Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Giáo Hội Là Nhiệm Thể Chúa Kitô - Tháng 02 năm 2012

LỜI CHỦ CHĂN

TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2, Vĩnh Long

          31.01.2012

V/v Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô

 

Kính gởi:  Các Linh Mục, Các Tu Sĩ Nam Nữ
               Và Anh Chị Em Giáo Dân Địa Phận Vĩnh Long

 

1.  Tại Đền Thờ Giêrusalem, Hài Nhi Giêsu được Thánh Thần công bố là  Aùnh Sáng muôn dân (Luca 2,32). Các  Đạo sĩ từ phương Đông tìm đến Giêrusalem  để triều bái Vua người Do Thái mới sinh, đã tiên báo ọn gọi lương dân vào trong vương quốc của Chúa Kitô (x. Mt 2,1.6) . Khi chịu phép Rửa tội, mỗi người tín hữu chúng ta lãnh nhận ánh sáng đức tin,  cùng với sứ mạng làm chứng Chúa Kitô là Aùnh Sáng muôn dân (x. Nghi Thức Rửa tội; Luca 24,48), làm sao cho muôn dân đón nhận đức tin  và trở thành môn đệ của Chúa Kitô (Mt 28, 19).

 

2.  Cũng như các Tông Đồ được chọn để ở với Chúa và được Chúa sai đi (Mc 3,14)  các tín hữu hợp ï thành một Thân Thể trong Chúa Kitô (Lumen Gentium 7; x.1 Cor 12,12) làm Bí tích  hữu hình, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ  của sự  kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và  hợp nhất toàn thể nhân loại (LG 1). Sự kết hợp với Chúa Kitô là then chốt  của Hội Thánh và cũng là nền tảng của sứ mạng loan báo Tin Mừng.

 

3.  Thánh Phaolô, hơn ai hết, luôn quả quyết về sự kết hợp mật thiết giữa Chúa Kitô và các tín hữu  (Roma 12,4; 1 Cor 12,12). "Anh em là Thân Thể của Chúa Kitô, và ai theo phận nấy mà làm chi thể" cho nhau (1 Cor 12,27). Chính Phaolô đã nghe Đấng Phục Sinh quả quyết với ông trên đường đi Đamas: Ta là Giêsu ngươi đang tìm bắt (x. Act 9,3-5 ; 26,12-16).

 

Lúc đó Phaolô là người nhiệt thành với Do Thái giáo, quyết tâm bảo vệ Lề Luật Môi sen, lùng kiếm huỷ diệt các tín hữu Kitô (x. Act 8,1.3; Gal 1,13) . Ông đâu có bắt bớ Đức Kitô.  Nhưng tiếng của Đấng Phục Sinh nói với ông: Sao người tìm bắt bớ Ta, và còn quả quyết với ông rằng: Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm bắt. Như thế Phaolô phải thấy rằng  Các tín hữu và Đức Kitô là một, và các tín hữu không thể tách rời Đức Kitô  được .

 

Các tín hữu kết hợp vói Chúa Kitô như Thân Mình với Đầu (x Eph 3,22; 1 Cor 11,3; Eph 4,13. 5,23) và kết hợp  với nhau  như những chi thể trong Thân Mình của Chúa Kitô (Rom 12,5).  Phải duy trì sự hợp nhất của Thánh Thần trong giây liên kết hoà thuận; chỉ có một Thân mình và một  Thánh Thần (Eph 4,3-4) mà Chúa Cha ban cho Hội Thánh (x. Gal 4,6; 1 Cor 2,12).

 

Xác không có hồn là xác chết (x.Jac 2,6),  người Kitô hữu  không kết hợp với Hội Thánh thì có khác chi với cành lìa cây sẽ khô héo. Thế nên tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong một Thánh Thần (1 Cor 12,13; 6,11), nên phải sống theo Thánh Thần. Để sống bởi Thánh Thần, thì ta cũng phải hướng theo Thánh Thần mà tiến bước (Gal 5,25).

 

4.  Nhờ Phép Rửa, chúng ta đã trở nên con cái Thiên Chúa, được thông chia địa vị làm con của Chúa Kitô, được thông phần sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi (Gal 3,26; Roma 8,14-15.29). Và để chúng ta  sống trọn ơn gọi làm con, thì Thiên Chúa ban Thánh Thần cho chúng ta: Bởi vì anh em là con cái , thì Thiên Chúa sai Thánh Thần của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, lạy Cha  (Gal 4,6).

 

Hội Thánh là Nhiêm Thể của Chúa Kitô vì được cứu chuộc nhờ máu châu báu của Chúa Kitô và được kết hợp trong Chúa Thánh Thần để làm thành Thân Thể của Chúa Kitô là Đầu, là Thủ Lãnh ( x. Thư chung hậu ĐH Dân Chúa, số 12).

 

5.  Việc hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa và sự hợp nhất của Dân Thiên Chúa, nhờ đó mà Hội Thánh tồn tại, được diễn tả cách xác đáng và thực hiện cách kỳ diệu nhờ Bí Tích Thánh Thể (Sách GL của HTCG 1325). Khi cử hành Thánh Lễ, Hội Thánh nài xin Chúa Thánh Thần  thánh hoá và biến đổi của lễ chúng ta dâng trở thành Mình và Máu Chúa Kitô , nhờ đó Người hiện diện và kết hợp chúng ta với Người, để tiến dâng chúng ta làm một với Người.  Sau đó Hội Thánh còn nài xin Chúa cho chúng ta khi thông phần Mình và Máu Chúa Kitô  (hiệp lễ), được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần  (x. Kinh nguyện Thánh Thể II).

 

Vì thế, Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa nhắc lại: Thánh Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh (x. Bênêđitô XVI, Sacramentum Caritatis 14-15; Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia 11-24).

 

Vì phải chu toàn bổn phận  phục vụ  Bàn Thánh Chúa và Hội Thánh,  các mục tử được mời gọi chú tâm cho việc cử hành Thánh Thể thật sốt sắng và xứng đáng. Phải lo liệu sao cho cộng đoàn tham dự Thánh Lễ cách ý thức và sống động hơn (x. Sacramentum Caritatis 36-55; 72-76).  Và cũng phải thúc đẩy và canh tân việc sùng kính Thánh Thể, vốn đã từng nổi bật trong truyền thống Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam (x. Sacramentum Caritatis 66-69; Ecclesia de Eucharistia 25).

 + Tôma Nguyễn Văn Tân
            
Giám Mục của Anh Chị Em

THƯ MỤC VỤ

 

Tháng 02/2012

CHỦ ĐỀ: GIÁO HỘI LÀ NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ

 

Giáo Hội là Nhiệm Thể Đức Kitô, có Đức Kitô là Đầu, Thủ lãnh, nguyên lý sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Giáo Hội được chuộc lại không phải bằng vàng bạc, nhưng bằng Máu châu báu của Đức Kitô (x. 1 Pr 1, 18-19).

 

Khi được qui tụ và hợp nhất quanh vị giám mục nơi bàn tiệc Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, thông phần vào sự sống Đức Kitô và được biến đổi nên giống Người,  được xây dựng thành cộng đoàn hiệp thông huynh đệ và dấn thân rao giảng Tin Mừng. Như thế, Thánh Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội.  Do đó, các mục tử phải chú tâm đến việc cử hành Thánh Thể thật sốt sắng và xứng đáng, nhất là ngày Chúa Nhật, và hướng dẫn cộng đoàn tham dự Thánh Lễ cách ý thức, tích cực và sống động hơn. Các ngài cũng cần thúc đẩy và canh tân việc sùng kính Thánh Thể, vốn đã từng nổi bật trong truyền thống Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam

 

Ý thức về thân phận tội lỗi của mình,  các tín hữu cần khiêm nhường thống hối và đón nhận ơn tha thứ qua bí tích Giao Hòa, để xứng đáng là chi thể trong Nhiệm Thể Đức Kitô. Bí tích Giao Hòa vừa là bí tích của hiện tại qua việc tha tội vừa là bí tích của tương lai nhằm xây dựng tình hiệp thông giữa gia đình con cái Thiên Chúa. Ước mong các mục tử luôn quảng đại và sẵn sàng hơn nữa trong việc giúp các hối nhân lãnh nhận bí tích Giao Hòa . (Thư chung hậu ĐH Dân Chúa, số 12).

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Có một ông phú hộ rất khô đạo, thường hay nói với người vợ mỗi sáng Chúa nhật khi bà và các con sửa soạn đi lễ:

 

- Em hãy đến nhà thờ dự lễ và cầu nguyện cho anh với nhé.

 

Mỗi lần gặp gỡ bạn bè nói về chuyện đạo, ông thường khoe với họ là ông không cần đến nhà thờ, cũng không cần phải đọc kinh dự lễ, vì đã có vợ ông dự lễ, đọc kinh và cầu nguyện cho cả hai rồi.

 

Ngày tháng trôi qua, một hôm ông nằm mơ thấy ông và vợ đứng xếp hàng trước cửa thiên đàng đợi đến lượt mình bước vào. Cửa trời mở ra và mọi người tuần tự vui vẻ tiến vào. Khi đến lượt ông thì thiên thần giữ cửa làm hiệu cho ông dừng lại. Thiên thần quay sang mỉm cười nói với vợ ông:

 

- Chị hãy vào thiên đàng thay cho cả chồng chị nữa!

 

Thế là chỉ có vợ ông tiến vào còn ông thì phải bơ vơ đứng ngoài. Vừa tủi thân vừa tức giận đã làm cho ông thức giấc. Ông không dám thuật lại giấc mơ cho vợ, nhưng điều làm cho bà vợ ngạc nhiên hơn cả là sáng Chúa nhật hôm đó, thay vì nói với bà như thường lệ, người phú hộ đến gần vợ và nói bên tai bà:

 

- Từ hôm nay, anh sẽ cùng với em đến nhà thờ dự lễ và cầu nguyện cho chính anh nữa.

 

Gia đình là Hội Thánh tại gia.  Mỗi thành viên trong gia đình góp phần làm cho Hội Thánh tại gia đình ngày càng triển nở rtrong đời sống ân sũng. Tuy nhiên mỗi người đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về chính mình: không ai giữ đạo thay ai cả! Cũng như không ai lên thiên đàng thay cho người khác. Mội người chịu trách nhiệm về chính mình và về người khác, nhờ ơn Chúa giúp. Đó chính là sống hiệp thông.

Vì kiêu căng muốn trở nên bằng Thiên Chúa, tổ tông loài người  đã quay lưng chống lại Ngài. Chính sự phản bội đầu tiên này đã :

- Bẻ gẫy sự hiệp thông và gắn bó với Thiên Chúa: hai ông bà tự ý cắt đứt mối liên hệ với Đấng là tình yêu (1Ga 4,16), là nguồn hiệp nhất.

 

- Bẻ gẫy sự hiệp thông và gắn bó với nhau: trong hôn nhân bởi  việc ly dị và đa thê; giữa anh em do sự ghen tương sát hại (St 4); ngoài xã hội bởi sự bất đồng ngôn ngữ (St 11,1-9).

 

Sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người chỉ được tái lập  qua Đức Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu chết và sống lại để cứu chuộc nhân loại.

 

Sư hiệp thông nầy được thực hiện trong Giáo Hội, vì "Giáo Hội không chỉ quy tụ quanh Đức Kitô, nhưng được thống nhất trong Người, trong Thân Thể Người" (GLCG 789): "Trong Thân Thể ấy, sự sống của Chúa Kitô tràn lan trên các tín hữu. Nhờ các bí tích, các tín hữu được kết hợp thật sự và cách mầu nhiệm với Chúa Kitô đau khổ và hiển vinh" (Lumen Gentium  7).

 

Trong Giáo Hội, Đức Kitô liên kết những ai yêu mến và tin tưởng vào Ngài bằng cách ban cho họ Thần Khí (Rm 5,5), nuôi dưỡng họ bằng  một tấm bánh là thân xác Ngài làm hy tế trên thập giá (1Cor 10,16). Như thế, Ngài làm cho tất cả các dân tộc trở nên một thân thể (Eph 2,14-18), các tín hữu thành những chi thể của Ngài, "là Đầu, Thủ lãnh, nguyên lý sáng tạo, cứu chuộc và thánh hoá" (LG  7).

 

Nhờ Ngài, sự hiệp thông và gắn bó được tái lập trên mọi lãnh vực :

- Với Thiên Chúa bằng việc xóa bỏ tội lỗi.

- Với nhau bằng việc Thần Khí biến họ thành con cái của một Cha chung (Rm 8,14) và cùng một trái tim, một tâm hồn, họ đồng thanh ca tụng Cha mình (Rm 15,5; Cvtđ 2,4-11).

- Đức Kitô còn trao ban cho chúng ta một phương tiện, giúp chúng ta sống tinh thần hiệp thông, đó là bí tích Thánh Thể.

 

Thánh Thể chính là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội, vì bí tích Thánh Thể "kết hiệp chúng ta với Đức Kitô, Đấng ban Mình và Máu Ngài để tất cả trở nên một thân thể." (GLCG 1331). Do đó, Thánh Thể còn được gọi là bí tích hiệp thông. Sở dĩ như vậy vì Hy tế và hiệp thông luôn đi đôi với nhau: "Thánh lễ vùa là lễ tưởng niệm hy tế để lưu truyền muôn đời hy tế thập giá, vừa là bàn tiệc thánh để thông hiệp Mình và Máu Chúa. Hai ý nghĩa này đi đôi với nhau và không thể tách rời. Nhưng cử hành hướng đến việc các tín hữu kết hiệp với Đức Kitô nhờ rước lễ. Rước lễ là đón nhận Đức Kitô, Đấng đã tự hiến vì chúng ta." (GLCG 1382).

 

Nhờ Thánh Thể, chúng ta được hiệp thông với Chúa, với Giáo Hội và với nhau.

 

Qua cái chết Thập giá, Đức Giêsu su đã xoá  án của tội nguyên tổ, giao hoà nhân loại lại vối Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể tái diễn lại hy tế Thập giá, do đó hiệp thông chúng ta lại với Thiên Chúa: "Bí tích Thánh Thể biểu thị và thể hiện chính thực chất của Hội Thánh là hiệp thông đời sống với Thiên Chúa và hiệp nhất dân Thiên Chúa. Việc Thiên Chúa thánh hóa trần gian trong Đức Kitô cũng như việc con người trong Thánh Thần tôn thờ Đức Kitô và nhờ Ngài, tôn thờ chính Chúa Cha, cùng đã tới tột đỉnh trong Bí tích Thánh Thể" (GLHTCG 1325).

 

- Nhờ Thánh Thể chúng ta được hiệp thông với Chúa Cha: "Bí tích Thánh Thể được xem như chóp đỉnh của tất cả các Bí tích vì Bí tích Thánh Thể luôn thể hiện một cách hoàn hảo nhất sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, nhờ sự đồng hình dạng với Chúa Con duy nhất bởi tác động của Chúa Thánh Thần..." (Giáo Hội Từ Thánh Thể,  số 34).

 

- Nhờ Thánh Thể chúng ta được hiệp thông với Chúa Thánh Thần vì Thánh Thần là nguồn mạch và động lực thúc đẩy sự hiệp thông: "Chúa Thánh Thần làm cho mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện, nhất là trong Thánh lễ, để hòa giải, cho họ hiệp thông với Thiên Chúa, nhờ đó sinh hoa kết quả dồi dào" (GLCG  737).

 

- Đặc biệt, nhờ Thánh Thể chúng ta được hiệp thông với Chúa Kitô. Chính việc thông phần Mình và Máu Đức Kitô liên kết mật thiết chúng ta với Chúa. Một sữ hiệp thông đến độ làm cho ta sống sự sống của chính Chúa: "Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi" (Gal 2,20).

 

Tiếp đến, nhờ sự hiệp thông trong Thánh Thể, chúng ta được hiệp nhất trong Giáo Hội, như lời Thánh Phaolô: "Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể." (1Cr 10,17).

 

Như vậy, nhờ Bí tích Thánh Thể, chúng ta "được thông dự thực sự vào Thân Thể của Đức Kitô", là Giáo hội. (GLCG  790).

 

Sau cùng, cũng giống như tấm bánh được  kết thành bởi muôn hạt lúa và chén rượu được làm nên bởi muôn trái nho,  nhờ Thánh Thể, chúng ta được hiệp nhất cùng nhau trong một tình yêu thương huynh đệ: "Hồng ân Đức Kitô và Thánh Thần của Ngài mà chúng ta lãnh nhận trong việc hiệp lễ hoàn tất cách sung mãn tuyệt vời những ước muốn hiệp nhất huynh đệ đang ngự trị trong tâm hồn con người, đồng thời nâng cao kinh nghiệm về tình huynh đệ trong việc tham dự chung vào cùng một bàn tiệc Thánh Thể đến một mức độ vượt hẳn kinh nghiệm đồng bàn đơn thường của con người." (Gíao Hội Từ Thánh Thể,  số 24).

 

Vì Thánh Thể là Bí tích Tình yêu và hiệp nhất, do đó, đòi hỏi chúng ta phải giao hoà với Chúa, để cũng được giao hoà với anh em trước khi đón nhận. Đồng thời Thánh Thể cũng mời gọi chúng ta bổn phận thờ phương Chúa ngày Chúa Nhật, ngày kỷ niệm Chúa Phục sinh. Bởi vì nhờ việc tham dự Thánh Thể,  "Ngày Của Chúa" trở thành "Ngày Của Giáo Hội". Ngày mà Giáo Hội thực hhiện cách hiệu quả vai trò hiệp nhất của mình (x. Gioan-Phaolô II, Bước Vào Thiên Niên Kỷ Mới).

 

Nguồn: Đặc san Giáo Sĩ Việt Nam, conggiaovietnam.net

 

LỜI NGUYỆN CHUNG

 

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Chúa Kitô đã dùng sự sống mình  mà thiết lập Hội Thánh và nuôi sống Hội Thánh. Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Là Kitô-hữu, chúng ta sống trong Hội Thánh là nhờ sức sống của Chúa. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. Chúa phán: "Thầy là cây nho, các con là cành nho". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, luôn gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu để được sống sức sống của Chúa và được đâm bông kết trái là những việc lành.

2. Chúa phán: "Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái". Chúng ta cầu nguyện cho các kitô-hữu luôn hiệp thông trong cùng một tấm bánh, tuyên xưng cùng một đức tin, và lãnh nhận cùng một bí tích.

3. Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào". Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu luôn vâng theo lệnh truyền của Chúa để được sống hạnh phúc đời này và được cả hạnh phúc đời sau.

4. Chúa phán: "Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn Thịt Ta, sẽ sống đời đời". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, siêng năng kết hợp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể, để được sống đời đời.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa thông ban sự sống Chúa cho chúng con. Xin cho chúng con luôn tích cực xây dựng Hội Thánh Chúa, sống trong Hội Thánh Chúa và giúp nhau lãnh nhận ơn cứu rỗi Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

Trong bài viết trước, từ ngữ Giáo Hội được sử dụng để dịch từ La-tinh "Ecclesia" có nghĩa là "triệu tập", và được dùng để chỉ những cuộc tụ họp dân chúng, thường có tính cách tôn giáo.  

Công đồng Vaticanô II đã dùng nhiều hình ảnh để chỉ về Giáo hội, vì một hình ảnh hay một khái niệm không thôi thì không thể ôm trọn hết mọi chiều kích của mầu nhiệm Giáo hội được. Khái niệm Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô được Công Đồng trình bày như sau "Chúa Kitô tạo lập cách mầu nhiệm các em Ngài, tụ họp từ muôn nước thành thân thể Ngài, bằng cách thông truyềnThánh Thần cho họ. Trong thân thể ấy, sự sống Chúa Kitô tràn lan trên các tín hữu" (LG 7a).

Sách Giáo Lý hỏi thưa trình bày như sau: Tại sao gọi Hội Thánh là nhiệm thể Chúa Kitô? Gọi Hội Thánh là Nhiệm Thể của Chúa Kitô vì cũng như đầu và thân thể nối kết và chuyển thông sự sống cho nhau thế nào, thì Chúa Kitô và Hội Thánh cũng liên kết mật thiết với nhau như vậy. (xem. Giáo Lý hỏi thưa)

Thánh Phaolô trong thư gởi cho tín hữu Êphêxô ngài viết: "Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; ­­­mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn". (Ep 1, 22 - 23)

Thánh Phaolô ví Hội Thánh với Chúa Kitô như các chi thể trong cùng một thân mình . Trong thân thể của ta có nhiều chi thể nhưng cũng chỉ trong một con ngườicủa ta thôi. Hội Thánh cũng vậy có rất nhiều con cái thuộc dân tộc nào, ở đâu, nhưng được chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần thì ta được trở nên một thân thể duy nhất đó là Hội Thánh. Chính Chúa Kitô đến và quy tụ những kẻ tin Ngài, làm thành một dân tộc. Dân tộc đó không còn giới hạn về địa lý, sắc dân, giàu nghèo. Điều này đã được loan báo khi Ngài còn ở tại thế.

Trong một thân thể tự nhiên, nguyên lý hiệp nhất phối hợp mọi thành phần đến nỗi chúng không còn có sự tồn hữu riêng biệt nữa. Trái lại, trong nhiệm thể năng lực kết hợp các chi thể, dầu rất thâm sâu, mà vẫn để cho mỗi chi thể có một cá vị riêng... Khó mà so sánh nhiệm thể với pháp thể [pháp nhân]: chúng ta thấy cả hai khác nhau một trời một vực. Nguyên lý hiệp nhất là cùng đích chung và sự cộng tác chung nhằm đến cùng đích ấy dưới quyền bính xã hội. Trong khi đó, nơi nhiệm thể ngoài sự cộng tác chung còn có một nguyên lý nội tại... đó là Thánh Thần.

Tin Mừng Thánh Gioan chương 15 cho thấy một hình ảnh thật sống động về mối tương quan giữa Chúa Kitô và dân của Người. "Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Ga 15, 5). Qua ẩn dụ này, Đức Giêsu đã giải thích cho các môn đệ hiểu thế nào là kết hợp với Ngài, bằng cách nào sự sống nơi Ngài chuyển lưu qua họ, và sẽ sinh hoa quả như  thế nào ở nơi họ. Như cành nho kết hợp với thân nho và sống nhờ thân nho thế nào thì sự sống hoàn toàn phát sinh từ Đức Kitô cho những ai nhờ kết hợp với Ngài mà được sống.

Vì thế Chúa dạy: "Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em". Cần phải ở lại trong Chúa và để Chúa được ở lại nơi người môn đệ Chúa. Để "Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết" (Ga 11: 26). Sứ điệp Đức Giêsu rao giảng là chính sự sống và là sự sống đời đời. Lý do là vì Đức Giêsu đã thông truyền một sự hiểu biết của Thiên Chúa và thuộc về một mình Thiên Chúa thông phần vào sự hiểu biết của Thiên Chúa là thông phần vào sự sống của Người. Thánh Gioan viết: "Ai tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ được trở nên con cái Thiên Chúa" (Ga 1: 12). Khi tin nhận lời Đức Giêsu, người tín hữu được sống sự sống của Đức Giêsu, nghĩa là được tham dự vào địa vị làm con trong Con Thiên Chúa.

Qua hình ảnh cây nho, thánh Gioan đã miêu tả chính thực tại mà thánh Phaolô gọi là thân thể Đức Kitô. Thí dụ cây nho làm cho hiểu rõ mối dây mật thiết kết hợp tất cả Kitô hữu (những nhánh) với Đức Kitô (thân cây), và với nhau. Các tín hữu sống như Đức Kitô, và nhờ Đức Kitô: "Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Ga 15: 5).

Là thân thể Đức Kitô, Giáo hội trước hết là một thực thể thuộc về Ngài, và như Ngài là một, thì Giáo hội cũng là duy nhất. Tuy nhiên, những chi thể khác nhau, tức những chức năng và nhiệm vụ khác nhau, là yếu tố cấu tạo thân thể. Là thân thể của Đức Kitô vinh hiển, Giáo hội là bí tích của Ngài ở giữa lòng lịch sử loài người.

Lạy Chúa Chúa Giêsu là Đấng Thánh, nhờ Chúa mà chúng con được nên thánh. Xin cho chúng con biết hiệp nhất với Chúa và với nhau để xây dựng Giáo hội ngày càng tốt lành thánh thiện hơn.

HỌC KINH THÁNH

Bài 14 :  THƯ GỬI TÍN HỮU ÊPHÊSÔ (tt)

 

6/  Những kẻ tin phải có thái độ nào đối với Thiên Chúa?

Họ phải sống sao cho xứng với ơn thiên triệu mà Thiên Chúa đã kêu gọi họ, hết lòng khiêm nhượng và hiền lành. Với lòng kiên tâm chịu đựng lẫn nhau trong tình mến, hết lòng duy trì sự hiệp hất của Thánh Thần trong mối dây an bình. (Eph 4,1-3).

 

7/  Thư nói gì về ân sủng?

Bởi ân sủng của Người đã ban cho ta trong Con yêu dấu của Người (Eph 1,16).

- Ân sủng được ban xuống trên ta (Eph 1,8).

- Nhờ ân sủng mà anh em được cứu (Eph 2,8).

- Nhờ ân tôi được trở thành kẻ phục vụ, được giảng Tin Mừng cho dân ngoại biết sự phong phú khôn lường của Đức Kitô (Eph 3,7-8).

- Mọi người được ân sủng ban xuống tùy theo lượng ân lộc của Đức Kitô (Eph 4,7).

 

8/  Thư nói gì về vai trò của Chúa Thánh Thần?

Chúa Thánh Thần là bảo chứng cơ nghiệp cho chúng ta, giúp chúng ta chiếm hữu được ơn cứu chuộc (Eph 1,14).

 

9/  Thư nói về Đức Kitô như thế nào?

- Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ trong cõi chết và đặt Người ngồi bên hữu trên thiên quốc... vượt trên mọi cấp trật: thiên phủ, uy linh và quyền năng thiên chủ (Eph 1,20-23).

- Nhờ sự phục sinh của Đức Kitô mà các tín hữu, những kẻ đã chết bởi sa ngã phạm tội, sẽ được phục sinh cùng Đức Kitô (Eph 2,5).

- Trong Người tất cả tòa nhà mộng khớp ăn nhau, sẽ cứ mọc lên làm thánh điện trong Chúa (Eph 2,21).

- Tầm vóc của con người sung mãn Đức Kitô là mẫu mực thành toàn của nhân loại (Eph4,13).

- Ta hãy tiến bước trong lòng mến làm một trong Đức Kitô đã yêu mến và phó mình vì chúng ta (Eph 5,2).

- Chồng hãy yêu mến vợ mình như Đức Kitô yêu mến Hội thánh và đã phó nộp mình đi (Eph 5,25).

- 10/ Thư Ephêsô nói gì về địa vị dân ngoại?

- Anh em không còn là xa lạ, là khách ngụ cư, mà là những người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa (Eph2,19).

11/  Những ân điển được ban cho Giáo hội là những ơn nào?

Ơn làm Tông đồ, tiên tri, giảng dạy, chủ chăn và làm thầy.

 

12/  Những điều Kitô hữu nên tránh là những điều nào?

- Có nóng giận thì sao cho đừng mắc tội, chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn (Eph 4,26).

- Hãy ăn ở nhân hậu, chạnh thương, biw61t tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em (Eph 4,32).

- Hãy xét kỹ anh em sống như thế nào? (Eph 4,32).

- Đừng say sưa rượu chè (Eph5,18).

Lời Chúa: "Hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Thiên Chúa" (Eph 5,21).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con nghiệm thấy tình thương của Chúa và khi đã cảm nghiệm được, xin cho chúng con biết đem chia sẻ niềm vui đó cho anh chị em của mình. Amen.

SỐNG ĐẠO

ĐỌC KINH CẦU NGUYỆN

Đời sống các tông đồ đã theo Chúa, học hỏi sống theo gương Chúa, thấy Chúa cầu nguyện các ngài chưa biết phải làm thế nào để cầu nguyện, nên đã van nài Chúa xin dạy các ông cầu nguyện.

Có nhiều người giáo hữu kể việc cầu nguyện là đọc kinh có gì là khó? Học những câu thiệu đã nhờ Hội Thánh đặt sẵn rồi mình cứ theo đó và đọc thì không có gì là khó.

Hiều cầu nguyện là đọc kinh là hiểu hời hợt quá. Vì đọc kinh chưa phải là cầu nguyện. Vì đọc kinh có nhiều thể cách đọc kinh.

Em bé nhờ mẹ dạy thuộc nhiều kinh, đọc đúng cung cách nghe hay hay...nhưng không hiểu chi cả, thì đúng ra chưa kể được là cầu nguyện.

Còn người lớn đọc kinh nhiều nhưng đọc riết rồi đọc theo thói quen, không còn nhớ mình đang tiếp xúc với Chúa, không ý thức đến lời xin, không mong mõi được điều mình ước muốn nhờ Chúa thương ban. Đọc như thế thì không nói được là làm việc thờ phượng Chúa, liên lạc với, kết hợp với Chúa.

Đọc kinh cầu nguyện có thể hiểu là việc tôn thờ bằng lời đọc kinh cầu nguyện.

Đọc kinh cầu nguyện là một đường lối, một thể cách liên lạc, liên kết với Chúa để biểu lộ mình tôn thờ, mình liên lạc, kết hợp với Chúa.

Hãy kiểm điểm việc đọc kinh cầu nguyện của mình. Hãy nhớ mình đang tiếp xúc với Chúa, liên lạc và kết hợp với Chúa.

CẦU NGUYỆN CÓ NHIỀU THỂ CÁCH

Căn bản của cầu nguyện là thờ phượng, kết hợp. Chúa là Đấng tạo dựng, chúng ta phải tôn thờ. Chúa là Tình yêu, chúng ta phải kết hợp.

Kết hợp hay cầu nguyện có nhiều thể cách, chúng ta phải phân tách: khẩu nguyện, tâm nguyện và hiệp nguyện.

Khẩu nguyện là đọc kinh; tâm nguyện là suy gẫm và hiệp nguyện là kết hợp với Chúa, không lời và không suy nghĩ.

Trong ba thể cách nầy thì Chúa hiện diện là cốt yếu. Đọc kinh mà không có Chúa thì việc đọc kinh là vô lý, không có Chúa thì suy gẫm những gì? Vắng Chúa thì kết hợp với ai?

Chúa hiện diện là cốt yếu. Chúa cũng là đối tượng của cầu nguyện. Vì cầu nguyện là việc liên kết liên lạc, kết hợp. Cho nên nói được cầu nguyện là một biểu lộ của tình yêu.

Đọc kinh là bắt đầu tiếp xúc, tiến tới suy gẫm là đạt tới thân yêu.

Tình trạng thân yêu thì đòi phải gần gũi và tâm sự với nhau.

Cái gặp gỡ, tiếp xúc trong khẩu nguyện được tiến đến tình trạng tâm sự, những điều mong ước trong lòng, không còn nhờ trung gian để bày tỏ, mà chính mình thân thưa với Chúa. Giai đoạn tâm nguyện thì việc tâm sự là cốt yếu. Tự mình thưa với Chúa những điều mình mong ước, mình nghĩ tưởng, nghe Chúa phán và thưa với Chúa những điều trong tâm hồn mình.

Có người nói: đọc kinh cầu nguyện là hầu chuyện với Chúa. Có ý nói con người đã biết được tâm sự với Chúa.

Gặp Chúa, biết Chúa, quen với Chúa tiến đến chổ thân thiết với Chúa, cùng nhìn một hướng với Chúa, để phần nào đạt đến kết hợp với Chúa.

HIỆP NGUYỆN

Chúng ta đã biết: chính Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người chúng ta, gồm thể chất các vật vô tri (kim, mọc, thuỷ, hoả, thổ) và các vật tri giác. Thêm vào đó Chúa làm cho có trí thức, và ý chí để biết, để yêu, để làm chủ vũ trụ và hướng vũ trụ về Chúa.

Hơn nữa, Chúa còn ban cho con người có sự sống siêu nhiên, sự sống giống sự sống của Chúa, hiểu biết giống như Chúa và yêu thương giống như Chúa thương yêu, để được sống vĩnh cữu như Chúa. Và như thế thì được dự phần vĩnh cữu, nhưng  nguyên tổ đã phá vỡ chương trình của Chúa. Chúa lại tái tạo chương trình ban lại cho con người biết khổ công chuộc lại ơn sống siêu nhiên, sống phước lạc vĩnh cữu. Đó là sống hiệp thông.

Sống hiệp thông là gì? Sống theo đường lối chỉ dạy để đạt sự sống phước lạc và vĩnh cữu. Để dễ nhớ, chúng ta có thể đề nghị: sống khẩu nguyện, tâm nguyện và hiệp nguyện. chúng ta đã nói qua về khẩu nguyện và tâm nguyện. Bây giờ hãy cố gắng hiểu biết hiệp nguyện.

Chúng ta đã trải qua giai đoạn gặp Chúa, giao tiếp với Chúa. Bây giờ chúng ta nhìn Chúa, nhìn rõ Chúa thấy được Chúa tuyệt thiện, tuyệt mỹ. Tâm hồn chúng ta bám vào Chúa, khi đó không vật nào, người nào khuấy rối được nữa. Chúa là tất cả cho chúng ta!

Có được tình trạng nầy là hiệp nguyện, giữ được tình trạng nầy lâu dài thì kể được là trót thực hiện hiệp nguyện. Nếu cảm thấy quá mệt nhọc thì trở lại tình trạng tâm nguyện chẳng sao. Nếu đạt được tình trạng xuất thần lâu giờ thì cảm ơn Chúa, không bao giờ tự phụ.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết hiệp nguyện. Đạt hiệp nguyện đó là đạt tình trạng yêu mến Chúa nhiều hơn, sâu đâm hơn.

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

THỦ TỤC XIN THA PHẠT VẠ
KHI TỔ CHỨC CƯỚI HỎI KHÔNG THEO PHÉP ĐẠO

 

Là người Công giáo, khi dựng vợ gã chồng, chúng ta không chỉ lo những thủ tục pháp lý về hôn nhân gia đình theo luật của quốc gia đó, mà còn lo liệu những thủ tục khác theo luật của Hội thánh nữa. Những thủ tục kết hôn trong Hội thánh không chỉ vì thủ tục pháp lý, nhưng qua bí tích hôn phối hoặc sự chuẩn nhận của Hội thánh, đôi bạn được lãnh nhận ơn Chúa để giúp họ chu toàn bổn phận với nhau, sống đời yêu thương và hạnh phúc, cũng như để trở nên dấu chỉ tình yêu thương và hiệp nhất giữa Chúa Giêsu Kitô với Hội thánh Người.

Tuy nhiên, vì lý do nào đó mà người Công giáo tổ chức đám cưới hỏi không theo phép đạo, thì việc làm đó đi ngược lại giáo huấn của Chúa và Hội thánh, gây ảnh hưởng đến sự thánh thiện và hiệp nhất của Hội thánh Người. Để giữ gìn sự toàn vẹn và ngăn ngừa những sự xấu nầy, Đức Giám mục Địa phận trong vai trò bảo vệ sự hiệp nhất và thánh thiện của Hội thánh đã có quyết định như sau:

  1. Đôi tân hôn sống trong tình trạng rối đạo, không được xưng tội rước lễ cho đến khi tình trạng nầy chấm dứt;
  2. Cha mẹ và những người trong gia đình, nếu không tích cực ngăn cản con cái mình trong việc cưới hỏi nầy và tổ chức đám cưới thì không được xưng tội rước lễ trong thời gian sáu tháng;
  3. Những người khác, khi tham dự đám cưới nầy sẽ không được xưng tội rước lễ trong thời gian ba tháng.

Nếu trong thời gian bị phạt vạ, những người nói trên (cha mẹ và những người tham dự đám cưới) tỏ ra ăn năn sám hối thật sự về việc làm của mình, thì sau thời gian bị phạt sẽ được Đức Giám mục Địa phận cứu xét và tha phạt vạ nầy. Thủ tục được tiến hành như sau:

  1. Những người chủ chốt tổ chức đám cưới phải đến xin lỗi Cha sở và ký Thỉnh Nguyện Thư xin tha phạt (làm theo thỉnh nguyện thư bên dưới). Thỉnh nguyện nầy được làm hai bản, một bản lưu ở Toà giám mục, một bản lưu ở văn khố họ đạo.
  2. Sau khi được Đức Giám mục Địa phận chấp thuận, Cha sở sẽ công bố trong nhà thờ để những người bị phạt được giao hòa cùng Họ đạo và Hội thánh.
  3. Để giao hoà với Chúa, những người nầy phải lãnh nhận bí tích giải tôi. Khi xưng tội, họ phải nói cho cha giải tội biết phạt vạ mà mình đã bị.

 

MẪU THỈNH NGUYỆN THƯ
(làm thành 2 bản)

Giáo Phận Vĩnh Long
Hạt.........................
Họ đạo.....................

 

Kính thưa Đức Cha

Chúng con là:......................................
Và.......................................................

Trong thời gian qua, chúng con đã không cố gắng đủ để ngăn cản, mà còn ngang nhiên tiến hành đám cưới cho con của chúng con trái luật Chúa và Hội Thánh. Ngoài ra chúng con còn lôi kéo những người khác tham gia, làm tổn thương đến sự thánh thiện và hiệp nhất của Họ Đạo.

Nay chúng con biết lỗi, kính xin Đức Cha tha thứ cho chúng con, để chúng con lại được lãnh nhận các bí tích và sống hiệp thông với Chúa và Hội Thánh.

Chúng con chân thành cảm tạ.

............., ngày... tháng...năm 20...

 

Xác nhận của Cha Sở                                                               Ký tên

 

 

Chuẩn nhận của Đức Giám Mục.

 

 

TRANG LINH MỤC

Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA TÌNH HUYNH ĐỆ LINH MỤC

I.  Ý NGHĨA

Mục đích của đời tu là tiến tới Đức Ái vẹn toàn. Giáo Hội không ngừng nhấn mạnh đến Tình Huynh Đệ linh mục Giáo phận. Vì các Linh mục được nhận ân huệ do Bí Tích Truyền chức cùng với các anh em  đông nghiệp của mình. Ý nghĩa của Tình Huynh Đệ Linh mục được tìm thấy  :

1. Trong bản tính con người  
Con người được định nghĩa là con vật xã hội (animal social). Xã hội tính của con người được mạc khải trong Kinh Thánh, khi Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ, lập thành một gia đình, một xã hội tiên khởi. Gia đình nhân loại mô phỏng gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong tình yêu, con người chia sẻ, bổ túc đem lại hạnh phúc cho nhau. Con người không thể sống khi không được yêu thương.        

2. Trong Hội Thánh    
Vì Hội Thánh tự bản chất là một gia đình. Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Hội Thánh là Hiệp thông. Hội Thánh của Nước Trời Bình An, Công lý...hòa hợp huynh đệ. Hội Thánh là khí cụ, nguyên lý hiệp nhất.

II. TẦM QUAN TRỌNG     

1. Tình Huynh đệ và nền văn minh hiện đại  
Thế giới hôm nay, sống trong nền văn minh kỹ thuật, duy vật, thực dụng...Sử dụng kỹ thuật với những tiện nghi dễ dãi, con người trở thành nô lệ cho khoa học, kỹ thuật. Và cách cư xử, phản ứng, hành động...cũng có tính cách máy móc, cứng cỏi, thiếu tình người. Người ta áp dụng ngôn ngữ máy móc cho con người. Con người mất giá trị " nhân linh" được coi như một "bộ phận" có thể thay thế, như người ta loại bỏ, thay thế một phụ tùng trong cỗ máy. Người ta đề cao sự "đồng bộ, thống nhất " mà bỏ qua cái cao trọng " nhân linh ư vạn vật" của con người. Bị cuốn hút trong một nền văn minh vật chất như thế, tình huynh đệ linh mục có nguy cơ bị ảnh hưởng.

2. Tình huynh đệ và đời sống linh mục          
Tình huynh đệ linh mục giúp nhau khám phá những giới hạn, khuyết điểm để nên hoàn thiện mỗi ngày. Sống cô đơn, cô lập, người ta trở nên hẹp hòi, thiển cận, nghèo nàn về tri thức; Không nhìn thấy cái ưu điểm của người khác.Tình huynh đệ giúp ta mở rộng tâm hồn. Ta được chia sẻ, ủi an, nâng đỡ, khi vấp ngã hay khi thất bại... Chính tình huynh đệ Linh mục là thành trì vững chắc, bảo vệ vẻ đẹp khiết tịnh của đời sống độc thân.

3. Tình huynh đệ linh mục và việc tông đồ    
Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội. Khi các linh mục làm việc chung với nhau, chia sẻ công việc, phương tiện, việc truyền giáo sẽ gặt được những thành quả bội thu.
Đời sống huynh đệ là chứng từ hùng hồn lôi kéo  người ta đến với Chúa. "Người thời nay tin vào những chứng nhân hơn là những thày dạy. Nếu họ có tin vào những thày dạy, thì những người này trước hết phải là những chứng nhân." Cộng đoàn tín hữu Giêrusalem chung quanh các tông đồ được gọi cộng đoàn " Những người yêu thương nhau". Chính vì vậy mà lời rao giảng của các tông đồ thu hút hàng ngàn người trở lại một lúc.

 

TRANG TU SĨ

 HIỀN THÊ CHÚA KITÔ

 

- Chào Dì Út

- A! con chào Bà Tư, hôm nay Bà Tư đi đọc kinh sớm hén!

- Mấy hôm nay cũng rảnh việc nhà nên tui đi sớm để xem có phụ quét sân, quét Nhà Thờ trước để đọc kinh rồi thì về sớm ...

- Dạ ! Bà Tư tính vậy thì cũng hay. À mà sao mấy hôm nay con không thấy Cô Tám Hoa đi đọc kinh vậy Bà Tư, cô ấy có khỏe không vậy?

- Ừ ! hôm kia cổ nói với tui cổ đi thăm em chồng của cổ ở Sài Gòn có chuyện, rồi cổ kể cho tui nghe như vầy nè!

- Chuyện sao vậy Bà Tư?

- Em chồng cổ ly dị với chồng để lấy chồng Việt Kiều gì đó, tính được mà cuối cùng không được ...

- Ủa! vậy em chồng cô Hoa có Đạo không vậy?

- Ôi đâu có đâu, chồng cô Hoa mới theo đạo khi cưới cô Hoa đó thôi.

- Vậy à !

- Ừ, em chồng cổ định ly dị chồng bên đây trên mặt giấy tờ thôi để đi sang Mỹ được thì làm ăn kiếm tiền về nuôi gia đình, vì bên đó người ta muốn giúp cách đó. Nghe nói là làm giấy tờ ly dị xong, Việt Kiều về làm đám cưới rình rang lắm, đãi tiệc nhà hàng nữa, khách dự cũng đông. Sau đó thì người ta kêu đi phỏng vấn, người ta cũng chấp nhận cho cô đi rồi chỉ còn thiếu giấy gì nữa thôi, nên người ta gọi về nhà cô. Lúc đó thì cô ấy không có ở nhà và người trả lời lại là tiếng đàn ông, nên người ta mới nghi ngờ và điều tra thì khám phá ra cô nầy không có ly dị chồng thiệt đâu nên người ta cúp không cho cô ấy đi Mỹ nữa !!

- Chà ! cô đó bị xui quá hén, phải chi không có ai trả lời thì chắc đi được rồi!

- Ừ, cô Hoa cũng tiếc cho cô ấy nữa. À lấy chồng Việt Kiều coi bộ lúc nầy cũng nhiều đó Dì Hai, lấy chồng Việt Kiều là thấy đời lên hương rồi đó, chồng có tiền bạc thì đỡ lo lắng cho cuộc sống hơn.

- Dạ phải, con gái chỉ có một tấm chồng, chồng mà có tiền tài địa vị mình được thông phần với chồng thì nở mặt nở mày cho gia đình mình cũng như cho mình nữa . Cũng như Hội Thánh Công Giáo của mình đó bà Tư, Hội Thánh mình là Nhiệm Thể Đức Ki-tô, nên chúng ta chúng ta cũng được thông phần hạnh phúc và vinh quang của Chúa Giêsu Kitô đó.

- À mà Dì Hai ơi, Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô tui cũng có nghe nói chút chút, dì Hai nói thêm cho tui hiểu với.

- Dạ! Mầu nhiệm Hội Thánh là Nhiệm Thể Đức Kitô gồm có ba khía cạnh: 1) Các chi thể hợp nhất với nhau nhờ kết hợp với Đức Kitô; 2) Đức Kitô là đầu của Thân Thể; 3) Hội Thánh là Hiền Thê của Đức Kitô (GLCG 789). Như Bà Tư thấy đó, thân thể con người ta hợp nhất với nhau và được điều khiển bởi một cái đầu, nhưng thân thể lại có nhiều chi thể và mỗi chi thể có một nhiệm vụ riêng. Như ở Họ đạo mình nè, chúng ta cùng hiệp thông với toàn thể Hội Thánh nhờ cùng có một Đầu là Đức Kitô. Có rất nhiều nhiệm vụ trong Hội Thánh do các vị lãnh đạo chu toàn, phần chúng ta là giáo dân cũng được hiệp nhất với Hội Thánh, qua các việc làm của chúng ta, và cả Hội Thánh cũng được thông phần các công việc đó. Vì thế con cũng cố gắng để động viên bà con mình đi Dự Lễ, đọc kinh, làm việc phục vụ trong Họ đạo để hiệp với công nghiệp cực trọng của Chúa Kitô là đầu Nhiệm Thể mình có thể cứu giúp nhiều linh hồn.

- Ừ! phải đó, Dì Hai về chưa được 8 tháng mà tôi thấy bà con mình cũng có hiệp ý với nhau đọc kinh, lần chuỗi, rồi phụ quét dọn Nhà Thờ, Nhà Cha cũng vui vẻ, thấy tinh thần bà con cũng lên lắm đó !.

- Sao Bà Tư nhớ hay quá vậy? nhớ con về chưa được tám tháng.

- Đâu có gì đâu, tại vì Dì về hồi tháng 5, tui nhớ vì đó là tháng Đức Mẹ, lúc trước đâu có họp lại lần chuỗi kính Đức Mẹ vào mỗi buổi chiều đâu, vậy mà Dì về đưa ý kiến lên Cha, rồi Cha khuyến khích bà con đi lần chuỗi kính Đức Mẹ mỗi chiều, rồi Dì còn cho đọc sách chuyện Đức Mẹ cho bà con nghe nữa, tui thích vô cùng mà bà con cũng thấy thích nữa đó.

- Dạ, vì con đi phục vụ ở Họ đạo trước con thấy bà con có Đạo đến đọc kinh Đức Mẹ rất là sốt sắng, nên con mới đề nghị với Cha, mặc dù không có Cha ở họ, giáo dân cũng ít, nhưng con nghĩ dầu chỉ có dăm ba người với hai chị em con thì hợp ý đọc kinh tôn kính Mẹ cũng được. Hơn nữa, những người trẻ có thể bận công việc nhưng những người lớn tuổi và trẻ em thì có thể đi được, và khi đi đọc kinh vậy mình cũng thấy gần gũi với nhau hơn.

- Ừ! thiệt đó Dì Hai, chắc Đức Mẹ ban ơn, mới đầu có mấy người, sau lên được mười mấy người, bây giờ được hai mươi mấy người vừa lớn vừa bé rồi đó!.

- Dạ! đó là ước nguyện của con, chúng ta là Chi Thể của Chúa Kitô mỗi người một phận vụ, nếu chúng ta không làm được gì khó khăn, cao trọng thì mình góp phần cầu nguyện và làm những việc phục vụ nhỏ nhặt trong Họ đạo cũng được. Vì thế con mới đề nghị bà con mình hết tháng Đức Mẹ thì đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót để cầu nguyện cho mọi người đó. Bà Tư thấy không, chúng ta ở trong Hội Thánh mà Hội Thánh còn là Hiền Thê Chúa Ki-tô, không phải như em chồng cô Hoa kia muốn có người chồng giàu có phải khó khăn tốn kém mà không được gì, còn chúng ta được ở trong Hội Thánh - Hiền Thê Chúa Kitô, được thông phần với Chúa Kitô, chúng ta được hưởng mọi điều tốt đẹp, thiện hảo, giàu sang, cao quý, và còn cả phần phúc Thiên Đàng đời sau nhờ Đức Giêsu Kitô nữa, mình tốt phúc hơn cô kia gấp bội đó Bà Tư.

- Ừ! Dì Hai nói tôi cũng hiểu ra được chút chút, làm Hiền Thê Chúa Kitô thì ngon hơn làm hiền thê Việt Kiều ...

- Bà con lại đông rồi đó Bà Tư, mà cũng tới giờ rồi, thôi mình đi đọc kinh đi.

- Cám ơn Dì Hai, hôm nay tui tính tới sớm quét sân Nhà Thờ ... mà thôi để đọc kinh rồi ở lại quét với mấy cô vậy!!!

 

MTG Cái Nhum

TRANG SỐNG ƠN GỌI

LẠ MÀ KHÔNG LẠ

(Độc thân đời tu)

Có một lần vào giờ chơi tôi cùng với một vài thầy khác được cha quản lý Đại Chủng Viện nhờ phụ chuyển củi trên một chiếc xe tải xuống cho nhà bếp. Khi chúng tôi đang chuyển củi xuống thì anh tài xế mon men đến gần bắt chuyện làm quen hỏi tôi: "mấy anh đi tu ở đây rồi có lấy vợ không ?" Tôi vui vẻ trả lời mà không nghĩ ngợi gì: "đi tu thì suốt đời không được lấy vợ nữa". Anh tài xế tròn xoe đôi mắt chửi thề một tiếng đệm thật gọn gàng và nói: "ĐM! dzậy mà mấy ông chịu nổi, hay thiệt ta, thiệt lạ lùng qua!ù".

Chính câu nói của anh tài xế đã làm cho tôi suy nghĩ miên man về đời sống độc thân linh mục, một đời sống có thể nói "LẠ MÀ KHÔNG LẠ"

Thật vậy, khi linh mục sống độc thân, người ngoài nhìn các ngài như những sinh vật ngoài hành tinh, họ không thể hiểu được tình yêu dâng hiến nơi các ngài. Họ chỉ nhìn thấy linh mục như những người bình thường, cũng có khát vọng "yêu và được yêu". Cho dù linh mục đã có ơn Chúa nơi mình, nhưng không có nghĩa là linh mục đã trở thành người của một thế giới siêu phàm, mà không phải là siêu phàm thì vẫn bị dao động trước một số đối tượng mình tiếp xúc, vẫn bị rung động nơi con tim thì vẫn phải muốn đi tìm "một nửa hồn mình"

Hơn nữa, Ông bà ta vẫn thường hay nói: "Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng" đó là điều tự nhiên, nhưng sao linh mục lại sống một mình được, thật là một điều quá lạ. Không những thế, linh mục là người rất am tường tâm lí sao lại đi ngược lại với những quy luật mà người đời cho là tự nhiên. Về vấn đề này tác giả COLLEEN MC CULLOUGH qua tiểu thuyết "tiếng chim hót trong bụi mận gai" cho thấy linh mục cũng cần có người "nâng khăn sửa túi" thì vẫn tốt hơn vì "Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó" (St 2,18). Đáng lẽ thiếu thốn những cái "cơ bản" đó sẽ làm cho đời linh mục buồn chán. Ngược lại, linh mục lại rất hạnh phúc khi sống đời độc thân, điều này làm cho người ngoài cảm thấy thật lạ.

Thật sự lạ hay không là ở cái nhìn, còn tôi một người đã được thánh hiến chấp nhận đời sống độc thân, khi được Đức Giám Mục hỏi, tôi đã mạnh dạn thưa "con muốn", một sự quyết tâm đầy tự do và hân hoan. Vì một phần tôi hiểu rằng "các giáo sĩ buộc phải giữ đức khiết tịnh hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời" (BGL, Đ. 277). Còn phần khác, tôi chấp nhận đời sống độc thân không phải vì bị buộc nhưng xem đó là hồng ân, một ơn đặc biệt Chúa dành riêng cho một số người mà trong đó có linh mục, những người "tự ý không kết hôn vì Nước Trời" (Mt 19,12), họ đã biết thăng hoa tình yêu của mình lên một nấc cao hơn. Nó không còn là một tình yêu nam nữ đơn thuần mà là tình yêu thiêng liêng cao thượng, chính vì không hiểu mà người đời cho là "lạ". Nhưng chính những cái lạ này đã làm cho đời sống linh mục tuyệt vời hơn, hạnh phúc hơn.

Khắc nghiệt thay, khi sống đời độc thân, linh mục không chỉ bị người đời xem là "lạ" mà họ còn xem là "điên dại", nhưng như thánh Phaolô đã nói: "Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh" (Cr 1, 27). Thật vậy, những gì con người cho là điên dại thì đối với Thiên Chúa lại là khôn ngoan. Cho nên, nhưng gì mà con người cho là lạ thì đối với Thiên Chúa chỉ là bình thường thôi. Theo ĐTGM Timothy M. Dolan đời sống này không những không lạ mà nó còn có giá trị về nhiều mặt:

- Về mặt Kitô học: Đời sống độc thân theo gương trinh khiết của Đức Kitô, và theo lời mời gọi sống độc thân với Chúa đến độ không chia sẻ cho người nào khác.

- Về mặt Giáo Hội Học: Làm cho linh mục kết hợp với Chúa trong tình yêu dành cho Giáo Hội đến độ thực sự kết hôn với Giáo Hội bằng một dây liên kết độc chiếm.

- Về mặt cánh chung học: Nhắc nhở mạnh mẽ cho người ta về một dây liên kết, một tình yêu và một gắn bó vượt lên trên cuộc đời này.

- Về mục vụ: Độc thân cho phép linh mục phục vụ Thiên Chúa và dân Người bằng một tình yêu không sao lãng và phai nhạt.

Cuối cùng, không gì khác hơn là ngoài tình yêu mà linh mục đã sống được đời độc thân, một tình yêu trao dâng cho Đức Kitô, và hiến dâng chính những khả năng yêu thương đời thường. Mạnh dạn để lên đường, say sưa trong nỗi khát khao được trở nên "người của Thiên Chúa", và ước vọng yêu hết mọi người, ân huệ của Chúa sẽ giúp linh mục sống đời khiết tịnh trong an vui và hạnh phúc. Từ đó, người linh mục chỉ còn thấy một sức hấp dẫn lạ kỳ trong Thánh Thần - Đức Giêsu Kitô - Người của mọi người, và linh mục có thể thốt lên: "Lạy Chúa, chỉ một mình Chúa là đủ cho con" (Tôma Aquinô).

Đây chỉ là một trong muôn vàn sự hy sinh từ bỏ trên bước đường theo Chúa trong ơn gọi tu trì. Nhưng nếu ai biết thăng hoa tình cảm nam nữ tầm thường bằng cách dâng mình cho Chúa và hướng về một tình yêu cao thượng, thì người đó sẽ cảm thấy hạnh phúc. Thật vậy, người biết dâng hiến tình cảm cho Thiên Chúa, cho đời ơn gọi tu trì không những không bị mất đi mà còn được tất cả, như thánh Phaolô nói: "Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô" (Pl 3,8).

TRANG THIẾU NHI

DẠY CON CẦU NGUYỆN THEO LỜI CHÚA

Bài 2: CẦU NGUYỆN NHÂN DANH CHÚA GIÊSU

 

Tên gọi "Giêsu" mang sức mạnh và quyền năng trên trời dưới đất. Là môn đệ, là bạn Chúa Giêsu, mọi người được Chúa ưu ái cho kêu tên của Chúa. Cha mẹ dậy con thân tình nhưng kính trọng khi kêu tên Chúa: không kêu tên Người để giỡn đùa hay chửi mắng người khác.

 

a/ Chúng ta kêu tên Chúa Giêsu khi làm việc tốt vì Chúa chỉ thực hiện việc lợi ích, chữa lành và chúc phúc cho mọi người:

 

Lạy Cha trên trời, nhân danh Chúa Giêsu, con xin Cha chữa lành bệnh cúm cho bạn con. Thưa Cha, bạn con bị sốt nên nóng nảy, khó chịu. Xin Cha làm cho bạn hết sốt và chữa cả chứng đau bụng của bạn.

 

b/ Chúng ta gọi tên Chúa Giêsu khi cầu nguyện.

 

Lạy Cha trên trời, nhân danh Chúa Giêsu, xin Cha bảo vệ chúng con đang đi ngang qua khu rừng vắng, xin Cha sai thiên thần tới bao bọc, canh chừng cho chúng con, xin gìn giữ chúng con khỏi mọi hiểm nguy như xưa Cha đã sai Raphaen đến giữ gìn, bảo vệ anh Tobia.

 

Lạy Cha trên trời, nhân danh Chúa Giêsu, xin Cha diệt trừ tên quỉ đang xúi giục bạn con ghét bỏ con, nghỉ chơi con. Xin Cha cứu bạn con khỏi bị tên quỷ bắt giữ, cầm tù. Chúa Giêsu đã hứa, "Khi anh em nhân danh Thầy cầu xin điều gì, Thầy sẽ ban cho anh em"(Ga 14, 13).

 

Thành tín (dunglac.org)

TRANG GIỚI TRẺ

TUỔI TRẺ - ĐỨC TIN - CUỘC SỐNG

 

Điều gì xảy ra sau khi chết?

 

1. Bên kia bờ sự sống

"Má ơi, bây giờ ba ở đâu? Ba có thấy má con mình không? Ba có biết người ta đang nghĩ tới ba không?" Bé Lực Giang đặt ra câu hỏi này một cách rất tự nhiên, nó tròn xoe đôi mắt ngây thơ chờ đợi được trả lời, rồi cuối cùng đâm ra bối rối và hơi ngập ngừng. Tuy nhiên, người ta có thể đọc thấy trên bia mộ của ba nó trong nghĩa trang câu sau đây: "Tôi chờ ngày phục sinh".

 

Ai lại không lúng túng khi phải nói về những điều sẽ xảy ra sau khi chết? Chúng ta gớm ghét, sợ sệt và coi cái chết là một xìcăngđan. Chính vì vậy, khi đứng trước cái chết ta lập tức tỏ thái độ phản kháng và chống đối. Tuy nhiên, con người làm một hữu thể phải chết: trong bản chất con người vốn đã bao hàm sự chết rồi.

 

Con người thời nay bị cái chết khó hiểu kia làm cho rối rắm. Bởi vậy, họ cố tránh để khỏi nghĩ đến nó nữa. Trong nền văn minh hiện nay, người ta tìm mọi cách để che giấu cái thực tế khủng khiếp ấy. Dù vậy, cái chết vẫn không ngừng tấn công chúng ta qua các tin tức mà chúng ta thâu lượm hằng ngày trong báo chí hay trên truyền hình: các tai nạn xe cộ hay máy bay, tai nạn sau cuộc vui, các tội ác dâm đãng, các cuộc đánh bom khủng bố, hoả hoạn, tự tử, mưu sát, và nhiều việc khác nữa.

Chết là kết liễu hay là khởi đầu tuỳ theo quan điểm của mỗi người. Đối với một số người, chết là đi vào hư vô. Nhưng nếu thế thì tại sao chúng ta lại mang lấy ước vọng vô biên trong mình? Tại sao chúng ta cứ mãi khao khát tình yêu? Tại sao ta lại phản kháng khi có người nói rằng cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì? Nếu quả đúng chết là hết, thì chúng ta là những con người bất hạnh nhất.

 

Trái lại, đối với người Kitô hữu, cái chết không phải là một lỗ hổng đen ngòm nuốt chửng các hy vọng của chúng ta, nhưng nó là một lối đi đến sự sống, một đường hầm dẫn tới vùng ánh sáng, là cuộc hạnh ngộ vĩnh viễn với những người mà ta từng yêu dấu và đã đi trước chúng ta trong đức tin, là hạnh phúc không cùng với Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương ta.

 

Quả thế, phần hồn không thể bị tan rã như thể xác. Hồn thống trị thời gian. Nếu trong ta có một thực tại vượt lên trên thời gian và bá chủ nó, thì khi chúng ta chết, làm sao thời gian có thể thống trị và đẩy ta vào hư vô được? Đây chính là điều mà những người sơ khai đã linh cảm thấy khi chôn cất người chết với các nghi lễ an táng hẳn hoi.

 

Chúng ta được dựng nên để sống và để vui. Đó chính là điều mà mùa xuân nhắc nhở ta khi nó khiến đất đâm chồi nở hoa sau mùa đông chết chóc.

 

2. Sự sống đã chiến thắng cái chết

Vâng, điều này đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại. Sau khi trải qua nỗi lo âu và sợ sệt, Người đã nhận lấy cái chết như chúng ta. Cái chết của Đức Kitô có rất nhiều chi tiết giống với cái chết của mọi người. Đó là một cái chết từ ngoài ập đến, như một tai nạn: Người bị kết án như những người khác, và chết khi đang ở tuổi sung sức.

 

Là người công chính, nhưng phải chết treo trên giá treo của kẻ sát nhân. Sau khi đã rao giảng đức hiền hoà, sự bình an, sự công chính, Người lại phải chết vì bạo lực, bất công. Người bị phản bội, bắt giữ, xét xử, bỏ rơi, đánh đòn, chế nhạo, và đóng đinh trên thập giá.

Tuy nhiên, cái chết của Người là cái chết tự nguyện. Chính Người thí mạng mình chứ không ai cướp được nó. Người đã quyết định hiến mạng cho các bạn hữu. Khi làm thế, Người đã vượt lên trên cái chết. Đức Giêsu đã chiến thắng cái chết bằng cách ban cho nó một ý nghĩa, đó là biểu hiện của một tình yêu lớn lao hơn.

 

Nhưng Đức Kitô Phục sinh đã chiến thắng tử thần, đó chính là nền tảng đức tin của chúng ta. Đó là một sự kiện có thật mà các Tông đồ quả quyết  và đã công bố, và các ngài sẽ không ngừng làm chứng cho dù phải vong mạng. Các ngài đã thấy lại Đức Kitô đang sống, đã đến với Người và ăn uống với Người. Người cũng chính là Đức Giêsu trước kia, dù nay đã đổi khác, không còn lệ thuộc vào những điều kiện không gian và thời gian nữa.

 

Sự Phục sinh của Đức Giêsu là một kinh nghiệm có một không hai trong lịch sử nhân loại. Nó chứng thực cho sứ mạng và giáo huấn của Người. Trước đó, không hề có người nào chết đi mà sống lại. Ladarô đã được Đức Giêsu làm cho sống lại, nhưng sau đó đã chết. Đức Kitô sống lại không giống như một tử thi hồi sinh. Đức Giêsu đã tiến vào một cuộc sống mới mà chúng ta chẳng hề có kinh nghiệm nào. Đức Kitô Phục sinh không còn chết nữa.

 

Như thế, có một con người, là Đức Kitô Con Thiên Chúa, đã trải qua kinh nghiệm: sự sống mạnh hơn cái chết. Đức Giêsu chiến thắng tử thần đã mở ra cho toàn nhân loại cảnh cửa hy vọng bao la. Chiến thắng của Người cũng là chiến thắng của chúng ta. Sự Phục sinh của Người là bảo chứng cho sự sống lại của ta vào thời sau hết. "Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Người (Đức Giêsu) sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng làm cho chúng ta sống lại" (1 Cr 6,14). Ấy là một tin tốt lành, là trọng tâm của Tin mừng, là nền tảng cho ta hy vọng.

 

(còn tiếp)

QUESTIONS SUR LA VIE ET LA FOI của Jacques Lacourt
Imprimatur:  Đức Cha G. VANEL, Tổng Giám Mục Auch. 23.03.1990
Nguồn: dunglac.org

 

Email: gioitrevinhlong@gmail.com

TRANG GIA ĐÌNH

Nguyên tắc căn bản nhất của giáo dục là gì?

 

Hỏi: Vợ em mới có bầu lần thứ nhất, em vui mừng vì sắp được làm cha. Nhưng một điều làm em thấy rất khó là giữa hai vợ chồng không có cùng một quan niệm về giáo dục. Bà xã em thì muốn con em phải được lớn lên và giáo dục như vầy, như vầy theo sách vở. Bà xã em rất hãnh diện về cái mảnh bằng Cao Học Kinh Doanh của bả, và tự cho mình là biết nhiều về giáo dục. Còn em thì ngược lại, em quan niệm cái nguyên tắc giáo dục chính là vợ chồng phải thương nhau và làm gương cho con nhưng bà xã em không chịu. Tóm lại, vợ chồng em tuy không dám tự nhận là trí thức, nhưng cũng có bằng cấp đại học Mỹ, có lẽ vì vậy mà chúng em cứ lục đục nhau hoài. Xin cho chúng em biết nguyên tắc quan trọng nhất và căn bản nhất của giáo dục là gì? Tại sao? Xin cám ơn.

 

Bó tay

 

Đáp: Bó tay thân mến. Nếu người ta đã có Cao Học và "biết nhiều về giáo dục", thì kể ra cũng khó cho "bó tay" thật.

 

Một người có bằng cấp cao vẫn chưa phải là một người cha hay người mẹ tốt và biết cách giáo dục. Cha ông mình ngày xưa không có bằng Cao Học hay Tiến Sĩ nhưng đã giáo dục con cái rất hay. Các cụ nói: "Phúc đức tại mẫu". Hay "cha mẹ hiền lành để đức cho con". Bó tay đúng. Cái quan trọng nhất của cha mẹ là làm thế nào giáo dục con cái "nên người". Nên người bằng chính sự thương yêu, trung th ành của bố mẹ, và bằng chính những gương sáng của bố mẹ. "Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo". Nên nhớ điều này, nên người khác với nên ông hay bà bác sĩ, luật sĩ, nha sĩ, tiến sĩ hay bất cứ cái gì sĩ. Nhiều người làm đến đủ mọi thứ sĩ, nhưng vẫn bị thiên hạ khinh bỉ, coi thường vì đã không "nên người". Vậy:

 

Thứ nhất: Nguyên tắc quan trọng nhất và căn bản nhất của giáo dục là "Bố mẹ phải có một quan điểm đồng nhất với nhau về giáo dục."

 

Thứ hai: Nguyên tắc quan trọng nhất và căn bản nhất của giáo dục là "Bố mẹ phải có một quan điểm đồng nhất với nhau về giáo dục."

 

Thứ ba: Nguyên tắc quan trọng nhất và căn bản nhất của giáo dục là "Bố mẹ phải có một quan điểm đồng nhất với nhau về giáo dục."

 

Nếu bó tay và bà xã có hỏi đến trăm lần nguyên tắc quan trọng nhất và căn bản nhất của giáo dục là gì thì người phụ trách cũng vẩn trả lời: "bố mẹ phải có một quan điểm đồng nhất với nhau về giáo dục."

 

Chúc bó tay và bà xã biết ngồi lại với nhau, chia sẻ với nhau về kiến thức và hiểu biết của mình để sớm có một sự đồng thuận với nhau trước khi em bé chào đời. Người có cao học ít nhất cũng phải hiểu hai chữ "đồng nhất" trong trường hợp này.

 

Trần Mỹ Duyệt,  giadinhnazareth.org

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

 

BÀI 2. GẮN BÓ VỚI GIÁO HỘI

 

Khi giáo lý viên đã yêu mến Chúa Kitô thì không thể không yêu mến Giáo hội là thân thể của Người. Cũng như đầu và thân thể nối kết và truyền thông sự sống cho nhau thế nào, Chúa Kitô và Giáo hội cũng liên kết mật thiết với nhau như vậy. Hơn nữa, qua Giáo Hội, Thiên Chúa còn ban cho chúng ta sự sống thần linh của Người. Vì thế, yêu mến Giáo Hội là một bổn phận tự nhiên cũng giống như bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Lòng yêu mến này được cụ thể hóa bằng thái độ vâng phục các vị chủ chăn, biết bênh vực đường lối của Giáo Hội và cộng tác với Giáo Hội trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng.

 

1.    VÂNG PHỤC GIÁO HỘI

 

Lòng vâng phục Giáo Hội không chỉ là một tình cảm tự nhiên và trần thế, nhưng trước hết bắt nguồn từ đức tin vì Giáo Hội là Thân thể Chúa Kitô và chính Đức Kitô đã trao quyền cho Giáo hội khi xác định điều này : "Ai nghe các con là nghe Ta, ai không nghe các con là không nghe Ta. Ai không nghe Ta là không nghe Đấng đã sai Ta" (Lc 10, 16). Như vậy Giáo Hội là người trực tiếp thay quyền Chúa, luôn chỉ cho chúng ta con dường phải đi để đạt được ơn cứu độ. Vì thế lòng vâng phục của chúng ta đối với Giáo Hội phải trọn vẹn và đượm tình con thảo.

 

Ngày nay, vâng phục Giáo Hội là một điều khó đối với một số người. vì Giáo Hội tại thế thường phải dạy dỗ và hoạt động trong những hoàn cảnh lịch sử rất khó khăn và tế nhị. Giữa một xã hội đầy kích động và hỗn độn, giáo huấn của Giáo Hội bị coi thường hoặc bị phi bác. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng Giáo Hội luôn đi sát Tin mừng Chúa Kitô và qua Giáo Hội, Chúa Giêsu tiếp tục dạy dỗ ta. Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi lời dạy dỗ hay hành động của các vị chủ chăn đều đúng, đều hợp thời. Nhiều khi những hoàn cảnh phức tạp làm cho các ngài có những quyết định mà ta khó chấp nhận, nhưng dù sao, các ngài không bao giờ muốn làm gì thiệt hại đến ơn cứu độ của người khác. Vậy khi có những bất đồng với các vị chủ chăn, giáo lý viên nên khiêm tốn đối thoại, kiên nhẫn chờ đợi, đôi khi phải từ bỏ cả ý riêng và tìm cách khám phá ra ý Chúa trong lời các ngài dạy bảo để vâng phục và cộng tác trong tinh thần xây dựng, vì tin rằng Thiên Chúa quyền năng có thể biến những điều dở thành điều lợi ích cho chúng ta và Thiên Chúa có thể dùng những điều thế gian cho là điên dại để làm nên những việc lớn lao.

 

Trong tâm tình người con, giáo lý viên không chỉ vâng phục cách máy móc theo lệnh từ trên ban xuống nhưng còn nhạy cảm trước mọi nhu cầu của Giáo Hội. Vì là một thành viên trong Giáo Hội, giáo lý viên luôn đồng cảm vối Giáo Hội, nghĩa là cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn chung và nhất là luôn giữ thái độ ủng hộ Giáo Hội bằng cách hưởng ứng tích cực việc thực thi và truyền đạt giáo huấn của Giáo Hội.

 

Sự vâng phục mà Giáo Hội mong muốn nơi con cái mình sẽ không giết chết sáng kiến và tinh thần trách nhiệm của mỗi người. Trái lại sự vâng phục sẽ là cơ hội để thể hiện những sáng kiến hay đẹp của mình đối với các huấn lệnh của Giáo Hội.

 

2. BÊNH VỰC GIÁO HỘI

Ngày nay Giáo Hội luôn bị tấn công và hiểu lầm, nhiều người không còn tin vào Giáo Hội vì cho rằng trong Giáo Hội cũng đầy những gương xấu. Thật ra, Giáo Hội là Dân Thánh của Thiên Chúa nhưng vì Giáo Hội có một tổ chức hữu hình, luôn mang một bộ mặt trần thế, nên có thể có những lỗi lầm do những con người trong Giáo Hội gây ra. Hiến chế về Giáo Hội đã khẳng định : Giáo Hội là Thánh nhưng từ trong lòng Giáo Hội có những người con tội lỗi (Giáo Hội số 8). Vì bao lâu còn trên đường lữ thứ trần gian, Giáo Hội còn tiến bước giữa những cám dỗ (Giáo Hội số 9). Thêm vào đó đôi khi Giáo Hội lại sửa dạy những điều trái ngược với ý riêng của nhiều người, nên dễ bị chống đối.

 

Nhìn lại lịch sử Giáo Hội, chúng ta chấp nhận rằng Giáo Hội vẫn có những sai sót, phạm lỗi, bởi vì Giáo hội luôn ôm ấp trong mình những con người thiếu sót, nhưng hằng ngày, chính Giáo Hội không ngừng sám hối cho con cái mình. Bản chất Giáo Hội là thánh thiện và sự thánh thiện này đã được bộc lộ qua lối sống gương mẫu của biết bao vị thánh. Do đó Giáo Hội vừa thánh thiện vừa phải luôn nhắc nhở chính mình, luôn ý thức thân phận hữu hạn và tội lụy của mình để không ngừng sám hối và canh tân (Giáo Hội số 8).

 

Giáo lý viên là người, qua Giáo Hội, được Chúa sai đi rao giảng, nghĩa là được ở với Người và được tham dự vào công việc của Người. (Mc 3,14) Vì thế, trong mức độ của mình, giáo lý viên có bổn phận bênh vực Giáo Hội, không phải bằng các cuộc đấu khẩu hay chiến tranh nhưng bằng việc phổ biến giáo lý lành mạnh của Giáo Hội và bằng cách sống gương mẫu. Chúng ta đừng quên rằng sự toàn hảo của Giáo Hội lệ thuộc vào hạnh kiểm của chúng ta.

 

(Còn tiếp)

 

Nguồn: mancoichihoavn.com, Huấn Luyện Giáo Lý Viên

TRANG QUỚI CHỨC

CHỨC NĂNG TƯ VẤN

 

Ban Quới Chức có thực quyền, nhưng là quyền tư vấn cho cha sở, chứ không phải là quyền quyết định. (Điều lệ Quới Chức Giáo phận Vĩnh Long, chương II, điều 6).

 

Tư vấn là gì ?

Phát biểu ý kiến về những vấn đề được hỏi đến, nhưng không có quyền quyết định » (Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng 1998).

 

Định hướng xây dựng và phát triển họ đạo là nhiệm vụ của cha sở. Việc này không đơn giản chút nào. Không thể đi đến một họ đạo nào đó, thấy ở đó có mô hình hoạt động như thế rồi bắt chước, mang về họ đạo mình ''sao y bản chánh'',  thế là xong !

Đâu đơn giản như thế ! Công việc mục vụ tại một họ đạo có thể ví như việc trồng cây trên một mảnh đất. Cần phải xem đất đó là loại đất gì: đất gò hay trũng, đất sét hay cát ....từ đó mới xét xem trồng được loại cây gì. Chọn không đúng loại cây phù hợp thì dù có bỏ ra bao nhiêu công sức cũng thành công cốc.

 

Mỗi một họ đạo bám rễ trên một vùng đất khác nhau, ảnh hưởng môi trường tập quán địa phương khác nhau, vì thế ít nhiều người giáo dân cũng bị ảnh hưởng đến cách sống, cách sinh hoạt của địa phương đó. Ví dụ: hoàn cảnh địa lý: thành thị hay nông thôn, vùng sâu vùng xa ; hoàn cảnh kinh tế, trình độ văn hoá ;  truyền thống đạo đức... Chính vì thế để phát triển họ đạo, không thể bỏ qua những điều này, mức độ ảnh hưởng của nó, những gì đang có cần phát huy, những gì cần phải loại bỏ....

 

Những điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của cha sở trong đường hướng mục vụ. Thế nhưng cha sở thường không phải là người địa phương, không lớn lên trong môi trường của họ đạo, vì thế nếu không bàn hỏi với Ban Quới Chức, quyết định của ngài sẽ thiếu chính xác, mục tiêu quá cao, giáo dân sẽ cảm thấy khó thở; mục tiêu quá thấp, họ đạo sẽ ù lì, thụt lùi...

 

Vì thế chức năng tư vấn của Ban Quới Chức có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của họ đạo, tuy bề ngoài, nó nằm ở quyết định của cha sở nhưng ẩn trong đó có nhiều bàn tay và khối óc của những người trợ thủ của ngài. Ông bà mình có nói: một cây làm chẳng nên non là như thế.

Phát biểu ý kiến thì ai cũng có thể, nhưng quan trọng là chất lượng của ý kiến đó. Chỉ đường cho một người trong khi mình chưa rành rẽ về con đường đó sẽ có thể làm cho người khác bị lạc. Đóng góp ý kiến thì cần phải chính xác và phải hữu ích. Muốn thế mỗi Quới Chức cần phải có đời sống nội tâm. Phải biết nhìn một cách thấu đáo, biết suy nghĩ tận tường đừng hời hợt bên ngoài và hơn nữa phải có khát vọng làm cho họ đạo được thăng tiến.

 

Một con én không làm nỗi mùa xuân. Cha sở anh chị em không có trăm tay nghìn mắt. Tuy có những lúc ý kiến của anh chị em không được chấp nhận, thế nhưng không phải nó trở nên vô ích, bởi nó góp phần vào sự lựa chọn của cha sở. Chọn lựa thì phải có nhiều, nếu có một thì sao gọi là lựa. Cái không được chọn chưa hẳn là vô ích, có thể là nó không phù hợp ở đây, lúc này nhưng lúc khác thì sao ? Đừng nãn lòng, hãy tích cực đóng góp ý kiến sao cho thật bổ ích cho họ đạo của mình.

SỐNG ĐẸP

10 BÍ QUYẾT ĐỂ GIỮ TÂM BÌNH AN

  1. Giảm thời lượng đọc sách báo, xem ti vi.
  2. Tránh xa những cuộc đối thoại tiêu cực và người tiêu cực.
  3. Đừng ôm ấp hận thù và sự giận dữ. Học cách quên lãng và biết tha thứ.
  4. Đừng ganh tị với người khác. Ganh tị có nghĩa là chúng ta có tự trọng thấp, và tự xem mình thấp hơn người khác.Điều nầy một lần nữa làm cho thiếu vắng sự an bình nội tại.
  5. Hãy chấp nhận những gì không  thể thay đổi. Điều nầy tiết kiệm rất nhiều thời gian, năng lượng và lo lắng.
  6. Mỗi ngày chúng ta đối diện với vô số sự phiền phức, sự cáu kỉnh, và những tình trạng ngoài sự kiểm soát. Nếu chúng ta có thể thay đổi chúng,điều ấy thật tốt, nhưng điều nầy không phải luôn luôn có thể thực hiện chúng, phải học gói ghém những thứ như vậy và chấp nhận chúng một cách thân ái..
  7. Hãy học kiên nhẫn hơn và tha thứ bao dung hơn với con người và sự việc.
  8. Đừng ôm lấy mọi thứ một cách quá cá nhân, một số cảm xúc và vô tư tinh thần là đáng mong ước. Hãy cố gắng nhìn cuộc đời chúng ta và những người khác hơi vô tư hơn và ít liên lụy hơn. Vô tư không phải là dững dưng, thiếu sự thích thú hay lạnh lùng. Nó là khả năng để suy nghĩ  và phán đoán công bằng, hợp lý. Đừng lo lắng nếu chúng ta thất bại lần nầy rồi lần nữa trong biểu hiện vô tư. Hãy giữ sự cố gắng .
  9. Hãy để dĩ vãng trôi vào quên lãng. Hãy quên đi quá khứ và tập trung vào giây phút hiện tại. Không cần phải khơi dậy ký ức không vui và tự đắm mình trong chúng.
  10. Thực hành một số bài thực hành tập trung. Điều nầy giúp chúng ta loại bỏ những suy tư không vui và lo lắng phiền muộn đã đánh cắp tâm tư hòa bình của chúng ta. Hãy thực hành Thiền quán. Ngay cả một vài phút trong một ngày sẽ làm nên sự thay đổi trong đời sống của chúng ta.

Tuệ Uyển dịch theo PEACE

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

 

Tựa vào ca dao

 

Ngày trước, hơn 90% dân ta không được tới trường, vậy mà ông cha ta vẫn luôn biết kính trên nhường dưới, sống chan hòa với nhau như bát nước đầy. Yếu tố nào góp phần làm nên con người như thế?

 

Tôi được sinh ra và lớn lên từ gốc rạ, bây giờ đã hai thứ tóc trên đầu. Đêm nằm gác tay lên trán, nghĩ về quê hương bản quán, về những con người chơn chất một nắng hai sương và phần lớn một chữ cắn đôi cũng không có mà lại rất tinh thông trong việc dạy dỗ con cháu. Hồi tôi vào đệ lục (lớp bảy bây giờ), học được câu "Il faut tourner sa langue sept fois avant de parler" (Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói), sướng lắm! Về nhà, tôi bỏ gần một buổi, nắn nót viết câu ấy lên tờ giấy khổ lớn, treo trước bàn học. Mẹ hỏi, tôi bèn đọc lên và giải nghĩa rành mạch ra chiều thông thái. Nào ngờ, bà phán: "Lưỡi mà uốn bảy lần thì gãy lưỡi chớ nói năng chi được. Muốn rứa thì con viết: "Lời nói không mất tiền mua / Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" vừa có vần vừa dễ nhớ...".

 

Bây giờ, mẹ tôi gần 90 tuổi nhưng vẫn tinh thông. Một lần có việc nhờ cậy, tôi đi tới đi lui bao lần mà vẫn chưa xong nên đâm ra bực mình, than vãn. Mẹ lại an ủi: "Qua sông thì phải lụy đò, chứ con! Mang cái bực tức vô người làm chi cho mệt. Ở đời, trời hại mới hư / Còn ai có hại cũng như phấn dồi. Con cũng lớn tuổi rồi, tập quên cho khỏe thần hồn".

 

Nghe mẹ nói, tôi chợt nhớ bà con ở quê từ xưa tới nay dạy dỗ con cháu bằng ca dao, tục ngữ chứ chẳng phải bằng chữ nghĩa cao siêu. Thế mà rất hiếm gặp ở họ lối hành xử vô đạo, thất lễ. Họ sống với nhau như bát nước đầy.

 

Lúc nhỏ, mỗi lần tôi làm việc gì mà mẹ không vừa ý thì bị rầy la: "Đánh con chó, con mèo hay / Mẹ la con mẹ, thằng cày biết thân, huống chi mẹ dạy con nhiều lần mà con vẫn không nghe". Bà con chòm xóm của tôi cũng thế. Hễ nghe con cháu về thuật lại chuyện ai đó "nổ" thì họ "hãm phanh" ngay kẻo con cháu học theo: "Ở nhà nhất mẹ, nhì con / Ra đường có lắm kẻ giòn hơn ta"; thậm chí có lúc cứng rắn hơn: "Bảy mươi chưa khỏi hết què / Đừng nhơn nhơn mặt mà khoe mình tài". Họ luôn dặn dò con cháu đừng hống hách: "Nói sao phải phải phân phân / Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa".

 

Hồi cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Sài Gòn có sức hấp dẫn rất lớn đối với những người trẻ ở quê. Thực tế, ai can đảm vượt ra lũy tre làng đến làm ăn ở Sài Gòn một thời gian, khi về đều có quần áo bảnh bao, tóc tai mướt rượt. Nhưng thật ra, trong số ấy thành công rất ít, bởi họ ít học, chẳng có nghề. Một số người chịu khó và có chút ít may mắn nơi xứ người, khi về quê nhà "nổ văng mảnh" cho rằng mình khôn còn thiên hạ dại, liền có người răn đe ngay: "Đèn khoe, đèn sáng hơn trăng / Khi đứng trước gió, đèn lăn ra nằm". Người ủng hộ thì cho đó là sự ganh ghét: "Thương nhau, cau sáu bổ ba / Ghét nhau, cau sáu bổ ra làm mười". Thói đời, "Yêu nên tốt, ghét nên xấu", "Hồi thương, củ ấu nói tròn / Hồi ghét, trái bòn bon nói méo"...

 

Dường như nhà nhà đều dạy con cháu "Đói cho sạch rách cho thơm", "Tốt danh hơn lành áo", "Giấy rách phải giữ lấy lề"... Bà con quê tôi chẳng ai cao sang gì nhưng đều hiểu cái "lề" ấy chính là đừng làm hèn mình, đừng để người ta khinh. Riêng cha tôi, những ngày nông nhàn, ông tay bay,  tay thước,  đi làm thuê kiếm thêm tiền nuôi mấy anh em tôi đi học. Dù vậy, ông vẫn thường dạy: "Ví dầu nợ bắt nợ đòi / Phong lưu vẫn giữ cái nòi phong lưu". Ngày đó, cứ nghĩ cha nói cho oai nhưng khi vào đời, tôi mới biết ấy cũng là cái "lề" mà con người cần phải giữ.

 

Đỗ Gia Hạnh, nld.com.vn

 

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

Mẹ vui vì con đã hiểu!

Khi nghe con nói: "Mẹ bận quá thì dặn bác Năm đón con cũng được", mẹ rất ngạc nhiên. Bác Năm là bác xe ôm thường đậu rước khách trước cửa nhà mình. Trước đây, khi có việc bận đột xuất, mẹ thường nhờ bác đưa đón anh Hai nên nhà mình trở thành "mối ruột" của bác. Đến khi anh Hai tự đi xe đạp, bác Năm bị "mất mối" luôn.

Rồi con vào lớp 6. Nhiều lúc bận quá, mẹ không đón kịp, bắt con phải chờ. Chính vì vậy, ba mẹ mới nhờ bác Năm đưa đón những khi không thể thu xếp công việc. Con không chịu: "Nếu không đưa con đi được thì ba mẹ mua xe đạp để con tự đi". Làm sao ba mẹ dám để con đạp xe đi trong tình hình giao thông lộn xộn, nguy hiểm như thế này? Mẹ dỗ dành mãi không được nên mắng con: "Bác đưa cũng như ba mẹ đưa. Tại sao lại  không chịu?". Con vùng vằng: "Áo bác Năm hôi lắm. Với lại, hôm trước, bạn con tưởng bác là ba con...".

Ra là con mắc cỡ với bạn bè vì chúng lầm tưởng con là con của bác xe ôm! Ba mẹ may mắn có công việc ổn định, cuộc sống đàng hoàng; bác Năm không được như vậy nên phải đầu tắt mặt tối, suốt ngày dầm mưa dãi nắng. Nhưng con của bác cũng học đại học, cũng nên người. Các anh chị ấy chẳng những không xấu hổ mà luôn tự hào về cha của mình.

Khi mẹ nói với con những điều đó, con im lặng. Nhưng những lần sau, mẹ không thấy con vùng vằng, khó chịu, mỗi khi phải ngồi sau xe bác Năm nữa. Chính vì vậy khi nghe con bảo: "Để bác Năm đón con cũng được", mẹ rất vui. Mẹ vui vì con của mẹ đã nhận ra được đâu là giá trị thật của một con người...

Đinh Lan, nld.com.vn

3525    24-04-2012 20:49:23