Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Gia Đình và Tình Yêu Đối Với Người Yếu Kém Nhất - Tháng 11 năm 2003

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH VÀ TÌNH YÊU ĐỐI VỚI NGƯỜI YẾU KÉM NHẤT

I. ĐỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO.

Gia đình, dù biệt lập hay kết thành hiệp hội, đều có thể và phải dấn thân cho nhiều công cuộc phục vụ xã hội, cách riêng là lo cho những người và tình cảnh mà các tổ chức từ thiện và cứu tế công cộng không thể lo hết được (ĐSGĐ số 44).

Như thế, gia đình Kitô hữu được mời gọi làm chứng cho mọi người thấy sự tận tâm quảng đại và vô vị lợi của mình đối với những vần đề xã hội, mà ưu tiên là lo cho những người nghèo và những người bị bỏ rơi. Chính vì thế, khi bước theo Chúa trong một tình yêu thương đặc biệt đối với tất cả mọi người nghèo, gia đình Kitô hữu phải lưu tâm riêng đến những ai đói khát, túng thiếu, già cả, những ai bị đau ốm, nghiện ngập hoặc không có gia đình (ĐSGĐ số 47).

II. CHUYỆN MINH HỌA

MẸ LẠNH LẮM PHẢI KHÔNG?

Vào một đêm Giáng sinh, một thiếu phụ mang thai lần bước đến nhà một người bạn nhờ giúp đỡ. Con đường ngắn dẫn đến nhà người bạn có một con mương sâu với cây cầu bắc ngang. Người thiếu phụ trẻ bỗng trượt chân chúi về phía trước, cơn đau đẻ quặn lên trong chị. Chị hiểu rằng mình không thể đi xa hơn được nữa. Chị bò phía bên dưới cầu.

Đơn độc giữa những chân cầu, chị đã sinh ra một bé trai. Không có gì ngoài những chiếc áo bông dầy đang mặc, chị lần lượt gỡ bỏ áo quần quấn quanh mình đứa con bé xíu, vòng từng vòng giống như một cái kén. Thế rồi tìm thấy được một miếng bao tải, chị trùm vào người và kiệt sức bên cạnh con.

Sáng hôm sau, một người phụ nữ lái xe đến gần chiếc cầu, chiếc xe bỗng chết máy. Bước ra khỏi xe và băng qua cầu, bà mẹ nghe một tiếng khóc yếu ớt bên dưới. Bà chui xuống cầu để tìm. Nơi đó bà nhìn thấy một đứa bé nhó xíu đói lả nhưng vẫn còn ấm, còn người mẹ đã chết cóng.

Bà đem đứa bé về và nuôi dưỡng. Khi lớn lên, cậu bé thường hay đòi mẹ nuôi kể lại câu chuyện đã tìm thấy mình. Vào một ngày lễ Giáng sinh, đó là sinh nhật lần thứ 12, cậu bé nhờ mẹ nuôi đưa đến mộ người mẹ tội nghiệp. Khi đến nơi, cậu bão mẹ nuôi đợi ở xa trong lúc cậu cầu nguyện. Cậu bé đứng cạnh ngôi mộ, cúi đầu và khóc. Thế rồi cậu bắt đầu cởi quần áo. Bà mẹ nuôi đứng nhìn sững sờ khi cậu bé lần lượt cởi bỏ tất cả và đặt lên mộ mẹ mình.

- Chắc là cậu sẽ không cởi bỏ tất cả- bà mẹ nuôi nghĩ- Cậu sẽ lạnh cóng!

Song cậu bé đã tháo bỏ tất cả và đang run rẩy. Bà mẹ nuôi đến bên cạnh và bảo cậu bé mặc đồ trở lại. Bà nghe cậu bé gọi người mẹ mà cậu chưa bao giờ biết: "Mẹ đã lạnh hơn con lúc này, phải không mẹ?". Và cậu bé òa khóc.

Tình thương dành cho người mẹ quá cố đã không quản thân mình che chở cho con trong lúc hoạn nạn, khiến cho đứa trẻ không cầm lòng được khi nghĩ đến tình cảnh của mẹ mình phải chết trong lạnh lẽo vì đem thân bảo vệ cho mình. Tình thương của người mẹ đã khuất đã khơi dậy tình thương đáp trả nơi đứa con của mình, dù đứa bé chưa một lần nhìn thấy mặt mẹ mình..

III. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

Gia đình là "Hội Thánh tại gia". Chính từ gia đình Công giáo, trong mối giao tiếp xã hội, cần thể hiện lòng yêu thương cách đặc biệt đối với những người được coi là trong tình cảnh yếu kém nhất mà Kinh Thánh và Tông Huấn Đời Sống Gia Đình chỉ ra cho chúng ta sau đây :

1. Những người yếu kém nhất trong xã hội là ai?

- Những người hèn mọn nhất theo Tin Mừng Mát-thêô, chương 25, 31-46 : Đức Giêsu trong Ngày Phán Xét đã kể ra một loạt những người mà Người xem là những "anh em hèn mọn nhất" của Người. Đó là những kẻ đói ăn, khát uống, bơ vơ không cửa không nhà, không đủ quần áo che thân, đau yếu bệnh tật, bị tù tội.

- Những người cần được quan tâm nhất về mục vụ gia đình theo Tông Huấn Đời Sống Gia Đình:

Trong phần thứ tư nói về Mục Vụ Gia Đình. Tông Huấn Đời Sống Gia Đình có nêu lên một số trường hợp đặc biệt mà Mục Vụ Gia Đình cần quan tâm cách riêng. Chúng ta có thể coi họ là những người yếu kém nhất theo nghĩa họ là những người cần được Giáo Hội quan tâm chăm sóc cách đặc biệt.

Đó là: gia đình những người di dân; gia đình những người bị bó buộc phải vắng mặt lâu ngày như quân nhân, thủy thủ, du mục, tù nhân, tỵ nạn hay bị lưu đày; những gia đình sống bên lề xã hội giũa các đô thị ; các gia đình không nhà cửa; các gia đình không đầy đủ, chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ; những gia đình có con bị tàn tật hay nghiện ma túy; những gia đình có người nghiện rượu; những gia đình bị tách khỏi môi trường văn hóa và xã hội của họ hay có nguy cơ mất môi trường ấy; những gia đình bị kỳ thị vì chính trị hay vì những lẽ khác; những gia đình bị xâu xé vì ý thức hệ; những gia đình không thể dễ dàng tiếp xúc với Giáo Xứ; những gia đình bị bạo hành hay bị ngược đãi vì Đức Tin; những gia đình vị thành niên; những người già cả cô đơn và túng thiếu (xem ĐSGĐ, 77).

Ngoài ra còn có những hoàn cảnh đặc biệt khác mà Giáo Hội cần phải quan tâm giúp đỡ như: hôn nhân hỗn hợp (giữa người công giáo và người đã được rửa tội theo hệ phái khác. Cần giúp người công giáo ý thức về bổn phận đức tin để họ làm hết sức lo cho con cái được rửa tội và giáo dục theo đức tin Kitô giáo) và hôn nhân trái quy tắc trong những hoàn cảnh sau đây:

- Hôn nhân thử : Người nam nữ chung sống với nhau trước khi nên vợ chồng. Cần tìm hiểu nguyên do của hiện tượng nầy cách thấu đáo về mặt tâm lý, xã hội, để có phương án chữa trị cách thích đáng.

- Chung sống không hôn nhân : Sống vợ chồng mà không bị ràng buộc bởi một cơ chế công khai nào cả về dân sự, lẫn tôn giáo. Cần giáo dục về luân lý và tôn giáo cho các bạn trẻ giúp họ ý thức về sự trung thành để họ sống trưởng thành hơn.

- Những người công giáo kết hôn mà chỉ có hôn phối dân sự : Cần giúp họ hiểu rằng phải có sự đi đôi giữa đời sống họ chọn lựa và đức tin họ tuyên xưng.

- Những người ly thân và những người ly dị không tái hôn : Cô đơn là tình cảnh chung của những người nầy. Giáo Hội cần cảm thông, quý mến, giúp đỡ cụ thể, nhất là vun trồng nơi họ lòng tha thứ để tạo điều kiện cho họ nối lại cuộc sống vợ chồng trước kia.

- Những người ly dị tái hôn : Cần có lòng bác ái rộng lớn, làm thế nào để họ không bao giờ cảm thấy bị xa lìa Hội Thánh, vì họ đã được rửa tội bằng cách kêu mời họ lắng nghe lời Chúa, tham dự Thánh Lễ, cầu nguyện, làm việc bác ái, làm việc đền tội...và chúng ta cũng phải cầu nguyện cho họ, khích lệ họ để họ được bền vững trong đức tin và đức cậy.

- Những người không gia đình : Có những người vì lý do nầy hay lý do khác đang sống đơn độc, không thuộc về một mái ấm gia đình nào theo đúng nghĩa. Hội Thánh cần phải là nhà và là gia đình của tất cả mọi người, cách riêng của những ai "đang lao đao và gánh nặng". (xem ĐSGĐ, 78 - 85).

Có một điểm chung giữa những người mà Hội Thánh cho là yếu kém nhất trong xã hội, là sự mất mát hoặc về tinh thần hoặc vật chất hoặc thiếu thốn cả hai. Họ là những người cần được quan tâm đến nhất. Theo gương Chúa Giêsu và Hội Thánh, các gia đình, phải sống với họ thế nào?

2. Yêu thương những người yếu kém nhất xã hội như thế nào?

Đức Ki-tô đã tự đồng hóa mình với người nghèo, với những ai yếu kém nhất, coi những hành động làm cho và làm vì người nghèo là làm cho và làm vì chính Chúa.

Thật vậy, trong cảnh Phán Xét, ngày tận thế, khi nói về lòng bác ái thực thi cho những người bất hạnh, tù tội, Chúa Giêsu nói : "Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han...Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." - "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy." ( Mt 25, 34-36.40 và 45).

Ngài dạy chúng ta phải biết yêu thương như Ngài đã yêu : "Anh em phải có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại." (Lc 6, 36.39) và đưa ra cho chúng ta khuôn vàng thước ngọc làm tiêu chuẩn cho cách sống và hành động: "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó." (M7 7, 13 - 14).

Thánh Augustinô nói: "Ubi amatur non laboratur" (Khi yêu thì không biết nhọc mệt). Khi tâm hồn chúng ta nung nấu ngọn lửa yêu thương muốn phục vụ, xả thân, giúp đỡ người khác, thì dù có phải cực nhọc, khó khăn ngay cả nguy hiểm đến tính mạng chúng ta cũng sẵn lòng hy sinh thời giờ, công sức tiền của để đến với người khác với bàn tay và tâm hồn luôn sẵn sàng đưa ra.

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, trong Tông Huấn Đời Sống Gia Đình, mời gọi các gia đình hãy ưu tiên phục vụ những người yếu kém nhất, bởi vì chính họ là những người thiệt thòi nhất, mất mát nhất, và đang cần sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Điều nầy phải lẽ thôi, vì chính Đức Giêsu đã dạy : "Nếu các con yêu thương kẻ yêu thương mình, thì các con nào có công chi ?... Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5, 46. 48) .

Tình bác ái mà Chúa Kitô truyền dạy là một tình thương vô vị lợi và vô điều kiện. Tình thương ấy luôn thúc bách người ta hướng về những người yếu kém nhất trong xã hội.

Tình yêu thương chân thật thôi thúc người ta phát sinh những sáng kiến, đôi khi có vẻ "điên rồ", như chuyện kể : Vào dịp Giáng Sinh, một người phụ nữ trên đường đến Nhà Thờ dự lễ, khi trả phí xe qua cầu, đã trả luôn cho 10 chiếc xe chạy sau mình mà không cần biết đó là xe nào, của ai...vì cảm thấy lòng hân hoan muốn làm một việc tốt đẹp gì đó dịp Chúa sinh ra.

Khi yêu thương cách vô vị lợi, người ta tự nhiên sẽ biết cách thế để phục vụ thế nào cho hiệu quả nhất và sẽ có giờ để nghĩ đến người khác. Dù thì giờ lúc nào cũng thiếu đối với người nhiệt thành. Chúng ta sẽ biết cách cho cái mà người khác đang cần.

3. Ngày tận thế Chúa sẽ xét xử chúng ta về tình yêu (x. Mt 25, 31-46).

Lời Chúa trong Phúc Âm Matthêô 25, 31-46 chỉ cho chúng ta một cách tỏ tường rằng ngày tận thế mỗi người sẽ bị xét xử về tình yêu. Một tình bác ái chân thật luôn hướng về những người hèn kém nhất.

Thánh Gioan Thánh Giá cũng nói : "Vào lúc xế chiều cuộc đời, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu".

Như vậy, dù chúng ta có làm bao nhiêu điều để phát triển kiến thức, công danh, sự nghiệp.... nhưng nếu thiếu tình yêu : vì Chúa mà yêu người, mà yêu người thật sự chính là những người hèn kém nhất, chúng ta sẽ bị xét xử vậy.

Trong cõi đời đời, đức tin, đức cậy không còn, vì chúng ta đã nhìn thấy Chúa tận mắt; chỉ còn lại đức mến trọn hảo gắn kết chúng ta đời đời với Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ cùng với mọi anh em đã nghỉ yên trong Chúa.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương đến quên mình, không tính toán, không so đo, theo gương hy sinh quên mình của Chúa trên Thập Giá, nhất là đối với những anh em hèn mọn nhất trong xã hội. Amen

IV. HỌC TÔNG HUẤN SỐ 47

"Gia đình Kitô hữu được mời gọi làm chứng cho mọi người thấy sự tận tâm quảng đại và vô vị lợi của mình đối với những vần đề xã hội, mà ưu tiên là lo cho những người nghèo và những người bị bỏ rơi."

V. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

GIA ĐÌNH KITÔ HỮU LÀ TRƯỜNG DẠY TÌNH YÊU

"Bước theo Chúa trong tình yêu thương, đặc biệt đối với tất cả mọi người nghèo, gia đình Kitô hữu phải lưu tâm riêng đến những ai đói khát, túng thiếu, già cả, những ai bị đau ốm, nghiện ngập hoặc không có gia đình" (FC 47).

Đó là lời kêu gọi của ĐGH Gioan Phaolô II trong tông huấn về Gia Đình. Để áp dụng cụ thể vào đời sống gia đình, thiết tưởng chúng ta nên dành ít phút để đọc những lời chỉ dẫn quí báu của Cha Joseph-Louis Lebret trong quyển Dimensions de la Charité, với tựa bài:" Gia đình Kitô hữu là trường dạy tình yêu".

Tình yêu có tính cách thiên bẩm trong mọi tâm hồn đã chịu phép Rửa Tội. Vào lúc đứa trẻ bắt

đầu có trí khôn, tình yêu đã sẵn sàng triển nở. Nhưng nếu đứa trẻ lớn lên trong một gia đình ích kỷ hay hận thù, thường tỏ ra khinh bỉ những kẻ nghèo hoặc ganh tị với những ai giàu, nơi mà người ta chỉ nghĩ tới thu góp và hưởng thụ chứ không bao giờ nghĩ đến cho đi, nơi mà cuộc sống sang giàu trở thành quen thuộc, hoặc cuộc sống khó khăn cùng cực và đầy dẫy những cay đắng kéo dài, thì tình yêu thật khó mà triển nở được.

Các vị giảng thuyết, các giáo lý viên, các thầy giáo kitô hữu phải lưu tâm đến việc giáo dục tình yêu trong tâm hồn các trẻ nhỏ. Việc khai tâm các trẻ nhỏ hướng về Thiên Chúa, dầu trái với cách sống của chúng trong gia đình, vẫn có thể chuẩn bị chúng rước lễ lần đầu và tuyên xưng lại những lời đã hứa ngày Rửa Tội.

Đời sống tình yêu vẫn có thể tồn tại được trong một gia đình lãnh đạm hay thù nghịch, chỉ coi những việc báo ác như một truyền thống phải tuân giữ. Dẫu đời sống tình yêu bị gián đoạn trong thời kỳ khủng hoảng của tuổi thiếu niên, thanh niên hay tuổi trưởng thành, thì vẫn có thể còn tồn tại một nỗi khắc khoải về tình thân hữu với Thiên Chúa, và một ngày nào đó, nỗi khắc khoải ấy sẽ đưa đứa trẻ trở lại với Ngài. Tuy nhiên, gia đình thực sự kitô giáo vẫn là cái lò bình thường rèn luyện tình yêu.

Tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân được biểu lộ ra trong đời sống của các bậc cha mẹ sẽ tạo nên một môi trường giáo dục thuận lợi cho việc phát triển tình yêu trong tâm hồn đứa trẻ. Nghĩa cử anh hùng của cha mẹ khi làm việc, tình thương của họ đối với nhau, sự sẵn lòng giúp đỡ những người khốn khổ, sự tận tâm trong những công việc xã hội, gương chiến đấu của họ, lòng can đảm vượt qua những khó khăn thử thách, lòng tôn trọng và tính hay giúp đỡ với bất kỳ ai, lòng tin tưởng phó thác trong kinh nguyện, tất cả sẽ thấm nhuần vào đứa trẻ, khiến nó phát triển lòng quảng đại có ý thức, sự hiến mình cho Thiên Chúa và dấn thân cho đại gia đình nhân loại.

Trong vấn đề giáo dục gia đình, một điều càng ngày càng trở nên thiết yếu là chính cha mẹ phải được thông tin cho biết những nỗi khốn khổ về thể chất, luân lý và tinh thần của nhân loại, để tâm hồn các trẻ nhỏ và thanh niên bùng cháy lên thật sớm tình thương và sự cảm thông đối với những khốn khổ ấy.

Một gia đình cởi mở trước thế giới đang cùng trưởng thành trong tình yêu, sẽ tỏa sáng khắp vùng lân cận và sẽ chuẩn bị cho những ơn gọi vị tha.

VI. TRANG THIẾU NHI

I/-Câu chuyện:
a - Câu chuyện1:
Tuần rồi, Cha Sở tổ chức cho các bà Hiền Mẫu đi thăm Làng S.O.S, nơi nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, tật nguyền. Mười em thiếu nhi, được bầu là "Thiếu nhi chăm ngoan"- chăm học giáo lý, siêng năng đi lễ - cũng được theo đoàn. Tí hãnh diện lắm, vì em cũng được chọn trong số mười em đó.

Đến Làng S.O.S, Tí thấy quang cảnh ở đây thật đẹp. Những dãy nhà mới xây, với tường sơn màu vàng chanh và mái ngói đỏ tươi, ẩn sau những hàng cây rợp bóng mát. Làng không chỉ có nhà ở, mà còn có cả trường học và sân chơi cho các em nữa. Nhìn cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp này, Tí hiểu rằng nó đã phần nào nói lên sự quan tâm và tình thương của nhiều người, nhiều gia đình, và của cả xã hội dành cho những trẻ em bất hạnh nơi đây.

Tí không cầm được nước mắt khi tận mắt chứng kiến các bạn thiếu nhi trong Làng, cũng trạc tuổi mình, nhưng sớm mồ côi cha mẹ, hoặc mang thân tật nguyền: em thì mù lòa, em thì cụt tay chân, em thì thân thể dị dạng, em thì tuy thân thể lành lặn nhưng lại thiểu năng, khờ khạo….

Cha sở và đoàn thăm viếng không chỉ tặng quà, tiền và nhiều đồ chơi cho các em, mà còn nán lại lâu giờ để bồng ẵm, trò chuyện, vui chơi với các em nữa. Coi bộ các em thích lắm, nên khi đến giờ đoàn ra về, các em vẫn còn nấn ná bám tay, nắm áo khách, như không muốn rời xa.

Trên đường ra về, Tí thầm cảm ơn Chúa vì em được sinh ra lành lặn, lại trong một gia đình hạnh phúc và còn đủ cha mẹ. Em cũng xin Chúa cho có thật nhiều người hảo tâm, biết quan tâm giúp đỡ những người bất hạnh, hèn kém trong xã hội. Phần mình, Tí cũng quyết tâm học giỏi, sống ngoan, để lớn lên có điều kiện giúp đỡ nhiều hơn cho các bạn đang sống trong cảnh bất hạnh.

Các bạn thiếu nhi có cùng quyết tâm như Tí không?
*Trò chuyện với thiếu nhi:
-Các em thiếu nhi thân mến, trong khi các em đang sống hạnh phúc trong mái ấm gia đình, có ông bà, cha mẹ thương yêu, chăm sóc; có anh chị em nâng đỡ, thuận hòa; có bạn bè thân thiết vui chơi…thì trên thế giới cũng có hàng triệu trẻ em, cùng độ tuổi với các em, đang sống trong cảnh đời bất hạnh, hèn kém. Đó là những em mồ côi cha mẹ, hoặc gia đình ly tán không người chăm sóc; đó là những em bệnh hoạn, tật nguyền: mù lòa, què quặt, phong cùi, dị dạng, nhiễm AIDS.

-Có nhiều lý do dẫn đến những mảng đời bất hạnh đó: do hậu quả của hôn nhân-gia đình tan vỡ; do hậu quả của chiến tranh loạn lạc; do những biến cố tai ương bất chợt; do hậu quả của sự tuột dốc về luân lý và lối sống thác loạn, ăn chơi hưởng thụ trong xã hội.Trong những lý do đó, có những lý do tự nhiên, nhưng cũng có những lý do chính con người gây nên.

-Điều an ủi là trên thế giới này, vẫn còn có những con người quảng đại, những tấm lòng bác ái, bao dung, không thu hẹp tình thương nơi gia đình mình, nhưng trải rộng đến cả những mảng đời bất hạnh. Thật vậy, trên khắp thế giới, tại khắp các quốc gia, các Viện cô nhi; Làng S.O.S; các trường nuôi dạy đặc biệt dành cho các trẻ em khuyết tật, thiểu năng; các bệnh viện dành cho những người cùi, những bệnh nhân nhiễm AIDS; các nhà dưỡng lão dành cho những người già yếu neo đơn…đã mọc lên khắp nơi. Điều đáng tự hào là trong số đó, có không ít cơ sở thuộc về các Hội Dòng, hay các tổ chức từ thiện Công Giáo.

-Những người bất hạnh không chỉ cần nơi chúng ta sự giúp đỡ về vật chất (tiền bạc, ăn mặc, thuốc men…), về tinh thần (được giáo dục, dạy dỗ, tạo điều kiện phát triển khả năng cá nhân…), mà quan trọng hơn tất cả, còn cần nơi chúng ta một tấm lòng chân thành yêu thương. Chính tình yêu thương là món quà quí giá nhất mà Thiên Chúa đã ban cho loài người chúng ta, và chúng ta lại tiếp tục trao ban cho nhau.

-Những người hèn kém nhất trong xã hội, không chỉ là các bạn bất hạnh trong lứa tuổi thiếu nhi, họ cũng có thể là những người già yếu, neo đơn, bệnh tật…đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

-Cuối cùng, có bao giờ các em nhận ra và giúp đỡ những người bất hạnh, hèn kém chung quanh, như nhận ra và giúp đỡ chính Chúa Kitô? Thật vậy, chính Chúa Kitô đã đồng hóa mình với những kẻ hèn kém ấy, trong dụ ngôn về ngày phán xét: "…các con đã làm những điều đó cho ai trong số các kẻ bé mọn nhất này, là đã làm cho chính Ta!" (Mt 25,40).

Qua một vài gợi ý ở trên, anh gởi đến cho các em một câu hỏi, mà mỗi em phải là người tự giải đáp: Em và gia đình em đã, hoặc sẽ làm gì để làm giảm bớt nỗi đau thương của những mảng đời bất hạnh, hèn kém chung quanh ta?

b-Câu chuyện 2:
Có một người kia có lòng thương xót đối với các linh hồn nơi luyện ngục. Trọn đời, bà dành hết tất cả những hy sinh, cầu nguyện, cũng như mọi công đức cho các linh hồn ấy.

Đến lúc bà sắp chết, ma quỷ hiện ra cám dỗ bà: "Bà kia, cả đời bà đã dành hết công đức cho các đẳng linh hồn, nên bây giờ bà chẳng còn gì cho riêng mình hết. Khi chết rồi, chắc chắn bà sẽ chẳng thoát khỏi tay bọn ta đâu, bà sẽ phải xuống hỏa ngục thôi. Hãy lo mà run sợ đi! ".

Bà kia nghe những lời đó thì lấy làm hoảng sợ vô cùng. Nhưng đúng lúc đó, Chúa cho Thiên thần hiện ra an ủi bà rằng: "Hỡi bà, đừng sợ chi. Nhờ các công đức của bà nhường cho, mà nhiều linh hồn đã được sớm thoát khỏi luyện hình. Khi bà qua đời, Chúa sẽ cho chính các linh hồn ấy xuống rước bà cùng về hưởng hạnh phúc Nước Trời."

Bà kia nghe những lời đó thì vui mừng và vững lòng cậy trông. Quả nhiên, sau khi bà vừa lìa trần, thì các linh hồn đã đến rước bà về quê Trời.

*Trò chuyện cùng thiếu nhi:
Các em thiếu nhi thân mến,
-Dĩ nhiên câu chuyện trên là do tưởng tượng, chứ không phải chuyện thực tế. Nhưng nó nhắc nhở chúng ta phải thương nhớ đến các linh hồn còn đang chịu thanh luyện nơi luyện ngục.

-Các linh hồn nơi luyện ngục có thể là những người thân thiết trong gia đình ta: ông bà, cha mẹ, anh em; có thể là những người trong họ hàng thân thuộc với ta; có thể là những người hàng xóm láng giềng, hay bạn bè thân thích của ta; cũng lại có thể là những kẻ xa lạ mà ta không hề quen biết, hay chưa một lần gặp mặt .

-Nếu nói đến những kẻ bất hạnh, thì các linh hồn nơi luyện ngục là những kẻ bất hạnh và hèn kém hơn ai hết. Thật vậy, các linh hồn này chẳng còn có thể làm gì được cho mình, mà chỉ còn hoàn toàn trông nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa, cũng như sự quan tâm cầu nguyện, chuyển nhường công đức của những người còn sống trên trần gian. Vì thế, đây cũng là đối tượng ưu tiên mà thiếu nhi chúng ta cần quan tâm giúp đỡ.

-Theo Tín điều Các Thánh Thông Công, chúng ta có thể giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục bằng nhiều cách: cầu nguyện, xin lễ, hy sinh hãm mình, nhường các ân xá và công đức cho các ngài.

-Tháng Mười Một là Tháng Các Đẳng Linh Hồn, Giáo hội nhắc nhở chúng ta trong suốt tháng này quan tâm nhiều hơn và tăng cường sự giúp đỡ cho các Đẳng.Vậy anh đề nghị với các em thiếu nhi một vài việc sau đây :

+Ngày 2/11 là ngày Lễ Các Đẳng, các em nhớ đi dự lễ thật sốt sắng để cầu nguyện cho các ngài nha!

+Từ trưa ngày 1/11(Lễ Các Thánh) đến nửa đêm ngày 2/11(Lể Các Đẳng), các em nhớ viếng nhà thờ, để hưởng ơn đại xá nhường lại cho các đẳng linh hồn.

+Từ ngày 1 đến ngày 8/11, các em nhớ đi viếng đất thánh (nghĩa địa) mỗi ngày, để hưởng ơn đại xá nhường cho các linh hồn.

+Trong suốt tháng Mười một này, các em tăng cường việc xem lễ, cầu nguyện, hy sinh hãm mình, làm phúc bố thí…để lập công đức nhường cho các linh hồn.(Nhớ lập sổ theo dõi cụ thể để cuối tháng tổng kết thì càng tốt).

Chúc các em một tháng sống thánh thiện, đạo đức và tràn đầy tình yêu thương đối với các linh hồn nơi luyện ngục!

II/-Bài hát: Bài "Tìm Thiên Chúa" (x. Sổ tay Tông đồ của Thiên Ân, tr.93)
Tôi đi tìm Thiên Chúa, Người ở đâu, mà bấy lâu tôi hằng đi tìm? Tôi đi tìm Thiên Chúa, Người ở đâu, mà bấy lâu tôi hằng tìm luôn?

III/-Băng reo: Tập họp vòng tròn.
-QT: Tìm Chúa nơi,
-TC: Người mù lòa ( nhắm mắt lại, hai tay làm động tác quơ gậy dò đường, đi về phía trái).
QT: Tìm Chúa nơi,
-TC: Người phong cùi (Hai bàn tay co quắp lại, đi về phía tay phải, làm động tác giật giật tay như người cùi).
-QT: Tìm Chúa nơi,
-TC: Người tàn tật (ngồi xuống, lết một chân như người tật nguyền).
-QT: Tìm Chúa nơi những kẻ hèn kém nhất,
-TC: Chung quanh ta! Ahh! (Đưa hai tay qua trái, qua phải, rồi nhảy lên, tay vung cao, miệng hô vang một tiếng "A").
*Sau đó, hát bài "Tìm Thiên Chúa".

IV/-Bài học thực hành:
-Em tập làm phúc bố thí cho những người ăn xin, nghèo khổ, tật nguyền.
-Em không chọc ghẹo những người tàn tật, dị dạng hay ngớ ngẩn, trái lại phải giúp đỡ họ khi cần thiết.
-Em siêng thăm viếng, giúp đỡ ông bà, cha mẹ, những người trong họ hàng, những người hàng xóm láng giềng, bạn bè,đang đau yếu, bệnh hoạn, hay gặp những tai ương, hoạn nạn.
-Em giúp đỡ người mù lòa, tật nguyền, già yếu khi qua đường, qua cầu, hay trên đường đi.
-Em nhớ đến các Đẳng linh hồn và thương giúp các ngài trong suốt tháng Mười một này.

VII. GIÁO DỤC GIA ĐÌNH:

Viết cho con
Ngày ... tháng … năm …
Duy Khánh - con trai của cha,

Cha vừa thấy vết dao cứa nơi cây mận trước nhà, những trái mận non màu trắng chưa đến độ chín lại bị văng tung tóe trên nền đất mà đau lòng. Cha đã trồng cây mận cách nay mười lăm năm. Lúc ấy, con vừa tròn hai tuổi.

Trong một lần đi công tác ở xa, cha được ông chủ nhà nổi tiếng có vườn mận trắng rất ngon đã chiết tặng cho cha một nhánh. Đem về, cha nâng niu trồng trước sân nhà. Quá trình cha trồng cây mận này cũng cực lắm. Con mới hai tuổi biết gì. Cha vừa trồng xong, đi tưới mấy cây kiểng, vậy mà con đã phá phách nhổ nó lên. Cha giận lắm nhưng cười xòa, trồng nhánh mận trở lại và ôm hôn con.

Nhưng hôm nay thì không thể được, Duy Khánh ạ! Bởi vì con đã mười bảy tuổi - đã chững chạc ở lứa tuổi thiếu niên . Duy Khánh, con có biết không? Chính cây mận trước sân nhà đã bị những nhát dao tàn phá của con và những trái mận non mà con cố tình hái bỏ kia đã làm cha thất vọng. Chỉ mới cách nay một tuần lễ thôi, khi con chưa biết mình sẽ chuyển nhà đến ở chỗ khác, cha còn nhớ lúc ấy, một trận gió mạnh làm rụng vài trái mận non, con cứ xuýt xoa kêu tiếc. Phải kể, cây mận đã đi theo suốt tuổi thơ của con và tràn đầy kỷ niệm.

Mùa nào nắng khô, tuổi thơ con đã tưới nước cho cây mận sớm đâm chồi nẩy lộc. Chiều nào yên ả, con đã tựa vào thân cây mận nhắm mắt đọc "năm …mười" cùng bạn bè chơi trò trốn tìm. Con đã nâng niu cây mận biết bao, vậy mà bây giờ con lại nỡ nào cầm dao cứa vào thân của nó. Duy Khánh, cha hiểu hết. Con không muốn người chủ khác đến đây hưởng lấy thành quả mà cha con mình đã tạo nên. Con muốn cái gì thuộc về tài sản của con thì không thể chia sẻ cho người khác, mặc dù bản thân con không thể mang nó theo. Vì vậy nên thà rằng con phá hủy cây mận chứ không để nó sống mà mình không còn là chủ nhân của nó nữa.

Duy Khánh ơi, con nghỉ gì nếu như cha và con là người chủ mới. Chúng ta sẽ vào căn hộ này từ một người chủ khác trao lại. Con muốn cảnh sân nhà vẫn sạch hay bừa bãi rác rưới và những trái mận non? Cha đã đoán được suy nghĩ của con. Nếu vậy thì tại sao điều minh không muốn kẻ khác làm cho mình, mà mình lại làm cho người khác? Đó là lòng ích kỷ, thật đáng sợ! Tuy rằng tài sản ấy quá nhỏ, nó chỉ là một cây mận trước sân nhà.

Trên cõi đời này, cái gì cũng vậy, có cái nhỏ rồi mới đến cái lớn. Con đã không kềm chế được lòng ích kỷ, thì sau này đi vào cuộc sống lại càng chỉ biết sống cho mình thôi. Đó là điều cha không thể chấp nhận.

Nói thật, từ hôm nhìn thấy cây mận trước sân nhà bị những vết dao cứa, lòng cha rất đau. Trong tâm trí cha cứ nghỉ về con. Cha đã thức viết cho con những dòng chữ này. Hy vọng nó trở thành hành trang vào đời cho con. Hoài bão của cha chỉ gói ghém bấy nhiêu. Mong muốn được nhìn thấy con vững vàng bước vào cuộc sống. Mọi người sẽ nghỉ về Duy Khánh, đứa con trai duy nhất của cha luôn có lòng trắc ẩn, lòng nhân hậu đối với mọi người. Điều giản dị nhất là con biết sống vì người khác.

Cha của con

VIII. NGHỆ THUẬT SỐNG

CHIẾC KHUNG ẢNH BỊ VỠ

Một cụ già dáng nhỏ bé bước vào cửa hàng. Tay ông cầm chiếc khung ảnh đôi đã sứt sẹo bằng nhựa màu xanh lá cây, trong khung lồng hai bức ảnh một nam một nữ còn trẻ. Chiếc khung ảnh bị hỏng nặng. Dường như đã có ai đó cố sửa chiếc khung bằng cách quấn băng keo xung quanh nó nhưng không thành công.

Sợ rằng nó sẽ hư nặng thêm, ông cụ mang cái khung tới cửa hiệu. Người thợ làm khung không thể sửa được nó. Tôi tình cờ được nghe lời yêu cầu và xin xem qua chiếc khung. Tuy rằng không biết chắc là mình sẽ làm được gì, tôi vẫn đề nghị được mang khung ấy về nhà một đêm. Ông cụ thở dài và đồng ý; tôi thấy ông cúi đầu khi bước ra khỏi cửa hiệu.

Tôi cẩn thận tháo phần băng keo và dán những mảnh vỡ lại với nhau. Kế đó, tôi dán khung trở lại bằng keo nhân tạo và trang trí thêm bốn góc bằng những nẹp viền cứng.

Hôm sau, ông cụ đến cửa hàng và tôi trao khung cho ông. Tôi nói với ông: "Miển phí", thật ra tôi tự bỏ tiền túi của mình ra sửa giùm ông. Ong rất khâm phục sự khéo léo của tôi và bắt đầu khóc. Bức ảnh đó chính là ông và vợ ông. Ông chỉ tay vào bức ảnh và nói: "Đây là vợ tôi, bà ấy vừa mới qua đời. Bà ấy ghép cái khung này vào những năm 1950, và tôi rất sợ nó bị hỏng". Tôi trào nước mắt và nói với ông: "Cụ ơi, cụ muốn quay lại đây lúc nào cũng được". Khi đi ra cửa, ông quay lại: "Tôi sẽ không bao giờ quên cô".

Ông cụ đã đi ngang qua đời tôi vào đúng thời điểm tôi cảm thấy bất an và định bỏ việc. Ông đã giúp tôi nhận ra tôi cần phải trở thành người như thế nào và mục đích sống thực sự của tôi là gì. Đó chính là lời chúc phúc được trao tặng từ con tim. Những gì mà ông cụ đó mang lại cho tôi có ý nghĩa hơn tất cả những gì mà tôi có thể thực hiện được. Khoảng cuối năm đó, tôi trở thành một điều phối viên và có được mức lương cao. Đôi khi, Chúa cũng gửi vài người đến với chúng ta vì một lý do nào đó. Tôi thậm chí còn không biết tên ông, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên ông cụ có chiếc khung ảnh bị vỡ ấy. (dịch từ internet)

” Bất cứ số phận nào cũng tìm thấy trong tình yêu một chỗ dựa”. ( Cerventes )

SỐNH NĂM THÁNH
(03.07.03-03.07.04)

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO ĐỨC
THEO GƯƠNG HAI THÁNH TỬ ĐẠO
PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH & GIUSE NGUYỄN VĂN LỰU

I. ĐỌC LỜI CHÚA : Mt 14, 13-21

Nghe tin ấy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người : "Nơi đây hoang vắng và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn." Các ông đáp: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!" Người bảo : "Đem lại đây cho Thầy!" Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ.

Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẫu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Đức Giêsu chạnh lòng thương xót đám đông dân chúng đang đói ăn. Của ăn vật chất và tinh thần. Ngài đã và đang yêu thương, chăm sóc và chữa lành cho con người. Khi gặp đau khổ vì bất cứ lý do gì, chúng ta hãy ý thức rằng Chúa Giêsu đang chạnh lòng thương xót chúng ta.

III. CHUYỆN MINH HỌA

GƯƠNG PHỤC VỤ XÃ HỘI

Bảo Tàng Viện của tiểu bang Pensylvania trưng bày một báu vật trong một lồng kiếng kiên cố. Chung quanh có đặt các thứ máy điện tử tối tân nhất để bảo vệ báu vật này vì báu vật có trị giá hàng trăm triệu Mỹ Kim.

Đến mà xem, khách thập phương chỉ thấy bên trong lồng kiếng một chiếc áo đầm nhỏ mầu trắng loang lổ những vết máu trên ngực áo. Mọi người như một đều thốt lên: "Một chiếc áo thô sơ như thế mà trị giá hàng trăm triệu mỹ kim ư ?" Lai lịch của chiếc áo này là của em bé gái 11 tuổi ; lúc em đang ngồi bên cạnh Tổng Thống Abraham Lincoln xem diễn tuồng văn nghệ, tiếng súng nổ! Một viên đạn oan nghiệt do kẻ quá khích bắn ra đã ghim vào đầu Tổng Thống Lincoln, máu chảy, trong khi Tổng Thống gục xuống; em bé gái 11 tuổi này là người đầu tiên ôm đầu Tổng Thống Lincoln vào lòng khóc nức nở.

Giọt máu tinh khôi ấy đã đổ ra làm cho nhiều người xót xa thương tiếc, cũng làm cho những kẻ quá khích ở hậu trường được hài lòng thỏa mãn. Nhưng quan trọng hơn hết là một cuộc giải phóng dân da đen củ xứ sở này khỏi cảnh nô lệ đi đến thành công mỹ mãn.

Những giọt máu anh hào của hai vị thánh tử đạo đã đổ ra phải chăng các Ngài bị bùa mê như những nhận định của viên quan triều Trịnh Quang Khanh ? Vả nếu như vậy thì cái chết của các Ngài thật là uổng mạng toi.

Câu trả lời là : Nếu cái chết của tổng thống Lincoln có sức mạnh giải phóng được ách nô lệ cho người da đen, thì ít ra giá máu tinh anh, kiên trung dũng liệt của Các Thánh Tử Đạo có sức mạnh giải thoát, giải phóng cả dân tộc Việt Nam chúng ta khỏ vòng lẩn quẩn oán thù, cấu xé, chia rẽ, bè phái, ti tiện. Điều này sẽ phải được kiện toàn qua con cháu của các Ngài.

IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

1. Nhiệt thành phục vụ
a. Thánh Philipphê Phan văn Minh
- Chuyên chăm học tập để phục vụ xã hội, thánh Philipphê Minh trở thành nhà khoa học và thi sĩ : cộng tác với Đức Cha Tabert Từ điển soạn và in ấn 2 bộ tự điển Việt-La và La-Việt; cảm hứng hồn thơ qua bộ sưu tập thơ Phi Năng.
- Thi hành công việc mục vụ trên một địa bàn rộng lớn từ Nam vang đến Mặc Bắc, ngài không quản ngại xa xôi đi thăm viếng và ban bí tích cho các tín hữu.
- Không muốn làm ma chay lớn sau khi chết, Ngài trao lại số tiền ít ỏi của mình để lo cho kẻ nghèo.
- Tha thứ cho bếp Nhẫn và khuyên bảo những người đồng cảnh ngộ trong tù cầu nguyện cho những kẻ nộp Ngài ăn năn trở lại.
- Nhã nhặn trong cách đối xử với quan binh tra tấn ngài, khiến họ đem lòng ngưỡng mộ. Mọi người, dù có đạo hay lương dân đều kính phục yêu thương.
b. Thánh Giuse Nguyễn văn Lựu
- Ngoài việc lo cho gia đình no ấm, học biết Đạo Chúa, ngài còn quan tâm thăm viếng người bệnh, giúp đỡ người nghèo, lo lắng cho họ được đức tin.
- Sống có tình nghĩa với bà con láng giềng, sẵn sàng ra tay giúp đỡ trước khi được nhờ, như dặm lúa, đắp bờ ruộng, chia cá câu được.
- Can đảm nhận thay cho cha Philipphê Minh khỏi bị bắt khi nhận mình là giáo trưởng.
- Dù gặp cơn bách hại, vẫn anh dũng tiếp đón các cha, lấy nhà riêng mình làm nhà nguyện, chủ yếu lo sao cho giáo dân được phúc đón nhận các bí tích.
- Vì lo cho người khác mà có thể gây nguy hại đến tính mang và tài sản của cả gia đình.
2. Chúa Giêsu đã nêu gương phục vụ thế nào?
- Dù nhọc mệt sau một ngày rao giảng, Đức Giêsu đã lo cái lo của người khác trươc khi lo cho mình : Ngài chạnh lòng thương thấy dân chúng đang bị đói dù chính ngài và các Tông đồ cũng đang đói.
- Tình thương khơi dậy sáng kiến: dù nơi hoang địa, không có hàng quán, Đức Giêsu vẫn bảo các Tông đồ hãy lo cho dân chúng ăn.
- Đức Giêsu đau nỗi đau của người khác qua việc đi đến đâu người đều ra tay chữa bệnh cho nhiều người, với đủ thứ bệnh tật: điếc, câm, què, mu, phong hủi và cứu người chết sống lại.
3. Các Thánh Tử Đạo đã phục vụ theo gương Chúa Giêsu.
- Như Đức Giêsu, các Thánh Tử Đạo đã nhận về mình sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần của người khác làm của mình, để lo lắng cho những người thuộc về mình.
- Như Đức Giêsu, các Thánh Tử Đạo cũng đã đặt ưu tiên cuộc đời mình cho việc phục vụ người khác : cho gia đình và xã hội.
- Cả hai vị thánh đã sống nhân ái với mọi người, theo gương Đức Giêsu, luôn sẵn sàng yêu thương, giúp đỡ người khác một cách anh hùng.
- Việc phục vụ tận tình nào cũng đòi hỏi tình thương mãnh liệt đi đôi với hy sinh quên mình. Hai Thánh Tử Đạo đã sống quên mình cho đồng lọai theo gương Thầy Chí Thánh của mình.
Xin hai thánh giúp chúng con biết hy sinh quên mình phục vụ anh em chúng con, ngay cả trong những khi phải hy sinh cả tài sản, địa vị, sức khỏe và cả mạng sống của mình theo gương Thầy chí Thánh là Đức Kitô. Amen

V. HỌC LỜI CHÚA : Mt 13, 14

"Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ."

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

LỊCH THIỆP VỚI MỌI NGƯỜI

Có một sự kiện kỳ thú trong xã hội: đó là không bao giờ một phụ nữ được gọi là lịch thiệp. Người ta bảo rằng bà nọ cô kia dễ có thiện cảm, nhã nhặn, dễ thương, chứ không ai nói họ lịch thiệp.

Có vẻ như sự lịch thiệp là một nhân đức chỉ được dành cho nam giới. Có phải vì những phẩm chất hàm chứa trong nhân đức lịch thiệp đã là bẩm sinh đối với nữ giới, nên hầu như là một sự thừa thãi và khiếm nhã, khi đề cập đến những gì đương nhiên là của riêng họ ? Phải chăng vì nguyên ý nghĩa của hạn từ "lịch thiệp" đã nói lên một trong những thái độ mà phái mạnh phải có đối với phái yếu ?

Hay là có phải vì có rất ít người trong phái tu mi nam tử chịu để ý đến những nhân đức hàm chứa trong " đức lịch thiệp" như : sự phong nhã, sự tế nhị, sự dễ thương ? Dù gì đi nữa thì đức lịch thiệp vẫn là một ưu thế của nam giới, và cũng phải nhìn nhận rằng họ sử dụng nhân đức này cách rất tằn tiện. Những con người lịch thiệp với tất cả mọi người và trong mọi trạng huống quả là những con người đặc biệt . . . vì thế quả thực là tội nghiệp cho xã hội, cho hạnh phúc của nhân loại.

Sự lịch thiệp là một nhân đức không có dáng vẻ gì bên ngoài cả. Nhân đức ấy được biểu hiện qua rất nhiều hành vi cử chỉ, mà không hành vi nào có vẻ trang trọng hết. Ngược lại, những ai tế nhị một chút thì sẽ thấy toàn bộ nhân đức ấy nói lên một tinh thần để tâm để ý đến người khác, một con tim biết quên mình, và một lòng tốt luôn luôn tỉnh táo đối với mọi người.

Nhân đức lịch thiệp mang lại sự hài hòa và dễ thương trong đối lưu rất bình thường của cuộc sống. Là một nhân đức kín đáo và quảng đại, sự lịch thiệp cốt tại những từ bỏ và những kiên nhịn :

- Không sập cánh cửa quá mạnh, không dậm thình thịch trên sân, khi chúng ta bước vào nhà mà mọi người trong nhà đã và đang yên giấc.

- Không mở máy phát thanh ầm ầm, không bật tung những cánh cửa để âm thanh bung ra cho có vẻ . . . vì cận kề nhà ta có một người bệnh cần sự yên tĩnh, một gia đình đang phiền muộn vì một người thân vừa qua đời, hay đơn giản là một học sinh nào đó đang lo lắng ôn bài cho kỳ thi sắp tới . . .

- Không vội vã tranh giành để tìm lấy một chỗ tốt trên xe đò, xe buýt . . .

- Không mai mỉa đưa ra một lời châm biếm, một câu hài hước hay một nhận xét gây phiền hà hoặc đụng chạm đến người khác.

- Không quăng vất áo quần bừa bãi hay quăng những đồ vật khác lung tung, những thứ đó đã được người vợ, người chồng, hay anh chị em, hoặc cha mẹ đã dọn cất đúng chỗ, đúng nơi.

- Không hút thuốc và bỏ tàn thuốc khắp nơi trong nhà.

- Không bước vào nhà với giày dép đầy bùn đất làm phiền hà cho những người có bổn phận quét dọn nhà cửa.

- Không la rầy hoặc mai mỉa, chua cay trước một sự vụng về vô ý của người khác, như ai đó lỡ làm bể một cái ly, một cái dĩa, một cái bình . . . hay ai đó lỡ quên lời hứa.

Tất cả những cái đó chẳng có gì quan trọng cả. Như chúng ta đã nói ở trên, sự lịch thiệp không phải là một nhân đức "mang lợi" đến cho chúng ta. Nhưng sự lịch thiệp mang không khí và mặt trời đến trong thế giới nặng nề và đen đặc của chúng ta. Nơi nào không có sự lịch thiệp, bầu trời sẽ đen tối, chết chóc và buồn thảm.

1196    19-04-2012 08:35:52