Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Giáo Dục Gia Đình - Tháng 12 năm 2003

CHỦ ĐỀ: GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

I. ĐỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 39  

Thượng Hội Đồng Giám Mục đã trình bày sứ mạng giáo dục của gia đình Kitô hựu như một thừa tác vụ đích thực, nhờ thừa tác vụ ấy Tin Mừng được thông truyền và phổ biến, đến nỗi xét trong toàn bộ, đời sống gia đình trở thành con đường đức tin, và một cách nào đó, trở thành sự khai tâm Kitô giáo và là trường học đời sống, dạy cho ta noi gương Đức Kitô. Trong một gia đình ý thức được về ơn Chúa ban như vậy, thì đúng như Đức Phaolô VI đã viết : “Mọi phần tử đều loan báo Tin Mừng và đều được loan báo Tin Mừng”.

II. CHUYỆN MINH HỌA

TÌNH YÊU CÓ SỨC HOÁN CẢI

Một tác giả Mỹ có một đứa con trai rất thích đọc sách. Để có sách đọc, cậu bé thường vào thư viện ăn cắp sách. Một hôm ông thấy trong phòng con rất nhiều cuốn sách, biết con mình ăn cắp sách của nhà trường, ông gọi điện thoại đến viên quản thủ thư viện của trường và cho biết ông sẽ bắt nó mang sách trả lại cho thư viện, đồng thời xin lỗi vì hành động tham lam của nó. Hôm đó người quản thủ thư viện của trường đã dạy cho cậu bé bài học vở lòng về sự lương thiện.

Nhưng mùa hè năm sau, khi gia đình đi nghĩ hè tại một thị trấn nhỏ, cậu bé lại vào một tiệm sách để ăn cắp những cuốn sách mà cậu thích.... Mãi đến sau kỳ nghĩ hè, người cha mới biết con mình đã tái phạm tội ăn cắp, trong cơn nóng giận, ông quăng những cuốn sách ăn cắp vào lò sưởi và bắt đứa bé đọc thật to nhiều lần giới răn thứ 7 : Chớ lấy của người.

Một năm sau, đứa bé lại tái phạm một lần nữa, lần này người cha tuyên bố sẽ trừng trị đứa con một cách đích đáng, ông đưa cậu bé vào phòng làm việc, bắt quì gối và tát vào mặt nó năm cái. Nhưng ông thấy đứa con không để lộ bất cứ dấu hối hận nào, nó không muốn khóc trước mặt người cha, nghĩ như thế, cho nên người cha mới nói với đứa con:
- Ba ra ngoài một lát, năm phút sau, ba sẽ trở lại.
Nhưng mà ra khỏi phòng và đóng cửa lại, chính ông là người đã khóc và khóc thật lớn, sau đó ông vào phòng vệ sinh rữa mặt và trở lại phòng làm việc để nói chuyện với đứa con vẫn còn trong tư thế quì....

Vài năm sau, cậu bé đã trở thành một thiếu niên, mẹ cậu đưa cậu đi mua sắm, hai mẹ con ôn lại chuyện cũ, nhất là về tật ăn cắp sách của cậu, người thiếu niên nói với mẹ:
- Kể từ hôm đó, con không bao giờ ăn cắp nữa.
Người mẹ vẫn nghĩ đến 5 cái tát đáng đời của người cha, nhưng cậu bé giải thích:
- Không phải thế, chính vì nghe ba khóc, mà con quyết tâm sẽ không bao giờ tái phạm nữa.
Trên đời không có gì quí cho bằng việc sám hối, những giọt nước mắt khóc thương con của người cha đã làm tâm hồn băng giá của đứa con trở thành ấm áp tình yêu của gia đình.

III. DẪN Ý CÂU CHUYỆN  

1. Giáo dục gia đình theo đường hướng của Hội Thánh.

Chúa nói trong Phúc Âm: "Xem quả biết cây. Cây tốt sinh ra trái tốt" (Lc 6,43). Con cái đạo đức là nhờ cha mẹ sống đạo đức. Chính đời sống đạo đức của cha mẹ thấm nhiễm vào lối sống của con cái mình.

Tông Huấn Familiaris Consortio dạy : “Nhờ kết quả của thừa tác vụ giáo dục, cha mẹ là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng cho con cái. Hơn nữa, khi cùng cầu nguyện với chúng, khi cùng với chúng lao mình vào việc đọc Lời Chúa, và khi làm cho chúng sống thân mật trong thân thể Đức Kitô - cả nơi Bí Tích Thánh Thể và nơi Hội Thánh - bằng việc khai tâm Kitô giáo, họ trở nên cha mẹ theo nghĩa trọn vẹn, nghĩa là không những họ sinh ra chúng theo sự sống phần xác mà còn theo sự sống tuôn trào từ thập giá và sự phục sinh của Đức Kitô, khi chúng ta được tái sinh trong Thần Khí.”

Cha mẹ là thầy dạy đức tin và các đức tính xã hội cho con cái, là cái nôi ươm mầm hạt giống đức tin và một hướng sống tốt cho con cái đi theo. Công đồng Vatican II trong tuyên ngôn Giáo Dục Công Giáo đã khuyên nhủ: "Cha mẹ sinh ra con, là nhà giáo dục trước tiên và chính yếu trong bổn phận giáo dục con cái. Vai trò giáo dục của cha mẹ rất quan trọng, khó có ai thay thế được. Gia đình là trường học đầu tiên dạy dỗ con cái về các đức tính cần thiết cho đời sống xã hội".

Đức Giáo hoàng Piô XI trong thông điệp về giáo dục Kitô giáo đã dạy rằng: Nền giáo dục bền bỉ nhất và hữu hiệu nhất là nền giáo dục được nhận lãnh từ một gia đình Kitô giáo có quy cũ khuôn phép. gương lành cha mẹ càng chiếu tỏ kết quả giáo dục càng lớn lao. Gia đình là trường học đầu tiên giáo dục con cái, cha mẹ là thầy cô đầu tiên dạy dỗ con cái.

Đức Giáo Hoàng Piô XII, khi nói về vai trò của người mẹ nhất thiết phải sống gần gũi với con cái cũng đã nói: “Không ai có thể thay thế vai trò người mẹ trong việc giáo dục con cái. Do đó, người mẹ cần phải có nhiều giờ và nhiều yên tĩnh để phục vụ “giáo hội tại gia” là gia đình”.

Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, trong một lá thư gởi cha mẹ nhân ngày mừng ngũ tuần của mình có đoạn: “Thưa Ba Mẹ, hôm nay con được 50 tuổi. Chúa thương ban cho con nhiều chức tước trong Hôi thánh, được đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không có trường học nào dạy dỗ và làm ích cho con bằng hồi con được ngồi trên chân ba mẹ” (ĐHV số 505).

Đức Hồng y F.x Nguyễn Văn Thuận cũng từng viết : “Chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình công giáo. Không vị giám đốc tài ba nào, hay chuyên môn đến đâu có thể làm thay cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội thánh và xã hội cũng rung rinh sụp đổ” (ĐHV số 505 ).

Nền giáo dục của gia đình Công giáo được xây trên nền tảng là lòng yêu mến Thiên Chúa và con người.

2. Giáo dục gia đình theo mẫu gương Thánh Gia.

Chúa Giêsu đã sống 30 năm ở gia đình Nazareth , hấp thụ nền giáo dục đạo hạnh của Cha mẹ Giuse - Maria. Dù là con Thiên Chúa nhưng khi đã làm người thì Ngài cũng trải qua một quá trình lớn lên dần dần về thể xác và tinh thần. Phúc âm Luca cho biết : “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và ân sủng trước Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52). Khi dự lễ trở về : “Sau đó Người theo Cha me về Nazareth và hằng vâng phục các Ngài.” (Lc 2, 51). Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu thì tiến tới thêm khôn ngoan và vóc dạng. Ngài tăng triển trong quá trình làm người như mọi người chúng ta.

Khi mới sinh ra hay nằm trong nôi Chúa Giêsu chưa có sự khôn ngoan như khi ở tuổi 30. Chúa Giêsu đã phải lớn lên dần dần về thể xác và về sự khôn ngoan như tiến trình làm người của con người. Trong tiến trình ấy Đức Mẹ và Thánh Giuse đóng một vai trò quan trọng. Thánh Giuse dạy cho Trẻ Giêsu một nghề nghiệp: nghề thợ mộc và có thể nói thêm về cách đối xử với mọi người trong xã hội. Đức Maria dạy cho Trẻ Giêsu cách cầu nguyện theo truyền thống Israel .

Các nhà tâm lý học cho biết rằng : đứa trẻ cần đến sự nâng đỡ của người cha cũng như người người mẹ. Người cha tạo cho con cái hùng, cái nghiêm trang mực thước. Người mẹ ảnh hưởng trên cảm tình con cái về sự tế nhị, dịu dàng, bao dung. Vì thế đứa trẻ mồ côi cha thường sống uỷ mỵ, nhát đảm thiếu cương quyết và nghị lực. Đứa trẻ mồ côi mẹ thường mang tính cứng cỏi, cộc cằn, dể u buồn, thiếu tế nhị vui tươi. Đứa trẻ thường được giáo dục về đời sống tình cảm và lý trí.

Đời sống tình cảm dễ ảnh hưởng nơi người mẹ, đời sống lý trí thường nhờ cậy người cha. Do đó người Ý có lý khi nhận xét : Người mẹ yêu thương dịu dàng,người cha yêu thương khôn ngoan. Người Anh nhận xét chí lý : Khi còn thơ con cái bú mẹ, lúc lớn khôn chúng lại bú cha. Tục ngữ Việt nam có câu : Mẹ đánh một trăm không bằng cha ngăm một tiếng. Nền tảng cho việc đào tạo lý trí và tình cảm là đạo đức, trên nền móng đạo đức vững chắc để xây ngôi nhà gia đình.

Thánh gia là một gia đính lý tưởng, đạo đức, yêu thương chăm lo cho nhau. Bầu khí yêu thương đạo hạnh Thánh gia là trường học đầu tiên huấn luyện Chúa Giêsu, Thánh gia là trường dạy cầu nguyện, dạy giáo lý, dạy lao động, dạy yêu thương đến hiến mình cho người khác, chuẩn bị cho Chúa Giêsu gánh vác sứ vụ Chúa Cha trao phó sau này. Chúa Giêsu đã vâng phục kỹ luật trường này, chấp nhận những vị thầy đầu tiên là cha mẹ và Ngài đã lớn lên chững chạc, trưởng thành, quân bình thể xác trí tuệ, tâm linh. Chúa đã sống học tập rèn luyện 30 năm để rao giảng 3 năm.

3. Những gương sáng giáo dục gia đình.

+ Vai trò người cha trong việc giáo dục gia đình: Là chồng, là cha và là người điều khiển vận mạng gia đình, người cha có bổn phận sống gương mẫu cho gia đình noi theo, nhất là trong đời sống đức tin, qua việc cầu nguyện chung trong gia đình chẳng hạn. Bởi vì, không có lời giảng dạy nào hùng hồn và thuyết phục con cái cho bằng, thái độ khiêm tốn bày tỏ Đức Tin của người cha, khi ông quỳ gối trước bàn thờ gia đình, và hướng dẫn toàn thể gia đình, cùng nhau đọc kinh tối sáng.

Thái độ người cha dạy con cái rằng: Trước hết và trên hết, chúng ta phải thờ phượng và tuân phục một mình Thiên Chúa. Ngài chính là Người Cha gia đình tuyệt vời nhất.

Các buổi đọc kinh chung trong gia đình cũng nhắc đôi vợ chồng nhớ ơn thánh Bí Tích Hôn Nhân vẫn tuôn đổ trên họ mỗi ngày.. thôi thúc họ thưa với Chúa: “Chúng con cố gắng chu toàn trách nhiệm Chúa ban, xin Chúa hãy ban ơn trợ lực chúng con”

+ Vai trò của người mẹ trong việc giáo dục gia đình: Vì những ràng buộc chặt chẽ của người mẹ với người con ngay trong những ngày tháng còn trong thai kỳ, cũng như sau này khi em chào đời đã làm cho vai trò làm mẹ của người phụ nữ trở thành mật thiết, gắn liền với cuộc sống người con hơn. Do đó, khi đề cập tới vai trò làm mẹ, thì đặc tính giáo dục phải được kể là ưu tiên và cần thiết nhất.

Người Việt Nam có câu: “Phúc đức tại mẫu”. Ý nói, cái phúc đức của người con kín múc từ nơi người mẹ. Hoặc cũng có thể là người con nào đó sẽ thấy mình thật có phúc vì có một người mẹ gương mẫu, đạo hạnh và biết cách giáo dục con, như trường hợp của Thánh Anphôngxô, Đấng Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế. Khi nói về mẹ mình, Ngài đã hãnh diện kêu lên: “Tất cả những gì tôi có, đều do mẹ tôi ban cho”.

Tâm lý phát triển và tâm lý giáo dục cho hay, ngay từ khi em bé được hoài thai trong lòng thai mẫu, em đã mang trọn vẹn những gì mà cha em và mẹ em cho em. Từng ngày, và từng giờ em lớn lên, sống bằng những dòng máu nóng của mẹ, và ảnh hưởng từng hơi thở, lời nói, hay một tác động nhỏ của mẹ. Chính vì thế, khi lọt lòng mẹ, dù em chưa nhìn thấy mẹ em là ai, nhưng bản năng và sức cuốn hút của người mẹ đã cho em biết rõ ràng chỉ có một người nào đó mới chính là mẹ em. Và rồi em hoàn toàn lệ thuộc vào người ấy. Đó cũng là sức mạnh vô hình và siêu việt của người mẹ, nằm trong hai thiên chức cao cả nhất của người phụ nữ, là thiên chức làm vợ và làm mẹ.

+ "Dạy dỗ và thông truyền Đức Tin cho con cái bằng chính gương sống" . Đó là phương châm của gia đình bà Bernadette và ông Renaud Chaboussou, người Pháp. Khi trả lời cho câu hỏi về cách giáo dục đức tin cho con cái, hai ông bà khiêm tốn: “Chúng tôi không có lý thuyết nào về việc giáo dục niềm tin cho con cái. Ngay từ đầu, chúng tôi chỉ có một mơ ước nhỏ bé. Đó là hết lòng yêu thương, cũng như trìu mến chăm sóc con cái. Về phương diện thiêng liêng, trái tim cần lớn lên. Do đó, lời chúc lành và kinh nguyện đọc bên cạnh chiếc nôi là phương thế hữu hiệu nhất giúp trẻ thơ làm quen với sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài là Chủ Tể trời đất muôn vật”.

Về việc sống đạo, gia đình Chaboussou tuân giữ việc đi lễ Chúa Nhật, cầu nguyện đọc Kinh Thánh chung nơi gia đình. “Chúng tôi dành thời giờ cầu nguyện chung với con cái. Cầu nguyện hàng ngày khi chúng còn nhỏ và hàng tuần khi chúng đã lớn. Chúa Nhật, ngoài việc tham dự Thánh Lễ còn có thêm việc suy gẫm Lời Chúa. Con cái chia sẻ những gì chúng cảm nghĩ tự đáy lòng.”.

Giáo dục con cái qua chứng tá đời sống của cha mẹ : “Chúng tôi giáo dục và thông truyền Đức Tin bằng chính cuộc sống. Chúng tôi sống sâu xa Đức Tin và dành thời giờ để phụng sự Thiên Chúa cũng như để giúp đỡ tha nhân”. Bà Bernadette nhấn mạnh: “Đức tin là hồng ân đến từ Thiên Chúa, nhưng cha mẹ thông truyền Đức Tin cho con cái bằng chính cuộc sống Đức Tin của mình”.

Điều quan trọng là làm gương cho con cái ý thức nhu cầu đời sống đức tin. phần còn lại là để tự chúng quyết định : “Chúng tôi cùng sống Đức Tin trong gia đình. Nhưng cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa phải là một cuộc gặp gỡ cá nhân riêng tư. Chính Thiên Chúa hoàn toàn tự do và làm chủ trong việc chọn lựa thời điểm thuận tiện cho cuộc gặp gỡ giữa Ngài với linh hồn. Trong tư cách làm cha làm mẹ, chúng tôi có nhiệm vụ tha thiết cầu xin cùng Thiên Chúa để Ngài sớm ban ơn lành cho đứa con nào còn đang ở xa trên con đường Đức Tin hoặc chưa sống đạo thực sự”.

+“Cây tốt sinh trái tốt” (Lc 6, 43). Ðức Thánh Giáo Hoàng Piô X (1903-1914) đã nói: "Têrêsa là Vị Thánh lớn nhất của thời đại mới". Têrêsa trở nên Vị Thánh lớn, dĩ nhiên vì Têrêsa đã biết đáp lại cách can đảm tiếng gọi của Thiên Chúa và do ơn thánh của Người. Nhưng Têrêsa nên thánh một phần lớn do công ơn giáo dục đạo đức của cha mẹ và của sự giúp đỡ tận tình của các chị trong gia đình đối với em út. Chúa nói trong Phúc Âm: "Xem quả biết cây. Cây tốt sinh ra trái tốt" (Lc 6,43). Têrêsa là trái tốt bởi cây tốt, tức thân phụ và thân mẫu: Louis Stanislas Martin và Azelia Guérin. Cả hai Ông, Bà chắc chắn sẽ được tôn phong lên bậc Chân phước trong tương lai gần đây. Vì ngày 26 tháng 3 năm 1994, Bộ Phong Thánh đã công bố Sắc lệnh công nhận tính cách anh hùng về các nhân của hai Ông, Bà. Từ nay hai Ông, Bà được tước hiệu "Ðáng kính".

Gia dình Ông, Bà Martin và Azelia là một gia đình khác thường. Khác thường không phải chỉ vì đã cung cấp cho Giáo hội một Vị Thánh, được cả thế giới biết đến và cầu khẩn, mà còn vì cha mẹ là những tín hữu thánh thiện và cả 4 người con gái đều là những vị đã hiến toàn thân cho Chúa trong Tu viện Carmel và Tu viện Visitation: tất cả đều là những linh hồn phong phú về nhân đức

Trong thư ngày 26 tháng 7 năm 1897 (năm qua đời: 30.9.1897) gửi cho người anh thiêng liêng, cha Maurice Bellière, linh mục truyền giáo, Têrêsa viết: "Thiên Chúa nhân từ đã ban cho em một người cha và một người mẹ xứng đáng trên trời hơn dưới đất".

Gia đình Ông, Bà Martin và Azelia đã chuyên cần sống cầu nguyện theo phụng vụ và trong gia đình, dự thánh lễ hằng ngày và rước lễ mỗi khi được phép, theo luật lệ thời đó, lãnh bí tích hòa giải, yêu mến Lời Chúa ....tất cả hòa quyện với việc tận tụy giáo dục con cái về nhân bản, luân lýthiêng liêng, về chăm chỉ làm việc, để cùng với cha mẹ bảo đảm kinh tế gia đình... đồng thời với việc thực thi đức ái đối với người nghèo, người túng cực cách quảng đại, qua việc đóng góp rộng rãi vào các công việc từ thiện, các nhu cầu của xứ truyền giáo, sống công bằng đối với những người phụ giúp việc cho mình...

Bà Azelia luôn luôn mong ước có một người con làm linh mục và là nhà truyền giáo. Nhưng cả hai con trai bà đã chết lúc còn nhỏ. Đáp lại lòng nguyện ước của bà, người con sau cùng, Têrêsa, không những Chúa ban cho như một nhà truyền giáo thông thường, mà là Quan Thầy các xứ truyền giáo, ngang hàng với Thánh Phanxicô Xaviê.

Tuy nhiên, giữa biết bao ơn Chúa ban, Louis Martin và Azelia Guérin còn biết lãnh nhận trong đức tin và trong bình thản, các đau khổ Chúa gửi đến. Bị ung thư nơi ngực, Azelia lãnh nhận một cách anh hùng những đau đớn không ai tả lại được. Ngày 27 tháng 8 năm 1877, Bà qua đời, để lại 5 người con gái mồ côi, con lớn nhất mới có 17 tuổi; Têrêsa cuối cùng: 4 tuổi. Với cái chết của người vợ hiền, Louis Martin gia tăng tình yêu thương và sự tận tụy để lo lắng cho các con, làm chổ dựa duy nhất cho các con mình vững tiến.

Việt Nam ta có câu : cha mẹ hiền sinh con thảo. Têrêsa Hài Đồng Giêsu và các chị được nên những vị anh hùng thánh đức là do công khó không nhỏ của cha mẹ mình.

Xin Chúa cho chúng con, các bậc làm cha mẹ biết sống đạo đức với niềm tin vào sự hiện diện của Chúa trong gia đình để mỗi thành viên trong gia đình chúng con đều được thấm nhuần tinh thần đạo đức. Amen

V. HỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 39.  

“Mọi phần tử đều loan báo Tin Mừng và đều được loan báo Tin Mừng”.

VI. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
- Gia đình là trường học đầu tiên để rèn luyện con người và đào tạo đức tin. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì đã hình thành cơ cấu gia đình cho nhân loại phát triển. Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện cho việc giáo dục gia đình, theo như ý Chúa muốn;
- Gia đình là nền tảng của xã hội. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình, thụ hưởng một nền giáo dục chân chính, biết tôn trọng nhân phẩm, tự do, trách nhiệm và thiện ích chung.

- Gia đình là tế bào của xã hội: gia đình có giáo dục tốt, xã hội sẽ an lành. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần trong gia đình đều ý thức trách nhiệm của mình, tự đào luyện chính mình và giúp nhau chu toàn bổn phận.

- Gia đình là môi trường tốt để đào tạo đức tin. Chúng ta cầu nguyện cho mỗi thành phần trong gia đình đều làm sáng ngời đức tin sống động của mình, để thông truyền đức tin cho nhau và loan truyền đức tin ấy cho các gia đình khác.

- “Dạy con, dạy thuở còn thơ; Dạy vợ, dạy lúc ban sơ mới về”. Chúng ta cầu nguyện cho người gia trưởng biết chọn một đường hướng giáo dục phù hợp với Tin Mừng của Chúa Cứu thế, hầu làm cho gia đình hạnh phúc yên vui và xã hội nhờ đó thêm an lành.

Kết thúc: Lạy Chúa, Con Chúa đã xuống thế làm người trong một gia đình thánh thiện, có nề nếp. Xin Chúa nhậm lời cầu nguyện của chúng con, ban Thánh Thần nhóm lửa yêu mến trong các gia đình chúng con, hầu gia đình chúng con được giáo dục theo như thánh ý Chúa.Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VII. ÁP D ỤNG THỰC HÀNH

THỬ TÌM MỘT CÁCH RÈN LUYỆN LƯƠNG TÂM CHO TRẺ

Gia đình nào, cha mẹ nào cũng muốn con cái mình thành nhân và thành thân. Thành thân có thể còn dễ, thành nhân thì khó hơn. Để sống cho nên người, con trẻ cần luôn vâng theo tiếng nói của lương tâm. Nhưng lương tâm chỉ hướng dẫn con trẻ một cách chắc chắn, nếu như cha mẹ chịu khó giáo dục lương tâm cho con cái mình.

Thông thường, lương tâm lấy điều thiện làm mẫu mực để theo. Được điều thiện lôi kéo, lương tâm vui thích để thực hiện. Lương tâm chính là lý trí bảo chúng ta một cách tuyệt đối điều chúng ta phải làm, mỗi khi, như những con người hoàn toàn tự do, chúng ta được lựa chọn điều chúng ta phải thi hành. Lương tâm không khuyên mà truyền, không phát biểu như một ước muốn mà phát ra một sự bó buộc: Phải. Newman nói: “Như đại diện của Đức Giêsu Kitô, lương tâm đóng vai tiên tri để cảnh cáo, vua để ra lệnh, tư tế để chúc lành hoặc nguyền rủa”. Trong linh hồn chúng ta, lương tâm là sứ giả của Thiên Chúa. Ý thức được tầm quan trọng của lương tâm trong tiến trình thành nhân, cha mẹ phải kiên trì rèn luyện lương tâm cho con cái. Theo cách nào ? Tùy mỗi người có cách thế riêng của mình phù hợp vởi hoàn cảnh , môi trường hiện tại. Cha Joseph Duhr (SJ) chỉ cho chúng ta hai cách đi liền nhau, đó là Soi Sáng, rồi Củng Cố.

SOI SÁNG

Cũng như trí hiểu, lương tâm chỉ sáng tỏ dần dần giữa bóng tối lờ mờ của giác quan và của thị dục (lòng thèm muốn). Những ngày đầu, lương tâm của người mẹ phải thay thế lương tâm của con mình và hướng dẫn lương tâm nó. Vào lúc 6, 7 tháng tuổi, đứa trẻ có thể qua nụ cười của người mẹ mà nhận ra sự đồng ý, hoặc qua nét mặt nghiêm nghị của mẹ mà nhận ra sự quở trách.

Vérine nói: “Phải cho những em thiệt nhỏ biết rằng nụ cười chỉ sự tốt, và nét buồn chỉ sự xấu”. Khoảng 5 tuổi, khi lý trí và ý thức luân lý bừng dậy, thì phải huấn luyện lương tâm đứa trẻ cách rõ ràng chắc chắn. Người mẹ phải giải thích cho con, cái gì tốt, cái gì xấu, cái gì Chúa cho phép, cái gì Chúa cấm. Và khi dạy điều gì được phép, điều gì không được, người mẹ cho em thấy sự khác biệt giữa tội “lớn” (không phải “trọng”) và tội “nhỏ”. Điều đó cần, vì con trẻ không ý thức được sự tương đối. Khuynh hướng của nó là cho những cái nhỏ tí một tầm quan trọng to tướng. Thí dụ như : Vài đồng bạc đối với nó là một món tiền lớn. Ăn cắp vài cục kẹo là một tội ác. Do đó, người mẹ phải soi sáng cho nó về chi tiết, rõ ràng và sáng sủa.

Dịp tốt nhất để huấn luyện lương tâm đứa trẻ là sự xét mình vắn tắt trước khi đi ngủ. Người mẹ ngả đầu vào con, bằng những lời êm ái, gợi lên cho con những việc nó đã làm trong ngày, và giúp nó quyết tâm. “Nào con, con đã làm gì hôm nay, nói cho mẹ nghe đi, ngoan đi con”. Nếu thấy cuộc đối đáp có vẻ khó khăn đau đớn, thì người mẹ phải hiểu ngay và phải trấn an lương tâm nó đang bị xáo động. Ra khỏi giường, bà mẹ để lại một lương tâm yên hàn và sung sướng, khéo léo, tế nhị, dịu hiền. Đó là bí quyết soi sáng những tâm hồn còn đang mò mẫm và chưa vững chắc.

CỦNG CỐ

Củng cố lương tâm trước hết là cắt nghĩa cho con trẻ hiểu rằng chính Thiên Chúa nói, qua tiếng lương tâm của nó, để tỏ ý muốn và sở thích của Ngài. Qui hướng các linh hồn mới mẻ này về Chúa là việc không khó khăn gì. Cũng như bản năng tự nhiên hướng đứa trẻ về người cha trần gian của nó, thì người được tái sinh bởi Thiên Chúa trong bí tích Rửa Tội cũng cảm thấy mình được thu hút về Cha trên trời.

1. Hãy gợi tính quan sát nơi em nhỏ : Cho em thấy màu sắc, hương vị, sự mền mại của một cánh hoa . . . và cho em biết khi dựng nên cánh hoa này, Thiên Chúa, vì yêu chúng ta, muốn làm vui mắt, vui giác quan chúng ta. Và Ngài dựng nên tinh tú, cỏ cây, thú vật . . . tất cả đều tốt đẹp, và tất cả đều giúp chúng ta tưởng nhớ đến Thiên Chúa.

2. Làm cho trẻ em tin rằng Chúa ở gần nó, ở trong nó, nên có thể nói chuyện với nó : Thiên Chúa nhìn thấy nó mọi nơi, thiên thần của nó vui hay buồn, tùy nó ngoan ngoãn hay hư hốt. Nhưng dù để sửa dạyem, cũng đừng trình bày cho em một Thiên Chúa như kiểu “ông kẹ”, hay một “ông quan tòa”. Thí dụ như một lần kia, đứa trẻ ăn vụng, bị bắt gặp, rồi bỏ chạy, vấp té và bị thương. Người mẹ tức bực nói: “Thấy chưa, Chúa phạt mầy đó”. Lúc ấy, đứa trẻ giận xung lên ném cho Chúa một tiếng không lễ phép tí nào.

3. Dạy cho trẻ Thiên Chúa công bằngnhưng tốt lành : Thiên Chúa tốt đến nỗi nó sợ làm phật lòng Người, còn sợ hơn cả làm cho mẹ nó phải khóc nữa. Đứa trẻ quen nghĩ tới Chúa ở trước mặt sẽ dễ vâng lời, cả khi cha mẹ đi vắng, và cả sau này khi nó phải sống xa gia đình. Lại nữa, vì chắc chắn có Chúa Giêsu và thiên thần luôn ở với nó, đứa trẻ không sợ đêm tối khi ở một mình, và biết giữ bình tĩnh ngay khi gặp nguy hiểm.

4. Dạy cho trẻ biết tìm vui sướng trong việc bổn phận : Một cách khác để củng cố lương tâm cho trẻ là giúp nó tìm vui sướng trong việc bổn phận. Dần dần người mẹ làm cho nó chú ý vào sự vui vẻ nội tâm khi nó làm được việc lành, sự bằng lòng nó cảm thấy đó, sẽ làm nó vui sướng hơn cái vui của giác quan.

5. Kể cho con trẻ những câu chuyện thật về các thánh tử đạo, hay hạnh các thánh : Lưu ý con trẻ về hạnh phúc mà các thánh cảm thấy, mặc dầu các ngài phải chịu đau đớn và thử thách. Chỉ có một con đường dẫn đến vui mừng và bình an ở đời này, và, dẫn đến hạnh phúc hoàn toàn đời sau, đó là con đường bổn phận. Những con đường khác chỉ dẫn đến buồn thảm, chán nản và tuyệt vọng. In sâu trong linh hồn con trẻ điều xác tín này là bí quyết của hạnh phúc, nằm trong sự chu toàn điều thiện. Đó là đường lối tốt nhất đưa con trẻ đến sự lựa chọn điều đức hạnh. Trẻ con hiểu được niềm vui thiêng liêng này và quí trọng niềm vui ấy hơn cả cái vui mà kẹo bánh và đồ chơi ban cho.

KẾT : Sự cao quí thật của con người là biết vâng theo tiếng lương tâm, vì lương tâm là một ánh sáng hơn là một sức lực, lương tâm không ép uổng không lôi kéo mà chỉ nói lên, không cưỡng bức mà chỉ đòi hỏi. Nó là tiếng nói mầu nhiệm vang lên êm đềm và lạnh nhạt trong tôi. Lương tâm như có vẻ đến từ tôi, nhưng lại trổi vượt hay là thống trị tôi. Tôi không thể bắt nó thinh lặng, cũng không thể bắt nó dối trá. Nó không kể gì đến những ước muốn hay những đố kỵ của tôi, tôi có sợ hãi hay phản kháng, nó cũng chẳng cần. Bao lâu không tuân theo nó thì nó cứ tồn tại, không chịu nguôi đi. Bởi đó, nếu cha mẹ không gắng công đào tạo lương tâm cho con trẻ thì lương tâm nó sẽ méo mó và sai lạc, rất nguy hại cho tiến trình thành nhân của nó.

VIII. TẢN MẠN

MÓN QUÀ GIÁNG SINH CỦA CHA

Tôi có một chiếc hộp dặc biệt. Đó là một chiếc hộp nhỏ bằng gỗ, có hai tay cầm bé xíu, sáng bóng và một cái khoá móc nhỏ tí. Đơn giản thôi, không chạm khắc cầu kỳ, không trau chuốt bóng bẩy. Hai mép hộp thậm chí còn không khít nhau, bản lề nắp hộp đã bắt dầu cót két.

Nhưng đó là chiếc hộp của tôi, và thỉnh thoảng tôi lấy chìa khoá ra, mở cái khoá móc. Khi tôi nâng cái nắp lên, chiếc hộp bỗng làm thức dậy những kỷ niệm đặc biệt, và những kỷ niệm đó đưa tôi về một thời gian khác, một không gian khác.

Bên trong chiếc hộp là một vài thứ lặt vặt và một bức thư. Dưới mắt người thường thì chẳng có giá trị gì mấy, nhưng đối với tôi, đó là một tài sản vô giá. Vì đó là một món quà của cha tôi.

Mùa Giáng Sinh nọ, cha đã làm cho ba thằng con trai chúng tôi mỗi đứa một cái hộp. Cha không giỏi nghề mộc lắm. Một vài mảnh gỗ cưa còn không thẳng, và những khớp nối không được khít.

Nhưng với tôi, một người thợ mộc bậc thầy cũng không làm gì được tốt hơn thế. Hình dáng chiếc hộp không được hoàn hảo, nhưng động lực phía sau đã khiến nó trở thành hoàn hảo.

Chiếc hộp là tác phẩm của hai bàn tay chai sạn, thô tháp, hiểu thế nào là cực nhọc; của một đầu óc hiểu trách nhiệm có nghĩa là gì; của một trái tim ấm áp yêu thương tôi. Bên trong chiếc hộp là một lá thư viết tay của cha gởi cho tôi. Lá thư sẽ chẳng bao giờ được xuất bản hay được đề cử cho một giải văn chương nào cả. Đó chỉ là một lá thư đơn giản diễn tả sự dịu dàng mà cha tôi không biết phải nói sao bằng lời cho hay được. Đó là một lá thư nói cho tôi hay biết cha tự hào về tôi như thế nào, và rằng cha yêu tôi.

Vài tháng sau Giáng Sinh năm đó, cha tôi qua đời. Cha tôi không để lại nhiều tiền hoặc một căn nhà lớn. Nhưng cha đã để lại cho tôi chiếc hộp. Bằng một chiếc hộp giản dị và bằng một thông điệp giản dị, cha đã để lại cho tôi tình yêu.

Nhiều năm đến rồi lại đi, chiếc hộp đối với tôi càng trở nên giá trị hơn. Chiếc hộp đó là lời nhắc nhở rằng. Chỉ những món quà từ trái tim ta mới có thể mang giá trị lâu bền.

Mặt hộp được chà bóng mịn màng như tượng trưng cho sự nhọc công và kiên nhẩn mà tôi phải cố gắng đạt được. Sự rắn rỏi của gỗ là hình ảnh thu nhỏ của sức lực bền bỉ mà tôi cần phải có khi đấu tranh qua những khó khăn của cuộc đời. Những chỗ khiếm khuyết và những vết rạn mở ra cho tôi thấy rằng sự hoàn hảo không phải nằm ở dáng vẻ bên ngoài. Và giống như bức thư nằm trong hộp, chiếc hộp chỉ cho tôi thấy rằng sự ấm áp và tình yêu đến từ bên trong, từ trái tim.

Giống như chiếc hộp, tôi cũng có những sứt sẹo, thô ráp, không ăn khớp. Cũng giống như bức thư làm cho chiếc hộp lắp dầy tình yêu, tôi biết rằng tình yêu hoàn hảo của cha đã lắp đầy tôi, biến tôi thành một tạo vật đẹp đẽ.

Chúc các bạn nhận được món quà Giáng Sinh giống như vậy!

X. NGHỆ THUẬT SỐNG

THƯỞNG THỨC CUỘC SỐNG

Còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, dưa hấu là một thứ đặc sản ngon tuyệt. Một trong những người bạn thân của ba tôi, ông Bernie, là một nhà thầu hoa quả và rau tươi rất giàu có.

Cứ mỗi mùa hè, khi những trái dưa đầu tiên được lăn từ ruộng dưa về, ông Bernie lại gọi điện. Ba và tôi sẽ tới chỗ ông làm việc, ngồi chống hai tay trên cầu tàu, chân thò xuống đong đưa, cố ngăn nước bọt chảy ra.

Ông Bernie thường sẽ dùng một con dao, tách quả dưa đầu tiên ra, đưa cho hai cha con tôi mỗi ngừơi một miếng thật to trước, rồi ngồi xuống cạnh chúng tôi. Cả ba người sau đó sẽ vục mặt vào trong miếng dưa, chỉ ăn lấy cái phần ngon nhất của quả dưa: cái lõi đỏ - phần đó không có hạt, thịt dày, đỏ mọng, nhiều nước nhất, và ngọt ngào nhất..

Chỉ ăn lấy cái lõi đó thôi, còn lại thì quăng đi.

Bernie là mẫu người giàu mà ba tôi ngưỡng mộ. Lúc nhỏ, tôi vẫn nghĩ, chắc tại ông ấy làm ăn giỏi thế mà. Phải mất nhiều năm sau tôi, mới nhận ra rằng điều mà ba tôi ngưỡng mộ ở ông, không phải là những tài sản ông có, mà là cách ông sử dụng những tài sản đó như thế nào. Ông biết khi nào thì nên ngưng làm việc, ngồi lại với bạn bè và chỉ ăn lấy phần lõi của quả dưa hấu.

Điều mà tôi học được ở Bernie là: giàu có không nằm trong ví, mà còn nằm trong đầu nữa. Nhiều người trong chúng ta mới có một chút tiền thôi, đã túi bụi lên rồi, không còn đủ một chút tự do để có thể ăn được cái lõi đỏ của miếng dưa. Những người khác nữa thì giàu quá và ham làm tiền quá, đến nổi thậm chí không nghỉ đến việc ngồi thong thả mà ăn dưa, trong đầu chỉ có tiền và tiền.

Nếu bạn không biết dể ra một chút thời giờ, ngồi đong đưa chân trên cầu tàu, tận hưởng những thú vui nho nhỏ của đời, thì coi chừng, bạn đang để nghề nghiệp mình khống chế mình rồi đó.

Phải mất mấy năm, tôi đã quên mất bài học mình đã học được khi còn nhỏ trên cầu tàu. Tôi đã quá bận rộn kiếm tiền cho đầy túi.

Rồi, bây giờ tôi ôn lại bài học đó một lần nữa. Tôi đã biết dành thời gian ra để thưởng

thứcnhững thành quả của người khác nữa, biết làm cho mình vui trong một ngày. Đó chính là cái lõi đỏ của quả dưa. Và tôi đã học được một điều nữa: phải biết mạnh tay vứt bỏ những phần thừa đi. Cuối cùng, như thế tôi là người giàu có. (dịch từ internet)

SỐNH NĂM THÁNH
(03.07.03-03.07.04)

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO ĐỨC
THEO GƯƠNG HAI THÁNH TỬ ĐẠO
PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH & GIUSE NGUYỄN VĂN LỰU

I. ĐỌC LỜI CHÚA : Ga 21, 15-19

Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô : “Nầy Simôn, com ông Gioan, con có mến Thầy hơn các anh em nầy không?” Ông đáp : Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu nói với ông : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Người lài hỏi ; “Nầy Simôn, con ông Gioan, con có mến Thầy không?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba : “Nầy Simôn, con ông Gioan, con có mến Thầy không?” Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần : “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp : “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giêsu bảo: “hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết; lúc còn trẻ, con tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, con sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn con đến nơi con chẳng muốn. người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : “Hãy theo Thầy.”

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM.

Đức Giêsu ba lần hỏi Phêrô có yêu thương Ngài đến độ hy sinh tất cả để phụng sự Ngài không? Chúa cũng hỏi mỗi người chúng ta như vậy.

III. CHUYỆN MINH HỌA  

MỘT LÒNG SẮT SON

Truyện kể về một sứ giả Việt Nam sang gặp vua Tàu để cầu hòa. Người Tàu muốn thử tài sứ giả, liền đưa cho một cái ống có lỗ nhỏ xíu và ngoằn ngoèo, rồi đưa cho một sợi chỉ bảo phải xỏ qua lỗ đó. Ai có tài sức đâu mà xỏ nổi, chuyện thật oái oăm!

Nhưng vị sứ giả Việt liền nghĩ ra ngay một kế: ông kiếm ra một con kiến, lấy sợi chỉ buộc ngang lưng nó, rồi lấy mở bôi ở đầu lỗ bên kia. Ông cho con kiến chui vào đầu lỗ bên này. Con kiến ngửi thấy mùi mỡ, liền hăng hái bò tới, luồn qua các ngóc ngách ngoằn ngoèo, chả mấy chốc mà đã qua được bên kia, kéo theo cả sợ chỉ. Thế là vị sứ giả Việt đã thắng cuộc, khiến vua quan Tàu phải thán phục tài trí dân Việt.

IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

Hình ảnh trên cũng giống một phần nào người có lý tưởng đích thật. Khi đã khám phá ra mình trúng độc đắc cả mấy chục triệu, thì những chuyện mấy đồng bạc chẳng thấm thía vào đâu. Một khi đã khám phá ra Chúa là kho tàng quí báu và nếm được tình Chúa ngon ngọt như thế nào, thì không một khó khăn khúc khuỷu nào có thể cản trở được nữa. Không có gì có thể tách lìa ra khỏi tình Chúa yêu thương.

Thánh Philipphê Minh và Giuse Lựu đã cảm nghiệm Chúa, sống được Tin Mừng và phục vụ Giáo Hội bằng một tinh thần xác tín:

1. Tinh thần dứt khoát chọn lựa:

Hai vị Thánh tử đạo đã nhìn thấy rõ đích điểm và giá trị đời sống. Khi đã nhìn thấy rõ lý tưởng cao đẹp mình là hình ảnh Chúa, là loài chim phượng hoàng bay cao, là con của Chúa, được thừa hưởng gia tài sung túc vô biên nước Trời, các ngài sẽ không bao giờ chịu làm kiếp gà chỉ biết coi những con sâu con bọ là món ăn ngon lành.

Mọi sự Chúa ban như phương tiện để giúp tiến về đích điểm đó, mà nếu chúng cản trở thì sẵn sàng cắt bỏ. Đó là nguyên lý nền tảng đời sống. Thái độ dứt khoát chọn lựa lý tưởng này đã làm cho hai vị thánh có thể cắt bỏ những ràng buộc, để có thể tung mình bay lên được như phượng hoàng.

Cũng giống như câu chuyện Chúa Giêsu trên hoang địa, các ngài cũng phải đương đầu với những thử thách: bị cám dỗ biến những nhu cầu vật chất và thân xác như bánh ăn hay được an bình trở về làm đích điểm đời sống, ngoài ra không còn gì hơn nữa; bị cám dỗ đạt thành công trước mắt bằng sức trai trẻ của mình; bị cám dỗ thờ lạy tà thần để được làm quan có địa vị chức tước quyền uy, và hưởng những thú vui chóng qua.

Khi không đe dọa được, quan đã đưa lời ngon ngọt để dụ hai ngài : nếu bằng lòng bỏ đạo thì sẽ an bình và được làm quan. "Tôi chỉ ước mong làm quan có địa vị trên Trời, chứ làm quan dưới đất thì tôi không thèm."

2.Tinh thần dứt khoát lập trường, không viện cớ trì hoãn.

Quan đã tỏ dấu thương mến để dụ ngọt:" Ngươi còn trẻ, lại khôi ngô tuấn tú, hãy đạp ảnh theo lệnh vua để được tha, rồi sau đó về giữ đạo thế nào thì giữ. Cứ bỏ đạo đi đã rồi tính sau."

Đây là cơn thử thách "cám dỗ" nguy hiểm nhất đối với Thánh Philipphê Minh cũng như đối với chúng ta ngày nay, vì chỉ cần nhắm mắt chiều theo một chút có sao đâu. Rồi vì còn trẻ, còn đủ giờ làm lại cuộc sống mà. Nhiều khi lấy cớ này cớ kia để bào chữa cho những hành động bất chính của mình: "Nhiều người lỗi phạm như vậy cả mà, tại sao tôi phải giữ luật Chúa kỹ quá?!" Hoặc: "Cũng biết là không hợp luật Chúa, nhưng mà hoàn cảnh khó khăn, chắc Chúa nhân lành thông biết. Rồi còn dịp làm tốt mà"...

Hai vị Thánh tử đạo quả là một gương mẫu cương quyết nêu cao cao niềm xác tín sống đạo, có lập trường rõ ràng, không nhập nhằng nửa nạc nửa mỡ, không toa rập viện cớ này cớ kia hay giả vờ cho qua chuyện kiểu ai sao tôi vậy . " Đạo dạy tôi thờ kính Thiên Chúa là đạo thật, tôi không thể bỏ được. Tôi sẵn sàng bị chém đầu chứ không chịu bỏ đạo".  

3. Tinh thần kỷ luật và trách nhiệm.

Để đạt mục đích lý tưởng thì phải có đường lối và ý chí cương quyết theo kỷ luật, luật Chúa và luật Giáo Hội, chứ không phải luật rừng, hay luật của lương tâm cùn.

Được lệnh bề trên đi vào miền Nam rộng lớn, xa xôi hiểm trở, dù đang hoàn cảnh khó khăn bắt đạo dữ dội, Thánh Philipphê Minh vẫn tuân lệnh bề trên. Ngài đã nói với chị: "Dù không gặp ngài, em cũng phải tới nơi cho chắc. Cha gọi em, em không thể không đi."

V. CÁC THÁNH TỬ ĐẠO ĐÃ SỐNG NHƯ CHÚA GIÊSU

Cái chết tủi nhục đau thương trên thập giá của Đức Giêsu biểu lộ tình yêu vâng phục tự nguyện của Người đối với Chúa Cha và lòng thương bao la đối với con người : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15. 13 ).

Thánh Phêrô qua bài Phúc Âm trên cũng được Chúa mời gọi hãy yêu thương ngài cho đến độ phục vụ đến cùng cho anh em của ngài.

Hai Thánh Tử Đạo Philipphê Phan văn Minh và Giuse Nguyễn văn Lựu cũng đã thể hiện tính quyết liệt trong việc dứt khoát chọn lựa phục vụ Chúa, yêu thương Chúa hơn cả mạng sống của mình.

Cả hai vị thánh đã chứng minh rằng, dù trong bậc sống nào, với ơn Chúa và tình yêu nồng cháy, chúng ta đều có thể biến cuộc đời mình trở nên hiến lễ tình yêu theo gương Chúa Giêsu.

Xin hai thánh Tử Đạo giúp chúng con ý thức rằng, mỗi người đều được mời gọi sống cho Chúa theo bậc sống của mình và trong nhiệm vụ nào chúng con cũng có thể nên thánh được, nêu toàn tâm toàn ý phục vụ Chúa và anh em như một người đầy tớ trung tín. Amen

VI. HỌC LỜI CHÚA: Ga 21, 17

“Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.  

VII. L ỜI NGUYỆN GIÁO DÂN  

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
- Chúa Giêsu phán: “Ta đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc muôn người” (Mc 10,45). Giáo Hội được thiết lập từ cuộc hiến mình phục vụ của Chúa Giêsu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho chúng ta và cho mọi Kitô-hữu:

- Chúa Giêsu nói với Phêrô: “ Hãy chăn các chiên của Ta ” . Chúng ta cầu nguyện cho các cấp lãnh đạo trong Hội Thánh, được nhiều ơn Chúa về phần hồn và phần xác, mà phục vụ Giáo Hội bằng việc hướng dẫn cộng đoàn tới quê Thiên đàng.

- Chúa Giêsu phán: “Ai phục vụ Thầy, hãy theo Thầy”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu luôn làm phát triển các ơn do Bí tích mình đã lãnh nhận, để góp phần xây dựng Hội Thánh Chúa Kitô.

- Thánh Philipphê Minh trong chức vụ linh mục đã phục vụ Giáo Hội Việt Nam , bằng chính máu tử đạo. Chúng ta cầu nguyện cho các hàng linh mục và giáo dân Việt Nam , cũng tận tình phục vụ Giáo Hội.

- Thánh Giuse Lựu đã hướng dẫn cả gia đình phục vụ Giáo Hội. Chúng ta cầu nguyện cho các Quới chức trong các họ đạo, biết theo gương thánh Giuse Lựu mà phục vụ việc chung trong họ đạo mình.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng trong việc tuyên xưng đức tin và trong việc phục vụ Giáo Hội. Xin Chúa ban Thánh Thần đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, để chúng con cũng yêu mến và dấn thân phục Giáo Hội Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VIII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH: NIỀM VUI TÔNG ĐỒ

Xin được giới thiệu với các bạn bài chia sẻ của cha Léon de Grandmaison, một linh mục dòng Tên, người Pháp, về Niềm Vui khi phục vụ Chúa và Giáo Hội, mà ngài gọi là “Niềm vui tông đồ”, có thể giúp chúng ta chu toàn tốt hơn việc bổn phận hằng ngày của mình với ý hướng phục vụ Chúa và Giáo Hội. Bài chia sẻ như sau :

Chắc chắn là mọi công việc, mọi thể hiện, mọi hoạt động tự nhiên, miễn là đừng quá nặng nề, mệt nhọc, hay vượt quá xa tài sức của chúng ta, đều kèm theo một sự thích thú tự nhiên, hoặc ít ra một sự hài lòng nào đó. Người ta thích làm điều mình có thể làm một cách thư thả, mà không phải tốn quá nhiều công sức.

Một nông dân thích nhìn một cánh đồng đã làm cỏ cẩn thận, và thưởng thức niềm vui là dắt bò đi thật thẳng, tạo nên những luống cày đều đặn. Công việc của tôi, bất cứ là viêc gì - trừ các trường hợp ngoại lệ, khó khăn nặng nề - có thể và còn phải đem lại niềm vui cho tôi nữa, ít ra thông thường là như vậy, và nhất là khi đã có thời gian.

Sự ưa thích hoạt động đó là một sức mạnh mà ta không thể bỏ đi, trái lại còn phải khiến cho nó gia tăng lên nữa, như tất cả những gì có thể biến tôi thành một khí cụ hữu hiệu hơn trong hoạt động tông đồ; nhưng nó lại cũng là một nguy hiểm rõ rệt nếu tôi không đề phòng, bởi nó có khuynh hướng đề cao lòng tự ái của tôi, đưa tôi đắm chìm trong chính công việc, và giới hạn cái nhìn các tham vọng, các dự tính của tôi ở trong đó mà thôi.

Giải pháp thực tiển là loại bỏ, diệt trừ, ít ra là làm kiệt quệ các yếu tố ích kỷ, nhỏ nhen nguy hiểm, đồng thời vẫn giữ lại và gia tăng cái gì là sức mạnh tông đồ trong hoạt động tự nhiên. Để thực hiện điều đó, tôi phải tự thoát khỏi thú vui do hoạt động đem lại, hay sự bực bội tự nhiên tôi vẫn thường gặp phải, trong khi hoạt động do các cản trở, thất bại và các yếu đuối của mình. Tự thoát khỏi sự bực bội hay vui thú đó có nghĩa là : Không bám lấy nó khi nó đến, không cố tình tìm vui thỏa trong đó; và không khư khư giữ cho được bằng mọi giá; không làm ít đi khi thiếu niềm vui thú, khi hoạt động của tôi yếu ớt hay ít hiệu quả.

Nhưng mặt khác lại phải khơi động trong tôi tinh thần và sự ưa thích hoạt động đó, vì những lý do cao hơn thuộc lãnh vực công việc tông đồ, đón nhận không ngần ngại niềm vui kèm theo nó, như là đến từ Thiên Chúa, và quả là như vậy.

Tóm lại, làm mọi sự với niềm vui do tự công việc đó mang lại, nếu có, và không làm một điều gì vì ham vui. Biết bỏ vui thú nếu cần, biết tận tụy để tâm vào các công việc tầm thường, tối tăm, xa vời, chung chung, trong đó sự thiện ẩn kín, cái đẹp bị che giấu. Biết sẳn sàng làm các việc cả đời, và khi ngược lại, công việc nhiệm vụ của tôi tạo thuận lợi cho sự ưa thích cái tốt, ưa thích các công việc hoàn thành mỹ mãn, thì cũng đừng bám vào đó.

Như thế, tất cả mục đích đời người, và đời tông đồ của tôi chỉ nhằm thưởng thức thú vui đó mà thôi, nhưng phải nâng cao và thanh luyện niềm vui này. Động cơ và gương mẫu chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng chí ái hơn hết mọi sự, hơn cả chính mình. Ngài là Vẻ đẹp tối cao, là Chân lý nhập thể, là Con đường thẳng tắp, là Sự Sống thượng đẳng và thần linh.

1100    19-04-2012 08:33:33