉ là trồng người mà còn là trồng những Kitô hữu cho Hội Thánh hôm nay và ngày mai.

Đây là một việc đòi nhiều hy sinh và cố gắng, nhưng đây lại là con đường nên thánh của GLV. Hy sinh và cố gắng là cho đi nhưng chính khi cho đi cũng là lúc nhận lãnh. Hình như khi dạy giáo lý chúng ta nhận lãnh nhiều ơn hơn cho đi.

Lời cuối cùng, ta hãy nghe lại lời của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Kitô hữu giáo dân, số 2: “Cả các anh nữa, hãy vào làm vườn nho cho Ta”. (Mt 20,7). Lời mời gọi này không chỉ gởi tới các vị chủ chăn, các linh mục, các tu sĩ nam nữ, nhưng gởi tới mọi người: các giáo dân cũng được Chúa mời gọi đích danh. Nơi Ngài, họ nhận lãnh một sứ mệnh đối với Hội Thánh và đối với thế giới (Đức Gioan Phaolô II, KTHGD, số 2)

XIII. MỤC VỤ QUỚI CHỨC  

SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN.
Chương IV: Các Phương Thức Hoạt Động Tông Đồ

19. Nhiều hình thức của việc tông đồ tập thể

Có nhiều hội đoàn tông đồ khác nhau 4. Có những hội đoàn nhằm mục đích tông đồ tổng quát của Giáo Hội. Có những hội đoàn nhằm mục đích loan báo Phúc Âm và thánh hóa bằng phương thức chuyên biệt. Có những hội đoàn nhằm mục đích Kitô hóa trật tự trần thế. Có những hội đoàn nhằm làm chứng cho Chúa Kitô đặc biệt bằng từ thiện và bác ái.

Trong số những hội đoàn đó, cần phải đặc biệt chú trọng đến những hội đoàn cổ võ và đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa đời sống thực tế của hội viên với đức tin của họ. Các hội đoàn tự nó không phải là cứu cánh, nhưng phải nhằm giúp Giáo Hội chu toàn sứ mệnh đối với trần gian. Các hội đoàn chỉ có giá trị tông đồ nhờ ở chỗ phù hợp với các mục tiêu của Giáo Hội, ở từng hội viên hay cả hội đoàn có tinh thần Phúc Âm và làm chứng cho Chúa Kitô.

Trước sự tiến triển của các tổ chức cũng như đà tiến hóa của xã hội hiện đại, sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội đòi hỏi các công cuộc tông đồ của người công giáo phải càng ngày càng được tổ chức quy củ trên lãnh vực quốc tế. Các Tổ Chức Công Giáo Quốc Tế sẽ đạt được mục đích cách tốt đẹp nếu các đoàn thể hội viên và các hội viên của các đoàn thể đó liên kết chặt chẽ với các tổ chức trên.

Giáo dân có quyền lập hội đoàn 5, điều khiển hội đoàn và ghi tên vào các hội đoàn đã có sẵn, miễn là phải giữ mối liên lạc cần thiết với giáo quyền 6 . Nhưng cần phải tránh phân tán lực lượng do việc lập thêm những hội đoàn và những công cuộc mới khi không đủ lý do, hoặc cố giữ lại những hội đoàn không còn ích lợi hoặc giữ lại những phương thế đã lỗi thời. Cũng không phải luôn luôn thích hợp khi du nhập một cách bừa bãi những hình thức hội đoàn của các nước khác 7.

Gợi ý giải thích:

Có nhiều hình thức Tông Đồ tập thể với những mục đích khác nhau.

Cần phân biệt hội đoàn nào có giá trị Tông Đồ.

Trong trào lưu toàn cầu hoá, các hội đoàn Tông Đồ cũng phải có sự liên hệ với các Tổ Chức Công Giáo Quốc Tế.

Giáo dân có đủ tư cách thành lập hội đoàn Tông Đồ.

Gợi ý thực hành:

Quới Chức có phải tham gia hội đoàn Tông Đồ trong họ đạo, liên họ đạo, trong hạt, hay trong giáo phận mình không?

Hội đoàn Tông Đồ có giúp ích gì cho sứ mạng Quới Chức của mình không? Hoặc ngược lại?

Khi thành lập hội đoàn Tông Đồ, hoặc liên hệ các tổ chức Công Giáo Quốc Tế, Quới Chức có phải thông qua cha sở không?

 XIV. MỤC VỤ GIA ĐÌNH

GIA ĐÌNH TRONG Ý CHÚA

Thiên Chúa tình yêu dựng con người
Có nam có nữ sống vui tươi
Bình đẳng, tự do nhưng khác phái
Cần nhau, bổ túc suốt cuộc đời
Thuận theo ý Chúa yêu nhau mãi
Đào luyện cháu con mến Chúa Trời
Quên mình phục vụ người vui sống
Gia đình vững mãi khắp mọi nơi

THÁNH HOÁ GIA ĐÌNH

Gia đình nên thánh ai ơi!
Luôn tin, cậy, mến Chúa Trời yêu thương,
Đọc kinh dự lễ ngày thường,
Hy sinh phục vụ khiêm nhường dấn thân,
Thánh kinh giáo lý chuyên cần,
Công bằng, bác ái, hồng ân tràn đầy.

GIA ĐÌNH - ĐIỀU KHÔNG THỂ THIẾU

Xem chương trình “Động vật hoang dã” trên tivi, tôi thấy tội nghiệp cho chú voi con nọ bị một bầy sư tử đói mồi, hung bạo tấn công và cuối cùng bị phanh thây bởi những hàm răng sắc nhọn. Thật thảm thương!

Chúng ta biết rằng voi là loài vật rất thông minh,sống thành đàn, có tính tổ chức và kỷ luật rất cao. Chúng luôn cảnh giác kẻ thù, khi di chuyển, những chú voi nhỏ luôn đi bên trong đàn để được che chăn bởi những voi lớn có khả năng chiến đấu và tự bảo vệ. Chính vì thế mà dù chúng rất hiền lành nhưng cả chúa tể sơn lâm cũng phải kiêng nể.

Thế tại sao chú voi con này lại bị thiệt mạng? Bởi vì, vì lý do nào đó chú đã lìa đàn.
Hình ảnh này làm tôi chợt nghĩ tới xã hội chúng ta đang sống hôm nay.

Hàng ngày báo chí loan tin những tệ nạn xã hội, những vụ án hình sự xảy ra ngày càng tăng, mà thủ phạm phần lớn là những thanh thiếu niên. Họ là những trẻ bụi đời, không cha không mẹ hoặc cha mẹ ly tán, không gia đình, thiếu tình thương, không được học hành…..cách chung, họ là những người thiếu một gia đình đúng nghĩa của nó. Những trẻ ấy chẳng khác nào chú voi con lìa đàn. Chính vì thế mà cuộc đời của họ đã phải đi vào ngõ cụt.

Nhìn vào vạn vật chúng ta thấy: mọi sinh vật, muốn tồn tại, phải sống thành quần thể, có thế chúng mới có thể chống chọi với những điều kiện khắc nghiệt từ bên ngoài. Những loài không sống thành quần thể hay bầy đàn thì có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao.

Xét về trí khôn, những loài vật nào có thời gian sống bầy đàn lâu thì thông minh, khôn khéo hơn những loài khác.

Lý do rất đơn giản, vì sống là đấu tranh để sinh tồn.“Hợp quần gây sức mạnh”, tập thể càng đông càng dễ đối phó với kẻ thù, càng nhiều cá thể gần nhau sẽ càng dễ học lẫn nhau nhiều kinh nghiệm tích luỹ trong cuộc sống để có thể tồn tại và phát triển.

Trong các sinh vật, con người không phải là loài có sức mạnh hơn các loài khác. Thế nhưng con người vẫn còn tồn tại và ngược lại còn phát triển hơn các loài khác và làm bá chủ muôn loài. Điều đó cho thấy đời sống tập thể mà đơn vị là gia đình là quan trọng như thế nào.

Chính trong gia đinh mà con cái được bảo vệ, được truyền thụ kinh nghiệm tích luỹ từ ông cha để sống và làm việc. Ông bà ta có nói: “con không cha như nhà không nóc”, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”…., Chính nhờ sống thành bộ tộc mà con người đã có thể tự bảo vệ trước sự tấn công của thú dữ, học biết cách săn mồi, biết cách đối phó với những bất lợi đến từ thiên nhiên để tồn tại. Chính từ gia tộc, gia đình mà con người đã tích luỹ dần những kinh nghiệm sống. Cũng chính từ gia đình mà những đứa trẻ được bảo vệ săn sóc, dạy cho biết những kỷ năng sống. Những thành viên nào thiếu hoặc từ chối những điều kiện này ắt sẽ gặp phải thất bại trong cuộc sống, ông bà ta từng nói: “cá không ăn muối, cá ương. Con cải cha mẹ, trăm đường con hư”. Điều đó thật rõ ràng trước mắt chúng ta.

Khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã ban cho con người sứ mạng làm chủ muôn loài trên mặt đất này. Điều đó đã được khẳng định bởi Kinh Thánh. Nhưng chúng ta sẽ chu toàn bổn phận đó như thế nào nếu chúng ta không tuân theo ý Chúa ? Bởi vì trước khi ban quyền ấy Người đã có ý định tạo nên loài người chúng ta giống hình ảnh Người, là Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc nhưng có Ba Ngôi vị kết hợp trong tình yêu, là nguồn cội của sự sống, quyền năng, sức mạnh và sự khôn ngoan.

Chỉ trong đời sống gia đinh chúng ta mới có thể hoạ lại hình ảnh của Thiên chúa, mới có thể chu toàn bổn phận. Đánh mất đời sống gia đình, ngay cả bản thân chúng ta cũng chưa thể bảo toàn, đừng nói chi đến việc chu toàn bổn phận hay làm bá chủ.

XV. TẢN MẠN

Phép Lạ

Có lẽ chưa bao giờ “Phép lạ” lại xảy ra nhiều ở Việt Nam như trong thời gian gần đây. Người ta nói nhiều đến những hiện tượng lạ nơi các ảnh tượng Chúa Giêsu, Đức Mẹ. . . Xin được kể ra một vài hiện tượng lạ điền hình nơi các ảnh tượng Đức Mẹ như sau: Tượng Đức Mẹ toả hào quang sáng ở Nhà thờ Tân Hiệp- Kiêân Giang, ở Bạch Lâm; tượng Đức Mẹ vỗ tay và di động ơ Nhà thờ Kế Sách- Sóc Trăng, tượng Đức Mẹ khóc với những giọt nước mắt máu ở gần nhà thờ Giồng Lớn-Trà Vinh, ở Cái Mơn- Bến Tre, và gần đây là Trà Lồng – Cần Thơ . . . Trước những hiện tượng lạ mà người ta gọi là “phép lạ” đó, người Kitô hữu cóù suy nghĩ gì và cần có tâm tình nào cho đúng đắn?

Giáo hội Công Giáo đã nhìn nhận Đức Mẹ có hiện ra ở một vài nơi với những phép lạ tỏ tường và đã ban những sứ điệp đáng quí báu cho nhân loại, cụ thể như ở Fatima (Bồ Đào Nha), Lộ Đức (Pháp), Mễ Du (Nam Tư)… còn những hiện tượng lạ xảy ra đây đó ở Việt Nam thì thẩm quyền Giáo hội chưa nói gì. Vì thế, chúng ta cũng đừng quá “sốt ruột” mà bàn tán đủ điều, thêm “hoa lá cành” vào những hiện tượng lạ ấy làm cho vấn đề thêm rắc rối. Nếu không đủ thận trọng và khéo léo, vô tình chúng ta tạo ra những duyên cớ cho người đời gièm pha!

Tôi thiết nghĩ: nếu Chúa muốn, nếu Đức Mẹ muốn thì “không có gì là không thể”. Quyền năng của Chúa, của Đức Mẹ và các thánh có thể làm nhiều phép lạ và dấu lạ cho con người nếu những điều ấy thật sự cần thiết cho đời sống đức tin và cho phẩm giá của con người. Nhưng không phải cứ phép lạ xảy ra là tốt, là cần thiết cho con người cả đâu. Dân Do thái ngày xưa chứng kiến việc Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ cách tỏ tường như thế mà còn xuyên tạc vấn đề, còn cho rằng Ngài dựa vào thế Quỷ vương mà trừ quỷ nhỏ! Nguy hiểm là thế!

Đọc Tin mừng chúng ta thấy: Tất cả những phép lạ Chúa Giêsu làm đều nhằm mục đích duy nhất là để người ta tin vào Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người và để người ta tin vào Ngài là Đấng được Chúa Cha sai đến. Thế thôi! Ngài không làm phép lạ để gây ồn ào, để thu phục người khác hay nhằm thương hại ai hết.

Có nhiều người rất nhiệt tình và xông xáo trong những chuyện gọi là “phép lạ”. Họ nghe nói ở đâu Đức Mẹ hiện ra, tỏ dấu lạ chi đó hay vị thánh nào “linh thiêng” là họ có mặt ngay, bất chấp hoàn cảnh xa xôi, thời tiết mưa nắng thế nào, bất chấp sự việc có tốt hay có lợi cho niềm tin Kitô hữu của mình không. Họ tự hào là người được diện kiến Đức Mẹ. Đi về là họ kể đủ thứ, nếu kể cho các cha hay người nào mà người đó chưa “tin như họ” thì bị quở trách ngay “người đâu mà kém tin, cứng lòng”, Chúa sẽ phạt cho coi!!!

Thật ra, tôi cũng mừng nếu phép lạ có xảy ra và đem nhiều người nguội lạnh hay chưa biết Chúa về lại với Giáo hội và giúp họ sống đạo tốt hơn. Nhưng sao tôi không cảm thấy “sốt” lắm khi nghe nói tới những phép lạ xảy ra ở nơi này, nơi nọ. Thật tình mà nói nếu chúng ta đã tin Chúa, đã tin Đức Mẹ rồi, thì đâu cần gì phải chạy đôn chạy đáo đến những nơi có “phép lạ” xảy ra. Có rất nhiều người đi tìm “phép lạ” rồi dần dần mất luôn đức tin và bỏ Chúa. Nguy hiểm là thế!

Tôi nghe kể có không ít người mắc bệnh ung thư thời kỳ cuối mà vẫn vượt hàng ngàn cây số để đến Fatima, Lộ Đức hầu mong “phép lạ” xảy ra cho mình. Nhưng đâu phải ai mắc bệnh mà tới những nơi thánh địa ấy thì được khỏi cả đâu. Kết quả của những chuyến hành trình xa xôi, khó khăn và tốn kém ấy thường không được như ý họ mong muốn. Thế là họ nghĩ Chúa không thương họ nữa rồi; Đức MẹÏ đâu có đồng cảm với họ, rồi dần dần họ bỏ cầu nguyện, bỏ Nhà thờ, xa Chúa! Nguy hiểm cũng là thế.

Nếu ai đó còn giữ đạo theo kiểu chờ đợi phép lạ, tìm kiếm những vụ lợi vật chất và mong những phần thưởng nhãn tiền ở đời này, thì họ đang ở trong tình trạng cheo leo, có nguy cơ mất đức tin dễ như trở bàn tay. Giữ đạo mà chỉ mong phần thưởng ở đời này thì quả là “ngây thơ” vô cùng. Chúng ta hay nhớ lại những điều Đức Giêsu đã hứa cho những ai trung thành với Ngài là họ sẽ được chung phần đau khổ như Ngài đã chịu để mai sau sẽ được chia sẻ vinh quang phục sinh với Ngài. Chúa nói với Phêrô : “con ráng làm Giáo hoàng cho tốt, rồi Thầy cho được chết như Thầy”. Thế đó!

Có một Linh mục nhận định rất hay khi nghe kể về chuyện Đức Mẹ khóc như sau: “Tôi nghĩ không cần đến đó để xem Đức Mẹ khóc cho bằng xét lại xem coi mình đã làm gì khiến Đức Mẹ phải khóc”. Thật vậy, nếu Đức Mẹ đã khóc thì chắc rằng chúng ta còn sống đạo còn thiếu sót chi đó, đức tin của chúng ta còn trục trặc gì đó … hãy lo chỉnh sửa đời sống của mình cho tốt hơn và thánh thiện hơn thì Đức Mẹ sẽ không còn khóc nữa. Trái lại, Đức Mẹ sẽ mỉm cười với ta và “vỗ đầu” khen ta ngoan. Dấu chỉ báo cho ta biết mình đang sống tốt lành và tỉnh thức là không phạm tội trọng, lương tâm ta được bình an, cuộc sống của ta được hồn nhiên và vui vẻ với mọi người. Ước gì mọi người Kitô hữu chúng ta đều được một tâm thế như thế trong đời sống đức tin của mình.

 XVI. MỘT LỐI SỐNG

CHÁN ĐỜI ?

Một người đàn ông chán đời nọ đang đứng nhìn dòng nước từ một chiếc cầu cao. Ông đốt một điếu thuốc cuối cùng trước khi kết liễu cuộc đời. Ông không còn lối thoát nào khác hơn nữa. Ông đã làm đủ mọi cách để lấp đầy nỗi chán chường trong tâm hồn. Ông đã đi đây đi đó, ông đã tìm lạc thú trong các cuộc vui trác táng, ông đã chạy đến với mọi thứ hơi men và khói thuốc. Nhưng chán chường vẫn cứ chán chường. Ông thử thời vận lần cuối cùng bằng một cuộc hôn nhân, nhưng không có một người đàn bà nào có thể ở bên cạnh ông được vài tháng, bởi vì ông đòi hỏi quá nhiều, nhưng lại không biết nghĩ đến người khác. Ông nhận ra rằng ông đã chán chường mà cũng không ai được hạnh phúc bên cạnh ông. Chỉ có dòng sông may ra mới mang lại cho ông sự thanh thản.

Người đàn ông chưa hút xong điếu thuốc thì cũng có một người hành khất cũng đi qua chiếc cầu. Con người rách rưới đó dừng lại nhìn người đàn ông và chìa tay xin giúp đỡ. Người đàn ông chán chường không ngần ngại rút cả ví tiền và trao cho người hành khất. Ông giải thích rằng bên kia thế giới ông không cần tiền bạc nữa. Người hành khất cầm lấy chiếc ví một lúc rồi trao lại cho khổ chủ. Ông ta nhìn thẳng vào đôi mắt của kẻ chán đời và nói: "Thưa ông, tôi không cần một số tiền lớn như thế. Tuy là một người hành khất, nhưng tôi không là một kẻ hèn nhát. Ông hãy giữ lại tiền của ông và đem qua bên kia thế giới của ông". Nói xong, người hành khất ném cả ví tiền xuống dòng sông rồi lặng lẽ bước đi, bỏ mặc kẻ chán đời tiếp tục gặm nhấm nỗi đắng cay chua xót của ông.

Đã hút xong điếu thuốc, nhưng kẻ chán đời vẫn muốn chưa kết liễu cuộc đời. Ông nhìn theo người hành khất đang khuất xa dần. Tự nhiên, ông không muốn chết nữa, mà chỉ muốn nhặt lại chiếc ví để trao tặng cho người hành khất. Chưa một lần trong đời, ông biết mở ví trao tặng cho bất cứ người nào. Giờ phút này. ông muốn mở rộng tâm hồn, mở rộng đôi tay để trao tặng và muốn tiếp tục sống. Nghĩ như thế, kẻ chán đời đứng thẳng lên, rời bỏ cây cầu và tiếp tục đuổi theo cho kỳ được người hành khất.

Không gì buồn chán cho bằng sống không có định hướng, không có lẽ sống. Sống mà không biết tại sao mình sống, mình sẽ đi về đâu là điều làm cho con người chán chường và đau khổ nhất.

Ai cũng khao khát hạnh phúc, ai cũng đi tìm hạnh phúc nhưng lắm khi người ta chỉ chạy theo ảo ảnh của hạnh phúc. Ai cũng biết rằng tiền tài, danh vọng và lạc thú trong cuộc sống tự nó không phải là hạnh phúc và lắm khi chúng cũng không mang lại hạnh phúc cho con người.

Hạnh phúc không phải là một nơi để đi đến, hạnh phúc là một hướng đi. Có đi theo hướng đó, con người mới cảm thấy được hạnh phúc. Vậy hướng đi của chúng ta là gì?

Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, đã vạch ra cho chúng ta hướng đi ấy. Và hướng đi Ngài đã vạch ra chính là Sống cho tha nhân. Ai càng tích trữ và chiếm giữ cho mình, người đó càng nghèo nàn và khốn khổ. Ai càng đóng kín quả tim và khép chặt bàn tay, người đó sẽ không được nhận lãnh. Hạnh phúc đích thực chính là trao ban, bởi vì như Thánh Phaolô đã ghi lại lời của Chúa Giêsu: "Cho thì có hạnh phúc hơn nhận lãnh".

Cho là liều thuốc chữa trị được căn bệnh trầm trọng nhất trong tâm hồn chúng ta: đó là sự chán sống. Cho cũng là liều thuốc xoa dịu được mọi khổ đau trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta đang đau khổ vì bị phản bội, vì thất chí, vì bệnh tật hay vì bất cứ một nguyên do nào: chúng ta hãy thử mở rộng tâm hồn để trao ban, để san sẻ. Chúng ta sẽ cảm thấy được xoa dịu trong tâm hồn.

XVII. SỐNG LỜI CHÚA: LUCA 2,19

Còn Bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng

1855    23-04-2012 15:19:06