Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Gia Đình Ươm Mầm và Vun Trồng Ơn Gọi - tháng 9 năm 2014

  1. Lời Chủ Chăn
  2. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
  3. Diễn Giải
  4. Lời Nguyện Chung
  5. Áp Dụng Thực Hành
  6. Tìm Hiểu Giáo Luật
  7. Trang Linh Mục
  8. Trang Tu Sĩ
  9. Trang Sống Ơn Gọi
  10. Trang Thiếu Nhi
  11. Trang Giới Trẻ
  12. Trang Gia Đình
  13. Trang Giáo Lý Viên
  14. Trang Quới Chức
  15. Sống Đẹp
  16. Hỏi Đáp Mục Vụ
  17. Chuyện Thường Ngày
  18. Một Chút Tâm Tình
  19. Chia Sẻ Mục Vụ Bác Ái
  20. Thần Học Kinh Thánh
  21. Tin Nổi Bật

LỜI CHỦ CHĂN

Vĩnh Long ngày 25.8.2014

Kính gửi: Quý Cha
               Quý Tu sĩ nam nữ
               Và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long

V/v Thánh Hóa Đời Sống

Chúa thương ban cho chúng ta sự sống, còn cho chúng ta sống ở đất nước Việt Nam, làm con cái Chúa. Là người Việt Nam, chúng ta biết ơn Ông Trời:

“Lạy Trời mưa xuống,
lấy nước tôi uống,
lấy ruộng tôi cày,
lấy bát cơm đầy …”

Chúa không những ban cho chúng ta có mưa nắng, cần thiết cho cuộc sống của chúng ta, còn cho chúng ta có dịp hưởng mùa thu thời tiết mát mẻ, có vầng trăng đẹp (chúng ta chỉ cần nhớ đến những thi sĩ Việt Nam với bài Thu điếu, Thu ẩm… Mùa Trung Thu đến không những với việc thưởng thức bánh trung thu, xem múa lân sư rồng, mà còn hưởng phong cảnh đẹp mùa thu, vui với cảnh các thiếu nhi vui đón Tết Trung Thu, để nhớ cầu nguyện cho các em.

Là công dân nước Việt Nam, chúng ta cũng có niềm tự hào, và cầu cho Tổ Quốc chúng ta được hòa bình, thịnh vượng.

Chúng ta cũng không quên Đức Mẹ với lễ Đức Mẹ sầu bi (15/9), để cộng tác vào chương trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, để thông cảm và an ủi chúng ta.

Chúng ta tự hào có các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta cũng không quên những nước bạn đã trải qua những thời kỳ bách hại đau đớn và có được những vị Thánh Tử Đạo Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasan và các bạn tử đạo.

Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô từ chết đến sống lại, từ đau khổ đến vinh quang, được Hội Thánh sống hằng ngày và luôn mãi. Xin cho chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô.

Lm. Phêrô Dương Văn Thạnh
      Giám Quản Gp. Vĩnh Long

GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH ƯƠM MẦM VÀ VUN TRỒNG ƠN GỌI

Ơn gọi vào sự sống vĩnh cữu là một ơn siêu nhiên, tùy thuộc hoàn toàn vào sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa, vì chỉ mình Người mới có thể tự mặc khải và tự hiến. Ơn gọi ấy vượt mọi khả năng của trí tuệ và ý chí con người, cũng như của mọi thụ tạo (x. 1Cr 2,7-9) (GLCG, 1998)

Cha mẹ phải giáo dục đức tin cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ. Việc giáo dục này khởi đầu ngay khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ chứng từ của một đời sống đạo phù hợp với Tin Mừng. Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, đồng hành và làm phong phú thêm các hình thức giáo dục đức tin khác. Cha mẹ có sứ mạng dạy cho con cái biết cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa (x. LG 11). Giáo xứ là cộng đồng Thánh Thể và là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình Ki-tô giáo, nên là nơi tốt nhất để giáo dục đức tin cho trẻ em và cha mẹ chúng (GLCG, 2226).

Trở thành môn đệ Đức Giê-su, là chấp nhận lời mời gọi thuộc về gia đình Thiên Chúa và sống như Người: "Ai thi hành ý muốn của Cha Ta, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em và là mẹ Ta" (Mt 12,49) (GLCG, 2233).

DIỄN GIẢI

GIA ĐÌNH LOAN BÁO TIN MỪNG: CHỦNG VIỆN ĐẦU TIÊN

Lời Chúa: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 16).

Ý cầu nguyện: Xin cho các gia đình được trở nên “cái nôi của tình yêu và sự sống” phong phú với nhiều ơn gọi khác nhau.

Bài ca ý lực: Chúa cất tiếng gọi con (Việt Khôi).

1. Gia đình và Nước Trời

- Phục vụ sự sống là bổn phận hàng đầu và căn bản của gia đình, thể hiện qua việc sinh sản và giáo dục con cái. Giáo dục là một tiến trình sinh hạ thiêng liêng một con người, giúp một con người “tăng trưởng trong sự trưởng thành và tự lập về nhân bản và thiêng liêng, đồng thời ơn gọi riêng của người ấy, vốn xuất phát từ Thiên Chúa, cũng được khẳng định một cách rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn. Cha mẹ phải tôn trọng ơn gọi này và khuyến khích con cái đáp trả bằng việc đi theo ơn gọi đó. Phải xác tín rằng ơn gọi thứ nhất của Kitô hữu là đi theo Chúa Giêsu (x. Mt 16,24)”[1].

- Đi theo Chúa Giêsu, trở thành môn đệ của Người, là chấp nhận lời mời gọi thuộc về gia đình Thiên Chúa, sống theo cách sống của Người. “Ơn gọi của tôi là Tình Yêu” (Têrêxa HĐ Giêsu). Ơn gọi Tình Yêu thường có thể được thể hiện qua hai bậc sống hôn nhân và độc thân khiết tịnh vì Nước Trời, cả hai đều phát xuất từ chính Thiên Chúa. Mỗi người được Chúa ban cho ơn gọi riêng, ý nghĩa và ân sủng cần thiết để sống theo thánh ý Ngài (x. Mt 19,3-12). Ngay từ ban đầu của Hội Thánh, đã có những người nam và người nữ từ bỏ lợi ích lớn lao của hôn nhân để đi theo Đức Giêsu, chuyên lo việc của Chúa, tìm cách làm đẹp lòng Người. Chính Đức Kitô đã mời gọi một số người đi theo Người trong cách sốg này. Đời tu hay đời độc thân dâng hiến vì Nước Trời triển khai ân sủng bí tích Rửa tội, nhưng là dấu chỉ nổi bật của mối liên kết ưu tiên tuyệt đối với Chúa Kitô và sốt mến mong chờ Chúa lại đến, và cũng là dấu nhắc nhớ rằng hôn nhân là một thực tại của thế giới đang qua đi này (x. Mc 12,25; 1 Cr 7,31).[2]

- “Toàn thể cộng đồng Kitô hữu có trách nhiệm cổ vũ ơn thiên triệu ... và phần đóng góp nhiều nhất trong nghĩa vụ này trước tiên thuộc về các gia đình, nơi nhờ tinh thần đức tin, đức mến và lòng đạo đức tác động sẽ trở thành như một chủng viện sơ khởi”[3].

2. Gia đình vun trồng mầm non ơn gọi

- Ơn gọi nào cũng đều xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Nhưng toàn thể Dân Chúa, từ gia đình đến giáo xứ, giáo phận và Giáo hội toàn thể, đều phải tích cực hợp lực cổ vũ ơn thiên triệu. Đó là cách đáp lại hoạt động của Chúa Quan Phòng, Đấng ban cho các tài đức thích hợp và trợ lực bằng ân sủng cho những người được Ngài tuyển chọn để tham dự vào chức tư tế phẩm trật của Đức Kitô. Cách riêng, “cha mẹ hãy vun trồng và bảo vệ các mầm non ơn gọi tu trì nơi tâm hồn con cái, trong môi trường giáo dục gia đình theo luân lí Kitô giáo”[4]. Nhưng bằng cách nào?

- Trước hết, truyền thống Hội Thánh kêu gọi mọi người hợp tác bằng kiên trì cầu nguyện, hi sinh hãm mình theo tinh thần Kitô giáo. Rồi qua việc rao giảng, dạy giáo lí và bằng các phương tiện truyền thông xã hội giúp người ta hiểu sự cần thiết, bản chất và sự cao quí của ơn gọi linh mục, cũng như ơn gọi độc thân thánh hiến. Nhưng trên hết, chính gương sáng của các ngài mới lôi cuốn cách đặc biệt[5]. Trong gia đình, chính gương sáng đời sống đức tin của cha mẹ là lời loan báo Tin mừng đầu tiên và khai tâm cho con cái qua cầu nguyện, đọc Lời Chúa, nhờ đó đưa con tháp nhập vào Thân Mình Đức Kitô là Thánh Thể và Hội Thánh. Từ đó, mới có thể giúp con phân định và khám phá dần ơn gọi riêng của chúng.[6] Nhưng trong những gia đình mà mẹ cha yêu mến, vâng phục và quí trọng chức thánh cũng như bậc tu trì, nơi đó sẽ là mảnh đất tốt cho hạt mầm ơn gọi được nảy nở. Ngoài ra, cũng cần tạo điều kiện cho con cái năng tiếp xúc với các linh mục và tu sĩ thật thánh thiện và sinh hoạt trong các môi trường thích hợp.

3. Tập sống các lời khuyên Tin mừng

- Tinh thần nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục là những lời khuyên Phúc âm dành cho mọi môn đệ Chúa Kitô, nhất là những ai muốn đi theo sát bước chân Người. Gia đình, là chủng viện đầu tiên, nơi tạo mảnh đất tốt cho hạt giống ơn gọi, phải quan tâm sống quyết liệt các lời khuyên này.

- Đặc biệt, trong giai đoạn chuẩn bị gần cho cuộc sống ơn gọi hôn nhân cũng như đời dâng hiến, chàng trai hay cô gái đang sắp bước vào đời cần được giúp phân định ơn gọi riêng. Họ phải được hiểu biết chính xác các bổn phận và phẩm giá của hôn nhân, đặc biệt là hôn nhân công giáo, biểu tượng cho Tình yêu của Chúa Kitô và Hội Thánh (x. Ep 5,22-33). Họ cũng phải nhận thức tính ưu việt của đức khiết tịnh dâng hiến cho Chúa Kitô để dâng hiến trọn vẹn hồn xác cho Chúa bằng một quyết định chín chắn và quảng đại. Cha mẹ cần cảnh báo về những hiểm nguy đe dọa đức khiết tịnh, nhất là trong xã hội ngày nay.

- Khiết tịnh bao hàm việc tập luyện sự tự chủ, tức tập sống sự tự do của một con người (x. Hc 1,22). Mọi người đều được kêu gọi sống khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình. Những người đã được liên kết bằng hôn nhân được kêu gọi sống đức khiết tịnh của bậc hôn nhân; còn những người khác thì vun trồng đức khiết trong sự tiết dục.[7] Những người đã đính hôn được kêu gọi vun trồng đức khiết tịnh trong sự tiết dục. Trong thời gian thử thách này, họ sẽ học biết tôn trọng lẫn nhau, tập chung thủy và hi vọng được đón nhận nhau từ Thiên Chúa.[8]

- Đức mến là mô thể của mọi nhân đức. Dưới ảnh hưởng của đức mến, đức khiết tịnh như là trường dạy sự hiến thân. Sự tự chủ được qui hướng tới sự tự hiến. Đối với một thành viên nào đó trong gia đình có ý hướng ơn gọi sống đời sống thánh hiến, gia đình cần giúp đỡ tập sống quyết liệt hơn đức khiết tịnh độc thân vì Nước Trời, và cả đức khó nghèo và đức vâng phục theo Tin mừng. Vì đặc tính của “đời sống thánh hiến” cho Thiên Chúa là tuyên giữ các lời khuyên này.

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

- Gia đình anh chị có quan tâm vun trồng ơn gọi theo Chúa Kitô nói chung đối với các thành viên trong gia đình không?

- Cha mẹ có vun trồng ơn gọi sống đời thánh hiến cho con cái và giúp đỡ chúng phân định ơn gọi dần theo năm tháng lớn khôn của chúng không? Anh chị có nghĩ gia đình anh chị là một chủng viện đầu tiên cho con cái không?

- Anh chị có nghĩ rằng đôi bạn cũng có thể sống “đời thánh hiến” với ba lời khuyên Tin mừng trong bậc hôn nhân không? Và như thế nào?

[1] GLHTCG 2232.

[2] X. GLHTCG 1618-1620. Cđ. Vatican II, LG, 42; PC, 12; OT, 10.

[3] Cđ. Vatican II, OT, 2. X. GLHTCG 2233.

[4] PC 2.

[5] OP, 2: “Tất cả các linh mục phải nêu cao lòng nhiệt thành tông đồ để vun trồng thật nhiều ơn gọi và lôi cuốn tâm hồn người trẻ đến với chức linh mục, bằng chình đời sống khiêm nhường, cần mẫn, vui tươi của các ngài, cũng như bằng tình tương thân tương ái và cộng tác huynh đệ giữa các linh mục”,

[6] X. LG 11: “Trong gia đình như là Hội Thánh tại gia, nhờ lời dạy dỗ và gương lành cha mẹ hãy là những người rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái, phải giúp phát huy ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt chăm sóc cho ơn gọi hướng tới thánh chức”.

[7] X. GLHTCG 2349.

[8] X. GLHTCG 2350.

Nguồn: ubmvgiadinh.org

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Gia đình là môi trường đào tạo đức tin và giáo dục nhân bản. Chúa còn muốn gia đình phải là nơi ươm mầm và vun trồng ơn gọi tông đồ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình hoàn thành tốt sứ mạng cao quýcủa mình:

1. “Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy”. Chúng ta cầu nguyện cho các vị lãnh đạo Hội Thánh, luôn biết cách giới thiệu Chúa Giêsu trong các gia đình; để người trẻ khám phá ơn gọi tông đồ ngay trong gia đình mình.

2. “Trước hết ông Anrê gặp em mình là Phêrô và nói: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần trong gia đình, giúp nhau đón nhận Chúa Cứu Thế, và giúp nhau lắng nghe tiếng gọi tông đồ truyền giáo.

3. Chúa phán: “Con hãy về nhà và nói lại cho thân nhân con những gì Chúa đã làm cho con”. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình, giúp nhau ươm mầm ơn gọi và tận tâm vun trồng ơn gọi tận hiến vì Nước Trời.

4. “Ngay lúc ấy, họ quay trở lại Giêrusalem gặp Nhóm Mười Một và các anh em đang tụ họp”. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình trong họ đạo chúng ta, đoàn kết một lòng tin mến Chúa, giúp nhau vun trồng ơn gọi truyền giáo.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn chọn gọi những người phục vụ Nước Trời được phát xuất từ những gia đình Kitô-giáo đạo đức. Xin làm cho các gia đình chúng con xứng đáng là mái ấm ươm mầm và vun trồng ơn gọi tận hiến vì Nước Trời. Chúng con cầu xin… Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI ƠN GỌI

Một kinh sư tiến đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Đức Giêsu trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”.  Một môn đệ khác thưa với Người: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã”. Đức Giêsu bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” (Mt 8, 19 - 22)

Bổn phận nuôi dưỡng ơn gọi thuộc về toàn thể cộng đồng Kitô hữu…. Nhưng đóng góp lớn nhất thuộc về gia đình, được khơi dậy nhờ tinh thần đức tin, đức ái và lòng đạo đức… Gia đình được kể như chủng viện đầu tiên. Tại Việt Nam, gia đình có ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách của mỗi con người, ảnh hưởng tới việc đi theo và thực hành một tôn giáo hay một ơn gọi.

Người Việt Nam rất đề cao giá trị của gia đình, vì gia đình như một thế giới thu nhỏ bao gồm 3 thế hệ: ông bà, cha mẹ và con cái. Mặc dù có những cách biệt giữa các thế hệ, nhưng các thành viên trong cùng một gia đình vẫn luôn có một tình cảm sâu sắc gắn bó với nhau. Gia đình đóng vai trò trợ lực rất quan trọng giúp cho ứng sinh ngày một trưởng thành hơn. Có nhiều nhân tố giúp con người lớn lên: Mối liên hệ mật thiết với cha mẹ nâng cao căn tính nhân vị: sự mạnh mẽ cương nghị của ba, sự dịu dàng nhân hậu của mẹ.

Mối tương quan lành mạnh với những người khác phái trong gia đình và những người họ hàng sẽ giúp ứng sinh ý thức hơn về tính dục của mình, hầu phát triển các mối tương quan xã hội của chính họ. Điều đó cung ứng cho ứng sinh một sự ổn định tình cảm cần phải có cho đời sống và sứ vụ linh mục hay tu sĩ sau này.

Việc cầu nguyện và chia sẻ niềm tin trong gia đình giúp ứng sinh đâm rễ sâu trong đời sống thiêng liêng. Là chủng viện đầu tiên, gia đình giữ vai trò sinh tử trong việc đào tạo ứng sinh.

Người Việt Nam rất sùng đạo và nhiệt thành. Họ hết lòng kính trọng các nhà tu hành, không chỉ trong phạm vị tôn giáo mà cả ngoài xã hội nữa. Ngay cả hôm nay, các quan chức cộng sản cũng nhận định rằng linh mục là công dân đặc biệt vì có nhiều uy tín và ảnh hưởng trên các công dân tín hữu khác.

Vì thế, bậc tu trì trở thành một địa vị và một sự thăng tiến xã hội, không chỉ cho chính vị linh mục, mà còn cho cả gia đình và họ hàng thân thuộc: Vị linh mục sẽ được dân chúng kính trọng và vâng phục, được hưởng một cuộc sống an toàn và dễ dãi,… Một khi người con làm linh mục hay tu sĩ, gia đình sẽ được hưởng vinh quang và danh dự, được kính trọng ở mọi nơi. Điều này đang là một thử thách đối với ơn gọi đích thực và sự bất lợi tai hại của lòng kính trọng thái quá này đối với hàng giáo sĩ và tu sĩ là biến họ thành những kẻ quan liêu và độc đoán.

Nhiều khi, những mối lợi mang tính cá nhân hay gia đình như thế khiến một số người thúc ép con cái đi tu. Một số các bậc cha mẹ vì không thành công trong việc theo đuổi ơn gọi tu trì nên mong đợi thấy lý tưởng và hình ảnh của mình được thực hiện nơi con cái. Họ gây áp lực buộc con cái dấn thân vào đời sống linh mục hay đời sống tu trì, dù con cái họ không có ơn gọi đó. Một người tu không được ra về bị gia đình, họ hàng, quê hương giận dữ, khinh miệt, đàm tiếu,... Áp lực này là một trở ngại cho các ơn gọi đích thực: có em có ơn gọi không dám dấn thấn, có em đã vào tu thấy mình không có ơn gọi không dám về. Cần phải có một kế hoạch đồng bộ và rộng khắp để chỉnh sửa dần cái tâm thức bất lợi này.

Là nền tảng của xã hội, là cái nôi của sự sống và là nhà sư phạm đầu tiên, gia đình có thể là một nguồn nước trong lành và cũng có thể là trở lực đối với những ơn gọi đích thực.

Tuy nhiên, Chúa cũng quảng đại ban cho có rất nhiều gia đình Công giáo dâng hiến con trai, con gái mình cho Thiên Chúa thông qua Hội Thánh mà không hề thèm muốn danh vọng, và nhiều ứng sinh quảng đại đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Các ứng sinh hãy nghĩ đến Ông Bà Cha Mẹ đã sinh dưỡng lại dày công hy sinh vất vả cùng Giáo Hội đào luyện, nâng đỡ, dìu dắt mình  bằng cuộc sống đầy gương sáng và lời cầu nguyện không ngừng của các ngài.

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC LÃNH NHẬN BÍ TÍCH RỬA TỘI (tt)

Những Trường Hợp Cụ Thể:

1. Người lớn (NS tháng 7/2014)

2. Trẻ nhỏ (NS tháng 8/2014)

3. Những trường hợp phức tạp khác 

Qua các số Nguyệt San tháng 5, 7 và 8, chúng ta đã tìm hiểu giáo huấn của Hội Thánh về những điều kiện để người lớn và trẻ nhỏ được lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Ngoài ra, Hội Thánh còn chỉ dạy thêm khi gặp phải những trường hợp ngoại thường như: có sự hoài nghi không biết đương sự đã được rửa tội hay chưa, hay rửa tội có thành hay không; trong trường hợp đứa trẻ bị bỏ rơi; trường hợp bị sẩy thai…trong số nầy, chúng ta lần lượt tìm hiểu từng trường hợp một.

a. Trường hợp hoài nghi.

Trong trường hợp có sự hoài nghi không biết đương sự đã được rửa tội hay chưa, hay rửa tội có thành hay không, điều 869 của Bộ giáo luật, Hội Thánh dạy:

Nếu hồ nghi một người đã được rửa tội hay chưa, hoặc bí tích rửa tội được ban cho người đó có thành hay không, và nếu vẫn còn hồ nghi sau khi đã điều tra cặn kẽ, thì phải ban bí tích rửa tội cho họ với điều kiện (đ.869§1).

Ở đây xảy ra hai trường hợp hoài nghi: 1/. đương sự có được rửa tội hay chưa; 2/. đương sự đã được rửa tội, nhưng bí tích rửa tội có thành sự hay không. Khi gặp những trường hợp nầy, với sự khôn ngoan của các mục tử, các ngài phải điều tra một cách cẩn thận về cội nguồn, hoàn cảnh của đương sự, lý do hoài nghi, cách thức rửa tội (chất thể và mô thể), ước muốn của người được rửa tội và ý hướng của thừa tác viên. Trường hợp nầy thường gặp nơi những anh chị em trở lại Công giáo từ những Giáo hội Kitô khác. Ngoài ra, nếu đương sự là người đã lớn khôn thì cần phải trình bày giáo lý Công giáo cho họ nữa. Sau khi đã làm hết những cách thức nầy, mà vẫn còn sự hoài nghi thì phải rửa tội với điều kiện hay rửa tội lại cho đương sự, vì bí tích rửa tội là cần thiết để được ơn cứu rỗi và là “cửa” để đi vào các bí tích khác.

b. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi hay vô thừa nhận

Trường hợp trẻ nhỏ bị bỏ rơi hoặc vô thừa nhận, điều 870 của Bộ giáo luật nói rằng: “phải ban bí tích rửa tội cho nhi đồng bị bỏ rơi hoặc vô thừa nhận, trừ khi việc điều tra cẩn thận cho biết em đã được rửa tội rồi”.

Đối với trường hợp hoài nghi ở trên, Hội Thánh chỉ dạy phải rửa tội với điều kiện; trong trường hợp trẻ nhỏ bị bỏ rơi nầy, Hội Thánh buộc phải rửa tội cho đương sự vô điều kiện. Điều nầy thật dể hiểu cho chúng ta trong xứ truyền giáo, vì số người Công giáo quá ít, nên đa phần nếu không muốn nói là tất cả các trẻ nhỏ bị bỏ rơi trước cổng chùa, dưới gốc cây, trước công nhà thờ hay cổng nhà dòng đều chưa được rửa tội, vì cha mẹ là người lương, hoặc giả là Công giáo thì cũng là người giữ đạo lôi thôi.

Đứng trước trường hợp nầy, chắc chắn chúng ta phải điều tra một cách cẩn thận, phải có chứng cứ chắc chắn và rõ ràng mới không rửa tội. Nếu chỉ có bằng chứng mơ hồ (vd: nghe nói, hoặc có tờ giấy gắn trên áo trẻ nhỏ do ai đó viết mà không để tên tuổi và địa chỉ), thì vẫn phải điều tra, và nếu không có kết quả tích cực rõ ràng thì phải rửa tội cho trẻ nhỏ đó (Thánh Bộ Thánh Vụ, ngày 05/01/1924).

c. Trong trường hợp bị sẩy thai nói chung

Trong trường hợp bị sẩy thai, nếu thai còn sống, thì phải rửa tội, tùy theo mức độ bao nhiêu có thể được (đ.871).

Đây là một trường hợp khó, tế nhị và phức tạp hơn cả. Vì thật khó để xác định một cách chính xác mốc thời gian từ tình trạng trứng thụ tinh sang tình trạng thụ thai. Theo truyền thống thần học, ngay từ lúc thụ thai thì bào thai đó đã có linh hồn, nên phải rửa tội bào thai nếu bị sẩy.

Cũng nên biết rằng trứng thụ tinh trong vòng 40 ngày trước khi đậu thai thì gọi là phôi thai (embryon), chưa có hình dạng người ta, nếu bị đẩy ra ngoài, phôi thai cũng phải được rửa tội dưới điều kiện.

Gọi là sẩy thai, nghĩa là bào thai hay thai nhi (foetus) bị đẩy ra ngoài dạ con mà thai nhi không thể sống được (chưa đủ 6 tháng). Như vậy, sẩy thai bất cứ lúc nào trong vòng 6 tháng, nếu thai nhi còn sống, thì rửa tội vô điều kiện; và nếu hồ nghi có thể chết, tuy can.871 không nói rõ, vẫn có thể rửa tội hồ nghi dưới điều kiện “Nếu (con) còn sống thi…”. Vì là việc tế nhị khó xét đoán, nên Giáo luật dùng cụm từ khuyên chúng ta làm “bao nhiêu có thể được” (đ.871).

Trong công tác mục vụ, các mục tử phải hướng dẫn sao cho mỗi người tín hữu biết cách thức và ý hướng của bí tích rửa tội, nhằm trở thành những thừa tác viên ngoại lệ cho những trường hợp tế nhị vừa kể trên (đ.861).

Công thức rửa tội với điều kiện : “Nếu anh/chị chưa được rửa tội, thì tôi rửa anh/chị nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

TRANG LINH MỤC

VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO LINH MỤC Ở VIỆT NAM

Mở đầu Sắc Lệnh Optatam Totius, Công Đồng Vatican II khẳng định: “Việc đào tạo linh mục là việc vô cùng quan trọng... Vì tính cách duy nhất của chức linh mục Công Giáo, nên việc đào tạo linh mục là cần thiết cho tất cả các linh mục dòng cũng như triều, thuộc bất cứ lễ chế nào” (OT số 1). Chính vì thế, công cuộc đào tạo con người, đào tạo linh mục và đời sống thánh hiến là mối quan tâm hàng đầu của Giáo Hội. Để có thể thực hiện tốt sứ vụ đào tạo nhân sự cho Giáo Hội trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần nhìn lại triết lý giáo dục và những nguy cơ có thể xảy ra trong việc huấn luyện con người.

1. Vấn đề giáo dục ở trong Nước

Nhà văn Nguyên Ngọc cảnh báo tình trạng khủng hoảng giáo dục ở Việt Nam như sau:

“Giáo dục của chúng ta hiện nay đang có vấn đề trong cả hệ thống của nó, hầu như tất cả các lãnh vực của nó đều có vấn đề, cái hỏng của nó có tính chất hệ thống chứ không phải cục bộ”.[1]

Ông đề cập tới cái “lỗi hệ thống”, một thứ lỗi nền tảng nhất, sâu xa nhất và nguy hại nhất. Theo các nhà giáo dục chân chính, nguyên nhân cuộc khủng hoảng giáo dục ở nước ta là do “triết lý giáo dục” vừa lạc hậu, vừa mất định hướng.[2] Giáo dục của chúng ta không chỉ là “lạc hậu” mà còn “lạc đường”. Đó là một điều tồi tệ nhất và đáng lo ngại nhất! Nếu lạc hậu mà còn đúng đường thì còn ít nguy hại hơn là lạc đường, vì lạc đường là hết cách cứu chữa nếu không có đổi hướng. Bởi vì, giáo dục chỉ là “nhồi nhét kiến thức” mà ít chú trọng đến việc giáo dục con người, không huấn luyện họ trở thành những người tốt, trưởng thành, có đạo đức và có chuyên môn. Phải có sự chuyển hướng và canh tân giáo dục thực sự cách triệt để và tận căn thì mới hy vọng rằng tương lai đất nước ta được sáng sủa hơn.

2. Việc đào tạo ở trong Giáo Hội

Trong công việc đào tạo linh mục – tu sỹ nam nữ của Giáo Hội, chúng ta cũng được cảnh báo về hiện tượng “nín thở qua sông” của ứng sinh; hay mô hình đào tào linh mục – tu sỹ thiếu tính thống nhất và tính toàn vẹn, đã đưa công cuộc đào tạo này rơi vào tình trạng một chiều như duy tri thức, duy tu đức, duy luân lý, hay duy kỹ năng và duy hiệu quả…

Kiểu huấn luyện một chiều thường quá chú trọng đến một phương diện mà lãng quên các phương diện khác. Chẳng hạn, lối huấn luyện duy tu đức là khuynh hướng giảm thiểu một cách nền tảng con người và toàn bộ chương trình đào tạo chỉ trong yếu tố tu đức, tâm linh mà thôi, trong khi đó lại lãng quên những yếu tố khác về nhân bản, tri thức và mục vụ; lối huấn luyện này ít quan tâm tới các vấn đề của con người, như sự trưởng thành tâm sinh lý, tình cảm, tính dục và tương quan liên vị... của ứng sinh. Họ được huấn luyện để trở thành những con người trong trắng như “những thiên thần” vậy, mà không hề biết nhiều về những thực tại “con người”!

Hoặc lối giáo dục duy tri thức là kiểu giáo dục chỉ lo lắng trau dồi tri thức, nhồi nhét kiến thức. Đào tạo chỉ tập trung vào “cái đầu” nhưng lãng quên toàn bộ con người. Đó là “những con mọt sách” hay những người có “đầu to mà đít nhỏ”, thiếu sự quân bình trong nhân cách v.v...

Ngược lại, lối giáo dục duy kỹ năng hay duy hiệu quả là lối huấn luyện chỉ tập trung trang bị cho các thụ huấn sinh những kỹ năng sống, kỹ năng thi hành sứ vụ hay làm việc và đánh giá họ theo chỉ tiêu chuẩn hiệu quả công việc, trong khi đó lại lãng quên huấn luyện căn tính và nhân cách của họ trước. Phải tập trung huấn luyện và hình thành nơi ứng sinh “căn tính tốt” trước khi “làm việc tốt”. Cần tránh lối huấn luyện chạy theo chức năng và vai trò mà lãng quên việc huấn luyện căn tính. Vì như cha ông ta nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Phải “là” linh mục trước khi “làm” linh mục. Cần huấn luyện có căn tính tốt trước khi thi hành sứ vụ.

Cần phải có những nỗ lực canh tân kịp thời để chương trình huấn luyện phải giúp các ứng sinh thực sự được biến đổi toàn vẹn, trở thành những con người tốt, kitô hữu trưởng thành và những linh mục – tu sỹ thánh thiện để có thể đáp ứng cho những đòi hỏi của sứ vụ loan báo Tin Mừng trong bối cảnh của thế giới hôm nay.

Để thực hiện được việc canh tân đào tạo tại các Chủng Viện và Dòng Tu, trước hết chúng ta cần tránh lối đào tạo theo một mô hình một chiều, thiếu tính thống nhất và thiếu tính toàn vẹn. Cha Cencini nói tới những sự thiếu hụt có thể xảy ra trong đào tạo:[3]

Trước hết, đó là nguy cơ mô hình huấn luyện mơ hồ, nghĩa là không xác định được mục đâu là mô hình nền tảng và chính yếu để toàn bộ chương trình huấn luyện dựa vào đó làm mô mẫu và chuẩn mực. Nguy cơ thứ hai là mục tiêu huấn luyện thiếu rõ ràng. Việc huấn luyện không có mục tiêu. Nhà huấn luyện và người thụ huấn không biết sẽ phát xuất từ đâu và sẽ đi về đâu; huấn luyện để làm gì v.v... Ở đây, các mục tiêu huấn luyện không được xác định.

Một nguy cơ khác có thể xảy ra là lẫn lộn các giai đoạn huấn luyện. Trong huấn luyện thời gian tính rất quan trọng. Tiến trình huấn luyện phải được thực hiện theo từng gian đoạn như giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối. Mỗi giai đoạn có một sự đặc trưng riêng. Vì thế, chúng ta cần phải quan tâm và đảm bảo tính phù hợp của nó theo từng giai đoạn. Tránh lẫn lộn giao đoạn hoặc đốt cháy giai đoạn để việc huấn luyện có hiệu quả hơn.

Cuối cùng là phương pháp huấn luyện nghèo nàn. Cần loại bỏ phương pháp huấn luyện cổ điển lỗi thời. Đó là phương pháp theo kiểu:

“Trước tiên là huấn luyện tri thức, rồi huấn luyện mục vụ và nếu còn thời gian thì huấn luyện trưởng thành nhân bản. Vì thế, các giáo sư thì quan tâm đến hoạt động trí tuệ; các nhà huấn luyện quan tâm đến thực hành; các nhà linh hướng thì chăm lo phần hồn; các nhà tâm lý quan tâm đến bệnh lý; và chẳng ai quan tâm đến con người”.[4]

Việc huấn luyện linh mục và tu sỹ ngày hôm nay đòi hỏi phải là việc huấn luyện mang tính toàn vẹn về các phương diện khác nhau và quân bình cách chính đáng từng phương diện. Các thụ huấn sinh phải được huấn luyện trưởng thành và toàn nhập các phương diện tâm lý, tình cảm, tính dục, cảm xúc, ơn gọi, tính liên vị, tương quan, các đức tính nhân bản, tri thức, tu đức, mục vụ v.v... để có thể sống và làm chứng cách hiệu quả cho Tin Mừng giữa một thế giới đầy thách đố và cám dỗ như ngày hôm nay.

Tạm kết

Tương lai của Giáo Hội tùy thuộc rất nhiều vào công cuộc đào tạo nhân sự. Vì thế, hơn lúc nào hết, các Chủng Viện và các Dòng Tu cần có những nỗ lực cụ thể nhằm canh tân cách đúng đắn và triệt để công cuộc đào tạo linh mục và tu sỹ theo những đòi hỏi của Giáo Hội hiện nay, ngõ hầu việc đào tạo này mang lại nhiều hoa quả tốt đẹp cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội trong thế hiện hôm nay.

[1] Nguyên Ngọc, “Giáo dục ở nước ta hiện nay, đi ra bằng con đường nào?”, trong Những vấn đề giáo dục hiện nay…, 261-263.

[2] Cf. Gm. Nguyễn Thái Hợp, Tôn Giáo Giáo Dục. Một cách tiếp cận, CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình 2009, 11-24.

[3] A. Cencini, Tâm Tình Chúa Con, NXB Tôn Giáo, 154.

[4] A. Cencini và A. Manenti, (Lm. Nguyễn Ngọc Kính, ofm chuyển ngữ), Tâm lý và huấn luyện cơ cấu và năng động, Nxb Phương Đông, HCM 2011, 191.

LM. Petrus Nguyễn Văn Hương
Mguồn: vietcatholic.net

TRANG TU SĨ

VƯỜN ƯƠM ƠN GỌI

Ngày nay con số linh mục và tu sĩ phục vụ trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội vẫn còn là con số ít ỏi so với tỷ lệ đông đảo giáo dân nơi các vùng sâu vùng xa, hay người dân tộc ở các miền đồi núi, đặc biệt còn nhiều người chưa biết Chúa.

Để đáp ứng nhu cầu mục vụ và chăm lo đời sống tâm linh cho mọi người, Giáo Hội đang cần biết bao những tông đồ nhiệt thành dấn thân trong ơn gọi tận hiến. Nhưng để có được những linh mục và tu sĩ nhiệt tâm theo Chúa phục vụ tha nhân, dám chấp nhận lội ngược dòng đời trong một xã hội với nhiều hấp lực hôm nay… thì gia đình chính là chiếc nôi ươm mầm cho những ơn gọi tận hiến.

Nhìn vào các gia đình, kể cả những gia đình công giáo ngày nay chỉ có một hoặc hai đứa con, nên tất cả những ước mơ và bao kỳ vọng mà cha mẹ đặt lên đứa con với mong muốn cho nó một tương lai sáng lạn. Vì thế, việc chấp nhận cho con đi tu càng trở nên khó khăn hơn. Nhưng nếu gia đình nào cũng như vậy thì Giáo Hội Chúa làm sao có được những linh mục và tu sĩ phục vụ Giáo Hội.

Tôi quen biết gia đình Ông Bà Tư là một trong những gia đình đạo đức của Họ đạo. Ông Bà có ba người con (hai trai, một gái), nhưng được hai người con dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì: một linh mục và một nữ tu, còn người con trái kế thì ở nhà chăm sóc Ba Mẹ. Hằng ngày tôi đều bắt gặp Ông Bà dắt dìu nhau đi tham dự Thánh Lễ, vừa đi vừa nói chuyện trong có vẻ cuộc sống rất hạnh phúc. Một lần kia, tôi cố tình đứng chờ Ông Bà trước cửa nhà thờ. Sau Thánh Lễ Ông Bà có thói quen ở lại viếng Chúa thêm 5 - 10 phút nữa. Thấp thoáng nhìn thấy tôi đứng ngoài cửa nên Bà Tư lật đật đi ra sớm, dáng đi chầm chậm cẩn thận như cố giữ thăng bằng cho từng bước chân, tôi lên tiếng chào hỏi:

-  Chào Bà Cố, Bà Cố khỏe không?

-  Dạ, cũng khỏe. Cám ơn Dì Bảy, Dì cũng khỏe hén?! – Bà Tư móm mém cười chào lại.

-  Cha Tâm và Sơ Chi có thường về thăm Ông Bà Cố không?

-  Cũng ít lắm Dì Bảy ơi, nhưng thỉnh thoảng cũng có điện về hỏi thăm.

Tôi đang huyên thuyên với Bà Tư thì Ông Tư bước ra đứng cạnh bên Bà rồi cười nói:

- Dì Bảy biết không, đêm nào tui với bả cũng đọc kinh cầu nguyện cho anh em tụi nó. Hôm rồi tui bị bệnh mấy ngày, út Chi nó có về thăm, vì thấy tui chưa khỏe nên nó định xin ở thêm nhưng tui không cho.

- Ông Bà Cố chỉ có Sơ Chi là con gái, sao Ông Cố không cho Sơ ở lại chăm sóc ít hôm? Luật Dòng cho phép mà.

- Thôi, nó tu hành thì lo việc tu cho tốt là vợ chồng tui vui lắm rồi. Còn bệnh chút đỉnh này đâu có sao, Chúa lo mọi chuyện đều tốt hơn mình tính.

Thấy Ông tin Chúa như vậy, tôi hỏi đùa:

- Vậy Ông Cố có muốn cho cậu con trai kế đi tu luôn không hay là để dưỡng già?

Ông Tư  đáp nhanh như muốn phân bua:

- Í, đâu có Dì Bảy. Tại nó không muốn đi, chứ nếu nó chịu đi thì tui cũng cho đi luôn dì ơi

Bà Tư đứng kề bên cười theo như cũng đồng thuận với Ông, bà thêm:

- Có nhiều người chúc mừng hãnh diện cho gia đình tui có con làm linh mục và Nữ tu, nhưng cũng có mấy người trong họ hàng lúc đầu cũng trách vợ chồng già sao không để con gái ở nhà cho nó nuôi dưỡng mà cho đi tu chi cho khổ vậy. Nhưng tui nói “Chúa ban cho mình, mình dâng lại cho Chúa, đâu có gì là lỗ lã…Chúa ban lại còn nhiều hơn”

Thật vậy, tất cả những gì chúng ta có đều là Ân ban của Chúa. Người không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của chúng ta. Việc dâng con cho Chúa trong bậc sống tu trì xem ra như một sự hy sinh lớn đối với gia đình, nhưng thực ra đó là một hồng ân Chúa ban thưởng đặc biệt cho những người Chúa yêu, và Ân ban đó không chỉ ở đời này mà còn hạnh phúc đời sau.

Xin cám ơn những bậc làm cha mẹ đã quảng đại cống hiến cho Giáo Hội những người con ưu tú của mình để phục vụ cho phần rỗi mọi người. Xin cho các gia đình biết ý thức tầm quan trọng của việc cộng tác “ươm mầm ơn gọi” cho Giáo Hội, để Nước Chúa ngày được lan rộng như lòng Chúa ước mong.

 MTG Cái Nhum

MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI

Bên cạnh Nhà thờ một xứ đạo vùng duyên hải có gia đình Chị Tư là thành phần giáo dân tốt. Gia đình chị có truyền thống kính trọng Cha Thầy và quí mến các nữ tu. Gần bên Nhà thờ, chị thường tiếp xúc với các Dì; thấy sự phục vụ tận tình và vui vẻ của Dì Sáu, chị cảm nhận được đời sống tu thật cao quí và đầy bình an. Chị Tư thầm ước mong gia đình chị cũng có một đứa con đi tu. Chị sống bậc gia đình, Anh Tư là người gia trưởng đạo đức, cũng như vợ, anh rất quí trọng bậc sống tu trì và dạy con cái cũng biết kính mến những người tận hiến đời mình để lo việc Chúa. Anh chị Tư được Chúa ban cho nhiều hoa trái mà Lan là hoa quả đầu mùa.

Chị Tư đang ngồi nướng bánh thì nghe tiếng chân Lan bước tới…

-  Thưa mẹ con đi tập hát. Lan lễ phép chào.

-  À! Ngày mai 15 tháng 8, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, bổn mạng của Dì Sáu, con đem ổ bánh kem nầy qua mừng bổn mạng Dì Sáu.

Qua nhiều lần tiếp xúc và làm việc với Dì Sáu, chị Tư rất cảm phục đời sống dâng hiến của người nữ tu. Chị thường tâm sự với Dì Sáu là muốn Lan đi tu, nên tìm nhiều cách để Lan được gần gũi các Dì. Ngoài việc học ở trường, Lan vào ca đoàn, tham gia Hội Con Đức Mẹ và thích phụ cắm hoa với các Dì. Những lời động viên của cha mẹ và gương sáng của các Dì là động cơ thúc đẩy Lan thích đời sống tu. Sau khi xong bậc Trung học, Lan quyết định cho tương lai của mình, xin gia nhập vào Hội Dòng Mến Thánh Giá. Ngày tháng trôi qua, Lan đã hiểu phần nào về ơn gọi Mến Thánh Giá và nhận thấy mình thích hợp với đời sống của Hội Dòng nầy. Thỉnh thoảng được về thăm gia đình, nhìn thấy cha mẹ vất vả lo cho các em, Lan cảm thấy chạnh lòng nên bày tỏ với mẹ:

- Mẹ à! Dạo nầy con thấy mẹ tiều tụy hơn, tóc mẹ lại thêm bạc nữa. Thấy cha mẹ vất vả lo cho các em con thật đau lòng. Con muốn ở nhà phụ giúp cha mẹ.

- Chi Tư nhẹ nhàng vuốt tóc Lan và ôn tồn nói:

- Cha mẹ đã quen cuộc sống lao động rồi. Cho dù khổ cực nhưng biết con đang ở trong Nhà Chúa cầu nguyện cho cha mẹ, thì cha mẹ rất vui và quên hết lao nhọc con à!  Nhìn các nữ tu cha mẹ kính phục lắm. Cha mẹ cảm thấy ấm lòng hơn vì con cũng sẽ là nữ tu của gia đình mình. Niềm vui và nguồn an ủi lớn lao của cha mẹ là con đó. Lan ạ!

Hạt giống ơn gọi của Lan được gia đình gieo trồng đang nẩy mầm, nay được cha mẹ vun phân tưới nước để bén rễ sâu và thêm sức sống. Nơi Hội Dòng, Lan vui vẻ sống đời tu. Mỗi khi nhớ đến gia đình thì Lan sống tâm tình phó thác và cố gắng điều chỉnh đời tu cho tốt, để đáp lại tình thương của mẹ cha. Theo dòng thời gian, Lan đã thích nghi được với nếp sống tu trì và đang chuẩn bị bước vào năm Tập nhặt.

Một hôm, nhận được hung tin mẹ lâm trọng bệnh, Lan xin phép về thăm mẹ. Đến lúc nầy Lan mới hay mẹ mắc chứng bệnh nan y khá lâu, nhưng sợ ảnh hưởng đến ơn gọi của Lan, nên cha mẹ không muốn cho Lan biết. Đến khi vô phương chữa trị, Chị Tư xin lãnh nhận các Bí tích sau hết và muốn nói lời trăn trối với con gái đầu lòng. Lan về bên mẹ, nhìn thân xác tiều tụy của mẹ, với giọng nói yếu ớt run rẩy, chị Tư cầm tay Lan, khẽ nói: “Ráng… tu… bền đỗ… nghen con!” Đó cũng là lời trối sau cùng và đôi mắt mẹ từ từ khép lại. Trong tình trạng hôn mê kéo dài 2 ngày, mẹ Lan đã vĩnh viễn ra đi…  Mẫu tử tình thâm chia cắt từ đây.

Tang lễ mẹ xong, nhìn cảnh nhà trống vắng mẹ hiền, Lan cảm thấy xót xa, đầu óc miên man nghĩ ngợi. Mẹ mất rồi, đàn em thiếu người chăm sóc. Cha phải cảnh gà trống nuôi con. Chúa ơi! Con phải làm gì đây. Lời mẹ trối “Ráng tu bền đỗ nghen con” không còn ý nghĩa nữa. Trước mắt, Lan muốn ở lại nhà để phụ với cha lo cho các em. Biết được ý định của Lan, Anh Tư âu yếm cầm tay con và ân cần nói:

Con đã trưởng thành rồi, cha mẹ đã hy sinh để con yên tâm sống đời tu trong những năm qua. Đừng vì chút tình cảm riêng tư của gia đình mà bỏ ơn gọi của mình. Tuy mẹ con mất, cha sẽ vất vả hơn, nhưng Chúa ban cho cha còn sức khỏe, cha có thể gồng gánh được việc gia đình. Cha cần lời cầu nguyện của con nhiều hơn. Con đừng để cha buồn và nhất là lời trăn trối của mẹ con: “Dù cách nào cũng để Lan tu nghen Ông?” trở nên vô nghĩa.

Đôi mắt ứa lệ nhìn cha. Lan khẽ nói:

- Cha an tâm. Con sẽ cố gắng… và không để cha mẹ thất vọng vì con.

Hạt giống ơn gọi của Lan được ấp ủ từ nơi gia đình, gieo trồng nơi mảnh vườn Hội Dòng; qua sự dầy công vun xới của nhiều người, đặc biệt là gia đình, nơi vun trồng ơn gọi. Tuy gặp phong ba thử thách nhưng nhờ sự vun gốc, bón phân của gia đình; theo dòng thời gian hạt giống nầy lớn lên, bén rễ sâu vào mãnh vườn Hội Dòng và phát triển tốt đẹp.

Ước gì mỗi tín hữu trong Giáo phận Vĩnh Long luôn ý thức: gia đình là môi trường  đầy thuận lợi để hạt giống ơn gọi được gieo trồng và luôn cần sự vun xới của mẹ cha. Thật vậy! Cánh đồng truyền giáo của Giáo hội cũng như Giáo phận nhà thật mênh mông, luôn cần nhiều tay thợ gặt lành nghề. Được như thế, cánh đồng truyền giáo sẽ đặng mùa bội thu.

MTG Cái Mơn

TRANG SỐNG ƠN GỌI

TU LÀ THEO ƠN GỌI

Đi tu là theo ơn Chúa gọi. Ở ngoài đời lập gia đình cũng là theo ơn Chúa gọi. Đàng nào hơn? Không đàng nào hơn cả. Phải tùy theo Ơn Chúa gọi mình.

Làm sao biết? Khi Chúa gọi ai, Người ban cho các dấu hiệu. Người ta thường nói: "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa"! Không có nhất nhì. Phải tùy theo Ơn Chúa gọi mình.

Hãy tìm ra các dấu hiệu để biết Chúa gọi vào bậc nào Tu "Chùa", tu chợ hay Tu "tại gia".

Cầu nguyện, bàn hỏi với các vị tu trì, với cha mẹ. Giữ Ơn gọi, nếu có. Nhiều khi nhìn bên ngoài, người ta nghĩ mộ em nhỏ có ơn gọi đi tu, nhưng em không có, không thích.

Truyện vui:

Người ta kể rằng: Gia đình kia , bố là người tu xuất, ông ta có 3 con trai. Một hôm cha xứ tới thăm gia đình, cha muốn cổ động ơn gọi làm linh mục. Cha hỏi cậu trai cả:

- Con có muốn đi tu không?

- Cậu ta trả lời tỉnh bơ:

- I want to be a doctor, a doctor get a lot of money.

- Cha quay sang hỏi cậu thứ hai:

- Con có muốn đi tu không?

- Cậu này vừa nhún vai vừa trả lời:

- Oh, oh, I want to become a superstar like Michael Jackson. Nói xong cậu đi giật lùi,lắc lắc cái mông y như Michael thứ thiệt trên TV.

Không thất vọng, cha xứ nhìn cậu con trai thứ 3 cách âu yếm và hỏi:

-  Lớn lên con có muốn đi tu không bé?

-  Cậu bé này trợn mắt hỏi lại:

-  WHAT IS ĐI TU?

-  Cha xứ...

1. ĐI TU LÀ GÌ?

Người Việt nam thường nói về tu: "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa". Đối với các bạn trẻ, tôi muốn giải nghĩa như sau:

- Tu tại gia là sống hiếu thảo với cha mẹ ông bà, nhân nghĩa với anh em là sống bậc vợ chồng, bậc gia đình thông thường như mọi người. Đó là con đường chung cho nhân loại.

- Tu chợ là làm việc trong xã hội, giúp dân, giúp nước với tư cách liêm chính (không tham lam, hối lộ, nạt nộ, ức hiếp) theo quyền chức mình có, nhưng hết lòng cứu người, giúp đời.

- Tu chùa là bỏ đời, vào sống trong chùa, nương mình dưới sự phù hộ của Đức Phật, ngày ngày ăn chay, sám hối, tu luyện bản thân, sớm hôm tụng kinh, niệm Phật, mong được qua kiếp này rồi lên niết bàn.

Đối với người Công giáo, thay vì gọi là tu chùa, người ta nói là đi tu Triều hay tu Dòng.

+ Tu Triều là làm linh mục giúp giáo dân trong các xứ đạo.

+ Tu Dòng là xin vào một dòng nào đó, có hoạt động mình ưa thích, để thánh hóa bản thân theo 3 lời khấn dòng: vâng lời, khiết tịnh, khó nghèo, giữ hiến pháp, kỷ luật để làm vinh Danh Chúa, học tập trở thành linh mục, thầy dòng hay nữ tu. Nữ tu còn gọi là dì phước, chị dòng, bà sơ (sister), giúp người giúp đời theo chủ đích riêng của mỗi Dòng. Có dòng giúp người nghèo, dòng dạy học, dòng giúp nhà thương, dòng đi truyền giáo cho người chưa biết Tin Mừng của Chúa.

Nói cách khác, đi tu bên Công giáo là theo ơn Chúa gọi (vocation). Không có ơn Chúa gọi và phù trợ liên tục, không thể sống trọn đường tu.

2. TẠI SAO LẠI GỌI ĐI TU LÀ ƠN GỌI?

Ơn gọi là lời mời gọi âm thầm của Thiên Chúa Tình yêu. Từ đời đời trong ý định của Chúa, Chúa đã nhắm gọi ai làm việc gì sau này. Ơn gọi dần dần nảy nở trong thời gian, cho tới một lúc thuận tiện, Chúa làm cháy bùng lên, và Người đem họ vào nơi Người muốn. Linh mục Colin, dòng Chúa Cứu Thế viết về Ơn gọi như sau:

" Giữa đám người hằng hà sa số sẽ được sinh ra trong thời gian, Chúa đã để ý tuyển chọn một số người. Rồi Chúa tách biệt họ ra khỏi đám đông, dành riêng họ cho công việc Tình yêu của Người. Chúa yêu họ cách riêng. Chúa phán với họ như xưa Người phán với các môn đệ:"Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con...(Tin mừng
theo thánh Gioan 15,16).       
Nói cách khác: Hạt giống Ơn gọi được gieo vào tâm hồn một trẻ em (nam hay nữ), bị chôn vùi ở đấy nhiều năm không ai biết đến, nhưng rồi một ngày kia, hạt giống sẽ mọc lên và vươn mạnh theo hoàn cảnh Chúa thúc đẩy. Trong âm thầm của tâm hồn người được Chúa để ý tới, Chúa khẽ gọi:"Con hãy đến theo Thầy...Và, nếu muốn, với tình yêu, linh hồn sẽ ngoan ngoãn đáp lại: "Lạy Chúa, Này con đây...Và người trẻ chỉ còn đợi ngày đại diện Giáo hội Chúa chấp nhận, và lên đường.”(Rev. P. Colin, Cssr. Đức Mẹ Với Đời Tu, trg. 14)

Như thế, Ơn gọi thật đẹp và dễ thương, vì nó phát xuất từ tình yêu Chúa, và sự đáp trả phát xuất từ tình yêu con người. Tất cả đều là việc của tình yêu thánh thiện và quảng đại.

Lm. Đoàn Quang, CMC
Nguồn : xuanha.net

TRANG THIẾU NHI

GIA ĐÌNH,  CHỦNG VIỆN ĐẦU TIÊN

Cây tốt sẽ sinh trái tốt. Có thể nói được đây là quy luật tự nhiên của cuộc sống. Hơn nữa đây cũng chính là lời của Chúa Giêsu trong Tin mừng: Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái ? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt”. (Mt 7, 16 – 17).

Dù rằng với lời nói này đang trong ý tưởng của Chúa về những ngôn sứ giả. Tuy nhiên, ta cũng có thể áp dụng lời nói này cho đời sống gia đình. Nếu như những lời nói và việc làm của ngôn sứ là hoa trái của họ thì con cái là hoa trái tình yêu của vợ chồng trong một gia đình. Những gì đứa con thừa hưởng được là do sự kết hợp mật thiết giữa cha mẹ của nó.

Nhiều người tín  hữu hay nói rằng gia đình là chủng viện hay dòng tu đầu tiên cho những linh mục và tu sĩ trong tương lai. Thật vậy, có được những con người biết dấn thân cho Chúa và cho Giáo hội là nhờ nơi những gia đình biết quan tâm chăm sóc cho con cái. 

Ơn gọi nền tảng là ơn gọi làm người. Và ơn gọi sống đời tận hiến được xây dựng trên nền tảng ơn gọi làm người. Vì bổn phận trên hết và trước hết của bậc cha mẹ công giáo là chăm lo cho con cái mình về đời sống nhân bản và đức tin.

Cha mẹ có đời sống nhân bản gương mẫu và có đời sống đạo đức thánh thiện thì con cái sẽ hưởng nhờ được những điều tốt lành ấy. Từ những điều tốt ấy, ơn gọi sống đời tận hiến sẽ được phát sinh.

Những đức tính cần thiết cho người sống đời tận hiến trước hết là lòng yêu mến Chúa thể hiện qua việc siêng năng trung thành với các giờ đạo đức hằng ngày và hằng tuần nơi Nhà thờ cũng như nơi gia đình.

Kế đến là tinh thần trách nhiệm thể hiện qua sự tận tụy hết mình trong các việc làm.

Người sống đời tận hiến sẽ là người của người khác nên sẽ được học từ nơi gia đình một tình yêu vô vị lợi với anh chị em của mình. Tình yêu vô vị lợi ấy thể hiện bằng sự quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không cần điều kiện.

Ở mọi thời đại Chúa và Giáo Hội luôn cần và rất cần những người sống đời tận hiến. Ơn gọi sống đời tận hiến sẽ được nảy sinh từ nơi những gia đình. Ước mong càng ngày càng có nhiều bậc cha mẹ Công giáo biết quan tâm nhiệt tình trong việc làm nảy sinh những ơn gọi sống đời tận hiến.

6 Giá Trị Đạo Đức Không Bao Giờ Lỗi Thời Phải Dạy Con

Giữa cuộc sống hối hả và thay đổi từng ngày, không ít bậc làm cha mẹ cảm thấy bối rối khi nghĩ đến chuyện dạy con ngoan những giá trị đạo đức mà họ tin tưởng. Một số quan niệm của thế hệ trước đang dần thay đổi để thích hợp hơn với xã hội hiện đại. Tuy nhiên, luôn có những giá trị đạo đức cần được duy trì dù con người sống ở thời đại và xã hội nào.

Biết tôn trọng

Đây là một trong những giá trị quan trọng nhất cần dạy con càng sớm càng tốt. Bạn sẽ không muốn một ngày nào đó thấy con trở thành kẻ luôn khinh khỉnh tất cả mọi người chứ? Vậy thì cần phải dạy trẻ biết tôn trọng. Làm được điều này là bạn đang giúp cho con, cho chính bạn và cho cả thế giới đấy. Nếu bạn không dạy con từ sớm, sẽ rất khó để điều chỉnh thái độ và hành vi của trẻ khi lớn lên.

Phép lịch sự

Trong từ điển của trẻ sẽ không tự nhiên xuất hiện những câu “Cảm ơn” hoặc “Xin lỗi” nếu trẻ không được người lớn hướng dẫn và nhắc nhở thường xuyên. Cần bắt đầu dạy con ngoan làm quen với những câu nói như thế này từ nhỏ để nó sớm trở thành thói quen. Những ai không được dạy cách cư xử khi còn nhỏ sẽ thấy rất khó khăn, thậm chí ngượng miệng khi muốn nói cám ơn hoặc xin lỗi người khác.

Tinh thần trách nhiệm

Nếu bạn nghĩ rằng con yêu còn quá nhỏ để đặt lên vai bé một trách nhiệm nào đó thì quả thật là sai lầm. Bạn luôn có thể giao cho bé những nhiệm vụ nho nhỏ và dễ dàng cho bé như đánh răng trước khi đi ngủ hoặc làm bài tập về nhà mà không cần ba mẹ nhắc. Bé sẽ được dạy tính kỷ luật và trách nhiệm cùng một lúc, cả hai điều này đều rất quan trọng khi con trưởng thành. Cho trẻ một chút trách nhiệm cũng là cách hay để dạy con sống thực tế. Tuy nhiên, đừng yêu cầu quá cao so với độ tuổi của bé, như thế sẽ tạo áp lực không tốt lên con.

Cư xử phải phép

Không ít người trẻ ngày nay thật sự không biết cách cư xử như thế nào là phù hợp với hoàn cảnh. Điều này không hoàn toàn là lỗi của ba mẹ vì đó có thể do sự ảnh hưởng từ trường học và bạn bè cùng lứa. Do đó, ba mẹ càng cần phải làm gương cho con khi ở nhà. Đồng thời, bạn cũng nên quan sát xem trẻ có đang chịu tác động xấu từ người ngoài hay không.

Thân thiện

Đây có thể nói là bản năng của hầu hết mọi đứa trẻ, tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi con còn nhỏ. Nếu không được động viên phát triển đúng hướng, điều này có thể biến mất trong tương lai, đặc biệt nếu ba mẹ luôn muốn giữ con trong nhà để tránh xa khỏi những cái xấu bên ngoài. Dạy cho trẻ cảnh giác với người lạ không có nghĩa là khuyến khích con hạn chế tiếp xúc với mọi người. Giữa xã hội hiện đại, khả năng giao tiếp và sự thân thiện, cởi mở là một trong những chìa khóa thành công trong cả công việc và cuộc sống.

Chân thật

Dạy con nói thật luôn dễ hơn sửa con nói dối. Nếu bạn dạy con tính thật thà từ bé, bạn sẽ không phải lo lắng, nghi ngờ bất cứ lời nào bé nói. Để làm được điều này, ba mẹ cần là người bé tin tưởng để thú thật mọi chuyện, bao gồm cả những sai phạm. Cần hiểu rằng bạn không thể ở bên bé 24/24 để kiểm soát mọi việc con làm, do đó, bạn cần sự chia sẻ chân thật từ con để biết chính xác cuộc sống ở bên ngoài gia đình của bé ra sao, bé có đang gặp khó khăn nào với thầy cô, bạn bè hay không. Lúc này, bạn sẽ trở thành “chuyên gia” tuyệt vời để hướng dẫn, chỉ bảo cho bé. (MarryBaby)

TRANG GIỚI TRẺ

Bài Giáo Lý VII Về Kinh Tin Kính Của ĐTC Phanxicô

Hãy Trở Thành Những Công Cụ của Hiệp Nhất và Hiệp Thông

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ bảy của ĐTC Phanxicô về Năm Đức Tin trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, hôm thứ tư ngày 22 tháng 5 năm 2013. Hôm nay Ngài tiếp tục loạt bài về Kinh Tin Kính mà ĐTC Bênêđictô XVI đã bắt đầu.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Kinh Tin Kính, ngày sau khi đã tuyên xưng đức tin vào Chúa Thánh Thần, chúng ta nói: “Tôi tin Hội Thánh Duy Nhất nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.” Có một liên hệ sâu xa giữa hai thực tại này của đức tin: Thực ra, Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống cho Hội Thánh, hướng dẫn các bước đi của Hội Thánh. Nếu không có sự hiện diện và hành động không ngừng của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh không thể sống và không thể hoàn thành nhiệm vụ mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã trao phó là đi và làm cho muôn dân thành môn đệ (x. Matthew 28:18).

Rao giảng Tin Mừng là sứ vụ của Hội Thánh, chứ không chỉ là sứ vụ của một số người, nhưng là sứ vụ của tôi, của anh, của chị, là sứ vụ của chúng ta. Thánh Tông Đồ Phaolô kêu lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!“ (1 Corinthians 9:16). Mỗi người trong tất cả chúng ta đều phải là người rao giảng Tin Mừng, đặc biệt là bằng cách sống của mình! Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh rằng “truyền giáo là… ân sủng và ơn gọi riêng của Hội Thánh, là căn tính của Hội Thánh. Hội Thánh hiện hữu để rao giảng Tin Mừng” (Tông Huấn. Evangelii Nuntiandi, 14).

Động lực thực sự của việc truyền giáo trong đời sống chúng ta và trong Hội Thánh là ai? Đức Phaolô VI đã viết một cách rõ ràng rằng: “Chính Ngài, Chúa Thánh Thần, ngày nay cũng như thủa ban đầu của Hội Thánh, hoạt động nơi mọi nhà truyền giáo là người để cho mình được Ngài sở hữu và hướng dẫn, và để Ngài đặt trên môi miệng mình những lời mà họ không thể tự mình tìm thấy, đồng thời Ngài cũng chuẩn bị tâm hồn người nghe để mở ra và đón nhận Tin Mừng và Vương Quốc được rao giảng” (ibid., 75). Như thế, để truyền giáo, một lần nữa, cần phải mở lòng ra cho chân trời của Thánh Thần Thiên Chúa, mà không sợ Ngài sẽ đòi hỏi nơi chúng ta những gì và sẽ dẫn chúng ta đi đâu.  Chúng ta hãy phó thác cho Ngài! Ngài sẽ cho chúng ta có khả năng sống và làm chứng cho đức tin của mình, cùng soi sáng tâm hồn của những người mà chúng ta sẽ gặp.  Đó chính là kinh nghiệm của Lễ Ngũ Tuần; các Tông Đồ tụ họp cùng Đức Mẹ Maria trong nhà Tiệc Ly, “thấy những hình như lưỡi lửa hiện ra với họ, phân tán ra và đậu xuống từng người một. Tất cả mọi người trong họ đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói các thứ tiếng khác lạ, tuỳ theo Chúa Thánh Thần ban cho họ nói“ (Cv 2:3-4). Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ, làm cho các ông ra khỏi phòng, nơi mà các ông đã phải đóng cửa vì sợ, làm cho các ông ra khỏi chính mình, và biến đổi các ông thành những người loan báo và nhân chứng của “những kỳ công của Thiên Chúa” (câu 11).  Và sự biến đổi này được thực hiện bởi Chúa Thánh Thần, được phản ảnh trong việc đám đông vội vã kéo đến hiện trường và họ đến “từ mọi dân tộc dưới bầu trời” (câu 5), vì mỗi người nghe những lời của các Tông Đồ như chúng được nói bằng ngôn ngữ riêng của họ (câu 6 ).

Đây là một kết quả quan trọng đầu tiên của hành động của Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn và linh hoạt hóa việc loan báo Tin Mừng: sự hiệp nhất và hiệp thông.  Nơi tháp Babel, theo Kinh Thánh, việc phân tán của các dân tộc và sự xáo trộn về ngôn ngữ đã bắt đầu, là kết quả của các hành động ngạo mạn và tự hào của con người, những kẻ muốn xây dựng bằng sức mạnh của chính mình, không cần Thiên Chúa, “một thành và một cái tháp, mà đỉnh tháp cao thấu trời“ (St 11:4).

Ở Lễ Hiện Xuống, những phân chia này được khắc phục.  Không còn niềm tự hào đối với Thiên Chúa nữa, và cũng không đóng cửa lòng đối với nhau, nhưng có việc mở lòng ra với Thiên Chúa, người ta đi ra ngoài để  loan báo Lời Ngài: một ngôn ngữ mới, đó là ngôn ngữ của tình yêu mà Chúa Thánh Thần đã đổ vào lòng chúng ta (x. Romans 5:5), một ngôn ngữ mà tất cả mọi người có thể hiểu được và nếu người ta lắng nghe, nó có thể được diễn tả trong mọi cuộc sống và mọi nền văn hóa. Ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần, ngôn ngữ của Tin Mừng, là ngôn ngữ của sự hiệp thông, mời gọi chúng ta vượt qua những khép kín và thờ ơ, những chia rẽ và xung đột. Tất cả chúng ta nên tự hỏi mình: tôi phài làm thế nào để được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, ngõ hầu cuộc sống của tôi và lời chứng của tôi về đức tin thành những dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông? Tôi có đem sứ điệp hòa giải và tình yêu, là Tin Mừng, vào trong môi trường mà tôi đang sống không?  Đôi khi dường như điều đã xảy ra ở tháp Babel đang được lặp lại hôm nay; những chia rẽ, không có khả năng hiểu nhau, những cạnh tranh, ganh tị, ích kỷ. Còn tôi, tôi phải làm gì với cuộc đời của tôi? Tôi có tạo nên sự hiệp nhất quanh tôi không? Hay là tôi tạo ra chia rẽ, với những việc ngồi lê mách lẻo, chỉ trích và tị hiềm của tôi? Tôi phải làm gì? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó. Đem Tin Mừng, chính là bắt đầu bằng việc loan báo và sống sự hòa giải, tha thứ, bình an, hiệp nhất và tình yêu mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta.

Chúng ta hãy nhớ những lời của Chúa Giêsu: “Vì điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau“ (Ga 13:34-35).

Một yếu tố thứ hai: ngày Lễ Ngũ Tuần, Thánh Phêrô, tràn đầy Chúa Thánh Thần, đứng lên “cùng nhóm mười một” và “lên tiếng” (Cv 2:14), “với sự mạnh dạn” (câu 29), loan báo tin mừng về Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mạng sống của Người để cứu rỗi chúng ta và Thiên Chúa đã cho Ngừoi từ cõi chết sống lại. Đây là một kết quả khác của tác động của Chúa Thánh Thần: lòng can đảm để loan báo tính mới mẻ của Tin Mừng của Chúa Giêsu cho tất cả mọi người với sự chắc chắn (parrhesia), lớn tiếng, trong mọi thời đại và ở mọi nơi.  Và điều này vẫn còn xảy ra ngày nay cho Hội Thánh và cho mỗi người chúng ta: ngọn lửa của Lễ Ngũ Tuần, tác động của Chúa Thánh Thần, không ngừng phát ra những năng lượng mới cho sứ vụ, những con đường mới để công bố sứ điệp cứu độ, một lòng can đảm mới để rao giảng Tin Mừng.  Chúng ta đừng bao giờ đóng cửa lòng lại với tác động này! Chúng ta hãy sống Tin Mừng với lòng khiêm nhường và can đảm! Chúng ta hãy làm chứng cho tính mới lạ, niềm hy vọng, niềm vui mà Chúa mang đến cho cuộc đời chúng ta.  Chúng ta hãy cảm nghiệm trong mình “niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng” (Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 80). Bởi vì việc truyền giáo, việc rao giảng Chúa Giêsu, ban cho chúng ta niềm vui: ngược lại, sự ích kỷ cho chúng ta cay đắng, buồn rầu, làm cho chúng ta ra suy đồi; rao giảng Tin Mừng kéo chúng ta lên cao.

Tôi chỉ đề cập một cách đơn sơ đến yếu tố thứ ba, nhưng nó đặc biệt quan trọng: một cuộc tân phúc âm hóa, một Hội Thánh truyền giáo, phải luôn luôn khởi đầu bằng cầu nguyện, khẩn xin ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, như các Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly. Chỉ có mối liên hệ trung thành và mãnh liệt với Thiên Chúa mới cho phép chúng ta ra khỏi những nơi đóng kín của mình và rao giảng Tin Mừng với parrhesia (sự chắc chắn).  Nếu không có cầu nguyện những việc làm của chúng ta trở nên trống rỗng và lời rao giảng của chúng ta không có hồn, vì nó không được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần.

Các bạn thân mến, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã xác quyết, Hội Thánh ngày nay “đặc biệt cảm thấy luồng gió của Chúa Thánh Thần là Đấng trợ giúp chúng ta, cho chúng ta thấy một cách đúng đắn; và vì vậy, với nhiệt tình mới, chúng ta đang bước trên đường và chúng ta cảm tạ Chúa” (Ngỏ Lời với Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Kỳ, ngày 27 tháng 10 năm 2012). Chúng ta hãy canh tân mỗi ngày niềm tin tưởng của mình vào Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy tin tưởng rằng Ngài hoạt động trong chúng ta, Ngài ngự trong chúng ta, ban cho chúng ta lòng nhiệt thành làm việc tông đồ, ban cho chúng ta bình an, ban cho chúng ta niềm vui.  Chúng ta hãy để cho Ngài hướng dẫn, chúng ta là những người của cầu nguyện, là những người làm chứng cho Tin Mừng với lòng can đảm, để trở thành những công cụ của sự hiệp nhất và hiệp thông với Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta. Cảm ơn anh chị em!

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Nguồn: giaoly.org

TRANG GIA ĐÌNH

CHIẾN DỊCH CẦU NGUYỆN: “NHẬN MỘT LINH MỤC”

ZENIT - Cổng thông tin LazosDeAmorMariano.Net đã phát động một chiến dịch cầu nguyện về chủ đề “HÃY NHẬN MỘT LINH MỤC”. Phong trào nầy xác định: “Vào những thời buổi khó khăn và đầy cám dỗ thử thách nầy, các linh mục cần lời cầu nguyện của chúng ta”. Vì vậy mà mời gọi cầu nguyện mọi ngày cho MỘT LINH MỤC là BẠN HỮU, THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH, QUEN BIẾT.

Các người phụ trách chiến dịch bình luận: “Không mấy khi trong lịch sử Giáo Hội, các linh mục lại là mục tiêu tấn công,cám dỗ nhằm tách rời các Ngài khỏi sứ mệnh cao cả mà Chúa Giêsu đã gọi các Ngài”. Chính vì lý do đó mà “chúng tôi muốn mời gọi tất cả những ai muốn nâng đỡ các linh mục, hãy tham gia vào chiến dịch “HÃY NHẬN MỘT LINH MỤC” này, để giúp đỡ Ngài hết sức có thể, bằng cách phó thác Ngài và dâng những hy sinh để Chúa Giêsu ban cho Ngài sức mạnh và ơn bền đỗ trong sứ mệnh cứu chuộc của Ngài”.

Phong Trào Lazos de Amor Mariano (LAM) ra đời ngày 16.07.1999, lễ Đức Bà Carmel ở Medellin, Colombia.  Tên của phong trào căn cứ trên xác tín rằng “không có gì tốt hơn đề đánh cá người cho bằng một tấm lưới dệt bằng những mối dây yêu thương của Mẹ Thiên Chúa”. Các “mối dây” này tạo nên những dây ràng buộc yêu thương và cùng kết hợp với Giáo Hội, tấm lưới này sẽ thành công đánh bắt những người nam và những người nữ phục vụ Chúa và Giáo Hội của Người”.

Giuse Nguyễn Thế Bài
Nguồn: xuanbichvietna

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

25 Bài Giáo Lý Về Thánh Phaolô

Bài 7: Quan hệ giữa thánh Phêrô và Phaolô thế nào?

Thánh Phêrô được Chúa Giêsu chọn đứng đầu nhóm Mười Hai, và đứng đầu Giáo hội. Ngài giữ một vai trò đặc biệt và quan trọng trong nhiều cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên (Mat 16:17-19; Mar 3:16: Cvtd 2:14-36). Vai trò của Phêrô luôn được kính trọng vì quyền năng lãnh đạo. Chức năng của Phêrô đối với các tông đồ là cổ võ sự hợp nhất, trợ lực những anh em tông đồ trong những hoàn cảnh khó khăn, và tìm cách giải quyết những vấn nạn có trong Giáo hội.

Thánh Phaolô trân trọng vai trò này của thánh Phêrô. Cũng nên biết là vai trò của Phêrô thời đó không hoàn toàn như vai trò Đức Giáo Hoàng ngày nay đối với các giám mục.

Với Giáo hội sơ khai, thánh Phaolô là người thành lập nhiều cộng đoàn Kitô hữu, nhất là các cộng đoàn dân ngoại (không phải là người Do Thái). Vì thế, Phaolô có một ảnh hưởng đặc biệt trên họ, và họ lắng nghe Ngài qua những giáo huấn trong thư Ngài gởi.

Có lúc Phaolô chất vấn Phêrô về những vấn đề như việc cắt bì cho người theo Kitô giáo, hay ăn của cúng v.v… Đây không phải là chống đối hay thách đố quyền cai trị của Phêrô mà là những khám phá về thần học mà Phaolô tin là Ngài được linh ứng từ Chúa Giêsu Kitô liên quan đến việc truyền giáo cho dân ngoại. Điều chắc chắn là Phaolô vẫn phục quyền Phêrô về những giáo huấn này.

Lm. Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.
Nguồn: liendoanconggiao.net

TRANG QUỚI CHỨC

ƯƠM MẦM

Người xưa có câu: Trồng dưa thì không bao giờ hái đậu, gieo gì gặt nấy. Đó chính là luật nhân quả.

Giáo Hội hiện đang rất trăn trở về ơn gọi sống tận hiến cho Chúa.Càng ngày người dâng mình cho Chúa càng ít đi. Có nhiều lý do: khách quan có, chủ quan có.

Khách quan: Đời sống xã hội nói chung mỗi ngày một dễ dãi về vật chất cũng như tinh thần. Kinh tế phát triển hơn, khoa học tiến bộ hơn cũng có nghĩa là đời sống vật chất có nhiều sức quyến rủ hơn điều đó dẫn đến hệ quả là con người ngày càng có tâm lý hưởng thụ nhiều hơn, mà đã thích hưởng thụ thì xã kỷ, chịu thương chịu khó sẽ dần bị lấn át, người ta sẽ sống ích kỷ hơn….

Chủ quan: Vì tác động của xã hội mà các gia đình sinh con ít hơn nên cưng chìu một cách thoái hóa, có những gia đình không biết dạy con mình sống có nề nếp, kỷ luật, lễ độ.

Có những gia đình không muốn cho con đi tu vì đơn giản: có mình nó hà !

Nhiều gia đình giờ đây không còn đọc kinh sáng tối chung với nhau nữa, những đứa trẻ không thuộc kinh. Cha mẹ chỉ lo cho con có cái ăn cái mặc, có xe đẹp, điện thoại sang… mà không hề lo dạy con biết cầu nguyện là gì. Không nhắc nhở con đi học giáo lý, đi lễ…Chúa đối với chúng là người xa lạ, sao có thể yêu mến được ?

Chúng ta đang gieo gì ? Cỏ hay lúa ? Cỏ cũng sống tới cuối mùa, cỏ sum xuê hơn lúa nhưng rồi sẽ bị gom lại để đốt đi không còn tàn tích, chỉ có lúa mới được thu vào kho mà thôi.

Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu;6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt.8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. (Mc 4:3-9; Lc 8:5-8)

Hãy trở nên đất tốt để cho mầm có đủ dưỡng chất mà phát triển, đừng để nó chết khi chưa được sống. Nếu mãnh đất luôn cho mùa màng bội thu thì sẽ rất có giá trị trước mặt ông Chủ, bằng không chúng sẽ bị bỏ cho hoang tàn.

SỐNG ĐẸP

10 LÝ DO CHỊU ĐAU KHỔ

Horatio G. Spafford là một luật sư giỏi ở Chicago hồi thập niên 1800 và là bạn của nhà truyền giáo Dwight L. Moody.  Luật sư Spafford được kính trọng và tốt lành, nhưng ông vẫn không tránh khỏi những lúc khổ đau.

Trước hết, ông mất đứa con trai vì chứng ban đỏ (scarlet fever).  Rồi vốn đầu tư làm ăn cũng bị thua lỗ.  Không lâu sau đó, 4 cô con gái của ông chết trong một vụ đắm tàu ở Đại Tây Dương, chỉ còn bà vợ Anna của ông sống sót nhờ bám vào chiếc phao rồi được cứu.

 Tại sao bi kịch xảy ra với người tốt?  Luật sư Spafford không thể hiểu, nhưng rồi ông vẫn vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa.  Mọi người có thể tôn vinh Thiên Chúa ngay cả trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời.  Theo Kinh Thánh, đây là 10 lý do để chúng ta chịu đau khổ.

 1. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta phạm tội.  Chẳng có ai công chính (Rm 3:10), nghĩa là ai cũng là tội nhân (Rm 3:23). Những người không có đức tin thì sống biệt lập với Chúa, còn những người có đức tin thì trải nghiệm từng khoảnh khắc, từng ngày, từng mùa... về niềm tin vào Thiên Chúa. Quy luật tâm linh được tạo ra để triệt tiêu tội lỗi trong đời sống của tín hữu, quy luật này nghiêm khắc, kể cả cái chết: “Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. Vì lẽ đó, trong anh em, có nhiều người ốm đau suy nhược, và cũng có lắm người đã chết.  Giả như chúng ta tự xét mình, thì chúng ta đã không bị xét xử.  Nhưng khi Chúa xét xử là Người sửa dạy chúng ta, để chúng ta khỏi bị kết án cùng với thế gian” (1 Cr 11:29-32).

 2. Chúng ta chịu đau khổ vì người khác phạm tội.  Vợ chồng và con cái chịu đau khổ vì bị lạm dụng.  Công dân chịu đau khổ vì chính quyền tham những.  Satan xúi giục vua Đa-vít thống kê dân số Ít-ra-en, và có 470.000 người chịu hậu quả (2 Mcb 10:20).  Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết không phải vì lỗi của Ngài mà vì tội lỗi của nhân loại.

 3. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta sống trong thế giới tội lỗi.  Tai nạn và tai họa xảy ra, mỗi năm có hàng triệu người chết. Thánh Phaolô nói rằng “muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8:22).  Đó là hậu quả của tội lỗi.

 4. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta được tự do chọn lựa.  Quyền năng Thiên Chúa và khả năng của con người là hai sự thật trong Kinh Thánh.  Chúng ta không là robot, chúng ta có thể chọn lựa vì Thiên Chúa cho chúng ta quyền tự do.  Đôi khi sự chọn lựa của chúng ta gây đau khổ – cho mình và cho người khác.  Randy Alcorn viết: “Nếu Thiên Chúa tước hết vũ khí và ngăn chặn các tài xế say xỉn, thế giới này sẽ không là thế giới thật để con người chọn lựa…  Trong một thế giới như vậy, người ta sẽ chết mà không có nhu cầu, chỉ thấy mình ở Địa ngục”.

 5. Chúng ta chịu đau khổ vì sự sống đời đời.  Thế giới này không là nhà của chúng ta, chúng ta chỉ là khách vãng lai.  Chúng ta là công dân Nước Trời.  Thánh Phaolô nói: “Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất” (Dt 11:13).  Chính đau khổ ngăn cản chúng ta bám víu vào thế gian này, vì thế gian sẽ qua đi.

 6. Chúng ta chịu đau khổ để không gặp điều tệ hại hơn.  Đau khổ làm cho chúng ta tập trung vào nguyên nhân, để cố gắng sửa đổi trước khi tệ hại hơn.  Cơn sốt dẫn chúng ta tới bác sĩ, tại đây chúng ta được chẩn đoán và chữa trị.  Ở mức lớn hơn, đau khổ cho chúng ta biết có gì đó bất ổn, và dẫn chúng ta tới Chúa Giêsu.  Bóng tối, đau khổ, cô đơn, lo buồn...  Mọi thứ đó giúp chúng ta nắm bắt thực tế cuộc sống, giúp chúng ta cần đến Chúa.

 7. Chúng ta chịu đau khổ để thông phần đau khổ với Đức Kitô và nên giống Ngài.  Thánh Phaolô nói: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10-11).  Nhờ kinh nghiệm đau khổ mà chúng ta có thể an ủi người khác khi họ chịu đau khổ.  Khi chúng ta chịu đau khổ là chúng ta được nên giống Đức Kitô.  Thánh Phaolô phân tích: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2 Cr 4:17).

 8. Chúng ta chịu đau khổ để tôn vinh Thiên Chúa.  Chúa Giêsu động viên chúng ta nếu chúng ta chịu đau khổ vì danh Ngài: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5:10-11).  Ngài cảnh báo rằng thế gian sẽ ghét chúng ta vì họ đã ghét Ngài trước (Ga 15:18).  Trong thư gởi giáo đoàn Do Thái, chương 11, có người nhờ đức tin mà được chúc lành bằng của cải và thành công, có người lại được chúc lành bằng đau khổ và cái chết.  Thiên Chúa không phân loại các anh hùng đức tin này tùy trường hợp của họ, Ngài chỉ tôn vinh họ vì vững mạnh đức tin.  Nếu các Kitô hữu có cuộc sống thoải mái thì sẽ làm cho Phúc Âm hấp dẫn vì các lý do sai lệch.

9. Chúng ta chịu đau khổ để trưởng thành tâm linh.  Chúa Giêsu là Đấng hoàn hảo, vậy mà Ngài còn phải chịu đau khổ để học được đức vâng phục.  Thánh Phaolô cho biết: “Nhờ Chúa, tôi rất vui mừng vì cuối cùng thấy tình cảm của anh em đối với tôi lại thắm thiết.  Tình cảm đó vẫn sống động, nhưng anh em chỉ thiếu dịp tỏ ra.  Không phải vì thiếu thốn mà tôi nói thế, bởi lẽ tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào.  Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được.  Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả.  Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4:10-13).  Thánh Phaolô xác định: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2 Cr 12).

 10. Chúng ta chịu đau khổ để hy vọng vinh quan Nước Trời.  Kh 21:4 nói: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.  Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”  Thánh Phaolô nói: “Tôi nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8:18).

 Có nhiều lý do để chúng ta chịu đau khổ, đôi khi khó nhận biết chính xác.   Như trường hợp Thánh Gióp, ông không bao giờ biết việc đánh cược của Satan với Thiên Chúa.  Nhưng đây là sự thật:

- Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi đau khổ của chúng ta.

- Thiên Chúa vẫn hiện hữu ở bên chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ.

- Thiên Chúa luôn hành động với chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ.

- Nếu Thiên Chúa muốn chúng ta biết lý do, Ngài sẽ nói với chúng ta (qua Kinh Thánh hoặc cách nào đó).

- Thiên Chúa tác động qua cái ác và đau khổ để sinh ra điều tốt, loại bỏ điều xấu mà Satan và kẻ xấu có thể làm cho chúng ta.

Ngày nào cũng có đau khổ, nhưng hãy nghĩ về hạnh phúc vĩnh hằng ở Nước Trời mai sau.  Randy Alcorn viết: “Số phận của chúng ta không lệ thuộc vào những người kiện cáo, hoặc những chính trị gia, luật sư, giáo viên, huấn luyện viên, sĩ quan quân đội, hoặc chủ nhân.  Họ có thể chống lại chúng ta – và Thiên Chúa hoàn toàn có thể chuyển những điều xấu thành điều tốt nhất cho chúng ta”.

Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ OnceDelivered.net)
http://conggiao.info/index.aspx

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

Chức vự tư tế, vương đế và ngôn sứ của người giáo dân là gì ?

Qua Phép rửa, người tín hữu giáo dân được tham  dự vào địa vị vương đế, chức vụ tư tế và ngôn sứ của Chúa Kitô.

Đây là một đặc ân cao quý và cũng là trách nhiệm của những ai đã gia nhập Giáo Hội của Chúa Kitô qua Phép Rửa.Các giáo phụ ( Church Fathers) xa xưa đã dạy rằng người tín hữu giáo dân là Đức Kitô thứ hai ( Alter Christus) nhờ Phép rửa cho phép họ được tham dự  vào các chức vụ kia của Chúa Kitô.

Danh xưng Đức Kitô thứ hai sau này  cũng được dùng để chỉ các tư tế phẩm trật (ordained Ministers) như linh mục và giám mục, là những người thực sự thay mặt và nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) khi cử hành các bí tích quan trọng như Thêm sức, Thánh Thể, Hòa giải  Xức dầu và Truyền Chức Thánh (dành riêng cho giám mục) Các Bí tích Rửa tội và Hôn phối thì phó tế có thể làm , kể cả giáo dân trong trường hợp khẩn cấp, nguy tử. Hai người phối ngẫu có thể kết hôn thành sự  với sự chứng kiến của hai nhân chứng trong trường hợp nguy tử, không tìm  được linh mục hay phó tế chứng hôn. ( x. Giáo luật số, 1116 &1)

Danh từ giáo dân (lay persons)  được  dùng để chỉ những người không có chức thánh (giáo sĩ =clerics) hoặc tu sĩ có lời khấn Dòng (religious life). Họ chính là thành phần dân Chúa đông đảo nhất trong Giáo Hội và tham dự vào chức vụ  Ngôn sứ,  Tư tế và Vương đế của Chúa Kitô  theo cách thức riêng của họ.

Thánh Công Đồng Vaticanô  II , trong Hiến Chế Tin Lý Lumen Gentium,  đã phân biệt  chức linh mục  thông thường   của giáo dân.( the common priesthood of the laity) khác với chức vụ linh mục biệt tác của hàng giáo sĩ thừa tác (extraordinary ministerial Priesthood of  the clerics)  như sau:

Hàng giáo sĩ thừa tác thì hành chức năng tư tế khi cử hành các bí tích , cách riêng bí tích Thánh Thể và Hòa giải nhân danh Chúa Kitô ( Personna Christi). Nghĩa là chính Chúa Kitô cử hành các bí tích qua tay các thừa tác viên con người là Phó tế, linh mục và giám mục.Vì thế, bí tích luôn thành sự ( valid) khi thừa tác viên nhân danh Chúa và cử hành đúng nghi thức ( rites) mà Giáo hội đã qui định.

Thí dụ, rửa tội phải có nước và đọc công thức Chúa Ba Ngôi. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì bí tích không thành sự, dù cho thừa tác viên là linh mục hay giám mục.Cũng vậy, khi cử hành bí tích Thánh Thể trong khuôn khổ Thánh Lễ Tạ Ơn, nếu thừa tác viên  không dùng đúng chất thể là bánh không men và rượu nho đúng theo qui đinh của Giáo Hội, hoặc không đọc đúng kinh Nguyện Tạ Ơn và  lời truyền phép (consecration) theo chữ đỏ (rubric) thì bí tích sẽ không thành sự . Ngược lại,  nếu không có chức linh mục hữu hiệu hay thành sự, thì cho dù  có đọc  và làm đúng theo lễ qui vẫn không  có  bí tích  được , và người cử hành sẽ  bị vạ tuyệt thông tiền kết , vì không có chức linh mục mà dám cử hành Thánh Lễ hay giải tội cho ai. (x.  giáo luật số 1378 triệt 1 và 2).

Tiếp đến,  hàng giáo sĩ thừa tác thi hành chức năng ngôn sứ của Chúa Kitô qua việc rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và giáo lý của Giáo hội cho giáo dân ở khắp nơi để giúp họ biết sống đức tin ,đức cậy và đức mến cách đích thực  để được cứu rỗi theo lòng mong muốn của Thiên Chúa,  “Đấng  cứu chuộc chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” ( 1 Tm 2 :4)

Mặt khác, hàng giáo sĩ và tu sĩ cũng được mong đợi sống phù hợp với lời mình rao giảng và dạy dỗ  để làm chứng cho Chúa Kitô, “Đấng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20 28)

Đây là sứ mệnh mở mang Vương Quôc của Chúa Kitô, Vương Quốc của yêu thương, tha thứ, công bình và thánh thiện  trong lòng người ở khắp mọi nơi trên thế giới

Trên đây là cách thức  hàng giáo sĩ  tham dự  vào chức  năng  tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, với tư cách là tư tế thừa tác ( ministerial sacerdoce)

Người giáo dân, nhờ bí tích Rửa tội, cũng tham dự vào các chức năng trên  nhưng  theo cách thức riêng của họ như sau:

Liên quan đến chức năng ngôn sứ, người giáo dân không rao giảng lời Chúa trong nhà thờ, nhà nguyện như các linh mục, giám mục, mà rao giảng bằng chính đời sống của mình trước mặt người đời chưa nhận biết Chúa để giúp họ nhân biết và tin yêu Chúa nhờ gương sống đức tin của mình.

Nghĩa là, trong khi những người không có niềm tin, hay có mà không dám sống niềm tin ấy, nên họ ăn gian nói dối, cờ bạc , gian dâm, thay vợ đổi chồng, buôn bán gian lận, thù ghét người khác, phá thai , ly dị… thì người có niềm tin Chúa phải sống ngược lại với cách sống của những người vô đạo hay chối đạo kia  để “ họ thấy những việc tốt đẹp anh  em làm , mà tôn vinh Cha của anh  em, Đấng ngự trên Trời.” ( Mt 5 :16), như Chúa Giê su đã dạy các môn đệ xưa.

Đây chính là trách nhiệm “ phúc âm hóa môi trường sống” của người tin hữu giáo dân, góp phần hứu hiệu với hàng giáo phẩm và giáo sĩ trong sứ mệnh “phúc âm hóa thế giới”  để mở mang Nước Chúa trên trần thế.Chính  nhờ gương sống chứng nhân của mình mà  người  giáo dân sẽ thuyết phục được nhiều người khác nhận biết và tin yêu Chúa . Vì thề, Công Đồng Vaticanô II đã dạy rằng:

“    …Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ  không trở thành muối của thế gian.” (LG, số 33)

Nói khác đi, khi sống giữa những người khác tin ngưỡng hay vô tín ngưỡng, người tín hữu công giáo làm chứng cho Chúa Kitô và rao giảng Tin Mừng của Chúa  bằng chính  đời sống công bình, bác ái,vị tha,  trong sạch để  đối nghịch với lối sống  vô luân, gian tham, xảo trá, gian manh, vô nhân đạo của người đời. Nghĩa là. Khi không hùa theo cách sống của họ và có can đảm sống theo đường lối của Chúa từ trong gia đình ra đến ngoài cộng đồng xã hội  để không thay chồng đổi vợ, không ly dị, phá thai, không thù oán ai,  không buôn bán gian lận, không lui tới những nơi tội lỗi như  sòng bài và nhà điếm,  thì  người  giáo dân  đã chu toàn  chức vụ   ngôn sứ  của mình là  rao giảng Tin Mừng  của Chúa Kitô cách hùng hồn bằng chính  đời sống  của mình cho những người sống vô luân vô đạo ở khắp nơi trên thế giới tục hóa ngày nay.

Và đây mới chính là cách thi hành chức vụ ngôn sứ của người giáo dân trong Giáo Hội để góp phần mở mang Nước Chúa bằng  lời nói và việc làm của mình  trước mặt người đời chưa nhận biết Chúa.

Nói khác đi, nếu người tín hữu Chúa Kitô-  giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân-  mà cũng ham mê tiền của, chạy theo những lôi cuốn về danh lợi với người đời thì sẽ trở thành phản chứng ( anti-witness) thay  vì là nhân chứng ( witness) cho Chúa Kitô

“Đấng vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh  em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh  em được trở nên giầu có.” ( 2 Cor 8: 9)

Mặt khác, khi người tín hữu Chúa Kitô -  giáo sĩ ,tu sĩ và giáo dân-  sống công bình  bác ái, trong sạch và vị tha, yêu thương,  tha thứ  từ trong gia đình ra đến cộng đồng xã hội  thì cũng mang Vương Quốc của Chúa là Vương Quốc yêu thương, công bình, an vui  và thánh thiện đến với những ai đang sống trong hận thù, bất công, bóc lột người khác, vô luân  vô đạo  và   dửng dưng trước sự nghèo đói của  biết bao  anh chị  em  đồng loại  sống  quanh mình.

Sau hết, người tín hữu giáo dân thi hành chức năng tư tế của mình bằng cách dâng đời sống  cá nhân hay gia đình  với mọi vui buồn , sướng, khổ, thành công hay thất bại  để  hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Kitô  một lần dâng lên Chúa Cha trên thập giá , để đền tội thay cho nhân loại, và còn tiếp tục dâng trên bàn thờ ở khắp nơi trong Giáo Hội ngày nay.

Tóm lại, người tín  hữu giáo dân thi hành các chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của mình theo cách thức đã trình bày trên đây, để thông hiệp cùng với hàng giáo sĩ thừa tác  tế  lễ, rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô để mở mang Vương Quốc  yêu thương, công bình và thánh thiện  của Người đến với mọi tâm hồn con người ở khắp mọi nơi, để đánh tan bóng đen tội lỗi của văn hóa sự chết, của chủ nghĩa  tục hóa ( vulgarism) tôn thờ tiền bạc và mọi thú vui vô luân vô đạo,  đang ngày một bành trướng ở khắp nơi trên thế giới trống vắng niềm tin này.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Nguồn: conggiaovietnam.net

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

LUÔN MÃI PHÂN TÂM

Bản tính con người theo lẽ tự nhiên bị cuốn vào các chuyện của đời sống hàng ngày, và Thiên Chúa đã tạo tác nên bản tính con người như thế.

Trong truyền thống Hindu, có một câu chuyện sau: Thượng đế và con người đang đi trên đường. Con người hỏi Thượng đế: “Thế giới này như thế nào?” Thượng đế trả lời: “Ta muốn nói với con, nhưng cổ họng Ta đang khô rát. Ta cần một cốc nước mát. Nếu con có thể đi lấy cho ta một cốc nước mát, Ta sẽ cho con biết thế giới này như thế nào.” Con người đi đến ngôi nhà gần nhất để xin cốc nước. Ông gõ cửa và gặp một phụ nữ trẻ đẹp. Ông xin một cốc nước mát. Cô trả lời: “Tôi sẽ sẵn lòng cho ông, nhưng bây giờ là giờ ăn trưa, tại sao ông không vào đây dùng bữa trước đã.” Người đàn ông làm theo.

Rồi ba mươi năm trôi qua, họ có với nhau 5 mặt con, ông trở thành một thương gia có tiếng, cô là một thành viên đáng trọng trong cộng đồng. Một tối nọ, cả hai đang ở trong nhà thì cơn bão ập đến lật tung nóc nhà. Người đàn ông kêu lên: “Lạy Thượng đế, xin giúp con!” Và trong tâm cơn bão, một giọng vang lên: “Cốc nước mát của ta đâu rồi?”

Câu chuyện này không phải là một phê phán thiêng liêng cho bằng là bài học căn bản về nhân học và linh đạo rằng: Là con người nghĩa là luôn mãi phân tâm. Chúng ta không phải là những người sống với ý thức thiêng liêng một cách điều đặn, thỉnh thoảng mới phân tâm. Nhưng chúng ta là những người sống phân tâm một cách đều đặn và thỉnh thoảng mới có ý thức thiêng liêng. Chúng ta có khuynh hướng sa đà vào những chuyện thông thường của cuộc sống, phải có một cơn bão nào đó để nhờ đó Thiên Chúa đi vào cuộc sống chúng ta.

C.S. Lewis, khi nói về nguyên do vì sao chúng ta có khuynh hướng chỉ hướng lòng về Chúa khi gặp phong ba bão tố, ông đã bình luận như sau: Thiên Chúa luôn luôn nói với chúng ta, nhưng thường thì chúng ta không ý thức, không lắng nghe. Và như thế, nỗi đau chính là máy phóng âm của Thiên Chúa với thế giới điếc đặc này.

Tuy nhiên, không ai trong chúng ta lại muốn kiểu đau đớn này, không ai trong chúng ta muốn có tai ương, suy sụp sức khỏe, hay một cơn bão đến lay chúng ta tỉnh dậy. Chúng ta thích một sự kiện mạnh mẽ tích cực, một phép lạ dù lớn dù nhỏ xảy đến để lay động làm cho chúng ta nhận thức sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời chúng ta. Điều này là vì chúng ta cứ nuôi trong lòng các ảo mộng viễn vông, nếu Thiên Chúa đi vào cuộc đời chúng ta bằng một cách thức kỳ diệu, thì chúng ta sẽ thắng vượt được tình trạng phân tâm của mình và chúng ta sẽ nghiêm túc hơn trong đời sống thiêng liêng. Nhưng chính xác đó là ảo tưởng của các nhân vật trong truyện Lazarô và ông phú hộ, khi người phú hộ giàu có xin tổ phụ Abraham cho phép mình từ cõi chết về để cảnh báo các anh em mình là họ phải thay đổi cách sống nếu không sẽ phải chịu lửa thiêu đau đớn. Lời cầu xin của ông phú hộ thể hiện chính xác một quy kết sai lầm: “Nếu ai đó trở về từ cõi chết, họ sẽ nghe người đó!” Abraham không chấp nhận lô gíc đó. Ông trả lời: “Họ đã có ông Môsê và các ngôn sứ. Nếu họ không chịu nghe các ông, thì họ cũng sẽ chẳng tin đâu cho dù có người trở về từ cõi chết.” Trong câu trả lời này, có một điều không nói ra nhưng hết sức quan trọng, một điều mà chúng ta dễ dàng bỏ sót, đó là Chúa Giêsu đã trở lại từ cõi chết và chúng ta cũng chẳng nghe Ngài. Tại sao chúng ta lại cho rằng mình sẽ lắng nghe một ai đó khác trở về từ cõi chết cơ chứ? Chúng ta quá đỗi bận tâm với những chuyện thông thường trong đời đến nỗi không chú tâm đến người trở về từ cõi chết.

Vì sự thật này mà câu chuyện Hindu mang tính an ủi hơn là khiển trách. Là con người nghĩa là luôn mãi phân tâm khỏi các vấn đề thiêng liêng. Bản chất con người là thế. Bản chất chúng ta là thế. Nhưng khi nhận thức được khuynh hướng phân tâm không ngừng này là một chuyện bình thường thì nó cũng không làm cho chúng ta thấy thoải mái với sự thật này. Không chỉ mình Chúa Giêsu, mà cả các thầy dạy linh đạo cũng đã mạnh mẽ thúc giục chúng ta phải tỉnh dậy, phải chuyển biến để vượt ra khỏi nỗi bận tâm quá mức với các khó khăn của đời sống hàng ngày. Chúa Giêsu đã xin chúng ta đừng quá lo lắng về ăn gì mặc gì cho mình. Ngài đòi hỏi chúng ta phải đọc biết các dấu chỉ thời đại, cụ thể là, nhìn theo ngón tay Thiên Chúa, chiều kích thiêng liêng của mọi sự, trong mọi sự kiện hàng ngày của cuộc sống. Tất cả mọi tác phẩm thiêng liêng cũng đều nói như thế. Ngày nay, nhiều truyền thống thiêng liêng phong phú đòi hỏi chúng ta phải có ý thức, chứ không phải là cứ vô thức bận tâm với đủ chuyện thường nhật trong đời mình.

Nhưng văn học thiêng liêng cũng bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa hiểu chúng ta, rằng ân sủng tôn trọng bản chất tự nhiên, rằng Thiên Chúa không lầm khi tạo dựng bản chất con người, và rằng Thiên Chúa không tạo tác nên chúng ta theo kiểu để cho chúng ta thấy mình phân tâm từ bẩm tính và rồi phải đối mặt với cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vì đã thuận theo bản tính thân mình. Bản tính con người theo lẽ tự nhiên bị cuốn vào các chuyện của đời sống hàng ngày, và Thiên Chúa đã tạo tác nên bản tính con người như thế.

Vậy thì tôi nghĩ rằng, Thiên Chúa hẳn phải gần giống hình ảnh của một người cha, người ông đầy tình yêu thương, nhìn con cháu mình trong buổi họp mặt gia đình, hạnh phúc vì chúng có cuộc sống thú vị cuốn hút chúng, cũng như hài lòng khi không phải lúc nào mình cũng là tâm điểm chú ý có nhận thức của chúng.

Rev. Ronlheiser, OMI

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

Chìa Khóa Để Sống Vị Tha Trong Cuộc Sống

Đừng quên bản thân bạn cũng từng gây ra lỗi lầm. Nhìn vào sự thật này để thấy người khác có thể tha thứ cho mình thì tại sao mình không thể?

Trong cuộc sống, những gì cũ kỹ nên xếp lại kể cả những xích mích, bất đồng, va chạm. Biết là vậy nhưng đôi khi ta vẫn bực bội khi phải tha lỗi cho những điều khó ưa đó. Điều này không có gì trái với tự nhiên, vì tha thứ thường khó hơn mắc phải lỗi lầm rất nhiều lần, tuy vậy nó hoàn toàn là điều có thể.

Đừng đợi nhận được lời xin lỗi

“Thông thường chúng ta rất biết cách bảo vệ lẽ phải của mình: ‘Không lý gì tôi phải tha thứ cho hắn trước trừ phi hắn thừa nhận sai phạm và xin lỗi tôi'", Mariah Burtom Nelson - tác giả quyển Five keys to forgiveness and freedom (5 chìa khóa giúp bạn vị tha và thư thái), nhận xét.

“Nhưng nếu chúng ta làm điều đó (chấp nhận tha thứ trước khi nhận được lời xin lỗi) thì chúng ta sẽ tránh được tình trạng tâm trí bị đeo đẳng bởi cơn giận dữ trong khoảng thời gian không lấy gì làm ít ỏi, và thường thì chính chúng ta mới là người gánh chịu các thiệt hại do sự tức giận ấy gây ra. Điều này có khác gì bạn tự mình đặt niềm vui, sự thanh thản dễ chịu của bản thân vào tay người khác?".

Tìm cách thông cảm với sự xúc phạm

Hành động xúc phạm bạn của anh ấy/cô ấy có lẽ xuất phát bởi một nỗi đau chôn kín nào đó, và họ phải dùng nó như một trong những phương cách tự vệ. “Có một câu tôi vẫn thường nhắc nhở mình: đằng sau bất kỳ hành động thô lỗ nào, thường là một chuyện đau lòng”, Nelson cho biết.

Hãy thử hoán đổi vị trí giữa bạn và người xúc phạm. Bằng việc làm này bạn đã tự mình từng bước tháo bỏ những bực bội chất chứa trong lòng ít nhiều rồi đấy. Một sự việc chỉ gây khó chịu khi chưa được các bên liên quan hiểu thấu đáo mà thôi. Tiến sĩ Robert Karen chia sẻ: “Chúng ta cũng hay quên một điều rằng ngay với những người yêu thương chúng ta (hoặc những người chúng ta yêu thương) đôi khi vẫn không tránh khỏi việc làm tổn thương, và có thể cả phản bội chúng ta. Nhưng trên hết, điều này không bắt buộc chúng ta phải chấm dứt mối quan hệ với họ”.

Đừng quên rằng bản thân bạn cũng từng gây ra không ít lỗi lầm

Nhìn vào sự thật này để thấy rằng người khác có thể tha thứ cho mình thì tại sao mình không thể làm điều này nhỉ?

Hãy “kịch” một chút

“Nếu bạn không thể hiện điều này qua hành động bất kỳ thì bạn khó chắc chắn rằng đã thực lòng tha thứ”. Ví dụ: bạn có thể cầm một cục đá kha khá trong tay và thả rơi nó xuống khi bạn nói lời tha thứ, hay bạn cũng có thể thắp lên một ngọn nến và liên tưởng những gì chất chứa trong lòng sẽ dần biến mất như sáp nến kia đang từ từ tan chảy.

Nhớ rằng tha thứ không phải là quên mất

Đôi khi dù chuyện buồn đã xảy ra từ lâu và bạn cũng đã tha thứ nhưng vẫn không tránh khỏi những phút nhói lòng bất chợt khi một sự việc tương tự vô tình xuất hiện. Vì vậy, bạn được khuyên rằng nên thường xuyên làm mới lại sự vị tha của mình trên một vài khía cạnh.

Sau cùng, tha thứ cho người cũng chính là tha thứ cho bản thân

Karen đã nói: "Tha thứ cho người khác chính là sự phản chiếu cho hình ảnh chúng ta tự tha thứ cho chính mình".

Văn Hiến (Theo LHJ)
Nguồn: ngoisao.net

CHIA SẺ MỤC VỤ BÁC ÁI

VIỆC LÀM NHỎ, HIỆU QUẢ CAO.

Theo tôi được biết, một số vùng quê miền Nam Việt Nam có việc chơi Hụi khá phổ biến. Không biết cách thức chơi nầy có từ bao giờ và xuất xứ của nó từ đâu, nhưng xem ra đây là một lối hùn vốn giúp nhau làm ăn rất hiệu quả. Các “tay chơi” không cần thế chấp gì cả. Người trong làng rủ nhau lập nên một dây hụi. Người đứng ra lập thì gọi là đầu thảo. Người nầy có bổn phận thông báo cho các tay em ngày giờ khui hụi. Khi có người hốt (người nào kêu cao hơn hết) thì người đầu thảo đi gom tiền của các tay em để giao cho người hốt. Người đã hốt có nghĩa vụ phải đóng trả lại hằng tuần hay hằng tháng tùy theo dây hụi tuần hay tháng, gọi là đóng hụi chết. Nếu có tay em nào thiếu hụt chưa đủ tiền đóng vào thì đầu thảo phải bỏ tiền ra đóng giùm cho người đó vài ngày, gọi là “chàng” cho tay em. Vài năm trở lại đây, vì kinh tế khó khăn sa sút nên hiện tượng giựt hụi khá phổ biến làm cho hình thức giúp vốn nầy ở nhiều địa phương không còn lưu dụng nữa.

Từ năm 2004, các Dì thuộc 2 Hội Dòng MTG Cái Nhum và Cái Mơn đã cho phổ biến một kiểu tương trợ giúp vốn ở một hình thức khác: TÍN DỤNG-TIẾT KIỆM-TƯƠNG TRỢ cũng nhằm mục đích giúp bà con nông thôn nghèo, đặc biệt là các chị em phụ nữ, có số vốn nhỏ để chăn nuôi, buôn bán nhỏ lẻ. Đến năm 2008, Caritas Việt Nam hoạt động trở lại, Caritas Vĩnh Long cũng thành lập và đẩy mạnh hình thức tín dụng nầy đến nhiều họ đạo trong Giáo phận.

Điểm khác biệt sâu xa và làm nên điểm đặc thù của chương trình TD -TK- TT so với việc chơi hụi trình bày trên đây hay với việc vay vốn ngân hàng là: tập cho các Tổ viên thói quen TIẾT KIỆM & TƯƠNG TRỢ. Bằng cách hằng tuần, có nơi 2 tuần hoặc 4 tuần phải trả dần số vốn theo mức thỏa thuận ban đầu, kèm theo tiền lãi và Tiết kiệm cũng theo thỏa thuận lúc đầu trong vòng một năm phải hoàn tất.

Thủ quỹ giữ số tiền nầy - thông thường là các Nữ tu ở họ đạo hoặc chính cha sở -  khi gia đình các Tổ viên có việc cần tiền tiêu dùng, như: người nhà đau bệnh bất ngờ, cần tiền mua sách vở cho cái đầu niên học v. v… họ được mượn lại số tiền đã góp trước đó. Việc nầy chúng tôi gọi là vay ngắn hạn, thường thì thời hạn phải trả số vốn vay ngắn hạn trong vòng từ 3-6 tháng.

Việc làm này cũng tạo nên “tình làng nghĩa sớm” qua việc khi gia đình Tổ viên nào có người đau bệnh hay gặp tang chế, các chị em trong Tổ cử người đến thăm hỏi, giúp ít sữa đường hay tiền mặt…số tiền nầy trích từ tiền lãi quỹ ngắn hạn. Điều nầy nói lên sự quan tâm chỉa sẻ của các Tổ viên trong Tổ. Việc làm tuy nhỏ nhưng hiệu quả tinh thần mang đến cho các thành viên trong nhà một sự khích lệ, an ủi hết sức lớn lao.   

Chương trình TD-TK-TT,  tuy đơn giản, nhỏ nhặt, nhưng hiệu quả cao vì nó tạo cho các tay chơi biết giữ chữ tín với nhau. Tập cho họ biết TIẾT KIỆM và biết TƯƠNG TRỢ lẫn nhau.

Vp Caritas Vĩnh Long

 

THẦN HỌC KINH THÁNH

Hai Thánh Vịnh Nổi Tiếng Của Vua Đavít

Vua Đavít đã không chỉ là tướng tài của vua Saul và là người có lòng kính sợ Giavê Thiên Chúa của Israel, nhưng ông còn là nhạc sĩ nữa. Ông đã từng chơi hạc cầm để giải sầu cho vua Saul, và chắc hẳn cũng là người đã từng sáng tác các bài ca hay các thánh thi, trong đó có Thánh Vịnh 18 và Thánh Vịnh 50. Chương 22 sách Samuel II ghi rằng ”Vua Đavít dâng lên Giavê những lời của bài ca này, vào ngày Giavê đã giải thoát vua khỏi bàn tay mọi kẻ thù của vua và khỏi bàn tay vua Saul, là người vì ghen tức và lo sợ Đavít tiếm ngôi đã mưu sát vị tướng tài của mình và có lần đem 3 ngàn quân truy nã Đavít.

Vua Đavít nói: ”Lậy Giavê là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con; Lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ, là chốn con nương mình, là Đấng cứu độ con, Ngài cứu con khỏi quân tàn bạo. Tôi kêu cầu Đức Chúa, là Đấng xứng muôn lời ngợi khen, và tôi được cứu thoát khỏi quân thù. Sóng tử thần dồn dập chung quanh, thác diệt vong làm tôi kinh hãi, màng lưới âm ty bủa vây tứ phía, bẫy tử thần ập xuống trên tôi. Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Đức Chúa, kêu cầu Người là Thiên Chúa của tôi. Từ thánh điện, Người nghe tiếng tôi cầu cứu, lời tôi khấn nguyện vong tới tai Người.”

Tiếp đến tác giả dùng một số hình ảnh cổ điển trong nền văn chương Do thái để miêu tả sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa: đất rung chuyển ầm ầm, các tầng trời chấn động lung lay vì Chúa nổi lôi đình, khói bốc lửa thiêu và than hồng tung tóe từ thánh nhan Người, Chúa nghiêng trời ngự xuống, chân đạp lớp mây mù, ngự trên thần hộ giá, Người bay và xuất hiện trên cánh gió. Chúa dùng bóng tôi chung quanh, khối nước tụ, và mây đen nghịt làm trướng che Người. Chớp lóe đi trước mặt Chúa, than hồng cháy bừng lên, Chúa nổ sấm từ trời lên tiếng, Người bắn tên khiến địch thù tán loạn, Ngài phóng chớp làm cho chúng tan tành. Lòng đại đương xuất hiện, thềm lục địa phơi trần, khi thấy Giavê dọa nạt ngăm đe và bừng bừng nội giận. Chính trong cảnh oai nghiêm kinh khủng ấy Thiên Chúa ra tay cứu Đavít tôi tớ Ngài:

”Từ chốn cao vời, Chúa đưa tay nắm lấy, vớt tôi lên khỏi nước lũ mênh mông, cứu tôi thoát đối phương tàn bạo, và kẻ thù mạnh thế hơn tôi. Chúng tấn công tôi ngày tôi lâm nạn, nhưng Đức Chúa thương bênh đỡ phù trì, Người kéo tôi ra chỗ thảnh thơi, vì yêu thương tôi nên Người giải thoát”. Tiếp đến vua Đavít kể ra các lý do sự cứu vớt đó: ”Đức Chúa xử tốt với tôi bởi tôi sống ngay lành, Người ban thưởng cho tôi vì tay tôi trong sạch. Chính bởi tôi đã theo đường lối Ðức Chúa, không lỗi đạo cùng Thiên Chúa tôi thờ.

Mọi quyết định của Người luôn ở trước mặt tôi, thánh chỉ Người truyền, tôi không lìa bỏ. Trước mặt Chúa, tôi là kẻ thập toàn, và tránh xa tội lỗi. Đức Chúa thưởng cho tôi bởi tôi sống ngay lành, và vì tôi trong sạch như mắt người đã thấy. Lạy Chúa, Ngài tín trung với kẻ tín trung, xử tuyệt hảo với người tuyệt hảo.

Ngài ở liêm khiết cùng người liêm khiết, nhưng dùng mưu mẹo với kẻ gian ngoan. Vì Chúa cứu độ dân nghèo hèn, quắc mắt nhìn xuống kẻ tự cao. Vâng, Ngài là ngọn đèn của con, lạy Ðức Chúa, Đức Chúa soi chiếu vào đời con tăm tối mịt mù. Cậy sức Ngài, con tấn công bọn giặc, nhờ ơn Ngài là Thiên Chúa của con, con vượt thành vượt luỹ. Đường lối Thiên Chúa quả là toàn thiện, lời Ðức Chúa hứa được chứng nghiệm tỏ tường. Chính Người là khiên che thuẫn đỡ cho những ai ẩn náu bên Người. Ngoài Ðức Chúa, hỏi ai là Thiên Chúa? Ai là núi đá độ trì, ngoài Thiên Chúa của ta? Chính Thiên Chúa là nơi trú ẩn vững chắc của tôi, mở ra cho tôi đường lối thiện toàn.

Chúa cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai, Người đặt tôi đứng vững trên đỉnh núi, tập cho tôi thạo phép binh đao, luyện đôi tay rành nghề cung nỏ. Lạy Chúa, Ngài ban ơn cứu độ làm khiên mộc chở che con, săn sóc ân cần giúp con lớn mạnh.

37 - Đường con đi, Chúa mở rộng thênh thang, chân con bước không bao giờ lảo đảo. Con đuổi theo, huỷ diệt quân thù, chỉ trở về khi chúng bị dẹp tan; con dẹp tan chúng, đánh cho quỵ, không sao dậy nữa, chúng ngã gục, nằm dưới chân con. Chúa làm cho con nên hùng dũng để xông ra chiến trường, Ngài cho con đè bẹp đối phương.

Ngài bắt cừu địch con quay lưng chạy trốn; con tiêu diệt những kẻ oán thù con. Chúng kêu cứu mà không ai cứu chữa, kêu lên Đức Chúa, nhưng Chúa chẳng đáp lời.

Con nghiền tan chúng như bụi đất, giẫm nát, chà đạp chúng như bùn ở ngoài đường. Dân của con phản loạn, Ngài cứu con thoát khỏi, vẫn giữ con làm đầu các nước; dân xa lạ phải thần phục con, người nước ngoài cầu thân nịnh bợ, vừa nghe con ra lệnh, chúng đã tuân hành; người nước ngoài tiêu tan nhuệ khí, từ trong đồn luỹ, run rẩy kéo nhau ra. Ðức Chúa vạn vạn tuế! Chúc tụng Người là núi đá cho tôi trú ẩn.

Tôn vinh Thiên Chúa là núi đá độ trì tôi, là Thượng đế giúp tôi rửa sạch hận thù, đặt chư dân ở dưới quyền tôi. Lạy Chúa, Ngài gỡ con ra khỏi tay thù địch, cho thắng cả đối phương, cứu khỏi người tàn bạo. Vì thế giữa muôn dân, con cảm tạ Ngài, lạy Đức Chúa, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa. Chúa ban nhiều chiến thắng lớn lao cho Ðức Vua chính Người đã lập. Chúa hằng ưu ái Ðấng Người đã xức dầu tấn phong, là Ða-vít cùng dòng dõi đến muôn đời.

Trong cuộc đời mình vua Đavít còn phạm một tội khác đó là tội ra lệnh kiểm kê dân số. Theo quan niệm của Do thái giáo nhà vua chỉ là quản gia, người thừa hành lệnh của Thiên Chúa. Chỉ có Giavê là Thiên Chúa duy nhất của Israel là dân riêng Chúa chọn. Vì thế khi không được lệnh Thiên Chúa mà vua Đavit ra lệnh kểm kê dân Israel là phạm tội tiếm quyền của Thiên Chúa.

Chương 24 sách Samuel II kể rằng:

Vua Đa-vít áy náy trong lòng sau khi đã kiểm tra dân số như vậy. Vua Đa-vít thưa cùng Đức Chúa: "Con đã phạm tội nặng khi làm như thế. Giờ đây, lạy Đức Chúa, xin bỏ qua lỗi lầm của tôi tớ Ngài, vì con đã hành động rất ngu xuẩn."

11- Sáng hôm sau, khi vua Đa-vít dậy, đã có lời Đức Chúa phán với ngôn sứ Gát, thầy chiêm của vua Đa-vít, rằng:

12- "Hãy đi nói với Đa-vít: Đức Chúa phán thế này: "Ta đưa ra cho ngươi ba điều. Ngươi hãy chọn lấy một trong ba, và Ta sẽ thực hiện cho ngươi."

13- Vậy ông Gát đến gặp vua Đa-vít, báo cho vua và nói: "Ngài muốn điều gì xảy ra: hoặc bảy năm đói trong toàn nước ngài, hoặc ba tháng chạy trốn trước mặt kẻ thù đuổi theo ngài, hoặc ba ngày ôn dịch? Bây giờ xin ngài suy nghĩ xem tôi phải trả lời thế nào cho Đấng đã sai tôi."

14- Vua Đa-vít nói với ông Gát: "Tôi lâm vào cảnh rất ngặt nghèo. Thà chúng ta sa vào tay Ðức Chúa còn hơn, vì lòng thương của Người bao la, nhưng ước chi tôi đừng sa vào tay người phàm!"

15- Đức Chúa giáng ôn dịch xuống Ít-ra-en từ sáng hôm đó cho đến lúc đã định, và từ Ðan tới Bơ-e Se-va, có bảy mươi ngàn người trong dân đã chết.

16- Thiên sứ đưa tay về phía Giê-ru-sa-lem để tàn phá thành, nhưng Đức Chúa hối tiếc vì tai hoạ đó, và Người bảo thiên sứ có nhiệm vụ tiêu diệt dân: "Đủ rồi! Bây giờ rút tay lại." Thiên sứ của Đức Chúa đang ở gần sân lúa của ông A-rau-na, người Giơ-vút.

17- Vua Đa-vít thưa với Ðức Chúa, khi thấy thiên sứ có nhiệm vụ đánh phạt dân, ông nói: "Ngài coi, chính con đã phạm tội, chính con có lỗi; nhưng đàn chiên đó đã làm gì? Xin tay Ngài cứ đè trên con và nhà cha con!

Đây là một điều ý nghĩa khác trong nền thần học kinh thánh: đó là chiều kích trách nhiệm nghiêm trọng của hàng lãnh đạo. Không có một hành đông nào, không có tội lỗi nào của người lãnh đạo mà lại không gây ra các ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực trên dân chúng thuộc quyền. Tội của người lãnh đạo luôn luôn gây ra ảnh hưởng tiêu cực và thiệt hại cho dân. Vì thế người lãnh đạo phải cố gắng sống liêm chính thánh thiện chừng nào có thể để người dân được an cư lạc nghiệp và có cuộc sống thịnh vượng hạnh phúc.

THẦN HỌC KINH THÁNH (KT1199)
Linh Tiến Khải
Nguồn: vietvatican.net

TIN NỔI BẬT

BẢN GHI NHỚ HỌP MẶT GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN IV

Trung Tâm Mục Vụ TGP. Huế - Ngày 18 - 21.8.2014

Trong 4 ngày, từ 18 đến 21 tháng 8, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Huế, 237 giáo lý viên, gồm 118 linh mục, 45 tu sĩ, 8 chủng sinh và 64 giáo dân thuộc 26 giáo phận, đã hân hoan sống bên nhau, cầu nguyện, lắng nghe, suy nghĩ và trao đổi, với sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng và sự đồng hành của hai Giám mục: Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức Tin, và Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long, chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng, và của hai linh mục: Phêrô Võ Tá Khánh và Giuse Nguyễn Văn Am, SDB, về chủ đề: Huấn giáo phục vụ cho công cuộc Tân Phúc Âm Hhóa để thông truyền Đức Tin.

Trước tình trạng tục hóa ngày càng lan rộng và ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống con người, cùng với nhiều thách đố mà Hội Thánh tại Việt Nam phải đối diện, đặc biệt trong lãnh vực huấn giáo, các tham dự viên cảm thấy được thôi thúc canh tân việc dạy giáo lý tại Việt Nam theo hướng truyền giáo, phát xuất từ lời kêu gọi “hoán cải mục vụ” của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng.

Đáp lại hồng ân Chúa Thánh Thần và sự bảo trợ của Đức Mẹ La Vang trong những ngày này, các giáo lý viên nhận thấy cần nỗ lực hơn trong các việc sau đây:

1. Là môn đệ Chúa Giêsu, bản thân giáo lý viên cần tin tưởng tuyệt đối vào tác động của Chúa Thánh Thần trong các hoạt động huấn giáo, lắng nghe và nhận ra sự thúc đẩy của Ngài nhờ đời sống cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận bí tích, nhờ đó có được nhiệt tình loan báo Tin Mừng và trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng.

2. Việc dạy giáo lý phải dựa trên Lời Chúa, vì Lời Chúa là linh hồn của việc dạy giáo lý.

3. Việc dạy giáo lý thiết yếu nhằm: (1) trình bày nội dung Đức Tin khách quan, đầy đủ và có hệ thống, (2) giúp học viên giáo lý gắn bó và yêu mến Chúa Giêsu; (3) nhờ đó hoán cải để sống và rao giảng Tin Mừng (x. Evangelii Nuntiandi).

4. Trong việc dạy giáo lý, giáo lý viên phải thoát ra khỏi khuôn khổ của một “lớp” học. Cần hướng dẫn học viên giáo lý cầu nguyện bằng cách thưa chuyện với Chúa nhờ lắng nghe và đón nhận Lời Chúa. Ngoài ra, cần có sự gặp gỡ cá nhân, lắng nghe và đồng hành.

5. Khi trình bày các mầu nhiệm Kitô giáo, giáo lý viên cần vận dụng ngôn ngữ cụ thể và sống động, sử dụng nghệ thuật để diễn tả vẻ đẹp tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

6. Khi dạy giáo lý, phải tập cho các học viên giáo lý tham gia phụng vụ và có được những thói quen đạo đức trong đời sống hằng ngày; quan tâm đến các vấn đề xã hội và tham gia các hoạt động xã hội nhằm xây dựng thiện ích chung theo Tin Mừng.

7. Việc giáo dục đức tin là trách nhiệm của cộng đoàn Dân Chúa, cần có sự thống nhất đường lối, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành phần Dân Chúa (giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân), giữa giáo phận, giáo xứ và gia đình.

8. Để các nỗ lực trên đạt hiệu quả, các tham dự viên ao ước có được những định hướng chung, hay Sách Giáo lý chung.

Trong niềm vui, các tham dự viên trở về các giáo phận, với ước muốn chia sẻ hoa trái thu lượm được từ cuộc họp mặt và cộng tác với các giáo lý viên khác để hoạt động giảng dạy giáo lý thực sự được canh tân theo hướng truyền giáo, góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm hóa để thông truyền Đức Tin.

Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Huế
Lễ Thánh Piô X, ngày 21 tháng 8 năm 2014

2346    01-09-2014 20:33:47